Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Xương Rồng


(Kính tặng người vừa qua cơn hiểm nguy.)

       Như một tình cờ mang nhiều ý nghĩa, từ bên kia nửa vòng trái đất, nơi phương Bắc có người gửi về phương Nam nơi đây, những lời nhắn nhủ đầy thâm tình qua một PPS mang tên “49 Bí Quyết Để Sống Vui ”.

       Bốn mươi chín bí quyết này, được trải dài trên những slides. Mỗi slide có nền lót là hình ảnh những loài hoa đủ màu, đủ loại khác nhau, trong cùng một Họ của Xương rồng. Nội dung trong bốn mươi chín bí quyết, lời chẳng cần bóng bẩy, trau chuốt, nhưng đầy tình, đủ ý giúp cho những ai tự biết chăm sóc thân, tâm và qua đó có dịp suy tư về chính con người của mình trong cuộc sống. Đó là lời gửi gấm: “ Hãy tin tưởng rằng sự hiện hữu của bạn trên đời là món quà cho cả thế giới”.
       Thế giới có lắm kỳ hoa dị thảo…muôn hình vạn sắc. Và một câu hỏi được đặt ra, tại sao người làm nên PPS này lại chọn thân và hoa Xương rồng để làm nền?
       Xương rồng, vừa nghe qua cái tên dễ làm người ta liên tưởng đến dáng hình thô tháp, gai gốc, thậm chí muốn lánh xa ngay trong tư tưởng, dù rằng đây là loài thực vật. Xương rồng phần lớn là loại cây mọng nước, gồm hơn 2000 loại. Họ Cactaceae, giống này không có nhựa mủ. Họ Euphoribiacea, giống cây có mủ đục, rất độc, nhưng cho hoa đẹp và được ưa chuộng để trang trí. 
       Các loại cây thuộc họ Xương rồng rất dễ trồng, không bận tâm chăm sóc cho lắm. Đây là loại thực vật dễ tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt nơi môi trường sinh sống. Tuy nhiên, đã là thực vật, chúng cũng cần đến ánh sáng, không khí, thời gian khô mát thích hợp hầu phát triển bình thường. Thiếu ánh sáng, cây cành sẽ ốm yếu, mỏng manh, dễ dàng biến dạng và sâu bọ có cơ hội làm hại.
       Xương rồng rất phong phú và đa dạng. Sự phong phú do bởi môi trường sống của cây. Có loài Xương rồng sống ở vùng sa mạc nắng nóng, khô khan. Một số khác sống lan rộng, bám trên thân hay cành cây, chốn rừng rậm ẩm ướt.
       Dù ở môi trường nào, sự đa dạng của Xương rồng được tìm thấy bởi hình dáng, lá và hoa. Thân cây có thể xem như thiên hình vạn trạng về dáng dấp to nhỏ, cao thấp. Lá lại là một sắc thái đặc biệt của Xương rồng. Có những chiếc lá đã nhỏ, càng thu nhỏ hơn đến độ trông như chiếc gai vừa nhọn lại sắc hoặc thật nhỏ, tí xíu như một cọng tơ, các cọng tơ bám chung vào nhau, trông như nhung. Hoa, kết hợp bởi những cánh mỏng rất tương phản với hình dáng của thân, lá và mang nhiều màu sắc thắm tươi. Trong thiên nhiên, dù Xương rồng sống nơi sa mạc hay rừng rậm, người ta cũng có thể mang chúng về đồng bằng, nếu như con người biết tìm tòi, học hỏi về phương cách chăm sóc như cắt tỉa, uốn sửa, theo dõi quá trình sinh trưởng, là chúng có thể tồn tại. Để rồi từ đó, một loài cây nơi xa xôi lại có thể thân cận, sống cạnh với người nơi sân trước, vườn sau hay len hẳn qua khung cửa vào tận trong nhà. Cây có thể được trồng trong những chiếc ly xinh xinh, cái tách nho nhỏ hoặc những chậu kiểng đa dạng. Người có tâm hồn lãng mạn, đa cảm đa sầu, ưa suy tư, giàu mộng tưởng, thích nhắc nhớ, lại đặt Xương rồng cạnh khung cửa sổ hay cho nằm lồ lộ trên bàn làm việc. Qua cái đẹp, thiện, mỹ, cái sắc thái đặc biệt của Xương rồng, đã biến chúng thành một loại cây kiểng rất phổ biến.
       Với loại Xương rồng vùng sa mạc, đất trồng phải dễ thoát nước, bằng cách trộn thêm cát hay sỏi nhỏ vào đất. Hiện nay, trên thị trường họ đã biến chế sẵn loại đất dành cho Xương rồng. Loại này dù chịu nắng và nóng của sa mạc, nhưng vào mùa khô, cũng cần phải tưới nước. Để bảo tồn cây, khi tưới phải để cho đất hoàn toàn khô giữa hai lần tưới, nếu dư nước cây có thể thối nhũn và chết. Ngoài ra, trong giai đoạn cây phát triển, cũng cần đến phân bón. Phân bón được hòa vào nước và ba tuần tưới một lần. Loại Xương rồng này được ưa chuộng trồng trong chậu, tuy nhiên không nên thay chậu thường xuyên, cây dễ mất sức, ngoại trừ lúc rễ cây đan đầy trong đáy chậu. Đây là loại cây thích nhiệt độ cao, tuy nhiên chúng có thể chịu đựng ở nhiệt độ thấp đến trừ 50 độ C. Những loại Xương rồng được ưa chuộng cho thú chơi cây cảnh, bởi vóc dáng của thân cây. Loại này được trồng theo nhóm với thân cao thấp, lớn nhỏ, làm nổi bật sự tương phản về đặc sắc. Loại thân lớn được chọn trồng riêng trong chậu. Những loại thân nhỏ thì họ lại trồng xen kẻ nhiều loại, cũng được trồng trong chậu.


       Loại Xương rồng sống trong rừng rậm thì ngược lại, dạng thân bò, mọc lan trên thân, cành cây khác, nơi có độ ẩm cao. Loại này rất thích ánh sáng, nhưng không là ánh nắng trực tiếp. Dù rằng cây cần độ ẩm cao, nhưng chúng cũng cần thoát nước, vì thế trong giai đoạn cây phát triển mạnh, chúng cần được phun sương. Cũng như đời sống của loại thực vật khác, chúng cũng cần được nghỉ ngơi sau thời kỳ nở hoa. Sau thời kỳ ra hoa, đặt chúng vào nơi râm mát, tưới nước và giữ như thế cho đến kỳ ra hoa khác. Khi hoa bắt đầu xuất hiện, cây cần nước và phân. Phân được pha loãng , tưới mỗi tuần một lần và đặt cây nơi có nhiệt độ cao, nhiều ánh sáng. Hoa cho nhiều màu sắc, trắng, vàng, lam, hồng, xanh đỏ, tím, cẩm thạch. Hoa vừa to, đẹp, nên được ưa chuộng để trồng riêng rẽ hay đặt vào giỏ treo.
      Việc trồng Xương rồng, chỉ cần cắt cành, nhánh với dao sắc bén, treo cho khô nhựa hoặc đợi lành vết sẹo cắt là có thể đặt vào đất hơi ẩm và không được tưới nước sau khi trồng. Trồng thì dễ, nhưng nhược điểm của Xương rồng là ra hoa trễ, tuy nhiên chúng vẫn theo định luật của tạo hóa mà làm đẹp cho đời.
      Xương rồng là loại thực vật chịu đựng được sự khắc nghiệt của môi trường sống, điều thấy rõ nhất là những chiếc lá của chúng. Để tránh sự thoát nước từ các lỗ khí khổng nơi lá, nên phiến lá đã thu nhỏ, tưởng chừng như là một chiếc gai nhọn. Hiện nay tại Úc Châu, Xương rồng được ưa chuộng vì chúng vẫn giữ được màu sắc xanh, dịu mắt cho sân trước, vườn sau nhà. Được chuộng bởi vì, lục địa này đang trong tình trạng khan hiếm, nơi mà lệnh xử dụng nước được hạn chế tối đa.
       Dưới nhãn quan của con người, những ai tin vào Phong thủy, cho đây là một loại cây không mang đến sự may mắn vì là loại cây có gai gốc nhọn. Nhưng có ai hiểu được, để tồn tại, những chiếc lá xanh mướt kia phải chịu đau đớn thu mình dưới dạng chiếc gai để tránh sự thoát nước, hầu sinh tồn. 
      Trong cuộc sống và cả một đời người, có những sự việc không thuận lợi mà con người có thể ngăn ngừa để tránh xảy ra. Tuy nhiên, những sự việc đến, ngoài tầm tay hoặc quá sức chiu đựng, không thể giải quyết được thì chẳng ai còn đủ nghị lực để chóng chỏi, ngoại trừ chính mình biết uyển chuyển chuyển hóa mới hy vọng tìm được lối thoát như chiếc lá của Xương rồng. Gán cái tội không mang lại sự may mắn của Xương rồng, có nên chăng?
     Tôi, tự nhân cách hóa đời mình với chiếc gai Xương rồng bé xíu, đem hình dáng chiếc lá của một loài thực vật để nhắc nhở tôi. Nhắc nhớ rằng, dù trước phong ba bão tố của cuộc đời, dù hoàn cảnh khắc nghiệt xảy đến, tôi phải biết tự thu mình để sống còn như việc sống còn đến hôm nay, khi chịu quá nhiều búa riều của dư luận. Thu mình nhỏ đến độ bằng chiếc kim nhọn ở đây, không đồng nghĩa với sợ, nhưng là sự hiên ngang tự vệ, không sợ bất cứ ai trêu đùa trên nỗi đau hay xát thêm muối vào vết thương lòng. Nếu sợ, có chăng đó chính là sợ sự thật, chỉ sợ sự thật mà thôi.
      Tôi sẽ đặt câu hỏi cho người làm nên tác phẩm 49 Bí Quyết Để Sống Vui, vì sao họ chọn thân, hoa Xương Rồng làm nền cho các slides, nếu có dịp. Tôi sẽ nói cho người phương Bắc nghe, duyên kỳ ngộ về thâm tình của họ lúc PPS này được gửi đến cũng là lúc tôi đang viết loài cây này. Rồi tôi sẽ tự hỏi tôi, vì sao lại chọn một loại thực vật gai gốc để ẩn dụ đời mình. 
 Mơ, mong, chờ!
 Một ước mơ, một mong đợi, một đón chờ, nơi độc giả và tìm được gì qua thân cây không mấy dễ thương này. Có, được, không…mọi điều, thiết nghĩ không quan trọng, nhưng một điều nhắc nhớ, trong bất cứ môi trường sống khắc nghiệt nào, xin mượn lời: “ Hãy tin tưởng rằng sự hiện hữu của bạn trên đời là món quà cho cả thế giới.”
Cho cả thế giới!

Kim Phượng

Tài liệu nghiên cứu:
- Hoa, Cây Cảnh tác giả Lư Ái Lan.
- Cây Xương Rồng tác giả Huỳnh Văn Thới


Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Thơ Tranh Nghệ Sĩ: Căn Nhà Ngọai Ô


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Anh Bằng
Tiếng Hát: Kim Loan
Thực Hiện Youtube: Vanchus

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Mấy Đông


Trời lập đông âm thầm nỗi nhớ
Vành môi chờ khép lại xôn xao
Buồn ơi biết đến bao giờ nữa
Hồn tựa trăng treo lơ lững sầu

Ôm đớn đau đưa vào giấc ngủ
Giọt tình sầu cuồng lũ con tim
Lá bên thềm gió còn lay động
Hay bước chân từ vọng cõi âm

Vỗ giấc nằm nghe mưa tháng Sáu
Tiếng buồn rơi áo não đêm thâu
Màu thời gian tháng năm chưa nhạt
Khúc phượng hoàng đành lạc phím tơ

Tháng Sáu còn đây mưa nỗi nhớ
Người xa người trở giấc chiêm bao
Mấy đông tàn kiếp hoa lần lựa
Trái tim côi im khép nửa đời

Bên đèn soi nằm nghe mưa tháng Sáu

Kim Phượng



Núi Vọng Phu


      Núi Vọng Phu cũng có tên là núi Mẫu Tử, cao 2051 thước, trước kia thuộc tỉnh Darlac. Từ ngày quận Khánh Dương sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa, núi Vọng Phu đã nghiễm nhiên trở nên ngọn núi chúa của quần sơn tỉnh này.

       Chóp núi Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời; bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này tương tự hình người. Đứng xa ngoài 40 cây số vẫn còn trông rõ. Và, người ta có cảm tưởng như đó là một người mẹ đang bồng đứa con, phóng tầm mắt ra biển khơi đón chờ một người đi mà không bao giờ trở lại. Và, căn cứ theo truyện cổ tích, dân chúng địa phương mới đặt tên núi này là núi Vọng Phụ Người Thượng gọi là T.Yang-Mten.

      Tương truyền một thời xa xưa, có hai vợ chồng một bác tiều phu hiếm hoi con, nên bà vợ thường đi cầu tự khắp các đền chùa quanh vùng. May mắn, một ngày kia, bà hạ sinh được một cô con gái; qua năm sau lại hạ sinh được một cậu con trai. Vợ chồng tiều phu rất đỗi vui mừng, cám ơn Trời Phật đã nhỏ lòng thương đến.
      Hai chị em lớn lên trong tình thương của cha mẹ. Một hôm, hai chị em đang ngồi róc mía ăn. Vì giành nhau nhiều ít, đứa em sẵn có con dao trong tay, giáng một nhát lên đầu chị, máu tuôn xối xả. Kinh sợ và hối hận, đứa em bỏ chạy mất. Cha mẹ tìm khắp nơi vẫn không thấy. Vì nhớ con, hai ông bà ngày càng héo mòn rồi lần lượt theo nhau qua đời. Đứa con gái sống bơ vơ, không người thân quyến nương dựa, phải bỏ đi nơi khác tìm cách nuôi thân. Còn đứa em chạy đến bờ biển, gặp chiếc thuyền buôn sắp nhổ neo vào Nam, liền xin đi theo học nghề buôn bán. Thời gian trôi qua, nó khôn lớn lên và làm ăn khá giả. Bấy giờ lòng chạnh nhớ quê hương, cha mẹ càng nổi dậy nên nhứt định về quê. Nhưng, than ôi, khi về đến thì cha mẹ đã hóa người thiên cổ, chị thì bỏ đi biệt tích.
       Qua cơn xúc động, chàng sang một làng gần đó sinh cơ lập nghiệp. Chàng gặp một cô gái mồ côi, làm ăn lam lũ nhưng tính nết hiền lành. Cảm vì cùng cảnh ngộ, hai người đem lòng yêu nhau và thành đôi vợ chồng. Ở với nhau một thời gian trong cảnh gia đình thuận hòa đầm ấm, người vợ lại sinh được một trai. Không khí gia đình càng thêm mặn nồng.
Một hôm, người vợ gội đầu sau nhà, người chồng đi làm về, ra đứng xem. Vô tình, chàng thấy ẩn dưới làn tóc vợ có một vết thẹo, lấy làm lạ mới hỏi nguyên do. Người vợ thực tình kể lại kỷ niệm buồn mười năm xưa. Người chồng lặng điếng người khi nhận ra đó là người chị ruột của mình.
      Người chồng hết sức đau khổ vì chàng vô tình đã phạm phải lỗi loạn luân. Nhưng chàng đành chôn sâu nỗi khổ tâm ấy tận đáy lòng, không dám cho vợ biết. Thế rồi ngày hôm sau, lấy cớ đi buôn chuyến xa, chàng từ giã vợ con, giong buồm ra khơi, hẹn ngày trở lại. Người vợ có ngờ đâu lời hẹn về ấy hóa thành lời vĩnh biệt của chồng.
       Thời gian năm tháng trôi qua, chồng vẫn không thấy trở về mà âm tín cũng vắng bặt. Buồn rầu, đau khổ, nàng bồng con trèo lên đỉnh núi cao, trông ra ngoài biển cả, mỏi mòn tìm xem có thấy cánh buồm của chồng xuất hiện đâu không? Nhưng than ôi:

Bao năm đâu quản gió mưa,
Bồng con đứng đợi vẫn chưa thấy về,
Thời gian phai xóa lời thề,
Mẹ con hóa đá bên lề tháng năm.


(Thơ của Bình Nguyên Lộc).
      Từ đấy, những bạn thuyền đi biển, khi qua miền Trung, thấy buồm không căng gió, liền hát lên câu ca dao để mong nàng Vọng Phu giúp đỡ:

Lạy bà cho thổi gió nồm,
Chồng bà ở Quảng giong buồm theo vô. 

Hay là:
Lạy bà cho thổi gió đông,
Cho thuyền tôi chạy cho chồng bà lên.


Kim Phượng Sưu Tầm
Trích Điển Hay Tích Lạ


Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Tơ Lòng


Bên đời rối lắm một sợi tơ
Thêu mãi thâu canh mối tình hờ
Chỉ lòng rút ruột tuôn sắc thắm
Lạch luồn từng mũi bức tranh mơ

Khêu tim nỗi nhớ chẳng dừng tay
Hồn đầy chất ngất những cơn say
Vô tình chẳng biết người hờ hững
Giọt máu luân lưu cứ cạn hoài

Kim Phượng


Đừng Bỏ Em Một Mình


Trời lạnh quá sao đành bỏ em
Đâu vòng tay ấm bờ môi quen
Chiều đông buốt giá thèm tia nắng
Đôi ngã đôi đàng chẳng thấy nhau


Đưa tiễn người về huyệt đất sâu
Nghĩa trang gió lộng chắc thêm sầu
Ngàn sau và mãi ngàn sau nữa
Hai mái đầu xanh tóc vẫn xanh

Kim Phượng
Cảm tác từ Nhạc Phẩm Đừng Bỏ Em Một Mình của Nhạc Sĩ Phạm Duy


Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Chờ


Người nói tiếng yêu quá vội vàng
Chừng như! 

Đùa cợt nghĩa sang ngang
Hãy giữ tim hồng luân lưu máu
Chờ đến…
Khi tim khẽ rộn ràng


Kim Phượng

Một Chiều Mưa Quanh Bước


Có một buổi mưa chiều tôi cất bước
Nước mắt nào đẫm ướt cả đôi vai
Những nữ sinh lẩn trú ở hiên ngoài
Đâu có hiểu dưới mưa một người khóc

Đời bình yên như tuổi còn đi học
Hồn như lật giấy trắng, thoảng qua trang
Đâu có hay, đời bỗng chợt dừng chân
Như anh lính ngày qua vừa tử trận

Một cuộc đời bỗng trở thành giấy trắng
Đóng tập gì khi cỏ mọc xanh xao
Chuyện tình anh, cô nữ sinh bên rào
Cũng như mưa trôi xuôi vào quên lãng

Tôi đến đây tìm một chiếc áo trắng
Kỷ vật này trong năm ngón nhỏ nhoi
Mà dường như ủy thác cả cuộc đời
Cả năm tháng, cả tình xanh khi chết

Dưới cổng trường bùn sầu vương cỏ biếc
Nghe mưa về gõ mõ gió kinh sâu
Tôi trao xong kỷ vật cuộc tình sầu
Đành nhờ mưa rửa giùm tôi nước mắt

Bong bóng mưa căng tròn rồi vỡ nát
Như chuyện tình vừa nở đã nổ toang
Như hồn tôi những mảnh nước đã văng
Chỉ còn đây một vũng lầy nhân thế

Một chiều mưa trên thị thành nhỏ bé
Tôi xin trời xối rửa nổi đau thương
Ngàn hạt mưa chẳng rửa được con đường
Sao rửa được hồn tôi đầy vết mực

Hoài Tử

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Xướng Hoạ: Nếu..! Lỡ..! Xin..! Cho...

 
Bài xướng

Nếu...!


Nếu đừng thao thức những đêm thâu
Nếu cõi lòng vơi hết giọt sầu
Nếu chẳng xót xa người đến muộn
Nếu thôi day dứt mộng qua mau
Nếu màu hoa thắm như ngày cũ
Nếu cuộc tình say tựa buổi đầu
Nếu tấm thân ta là đá sỏi
Thì tim đâu có nhói cơn đau!
Nguyễn Gia Khanh


* * *
Các Bài Hoạ:

Lỡ...!

Lỡ đắng cay xin thời khắc thâu
Lỡ tim yếu đuối vướng u sầu
Lỡ câu hò hẹn lòng chôn kín
Lỡ khúc ân tình tim vỡ mau
Lỡ nhắc tàn tro giây phút cuối
Lỡ khơi hoa mộng buổi ban đầu
Lỡ duyên mai trúc xin an phận
Nếu bước chung đường e khổ đau!
Kim Phượng

Xin...!
Xin đừng trằn trọc suốt canh thâu
Xin chớ đầy vơi giọt lệ sầu
Xin hãy nhớ rằng duyên đã muộn

Xin ngừng tiếc nuối mộng tàn mau
Xin hoa mãi nụ dù phai nắng
Xin tóc còn hương đến bạc đầu
Xin được một lần tha thiết ngỏ
Rồi thôi, im lặng giữ niềm đau !...
Phương Hà


* * *
Cho

Cho cả cuộc đời cũng chẳng thâu
Cho nhiều như thế chuốc thêm sầu
Cho tình để đó còn suy nghĩ
Cho bạc ừ đây sẽ nhận mau
Cho hết thiết gì thân ốm đói
Cho thêm nào kể trọc trơ đầu
Cho hoài mới thấy vui trong dạ
Nếu mãi như vầy khó hết đau
Quên Đi


* * *
Vì...!


Vì ai trằn trọc suốt canh thâu
Vì vướng tình si để khổ sấu
Vì nỗi xót xa tình chín muộn
Vì lòng ray rứt mộng tan mau
Vì hoa quỳnh thiếu vầng trăng bạc
Vì trái tim phai nguyện ước đầu
Vì trót mang thân là hạt bụi
Nên đành trôi nổi giữa dòng đau !...
Lộc Mai


* * *
Vẫn ....


Vẫn nhớ tình em đã tiếp thâu
Vẫn dòng dư lệ lúc ưu sầu
Vẫn mang day dứt khi lầm lở
Vẫn muốn ân tình trả được mau
Vẫn "nếu" còn yêu đừng lỗi hẹn
Vẫn "xin"giữ trọn mối duyên đầu
Vẫn nuôi mộng ước dù hư ảo
Để trái tim hồng bớt khổ đau.
Song Quang


* * *
Một cảm hứng "Nếu" của Đỗ Chiêu Đức

Nếu... !
Nếu cỏi lòng bình thản tiếp thâu,
Nếu đừng thao thức dạ thôi sầu.
Nếu không day dứt người ly biệt,
Nếu chẳng xót xa mộng vỡ mau.
Nếu cuộc tình say như mới gặp,
Nếu màu hoa thắm tựa ban đầu.
Nếu lòng thanh thản thôi vương vấn,
Thì trái tim tình chẳng nhói đau !
Đỗ Chiêu Đức.


* * *
Thà

Thà rớt mồng tơi khỏi tóm thâu
Thà nghe gió lộng giữa đồng sầu
Thà nguyên bản chất dù xuân muộn
Thà vẹn linh hồn dẫu kiếp mau
Thà mặc Bà Ba gìn nếp cũ
Thà ăn đậu hủ diệt ma đầu
Thà chân chai cứng đi mòn sỏi
Chẳng chịu cúi lòn để tránh đau.
Cao Linh Tử


* * *
Có 1 bạn thơ trên facebook cũng hưởng ứng họa:

Chớ....!
Chớ buồn đối diện với đêm thâu
Chớ hoảng rơi nhằm cái vũng sâu
Chớ thấy điềm may mà sướng vội
Chớ xem điều rủi để sầu mau
Chớ nhìn quần áo truy lòng dạ
Chớ ngắm dung nhan đoán bụng đầu
Chớ có vội vàng lời phán xét
Trách người lầm lẫn hẳn mình đau
KyGan


* * *
Đừng...!

Đùng mơ bóp nát mảnh trăng thâu
Đừng đắm chìm trong bể khổ sầu
Đừng tự dày vò khi đến chậm
Đừng cười cay đắng lúc quên mau
Đừng trông cánh nhạn mờ chân núi
Đừng khóc mưa ngâu ướt mái đầu
Đừng vướng đa mang mà chuốc lụy
Vì đời đã quá đủ thương đau !
Phương Hà


* * *
Kính gửi Quý Thầy Cô và Anh Chị,
Cũng từ bài thơ Xướng Nếu của Tác giả Nguyễn Gia Khanh, em cũng xin được tham gia cùng quý Thầy và Anh Chị


Không…!

Không buồn sao biết được đêm thâu
Không nhớ ai đâu hiểu nỗi sầu
Không nợ sao lòng hoài thổn thức
Không yêu đời sẽ lụn tàn mau
Không nghĩa nào xui hai đứa gặp
Không duyên chẳng khiến kết đôi đầu
Không nói không thưa lòng khắc cốt
Xa rồi mới biết trái tim đau!
Kim Oanh


* * *

Có cà phê thức trắng đêm thâu
Có giặc hăm he nghĩ cũng sầu
Có nợ ngày đêm lo phải trả
Có tiền xài bậy chỉ già mau
Có tình yêu nước không theo giặc
Có nghĩa rèn tâm chớ cúi đầu
Có bạn kết đoàn đồng tâm sức
Có ngày mở mặt chẳng còn đau
Chân Diện Mục


* * *
Thêm một cảm hứng của Song Quang
Khi..

Khi buồn nên thức mãi canh thâu
Khi nhớ người ta mới khổ sầu
Khi nợ nên lòng luôn khắc khoải
Khi yêu đời đẹp rất là mau (biết là bao)
Khi duyên đã đến xui mình gặp
Khi nghĩa tiêu tan khiến đối đầu
Khi mộng không tròn sao cứ ước?
Thời gian đâu xóa hết niềm đau!
SongQuang

Tống Hữu Nhân - 送友人 - Lý Bạch (701 - 762)


Tống Hữu Nhân

Thanh sơn hoành bắc quách
Bạch thủy nhiễu đông thành
Thử địa nhất vi biệt
Cô bồng vạn lý chinh
Phù vân du tử ý
Lạc nhật cố nhân tình
Huy thủ tự tư khứ
Tiêu tiêu ban mã minh

Lý Bạch

* * *
Dịch Xuôi : Tiễn Bạn

Dãy núi xanh chắn ngang vòng tường ngoài thành mặt bắc
Dòng sông trắng bao quanh thành ở mặt đông
Từ một lần chia tay nhau ở chốn này
Chiếc thân rồi như sợi cỏ bồng lang bạt ngoài ngàn dặm xa
Lòng người đi như mây trời phiêu lãng đây đó
Tình bạn cũ theo nhau như ánh nắng tà lưu luyến vấn vương
Vẫy tay chào từ đây ta xa nhau
Tiếng ngựa lìa đàn kêu nghe thê thiết

Tiễn Bạn
Mỗi chữ, mỗi tình, tình tôi, gửi người

Núi xanh ngoài quách bắc,
Sông trắng quanh thành đông.
Từ một lần chia cách ,
Là muôn dặm cỏ bồng.
Người đi mây tối nổi ,
Bạn cũ nắng chiều vương.
Tay vẫy chào từ biệt ,
Ngựa kêu nghe xé lòng.

Seeing Off A Friend
Red Pine - Poems Of The Masters


Dark hills stretch beyond the north rampart
Clear water circles the city's east wall
From this place where farewell begins
A tumbleweed leaves on a thousand-mile journey
Drifting clouds in a traveler's thought
The setting sun in an old friend's heart
As we wave and say goodbye
Our parting horses neigh

Phạm Khắc Trí
31/05/2014
* * *
Thầy kính mến
Em xin cảm ơm thầy cho em được tiếp nối dòng thơ của thầy giảng dịch
Kính chúc thầy cuối tuần vui khoẻ
Em Kim Oanh

Tiễn Bạn


Thành bắc núi xanh bao bọc
Vòng quanh sông trắng chảy dọc mặt đông
Chốn này từ biệt đôi lòng
Chiếc thân như sợi cỏ bồng bềnh trôi
Ngàn trùng phiêu lãng mây trời
Luyến lưu vương vấn bạn tôi chiều tà
Chia tay từ tạ…biệt xa
Thê lương ngựa hí kêu ca xé lòng


Kim Oanh
1/6/2014

* * *
送友人 TỐNG HỮU NHÂN
青山橫北郭, Thanh sơn hoành bắc quách,
白水繞東城。 Bạch thủy nhiễu đông thành.
此地一為別, Thử địa nhất vi biệt,
孤蓬萬里征。 Cô bồng vạn lý chinh.
浮雲游子意, Phù vân du tử ý,
落日故人情。 Lạc nhật cố nhân tình.
揮手自茲去, Huy thủ tự tư khứ,
蕭蕭班馬鳴。 Tiêu tiêu ban mã minh.
李白                 Lý Bạch.
Chú Thích:
Hoành: là Ngang. Ở đây được sử dụng như Động Từ, có nghĩa là : Nằm Vắt Ngang.
Nhiễu: là Vòng quanh, uốn quanh.
Cô Bồng: Cỏ Bồng, là loại cỏ nhẹ, khi khô thì bay theo gió, nên Cô Bồng là Cọng cỏ Bồng lẻ loi, cô độc.
Tiêu Tiêu: Diễn tả tiếng ngưa hí một cách bi ai. Từ nầy lấy tích ở Kinh Thi, chương Xa Công, có câu " Tiêu Tiêu Mã Minh "蕭蕭馬鳴.
Ban Mã: Ở đây không phải là Ngựa Rằn, vì Ngựa Rằn là 斑馬( có bộ VĂN 文 ở giữa chữ Ban để chỉ Cái Vằn trên mình ngựa ). Còn đây là BAN MÃ 班馬, chữ Ban có bộ ĐAO 刂(刀) ở giữa để chỉ ý Tách rời ra, nên Ban Mã ở đây có nghĩa là : Ngựa Lìa Đàn.

Nghĩa Bài Thơ:
Dãy núi xanh nằm vắt ngang qua phía bắc của thành quách, và dòng nước trắng xóa thì uốn quanh phía đông thành. Chính nơi nầy, ta cùng bạn tiễn biệt nhau, bạn nhẹ nhàng bay bổng như cánh cỏ bồng cô đơn ra ngoài ngàn dặm. Đám mây trôi nổi dật dờ kia như ý của người du tử không biết sẽ đi về đâu, còn tình của ta đối với bạn thì như vầng kim ô sắp tắt mà ánh nắng còn lưu luyến mãi trên đồi. Vẫy tay nhau từ đây giã biệt, hai con ngựa như cũng cãm thông với nỗi buồn ly biệt của con người mà cất lên tiếng hí vang vang buồn bã.
Bài thơ nầy nổi tiếng bất hũ với 2 câu :

Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
.... để chỉ sự lang bạc không định hướng của người du tử và tình cảm quyến luyến của cố nhân như ánh nắng chiều còn lưu luyến mãi với buổi hoàng hôn!
Diễn Nôm: Tiễn Bạn
Núi xanh vòng phía bắc,
Nước chảy uốn thành đông.
Nơi đây ta giã biệt,
Ngàn dặm cánh cỏ bồng.
Phù vân ý du tử,
Nắng luyến tình cố nhân.
Vẫy tay nhau giã biệt,
Thê lương ngựa hí rân.
Lục bát :
Núi xanh vòng phía bắc thành,
Bên đông dòng nước uốn quanh lượn lờ.
Nơi nầy giả biệt bạn thơ,
Cỏ bồng vạn dặm,dật dờ biết đâu.
Ý người mây trắng ngàn thâu,
Tình tôi quyến luyến nghe sầu hoàng hôn.
Vẫy tay giả biệt chiều hôm,
Thê lương tiếng ngựa buồn buồn hí vang!
Đỗ Chiêu Đức
* * *
Thưa Thầy và các bạn,
Phương Hà đọc bài TỐNG HỮU NHÂN do Thầy gởi đến và được anh Chiêu Đức diễn giải tỉ mỉ, cảm thấy thật cảm phục. PH cố gắng dịch mà không sao diễn tả được một phần cái hay của nguyên tác và cũng rất khó bám sát với nguyên tác. .Sửa tới sửa lui vẫn chưa ưng ý, PH đành gởi bài phỏng dịch này đến Thầy và các bạn, mong được góp ý cho hoàn thiện hơn. Xin cám ơn Thầy và các bạn:
Bài phỏng dịch
I- Thơ Đường Luật: Tiễn Bạn
 
Xanh xanh núi chắn ngang thành bắc
Trắng xóa sông nằm ôm phía đông
Kẻ ở phương trời, lòng quyến luyến
Người theo cánh gió, ý phiêu bồng
Mây trôi, bạn tiếp đời lang bạt
Chiều xuống, ta ôm nỗi nhớ nhung
Giã biệt nhau đây, sầu chất ngất
Thê lương, ngựa hí giọng trầm ngân...

Phương Hà

II- Thơ Ngũ ngôn: Tiễn Bạn


Thành bắc, chắn núi xanh
Phía đông, lượn sông trắng
Nơi đây từ biệt bạn
Nhẹ xa như cỏ bồng
Người đi, bước phân vân
Kẻ ở, tình quyến luyến
Chia tay, sầu dâng nghẹn
Ngựa hí, giọng buồn ngân.

Phương Hà
* * * 
Tiễn Bạn

Non xanh một dãy xây thành bắc
Dòng nước lững lờ uốn lượn đông
Phiêu bạc bốn phương đời lữ khách
Lang thang ngàn dặm kiếp thân bồng
Lòng người trôi dạt như mây trắng
Tình bạn vấn vương tợ ráng hồng
Tay vẩy chào nhau người mỗi ngả
Lạc đàn tiếng ngựa não nùng trông


Kim Phượng

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Mùa Đông Chia Xa-Thơ Kim Phượng-Hương Nam Diễn Ngâm

Tưởng Nhớ 06/06/2008

Thơ: Kim Phượng
Diễn Ngâm: Hương Nam
Trình Bày: Kim Oanh

Mưa Tháng Sáu


Mưa tháng Sáu mưa rơi vào nỗi nhớ
Từng hạt buồn tan vỡ bản tình ca
Làn nước mắt chia xa lần hạnh ngộ
Tiễn đưa người hồi cố mảnh trời quê

Biển mênh mông vẹn thề lời nguyện ước
Hạt hóa thân ngược nước bám mạn thuyền
Sóng bạc đầu vỗ nhịp giấc cô miên
Cõi yên bình men đường tìm một chuyến

Lời mộng thực như tình còn lưu luyến
Hương khói thơm trầm quyện vẽ vòng bay
Màn mưa bụi u hoài giăng giăng lối
Người khuất rồi riêng mỗi khoảng trời xa

Mưa tháng Sáu mưa nhạt nhòa mong đợi
Vòng tay xuôi tầm gửi kiếp phù sinh
Trời vào đông biển hát khúc u tình
Mưa tháng Sáu mưa rơi vào kỷ niệm

Kim Phượng
6.6.2010

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Tống Lý Đoan


       Lư Luân, thuộc nhóm 10 tài tử thời Đường Đại Lịch cùng với Lý Đoan , Tư Không Thự, nhóm nổi tiếng về thơ đường luật nghiêm chỉnh, ngôn từ diễm lệ, ý tưởng thâm trầm. Tôi ngồi cặm cụi chuyển dịch bài Tống Lý Đoan này chỉ vì mê câu "Nhân quy mộ tuyết thì"(Người về chiều tuyết rơi).

PKT 05/26/2014

送李端 Tống Lý Đoan


故關衰草遍, Cố quan suy thảo biến,
離別正堪悲。 Ly biệt chính kham bi.
路出寒雲外, Lộ xuất hàn vân ngoại,
人歸暮雪時。 Nhân quy mộ tuyết thì
少孤為客早, Thiếu cô vi khách tảo,
多難識君遲。 Đa nạn thức quân trì.
掩淚空相向, Yểm lệ không tương hướng,
風塵何處期。 Phong trần hà xứ kỳ.
盧綸 Lư Luân
Dịch Nghĩa

Cửa ải xưa mọc đầy cỏ úa
Chia ly thật là buồn thê thảm
Người ra đi mây lạnh bên ngoài
Người trở về trong lúc tuyết chiều
Thuở nhỏ côi cút nên đã sớm trở thành khách trọ
Nhiều hoạn nạn nên biết nhau muộn màng
Nén dòng lệ vì không thể chung đường
Số kiếp phong trần biết hẹn nhau chốn nào
***

Tiễn Bạn

Ải xưa đầy cỏ dại ,
Lâm biệt dạ ngùi ngùi.
Mây lạnh đường quan tái ,
Người về chiều tuyết rơi.
Thân côi sớm lận đận,
Phận hẩm muộn quen nhau ,
Lệ tiễn mờ sương gió ,
Mong gì gặp nữa đâu .

Lời Thêm : Giữ được "chất thơ" nguyên tác khó quá !
PKT 05/26/2014

Tri Khac Pham

***

Tiễn Người
1

Quan ải cổng xưa cỏ mọc đầy
Đau buồn tạm biệt ở nơi đây
Người đi ra chốn miền mây lạnh
Kẻ đến chiều buông tuyết phủ dầy
Ngày trước,thân côi nhiều lận đận
Bây giờ ,quen biết muộn màng thay !
Gạt dòng lệ đổ nhìn xa cách
Còn gặp gở không ,cỏi bụi nầy ??

2

Cổng quan tái năm xưa đầy cỏ mọc
Thật đau buồn khi tiễn bạn nơi đây !
Người ra đi đến chốn mây gió lạnh
Kẻ trở về,chiều buông tuyết phủ dầy
Thân côi cút lại thêm nhiều lận đận
Phận nạn tai quen biết muộn màng thay 

Gạt lệ đổ để nhìn nhau cách biệt
Còn gặp nhau trong cỏi gió sương nầy ??

Song Quang
***


Đưa Tiễn Lý Đoan


Cửa ải năm xưa đầy cỏ úa
Chia tay não nuột khó nên lời
Ra đi kẻ lẩn vào mây lạnh
Trở bước người về giữa tuyết rơi
Thuở trước cút côi thân xứ lạ
Muộn màng quen biết bạn trong đời
Nén dòng lệ tiễn hai phương rẽ
Phiêu bạt sông hồ khó hẹn nơi

Quên Đi

***

Tiễn Lý Đoan


Ải cũ cỏ đà héo úa,
Chia tay vừa lúc lòng nao !
Người đi ngoài xa mây lạnh,
Kẻ về chiều xuống tuyết mau.
Mồ côi sớm đời phiêu bạt,
Gian truân gặp bạn muộn sao.
Gạt lệ bóng người đà khuất,
Tương phùng biết đến thuở nào ?!

Đỗ Chiêu Đức
***


Tiễn Người Đi…


Cỏ bám dầy cửa ải xưa
Sầu dâng thấm thía tiễn đưa một người
Gió lùa mây lạnh chân dời
Trở về giữa lúc tuyết rơi chiều tà
Lận đận thân côi xứ lạ
Trong đời quen bạn ngẫm ra muộn màng
Ngăn dòng chia cách đôi đàng
Long đong vất vã dặm ngàn gặp nhau?

Kim Oanh

***

Tiễn Bạn

Cửa ải năm xưa cỏ mọc đầy
Sầu thương chất ngất phút chia tay
Người đi khuất bóng sau mây lạnh
Kẻ ở chôn chân giữa tuyết dày
Côi cút khi đời còn trẻ dại
Gặp nhau lúc tuổi đã hao gầy
Biệt ly, đau đớn khôn cầm lệ
Tái ngộ, mong gì được nữa đây !

Phương Hà
***

Tiễn Lý Đoan


Cửa ải xưa xanh màu cỏ dại
Ngậm ngùi tiễn bạn lúc chia tay
Đường mây lạnh kẻ đi đơn độc
Bông tuyết đầy người bước quắt quay
Côi cút cả đời nương đất khách
Thân sơ dẫu muộn nhớ từng ngày
Lệ lòng kết chặt tình tri kỷ
Mơ gặp một lần mong mỏi thay

Kim Phượng





Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Ba Lần Khóc

  (Viết cho một cuộc tình)


Hồn thơ thẩn với cơn mưa tháng sáu
Những giọt buồn gợi nhớ chuyện ngày xưa
Có thiếu phụ lệ mờ tim thổn thức
Thấy quanh mình dĩ vãng hiện đong đưa.

Nàng đã khóc mừng vui tình ái đến
Trong vòng tay âu yếm của người thương
Mắt và mắt nhìn tương lai trước mặt
Cả đường hoa nở rộ ngát trầm hương.

Nức nở khóc khi yêu đương trắc trở
Không thể nào níu kéo kẻ vong tình
Những hy sinh thiết tha và âu yếm
Dành cho anh vẫn ngoảnh mặt làm thinh.

Ai biết được cuộc đời nhiều bất trắc
Lại mùa mưa tháng sáu chuyện không ngờ
Rơi nước mắt tiển anh về với đất
Đời vô thường mờ ảo tựa cơn mơ.

Ba lần khóc vì anh, anh có biết?
Một… vì vui với mật ngọt tình yêu
Hai… vì khổ bởi phũ phàng phụ bạc
Ba… tiển anh về thế giới phiêu diêu!

Anh Tú
June 5, 2010



Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Ngày Mưa Tháng Sáu



Buồn mãi buồn theo mưa tháng Sáu
Không gian u ám một màu mây

Ngày xa tình đã thôi không đợi
Cớ lẽ gì đời lại mất nhau
 

Cám cảnh sầu bóng cây trụi lá
In tường loang dưới ánh đèn đêm
Hỏi thềm tin nhạn chờ tao ngộ
Mỏi cánh quay về ấm tổ xưa

Lất phất ngoài trời mưa tháng Sáu
Thấm đời cô phụ những hằn đau
Đếm trăng nhẩm lại bao đầy khuyết
Chỉ biết nhìn mưa tận cuối trời


Kim Phượng


Thơ Tranh: Mùa Đông Chia Xa


Trích Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Suối Dâu

Mùa Đông Chia Xa -Thơ Kim Phượng Hương Nam Diễn Ngâm

Thương gửi Sáu để Tưởng nhớ Ngày 06/06 


Thơ: Kim Phượng
Diễn Ngâm: Hương Nam

Mùa Đông Chia Xa


Hồn em treo lững ngoài song cửa
Đón lấy hương lồng trong gió đông
***
Những ngày tháng Sáu vẫn mưa rơi
Mưa tiễn chân đi chẳng hết đời!
Chiếc lá thu phai về chốn cũ
Như người ru mộng tìm biển khơi
Thôi người đi
Cứ hẹn nhau trong ngỡ ngàng
Đưa lần tách bến một chuyến sang
Bằng hương hoa ngát len trong gió
Phủ trắng đầy hoa nắp áo quan
Áo tím đêm nay đến
Ôi lạ thường!

Rưng rưng lệ vướng mắt người thương
Chìm sâu khoảnh khắc ngày xưa ấy
Khơi tro tìm lại mộng tình đầy
Người đi
Cành hoa trắng
Gửi người trong áo quan
Mùa đông còn đây
Hồn bạc trắng mây ngàn

Những ngày tháng Sáu mưa rơi rơi
Nhớ nhung lòng dậy sóng tơi bời
Nghìn thu vọng tiếng hồn tượng đá
Giữ lại cho người kẻ khuất xa
Những ngày tháng Sáu mưa rơi nhanh
Trong làn mưa lạnh nước mắt quanh
Chuyến đi dài mãi
Không về nữa
Rèm tựa đêm này ánh sao thưa
Những ngày tháng Sáu mưa không thôi
Lời cuối bên nhau thoáng bồi hồi
Bóng ai ẩn khuất màn sương đục
Mưa bên đời
Tuôn
Chẳng trôi hết tình tôi

Kim Phượng


Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Hùng Sử Ca: Đáp Lời Sông Núi - Nhạc Sĩ Trúc Hồ




Sáng Tác: Đáp Lời Sông Núi - Trúc Hồ
Ban Họp Ca Asia
Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Dòng Sông Và Một Nơi Chốn

Ru!
Tiếng ru hời…
Mời Em trở lại
Dòng sông xưa mái đẩy khua đò
Em trở về mây ngang tầm với
Hoa học trò ngậm nắng muộn rơi
Bến sông đời ai người ngóng đợi
Hồn trôi xuôi vụng dại một thời


       Dòng sông nào, nay đã xa biền biệt, nhưng thật gần với tôi trong thời tuổi dại. Dòng sông ấy, uốn lượn qua vàm Ngã Bát, mang phù sa đến, cuốn phù sa đi, tạo bên bồi chỗ lỡ. Sông tiếp tục lững lờ chảy ngang một nơi chốn, xuyên qua chiếc cầu bắc nhịp, nên sông và cầu, có cùng một cái tên là Giồng ké. 
      Giồng Ké là một ấp nhỏ, thuộc xã Trung Ngãi. Tôi nghe kể rằng, cái tên Giồng Ké được đặt ra, vì nơi đây khi xưa mọc đầy những cây ké.
      Ngã Bát là quê ngoại. Hàng năm, chúng tôi có dịp về trong dịp Tết. Chiếc ghe gắn máy đuôi tôm, chở các anh chị em tôi, chạy dọc theo dòng sông, gặp nơi nào có những cây bần sai trái, cậu tôi thường hay tấp vào hái quả cho chúng tôi ăn. Có lần bị đám ong vây, ghe cậu vội tách ra nhanh, súy lật nhào làm chúng tôi hoảng kinh.


     
 Trước khi đến Ngã Bát, phải đi ngang qua Phú Hữu, là quê nội.
Vì thời cuộc, ba tôi đã rời quê nội, chọn Giồng Ké là nơi lập nghiệp. Cũng trên con sông này, ba đã chuyên chở hàng bao nhiêu là lá chầm, gỗ sao cho việc xây cất. Rồi căn nhà rộng được dựng lên, chia làm hai gian, một căn dùng buôn bán, làm kế sinh nhai và căn kế bên làm vựa chứa lúa. Lúa được thu góp từ các tá điền sống trên đất của nội. Mặt khác, ba vội vã đưa các chị em tôi, những đứa tới tuổi đi học, đến trường. Ngày ngày, mỗi lần đến lớp, anh chị em tôi đều đi qua chiếc cầu Giồng Ké, mà như tài liệu cho biết, chiếc cầu được thành lập từ năm 1907, nhưng mãi đến nay tôi mới biết. Tôi thật vô tình!
      Thời bấy giờ, học sinh đi học với đôi chân trần, ôm cặp đệm. Gặp hôm trời đổ mưa, các bạn tôi chỉ mở chiếc cặp đệm ra, đặt lên đầu và đội mưa mà về. Riêng tôi, đi học “không giống ai”, má bắt phải mang guốc, ôm cặp da. Đến mùa mưa, phải mang theo áo mưa nữa. Tôi thiệt là không giống các bạn cùng lớp, nên rất đau khổ, quê và mắc cỡ với các bạn cùng lớp, học sinh cùng trường. Bởi thế, đến giờ đi học vừa rời khỏi cửa chính, tôi men dọc theo hàng hiên trước nhà. Đến căn nhà thứ hai, tôi lấy guốc, giấu vào ngạch cửa Và bằng đôi chân trần, thong dong cùng các bạn đến trường. Chiều tan học về, tôi trở lại chỗ cũ để lấy guốc, mang vào. Những hôm trời mưa, tôi càng khổ sở hơn. Tôi cùng các bạn đội mưa đi về, gần đến nhà, tôi lại nép sát vào hàng hiên, đưa cả cái áo mưa ra ngoài trời cho ướt đẫm, rồi mặc vào và bước vô nhà. Một lần má tôi thắc mắc:
- Tại sao con mặc áo mưa mà ướt như chuột lột vậy?
- Con cũng không biết nữa, tại nó ướt.
Tội cho má tôi, cầm áo lên xem kỹ lưỡng, không có nơi nào bị rách.
- Lần sau mặc áo mưa mà ướt là bị đòn nghe con.
      Cũng từ hôm ấy không còn cảnh "tại nó ướt” nữa. Ngoài việc mang áo mưa, những chuyện không mong mà vẫn đến. Vào một buổi chiều tan học về, tôi hồn phi phách tán, đôi guốc giấu dưới ngạch cửa không cánh mà bay. Hôm ấy, dĩ nhiên tôi bị ăn đòn, thế là cơ hội đi chân trần như theo dòng nước ròng mà trôi đi.
      Xin mở một dấu ngoặc nói về căn nhà thứ hai, nơi tôi giấu đôi guốc. Cạnh căn nhà thứ hai này là gia đình Bác Sáu Công Thành Gia đình ấy bán hủ tiếu, nhưng khi đêm về thì cả nhà quay quần bên chiếc chiếu trải lộ thiên, cha đàn, con hát. Người con đó chính là nghệ sĩ cải lương rất nổi tiếng, chị Mỹ Châu. Chị Mỹ Châu là bạn của người chị thứ năm của tôi. Tối tối, chị hay rủ rê chị năm và tôi, ném trái ké lên đầu những người khác. Ké là loại trái rất dễ dính lên tóc. May mà má tôi không hay chuyện này!

      Đời ba má cực, nên người luôn khuyến khích các con ăn học. Con còn học Tiểu Học, ba má đã chuẩn bị xây cất nhà trên tỉnh. Các anh chị vừa bước vào ngưỡng cửa Trung học, phải rời nhà lên tỉnh đi học. Vì thế, mọi việc phụ giúp trong gia đình, đều do tôi . Mỗi chiều, tôi và cậu em trai đi khiêng nước để dùng, nước lấy từ con sông Giồng ké. Hai chị em chỉ đủ khả năng, khiêng chỉ hơn nửa thùng thôi, tránh cảnh nước đổ lên đổ xuống, trong khi bạn cùng lớp của tôi, gánh cả đôi. Má tôi sợ gánh nước, con không được cao nên phải khiêng, nhưng điều má tôi sợ vẫn không tránh khỏi. Sau này, tiệm buôn ngày một khá, ba mua một cái máy bơm nước và chuyền dây dài từ bờ sông đến tận nhà. Lúc ấy anh chị em tôi oai lắm, không cần phải vất vã nữa, chỉ mỗi việc kéo dây chuyền nước là xong. Ngoài lo việc nước, tôi còn giúp chuyện bếp núc. Trong một lần, lúc má vừa sinh em bé, má bảo tôi mang rổ cá lòng tong xuống sông Giồng Ké rửa sạch và phơi khô gửi cho các anh chị tôi ở Vĩnh Long. Mỹ Hạnh và Cúc giúp tôi, rửa cho nhanh để cùng nhau đi học sớm. Tôi vừa ngồi xuống ngay đầu cầu, thì Cúc vội vàng mở lời:
-Mầy ngồi vậy, rửa biết chừng nào mới xong, đưa đây tao xuống chiếc xuồng của người ta, ngồi rửa lẹ hơn. 
      Thế rồi nó giành lấy cái rổ cá và bước xuống chiếc xuồng. Nhưng không may, một bà cùng lúc bước xuống. Bước chân của bà quá mạnh, chao lòng xuồng, cả rổ cá đổ hềt xuống sông. Nhờ Cúc biết lội, nhảy theo vớt lại. Hỡi ơi! Cả rổ cá chỉ còn lại được một phần ba, nhưng vẫn còn may, nhờ Cúc nhanh tay, vớt lại phần cá bị  đổ. Ba đứa tôi tiu nghỉu, lòng trĩu nặng lo âu. Cúc nhanh chân chạy về nhà với bộ đồ ướt. Mỹ Hạnh sợ cũng vội quay về nhà . Còn lại một mình, bước chân tôi đã nặng, rổ cá dường như nặng hơn. Tôi đi vào nhà bằng cổng sau, rón rén, nhẹ nhàng bước khẽ như tên trộm. Sự đời thật đúng cho người có tịch, làm sao giấu được má tôi. Tuy nhiên, hôm ấy má tôi cho phép đi học sớm sau khi tôi thành thật kể rõ sự việc.


       Thời gian trôi, ngày một lớn, tôi rời Giồng Ké, tiếp tục việc học. Thỉnh thoảng, tôi chỉ trở lại đôi ngày vào những cuối tuần, hay ở lâu hơn trong dịp hè. Bây giờ đã là học sinh Đệ Ngũ, mỗi lần về Giồng Ké tôi vẫn thản nhiên chơi trò nhảy tràm, u hấp cùng lũ con nít cùng xóm, dù rằng biết có ánh mắt trộm nhìn. Có hôm trên đường đi xuống sông, lại có một chiếc bóng vội thụp núp xuống nơi khung cửa sổ, người có đôi mắt nhìn trộm đó. Những hôm khác, các anh lính về đóng quân, dòng sông như linh động hơn bởi các chàng trai phong sương, áo vương bụi đường. 


Một chiều nào anh qua làng xưa
Ánh trăng non chênh chếch đỉnh dừa 


       Đến năm Mậu Thân, hai dãy phố của Giồng Ké chìm trong biển lửa, tôi đã vĩnh viễn rời nơi này, rời con sông nuôi lớn tôi thời thơ dại. Xa…con sông đã xa nghìn trùng. Nhớ…hình ảnh người thập thò nơi khung cửa sổ, nay đã đi vào cõi thiên thu trong tuổi đời còn khá trẻ. Thương…hai người bạn cùng trầm mình vớt cá lòng tong đổ dưới dòng sông, mà đến nay chưa một lần gặp lại và bâng khuâng tơ trời về…những anh lính chiến thả mình trên dòng sông, nay ai còn ai mất?
Làm sao tôi biết được!
      Hoài niệm về dòng sông…Người thì vội quên, nhưng Sông thương quá nên vẫn…lững lờ trôi, vẫn…hai bận lớn ròng. 

Có những chiều đứng ngắm dòng sông
Tầm mắt trôi theo nước lớn ròng
Em người con gái chưa sầu mộng
Vời vợi buồn dâng nỗi nhớ mong


Kim Phượng





Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Lại Một Mùa Đông


Đi dưới hàng cây giữa mùa đông
Lành lạnh đôi tay chuyển sang lòng
Một làn gió tới xôn xao lạ
Khơi tình nồng thắp nến chờ mong

Sóng đời thuyền ngược đã buông xuôi
Một trái tim côi chết thật rồi
Từ những cơn đau đêm dĩ vãng
Cố quên nào được với thời gian

Trời đày tháng Sáu những cơn mưa
Là nước mắt chưa ráo lệ người
Huyệt đất lạnh sầu giăng kín lối
Gió mưa gào gợi nỗi bơ vơ

Trong mơ những tưởng phút yêu đầu
Lời nguyện cầu chua xót đớn đau
Một kiếp hoa rơi vào định mệnh
Tiếng mưa buồn! Lại một mùa đông

Kim Phượng


Khối Tình Mang Xuống Tuyền Đài Chưa Tan


      Bên Trung Hoa, tại vùng Trúc Giang có một chàng lái buôn tên Quan Diệp Nhược yêu một nàng thôn nữ tên Tần Thúy Hải. Cả hai yêu nhau thắm thiết, nguyện cùng kết tóc, se tơ cho đến ngày răng long tóc bạc.
       Quan Diệp Nhược thường đi buôn bán nơi xa. Mỗi chuyến đi có cả hàng tháng. Và, mỗi chuyến đi như thế, chàng đều có hẹn ngày về với nàng. Đúng ngày, nàng Tần Thúy Hải đến đón người yêu. Lần nào cũng đúng hẹn cả.
       Thời gian xa nhau không lâu nhưng họ đều cảm thấy dài đăng đẳng. Nỗi nhớ thương vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng vì sự nghiệp, họ đành phải chịu đựng và cầu mong ngày tái ngộ.
       Mùa thu năm ấy, ngô đồng vừa rụng lá, Quan Diệp Nhược lại phải từ giã, tạm chia tay cùng người yêu, lên đường sang Hồ Bắc buôn châu báu với mấy người bạn. Cũng như thường lệ, nàng Tần ra tiễn Quan, hẹn ngày này tháng sau sẽ trở về.
Nhưng chuyến này lại khác.
       Đến ngày hẹn, nàng Tần trang điểm, hớn hở vui tươi để ra đón người yêu. Nàng mỏi mắt trông chờ suốt ngày đêm mà không thấy bóng chàng trở về. Rồi ngày này sang ngày khác, mấy lần thu qua đông đến nàng mỏi mòn chờ đợi, nhưng người yêu xưa lại chẳng thấy về, tin tức cũng vắng bặt. Hay là chàng đã bỏ mình nơi đất khách quê người? Nàng quằn quại sống trong cảnh sầu thương, mong nhớ.
       Rồi, một ngày đông lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng cả vòm trời, nàng Tần trút hơi thở trên giường bịnh.
Theo tục lệ ở địa phương, những gái tiết trinh chết được hỏa táng thi hài. Lửa đã đốt cháy người trinh nữ, xương thịt nàng Tần đã trở thành tro bụi, nhưng khi người ta bới đám tro tàn lạnh lẽo ấy bắt gặp một quả tim đóng thành một khối long lanh như ngọc. Lửa không sao đốt cháy, búa đập cũng không tan. Ai cũng lấy làm lạ, cho đó là khối tình u uất của nàng vì tương tư thương nhớ người yêu, vì quá đau khổ nỗi duyên phận bẽ bàng... Tuy thân xác đã tiêu tan mà khối tình vẫn còn mãi mãi.
       Nhưng rồi, một hôm Quan Diệp Nhược lại trở về. Sở dĩ chàng sai lời hẹn ước vì chàng gặp phải tai nạn bất ngờ. Ngày về giữa đường chàng bị giặc cướp cả tiền bạc, thuyền bè, làm chàng phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bịnh, tưởng là bỏ xương nơi đất khách.
       Cảm thương người yêu vì quá thương nhớ mình mà chết, Quan Diệp Nhược lấy làm đau đớn vô cùng. Chàng cầm lấy quả tim thành ngọc của người yêu mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống thì viên ngọc ấy lại tan ra hòa theo giọt nước mắt của chàng.
      Bên Việt Nam ta cũng có một truyện giống như trên.
Trương Chi làm nghề lái đò. Một con thuyền bềnh bồng trên mặt nước, hằng ngày đưa khách sang sông. Chàng Trương vốn có tâm hồn nghệ sĩ. Những khi hoàng hôn vừa tắt sau dãy đồi xa, bóng đêm bao phủ khắp không gian, lửa cháy lốm đốm nổi theo dòng nước, thì chàng lại cất tiếng hát vang lên. Giọng chàng trong trẻo, thánh thót như giọng hót của sơn ca vào buổi bình minh.
       Tiếng hát của Trương lại đồng vọng rót vào lầu tây của một quan Tể tướng, làm động lòng của nàng trinh nữ Mỵ Nương. Mỗi đêm, nàng đứng tựa bên lầu chờ nghe tiếng hát của chàng Trương. Một mối tình thầm kín, sâu xa giữa nàng tiểu thư, con quan Tể tướng với anh lái đò ngày càng thắm thiết, mặn nồng.
Vắng tiếng hát của Trương Chi, Mỵ Nương bàng hoàng, nhớ thương, đau khổ. Nàng mang nặng một mối tình cảm. Rồi từ ấy, nàng mắc phải bịnh tương tư ngày càng trầm trọng, thuốc thang không chữa được. Chỉ mỗi lần có tiếng hát ngoài sông văng vẳng đưa vào thì bịnh của nàng mới đỡ được đôi phần.
       Biết con gái say mê tiếng hát anh lái đò, quan Tể tướng cho đòi Trương Chi đến. Nhưng thảm thay, diện mạo của Trương Chi quá xấu xí, Mỵ Nương trông thấy chán nản, bịnh tương tư lại khỏi hẳn.
Tưởng rằng đòi đến sẽ được hàn thuyên cùng người ngọc, không ngờ lại chán chường nỗi tủi nhục, Trương Chi lấy làm đau đớn. Về nhà, hình bóng yêu kiều của Mỵ Nương ám ảnh mãi. Trương lâm bịnh tương tư, thuốc thang chạy chữa không khỏi. Cuối cùng Trương chết trong tủi hận sầu đau vì mối tình tuyệt vọng.
       Ba năm cải táng, xương thịt của Trương đều tan rã, chỉ nguyên có quả tim còn lại đóng thành khối ngọc rất đẹp. Có người đem dâng ngọc quả tim của Trương cho quan Tể tướng. Thấy ngọc lớn và đẹp, Tể tướng cho tiện thành chén uống nước trà.
       Mỵ Nương lấy chén ngọc rót nước uống. Vừa nâng chén lên thì trong chén lại hiện ra một chàng lái đò vừa chèo đò vừa hát, giọng văng vẳng não nùng như phảng phất đâu đây. Nàng nhìn kỹ là hình bóng của Trương Chi đương hát trên sông vắng.
Cảm mối tình tha thiết của Trương Chi, Mỵ Nương đau đớn, ôm chén ngọc, khóc nức nở. Nước mắt của nàng rỏ xuống chén ngọc làm chén ngọc vỡ tan hòa theo nước mắt của nàng.

Kim Phượng Sưu tầm

Trích Điển Hay Tích Lạ