Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Hoa Mộng


Ngơ ngẩn đường hoa sắc trắng tươi
Nụ xuân thanh thú hé môi cười
Vờn trong nắng ấm bao ong bướm
Trêu cợt xem chừng chẳng hổ ngươi

Giây phút bâng khuâng chợt cảm hoài
Hoa lòng hằng tưởng mộng tương lai
Nâng hoa tìm thấy trong sâu thẩm
Rực rỡ cho đời buổi sớm mai

Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Một Ngày Cuối Xuân Úc Châu 30.11.2021


Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Mưa Đêm


Mưa Đêm

Còn mãi mưa hoài vỗ giấc êm
Ngỡ như ai đó gọi bên thềm
Mờ mờ giăng kín màng mưa bụi
Người hỡi có về nối mộng thêm.

Lắng tiếng mưa đêm rợn nhớ người
Lệ thầm rơi xé nát tim côi
Cõi xa một mảnh đời u uất
Mòn mỏi chờ nhau tận cuối đời.

Khóc…

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Đêm Mưa


Tí tách giọng buồn ru giữa đêm
Dạ hương ngan ngát vị môi mềm
Tàn canh chợt tỉnh lòng vương vấn
Có phải người xưa mới trở về!

Nhớ tiếng mưa rơi mắt nhạt nhòa
Giọt sầu êm ái giấc mơ qua
Nhịp gõ thời gian vang vọng mãi
Cô phòng in dấu bóng người xa .



ChinhNguyên/H.N.T. 
 Nov.20.21


Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Lưu Vũ Tích Và Huyền Đô Quán


Dưới thời Đường Thuận Tông, Lưu Vũ Tích cùng với Liễu Tông Nguyên giúp Vương Thúc Văn chấp chính, có đề ra một số biện pháp đổi mới. Chính sách canh tân bị nhiều người chống đôi. Không lâu sau, Thuận Tông mất, Đường Hiếu Tông lên ngôi, các quan lại trong triều và thái giám gièm pha, nên truyền chiếu, giáng chức Vương Thúc Văn và 8 vị quan, trong đó có ông và Liễu Tông Nguyên. Tất cả bị đưa đi làm Tư Mã nơi xa. Riêng ông bị đưa đi làm Tư mã Lãng Châu (nay là Thường Đức, tỉnh Hồ Nam), bấy giờ ông 33 tuổi. Lần chuyển này kéo dài 10 năm, do Ông và Liễu Tông Nguyên là người có tài, nên cùng được triệu về Kinh làm quan tại triều. Trở lại Trường An, thấy đào nơi Huyền Đô quán vẫn khoe sắc rực rỡ, Ông liền viết bài thơ với ngụ ý mỉa mai:

玄都觀桃花                    Huyền Đô Quán Đào Hoa

紫陌紅塵拂面來           Tử mạch hồng trần phất diện lai
無人不道看花迴           Vô nhân bất đạo khán hoa hồi
玄都觀裡桃千樹           Huyền Đô quán lý đào thiên thụ
盡是劉郎去後栽。       Tận thị Lưu lang khứ hậu tài.

劉禹錫                          Lưu Vũ Tích
***
Dịch nghĩa: Hoa Đào ở quán đạo Huyền Đô

Con đường tím bụi hồng như quét trên mặt
Mọi người đều nói vừa đi ngắm hoa đào mới về
Đường đi nơi quán đạo Huyền Đô có hàng ngàn cội Đào
Tất cả đều được trồng sau khi chàng Lưu đã ra đi.

Dịch Thơ:

1/

Đường tím mặt đang phủ bụi hồng
Người người đều mới thưởng hoa xong
Đường Huyền Đô quán đào nghìn gốc
Tự thuở chàng Lưu vắng mới trồng.

2/

Lời gièm che lấp nẻo công danh
Xu nịnh a dua khéo giựt giành
Mới được thăng quan từ cái thuở
Lưu ta bị biếm khỏi kinh thành.

Quên Đi

Vốn là nhà thơ rất nổi tiếng đương thời, nên bài Thơ Huyền Đô Quán Đào Hoa được mọi người truyền cho nhau thưởng thức. Một số quan trong triều cho bài thơ tuy nói về hoa đào, ngụ ý mỉa mai họ:

- Câu 1: Đường công danh bị bụi trần che lấp
- Câu 2: Những người xem hoa đều là kẻ xu nịnh, theo đóm ăn tàn.
- Câu 3: Những gốc đào tượng trưng cho những quan lại nhờ vào thời thế mà được trọng dụng.
- Câu 4: Khi chàng Lưu (Lưu Vũ Tích ) đi rồi, các người này mới được thăng quan tiến chức.

Vì thế họ cùng tấu lên vua, và lần nữa Ông bị biếm đi làm Thứ Sử Liễu Châu nay là huyện Liên, Quảng Đông.

Sau 14 năm bị đổi nhiều nơi, khi Bùi Độ lên làm Tể tướng, Ông được trở lại Trường An. Lúc này trời vào độ cuối Xuân, Ông nhớ tới những cây đào nơi Huyền Đô Quán, đến nơi mới biết vị Đạo sĩ trồng đào đã mất, những cây đào không người chăm sóc, cây thì khô héo, cây thì gãy đổ. Khắp nơi mọc đầy hoa cỏ dại, không còn cảnh hoa đào rực rỡ thuở nao. Nhớ tới bọn quyền thần từng hãm hại, lòng đầy cảm xúc, ông viết bài thơ thứ hai về Huyền Đô Quán với đầy tự hào:

再遊玄都觀                   Tái Du Huyền Đô Quán

百畝庭中半是苔           Bách mẫu đình trung bán thị đài
桃花淨盡菜花開           Đào hoa tịnh tận thái hoa khai
種桃道士歸何處           Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ
前度劉郎今又來           Tiền độ Lưu lang kim hựu lai.

劉禹錫                           Lưu Vũ Tích
***
Dịch nghĩa:

Hằng trăm mẫu đất trong sân một nửa đã phủ đầy rêu
Hoa đào đã hoàn toàn mất hết chỉ có hoa rau đang nở
Không biết đạo sĩ trồng hoa đào đã đi về nơi đâu
Chàng Lưu của thuở nào nay lại đến đây.

Dịch Thơ:

1/

Năm mươi mẫu đất phủ rêu đầy
Chẳng thấy đào đâu chỉ cỏ vây
Đạo sĩ trồng hoa đà vắng bóng
Chàng Lưu thuở trước trở về đây.

2/

Một nửa triều ca lũ nịnh quan
Điều hay lẽ thiệt sắp suy tàn
Người bày chính sự còn đâu nữa
Lưu Tích về đây tiếp dựng dàn.

Quên Đi
***
1/ Huyền Đô Quán

Tím cả đường đi bụi phủ đầy
Thưởng hoa người ngắm mới về đây
Đường Huyền Đô quán đào ngàn gốc
Trồng lúc chàng Lưu khuất chốn nầy

2/ Tái Du Huyền Đô Quán

Nửa trăm mẫu đất rêu xanh phủ
Chẳng thấy đào đâu cỏ tứ bề
Đạo sĩ trồng hoa nay vắng bóng
Chàng Lưu ngày trước lại quay về

Kim Phượng
***
1 /Huyền Đô Quán Đào Hoa

Đường tím mịt mù lớp bụi hồng
Bao người ngắm bảo thưởng hoa xong
Huyền Đô quán mọc đào nghìn gốc
Từ lúc chàng Lưu khuất đã trồng.

2/ Tái Du Huyền Đô Quán

Nửa trăm mẫu đất rêu dầy
Hoa đào tàn rụi chỉ đầy cỏ rau
Đạo sĩ trồng đào nay đâu
Chàng Lưu thuở trước đã lâu mới về.

Kim Oanh
***
1/ Hoa Đào Quán Huyền Đô

Đất đỏ bụi bay rát mặt người
Ai ai cũng nói viếng hoa rồi
Huyền Đô ngàn gốc đào xuân rộ
Hết thảy trồng sau Lưu viếng trời!

2/ Lại Đến Chơi Huyền Đô Quán

Nửa sân trăm mẫu biếc rêu màu

Rụng hết hoa đào, nở cỏ rau
Đạo sĩ trồng đào đâu mất nhỉ?
Chàng Lưu thuở trước lại thăm chào!

Lộc Bắc
Nov21
***
Huyền Đô Quán Đào Hoa Lưu Vũ Tích.

紫陌②紅塵③拂面來 Tử mạch hồng trần phất diện lai,
無人不道④看花回。 Vô nhân bất đạo khán hoa hồi.
玄都觀裡桃千樹, Huyền Đô Quán lý đào thiên thọ,
盡是劉郎⑤去後栽。 Tận thị Lưu Lang khứ hậu tài.

① 玄都觀:觀,音ㄍㄨㄢˋ,道院。玄都觀在長安。
Huyền Đô Quán : là Đạo Viện ở Trường An, nơi các đạo sĩ tu tiên.
② 紫陌:京師的道路。
Tử mạch: Đường ở Kinh Thành.
③ 紅塵:路上揚起的灰塵略帶紅色,故稱紅塵。
Hồng Trần: Bụi bên đường bốc lên hơi gợn đỏ, nên gọi là Hồng trần. Ở trên Trời nhìn xuống cũng thấy toàn bụi đỏ bốc lên, nên Hồng Trần còn có nghĩa là Cõi Dưới Thế Gian nầy.
④ 道:說。
Đạo: Động Từ : Có nghĩa là Nói.
⑤ 劉郎:即劉晨。傳說他和阮肇上天台山採藥,遇一仙女,結為夫妻。此處劉禹錫用以影射遭貶官的自己。
Lưu Lang : là Chàng Lưu, tức Lưu Thần, theo truyền thuyết cùng với Nguyễn Triệu lên Thiên Thai hái thuốc, gặp Tiên nữ, kết làm vợ chồng. Ở đây Lưư Vũ Tích dùng để ví mình vì cùng họ Lưu khi bị biếm quan.

Diễn Nôm:

Gió bụi kinh thành tỉnh giấc mê,
Ai ai cũng bảo ngắm hoa về.
Huyền Đô Quán ấy đào ngàn gốc,
Trồng lúc chàng Lưu trở lại quê.

Lục bát:

Bụi hồng mát mặt tỉnh mê,
Người người đều ngắm hoa về kháo nhau,
Huyền Đô Quán, ngót nghìn đào,
Đều trồng từ thuở chàng Lưu quay về.

再 游 玄 都 觀① Tái Du Huyền Đô Quán

百畝庭中半是苔②, Bách mẫu đình trung bán thị đài,
桃花淨盡菜花開。③ Đào hoa tịnh tận thái hoa khai.
種桃道士歸何處④, Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ?
前度劉郎今又來。 Tiền độ Lưu Lang kim hựu lai.

②百畝庭中:指玄都觀百畝大的觀園。苔:青苔。
Bách Mẫu Đình Trung : Sân vườn của Huyền Đô Quán rộng lớn đến cả trăm mẫu.
ĐÀI: là Rêu xanh.
③淨盡:淨,空無所有。 盡:完。
Tịnh tận: Tịnh, là sạch sẽ không còn gì cả.
Tận: là Hết.
Tịnh Tận: là Hết sạch.
④種桃道士:暗指當初打擊王叔文、貶斥劉禹錫的權貴們。
Chủng Đào Đạo Sĩ: Ám chỉ bọn quyền quý lúc đầu đã đả kích Vương Thúc Văn và biếm Lưu Vũ Tích.

Diễn Nôm:

Nửa vườn trăm mẫu đầy rêu phủ,
Đào đã tàn phai cải mọc đầy.
Đạo sĩ trồng đào đâu vắng bóng?
Chàng Lưu ngày trước lại về đây!

Lục bát:

Trăm mẫu nửa phủ rêu xanh,
Đào hoa tàn hết, cải dành nở hoa.
Trồng đào đạo sĩ đâu ta?
Chàng Lưu ngày cũ lại qua chốn nầy!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức


Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Điệp Ơi Còn Đâu Nữa!

Kim Phượng Và Ngọc Điệp 
Nhớ Về Căn Gác Trọ Cần Thơ 1972

Còn đâu nữa những ngày thân ái
Tuổi chớm yêu hồn thả mộng ngoài
Bầy ngổ ngáo líu lo chim sáo
Giảng đường kia thèm hái quả yêu

Còn đâu nữa buồn vui gác trọ
Tiếng thì thầm kể nhỏ nhau nghe
Chuyện tình yêu với nhiều trăn trở
Câu hẹn thề thôi chẳng dở dang

Thiên đường mộng bỗng dưng khép lại
Cõi thiên thu bạn hãy rong chơi
Với thiên nhiên mây trắng lưng trời
Và này nhé đời đời yên nghỉ

Kim Phượng


Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2021

Quê Hương


Thiên nhiên sông nước hữu tình
Đậm đà duyên dáng bóng hình quê hương
Miền Tây yêu mến tôi thương
Sông Tiền sông Hậu hai phương một nguồn
Bà con buôn bán trên xuồng
Tàu ghe tấp ngập theo luồng nước sông
Biết rằng nỗi nhớ đợi trông
Trở về xứ Việt ta mong ước nhiều

Huỳnh Phương Trạch


Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

Một Chút Này Thôi

 

Một phút thương ôi phút cuối cùng
Tâm tư mấy nỗi bạn tình chung
Xuôi chi gặp gỡ rồi vương vấn
Để trái tim côi bớt lạnh lùng

Kim Phượng


Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Đêm Này



Đêm này lần giở khung trời cũ
Dấu ái năm xưa mộng trở về
Từng thước phim buồn đau bất tận
Từ lần dang dở phận long đong

Con tằm nhả sợi đau lòng kén
Ước hẹn thay rồi đứt đoạn tơ
Tấm lụa đào phất phơ trước gió
Phủ phàng rơi xó tối nào hay

Ngày xưa đã lỡ yêu màu tím
Vận biết thương vay kiếp bẽ bàng
Ngang trái nào riêng mình chiếc bóng
Hận tình than trách những ngày không

Đêm này bỗng nhớ về con nước
Xuôi đám lục bình trôi nổi xa
Tim tím hoa đời trên ngọn sóng
Thuận dòng xa mãi đến trăm năm

Kim Phượng


Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Ngậm Ngùi Cụ Nguyễn Đình chiểu


Vân Tiên, vân tiển, vân tiên
Cho tôi một tiền, tôi kể Vân tiên
(Ca dao)

Cụ Nguyễn Đình Chiểu, nhân dịp cụ được UNESCO và danh sĩ 4 nước châu Á: Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ và Thái Lan vinh danh và kỹ niệm 200 năm ngày sinh của cụ: 1.7.2022 tại quê hương cụ ở Bến Tre.

Bài Xướng:

Ngậm Ngùi

Số phận sao rơi xuống một người?
Rõ là định mệnh khéo trêu ngươi!
Tài năng chưa kịp, đời thi thố
Ý chí không sờn, dạ tốt tươi.
Mắt dẫu mù lòa, lòng vẫn sáng
Tay tuy quờ quạng, óc khôn lười.
Thi ca, để lại, dành con cháu:
Ngẩng mặt nhân gian, góp tiếng cười!

Danh Hữu

Vài nét về cụ Nguyễn Đình Chiểu:

    Cụ xuất thân gia đình nhà nho hiếu học, ông nổi tiếng thông minh từ bé. Năm 12 tuổi, vì thời thế loạn lạc ông được cha gửi ra Huế để học tập và sinh sống. Đến năm 19 tuổi Nguyễn Đình Chiểu quay lại Gia Định và tiếp tục sự nghiệp học tập của mình, ba năm sau đó (1843) ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định.

    Năm 1847, ông trở lại Huế để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Chưa kịp thi thì ông nhận được tin mẹ mất nên quyết định bỏ thi để về quê chịu tang mẹ. Trên đường đi, vì quá đau buồn nên ông đã khóc rất nhiều, thêm nữa là vì đường xá xa xôi, thời tiết thất thường ông đã bị ốm nặng rồi bị mù cả hai mắt. Mặc dù đã được một vị danh y hết sức cứu chữa nhưng vẫn không khỏi được. Trong thời gian chữa bệnh, ông cũng đã được vị danh y này truyền dạy nghề thuốc.

    Sau khi về quê chịu tang mẹ một thời gian, năm 1851, dù đôi mắt đã mù nhưng Nguyễn Đình Chiểu vẫn mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Tài năng và đức độ của ông đã vang khắp lục tỉnh Nam Kỳ.

    Sau khi một số tỉnh Nam Kỳ bị Pháp chiếm đóng đô hộ, dù không trực tiếp cầm gươm ra trận nhưng bằng ngòi bút của mình đã tham gia vào phong trào yêu nước, bàn mưu tính kế chống giặc. Ông sáng tác những bài thơ, bài hịch phục vụ cho kháng chiến, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân ta.
 
    Giặc Pháp chiếm đóng toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ, Nguyễn Đình Chiểu chạy về quê vợ ở Cần Giuộc, sau đó lại đến Ba Tri. Tại đây ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc và sáng thơ văn yêu nước cho đến ngày qua đời (1888).

    Các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mang nhiều giá trị nhân văn, chuyển tải thông điệp nhân nghĩa, đạo đức làm người, khơi dậy lòng yêu nước thương dân, ca ngợi tinh thần anh dũng vì nước vì dân và sự hy dũng liệt của các nghĩa sĩ Nam Bộ đương thời.

    Hầu hết các tác phẩm chính của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đều được sáng tác bằng chữ Nôm. Tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của ông là Lục Vân Tiên .Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
 
    Ngoài ra ông còn sáng tác một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước và tố cáo tội ác của xâm lược như Chạy giặc, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864),Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868),Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874),Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây…
***
Bài Họa:

Nguyễn Đình Chiểu Người Là Ai!?

Nguyễn Đình Chiểu cụ chính là người
Chẳng thể xem thường chớ dể ngươi
Số phận an bài lời khẳng khái
Cây đời tồn tại cội xanh tươi
Nhuốm phong sương ngại gì tăm tối
Trải dặm trường đâu dễ nhác lười
Thi phẩm còn đây truyền hậu thế
Ngàn năm con cháu rạng môi cười

Kim Phượng

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

Về Đây Nghe


(Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long Năm 2011)
 
Mái nhà xưa nhớ ơi là nhớ
Lộng ngọc thời hoa mộng tuổi thơ
Màu áo xanh mây trời kỷ niệm
Lần chia ly mắt lệ hoen mờ

Con đường đó dấu yêu chân sáo
Từng bước qua xao xuyến ngập ngừng
Rải rác sân vài bông sứ trắng
Phượng hồng kia sắc máu rưng rưng

Bầy ve nhỏ phá tan yên tĩnh
Hòa tiếng lòng rao khắp viễn phương
Ngày họp mặt đâu xa mấy nữa
Về đây nghe...Kỹ Thuật chung trường

Thơ &Ảnh: Kim Phượng


Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Những Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Tình Dưỡng Phụ

 
    Công việc khó khăn thứ hai của tôi là xin phép cha Cần, dưỡng phụ thứ ba của tôi. Năm đó có lẽ ngài đã trên năm mươi rồi, mà chưa có một cậu giúp lễ nào được vào Tiểu chủng viện, học làm linh mục. Nếp sống của ngài ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nội tâm của tôi: Mỗi sáng, làm lễ xong, khi mọi người đã ra về, ngài thường ở lại nhà thờ đọc kinh, tới gần trưa mới trở lại nhà xứ; có lúc tôi thấy ngài quỳ, giang hai tay lần hạt.

    Hè năm 1941, ngài cho tôi và một anh nữa lên Tiểu chủng viện Đạo ngạn để thi; tôi đậu còn anh kia rớt, nên ngài rất quý mến tôi. Để về trường học tôi phải có một cái hòm (rương) đựng quần áo, chăn mền. Một hôm ngài cho tôi đi theo một bà bổn đạo lên tỉnh Phúc yên kiếm mua rương, nhưng không có; mấy ngày sau, ngài sai chính thầy giáo đang dạy trường nhà xứ, lên tận phố Hàng hòm, Hà nội, kiếm mua cho bằng được.
     Trở lại Hè 1942, sau khi đã ở lại giúp lễ các cha giáo một tháng, tôi về qua nhà thăm cha mẹ ít hôm; vì không biết đường đến xứ Mốt, nơi cha Cần đang ở, nên mẹ và em tôi phải đưa đi. (Lúc tôi thi vào Tiểu chủng viện thì ngài ở Đường lệ, cuối năm đó ngài phải đổi về Mốt.) Giữa đường tôi nói cho mẹ và em biết tôi sắp đi tu Châu sơn. Mẹ tôi tỏ vẻ buồn, chỉ biết là tôi sắp sửa đi xa, chứ không hiểu tu Châu sơn là thế nào.
     Về với cha xứ được một ngày, tôi gặp riêng ngài, trình bày ý định đi Châu sơn của tôi; ngài tỏ vẻ nghĩ ngợi, không nói gì hết, tôi hơi thất vọng: ngài không bằng lòng, thì kế hoạch của tôi trở thành  mây khói! Tại đây một việc rất khó xử xảy ra: phòng ăn chia làm ba cấp, trên hết là các thầy, đến các chú lớn, rồi tới các cậu giúp lễ; tôi nay đã là chủng sinh, được mọi người quý trọng, nên được các thầy xếp ngồi cùng mâm; một chú lớn đang là giáo viên dạy trường nhà xứ, tỏ vẻ không bằng lòng, vì tôi được ngồi trên cấp của anh ta, liền lên thưa với cha xứ; thấy vậy, cha xứ gọi tôi lên phòng, bảo, "Từ nay con phải lên đọc sách cho cha ăn cơm, rồi ăn sau.”  Nghĩa là tôi phải làm công việc của một cậu giúp lễ: quét nhà cha xứ, đánh bình tiểu, rửa ống nhổ, quét dọn nhà cầu, bưng mâm hầu (mâm cơm của cha xứ)…Biết cha muốn thử thách, nên tôi đã rất vui vẻ làm tất cả công việc đó một cách thật chu đáo.
    Được đúng một tuần, ngài gọi tôi vào phòng, tỏ ý chấp nhận cho tôi đi Châu sơn! Tôi mừng hết chỗ nói; ngài cho bán một ít ngô (bắp)của nhà xứ để thêm tiền cho tôi đi đường.
Hôm trước ngày lên đường, ngài lại gọi tôi lên phòng ,vẻ mặt buồn rời rợi, ngài nói,” Lên đây cho cha ngắm nhìn gương mặt con lần cuối, chẳng biết bao giờ cha được gặp lại con, vào đó con nhớ cầu nguyện cho người cha già tội lỗi này!” Mắt ngài rớm lệ! Tôi quá xúc động, nước mằt trào ra, chỉ nói được mấy lời, “Vâng, con xin làm theo ý cha!” Ngài quay  mặt đi; tôi ra khỏi phòng!
    
    Sau ba năm cắt đứt mọi liên lạc với gia đình và dưỡng phụ, hè 1945, tôi có dịp được phép về thăm gia đình, mẹ tôi cho biết, suốt thời gian tôi vắng mặt, năm nào mẹ cũng mang quà xuống Mốt biếu cha Cần; thấy bà khóc vì nhớ tôi, cha yên ủi và nói, “ Bà yên trí, nó làm thánh rồi!”

Thạch Trong


Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Phía Mặt Trời


Màu nắng chiều nay thật dễ thương
Từ thinh không ngỡ khúc nghê thường
Là anh có phải anh là nắng
Trải khắp hồn hoa cả vấn vương

Màu nắng chiều nay đến lạ thường
Nương theo cánh gió nhẹ như sương
Là anh có phải anh là nắng
Xao xuyến hoa lòng dậy ngát hương

Kim Phượng


Biên Giới Ngôn Từ



Trong biên giới ngôn từ
Những cỗ thành, chiến khu
Ta là tên lính thú
Đi gát đời, mộng du

Trên chiến tuyến biên thùy
Trận đánh đồi tư duy
Xâm lăng và bại thủ
Ta còn lại được gì?

Đây cây súng từ ngôn
Nổ vỡ tiếng cội nguồn
Ta nghe vùng ranh giới
Ôi! Xác chết văn chương

Lời xưng tội cỗ thành
Tên lính thú rêu xanh
Ai xẻ đường biên giới
Ta trấn thủ cầm canh

Đồn biên giới ngữ ngôn
Chiến tuyến đã mấy hồn
Ai chôn lời, hố huyệt
Đời có lắm biên cương

Hoài Tử


Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Chiều Thu Về


Bài Xướng:

Chiều Thu Về

Chiều thu về lạnh gió heo may
Bó gối xa trông luyến tiếc ngày
Chạnh nhớ những điều không dám nghĩ
Vẫn hằng ấp ủ bấy lâu nay

Chiều thu về lá rụng bên song
Lại nhớ người ta bạn của lòng
Vàng lá thu rơi sao cứ mãi
Bao giờ cho hết những ngày mong

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Nắng Hạ Đến


Nắng Hạ làm tươi bông cỏ may
Bỏ công săn sóc đã bao ngày
Hương xưa ngây ngất tình hoa bướm
Mơ ước từ lâu mãi đến nay

Nắng Hạ nhẹ hôn gió trước song
Hàng dương trổi nhạc khúc bên lòng
Đường về dĩ vãng xa thăm thẳm
Hình bóng cố nhân ngập nhớ mong

Toronto 6/11/2021
Nguyên Trần

Mùa Thu Đến!


Mùa thu đến!
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã
Len vào hồn băng giá kết mù sương
Mưa nhớ ai từng giọt lệ trời tuôn
Tâm tư khép gió luồn cơn mưa lạnh
Mới hôm nào vòng tay quanh dĩ vãng
Đi dưới mưa tràn ngập những vấn vương
Vị tình yêu say khước những con đường
Quên đau xót buồn thương hoa phượng rũ





Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

Tình Quê


Chiều loang tim tím dòng sông
Lục bình lờ lững nghe lòng ngẩn ngơ
Sắc màu xao xuyến gây mơ mơ
Thuyền ai gặp gỡ neo chờ bến thương
Bồng bềnh theo sóng chung đường
Bình minh đón nắng ngậm sương đêm về
Đôi lòng mộc mạc tình quê
Phải duyên mai trúc hẹn thề trăm năm

Kim Phượng


Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Đêm Thu

Bài Xướng:

Đêm Thu

Trăng khuất giữa mây trời
Lạnh lùng sương khắp nơi
Chó buồn ngơ ngác sủa
Thơ thẩn lá đành rơi
Căn gác đìu hiu gió
Đàn tôi than thở đời
Đêm trường em vắng bóng
Ân ái cũng xa rời.

Quên Đi
***
Bài Họa:

Nàng Thu


Hồn thu chuyển đất trời
Cảnh vật bừng nơi nơi
Làn gió lay sương đọng
Rừng thu ngập lá rơi
Mây thu lơ lửng mộng
Thu sắc ngất ngây đời
Này hỡi thi nhân hỡi
Nặng tình thu chớ rời

Kim Phượng