Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Em Cũng Là Hoa: Sắc Tím Pensée

Tôi muốn hoa kia vẫn tím màu
Nồng nàn thầm kín đẹp làm sao
Song le rằng đấy nhiều đau khổ
Và cả thương tâm ngấn lệ trào

Tôi muốn cùng hoa cứ lạnh lùng
Đậm màu sắc tím bạn tình chung
Dẫu mà mưa gió làm lay động
Tim tím y nguyên đẹp não nùng





Thơ & Ảnh: Kim Phượng

 

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Xuân Về Trở Gió

           Ảnh: Kim Phượng

Lẳng lặng nghiêng mình nâng cánh mai
Tâm tư xao động lẫn u hoài
Nhưng trong khoảnh khắc buồn vui ấy
Lòng tự hỏi lòng ai nhớ ai

Xuân đã trở về tận chốn đây
Phương kia ắt hẳn trái mùa này
Động lòng chạnh nhớ người dưng ấy
Giây phút hồn mình vần vũ mây

Thôi thế thì thôi câm tiếng lời
Gió từ đâu đến lệ hoa rơi
Gió ơi chuyển tới nơi xa ấy
Vàng cánh hoa kia chỉ một thời

Kim Phượng

 Úc Châu Vào Xuân


Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Covid - 19 Và Cơ Duyên



    Dịch bệnh Covid -19, đã kéo một thời gian rất dài, tùy theo mức độ lây lan, mọi người cũng như tôi đều bị phong tỏa với số ngày khác nhau. Trong thời gian đó, tôi chỉ coi tivi, đọc báo, nghe những bài bình luận của cộng đồng hoặc xem thơ, cho ngày bớt dài.


    Xưa kia vốn là học sinh trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, ngày ngày dũa mài sắt thép. Bây giờ cầm viết, tập tành dũa mài con chữ. Dù còn nhiều lỗi chính tả, có nhiều chữ không hiểu hết nghĩa, nhưng tôi thử tập làm thơ giải trí rồi gửi cho các chị em tôi đọc, không thấy ai trả lời. Vậy mà tôi vẫn tiếp tục làm thơ và tiếp tục gởi đi. Những câu thơ lần đầu tiên, bây giờ xem lại, thấy quá dởm.

                    Vĩnh Long quê hương của ta
                    Những nẻo đường về kỷ niệm rời xa
                    Có dòng sông đã mang cho ta
                    Cuộc sống đầy kỷ niệm người nhà ta

    Thơ làm không có quy luật gì cả, người viết thấy rất hay, còn người đọc có lẽ buồn cười. Trong thời gian này, tôi gởi 1, 2 bài thơ đó cho cô Hà, trước đó là giáo sư Pháp văn và là mẹ đỡ đầu của vợ tôi xem, cô bảo sẽ chỉ dẫn cho tôi, nhưng cô đã qua đời hơn một năm nay. Và tình cờ gặp lại cô giáo Phượng, người phụ trách lớp 11A của tôi, hiện ở Úc Châu. Người Mẹ này và cô giáo ngày xưa, đã giúp đỡ, chỉ dẫn cách làm thơ. Nhưng tôi cho biết, trong thời gian phong tỏa này, những ngày cách ly, tôi chỉ tập làm thơ chơi thôi và nếu hết bệnh dịch tôi sẽ từ bỏ thú chơi này. Nhưng cô giáo Phượng khuyên tôi không nên bỏ qua, lúc đầu thật sự là khó, rồi dần dần sẽ quen thôi. Rồi cô cũng so sánh với thú vui đi bộ của tôi, lúc đầu tôi chỉ đi bộ 1 giờ, quen dần đi được 2 giờ.

    Cô gửi cho tôi tài liệu cách làm thơ Lục bát. Và bảo tôi làm tử 2 câu cho quen. Ngày qua ngày bệnh dịch càng lan tràn, rồi cách ly, giới nghiêm về sự đi lại thật là khó. Rồi tôi cũng muốn rút lui cho yên thân, nhưng nhiều đêm đang ngủ chợt thức giấc suy nghĩ, Tôi lại suy nghĩ, làm thế nào để lựa chữ, làm thơ thế nào cho đúng quy luật. Cứ trằn trọc đến một hai tiếng sau mới ngủ lại được.

                    Đề tài muốn viết bỏ qua
                    Lời thơ không dễ tránh xa cho rồi
                    Thôi đành chấp nhận thiệt thòi
                    Cô ơi giúp đỡ tìm tòi học thêm

    Biết chút ít thơ Lục bát, cô Phượng lại chỉ thêm thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt. Ôi giời ơi thơ Lục bát phải có nhiều kiến thức rộng rãi... Bây giờ thêm một loại thơ khác nữa, Thời gian đã một năm hơn rồi, muốn bỏ đi cho thảnh thơi không còn suy nghĩ và tôi cũng cho cô giáo hay sẽ bỏ không làm thơ nữa cho xong.
 

Ảnh: Tác Giả

    Riêng tôi chỉ thích thể dục đi bộ Nordique với hai cây chống, nhiều khi vợ con không hài lòng, đi quá nhiều cây số, quên giờ giấc về nhà ăn cơm. Tôi đã nghĩ hưu rồi, nhưng với tình hình này, không thể đi du lịch được. nên mỗi ngày đi bộ vừa nghe nhạc Bolero về quê hương tìm về kỷ niệm xưa, mái nhà nơi chung nhau cắt rốn,

                    Nắng mưa là chuyện của trời
                    Thể thao thể dục cho đời trẻ ra
                    Trên đường cảnh đẹp gần xa
                    Vừa đi nghe nhạc mà ta chưa về

    Với tình hình dịch bệnnh này, biết bao giờ mới hết, để trở lại mái nhà xưa, nơi chôn nhau cắt rốn, có dịp gặp lại người thân. Tôi nhớ lại mỗi buổi chiều trong bữa cơm gia đình thật là náo nhiệt. Trên bàn ăn nào cá, trứng vịt chiên và ba tôi thường xuyên khuyên bảo anh chị đùm bọc lẫn nhau, dạy cho chúng tôi đạo đức làm người giúp đỡ cho người khác đừng vì đồng tiền keo kiệt giữ bên mình.

                    Cuộc đời đừng sống khô khan
                    Làm sao sung sướng ngày tàn được yên
                    Các con nên nhớ thường xuyên
                    Chung tay giúp đỡ trước tiên nên làm

    Ôi những hình ảnh đẹp của thời xưa nay không tìm được, thời gian đi không ngừng, ngày nay chị em mỗi người một phương, người thì làm ông bà nội, ông bà ngoại thì tuổi mình già đi.

                    Cái tình thật khó mà tìm
                    Tiền là vật chất mất chìm nổi trôi
                    Lòng người ham muốn vậy thôi
                    Chỉ là tờ giấy để coi khổ nhiều


    Sau nhiều lần tôi định bỏ đi thú vui làm thơ này, nhưng nhớ đến lời người Mẹ đã khuất, người cô giáo khuyến khích, nên cho đến hôm nay, dù thơ tôi có nhiều khi không đúng luật, vẫn còn lỗi chính tả, nhưng thơ của tôi có thể thay tiếng nói của tôi gửi đến bạn bè, người thân, những tình cảm khó bày tỏ khi đứng trước mặt họ.

Huỳnh Phương Trạch
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long


Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Nhớ Mẹ - Lê Minh Đảo & Đỗ Trọng Huề - Quốc Khanh - Đan Nguyên - Nguyên Khang - Cardin - Đoàn Phi - Mai Thanh Sơn


Sáng Tác: Lê Minh Đảo & Đỗ Trọng Huề
Ca Sĩ: Quốc Khanh - Đan Nguyên - Nguyên Khang - Cardin - Đoàn Phi - Mai Thanh Sơn
Thực Hiện: Asia Entertainment Official


Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Từ Nơi Mẹ Nở Đóa Hạnh Trinh

(Thân mến tặng Kim Phượng, Kim Oanh
Nhân dịp huý kỵ thân mẫu của Song Kim năm nay)

Ví xem tất cả là hoang đảo
Thì mẹ tôi như bóng hải âu
Soải cánh bên trời che gió bão
Để tôi đứng vững suốt xưa, sau

Chẳng nói lời văn hoa óng ả
Cũng không hề chấp lỗi, khuôn vàng
Khiến tôi phải ngẫm câu gương giá
Mà mẹ cho tôi nét dịu dàng

Nửa cuộc đời tôi bên gối mẹ
Nâng niu chuỗi ngọc sáng ân tình
Nụ cười nhân ái từ nơi mẹ
Đã thật nuông chiều đóa hạnh trinh

Mẹ ơi, tất cả bỗng mờ theo
Nước mắt, khi mưa ướt dáng chiều
Mẹ đã rời xa con cháu mẹ
Lòng tôi chùng xuống, chợt hoang liêu

Mẹ nơi tiên cảnh, hẳn vui hơn
Chốn ấy hoa đăng, nhã nhạc vờn
Mỗi lúc dõi theo vầng nhật nguyệt
Lung linh ảnh mẹ ...thắp tâm hồn

Cao Mỵ Nhân

 

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Cái Khuôn Bánh Thời Thơ Ấu


    Độ tuổi tôi, ăn chưa no, lo chưa tới, còn ham mê trò chơi con nít, nhảy tràm, nhảy dây, đánh búng, u hấp, tù binh..., thì má đã là cô dâu út, thứ 10 của nội.


    Tuổi 15, 16, là con dâu nhà ông Bang trong ấp Phú Hữu, má được kẻ vào trình ra bẩm. Một tiếng được người “dạ thưa”, hai tiếng cũng được “dạ thưa mợ mười”. Họ là ai? Đó là những tá điền của nội, là những bậc trạc tuổi ông bà, cha chú của má. Nhà có kẻ hầu người hạ, nhưng qua sự dạy dỗ của ngoại, má luôn giữ nề nếp, biết tôn trọng bậc trưởng thượng, biết khép mình trong vai trò con dâu. Ngày ngày, má vào bếp cùng người giúp việc, chăm món này, nếm món nọ cho cả đại gia đình.

    Hôm má hầm món canh thịt cho cả nhà, trên bàn ăn ông nội bảo “canh hôm nay hơi cứng”. Má vội vàng, “dạ thưa tía con hầm lâu lắm”. Cứng ở đây có nghĩa là mặn, nhưng má lại ngỡ là không mềm. Lúc đó ông quay sang bà nội khẽ nói, “con nó còn nhỏ, để rồi chỉ bảo thêm”. Chỉ chừng câu nói ấy của nội...từ một thiếu phụ ngây thơ, sau này má trở thành người đảm đang trong vai trò nội trợ lẫn giao tế trong ngoài. Má thạo việc bếp núc, thêu thùa, bánh trái, đã khéo lại ngon nữa là khác. Và là cái gương cho chúng tôi noi theo, là những ngày cuối đời má vẫn một mực thương yêu, kính trọng cha chồng... qua giọng nói trầm, nhẹ như hơi sương của má “Ông nội con tốt lắm!”.

    Đến khi là chủ của một gia đình nhỏ, má thay ba quán xuyến mọi việc, những lúc ba đi làm xa nhà. Vào dịp Tết, tiệc tùng, giỗ quảy, của họ hàng hoặc xóm giềng, má thường tự tay làm quà biếu và bảo rằng như thế mới có cái tình. Vì cái “tình” này mà thời gian còn ở Việt Nam, trong nhà tôi, hữu dụng nhất là cái cối đá xay bột và bàn nạo dừa. Về cối đá, má thay đổi luôn, chỉ giữ lại cái cối nào vừa nhẹ tay xay, vừa mịn bột. Má thích hai vật này lắm, với các anh chị em trong nhà, nghĩ thế nào, tôi không rõ, riêng tôi rất sợ. Sợ xay gạo hay nếp thành bột. Dù đã được má chỉ dẫn cặn kẽ, xay chậm, cần cho nước và cối đều tay. Nhưng tôi cứ nghĩ miễn thành bột là được, luôn nhanh tay hầu đỡ mất thời gian. Đã vậy, tôi thường nhích phần trên của cối lên, gọi là “nhỏng cối”, bột sẽ ra nhanh, chóng xong. Vì thế, bột bị “sống” hoài, đương nhiên là bột không mịn. Đến việc nạo dừa, cần nạo từ từ, khi vắt dừa sẽ được nhiều nước cốt. Nhìn số lượng10 trái, tôi càng bướng, tay cầm nửa trái dừa, đặt vào bàn nạo, xắn thật sâu, nạo mạnh tay, thì làm sao được nhiều nước cốt.

    Ngán ngẫm sau những lần xay bột, nạo dừa, tôi cho má biết “bây giờ con đã biết làm bánh rồi”.
          - Con biết làm bánh gì rồi. Má tôi vặn hỏi.
          - Bánh bông lan, con làm bằng bột mì ngan.
          - Bánh phục linh, con làm bằng bột mì tinh.
    Má tôi mỉm cười, bảo con gái lớn phải học nấu nướng, sau này còn làm dâu nữa.


    Ngoài cối đá, bàn nạo dừa, còn những thứ linh tinh khác, như khuôn bánh, nồi đồng dùng nướng bánh. “Tự tay làm mới có tình!” này của má, là đây! Trước mặt tôi là cái khuôn làm bánh gai, được mang từ Việt Nam sang. Nay má rời khỏi đời này và di vật má để lại. Nhìn lại khuôn bánh, hình ảnh thời thơ ấu trở về. Ngoài nhớ má, tôi nhớ một hình ảnh khác, thằng Phước. Phước là cháu của dì hai ở cạnh nhà. Dì mất mẹ, gọi ngoại tôi bằng má, nên ngoại xem dì là con nuôi. Phước lớn tuổi hơn nhưng cùng học lớp Ba trường Tiểu học Giồng Ké với tôi. Tôi bị má rầy hoài, “con phải gọi Phước bằng anh”, tôi nào chịu nghe “nó học bằng con, sao con phải gọi bằng anh”. Phước là vua bày trò, hai đứa khắn khít lắm, là lúc má tôi làm bánh.

    Khi má làm bánh thuẩn, Phước bảo lấy tay xoa xoa đầu gối, cái bánh sẽ cùi, tròn giống như đầu gối, không nở thành tay và nắm chắc phần thắng là chúng tôi sẽ có phần ăn. Đến lúc làm bánh gai, lấy tay xoe xoe, bánh chẳng có gai và tròn xoe như con trùng đất, sẽ có phần dành cho chúng tôi. Bánh thuẩn không tay, bánh gai không gai, là hy vọng, là đợi chờ của bọn trẻ. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi được hưởng phần bánh hư tưởng tượng đó. Có chăng là má thương tình, thấy hai đứa trẻ ngồi chầu chực, nên má cho và bảo nhỏ “tụi ăn thử coi ngon không”.


    Đến năm 1983, ba má được sang Úc định cư, bỏ lại sau lưng “đồ nghề”, có còn chăng là cái khuôn bánh gai này. Di vật má để lại dù tôi chưa một lần dùng đến, nhưng nó đã gợi cho tôi hình bóng má, thấp thoáng khuôn mặt đỏ ao đang cời than, canh lửa nướng bánh.
    Má chào đời vào một mùa xuân, ra khỏi cuộc đời cũng vào một mùa xuân. Phải chăng má muốn gởi gắm xuân lòng đến cho các con!
Má ơi!

Kim Phượng
Ngày Giỗ Thứ 19 Của Má
24.9.2021


Mùa Hoa Mận Trắng


Tháng mấy mùa hoa mận nở
Nhớ không anh phía trước sân nhà
Và con đường hai buổi ngày qua
Che bóng mát em về khi nắng

Hoa mận trắng như lòng giấy trắng
Em viết gì khi nhớ người ta
Cũng một lần ánh mắt trông xa
Như khẽ nói, ừ thì thương quá!

Ngày với tháng thay mùa theo lá
Ta theo nhau mấy biển mấy ngàn
Như hoa nở mấy lần đơm trái
Trước sân nhà nay vắng người sang...

Hoa vẫn trắng bao mùa thương nhớ
Có hôm về ghé lại vườn xưa
Cây vẫn xanh đời lá thay mùa
Em như lá mấy mùa ngóng đợi

Bến sông nhỏ bóng chiều vời vợi
Chuyến đò đưa khách một mùa xa
Hoa mận rơi trắng dưới sân nhà
Lòng em vẫn ngày xưa giấy trắng..!

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam

 

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Thảnh Thơi


Hạnh phúc trao nhau lúc đợi chờ*
Khi chờ lúc đợi lẫn khi mơ
Cố công thêu dệt tranh nhung nhớ
Để mãi nhìn người gợi ý thơ

Ý thơ gởi tới với không lời
Không ý thơ tình nát tả tơi
Xướng bỏ chi rồi gieo lắm tội
Thôi đành trả lại lẫn buông lơi

Nguyễn Cao Khải
* Thơ KP

 

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt Ký Đỗ Lang Trung - Vương Kiến


十五夜望月寄          Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt
寄杜郎中                  Ký Đỗ Lang Trung


中庭地白樹棲鴉      Trung đình địa bạch thụ thê nha
冷露無聲濕桂花      Lãnh lộ vô thanh thấp quế hoa
今夜月明人盡望      Kim dạ nguyệt minh nhân tẫn vọng
不知秋思落誰家      Bất tri thu tứ lạc thuỳ gia


王建                          Vương Kiến

Dịch nghĩa: Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ

Trên cành cây ở bên trong sân đất sáng trắng quạ đậu nghỉ ngơi
Sương lạnh lặng lẽ làm ướt đóa hoa quế
Đêm nay trăng sáng mọi người đều ra ngắm
Chẳng biết ý thu có rơi xuống nhà ai không? ( Có thể hiểu: Đêm Rằm Trung thu trăng sáng đẹp, biết có ai thấy hứng thú để làm thơ chăng?)

Dịch Thơ

Cây trong sân trắng quạ nằm
Hạt sương lạnh buốt ướt đầm quế hoa
Đêm nay đón ánh trăng ngà
Ý thu chẳng biết ghé nhà ai đây?

Quên Đi
***
Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ


Sân sáng trên cây quạ đậu đầy
Quế hoa sương lạnh buốt bao vây
Đêm nay trăng tỏ người người ngắm
Chẳng biết ý thu ghé chốn nầy? 

Kim Oanh
Trung Thu Melb. 2021
***
Đêm Rằm Ngắm Trăng

Giữa sân trắng toát, qụạ lùm cây ;
Sương lạnh thầm gieo hoa Quế đầy.
Trăng sáng đêm nay, người tận ngắm :
Ý thu biết ghé … « nhà ai đây ? »

Danh Hữu
*** 

Trong sân sáng trắng quạ nương cây,
Lặng lẽ sương sa hoa quế lay.
Trăng sáng đêm nay ai chẳng ngắm,
"Ý thu" ai biết ... lạc nhà ai ?!


Đỗ Chiêu Đức
09-17-2021
***
Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ

Cành cây quạ đậu trong sân sáng
Đêm lạnh sương đầy đẫm quế hoa
Trăng tỏ nơi nơi người thưởng ngoạn
Nhà ai thu ý động lan xa

Kim Phượng
***

1) Trăng Đêm Trung Thu

Sáng trắng trong sân quạ ngủ cây
Sương rơi thấm lạnh quế hoa đầy
Đêm nay vằng vặc trăng người ngắm
Chẳng biết Thu về có ghé đây !

2) Ý Thu

Quạ nằm sân sáng trên cây
Lạnh sương lặng lẽ giọt đầy quế hoa
Đêm nay vằng vặc trăng ngà
Chẳng hay thu ý ghé nhà mô đây...!

Mai Xuân Thanh

 

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Dạt Bến

  

Tầm mắt xa xăm gửi cuối trời
Trông chờ tin nhạn vẫn mù khơi
Lòng chiều đã nhủ thôi vương vấn
Đêm lại ngày qua tủi phận đời

Ai bến giang đầu ngóng cuối sông
Bày chi ngang trái chẳng xuôi dòng
Ước mơ tương ngộ xin đành hẹn
Lơ lửng thuyền tình dạt biển đông

Kim Phượng

 

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Cà Phê Không Đường


    Quán cà phê nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, hướng về phía Đa Kao. Lần đầu tiên đến cùng Huỳnh Trọng Mẫn, tôi đã ngạc nhiên vì tên của quán: cà phê Duyên Anh. Cứ tưởng đây là quán của nhà văn nổi tiếng, nhưng khi biết ra thì không phải. Có lẽ chủ quán là người đọc và hâm mộ nên lấy tên nhà văn đặt cho quán cà phê của mình? Quán cà phê Duyên Anh lúc nào cũng đông nghẹt khách, có khi phải đợi bàn cả buổi trời. Không phải chỉ vì tên quán, mà vì hai cô con gái xinh đẹp của chủ quán. Khách toàn là công tử thư sinh, anh hùng hảo hán. Từ những bác sĩ tương lai của trường đại học y khoa, đến các sĩ quan không quân vẫn mặc đồ bay ngồi quán. Chưa kể với Mẫn, ngay lần đầu vào quán tôi đã mang nhiều mặc cảm, vừa là sinh viên sư phạm nghèo lại chẳng được đẹp trai! Trái với mặt "búng ra sữa" của tôi, Mẫn cao to da ngâm đen và có nụ cười má lún đồng tiền thu hút người đối diện, nhất là phái nữ. Đã vậy, Mẫn còn được mệnh danh là "công tử Cầu Ngang" của xứ Trà Vinh. Nghe nói gia đình Mẫn làm chủ hai nhà máy xay lúa, một tiệm vàng và một xưởng đóng ghe tàu nổi tiếng trong tỉnh.

    Mẫn và tôi chọn được chiếc bàn khá gần quầy tính tiền. Người con gái ốm dong dỏng và có khuôn mặt trái soan rạng ngời. Một ly cà phê phin đá không đường cho Mẫn và một cà phê sữa đá, nhiều sữa cho tôi. "Đó là cô em. Toa đợi cô chị thì biết thế nào là nhan sắc!", Mẫn cười nói nhỏ. Học trường nội trú chương trình Pháp ở Sóc Trăng, Mẫn luôn "moa, toa" với bạn bè. Được hắn ca ngợi là nhan sắc chắc hẳn phải là "chim sa cá lặn" rồi. Mà quả thật không sai. Quầy tính tiền sáng rực lên khi người con gái bước ra. Mái tóc lỡ lưng, dáng thon thả với đôi mắt sáng ngời, nàng như một người bước ra từ bức tranh tố nữ. Có lẽ đây chỉ là sự so sánh vụng về nhưng tôi không biết phải dùng chữ nghĩa nào hơn trong lúc này! Nàng đưa ánh mắt to tròn nhìn mọi người khách trong quán, nhưng chừng như cũng không nhìn ai? Mẫn đưa tay vẫy chào và nàng mỉm cười đáp lại. Người con gái đẹp như một pho tượng, tôi chợt nghĩ. "Toa thấy thế nào?". "Rất đẹp, nhưng không phải gu của tui", tôi thật lòng. Cuộc sống đời thường đã cho tôi vài lớp da non cho những vết xước của nhan sắc, của cái đẹp chỉ nên chiêm ngưỡng từ khoảng cách.

    Mẫn thưởng thức từng ngụm cà phê đen sánh, không đường. Tôi chào thua và thật sự khâm phục. Chỉ có một vị đắng và đắng. Có lẽ tuổi trẻ của Mẫn đã quá nhiều vị ngọt, cần đắng để thêm hương cuộc đời? "Moa đã coi tướng số toa rồi. Duyên phận của toa dính toàn là nữ tướng không hà", hắn nói chắc nịch. Mà thật vậy, tôi chưa bao giờ có cô bồ nào liễu yếu đào tơ, mà toàn là tuyển thủ bóng bàn hay trong đội bóng chuyền của trường. Nghĩ cũng lạ, câu "nồi nào úp vung nấy" chẳng biết có ứng trường hợp của chúng tôi? Mẫn cao lớn to con thì luôn cặp kè mấy cô nàng mình hạc sương mai. Còn trói gà không chặc như tôi, thì luôn gặp đối thủ to con lớn xác. Hay luật bù trừ cũng không biết chừng! Nhiều lần Mẫn rủ rê tôi về thăm quê hương Cầu Ngang của hắn, nhưng tôi vẫn chần chờ chưa sẵn dịp. Hơn nữa dường như Mẫn không có nhiều cảm tình với T. Hương, người bạn gái của tôi và ngược lại. Tính tình phóng khoáng, mạnh mẽ T. Hương có nhiều sắc thái "con trai" với khuôn mặt hoa khôi của khoa hóa sinh. Nên khi đi cà phê với Mẫn là không có Hương và khi lang thang nghe nhạc cùng nàng thì chẳng bao giờ có sự tham gia của hắn. Ngày tháng cứ vậy mà trôi qua. Mẫn và tôi vẫn thân nhau, vẫn cà phê Cheo Leo, Duyên Anh, Năm Dưỡng. T. Hương và Mẫn vẫn không "ưa nhau" ra mặt mỗi lần tình cờ gặp gỡ.

    Chung quanh chàng "công tử Cầu Ngang" lúc nào cũng thấp thoáng vài bóng hồng, nhưng chưa thấy Mẫn mặn mà với một người. Hỏi, thì được hắn cười cười "Chắc tại chưa tới duyên nợ"! Tôi đã thấy Mẫn đăm chiêu, lặng lẽ dù bên cạnh là người bạn gái xinh đẹp vô cùng. Và nhiều lần hắn nói đến chuyện muốn đi Pháp du học, "Bộ tính tìm em gái tóc vàng mắt xanh sao", tôi nói theo. Mẫn chỉ yên lặng, không hưởng ứng. Đây không phải chuyện "mơ" mà Mẫn đã có một học bổng của Trung tâm văn hóa Pháp. Đôi lúc tôi ganh tị và ước muốn được một trong ba phần Mẫn có. Đẹp trai, con nhà giàu và học rất giỏi... Mặc dù học sư phạm khoa Pháp văn, nhưng Mẫn rất giỏi Anh ngữ và cả Hán văn. Nhiều ngày tôi phải ghé nhà của Mẫn để nhờ hắn chỉ dạy thêm và dịch một số văn tự bằng chữ Hán.

          "Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say
          Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
          Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay
          Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say
          Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn…"


Vũng Lầy Của Chúng Ta - Lê Uyên Phương
 
    Tiếng hát chơi vơi, quyện chặc vào nhau của đôi uyên ương âm nhạc như khoảng không gian của tận cùng nỗi nhớ. Đêm chìm theo tiếng còi giới nghiêm kéo dài trong băn khoăn, khắc khoải. Trên tầng ba căn nhà mướn của Mẫn, tôi chợt nhớ T. Hương vô cùng. Nhớ bàn tay xiết chặc, nhớ quấn quít môi hôn. Mối tình tưởng chừng như không có mà yêu người trĩu nặng. Có lẽ tình yêu tha thiết nhất, đầm thấm nhất luôn đến từ tình bạn? Tôi và T. Hương quen nhau, chơi trong nhóm bạn gần cả năm không có chuyện gì. Nàng thường gọi tôi là "công tử bột", còn tôi đặt cho T. Hương cái tên "bà chúa ăn hàng". Mưa lâu thấm đất, một ngày người đẹp tỏ tình "Để đợi anh nói trước, chắc em thành bà lão"... T. Hương mang một nửa dòng máu của xứ thần kinh. Phân nửa dòng máu của mẹ, của một Công Tằng Tôn Nữ. Cha của Hương là công chức người Long Xuyên. Dáng dong dỏng cao, T. Hương mang tính tình cởi mở của vùng sông nước Cửu Long và cả tính dè dặt, “kiểu cách” của người con gái Huế. Nàng có khuôn mặt thật đẹp, thu hút người đối diện và thắp sáng cả căn phòng khi bước vào...

    Căn lầu của Mẫn rộng và đầy đủ tiện nghi. Chẳng so với căn gác trọ nhỏ hẹp thiếu thốn của tôi. Đêm nay tôi ở lại nhờ Mẫn giúp viết bài Hán văn, phải nộp trình vào tuần tới. Tôi loay xoay mấy ngày chưa xong, hắn chỉ cần vài giờ là hoàn tất bài luận văn trôi chảy, gẫy gọn. Nói sao không ngưỡng mộ Mẫn cho được. Đêm đó hắn nhường giường nệm cho tôi và ngủ trên chiếc ghế bố bên cạnh. Chuyện qua chuyện lại rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay... Chợt giấc giữa đêm, tôi cảm chừng hơi ấm của bàn tay người mơn trớn, choàng vai chân gác. Tôi ý thức ngay thân người to lớn đó là Mẫn. Chút cảm giác bất ngờ, chút cảm giác hoang mang. Chưa kịp phản ứng thế nào, tôi nghe bên ngoài trời đang đổ cơn mưa lớn và hình như Mẫn vẫn còn đang thức qua hơi thở bên tai. Đi cắm trại, đêm không ngủ ngoài trời đám con trai chúng tôi co rúc vào nhau ngủ gà ngủ gật là chuyện thường tình. Nhưng đêm nay, dưới chân gác và vòng tay khoắc của Mẫn, tôi có chút cảm giác gì đó không tự nhiên, có chút gì đó sờ sợ ngượng ngùng. Tôi đẩy nhẹ cánh tay Mẫn và nhốn ngồi dậy. Tất cả bất ngờ và diễn tiến quá nhanh. Mẫn vẫn nằm yên như ngủ say, không hay biết. Tôi lần qua chiếc ghế bố sát bên, nằm lặng yên cả đêm không ngủ...


    Tình hình đại dịch Covid-19 trở nên căng thẳng và trầm trọng ở Việt Nam, nhất là thành phố Sài Gòn. Giãn cách khắp nơi, phong tỏa cùng khắp. Con số lây nhiễm và tử vong đã lên đến con số đáng lo ngại trên cả nước. Hầu hết bạn bè, người xưa năm cũ đều ở tuổi về hưu, an phận. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một định mệnh. Những năm tháng mệt nhoài của cuộc bể dâu trí nhớ dần dà đã có sự lựa chọn, quên ai nhớ ai hay cả trong lúc nhớ lúc quên... Đã hai năm nhân loại phải đương đầu với cơn đại dịch Coronavirus của thế kỷ. Chuỗi ngày dài sống trong âu lo và sợ hãi, con người đã có những thay đổi, có những cái nhìn khác về cuộc đời, về tham vọng, về lợi danh. Con người sẽ thấm hơn về lẽ vô thường. Những cái chết nhanh chóng chỉ vì một hơi thở, chỉ vì thiếu sự chăm sóc kịp thời. Lằn ranh sinh tử chỉ là một khoảnh khắc, chỉ là một phút giây. Con người chừng như ngộ ra một điều: tất cả là vô nghĩa. Buông hai tay là chẳng còn gì. Một thân xác mới thấy đó, hiện diện trong cõi đời với một số phận bỗng chốc chỉ còn là một nắm tro tàn. Một con người, một cái tên trong phút chốc đã biến mất vĩnh viễn trên cõi đời này.

    Tôi bàng hoàng khi nhận được dòng tin nhắn ngắn ngủi: "Anh Hoàng còn nhớ Huỳnh Trọng Mẫn không? Anh ấy vừa mất vì nhiễm Covid 19 ở Đồng Nai. Sẽ thư chi tiết cho anh sau. Em, T. Hương". Huỳnh Trọng Mẫn, làm sao mà quên được. Người bạn "đặc biệt" của một thời sinh viên, của một thuở Sài Gòn cà phê không đường và tiếng còi hụ giới nghiêm... Sau tháng 4, 1975 thì Mẫn về dạy Pháp văn tại Bình Dương. Vài năm sau nghe hắn lấy vợ, rồi thưa dần tin tức. Thời kỳ bao cấp, ngăn sông cấm chợ cuộc sống co cụm, tản mát khắp nơi mạnh ai mấy sống. T. Hương lấy chồng, về dạy và sinh sống ở Củ Chi. Còn tôi thì chuyển về dạy trường cấp 3 Rạch Sỏi, lấy vợ và vượt biên vào giữa năm 1981. Tất cả tưởng chừng chấm dứt, đứt hẳn cuốn phim cuộc đời thoáng chốc... Vậy mà hai mươi năm sau, ở tuổi "ngũ thập nhi tri thiên mệnh" tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm lại bạn cũ người xưa một thuở. Lúc đó mạng xã hội chưa có, nhưng nhờ các tổ chức cựu sinh viên sư phạm Sài Gòn nên cũng không khó. Tuy nhiên một số bạn học, người xưa chợt biến mất, bặt vô âm tín. Người đầu tiên tôi ra công tìm kiếm và liên lạc được là T. Hương. Người tôi yêu một thuở, người từng nói lời yêu tôi hết đời này. Mừng vui, ngậm ngùi để biết được phận người, duyên nợ. Tình yêu đã lấp kín, còn lại là tình bạn tình người khi bước vào tuổi "thiên mệnh". Qua Hương tôi biết thêm nhiều cuộc sống, hoàn cảnh của nhiều người bạn khác. Trong đó có Huỳnh Trọng Mẫn. Điều ngạc nhiên là bấy giờ T. Hương và Mẫn lại trở thành đôi bạn chí thân. Sau hơn 5 năm chung sống có với nhau một đứa con gái, vợ chồng Mẫn chia tay. Mẫn vẫn sinh sống ở Đồng Nai, mở lớp dạy thêm ngoại ngữ và trở nên khá giả. Những năm Việt Nam mở cửa, phát triển kinh tế "thị trường" Mẫn cùng vài người bạn mở trung tâm dạy ngoại ngữ ở Biên Hòa. Được thời, chi nhánh trung tâm ngoại ngữ mọc ra cùng khắp các thành phố lân cận. Nhiều lần Mẫn mời mọc vợ chồng T. Hương về giám đốc cơ sở nhưng Hương từ chối. Mẫn không chịu "đi thêm" bước nữa và sống độc thân đến cuối đời.

    Nếu bạn để ý, ở cuối mỗi con đường là những khoảng đất trống. Cũng không khác hơn, ở cuối mỗi cuộc đời là nỗi lấp đầy của cô đơn? Mẫn ra đi lặng lẽ, đơn độc trong bệnh viện dã chiến cách ly của huyện. Gần hai tuần sau mới hỏa táng và tro cốt được chuyển về cho một người chị ở quận 7, Sài Gòn. Một đời ầm ĩ, ngang dọc rồi cũng chẳng qua lẽ vô thường. Một kiếp người âm thầm bên lề xã hội, cũng không thể nhỏ con số không cuối nẽo. Cái chết là điểm hẹn duy nhất, mà dù bạn là ai cũng trắng tay bước vào. Mẫn đã vĩnh viễn ra đi là phủ trắng mọi u uẩn đời này... Mấy buổi sáng hôm nay, tôi đều pha thêm một tách cà phê đen không đường để tưởng nhớ bạn. Tất cả rồi cũng trôi xuôi theo một dòng đời luân lưu không trôi ngược. Chỉ một lần, chỉ một lần thôi phải không bạn tôi! Có yêu thương, có giận ghét, có hờ hững, có oán hờn... đến đâu chăng nữa, cũng vô nghĩa lúc xuôi tay.

    "Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn chợt tới
    Ta nghiêng vai soi lại tình người, thì bóng chiều chìm xuống đôi môi
    Đang đam mê cho đời nở hoa, chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối
   Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy, bỗng ngỡ ngàng hụt mất trên tay.."(2)


Tưởng Niệm - Trầm Tử Thiêng - Tuấn Ngọc

   Cuối mùa hè, nắng bớt hanh và gió về dìu dịu. Trời giao mùa luôn ấp ủ những hương xưa. Tôi dấu kín chuyện "mơn trớn" trong đêm đó của Mẫn với T. Hương và kể cả bà xã tôi bây giờ. Tình yêu là điều có thật và không thể thấy được bằng mắt thường. Như nụ hôn ngày đó ngất ngây, nhắm nghiền đôi mắt. Tình yêu luôn trước hết và sau cùng, là sự mù lòa của ý thức. Cảm nhận được tình yêu là niềm hạnh phúc lớn nhất của một đời người. Dù chỉ một lần, dù chỉ một sát na! Tách cà phê không đường trước mặt tôi đang nghi ngút khói. Làn khói mong manh tan loãng vào khoảng không bất chợt. Tôi bỗng thấy mắt mình se nhẹ, cay cay. Làm sao đây để tôi không chớp mắt? Làm sao đây, để giấu được ngấn lệ lưng tròng đang rơi mặn trong tôi?

Durham, North Carolina

Người Chợ Vãng


Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Thu Về

   

              Ảnh: Kim Phượng

Bài Xướng:

Thu Về


Thu về lãng đãng để người mơ
Nắng nhạt mây bay phố phủ mờ
Lá ngả nghiêng chiều da diết gió
Nhẹ nhàng cúc tỏa gợi hồn thơ

Dovaden2010
***
Bài Họa:

Thu


Thu đợi thu chờ dệt mộng mơ
Thu thương thu nhớ đẫm mi mờ
Nắng thu vàng vọt tương tư mãi
Và cả hồn thu gợi ý thơ

Kim Phượng

***
Giao Mùa

Hồn Thu phơi phới dệt bài thơ
Hạ vẫn nồng say nắng mịt mờ
Mây gió đưa Thơ vào hiện thực
Thu về gọi Hạ tỉnh cơn mơ

ChinhNguyên/H.N.T. Sept.17.21 

 


Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

Tìm Mơ


Bài Xướng:

Tìm Mơ


Đêm nay đêm thanh vắng
Ta đợi gì trong mơ
Xin đừng để ta chờ
Vui thôi buồn xin chớ.

Giấc mơ rồi cũng đến
Một khung trời xám xịt
Vầng trăng trong mù mịt
Cảnh sao buồn da diết

Ta chẳng mong điều đó
Chỉ muốn nhìn thấy ai
Để không phí đêm dài
Nỗi sầu sao đeo đuổi

Đến cả trong giấc mơ
Ôi mộng cũng hững hờ
Chẳng muốn ta tròn ý
Trong thực lẫn cả hư

Giờ nào phải thuở xưa
Chim sáo còn đâu nữa
Mà mong thấy được nhau
Biết phải đến lúc nào?

Quên Đi

***
Bài Họa:

Tìm Mơ


Tàng cao trăng khuất bóng
Đi vào mộng tìm mơ
Hy vọng phút đợi chờ
Xuôi một lần gặp gỡ

Cho lòng thôi thầm nhớ
Rất xa ngỡ gần xịt
Dẫu sương thu mờ mịt
Mong tìm thấy người thương

Đường trần bao gian khổ
Nào biết tỏ cùng ai
Lắm mộng cho đêm dài
Tâm tư sầu chất ngất

Hư thực lẫn trong mơ
Một kẻ mãi ơ hờ
Một người chuốc đau khổ
Tình cứ mãi bơ vơ

Tìm đâu lại thuở xưa
Sẽ không bao giờ nữa
Mong gì tìm thấy nhau
Chờ cho đến kiếp nào

Kim Phượng

 

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Thất Ngôn Tứ Tuyệt


Thất ngôn tứ tuyệt luật vần bằng
Bẩy chữ bốn hàng quá khó khăn
Động não tìm hoài chưa thấu hiểu
Cô mình khuyến khích cố siêng năng

Chuyện gì chẳng có dễ đâu nghen
Nếu quyết tâm thì ắt hẳn quen
Lỡ bước vào thì nên tiến tới
Cô không trách cứ chỉ luôn khen

Bài thơ tuy ngắn ý không ra
Mệt mỏi cái đầu vẫn cố mà
Dẹp bút buông xuôi hầu được khỏe
Thảnh thơi ....chỉ sợ bị cô la

Huỳnh Phương Trạch
Créée 13/3/2021. à 21:07

 

 

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Phù Sinh Như Mộng


Câu chuyện từ tro tàn đổ nát
Xóa mờ sao vết sẹo tâm hồn
Kiếp phù sinh thế thôi như mộng
Lòng thủ đô kìa nấm mộ chôn

Khốn khó nào nguôi khói ngút trời
Mịt mù cát bụi khắp nơi nơi
Người tìm lối thoát xa tòa tháp
Kẻ đến liều thân nguyện giúp đời

Kỷ vật hiển linh chiếc mũ nầy
Tỏ lòng đô lượng mãi còn đây
Đường trần nhẹ gót phù vân kiếp
Khoảnh khắc hương tâm quấn quýt đầy

Kim Phượng
11.9.2021
Thành Kính Dâng Hương Linh David Halderman

 

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

Một Lần Cho Tôi Gặp


 

Hãy cho tôi tìm gặp trong mơ
Sống lại xôn xao tuổi dại khờ
Giây phút êm đềm tim mở ngõ
Lời tình rung động bước vào mơ

Trong mơ tìm gặp một lần thôi
Sống với hồn nhiên với bồi hồi
Nụ hồng đang chớm vừa trở giấc
Vắng lặng! Một mình chỉ riêng tôi

Thời gian bạc lắm lướt trôi nhanh
Thôi đã ngày qua giấc mộng đành
Nghe tiếng trong mơ còn thổn thức
Não lòng lệ đẫm đọng mi quanh

Kim Phượng

 

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Dư Âm Gợi Nhớ


(Lớp 10 C Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 74 - 75)

Mượn hình ảnh của ngày xưa
Tìm về quá khứ vẫn chưa xóa mờ
Cảm ơn MH bỏ giờ
Cùng nhau trở lại một thời đi qua
Bạn bè tận chốn phương xa
Thầy cô dìu dắt chúng ta đã già
Hạ Buồn gợi nhớ đến mà
Bao nhiêu kỷ niệm chỉ là dư âm
Thời gian thấm thoát bao năm
Mỗi người giữ lại trong tâm suốt đời

Huỳnh Phương Trạch


Hạ Buồn
Sáng Tác: Thanh Sơn
Ca Sĩ: Hoàng Oanh
Thực Hiện: MH Phan



Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Bốc Toán Tử 卜算子 - Lý Chi Nghi

Lý Chi Nghi tên chữ là Đoan Thúc, tự Hiệu Cô Khê cư sĩ, người Vô Lệ ở Thương Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông đỗ tiến sĩ năm thứ 3 đời Tống Thần Tông 宋神宗. Ông có tập Cô Khê từ 姑溪詞.

卜算子                            Bốc Toán Tử

我 住 長 江 頭              Ngã trú Trường Giang đầu
君 住 長 江 尾              Quân trú Trường Giang vĩ.
日 日 思 君 不 見 君    Nhật nhật tư quân bất kiến quân
共 飲 長 江 水              Cộng ẩm Trường Giang thuỷ
此 水 幾 時 休              Thử thuỷ kỷ thời hưu
此 恨 何 時 已              Thử hận hà thời dĩ
只 願 君 心 似 我 心    Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm
定 不 負 相 思 意。     Định bất phụ tương tư ý.
李之儀                          Lý Chi Nghi
***
Dịch nghĩa: Điệu Bốc Toán Tử

Nhà Thiếp ở đầu sông Trường Giang
Nhà chàng ở cuối sông Trường Giang
Ngày ngày tưởng nhớ đến chàng nhưng chẳng thấy chàng
Hai ta cùng uống chung nước sông Trường Giang
Nước sông này khi nào thôi chảy
Hận tình này biết đến bao giờ mới thôi
Chỉ mong lòng chàng như lòng thiếp
Nhất định không phụ nỗi niềm nhớ nhau.

Dịch thơ: Tương Tư

1/

Nhà thiếp đầu Trường Giang
Cuối Trường Giang chàng ở
Bóng người chẳng thấy chỉ mòn trông
Nước chung dòng thêm nhớ
Sông nọ bao giờ dừng
Hận này dài mấy thuở
Hy vọng chàng cùng thiếp một lòng
Không phụ niềm nhung nhớ.

2/

Nhà em vốn ở đầu sông
Còn chàng ở tận cuối dòng xa xôi
Ngày ngày nhung nhớ chẳng thôi
Nước chung dòng uống bồi hồi xuyến xao
Hỏi sông dừng chảy khi nào
Hận tình này biết thuở nao mới tàn
Chung lòng thiếp thiếp chàng chàng
Để không phụ bỏ tình đang nặng tình

Quên Đi

***
Mộng Tình...


Thiếp nhà cư ngụ đầu sông
Trường Giang chàng ở cuối dòng nhớ ơi
Thầm thương, trộm nhớ mình thôi
Đôi ta cùng uống chung rồi đó sao?
Sông kia hết chảy lúc nào ?...
Hận này ai biết khi nao lụi tàn
Một lòng chung thủy thiếp chàng
Tỏ tình ai thấu ta đang mộng tình...!

Mai Xuân Thanh
July 30, 2021
***
Chàng Thầy Bói


Trường Giang, ta đầu sông,
Trường Giang, nàng cuối dòng
Chẳng thấy nàng, ta ngày ngày nhớ.
Trường Giang, nước uống chung.
Trường Giang, bao giờ cạn ?
Hận này, bao giờ xong ?
Chỉ mong lòng ta - nàng tương tự
Mảnh tương tư không phụ lòng.

Danh Hữu
Paris, sáng thứ Bảy 31.07.2021
***
Tình Vương Vấn

Nàng ở đầu sông, ta cuối sông
Trông vời chẳng thấy, mỏi mòn trông
Hai nơi cách biệt bao nhung nhớ
Một giải trôi hoài mấy đợi mong
Biết đến khi nào sông hết nước?
Bao giò tới lúc muộn ngưng dòng?
Xin ai thấu hiểu niềm mơ ước
Thề hẹn cùng nhau thỏa mộng lòng

Phương Hà
(31/07/2021)
***
Nhớ Nhau


Nhà em ở đầu con sông
Nhà anh ở miết cuối dòng mù xa
Ngày nhung ngày nhớ đôi ta
Chung dòng nước uống thiết tha bồi hồi
Bao giờ ngừng chảy sông ơi
Hỏi rằng mấy thuở mới lơi hận tình
Thiếp chàng chung thủy vẹn gìn
Luyến Lưu không phụ đôi mình đeo mang

Kim Oanh
***
Nặng Tình


Thiếp tại đầu con sông
Nơi cuối dòng chàng ở
Hoài tưởng nào đâu thấy bóng chàng
Nước chung dòng cùng uống
Sông chảy lúc nào ngừng
Mối hận bao giờ dứt
Mong ý chàng lòng thiếp hợp chung
Niềm nhớ nhung hề không đổi

Kim Phượng

 

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Thay Quà Tưởng Nhớ


    Không gian trời đất lặng thinh
    Mênh mông thế giới ngỡ hình như riêng

    Tôi đứng yên bên chậu Kim Ngân Hoa, gió xuân lay lay...đem mong nhớ trở về...


    Bàn tay nhẹ vuốt lên phiến lá còn đẫm ướt, sau cơn mưa đêm qua. Kim Ngân Hoa ba trồng lúc sinh thời, nay ba đã đi xa, nhưng gốc cây vẫn còn đây, đã cỗi theo năm tháng.

    Kim Ngân Hoa là thực vật, có tên khoa học Lonicera japonica. Đây là loại dây leo, có nhiều cành. Khi còn non, cành màu xanh nhạt, lúc già trở nên nâu đỏ. Lá Kim Ngân mọc đối, luôn xanh tươi. Kim Ngân ra hoa ở các kẽ lá. Hoa mọc thành chùm, mùi thơm dìu dịu. Lúc mới nở, hoa tươi thắm, màu trắng, sau chuyển sắc vàng. Vì vậy, trên một cành có cả hoa trắng lẫn hoa vàng.

    Sân vườn sau nhà ba trước đây, dây Kim Ngân Hoa leo cao, bám dầy đặc cả hàng rào với đầy hoa, thu hút bướm ong. Khi ba qua đời, 4 năm sau má theo cùng ba. Tôi mang Kim Ngân Hoa về nhà. Như lời má cho biết, đây là loại dây leo ba rất thích. Nhưng tôi chăm cách nào mà mãi đến 5 năm sau dây mới trổ hoa. Kim Ngân Hoa đã sống với tôi được 19 năm. Mười chín năm tưới nước đều, chăm đủ phân hữu cơ. Nhưng hoa không nhiều, lá kém mượt


    Hôm nay, Chúa Nhật đầu tiên của tháng 9. Như hàng năm, Ngày Nhớ Ơn Cha lại trở về. Với tình hình hiện tại, phải sống cách ly, ngày này không rộn ràng như mọi năm. Những hình ảnh thay quà gửi đến ba.

Ba ơi...

Nhớ ơn công đức cao vời
Tâm con ghi khắc những lời khuyên răn
Mơ tìm trong cõi vĩnh hằng
Đêm nay bóng cũ phải chăng Ba về







Ngày Nhớ Ơn Cha 5.9.2021
Thơ Văn & Ảnh: Kim Phượng



Papa - Paul Anka


Tác Giả kiêm Ca Sĩ: Paul Anka
Thực Hiện: Viengxay Vichidvongsa

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Gọi Đò


Chiều nay gió lộng bờ sông
Lục bình trôi nổi theo dòng sóng xuôi
Nhìn ai bước xuống con đò
Qua sông biết có đã dò nông sâu

Em dời bến khác không sầu
Ngó theo chết liệm biết đâu mà lường
Thương thì thương lắm rồi thương
Chúc cho ấm gối tình trường yên vui

Đò đưa bao chuyến bao người
Bao nhiêu tình lỡ miệng cười thương đau
Bao nhiêu nước mắt tuôn trào
Khi đò tách bến là bao lòng sầu

Đò ơi, hãy đợi có ta
Chung đò đôi lứa cùng qua bến tình.

Nguyễn Cao Khải