Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Hãy Cùng Quách Vĩnh Thiện Gìn Giữ Kho Tàng

      Lục địa Úc Châu chuyển mình vào xuân. Xuân của đất trời, hoa khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt. Tại thành phố Melbourne, trong khuôn viên Đền Thờ Quốc Tổ, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, đến từ kinh đô ánh sáng Paris. Sự hiện diện của ông, xuân nơi đây thêm rực rỡ, háo hức hơn.
Xuân của lòng người!



      Quách Vĩnh Thiện, ông là ai?
      Đó là cậu bé 8 tuổi đời, đủ kiên nhẫn, lắp ráp một chiếc xe đạp cho riêng mình. Tuổi lên 9 lên 10, cậu đam mê cả võ thuật lẫn âm nhạc. Do duyên lành, lúc còn là học sinh của trường Petrus Ký, cậu được nghe thuyết giảng về hai chữ “Có - Không”. Vốn đam mê âm nhạc từ bé, nhưng gia đình không cho phép cậu xuất hiện nơi công cộng. Dù bị ngăn cấm, dù bị nhừ đòn, vẫn không ngăn nổi tiếng đàn đang thôi thúc trong lòng chàng trai trẻ. Cậu đã có mặt trong những buổi đại nhạc hội, đệm đàn cho các danh ca một thời như Thái Hằng, Thái Thanh, Thanh Thúy, Cao Thái…Đầu thập niên 60, cậu thành lập ban kích động nhạc Les Fanatiques và nổi tiếng ngay khi chơi bài Apache. Tiếng đàn còn vượt xa hơn, đến tận các Club ở phi trường Tân Sơn Nhất hoặc các rạp hát lớn như Đại Nam, Khải Hoàn, Đa Kao. Hẳn một số người cùng thời, có lẽ vẫn chưa quên.


      Những ngày huy hoàng, đáng nhớ ấy, tưởng chừng bất tận, nhưng tiếc thay, đành khép lại khi cậu lên đường sang Bordeaux du học. Rời quê hương, xa vòng tay ấp yêu của cha mẹ, tạm dung “sống nhờ đất khách”. Cậu vừa đi học vừa bươn chải kiếm sống. Sinh ngữ là trở ngại lớn trong việc học, lại quá nhiều vất vả trong việc làm thêm, nhưng thấm vào đâu với những đêm xong việc, ra về trong đơn lạnh, dưới buốt giá xứ người. Chừng ấy về thời niên thiếu, đã ảnh hưởng gì đến cuộc đời ông!?
Đó là chuyện về sau. 
      Mỗi người được sinh ra là một tặng phẩm tinh khôi ban cho đời và theo thời gian…cuộc đời mỗi người một khác.

Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao*

      Hai câu thơ trên đã ứng thế nào vào vận mệnh đời ông!?
      Một Quách Vĩnh Thiện, kỹ sư, sau những năm tháng truân chuyên. Một Quách Vĩnh Thiện, nhạc sĩ, thỏa mãn thú đam mê âm nhạc. Có lẽ chàng thư sinh ngày nào, nhuốm “phong trần” từ lúc rời Việt Nam, sống tha phương, trải qua nhiều dâu bể, lắm đoạn trường. Sống nơi phồn hoa, tráng lệ ấy, không ai “cho thanh cao”, mà tự ở ông và đã giữ hướng đi cho riêng mình.
      Cuộc sống đang êm ả, cây đời đã bám rễ sâu nơi đất người, nhưng định mệnh nào, một lần phủi bụi thời gian khi sắp xếp lại chồng sách cũ. Hồi ức bất chợt trở về trong phút giây tình cờ, khi ông đọc đến câu thơ thứ 890, trong tác phẩm Đoạn trường Tân Thanh của Đại thi hào Nguyễn Du:
Sống nhờ đất khách thác chôn quê người*



      Câu thơ 8 chữ đã mãnh liệt khơi lại cả quảng đời đã qua. Ông cảm thân mình, thương vay phận Kiều, nỗi nhớ cố hương, nơi một lần ra đi đã mất lối quay về. Kể từ đó, một sợi dây vô hình, đã buộc chặt đời ông vào nội dung tác phẩm nằm trong cuốn sách cũ kỷ kia.
      Truyện Kiều, nói về thân phận người con gái tài sắc vẹn toàn, sống trong bối cảnh xã hội đầy hệ lụy, muôn đời vẫn làm rung cảm con tim của những ai biết khóc cười trước tình tiết éo le và Quách Vĩnh Thiện, không ngoại lệ. Sự đồng cảm nơi ông bởi trải nghiệm cuộc sống chính mình và Trường ca Kim Vân Kiều ra đời sau 5 năm ròng thực hiện. Mối giao duyên Thơ Nhạc là sự đồng hành của Đại thi hào Nguyễn Du với 3254 câu thơ lục bát và Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện với Trường ca Kim Vân Kiều gồm 77 bài nhạc đủ thể loại, từ nhạc tân thời đến cổ điển, được gói gọn trong 7 CD.

(Nhiếp ảnh gia Bùi Quốc Hùng - Quách Vĩnh Thiện)

      Có thể nói, truyện Kiều của Nguyễn Du trước đây, phần lớn chỉ phổ thông trong nước, qua đọc, ngâm hay dùng làm sách bói. Nhưng qua dòng nhạc của Quách Vĩnh Thiện, Kim Vân Kiều trở thành một tuyệt tác được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến.
      Điều cao quý mà người nghe có thể cảm nhận, tìm thấy, trong dòng nhạc của ông, là sự tôn trọng ông đã dành cho Nguyễn Du. Ông giữ y nguyên, không đánh mất hay thay đổi vị trí lời thơ của người để tìm sự dễ dàng, độc đáo hơn cho dòng nhạc của mình. Và càng cao quý hơn với tâm nguyện bảo tồn, gìn giữ văn hóa nước Việt Nam, cho bây giờ và tiếp nối những thế hệ mai sau. Thế hệ của những người dù không học đến, nhưng có thể biết qua, hiểu được và thuộc lòng ít nhiều về Đoạn Trường Tân Thanh. Ngoài ra, việc làm của Quách Vĩnh Thiện là một minh chứng cho lời nói Học giả Phạm Quỳnh, vẫn còn giá trị cho đến ngày nay: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”.

      Có lẽ, những hạt mầm “Có – Không” được gieo vào lòng ông ở thời khá trẻ ngày nào, đây là lúc hoa trái thiện tâm đến thời rộ nở. Thấp thoáng đâu đó, Quách Vĩnh Thiện dốc lòng bên phím đàn là Quách Vĩnh Thiện thời thơ ấu khổ công hoàn tất chiếc xe đạp. Một Quách Vĩnh Thiện nuôi dưỡng tâm bằng “Có – Không” thời trẻ cũng là Quách Vĩnh Thiện hôm nay đã cố gắng chuyên chở, nhắc nhở cho chính ông và cho mọi người về “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”*. 


      Hôm nay, lúc 2 giờ chiều ngày 28 tháng 9 năm 2013, trong Đền Thờ Quốc Tổ, có sự đồng cảm, đồng tâm họp lực của số đông người đến tham dự. Điều vinh dự là sự có mặt các vị đại diện Cộng Đồng Úc Châu ở Melbourne. Ngoài sự hiện diện của một số ca sĩ cộng tác cho chương trình thêm phần linh động, ông Kiều Tiến Dũng, một người tuổi đời khá trẻ, so với số tuổi ra đời của tác phẩm, nhưng ông luận về Kiều qua cái nhìn của một nhà Toán học, thật sâu sắc và khi ông nối kết câu thứ nhất với câu thứ 3254 của cụ Nguyễn Du, khiến người nghe cảm phục và đáng suy ngẫm. Chắc rằng, những người có mặt trong buổi chiều nay, sẽ là người cùng đồng hành với Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong việc gìn giữ, chuyên chở, phổ biến di sản thêm sâu rộng và xa hơn nữa. May mắn thay, những hình ảnh ngày đáng nhớ này, đã được một nhiếp ảnh thiện lương Bùi Quốc Hùng ghi lại. Một người làm việc bằng trái tim nhân ái, anh đến và đi trong âm thầm, nhưng đã để lại những hình ảnh quý báu, cho đến muôn đời sau.

      Trong khung cảnh trang nghiêm, với bài vị, hình ảnh tiền nhân, anh hùng tử sĩ, những vị quá cố có công lao đóng góp, hương trầm nghi ngút, ánh nến lung linh. Một cảm giác chợt đến… hồn thiêng như đã hòa vào, quyện lấy dòng nhạc và mối thương tâm không kềm chế…dòng lệ chợt rơi…Dòng lệ của người tha hương đang sống trên đất khách.


      Quách Vĩnh Thiện người gìn giữ kho tàng văn học, di sản của nhân loại qua dòng nhạc và chắc chắn rằng, hôm nay sẽ có nhiều người ở thế hệ này và thế hệ mai sau sẽ tiếp tục thừa kế di sản của ông, hầu đóng góp vào sự mất còn của nước Việt bằng thiện tâm. Và tôi tự hỏi, những người đã khóc cho thân phận một nàng Kiều của mấy trăm năm trước, có biết ở thời đại này, còn bao nhiêu nàng Kiều vẫn còn lưu lạc xa xứ, để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Hãy đặt mình vào cương vị nàng Kiều, để biết khóc cười trước vận nước nổi trôi, không trách mệnh trời, tiếp tay với Quách Vĩnh Thiện và làm một điều gì đó trong việc gìn giữ Tiếng Ta và Nước Ta vậy

* Thơ Nguyễn Du

Kim Phượng
Úc Châu 28.9.2013


Vài Hình Ảnh của Bùi Quốc Hùng






(Kim Phượng, Kim Oanh)


Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Tìm Ba Trong Bông Giấy

      ( Kỷ niệm năm thứ 16 Ngày Giỗ Ba - 30/10/1997-30/10/2013)

      Úc Châu đang bước vào tuần lễ đầu của mùa xuân. Xuân của đất trời và xuân trong lòng người. Những cánh hoa Anh Đào, rộn ràng, náo nức như đua nở trong khí trời còn lạnh buốt và đội mưa dầm khi chưa hết đông. Cánh hoa dù mong manh, nhưng đầy hấp lực để tạo nên bức tranh xuân tươi đẹp.

        Màu hoa hồng thắm mời gọi gió xuân nơi sân trước, sắc trắng buốt quyến rũ bầy chim muông hót ríu rít ở cuối sau vườn. Đó! Xuân của đất trời. Những nụ Anh Đào trong sân nhà cho đến những cành Đào ngoài phố, dọc dài theo những con đường, có sức quyến rũ, vừa lôi cuốn người thả hồn mộng mơ trên tàng cây, lây sang các bậc Từ phụ trong ngày Nhớ Ơn Cha. Xuân vui trong Cha và nhớ trong lòng Con!


        Thế nhưng Ba tôi không còn nữa, Những cánh hoa Anh Đào lay lay trên cành, nhẹ rơi trong gió chỉ đủ làm tôi mơ mộng viễn vong. Chỉ có một loài hoa duy nhất gợi tôi nhớ về ba là Bông Giấy. Bông hay Hoa, gọi cách nào cũng được cả. Người bình dân kêu là Bông. Mỹ từ hóa một chút gọi là Hoa, nhưng với tôi, Bông Giấy, chỉ có từ “Bông” dễ động lòng người và tỏ rõ được tính đơn thuần, giản dị về cách sống và sự tồn tại của nó.

 “ Trong các loài hoa, Ta ghét nhất là Bông Giấy!” Đó là câu nói của những bông hoa biết nói trong giảng đường Đại Học Cần Thơ, sau giờ học Hiển Hoa Bí Tử của thầy Phạm Hoàng Hộ.
        Câu nói trên phải chăng ngầm biện minh, đánh bóng cho con gái Khoa Học. Những bông hoa biết nói này được cho là không tươi mát, mặn mà, chỉ tổ cằn cỗi, khô khan, dưới cặp mắt các chàng Văn Khoa, Luật Khoa và hình như…hình như luôn cả những  anh Khoa Học đồng môn cũng cho là thế. Ý gì ẩn dụ trong câu nói trên!?
       “ Ghét Bông Giấy”! Không ưa cũng phải! Qua lời thầy, hoa này có tên Khoa học là Bougainvillea  bresiliensis thuộc Họ Nactaginaceae. Người Hoa gọi là Cửu Trọng Cát hay Qui Hoa. Người Việt kêu là Bông Giấy hay Hoa Biện Lý. Bọn con gái chúng tôi ghét, vì tính “không thành thật” của loài hoa, cũng như yêu, ai lại yêu sự dối trá của các chàng bao giờ. Bông “thiệt” mà bảo bông “giấy”! Đã vậy hoa còn mà mắt người, những cánh màu sặc sỡ, dưới con mắt nhân gian, cứ ngỡ là hoa nhưng trước mắt nhà Thực vật học, thật ra đó chỉ là lá hoa. Hoa đứng một mình mới xinh, lay lay trước gió mới thu hút cánh bướm đa tình. Đàng này ba cái hoa xếp chụm lại tưởng lầm là một, được tổng bao bằng ba chiếc lá có màu tạo thành chùm. Rồi từ chùm ba cái nho nhỏ, lại kết thành một chùm to hơn, thì mỹ miều làm sao chứ.  Những cánh hoa trang trọng “trao em” , phải là một cánh hoa Hồng hay Uất Kim Hương. Thương em nhiều thì cho nhiều, kết thành đóa…như chín mươi chín đóa Hồng tỏ lòng. Tiện chân đi qua ngang giàn Biện lý, thương em chỉ “ngắt một cái làm tin”, thương em nhiều cho mấy, hái một chùm Bông Giấy trao em, trong mơ cũng chẳng dám làm.

       Tôi chẳng những ghét Bông Giấy mà không ưa luôn sắc màu tím hồng sặc sỡ nữa, nhưng Ba tôi đã chiếc nhánh từ một cây to trước sân nhà Ba, bảo “để dành cho con Phượng”. Ba để dành thì tôi để cho Ba cất. Dù cây con đã “bắt rễ”, tươi lá, dù được Ba nhắc nhở “đem về trồng đi con”, nhưng tôi cứ dạ ậm ừ hoài. Không trồng thì phụ lòng Ba, nhưng trồng rồi, suốt đời phải nhìn thứ mình không thích, cũng tội nghiệp đôi mắt và cả con tim, nên tôi luôn viện cớ. Hôm Ba đến thăm con gái, người ra sau nhà tìm kiếm dao cuốc. Cái lỗ đất được thành hình và cây Bông Giấy đứng ngang nhiên nơi góc nhà cạnh mái hiên. “ Nhớ tưới nước nghe con, ba cột nó lại cho không lung lay, nó bén rễ nhanh lắm!” Đó là lời Ba dặn dò trước khi Người ra về.


         Đã ghét rồi, dễ gì tôi chăm sóc, tưới nước. Tôi cứ bỏ mặc nó trơ gan cùng tuế nguyệt. Tôi đã nhổ bỏ cọc, chẳng tưới nước mà lâu lâu “lắc gốc”, cho cây chết cho rồi. Vì nhổ bỏ đi thì biết ăn nói sao với Ba. Lần sau Ba đến thăm: “ Con có tưới nước không mà nó èo ọt quá vậy. Ba cho mấy đứa kia, cây Bông Giấy của đứa nào cũng tốt hết.” Rồi Ba đi tìm cây cọc đóng xuống, cột dây lại cho vững. Lần này Ba chọn cọc sắt, có lẽ cho chắc chắn, nhưng cây Bông Giấy của tôi vẫn đèo, không tốt. Vì có tưới nước đâu mà tốt. Cây lớn lên như trẻ mồ côi, thiếu ăn và thiếu cả người t Khi Ba không còn nữa, di vật cuối cùng tôi còn giữ lại là cây Bông Giấy này. Lạ thật, từ lúc Ba qua đời, cây Bông Giấy bỗng dưng vượt cao hẳn lên, bám sát vào cọc sắt và như có linh hồn. Chiều đi làm về, qua ngã rẻ vào nhà, rực sắc màu hoa. Cây lớn rất nhanh, trổ  hoa gần như suốt năm. Tôi không dùng đến phân bón mà chỉ thì thầm với nó khi tưới nước, tỉa cành. Nói như cho đủ mình Ba nghe. Có lần chậm cắt bỏ cành thừa, cây vươn nhánh mới, dài gần đến hai thước, chắn lối. Tôi kể cho các em nghe và tinh nghịch bảo… “ Hình như Ba chặn đường khiêu chiến với chị vì cái tội ai biểu ngày xưa con lắc gốc”.

         Người đời thường bảo đất lành chim đậu. Có lẽ vì tâm lành của người trồng, nên chim thường kéo về cây Bông Giấy làm tổ. Những con chim lặng lẽ tha từng cọng cỏ dại, nhành cây khô để tạo mái ấm. Nhìn chim mẹ đang ấp trứng, tôi tò mò đến gần, rướn người nhìn vào những chiếc mỏ nhỏ kêu chip chíp, đôi mắt chim mẹ nhìn tôi chòng chọc, với tư thế bảo vệ những giọt máu đã tượng hình, khiến tôi lặng người trước hình ảnh này.
    Để tăng thêm vẻ cho cây, tôi gắn thêm cái phong linh. Đêm về tiếng kêu leng  keng của phong linh, như tiếng bước chân Ba về thăm con gái, trước hiên nhà. Lòng tôi ấm lại.


    Cây Bông Giấy, thân to, nhánh mọc leo, khỏe, có vỏ sáng. Gai dù không nhiều, nhưng khoảng hai centimet chiều dài, cũng đủ bảo vệ chính mình, nếu ai không cẩn thận chạm đến. Rễ, có thể dùng làm thuốc trị liệu. Vỏ, ngày xưa dùng dệt thành vải. Đây là loại cây có điều tiện lợi là có thể trồng trên đất cát, dễ thích hợp nơi đất cằn cỗi hoặc chỉ cần một phần đất nhỏ trong chậu củng đủ sức sống. Nếu được tưới nước hoặc bón phân đầy đủ, được chiếu sáng là trổ đầy hoa lá.  Bằng ngược lại thì biến thành loại cây Bonsai. Muốn nhân giống, chỉ đơn giản là giâm cành. Cây có ưu điểm là bông có quanh năm, những bông hoa mộc mạc nhưng đủ khoe sắc thắm cùng tấm lòng son dưới nắng trời đổ lửa. Những ai muốn, những nơi cần , cây Bông Giấy luôn cận kề che bóng mát cho đời.

        Ba đã nằm xuống , vĩnh viễn, ngồi ngắm cây Bông Giấy, đời Ba cũng đơn sơ, mộc mạc, chịu đựng nắng mưa, gian truân, những ai muốn, nơi nào cần đến, Ba luôn sẳn sàng . Đời Ba như đời cây Bông Giấy!
        Ngoài trời đang tí tách… gió đang ngẫn ngơ trước hoa…mưa đang thì thầm với lá và tôi gọi khẽ… Ba ơi, con sẽ nhớ lời Ba “ Nhớ tưới nước nghe con”.

Kim Phượng
5/9/2010



Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Thơ Tranh: Em Là Hoa



Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh




Đôi Chút Suy Tư

         Happy Birthday to You!
         Happy Birthday to You!!!

       Chỉ một câu hát, được lặp đi lặp lại, nến được thắp lên…đưa Sinh Nhật về. Thế đã đủ cho người nhận lẫn người hát… Đã thỏa mãn sự háo hức, đợi chờ, của người bất cứ lứa tuổi nào và mọi nơi nào.

alt
        
       Lúc cất tiếng khóc chào đời, là giây phút thiêng liêng bắt đầu, một phận người được tạo nên. Đó, là Ngày Sinh, Ngày Chào Đời hay hoa mỹ hơn, Ngày Sinh Nhật. Ngày này, dù đúng hay không trên tờ giấy khai sinh, vẫn là ngày để nhớ. Nhớ về tình yêu thương của Cha được vo tròn trong bụng mẹ. Tiếng khóc, biểu hiện sự kiện trọng đại của đôi lứa, nên là ngày mừng vui,  mong chờ hoặc thiết tha cầu tự, để có. Một ngày rất quan trọng, kết quả chín tháng mười ngày của ước mơ. Được mẹ tròn con vuông, là cả trời hạnh phúc cho cha lẫn mẹ. May mắn hơn nữa, nếu hình hài bụ bẫm đó, xinh gái hoặc bảnh trai. Mặt khác, có thể là một ngày, từ hậu quả dại dột hoặc không đúng với ước nguyện về phài tính. Hài nhi có thể sẽ bị vất đi hay vùi dập ngay, khi vừa ra đời. Một thai nhi mới được thay thế cho hình hài đỏ hỏn, bất hạnh kia.
        Con người được tồn tại là một sự khó!
        Lúc mạnh lành, trẻ được mẹ nâng niu, cho bú mớm, ẳm bồng, được chăm sóc, dạy dỗ của cha, đã là công khó. Khi con ấm đầu, sốt nhẹ, ho hen hoặc ngặt nghèo đến tính mạng, công lao của đấng sinh thành to lớn hơn biển cả. Rồi con vừa đủ tuổi lớn, được đưa đến trường, được nâng cao kiến thức làm hành trang vào đời.
        Thế cũng chưa đủ, bàn về nhân cách “Đức là gốc, tài là ngọn”. Mẹ cha lao đao hơn. Đã là người, nhất là người Việt Nam, năm điều cần có cho đời con mà cha mẹ hằng mong, lo lắng, là Ngũ thường: Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín. Những biểu hiện sự tốt đẹp của đạo lý, thể hiện qua tính nết, tư cách và cả hành động của con người.
        “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, vừa sinh ra ai cũng có tính thiện, nhưng lớn lên, nhiều đổi thay, nên cần được hướng dẫn. Trẻ được dạy dỗ tính khiêm cung, ăn ở có đạo đức, biết thương yêu muôn loài. Cha mẹ dạy con lễ phép, biết tôn người trọng mình, học hỏi lẽ trung chính và đâu là điều nhân hậu. Con trẻ còn được tôi luyện một sức mạnh tinh thần vượt qua thử thách, đủ bản lĩnh bước qua khó khăn.
Ca dao Việt Nam có câu:

“Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”

         Không có niềm tin, không giữ điều hẹn ước, sẽ không ai tin tưởng, sẽ không thể thành tựu bất cứ điều gì.
        Những đức tính này, được cha mẹ thường xuyên nhắc nhở trong cuộc sống. Có như thế, trẻ biết nghĩ đến nỗi đau và những khi va chạm với cuộc đời thì lòng bao dung, độ lượng, từ ái được nảy sinh. Ngày còn nhỏ, con trẻ hãnh diện khi ngày sinh của mình trùng với một ngày trọng đại, hay một nhân vật nổi tiếng. Nhưng qua công lao trời biển dạy dỗ, con trẻ mới thật biết, mình là mình, không ai khác.
Làm người thật khó!

 alt
        Ngoài việc nuôi con khôn lớn, chưa đủ, dạy dỗ cho con trở thành người hữu ích cho xã hội, quả là một công khó. Cha mẹ còn ước vọng cao xa hơn, từ sự dạy dỗ này, cơ may tiếp nối, có thể truyền đạt lại cho cháu đời sau, sau nữa…
       Sinh Nhật là ngày đáng ghi nhớ!
 Con trẻ nhận những trao truyền từ mẹ cha, được ấp yêu từ vòng tay người thân trong gia đình và nhận những mến thương trao ban của bạn bè.
        Ngày sinh nhật, là ngày của chin tháng mười ngày cưu mang, ngày của may mắn, thiêng liêng.
        Và là một ngày tình yêu thương được cảm nhận,“… từ một trái tim được dẫn vào một trái tim” *

Kim Phượng
 21/2/2013
* Lời của Linh Mục Đinh Thanh Bình


 

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Hình Xưa: Ngày Phụ Nữ 3/03/1960 Tại Sài Gòn

Ngày Phụ Nữ 3/03/1960 tại Sài Gòn


Saigon 1960 - Nữ sinh Trưng Vương diễn hành trong ngày Phụ Nữ 


Xe hoa trường Nữ Trung Học Trưng Vương 


Nữ sinh Gia Long diễn hành trong ngày Phụ Nữ


Xe hoa trường Nữ Trung Học Gia Long


Ngày lễ Phụ Nữ tại công trường Lam Sơn - Sài Gòn 1960




Khán đài trong ngày lễ Phụ Nữ. Bà Ngô Đình Nhu mặc áo dài ngồi kế bên 1 phụ nữ mặc váy dài[sarong] là Phu Nhân của Cố Tổng Thống Aung San của Miến Điện, bà cũng được gọi là bà quả phụ Maha Thiri Thudamma Daw Khin Kyt.


Bà Ngô Đình Nhu đọc diễn văn khai mạc ngày lễ Phụ Nữ 


Một đại diện phụ nữ đang nêu những thành tích của phụ nữ VNCH và những quyết tâm trong tương lai 


Các phụ nữ đang đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Hai Bà Trưng tại công trường Mê Linh 


Các đại diện phụ nữ đang đứng trước đài tưởng niệm Hai Bà Trưng tại công trường Mê Linh 


Ca đoàn trường Nữ Trung Học Trưng Vương đang hợp ca bài "Trưng Nữ Vương" 


Hai Bà Trưng oai phong lẫm liệt trên 2 con voi 


Các Nữ Tướng và quân sĩ của 2 bà Trưng 














Xe hoa Ký Nhi Viện 


Xe hoa Phát Triển Cộng Đồng 


Xe hoa Liên Đoàn Công Chức Quốc Gia

Trong dịp lễ Phụ Nữ, nhiều cuộc thi và giải thưởng được tổ chức cho phụ nữ tham dự.
Thi Em Bé Đẹp






Một bà mẹ vóc dáng mảnh mai đang hãnh diện khoe em bé mập ú.



Bà quả phụ của Cố Tổng Thống Aung San của Miến Điện đang trao giải thưởng cho Em Bé Đẹp. Bà quả phụ này chính là thân mẫu của bà Aung San Suu Kyi, là nữ lãnh tụ rất nổi tiếng của Miến Điện hiện nay. Tấm hình bên dưới là bà quả phụ Aung San đang nhận 1 bó hoa hồng từ 1 thiếu nữ VN


A portrait of Khin Kyi and her family in 1948. Aung San Suu Kyi is seated on the floor.

      

Thi làm bánh






Thi thêu


Thi Cắt May


Thi Văn Chương 




Các phụ nữ đang dự thi viết văn 


Người đoạt Giải Viết Văn: cô Phạm Thị Nguyệt trường Huỳnh Khương Ninh 





Lễ trao giải thưởng các cuộc thi tổ chức nhân Ngày Phụ Nữ VN, tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn 03/03/1960
 Các nữ sinh Trung Học Đồng Khánh, Huế, trong ngày lễ Hai Bà Trưng 


Đây là tấm hình màu chụp năm 1952 tại Hà Nội, các sinh viên Hà Nội mặc áo dài nhiều màu sắc khác nhau để đến trường, trông thật lịch sự nhã nhặn. Sau khi chia đôi vỹ tuyến năm 1954, áo dài bỗng dưng hiếm hoi tại miền bắc, chỉ có trong nam là áo dài phổ biến khắp mọi nơi. Nhưng sau 30-4-1975 thì miền nam cũng như miền bắc, áo dài bỗng dưng hiếm thấy trên đường phố!

Source: staticflickr.com
Kim Phượng - Sưu tầm