Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Đã Mấy Đông Qua


Ô kìa!
Ngày trở cuối đông
Sẽ lúc đầu xuân tắm nắng hồng
Như lòng tôi
Của muôn năm trước
Hay đông ru buồn
Lòng trĩu nặng sầu miên
Thời gian vô tình phủ màng sương khói
Lấp cả lòng người
Bạc trắng màu vôi
Đố ai!
Rũ bụi thời gian
Tìm được tôi ngày cũ
Đông rồi sẽ qua
Gọi mãi
Rồi người cũng xa

Melbourne Một Ngày Cuối Đông.2021
Kim Phượng

 

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Ướt - Mưa

 
Bài Xướng:

Ướt

Phố cũ bao mùa vẫn tiếng xưa
Niềm đau ấp ủ nói sao vừa
Người đi...góc nhỏ rèm buông khuất
Dáng lệ u sầu mãi ướt mưa

dovaden2010
***
Bài Họa:

Mưa


Nụ hồng sót lại cuối vườn xưa
Góc nhỏ con tim chợt nhói vừa
Một đóa trao tay lần tiễn biệt
Cánh hồng run rẩy lại sa mưa


Kim Phượng
***
Mưa!

Ừ thôi cất mãi bóng hình xưa
Lưu luyến cùng nhau mộng ước vừa…
Thao thức hẹn chờ bao nỗi nhớ
Để rồi trăn trở tháng ngày mưa…

Kim Oanh

***  

 Tình Xưa Và Giọt Mưa

Lặng lẽ bên rèm ngắm giọt mưa
Sao đem so sánh được cho vừa
Khối tình son sắt bền muôn thủa
Kết chặt người thương tuổi dại xưa

ChinhNguyên/H.N.T. Aug. 26.21

 

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Em Cũng Là Hoa: Hoa Đào Trước Ngõ

Trời cuối đông âm thầm nỗi nhớ
Vành môi chờ khép lại mong xuân
Nắng vàng rơi khiến hoa say nắng
Hoa trắng trời

Thơ & Ảnh: Kim Phượng


Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Nếu Không Có Mùa Đông

Nếu không có mùa Đông
Lấy ai ủ trái tim lạnh giá
Chăn gối cô đơn buồn tê tái
Trong màn đêm bao phủ cô phòng

Nếu không có mùa Đông
Sao cảm nhận được lòng thương nhớ
Người chiến sĩ xa ngoài biên giới
Người thiếu phụ ôm con đợi chồng

Nếu không có mùa Đông
Nhạc sĩ làm sao viết ca khúc
Đêm Đông* với giai điệu day dứt
Trên Đỉnh Mùa Đông* thật não lòng

Nếu không có mùa Đông
Chiếc áo đan tay từ đầu Hạ
Gởi cho ai trại tù cải tạo
Nơi đèo heo hút gió lạnh lùng

Nếu không có mùa Đông
Ai hiểu cảnh cơ hàn ngoài phố
Ông lão bán xực tắc co ro
Em bé giao nhật báo run rẩy

Nếu không có mùa Đông
Chẳng còn cảnh tuyết rơi huyền ảo
Lung linh bay cùng ánh đèn sao
Đêm Giáng-sinh trên tháp giáo đường

Nếu không có mùa Đông
Cũng không ngọn lửa hồng
Cho gia đình sum họp
Cho hạnh phúc lên ngôi

NẾU KHÔNG CÓ MÙA ĐÔNG
THÌ ĐỊA CẦU CHÁY BỎNG
LOÀI NGƯỜI SẼ TỒN TẠI,
HAY VÀO CÕI HƯ KHÔNG?

ChinhNguyên/H.N.T. ,
Aug.20.21
*Tên Ca Khúc


Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Những Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Tại Cây Chanh

 
 Ảnh: Kim Phượng

    Hè năm 1939, cha Đốc chuyển nhà xứ Đạo ngạn lên đồi Lạc sơn. Trước trường học của nhà xứ có một cây chanh, năm đó nó bắt đầu ra trái; thầy Hương thấy tôi thật thà, đứng đắn, liền gọi tôi tới và nói trước mặt cả nhà, “ Tao trao cây chanh này cho thằng Hạnh giữ, không được để cho ai hái trái.” 
 
    Một hôm, thầy Hương có việc đi vắng, Chúc, người lớn nhất trong nhóm chúng tôi, ngang nhiên ra hái chanh về pha nước uống; tôi bảo hắn không được làm như vậy, thầy Hương cấm; hắn không nghe; ỷ được thầy nể, vì học giỏi, có tài vẽ, thỉnh thoảng được thay thầy, dạy mấy lớp nhỏ, hắn tiếp tục hái chanh pha nước uống, chẳng thèm để ý đền lời tôi nói; tức quá, tôi liền nói với các bạn cùng lớp tẩy chay, không thèm chơi với hắn. Đầu tiên chỉ có một ít bạn vào hùa với tôi, sau cùng tất cả chúng tôi đều xa lánh hắn.
    Thấy tôi làm dữ, hắn vào mách thầy Hương; nó nói là tôi lập phe đảng chống đối nó. Có lẽ nghe hai chữ “phe đảng” mà thầy Hương cho là to chuyện, nên vào một buổi tối, thầy gọi tôi vào phòng, tỏ vẻ tức giận, hỏi tôi,"Mày đứng đầu phe đảng, phải không?” Tôi biết Chúc đã nói tất cả cho thầy biết rồi, nên tôi vào ngay vấn đề, và nói,”Thưa thầy, thầy đã trao cho con giữ cây chanh, không cho ai được hái, thế mà anh Chúc cứ ra vặt trái, vắt, pha nước uống, con can không được, nên con mới…”
          - “ Tao không biết” thầy nói,”tao đánh mày vì tội lập phe đảng, nằm xuống đây!”
Rồi thầy đánh tôi không nương tay! Tôi nằm, cắn răng chịu đòn; không la khóc, không van xin; có lẽ vì thấy tôi lỳ, nằm im , nên càng tức giận hơn, đánh tôi tới mỏi tay, rồi túm cổ, kéo tôi ra khỏi phòng. Hôm sau, cũng vào giờ đó, thầy lại gọi tôi vào phòng, bắt nằm xuống, đánh tôi đến nỗi gẫy chiếc roi tre, chưa hả giận, lấy luôn lưỡi cưa sắt ở gầm giường, đánh tôi một hồi nữa, rồi túm cổ, đẩy tôi ra như hôm trước!
    Tôi về giường nằm, lúc đó tôi không còn cảm thấy đau nữa; sờ lên mông, tôi thấy quần tôi bị lủng và ướt, lưỡi cưa đã móc rách quần và làm cho mông tôi chảy máu!
    Hình ảnh Tước bị đánh năm xưa, hiện ra trong trí óc, chắc chắn tối mai, thầy còn đánh nữa, nên tôi nghĩ đến việc đi trốn. Vừa đau vừa mệt, tôi thiếp ngủ đi. Giật mình dậy, nhìn quanh phòng ngủ, thấy mọi người đều yên giấc, tôi quơ vội bộ quần áo để đầu giường, nhét vào trong lòng chiếc mũ trắng,lén ra khỏi phòng, đi thẳng ra đường cái, chạy về hướng tỉnh lỵ Bắc ninh,cách đó khoảng bốn cây số. Trên đường đi, quên cả đau đớn, mệt mỏi, tôi chỉ sợ thầy Hương biết tôi trốn, sẽ đuổi theo, bắt tôi trở lại, lúc đó tôi sẽ chết vì đòn!
     Tới bến xe đò, trời còn tối, không biết là mấy giờ, tôi nằm vật ra bên một gốc cây, ngủ được một giấc. Hồi đó cả tỉnh chỉ có một bến, chung cho xe đi các nơi, nên tìm bến cũng dễ dàng. Khoảng ba, bốn giờ sáng, các lơ xe bắt đầu đốt lò; trong thời gian này, xe ô tô còn chạy bằng than. Kiếm xe đi về Đò hồ, cách làng tôi cũng khoảng ba, bốn cây số nữa, tôi năn nỉ lơ xe cho lên trước, ngồi nấp trong một góc, sợ có ai đuổi theo, trông thấy.

     Quá trưa hôm đó , tôi về tới nhà; cha mẹ tôi rất đau lòng vì thấy tôi bị đánh quá tàn nhẫn. Còn tôi thì lại mừng vì đã trốn thoát, không có ai đuổi theo, nhất là từ nay không bao giờ bị đòn nữa! Cho tới nay, hơn bảy chục năm rồi, mỗi khi nhớ lại hai trận đòn đó, tôi vẫn còn thấy ớn xương sống.
 
Thạch Trong(HĐN) 

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Mùa Vu Lan Năm Nay


Mùa Vu Lan Mẹ cúi đầu xuống thấp
Bên xác chồng trong nỗi lặng thinh
Mùa Vu Lan Mẹ không còn nước mắt
Khóc cho con trong câm nín tội tình!

Cuối tháng Tám, 2021
Nguyễn Hoài Nam


Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Hở Mẹ Nơi Đâu

                               (Ảnh: Ba Mẹ Của Tác Giả) 

Nơi đây viễn xứ ngóng tư bề
Trông đợi chờ lâu nhớ đến quê
Ở đó phương xa con nhớ mẹ
Mong ngày báo hiếu được tìm về

Vu lan nhớ mẹ nặng ưu sầu
Hở mẹ sao đền nghĩa thâm sâu
Côi cút tấm thân trong bão tố
Thuyền con về bến đậu nơi đâu

 Huỳnh Phương Trạch 

 

Hiếu Hạnh Mùa

Bài Xướng:

Hiếu Hạnh Mùa


Lắng tiếng chuông ngân hiếu hạnh mùa
Quay về nương tựa lánh hơn thua
Lời khuyên trí vững dù giông tới
Ý dạy tâm an mặc gió lùa
Học hỏi trường đời câu ấm lạnh
Nhân tình đón nhận vị cay chua
Thâm ân dưỡng dục luôn ghi khắc
Lắng tiếng chuông ngân hiếu hạnh mùa

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Trải Thơm Mùa

Chuông ngân hiếu hạnh trải thơm mùa
Gửi mộng bên đường lánh được thua
Tịnh dạ quay về dù bão tới
An tâm trở lại kệ mưa lùa
Sông đời lặn lội bao cay đắng
Dặm thế trôi lăn lắm chát chua
Nghĩa mẹ ân cha hoài khắc nhớ
Chuông ngân hiếu hạnh trải thơm mùa

Hương Thềm Mây
21.8.2021

***
Cảm Đề

"Một lòng thờ Mẹ,kính Cha,
Cho trọn đạo hiếu mới là đạo con"
(Ca dao)

Vu Lan-Đại Lễ rộ xanh mùa,
Đạo Pháp khôn ngừa sự thắng thua.
Nỗi nhớ Phụ Thân xua gió tạt,
Niềm thương Hiền Mẫu đẩy sương lùa.
Mẹ gồng bão tố dầm cay cực,
Con hưởng trái lành vợi chát chua.
Nghĩa trọng,ân dầy lưu vạn thuở,
Vu Lan-Đại Lễ rộ xanh mùa.

22-8-2021
Nguyễn Huy Khôi


Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Trống Vắng


Bài Thơ Xướng

Trống Vắng


Ngơ ngác nắng xuân hồng
Vầng dương hé cõi đông
Mưa hè đang gợi nhớ
Cánh phượng vẫn chờ mong
Quạnh quẽ thu vào dáng
Mong manh lá lạc dòng
Đông về thêm thổn thức
Hiu hắt phủ cô phòng.

Quên Đi
***
Các Bài Thơ Họa

Man Mác Trời Thu

Em vui vạt nắng hồng
Trời mọc sáng hừng đông
Hè phượng sân trường nhớ
Đàn ve nhạc khúc mong
Thu sương mùa ướt lá
Hè nắng nước khô dòng
Đường sá đông phong lạnh
Chiều mưa khép cửa phòng...

Mai Xuân Thanh
July 05, 2021
***
Cô Đơn

Ngoài xa, ánh nắng hồng
Ửng sáng khoảng trời đông
Vườn cũ, cây im bóng
Sông xưa, nước lặng dòng
Ngậm ngùi tâm trạng nhớ
Ray rứt nỗi niềm mong
Cảm thán đời cô quạnh
Giam thân chốn biệt phòng

Phương Hà
(06/07/2021)
***
Ưu Tư
( Bát vận đồng âm )

Trời thẫm ló vầng hồng
Bình minh rạng hướng đông
Người xưa hoài đứng ngóng
Vườn cũ mãi chờ mong
Cánh phượng còn in bóng
Thời gian chẳng ngược dòng
Tuổi già lần lượt chóng….
Từ giã chốn đơn phòng

songquang
***
Thấm Lạnh


Ấm áp bếp than hồng
Ngày qua đã lập đông
Mưa buồn rơi chạnh nhớ
Gió lạnh buốt hoài mong
Lãng đãng mùa phai sắc
Lênh đênh thơ thả dòng
Còn ai sầu bến đợi
Sương phủ thấm khuê phòng...

Hawthorne 6 - 7 - 2021
Cao Mỵ Nhân
***
Bốn Mùa Thay Cả Đời Ta

Vườn xuân rực ánh hồng
Hồn ngỡ bước vào đông
Bao tháng hè xa vắng
Bấy năm phượng mỏi mong
Nhớ ai lần dõi bóng
Lệ đổ chảy thành dòng
Chỉ tội đau chăn gối
Đêm thu lạnh khắp phòng

Kim Phượng

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Gọi Chiều


Chiều mưa u ám phận đơn côi
Gọi bạn tiếng kêu mãi chẳng thôi
Vọng tới miền xa không dội lại
Tìm người biền biệt dạ bồi hồi

Lòng nào se thắt đau từng cơn
Bạn cũ ngày xưa vẫn hay hờn
Nhớ mãi chúng mình tình đôi lứa
Bên nhau êm ấm chẳng gì hơn

Thơ & Ảnh: Nguyễn Cao Khải


Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Thiên Thần Trong Bóng Tối



Họ là những thiên thần trong bóng tối
Dám đương đầu trước nghịch cảnh đớn đau
Giấu lệ rơi kềm tiếng nấc nghẹn ngào
Giành giật lấy phận người rời cửa tử

Họ là những thiên thần trong bóng tối
Nơi tuyến đầu các bác sĩ xả thân
Chữ hy sinh y tá chẳng ngại ngần
Từng giây phút chối từ “do định mệnh”

Họ là những thiên thần trong bóng tối
Đêm làm ngày tiếp nối chẳng kêu ca
Anh quân nhân cảnh sát không nề hà
Gìn giữ an vui có thêm ngày mới

Họ là những thiên thần trong bóng tối
Nhân viên lau chùi, thử nghiệm không ngưng
Lo toan từ đường phố đến cao từng
Đẩy lùi nhanh mầm sinh sôi nảy nở

Họ là những thiên thần trong bóng tối
Người giao hàng, lo thực phẩm uống ăn
Cung cấp thuốc men cần thiết như rằng
Sẵn sàng trước bao gian nguy khốn khổ

Họ là những thiên thần trong bóng tối
Cứ ngồi nhà tuân thủ luật đề ra
Thương thân người như chính tấm thân ta
Chủng ngừa hầu tránh xót xa ân hận

Vâng! Chính họ thiên thần trong bóng tối

Kim Phượng


Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Tháng Bảy Mưa Dầm

 

Chuyện tình Ngưu Chức gợi thơ sầu
Giọt lệ hòa tan với hạt Ngâu
Ô-thước mơ màng trong giấc ngủ
Sông Ngân lờ lững dưới chân cầu


Nửa thế kỷ qua đã quá dài
Biết bao kỷ niệm chẳng hề phai
Đông Tây cách biệt tình đôi lứa
Tái ngộ... cùng mơ sẽ có ngày...

ChinhNguyên
 Aug.14.21

Sụt Sùi Mưa Tháng Bảy


Tháng Bảy nghe mưa đọng giọt sầu
Sụt sùi Ô Thước chuyển mùa Ngâu
Trời đày hai đứa chia đôi ngả
Giăng mắc mưa thu lạnh nhịp cầu

Nước mắt mùa Thu tiếng thở dài
Lệ mừng tơ tóc chửa phôi phai
Sông Ngân khắc khoải lòng Ngưu Chức
Chỉ tội...chao ôi lại đếm ngày

Kim Phượng


Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Ai?

     

Môi ai thơm ngát thì thôi
Miệng ai chúm chím ỉ ôi thì thầm
Mắt ai chớp ánh long lanh
Tay ai dịu nhiễu quấn quanh thân nầy
Áo ai tà trắng gió bay
Thân ai ẻo lả nhẹ mây sớm chiều
Chân ai bước sẽ mỹ miều
Tim ai đỏ thắm biết yêu chưa nào?
Da ai trắng mịn hồng hào
Tóc ai mướt mượt nước trào suối trong
Răng ai đều trắng như bông
Giọng ai êm ả từng không
Nụ cười thanh thoát tiếng lòng sao nguôi
Tiếng ai thỏ thẻ êm xuôi
Bên tai rót mật xóa lui buồn phiền
Mặt ai đều đặn trái xoan
Người đâu thân mật thảo ngoan nghĩa tình
Người đâu dáng dấp thật xinh
Đây thương nhớ mãi với tình ngàn năm

Nguyễn Cao Khải

 

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Khóe Buồn


Ừ! Rồi mình cũng xa nhau
Biết ai ai biết nghẹn ngào biệt ly
Tiễn em ừ tiễn em đi
Tìm trong hồi ức những gì thu xưa
Năm năm cách biệt như chưa
Em theo cánh gió tiễn đưa thu tàn
Chiều nay mây tím giăng hàng
Khóe buồn muôn giọt trên ngàn xót xa

Kim Phượng
11.8.2021
5 Năm Rồi 7 Hiệp Ơi!



Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Gió Thu

Tà dương dần khuất cuối chân trời
Ngọn gió đâu về cợt lả lơi
Vạn vật đắm mình choàng bỡ ngỡ
Đàn chim động tổ rối bời bời
Đổi màu phiến lá thay nhan sắc
Trơ gốc tàng cây tủi phận đời
Chớ lụy thi nhân sầu vạn cổ
Xin ngừng lay nhé gió thu ơi

Thơ & Ảnh: Kim Phượng

(Dandenong Ranges National Park - Victoria)



Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

Sân Ga Vô Tình


Bồi hồi thăm hỏi mấy câu
Cô nàng đứng đợi đã lâu con tàu
Sân ga đêm vắng đèn màu
Má em ửng đỏ nghẹn ngào bên nhau
Một ngày kỷ niệm gửi trao
Chợt buồn thương nhớ mong sao chúng mình...
Tiếng còi rời bến vô tình
Để ta lưu luyến bóng hình khuất xa

Huỳnh Phương Trạch

 

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Linh Hồn Ngôn Ngữ


1. Nhà văn Cao Hành Kiện:

                                         Nhà văn Cao Hành Kiện 

    Giải Nobel Văn Chương thường được trao cho các nhà văn đã đem lại "một hình ảnh rõ rệt về cuộc sống của con người cũng như một lý tưởng cao đẹp". Năm 2000 khi trao giải thưởng Nobel Văn Chương cho Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), một nhà văn Trung Hoa lưu vong hiện có quốc tịch Pháp. Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã đưa ra nhận định rằng "tác phẩm của ông có tầm ảnh hưởng quốc tế, ghi đậm nét một nhận thức chua chát và một bút pháp tài tình, vạch ra những con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Hoa". 

    Đã có vài nhà văn Á châu đoạt giải Nobel văn chương như Rabindranath Tagore (1913), Yasunari Kawabata (1968), Kenzaburo Oe (1994), nhưng đây là lần đầu tiên Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao giải cho một người Trung Hoa, mà lại là một người Trung Hoa đã từ bỏ đảng Cộng Sản, sống nương náu tại Paris, viết cả tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Pháp.

    Ông sinh tại Cống Châu, Giang Tây vào năm 1940, năm của một nước Trung Hoa loạn lạc trong khung cảnh cuộc chiến Trung Nhật. Có lẽ giống nhiều đứa trẻ Á châu sau này, ông đã chào đời, như lời mẹ ông nói với ông, " ngay trong lúc máy bay đang thả bom". Cuộc sống của ông bắt đầu trong bom đạn và tiếp diễn trong xáo trộn, chống đối, đàn áp, trốn chạy... Đúng, hầu như lúc nào cũng trốn, cũng chạy...như tựa đề của cuốn sách "Kẻ Trốn Chạy" của ông. Ông nói : " Tôi là kẻ tị nạn từ thuở lọt lòng mẹ.".

 
 
 Hình ảnh lịch sử tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989

    Ông ly khai đảng cộng sản Trung Hoa năm 1989 khi cộng sản Trung Quốc mang xe tăng đàn áp những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Ông sống lưu vong tại Pháp và tiếp tục sự nghiệp văn chương của ông với những tác phẩm viết cả bằng tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Pháp. Năm 1992, ông lãnh Huân Chương Nghệ Thuật và Văn Chương và năm 1994 ông đoạt Giải Cộng Đồng Pháp của Vương Quốc Bỉ với tác phẩm "Kẻ Miên Hành" và Giải Tân Niên của cộng đồng Trung Hoa năm 1997 với tác phẩm "Linh Sơn" (Soul Mountain). Ông lấy quốc tịch Pháp vào năm 1998 và sống tại một căn phòng tầng thứ 18 của một chung cư tại Paris, thành phố mà ông cho là nơi trú thân lý tưởng nhất cho những tâm hồn nghệ sĩ khát vọng tự do và sáng tạo. Từ căn phòng của ông, như lời ông nói, ông có thể nhìn ngắm tháp Eiffel với cảnh hoàng hôn tắt nắng, và Paris chầm chậm đi vào màn đêm thơ mộng, êm ái, nhưng cũng đầy rạo rực, nồng ấm.

    Tác phẩm quan trọng nhất của ông, cuốn tiểu thuyết " Linh Sơn" (Soul Mountain) được ông khởi sự viết từ năm 1982. Đây là một hành trình của một tâm hồn qua thời gian và không gian, trong khung cảnh của các đồi núi, đồng cỏ, làng mạc Trung Hoa, để tìm lại cội rễ, sự an bình và tự do của nội tâm. Chuyến đi xa vào năm 1986 chắc chắn đã giúp ông nhiều ý tưởng, hình ảnh, tài liệu cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này mà mãi đến năm 1995 mới được xuất bản tại Pháp. Tờ báo Le Monde của Pháp đã dành một bài viết đặc sắc để giới thiệu cuốn tiểu thuyết quan trọng này ngay sau khi Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel văn chương. Tác giả bài viết này, tên viết tắt là J.L.D, giới thiệu tác phẩm " Linh Sơn " của Cao Hành Kiện, xin được thoáng dịch một đoạn như sau:

    "Trong tác phẩm 'Linh Sơn' này, một người với túi sắc trên vai, đã ngược xuôi, khi thì chân đất, khi thì trên yên xe đạp hay lắc lư theo nhịp một chiếc xe thồ, để đi tìm một ngọn núi bí mật, tượng trưng cho một nơi lý tưởng để con người có thể 'rũ bụi trần ai'. Theo chân các di tích của Trung Hoa cổ xưa, một Phương Đông huyền bí và ma quái, với khoa học của Lão Tử, gã ta đã đi kiếm một nơi nương náu, trú thân với bao nhiêu những kỳ tích hoang đường tưởng chừng như đã biến với thuở hoang sơ: những đồng lúa chín vàng và rừng tre xanh biếc, những vị phù thủy hét ra lửa, những con khỉ gào thét, rú lên từng hồi, những con rắn chọc phá, cướp bóc mồ mả; gã ta nói đến sự bảo vệ giống gấu mèo cũng như sự tàn phá môi trường trong vùng sông Dương Tử. Cao Hành Kiện đã trở về với những chiến công của các nữ hiệp sĩ trong các truyện kiếm hiệp, những lễ hội tưng bừng với những lồng đèn rồng, những con kỳ nhông khổng lồ hay những con chim vĩ đại khao khát mật ngọt của cây lệ quyên... những kinh kệ ê a bên cửa chùa, những thuyền mành mỏng manh, những chiếc dù xinh xắn, những thiếu nữ đùa nghịch, chạy trốn và khẽ kêu một tiếng đầy hoan lạc khi ngón chân vừa chạm vào làn nước sông trong xanh."

     Khi nhận xét Cao Hành Kiện là " một kẻ quan sát đầy ngờ vực nhưng sáng suốt không nhằm giải thích thế giới" và trao giải thưởng Nobel văn chương cho ông, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã không chỉ trao giải thưởng cho một tài năng văn chương, mà còn cho một tấm lòng kiên trì của một nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật của mình để chống lại tất cả sức mạnh của bạo quyền và hận thù để nói lên tiếng nói của cuộc sống đích thực, tiếng nói muôn đời của tự do và hạnh phúc. Ông là một "Kẻ Miên Hành", nhưng là một kẻ miên hành vẫn đủ tỉnh táo để trình bày, phê phán và tìm kiếm chân lý của cái đẹp.

2. Nhà văn Kim Thúy:

                              Nhà văn Kim Thúy và tác phẩm “Ru”

    Một tên tuổi xa lạ, là một phụ nữ trẻ gốc Việt, hiện sống ở Canada. Cũng như bao nhiêu người Việt sau biến cố 30/04/1975 đã bỏ nước ra đi, gia đình cô bé Kim Thúy cũng đã tìm cách vượt biên bằng thuyền đến Mã Lai, được đưa vào trại tị nạn, sống ở đấy chờ đợi cho đến khi được nhận vào đệ tam quốc gia là Canada.

    Kim Thúy sinh tại Sài Gòn trong một gia đình thuộc giai cấp trưởng giả, nhiều thành viên trong gia đình là công chức cao cấp hay ít ra cũng sống một cuộc sống thong thả mà với xã hội Sài Gòn hồi ấy, nếu cô chịu tiết lộ một số tên tuổi thì có lẽ chúng ta sẽ có thể nhận ra cô là ai, thân phụ cô hoặc những bà con xa gần của cô là những người nào; tiếc thay cô đủ kín đáo và kiêu hãnh để không nói rõ hơn. Kim Thúy sinh đúng vào Tết Mậu Thân, một biến cố lịch sử mà không một người dân miền nam nào có thể quên được cho dù họ thuộc phe nào, khuynh hướng chính trị nào. Cô lên mười tuổi khi gia đình cô lên thuyền vượt biển trốn khỏi Việt Nam. 

    Cuốn truyện kể mang tựa đề là "RU" vừa có nghĩa tiếng Việt vừa có nghĩa Pháp. Trong Pháp ngữ : giòng suối nhỏ, theo nghĩa đen, và sự chảy (chảy nước mắt, chảy máu) nghĩa bóng. Trong tiếng Việt RU có nghĩa là bài hát để ru trẻ con vào giấc ngủ an lành. Tác giả cho biết là cô từng là chủ một quán ăn ở một thị trấn nào đó thuộc xứ Canada, mang tên là "Ru de Nam". Khi lấy tên ấy làm tên tác phẩm đầu của mình hẳn tác giả có một dụng ý. 

    "... Trước khi tàu chúng tôi nhổ neo giữa đêm bên bờ biển Rạch Giá, đa phần các hành khách chỉ có một nỗi sợ, sợ cộng sản, nguyên do khiến họ bỏ trốn. Nhưng ngay khi bao quanh con tàu, bủa vây con tàu chỉ còn độc một chân trời xanh lơ đồng nhất, nỗi sợ bèn biến thành một con quỷ trăm mặt, cưa chân chúng tôi, khiến chúng tôi không cảm nhận được những cơ bắp bất động của mình đang tê cứng. Chúng tôi chết sững trong sợ hãi, vì sợ hãi. Chúng tôi không chợp nổi mắt nữa khi nước tiểu của đứa bé có cái đầu ghẻ lở bắn lên người chúng tôi. Chúng tôi không còn bịt mũi nữa khi nhìn những người xung quanh nôn mửa. Chúng tôi tê cứng, bị kẹt giữa những bờ vai người này, những chân cẳng người kia và nỗi sợ của tất cả. Chúng tôi tê liệt.

    Câu chuyện về một cô bé bị biển khơi nuốt chửng khi bước hụt chân lên tàu lan khắp lòng tàu bốc mùi như một thứ khí gây mê, hoặc gây đê mê, thứ khí ấy biến cái bóng đèn duy nhất thành ngôi sao Bắc cực còn những chiếc bánh bít cốt đầy dầu máy thành bánh quy bơ. Cái mùi dầu máy trong họng, trên lưỡi và trong tâm trí đưa chúng tôi thiếp đi theo nhịp bài hát ru của người phụ nữ ngồi bên." (dịch một trích đoạn trong tác phẩm RU).

    Cuốn truyện vừa in ra là được đón tiếp nồng nhiệt, được dịch và in trên nhiều nước. Ở Pháp truyện được chọn nhận giải Lire-RTL (Lire là tên của một tạp chí văn chương chuyên ngành và RTL là hãng truyền thanh và truyền hình). Vào chiều ngày 10 tháng 5, 2010 nhân buổi lễ khai mạc tuần lễ sách tại Paris (Salon du Livre) người phụ nữ nhỏ bé mảnh mai ấy đứng giữa hai ông hộ pháp François Busnel chủ bút tờ Lire và Philippe Labro giám đốc đài RTL, cả hai đều là những nhà văn nổi tiếng, trịnh trọng trao giải thưởng cho Kim Thúy và giải thích lý do sự chọn lựa tác phẩm của cô. Sau khi "RU" ra mắt tại Pháp thì nghe rằng ở Canada sách cô không còn tìm thấy trên kệ nữa. Số sách in đã lên đến 25,000 cuốn.

3. Nhà văn Lan Cao:

           Tác phẩm “Cầu Khỉ” (Monkey Bridge) và nhà văn Lan Cao

    Nói đến những văn sĩ người Mỹ gốc Việt, người ta không thể quên Lan Cao. Lan Cao, Cao Thị Phương Lan, là ái nữ của cố Đại Tướng Cao Văn Viên. Bà sinh năm 1961, cùng gia đình di tản đến Hoa Kỳ lúc 13 tuổi. Năm 1983, Lan Cao tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Mount Holyoken, và Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Yale. Lan Cao là một trong số những người Mỹ gốc Việt viết sách tiếng Anh hiếm hoi được những nhà xuất bản có tiếng của Hoa Kỳ chọn in. Tác phẩm đầu tay “Monkey Bridge” (Cầu Khỉ) của Lan Cao là tiểu thuyết viết theo thể loại tự truyện, kể lại cuộc đời của hai mẹ con người Việt di tản cư ngụ tại Little Sài Gòn từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. “Cầu Khỉ ” đưa người đọc cùng với Mai trở về xã hội miền nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa, để tìm thân nhân và nếm trải nỗi buồn niềm vui với họ. 

    Tác giả Lan Cao cũng được Viking Penguin phát hành cuốn sách thứ hai, có tên "The Lotus and the Storm" (Hoa Sen và Bão Tố) sau khi xuất bản cuốn "Monkey Bridge" (Cầu Khỉ) rất thành công vào năm 1997. Tuy là một nhà văn, Lan Cao lại theo đuổi ngành luật. Bà hiện là giáo sư giảng dạy môn luật kinh tế quốc tế tại Chapman University.

    “Cầu Khỉ” của Lan Cao viết về chiến tranh, và những hệ lụy còn rơi rớt lại trong đời của một số người Việt lưu vong. Tâm sự và cuộc đời của họ ở chừng mực nào đó cũng chơi vơi, cũng chênh vênh như những nhịp cầu tre bắc ngang dòng sông chảy xiết. Một độc giả đọc “Cầu Khỉ” rồi đã ghi lại cảm nhận: "Một mai cố quận tìm về / Qua sông cầu khỉ vọng hề tiếng xưa / Con đường đi vội quá trưa / Bến ni bờ nọ cũng vừa thiên thu".

    Ngôn ngữ, trong “Monkey Bridge” (Cầu Khỉ) đã được nhìn ngắm ở hai phía trái ngược. Một là ngăn cách trở ngại của ngôn ngữ. Và hai là, sức mạnh của ngôn ngữ. Trong lá thư bí mật mà bà Thanh gửi lại cho con, bà đã viết rằng Mai đã xấu hổ vì bà nói tiếng Anh không đúng “accent” mặc dù bà nói tiếng Việt và tiếng Pháp rất chuẩn. Và ở một phía khác, Mai đã nhìn thấy được uy lực của “tặng phẩm của ngôn ngữ”:
     "Ở trong thanh âm mới của tôi, thanh âm mà tôi thực sự phát ra từ cổ họng, là một uy lực kinh ngạc mới mẻ. Đối với mẹ tôi và những người láng giềng, tôi bắt đầu nắm giữ cả thế giới, một độc nhất với thế giới tiến bộ xán lạn. Giống như ông Adam, tôi đã như được Thượng Đế ban cho quyền năng chỉ danh tất cả các loài chim chóc ở trên trời và các loài thú vật trên cánh đồng. Quyền được chỉ danh, tôi nhanh chóng tìm kiếm được quyền giữ gìn ngôn ngữ và quyền thỉnh cầu thẩm quyền tiếng nói của thuần khiết không giả tạo" (trích đoạn "Cầu Khỉ").

    Cả ba nhà văn đều viết các tác phẩm ở ngoài quê hương của họ, bằng ngôn ngữ không phải tiếng “mẹ đẻ” của mình. Nhưng không ai có thể phủ nhận trong từng câu, từng chữ mang đậm nét văn hóa, tính dân tộc và linh hồn của quê hương dù ngàn dặm cách xa. Tự tình dân tộc quyện lẫn, khắc sâu trong mỗi trang lịch sử của đất nước, dân tộc được trân trọng và nâng cao đến một tầm cao của nhân loại. Hình ảnh đất nước và con người của quê hương họ, như những chuỗi sao kết nối, soi sáng trên mỗi thân phận và hơi thở của từng nhân vật trong tác phẩm.    

    Đã có hàng triệu người Việt nói, đọc và viết tiếng Việt như ngôn ngữ “mẹ đẻ” nhưng lại mang tinh thần lai căng, vọng ngoại. Giá trị của ngôn ngữ không phải chỉ là việc lặp lại như một "con chim biết nói" mà sử dụng và biểu hiện như linh hồn của tiếng nói từ trái tim của chúng ta. Đó chính là linh hồn của ngôn ngữ, sâu thẳm bên trong tâm hồn, nhân cách chứ không phải chỉ là thứ phương tiện của tiếng nói và chữ viết trong cuộc sống giao tiếp vô hồn.

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam 

 

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Hẹn - Nỗi Mong Chờ


Bài Xướng:

Hẹn


Lều Cỏ vẫn đây! Vẫn đợi chờ…
Nhớ người...Ôi nhớ đến ngu ngơ!
Chiều thu...Sóng biếc nao nao thẳm…
Ảo não...Thôi đành hẹn với thơ!

Dovaden2010
***
Bài Họa:

Nỗi Mong Chờ


Ới người Lều Cỏ có mong chờ
Một bóng hình nào lại ngẩn ngơ
Vạt nắng thu vàng phơn phớt nắng
Soi tình đáy mắt cả hồ thơ

Kim Phượng 

***
Bóng Nhạn

Tri kỷ phuơng xa mãi ngóng chờ
Tưởng trang Lều Cỏ đã làm ngơ
Ai ngờ duyên thắm không hề nhạt
Tỏa ngát hồn hoa ngợp ý thơ

Chinh Nguyên/ H.N.T 

Aug.2.21

***
Chạm Hồn Thơ

Lạc vào lều Cỏ thấy ai chờ
Thơ thẩn dạo vườn chẳng thể ngơ
Đặt bút gửi đây đôi lời nhắn
Cảm ơn giây phút chạm hồn thơ

Kim Oanh