Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Đừng Bảo Xuân Tàn, Không Bướm Lượn!


     “Trăm hoa” nhả mỗi sắc...hồng, tím, cam, đỏ, trắng, vàng...hay điểm thêm những màu sắc khác với chấm tròn, lằn ngang, kẻ dọc, tạo nét chấm phá trên cánh hoa và sự kỳ diệu nơi bàn tay của đấng tạo hóa. “Trăm hoa” tỏa hương, nồng nàn, thoang thoảng hay khó ngửi, nhưng là hương riêng của hoa. “Trăm hoa” vừa chớm nụ, hàm tiếu vươn vai, trở mình đương độ, là thời kỳ đẹp nhất, rực rỡ nhất của hoa, lắm ong vờn bướm lượn. Cuối cùng không tránh khỏi, khép mình đi vào định luật….hoa tàn, nhụy rữa.
     Liệu thời gian này, ong nào vờn, bướm nào lượn, quẩn quanh hay vội xa bay!?


     Hoa đời thì sao? Cũng thế! Lúc đương độ là thời kỳ trổ mã của người con gái...này mày ngài, mắc biếc, mi thanh, môi hồng, má thắm, này tóc mai sợi ngắn sợi dài, này lắm người đưa bao kẻ đón, này khi hẹn biển lúc thề non...  
    Một cánh hoa đời tôi muốn nói, là má, Võ Thị Thoại và cánh bướm đa tình Lê Văn Sang, ba tôi. 
 
     Ba lớn hơn má đến mười tuổi. Tám mươi hai năm về trước, khi ghe chở lúa của ba đang xuôi chèo mát mái trên con sông Rạch Bàng. Giữa trời nước mênh mông, bao la, cơ duyên nào xuôi ba trông thấy má. Bấy giờ, má chỉ là cô bé mười hai, mười ba tuổi đời, vô tư cùng chúng bạn đứng hóng mát trên cầu, đùa vọc nước dưới sông. Ghe đã qua rồi, ba còn ngoái đầu dõi mắt trông theo và nói với bạn hầu trên ghe: “con nhà ai đẹp quá để tìm người mai mối cho”.

     Bẵng đi vài năm, ba gặp lại má, người thiếu nữ đang độ trăng tròn. Dự định làm ông mai năm nào của ba đã không còn nữa. Trước cô gái chân quê, nhan sắc không phấn son ấy, nét thùy mị, đoan trang, kín đáo ấy, ba đã phải lòng và cậy người mai mối cho chính mình. Dù biết rằng nội đã gắm ghé nhiều nơi cho ba, nhưng chàng thanh niên theo tây học, dễ gì nghe theo sắp xếp định sẵn mà không cần đến sự rung động của con tim. Đó là lúc, nền kinh tế nước nhà đang hồi suy sụp, chân còn đang trong lớp, ba phải rời ghế nhà trường bước vào trường đời. Ba về quê giúp nội cai quản ruộng đất, đồng thời là một ông chủ nhỏ của một chành lúa lớn ngay tại chợ Rạch Bàng, đối diên bên kia sông là nhà của má.

          Rạch Bàng con nước mênh mông
          Thấy cô be bé đem lòng nhớ thương

     Y rằng, cưới vợ thì cưới liền tay! Ba cho người chèo xuồng sang nhà ngoại, nhờ trao thơ, xin phép được ghé thăm. Khi được ưng thuận, ba đến chào hỏi, ông ngoại mời ngồi, ba kín đáo chọn chỗ vừa khiêm nhường nhưng không kém phần lợi thế. Trò chuyện với ngoại, ba vẫn có cơ hội nhìn thấy, nếu má thấp thoáng bên kia rèm thưa.

     Má, người con gái đẹp, có học, nết na, đằm thắm, được nhiều nhà giàu có, của ăn của để, ngỏ ý mang trầu cao đến. Nhưng má chọn ba, không phải ba là con ông Bang, ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhưng ba là người có học, dù là con nhà giàu nhưng nhân hậu, biết thương người, không hống hách, hà khắc với người ăn kẻ ở trong nhà. Và dấu ấn sâu đậm ba để lại, là lần đầu đến gặp ngoại, ba ăn mặc chỉnh tề, nói năng lễ phép, đối đáp với ngoại không tỏ ra rụt rè, khép nép, khúm na khúm nún như những chàng thanh niên khác. Lại nữa, trong những phiên chợ Rạch Bàng, dù từ xa hay rất gần, nếu có trông thấy má, ba vẫn lịch sự, kín đáo dõi trông, chứ không có ý cợt nhả nhưng các chàng trai vừa thấy gái đẹp đã tỏ ra...

     Không lâu, ba nhờ người chị ruột thứ tám đến ngỏ lời. Ba có đến năm người chị gái, nhưng ba chọn cô chị thứ tám, là người chị nhỏ nhất của ba, nhưng cô đẹp, khuôn mặt rạng rỡ, sang trọng và khéo ăn nói, càng tăng thêm niềm hy vọng cho việc cầu hôn. Ngày thành hôn cũng đến, từ trang phục đến quà cưới, ba lo tỉ mỉ, chu đáo từng chút một. Điều đó phải chăng là sự trang trọng trong tình yêu ba dành cho người ba muốn kết tóc se tơ, cùng ba đi hết quãng đường đời!? 

     Giờ rước dâu đã đến, thuyền hoa theo con nước sông Rạch Bàng, trôi xuôi về Phú Hữu, nơi ba cất tiếng khóc chào đời, hôm ấy là ngày vui bất tận, hạnh phúc viên mãn… của đôi lứa.
 
          Còn đây con nước Rạch Bàng
          Ôm kỷ niệm cũ ngút ngàn đáy sông
          Một thời êm ái lớn ròng
          Xa rồi dĩ vãng tình đong càng đầy
          Vườn ngoại cau trắng trầu cay
         Vẫn mong ai đó mang khay trầu người
 

     Thời gian cứ dần trôi, đôi tim cùng hòa nhịp, tình yêu đằm thắm, ngày thêm mặn nồng. Các con lần lược chào đời, nhưng thương thay, cùng lúc với chiến tranh leo thang. Sống trong vùng Việt minh kiểm soát, trốn tránh khi Tây ruồng bố, nhưng ba luôn ấp ủ lý tưởng và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Đó là tương lai của các con. Ba bắt đầu dạy chị hai học, nhưng chị ba, nhỏ hơn hai tuổi, đòi học theo cho bằng được. Ba dùng tấm gỗ nhỏ thế bảng, lấy than củi đen thay phấn và âm thầm dạy hai chị học tiếng Pháp. Nhờ ba chuyên cần dạy dỗ, mỗi lần Tây ruồng bố, hai chị của tôi, đem bảng gỗ than đen viết ra những chữ tiếng Pháp đã học và để trên bàn. Gia đình chúng tôi có thêm may mắn là với vốn liếng tiếng Pháp khiêm nhường của má. Chừng ấy thôi đủ cho những người “Lính Lê Dương” hài lòng. Họ tỏ ra vui vẻ hơn, cư xử lịch thiệp hơn là tra khảo. Đó là nhờ sự suy đoán nhạy bén của ba, đó cũng là việc vun bồi phúc đức sâu dầy sau này, và là lợi thế hiện tại, vừa giúp ích cho gia đình và cho cả hàng xóm xung quanh, trong thời loạn.

     Khi trình độ học của hai chị vào khoảng lớp 3, ba lên tận Vĩnh Long, thuê đất, rồi trở về Phú Hữu đốn cây sao trong vườn, chặt lá dừa nước chằm lá lợp. Một căn nhà lá nho nhỏ, đơn sơ được dựng lên, không cách xa đền thờ cụ Phan Thanh Giản là mấy. Chọn thời cơ thuận tiện, ba đưa hai chị lên tỉnh, theo học chương trình Pháp. Dĩ nhiên, hai chị tôi, nói, viết tiếng Pháp trội hơn các bạn cùng lớp.

     Lúc ông bà nội đã rời khỏi cuộc đời, ba má bồng bế các con rời hẳn ấp Phú Hữu, lên lập nghiệp ở xã Giồng Ké, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ba là con út trong gia đình, nhưng là rể cả bên nhà vợ. Ông ngoại, chẳng may mất sớm khi tuổi đời còn khá trẻ. Ba đã thay ông ngoại chăm sóc cho đàn em vợ gồm môt gái và bốn trai. Ba không nệ hà, lo cho tất cả đi học chữ hoặc học nghề và cáng đáng cả công ăn việc làm cho các cậu. Bà ngoại rất thương và trọng ba, nên mỗi lần dì hay các cậu của tôi, muốn làm điều chi, bà ngoại đều bảo “hỏi anh hai bây đi”. 

     Tình hình nước nhà ngày một khó khăn, ba phải đi làm xa, mỗi tuần về một lần. Trong thời đại xa xưa ấy, ba đã viết thư cho má, cám ơn má đã thay ba chăm sóc cho các con. Lá thư đó vẫn còn đây, như “mới hôm nào”. Khi má lâm bệnh, căn bệnh của phụ nữ. Ba đã bỏ công ăn việc làm về chăm sóc cho má cả tháng trời, từ thuốc men, đến miếng ăn ba tự nấu, việc giặt giũ cho má ba tự làm, dù trong nhà có người giúp việc. Niềm tự hào về ba, tôi không bút mực nào tả xiết. Ba không to tiếng, chẳng rượu chè, cờ bạc, hút thuốc, duy chỉ có một điều là ba rất thích cà phê. Sống ở Giồng Ké mà gửi mua cà phê tận tiệm Hiệp Phong ở Vĩnh Bình. Mỗi lần, mua chỉ 50gr, ba không mua nhiều, ngại trữ lâu sợ mất đi hương vị đậm đà. Lúc tôi tập tành uống cà phê để thức đêm học thi, thường xin ba “ba nhớ cho con nước dảo nghe ba”. Ba vừa cười “con uống vậy chắc cà phê dẹp tiệm hết”.

     Thời thơ dại, các chị em tôi rất hạnh phúc là được quấn quýt bên ba má, quây quần bên bàn ăn, vừa ăn vừa nghe. Ba có duyên khi kể chuyện, chuyện ngày xưa, chuyện chạy giặc, chuyện trồng cây ăn trái cho đến chuyện ba chống lại bọn ăn cướp đến viếng nhà. Má tôi thường bảo “cha con ăn cơm từ chuối trồng cho đến chuối trổ”. 
  

     Ba say mê với công việc, quần quật lo cho mười đứa con từ việc ăn học đến lúc anh chị em chúng tôi có mái ấm riêng. Các con dần xa vòng tay trìu mến của ba và xa cả một bờ đại dương. Mãi đến năm 1984, có dịp gặp lại khi ba má sang Úc đoàn tụ. Sống trong môi trường mới, đầy đủ hơn lúc còn ở bên nhà, nhưng tính cố hữu cần cù, không hoang phí của ba vẫn y nguyên. Ba chắt chiu dành dụm lo tiếp cho những đứa con còn kẹt nơi quê nhà.

     Năm 1997, ba lại trở bịnh nặng, phải nhập viện, hết ra lại vào. Còn trên giường bệnh, có lẽ ba biết hơi tàn sức kiệt, nên chỉ nói với tôi một 1 câu bâng quơ, nói mà không chủ đích giao phó trách nhiệm “Ba chết rồi ai lo cho má con!”. Ba má có đến 10 đứa con, chuyện chăm sóc không khó khăn chi, nhưng ba vẫn lo. Trấn an và giúp ba lạc quan hơn, không để ba nghĩ ngợi hay lo sợ...trên đoạn cuối đường ba đi, tôi vờ bâng quơ theo, “ba có đến 10 đứa con, lo chi không ai chăm sóc cho má”. Sau câu trả lời, tôi len lén nhìn, trên khuôn mặt đau đớn của ba hằn thêm nét đâm chiêu. Rồi ba lặng lẽ, đôi mắt nhắm nghiền, không nói một lời nào nữa.

     Bác sĩ cho biết, gia đình chúng tôi cần chuẩn bị tâm lý, cho một ngày sẽ đến. Thời gian này, ba sợ làm phiền các y tá, nên việc tắm rửa, vệ sinh do chị thứ hai và tôi chăm sóc. Những lúc ấy, ba như “đứa trẻ rất ngoan”. Tôi thương nhất là lúc chải tóc, ba đứng yên, không nhúc nhích và tôi tự hỏi chính mình, ngày xưa lúc các con còn bé, liệu chúng tôi có ngoan được như thế này không! Ba mấp mé bên bờ vực thẳm, sắp gần đất xa trời nhưng vẫn còn giữ sự hóm hỉnh, như đêm tôi ngủ ngồi trên ghế, với tư thế, gục đầu trên giường bịnh, cạnh chân ba. Vì nhiều đêm tôi ở lại trong bệnh viện, hôm ấy mệt quá, tôi say ngủ. Ba tôi gọi, tôi có nghe chi đâu. Ba lấy chiếc gối, ném về phía tôi, tôi choàng tỉnh giấc. Ba mỉm cười và hỏi một câu “con vô canh ba hay ba canh con?”. Dĩ nhiên là tôi canh chừng ba mỗi đêm, chỉ sợ ống trợ thở bị sút dây.

 
           Rạch Bàng một thuở ôi tình
          Dòng sông còn đó chuyển mình luân lưu
          Lời xưa nhẹ thoáng như ru
          Như hờn như trách như u uất lòng
          Cố hương vời vợi xa trông
          Bè mơ thả lại dòng sông hôm nào
          Để nghe sóng nước rì rào
          Để vơi một ít nỗi đau cuối đời
 
     Ba đã về bên kia thế giới, nhưng khuôn mặt mãn nguyện của ba mãi đeo đẳng bên đời tôi. Mãn nguyện sau thời gian hơn nửa giờ ba tìm về quá khứ chí đến phút giây hiện tại. Ba bảo rằng “may quá”, từ trước đến nay ba không làm điều gì sai trái. Và khuôn mặt bình thản của ba như trút một gánh nặng, khi nghe tôi không ngần ngại và rất dứt khoát trả lời “con sẽ lo cho má”, khi lần thứ hai ba nói bâng quơ “Ba chết rồi ai lo cho má con”.

     Má tôi, một cánh hoa đời, mùa xuân đã lặng lẽ qua, nhưng ba, cánh bướm đa tình, lúc biết mình sắp trút hơi thở cuối cùng vẫn quẩn quanh, gửi gắm và mong chờ một lời hứa thay ba lo cho má. Một cánh bướm vờn hoa lúc hoa khi xuân đời mười sáu và khi gục đầu bên cửa tử vẫn vẹn tình trọn nghĩa với cánh hoa tình Võ Thị Thoại, cũng đang thời sắp rụi tàn.

Kim Phượng
Lần Giỗ Thứ 24 Của Ba, 30 tháng 10 năm 2021.
 

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Thu Chia Phôi

 

Bài Xướng:

Thu Chia Phôi


Một làn hương nhẹ thoảng trong đêm
Thu của vấn vương gọi trước thềm
Sau lớp song thưa hồn mở ngỏ
Chỉ làm ray rứt trái tim thêm

Thu mùa vàng lá cảnh chia phôi
Kỷ niệm trong nhau vụn vỡ rồi
Thả mảnh ân tình bay tứ xứ
Mong gì vá víu trái tim côi

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Thu Cảm

Thoảng gió thu về dỗ giấc đêm
Hương thu nhè nhẹ thoáng qua thềm
Trăng thu huyền ảo ngoài song cửa
Chạnh nhớ thu nào….vương vấn thêm

Thu về chỉ gợi cảnh phai phôi
Vàng lá theo nhau rụng cả rồi !
Thu trước người đi tình vụn vỡ
Hồn nầy đã ngập nỗi đơn côi

songquang
20211025

 

 

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Đàn Đứt Dây Tơ

 

 (Quang, Bình, Như, Thầy Thành)

Trời giăng sầu… Đời đã vào thu!
Chiều nay lá trút quyện mây mù
Heo may gió hỡi xin ngừng động
Sầu dâng liệm kín cõi thiên thu

    Việt Nam đã vào thu, lá cuối mùa rơi rơi. Gió heo may đã vô tình đưa phiến lá đời vào cõi thiên thu, giăng giăng sầu trang Blog Long Hồ, gây bàng hoàng, xúc động cho người Vĩnh Long, những ai đã từng là bạn của anh. Chiếc lá đời vừa rơi rụng, tôi muốn nhắc đến là Anh Nguyễn Thế Bình.

    Những tháng ngày dài tha hương, xa đất mẹ, nhưng rồi như một tình cờ tôi như được “trở về” Vĩnh Long, khi “gặp” Anh, qua những tác phẩm đã thực hiện dưới dạng Youtube. Anh sáng tác không mệt mỏi, Anh đến với Trang nhà Long Hồ từ khi mới thành lập. Anh đã dâng hiến những tác phẩm cho Trang nhà nói riêng và cho những ai yêu thích nhạc qua dạng Youtube.

    Sau này, giúp Kim Oanh một tay trong việc đăng bài vào trang Long Hồ, tôi có cơ duyên phụ trách các Youtube của Anh, và có dịp liên lạc với Anh nhiều hơn qua “email”. Biết Anh, tôi biết thêm Anh từng là Hiệu trưởng của trường Tiểu Học, là một Thầy giáo có lương tâm, hết lòng giúp đỡ cho các em học sinh hiếu học. Ngoài ra, Anh còn là một trong những tay đàn của tỉnh nhà Vĩnh Long, trong ban nhạc của Thầy Thành.


 (Trong Buổi Lễ Phát Thưởng Ở Vĩnh Long)


    Thầy Nguyễn Văn Thành, cũng là Thầy tôi, một giáo sư phụ trách môn Âm nhạc cho học sinh cấp bậc Trung Học tại nhiều trường, của tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình. Anh Bình đã từng tham gia vào ban nhạc The Star Light của Thầy. Đây là một ban nhạc đã từng làm mưa làm gió nơi quê tôi, Vĩnh Long. Dĩ nhiên, khi trình diễn đều có tiền thù lao. Tuy nhiên, ban nhạc The Star Light với chủ yếu là vui, nên đã từng giúp vui trong những buổi tiệc tại dinh Tỉnh Trưởng tỉnh Vĩnh Long, hay sang tận Sa Đéc giúp vui cho một nhóm binh sĩ thuộc Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Hoặc những buổi lễ phát phần thưởng cuối năm của trường Trung Học ở Vĩnh Long và trường Trung Học Công Lập Vĩnh Bình. Khi nghe anh kể về buổi trình diễn cho trường Trung Học Vĩnh Bình, tôi rất xúc động, vì trường này tổ chức phát thưởng tại rạp hát Phú Vinh, là nơi tôi đã từng đến. Dù không có diễm phúc để gặp Anh nơi đây, nhưng khi nghe Anh nhắc đến rạp hát Phú Vinh, lòng tôi không khỏi bồi hồi, hồi ức của tuổi thơ năm nào ào ạt trở về...

(Sân Khấu Ở Vĩnh Bình)

      Đời có hợp rồi tan, khi hay tin Anh đã vĩnh viễn ra đi hôm 20 tháng 10 năm 2021. Nhằm ngày 15 tháng 9 năm Tân Sửu, hưởng thọ 74 tuổi. Phải chăng Anh là chiếc lá cuối mùa, đã âm thầm rơi rụng trong quạnh quẽ, thương đau, như một cung đàn lỡ, nhưng lắng sâu, đi vào “cõi nhớ” Long Hồ, tiếng đàn chơi vơi trong thu tàn, nhưng gây nuối tiếc nhớ thương của một người vừa nằm xuống. Nguyện cầu Hương Linh Anh đời đời an lạc nơi cõi Vĩnh Hằng.

Kim Phượng


Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Hồi Tưởng

Xướng:

Hồi Tưởng


Đáy nước trong veo gợn bóng hình
Đấy cành liễu rũ dáng xinh xinh
Hồn xưa sống lại bao lưu luyến
Cảnh cũ đeo mang bấy hữu tình
Chờ cánh thiên di lòng khắc khoải
Mong lầu hoàng hạc ánh lung linh
Cố nhân biền biệt phương xa ấy
Còn nhớ hay chăng chuyện chúng mình

Kim Phượng
***
Họa:

Rồi Cũng Chia Tay

Thao thức suốt đêm bên chiếc hình
Ngày xưa em tặng nét môi xinh
Đôi ta Thu đến bao la nghĩa
Hai đứa Xuân sang thắm thiết tình
Vóc liễu thướt tha như trúc ngọc
Dáng hoa xinh xắn tợ mai linh
Ngờ đâu tan tác hai trời lạ
Buồn nhớ chuyện xưa của bọn mình

Toronto 19/10/2021
Nguyên Trần



Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Chiều Thu Về

       Ảnh : Kim Phượng

Chiều thu về lạnh gió heo may
Bó gối xa trông luyến tiếc ngày
Chạnh nhớ những điều không dám nghĩ
Vẫn hằng ấp ủ bấy lâu nay

Chiều thu về lá rụng bên song
Lại nhớ người ta bạn của lòng
Vàng lá thu rơi sao cứ mãi
Bao giờ cho hết những ngày mong

Kim Phượng 

 

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Những Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Muốn Làm Thánh


    Năm 1942 tôi học tại Tiểu Chủng Viện Đạo Ngạn; vào một giờ ra chơi, tôi gặp Hương, cùng lớp, anh là dưỡng tử của cha Trang sau tôi; anh nói cho tôi biết cha Trang đã vào dòng khổ tu Châu sơn; một nơi suốt đời ăn chay đánh tội.

    Từ hôm đó tôi luôn luôn suy nghĩ về cha Trang: một cha xứ nóng như lửa, cả địa phận ai cũng biết, đã từng làm thơ ký cho Đức Giám Mục, tiếng tăm lẫy lừng khắp địa phận, nay vào tu Châu sơn, một nơi khỉ ho, cò gáy, rừng thiêng, nước độc; chắc phải có lý do đặc biệt nào đó, ngài mới làm như vậy. Tôi biết ngài là một con người “cầu toàn”: khi bắt tay vào việc gì, thì làm cho bằng được, và đạt tới mức hoàn hảo mới chịu. Tôi nhớ lại lúc ở với ngài tại Đồng tỉnh, có một thời gian ngài chỉ ăn cơm rau luộc chấm nước mắm. “Phải chăng ngài muốn làm thánh?” tôi tự hỏi? Thế rồi, tư tưởng làm thánh ám ảnh tôi. Có những đêm khó ngủ, tôi ngẫm nghĩ, "Ăn chay đánh tội như thế, chỉ sáu thàng, môt năm có thể chết được; càng ăn chay đánh tội nhiều, thì càng chóng chết, mà chết như vậy là thánh rồi! Làm linh mục triều, đi coi xứ, nhiều chước cám dỗ, khó làm thánh quá!”

     Tôi bắt đầu cầu nguyện, xin ơn soi sáng, để tôi có thể vào Châu sơn tu, nơi mà lúc bấy giờ tôi tưởng là dễ và sớm thành thánh nhất! Có những đêm, thức giấc, tôi lén vào nhà nguyện,( trên lầu căn giữa, nhà ngủ của tôi trên lầu căn bên) quỳ giang tay lần hạt. Sau nhiều lần bàn bạc tôi và Hương cùng đồng ý, theo cha Trang vào tu Châu sơn; vì thế một tháng trước cuối năm học, hai chúng tôi gửi thơ cho cha Bề trên Châu sơn, Lê Hữu Từ, sau này là Giám mục Phát diệm; Trong thơ trả lời ngài bảo, vì là chủng sinh nên phải có phép Đức Giám mục địa phận mới được; ngoài ra chúng tôi còn phải vào tu viện cấm phòng (tĩnh tâm) một tuần, xem thế nào đã.

    Việc xin phép Đức cha rất khó đối với tôi, vì cha nuôi của tôi đã đổi về xứ Mốt, rất xa tòa Giám mục! Theo thông lệ của trường, vào kỳ nghỉ hè, cha Bề trên thường yêu cầu hai hoặc ba chủng sinh ở lại trường một tháng để giúp lễ các cha giáo; hai chúng tôi liền bàn với nhau xin ở lại. Theo đúng kế hoạch, kỳ hè năm đó, ở lại trường được một tuần, tôi lén sang nộp đơn cho Đức cha trước; không dám cho cha Bề trên biết, vì sợ, nếu công việc thất bại thì ê mặt. Khi nộp đơn, Đức cha hỏi tôi, “Tại sao con không xin tu tại các dòng gần đây,như Đa minh, Chúa Cứu Thế, mà lại đi tu Châu sơn cho xa vậy ?” “ Kính thưa Đức cha,” tôi trả lời, “ con chỉ muốn tu Châu sơn thôi ạ.” Nghe xong Đức cha phê mấy lời ưng thuận vào ngay đơn của tôi .Trườc khi ra về tôi hỏi thêm ngài, “ Kính thưa Đức cha, nếu con vào cấm phòng xong mà không được nhận, thì con có được trở lại trường để học tiếp không?” Ngài trả lời, “Được! Miễn là con đừng trở lại sau ngày khai giảng của trường.” Tôi cám ơn ngài rồi về lại Chủng viện.


    Một hôm, tôi đang đứng nói chuyện với Hương ở nhà chơi, cha Bề trên gọi tôi lên phòng hỏi, “Tại sao con xin đi tu Châu sơn mà không nói cho cha Giải tội ( Linh hướng) biết trước?”. Lúc đó tôi không hiểu tại sao ngài lại biết ý định đi tu Châu sơn của tôi; tôi không bàn với cha Linh hướng vì như thế ngài sẽ nói cho cha Bề trên biết, lúc đó cha Bề trên sẽ cản trở, không cho tôi đi, ngài rất quý mến tôi; “Chắc chắn Đức cha đã nói cho ngài hay” tôi tự nghĩ, liền trả lời, “Con chỉ muốn vào trong đó cấm phòng ít bữa thôi.” Ngài nói ngay,”Con cứ ở đây, cha giúp con cấm phòng cả tháng cũng được!” Tôi trả lời, “Dạ!Dạ!” Rồi rút lui.

Thạch Trong 

 

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Thì Đi Thì Ở


Bài Xướng:

Thì Đi Thì Ở


Tuổi già ngày tháng theo nhau đi
Sinh ký tử quy chẳng hẹn kỳ
Xứ lạ mang mang tình cố lý
Quê người đau đáu hận chia ly
Trông vời mây nổi trôi lờ lững
Ngoảnh lại liễu buông rủ rậm rì
Quán trọ một đời trời đã tối
Thì đi thì ở bận tâm chi

Phạm Khắc Trí
***
Đường Trần

Cát bụi đường trần chuyện ở đi
Xem như là đấy buổi phân kỳ
Chia tay ắt có ngày sum họp
Gặp mặt để rồi khóc biệt ly
Trăm nhớ trao nhau lời thắm thiết
Ngàn thương xóa bỏ tiếng rầm rì
Nay còn mai mất nào ai biết
Ấm lạnh nhân tình chẳng đáng chi

Kim Phượng


Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

Vĩnh Long Kỷ Niệm

 Ảnh: Kim Phượng (Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long 2011)

Có ai về đến quê Vĩnh Long
Hãy nhắn dùm tôi gởi thật lòng
Hỏi thăm thầy cô bè bạn cũ
Những lời thân thiết nhớ đợi mong

Mái trường xưa phượng đỏ đầy sân
Tà Áo trắng bay nhẹ lân lân
Khắc khoải trong lòng thở xưa đó
Bùi ngùi kỷ niệm vẫn phân vân

Huỳnh Phương Trạch

 

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Kim Phượng - Một Thời Để Nhớ


 
(Kim Hiệp 3 tuổi núp sau lưng, Kim Phượng năm tuổi bồng Kim Hội 1 tuổi- Giồng Ké 1955)
 
 
Hiệp Thành là tiệm chụp hình của gia đình, ở Giồng Ké và Kim Phượng được làm người mẫu cho cậu Năm, cậu thử máy ảnh do ba mới mua.







Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

Thăm Người Phương Xa


Im hơi lặng tiếng người ơi
Ngóng trông lửa đốt chơi vơi đứng ngồi
Chuyện gì đã xảy ra rồi
Ở bên xứ ấy bồi hồi bên nây

Nhìn trăng liềm khuyết nhớ người
Chờ tin đợi tiếng tưởng cười mỉm chi
Hỏi thăm người đã nghĩ gì
Bao nhiêu tháng đợi lắm khi thở dài

Mong sao người được bình an
Lời thơ nhắn gởi yên khang vững lòng
Chúc người tránh được long đong
Chúc người thơi thới chỉ trông vui vầy

Nguyễn Cao Khải 

 

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Rừng Thu



Bài Xướng:

Rừng Thu

Lữ khách dạo rừng tối nguyệt minh
Sương lam mờ ảo, cảnh gieo tình
Bạt ngàn cây vút đầy hùng vĩ
Dào dạt lá rơi thật hoạt linh
Trăng mọc đĩa vàng trên núi thẫm
Thác tuôn nước bạc cạnh hồ xinh
Hươu nai tự tại bên dòng suối
Điệp khúc thu về...hát thái bình!

Duy Anh

Oct.04th 2021
***
Bài Họa:

Hồn Thu

Hoàng hôn đã tắt lóe bình minh
Cảnh vật quanh đây luống hữu tình
Nắng sớm xuyên cành tia rực rỡ
Sương đêm đọng giọt ánh lung linh
Chim muông cất tiếng chào ngày mới
Phiến lá oằn mình chuyển sắc xinh
Có phải hồn thu vừa trở giấc
Trong tôi sống lại thuở an bình

Kim Phượng 

 

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

Mây Tần Phạm Khắc Trí



Kính chúc Thầy sinh nhật thứ 88, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc bên Người thân qua món quà lưu niệm này.

Điền viên vui thú với thi ca
Tao nhã trò chơi hưởng tuổi già
Đất khách lưu vong thêm lắm bạn
Vườn thơ tao ngộ trổ đầy hoa
Tình tròn con chữ tình vời vợi
Ý trọn câu thơ ý đậm đà
Chén rượu kính Thầy mừng chúc thọ
Cùng Mây Tần mãi vút lan xa

Kim Phượng

 

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Hoa Thơ

 

Bài Xướng:

Hoa Thơ

Thơ Thẩn Vườn luôn đủ sắc hoa
Thân yêu trang Blog của bao nhà
Thi nhân chốn chốn vui từ hứng
Tinh tú nơi nơi thả vận ngà
Phải lúc phong vân mùa hội tụ
Hay đây cú điệu buổi giao hòa
Đưa hương gởi tặng mời thân hữu
Bút mực văn kề nối ý xa.

Quên Đi
***
Bài Họa:

Vườn Thơ

Thi nhân tô điểm nét tinh hoa
Xướng họa chung vui thể một nhà
Kết chữ gieo vần truyền cảm hứng
Đề thơ khai bút động tay ngà
Khu vườn vẫn thắm cầu mưa thuận
Hoa trái còn xanh cậy gió hòa
Hạt giống từ tâm cùng tưới tẩm
Thâm tình bằng hữu thoảng hương xa

Kim Phượng


Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

Lỡ Nhịp Đàn

Bài Xướng:

Lỡ Nhịp Đàn

Đàn xưa lỡ nhịp… xót xa chiều,
Góc nhỏ nơi này sợi nắng xiêu.
Ai trổi khúc sầu khơi dậy gió,
Ta nghe giọt đắng cuộn dâng triều.
Hững hờ dõi bướm phiêu phiêu giỡn,
Ngần ngại mơ hồng thắm thắm yêu.
Đứng lặng bên đời phơi bóng lẻ,
Cuộc vuông tròn ấy… có đâu nhiều!

dovaden2010
***
Bài Họa:

Đàn Lòng Lỡ Nhịp

Đất khách bơ vơ có những chiều
Bờ vai nghiêng nắng bóng xiêu xiêu
Thuyền hồn ngụp lặn đầu con sóng
Bể ái trào dâng ngọn thủy triều
Muốn thoát hữu tình vằng vặt khổ
Lại vay bạc bẽo lỡ làng yêu
Rằng ai trổi khúc tương tư ấy
Lỡ nhịp duyên tan đã ít nhiều.

Kim Phượng

***
Lỡ Làng

Cung đàn réo rắt xót xa nhiều
Đã lỡ bao lần dạo tiếng yêu
Độc tấu âm ba thuyền dạt sóng
Đơn ca nhịp điệu nước dâng triều
Nhìn sông bến vắng, người chưa đến
Ngắm đất trời buồn, nắng đã xiêu
Vẫn khúc bi ai chờ đợi mãi
Ngân vang cho tới tuổi về chiều

ChinhNguyên/H.N.T. , Oct.6.21



Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Những Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Giáo Lý Viên Khiếm Thị


     Năm 1940 cha xứ Đường lệ có nuôi một người bị mù từ lúc mới sinh: khi tôi gặp thì ông ta đã đứng tuổi rồi. Ông này có trí nhớ rất đặc biệt: Ông thuộc hầu hết các kinh mà một Giáo dân thường đọc mỗi ngày, nhất là Kinh bổn (Giáo lý).


     Tôi còn nhớ năm đó, tại một giáo họ có lớp giáo lý cho các em nhỏ Chịu Lễ Lần Đầu và một lớp Tân Tòng cho người lớn. Giáo họ này cách nhà xứ khoảng ba cây số; một chặng đường chia làm ba khúc: Từ nhà xứ đi ra là con đường làng, quẹo phải vào một khúc đê, đi khoảng một cây số, tới ngã tư, quẹo phải vào con dường làng khác, cũng khoảng một cây số nữa, tới nhà thờ Họ đạo, nơi ông được cha xứ sai đến để dạy Kinh và Giáo lý cho dân làng.

     Đầu tiên, người nhà dẫn ông này đi vài lần, rồi sau đó ông tự đi lấy một mình. Hằng tuần, cứ chiều Chủ nhật cơm nước xong, ông ra đi tới họ đạo, ở đó dạy Giáo lý, tới chiều thứ Bảy, ông trở lại nhà xứ, dự lễ ngày Chủ nhật. Có lần tôi thắc mắc, hỏi cho biết làm thế nào ông ta đi, về như vậy mà không lạc đường; ông nói rằng ông vừa đi vừa lần chuỗi , và ông tính đến chục thứ mấy (1,2,3,4 hay 5) thì tới bờ đê, và đến “sự” nào (Vui,Thương hay Mừng) thì quẹo vào họ đạo…Nghe nói thì biết vậy, chứ tôi vẫn không hiểu làm sao ông ta lại đi tới nơi, về tới chốn được như thế?

     Ông này làm tôi nhớ đến năm 1937, tại xứ Mỹ lộc có một bà độc thân, khỏang 40 tuổi, và một cô gái mồ côi, người Nùng, khoảng 19, 20 gì đó; hai người này chuyên lo xay lúa, giã gạo cho nhà xứ. Tôi không còn nhớ cô gái này tên là gì, chỉ biết cô ta có một thân hình thật cân đối; hai bàn tay với những ngón tay thon dài, nước da trắng mịn, gương mặt xinh xắn, đôi môi đỏ, cặp má hồng; chỉ tội hai lỗ mắt sâu hoắm, kéo ngang bởi hai màng trắng, trông thật tội nghiệp!


     Bây giờ nghĩ lại, nếu không bị mù, cô ta có thể đăng ký thi hoa hậu và đoạt giải một cách dễ dàng. Điều đáng nói ở đây là cô ta nhận ra người trong nhà: từ cha xứ, tới các thầy đến các chú giúp lễ, bằng cách nghe tiếng chân đi của từng người. Mỗi khi có ai tới gần, cô liền cất tiếng chào, kèm theo tên của người đó một cách chính xác, không bao giờ lầm lẫn! Phải chăng những người khiếm thị thường có giác quan thứ sáu hay thứ bảy nào đó?

Thạch Trong(HĐN)
 

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Hồi Tưởng


Đáy nước trong veo gợn bóng hình
Đấy cành liễu rũ dáng xinh xinh
Hồn xưa sống lại bao lưu luyến
Cảnh cũ đeo mang bấy hữu tình
Chờ cánh thiên di lòng khắc khoải
Mong lầu hoàng hạc ánh lung linh
Cố nhân biền biệt phương xa ấy
Còn nhớ hay chăng chuyện chúng mình

Kim Phượng