Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Hoa Hướng Dương


                 (Ảnh: Kim Phượng)

Nét duyên dáng đẹp tuyệt vời
Hoa vàng tên gọi mặt trời dễ thương
Người đời thường gọi hướng dương
Tấm lòng không đổi một phương hướng về

Huỳnh Phương Trạch 


Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Hạ 75 - Em Ơi!


Hạ 75

Loanh quanh nhặt cánh phượng rơi
Ép vào cuối vở thay lời con tim
Trưa hè ngỡ nắng ngủ im
Tiếng ve réo gọi môi tìm môi trao
Phượng Hồng rực sắc trên cao
Mùa hè năm ấy xa nhau trọn đời

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Em Ơi!

Không gì thay được lời tim
Mặn nồng êm dịu sao tìm cho ra
Trưa hè ra rả ve ca
Phượng rơi theo gió la đà phủ sân
Người đi kẻ ở chẳng gần
Nhìn nhau miệng mỉm lâng lâng trong lòng
Rồi mai có chắc gặp không
Khóe nhìn uơn uớt thầm mong điều gì
Chia tay thổn thức bước đi
Quặn đau tim héo không chi đền bù

Nguyễn Cao Khải

 

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Tao Đàn - Ngâm Thơ Và Ca Nhạc


  Thi Nhạc Giao Duyên
1 - Giới thiệu( Thơ Vũ Hoàng Chương)
2 - Giấc Mơ Hồi Hương( Vũ Thành) - Ca Sĩ: Thái Thanh
 
Thực Hiện: Hung Ton

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Tìm Mơ

Bài Xướng:

Tìm Mơ

Đêm nay đêm thanh vắng
Ta đợi gì trong mơ
Xin đừng để ta chờ
Vui thôi buồn xin chớ.

Giấc mơ rồi cũng đến
Một khung trời xám xịt
Vầng trăng trong mù mịt
Cảnh sao buồn da diết

Ta chẳng mong điều đó
Chỉ muốn nhìn thấy ai
Để không phí đêm dài
Nỗi sầu sao đeo đuổi

Đến cả trong giấc mơ
Ôi mộng cũng hững hờ
Chẳng muốn ta tròn ý
Trong thực lẫn cả hư

Giờ nào phải thuở xưa
Chim sáo còn đâu nữa
Mà mong thấy được nhau
Biết phải đến lúc nào?

Quên Đi
***
Bài Họa:

Tìm Mơ


Tàng cao trăng khuất bóng
Đi vào mộng tìm mơ
Hy vọng phút đợi chờ
Xuôi một lần gặp gỡ

Cho lòng thôi thầm nhớ
Rất xa ngỡ gần xịt
Dẫu sương thu mờ mịt
Mong tìm thấy người thương

Đường trần bao gian khổ
Nào biết tỏ cùng ai
Lắm mộng cho đêm dài
Tâm tư sầu chất ngất

Hư thực lẫn trong mơ
Một kẻ mãi ơ hờ
Một người chuốc đau khổ
Tình cứ mãi bơ vơ

Tìm đâu lại thuở xưa
Sẽ không bao giờ nữa
Mong gì tìm thấy nhau
Chờ cho đến kiếp nào

Kim Phượng


Thơ Tranh: Hồn Thu


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Trường Can Hành Kỳ 1& 2 長 干 行 其 一 & 二 - Thôi Hiệu

Trường Can Hành của Thôi Hiệu có 4 bài Tứ Tuyệt Cổ Phong. Gồm 2 bài của người nữ hỏi và hai bài người nam đáp. Tuy những điều hỏi cũng như đáp có vẻ bình thường, nhưng lại đầy tình ý.

長 干 行 其 一 & 二     Trường Can Hành Kỳ 1& 2

1/


君 家 在 何 處              Quân gia tại hà xứ
妾 住 在 橫 塘             Thiếp trú tại Hoành Đường
停 船 暫 借 問             Đình thuyền tạm tá vấn
或 恐 是 同 鄉。         Hoặc khủng thị đồng hương.

2/
家 臨 九 江 水             Gia lâm Cửu Giang thuỷ
來 去 九 江 側             Lai khứ Cửu Giang trắc.
同 是 長 干 人             Đồng thị Trường Can nhân
生 小 不 相 識。         Sinh tiểu bất tương thức.


崔顥                            Thôi Hiệu

***
Hoành Đường: Thời Tam Quốc, Ngô xây đê ở đầu sông, gọi là Hoành Đường, giờ là huyện Giang Tô, tỉnh Giang Ninh.
Cửu Giang: con sông ở tỉnh Giang Tây.
Trường Can: Một làng ở phía nam sông Tần Hoài, thuộc tỉnh Giang Tô.

Dịch Nghĩa: Khúc Hát Làng Trường Can 1&2

1/

Nhà anh ở nơi nào
Còn nhà em ở tại đê Hoành Dương
Xin tạm dừng thuyền cho hỏi
Có lẽ chúng ta vốn chung một làng

2/


Nhà anh kề bờ sông Cửu Giang
Anh thường qua lại bên sông Cửu Giang này
Đúng là hai ta là người cùng làng Trường Can
Sống ở đó lúc còn nhỏ nên bây giờ không biết nhau.

Dịch Thơ:

Trường Can Hành 1&2


1/

Nhà anh vốn tại nơi đâu
Còn em thì ở tận đầu con đê
Dừng thuyền cho hỏi khoan về
Trường Can có lẽ là quê bọn mình.

2/

Cửu Giang nhà vốn chẳng xa
Đôi bờ bến nước lại qua thường ngày
Trường Can quê của cả hai
Sống thời nhỏ dại nên nay lạ người.

Quên Đi
***
Đỗ Chiêu Đức tham gia với 2 bài dịch sau đây:

Ghi Chú:


Trường Can Hành: Tên một khúc hát trong Nhạc Phủ dựa theo điệu hát dân gian của xứ Trường Can,thuộc huyện Giang Ninh tỉnh Giang Tô hiện nay.
Hoành Đường: thuộc huyện Giang Ninh kể trên, vào đời Tam Quốc nước Ngô cho đắp đê dọc theo giang khẩu ngang qua song Hoài, nên có tên là Hoành Đường.
Cửu Giang: tức Huyện Cửu Giang, nay thuộc tỉnh Giang Tây.
Nghĩa Bài Thơ:

Bài 1: Nhà chàng ở nơi nào? Nhà thiếp thì ở tại Hoành Đường đây. Dừng thuyền cho thiếp hỏi thăm xem, hoặc giả chúng ta là đồng hương của nhau chăng!?.

Bài 2: Nhà anh ở trên dòng Cửu Giang đây, và anh cũng hay thường lui tới bên cạnh dòng Cửu Giang nầy. Chúng ta đều là người xứ Trường Can cả, vì sanh sau đẻ muộn nên không biết nhau đó mà thôi!

Diễn nôm:


Khúc Hát Trường Can


1/

Nhà chàng ở tận nơi đâu?
Thiếp thì ở mãi sâu trong Hoành Đường.
Dừng thuyền thiếp hỏi tỏ tường,
Hoặc là có phải đồng hương chăng là !?


2/

Nhà anh ở phía Cửu Giang.
Ra vào sông Cửu khi nàng còn thơ.
Sanh sau đẻ muộn ơ thờ,
Trường Can chung xứ, ai ngờ... chẳng quen!


Đỗ chiêu Đức
***
Trường Can Hành Kỳ 1 & 2

1/


Ở đâu chàng gọi là quê
Còn em sống tại con đê Hoành Đường
Dừng thuyền cho thiếp tỏ tường
Láng giềng hàng xóm như dường cùng nơi


2/


Nhà anh kề cận nơi đây
Hay thường qua lại sông nầy Cửu Giang
Hai ta người ở Trường Can
Khi xưa còn bé chung làng chẳng quen


Kim Phượng

***
Trường Can Hành


1/


Nhà chàng có phải cùng quê ?
Thiếp cư ngụ ở bên đê Hoành Đường
Dừng ghe cho thiếp tỏ tường
Biết đâu hàng xóm đồng hương chăng là... !...


2/


Nhà anh gần Cữu Giang đây
Cũng thường lưu tới nơi nầy Cữu Giang
Biết đâu cùng ở Trường Can ?
Khi còn nhỏ dại, xóm làng chưa quen...!

Mai Xuân Thanh

***
Trường Can Hành Khúc

1/


Này anh! Quê ở nơi nào?
Nhà em ở khúc sông sâu Hoành Đường
Đậu thuyền cho hỏi tận tường
Biết đâu mình lại đồng hương một làng!


2/


Anh thì ở cận gần đây
Chèo qua chèo lại khúc nầy Cửu Giang
Hẳn là chung xứ Trường Can
Ai ngờ một xứ cùng làng (mà) ....chả quen


songquang

***
Trường Can Hành

Dịch ngũ ngôn

1/


Nhà chàng nơi nào vậy?
Nhà thiếp ở Hoành Đường
Dừng thuyền cho thiếp hỏi
Ta có phải đồng hương?

2/


Nhà tôi trên sông Cửu
Bên lối ngõ ra vào
Là người Trường Can đấy
Sinh thời chả biết nhau.


Dịch lục bát

1.

 
Nhà chàng ở tận nơi đâu?
Riêng nhà thiếp ở nơi sau Hoành Đường
Ngưng thuyền xin hỏi tỏ tường
Hai ta có phải đồng hương không nào?


2.


Nhà anh sông Cửu tươi màu
Đến đi lối ngõ ra vào bên gian
Cùng là người xứ Trường Can
Sinh ra sau trước đôi đàng chửa quen.


Mai Thắng



Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Thuyền Trăng


Bài Xướng:

Thuyền Trăng

Đêm hè tĩnh lặng mặt hồ trong
Gác mái thuyền con thả giữa dòng.
Thăm thẳm gương trăng lồng đáy nước
Mơ màng ánh nguyệt bủa trời không.
Bờ lau lặng lẽ vi vu gió
Tiếng cuốc buồn tênh khắc khoải hồn.
Nhớ mãi những ngày thơ mộng cũ
Tình xưa sóng dậy sắt se lòng!

Mailoc
04-11-21
***
Bài Họa:

Đêm Trăng

Bến nước mười hai biết đục trong
Thuyền hồn lơ lửng ngược xuôi dòng
Nghe tim xao xuyến xây vườn mộng
Thả mắt mơ màng hướng khoảng không
Nỗi nhớ dịu dàng thêm lãng mạn
Gương trăng vằng vặc đến mê hồn
Tơ duyên năm cũ xa xôi quá
Đáy nước lồng trăng dậy bão lòng

Kim Phượng


Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Thư Gửi Long Hồ

 


Xướng:

Thư Gửi Long Hồ


Bâng khuâng bỗng nhớ đến Long Hồ,
Nhớ bạn thâm tình xướng họa thơ.
Nhớ lúc gió bay diều uốn éo,
Nhớ khi tàu lạc bến bơ vơ.
Nhớ người luôn đón chào thi đến,
Nhớ kẻ thường tin nhắn khách chờ.
Đã mấy mùa qua đầy ấm áp,
Vĩnh Long vẹn hữu đẹp như mơ.

Hồ Nguyễn
(01-5-2021)
***
Họa:


Tạ Tình


Mặc khách tao nhân đấy Nguyễn Hồ
Tâm tình mượn chữ thoát hồn thơ
Lời thơ thú vị gieo xao xuyến
Lý lẽ khiêm cung há vẩn vơ
Bút mực xôn xao bao kẻ đợi
Tâm tư lay động lắm người chờ
Thể như dị thảo kỳ hoa ấy
Đất Vĩnh Trang nhà thỏa ước mơ

Kim Phượng

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Nét Liêu Trai

 

Ừa! thiệt lạ ai đâu biết chắc                           
Mãi nhìn hình ngả ngẩn nghiên ngơ  
Người đâu hiển hiện như xui bảo       
Chới với lòng ta chẳng biết sao         

Lạ thiệt! chỉ đôi lời mộc mạc               
Khiến tim người thổn thức mê man       
Eo ơi thêm nụ cười tươi quá           
Đã hớp hồn ta mộng chẳng xa           

Nguyễn Cao Khải
 


Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Những Mẫu Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Trái Chanh Chín


                                                 Ảnh: Kim Phượng
Lời Giới Thiệu

    Lời đầu tiên là tôi xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Đức Hạnh đã cho tôi xem hơn 35 câu chuyện của đời anh. Đây là những cảm nghiệm riêng tư mà anh đã giữ kỹ trong lòng suốt cả một đời! Tôi còn hân hạnh và vui hơn khi anh cho tôi được viết những cảm nhận của mình vào đây sau khi đã thưởng thức chúng qua lời văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh của anh.

          Văn anh viết thật nhẹ nhàng, hóm hỉnh
          Chuyện anh ghi quá hoàn chỉnh đi thôi!
          Ngẫm càng hay, khi đã đọc qua rồi
          Vừa thấy thích,vừa bồi hồi, cảm kích!...

    Điều tôi muốn nói đầu tiên là khả năng ứng phó "tài tình", và lời văn khá hóm hỉnh của anh thể hiện trong lần đề nghị đột xuất anh lên góp vui của học sinh nhân dịp xuân về.
Trong lúc khẩn cấp ấy, anh"phịa" ngay một câu chuyện như sau: " Em đi về đâu mà nhọ nồi in trên khoé mắt? Em đi về đâu mà cơm nguội còn dính bên môi?...Tôi viết tên em vào nồi để nhớ em hoài!..." ( Trích trong Câu Chuyện Tình Phịa.)
Những câu chuyện của anh thật đa dạng, nhưng tôi chỉ xin sơ lược nhấn mạnh ở các điểm trọng yếu sau đây:

CHÍ - Từ ngày còn khá trẻ, anh đã tỏ ra một người có nhiều ý chí, không ngại gì lên đường xa Cha Mẹ để cầu học, cầu tu, mong tạo cho mình trở thành con người tốt, có khả năng,có phẩm hạnh sau này. Vốn là một người miền quê lên tỉnh, anh đã phải trải qua nhiều vất vả, hãy nghe anh kể: "Sáng nào tôi cũng dậy sớm để tới nhà thầy học thêm, rồi đi thẳng đến trường…”
Những môn học còn yếu anh đã mua sách rồi tự học lấy! (Trích trong câu chuyện Lấy Lại Căn Bản.)

TÌNH - Quan niệm về "duyên vợ chồng" của anh khá trong sáng, anh rất chú trọng về mặt tâm linh. Trong câu chuyện "Mừng Kim Hôn" anh viết:"Tôi vào nhà nguyện của chủng viện… Cầu nguyện xong, tôi thấy mình tự tin và bình thản…Chính nhờ những ngày tĩnh tâm này, mà trong suốt 50 năm, trải qua biết bao gian nan, thử thách…”
Niềm tin ấy đã góp phần làm nên sự hạnh phúc của anh bên vợ hiền, con ngoan trong suốt cuộc đời.

          " Niềm tin" kia như nắng trời êm ả
          Ấm tình anh ròng rã mấy mươi năm!

ĐẠO - Anh có cái " tâm đạo" của mình ngay từ còn rất bé. Điều này thể hiện qua nhiều câu chuyện của anh.Tôi chỉ nêu ra mấy dòng này:
" Mắt ngài rớm lệ !Tôi quá xúc động, nước mắt trào ra, chỉ nói được mấy lời:vâng, con xin làm theo ý Cha !" (Trích trong Tình Dưỡng Phụ )
Anh may mắn ngay từ nhỏ được ươm mầm trong một môi trường tu đầy nghiêm ngặt, đạo lý.

HẠNH - Sự đàng hoàng, đức hạnh thể hiện trong nhiều câu chuyện, từ việc đối xử với các Cha, cách quan hệ đứng đắn với học trò. Đặc biệt là trước sự cám dỗ của người “chị” lớn hơn 20 tuổi mà anh không hề gục ngã(nhận thấy từ các câu chuyện; Tình dưỡng phụ, Trường hợp khó xử, Cạm bẫy, Tất cả vì học sinh thân yêu)
Để kết thúc cảm nhận của mình, tôi xin được ghi :

          Ít dòng cảm nhận chỉ đơn sơ!
          Kỷ niệm bao năm, giữ đến giờ
          Chuyện của đời anh, đa dạng quá!
          CHÍ,TÌNH, ĐẠO, HẠNH đẹp như mơ!...

Nguyễn Thanh Tâm


Trái Chanh Chín

    Tôi sinh ra tại Ngọc Cục, một làng nhỏ cách xa thị xã Bắc ninh khoảng bốn mươi cây số. Vì nhà nghèo, mãi đến bảy tuổi tôi mới được đi học.
Hai tuần trước khi đến lớp, mẹ tôi ra chợ mua vải, rồi dẫn tôi đến nhà cậu tôi, làm thợ may, nhờ đo, và cắt cho tôi một quần đùi, một áo cộc mới để đi học; bà đem về nhà khâu tay lấy, không dám nhờ cậu tôi máy, ví sợ tốn tiền. Tôi đã có sẵn áo dài và quần dài, nhưng tôi chỉ mặc khi đi nhà thờ hay vào những ngày lễ, tết, còn ngày thường tôi mặc áo cộc, quần đùi cho gọn.

    Hồi đó, ở làng, chú Điểm (cha mẹ tôi thường gọi là chú giáo), mở lớp dạy học tại nhà, từ vỡ lòng tới lớp ba. Tôi còn nhớ, vào một buổi sáng thứ Hai, giữa tháng Chín, mẹ tôi dẫn tôi đến nhà chú giáo; sau khi nói truyện riêng với chú,về tiền học thì phải, mẹ tôi trao tôi cho chú rồi ra về.
    Đây là lần đầu tiên tôi tới nhà chú giáo; nhìn thoáng qua, tôi thấy nhà chú không khác nhà cha mẹ tôi lắm: cũng nhà tranh vách đất, ba gian hai chái; nhưng cách trang hoàng, bày biện thì đẹp hơn nhiều! Ở gian giữa, sát vách, có một tủ kính, trong để bộ đồ trà, và ít bát đĩa cổ; kế đến là một sập gỗ mun nhỏ, rồi một chiếc bàn dài, hai bên là hai trường kỷ, dành riêng cho mấy trò lớp ba ngồi học. Phía trong của mỗi gian bên, kê một giường vuông lớn, rồi đến một phản gỗ, giành riêng cho các trò lớp một và hai. Khi học hay trả bài, thì chúng ngồi xếp bằng, nhưng khi viết thì phải nằm bò xuống phản, hai mông ở vị trí sẵn sàng lãnh đòn, vì tội nói chuyện hay làm ồn!
    Chỉ bài cho các lớp xong, chú giáo thường về ngồi tại sập giữa, coi chừng các lớp; bên cạnh chú, luôn luôn có mấy roi tre, đủ dài để có thể quất tới mông bất cứ trò nào phạm lỗi! Trên các phản hai bên, không còn chỗ, nên tôi phải ngồi học ngoài hè, trên nền nhà bằng đất nện, mịn láng như xi măng.
    Tuần lễ đầu, tôi chỉ tập đọc và nhận mặt mấy chữ cái, khi sang đến phần đánh vần, chú giáo bảo tôi về nói với mẹ mua giấy, bút và mực để tập viết. Mẹ tôi đã cố gắng kiếm cho tôi một bình mực có ngấn ở cổ, lấy sợi dây đay buộc vào cổ lọ, thắt nút hai đầu dây lại, làm thành một vòng tròn nhỏ, để khi đi học tôi có thể xỏ vòng dây vào một ngón tay, khỏi sợ rớt bình mực; có lần, tay mang nhiều thứ quá, đeo bình mực vào ngón tay thấy vướng, tôi đành phải buộc luôn bình mực vào dải rút quần!
    Bắt đầu tập viết, chú giáo viết mấy hàng chữ “A” hoa bằng mực đỏ, để tôi tô lên bằng mực tím, cho quen tay; sau đó, chú chỉ viết một chữ ở đầu hàng, bắt tôi phải theo mà viết cho hết hàng. Ngay bây giờ tôi vẫn không biết tại sao hồi đó không có viết chì để tập viết cho dễ, mà phải dùng ngay viết mực, điều này rất khó khăn đối với một đứa trẻ mới tập viết như tôi.
    Tôi học được khoảng một tháng thì Cầm đến; sau này, Tý, bạn thân với Trong, em gái tôi, là em họ của Cầm, cho biềt: cha mẹ Cầm buôn bán ở thị trấn Đáp Cầu, vì bận công việc gì đó nên gửi Cầm xuống ở tạm nhà gia đình Tý một thời gian. Cầm cũng mới học vỡ lòng, vì thế chú giáo để ngồi dưới đất chung với tôi; Cầm là học trò nữ độc nhất của chú giáo; vì hồi đó, gái làng hầu hết là mù chữ; chỉ có gái tỉnh, con nhà giầu, mới được cắp sách đến trường; thường cũng chỉ được học hết tiểu học, ít có đứa nào học tới trung học. Thoạt đầu chúng tôi thấy ngại ngùng: ngồi cách nhau cả thước, không đứa nào dám nói với nhau một tiếng!
    Khi tập viết xong một hàng, chúng tôi phải thấm cho khô mực, nếu không, lỡ đụng tay vào, chữ bị nhòe, chú giáo sẽ lấy thước khẻ vào tay. Vì Cầm hay quên mang giấy thấm, nên tôi thường cho mượn, có lần tôi thấm luôn cho Cầm nữa. Viết xong độ một trang, tôi thấy mỏi rời tay; ngồi bóp tay hay xòe ra, áp lòng bàn tay xuống đất cho mát và đỡ mỏi; thấy vậy, Cầm cũng làm theo; lúc đó tôi mới thấy được cả bàn tay của Cầm: ngón tay dài thon, nước da trắng ngần. Dần dà chúng tôi trở nên quen thân, và vào các giờ chơi giữa buổi, chúng tôi bắt đầu trò truyện với nhau tự nhiên hơn.
    Một hôm tôi thấy Cầm không mang bình mực, chân đầy vết mực; hỏi ra mới biết Cầm đã đánh rớt bình mực, vỡ tan tành, mực văng tung tóe ngay trước cổng nhà chú giáo; thấy Cầm có vẻ lo lắng và buồn, tôi liền yên ủi và nói,” Không sao, từ nay Cầm dùng chung mực với Thạch cũng được; bình mực của Thạch lúc nào cũng đầy, không sợ thiếu.” Từ đó chúng tôi dùng chung mực với nhau cho tới hết năm học.
    Bên phải sân nhà chú giáo là một ao thả cá lớn, sát mặt nước có một chiếc cầu gỗ, dài khoảng ba thước, dùng cho người nhà tắm, rửa, giặt giũ; vào những ngày mưa, đường xá sình lầy, các học trò lớn phải ra cầu ao rửa chân, rồi đi theo hàng gạch đỏ, lót từ đầu cầu ao tới hè nhà, để vào lớp; còn những đứa nhỏ như tôi và Cầm thì không được bước xuống cầu ao, sợ té; hai chúng tôi phải tới một lu nước kê sát hàng gạch, để rửa chân; trên miệng lu đặt sẵn một cái gáo làm bằng sọ dừa, có cán dài khoảng hai gang người lớn; khi rửa chân, một tay nắm chặt miệng lu, tay kia múc nước, vừa kỳ hai chân lên nhau vừa đổ nước cho tới khi sạch thì thôi. Có lần tôi thấy Cầm lóng ngóng, không biết làm thế nào rửa được chân, tôi liền bảo Cầm, hai tay nắm chặt miệng lu, hai chân kỳ lên nhau, để tôi đổ nước cho; Cầm mỉm cười gật đầu và nói nhỏ,"Cám ơn Thạch nhiều." ( Hồi đó dân quê thường đi đất, tối trước khi đi ngủ, ra ao rửa chân, vào nhà, chùi chân vào miếng vải rách, hay chổi rơm cho khô rồi lên giường; có lúc làm biếng, ngồi trên giường, xoa hai lòng bàn chân vào nhau cho hết bụi cát, sau đó lăn ra ngủ.)
    Ở góc sân nhà cha mẹ tôi có một cây chanh lớn; khi xanh trái nó rất chua, nhưng lúc chín, ăn cũng giôn giốt, khá ngon; thấy chị và em gái tôi thích ăn chanh, khế, tầm giuộc, me, tôi nghĩ Cầm cũng thích những thứ đó, nên một hôm tôi hái một trái thật chín, lén đút túi đem đến cho Cầm. Tôi vừa đưa trái chanh ra chưa kịp có cử chỉ gì, Cầm đã chộp lấy và nói, “Thạch cho Cầm hả! Cám ơn Thạch! Cầm thích ăn chanh chín lắm!” Nói xong Cầm vội vã giấu trái chanh vào túi áo, sợ chú giáo trông thấy; tôi rất ngỡ ngàng trước cử chỉ của Cầm, không ngờ Cầm lại thích món quà “cây nhà lá vườn” của tôi dến thế! Biết vậy, mỗi khi có chanh chín tôi lại hái cho Cầm, và lần nào Cầm cũng tỏ vẻ thích thú như vậy.
    Mùa đông tới, ngồi dưới đất cảm thấy lạnh, tôi về nhà nói với mẹ, lấy chiếc chiếu cũ, cắt cho tôi một miếng, dài cỡ hai thước, rộng khoảng ba gang người lớn. Khi đi học, tôi cuốn tròn lại, kẹp vào nách, đem tới lớp, trải ra ngồi cho ấm. Vì chiếu còn rộng, tôi bảo Cầm ngồi vào chiếu cho đỡ lạnh. Thoạt đầu Cầm tỏ vẻ ngại ngùng, không dám; nhưng thấy tôi nói nhiều lần, nhất là phải với tay ra, chấm chung một bình mực, rất bất tiện, nên Cầm đành phải ngồi chung chiếu với tôi.
Thấm thoát đã hết năm học! Các trò lớn xin phép chú giáo tổ chức tiệc trà tại lớp; ăn uống xong, thầy trò chia tay ra về; hẹn gặp lại vào năm học tới.
    Trên đường về nhà, tôi và Cầm vưa đi vừa nói chuyện. Khi gần tới cổng nhà Tý, Cầm lén nắm lấy tay tôi và nói, “Hôm qua mẹ Cầm xuống đây thăm dì Bỉnh (mẹ của Tý), nhân tiện đến đón Cầm về Đáp Cầu luôn, sang năm chắc Cầm không còn được đi học chung với Thạch nữa đâu!” Nghe Cầm nói, tôi run lên vì quá xúc động, hai tay tôi vội nắm chặt lấy tay Cầm, ấp úng nói,”Thạch rất mong, năm học mới, Cầm lại về đây, cùng nhau đi học cho vui.”.“Trưa nay,” Cầm nói tiếp,”cơm nước xong, Cầm phải theo mẹ sang Nê để thăm người bà con, ngủ lại đêm ở đó, sáng mai đi bộ về Đáp Cầu sớm. Cầm nhớ Thạch lắm! Tạm biệt Thạch nhé!” Nói xong Cầm vội rút tay khỏi tay tôi, cúi mặt, chạy thẳng vào nhà, như muốn che giấu cảm xúc của mình. Tôi đứng ngẩn người ra, nhìn theo Cầm, mãi mới nói được, “Thạch cũng rất nhớ Cầm!”
    Đêm đó tôi trằn trọc mãi không ngủ được, luôn nghĩ đến Cầm, không ngờ tình cảm của tôi với Cầm lại sâu đậm đến thế! Trước đây lúc nào tôi cũng quý mến, săn sóc và coi Cầm như Trong, em gái của tôi. Lúc này Cầm ra đi không hẹn ngày trở lại, tôi mới thấy mình trống vắng! Mới nhận ra rằng tình cảm của tôi đối với Cầm tha thiết hơn đối với bất cứ ai tôi đã quen biết! Tôi tự trách mình , trong thời gian qua, đã không dám nói một lời nào, hay làm một cử chỉ gì để bộc lộ lòng quý mến đặc biệt của tôi với Cầm. Đêm nay, hình ảnh Cầm lại hiện ra trong tâm trí tôi: gương mặt xinh xắn, nước da trắng hồng mà tôi từng lén nhìn khi ngồi sát bên nhau trên một manh chiếu; đôi chân trắng nõn, tôi được trông thấy, những lúc giội nước cho Cầm rửa chân… Các hình ảnh đó cứ lởn vởn mãi trong đầu óc, cho tới lúc tôi thiếp ngủ đi.

    Rồi niên học mới mở ra, tôi lủi thủi tới lớp, một mình đi trên con đường đất! Mỗi bụi tre, mỗi khóm cỏ, mọc hai bên đường,chiếc cổng tre của nhà Tý, lu nước bên bờ ao, nền nhà chú giáo, tất cả đều làm tôi nhớ tới Cầm. Lần nào gặp Tý tôi cúng hỏi thăm Cầm; nhưng Tý cũng chẳng biết gì về Cầm hơn tôi! Năm nay tôi được lên lớp một; học trò lớp ba, phần đông bỏ học, ở nhà làm ruộng phụ cha mẹ, một vài trò con nhà khá giả, được chuyển sang trường Nhà xứ, tiếp tục học để thi Bằng Sơ Học Yếu Lược (Bằng Tiểu Học). Các lớp khác vắng hẳn đi; tôi được ngồi một mình một phản, rộng mênh mông; chẳng bù cho năm trước, phải ngồi đất! Tôi nghĩ thầm,”Chớ gì được ngồi chung một phản với Cầm thì vui biết mấy!”

Thạch Trong


Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Khung Trời Cũ - Phương Nhớ


                 (Ảnh: Kim Phượng)
Bài Xướng:

Khung Trời Cũ


Em của xa xưa dáng diễm kiều
Khung trời tình ái gấm hoa thêu
Thương hoa tiếc ngọc người đưa đón
Đắm sắc say hương kẻ dập dìu
Ngày ấy qua rồi niềm ước vọng
Xuân nay còn lại nét đăm chiêu
Mơ hồ chợt nắng len song cửa
Màu nắng chao ôi đã xế chiều

Kim Phượng
***
Các Bài Họa:

Phương Nhớ


Dung nhan xuân sắc vẫn yêu kiều
Nhón bước thềm tây khăn áo thêu
Nẻo bướm bao la, hình cũ hiện
Đường hoa bát ngát, bóng xưa dìu
Nắng vàng lộng lẫy rơi muôn ngả
Trà đậm nồng nàn rót mấy chiêu
Thiệp viết thơ châu tràn ý ngọc
Vẫn nguyên phương nhớ tím mây chiều...

Hawthorne 26 - 2 - 2021
Cao Mỵ Nhân
***
Tình Dang Dở


Nhớ em ngày ấy dáng yêu kiều
E ấp trong tà áo lụa thêu
Uyển chuyển chân đi, làn tóc xõa
Nâng niu anh đỡ, cánh tay dìu
Ta dù đậm nghĩa nhưng nghèo bạc
Họ đã nhiều tiền lại lắm chiêu
Bởi thế nên ta đành mất bậu
Bao năm thờ thẫn ngóng mây chiều

Phương Hà
( 26/02/2021 )
***
Bến Xuân

Trên bến sông Xuân rũ bóng kiều
Chân trời rực rỡ ráng hồng thêu.
Bên ai mắt ngọc im tay nắm
Trong nắng gót sen nhẹ bước dìu.
Lảnh lót từng hồi oanh cất tiếng
Mơ màng khoảnh khắc khách đề chiêu.
Thời gian ngưng đọng hồn ngây ngất
Khi tóc em bay lộng gió chiều.

Mailoc
02-25-2021
***
Tình Si

Đứng lặng bên song những buổi chiều
Thấy người con gái áo khăn thêu
Đi qua lối cũ ,chờ ai đón
Bước đến đường xưa ,đợi kẻ dìu
Ngày trước chàng trai như cậu ấm
Thuở kia cô gái tựa nàng chiêu
Tình si ngơ ngẩn ...nhìn theo mãi...
Tựa cửa vời trông một dáng kiều

songquang
20210226
***

Tĩnh Lặng Chiều

Ngày nao liễu rủ thật yêu kiều
Ước mộng hoa hồng thắm gấm thêu
Kẻ ủ hương xuân nên vội đón
Người vương sắc hạ mới êm dìu
Thương xưa đã bấy niềm hy vọng
Nhớ cũ còn nhuần điểm chiết chiêu
Đón nắng vươn tay ngà mở cửa
Bình an tĩnh lặng với mây chiều

dovaden2010 

***

Nay Em Hồi Tưởng...

Họa Vận

Em xưa thiếu nữ dáng yêu kiều
Áo tím dài tay mộng gấm thêu
Da trắng lưng ong người đón rước
Môi hồng má ngọc kẻ đưa dìu
Tương tư kỷ niệm chàng yêu dấu
Hồi tưởng tri âm thiếp chắt chiu
Ấm áp minh xuân ngồi tựa cửa
Thương ai vò võ ngắm mây chiều...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 26/02/2021

***
Khung Trời Cũ

Ai ngày xưa ấy dáng yêu kiều,
Yên ổn nhìn đời tựa gấm thêu.
Háo hức mơ xuân oanh yến lượn,
Rộn ràng xuân thắm bướm ong dìu.
Tang thương vỡ mộng thôi mong ước,
Dâu bễ tàn mơ hết chắt chiu.
Cuộc sống dập vùi hương phấn lạt,
Tàn phai nhan sắc đã về chiều !

Đỗ Chiêu Đức

02-28-2021

***
Khung Trời Tuổi Mộng


Ngày xưa nhỏ đạt nét yêu kiều
Áo lụa êm mềm những mảnh thêu
Kẻ hứng vờn hoa bền nhiệt diễn
Người đưa đón ngọc khẽ tay dìu
Qua thời ước vọng tàn mơ tưởng
Dõi cảnh xuân về lại chắt chiu
Chợt cảm chùm tia vàng ngã nắng
Còn vui dạo ảnh ráng buông chiều.

Mai Thắng – 210304

***

Ngả Bóng Chiều

Ta bỗng thương em, một dáng kiều
Đâu thời yểu điệu gót hài thêu
Kia làng xa mã bao người đón
Đây nét đài trang lắm kẻ dìu
Sau cuộc đổi đời, khinh lũ ngợm
Từ ngày mất nước, tủi cô chiêu
Quê nhà yêu dấu còn xa lắc
Lặng lẽ nhìn nhau : ngả bóng chiều ....

Nguyễn Kinh Bắc  


Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Nhặt Lá Vàng


   
(viết tặng bài thơ cùng tên của KP)

Cứ mỗi vào thu mùa lá đổ
Vàng bay xác lá rụng đầy sân
Nhẹ tay nhặt lá khô từng chiếc
Bỗng thấy thời gian nhích lại gần..!

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng


Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Mùa Thu Hoạch: Cây Câu Kỷ Tử - Goji Berry

Câu Kỷ Tử là loại cây mọc thành bụi, dễ trồng. Cây cho hoa màu tim tím dễ thương, khi trái chín mọng có màu đỏ, rất bắt mắt người nhìn và dễ thu hút lũ chim. Trái chín có thể ăn tươi hoặc sấy khô.
Đây là một loại thực phẩm được người Á Châu ưa chuộng. Tuy nhiên, cần nên xem xét kỹ trước khi sử dụng.

















 

Ảnh: Kim Phượng
Cây Goji Berry Nơi Vườn Sau Nhà

 

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Ngậm Ngùi

Xướng:

Ngậm Ngùi


Một mình hiên vắng lắng ngày trôi
Thấp thoáng trong xuân dáng hạ rồi.
Khắc khoải quyên sầu còn rướm máu
Bâng khuâng rượu nhạt chẳng cần mồi.
Trang thư đọc mãi leo nheo mắt
Răng cỏ bay dần móm xọm môi.
Bấm đốt bạn bè còn mấy bố
Đường về sương khói ngậm ngùi thôi!

Mailoc
04-04-21

***
Các Bài Họa:

Khắc Khoải


Những buổi hoàng hôn lặng lẽ trôi
Niềm vui thuở ấy đã xa rồi
Nên giờ thơ thẩn cùng thi hứng
Nhiều lúc nhâm nhi chẳng thiết mồi
Thơ rượu giao thoa buồn thế tục
Câu vần xướng họa nở hoa môi
Bao năm lận đận thời không đến
Bóng xế đôi dòng cảm xúc thôi.

Quên Đi
***
Ngậm Ngùi


Ngậm ngùi ngày tháng lạnh lùng trôi
Xuân mới vừa đi, hạ tới rồi
Phượng tím Ca Li đang tím nụ
Cá vàng Long Beach đợi ăn mồi
Hải âu bãi cạn chờ vươn cánh
Thiền viện chuông xa vẳng khép môi
Thoáng bóng chuyển mùa, năm đã nửa
Tuổi vàng chiu chắt mộng mơ thôi...

Los Angeles 6 - 4 - 2021.
Cao Mỵ Nhân
***
Hiu Quạnh Tuổi Già

Ngồi xem con nước lững lờ trôi
Nhớ bạn về thăm mấy tháng rồi
Hiu quạnh chung trà thơm vắng khách
Buồn tênh cốc rượu đắng không mồi
Da nhăn tóc bạc kèm nhem mắt
Má hóp răng long móm mém môi
Bằng hữu, đồng song đi bán muối
Mình tôi thất nghiệp chạnh buồn thôi...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 05/04/2021
***
Tuổi Lão Vào Hè


Ráng đổ bên thềm lặng lẽ trôi
Lần sang buổi hạ nắng chen rồi
Ve khàn trỗi giọng nao tiềm thức
Phượng đỏ theo đường rỡ nét môi
Đỡ kiếng trông nhòa hoa lộng ảnh
Cài răng nhấm bệu chả thay mồi
Trà châm nóng hổi khà men rượu
Hỏi khách thân tình cũng vậy thôi.

Mai Thắng
210407
***
Đồng Tình

Uống cạn ly đầy cố nuốt trôi
Thế nhân một kiếp hiển nhiên rồi
Nhà thì quạnh vắng đâm ghiền rượu
Thân đã hom hem tập phá mồi
Đâu phải vì ai mà chặt dạ
Chẳng qua thích bạn chịu mềm môi
Đinh Lăng mượn rượu tìm tri kỷ
Xướng họa đồng tình chỉ thế thôi

Kim Phượng
***
An Nhiên


Thời gian chầm chậm tháng ngày trôi
Cái thuở ngây thơ đã hết rồi
Nhìn ánh mắt mờ nhiều xếp nếp
Ngắm làn da trổ những đồi mồi
Trách chi tình bạc phai màu tóc
Chớ giận tâm sầu nhợt nhạt môi
Cuộc sống tự nhiên là thế đó
An bình chấp nhận thảnh thơi thôi

Kim Oanh



Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Bên Sông


Bài Xướng:

Bên Sông


Mới lên giọt nắng chỉ thưa thưa
Lấp lánh xuyên ngang những đọt dừa
Dưới nước lăn tăn con sóng gợn
Lưng trời bảng lảng áng mây đưa
Bèo trôi lờ lững về mô tá?
Bậu đứng nghiêng nghiêng hát ưỡm ừa
Gợi cảnh thanh bình luôn mãi nhớ
Xa rồi đây đó những năm xưa.


Thái Huy 

16/4/21
***
Bài Họa:

Ơi Người Bên Sông


Dõi mắt lưng trời cánh nhạn thưa
Dáng ai thấp thoáng cạnh hàng dừa
Cũng quang cảnh ấy lần quen biết
Cũng khúc sông này lúc tiễn đưa
Tình bén thầm thì... chờ đợi nhé
Duyên ưa xao xuyến... mỉm cười ừa
Xuôi chi gặp gỡ rồi xa cách
Ơi hỡi ơi người của thuở xưa

Kim Phượng 

 

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Mẹ


Cưu mang dưỡng dục đấng mẹ hiền
Cho con tròn mộng tuổi thần tiên
Câu ru trìu mến thời thơ dại
Vỗ giấc êm đềm trẻ ngủ yên

Âu yếm khuyên răn tiếng lẫn lời
Ngày ngày một lớn tuổi rong chơi
Dạy con gìn giữ điều nhân nghĩa
Tài đức khiêm cung góp sức đời

Mẹ hỡi thiên thu khuất bóng rồi
Trong con sống lại tuổi nằm nôi
Đến nay con đã đang làm mẹ
Luôn nhớ những điều mẹ dạy thôi

Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Mẹ 9.5.2021


Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Nhặt Lá Vàng - Chiếc Lá

                         Ảnh: Kim Phượng

Nhặt Lá Vàng

Nắng vàng vây phủ quanh đời
Tôi đi nhặt lá trời ơi thu buồn
Hiên ngoài gió hỡi lá tuôn
Bao đêm soi bóng mình buồn hơn xưa

Kim Phượng
***
Cảm Tác

Họa thơ góp nắng cho đời
Để cho chiếc lá thu rơi bớt buồn
Cho người sầu lệ hết tuôn
Ngày đêm chẳng nhớ nỗi buồn thuở xưa


Song Quang
***
Chiếc Lá


Ngoài trời chợt đổ cơn mưa
Hạ đi thu đến sầu chưa vơi sầu
Gió ơi, cuốn lá về đâu
Nắng ơi, đừng nhuộm úa màu thời gian!

Yên Dạ Thảo


Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Người Trong Tranh


Dáng ai tươi mát ở bìa trang
Cười nụ diệu hiền dáng dấp sang
Cạnh tách trà thơm mùi nguyệt quế
Tình thu êm ả trí miên man

Màu áo như pha sắc ráng hồng
Ngắm thu vui thú chẳng chờ mong
Ngược xuôi nào kể đời cô quạnh
Ngắm lá thu bay lượn khoảng không

Nguyễn Cao Khải


Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Vài Dòng Về Ngày Thiếu Nhi "Kodomo no hi"


Ở Nhật, ngày 5 tháng 5 là ngày lễ “Kodomo no hi” (Ngày thiếu nhi), là 1 trong 15 ngày lễ quốc gia của Nhật Bản (ngày nghỉ nhưng vẫn được ăn lương). Từ năm 1948, luật pháp Nhật quy định ngày này là ngày tôn trọng nhân cách của trẻ em, ngày cầu mong hạnh phúc cho trẻ em và cũng là ngày cảm tạ người mẹ.

Theo tập quán trước đây thì ngày 5 tháng 5 là ngày lễ cầu mong sức khỏe và trưởng thành dành riêng cho con trai, ngày này được tính theo âm lịch, chính vì thế vẫn còn vài nơi ở Nhật làm lễ vào ngày 5 tháng 6 do chênh lệch 1 tháng giữa âm lịch và dương lịch. Ngày lễ dành riêng cho con gái là ngày 3 tháng 3 , được gọi là Hina matsuri.

Ngày 5 thánh 5 âm lịch cũng là ngày Tết truyền thống ở 1 số nước châu Á, được gọi là Tết Đoan Ngọ. Đoan nghĩa là mở đầu. Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ là lúc mặt trời ở gần với trái đất nhất. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương vì theo triết lý Đông phương hỏa khí của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ lên đến đỉnh cao nhất.

Tùy theo quốc gia và khu vực, truyền thuyết về lịch sử ngày 5 tháng 5 được lưu truyền khác nhau , Tại Việt Nam mình, dân gian gọi ngày Tết Đoan Ngọ là ngày Tết giết sâu bọ, là ngày bắt sâu bọ và tiêu diệt các loài cây gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Ở vùng đồng bằng Nam bộ thì ngày 5 tháng 5 còn được gọi là ngày “Vía Bà”, thờ Linh sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen. Ở Đồng Tháp thì gọi là ngày “Nước quay”, là ngày bắt đầu của những mùa lũ hàng năm,…

Theo truyền thống của Nhật, vào ngày 5 tháng 5, các gia đình có con trai thường treo cây sào có gắn lá cờ đuôi nheo cá chép (Koi nobori) trước sân nhà mình để cầu mong con trai mình sẽ luôn được mạnh mẽ, vươn lên và thành công trong cuộc sống. tựa như cá chép vượt vũ môn đễ hóa rồng vậy. Có gia đình treo số cờ cá chép theo đúng số thành viên trong gia đình của mình.


Ngoài ra, người ta còn trưng búp bế võ sĩ mặc áo giáp (yoroi) và đội mũ sắt (kabuto). Vì Áo giáp và mũ sắt được dùng để bảo vệ tính mạng của các võ sĩ trong chiến tranh ngày xưa.


Vào ngày 5 tháng 5 này, số trẻ em dưới 15 tuổi ở Nhật là : 16,05 triệu (8,22 triệu nam và 7,82 triệu nữ). Trong 35 năm qua, con số này giảm liên tục .Vào năm 1950, tổng số trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 35.4 % của tổng dân số, nhưng hiện nay (1/4/2016) con số này chỉ chiếm có 12,6%, rất thấp so với ở Mỹ là 19.2%, Pháp: 18.5% , Việt Nam : khoảng 25%.

Liên Hiệp Quốc định Ngày thiếu nhi thế giới là ngày 20 tháng 11, nhiều quốc gia chọn ngày này là Canada, Úc, Ai Cập, Pakistan, Hungary, Phần Lan,….Nhưng Thái Lan, Lào, Campuchia , Myamar chọn ngày thứ bảy của tuần thứ 2 trong tháng Giêng. Hồng Kông, Đài Loan chọn ngày 4 tháng 4,….Mỹ không có ngày Thiếu Nhi riêng mà thường tổ chức chung trong các ngày của Mẹ, Ngày của cha. Việt Nam và Trung Quốc chọn ngày 1 tháng 6, Tết Trung Thu làm Ngày thiếu nhi.

Montréal, ngày 4/5/2016

Ngô Khôn Trí



Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Haiku 99


Nắng tàn
nhòa phượng đỏ
ve khan

dovaden2010
***
Cảm Tác:

Ve ran
cơn gió quyến
phượng tàn

Kim Phượng

 

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Biển Dâu - Dâu Bể


(Đường và cổng vào trại tỵ nạn Singapore hiện nay, 2019.
25 Hawkins Road Sembawang Singapore 2775)

Biển Dâu

Biển dâu hoang phế vô thường
Nhớ xưa vang tiếng thân thương bạn bè
Ngày nào bao kẻ loa kêu
Giờ đây vắng lặng tịch liêu rong đầy
Giọng cười nói vẳng đâu đây
Nhìn quanh chỉ có gió lay cành quằn
Xạt xào sỏi đá nghe chăng
Cổng kia đóng kín, ảnh hằng trong tâm
Đường đi quen thuộc tháng năm
Mà nay sao lại vắng tăm thế này
Khi nào tỉnh giấc...rức ray
Nhớ càng thêm khổ...không khuây nỗi niềm

Nguyễn Cao Khải
***

Cảm Tác:

Dâu Bể


Sinh ly tử biệt lẽ thường
Trùng dương dậy sóng đôi đường chia xa
Về đâu bờ bến quê nhà
Đảo người dung tạm vào ra thẩn thờ
Ngày dài tháng đợi năm chờ
Về miền đất hứa ước mơ thỏa lòng
Hôm nay cảnh cũ buồn trông
Thời gian mờ xóa rêu phong phủ đầy
Bao người gục xuống nơi nầy
Hồn nương theo gió về đây họp đàn
Cành Nam Chim Việt dặm ngàn
Tạ ơn chốn cũ cưu mang kiếp người

Kim Phượng