Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Hoa Tường


Trót thân liễu ngõ hoa tường
Lòng bền tâm niệm kỷ cương vững vàng
Hỡi người quân tử dọc ngang
Có thương phận mỏng thẳng đàng mà đi


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Tiếng Nguyệt Cầm


Bài Xướng:

Tiếng Nguyệt Cầm


Kỹ nữ thời xuân đã chẳng còn
Tỳ bà hận tủi khóc trăng non
Gió đùa cành lá cây xao xuyến
Sóng vỗ bờ đê đất mỏi mòn
Khoan nhặt đàn ai mơ chốn cũ
Đợi chờ năm tháng héo tình son
Lời ca ai oán gieo thương xót
Ước nguyện hồi kinh biết có tròn

Quên Đi
***
Bài Họa:

Vọng Tiếng Nguyệt Cầm

Hương sắc hồng nhan cũ có còn
Xuân già tủi phận với vùng non
Trời mưa lác đác người khao khát
Gió thổi vi vu đất xói mòn
Nhớ bạn tình xưa mơ cố thổ
Thương em đồng điệu mộng lòng son
Đàn ca hoài niệm quê hương xót
Hy vọng lai kinh ước vẹn tròn…!

Mai Xuân Thanh
Silicone Valley, Sept. 24/2024
***
Bi Khúc

Tỳ bà bi khúc bặt âm còn
Che khuất mặt người tiếng nỉ non
Mang mối ưu sầu hồn khắc khoải
Nặng lòng trắc ẩn dạ hao mòn
Tình duyên dang dở hoen môi mắt
Kỹ nữ sụt sùi nhạt phấn son
Vang vọng âm ba hồ lụa xé
Đèn khêu rượu chuốc mộng không tròn

Kim Phượng


Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Tiếng Mưa Đêm - Mỏi Mòn


  Ảnh: Pexels/ Kelly Ritta

Tiếng Đêm Mưa

Lặng ngồi trong bóng đêm
Nghe tiếng mưa bên thềm
Gió rít như hờn dỗi
Khiến lòng khó dịu êm
Im lìm căn gác nhỏ
Luyến tiếc vành môi mềm
Vương vấn lòng như muốn
Thêm

Quên Đi
***
Thơ Cảm Tác:

Mỏi Mòn


Mơ hồ cơn gió đưa
Mang lén chút hương thừa
Gối mộng xuôi dòng nước
Giọt buồn thay tiếng mưa
Khôn nguôi cơn mộng ảo
Vương vấn mảnh tình xưa
Mòn mỏi mong tin nhạn
Chưa

Kim Phượng

Bến Chờ


Tìm lại dòng xưa uốn khúc sông
Trái sầu chở nặng có xuôi dòng
Đò tình trôi nổi đâu là bến
Cô quạnh bến chờ ới Vĩnh Long

Đã muốn tìm quên để lãng quên
Linh hồn tan nát nặng tình bền
Cho dòng nước mắt thêm cay đắng
Thu nhỏ góc đời khẽ gọi tên

Hơn nửa đời riêng đối bóng ta
Dặm trường thân liễu hạt mưa sa
Cuộc tình gắng vẫn hoài hiu hắt
Con nước dòng xưa có mặn mà

Kim Phượng



Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

"Gút Mắt" Trong Phép Đối Tĩnh Và Động Từ


Trong 5 quy định của thơ Đường luật: 
1) Vần 
2) Đối 
3) Luật 
4) Niêm
5) Cách bố cục

Duy chỉ có Đối là khiến nhiều người yêu mến Thơ Đường Luật quan tâm nhất. Đúng vậy, dù trên trang mạng cộng đồng, có rất nhiều hướng dẫn, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nghi vấn. 

Theo Thầy Dương Quảng Hàm:"Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
1/ Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
2/ Đối chữ thì vừa phải đối thanh tức là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; vừa phải đối loại của chữ, nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối với nhau (như danh từ đối với danh từ, hoặc động từ đối với động từ v.v...)"
Có một vấn đề rất nhiều người làm thơ thắc mắc là: Chúng ta có thể dùng Động Từ đối với Tĩnh Từ hoặc ngược lại được chăng? Đúng hay sai? Tại Sao.
Để giải đáp vấn đề này, trước hết, chúng ta cần xác định rõ một điều là trước đây, tiếng Việt ta chỉ theo lối học chữ Nho không có lối phân tự loại Tĩnh từ, Động từ như ngày nay.
Khi chữ Quốc ngữ xuất hiện, vấn đề phân chia Tự Loại cũng xuất hiện. Chữ Quốc Ngữ được hình thành và hoàn chỉnh do các Giáo sĩ Tây Phương. Nên việc phân Tự Loại cũng xuất xứ từ cú pháp của Phương Tây.

Thơ của các bậc Tiền Bối tuy có phân biệt Thực Hư, Chân Giả, nhưng không cứng nhắc như: trên phải đối với dưới, trời đối với đất, xanh đối với đỏ... các Vị vẫn dùng chữ hiện thực đối với chữ trừu tượng, hữu hình đối với vô hình. 

Chúng ta cùng xem lại vài Bài Thơ của của các bậc Khoa Bảng Nho Gia

Hiện thực đối với Trừu tượng:

Niềm xưa trung ái thề chẳng phụ,
Cảnh cũ điền viên thú đã quen.
        (trích Điền Viên Thú 3 - Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Trung Ái: từ trừu tượng. Điền Viên: từ hiện thực.

Sáo dìu dặt nổi rừng dương liễu
Hương chập chờn bay khóm trúc đào.
        (trích Gió Khuya - Quách Tấn)

Sáo: từ hiện thực, Hương: từ trừu tượng.

Động từ đối với Tĩnh Từ:

Tĩnh Từ là tiếng chỉ cái Thể của chủ Từ (Danh Từ) Bông Hoa Đẹp.
Động từ là tiếng chỉ cái dụng của Chủ Từ (Danh Từ) Bông Hoa Nở

Vun thông tưới cúc ba thằng nhỏ,
Ðỏ lửa trà hâm một mụ hầu.
      (trích An Phận của Nguyễn Bỉnh Khiêm)  

Vun: Động từ, Đỏ : Tĩnh từ

Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.
       (trích Cảnh Già - Nguyễn Khuyến)

Xanh: Tĩnh Từ, Rụng: Động Từ

Kết Luận  

Qua các Thí dụ trên, chúng ta thấy trong phép đối, không phải chỉ là Cân Đối hay Sóng Đối mà còn Phản Đối. Chúng ta có thể dùng các từ chỉ sự vật hiện hữu  đối với vô hình, di động đối với bất động, ồn ào đối với yên lặng. nói chung là Tĩnh đối vối Động. Như vậy, có thể khẳng định Tĩnh từ vẫn có thể sử dụng đối với Động Từ, trong hai cặp Thực và Luận trong Phép Đối ở thơ Đường Luật.

Huỳnh Hữu Đức