Một hình ảnh tưởng đã quên, nhưng mãnh liệt trở về.
Chiếc Velosolex!
Trong email, hình chiếc Velosolex, kèm với câu hỏi ngắn của cậu em út:
- Nhớ xe này không 6 Phượng?
Làm sao mà quên được!
Chiếc xe Velosolex, từng hiện diện trong “căn nhà học trò” và đồng hành với chị em chúng tôi hơn 40 năm về trước. Đến nay, qua hình ảnh và câu hỏi ấy, chiếc xe gợi lại, nhắc tôi nhớ và hồi tưởng từng chuyện vui buồn của những ngày xưa cũ. Chuyện Sơn, người em cùng xóm. Chuyện về ba tôi, người suốt đời tận tụy, hy sinh cho vợ, cho con.
“Căn nhà học trò”, người lối xóm đã gọi như thế. Bởi, ba má ở xa, chúng tôi phải tự chăm sóc cho nhau. Nhà ở Long Hồ, cách xa đền thờ cụ Phan Thanh Giản khoảng 5 phút đi bộ. Phương tiện đi học bằng xe đạp. Ngoại trừ chị ba, học trường Sư Phạm Vĩnh Long, trường xa hơn và thể chất chị yếu hơn, dĩ nhiên, chị được làm chủ nhân chiếc Velosolex.
Đây là chiếc Velosolex đầu tiên, trên con đường Văn Thánh, thời bấy giờ. Dáng xe thanh thanh, cạnh thiếu nữ dáng mỏng, vai gầy, tà vạt trắng tinh, thướt tha trong gió. Cái duyên dáng của người thiếu nữ, nét thanh tao của Velosolex, khiến ai mà không nhìn.
Con gái thích làm dáng, những khi chị không có giờ đến trường, tôi thường mượn xe đi học để lấy oai với “đám con trai”. Thật ra, các chàng cùng lớp, có những anh đi học bằng Vespa, Honda, chứ nào kém. Tiếng máy xe ngừng nổ, cái dáng nho nhỏ, chầm chậm dắt xe vào sân trường, rồi chầm chậm dựng xe trước cửa lớp học. Dù không nghe thấy đâu, nhưng chắc như rằng “đám con trai” đang xì xầm đây. “ Bọn con gái” luôn nghĩ thế.
Có điều nghịch lý, được gọi là xe “gắn máy”, chắc chắn sẽ chạy nhanh hơn xe đạp, nhưng tôi phải mất nhiều thời gian hơn, chuẩn bị nhiều hơn và đi học sớm hơn. Bởi, sợ những bất trắc. Bất trắc ở đây là xe còn đủ xăng hay không. Nhìn lượng xăng trong bình sắp cạn, có cho mượn cũng chả dám. Ngại khi đề máy, xe lại nhõng nhẽo nằm bất động. Nhưng ngại nhất là phải hấp tấp dẫn xe vào cỗng trường, sợ chàng chê tướng gian nan không giàu. Sợ chàng chê..., thật ra tôi chưa để mắt đến chàng nào, dù rằng cái đuôi theo sau hơi dài.
Dáng xe thanh thanh, nhưng hay làm khổ người lái. Máy nằm phía trước đầu xe, phải đạp cho xe lăn bánh lấy trớn, rồi đẩy máy rời guidon trước khi đề máy nổ. Loại xe này chỉ thích hợp cho việc di chuyển, khi mặt đường bằng phẳng và khô ráo. Những hôm trời mưa, hay gặp “ổ gà”, “ đo đường” té ngả, đến xấu hổ.
Nhắc đến “ổ gà” tôi muốn nói về Sơn, bạn thân của hai cậu em tôi. Sơn ở cách nhà tôi bởi một con lộ. Ngoại trừ giờ ăn, học, ngủ, Sơn luôn túc trực bên nhà tôi và gọi tôi bằng “chị 6” như các em. Trong xóm có 2 người thứ tư. Một là anh lơ xe đò Vĩnh An, đầu tóc lúc nào cũng dường biếng lược gương, được đặt tên là “ Tư Mốc”. Sơn với biệt danh “Tư Mướt” bởi đầu lúc nào cũng xức dầu bóng loáng. Quen dần tên Sơn đi vào dĩ vãng. Sơn và cậu em thứ 7 của tôi rất thân, nhưng thường hay thách thức nhau.
Thương nhau lắm cắn nhau đau!
- Sơn, mầy dám để muối ớt trên lưỡi, đến khi muối tan hết, tao chịu thua tô hủ tiếu.
- Hai tô tao mới chịu, tao cho chị 6 một tô. Sơn trả lời.
Thời bấy giờ, giá tiền 1 tô hủ tiếu đã là nhiều, so với những đứa trẻ sống xa cha mẹ như chúng tôi và muối dùng trong cuộc thách đố ở đây, là muối cục đâm nhỏ, nghiền với ớt cay.
Nhìn chiếc lưỡi đưa ra, giữ yên. Bên trên đầu lưỡi, đặt muối ớt và chờ đợi tan loãng.
Trời ơi! Nhìn cảnh nước dãi đổ dài xuống đất, những mảnh ớt đo đỏ, cay xé cùng với những hạt muối li ti đang chầm chậm tan dần, thẩm thấu... Tội cho Sơn! Nhưng anh chàng cứng lòng lắm và thắng vẻ vang khi hạt muối cuối cùng biến mất.
Hai tô hủ tiếu từ chiếc xe bán dạo được mang tới.
- Ngon hôn chị 6? Sơn hỏi.
- Ngon lắm!
Không phụ lòng Sơn, tôi vội trả lời trong phút chạnh lòng.
- Còn em, không biết mình ăn cái gì nữa.
Sau “chiến thắng vẻ vang” ấy, chiếc lưỡi Sơn như đơ ra, mất hết vị giác, thưởng thức được gì nữa chứ.
Chuyện về Sơn chưa chấm dứt ở đây.
- Chị 6, mình đi mua bánh mì thịt ăn, hôm nay em đãi hết.
“Chị 6” lái xe, đèo Sơn ở phía sau. Trời về đêm, mùi bơ, pâté, thịt nguội, ngò, ớt, thơm lừng như quyện trong sương, gió nhẹ đưa, lay động khứu giác. Bốn ổ bánh mì được người bán đặt vào bao, là phần ăn của 2 cậu em, Sơn và tôi. Xe nổ máy, hai chị em ra về trong hân hoan...Sắp ăn đây rồi! Xe đang trớn chạy, cả hai lo tán hưu, tán vượn, toàn chuyện trời trăng mây nước huyên thiên. Nhưng vừa xuống dóc Cầu Lầu, gần đến trại lính, sụp “ổ gà”, xe chao nghiêng, ngả nhào.
- Có sao không Sơn? Tôi hỏi trong hốt hoảng.
Tư Mướt lồm cồm đứng dậy, xoa xoa đầu gối bị trầy sướt. Im lặng không một lời. Sơn mở nhanh bao bánh mì, ném từng ổ ra xa, chỉ chừa duy nhất có một. Lần này Tư Mướt đã quên “chị 6” hay bắt tội “chị” chạy không cẩn thận, nên về đến nhà, Sơn lấy bánh ra ăn một mình...vẫn trong im lặng.
( Sơn và chị 6 tại đền thờ Phan Thah Giản)
Chúng tôi..., những đứa trẻ còn cắp sách, ăn chưa no lo chưa tới lại được hưởng nhiều lợi lạc. Cần đi đó đây, chiếc Velosolex, không cần dùng nhiều sức, tiện lợi, dễ dàng khi di chuyển
Còn ba sống ở Giồng Ké, hay còn gọi là Trung Ngãi, một Xã nhỏ của Vĩnh Long. Sau những buổi chiều xong việc ở tiệm buôn, Ba thường đạp xe về thăm vườn của Nội, tại Ấp Phú Hữu. Xe Ba đang đi là chiếc Velosolex, mua lại từ một người khác, nhưng đầu máy phía trước đã tháo gỡ, vì không còn sử dụng được nữa. Xe mất chức năng nổ máy, chẳng khác chi chiếc xe đạp bình thường, nặng đạp hơn là đằng khác. Nhưng đó là phương tiện cho Ba.
Velosolex một thời vang bóng, ra đời trước tôi, từ năm 1946. Xe đã đến với chị em chúng tôi, mới toanh, màu đen huyền, bóng loáng. Xe đẹp, bên cạnh người con gái trẻ, tà áo thướt tha bay bay trong gió... thành phố như đẹp thêm.
Velosolex một thời vang bóng, ra đời trước tôi, từ năm 1946. Xe đã đến cùng Ba, khi không còn đầu máy để sử dụng, màu sơn đã tróc sờn, nhưng cùng đồng hành với Ba. Và mỗi bận đi thăm vườn, khi ba trở về, xe còn mang nặng thêm, đôi khi là quày dừa, buồng chuối hay lĩnh kĩnh mận, quít, xoài...Và khi chúng tôi tíu tít bao quanh, Ba mỉm cười, nụ cười hiền, ánh mắt long lanh thầm vui, như quên hết mệt nhọc. Chiếc Velosolex mới, dành cho con đi. Chiếc đã sờn tróc giữ cho Ba, chẳng khác nào câu ví von “chỗ ướt mẹ nằm còn nơi khô để dành cho con”.
Sơn, người em láng giềng đã nằm lại chiến trường quá sớm, so với tuổi đời. Tuổi trẻ của Sơn đã vĩnh viễn ra đi, khi ấy tôi còn ngồi dưới mái trường Đại Học. Và hơn 40 năm trôi qua, hình ảnh ném ba ổ bánh mì, chừa lại một và ngồi ăn trong im lặng. Tôi vừa nhớ, không tránh khỏi bùi ngùi và tôi cười trong nước mắt âm thầm.
Ba, không còn nữa. Nhưng Ba đã để lại cách sống, lối cư xử ở đời, đã thấm nhuần và ăn sâu vào xương tủy các con của ông. Ba là tấm gương, cho con đậm tình người, đã đem yêu thương và truyền đạt qua nụ cười đôn hậu. Cuộc sống của Ba là món quà to lớn, là hành trang cho các con mang vào đời. Hồi ức một thời của đời người, như đang sống lại. Và đêm qua, trong lúc bài viết còn dở dang. Tôi đã mơ thấy Ba. Ba trở về với chiếc nón trên đầu và khăn choàng màu xám. Úc châu bắt đầu vào xuân từ 6 ngày nay. Xuân, nhưng vẫn còn mưa tí tách. Trời vẫn lành lạnh. Ban trưa nắng vàng rực rỡ với cơn gió hây hây từ muôn phía và chiều đến, lại trở lạnh. Cái lạnh thật sự của Melbourne làm tôi nhớ đến chiếc khăn choàng Ba quấn quanh cổ, trong mơ.
(Ba tôi)
Phải chăng Ba trở về. Ngày Father's Day, Ngày Nhớ Ơn Cha tại Úc châu, đúng vào Chúa Nhật hôm nay. Mọi người đang nhộn nhịp mừng vui, chúc phúc cho Cha.
Còn Ba của con, phải chăng Ba trở về với chúng con...
Con biết đêm qua Ba trở về
Hồn nương gió lạnh dài lê thê
Chuyện xưa cũ Velosolex
Giấc mộng sum vầy con mãi mê
Bên đời giữ mãi bóng Ba!
Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Cha 6.9.2015