Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Vườn Thu

Vườn nhà ai thật đẹp
Để nao lòng trải thu
Gió vô tình mở, khép
Để lá vàng phiêu du

dovaden2010
 





 
Ảnh: Kim Phượng

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Tâm Hương Thành Kính

Thành Kính Phân Ưu cùng Tang quyến Thầy Chân Diện Mục. Và nguyện cầu Hương Linh Thầy sớm an vui nơi cõi Vĩnh Hằng.
 

Trống động trời lay vắng bóng Thầy
Bao lời khẳng khái hãy còn đây
Tình thâm nghĩa trọng luôn gìn giữ
Thơ Thẩn Vườn Thơ phủ áng mây

Để lại cho đời bao tiếc thương
Biết rằng sinh tử lẽ vô thường
Mà sao không thể ngăn dòng lệ
Trọn kính dâng Thầy một nén hương

Kim Phượng


Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Này Thu!

Này Thu!
Có phải thu là cung đàn muôn điệu
Theo tiếng lòng réo rắt những thanh âm
Bắt được tiếng lòng từ cõi xa xăm
Cùng hòa nhịp bản tình ca muôn thuở
Hay...
         thu là ngã rẽ của lòng






Thơ & Ảnh: Kim Phượng


Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Hoa Chùm Gởi


Con kinh vắng bóng thuyền tàu
Chung quanh chùm gởi bám vào nhánh cây
Cỏ xanh dày đặc bao vây
Đường đi vắng vẻ nơi đây rất buồn
Niềm riêng sâu kín trào tuôn
Ngày đông lạnh lẽo cuốn cuồng bước chân
Nhìn hoa rồi lại tủi thân
Khác nào chùm gởi sau lần xa quê

Thơ & Ảnh: Huỳnh Phương Trạch

 

 

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Đời Đã Vào Thu


 

Ẩn trong khóe mắt hồ thu ấy
Cả một trời xưa dáng hao gầy
Giá mà con tạo không dần chuyển
Nghìn năm sóng mắt giữ màu mây

Nhìn lá chao nghiêng nhẹ bên đường
Đấy phiến lá đời biết vấn vương
Xanh xanh sắc biếc thời hoa mộng
Ươm vàng màu chuyển bởi nhớ thương

Thu lại về trên những cánh nâu
Thời gian vùn vụt lướt bóng câu
Tang thương mỏi gánh hồn trĩu nặng
Tha hương vận lỡ mấy nhịp sầu

Trời giăng sầu… Đời đã vào thu!
Chiều nay lá trút quyện mây mù
Dang tay níu gió thôi ngừng động
Một lần xin sống tuổi ôn nhu

Kim Phượng
***
Cảm Tác

Ừ! Không ngờ đã sang Thu
Nỗi sầu hoa phượng cứ như theo Người
Hồn theo cánh lá chơi vơi
Hạ, rồi Thu, cũng theo Người mà đi..

dovaden1020 


Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Bỏ Mặc Đông


Mùa đông đến không buồn mà hẹn
Nỗi cô đơn thấm lén vào hồn
Tuổi hoàng hôn thời gian phơi bạc
Nửa đời hơn đất khách dừng chân

Mang nắng lên xoay dần giá buốt
Có tiếng người thôi thúc trong tim
Hãy cố quên dặm đường hiu quạnh
Cay đắng đời thầm lặng vội đi

Dĩ vãng xuôi lòng trầm giai điệu
Vắt máu tim khêu ngọn hồn già
Thoáng đóa hương cây đời tươi lá
Giữa mịt mùng bỏ mặc đông qua

Kim Phượng

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Đời Đã Vào Thu


 

Ẩn trong khóe mắt hồ thu ấy
Cả một trời xưa dáng hao gầy
Giá mà con tạo không dần chuyển
Nghìn năm sóng mắt giữ màu mây

Nhìn lá chao nghiêng nhẹ bên đường
Đấy phiến lá đời biết vấn vương
Xanh xanh sắc biếc thời hoa mộng
Ươm vàng màu chuyển bởi nhớ thương

Thu lại về trên những cánh nâu
Thời gian vùn vụt lướt bóng câu
Tang thương mỏi gánh hồn trĩu nặng
Tha hương vận lỡ mấy nhịp sầu

Trời giăng sầu… Đời đã vào thu!
Chiều nay lá trút quyện mây mù
Dang tay níu gió thôi ngừng động
Một lần xin sống tuổi ôn nhu

Kim Phượng

 

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Sau Giấc Ngủ Đông


 Sau mấy tháng ngủ đông, hôm nay thức dậy với một màu sắc mới.
Nắng Xuân đến rồi, em đi bộ, thấy đẹp nên chụp gởi cô xem.
Dễ thương ghê hé cô!



Ảnh: Vũ Thị Bạch Hằng

 Gừi Đến Cô Kim Phượng Hình Ảnh Đầu Mùa Xuân


Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Thân Thương

 

Trao nhau hai chữ thân yêu
Nhìn nhau mến chuộng nâng niu nhẹ nhàng
Cùng nhau dìu dắt bước sang
Thương nhau đâu dễ vội vàng lìa xa
Giúp nhau từng bước vượt qua
Hiểu nhau tha thứ như quà tặng ai
Dắt nhau chăm chút chẳng phai
Dìu nhau vai sánh mãi hoài không buông
Chờ nhau cùng bước về nguồn
Đợi nhau để chẳng có buồn riêng tư
Khuyên nhau như viết trang thư
Bênh nhau bất chấp những từ khen chê

Nguyễn Cao Khải

 

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Lục Bình

                  (Ảnh: Kim Phượng)


Ngày ngày lơ lững trên sông
Lá xanh bông tím mênh mông tư bề
Ngược xuôi theo nước đi về
Suốt ngày đây đó không hề thở than
Vượt qua sóng vỗ gian nan
Người nơi phố thị giàu sang quên mình
Cuộc đời khốn khổ bùng sình
Thân em trôi nổi Lục Bình là em

Huỳnh Phương Trạch 

 

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Tình Đầu Nho Nhỏ


Bài Xướng:

Tình Đầu Nho Nhỏ

Tình đầu nho nhỏ thuở còn thơ
Cũng khiến con tìm đến dại khờ
Ngày ấy ,tôi vừa tròn tuổi lính
Còn em vừa mới chớm niềm mơ

Thời gian lặng lẽ cứ dần trôi
Tôi bước chân đi viết sử đời
Xa cách từ đây người mỗi ngã
Tình đầu nho nhỏ giấu tim thôi!

Trải mấy thu tàn, thu lại thu
Quyết tâm giữ nước trước quân thù
Cầu mong quê Mẹ yên bình sớm
Để lối xưa về ngọt tiếng ru

Dừng chân phiêu bạt chốn phong trần
Trở lại mong tìm gặp cố nhân
Chốn cũ giờ đây nhìn quạnh quẽ
Người xưa lạc lối giữa tha nhân

Nhớ lại tình đầu nho nhỏ ơi!
Lòng tôi cảm thấy quá bồi hồi
Một thời kỷ niệm nào quên được
Nên khắc trong tim...trọn cuộc đời

songquang
20210227
***
Bài Họa:

Chuyện Tình Buồn


Câu chuyện tình buồn đượm ý thơ
Anh người sương gió kẻ nai khờ
Nàng còn chăm chỉ bên đèn sách
Bắt tội tim chàng lắm mộng mơ

Cứ thế thời gian thắm thoát trôi
Vô tư chân sáo bước trường đời
Thơ ngây vội khép đôi tà vạt
Tuổi học trò làm cô giáo thôi

Chưa tàn cuộc chiến đã tàn thu
Đất mẹ quê cha vẫn bóng thù
Mong ước một ngày không khói lửa
Hương thanh bình mẹ ngọt lời ru

Vận nước điêu linh động gót trần
Giữ màu cờ sắc áo quân nhân
Ngày lìa xa xứ đành đôi ngả
Biết đến bao giờ gặp cố nhân

Lối về đã mất lối người ơi
Vết cứa con tim chửa phục hồi
Khép lại chuyện tình không đoạn kết
Hoa trôi sóng nước giữa dòng đời

Kim Phượng

 

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Thời Gian Tựa Cánh Chim Bay

Mây se màu áo xanh vừa
Ôm tròn kỷ niệm vẫn chưa phai mờ
Đàn lòng réo rắt cung tơ
Bậc thương hoài cảm động hờ con tim
Hồn xưa níu bước chân chim
Tuổi nào vừa thoáng gợi niềm nhớ nhung 

 
    Thời gian trôi quá nhanh, mới đó mà đã hơn 40 năm. Trong tình cờ, qua tấm ảnh, lớp Kỹ Thuật Vĩnh Long – Khóa 72 của các em, cô trò lại có duyên “gặp gỡ”. Tấm ảnh vô tri, nhưng người trong ảnh mang một linh hồn sắc sảo, đã lay động mãnh liệt con tim tôi, kẻ hơn mấy mươi năm xa các em và hơn nửa đời sống trên đất khách. Giờ đây, muốn nói, cũng không lời…, mặc cho dòng lệ đang âm thầm lăn dài trên đôi má của cô giáo năm xưa.

(Kỹ Thuật Vĩnh Long - Khóa 1972)
(Chụp trước văn phòng KTVL- cơ sở 2 - năm 1973)
Ảnh: Đoàn Văn Quân, KT 72
Từ trái sang phải...

- Hàng ngồi: Huỳnh Văn Vẹn, Mai Văn Thành, Trần Quốc Thành, Từ Văn Quân, Trần Ngọc Ẩn, Nguyễn Minh Châu, Đoàn Văn Quân, Nguyễn Hồng Nhân.

- Hàng Đứng: Trịnh Điền Sơn, La Văn Khoa, Trần Hữu Phước, Võ Văn Mỹ, Hà Nhất Tâm (đã qua đời), Huỳnh Phương Trạch, Trần Duy Linh, Nguyễn Công Văn (đã qua đời), Đỗ Thành Luông, Nguyễn Văn Triều, Hứa Phước Hiền, Lý Chí Thiện, Nguyễn Quang Trung, Lê Thanh Hồng.

    Vào năm ấy, niên khóa 1975, nhà trường đề nghị tôi phụ trách lớp 11A. Tôi vừa ngần ngại lẫn lo âu. Bởi, hầu hết các em từ trường Kỹ Thuật Nông Thôn “đổ về” kia, nhỏ hơn tôi chỉ đôi ba tuổi, nhưng cao hơn cả cái đầu. Tôi, “Cô giáo ô đen”, “Cô giáo gì nhỏ xíu”..., cái danh người Vĩnh Long đặt cho. Tôi, với sở thích mặc đúng mốt, hợp thời, chiếc áo dài ngắn đến gối và quần ống loa may bằng vải xéo khá rộng. Bây giờ, nhận lãnh vai trò “phụ trách lớp”, muốn đưa các em học sinh vào nề nếp, âu cũng là điều khó cho cô giáo. Nhưng, cô Trinh người phụ trách lớp 11B, dạy cùng trường đã trấn an, “Lớp 11A ngoan hiền lắm đó Phượng”. Thôi thì, cố tình “già” đi một tí, để xứng với vai trò mới của mình.

    Trong buổi đầu, muốn đưa các em vào khuôn, tôi phải tự khép mình trước. Sáng thứ Hai, dù không có giờ dạy, tôi vẫn vào trường, cùng các em dự lễ chào cờ trong trật tự. Mỗi tuần có một giờ Thể dục nhất định. Sáng sớm, sương mai còn đọng trên cỏ non, tôi đã cùng các em tập những động tác để rèn luyện cơ thể. Các anh bạn đồng nghiệp thường hay cười nhạo tôi rằng… “Có đứa nào ra vẻ là học trò của cô đâu, chúng cao hơn cô cả cái đầu”. Tôi chỉ biết đáp lại bằng nụ cười. Giờ lao động, các em được tự chọn lựa. Đó là thời gian sau giờ học. Sân trước của Xưởng là nơi dùng để thực tập, học đi đôi với hành. Mảnh đất nhỏ ấy, mọc nhiều cây mắc cỡ, thân có gai nhọn, bò sát trên mặt đất và bám đầy sâu rọm. Những con sâu rợn người đó, đã ám ảnh tôi, len cả vào giấc chiêm bao. Mỗi khi nghĩ đến chúng, nỗi kinh hoàng như còn mới nguyên. Thế mà, sau đôi ba ngày cuốc xới, lên liếp, chọn giống để trồng. Rồi cả lớp chia phiên, bón phân, tưới nước, chăm sóc. Và chỉ trong thời gian ngắn đã biến nơi này thành “vườn rau”, xanh um một màu.

    Đối với các em xa nhà, đến từ muôn phương, ở nội trú tại Ký túc xá, được cô giáo ưu đãi hơn. Cách vài hôm, cô Trinh lại rủ rê...

- Phượng, tối nay rảnh không, đi thăm mấy thằng con của mình?

     Tiếng “mấy thằng con” từ Trinh thốt ra, hình như hợp với cô ấy. Riêng tôi, nếu so vóc dáng và tuổi đời của các em, thì “mấy thằng con”, quả là... buồn cười. Thời gian đi thăm các em ở nội trú, là những giây phút cảm động đến khó quên. Cô, trò cùng ngồi bệt dưới đất, tâm sự, chia sẻ vui buồn, nỗi vất vả và những được mất của kẻ xa nhà. Có dịp quan sát nơi ăn, chốn ở của các em, tôi không khỏi chạnh lòng và đó là lúc tôi cảm nhận được thế nào là “mấy thằng con” mà Trinh dùng ám chỉ các em học sinh. Mọi thứ, các em phải tự túc, thiếu vòng tay âu yếm chăm sóc của mẹ, vắng sự dạy dỗ ân cần, răn nghiêm của cha. Đến thăm các em, tôi chỉ nâng đỡ phần nào về mặt tinh thần. Và những lần từ giã ra về, nhìn nét hồn nhiên, nụ cười tươi trên môi của các em, tôi nao nao, bỗng so sánh với các cô em gái của mình. Chúng cùng lứa tuổi, nhưng các em tôi đang ở trong vòng tay êm ái của ba má.

    Các em đã gợi tôi nhớ, đưa tôi trở về thời ở trọ, những ngày cơm bữa đói bữa no, trong thời gian miệt mài nơi ngưỡng cửa Đại Học. Có lẽ vì cùng cảnh ngộ, nên cô trò chúng tôi, trở nên thân thiện hơn. Ngoài những giờ học trong lớp, tôi có dịp gần gũi với các em, qua những công tác làm sạch sẽ, trang trí, sơn phết lại tường lớp và cả những phạm vi ngoài cổng trường. Trong một lần đi dọn dẹp, làm đẹp ngoài đường phố. Thình lình, một tiếng nổ đâu đó phát ra. Có em đã đùa...“Cô thấy không, còn một chút nữa là chết thằng già này rồi!”. Vào những buổi họp lớp, theo nội quy của nhà trường, vấn đề được đưa ra là đồng phục và đầu tóc phải cắt ngắn, gọn gàng. Ở độ tuổi mới lớn, cái gì càng cấm, chúng càng làm cho thỏa chí. Có em mặc áo đến 6 tháng chưa hề giặt, không ngoài mục đích được yên thân. Nhờ cái mùi khó ngửi đó, các em sẽ không bị thầy cô gọi lên khảo bài. Muốn có mái tóc dài giống tài tử, thích làm đẹp, các em có ngàn lý do để viện ra. Và lần đáng nhớ nhất là, cô N. phó phụ trách lớp, nêu tên một học sinh và buộc phải cắt ngắn mái tóc. Em ấy được mời đứng giữa lớp, quay một vòng cho mọi người xem, chẳng khác nào một màn “trình diễn thời trang”, khá sôi nổi. Em ấy vẫn khăng khăng, tóc dài vì chưa tìm được thợ cắt tóc vừa ý. Thật lòng mà nói, mái tóc của em, không đến nỗi gọi là dài, nhưng cuối cùng, em đã bằng lòng với tôi “khuôn mặt em để tóc dài trông mới đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn khi em cắt ngắn vì tập thể...”. Cuối cùng, em ấy vui vẻ chấp nhận và hứa sẽ cắt ngắn mái tóc. Em của tôi ngoan thế đấy!

    Phía sau trường Kỹ Thuật Vĩnh Long là một vùng trống, nước lấp xấp với đầy cỏ dại. Lớp 11A được phân công làm sạch. Cả lớp đều ùa xuống nước. Ngoại trừ, cậu học trò có mái tóc dài kia, đứng lóng ngóng trên bờ. Tôi bảo em xuống phụ giúp các bạn. Chuyện gì đã xảy ra..!?

- Vừa thôi! Em trả lời tôi bằng hai chữ ngắn gọn.

- Nếu em không xuống giúp các bạn thì cô xuống. Bằng giọng nhỏ nhẹ, bình thản, tôi đáp lại.

Thật ra tôi rất sợ đĩa, đĩa bám vào chân chắc tôi chết. Nhưng không còn cách nào khác đối với em, tôi đã nghĩ như vậy và đưa tay xắn ống quần lên cao. Nhưng…

- Cô đừng xuống nước, để em xuống.

     Trải qua những giây phút gay cấn, đối đầu với tính bướng bỉnh của học trò. Tôi bỗng nhớ lại, ngày xưa tôi có thua gì các em đâu, cũng thích phá phách thầy cô. Rơi vào tình huống như thế, xem ra tình cô trò của lớp 11A, dễ cảm thông nhau hơn là uy quyền cứng ngắc của người phụ trách. Điều đó hiển nhiên và tôi cảm nhận được khi nhìn thấy các em ngày một chăm chỉ, ngoan ngoãn, hơn hẳn buổi đầu rất nhiều, hơn những gì mà tôi mong đợi.
 
    Đối với các em học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long của tôi nói chung và lớp 11A nói riêng, có biết bao kỷ niệm êm đềm, khó quên, khi hồi tưởng. Tấm hình chụp chung, cô trò lớp 10 I cùng dòng chữ lưu niệm, do các em trao tặng, thật đáng trân quí. Hình ảnh và lời lưu niệm ấy... sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời. Và con, và cháu của tôi sau này có dịp nhìn lại bóng “mẹ”, hình “bà” của chúng, của thời xa xưa khi tôi vừa bước chân vào trường đời.

Lớp 10 I niên khóa 1974 - 1975

     Sau này, cô học sinh thắt bím ngày xưa Vũ Thị Bạch Hằng, cho tôi biết, tấm ảnh tôi đứng trên chiếc cầu bắc ngang hai dãy lớp của trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, được mang tên rất thơ “Cầu giao duyên”. Thảo nào các em cứ nằng nặc... “cô ra đứng giữa cầu, chụp mới đẹp”.

Khi tôi buồn hay mơ về trường cũ
Kỷ niệm một thời im ngủ trong tim
Hoa học trò rực trời một cõi
Mắt reo vui chung ngõ lối vào
Kỹ Thuật hôm nao thời dĩ vãng
Tàng cao cánh phượng có còn lay
Cầu giao duyên đôi bên nối lại
Thổn thức tim ai giấc mộng đầu


Cô Phượng trên chiếc “Cầu giao duyên”
 
    Có những em chưa từng học với tôi, nhưng thân thiết hơn trong lần đi Bến Giá. Các nữ sinh phụ trách phần nấu nướng, chuẩn bị và dự trù đầy đủ thức ăn trong thời gian ở đó. Đồ ăn thức uống cần ngon, tươi, giá lại hời, tất nhiên là phải mất nhiều thời gian chọn lựa. Thật lòng mà nói, cô giáo lúc bấy giờ thua xa các em nữ sinh về môn Nữ Công Gia Chánh. Tôi chỉ biết theo các em đi chợ, các em đề nghị thế nào... cô giáo thấy hợp lý là bằng lòng ngay. Sau đó, chúng tôi cùng đến điểm hẹn và nam sinh có nhiệm vụ vận chuyển thực phẩm về trường. Vừa trông thấy tôi, các em nam nhoẻn miệng cười mà như dỗi hờn và hạ thấp giọng đầy trìu mến.

- Tụi em chờ cô như chờ má đi chợ về!

     Câu nói lẫy mà tình cô trò thêm khắn khít, thắm thiết hơn khi cảm nhận. Theo quy định trong chuyến đi Bến Giá này, thầy, cô, học sinh, mỗi người tự mang theo củi và gạo. Các em lớp 11A ra vẻ “anh hai” của tôi lắm. Các em dặn dò cô giáo, nào là...“Cô đem theo áo quần nhẹ mà bền để chống chỏi với gió mưa và mau khô”. “Cô đem theo một ít lương khô, phòng khi không thể nấu nướng.” Và còn trăm thứ dặn dò khác, “cô cần thế này...cô cần thứ kia...”. Đến ngày khởi hành, tôi có dịp “biết” về học sinh lớp 11A do tôi phụ trách nhiều hơn. Các em tôi “ác” thiệt…! Vào đến trường, tôi vừa đặt gạo, củi xuống và cùng chuẩn bị chất lên mui xe. Một số em lớp 11A đã âm thầm, tháo tung bó củi của tôi ra, đặt củi của Thầy Nam vào bên trong và chúng bó lại cẩn thận. Lúc thầy Nam trở lại, thầy lom khom, đi lòng vòng tìm hoài bó củi. Đến giờ điểm danh người và vật dụng, các em lại hô to… “Thầy Nam thiếu củi, còn cô mình bó củi lớn quá, lớn hơn tiêu chuẩn ấn định.” Tôi đành làm kẻ đồng lõa, chỉ biết làm nghiêm mà cười thầm, nhìn thầy Nam thẩn thơ đi tìm bó củi. Và dĩ nhiên là thầy tìm hoài mà không thấy.

    Đó là mùa hè cuối cùng, ngày nhập học bắt đầu bằng nụ cười và cuối năm đã chia xa trong nước mắt đớn đau. Các em phải rời trường, một số thầy cô, trong đó có tôi, thuyên chuyển đến nơi khác. Như chim đàn vỡ tổ, những con chim non, chưa ra ràng đã buộc đập cánh bay xa. Các em sinh sống tại tỉnh Vĩnh Long, tôi còn cơ hội gặp lại. Riêng các em ở nội trú, khác nào cánh chim trời, xa bay rồi sẽ tìm về hay mãi mãi bặt tin…Làm sao mà biết được!? Tôi trộm nghĩ, chỉ còn một cơ hội cuối cùng là mời các em cùng ăn một bữa...rồi chia tay, rồi ly biệt. Tiệm ăn nằm ngay mặt tiền trên đường Nguyễn Huệ, cách trường Kỹ Thuật Vĩnh Long không xa lắm. Các em nào biết lúc đó cô giáo chẳng rủng rỉnh tiền…, nhưng là sự đồng cảm chia sẻ, để lại chút gì...gọi là kỷ niệm trước khi nghìn trùng xa cách. Cô giáo trẻ của tỉnh nhỏ, ngồi lộ thiên, cùng ăn với đám học trò to xác hơn tuổi đời. Có thể, tôi sẽ nhận nhiều lời phê phán, nhưng tình cảm dành cho các em đã khiến tôi vượt qua tất cả, quên hết lo lắng lẫn nỗi sợ hãi của miệng đời. Bây giờ, tìm về quá khứ, cô trò chúng ta có một thời để nhớ… qua bữa ăn hôm đó. Phải không các em!?
     Mấy mươi năm lưu lạc trên xứ người, tôi, người xa xứ bao giờ cũng buồn. Nhân dịp, Như Mai, người em cùng xóm trước kia, về lại Vĩnh Long. Tôi nhờ Mai và đã tìm được em học sinh đầu tiên của lớp 11A năm nào, Võ Văn Mỹ. Ước mơ thành hiện thực, thôi thì biết bao điều để nói, nhắc nhớ những kỷ niệm một thời thơ dại dưới mái trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Mỹ gửi hình ảnh và kể cho tôi nghe về cuộc sống hạnh phúc của gia đình em. Từ em Mỹ, tôi liên lạc được với Trần Tiến Hòa, hiện đang sống ở Gia Nã Đại. Hòa bây giờ bảnh trai hơn xưa nhiều. Một em học sinh khác, Huỳnh Phương Trạch, hiện ở Pháp. Nhớ ngày nào, cậu học trò này ít nói bao nhiêu, bây giờ vồn vã, thâm tình bấy nhiêu. Trạch gửi cho tôi rất nhiều hình ảnh về mái ấm gia đình em, về phong cảnh những nơi mà mỗi chiều chiều em ngang qua khi đi tập thể dục. Em còn nhắc nhở cô giáo.

- Mỗi ngày cô nên đi bộ để giữ gìn sức khỏe nghe cô.

     Trái đất tròn, niềm vui gặp gỡ ngày một thêm lớn rộng. Trong tình cờ, ngày Kỹ Thuật Vĩnh Long họp mặt, qua em Mỹ, tôi có dịp trò chuyện với Trần Quốc Thành. Bằng điện thoại viễn liên nhưng cô trò không nén được xúc động. Ngoài ra, tôi còn liên lạc được em Trực lớp 10 C, em bây giờ như một “nhiếp ảnh gia” chuyên nghiệp, qua đam mê chụp ảnh về các loài hoa. Trực cho tôi biết về một số em của lớp 10 C. Nỗi bàng hoàng lẫn xúc động, hình ảnh còn đây, nhưng hai em học sinh ở lớp này đã vĩnh viễn rời xa cõi trần.


Lớp 10 C Kỹ Thuật Vĩnh Long niên khóa 1974 – 1975
Từ trái sang phải...

- Hàng ngồi: Nguyễn Thanh Phước (đã qua đời),... Đơn, Đặng Vũ Phong, Nguyễn Phước Trân, Phan Thanh Phước (đã qua đời), Nguyễn Phước Toàn, Hà Việt Tân.

- Hàng Đứng: Cô Lê Thị Kim Phượng, Huỳnh Văn Thân, ...Hùng.
 
    Cứ ngỡ năm 1976 là lần chia tay vĩnh viễn. Nhưng trời chiều người có lòng mong muốn. Tôi có dịp gặp lại Thành, bằng xương bằng thịt. Dù cách nhau một đại dương xa xôi, nhưng giờ đây hai cô trò đã tay bắt mặt mừng, khi Thành sang Úc Châu. Người học trò mấy mươi năm về trước đã cùng cô ăn bữa cuối, lúc chia tay. Bây giờ gặp lại, cô trò đều tóc bạc như nhau, cùng ăn, cùng uống cà phê, cùng ngồi lộ thiên như năm nào. Nơi đây, thơ mộng hơn đại lộ Nguyễn Huệ ngày đó. Nơi đây, nằm cạnh dòng sông, nước lững lờ trôi, nhưng niềm vui không trọn vẹn, vì còn tìm đâu cho đủ những em ở tiệm ăn ở đường Nguyễn Huệ ngày đó. Thành và tôi có muôn ngàn chuyện để nói…. Rồi cũng đến giờ chia tay, tiễn Thành đến tận ga xe lửa. Tôi ngùi ngùi giấu che ngấn lệ, tự hỏi lòng “là học trò của mình ngày xưa đây sao!?” Tôi đứng đó, bồi hồi nhìn em lên xe, dõi mắt trông theo đến khi khuất bóng. Cảnh biệt ly nào cũng buồn!

    Liên lạc được vài em học sinh, qua đó biết thêm tin tức của những em khác. Tôi được biết, giữa chợ đời này, trong hoàn cảnh này, các em vẫn còn giữ bản tính hiền lành, giữ lòng chân thật như ngày còn ngồi ghế nhà trường. Đa số các em đã thành công trong cuộc sống, mang ít nhiều lợi ích cho tha nhân qua kiến thức và tay nghề đã học hỏi dưới mái trường Kỹ Thuật Vĩnh Long năm xưa. Có em đã khoác áo nâu sòng, xa lánh thế tục, tĩnh tâm qua câu kinh, tiếng mõ nơi cửa Phật. Có em đã trở thành doanh nhân tên tuổi, có em chật vật lắm với cuộc sống. Nhưng điều tôi vô cùng hãnh diện là, các em của tôi, đã là những người biết lo cho hạnh phúc của mái ấm gia đình, biết chăm sóc, dìu dắt con cái trở thành người hữu dụng trong xã hội. Một số em bây giờ đã là ông nội, ông ngoại của người ta rồi.

    Điều vẫn làm tôi luôn khoắc khoải, có những em học sinh, tôi muốn tìm, muốn biết nhưng trời còn bao la quá, đất còn thênh thang quá. Nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng, rất hy vọng, trái đất còn tròn, sẽ còn một ngày nào đó được tin các em. Và nỗi đau đớn nhất là tin từ bên nhà cho hay, một số Thầy Cô, Bạn đồng nghiệp, những Em học sinh đã vĩnh viễn xa rời tôi.

   Lúc giao thời, cánh cửa Kỹ Thật Vĩnh Long khép lại, nhưng rồi có những cánh cửa khác mở ra đón nhận các em, để có được những em thành danh như ngày hôm nay. Giờ đây, cánh cửa Kỹ Thuật Vĩnh Long, lại mở ra, đón những cánh chim xưa trở về qua các buổi họp mặt. Còn gì cảm kích cho bằng khi Thầy, Cô, Học Trò cùng lặn lội, không quản xa xôi, cùng quay quần, hòa quyện tiếng cười đùa, lời chân tình thăm hỏi, nhắc nhớ những kỷ niệm êm đềm. Những gặp gỡ đến rồi đi, đi rồi lại về. Dĩ vãng như những cơn mưa bụi chỉ thoáng qua nhưng đậm đà trong tâm tưởng. Và dĩ nhiên, trong cuộc đời vô thường, thấy đó rồi mất đó. Đừng đợi nắng sắp tắt mới tiếc nuối ngẩn ngơ. Những ai, có cơ hội may mắn được họp mặt, gặp gỡ hàng năm hãy gìn giữ và tiếp tục... Có người, là những cánh chim nơi đất khách, đã, sẽ... trở về. Có những người bất khả kháng, từ lúc xa trường đến nay, chưa bao giờ được tay bắt mặt mừng trong các lần họp mặt. Nhưng dầu gì, dẫu gì, Người trong Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long, chúng ta...hãy cùng lắng lòng nghe, nghe máu tim, từng giọt máu đang luân lưu, chảy về quê nhà, nơi có ngôi trường cũ, với phượng hồng, sứ trắng dẫn lối đi xưa.

Người giữ hộ tôi cánh Phượng hồng
Giữ lòng xao động giữ hoài mong
Biển đời xuôi ngược như con nước
Hãy giữ cho nhau một tấm lòng 

 
    Qua máy ảnh, máy thu hình, những người có có mặt trong các buổi họp mặt, đã lưu lại những hình ảnh đáng nhớ, những khúc phim sống động. Và cuốn Kỷ Yếu 60 Năm “Trường – Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long”, sẽ là đôi cánh thiên thần để Thầy, Cô, Học Sinh trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, từ muôn phương, chấp cánh và thực hiện ước mơ tìm về. Điều rất đáng trân trọng, đáng khích lệ, không thể không nhắc đến, là một số Thầy Cô và các Anh Chị từng là học sinh dưới mái trường này, đã là những ngọn đuốc tiên phuông trong những tháng ngày qua, tạo nên thành quả đáng ghi nhớ bằng những điều đã, đang và sẽ làm trong tương lai với mục đích chung, là sự tương trợ. Hy vọng rằng các bậc đàn em “áo xanh gom cả mây trời lại” tiếp tục thành quả của các bậc Thầy Cô, đàn Anh, đàn Chị đi trước.

Sương tuyết tôi em bạc mái đầu
Trường xưa hội ngộ đến thăm nhau
Thời gian chẳng đợi mong lần gặp
Đừng lỡ ngàn năm phút nhiệm mầu


     Ngẫm lại bản thân cô giáo, ngày còn cắp sách, là người nghịch ngầm. Tôi phá phách thầy cô bao nhiêu, đến lúc đứng trên bục giảng, được các trò trả lại bấy nhiêu. Tôi vui thay vì buồn, bởi các em đã cho tôi có dịp tìm lại thời thơ dại...mà nhớ.

Tôi, người lái đò đưa các em qua sông, nhưng không đưa tận bến, chẳng đến cuối bờ. Bao năm qua rồi, vẫn còn nghe văng vẳng tiếng sóng lòng. Những tiếng sóng vỗ vào nỗi đau, dày xéo cả tâm hồn, mỗi khi bồi hồi nhớ đến.

Thời gian tựa cánh chim bay, qua dần những tháng cùng ngày*
Còn đâu mùa cũ êm vui?
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?


Thời gian... trôi đi mong gì kéo ngược! Nhưng những cánh chim bay đi và từ phương trời xa xôi cánh chim sẽ tìm về cội của “rừng xanh” Kỹ Thuật, đưa người đến với người, người cùng với người, tìm về quá khứ bằng những bước “chân sáo”, bằng tiếng cười mãi ríu rít...vang vang...

Lê Thị Kim Phượng
* Lời nhạc phẩm Hoài Cảm của Cung Tiến

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Trường Can Hành Kỳ 3 và 4 長 干 行 其 三 & 四 - Thôi Hiệu

 


長 干 行 其 三 & 四    Trường Can Hành Kỳ 3 và 4

3/


下 渚 多 風 浪              Hạ chử đa phong lãng
蓮 舟 漸 覺 稀              Liên chu tiệm giác hy
那 能 不 相 待             Na năng bất tương đãi
獨 自 逆 潮 歸。         Độc tự nghịch triều quy.


4/ 


三 江 潮 水 急             Tam Giang triều thuỷ cấp
五 湖 風 浪 湧             Ngũ Hồ phong lãng dũng
由 來 花 性 輕             Do lai hoa tính khinh
莫 畏 蓮 舟 重。         Mạc uý liên chu trọng.


崔顥                            Thôi Hiệu
***
Dịch nghĩa:


Khúc ca Làng Trường Can Kỳ 3&4

3/


Bến nước bên dưới có nhiều sóng gió
Nên ít thấy thuyền chở sen qua lại
Sao không đợi em cùng đi chung
Mà một mình chàng đi ngược con nước

4/


Con nước sông Tam Giang có lên rất nhanh
Con sóng Ngũ Hồ có đánh dữ dội
Nhưng vì hoa nhẹ và anh cũng thường đi
Nên dù thuyền chở sen có nặng mấy cũng không sợ.

Dịch Thơ: 3

1/

Trên sông nhiều sóng gió
Chẳng thấy thuyền sen nào
Sao chàng không đợi thiếp
Đi nước ngược đành sao.


2/ 


Dưới sông sóng gió còn nhiều
Thuyền sen vắng bóng bến chiều ủ ê
Sao không đợi thiếp cùng về
Mà đi ngược nước chẳng nề hiểm nguy.

Dịch Thơ: 4


1/ 


Tam Giang nước lớn nhanh
Ngũ Hồ sóng dẫu mạnh
Hoa nhẹ chẳng lo gì
Thuyền sen nặng vẫn đi.


2/ 


Tam Giang nước có dâng trào
Ngũ Hồ sóng gió chẳng xao xuyến lòng
Chở hoa việc đó như không
Thuyền sen dù khẳm chớ hòng cản anh.


Quên Đi
***

Trường Can Hành Kỳ 3

Bến nước đầy sóng gió
Thuyền sen thưa ngại vì
Có em sao chẳng đợi
Ngược nước chàng vẫn đi

Trường Can Hành Kỳ 4

Tam Giang nước chóng lên
Ngũ Hồ sóng đánh dữ
Anh đi hoa vốn nhẹ
Lo gì nặng thuyền sen

Kim Phượng
***
其 三                              Kỳ Tam


下 渚 多 風 浪             Hạ chử đa phong lãng
蓮 舟 漸 覺 稀             Liên chu tiệm giác hy
那 能 不 相 待             Na năng bất tương đãi
獨 自 逆 潮 歸。        Độc tự nghịch triều quy ?

其四                            Kỳ Tứ


三 江 潮 水 急            Tam Giang triều thuỷ cấp
五 湖 風 浪 湧            Ngũ Hồ phong lãng dũng
由 來 花 性 輕            Do lai hoa tính khinh
莫 畏 蓮 舟 重。        Mạc uý liên chu trọng.

崔顥                            Thôi Hiệu

***
2. Chú thích:

 
- Hạ Chử 下渚: là tên hồ HẠ CHỬ HỒ 下渚湖,nằm ở phía đông nam huyện Đức Thanh, thuộc tỉnh Chiết Giang.
- Tam Giang 三江: là tên gọi chung ba con sông lớn của Trung Hoa là Trường Giang , Hoàng Hà và Lạng Thương Giang; nếu chỉ miền Đông bắc thì là Hắc Long Giang, Tùng Hoa Giang và Ô Tô Lý Giang. Còn...
- Ngũ Hồ 五湖 : là Động Đình Hồ, Ba Dương Hồ, Hồng Trạch Hồ, Sào Hồ và Thái Hồ, 5 hồ lớn nhất của Trung Hoa. Nhưng ý ở trong bài thơ trên thì...
TAM GIANG NGŨ HỒ 三江五湖 là chỉ chung vùng đồng bằng sông nước của xứ giang nam Trung Hoa, như Việt Nam ta nói vùng đồng bằng sông nước của Sông Tiền Sông Hậu vậy.

3. Nghĩa hai bài thơ:

 
Bài 3


Hồ Hạ Chữ vốn nhiều sóng to gió lớn lúc về chiều, mà thuyền hái sen cũng đã dần dần thưa đi (vì đã về sớm hết rồi!). Sao có thể không cùng đợi chờ nhau mà lại ngược con nước để đi về một mình chứ ?

Bài 4


Tam Giang thì thủy triều lên xuống rất nhanh, rất gấp; còn Ngũ Hồ thì sóng gió rất to rất mạnh. Tính cách của hoa vốn dĩ đã nhẹ rồi, nên không sợ là thuyền hái sen bị nặng ! Ý nói :
...Mặc dù thuyền hái được rất nhiều sen nhưng hoa sen vốn dĩ rất nhẹ, nếu muốn về chung thuyền cùng nhau thì cũng không phải sợ là thuyền hái sen phải chở quá nặng !(Dư sức chở hai đứa cùng đi về chung ! Tình tứ và âu yếm chán !).


Diễn Nôm:
Song Thất Lục Bát:


Bài 3

Hồ Hạ Chữ vốn nhiều sóng gió,
Thuyền hái sen lúc có lúc không.
Sao ta chẳng đợi chung cùng...
Một mình ngược nước về trong nắng chiều?


Bài 4

Nước Tam Giang thuỷ triều rất gấp,
Gió Ngũ Hồ dồn dập sóng lên.
Hoa kia vốn dĩ nhe tênh...
Cùng về chớ ngại lênh đênh nặng thuyền!


杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***


Trường Can Hành

Dịch ngũ ngôn

3.


Dưới bến nhiều sóng gió
Thuyền sen cũng dần thưa
Sao ta không cùng đợi
Xuôi ngọn nước triều đưa?


4.


Tam Giang triều lên vội
Ngũ Hồ sóng gió to
Cành hoa luôn nhẹ hẫng
Thuyền sen chẳng nặng lo?



Dịch lục bát

3.


Dưới hồ sóng táp gió lùa
Thuyền sen rồi cũng dần thưa đi nhiều
Sao ta chẳng đợi chung dìu
Cùng theo nhau lúc con triều về xuôi

4.


Tam Giang triều dậy theo hồi
Ngũ Hồ gió mạnh sóng nhồi nước dâng
Cành hoa cánh mỏng nhẹ tâng
Thuyền sen không nỗi bâng khuâng nặng lòng!


Mai Thắng

2102020


Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Đón Gió


Nắng Hạ vừa đi đón gió thu
Mang hương đằm thắm cõi sương mù
Về trong lòng phố xa xưa thuở
Giây phút ban đầu lắng điệu ru

Kim Phượng
Ngày 8 Tháng 3 Năm 2021

 

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Tình Hồng Muôn Thuở

                  (Ảnh: Kim Phượng)

Hoa tình đã nhẹ trao nhau
Nhìn người e ấp má đào hây hây
Chỉ riêng mình biết mình hay
Tâm tư rộn rã mấp may môi tình
Mai nầy còn có trung trinh
Nhớ nhung nhớ mãi Hoa tình hôm nay
Ai kia đã ướm điều nầy
Cho nhau khoảnh khắc không phai chẳng tàn

Nguyễn Cao Khải

 

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Lỗi Hẹn - Lỡ Nhịp


Bài Xướng:
 
Lỗi Hẹn

Xuân quá hai mùa chẳng thấy nhau
Nghe chừng nhung nhớ chẳng phai màu
Đêm trôi ngày đến hồn se thắt
Tháng lại năm qua dạ nhói đau
Có phải thuyền yêu sai bến mộng
Cho nên trầu thắm lỡ tình cau
Nhìn hoa đang độ tìm hơi bướm
Nửa mảnh trăng thề hẹn kiếp sau.
 
Quên Đi
***
Bài Họa:
 
 Lỡ Nhịp

Đâu thời hoa mộng lúc bên nhau
Cho thoáng trong mơ đượm sắc màu
Tiếng hẹn suốt đời sao vẫn nhớ
Lời yêu trọn kiếp mãi còn đau
Môi hồng mắt biếc tàn hương sắc
Vôi trắng trầu xanh phụ nghĩa cau
Ngày đến đang mong hoài chẳng đến
Đàn lòng lỡ nhịp hận ngàn sau

Kim Phượng
 
 

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Hoa Tình


Quen chi thân mật trao lời
Mượn bông hoa đẹp gửi khơi tiếng lòng
Thương chi như nước biển Đông
Bao nhiêu yêu mến cũng không đong đầy

Hồn thơ thư thái hân hoan
Hoa tình đầy nghĩa khẽ khàng trao ai
Cho dầu thân đã một mai
Tình thơ đượm ý lưu hoài ngàn năm

Thơ & Ảnh: Nguyễn Cao Khải

 

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Chào Nhau - Lời Chào Xuân Mới

 


Chào Nhau

Chim ríu rít gọi đàn một ngày mới
Tuổi xuân đời lấp lánh hạt sương mai
Ánh bình minh tia nắng sáng đầu ngày
Mang hy vọng tràn tin yêu trao tặng

Người sẽ đến bên nhau chia thinh lặng
Mây sẽ hồng lơ lửng khoảng trời xanh
Gió ban mai dìu dịu ngọn trong lành
Lời tình tự thoảng hương quê chanh bưởi

Người sẽ đến đây hóa thân chùm gửi
Làm dây leo tìm sưởi ấm đông tan
Tim con con hòa chung nhịp gọi đàn
Ríu rít tiếng lòng âm thầm sâu kín

Dòng sông mắt biếc sóng tình dao động
Ẩn nụ cười trong đáy mắt tròn xoe
Vẳng bên tai đâu đó chợt thoáng nghe
Good morning! Lời ngọt chào buổi sáng

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Lời Chào Xuân Mới


Lời chim chóc tự tình chào Xuân mới
Giữa ngàn hoa phơi phới thắm cành mai
Hót líu lo bay lượn rộn ban ngày
Những mộng ước tràn đầy dâng hiến tặng

Đừng có đến với nhau bằng im lặng
Hãy mừng vui trong khoảnh khắc còn xanh
Chúc với nhau bao câu nói an lành
Rồi sẽ hái trọn cành hương quê bưởi

Xin đừng nghĩ phận mình thân dây gửi
Mượn nhánh leo để sưởi lúc mây tan
Phận cỏn con muốn kết hợp bầy đàn
Để hoà nhập gắn hàn đà dấu kín

Có như thế! Lòng mình thêm yên tĩnh
Và tâm hồn thanh thản nụ cười xoe
Rồi Hân hoan chờ đợi được lắng nghe
Tiếng " Say hi! Have are you " mỗi lúc...

songquang
20210223


Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Hoài Thu


          (Ảnh: Kim Phượng)


Thu đã về đây lúc giữa đêm
Sương thu lành lạnh chạm vai mềm
Hương thu ngây ngất hồn đơn độc
Thu hỡi có về khẽ bước êm

Thu biết gì chưa sương trắng thềm
Lạnh lòng cô phụ lạnh hơn thêm
Rằng thu này nhé ai tri kỷ
Đối bóng tủi hờn lúc giữa đêm

Kim Phượng
Đầu Thu Úc Châu