Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Ly Rượu Đầu Năm


Ly rượu đầu năm chuốt mặn nồng
Bên trời xứ lạ những ngày không
Ngậm ngùi e ấp hương năm cũ
Đời đã gieo neo phận má hồng

Ly rượu đầu năm rót thật tràn
Chôn tình ngày ấy bước sang ngang
Rưng rưng ngấn lệ quên thề nguyện
Vụn vỡ con tim rót muộn màng

Ly rượu đầu năm cạn thật rồi
Men tình thơ dại rượu ly bôi
Rượu hờn rượu trách âu là rượu
Dang dở theo nhau tiếp rượu bồi


Kim Phượng



Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Chiều Rơi



Tháng mười hai
Tuyết rơi buồn biết mấy
Từng giọt sầu
Lướt thướt cõi lòng ai
Trời hiu hắt
Sương mờ thương nhớ lắm
Những ngày xa xưa ấy

Giáng Xưa
***
Thơ Cảm Tác:

Người đã đến
Rồi đi
Không trở lại
Trang sách buồn
Ngậm đắng bụi thời gian
Dòng thơ cũ
Nghe mờ từng con chữ
Tôi thẩn thờ nghe tím nắng tuổi xuân tàn.

Kim Quang
***
Đông đến Thu đi nắng úa vàng
Nhớ bao tìng nghĩa mãi vương mang
Bao nhiêu suối mộng chưa hề cạn
Một mình còn lại giữa đông sang.

Trần Bang Thạch
***
Em Tháng 12


Giáng Sinh lại về trong cô đơn
Nũng nịu Tháng Mười Hai dỗi hờn
Từng giọt lệ buồn vương mắt ngọc
Góc thầm lặng lẽ nguyện van lơn...

Kim Oanh
***
Vạt nắng tàn
trên hàng cây trụi lá
ngồi đếm ngày
đợi tháng qua
nhớ lắm đấy
xa lắm đấy
người có trở lại
đong đầy vạt nắng tháng Mười Hai
Anh!
anh là nắng vàng...

Kim Phượng


Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Cao Vị Khanh Chúc Mừng Giáng Sinh 2022 và Năm Mới 2023

 

Thiệp Mừng: Cao Vị Khanh


Một Niềm Phó Thác



Lạy Chúa con đây phận mỏng giòn
Ân tình thánh hiến tấm lòng son
Âm thầm dõi bước theo chân Chúa
Chén đắng xin vâng ý nguyện tròn

Thập giá đeo mang dẫu tháng ngày
Oằn thân nặng gánh trĩu bờ vai
Vững lòng phó thác trong tay Chúa
Hồn xác nuôi con Chúa đoái hoài

Lắng tiếng chuông ngân khắp giáo đường
Hồng ân ban phát đấng tình thương
Chúa dòng suối mát con tìm đến
Là cỏ tựa đầu đón ánh dương

Kim Phượng
Giáng Sinh 2022


Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

Preston Mùa Lễ Trọng


Nắng ấm chan hòa buổi sớm mai
Thánh ca nhạc khúc tạ ơn Ngài
Phép mầu linh nghiệm bao mong đợi
Thành phố bừng lên rộn gót hài


Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Melbourne, Giáng Sinh 2022


Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Haiku 109



Lệ cay
tháng ngày gánh nặng
nắng mưa

dovaden2010
***
Cảm Tác:

Giọt đắng
phải anh là nắng
mơn man

Kim Phượng


Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Đâu Rồi Một Mùa Hè



Diều vút cao đang uốn mình no gió
Đường làng nho nhỏ quen lối chân qua
Tay trong tay tràn nắng ấm chan hòa
Thanh thú lắm cả hồn ta rộng mở

Kề bên nhau tiếng thì thầm hơi thở
Lời thề nguyền cùng hẹn ước tương lai
Chừng ấy năm chờ đợi đâu mấy dài
Mây đoàn viên sẽ rực màu tươi sáng

Ngờ chiêm bao bỗng trở thành dĩ vãng
Nắng hạ về mang sức nóng nghiệt oan
Đốt cháy tâm tư lấp lối thiên đàng
Giấc mộng đầu vùi chôn vào gió bụi

Kim Phượng


Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Ngại Chi



Bài Thơ Xướng

Ngại Chi

Thoang thoảng về khuya gió động mành
Canh dài gắng sức đã bao canh
Vầng trăng chán nản dần nghiêng bóng
Men rượu lâng lâng ý chửa thành
Tự hỏi vì đâu từ vắng lặng
Chắc do căn bản vận không rành
Làm thơ tuy khó chưa hề nản
Thi tứ luôn trau sẽ tốt lành.

Quên Đi
***
Các Bài Thơ Họa:

Giấc Ngủ Trở Trăn

Về khuya khẽ động gió lay mành
Tịnh đã lâu rồi thoảng đếm canh
Vẫn trở trăn hoài mơ khó đạt
Còn ray rứt mãi mộng khôn thành
Thơ dần nhạt hướng lời thô thiển
Ý giẫm trơ bề chuyện quẩn quanh
Điểm khúc ân tình chăm vẹn nghĩa
Hằng mong tuổi lão được an lành.

Mai Thắng
***
Câu Thơ Lành

Vườn khuya liễu rủ tưởng đan mành
Lãng đãng chờ Thơ mấy trống canh
Nguyệt lão lững lờ trôi cuối nẻo
Bút hoa lặng lẽ đặt trên thành
Làm sao đón được vần không lạc
Để viết thêm cho ý rõ rành
Thi Sĩ bốn phương như quý hữu
Đọc bài kệ nhỏ, thốt " câu lành "

Hawthorne 8 - 11 - 2022
Cao Mỵ Nhân
***
Dặn Lòng

Then cài cửa đóng vội buông mành
Vắng lặng thơ đề suốt mấy canh
Thi sĩ sẽ là mong ý đạt
Phát hành thi phẩm được danh thành
Nào ngờ vội vã niêm không giữ
Cũng tưởng thung dung đối chẳng rành
Đã biết chơi thơ đầy thú vị
Ngại chi học hỏi đặng an lành

Kim Phượng
***
Đêm đông

Hơi lạnh len qua tấm liếp mành
Chăn không đủ ấm, thức tàn canh
Xót thân lẻ bạn duyên nào trọn
Buồn cảnh xa quê mộng bất thành
Số kiếp lênh đênh sầu chất ngất
Tâm tư lạc lõng khổ đành rành
Còn đâu ước vọng thời son trẻ
Cuộc sống tương lai mãi đẹp lành

Phương Hà
***
Câu Đối Trong Thơ Đường Luật

Đêm dài lắm mộng gió lay mành
Gác trọ về khuya trống điểm canh
Xướng Họa Đường Thi câu hết ý
Điểm tô màu sắc cảnh viên thành
Luật niêm chọn chữ mà không toại
Thực luận vần gieo đối chẳng rành
Cố gắng trau dồi đừng chán nản
Thất ngôn bát cú phải ngon lành…!

Mai Xuân Thanh
***
Ngày Em Xa Vắng

Tưởng bóng em qua động chiếc mành
Đêm khuya thao thức trọn năm canh
Lòng thương xa cách sầu đà kết
Dạ nhớ biệt ly khổ đã thành
Gác nhỏ giờ đây đi cũng lạc
Phòng riêng nơi đó bước không rành
Bao nhiêu kỷ niệm còn in đậm
Giấc mộng đời anh khó chữa lành

songquang
20221109
***
Sầu Đông

Thương người cô độc ở sau mành,
Thơ thẩn buồn thương thức trọn canh.
Bạc phận tình si mơ chẳng được,
Hồng nhan ân đoạn ước không thành.
Lẻ loi lạc lỏng sầu duyên lỡ,
Chiếc bóng đơn côi vỡ mộng lành.
Đa cảm đa sầu đa hận oán,
Trời già cay nghiệt quả rành rành !

Đỗ Chiêu Đức
11-11-2022
***
Nguyện Cầu…

Bên song gió thổi phất phơ mành
Mòn mỏi nguyệt tàn trống điểm canh
Thiếu phụ đợi người mong ước vẹn
Chinh nhân vấn bước mộng công thành
Lá thư tiền tuyến đây còn giữ
Tấm ảnh hậu phương đó rõ rành?
Cầu nguyện cho người nơi trận tuyến
Vượt bao hiểm trở vạn may lành

Kim Oanh






Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Viễn Xứ Chiều Xuân - Thăm Lại Quê Xưa



Bài Xướng:

Viễn Xứ Chiều Xuân


Bao giờ trở lại vườn xưa
Để xem ngày nắng đêm mưa thế nào
Có còn xanh ngọn trúc đào
Đôi chim vang hót xôn xao chuyền cành
Ngọt ngào đâu đó hương chanh
Vương vương suối tóc hương dành cho ai
Gió còn ngơ ngẩn hiên ngoài
Chiều xuân viễn xứ lòng hoài cố nhân

Kim Phượng
***
Bài Họa:


Thăm Lại Quê Xưa

Ta về thăm lại quê xưa
Bao thu thế sự gió mưa kiểu nào
Nhớ thương cam quýt mận đào
Nước non mấy độ lao xao cội cành
Chim chuyền bụi ớt hàng chanh
Tìm ai buổi ấy chừ dành trao ai
Đêm chầy vắng vẻ hiên ngoài
Lạnh lùng tiếng vạc thương hoài tình quê.

Hương Thềm Mây
(GM.nguyễn Đình Diệm)


Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Khổ Qua



Khổ Qua

Đến khi trái khổ qua đầu
Trên giàn kết trái tình đâu mất rồi
Anh ngồi tưới nước làm vui
Mà em như lệ khóc người đó đây .

n g u y ễ n n a m a n
***
Thơ Nối Tiếp

khổ ai như nỗi khổ nầy
thì ra cái khổ đã đầy vườn tôi
khổ hoài sao chẳng chịu vơi
chẳng ai ngoái lại để tui đỡ buồn?!

Nước tui cũng đã cạn nguồn
còn đâu để tưới cái buồn lỡ mang?!

Trần Bang Thạch
***
Khổ qua nụ trổ đầy giàn
Ới người gieo khổ chẳng màng để tâm
Sụt sùi trời đổ mưa dầm
Ới người gieo khổ trăm năm bạc lòng

Kim Phượng
***
Cánh vàng nhụy điểm trắng trong
Khổ qua kết trái đắng lòng người ơi
Oằn mình cam chịu ngậm lời
Ai hay ai hiểu cuộc đời khổ qua.

Kim Oanh



Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

Viễn Xứ Chiều Xuân - Thu Đi Xuân Đến


Bài Xướng:

Viễn Xứ Chiều Xuân


Bao giờ trở lại vườn xưa
Để xem ngày nắng đêm mưa thế nào
Có còn xanh ngọn trúc đào
Đôi chim vang hót xôn xao chuyền cành
Ngọt ngào đâu đó hương chanh
Vương vương suối tóc hương dành cho ai
Gió còn ngơ ngẩn hiên ngoài
Chiều xuân viễn xứ lòng hoài cố nhân

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Thu Đi Xuân Đến

Bao giờ anh trở lại vườn xưa
Hàng cây xanh lá gió đong đưa
Đã mấy mùa Thu đi biền biệt
Nhớ nàng thôn nữ tóc hương dừa

Bao giờ quên được mái nhà xưa
Có người em gái tuổi đang vừa
Tròn trăng ngóng đợi mùa Xuân đến
Pháo đỏ tưng bừng lễ đón đưa

Chinh Nguyên-HNT
Giao mùa Thu Đông 2022
***
Bài Họa:

Xuân Trên Đất Mẹ

Bây giờ thăm lại quê xưa
Đổi thay thời tiết nắng mưa lúc nào
Nhìn kìa mấy ngọn hoa đào
Đàn chim nhảy nhót lao xao chuyền cành
Góc vườn thoang thoảng hoa chanh
Em ngồi hong tóc hương dành tặng ai?
Gió Xuân nhẹ thổi sân ngoài
Lòng người lữ thứ cảm hoài thi nhân

songquang
20221204


Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2022

Cáo Phó Từ Gia Đình Thầy Nguyễn Văn Sản, Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ, Tỉnh Vĩnh Long

Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ Tỉnh Vĩnh Long, Thành Kính Phân Ưu


Nguyễn Đức Hạnh, Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ, Phân Ưu


Phân Ưu

Rất bàng hoàng hay tin, Người Bạn Đồng Nghiệp cùng trường một thuở, Antôn Nguyễn Văn Sản được về với Chúa. Thành thật chia buồn cùng Tang Quyến.
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Linh Hồn Bạn Antôn Nguyễn Văn Sản sớm hưởng Nhan Thánh Chúa trên Thiên Đàng.

Hiệp Nguyện

Nguyễn Đức Hạnh


Lê Thị Kim Phượng Thành Kính Phân Ưu

 

Vừa hay tin, Thầy Antôn Nguyễn Văn Sản được Chúa đem đi bình an. Kim Phượng xin đồng hành cùng nỗi đau mất mát này với Tang Quyến.
Nguyện xin Chúa đón nhận Linh Hồn Thầy Antôn Nguyễn Văn Sản về hưởng vinh quang của Chúa trên nước Thiên Đàng.

Kính Nguyện

Lê Thị Kim Phượng

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Chuyển Hạ



Tàng phượng vỹ huy hoàng chuyển hạ
Trổ điệu buồn ra rả tiếng ve
Thương cổng trường khép kín trưa hè
Nghe nhung nhớ mơ hồ xa lắm

Đầm đầm sắc thả hồn mấy lượt
Lay cành trước gió phượng lim dim
Nhập mê hoa sắc máu đi tìm
Cùng thi sĩ hòa chìm mộng mị

Mùa hè đi người không trở lại
Bạc lòng chấp cánh hạc xa bay
Hoa rướm lệ rơi đầy lưu bút
Tuổi hồn nhiên gục chết thơ ngây

Bầy áo trắng sân trường vắng bóng
Gọi vào mùa ngấn lệ rưng rưng
Thời xa xưa ngày ấy một lần
Lòng nhật ký bâng khuâng hò hẹn

Kim Phượng

Ngày đầu hạ Úc châu


Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Thu Ơi!


Thu ơi đừng vội đi xa
Cho sầu man mác trong ta vẫn còn.
Nguồn thơ dễ bị hao mòn
Khi nghe tiếng bước dập dồn Đông sang
Thu ơi cứ thả lá vàng
Lả lơi trong gió nhẹ nhàng tung bay
Tàng cây lảo đảo cơn say
Miên man vũ trụ vần xoay ảo huyền
Thu ơi lá đổ mạn thuyền
Trôi theo giòng suối vào miền hư không
Non cao vực thẳm mênh mông
Thênh thang cõi mộng bềnh bồng mây giăng
Thu ơi vằng vặc cung Hằng
Chập chờn soi bóng Thiên-đàng là đây
Hương thơm tà áo ngất ngây
Nghê-thường ca múa một bầy Tiên-nga
Thu ơi hồn mộng bay xa
Thoắt rơi trở lại Ta-bà buồn tênh
Nhưng Thu còn ở bên mình
Hồn ta thanh thản yên bình dệt thơ

ChinhNguyen/H.N.T., 
Giao mùa Thu Đông 2022 


Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Mưa Thu


Cà phê đen nóng không đường
Chạnh lòng, ghế trống, đêm trường, ngày qua
Vài vầng tâm sự gọi là
Mong người thấu hiểu lời xa ý gần

Lạnh lùng lá úa mưa rơi
Nhâm nhi vài hớp lại khơi tình buồn
Tình buồn trời góp mưa tuôn
Thu chưa từ giã, đông luồn tóc mai

Suốt ngày rả rích gió gào
Khung trời ảm đạm một màu xám tro
Lặng yên không chút nghĩ lo
Thời gian còn lại dành cho vui cười

Nguyễn Cao Khải



Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Chặng Đường Xưa



Nguồn thơ Haiku
Gợi bước phiêu du
Xa mù

Chinh Nguyen -HNT,
Nov.14.22
***
Thơ Cảm Tác:

Xa mù
phiến lá thu
vàng ủ

dovden2010
***
Vàng thu
sương mù mù
vi vu

Kim Phượng
***
Lối thu
Sương dầy phủ
Âm u

Kim Oanh

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

Em Dáng Xưa - Nhớ Người Xưa



Bài Xướng:

Em Dáng Xưa


Ai vẫn âm thầm mơ dáng xưa
Chiều thu lối cũ gió giao mùa
Phương trời cách biệt hồn thu chết
Dậy sóng niềm riêng cũng chỉ thừa.

Lỗi hẹn đôi tim chuyện đã rồi
Chôn vùi hồi ức chén ly bôi
Ngổn ngang nhung nhớ dần phai lạt
Khóc hận âm thầm thương tiếc thôi.

Bước vội tìm nhau để mất nhau
Bài thơ dĩ vãng của hôm nào
Hương thu áo não tình trao gửi
Mộng dệt khung sầu mãi mãi sao

Mỗi độ thu về một nỗi riêng
Vì sao chôn chặt lấy ưu phiền
Chiều thu xao xuyến chiều thu ấy
Thầm nhớ trăm năm lỗi ước nguyền

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Nhớ Người Xưa

( Mượn vận để viết bài thơ dành riêng cho hiền thê)

Âm thầm tôi nhớ đến người xưa
Thu ấy, heo may cũng đúng mùa
Ly biệt tàn thu em đã chết
Lòng tôi da diết lắm hương thừa

Tình tôi đã đứt sợi duyên rồi !
Kỷ niệm vẫn còn khó xóa bôi
Nỗi nhớ niềm thương hằn dấu tích
Khiến lòng nung nấu mãi khôn thôi

Loanh quanh nào thấy! Kiếm tìm nhau
Hình bóng người thương của thuở nào
Chiếc áo mùa đông phòng ấm gởi
Bây giờ mặc vẫn ….lạnh làm sao !

Thu tàn mỗi độ….chắc niềm riêng
Chất ngất trong tim nỗi muộn phiền
Em có biết chăng? Tàn thu ấy…
Tình ta lỡ nhịp lỗi câu nguyền

songquang
2022.11.15



Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Chặng Đường Xưa

1- 
Giao mùa Thu-Đông
Bên bếp lửa hồng
Ươm mộng

2-
 Nguồn thơ Haiku
Gợi bước phiêu du
Xa mù

3-
 Bạn thơ Haiku
Dừng gót phiêu du
Ngủ

Chinh Nguyên-HNT,
 Nov.14.22 


Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

Anh Đi Chiến Dịch

 

Anh đi chiến dịch giữ quê hương
Dâng cả đời trai chí quật cường
Chắc hẳn nơi xa anh còn nhớ
Mắt buồn u ẩn tiễn chân đưa

Của người em gái thơ ngây quá *
Chưa biết cười lên hẹn đợi chờ *
Đất Bắc thanh bình ngày trở lại
Vòng hoa chiến thắng đón người trai

Kim Phượng

* Lời nhạc Anh Đi Chiến Dịch của Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương


Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Hoa Anh Túc Tưởng Niệm(Remembrance Poppy)*


Anh Túc lay lay dưới nắng chiều
Chiêu hồn tử sĩ cánh hoa yêu
Thắm màu sắc máu người nằm xuống
Tô điểm quê hương nét mỹ miều


Thơ & Ảnh : Kim Phượng 

* Hoa Anh Túc đỏ, loài hoa nhắc nhớ Ngày tưởng niệm( Remembrance Day), để tưởng nhớ những chiến sĩ vô danh đã ngả gục trong hai trận chiến tranh thế giới, kỷ niệm vào ngày 11 tháng11 hàng năm.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Tơ Vương


Đàn lòng réo rắt tơ vương

Nhặt khoan cung nhớ cung thương khúc sầu
Trầm mình đón nhận bể dâu
Lời yêu chẳng trọn mộng đầu dở dang
Tiếng đàn tích tịch tình tang
Canh khuya nức nở lệ tràn xót xa
Nỗi niềm ta chỉ riêng ta
Hồng nhan mệnh bạc vóc hoa héo gầy

Kim Phượng


Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Tiếng Lòng


Lòng ta ơi hãy nói điều chưa tỏ

Ngại ngùng chi chẳng mở ngõ lời yêu
Thả cao bay theo chao đảo cánh diều
Không nương gió hẩm hiu đời câm lặng

Lòng ta ơi trần gian nhiều vị đắng
Rơi giọt buồn rung động cả sương đêm
Cố vùi sâu mong vỗ giấc êm đềm
Không mộng mị quẩn quanh đời u tối

Lòng ta ơi sao mãi hoài bối rối
Một lần nào thử nối chỉ giăng tơ
Nghiệt ngã thay nhện chẳng nhả mối chờ
Ôm nỗi đau tận cùng đời trắc trở

Lòng ta ơi đây tiếng lòng nhắc nhớ
Đâu tấm hình hài soi lại dung nhan
Thân cỏ hoa rày sớm nở tối tàn
Nhân gian hỡi xót xa đời ấm lạnh

Kim Phượng

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Tình Đã Vụt Bay - Vũ Đức Tuấn



Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác:Vũ Đức Tuấn
Ca Sĩ: Trần Thài Hòa
Thực Hiện:Kyphan Official


Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Cậu Ấm!


    Những chàng trai con các lão phú hộ, đại điền chủ, gia đình thừa tiền lắm bạc thời phong kiến hoặc con các đại gia bây giờ, người đời, hay gọi là “Cậu ấm”.
Thế thì, Ba tôi cũng là “Cậu ấm” đấy, con trai thứ mười và là con út của ông Bang ở ấp Phú Hữu, tỉnh Vĩnh Long.

    Vậy “Cậu ấm”, ba tôi, ấm lạnh như thế nào!?

    Nội, một đại điền chủ, ruộng cò bay thẳng cánh, có của ăn của để, nhưng hiền đức, thương người ăn kẻ ở trong nhà. Đối với tá điền, nội luôn rộng rãi, hay giúp đỡ và không hà khắc. Sống với ruộng đồng, nhưng nội có vốn chữ nghĩa, có chí cầu tiến. Thời bấy giờ, dưới sông, nội sắm ghe hầu, trên bờ sở hữu xe Traction Citroen. Xe là phương tiện di chuyển trên con lộ do nội xây đắp, gọi là lộ Ông Bang. Lộ chạy dài từ ấp Phú Hữu đến xã Giồng ké hay còn gọi là Trung Ngãi. Xã này nằm trên trục lộ giao thông Vĩnh Long - Vĩnh Bình.

    Cậu ấm út của nội, tuy sống và lớn lên trong hoàn cảnh thuận lợi, nhưng chẳng ăn không ngồi rồi, nội đưa vào Collège Chasseloup - Laubat theo đuổi bút nghiên, đèn sách với dự định cho sang Pháp du học. Đang tuổi vô tư, tung tăng trong sân trường cùng các bạn đồng lứa, tuổi còn mộng ngoài cửa lớp, nhưng không may…
    Theo lời kể lại, nội là người đứng ra bảo đảm cho thông gia vay tiền, khi hoàn cảnh họ khó khăn. Rồi thị trường chứng khoán trên đà xuống dốc thê thảm. Nội lại ngã bệnh. Nghe lời khuyên của các chú, “Cậu ấm” đành rời thiên đường tuổi mộng, về sống cạnh nội, nâng đỡ tinh thần, vừa giúp nội vượt qua trọng bệnh. “Cậu ấm” quen dần với ruộng đồng, có nội hướng dẫn, tập tành và sau đó giao hẳn một phần công việc. Cậu trở thành một ông chủ nhỏ của một chành lúa to to, ngay tại chợ Rạch Bàng. Âu là cơ duyên, khi ghe nhà đang cùng đám lục bình xuôi dòng, tình cờ cậu trông thấy trên chiếc cầu cây, bên kia sông, đối diện với chành lúa, một cô gái xinh xinh đang ngắm trời mây. Được cậu ghé mắt xanh và không lâu cô trở thành má của chúng tôi sau này.


    Có lẽ ba được trao truyền lối sống, tính tình và nhất là tính cầu tiến, từ nội. Ba đã thực hành ý định đưa con lên tỉnh học. Bằng những vật liệu từ cây nhà lá vườn, ba dùng ghe chuyên chở và thuê người cất một căn nhà lá, trên một vùng khá hoang vu thuộc tỉnh Vĩnh Long, gần đền thờ cụ Phan Thanh Giản bây giờ.
    Giàu óc kinh doanh, ba đã là chủ chiếc xe đò trên đường liên tỉnh, thuê người làm tài xế và cậu tôi theo xe thu tiền hành khách. Vừa thêm lợi tức, vừa giúp cậu có công ăn việc làm.

    Thời cuộc nhiều biến đổi, ba rời quê cha lên Giồng Ké lập nghiệp. Bặt thiệp, biết tính toán, “Cậu ấm” Sang của ngày nào là một địa chủ lớn, đã trở thành ông chủ nhỏ tiệm tạp hóa “Hiệp Thành”, được ghép từ tên cậu em bảy Hiệp và anh tư Thành của chúng tôi. Căn nhà ba gian ở Giồng Ké, được vén khéo, tiện cho nơi ăn chốn, thuận việc buôn bán. Tiệm buôn tuy nhỏ nhưng bày bán đủ những mặt hàng có phẩm chất cao. Từ lu mái đầm to chứa nước, đến khạp nho nhỏ, nồi niêu, chén đĩa trọn bộ có thể dùng trong đám tiệc, cối xay bột, giày dép, đến vải vóc may trang phục cho cô dâu, toàn những mặt hàng có giá trị, thu hút thị hiếu và giá cả thuận mua vừa bán. Ba còn mang kiến thức hiểu biết về thuốc men trong việc làm ngày trước, nên có thể giúp đỡ những gia đình nghèo trong xóm, khi họ đau bệnh. Từ đấy, người ta gọi ba là “thầy thuốc mát tay”. Một góc nhỏ nữa, là nơi làm tiệm chụp và rửa hình, nhộn nhịp nhất, vất vả nhất cho cậu tôi trong thời gian chụp hình làm thẻ căn cước cho người dân nơi đây. Một gian khác làm vựa lúa, trữ lúa thu hàng năm từ các tá điền.

(Kim Phượng trong vòng tay ôm của má)
   
 Ngoài kinh doanh, việc giáo dục con, ba đều xem quan trọng như nhau.

   Ngày còn sống dưới quê, những khi lính Tây ruồng bố, dù phải chạy lẫn trốn, nhưng khi trở về, ba vẫn chú tâm dạy kèm tiếng Pháp cho hai chị gái của tôi. Đến lúc hai chị lên Vĩnh Long nhập học, khả năng tiếng Pháp có phần vượt trội hơn các bạn cùng lớp, tại tỉnh.
   Lúc ở Giồng Ké, ngày ngày ba vất vả với công ăn việc làm, tối đến không quên kèm dạy chúng tôi học thêm. Riêng tôi, khá về môn Toán cũng nhờ công ba. Đêm nào ba cũng “dợt” làm Toán Đố, nào là tìm chu vi, diện tích, cắt bớt đất làm lối đi, đào ao cá, tính số cây trồng trên những mảnh đất hình chữ nhật, hình vuông...rồi đến hình thang, hình thoi, hình tam giác...Dạo ấy, tôi là tay cừ về môn Toán, các anh bạn cùng lớp phải hối lộ những trái me keo để được tôi giúp đỡ khi làm bài.
    Lo như thế, vẫn chưa đủ, con càng lớn ba càng lo. Cạnh căn nhà chúng tôi ở, là hồ nuôi cá dùng làm thực phẩm, quanh đó là sông. Nơi nào cũng nước ơi là nước. Để giữ an toàn, tránh những tai nạn không ngờ, ba vớt bập dừa trôi sông cho chúng tôi tập lội, nhưng rồi các con ba, đứa bơi được, đứa không.
    Ngoài ra ba mua xe đạp đủ cỡ lớn nhỏ, tập cho tay lái chúng tôi thuần thục. Nhất cử lưỡng tiện, để sinh thêm lợi, chiều đến ba cho trẻ em trong xóm thuê xe, tập chạy. Ba giao cho các chị em tôi phụ trách và nghiễm nhiên, chúng tôi trở thành cô, cậu chủ nhỏ, của các khách hàng tí hon, đôi khi lớn hơn cả chúng tôi nữa.

    Cuộc sống trong gia đình ba luôn chu toàn...

    Ngoài đèn dầu lửa, ba đã sắm đèn măng - sông (gas mantle or Welsbach mantle), mua máy sạc điện, tiện dùng về đêm hoặc cần khi nghe radio.
   Nước dùng, lấy từ sông. Sợ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng chiều cao của các con khi gánh gồng, ba mua máy bơm nước từ sông lên tận nhà, nhưng rồi tôi cũng “lùn như người ta”.
    Ba mua ghe, có gắn “máy đuôi tôm”, làm phương tiện về thăm vườn tược ở Phú Hữu, vừa di chuyển tận Rạch Bàng, mỗi dịp Tết hay khi đưa con về quê thăm ngoại.


    Cuộc sống tưởng chừng êm ả như dòng nước xuôi chiều. Nhưng với thỏa thuận ngừng bắn của đôi bên cho mọi người dân đón Tết Mậu Thân 1968, lời hứa như nước chảy qua cầu. Cuộc tấn công bất ngờ của bên kia, hai dãy phố của xã Giồng Ké chìm trong biển lửa. Họ chẳng những vô tâm đốt nhà, khói lửa cao ngút trời, còn chặn đường di chuyển lên tỉnh và “lùa” dân về ruộng vườn… Đoàn người hỗn độn trong đêm xuân, bầu trời rền tiếng phi cơ trong đêm tối, nhưng lính không bắn xuống một viên đạn nào, có lẽ họ biết đây là người dân chạy loạn bất khả kháng. Mọi người tản mác trong vô vọng và vô định. Gia đình chúng tôi đành trở về quê cũ, sống tạm trong gia đình một Người tá điền của nội ngày xưa. Người tá điền trung thành, hiền lành này, một tiếng gọi ba tôi bằng “cậu mười”, hai tiếng cũng “cậu mười” như cái ngày xưa ba còn là “Cậu ấm”. Tạm dung một thời gian ngắn, ba quyết định đưa cả đại gia đình chúng tôi, lần mò cuốc bộ lên tỉnh. Ngày Người tá điền này chèo xuồng tiễn đưa gia đình chúng tôi đi một đổi, nhìn hai dòng lệ chảy dài và đôi môi méo xệch thầm thì không biết bao giờ mới được gặp lại được ba tôi. Trên đường đi, ba chỉ về hướng xa xa, nơi khuôn viên mộ của dòng họ Lê, nơi an nghỉ đời đời của ông bà nội và giòng họ. Tôi len lén nhìn, đôi mắt ba xa xăm, câm lặng hằn nét khổ đau.
    Ròng rã đi rồi cũng đến, đến được căn nhà “học trò” của các chị em tôi ở Vĩnh Long, dù đây không là thiên đường, nhưng đã cho tôi cảm giác. Vĩnh Long vẫn chưa yên, đêm đêm tiếng đạn vẫn vèo bay, cả gia đình chúng tôi phải chia nhau, đi ngủ tạm trong những căn nhà kiên cố trong xóm. Và cuối cùng cả gia đình rời Vĩnh Long, sang Rạch Giá lánh nạn.
    Thời gian sau, tình hình tạm ổn định, ba đưa các con lớn về Vĩnh Long, đứa trở lại trường, còn tôi chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài.

    Một lần nữa ba rời Giồng Ké về ở hẳn Vĩnh Long. Công ăn việc làm thay đổi luôn, từ việc cùng các cậu, lập máy đèn cung cấp điện cho quận Càng Long (thuộc tỉnh Vĩnh Bình), lập nhà máy xay lúa cho dân địa phương.
    Những gian nan vất vả không dừng lại với “Cậu ấm”. Một mùa hè 75 bi thương, đất trời nổi cơn gió bụi, không chỉ ảnh hưởng đến gia đình chúng tôi mà cả dân miền Nam. Tiền bạc, tài sản, bỗng chốc không cánh mà bay vào tay kẻ lạ. Mái tóc ba tôi ngày càng bạc trắng hơn. “Cậu ấm” bôn ba ngày nào, nay tự dưng “vô công rồi nghề”. Ngày nào đất cò bay, nay thu hẹp, chỉ một căn nhà nhỏ, sân trước, vườn sau...làm gì đủ rộng hầu trồng trọt thêm thứ gì để thu huê lợi. Thôi thì...ba chuyển qua nghề nấu rượu, ba nào biết uống rượu, chỉ là người thích cà phê. Nay nhìn từng giọt rượu đang cất rơi xuống lòng chai mà đau lòng. Mặc dù được bày vẽ, cách này, cách nọ để có lợi hơn, nhưng ba vẫn một mực đặt phẩm chất lên hàng đầu. Nhờ lẽ ấy, rượu của ba rất được ưa chuộng, rồi từ rượu trắng, lại thêm rượu nếp than, đến cung cấp những chai rượu trong đám sính lễ. Làm rượu lại dư hèm, ba tậu thêm heo để nuôi. Trong thời gian này, các con trai, rể của ba không tội mà tù, con gái, con dâu trở về quây quần tạm sống chung, lo cho các con nhỏ tiếp tục việc học, ba quần quật không ngơi tay. Có lần nhìn ba tắm mấy chị heo, ba đưa tay xoa nhè nhẹ lên lưng chúng, rồi dùng vòi nước phun nhẹ, chúng ví quanh ba tôi. Nhìn đến xót xa…

- Ba ơi, con sẽ phụ tắm heo thay cho ba!
- Cực lắm nghe con, đôi khi bị chúng ủi nữa.

Và theo lời chỉ dẫn, tôi mặc chiếc quần ngắn, bước vào chuồng, xoa lưng các chị heo, xịt nước và dĩ nhiên cũng bị chúng ủi vào chân, nhưng...không sao. Chỉ là chuyện nhỏ!
    Đến giờ đi dạy, trở vào trường, làm cô giáo người ta. Thời điểm bấy giờ là “sau 75”, nhưng tôi vẫn lượt là trong chiếc áo dài, ngắn đến gối, chiếc quần trắng may vải xéo, ống loe, nhưng dĩ nhiên là ống quần xén nhỏ lại một tí...Vẫn lượt là chán! Tôi đứng trên hành lang trường Kỹ Thuật, nhìn xuống tàng cây phượng vĩ, một em nam sinh, tiến đến đứng cạnh tôi. Cô, trò, vài câu vu vơ trao đổi. Với khuôn mặt rất thơ ngây, em hỏi tôi một câu cũng vô cùng thơ ngây…

    - Chắc ở nhà cô ở không, hỏng có làm chi phải không cô?

    Tôi nhìn em, im lặng mỉm cười, nhưng lòng thầm nói… “Cô cũng tắm heo muốn chết chứ!”.

    Ca dao rằng...”Giàu út ăn, khó út chịu”. Lúc sinh thời, nội là đại điền chủ, ba là con thứ mười, con út trong gia đình, nhưng ba lại là “út chịu”. Ba luôn là người chịu thương, chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận, nhường nhịn các anh chị. Có lẽ vì thế, nên lúc giàu hay khi cơ cực, ba luôn hòa nhã với mọi người, cả gia đình bên vợ. Ba không là cỏ nương theo chiều gió để quỳ lụy, trục lợi, nên suốt đời vẫn cơ cực, ngẩn cao đầu. Và ba má sang Úc định cư năm 1984.


    Cuộc đời ba...một “Cậu ấm” nhiều ấm lạnh.

    Thời gian nằm bệnh, khi hơi sắp tàn, sức sắp kiệt, dường như không giao trách nhiệm cho đứa con nào, ba chỉ nói bâng quơ, “Ba chết rồi ai lo cho má con”. Chừng câu ngắn ngủi này, đủ biết tình sâu nghĩa nặng của ba dành cho má như thế nào. 

    Ngoài ghiền cà phê, ba thích nghe giọng ca cô Thanh Thúy. Những ngày chờ đợi..., ròng rã, khe khẽ gịong ca cô Thanh Thúy, quanh quẩn linh cữu. Giờ động quan đến, mượn giọng ca não nuột của cô, tiễn đưa ba vào cõi thiên thu qua ca khúc...Một Ngày Sẽ Đến.

Một ngày sẽ đến em sẽ xa anh.
Một ngày sẽ đến em sẽ xa anh, xa anh suốt đời*

                                https://youtu.be/lsC3DsKbiw8
                     ( Một Ngày Sẽ Đến - Tiếng Hát Thanh Thúy)

   Ba... “Cậu ấm”, chịu nhiều giá lạnh trong tình đời, nhưng ấm áp và rất đẹp trong hạnh phúc lứa đôi. Và ba, cho tôi cảm nhận được hai chữ “bất diệt” trong tình yêu là có thật.

Kim Phượng
30.10.2022
Lần Giỗ thứ 25 của Ba
* Lời bản nhạc Một Ngày Sẽ Đến.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Cung Tơ Chiều - Trương Hoàng Xuân - Lệ Thu


Sáng Tác: Trương Hoàng Xuân
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện:VDong Doan


Em Dáng Xưa


Ai vẫn âm thầm mơ dáng xưa
Chiều thu lối cũ gió giao mùa
Phương trời cách biệt hồn thu chết
Dậy sóng niềm riêng cũng chỉ thừa.

Lỗi hẹn đôi tim chuyện đã rồi
Chôn vùi hồi ức chén ly bôi
Ngổn ngang nhung nhớ dần phai lạt
Khóc hận âm thầm thương tiếc thôi.

Bước vội tìm nhau để mất nhau
Bài thơ dĩ vãng của hôm nào
Hương thu áo não tình trao gửi
Mộng dệt khung sầu mãi mãi sao

Mỗi độ thu về một nỗi riêng
Vì sao chôn chặt lấy ưu phiền
Chiều thu xao xuyến chiều thu ấy
Thầm nhớ trăm năm lỗi ước nguyền

Kim Phượng