Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Cho Một Người Nằm Xuống



        Sáng nay trên cành con chim thôi cất tiếng hót mà đưa một điệu ru…ru Người vừa nằm xuống.
        Sáng nay trên cành một chiếc lá vừa lìa xa, rơi…rơi cùng Người vào cõi thiên thu.
        Sáng nay tôi ngồi lặng thinh, cảm nhận hơi ấm lăn dài trên đôi má, khóc… nước mắt thay lời từ biệt tiễn Người đi.

        Mới hơn một năm, chỉ hơn một năm quen biết thôi, dù chưa một lần gặp mặt, nhưng là sự gặp gỡ trong tâm hồn, bởi thân tình thật thà, đầm thấm. Lúc đầu biết nhau, bằng những từ thật khách sáo “hân hạnh quen biết…”, hoặc giữ kẻ “sợ lỡ lời…” hay lời phê bình văn thơ chẳng dám nói thật lòng “…cũng được”. Thế rồi chẳng bao lâu, Người tôi quen biết không là một nhà văn Anh Vân nữa mà đã trở thành một Người bậc đàn anh.
        Anh là một nhà giáo, tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Vĩnh Long. Mang dòng họ Quách, nhưng lúc nào anh cũng nói với tôi “Anh là người Việt Nam!”. Chiến tranh tràn lan, rời bảng đen phấn trắng, khoác chinh y, chàng thanh niên họ Quách đi vào cuộc chiến. Thân trai thời loạn bằng những năm dài làm bạn với núi rừng, đầm lầy. Bỗng  cuộc chiến tàn vội và anh đớn đau chọn kiếp lưu vong, đến hơi thở cuối chưa một lần đặt chân trở lại quê hương.
        Dưới con mắt nhân gian, anh là một Nhà Văn, một Chủ Bút Anh Vân, Quách Tố Vương, nhưng với tôi Anh là một Nhà Mô Phạm phi thường, phi thường trong nghĩa cử của Anh, một thiên chức nhà giáo mà ít ai có được. Anh đã lặn lội, kiếm tìm, rồi từ xa xôi tôi nhận được một số sách dạy Việt ngữ với nhiều trình độ khác nhau. Theo lời Anh “ Anh là mẫu người thích làm việc xã hội tức là anh yêu tha nhân vì vậy thấy em làm việc xã hội, anh quý em vô cùng. Anh không còn khả năng dạy học nữa thì em hãy thay anh đem văn chương tiếng Việt dạy cho đám trẻ, đó là điều mình nên làm cho thế hệ mai sau.”

         Mấy mươi năm trước, sau những ngày quân hành vất vả, có dịp trở lại Vĩnh Long, ngồi trên chiếc xe jeep thả tầm mắt lãng tử vế cổng trường Tống Phước Hiệp mà ngẫn ngơ với những tà áo trắng…
Cổng trường Tống bâng khuâng đời dậy sóng!
 Giờ đây, sau mấy mươi năm, bằng trái tim nhà giáo tiềm ẩn trong con người cựu quân nhân, Anh bước vào Trang nhà Tống, như một tay làm vườn thiện nghệ, Anh tưới nước khích lệ, cắt tỉa cành nhánh thơ văn thừa, bắt sâu chính tả đang đụt khoét hoa lá. Đã vậy, Anh còn mang vào vườn hoa nhà Tống những loài cây quý hiếm, đó là những tác phẩm văn, thơ của các cây bút vang danh tại hải ngoại cũng như ngòi bút cổ thụ nơi quê nhà trước đây. Nhìn vào trang Diễn Đàn Tống Phước Hiệp, ai cũng nhận ra một sắc thái kỳ bí…khi thấy những cây bút kỳ cựu nằm cạnh bên những nhà văn, nhà thơ “tí hon” chúng tôi. Những cây bút non nớt này như cây con từ trong vườn ươm mới được mang ra dưới ánh sáng mặt trời. Lẽ thường tình, nhà văn thơ nổi tiếng phải đặt tác phẩm mình ở những nơi tương xứng, nhưng các anh đã làm một điều khác thường đáng hâm mộ. Anh Vân và các bạn văn thơ của anh đã tỏ rõ được sự khiêm nhường đáng cho chúng tôi kính trọng và tôn vinh.

      
       Mai này…
       Làm sao một hình ảnh thầy giáo Quách Ngọc Vân không thấp thoáng, mỗi khi tôi đứng trước lớp, cầm quyển sách trên tay, trao lại cho các em học sinh Việt Nam những hạnh nguyện của Anh!?
Làm sao một mảnh hổ Quách Ngọc Vân gặm hờn trong củi sắt, trăn trở nhìn về quê hương mà không ảnh hưởng gì đến tôi bởi nỗi đau lưu vong!?
       Làm sao bước vào Trang nhà, tôi tìm lại được người giữ vườn cho trường Tống Phước Hiệp, cho người Vĩnh Long, nhưng Người ấy không là dân Vĩnh Long!?

       Mai này… tro xác thân Anh sẽ hòa vào đất đá, trên ngọn núi cao nào đó ở Mỹ Châu, nhưng ánh mắt viễn phương của anh sẽ mãi mãi xa xăm hướng về quê mẹ.
      Anh Vân! Có những điều chỉ riêng anh biết, nhưng tôi, các bạn nơi trang nhà Tống Phước Hiệp, không thể không biết Anh, người Đàn Anh đã giữ an bình cho người Vĩnh Long, trước sau vẫn như một, từ quê nhà cũng như nơi hải ngoại.
      Chúng tôi có thể mất một anh Quách Ngọc Vân, nhưng kỷ niệm anh đem đến, để lại sẽ còn và mãi mãi vẫn còn.
       Nhớ về Anh …
Nước mắt rơi! Thôi đành xa rời
Nước mắt tuôn xin tạ ơn Người
Giọt ngắn dài là tiếng lòng tôi
Người xa Người …thôi cũng đành thôi!


Kim Phượng
Úc Châu 31/7/2010

Tiễn Biệt Nhà Văn Anh Vân




Thơ: Kim Oanh
Điếu Văn: Kim Phượng
Giọng Đọc: Dương Thượng Trúc

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Thơ Tranh: Chờ


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tình Ca Mùa Đông


Bài Tình ca mùa đông
Hát thay tiếng cõi lòng
Kỷ niệm ngày mỗi một
Đong đầy trong mắt trông

Đêm đêm chờ ngày đến
Ngày mỗi một xa xăm
Bao giờ người trở lại
Hay như nước xuôi dòng

Thôi còn chi mong đợi
Trong biển sầu mênh mông
Ân tình xưa gửi lại
Trong tình ca mùa đông

Kim Phượng
26.6.2009

Vũ Hối Tặng Lê Thị Kim Phượng - Melbourne 15/2/2011


Thư Họa: Vũ Hối

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Làm Quen


Trời cho mười ngón tay ngà
Thon thon xinh xắn nõn nà dễ thương
Mỏng manh như những giọt sương
Đôi bàn tay nhỏ mùi hương nồng nàn
Hiu hiu gió thổi nhẹ nhàng
Cô mơn từng sợi dịu dàng tóc mây
Mỗi chiều đứng ở bên đây
Tôi thường nhìn trộm đôi tay mượt mà

Trời cho mười ngón tay ngà
Mà sao cô lại lơ là với tôi
Nhìn chi những áng mây trôi
Để cho khoảng cách xa xôi tiêu điều
Tôi mơ qua đó mỗi chiều
Cùng cô trò chuyện đôi điều bên nhau
Dù cho nắng có tàn mau
Vẫn còn câu hẹn ngày sau đậm đà

Trời cho mười ngón tay ngà
Ngón dài ngón ngắn mượt mà làm sao
Mỗi chiều tôi cứ nôn nao
Nhìn cô hàng xóm xôn xao trong lòng
Ước gì dưới giọt nắng hồng
Có thêm ngọn gió thổi bồng tóc lên
Đôi bàn tay trắng lênh đênh
Cô mơn mái tóc ở bên kia nhà

Trời cho mười ngón tay ngà
Mong cô cho một món quà làm quen
Để lòng tôi khỏi rối ren
Mỗi chiều không phải mon men trộm nhìn
Cô ơi trước nghĩa sau tình
Láng giềng đừng để một mình tôi mơ
Mỗi chiều ra ngẩn vào ngơ
Nhìn cô hàng xóm ngây thơ cạnh nhà

Đỗ Hữu Tài
July 15-2014

Qua Rồi Tuổi Ngọc


(Cảm tác từ Làm Quen của Đỗ Hữu Tài)

Tựa hồn năm cũ ngọc ngà
Búp măng thon nhỏ nuột nà trộm thương
Dãi dầu năm tháng gió sương
Thời gian thôi đã ngát hương nồng nàn
Còn đâu mười ngón nhịp nhàng
Mơn man suôi tóc dịu dàng xoã bay
Cố nhân người hỡi còn đây
Giữ ân tình cũ đôi tay nõn nà

Một thời tuổi ngọc tuổi ngà
Cảm người quân tử gọi là...cùng tôi
Dòng đời oan nghiệt lặng trôi
Duyên may thì chẳng xa xôi mọi điều
Lòng ai mặt nước thu chiều
Hồn đây liễu rũ nguyện điều có nhau
Hồ thu vàng nắng rơi mau
Lung linh dáng liễu kiếp sau la đà

Qua thời tuổi ngọc tuổi ngà
Đã yêu câm lặng thế mà...tại sao
Chuyện xưa nhấc lại nao nao
Muốn quên tình lại lao xao cõi lòng
Ông tơ vò sợi chỉ hồng
Vòng dây định mệnh bồng bềnh rối lên
Cây đời phận số lênh đênh
Tiếc không bám rễ cạnh bên hiên nhà

Mơ về tuổi ngọc tuổi ngà
Đôi dòng hoài cảm thay quà muốn quen
Ước gì lứa tuổi rủ ren
Rèm che mở lối say men ngắm nhìn
Đôi tim khắng khít rõ tình

Tri âm tri kỷ chúng mình dệt mơ
Làm sao trở lại ngu ngơ
Làm sao vờ rớt bài thơ bên nhà

Kim Phượng

Giang Thôn Thu Vọng



裴宗灌 - Bùi Tông Quán (Việt Nam) 

      江村秋望             Giang Thôn Thu Vọng 

衣獨自立江阡         Phi y độc tự lập giang thiên 
秋色誰將到眼邊         Thu sắc thuỳ tương đáo nhãn biên 
旅雁行行過別浦         Lữ nhạn hàng hàng quá biệt phố 
客帆点点絡晴天         Khách phàm điểm điểm lạc tình thiên 
溪頭佛寺依紅葉         Khê đầu phật tự y hồng diệp 
竹外人家隔淡煙         Trúc ngoại nhân gia cách đạm yên 
日暮誰知凝佇處         Nhật mộ thùy tri ngưng trữ xứ 
菉雲暗野看豐年         Lục vân ám dã khán phong niên. 


Dịch Nghĩa:
Ngắm Thu Nơi Xóm Ven Sông
Khoác áo một mình đứng ở ven sông
Ai đem vẻ đẹp của mùa thu đến trước mắt
Chim nhạn từng hàng bay đi qua bến sông
Cánh buồm khách từng chấm giữa trời quang đãng
Nơi đầu khe ngôi chùa phật tựa vào đám lá hồng
Ngoài bụi tre nhà dân chúng bị che bởi khói mờ
Trời đã về chiều ai biết được ta đứng lặng rất lâu nơi đây
Đám mây xanh tuy che tối nhưng vẫn thấy cánh đồng rộng được mùa

Bản dịch của Mailoc

Ven sông một bóng áo bay bay
Ai rắc thu vàng trước mắt ai
Nhạn lướt hàng hàng trên bến vắng
Buồm dong lớp lớp giữa trời say.
Đầu khe chùa ẩn cây hồng nhuộm
Sau trúc nhà chìm khói xám xây
Chiều xuống có người còn đứng ngắm
Đồng xanh lúa gợn gió cùng mây 

Mailoc
Cali 6-6-14
* * *
Ngắm Thu Nơi Xóm Ven Sông


Một mình khoác áo đứng ven sông
Trước mắt màu thu đẹp cả lòng
Nhạn xếp từng hàng ngang bến cũ
Buồm gương bao cánh giữa trời trong
Đầu khe chùa phật nương cây rậm
Cạnh trúc nhà dân ẩn khói lồng
Lặng ngắm cả ngày ai có biết
Xanh trời ruộng trúng chẳng hoài công

Quên Đi

* * *
Ngắm Thu Ở Xóm Ven Sông


Khoác áo bờ sông cảm xúc nhiều,
Ai đem thu sắc trải đìu hiu.
Nhạn bay lớp lớp sang bờ khác, 
Buồm chạy xa xa dưới nắng xiêu. 
Thấp thoáng cửa chùa trong lá đỏ, 
Chơi vơi làn khói quyện lam chiều. 
Trời hôm đứng lặng nhìn mây xám, 
Đồng tối được mùa bớt tịch liêu.

Đỗ Chiêu Đức
* * *
Thu Về Trên Xóm Ven Sông


Khoác hờ chiếc áo, bước ra sông
Ngắm cảnh trời thu nhuộm khoảng không
Đàn nhạn hàng hàng qua xứ lạ
Cánh buồm thấp thoáng giữa mênh mông
Đầu khe, chùa lẫn rừng phong đỏ
Sau trúc, nhà vương bụi khói hồng
Ngơ ngẩn trong chiều buông bảng lảng
Vụ mùa hứa hẹn trĩu trên đồng.

Phương Hà phỏng dịch

* * *
Vào Thu Nơi Bến Sông

Một mình khoác áo đứng ven sông 
Hương sắc vào thu khiến chạnh lòng 
Chim nhạn từng đàn bay chốn khác
Cánh buồm ẩn hiện giữa chiều loang 
Đầu khe Phật tự chen rừng lá 
Dưới xóm nhà dân khói tỏa lồng
Đứng lặng ngẩn ngơ ai biết nhỉ ?? 
Được mùa lúa trổ hạt xanh đồng

Song Quang

* * *
Ven Sông Lặng Ngắm

Áo vác vai ven ngoài bến vắng
Ngắm màu thu chuyển sắc vàng thay
Nhạn trời tiếp nối mờ xa lướt
Buồm khách đua nhau thấp thoáng lay
Cửa Phật đầu khe cành rậm phủ
Mái nhà cạnh trúc khói mờ bay
Hoàng hôn sắp tắt chưa rời bước
Dưới áng mây mờ lúa trĩu sai

Kim Phượng

Vũ Hối - Tặng Kim Phượng Xuân Tân Mão 2011


Thư Họa: Vũ Hối



Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Xa Xứ




Tây nguyên đèo ải ngăn sinh lộ
Trăm đứa lên có mấy kẻ về
Giày trận bám bùn mưa tối mặt
Mùa hè gió thốc bụi tê tê

Trần Hoài Thư


Xướng Họa Thơ Mới: Một Chiều



Bài Xướng
Một Chiều...
 
Một chiều về ngang con sông
Bến xưa sóng lượn bềnh bồng
Con đò ai neo nỗi nhớ
Bờ lau cỏ úa vàng mong 

Một chiều qua góc phố quen
Thoảng thoảng mùi hương tóc mềm
Chạm nhẹ bờ vai kỷ niệm
Cây nghiêng cành đợi dài thêm
 
Một chiều quán lạnh chỗ ngồi
Nhớ ly xí muội chia đôi
Ly kem bốn màu chia nửa
Bao giờ hết ngọt người ơi
 
Một chiều về ngang trường xưa
Áo bay lồng lộng gió mùa
Nỗi nhớ đỏ đầu điếu thuốc
Cháy bừng ngàn tiếng guốc khua 

Một đêm hoài vọng thu qua
Vầng trăng xưa vẫn chưa già
Ngấn tròn đôi môi huyền ảo
Nụ hôn từ tạ xót xa 

Trầm Vân 
***
Các Bài Họa

Kiếp Giang Hồ

Ta, kẻ giang hồ núi sông
Chí trai ngang dọc tang bồng
Rong ruổi một đời phiêu lãng
Không màng kẻ nhớ người mong.
 
Bao nhiêu cô gái vừa quen
Long lanh mắt biếc môi mềm
Nào đã có gì kỷ niệm
Mà mong ngày tháng dài thêm?
 
Chiều mưa quán nhỏ ta ngồi
Ghế tre sắp thành cặp đôi
Một mình gác chân hai ghế
Cảm thông nhé chủ quán ơi !
 
Mưa có về ngang chốn xưa
Chắc giờ gió đang chuyển mùa
Lành lạnh hơi sương buổi sớm
Bếp nhà, củi lửa vừa khua ?
 
Tháng ngày vùn vụt trôi qua
Cội mai thềm cũ đã già ?
Em còn đợi bên song cửa
Mắt buồn dõi phía trời xa ? 

Phương Hà 
***

Bến Sông Xưa

Em còn nhớ đến dòng sông
Lục bình xuôi nước trôi bồng
Hoa tím đơn sơ thầm gợi
Ta nhìn ngơ ngẩn chờ mong
 
Phù sa nước đỏ thân quen
Ngọt ngào tựa má môi mềm
Của cô em thời thơ dại
Khiến ta nỗi nhớ dầy thêm

Tìm quanh bến cũ nơi ngồi
Thuở nào ta luôn có đôi
Bên nhau từng giây rung động
Làm sao quên được em ơi
 
Bao lần hồi tưởng chuyện xưa
Tháng Bảy nước nổi theo mùa (*)
Bên bờ Cửu Long yêu dấu
Khoan nhặt nhịp guốc ai khua
 
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Sông quê vẫn mãi không già
Tóc ta giờ sương trắng phủ
Nhưng bóng cũ chẳng rời xa
 
Quên Đi

(*) Ở Miền Tây, vào tháng 7 Âm lịch, nước sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về, Người dân ở đây thường gọi là "Mùa Nước Nổi" 
***

Gọi Người
 
Nhớ mà chi kẻ sang sông
Tội thân tay bế tay bồng
Lỗi vẹn thề thời thơ dại  
Cám ơn tình khắc khoải mong
 
Nồng nàn sao thuở mới quen
Trộm hương suối tóc nhung mềm
Vai gầy ấm hơi hướm lạ
Ngượng ngùng hồng má em thêm
 
Phút bên nhau thinh lặng ngồi
Chia tình xí muội chung đôi
Kem màu khát khao vị ngọt
Quên làm sao được ai ơi
 
Cây đời trơ gốc phượng xưa
Thảm thiết ve tiếng gọi mùa
Nắng vàng thôi lay dáng hạ
Xa rồi guốc vọng tiếng khua
 
Ngày tháng mãi hững hờ qua
Sương tuyết phơi tuổi chớm già
Bao kỷ niệm còn nguyên đó
Gọi người tận chốn trời xa
 
Kim Phượng

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Nguồn Thơ Bất Chợt


       Cuối tháng 12 năm 1999, thật tình cờ, có người ngỏ ý làm quen với tôi, qua đường dây điện thoại. Một điều khó tin, tình bạn chúng tôi kéo dài trên sáu năm, nhưng chưa một lần đối mặt.

       Lần đầu tiếp chuyện với cô, trong bỡ ngỡ, xa lạ và đôi chút rụt rè. Cô nghẹn ngào cho biết, mình là người khuyết tật sau cơn đột quỵ. Bệnh tình ngày một tăng, không thuyên giảm. Môi trường nơi cô sinh sống, thu hẹp giữa tường vôi căm lặng. Cô làm bạn cùng chiếc xe lăn, nhưng hai tay, đã mất dần khả năng lay động được đôi bánh xe.

      Sau lần trò chuyện đó, mối liên lạc bằng điện thoại giữa chúng tôi thường xuyên hơn, gần như tiếp diễn hàng ngày. Có hôm đi làm về, tôi vừa đặt chiếc xách tay xuống, điện thoại reo vang. Thật tội! Có lẽ cô đã canh giờ giấc và đợi chờ tôi lắm thì phải.
       Mỗi lần tiếp chuyện, dù cách mặt, tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn, qua giọng nói rầu rầu. Tôi hình dung ra, đôi dòng lệ ràn rụa, đang âm thầm lăn dài trên má cô. Cô huyên thiên nói như chưa từng được nói. Tôi im lặng lắng nghe. Nghe, giúp cô vơi đi muộn phiền, nghe cho tâm lắng đọng và cho lòng cô được thảnh thơi. Một lần cô gọi đến, nói lời chia tay. Cô muốn tự kết liễu đời mình, một kiếp người cô cho rằng không cần tồn tại. Trong hốt hoảng, qua điện thoại tôi chỉ biết nhờ đứa con gái của cô, mang đến cô một cốc nước lạnh. Hy vọng, sự trìu mến từ đôi bàn tay đứa con và cái lạnh của nước, giúp cô dịu lại, bình tâm hơn. Có đôi lúc, sau cuộc trò chuyện, vừa gác điện thoại xuống, tôi vội nhấc nó lên, nói dăm câu vô thưởng, vô phạt, hầu mong cô quên đi ý nghĩ ngông cuồng trong phút giây tích tắc dại khờ. Thời gian trôi qua, tôi lạc quan nuôi thêm hy vọng. Tôi vẫn tiếp tục lắng nghe. Tư tưởng, lối suy nghĩ của cô, ngày một khá hơn. Tôi thật sự không thất vọng, khi tiếng cười khanh khách từ bên kia đầu dây điện thoại vọng lại.
      Tôi còn biết, cô ca hay, đàn khá, dòng máu thơ đang luân lưu trong huyết quản. Những bài thơ do cô sáng tác, dài đến năm, sáu trang giấy. Thơ dài là phải! Bút mực nào tả hết nỗi thống khổ, cạn niềm bất hạnh của một người chỉ biết hai chữ hy sinh. Nhưng giờ đây, với tấm thân bất toàn, làm sao cô chu toàn bổn phận làm mẹ, làm vợ của một người bình thường, như nhu cầu thường tình đòi hỏi. Ai hiểu được và cảm thông cho cô, người bị xem là gánh nặng trong gia đình? Tuy nhiên, cũng còn may. Con trai cô, tuổi đời trong lứa đôi mươi, bằng đôi vai nhỏ bé của mình, cậu đỡ lấy phần nào trách nhiệm. Điều này, tôi biết khá rõ, qua những lần đang trò chuyện. Đôi khi cô xin phép cúp máy để cậu giúp mẹ gội đầu. Lòng tôi chùng xuống. Cậu, trong tuổi vui chơi, tuổi tụ năm, tụm ba, hội bạn, họp bè, vẫn không quên bổn phận, quay trở về nhà, giúp mẹ. Tôi thật sự xúc động. Tình thương tôi dành cho cậu, có phần trội hơn. Tôi nhủ lòng, mình sẽ làm một điều gì đó, hầu vơi gánh nặng trên đôi vai bé nhỏ ấy. Nghĩ thế, tôi giúp cô“bận rộn”, tránh suy nghĩ miên man. Tôi khuyến khích cô, làm thơ đăng trên báo, gửi lên các đài phát thanh. Tôi nuôi hy vọng lời thơ của cô, lời thơ của kẻ bất hạnh sẽ mang lại nụ cười, niềm vui đến cho người khác. Tội thân cô, với đôi bàn tay, đủ khả năng viết lách ngoằn ngoèo, nay lại cố gắng dùng nó để xử dụng các nốt chữ trên máy gõ. Không cách nào hơn, muốn an tâm, cần hành xác, tôi nghĩ như vậy. Để thay đổi cái nhìn và thái độ sống của bạn, tôi gợi ý, lời thơ “cắt” ngắn bớt, trong sáng và vui tươi hơn, thay cho lời quá bi ai, luôn khóc than thân phận kiếp người. Nhưng cô cho biết, thơ ngắn, chẳng chuyên chở hết tình sầu. Lòng luôn gợn sóng ba đào, làm được thơ vui, đó chỉ là mơ. Cô chối bỏ, tôi cương quyết “sẽ được”. Nhất cử lưỡng tiện, tôi nhất quyết sẽ không đọc những bài thơ dài của cô nữa. Đồng thời, tôi nhờ cô làm hộ một bài thơ mừng ngày sinh nhật, tặng cho đứa cháu gái. Cô phản đối dữ dội, quyết liệt chối từ. Cô cho biết mình không thể làm thơ vui. Nhưng rồi, có lẽ do tình thương cô dành cho tôi, trong ngày sinh nhật có được bài thơ mà cháu tôi vô cùng thích thú. Ba mẹ và ngay cả cháu, ngỡ tôi là tác giả. Biện minh cách nào chẳng ai tin. Trời ạ! Nếu họ biết, thời trung học, tôi từng đội sổ về môn văn, thì bằng xúc cảm nào, đề thơ được chứ. Có chăng, nếu tay tôi, nắm được chiếc đũa thần, thì may ra.
      Thời gian chầm chậm trôi với nhiều đổi thay. Thơ của bạn, được thu ngắn lại, dài vỏn vẹn mười đến hai mươi dòng. Lời thơ trong sáng, độ lượng, nhân ái, pha lẫn tính hài, trải đầy trong một số báo và được phát ra trên đài phát thanh. Một số chủ nhiệm, những vị phụ trách chương trình phát thanh và số đông độc giả, thính giả hết lòng nâng đỡ, mến mộ cô, một kẻ bất hạnh nhưng kiên cường. 

       “Định mệnh” đến với tôi. Bạn cho biết sức khỏe đến hồi nguy kịch, có lẽ cô sắp ra đi. Tôi cố gắng lạc quan, tìm kế “hoãn binh”.
- Ồ! Chưa chết đâu em, phải lắng nghe thơ chị rồi mới được chết chứ!
      Tội cho thân tôi! Tìm cách hoãn binh, nhưng lại nợ lời hứa. Bạn đợi chờ nghe thơ do tôi sáng tác. Hứa một điều, biết chắc mình không làm được. Dù rằng, tôi là kẻ đã từng viết “lời bạt” và sửa lời thơ cho cô. Tôi để cô đợi, cô chờ, hầu quên căn bệnh và sự lạc quan sẽ kéo dài thời gian sống còn. Nhưng khổ thân tôi, cô cứ nằng nặc đòi nghe thơ. Ngòi bút của tôi ơi, tội mi quá! Thơ chưa đề, hay mực đã cạn? Miên man suy nghĩ, đầu nhức cầm canh. 

- Chưa có cái dại nào hơn cái dại này! 
Tôi tự hỏi: 
- Mình phải làm sao đây?
- Tôi mà làm thơ à!
Đa đoan bối rối, có người hỏi tôi :
- Chị biết làm thơ không?
Có tật giật mình. Tôi bật cười. Nụ cười “tre trúc” làm sao! Vội trả lời “không”. Lúc về đến nhà, soi gương, tìm thử xem mặt mình có phảng phất hồn thơ chăng. Rồi nhủ lòng: “Hãy thử xem, làm thơ chỉ tặng bạn, người sắp lìa cõi đời, ai biết được mà chê khen”.
      Đánh liều, vội liên lạc với anh tôi, hiện định cư bên Mỹ. Ngày xưa, thời trung học, anh từng là Trưởng ban Báo chí và Văn nghệ. Ngày nay, anh vẫn sáng tác thơ văn, giải sầu. Anh chỉ dẫn cho tôi về niêm luật. Trong thời gian rất ngắn, tôi gửi sang cho anh, tác phẩm đầu tay. Anh gửi trả lại tôi, một bản sao. Anh vẫn còn lịch sự, hay anh giữ bản chánh để “ làm bằng”, chọc quê tôi. Vì anh biết, cô em mình là mẫu người hay mơ màng và thích cãi lý. Bản sao được gửi lại, đầy lời phê bình dễ thương, nhưng thương không dễ chút nào. Anh bảo: “Chữ này chưa chỉnh, chữ kia không vần, chữ nọ lặp đi lặp lại nhiều lần quá”. Anh còn điện thoại sang, cho biết, mới tập làm thơ, cố gắng giữ niêm luật, chỉ những nhà thơ giỏi, họ thường làm thơ theo lối tự do. Bắt được ý này, tôi thật hân hoan và đầy tự tin... ẩu, đáp lời:
- Em là nhà thơ giỏi mà!
Anh cười trên sự bướng bỉnh của cô em. Có cớ để dựa, tôi tha hồ làm thơ tự do. 


Làm thơ để tặng người ta
Vừa ngắn, lại dở, nói xa, nói gần
Làm thơ là tặng người thân
Dù thương hay ghét cũng ngần ấy thôi
Thơ làm trải hết tình tôi
Hữu duyên đồng cảm bồi hồi vấn vương

 
      Trong bất chợt tình cờ đó, những bài thơ “hứa” bất đắc dĩ ra đời. “Thúy Diệp1”, nội dung về người con gái vườn Thúy, mang tên thật đẹp Lâm Thúy Diệp, tên đẹp như tên một nhân vật trong tiểu thuyết. Đến bài “Thúy Diệp 2” và tiếp tục nhả thơ tiếp, bài “Bạn tôi”, một người bất hạnh, làm bạn cùng xe lăn. Và như một lời chia tay, tôi nghĩ, nghiệp làm thơ của mình sẽ đóng lại từ đây. Bao nhiêu tài và tình, được gói trọn trong “Chiếc lá tội tình”. Bài thơ cuối, tiễn bạn trở về lại quê hương, sẽ sống vĩnh viễn đến cuối đời, như dự định của Diệp.
      Nhưng đời không như ước mơ, chuyện trái ý thường hay xảy ra. Cứ ngỡ, sẽ tự do, không ai bắt tôi phải làm thơ nữa, “bổn phận” làm thơ đã xong. Cớ gì đâu, nguồn thơ lai láng. Có những bài sáng tác trong thoáng chốc, dăm ba phút, nhất là lúc cần “phản pháo” lại, bất cứ ai hay thích chọc quê tôi. Điều này cũng không ngoại lệ đối với anh mình, người đã từng dìu dắt tôi về niêm luật. 

      Trong một lần anh tôi qua thăm má, khi ra về anh tặng mỗi người em một cây chanh Kaffir, dùng làm gia vị nấu ăn.
Mỗi lần xách nước tưới chanh
Nhớ ai không nhớ, nhớ ai của mình

Ra đi để lại chút tình
Đậm sâu trong quả - Thâm tình trong gai

      Riêng tôi, có lẽ là người em gái được anh yêu thương nhiều, nên ngoài cây chanh Kaffir, phần tôi, được hậu hỉ, thêm soong chảo.
Mỗi lần chiên cá nấu canh
Nhớ ai không nhớ, nhớ anh của mình

“Chiều chiều ra đứng ngỏ sau”
Nhớ về xứ Mỹ nao nao dạ dày

      Thơ làm trải hết tình tôi, hâm mộ, khen tặng, thăm hỏi, mừng sinh nhật, tỏ lời tri ơn, đến than thân trách phận hoặc kèo nài khi gặp bất công. Nguồn thơ trào tuôn như thác đổ.
Tức mình chẳng dám kêu ca
Kiếp sau xin được ở xa cho rồi

Thơ còn chất chứa tình, nhắc nhớ, dành cho các em học sinh trường Việt ngữ Trương Vĩnh Ký của tôi.
Thành thật ai cũng yêu thương
Quyết không nói dối làm gương cho người
Nói láo ai cũng chê cười
Tôi cần thành thật mọi người đều khen

      Lắm lúc, chẳng dễ chút nào, rất khó khăn khi tìm nguồn cảm hứng. Có những bài thơ viết dở dang, chỉ dăm câu đã hết ý. Đợi chờ…chờ đến bao giờ? Chờ được tròn bài thơ như đợi chờ hoa Quỳnh nở. Hay đôi khi bài thơ đã sửa, rồi lại sửa…
Bài thơ sửa lại đã nhiều lần
Cho lòng người đọc chút bâng khuâng

Hay thôi…
Bài thơ sửa lại hay thôi để
Lay động tim người hay chính ta

      Bước đầu, bỡ ngỡ trong thơ văn, tôi luôn ghi lời nhắc nhớ, cần giữ niêm luật. Chỉ nhà thơ giỏi hay làm thơ tự do. Thật không công bằng chút nào. Đã giỏi lại được tự do. Nhưng phải chăng, với tôi, chính sự tự do, thơ dù ngắn hay dài, hay hoặc dở tùy người đồng cảm. Thơ làm trải hết tình tôi, là tình hướng dương, trăm nghìn đổ lại người đồng cảm. Thơ còn biểu hiện bản tính người, tính " nghịch _ ngổ”. Thơ phổ nhạc, tôi nghịch đời, dùng lời nhạc bài Lời ru mời Em trở về, cảm tác nên thơ.
Ru - Lời ru mời Em trở về
Thân cỏ hoa ngan ngát rất riêng
Em trở về - Một lời chưa ngỏ


 
      Có một điều gì đó thường hay xảy ra, trong lúc làm thơ, tôi thường lấy một đôi câu của bài này, nối kết vào bài thơ mới. Ai đó bảo, suối nguồn thơ trong tôi đã cạn. Nhưng tôi tự hỏi, phải chăng, cái nhìn cạn nguồn của người này, là điều ước mơ của tôi. Mơ, tôi mơ: “Mỗi người trên thế gian này sẽ là hạt yêu thương, luôn được kết thành chuỗi, một Chuỗi Yêu Thương.” Những bài thơ đang sáng tác, tôi nối kết lại với nhau, tạo một chuỗi , chuỗi sẽ tròn và to hơn, nếu may mắn tôi có được người bâng khuâng, đồng cảm.  

      Nguồn thơ bất chợt, bất chợt đến, lắm lúc hữu duyên. Hữu duyên này, tìm thấy trong bài thơ “Nén Thương”, được tôi “chẻ” làm đôi. Một nửa bài, nhắc nhớ về mái trường cũ của tôi Tống Phước Hiệp. Nơi cảnh cũ với những người xưa, nơi có thầy, có bạn, kẻ còn hoặc miên viễn. Một nửa bài thơ kia, dành cho cảnh lạ, Người mới. Cảnh lạ, Kađơn này, một nơi hẻo lánh xa xôi, thuộc thành phố mù sương, Đà Lạt. Thành phố “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ” của năm nào. Nhưng giờ đây, nơi chốn này là chỗ ở của những người bần hàn, tôi chỉ biết qua thơ từ, hình ảnh. Đó là 200 em Người Thiểu Số, đứa nghèo nàn, đứa mồ côi. Tất cả đang mù lòa, tăm tối với căn bệnh mù chữ. Và Người mới này, là một người Kinh, lại học tiếng thiểu số, hầu có thể truyền đạt văn hóa, tiếng mẹ đẻ, của người thiểu số và Người ấy đang dẫn dắt, chăm sóc các em, thoát ra ánh sáng. Người tôi muốn nhắc đến, là vị chăn chiên, giàu lòng, độ lượng, Linh mục mang tên Tống Phước Hậu. Kỳ diệu thật, cùng là Tống Phước...
      Thời gian...
Thời gian vẫn chưa xóa mờ tình bạn hơn sáu năm của chúng tôi. Thời gian đong thêm đầy nguồn thơ trong tôi và đã hàn gắn vết thương lòng của bạn. Hơn sáu năm, đủ giúp bạn quên đi vài nỗi muộn phiền. Những lời nằng nặc đòi “nghe thơ” lúc cuối đời của bạn, là động lực chính, thúc đẩy mầm thơ trong tôi. Dù rằng, trong suy nghĩ thô thiển, bước đầu tập tễnh, thơ mình làm chỉ riêng mình đọc, mình đọc chỉ riêng cho người cuối đời nghe.
      Mấy hôm nay, bạn tôi yếu lắm. Nhưng cô rất bình tỉnh sắp xếp cho việc lâm chung của mình. Cô muốn biết, trong ngày cuối đời, ai sẽ là người đưa tiễn, và nếu trong số đó có tôi, cô chỉ cần, không phải một vòng, mà chỉ một cánh duy nhất, hoa màu tím mà thôi.




      Diệp thương! Ai rồi cũng phải đi vào qui luật của tạo hóa. Cát bụi về lại cát bụi. Bạn tôi, Diệp cũng sẽ không tránh khỏi qui luật này. Cuộc đời vừa thoáng đó, sẽ mất đó. Rồi một ngày, bạn tôi ra đi, sẽ không mang được gì, ngay cả cánh hoa màu tím, Diệp hằng mong. Nhưng tôi hy vọng, rất hy vọng, tâm hồn bạn được bình an, thanh thản trong phút cuối, lúc ra đi. Mai đây, còn lại một mình, mỗi lần nghĩ đến bạn, tôi sẽ không còn nhớ đến Diệp, Chiếc lá tội tình nữa. Tôi nhớ, sẽ nhớ mãi, một cánh hoa tim tím, ngan ngát hương yêu.
      Tạm biệt bạn nhé! Rồi sẽ vĩnh biệt bạn nhé, trong một ngày. Nhưng bạn hỡi, hãy nhớ còn phút giây nào trên thế gian này, vẫn còn tình bạn bất diệt giữa chúng ta. Và một điều rất chắc chắn, bạn sẽ không nhìn được cánh hoa tím, tôi mang đến trong ngày đưa tiển. Nhưng đêm nay, qua làn sóng phát thanh mà bạn thường lắng nghe và cộng tác. Rất trân trọng, tôi gửi đến bạn một bài thơ.


      Hồn thơ hỡi, trong đêm nay hãy nhập vào cánh hoa tím, tiễn bạn. Bạn hỡi, hãy “ôm lấy” cánh hoa tím đầy yêu thương chân thành này vào lòng. Lời thơ ấm, mang cho bạn một nụ cười ấm. Hương hoa sẽ ấp ủ, ấm lòng bạn. Hoa tím, sắc hoa bạn hằng mong. Hoa ơi, theo bạn tôi nhé, mang bình an và cùng bạn đi vào cõi thiên thu.


Màu Hoa Tím

Cành hoa thay một nén thương
Sắc màu tim tím ngát hương hoa đời
Em như tơ trắng bên trời
Mai đây phiêu bạt chơi vơi phương nào
Màu hoa tim tím gửi trao
Khắc sâu tình bạn đi vào thiên thu
Sương đêm phủ kín mù mù
Oằn đau nỗi nhớ mai dù cách xa
Màu hoa tim tím đậm đà
Hoa tình trọn nghĩa xót xa kiếp người
Màu hoa tim tím xinh tươi
Em ơi giữ lấy nụ cười hôm nay
Hoa lòng tim tím chẳng phai
Tiễn nhau một đoạn đường dài này thôi
Màu hoa tim tím trong tôi
Ngút ngàn nỗi nhớ đành thôi giã từ

Kim Phượng 


Suy Niệm Và Cầu Nguyện - LM Nguyễn Tầm Thường



( Mời nhấp vào Link lắng nghe những bài đọc của LM. Nguyễn Tầm Thường)

LM. Nguyễn Tầm Thường

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Vũ Hối - Thơ Kim Phượng


Thư Họa: Vũ Hối

Xa Xứ


Em nơi nào, trời có mù sương?
Cho tôi về thăm lại Tây nguyên
Những đồi những núi mù sương ấy
Trắng theo từng cây số nhớ nhung

Trần Hoài Thư


Bao Giờ Gặp Lại


Mái ngói tường vôi phủ rêu xanh
Phượng hồng héo hắt lá trơ cành
Huỳnh đàn khắc khoải thôi rợp bóng
Âm thầm lặng tiếng ve chết nhanh

Cảnh vật chìm sâu dưới nắng đầy
Chỉ người xa lạ ở quanh đây
Bao tà áo trắng như năm cũ
Nhưng vắng xa rồi trắng thơ ngây

Người em xưa ấy chẳng lụa là
Đơn sơ lòng trải mộng cỏ hoa
Mang hương gió mới nơi đồng nội
Và tuổi học trò thuở riêng ta

Rồi mùa Phượng ấy vội qua mau
Đớn đau ôm chặt mối tình đầu
Chôn cả hôm nao lời hò hẹn
Bao giờ gặp lại chắc sẽ lâu

Kim Phượng



Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Mảnh Tình


Những ngày dạy tiếng Nam ta
Nhớ ơi ! Chiếc áo kiêu sa thuở nào
Ấp e chiếc nón nghiêng chào
Buông lơi suối tóc, má đào xinh xinh

Từ nay xếp bút thư sinh
Thời kỳ đen tối, dân tình phân ly
Bao người vượt biển ra đi
Tự do tìm đến, sá gì gian nan

Thương cho chút phận hồng nhan
Hoa trôi bèo vạt, lầm than cuộc đời
Nhưng lòng chẳng đổi, chẳng dời
Trải bao cay đắng, ơn Trời phước ban

Duyên xưa một kiếp lỡ làng...
Tim còn cô động ôi  man mác buồn !
Bỗng dưng chớp bể mưa nguồn
Tưởng chừng tiếng sét, xuyên luồn con tim...

Sao khuya đón đợi bình minh
Bao giờ có được " Mảnh tình " vác vai...
Đến đây thơ cũng đã dài
Chúc cho Phượng có những ngày vui tươi


Còn đây những đóa hoa mời...Red rose....Red rose...
     

Bác Thân 



Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Hà Đông Sư Tử



        Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia. Vợ của Trần họ Liễu vốn có tính ghen dữ ghê gớm. Quý Thường rất sợ vợ nhưng rất có lòng tôn sùng đạo Phật. Hằng ngày ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om sòm, nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám cự một tiếng. 

      Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều, nên ở nhà thường có yến tiệc. Để tăng phần hứng thú, long trọng của buổi tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu Thị trong phòng mượn điều này, điều nọ, quát tháo om sòm. Trần có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay bỏ rơi mất gậy. Bạn thân của Trần là Tô Đông Pha, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt: 

Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,
Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.
Hốt văn Hà Đông sư tử hống,
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên. 

Tạm dịch: 

Ai hiền bằng thầy đồ Long Khâu,
Đọc kinh thuyết pháp suốt đêm thâu,
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu. 

"Hà Đông sư tử" chỉ người đàn bà ghen dữ tợn. 

      Tô Đông Pha dùng hai tiếng "Hà Đông" là mượn câu thơ của Đỗ Phủ: "Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu" (cô gái Hà Đông người họ Liễu) vì vợ của Quý Thường cũng họ Liễu. Và tiếng "Sư tử" do lời trong kinh Phật: sư tử là chúa loài thú, mỗi khi rống lên thì các thú vật đều khiếp đảm để vừa chỉ tính ghen dữ của Liễu Thị, vừa chỉ Quý Thường là một tín đồ đạo Phật. 
      Tú Xương trong bài thơ vịnh cảnh lấy lẽ, có câu: 

Hậu hạ đã cam phiền cát lũy,
Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông.

Kim Phượng Sưu Tầm
Trích Điển Hay Tích Lạ




Đăng Bảo Đài Sơn - 登寶臺山


Thơ Trần Nhân Tôn (Trần Khâm)

登寶臺山 Đăng Bảo Đài sơn


地寂臺逾古, Ðịa tịch đài du cổ,
時來春未深。 Thời lai xuân vị thâm
雲山相遠近, Vân sơn tương viễn cận.
花徑半晴陰。 Hoa kính bán tình âm.
萬事水流水, Vạn sự thủy lưu thủy,
百年心語心。 Bách niên tâm dữ tâm.
倚欄橫玉笛, Ỷ lan hoành ngọc địch
明月滿胸襟。 Minh nguyệt mãn hung khâm

Dịch nghĩa: 


Vùng đất hẻo lánh càng khiến toà đài thêm xưa cũ
Mùa xuân đến chưa lâu
Mây núi thấy như xa như gần
Đường hoa nửa sáng lạng nửa mù mờ
Muôn việc như nước đẩy trôi nước
Trăm năm lòng dặn với lòng
Tựa vào lan can cầm ngang cây sáo ngọc
Ánh trăng chiếu phủ vạt áo trước ngưc.

Dịch Thơ:

Lên núi Bảo Đài 

Nơi tịch mịch đài trông thêm cổ
Theo tiết trời xuân độ chưa lâu .
Núi mây lồng lộng xa gần ,
Đường hoa nửa rợp nửa vàng nắng xuyên .
Muôn việc đời triền miên nước chảy ,
Cuộc trăm năm lòng mãi nhủ lòng .
Lan can sáo ngọc tay nâng ,
Ánh vàng đầy ngực một vầng trăng trong . 
Mailoc phỏng dịch

* * *
Lên Núi Bảo Đài
Đền xưa cổ kính chốn hoang sơ
Xuân mới vừa sang, tiết chuyển mùa
Mây núi gần xa, hình bóng ẩn
Nắng râm đậm nhạt, ngõ hoa mờ
Việc đời tuần tự như dòng chảy
Tâm sự bời bời tựa giấc mơ
Đứng dựa lan can, nâng sáo ngọc
Ánh trăng bàng bạc khoảng trời thơ.

Phương Hà phỏng dịch

* * *

 Lên Núi Bảo Đài
 
Cảnh tịch liêu đài nhiều nét cổ
Đất trời chớm đổi tiết xuân sang
Gần xa mây núi trông mờ ảo
Sáng tối đường hoa tỏa dịu dàng
Muôn thuở sự đời con sóng nước
Trăm năm thế cuộc tấm trung can
Tay nâng sáo ngọc lùa âm vọng
Vạt hứng đầy trăng ngập ánh vàng


Kim Phượng
 * * *

 Lên Núi Bảo Đài 

Vùng hoang đài cổ kính
Xuân mới còn mong manh
Mây núi xa gần hiện
Đường hoa sáng tối tranh
Việc đời như nước chảy
Năm tháng với tâm lành
Sáo ngọc bên lầu thổi
Thân đầy ánh nguyệt thanh
 


Quên Đi

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Mộng Vàng - Phạm Duy - Lệ Thu


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Phạm Duy
Tiếng Hát: Lệ Thu
Thực Hiện: Hong Lien

Hè Xa Vĩnh Long


Lặng đứng dưới tàng cây phượng vỹ
Đớn đau lòng kẻ ở người đi
Vườn yêu sân Tống ai tàn phá
Hoa bướm chia lìa khóc biệt ly

Lần tiễn chân ngày xa đất Vĩnh
Nhớ như in dáng mỏng kiêu sa
Anh người khách lạ nhiều vương vấn
Mơ một lần về lại Vĩnh Long

Kim Phượng
Hè 2013

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Ừ Thôi


Đi đi tìm lại trăng ngàn
Thắp thay ngọn nến soi hàng lệ chia
Ừ thôi tình đã xa lìa
Giấu sao là hết đầm đìa giọt tuôn

Kim Phượng
27.6.2014

Tóc Mây - Bờ Vai - Chiều Rơi



Xướng :
Tóc Mây

Nắng vàng hôn nhẹ tóc ai bay
Gió thoảng mơn man suối tóc dài
Sóng biếc hay mây ôm dáng ngọc
Tóc huyền buông xõa động lòng ai 


Quên Đi
 
***
Các bài Họa:
Bờ Vai

Nắng sớm choàng vai hương nhẹ bay
Bờ vai mười sáu tóc buông dài
Vai gầy ngoan nhé ôi thanh thoát
Trót đã say rồi ai hỡi ai 


Kim Phượng
***
Chiều rơi

 
Nhạt nắng chiều rơi sương khói bay
Hàng cây rủ bóng chặng đường dài
Mây trôi bàng bạc chân trời biếc
Xao xuyến nhớ về bóng dáng ai


Thiên Thu





Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Dòng Thơ Học Trò Lớp 5


Kelly


Bạn em tên Kelly
Bạn thích ăn mì
Bạn không thích jelly
Và bạn lầm lì 


Nguyễn Kim Quỳnh 

***
Bạn Em

Bạn em tên Bảo Hân
Bạn cao có mấy phân
Nhưng bạn rất thông minh
Và mặc đồ rất xinh 


Quách Như Quỳnh
***
Em

Em tên là Thanh
Em thích màu xanh
Em thích ăn chanh
Em có một người anh
Em thích xem bức tranh
Em thích chơi banh 


Trương Mỹ Thanh
***
Bạn Thân

Bạn em tên Kelly
Thích uống nước trong ly
Khi đi chơi cũng ăn jelly
Ăn no có belly to


Nguyễn thị Ny
***
Người Bạn Của Em

Bạn em tên Ngọc
Bạn đi học
Hay lóc nhóc
Không nói dóc
Thấy con cóc
Thì muốn khóc 


Nguyễn Minh Trí
***
Người Bạn Bên Cạnh

Bạn em tên là Thắng
Thích màu trắng 

Hay tắm nắng
Thấy con rắn
Chạy lăn xăn 


Nguyễn Minh Trí
***
Con Là…

Tên của con là Trí
Con có ý chí
Con hay nói có lý
Đầu con không có con chí
Con không thích ăn bí
Mà thích ăn mì ý


Nguyễn Minh Trí 



Xướng Họa: Hỏi

 
XƯỚNG
Hỏi


Hỏi ai có nhớ đến ta không ?
Khi ngắm trời khuya bóng nguyệt lồng
Duyên mới đong đầy ngày cuối hạ
Tình đà héo úa buổi tàn đông
Lòng người tựa lá trong cơn gió
Thân phận như hoa giữa bụi hồng
Nào biết mai đây còn gặp lại
Hay là trọn kiếp mãi hoài trông ?
Phương Hà

* * *
CÁC BÀI HỌA

Đáp

Nhớ lắm người ơi có biết không ?
Từ khi chịu khổ kiếp chim lồng
Chia tay nắng đổ mùa hoa hạ
Mất bạn mưa dầm tháng cuối đông
Áo trắng như còn in nẻo gió
Đường xưa đã thiếu mất bông hồng
Có con chim vịt thường bay lại
Tiếng hót càng buồn cứ mãi trông .
Cao Linh Tử
25/4/2014 

* * *
Đành Thôi

Đừng hỏi tim ơi có được không
Giờ đây kỷ niệm tựa mây lồng
Tình xưa tươi tắn thời xuân mởn
Hương cũ phai tàn nhạt cuối đông
Duyên dáng chi đây cành phượng thắm
Yêu đương đâu nữa giấc mơ hồng
Đành thôi tim hỡi đà sai nhịp
Mộng đã tan rồi chớ đợi trông
Quên Đi

* * *
Hồi Âm

"Người" hỏi làm "ai" khổ biết không ?
Đêm khuya ngắm nguyệt,bóng trăng lồng
Tình vừa gắn bó khi vào Hạ
Duyên lại xua tàn lúc cuối Đông
Hình bóng xem chừng ghi khác dạ
Dư âm còn đọng mảnh tim hồng
Người dưng sao lại đem lòng nhớ
Có biết thương nầy cứ ngóng trông ??
Song Quang
* * *

Đọc bài họa của Kim Phượng làm người đọc nhớ đến cuộc đời của nữ sĩ TTKh năm xưa, chỉ mong... đó không phải là... cuộc đời của người hiện tại !!!! Xin được nối đuôi...
Đừng Hỏi

Người nhắc làm chi chuyện nhớ không
Làm sao nói hết cảnh chim lồng
Tường cao cổng kín chôn chân sáo
Phòng vắng hồn đơn ngỡ gió đông
Lễ giáo gia phong vùi phận số
Chính chuyên thục nữ đẫm khăn hồng
Bao năm đã nhạt màu son phấn 

Nhắc nhớ mà chi lại ngóng trông
Kim Phượng
* * *

Nghi Vấn

Hai sắc hoa xưa... có nhớ không?
Cũng sầu ray rức cảnh chim lồng.
Buồng nghiêm thờ thẫn hồn eo hẹp*
Lễ giáo đọa đày kiếp gió đông.
Chuyện cũ đà qua... thành tiểu thuyết,
Đời nay còn cảnh... đẫm khăn hồng?
Hồng nhan phận bạc... hư hay thực?
Xao xuyến lòng người... mãi ngóng trông!!!
Đỗ Chiêu Đức

* Đây là câu thơ nguyên tác của TTKh trong " Bài Thơ Cuối Cùng".


* * *
Có 1 bạn thơ trên FB hưởng ứng họa bài thơ trên, gửi Thầy Cô và mấy anh chị lãm tường:
Không Đề

Kỷ niệm năm nào anh nhớ không
Cành cây hai đứa khắc tên lồng
Tay trao phượng thắm khi vào hạ
Mắt ủ men nồng lúc lập đông
Háo hức sẻ chia bao mộng đẹp
Hân hoan thổ lộ những mơ hồng
Ngờ đâu chiều ấy... xa biền biệt
Mấy chục năm ròng vẫn ngóng trông
Hoài Niệm Nguyễn
Ngày 09 - 5 - 2014


Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Tiếng Đàn Tri Âm


      Bá Nha, người đời nhà Tấn, làm quan Thượng Đại Phu. Một hôm đi sứ nước Sở trở về, đến sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu trăng thanh gió mát, ông bảo quân dừng thuyền lại để uống rượu thưởng trăng. Thừa hứng, Bá Nha đem đàn ra gảy.

      Nhưng bản đàn chưa dứt, dây đàn bỗng đứt. Bá Nha lấy làm kinh ngạc, nghĩ thầm:
- Chỗ này núi cao, non thẳm, sông dài, lẽ đâu có người biết nghe đàn làm cho dây đàn vội đứt. Hẳn đây là quân trộm cướp chăng?
Đoạn truyền quân lên bờ tìm bắt. Bỗng có tiếng một chàng trẻ tuổi vọng xuống:
- Xin đại nhân chớ nghi, tôi là đứa trẻ đốn củi mộc mạc, thấy khúc đàn hay nên dừng chân nghe thử.
Bá Nha mỉm cười, bảo:
- Có lẽ đâu một tên tiều phu mà lại biết nghe đàn!
Chàng tiều phu đáp:
- Xin lỗi đại nhân! Đại nhân nói như vậy chẳng là lầm lắm. Thánh nhân xưa có nói: Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa có quân tử đến. Nếu đại nhân khi chỗ núi non rừng bụi không có người biết nghe đàn thì ở nơi sông vắng đêm khuya này chẳng lẽ có khách biết đàn.
Nghe có chiều hữu lý, nhưng Bá Nha lại hỏi:
- Ngươi bảo nghe được đàn, vậy ta đàn bài gì đây?
- Dạ, đại nhân đàn bài Đức Khổng Tử than tiếc thầy Nhan Hồi. Bài ấy như vầy:
Khả tích Nhan Hồi mạng tảo vương,
Giao nhân tư tưởng mấn như sương.
Chỉ nhơn lậu hạng đơn biều lạc,
Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.
      Bá Nha cho là hay, mời khách xuống thuyền đàm đạo. Nhưng nhìn thấy khách là một chàng trai trẻ tuổi, quần bô áo vải thì có vẻ xem thường. Bá Nha không nói gì, ôm đàn sửa dây gảy một bản hướng về ý cao siêu. Bản đàn vừa dứt, chàng tiều phu cười nói:
- Hay! Hay! Ý đại nhân vọi vọi ở non cao (Nga nga hề chỉ tại sơn).
Bá Nha lại gảy một bản đàn khác hướng về tình cảm mênh mang, khoáng đãng. Chàng tiều phu cười nói:
- Hay! Hay! Ý đại nhân cuồn cuộn nơi nước chảy (Dương dương hề chí tại lưu thủy).
Bá Nha lấy làm khâm phục, đứng dậy xốc áo xin lỗi và hỏi danh tánh. Chàng tiều phu xưng là họ Chung tên Tử Kỳ.
Cả hai trò chuyện, lấy làm tương đắc. Bá Nha lại mời Tử Kỳ cùng theo mình về triều để hưởng cuộc sống giàu sang. Tử Kỳ thở dài, bảo: Vì còn cha mẹ già, phận làm con phải ở bên quạt nồng ấp lạnh, thần tỉnh mộ quang phụng dưỡng.
Vì việc quan cần cấp, Bá Nha phải sớm về triều. Lại ước hẹn với Tử Kỳ là sang năm ngày này, tháng này, Bá Nha sẽ đem thuyền đến đón cả gia quyến của Tử Kỳ về triều, vậy chàng hãy chờ đợi tại đây.
Đoạn hai người từ giã nhau.
      Rồi đến mùa thu năm sau, Bá Nha đem thuyền đến đón tại vàm sông Hán Dương cạnh núi Mã An. Bá Nha chờ đợi mãi nhưng không thấy Tử Kỳ đến. Buồn bã, Bá Nha lại ôm đàn gảy. Tiếng đàn hôm nay sao lại ai oán vô cùng. Lòng Bá Nha nghi hoặc một điềm bất thường xảy đến.

      Sáng lại, Bá Nha lên bờ, lần bước thăm hỏi nhà Tử Kỳ. Đến nơi mới hay Tử Kỳ vừa chết trong một cơn bạo bịnh. Chung ông lại cho biết rằng: Trước khi chết, Tử Kỳ lại trối phải chôn chàng bên mé sông Hán Dương, cạnh núi Mã An để chàng giữ lời hẹn với Bá Nha năm xưa là đến đó đón người.

      Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, rồi lấy đàn gảy một bài ai điếu và khóc lóc thảm thiết. Đàn xong Bá Nha bèn đập đàn vào đá tan nát, thề trọn đời không đàn nữa vì đã hết bạn tri âm.
Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu có câu:
Than rằng lưu thủy cao san,
Ngày nào nghe đặng tiếng đàn tri âm.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Kim Trọng yêu cầu Kiều đánh đàn cho nghe, có câu:
Rằng:
"Nghe nổi tiếng cầm đài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".
Cổ thi cũng có câu:
"Bất tích ca giả khổ, Đản thương tri âm hy" nghĩa là: "Không tiếc người hát khó nhọc, chỉ đau đớn người tri âm ít mà thôi".
"Lưu thủy, cao san, tri âm, Chung Kỳ" đều căn cứ điển tích trên. 

Kim Phượng Sưu Tầm
Trích Điển Hay Tích Lạ