Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Giáng Sinh Nào



Giáng Sinh nào em cùng anh đi lễ
Dâng lên ngôi cao chuyện kể chúng mình
Hai mái đầu cuối thấp nguyện lặng thinh
Nghe máu chuyển tim mình hòa chung nhịp

Lạy Chúa con thiết tha lời khấn nguyện
Phép nhiệm mầu duyên trọn mãi bên nhau
Tròn tin yêu bền lâu dài suốt kiếp
Hết đời này tiếp nối đến đời sau

Chúa ngự trên cao hào quang rực rỡ
Che chở đời vượt qua nỗi truân chuyên
Là dòng suối hiền trầm mình tắm mát
Là cỏ xanh bát ngát tựa lưng nằm

Nhưng Chúa ơi!
Đêm nay lòng con âm thầm gọi Chúa
Người xa rồi không là của riêng con
Đêm bơ vơ đêm thao thức mỏi mòn
Hồng Ân phước xin cho con tròn giấc
Quên sự đời tất bật những thương đau.

Giáng Sinh 2010
Kim Phượng

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Hồi Chuông Định Mệnh



Bao năm trở lại Giáo Đường
Thềm xưa cảnh cũ vương vương bóng hình
Hồn treo thập giá tử sinh
Cõi lòng quạnh quẽ cầu kinh loạn cuồng

Chúa ơi! Ngăn giọt lệ tuôn
Bờ mi thiếu phụ khăn vuông đẫm đầy
Ông tơ bện sợi chỉ dầy
Sao còn cay nghiệt đọa đày thất điên

Cùng là phận gái thuyền quyên
Trời già đãi ngộ tơ duyên bẽ bàng
Mân côi chuỗi hạt lần tràng
Hồi chuông tĩnh thức âm vang gọi hồn

Chúa ơi! Dĩ vãng vùi chôn

Kim Phượng

Thế Hệ thứ 3 & 4 Chúc Mừng Giáng Sinh 2013 Bà Kim Phượng








Các Cháu 


Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Đêm Giáng Sinh Lạc Loài

      Niềm tin đã mất kể từ khi…từ khi cô cảm nhận được sự hiện hữu của mình không còn ý nghĩa nữa. Những lúc ấy, cô muốn tự biến mất khỏi cuộc đời, càng sớm càng tốt … đời có gì để vui, người còn ai đáng tin tưởng. Thật sự, cô đã hoàn toàn mất hết niềm tin yêu và sự mong chờ.
     Những nghiệt ngã của cuộc đời đó, nỗi đơn côi, sự bất hạnh xâm chiếm tâm hồn, bủa vây cô không rời. Cô mong chờ một phép lạ, bám víu một tin yêu mong manh, nhưng mọi việc hình như đã vượt khỏi tầm tay. Cô khóc, tiếng khóc không bật nổi một âm thanh, lặng lẽ, âm thầm, như đay nghiến đau buốt con tim. Rồi bỗng một ngày Người mang phép lạ đến. Niềm tin yêu những tưởng mất đi lại được tìm về.


        Bàn tay của vị chăn chiên đã mang cô trở lại cuộc đời qua niềm tin tôn giáo, một niềm tin mà từ lâu cô đã chối từ . Cô là một tín đồ không thuần thành với những chiều Chúa Nhật không đi lễ, với lời kinh không làu thuộc. Một người công giáo nhưng chưa một lần xưng tội. Con đường dẫn đến giáo đường hình như lúc nào cũng khó khăn, đầy trở ngại đến độ cô e dè. Mỗi lần đi lễ là lần có sự chọn lựa đi hay không hoặc đi vì sự chẳng đặng đừng. Vào giáo đường, bằng bước chân ngượng ngùng khiến cô mất hết niềm tin và sự thoải mái. Có một lần nào đó, cô được Cha dạy bảo “hãy dâng lên Chúa sự ngượng ngùng”. Lời Cha như chấp thêm đôi cánh niền tin. Rồi từ đó cô đi lễ bằng con tim thật thà, tâm hồn vô tư trải dài suốt buổi lễ, nhưng cô vẫn là con chiên không thuần. Trong cuộc sống cô cho là ô hợp và đơn điệu này, đôi lúc cô thầm nghĩ, có lẽ dưới ánh mắt nhân gian, họ cho cô là người chối bỏ đời công giáo, nhưng bằng con tim của Chúa, cô đáng thương và đáng được thương. Cố tin như vậy!

        Giờ đây, mỗi lúc vào giáo đường cô vẫn chưa hội nhập được với người chung quanh, chỉ thuần thục một điều là tìm đến ngồi ở hàng ghế cuối. Không khí trang nghiêm, tiếng nhạc nhè nhẹ đôi lúc dìu dặt réo rắc, tiếng Cha và giáo dân vang vang vào đầu buổi lễ, quen đến đổi cô làu thuộc và yêu thích :
      - Chúa ở cùng anh chị em.
      - Và ở cùng Cha.

         Hai lời nói nhưng có cùng một ý nghĩa cầu sự chúc lành. Lời chúc lành này như dòng nước mát tưới vào cây đời đã khô cằn, như giọt máu hồng đang len lỏi, luân lưu đưa vào con tim, tạo cảm giác an lành mỗi khi cô đến giáo đường dự lễ, thì ra “ Chúa ở cùng anh chị em” là Chúa đã ở trong cô. Từ cảm nhận đó cô sẽ không đơn độc giữa cuộc đời đen bạc với hoàn cảnh của riêng mình.
        Ngày tháng tiếp nối của đời sống, bằng những giọt máu hồng nuôi hồn kia khiến tâm cô thăng hoa trong sự tiếp xúc giữa người với người.Cuộc sống của cô mỗi ngày được bồi đấp bằng những niềm vui len lén mỗi độ Giáng Sinh về.
          Cô hồi tưởng lại lần đau thương cũng vào đêm này, đã hơn mười năm qua. Lúc mọi người có cùng niềm vui chung, đêm các tín đồ công giáo đang hân hoan đón chờ Hổng Ân Thiên Chúa, nhưng  đêm ấy cuộc đời cô bỗng trở nên đen tối, người ta đã tước mất đi dòng thác Hồng Ân mà lẽ ra các con và cô được trao ban…
        Các con cô đã bị cha chúng xua đuổi ra khỏi nhà, về tội đi tham dự buổi ăn tối mừng Giáng Sinh bên gia đình ngoại. Cha chúng chỉ xua đuổi các con, còn riêng cô được an toàn bước vào ngưỡng cửa nhà!? Ý nghĩ này thật là một sai lầm to lớn. Bất cứ người mẹ nào, nhất là người mẹ Việt Nam, an toàn thế nào được khi con mình đang bất an, chúng sẽ phải rời nhà ngay trong đêm mà cách đó một vài giờ mới vừa tham dự cuộc vui. Người bạn đời đã gây cho cô đến hai lần đau, đó là sự hành hạ các con.

         Việc không mong mà đến. Chuyện chẳng đặng đừng phải làm, với hành trang vội vã, cô cùng các con bước đi…trên con đường vô định. Cô liên tưởng đây như lần thứ hai phải xuống tàu ra khơi, nhưng khác chăng là lúc này có thêm ba đứa con cùng đồng hành trên bước đường ít may nhiều rủi, trên một đất nước bao dung .
        Tâm hồn tan nát, niềm tin và sự an ủi lúc bấy giờ nếu có, chỉ là sự xót xa, thương cảm mà cô tìm được qua ánh mắt của người tài xế tắc xi được gọi đến để đưa các mẹ con rời xa mái nhà, một nơi đã có thời êm ấm. Họ sẽ đưa mẹ con cô về đâu!? Hỡi những kẻ không nhà!

        Chỉ những ai cùng một hoàn cảnh mới có thể tưởng tượng nỗi sự đớn đau, tủi thân khi bị bạc đãi bởi người mà cô đã từng gắn bó một thời. Cô rời nhà trong một đêm đen, vào một ngày lễ trọng của mùa yêu thương. Trong xót xa thầm lặng, trong nước mắt nuốt nào để tạo một hình ảnh cứng cõi, cương nghị, làm gương soi cho các con. Hình ảnh ấy đã xa… nhưng lại gần, rồi lại xa, xa đến hơn mười năm qua chứ ít gì. Lạ quá, sao lại mới như hôm nào, chưa xóa mờ trong tâm tưởng cô. Hằng năm đến ngày này, cô muốn quên sao lòng luôn khoắc khoải nhớ, mỗi độ Giáng Sinh về, nỗi đau khiến lòng cô nao nao kỳ lạ. Cô mơ ước được một lần trong đời, êm ái sống trong ngôi nhà mà mười năm trước, ngay trong thời điểm mà buộc cô phải xa rời. Nếu có ngày ấy, trong căn nhà ngày xưa, cô sẽ trùm chăn ấm, đơn độc tận hưởng sự thinh lặng của vũ trụ và thinh lặng của lòng cô. Tuy nhiên, ý nghĩ đơn giản của sự mong muốn đó, muốn mà chẳng được, vì cô bị cuốn hút trong dòng đời, trong suy nghĩ thường tình của con người, …Giáng Sinh là ngày vui, ngày họp mặt của gia đình, ngày luôn bận rộn bởi lời nói, tiếng cười của người thân.


        Đã nhiều năm qua, hình ảnh bốn mẹ con cô phải rời nhà trong đêm Giáng Sinh vẫn mồn một trở về . Sự trở về như mối thân thiết đến độ không thể tách rời khỏi cô. Dù không tách rời, nhưng không đồng nghĩa với hận vì tình người đen bạc. Niềm tin có “Chúa ở cùng anh chị em”, niềm tin của “ Không phải tôi sống mà Người sống trong tôi”. Sự độ lượng, thứ tha, thọ nhục hình của Ngài, đã biến sự hận thù trở nên bài học tôi luyện cô. Từ đó cô biết cảm ơn sự bạc tình, cám ơn người đã gây cho cô sự khổ đau.

        Cảm ơn đời!
        Cho tôi được khổ đau
        Luôn cả lệ trào hôm nay
        Cảm ơn ai
        Quên
        Phút thật gần
        Trả tôi lại những bâng khuâng buổi đầu
        Cảm ơn tình!
        Chít khăn tang
        Trên những lỡ làng ái ân


        Với mối tình đã chít khăn tang. Với thân phận được sinh ra làm người trong hình hài yếu đuối, trước nghiệt ngã của cuộc đời, cô đã ngả quỵ. Đời cô như một loại Thố Ty Hoa, tâm hồn cô là kiếp sống bám, tầm gửi, chán chường đến đổi nhiều lần cô muốn ra khỏi cuộc đời. Tuy nhiên trong nỗi bất hạnh, cô đã được sự nâng đỡ của một số người mang hành động thánh. Sự linh động tiềm tàng trong sách vở, báo chí mà cô đã học hỏi, hay qua niềm tin tôn giáo. Tất cả sự việc này như một linh thánh, đã đưa cô trở lại cuộc đời, một sự hiện hữu, tồn tại đầy ý nghĩa.

        Trong cô hôm nay, Chúa không còn là bậc xa vời, không khó khăn khi tìm đến nữa, mà chính là những con người quanh cô, những con người biết chia sẻ niềm đau và nỗi bất hạnh, mà nỗi bất hạnh đó là một nguyên nhân khiến con người đang chán chường, có thể trong một phút dại khờ mà tự hủy mình.“ Chúa” của cô đó, những con người rất bình thường. Đời sống khiêm cung của cô bây giờ, là đời sống… “Không phải tôi sống mà Người sống trong tôi”. Đời sống của cô có ý nghĩa hơn khi biết ban phát.

        Hàng năm đến ngày Hai mươi bốn tháng Mười hai, nỗi đau nhức nhối lại trở về. Ngày này cô vẫn khóc, những kỷ niệm đau thương lần lượt, chầm chậm trở về, nhưng nước mắt hôm nay đã tiềm ẩn đâu đó nụ cười. Cô cảm ơn Người đã đưa cô trở lại cuộc đời và từ đó cô chịu oằn mình đau khổ làm một chiếc móc xích tình yêu thương để nối người với người. Đã bao lần, cô như đắm mình trong sự nhiệm mầu…cô đau khổ rời khỏi nhà trong một đêm Giáng Sinh và rồi vị Chăn Chiên đã nâng tâm hồn cô, cho cô biết phó thác nơi Ngài.

Cảm ơn
Trời thấp thật gần
Cưu mang hết những nợ nần suy tư
         Đời sống cô ý nghĩa hơn từ sự khổ đau và vì đau khổ mà cô biết thế nào là yêu thương.
       Thế gian này, trong mùa yêu thương còn biết bao nhiêu người bất hạnh!? Cô tự hỏi và tự nhủ lòng, theo chân Ngài để mang yêu thương và tạo niềm vui dù rằng rất nhỏ nhoi cho kẻ khác.

      Kim Phượng
Úc Châu 24.12.2009

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Chúa Tôi




Chúa  cao  cao  tít  tận  trời
Làm  sao  cúi  xuống  cứu  đời  cứu  con
Chúa  cao  tợ núi  như  non
Mong  chi  thấy  được  thân  con  mỏng  dòn

Thân  căng  thập  tự mỏi  mòn
Đôi  vai  oằn  nặng  thân  còn  cưu  mang
Ai  người  khốn khổ  lầm  than
Quì  bên  chân  Chúa  xin  mang  về  trời

Chúa  tôi  còn  nói  bằng  lời
Năng  cử  năng  động  một  đời  chở  che
Chúa  tôi  còn  lắng  còn  nghe
Quì  bên  chân  Chúa  mà nghe  lệ  trào

Kim Phượng

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Việt Dzũng Nhạc Và Đời

     Theo những tin tức vừa được loan báo, nhạc sĩ Việt Dzũng, tên thật là Nguyễn Ngọc Hùng Dũng
     Sinh năm 1958 tại Sài Gòn, một thời học Trường Trung học Lasan Taberd
     Ông vừa qua đời lúc 10:35 phút sáng, ngày 20 tháng 12, 2013, sau một cơn trụy tim,
     Tại Fountain Valley Regional Hospital, Orange County, California.
     Tiếc thương cho Người Nhạc Sĩ tài hoa.
     Nguyện cầu Hương Linh ViệtDzũng được an bình nơi Miền Thanh Tịnh.

 
                                                                            
Nhạc & Tiếng Hát: Việt Dzũng
Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
 

Thơ Tranh: Cành Hoa Dại

      Noel 2013
      Sáu thương.
      Món quà nhỏ thương tặng Sáu trong Mùa Noel này. 
      Hy vọng năm nay Sáu sẽ vui và hạnh phúc trọn vẹn với các con của Sáu.
      Chúc gia đình Sáu một Mùa Giáng Sinh an bình trong ân Chúa. Hạnh phúc nhe Sáu
      Em mượn bài Silent Night của Nhạc Sĩ vô Thường đàn gửi Sáu thưởng thức.
      Nhớ nhau trong lần cầu nguyện.

      Em 9 Oanh




Hòa tấu: Vô Thường

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Đàng Thánh Giá




Đàng Thánh Giá trong ngôi nhà nguyện
Mười bốn chặng đường chuyện nhân gian
Lối về nước Chúa thiên đàng
Đau thương khổ nhục gian nan phận người

Ẩn trong tiếng khóc cười nhân thế
Thập tự cao nhập thể hy sinh
Thác tuôn nguồn suối ân tình
Trong con Ngài sống hiển linh ngôi trời

Yêu thương tình cao vời Thiên Chúa
Thụ nạn hình nhầy nhụa thương đau
Tình con vời vợi nôn nao
Kiếp người mỗi chặng Chúa vào thọ thân

Kim Phượng

Đêm Lạc Loài



Tiếng chuông vàng vang vọng giáo đường
Suốt mùa thương tình ca rộn rã
Đời nghiệt ngã ôm lòng hồi tưởng
Khúc đoạn trường khơi lại niềm đau

Ngỡ chiêm bao vội thoáng mơ qua
Bơ vơ đất lạ lạnh hơi nhà
Kinh thống hối hài hà ngân động
Nước mắt hòa dòng xót phận hoa

Nỗi khát khao lệ nhỏ mõi mòn
Nến đời con, thắp ngọn hư hao
Lòng nôn nao tin yêu thanh khiết
Ân huệ sâu tha thiết tình Ngài

Lạy Chúa! Đêm này con về đâu
Những thâu canh hồn sầu bạc trắng
Niềm cay đắng lạc mất tình thân
Mỗi bước đi tim lạnh thấm dần

Đêm ngơ ngác trông lần chờ sáng!

Kim Phượng
24.12.2009

Hoài Tử chúc Mừng Giáng Sinh Và Năm Mới


Hoài Tử

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Một Chút Ý Tình...

Chào cô Kim Phương,
Cho huynh ăn ké với bài Tia Nắng Ấm của cô nha



Tia nắng chiều Thu ấm cuối ngày
Má em trắng nhạt tựa màu mây
Tay em khẻ vuốt làn tóc rối
Ngước mắt nhìn chim mõi cánh bay.
Bóng nắng lung linh bờ vai nhỏ
Chập chờn lá đỏ rụng dâng đầy
Ước gì gót thắm chờ ai đó
Một chút ý tình … thôi đắng cay !

Dương Hồng Thủy

Nắng Thu

      Chào Kim Phượng, chào anh Hồng Thủy, ....
Cũng bởi...tại Kim Phượng bỏ lửng câu thơ nên anh Hồng Thủy nhanh tay...ké, Nam Chi cũng nương theo mà thêm ít câu nhe quý vị!


Một chút ý tình....gửi lại ai!
Mang nắng về đây nhẹ lùa mây
Cho tình đơn lạnh thôi giá buốt
Cho huyễn mộng dần thả cao bay!

Vạt ấm choàng vai, phủ tóc đầy
Gót hài nhẹ bước ngỡ men say.
Lung linh bóng nắng, hồn ngây ngất,
Nắng ơi! đừng tan theo cuối ngày!!!

Nam Chi

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Nài Xin




Lạy Chúa!
Con không là chiên ngoan
Chối đời công giáo sống hoang đàng
Mỗi tuần Chúa nhật không đi lễ
Mân côi lần chuỗi… ngại hạt tràng

Thương con hãy thương cả lỗi lầm
Kinh cầu sám hối nhại lâm râm
Giáo đường rộng mở chân ngần ngại
Ngài sống trong con! Ngự tại tâm

Lạy Chúa!
Con không thuộc lời kinh
Nài xin tuôn đổ thác ân tình
Chân Ngài theo dấu lần giẫm bước
Xin vâng! Hằng sống trọn đức tin

Bài Thánh ca vang lời yêu thương
Lay động tim người giọt lệ tuôn
Là người công giáo chưa xưng tội
Van Ngài xin chớ vội lơi buông

 Kim Phượng
2009

Chờ Em

    
  (Từ Một Mai của Kim Phượng)

Bao nhiêu năm em chưa ngoảnh lại
Con phố xưa hai đứa chung trường
Quán vắng chiều mưa anh nhớ mãi
Buổi chia tay bịn rịn lạ thường.

Em cuộn mình bên trời xa thẵm
Lối đi về còn nhớ không em
Nghìn trùng xa bóng em thấp thoáng
Trong cơn mơ anh mãi đi tìm.

Em cố quên hay em chẳng nhớ
Bóng hình ai mờ nhạt từng năm
Ừ phải rồi xa xôi cách trở
Nên em quên hình bóng xa xăm.

Nếu sự thật em không còn nhớ
Anh gởi về hơi thở chiều mưa
Để hồi tưởng trường xưa – phố chợ
Có hai người trong buổi tiễn đưa !

Dương Hồng Thủy

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Thơ Tranh: Một Mai

      Sáu ơi! Nghe " Một mai mất dần trí nhớ...." em sợ quá làm tranh tặng 6 để đừng quên em nhe..hi..hi..


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thơ Tranh: Xa Lắm Tình Em

    Tặng anh Hồng Thủy, để cùng anh tô thêm hương sắc cho khu vườn thơ của chị Sáu em nhe.


Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xa Lắm Tình Em


Cho huynh gởi ké một bài thơ vào khu vườn xinh đẹp của 6 nha :

Ta nhớ em nhiều – em biết không ?
Tình xưa ủ ấm mãi trong lòng
Từng đêm ao ước người bên nớ
Gặp gỡ hàn huyên thỏa ước mong.

Buổi tối ta nhìn sao trên trời
Nhặt từng đốm sáng tận trùng khơi
Xâu thành chuỗi ngọc em chưng diện
Cho đẹp cao sang một kiếp người.

Gần sáng ngoài trời rả rích mưa
Xòe tay ta hứng chút hương thừa
Gom về trộn với niềm nhung nhớ
Để gởi về em tắm buổi trưa.

Mây trắng chiều Thu tím mặt sông
Ta đan thành áo ấm màu hồng
Để em rực rỡ người trong mộng
Khi đến thăm ta buổi chớm Đông.

Ta lập vườn hoa …để đón em
Có hồ bán nguyệt - thật vô duyên
Vì em đi mãi như làn khói
Xa lắm tình em – nơi cõi tiên ?!

Dương hồng Thủy

Tsunami Nỗi Hờn Của Biển

     
(Xin một lời nguyện cầu cho những linh hồn vừa khuất…

tìm được bến bờ an bình)

Biển hờn nhả ngọn sóng cao
Cuốn thân g
ìá lạnh đưa vào thiên thu
Đêm đen rờn rợn âm u
Đại dương cuồng nộ điệu ru hãi hùng


Trớ trêu hai chữ tương phùng
Đầu xanh sớm vội mệnh chung cuối đời
Nụ hôn nồng thắm chưa vơi
Vòng tay buông lỏng xa rời thế gian


Men say ngây ngất tình chàng
Phút giây bỗng chốc ngỡ ngàng lìa xa
Con yêu trong vòng tay cha
Sóng nào cướp mất ? Có là chiêm bao!


Trời cao lấp lánh nghìn sao
Biển sâu vùi dập lao đao phận người
Phù du vào tuổi đôi mươi
Lênh đênh biển cả đầy tươi xác người


Còn nghe trong vắt tiếng cười
Bờ mi khép nhẹ _ Mỗi người một nơi
Quanh đây đầy bóng ma trơi
Linh hồn vất vưởng biết nơi đâu về


Ngày dài đêm đến lê thê
Hồn nương theo gió hãy về hiển linh
Hồn ơi! Thôi hãy yên bình
Trải lòng đón nhận lời kinh nguyện cầu


Cho đời vơi bớt thảm sầu
Dang tay nối một nhịp cầu yêu thương

Kim Phượng
Úc Châu 26-12-2009


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Đỉnh Grampians




Chiều vàng trên đỉnh núi cao
Nhớ ơi là nhớ nao nao một người
Bên dòng nước chảy biếng lười
Một bông hoa dại mỉm cười ngây thơ


Chân trời lấp lánh giăng tơ
Xây thành dáng lạ che mờ nhân gian
Tận trong phiến đá nằm hoang
Một thân cỏ dại ngang tàng vươn cao


Người ơi, mãi đẹp làm sao!
Tình cao vời vợi nôn nao một đời
Chắp tay lặng ngắm xa vời
Lung linh huyền dịệu ngôi trời hiển linh

Kim Phượng
Australia 2002


Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Lời Cuối Cho Thầy Nguyễn Văn Thành

      Từ hơn hai năm nay, những tin không vui thường đến với tôi vào buồi sáng. Trong một buổi sáng, sau tiếng điện thoại reo, từ dầy dây bên kia: “ Sáu ơi, Thấy Thành qua đời rồi!”. Dù đang tỉnh, nhưng tôi cứ ngỡ mình mê... bàng hoàng, thương cảm. Thầy đi vội quá! Nước mắt chưa kịp rơi, con tim lại nhói đau, thêm một mất mát. Giờ này Cô và hai Em, đang sống trong giây phút đếm bằng đớn đau.

         Từ lúc biết thầy đau nặng, cho đến khi nhận hung tin, chỉ hơn tuần lễ. Thầy Nguyễn Văn Thành, giáo sư dạy nhạc, đã vĩnh viễn ra đi lúc bốn giờ ba mươi chiều ngày Mười Một tháng Chín năm Hai Ngàn Mười tại tĩnh Vĩnh Long.

        Hồi tưởng lại mấy mươi năm trước, những thước phim quay ngược chầm chậm, hiện rõ mồn một. Hình ảnh người giáo sư tuổi đời còn rất trẻ, ngoài hai mươi. Dáng gầy gầy với cây đàn guitar trong tay, hình ảnh kẻ lãng du hơn là một nhà giáo. Tất cả học sinh lớp Đệ Thất 4, trường Trung Học Công Lập Vĩnh Bình, chào đón Thầy trong hân hoan, háo hức trong buổi học đầu tiên. Hân hoan cũng đúng vì đây cũng là một giờ học, nhưng nhẹ nhàng, thoải mái hơn nếu đem so sánh với các bộ môn khô khan khác. Lúc đó thật ra chúng tôi biết thế nào là khô khan, chỉ biết “ học hát là khỏe”. Tuy nhiên, đó chính là môn học khiến chúng tôi ngượng ngùng e dè, khi phải xướng DO DO, RE RE và nhất là Thầy buộc phải nhìn thẳng xuống, đối mặt với các bạn đang ngồi bên dưới. Trong lớp có lẽ Thúy Nga, cô bạn học lai Tây là vững tâm nhất, vì vừa quen với Thầy, lại là giọng ca vàng trong lớp.  Rồi thầy kẻ dòng, viết tên những nốt nhạc căn bản, bọn chúng tôi cười bảo Thầy đang vẽ “lưỡi câu trắng, lưỡi câu đen”.

        So với các bậc thầy cô bấy giờ, Thầy là người có đông học trò nhất, vì trường chỉ có một vị giáo sư nhạc duy nhất. Học trò thầy xếp tuần tự từ lớp này sang lớp khác. Các bậc thầy cô trẻ, bị chúng tôi thử thách hoài. Chỉ những vị biết lấy từ kinh nghiệm từ bản thân thuở thiếu thời, đem sở trường cộng thêm sở đoản, đưa những công thức toán hay những câu văn hóc búa, nhiều mệnh đề, học trò mới chịu ngồi im. Đến giờ nhạc, vừa học, vừa thưởng thức, học sinh có dại lắm mới phá phách.

        Lên lớp Đệ Lục, là người không có khiếu, chẳng đam mê, nên nhạc lý tôi mịt mù hoài. Duy chỉ một điều, nhìn Thầy” khài đàn”, khi bổng, lúc trầm, bàn tay năm ngón lướt hhẹ, khi rời rạc lúc dồn dập, khiến tôi ước mơ. Mơ một ngày nào đó, được ôm chiếc đàn guitar trong tay, tựa ngồi trên thành cửa sổ, đôi mắt hướng xa xăm và nhập hồn nhạc thì quên hết trời sầu…

        Sang năm lên Đệ Ngũ, bỏ trường, rời đất Trà Vinh mà đi, tôi không còn dịp học lại Thầy nữa. Mãi cho đến khi sang Cần Thơ tiếp tục mài ghế nhà trường, tôi có dịp gặp lại và gọi to tiếng Thầy trên đường phố đông người. Nếu tôi vờ quay đi, có lẽ Thầy chẳng bao giờ biết đến đứa học trò này. Sau năm Bẩy Mươi Lăm, tôi lại có dịp nhìn lại ngón đằn năm xưa của Thầy mình, cũng là một đồng nghiệp trong hội trường mà Thầy trò đang hiện diện. Trong giờ Văn nghệ, nhìn và nghe tiếng đàn, tiếng đàn năm xưa của Thầy như trở về.Tôi cũng trở về, nguyên hình hài, suy tưởng của cô bé, bước vào năm đầu, chập chững nơi ngưỡng cửa Trung học. Thời gian vô tình quá phải không Thầy!? Mới đây mà mấy mươi năm rồi.
        Sau này, tôi có dịp nhìn và lắng nghe tiếng đàn của “cậu bé”, con Thầy. Lúc ấy “cậu bé” còn nhỏ lắm, có khuôn mặt phảng phất nét đẹp của mẹ và đôi bàn tay nhanh nhẹn trên phím của cha. Hình ảnh một thời lại trở về hôm nay, sự ngưỡng mộ cả đời dành cho “cậu bé”.
        Những lúc gần đây, qua bạn bè, biết Thầy đang đeo đuổi một nghề mới, chẳng liên hệ gì đến ngón đàn điêu luyện của Thầy, nhưng cuộc đời… vật còn đổi sao còn dời thì há gì cung nhạc bổng trầm của ngày xưa ấy.

       Thầy ơi! Vào lúc  bốn giờ sáng Thứ Hai ngày Mười Ba tháng Chín năm Hai Ngàn Mười, Thầy Con Chiên Ngoan trở về đời đời bên Chúa, yên nghỉ nơi đất Thánh Tân Ngãi. Ngón đàn một thời đã khép lại, Thầy đi vào định luật của tạo hóa, nhưng để lại cho đời, cho người yêu thương những nuối tiếc khôn nguôi. Những công thức toán học mà chúng em đã khổ công, sẽ đi vào quên lãng, nhưng dư âm réo rắt, , buồn, vui, não nuột mãi mãi vượt thời gian.

      Hình ảnh Thầy, bóng dáng cây đàn guitar năm nào vẫn còn đó, lung linh theo trầm hương quyện. Linh Cữu như vướng víu, chưa rời tràng hoa, kỷ vật cuối cùng của các học sinh lớp Mười Hai năm xưa kính dâng        Thầy lặng lẽ khuất ngàn…em lặng lẽ ngồi đây, đôi dòng nước mắt, khóc tạ ơn Thầy.
       Thầy ơi! Đời đời Thầy luôn yên bình trong vòng tay Chúa trong lời nguyện cầu của em.



      
Ngày 13 tháng 9 năm 2010
Kim Phượng

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Thơ Tranh: Khuất Ngàn


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Bài Thơ Sao Lục Bát



(Cảm tác Bài Thơ Sao Sáu Chữ của tác giả Đoan Nguyễn)                               
Giá mà chỉ có sao Mai
Ai người sẽ mãi tìm ai suốt đời
Đêm đen lấp lánh sao trời
Sao Hôm lạc lõng buông lời thở than


Xa xôi cách trở đôi đàng
Hữu duyên vượt dặm mây ngàn tìm nhau
Tháng Bảy đổ trận mưa Ngâu
Nợ kia quạ nối bắc cầu yêu thương


Người ban mai kẻ đêm trường
Không gian thinh lặng sao dường đổi ngôi

Kim Phượng


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Món Quà Của Sự Sống


      Tôi luôn nghĩ, mình là người bất hạnh nhất trong số những người đàn bà bất hạnh! Tôi đã từng có ý định tự kết liễu đời mình cùng với các con, rủ sạch đi một kiếp người.Thế nhưng, với những đêm thức trắng trong bệnh viện để chăm sóc cho ba, đã đưa tôi bước đi vào một ngõ quanh khác của cuộc đời.

         Gần một tháng trời, đêm đêm ngủ lại trong bệnh viện để lo cho ba. Tôi đã trực diện với biết bao nỗi thương tâm. Nhìn thấy người này đang chống chọi với tử thần, kẻ kia sắp vĩnh viễn rời khỏi cõi đời trong phút giây hấp hối. Nghe được tiếng kêu gào thảm thiết của các bệnh nhân đang oằn oại đớn đau bên cạnh giường. Cảm nhận được nụ cười chia xẻ, niềm vui của người vừa thoát hiểm khi chuẩn bị rời bệnh viện. Cái hình ảnh đau thương tang tóc, sự hỉ nộ ái ố của một kiếp người được phơi trần ấy, khiến tội giật bắn người. Tôi tự hỏi: “Tại sao có những người đang lần về tuổi già, người đang bệnh hoạn, đang thập tử nhất sinh mà còn cần đến sự sống. Trong khi tôi là một người trẻ thế này, mạnh khỏe thế này lại tự diệt vong một cách vô lý như vậy!”

        Rồi ngày không chờ mà vẫn đến, ba tôi từ trần. Những giọt nước mắt còn đầm đìa trên má chưa nguôi. Những buồn đau vẫn còn đó, vây kín tôi. May mắn thay, vừa đúng lúc ấy một loạt chương trình quảng bá về việc hiến tặng máu, hiến tặng cơ thể, cơ phận được loan ra trên đài phát thanh. Trong tôi, một cánh hoa đang bừng nở.

         Tôi liên lạc ngay với cơ quan ấy và sẵn sàng hiến tặng tất cả các bộ phận trong cơ thể mình, không chút luyến tiếc, đắn đo. Tôi tự nghĩ, mình sống mà chẳng khác như chết, thì tại sao những gì không cần, chẳng cho những ai đang mòn mỏi, khắc khoải đợi chờ.

        Từ đấy, ý nghĩ kết liễu cuộc đời đã được tôi vất đi. Nếu có chăng, được chết vì một tai nạn, ngẫm ra còn lợi ích hơn cho những người chờ đợi. Với tư tưởng chỉ một kẻ cho mà mang niềm hân hoan đến nhiều người nhận, tôi hình dung được một ngõ quanh rực rỡ … đến với tôi. Từ đó, tôi ăn uống điều độ hơn, ăn không cần ngon mà mục đích chính của việc ăn uống là làm sao cho cơ thể mình được khỏe mạnh. Ngay cả cà phê là một phần sở thích, cũng được tôi tiết giảm tối đa.

        Sau này, nhân đọc được một bài viết về sự ráp nối bàn tay của một bệnh nhân trên báo, tôi có dịp chăm sóc tay chân mình kỹ lưỡng hơn. Không gì đau lòng khi người có nhiệt tâm dâng hiến mà chỉ cho toàn những thứ không sử dụng được, thì liệu người thiết tha mong mỏi đợi chờ sẽ như thế nào đây!?

        Để thỏa ước nguyện, một lần ngồi lại với các con, tôi đã khóc mong các con chấp nhận và làm vui lòng mẹ nếu một mai tôi vĩnh viễn ra đi. Đồng thời để khơi lên tâm từ ở các con, tôi hỏi chúng nghĩ gì khi hiến dâng phần cơ thể của mình cho một người xa lạ khác nếu chẳng may không còn tồn tại ở cõi đời này. Con trai trưởng đã mỉm cười trả lời "Why not!”. Cậu trai thứ nhì nhìn tôi, im lặng và cháu trai út có đôi chút sợ sệt, nhưng bây giờ thì bốn mẹ con có cùng một tâm nguyện.

        Nếu cho rằng bên kia cửa tử còn có một đời sống, thì phải chăng ta thấy vui khi biết tim mình đang đập rộn ràng trong lòng ngực kẻ khác. Thận mình đang giúp một người đau yếu lọc sàng cặn bả. Phổi mình đang cùng người nào đó điều hòa hơi thở. Tay mình đang được một người lồng vào chiếc nhẫn yêu thương. Chân mình đang cùng người khác chậm rải đạp lên lá vàng khô. Ôi chừng bao nhiêu ấy, chẳng phải mình là kẻ đã trở về từ cõi sáng hay sao. Một điều kỳ thú hơn cả là cứ nghĩ mình đang làm một việc ban ơn cho người khác, thì từ cái ý nghĩ đó mình biết tự lo cho thân từ phần thể xác lẫn tâm hồn.

         Vượt qua được những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống, khi xuôi tay nhắm mắt, mình còn mất được những gì, mang theo được những gì? Với ý nguyện của người quá cố, cái chết của mình cứu được nhiều mạng người. Hay nói khác đi tấm lòng nhân ái của một người cứu được nhiều mạng sống của kẻ khác, đã nói lên suy nghĩ chân thành dù rằng cuộc sống mang nhiều nỗi bất hạnh và tinh thần sa sút cùng cực mà có lần đã đi đến ý định quyên sinh.

        Thế nên, tôi nghĩ rằng đàng sau sự đau khổ không hẳn là niềm tuyệt vọng và sự bất hạnh dù nghiệt ngã thế nào, nhưng nếu là gạch nối, gióng lên được tình thương giữa người và người, thì đó cũng là điều xứng đáng lắm thay!

Kim Phượng
Melbourne 2010

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Mất Tích Ngôi Trường Xưa


Sau lưng chuông đổ xa mờ
Trước mặt sóng vỗ mấy bờ tình đau
Sông còn in bóng tường cao
Nguyễn Trường Tộ đã chìm sâu trong hồn


Tiền giang nước lũ nỗi buồn
Ôi! Thời áo trắng chỉ còn bọt sông
Người về se sắt cõi lòng
Người đi tắt nghẹn đôi dòng nhớ thương


Chiều nay mây nước bị thương
Chiều nay một kẻ lạc đường bơ vơ
Cỏ xanh phủ lấp ngày thơ
Mái trường mất tích đâu ngờ. Hỡi ôi!


(Ảnh của Trương Văn Phú - Bờ Sông cạnh trường Nguyễn Trường Tộ)

Hoài Tử

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Kỹ Thuật Một Thời-Thơ Kim Phượng-Diễn Ngâm Hương Nam




Thương tặng Chị của em và tất cả Học Trò Chị 
Kỷ niệm một thời rất đổi dễ thương! Ngày xưa và mãi mãi......
Thơ:Kim Phượng - Cựu Giáo Sư Kỹ Thuật
Diễn Ngâm:Hương Nam - Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Thủ Đức
Hình Ảnh: 
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long:Trương Kỳ Quốc - Lớp 12E, Niên khóa 1974-1975  
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long:Trần Văn Hữu - Lớp 10 " i ", Niên khóa 1974-1975 
Thực Hiện: Kim Oanh

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Nguyên Chương, Tâm Khúc Thở Dài


1/ Hãy Yêu Lại Từ Đầu - Ca Sĩ Thùy Dương

2/ Hình Như Là Tình Yêu - Ca Sĩ Anh Dũng


3/ Những Gì Còn Lại - Ca Sĩ Nguyên Khang


Nhạc Sĩ: Nguyên Chương
Ca Sĩ: Thùy Dương
Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Thềm Xưa Vẫn Còn

 
(Họa bài Mất Tích Ngôi Trường Xưa của Hoài Tử)
              
Chắt chiu kỷ niệm chửa mờ
Tiền Giang sóng vỗ hai bờ nỗi đau
Tàng me bóng mát cao cao
Cổng trường phượng vỹ khắc sâu ngõ hồn
Lật mồ dĩ vãng u buồn
Thềm hoang khắc khoải bởi còn nhớ sông
Áo trắng nào dễ thay lòng
Từng trang lưu bút đượm dòng yêu thương
Ngôi trường mất tích vết thương
Cũng đây lạc lối chung đường chơ vơ
Nguyễn Trường Tộ của tuổi thơ
Còn chăng nền cũ không ngờ. Than ôi!

Kim Phượng
 

Thơ Tranh: Mưa Chiều


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Mưa Chiều

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Tuổi Học Trò Tôi Làm Cô Giáo

         "Phượng, ráng học để sau này làm cô giáo nghe con!"
         Má tôi tựa cửa, vừa nói mà đuôi con mắt còn vuốt theo đám nữ sinh đi qua ngang nhà. Giá như, đang đứng trước cổng trường Tống Phước Hiệp, trong giờ tan học, liệu ước mơ của má to lớn đến ngần nào. Vậy mà, tôi thật tàn nhẫn: - Con sẽ không làm cô giáo đâu má ơi ... và con cũng không bao giờ làm việc tại tỉnh nhà. Nhưng rồi, câu nói linh ứng "Ghét của nào trời trao của đó", ông trời trao cho tôi đến hai "của". Tôi làm cô giáo ở tuổi học trò và dạy học trò tại tỉnh Vĩnh Long. Tội cho má, người làm sao biết khi đang dệt mơ, muốn con của mình trở thành cô giáo là lúc tôi đứng hàng thứ ba sau quỉ, ma, thích phá phách và lắm mộng ngoài cửa lớp, thì yêu gì cái thiên chức nhà giáo cơ chứ.


        Thích làm việc xa nhà! Tôi như chim non chưa ra ràng, không lượng sức mình mà định vỗ cánh bay xa. Trong nhiều lý do, nhưng sâu xa nhất để không ở tỉnh nhà là.. quê tôi quá "nhỏ". Nhỏ hơn cả Pleiku, "nơi đi dăm phút đã về chốn cũ...". Vĩnh long nhỏ đến độ không có chỗ để "dám" đi. Nơi đây, dù rằng ai qua một lần cũng nhớ. Nơi có dòng sông lững lờ trôi, có mái chèo khua nước sớm mai , vẳng xa tiếng hò khoan nhặt đi dễ khó về, nhưng lại là nơi "không dám"đi. Bởi vì, là nơi vừa hỏi đến tên cha mẹ, thì không cần phải "Cho anh xin số nhà này...", nơi vừa chạm mặt đã biết nhau, là nơi định cư của dân kỳ cựu. Ở đây, là người Vĩnh Long, dù trái tim còn đang trong thời mong chờ, cũng rất ngại ngùng dung dăng dung dẻ với người tình trên đường phố. Nơi, ngại đi thăm vườn ổi, ghé vườn dưa gang. Nơi, rất e dè đến viếng lăng miếu Phan Thanh Giản. Nơi, có cù lao An Thành thơ mộng nhưng ít bén mảng đến, nhưng rồi... tôi lại chôn chân chốn này, khi con tim lay động, lúc biết vui buồn...



           ( Cô Phượng đứng trên "cầu giao duyên" của trường Kỹ Thuật Vĩnh Long)

         Ðời! Làm sao tôi học được chữ ngờ.
       Làm cô giáo khi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa học. Tôi chọn một nghề mà mình không thích. Mà bấy giờ, ở Việt Nam làm gì có cơ hội chọn lựa nghề nghiệp, khi còn đang miệt mài trên ghế nhà trường, như sinh viên, học sinh bên này. Tôi không yêu nghề, chỉ yêu tí tiền còm. Có tiền để giam mình trong rạp hát, đến 3 xuất một ngày, thương vay khóc mướn cho chuyện tình Love story. Lựa một nghề không thích, nhưng đành, phải dùng sở trường sở đoản của mấy năm Đại học, để thêm tiền, đặt nặng vào ví, cho oai. 
        Trong sân trường Đại học học đại này, các nữ sinh viên con nhà giàu, như muôn hoa thắm. Em chọn áo vàng cho anh về ngất ngây bên hoa cúc. Nàng khoác áo xanh khiến chàng "mến lá sân trường". Còn tôi, tội nghiệp lắm, vừa "chân quê", lại sinh ra trong gia đình mười anh chị em, nên mưa nắng hai mùa, y phục cái nghiêm cái nghỉ, cũng chỉ toàn một màu "áo ai trắng quá nhìn không ra". Trắng, màu của thuận lợi, số áo có ít cũng ít ai có biết, nhưng chẳng giúp tôi già dặn thêm trong lúc phỏng vấn tay nghề. Tuy vậy, sau lần phỏng vấn đó tôi được phụ trách môn Vạn vật lớp 11A và 11B tại trường, Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ. Ðối với 11B, đây là môn phụ, nhưng sĩ số "quỉ phá nhà chay" khá đông. Lớp 11A, tỉ số "dân nghịch ngầm" vừa nhiều, lại là môn chánh. Ôi đường vào "TIỀN" yêu, quả lắm chua cay!
        Cô giáo trong tuổi học trò, tuổi đời ít, nghèo kinh nghiệm, nhưng bầu nhiệt huyết thật tràn đầy. Ðể nắm phần chắc trong buổi đầu, vừa rời văn phòng nhà trường, tôi đi tìm ngay cái nơi mình sẽ đến. Gặp một nữ sinh đi ngược chiều: 
        - Xin lỗi, chị có thể chỉ giùm tôi lớp 11A?
        Cô mỉm cười, tròn mắt nhìn tôi:
        - Chị là học sinh mới hả? Kia kìa, đứng nơi đây chị có thể nhìn thấy hành lang của lớp đó.
        Tôi cám ơn và đi theo hướng chỉ dẫn. Lúc nhìn được con số 11A, tôi mỉm cười, bước vội.
Tuần lễ sau, cũng trên con đường cũ, dẫn đến lớp học. Trong bộ đồng phục trắng như nữ sinh, khác chăng là chiếc túi xách tay, do tôi tự làm lấy, đeo lủng lẳng trên vai. Theo chân thầy Giám Học Trần Văn Phong, tôi thong dong bước mà lòng...bình t
ĩnh run. Nhìn bọn học sinh, đứng lố nhố dọc theo hành lang, đang đợi chờ vào lớp, tim tôi đập nhịp lạ thường. Sau lời giới thiệu của thầy Giám Học, cô nữ sinh đã chỉ đường cho tôi, mắt như tròn thêm khi cô nhướng cao đôi mày.
         - Ủa, cô là cô giáo lớp này hả cô?
        Tôi gật đầu, mỉm cười, cười vừa đủ khoe một ưu điểm duy nhất mà tôi có, là chiếc răng khểnh mà mọi người cho là dễ thương.
        Thủ tục hoàn tất, tôi bắt đầu vào nghề, nhưng... ô kìa...
       Hướng về một nam sinh:
        - Xin lỗi em tên chi?
       Hơn 30 năm thăng trầm, Sanh, tên em tôi vẫn nhớ. Anh chàng nom hiền, trông bảnh kia mà lại "thích" ăn ổi trong giờ dạy học đầu tiên của tôi. Hồi ức năm nao ùa về. Ðã gần 10 năm, mà hình ảnh tôi, đứa học trò lớp Ðệ thất 4, trường Công Lập Vĩnh Bình, ngồi gọt vỏ đu đủ ngay trong giờ học lại trở về. Với kinh nghiệm của thời cắp sách...
        - Em lên đây, mang cả trái ổi.
         Mặt anh chàng vênh váo nhưng không giấu hết nét hiền lành. 

        - Em hãy tiếp tục ăn đi, bao giờ xong chúng ta sẽ bắt đầu học.
        - Em không ăn nữa đâu cô. 
        - Em hãy ăn cho xong, rồi cô sẽ bắt đầu
       Trông anh chàng quá thảm. Thật ra, sau lời giới thiệu của thầy Giám Học, các em học sinh nói vừa đủ nghe thôi: "Cô giáo gì nhỏ xíu". Lời nói chẳng biết phát xuất từ ai, nhưng em đang ăn ổi đây, phải nhận lấy bản lĩnh của cô giáo nhỏ xíu này. Tuy nhiên, suốt năm học, em lại là một học sinh ngoan vừa giỏi lại dễ thương nhất của tôi. Mấy mươi em học sinh trong lớp này ơi, làm sao các em biết, cả tuần qua, sau buổi phỏng vấn, trở về nhà, một mình, tôi đứng trước bảng đen phấn trắng, đã tập làm cô giáo đầy kinh nghiệm hầu chững chạc hơn trong bước đầu trên bục giảng.

     (Cô Phượng và Lớp Mười "C" - Kỹ Thuật Vĩnh Long niên khóa 74 -75)

        Ðường công danh về nghề mình không thích, lại thênh thang rộng mở. Chỉ vài tháng sau, tôi phụ trách thêm Toán và Vật lý lớp 10, 11, ban Toán lẫn Chuyên Nghiệp tại trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Mở một dấu ngoặc về trường này. Trường được sự tài trợ của chính phủ Mỹ. Các học sinh trúng tuyển, sẽ được lãnh trợ cấp một số tiền, tuy khiêm nhường, nhưng đó là một đặc điểm mà các em hãnh diện. Học sinh ban Toán, giờ học Toán và Vật Lý chiếm đa số. Ban Chuyên Nghiệp, nặng về các môn, tùy sự chọn lựa của học sinh như ban Mộc, Sắt, Hàn, Tiện, Ô Tô. Các em gái thì có môn Nữ Công Gia Chánh. Ðồng phục nam cũng như nữ của học sinh là quần tây, áo sơ mi, toàn một màu xanh. Các em trông hách hơn trong những hôm kè kè cây thước kẻ trong tay cho bộ môn Kỹ Nghệ Họa. Còn những học cụ khác của các môn Chuyên Nghiệp, có lẽ đó là nguyên nhân mà học sinh mang biệt danh dữ dằn "Dân dao búa". Cũng chính cái biệt danh này, mà ngày xưa, tôi đã chối từ lời khuyên của anh tôi để thi tuyển vào trường Kỹ thuật này.

        -Thôi em không muốn làm dân dao búa đâu. Tôi đã trả lời với anh mình như thế.
       Giờ đây, sự thật quá tương phản, tôi là "sư phụ"của họ.
      Tuy nhiên, gia nhập vào gia đình Áo Xanh này, tôi đã hiểu, đôi khi "dư luận thật tàn nhẫn và thiếu trung thực". Có tiếp xúc, mới biết các em dễ thương hơn những điều thầy cô mong đợi.
       Dòng đời cứ trôi, nghề làm chẳng thay. Cô giáo dạy cho cả hai trường, nay trường này, mai đến trường kia, rồi ngày mốt trở lại giảng đường tiếp tục việc học, để nói lời dạ thưa, thay cho lúc khác có người thưa dạ.

Có chút tiền, tôi đánh nhiều vòng quanh chợ Vĩnh Long, chọn vải. Lại vẫn là tơ tằm, loại trông sang nhưng không bền, phí nhiều công ủi và cũng vẫn màu "áo ai trắng quá..". Đến sau 30 tháng 4 năm 1975, người chị thứ Năm tôi thường trêu : "Chọn tơ may áo dài cho sang nhe!", vì sự không bền của vải và tài chánh lại eo hẹp.
        Do tự may mặc, nên chỉ cần 1.8 mét vải và một cái rặp áo. Tôi tha hồ cắt xén, tà áo rộng hẹp, ngắn dài. Hẹp đủ ôm tròn chiếc quần ống loa. Áo dài vừa chấm gối, lay lay trong gió, đủ làm duyên trên chiếc xe đạp mini .
        Có thêm chút tiền, thêm chút đổi thay màu áo. Ði xe đạp vàng, tôi khoát áo tơ tằm vàng. Ðạp xe màu bạc, chọn màu áo hài hòa. Trong những ngày cuối đông, sang xuân, mặc áo đỏ, mái tóc chớm dài, thắt chiếc bím lẻ, cúc cài thay trâm. Vào hè, màu áo đi đôi với dây cột tóc hoặc thay khăn voan đen. Khi ve râm ran, tà vạt phất phơ và trải đầy hoa in, bông Phượng nhỏ to. Những hôm mưa sa, nắng gắt, lại "điểm" thêm chiếc ô đen lơ lững vắt ngang, che bờ vai mỏng nắng tràn xuống chân. Thật tình cờ, Vĩnh Long có ba người có tên bắt đầu bằng chữ P, thầy Phong, thầy Phương và tôi, đều dùng ô đen. Ðể rồi từ đó, có người gọi tôi "Cô giáo ô đen".
         Làm cô giáo ở tuổi học trò, một sự khó khăn và cố gắng không ngừng. Tự tạo cho mình sự dễ thương trong trang nghiêm, nhưng thương không phải dễ. Lúc nào cũng gần gũi với học sinh, nhưng lại giữ một khoảng cách khá xa. Tôi biết, nếu bảo rằng con học cho cha mẹ vui lòng, e là không thật lòng. Tuổi học trò, làm gì có suy nghĩ cao xa. Tôn trọng thầy, mến yêu cô nào, học sinh miệt mài về môn học do thầy cô đó phụ trách. Học vì thầy cô, điều đó tôi biết rất rõ trong những ngày mình còn là học sinh. Vị trí thầy cô quan trọng đến chừng ấy. Chắc chắn như thế, gần mà xa, dễ mà thương khó! 
        Trong thời chiến tranh, một số nam sinh đã hạ giảm số tuổi. Nên so ra tuổi thật, các em chỉ thua người dạy một hoặc hai năm, thì nhân vật chính trong tác phẩm của Nguyễn thị Hoàng, không thể không xuất hiện.
        Cô giáo"cô giáo gì nhỏ xíu", ưa đơn sơ, ăn mặc đặc biệt không muốn giống ai lại dễ làm lay động các anh chàng học sinh thích làm người lớn, mà lớn thật, có em cao hơn tôi cả cái đầu. Một lần trong k thi, với nét chữ nắn nót trong bài viết:

"Trời cuối đông rồi cô biết không
Bao nhiêu thương nhớ bấy nhiêu mong
Bao nhiêu chờ đợi bao lưu luyến
Ðâu chuyện ngày xưa đỏ má hồng
Ngoảnh lại thời gian qua vun vút
Ba năm tròn chẳn phải không cô
Bao năm xa cách ôi hoa sứ
Hoa rụng đầy sông với xác xơ." *


        Làm gì có chuyện tôi dạy nơi ấy 3 năm tròn chẳn. Có chăng, trường Kỹ Thuật chỉ đầy hương hoa Sứ và tàng Phượng vỹ rợp bóng sân trường, gây cho anh chàng tức cảnh sinh tình, nhưng Nguyễn Thị Hoàng đã nói thay các cô giáo trẻ: "Vòng tay học trò làm sao em giữ nổi cô." Khó khăn hơn thế nữa, khi học sinh là thân nhân, kẻ tôi gọi là cậu, người kêu tôi bằng dì. Dù không nói ra, nhưng chắc rằng việc trở thành một Bao Công xử án trong bộ phim dài đến 30-40 tập, về chí công vô tư, hẳn tôi phải có. 
       Như đã nói, làm cô giáo trong tuổi học trò, khó vẫn gặp khó, nhưng may còn luật bù trừ "Hôm nay làm thầy cô cho người phá, mai đây tôi phá phách lại thầy cô". Bao kinh nghiệm thời cắp sách, trao lại tôi, cô giáo tuổi học trò. Tôi luôn nhớ, học trò học vì thầy cô, tôi cũng sẽ hết lòng vì các em. Tôi ôn vào trí tất cả vui buồn thời áo trắng, thời dễ giận cô, hờn thầy của ngày xưa, những điều làm tôi vui hay những lúc phật lòng. Tôi thật hết lòng, cố gắng ghi nhớ, nhào trộn kiến thức của thầy này, cô nọ. Tôi thêm thắt một ít kiến thức mới lạ, gây thích thú, mà tôi tìm được trong Hiển Hoa Bí Tử của thầy Phạm Hoàng Hộ. Hướng dẫn cho các em trong môn Vạn vật, biết tạo nét vẽ đẹp và một vài mẹo vặt, không bao giờ sai, khi vẽ sự liên kết của các tế bào trong thân cây, cuống lá. Hoặc tôi theo chân Người dạy tôi năm Đệ Tam là thầy Trương: "Ðứa nào hạng nhất môn của tao là đứa đó giỏi thiệt".
        Trong bài thi, thầy không cần viết đúng nguyên văn, quan trọng là nắm ý chính, cũng vì thế, thầy làm tôi hú hồn hoài. Bởi những câu hỏi thầy đặt ra, không ai trả lời, thầy "lôi đầu tôi" đứa hạng nhất. Tất cả các bộ môn, Toán, Vật lý hay Vạn vật, tôi cộng các lối dạy, ngắn, gọn, điều nói ra chắc chắn như được chứng minh mà thầy dạy Toán đã làm. Không khô khan, pha trò thêm ướt át theo lối của thầy dạy Văn. Dễ dàng ghi nhớ các công thức bằng những mẹo nho nhỏ. Không! tôi không bao giờ quên sự tận tâm, đến tận bàn các học sinh để giải thích cho các em không theo kịp bài, như thầy dạy tôi về môn Vật lý năm lớp Ðệ nhất.
        Rồi...đất trời nổi trận phong ba, mùa hè năm ấy chia xa phận người. Sau ngày phong ba 30 tháng Tư đen đó, tất cả các giáo sư, đều phải đến trường trình diện. Ðể nhìn ra, học sinh mình, giờ đây là người có toàn quyền đề cử thầy cô vào đoàn thể. Những con người cũ phải gắn vào tư tưởng mới, có thầy cô đã không được dung thân ngay buổi đầu. Sau cuộc đổi đời, ước mơ không muốn làm cô giáo ngày nào của tôi, không được như ý. Tôi, bây giờ trở thành giáo sư thực thụ của trường Kỹ thuật Vĩnh Long.
        Tháng Tư dù có đen, nhưng chính đám học trò, đã cho thầy cô giáo còn thấy vầng hồng trong buổi bình minh, bằng những niềm vui đến muộn. Sau cuộc đổi đời, đời sống của các em học sinh trở nên khó khăn hơn, tùy theo hoàn cảnh gia đình, nhất là các em có cha mẹ là quân nhân, công chức. Tuy nhiên, sự hồn nhiên và tinh nghịch, có lẽ là liều thuốc giúp các em hồi sinh, nên khi chân chạm cổng trường, học sinh vẫn tật cũ. Trong những giờ cùng nhau "lao động tốt", chúng nghịch đủ trò. Các em gán tôi với ông này, có lúc lại ghép với thầy khác, điều buồn cười, khi các thầy ấy đến gần tôi trò chuyện, thì y như rằng những anh chàng thích làm người lớn, mượn vai trò phụ trách lớp của tôi, chúng dài giọng:
        - Cô của em đó nhe thầy!
        Cuối năm ấy, giáo sư chúng tôi nhận lệnh mới, trường Kỹ thuật sẽ "giải thể", các học sinh được đưa trở về nguyên quán. Họ sẽ không chịu trách nhiệm gì, về việc các trường địa phương có thu nhận các em vào đó học hay không. Ðây là nỗi đau, đã cứa nát tâm hồn của thầy cô giáo, từng gắn bó với trường trong vai trò "Trồng người".
 Việc đời nhiều đổi thay, không tránh khỏi. Hôm qua em là học trò cô, hôm nay em vẫn là học trò cô, trong kiến thức. Còn về địa vị mới , các em hơn hẳn. Tuy nhiên, bàn tay năm ngón dài ngắn, dù thời đổi, các em hẳn chưa thay câu tiên học lễ, nên các học sinh ấy đã giúp tôi rất nhiều và cũng che chở cho cô của chúng rất nhiều.
        Ngày chia ly rồi cũng đến. Lời cuối cùng nhắc nhở nhau, cho các em "Dao búa" của tôi và cho chính mình 
        - Học một giờ!
        - Học một ngày! 
        - Và học suốt cuộc đời
       "Sỏi đá cũng còn có nhau"! Cơ hồ gì những tình cảm gắn bó trong chuỗi ngày dài làm cô phụ trách lớp. Những buổi lao động, nhặt rác trên các con đường quanh tỉnh. Những lần khua chiêng, gióng trống đưa thầy cô cùng lũ học trò lên đường, đi đấp đập Bến Giá và dĩ nhiên là đấp không được, lại được đổi lời, đưa đi để thử lòng dân.
        Chia tay nhau rồi, cơ hội gặp lại mong manh như tơ trời. Thế là một số em ở nội trú và tôi gặp lần sau cùng, tại quán cóc, nằm dọc vĩa hè đường Nguyễn Huệ, ăn bữa cuối. 
      Cái tổ Kỹ Thuật tan nát. Bao nhiêu con chim non chưa ra ràng, buộc phải đập cánh bay tứ phương. Các em về nơi xứ xa. Tôi, thành phần độc thân, ngậm ngùi đến xứ lạ, quận Tam Bình. Ðối với các giáo sư Sài Gòn về quê tôi nhận việc, dân Vĩnh Long đã là chân quê. Tôi giờ đây, trở thành dân quê thứ thiệt ở miệt này.
        Ngày đầu đến trường Tam Bình, nhìn nữ sinh đã bị mất tà áo trắng trinh nguyên, nam sinh lượm thượm với chiếc áo bỏ ngoài, không nịt thắt, mà cả ngay ông Hiệu Trưởng cũng như thế, các em làm gì khác hơn. Sân trường Tam Bình còn đâu áo trắng nhởn nhơ ra vào. Vào đến lớp, bắt gặp những khuôn mặt già hơn tuổi đời. Quanh đây bao nét ngây thơ hằn lên mệt mỏi, có em ngủ gà ngủ gậc. Hỏi ra mới biết, đêm rồi em thức gần sáng trắng, để giữ lửa cho lò đường, phụ mẹ cha kiếm thêm tiền. Vào mùa gió chướng, Tết sắp đến, lớp càng vắng hơn, khi các em còn phụ thêm việc đồng áng.
        Về miệt vườn, phần đông phụ huynh rất ưu đãi các thầy cô giáo mới, trẻ như chúng tôi.
        - Cô giáo cứ chấm bài đi nghe, tôi về nhà, sẽ trở lại mời cô ăn khuya. 
       Rồi ông đem đến một con gà, cùng chủ nhà trọ của tôi, cắt tiết, làm món gà rang muối. Lần đầu trong đời, còn khá trẻ, được làm bạn nhậu với những người trong tuổi vai vế chú bác. Nói là bạn nhậu cho oai, chứ thật ra, tôi là dân phá mồi. Món ăn tuyệt vời, lần đầu tôi được vinh hạnh nếm qua.
       - Cô giáo biết hôn, tôi lấy hành, thoa lên tay, rồi đi vào chỗ gà ngủ, bợ nhẹ, không một tiếng động. Ngày mai, chắc bà vợ tôi la làng, mắng đứa ăn trộm, nhưng mà cô giáo đừng nói cho con gái tôi là con Hạnh, học trò của cô biết nghe. Biết được tôi sẽ không yên với bả đâu. Ông dặn cũng bằng thừa và tôi trở thành người đồng lõa, dù vô tình.
        Tỉnh Vĩnh Long, tôi cho là quá "nhỏ". Quận lỵ Tam Bình, nhỏ đến dường nào. Buổi chiều nơi đây buồn ơi là buồn, nhất là chuyến xe cuối rời bến, cuốn bụi đường, đưa khách rời xa chốn này. Ngoài những đêm dạy lớp Bình dân hoăc giúp các em ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tôi còn một học sinh tí hon, cháu của chủ nhà, em không có cơ hội đến trường. Hằng đêm, em quấn quýt bên tôi, ngày đến em phải ra đồng nhặt hạt lúa rơi. Tôi mua bút mực, dạy cho em những chữ đầu đời. Bên này tôi soạn bài, bên kia em học tập, lấp đầy một phần nào thời gian trống vắng.
         - Cô giáo thích ăn cái gì cô giáo? Em sẽ về nhà lấy cho cô giáo ăn.
Mẹ em là người bán quà vặt ngay cổng trường. Không ngăn được dòng lệ, tôi xoa lấy đầu em.
        - Cô chỉ thích ăn xoài sống thôi. Vì tôi biết mẹ em không bán loại xoài này.
        Tối hôm sau, em đến tìm tôi bằng nụ cười thật tươi trên môi, xoè bàn tay với một trái xoài nhỏ xíu, em cho biết đã đi nhặt lúc ban trưa. Em đã cho tôi tình người dân quê, như tình người phụ huynh nấu món gà rang muối. Tôi đã trở thành người dân Tam Bình từ lúc nào cũng không hay. Chiều chiều, đưa tầm mắt bên kia sông, ngồi nhìn lục bình lờ lững trôi theo con nước lớn ròng. Thả đôi chân trần nghịch nước, trên chiếc cầu đâm chùi xuống bãi. Với tay múc đầy lu nước, lóng phèn thật trong. Ðêm đêm đưa vào giấc ngủ bằng tiếng sóng vỗ nhẹ đôi bờ. Sáng tinh mơ, đánh thức bởi tiếng mái chèo, cùng tiếng người ơi ới cho phiên chợ mai. Nơi đây, thỉnh thoảng bay về những lá thư " gây nhớ" của đám học sinh Kỹ Thuật, đã xoa dịu phần nào nỗi đau.
        Ngày thêm khắc nghiệt bởi chế độ. Một sớm mờ sương, đầu mùa Phượng đơm hoa, trong sinh hoạt bình thường của quận lỵ, chuyến xe đò đầu tiên, đưa một người âm thầm bỏ trường lớp, bỏ đám học sinh và cả quê hương. Trôi theo một phương trời vô định, để định lấy đời mình trong may ít, rủi nhiều. Bằng con tàu mong manh, cuộc hải hành gian nan, vượt biển, chọn cái chết để tìm sự sống. Giữa biển cả mênh mông, biết đâu bờ bến, mới hiểu được thân phận bé nhỏ của con người khi đối đầu với hải tặc.
 
        "Rồi Em cũng đã rời xa, theo cánh chim tìm về xứ lạ. Ðời Em năm tháng cỏ hoa.. Rồi Em cũng đã bỏ đi, để lại từng vấn vương, mặn nồng là vết thương, ôm dấu yêu một lời chưa ngỏ. Bỏ con phố nhớ chân người.."*.* 
    Tôi đã về nơi xứ lạ, cây đời tỵ nạn, mọc tha hương trên đất người, một sớm mai cất đi kiến thức, một chiều đến quên hẳn bục giảng, tìm kế sinh nhai. Dòng đời cứ trôi, nghề làm đã thay. Thời gian chẳng đủ hiền hòa cho người tỵ nạn. Nhưng đành!
        Rồi một ngày hy vọng vươn lên, đã đến lúc tạm an cư trên xứ người, thế hệ cha ông lại muốn đưa con cháu tìm về cội nguồn dân tộc. Từ đó các lớp học Việt ngữ ra đời, bồi đắp lại mất mát bằng những tấm lòng "Yêu tiếng nước tôi" thiết tha. Tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Việt. Chiều thứ Bảy, Sáng Chúa Nhật, tiếng trẻ ê, a đánh vần. Học sinh lớp 5 của tôi, gồm các em trình độ Tiểu học, ngồi cùng trình độ với anh chị sắp thi tốt nghiệp lớp 12. Thôi thì ... xoay bên này tôi như đứa bé lên 7-8, xoay bên kia là người vị thành niên và quay vào bảng đen phấn trắng thì mình đã qua tuổi chớm già. Nhớ lại ngày xưa thân ái của thời con gái đó... tôi đã chọn nghề không thích vì tiền. Giờ đây, tiền nào sánh bằng tình dành cho các em đang độ tuổi con cháu và quan trọng nào bằng tác phẩm vẽ lên "trang giấy trắng học sinh". Một thời làm học trò, tôi ưu ái cho thầy cô những phá phách. Một thời làm cô giáo, tôi đã nhận lại hết những gì mình đã trao đi. Hôm nao, tà áo trắng tinh, tôi theo chân cô giáo mình, bà Tổng Trưởng Xã Hội Trần Nguơn Phiêu, giả đò hỏi bài, để các bạn so cao thấp. Ngày nay các em thành thật hơn, chúng đi sát cạnh tôi:
        - Sao cô Phượng thấp quá vậy!?
       Hoặc đâu đó trong phần kết của bài luận văn" Cô Phượng hơi lùng lùng( lùng có g)". Mỗi tuần, ngồi với đám trẻ, chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, nhưng cũng quên đi nhiều nỗi muộn phiền xa xứ, qua những điều có thật. Trong bài Học thuộc lòng của các em, bài "Mất Mẹ".

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đau rồi
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời


         Ðược các em giải thích:
         - Thưa cô, mồ côi là con nít mới đẻ. 

         - Chuông chùa nhẹ rơi rơi là cái chuông rớt từ từ xuống đất chớ không có rớt mạnh.
        Một học sinh, cũng là cháu gái gọi tôi bằng dì, trên đường về nhà sau giờ tan học, đã khoe với mẹ:
        - Hôm nay sáu Phượng, dạy bài thuộc lòng, con đã nhớ 4 câu đầu:

Năm xưa tôi CÒN nhỏ
Mẹ tôi MỚI ra đời.


Hoặc trong bài Tháng Năm Trời Mưa:

Tháng Năm trời mưa to
Ba dẫn con đi học

Cha con mình co ro
......

Ở đây đời lạ hoắc
Tay trắng còn trắng tay


        Câu Tay trắng còn trắng tay được các em giải thích là "tay không có đen". Hay trong bài Cơ thể người ta được các em mô tả: "Mặt người ta có trán ở phía trên, kế đến là hai mắt, mũi, miệng, bên dưới là càm, hai bên có hai tai, tai NGỒI ở dưới cái đầu. 
        Hoặc tìm từ phản nghĩa của SIÊNG NĂNG là KHÔNG NĂNG, CONG QUEO là THẲNG QUEO.
        Đặc biệt hơn, một học sinh người Úc, anh chàng trên 40 tuổi, học Việt Ngữ với dự định, một ngày nào, anh sẽ về Việt Nam, nối vòng tay bằng thiện tâm mình. Trong giờ học đàm thoại: 
        - Giáng sinh này, anh sẽ mua quà cho ai? Tôi hỏi.
        - Giáng sinh này, tôi sẽ mua quà cho con gái, CON mẹ.
        - Con mẹ là ai?
        - My mother.

(Lớp 10I trường Kỹ Thuật Vĩnh Long niên khóa 74 - 75)

        Tôi như người lái đò, đã 16 năm, mỗi năm tôi đã đưa bao khách sang sông. Những người khách, ra đi không trở lại, có trở lại tôi chẳng nhận ra. Những người khách qua đò không trả lấy một xu, nhưng đã để lại cho tôi cả trời thương nhớ. Khi cảm nhận được tấm lòng của các em, tôi chợt hiểu ra, dù muộn màng. 
        - Cô, cho em xuống lớp cô dạy, được không cô? Một em lớp 6, tha thiết chờ đợi tôi với đôi mắt rướm lệ.
        Không phải một, mà đến nhiều lần. Sau giờ học, em đến gặp tôi, trong ràn rụa nước mắt xin được xuống lớp.  Mặc dù, trong năm qua, em là học sinh xuất sắc, đứng nhất lớp 5A, trường Trương Vĩnh Ký, do tôi phụ trách. Khi liên lạc với cô giáo lớp 6, tôi vỡ lẽ ra, em học tệ, không làm bài tập đầy đủ. Lần sau khi em đến tìm tôi, cũng nước mắt lưng tròng, vẫn xin được ở lại lớp. Tôi hỏi em bây giờ đã là mấy giờ. 
        - Thưa cô đã 4 giờ chiều.
        - Em có thể kéo đồng hồ trở lại 1.30 trưa, lúc lớp học bắt đầu không?
        Em nhìn tôi, im lặng không trả lời. Tôi cho em biết, thời gian không đợi chờ em. Tôi vẫn bên em, cũng vẫn chăm sóc em như những ngày nào, qua sự thăm hỏi cô giáo lớp 6 về sự học tập của em. Em không thể ở mãi với tôi, mà cần tiếp tục vươn lên. Tiếp tục học, tiếp tục tiến bộ, mới thật sự học vì em và vì cô. Thầy trò tôi rời lớp học, tôi tiễn em ra sân, buổi học đã chấm dứt, nắng chiều còn đọng trên nhành cây, một phần lốm đốm rơi xuống di động trên sân trường, như sự di động không ngừng về liên tưởng đến thầy cô năm xưa của mình. Cùng với em đi xuống cầu thang, tôi còn nghe được bước chân em nằng nặng. Rồi kết quả năm ấy, em lại dẫn đầu trong các học sinh lớp 6. Những năm sau,"lịch sử" lại tái diễn. 
        Còn những trường hợp tương tự, nhưng tôi biết phải làm sao, giúp các em bớt ray rức, muộn phiền khi không được toại nguyện ở lại lớp để được học với tôi như ý mong muốn của các em. Tình các em dành cho tôi, không tự có. Tôi chẳng vững tay chèo, nếu tôi không được những người đưa đò năm xưa, lèo lái giỏi. Một điều không thể không nhắc đến còn một người lái đò khác rất đặc biệt, Người mà trong những buổi tu nghiệp đã hướng dẫn về tâm sinh lý thanh thiếu niên, giúp tôi có thêm "bản lãnh" đối đầu với những học sinh Việt sống ở hải ngoại, nơi mà nền giáo dục theo lối dân chủ, nơi là người Việt mà tiếng Việt không thuần là tiếng mẹ đẻ. Một thời tôi từng là khách sang đò, cũng không có xu nào để trả. Hôm nay, tôi sẽ gửi trả lại cho tất cả thầy cô lái đò đã đưa tôi sang sông, không bằng tiền, mà bằng những dòng chữ thân yêu của thế hệ sau. Chắc chắn rằng, thầy cô sẽ vui, vì thành quả tôi có ngày hôm nay, đây cũng chính là tiền thân thành quả của thầy cô ngày trước. Công lao của thầy cô thật cao vời, trong đó có những người thầy đã vĩnh viễn đi thật xa. Tiếc rằng các Thầy Cô ấy không đọc được lời trang trọng này. Thầy Cô tôi, không hẳn học cao, hiểu rộng, nói chẳng lưu loát, không chút dịu dàng, đôi lúc ngỡ như không tôn trọng vì tiếng xưng hô, mầy tao của Thầy. Nhưng Thầy Cô, đã là người dìu dắt học sinh chúng tôi, một thời làm bạn đồng hành, giúp chúng tôi hiểu biết, phát triển và vượt qua khó khăn. Tất cả là những vị thành tâm, thành ý, hoàn toàn hiến mình cho sự giáo dục.
        Ðêm nay, ngồi đây trước chồng tập vở của học sinh. Những ngày đầu năm, hương xuân còn quanh đây. Tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ đọc lại bài Luận văn của Ánh Ngà, một học sinh lớp 5 trường chính mạch và cũng là học sinh lớp 5A trường Việt ngữ Trương Vĩnh Ký. Bài văn em nói về cảm nghĩ trong niên học 2007.

        "Trong niên học 2007 em học lớp 5A với cô Phượng. Em rất thích cô Phượng và lớp của em vì ai cũng tốt. Mỗi thứ Bảy em đi học tiếng Việt và gặp cô Phượng. Em thấy cô Phượng dạy rất hay. Khi cô đọc chính tả giọng nói của cô rất chậm rãi và rõ ràng. Khi cô nói chuyện với các em, cô Phượng nói rất dịu dàng và thân mật. Mỗi thứ Bảy cô cho em bài làm ở nhà, em rất thích làm bài ở nhà.
        Mỗi thứ Bảy em rất vui vì được gặp cô Phượng và bạn. Năm nay em rất thích vì cô Phượng dạy rất hay."


        Từ lúc đặt bút đến lúc nộp bài cho cô giáo, chỉ trong một thời gian ngắn, chưa đầy 1giờ 20 phút. Những điều em viết không thể tránh lỗi chính tả, không khỏi gây nhiều xúc động. Chẳng phải em nói tốt, nghĩ tốt về tôi. Ngay phần nhập đề: "Trong niên học 2007 em học lớp 5A với cô Phượng. Em rất thích cô Phương và lớp của em vì ai cũng tốt." Thật ra, lớp tôi có những anh chàng "không tốt", học lớp 9,10 của trường chính mạch, các em đến trường vì sự bắt buộc của cha mẹ, thường hay phá phách, làm phiền các bạn, mất thời gian giảng dạy. Tuy nhiên, có lẽ Ánh Ngà thấy được cái tốt của các em ấy, dù phá phách nhưng lúc nào cũng lễ phép và tôn trọng thầy cô. Một tấm lòng ẩn hiện độ lượng mà em đã nhìn tha nhân.

         Năm nay 2008, bài luận văn trong lần thi Học kỳ hai, viết về người mà các em thích nhất:

"Một người mà em thích nhất ở trường học tiếng Việt là cô Phượng. Em thích cô Phượng vì cô Phượng không la rầy nhiều. Cô dậy em đọc và viết. Em nghĩ cô Phượng là người tốt vì cô Phượng giải thích chữ cho học sinh mà không hiểu. Cô Phượng cũng day em bài Tôi biết Lễ Phép và Thành Thật, em luôn luôn nhớ mấy chữ đó. Lúc nào cô Phượng thích chơi và kể chuyện cho các học sinh em thích nghe câu chuyện của đời sống của cô. Khi lớn lên em hy vọng em day con em lời cô Phượng chỉ em. Em muốn ở với cô Phượng tới lúc em song học tiếng Việt."


        Trần Thúy Thảo, người viết đoạn Văn trên, chỉ là học sinh lớp 5 của trường chính mạch, em đã sâu sắc nhận ra hai điều tôi đã trao truyền là, Lễ phép - Thành thật và em hy vọng sẽ dạy lại cho con mình sau này. Những bài luận của các em, chính là nguồn cảm hứng, thành hình bài Văn của cô giáo Phượng. Đêm nay, ngồi đây, những giọt lệ âm thầm của cô giáo ô đen rơi... rơi theo tiếng mưa ngoài trời. Lạ! Xuân mà mưa vẫn rơi. Tiếng mưa đêm, những hạt nước ngọc ngà, đang rưới mát cho phương Nam - Úc châu, một nơi hạn hán đang đe dọa theo từng ngày tháng. Hạt mưa rơi - hòa lẫn niềm vui, trong một mùa xuân thật đặc biệt, bên bài Luận văn của Ánh Ngà, Thúy Thảo. Trong giây phút này, tôi thèm cởi bỏ lớp áo cô giáo, khoác lên mình tà áo trắng tinh nguyên thời cắp sách, làm học trò.
        Ðêm nay, cô giáo sẽ trở về thời cắp sách, như một lần đầu tiên trong lớp học tu nghiệp dành cho giáo chức tại Úc châu. Hơn mấy mươi năm, khi được êm đềm ngồi trong lớp, như ngồi lại trong khung cảnh cũ, dù người xưa không còn. Bằng tiếng CON, tôi xưng hô với Người giảng thuyết, Người có tuổi đời khá trẻ so với kinh nghiệm tâm lý già dặn đã có:
        - Thưa thầy, hôm nay được ngồi trong lớp học, sau mấy mươi năm, CON muốn tìm về dĩ vãng thời học trò. 
        - À ra vậy!
        - CON nói đi, thầy sẵn sàng nghe.

        Tôi mơ được trở lại thời cắp sách, khoác tà áo trắng tinh của hôm nao, quay ngược thời gian, dệt một giấc mộng.
 

Kim Phượng
(Úc Châu đêm xuân Mậu Tý 2008)
* Bài thơ học trò chép tay cho cô giáo - không rõ tác giả.
** Nhạc phẩm Lời Ru Mời Em Trở Lại của Linh Mục Đinh Thanh Bình