“Xa mặt cách lòng!” Điều này có thể đúng, nhưng với em tôi thì không.
“Chín người mười ý”! Nhưng tôi không ngại quá lời, khi đảo ngược “Mười người chín ý”. Bởi vì, trong gia đình mười người con, em và tôi có rất nhiều điểm tương đồng.
Suốt thời niên thiếu, thời gian chung sống bên nhau của em và tôi dài hơn các anh chị em khác. Cả hai chúng tôi, đong đầy kỷ niệm vui buồn, giận hờn trong cuộc sống hàng ngày. Mọi việc, từ hành động, lời nói cho đến lối suy nghĩ của em và tôi khá giống nhau.
Em nhỏ hơn tôi những hai tuổi chứ ít gì, nhưng chưa một lần cung kính gọi tôi bằng “chị”, có chăng chỉ là “ông bạn” hay đôi khi đổi tong, dựa theo số thứ tự trong gia đình, em kêu tôi bằng tiếng “ sáu” cộc lốc.
Em là đứa “trù trừ” lắm! Má thường bảo thế. Khi còn bé, sáng nào em cũng quấy má. Buổi chợ mai, má bận rộn chào đón khách hàng vào ra tiệm buôn. Vậy mà, hôm nào cũng thế, vừa thức giấc, đưa tay dụi mắt, là em vội ngồi thụp xuống nơi thu ngân và bắt đầu “kéo đờn cò”. Em khóc! Cái tiếng khóc hị hị như tiếng mèo con kêu. Em khóc dài…dai dẳng đến đổi như quen thuộc quá với khách hàng. Lâu dần, tiếng khóc của em như bản đàn đơn điệu và người nhạc sĩ tí hon này cũng tự mình chấm dứt bản nhạc nhè khi biết chán khóc.
Lớn thêm một chút, em gần gũi với tôi hơn, sự gần gũi… lưu lại trong tôi những hình ảnh khá quen thuộc. Tôi đã quá quen với cậu bé mang chiếc quần đùi, quai tréo, màu tím... Vào tuổi đó, em nào biết ngại ngùng gì với cái màu tím xa xăm ấy. Những hôm chiếc quần tím bị vấy ướt, em khóc nhè và trách tôi “tại sáu”. Ừa, thì tại tôi, tôi không đủ nhanh tay vì những chiếc khuy nút má làm quá nhỏ lại chặt, chẳng dễ dàng gì cho một đứa trẻ như tôi có thể giúp em cởi ra đúng lúc.Tôi cũng vất vả với em không ít, nhất là trong việc giặt giũ. Em và cậu em kế là đầu đàn lũ trẻ trong xóm. Thừa lúc má ngủ trưa, em dẫn đám con nít ra đồng bắt dế trong những trưa hè nắng chang chang, đầm mình dưới mương bắt cá hoặc chặt bập dừa tập bơi, thả trôi nổi, lặn ngụp trên sông Giồng Ké. Em là một trong hai đứa mà cậu tôi gọi là “lục lạc lăn lục lạc lửa”.
Với những trò chơi dễ vương vãi vết bẩn trên quần áo như thế, bằng đôi bàn tay bé nhỏ của tôi, làm gì giặt sạch cho hết. Thương con gái, ba tôi đóng một thớt cây to, mua bàn chải lớn, giúp tôi dễ dàng hơn trong việc giặt giũ. Thớt to, bàn chải lớn tiện lợi thế đó, nhưng giặt hoài bàn tay nào chịu nỗi. Ngồi đến còng lưng, sinh mỏi, nên “nhất cử lưỡng tiện”, tôi cho tất cả đồ giặt vào thau, đưa chân trần mà giẫm cho sạch.
Phiền trách em đó rồi tôi lại quên đó, những khi em bày trò vui chơi. Thời chúng tôi, lúc chiều đến, đêm về, sau giờ học, làm gì có những phương tiện giải trí như ngày nay. Hai chị em tôi với trò chơi tự sáng tạo. Chúng tôi thay phiên nhau, đứa này đưa ra một vần, đứa kia phải tìm cho được một người nào đó trong xóm, mà tên họ ráp đúng với vần vừa nêu ra. Trong cuộc chơi, ai thua sẽ chịu phạt bằng cách bị búng vào tay, đến đau điếng chứ chẳng vừa. Em luôn giữ tinh thần thượng võ dù rằng nhỏ tuổi hơn. Hai đứa cùng oẳn tù tì để vào cuộc :
- Ò …ò…
- Ba Cò.
- Ìa…ìa..
- Năm Chìa
- Ọ…ọ…
- Hai Lọ
- Ông…ông…
- Chín Đông
Sau trò chơi ấy, tất cả anh chị em trong gia đình đều mang một bí danh, được lấy tên từ những người hàng xóm. Nói nhỏ nghe thôi, Chín Đông chính là Kim Oanh, người chủ nhà trang Blog Long Hồ Vĩnh Long
Tôi với biệt danh sáu Chọt. Đó là tên bác Sáu sống cách gia đình tôi vài căn phố. Sau này có người cắc cớ hỏi, phải chăng lúc nhỏ tôi hay ăn cắp lắm nên mang biệt danh ấy. Chỉ có trời mà biết!
Còn em, nhà thơ Phố Núi, được gọi là Bảy Hí, vì theo lời Ba tôi, em mà gặp các cô gái, cười một cái, mở mắt ra con gái đi mất.
Những đêm chị em quay quần…như bất tận, những cuộc vui cũng đến lúc tàn, tuổi thơ cũng vội qua. Tôi vào Đệ Thất, rời gia đình, xa em. Chỉ cần một năm xa nhà thôi, tôi như lớn hẳn, mà là người lớn thật vì tôi thay ba đưa em đi dự thi Đệ Thất. Ngày nay, ở tuổi em, các học sinh vẫn còn tay trong tay theo mẹ đến trường. Một đêm trước ngày thi, chúng tôi đến ngủ tạm nhà bạn ở Vĩnh Bình. Chính cái đêm ấy, lần đầu tôi cảm nhận được sự uy nghi, đỉnh đạt của mình khi được em rụt rè, khép nép đi bên cạnh, dắt đâu, em theo đó, chỉ bảo điều gì, em răm rắp nghe theo. Đúng thật là dân quê lên tỉnh! Tôi đưa em đi ăn hủ tiếu, trong khu chợ Vĩnh Bình. Chưa lúc nào em hiền như lúc này. Trước cảnh tượng lạ lùng, em im lặng nhìn người qua lại, nếu cần hỏi chuyện, em vẫn cố hữu dùng tiếng “sáu” cộc lốc hoặc nói trổng.
Sáng hôm sau, trên đường đưa em đến phòng thi, không quên dặn dò những kinh nghiệm tôi đã trải qua. Khi bóng em đã khuất dần sau cửa phòng thi, tôi bước vội, lăng xăng theo nhóm người giải đáp đề thi toán, do ai đó từ bên trong phòng thi ném ra. Ngồi đợi chờ em, tôi với bao nhiêu suy nghĩ mông lung và ước mơ đến vội. Tôi nguyện cầu em được trúng tuyển. Nếu em trúng tuyển, đó là cơ hội duy nhất tôi không bị lẻ loi trong căn nhà trọ, nơi chỉ có tôi là đứa con nít độc nhất. Thời gian như chậm lại, dòng suy tư bé bỏng của tôi trôi theo, đến khi tiếng chuông reo vang, báo hết giờ thi, tôi hấp tấp đến đón em.
Kết quả thi không như mong muốn. Em lên Vĩnh Long và trở thành học sinh trường bán công Nguyễn Thông. Còn tôi ở lại Vĩnh Bình, niềm hy vọng được bầu bạn cùng em đã tan theo mây khói. Ở đây, những ngày đầu tuần dài lê thê, bước chân như nặng nề hơn trên con đường dẫn đến trường Công Lập Vĩnh Bình. Nỗi u uẩn của đứa trẻ xa nhà nơi tôi không vơi, đêm về buồn không ai biết, âm thầm khóc chẳng ai hay. Đến lúc ba má biết được, người xin thuyên chuyển cho tôi về Vĩnh Long, ở chung với anh chị em. Thật là một điều nghịch lý lẫn bất công cho tôi. Tôi thừa khả năng, đã trúng tuyển vào trường công, nhưng người điều hành của trường Tống Phước Hiệp chối từ và chẳng đặng đừng tôi trở thành học sinh Nguyễn Thông, cùng trường với em.
(Lê Kim Hiệp, Lê Kim Phượng - Văn Thánh Miếu)
Ngày đầu em chở tôi đi học bằng xe đạp, em lạn qua lượn lại, mặc tình cho tôi ra sức giữ chặt yên xe nếu muốn an toàn. Theo lộ trình… sáng em đi đường này, trưa về ngõ khác. Mỗi ngày em mỗi đổi hướng đi, cộng thêm tính tối dạ của tôi, như người mù lối, tôi chỉ còn cách méc ông anh:
- Anh tư coi thằng Hiệp kìa, chở em mà nó cứ thay đổi lối đi hoài làm sao em biết đường đi học.
Méc để thị oai, thật ra tôi thương em, vì mang danh nam nhi chi chí nên phải nai lưng đèo tôi đi học. Đã vậy sau giờ tan trường, bánh xe bị xì hơi hoài thì cũng chính em là người đi mượn ống bơm của bác bán cà rem cạnh sân trường. Nhớ hoài, thương mãi hình ảnh đứng lom khom, hì hục với ống bơm, bên chiếc xe xì bánh.
Đã thế, đi học về chúng tôi còn tự nấu ăn, vì không có ba má sống chung. Các chị em tôi thay nhau trong vai trò hỏa đầu quân và mỗi người có toàn quyền định đoạt món ăn khi đến phiên mình. Mỗi lần em làm bếp, bà chị thứ Ba khóc hoài hoài, vì theo chị món hủ tiếu xào mà em nấu có bổ gì đâu mà ăn hoặc khi bà chị Năm làm em phiền lòng, thì y như rằng nồi cà ry hôm đó sẽ cay hơn.
Bản tính em là thế đó, nhưng lại hiền hậu và độ lượng trong cách sống. Tính em tiện tặn khác hẳn sự tiêu pha của chị Năm, nên việc em cho chị vay nợ, không lấy gì làm ngạc nhiên. Em rất dễ dàng khi cho đi, nhưng lúc cần đến, chị khất hoài không trả lại tiền, nếu em tiếp tục đòi, thì thế nào cũng…
- Ai biểu ngu cho mượn chi.
Bị mắng, nhưng em tiếp tục “ngu” hoài.
Em tôi ngoài tài nấu ăn, lại có khiếu văn chương. Em thích đọc sách báo lắm, phong lưu trong việc bỏ tiền mua báo Thời Nay và Văn Nghệ Tiền Phong. Ban đầu em rủ rê chúng tôi cùng đóng góp mua báo, nhưng ai dại gì mà bỏ tiền cho kẻ đam mê như em.
- Thôi tụi chị không thích coi. Chị Năm và tôi đồng trả lời.
Thế là em tự “phung phí” tiền và dĩ nhiên là em xem một mình, sau đó đem giấu mất. Bà chị Năm và tôi thừa lúc vắng em, tìm tòi lục lạo khắp nơi, nhưng nào tìm đâu ra. “Quyết chí thì nên!”, chúng tôi rình rập, đợi chờ tìm cho được nơi chốn bí mật đó. À, thì ra, quyển sách được đặt bên dưới chiếc rương cây.
Chị và tôi thiệt tình! Đã xem lén mà còn lém và lối. Trên bàn ăn, chúng tôi giả đò trò chuyện, nhưng nói toàn là những chuyện đăng trong số báo em vừa mua. Đôi mắt hí của em càng nhỏ hơn khi em nhìn chúng tôi, rồi em cười cười mà chẳng nói lời nào. Đến số báo kế tiếp, theo thói quen, chúng tôi đưa tay tìm báo dưới đáy rương. Chẳng có!
- Vậy thằng Hiệp nó giấu ở đâu? Chị tôi hỏi như gắt.
Chúng tôi không nản lòng. Lần này em giấu tận trên mái nhà. Tôi làm sao quên được cái hình ảnh em, hình ảnh…mắt em đảo qua, ngó lại và nhanh chóng trèo lên cao, cất quyển báo, theo em có lẽ đó là nơi an toàn. Nhất cử nhất động của em làm sao tránh khỏi sự cố tình của chị Năm và tôi.
Ngoại hình của em rất “cù lần”. Trong khi các học sinh tĩnh lẻ đã biết chưng diện, chạy theo thời trang, thì em tôi chỉ “lượt là” với quần kaki xanh, ngắn cũn cỡn, để lộ đôi vớ đỏ chói. Thầy Nghĩa dạy Anh văn, thầy cho rằng em cao bồi, nên trù dập, “dợt” bài em hoài. Có lẽ nhờ thế nên môn Anh văn em được điểm cao. Đến năm Đệ Tam, em chọn Pháp văn cho sinh ngữ thứ hai. Em siêng năng lắm, sang sáng thức sớm “gạo” bài, trong thanh vắng tiếng em lồng lộng:
- É ni mô…é ni mô…cọp vật.
Tôi bị đánh thức bởi bài học dị kỳ và giọng đọc quá to của em. Càng lắng nghe, tôi càng thắc mắc, chẳng chịu đựng được tôi vội bước ra:
- Hiệp học cái gì vậy?
- Pháp văn.
Sau một phút suy tư, à…thì ra… animal, nhưng vì em viết chữ quá tháu, từ chữ “con vật” biến thành “cọp vật” và môn học tiếng Pháp, nhưng lối em phát âm lại là tiếng Anh.
Bảy năm dài của bậc Trung học hoàn tất, em và tôi mỗi người một phương trời. Chúng tôi như bầy chim đủ lông cánh bay xa, ít dịp gặp lại ngoại trừ những ngày lễ trọng. Đến 75, đàn chim lại tất bật, bất đắc dĩ tìm về tổ ấm. Dưới mái nhà xưa, chúng tôi cùng chung sống, êm ấm đó, nhưng đàn chim sống trong đợi chờ lo âu thường nhựt. Có những hôm, em, tôi cùng vác cuốc trồng khoai sắn trên mảnh đất của người anh rễ, cách nhà không xa. Chúng tôi có dịp nhắc lại trăm ngàn chuyện cũ, cười rũ rượi, nhưng rồi buồn đó, mất hết vô tư. Từ sau năm 1975, em trở về Vĩnh Long và cùng tôi, sống lại trong căn nhà xưa. Tôi “cô giáo hippy tĩnh lẽ”, đã đổi đời … ngày hai lượt “đeo” theo xe đò làm cô giáo miền...quận lỵ Tam Bình. Năm ấy, chiếc bàn ăn cũng là nơi tôi ngồi chấm điểm thi cuối năm cho học sinh, em đi phớt ngang qua …
- “Ông bạn”cứ lo dạy hoài. Tôi thầm hiểu được điều em muốn nhắc nhở.
Lời em là cánh buồm đưa tôi ra khơi. Trong chia tay bằng lời hứa chắc chắn, em sẽ ở lại lo cho ba má trước, rồi mới quyết định cho riêng mình.
Đến năm 1984, ba má tôi sang Úc châu định cư. Em đã chu tất và trọn giữ lời lo cho ba má. Những ngày xa quê hương, nhớ về căn nhà em đang sinh sống, tôi áy náy hoài và nghĩ về em, về hoàn cảnh và cuộc sống của người ở lại. Lắm lúc viết thư cho em, tôi khuyên em hãy lo cho tương lai, sau đó thì đoàn tụ vợ con khi khả năng cho phép. Em hồi âm với lời rất khẳng khái:
- Bao giờ đầy đủ hết vợ con em mới đi.
Hiện nay, em vẫn ở lại quê nhà. Em không còn gọi tôi bằng tiếng “ông bạn” mà chỉ cộc lốc tiếng gọi “sáu” và qua điện thoại viễn liên, cũng hoài câu nói… “Sáu, nói nghe nè…”.
Mấy mươi năm trôi qua, mới ngày nào còn là cậu bé húi cua mà giờ đây em đã là ông nội, ông ngoại người ta. Dù là đứa em thứ bảy trong gia đình, dù sống trong môi trường vất vả với miếng ăn, cái mặc, nhưng nơi em, em trưởng thành trong hành xử với anh em, người thân và bạn bè. Tính trẻ trung vẫn còn đó. Tấm lòng nhân hậu, độ lượng, nhường nhịn của một Hướng đạo sinh ngày nào, em chưa quên ... Ở tuổi đời không còn trẻ nữa, nhưng em luôn trao ban cho người xung quanh sự hồn nhiên, yêu đời dù rằng đời sống của em có nhiều lo âu và chịu lắm thiệt thòi.
“ Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh!” . Cái nòi thương yêu lo lắng cho anh em đôi bên, phe mình, phe ta rất tròn nên được bên vợ rất mực yêu thương. Em quá giống ba ở điểm này. Với bạn bè, em rất chí tình, những người bạn thân từ những ngày còn trong quân ngũ, đến nay mỗi người một phương cách biệt, nhưng tình thâm vẫn đậm đà.
Ngày Mười Hai, tháng Mười Hai, mấy mươi năm trước…
Trót sinh là Cánh Đại Bàng
Thả đôi chân xuống trần gian làm người
Hôm nay…
Sinh nhật đầy ấp nụ cười
Mười Hai tháng Mười Hai tươi thêm tình
Mấy mươi năm xa nhau, hai chị em, mỗi người một phương trời. Nhờ mây đưa, gió chuyển giùm…đến tận bên kia bờ đại dương, trao đến em những lời chân thành, mộc mạc này, làm quà trong ngày sinh nhật…rằng
Chị rất nhớ em! Hiệp ơi.
Kim Phượng
12.12.2009