Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Dự Cúng Giỗ Ba Của Lê Kim Châu Úc




Thắp nén tâm hương để gọi là
Sẻ chia gởi đến bạn phương xa
Ly cành chiếc lá hoài thương cội
Biệt xứ đàn con nhớ giỗ cha
Phong hóa bốn ngàn dân tộc Việt
Hồn quê vạn nẻo nước ao nhà
Nguyện cầu Bác cõi thiêng liêng chứng
Vui nhận tấm lòng yêu thiết tha.

Cao Linh Tử
31.10.2015
***
Niệm Hương Nhân Đám Giỗ Của Phụ Thân Bạn Hiền

Tưởng nhớ phụ thân, cúng giỗ là,
Tỏ lòng cầu nguyện Chúa cao xa...
Cành xanh lá tốt luôn nhờ cội,
Phước lộc duyên may có gốc cha.
Thờ cúng tổ tiên truyền thống Việt,
Mâm cơm đám giỗ tạ ơn nhà.
Đồng tâm kính cẩn hương linh chứng,
Bằng hữu, Kim Oanh, Phượng thiết tha!

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 10 năm 2015

***
Tình Cảm Gia Đình

Tôn kính Tổ Tiên, ấy mới là
Lòng thành của kẻ ở nơi xa
Suốt đời giữ vững hồn dân tộc
Trọn kiếp khắc ghi ơn Mẹ Cha
Đất khách an cư từ thuở trẻ
Niềm riêng gắn bó với quê nhà
Tác phong, nề nếp luôn ghi nhớ
Tình cảm gia đình mãi thiết tha

Phương Hà

Đượm Tình Cha Mẹ - Thơ Lê Kim Hiệp - NPTịnh Hiếu Phổ Nhạc - Hòa Nhạc NPĐ...


Tưởng Nhớ Ngày Giỗ  của Ba 30-10-2015
Mười anh em chúng con kính gửi về Ba Má thương yêu. 
Nguyện cầu Ba Má mãi hạnh phúc Nơi Thiên Đường, từ khi gặp nhau cho đến lúc qua đời, vẫn vui hưởng chung một nấm mồ như mong ước. 



Thơ: Lê Kim Hiệp (Con trai thứ 7 của Ba Má)
Phổ Nhạc: NP Tịnh Hiếu
Hòa Nhạc: NP Đăng Khoa

Hình ảnh: Gia đình 
- Từ năm 1945 - 1957 ở Phú Hữu - Xã Trung Ngãi - Vĩnh Long - Việt Nam
- Từ năm 1984 - 2002 ở Melbourne - Australia
- Từ năm 2002 - 2010 Hài cốt đưa về Đường Văn Thánh - Vĩnh Long
- Từ 2010 an táng hài cốt tại mộ phần Giòng Họ Lê - Phú Hữu, Xã Trung Ngãi, Vĩnh Long Việt Nam
Gia đình chân thành cảm ơn NP Tịnh Hiếu và NP Đăng Khoa ở Cali - Hoa Kỳ rất nhiều, đã cảm xúc phổ thơ thành ca khúc rất cảm động.

Thực Hiện : Kim Oanh (Con gái thứ 9 của Ba Má)

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Bông Giấy Ba Trồng


Ba tôi, trồng cho mỗi đứa con một cây bông giấy. Đó là những cây được giâm từ cành. Nhà đứa con nào cây cũng tươi tốt, ngoại trừ cây bông giấy nhà tôi...Bởi, cây bông giấy không được tưới nước. Đã vậy, cây còn bị lắc gốc. Bởi, tôi không muốn chúng bén rễ...

Ba lấy làm lạ, vì cây quá èo uột. Mỗi lần đến thăm, Ba thường ra sân chăm sóc, bón thêm phân và chọn một thanh sắt, làm cọc chóng đỡ.

Có một điều kỳ diệu, từ lúc Ba qua đời, cây bông giấy lớn như thổi, những nhánh vươn dài che cả lối đi và một góc nhà, rực sắc hoa.

Hôm dời nhà, cây bông giấy đã to, không thể bứng mang theo. Nhìn chiếc cọc sắt, lòng tôi không khỏi bồi hồi rơi lệ. Trước khi rời khỏi nhà, lần cuối nhìn lại cây bông giấy với cõi lòng tan nát!

Trước hiên bông giấy ba trồng
Cái màu tim tím hồng hồng khó ưa
Chang chang trời chẳng đổ mưa
Nước không tưới nước lại vừa lắc cây

Thầm mong sớm chết rồi đây
Chọn mua hạt giống gieo đầy khắp sân
Sang thăm ba bảo đôi lần
Sao cây èo uôt bón phân thêm nào

Vội tìm thanh sắt cao cao
Thay làm cọc đỡ tựa vào gốc kia
Xong rồi ba phải đi dìa
Con ơi đừng để "ra rìa" cây ba

Cọc còn người khuất núi xa
Bỗng dưng bông giấy mặn mà dễ thương
Nhánh dài mượt lá vấn vương
Sánh cao núi Thái đo lường tình ba

Ngày con chuẩn bị bán nhà
Tiếc chi không tiếc tiếc hoa trên giàn
Rồi đây mỗi lúc chiều tàn
Tay bê thùng nước nát tan cõi lòng

Kim Phượng

Ngày giỗ Ba 30.10.2015

Ông Lái Đò


Cắm sào ngồi đợi khách sang sông
Ông lái đò trong tuổi xế chiều
Hiu hắt nhìn hàng lau lả lướt
Mỗi chiều về mấy lượt buồn trông

Thuyền đời ông nặng sầu cô quạnh
Chôn mảnh tình cùng tận đáy lòng
Cứ thế dòng thời gian lặng lẽ
Bến ngày xưa tưởng ngủ muôn đời*

Bỗng trời hồng rực ánh bình minh
Rung mạnh hùng tâm sông chuyển mình
Bao nỗi vui hồn bừng nhịp sống
Thả thuyền chờ đợi khách sang sông

Kim Phượng

*Lời nhạc Ông Lái Đò của Nhạc Sĩ Hiếu Nghĩa


Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Rượu Đậu Nành


Thơ mời hoạ:

 Rượu Đậu Nành

Hai cháu về cho rượu đậu nành
Chị dâu đem cúng mớ nho xanh
Nghe thèm nửa giấc mơ hồ điệp
Buồn ngủ giữa đường gặp chiếu manh
Thiếu bạn ly đầy im bó gối
Chùng tơ nắng nhạt khẻ qua mành
Hương thơm năm cũ chờ ai đó
Chia sẻ hồn xưa núp quẩn quanh

  Cao Linh Tử
  14.10.2015
***
Các Bài Họa:
 Chay Lạt


Tương chao gốc đậu có tên nành
Rau luộc đa phần một sắc xanh
Đã muốn trước sau lo chánh đạo
Xin đừng thay đổi bởi tâm manh
Muối dưa mới đó tình yên sóng
Rượu thịt xưa như gió thoảng mành
Cũng bởi hữu duyên nên ngộ pháp
Bằng như cũng chỉ đứng vòng quanh.

 Quên Đi
***

Đối Ẩm

Rượu Đậu nồng thơm chánh gốc Nành
Nho chua một dĩa quả tươi xanh
Cuộc vui ngất ngưỡng, hồn bay bổng
Trời đất giao hòa, thân mỏng manh
Chỉ tiếc không ai cùng cạn chén
Nên mời chị Nguyệt bước qua mành...
Cùng ta đối ẩm đêm nay nhé
Ly tạc, ly thù..luân chuyển quanh.

Phương Hà
***
Lạ Mà Sang!


Mới nghe rượu ủ đậu màu... nành,
Nhậu với nho chùm trái mướt xanh.
Lập dị Tây Tàu xưa hiếm có,
Chơi sang Âu Á quả thông manh.
Chỉ nghe cốc ổi chai ba xị,
Nào biết nành nho chiếu một mành.
Thôi được miễn vui là trên hết,
Cạn chai hồ điệp mộng hồn quanh!

Đỗ Chiêu Đức

Ghi Thêm:

Đậu thì ta có Đậu màu xanh, màu đỏ, màu trắng, màu đen, chỉ đặc biệt có một loại màu ... Nành mà thôi! Và chỉ nghe có ... Sửa đậu nành, chớ chưa nghe ...Rượu đậu nành bao giờ. Có thể tại không phải là bợm nhậu chăng ???!!!
***
Rượu Đậu Nành
 
Rượu mít, Đinh Lăng đến đậu nành
Rượu vào cũng ngất thấu trời xanh
Cuộc vui bè bạn nào đâu kể
Lạc thú, mây còn mặc áo manh
Miễn sóng ưu phiền đừng nối tiếp
Nhìn trăng thanh thản chiếu xuyên mành
Tri âm đối ẩm tìm đâu thấy!?
Khật khưởng hồn say cứ ngó quanh

Song Quang
***
Rượu Mới Đậu Nành
                    1
Mới mẻ gần đây rượu đậu nành,
Đinh lăng, mít mật, quả nho xanh.
Đôi chàng trai tráng thi nhau nhậu,
Mấy lão cao niên áo mỏng manh.
Mái tóc điểm sương hay mắc bệnh,
Đầu xanh, vạm vỡ gió rung mành.
Một chầu tiêu sái hồn thơ thẩn,
Xướng họa tìm ai mắt ngó quanh...

                   2
Ăn chay sửa soạn đậu tên nành,
Chế biến, cơm ngon, giá cải xanh.
Nhớ bạn phương xa buồn chén rượu,
Thương người viễn xứ kiếp mong manh.
Trời cao mây trắng mùa thu lạnh,
Đất rộng sông sâu gió lộng mành.
Ước nguyện quê hương, mong phú túc,
An cư lạc nghiệp hết vòng quanh...

                     3
Gạo, nếp, đinh lăng, mít, đậu nành,
Quê hương nhậu nhẹt khế, xoài xanh.
Mơ tiên hóa bướm hồn dương thế,
Giấc điệp thiềm thừ thấy mỏng manh.
Men rượu, Đường thi mời xướng họa,
Chưa say, thơ thẩn dựa bên mành.
Quan hà tiễn bạn đi xa khuất,
Chốn cũ quay về dạo bước quanh.

Mai Xuân Thanh
***
Xin được giải thích thêm về bối cảnh của bài thơ. Rượu đậu nành Sa Đéc rất nổi tiếng ở thập kỷ 8 và 9 của thế kỷ 20 ở tỉnh Đồng Tháp, Miền Tây và trên toàn quốc. Rượu bày bán đóng chai 1/2 lít, giá cao gấp 1,5 hay 2 lần hơn các loại rượu khác cùng thời.
Rượu rất mạnh, thơm mùi đậu nành và mùi cồn. Tôi bị vật (say) một lần quá nặng, tới bây giờ còn sợ.
Lúc này tôi ít nghe ai nhắc và cũng ít thấy ai uống loại rựou này nữa, hỏng biết có phải do có thời có tin đồn đậu nành gây vô sinh cho người nam, làm tăng tiết tố nữ (oestrogen) ... hay không (có chứng minh là mấy nhà tu đạo Phật dùng nhiều đậu nành để tiết dục ... (?)...)
***
Rượu Đậu Nành

Nhớ hồi cái thủa tóc còn xanh
Nào dám mơ sang rượu đậu nành
Men nặng cồn cao đầu nhức buốt
Thân phờ ngỗng rạc óc mong manh
Vang tin nữ tính bay văng phách
Ám ảnh vô sinh sợ thót mành
Sư sãi cậy nhờ mà tiết dục
Lo xa tớ thủ chạy loanh quanh!

Nguyễn Đắc Thắng
2015.10.15
***
Rượu Tâm Giao

Rượu cho là rượu đậu thêm nành
Nho cúng ông bà đậm sắc xanh
Hồ Điệp rằng mơ thành hiện thực
Nam Kha sự thế dẫu mong manh
Ly đầy bó gối ta chờ bạn
Lòng nóng đợi ai nắng chạm mành
Bằng hữu tâm giao nào đối mặt
Tạc thù nâng chén cứ xoay quanh

Kim Phượng


Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Đợi


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Huỳnh Hữu Đức


Đành



Hình Như

Tôi đi tìm lại đơn sơ
Mùi rơm rạ mới tuổi thơ ngoài đồng 
 Vàng lên điên điển trổ bông
Hình như...thôi chết! Phải lòng người dưng

Kim Phượng

***
Đành
(Từ bài thơ Hình Như của Kim Phượng)

Thôi đành ra vẻ dửng dưng
Quay lưng cho mắt liếc ngưng... hàng dừa
Nước lên... cơn gió lên... ừa!
Ngắt chùm điên điển cho... vừa lòng ai!

dovaden2010


Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Hình Như



         Tôi đi tìm lại đơn sơ
Mùi rơm rạ mới tuổi thơ ngoài đồng

         Vàng lên điên điển trổ bông

Hình như...thôi chết! Phải lòng người dưng

                                            Kim Phượng


Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

"Nụ Tầm Xuân" Bài Ca Dao Nhiều Nghi Vấn


Hoa Đậu Biếc
- Ca dao: Ca là ca hát; dao là bài hát không chương khúc. Ca dao là bài thơ được hát hò tự nhiên, không tiết tấu, giọng điệu không cố định như Dân ca. Ca dao diễn tả tâm tư, nguyện vọng và nhất là tình cảm trong thực tế đời sống hàng ngày.
- Tục ngữ: Tục là thói quen đã có từ trước; ngữ: là tiếng nói. Tục ngữ là câu thơ hoàn chỉnh, tự nó đã đầy đủ ý nghĩa, đúc kết kinh nghiệm về con người, về xã hội về thiên nhiên. Tục ngữ được xem là cái túi khôn của dân Việt chúng ta.ví dụ:
Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
Hay là:
Cười người chớ khá cười lâu,
Cười người hôm trước,hôm sau người cười.
Có một điều khá thú vị giữa ca dao và tục ngữ: ca dao thì thiên nhiều về tình cảm, còn Tục ngữ lại thiên nhiều về lý trí hơn.
- Thành ngữ : cũng là câu như tục ngữ, nhưng tự nó không đủ nghĩa, về mặt ngữ pháp thành ngữ là một câu không hoàn chỉnh, thường dùng để chỉ sự việc, hành động đã hoặc đang diễn ra cho có vẻ văn hoa một chút.Ví dụ:
Chở củi về rừng; bắt cóc bỏ dĩa ...
***
Hoa Bưởi
"Trèo lên lên trèo lên lên cây bưởi.. hái.. hoa.
Bước ra ra vườn cà hái nụ.. tầm.. xuân.." 
Giọng hát Thái Thanh văng vẳng rung động lòng người. Ngoài chất giọng thể hiện ca từ, còn có cả lời. Nụ Tâm Xuân, một bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ Ca dao:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân 
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc 
Em có chồng anh tiếc lắm thay 
Ba đồng một mớ trầu cay 
Sao anh không hỏi những ngày còn không 
Bây giờ em đã có chồng 
Như chim vào lồng như cá cắn câu 
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ 
Chim vào lồng biết thuở nào ra. 
Một bài ca dao đã làm tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian của các nhà khoa học cũng như học giả. Ngoài ba chữ Nụ Tầm Xuân, trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện cho rằng chúa Trịnh Đáng và Đào Duy Từ chính là tác giả bài ca dao này.
Một bài ca dao làm xao xuyến lòng người như thế, làm sao tránh khỏi thêu dệt; những thắc mắc; nghi vấn với những người yêu thích ca dao.
Mỗi khi nghe Bài hát Nụ Tầm Xuân, tôi cũng thế:
Tại sao lại trèo lên cây bưởi để hái hoa? cây khác không được sao?
Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân. Sao phải là vườn cà mà không là vườn khác, vườn đậu chẵn hạn? Nơi vườn cà có nụ tầm xuân chăng? Nụ tầm xuân là nụ gì?..Rồi còn câu chuyện của Trịnh Đáng và Đào Duy từ có thật không?...      
Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
               Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương...
                                                             (Mùa Hoa Bưởi của Tô Hùng)
...Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
     Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa... 
                                              (Hương Thầm của Phan Thị Thanh Nhàn)
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Hoa Bưởi thật thơm. Một hương thơm nhẹ nhàng nhưng quyến rũ.
Các thiếu nữ xưa đâu được như các cô ngày nay, có đủ thứ dầu gội cùng hương liệu cho mái tóc. Các thôn nữ thời đó chỉ có cách là tận dụng cây nhà lá vườn để tạo hương thơm cho mái tóc. Hoa bưởi là một trong những hương liệu được ưa thích. Chính vì thế mà chàng trai không ngần ngại hái cho được mỹ phẩm "bông bưởi" tặng nàng. Đó cũng như Hồng Phấn tặng Giai Nhân.
Đúng là
Thương em mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
(Hoa Bưởi được bày bán)
Ngày nay, nhất là ở miền Bắc, hương thơm hoa bưởi vẫn luôn được yêu chuộng, nhất là nữ giới. Thông thường bưởi ra hoa vào mùa xuân. Bà con nông dân thường hái mang ra thành bán, có khi giá lên đến trên 300 000 đồng / kg hoa tươi.
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Trong ca dao chúng ta có câu:
Tháng chạp là tháng trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà... 
Chúng ta thấy từ hoa bưởi đến vườn cà đều xuất hiện vào mùa xuân. Cả không gian thời gian đều rất hợp lý. Nhưng còn "Nụ Tầm Xuân" thì thế nào, có phải là hoa của cây tầm xuân hay chỉ là một cách ví von hình tượng hoá cho trí tưởng tượng của chàng trai chăng?
Chính vì thế tôi cũng đi tìm lời giải thích "Nụ Tầm Xuân".
"Nụ Tầm Xuân" có hai nghĩa, đen và bóng.
Nghĩa Đen:
Về nghĩa đen thì có các cách giải thích sau:
Bài viết về Nụ Tầm Xuân của bác sĩ Phan Ngọc Hà có đoạn như sau:
- Từ Nguyên Tự Điển chỉ ghi Tầm Xuân là đi tìm mùa xuân, có mấy câu thơ liên quan đến ý nghĩa của hai chữ Tầm Xuân:
                             Tầm Xuân du thượng lộ
                            Truy yến nhập tiên gia 
                                                (Trần Tử Ngang)

hay:                    Ngũ hành tương cấm hoa
                          Thập bộ tưởng tầm xuân
                                              (Mạnh Hạo Nhiên)
Thi nhân của nền Văn chương Hoa Việt cũ không có nhiều cảm hứng trước loài hoa tầm xuân vì nó hiếm hoi hay vì hương sắc quá khiêm nhường trước những mẫu đơn, hải đường, hoàng mai, tịnh lan, ...nhưng dù hiếm hoi thì "nụ tầm xuân' cũng đã có tên trong nền văn chương Đai Việt. Như đã nói, tình, ý gởi gắm trong mấy câu ca dao thật yêu kiều và lãng mạn.
- Là tên của một loài hoa.
Cũng từ bài viết của BS Phan Ngọc Hà:
Theo công trình nghiên cứu của Nguyễn Xuân Đức thì có một loại hoa họ đậu được phân phối nhiều ở duyên hải miền Trung Việt nam có tên là Tầm Xuân hay còn gọi là hoa Đậu biếc có màu xanh tím. ( không phải màu xanh biếc-HĐ)

Hoa Tầm Xuân
Sách và tài liệu của giáo sư Phạm Hoàng Hộ cũng như của Võ Văn Chi và Lê Khả Kế, chỉ cho thấy Tầm Xuân thuộc họ nhà Hồng (Rosaceae) với các loài sau: Rosa Tunquinensis ( Tầm Xuân Bắc hay còn gọi là Quầng Quầng), Rosa cymosa (Tầm Xuân-Hồng choắt- Hồng roi), Rosa multiflora (Tầm Xuân đa hoa).
Tự Điển của Nguyễn Đình Hoà dịch chữ Tầm Xuân sang tiếng Anh là Dogrose (Hồng chó hay hồng cẩu) thật không thanh lịch gì hết, vì tất cả những loài hoa hồng này chỉ là những loài hoa mà cành cây đầy gai góc mà màu hoa từ trắng đến hồng nhạt, không có loài nào nở ra xanh cả.
- Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
Tầm xuân, danh pháp khoa học Rosa canina L., là một loài hoa hồng leo có nguồn gốc Châu Âu, Tây Bắc Phi và Tây Á, là loài cây bụi sớm rụng lá có chiều cao từ 1–5 m, mặc dù đôi khi chúng cũng có thể leo cao hơn tới ngọn của các loài cây khác. Thân tầm xuân có nhiều gai sắc, nhọn, có móc giúp chúng leo dễ dàng. Lá kép lông chim, với 5-7 lá chét. Hoa thường có màu hồng nhạt, biến đổi từ hồng đậm tới trắng, với đường kính 4–6 cm và có nhiều cánh, lúc chính thành quả màu cam đỏ cỡ 1.5–2 cm.
Tầm xuân có hoa đẹp nên được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh.
Tầm xuân có một số hoạt chất chống ôxy hóa. Quả tầm xuân có lượng vitamin C cao và dùng để làm Xi rô, trà...
Trong Ðông y, tầm xuân là một vị thuốc. Người ta thường thu hái hoa, quả, cành và rễ để làm thuốc. Theo quan niệm của Đông y, tầm xuân có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết, chỉ huyết, giải độc, giảm đau, thường dùng để chữa các bệnh như hoàng đản, thuỷ thũng, lỵ, tiêu khát, tiêu chảy, tiểu dầm ở trẻ em...
Trái Tầm Xuân
Nghĩa Bóng

Nghĩa Bóng là cô gái xinh đẹp đang mơn mởn đào tơ, tựa như đoá hoa vừa hé nở.
Nụ tầm xuân gợi cho chúng ta về tuổi trẻ, tuổi thanh xuân.
Có lẽ chàng trai trong bài này cũng không hề biết cây Tầm xuân là giống cây gì? Bông hoa đẹp hay xấu? màu sắc ra sau? thơm hay không? Mà chàng ta chỉ nghĩ và chỉ biết nụ tầm xuân chính là những cánh hoa cà hay những nụ hoa nào đó thật gần gũi với cuộc sống thường ngày đang hé nở, lãng mạn hơn, tình tứ hơn, đấy là nụ hoa trong trí tưởng tượng, tượng trưng cho cô thôn nữ đáng yêu đang độ xuân thì. Là tình cảm, là trái tim của cô gái mà chàng mơ tưởng
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay...
Câu này đã khiến tôi hình dung chàng trai đang đi đến, tiến lại gần và nắm giữ lấy tình yêu, nắm giữ lấy trái tim của nàng thôn nữ, và tình yêu của hai người thật tươi sáng thật rực rở như nụ hoa vừa nở ra xanh biếc, cho dù hoa cà có màu tím.
Tuy nhiên mối tình tươi đẹp này lại ngắn ngủi, kết thúc thật buồn, để lại sự tiếc nuối trong lòng chàng trai.
Đâu là nguyên nhân sự tan vỡ?
Ba đồng một mớ trầu cay. (Ý câu này ám chỉ tiền cưới hỏi không có là bao ).
Dựa vào câu trên đây, tôi cho rằng vì nghèo, nên chàng trai không tiền dạm hỏi mối mai, đành phải đưa mắt nhìn người yêu đi lấy chồng mà lòng đầy xót xa...
- Thế còn câu chuyện về Chúa Trịnh Đáng và Đào Duy Từ?
Theo chuyện kể dân gian, đây là bài thơ mà chúa Trịnh Đáng chiêu dụ Đào Duy Từ về phục vụ cho mình, cùng lời từ chối của họ Đào. Những câu đầu là lời của Trịnh Đáng than thở vì không giữ được họ Đào, có ẩn ý gởi lời chiêu dụ:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Còn lại là câu trả lời trong luyến tiếc của Đào Duy Từ:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra
Nhìn vào bản chất và cương vị của chúa Trịnh Đáng, ông không bao giờ chiêu mộ hiền tài qua những câu thơ thất tình chán nản của một anh chàng nhà quê hay nho sĩ nghèo như thế.
Cũng như Đào Duy Từ thuộc hàng khai quốc công thần của triều Nguyễn, một lòng trung thành với chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông sẽ chẳng bao giờ có những lời thơ tỏ ý không hài lòng; lấy làm tiếc khi phải phục vụ cho chúa Nguyễn.
Từ đó, chúng ta thấy câu chuyện của chúa Trịnh Đáng và Đào Duy Từ không hợp lý.
Cho dù câu chuyện có hay không, nhưng cũng là một giai thoại khá thú vị trong dân gian Việt Nam.

Hoa Cà
Dựa vào các tìm hiểu theo khoa học về xuất xứ của cây Tầm xuân, qua những ý kiến của các nhà khoa học và các học giả, cũng như thời điểm trồng cà; kết hoa của cây bưởi, "Nụ Tầm Xuân" trong bài ca dao trên không thể là hoa của cây Tầm Xuân, có thể chỉ là thể ví, ám chỉ cô thôn nữ hoặc có thể là trái tim của người con gái vào độ xuân thì. Chàng trai quê hay hàn sĩ nào đó, mượn loài hoagần gũi, thân quen trong cuộc sống hàng ngày, cũng có thể là hoa cà, đang hé nụ, khoe hương toả sắc, để nói lên tâm sự của mình.

Huỳnh Hữu Đức
Hình Ảnh: Sưu Tầm trên Internet

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Kính Mừng Thượng Thọ

Thơ & Thơ Tranh: Tica Nguyễn Xuân Hòa

Mừng Thượng Thọ


Thơ & Thơ Tranh: Tica Nguyễn Xuân Hòa

Xuân Vĩnh Cữu

Nghe Kim Oanh nói bây giờ ở bên Kim Phượng, Kim Oanh đang là mùa Xuân, Phương Hà xin chúc mùa xuân ấy sẽ là vĩnh cữu....


Xuân Vĩnh Cữu


(Tặng Kim Phượng, Kim Oanh)

Ta ước thời gian mãi tiết xuân
Cho người luôn ở tuổi thanh xuân
Bầu trời xanh biếc sau vòm lá
Tia nắng vàng ươm trên đóa xuân
Thiếu nữ ửng hồng đôi má thắm
Gia đình hạnh phúc chuỗi ngày xuân
Chồi non nẩy lộc, hoa khoe sắc
Vạn vật tưng bừng đón Chúa xuân

Phương Hà

***
Oanh ơi, em và Kim Phượng đang muốn sẵn sàng nhận quà xuân thì anh níu xuân lại đây nè,

Tình Xuân

Em à anh gởi tặng mùa xuân
Em nhận lòng anh cũng thấy xuân
Những cánh hoa lay trong nắng sáng
Một đàn bướm lượn giữa trời xuân
Lung linh anh đắm chìm cơn mộng
Duyên dáng em cười nở nụ xuân
Bất chợt bóng ai mờ cuối nẻo
Bàng hoàng chợt tỉnh chẳng còn xuân.

Quên Đi
***
Quà Xuân Gửi Muộn

(Tặng cô 6 Phượng và cô 9 Kim Oanh)

Ồ quên! Châu Úc đã vào Xuân
Cả nước đang vui đón gió Xuân
Bên nớ, hoa tươi đang trổ nụ
Phương ni, lá rung nhớ nàng Xuân
Gởi em quà tặng cành Mai thắm
Cho kẻ miền xa hưởng ké Xuân
Nhờ "net" trao giùm thơ chúc nhé
Phượng-Oanh mãi đẹp nét thanh xuân

Song Quang
***
(Chúc mừng ngày xuân về trên đất Úc đến nhị vị Song Kim)

Lời Chúc Xuân Muộn

Bất chợt không ngờ bên ấy xuân!
Mùa xuân ẩn nghĩa những ngày xuân
Vô tình lúng túng sai phương hướng
Đối diện ngỡ ngàng lạc dấu xuân
Lời chúc muộn màng thay tạ lỗi
Ý thành hối hận được bù xuân
Bỏ qua cho nhé lần khinh suất
Để tiếng tơ hoà mãi điệu xuân!

Nguyễn Đắc Thắng
20151025

Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài - 早寒江上有懷 - Mạnh Hạo Nhiên

Cổ thi có câu:

Hồ mã tê Bắc phong, (Ngựa Hồ cất tiếng hí vang khi gió từ phương Bắc thổi đến)
Việt điểu sào Nam chi.(Chim Việt dù kiếm ăn nơi đâu, khi làm tổ đều chọn cành hướng nam)
Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam nước Tàu. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn.
Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm ổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam, tức là phương của quê nhà mà chim sinh trưởng.
Chim Việt (Việt điểu) để chỉ chim nhớ quê hương cố quốc.
Ngựa Hồ là ngựa ở nước Hồ. Nước này ở về phương bắc nước Tàu mà ngày xưa người Tàu thường cho là nước man rợ hay cũng gọi là Phiên quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung Quốc thường mua về làm ngựa chiến trận. Nước Hồ vốn là xứ lạnh. Khi đông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, gió lạnh tê tái.
Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ tê lạnh, mỗi độ đông về. Vì thế khi có gió bấc là gió phương bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả nơi đất Trung nguyên thì ngựa cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.
"Chim Việt ngựa Hồ" trở nên thành ngữ, có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người.

Chúng ta cùng lắng nghe tâm sự của Mạnh Hạo Nhiên qua bài thơ sau đây:

早寒江上有懷 Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài

木落雁南渡, Mộc lạc nhạn nam độ,
北風江上寒。 Bắc phong giang thượng hàn.
我家襄水曲, Ngã gia Tương thuỷ khúc,
遙隔楚雲 端。 Dao cách Sở vân đoan
鄉淚客中盡, Hương lệ khách trung tận,
孤帆天際看。 Cô phàm thiên tế khan.
迷津欲有問, Mê tân dục hữu vấn,
平海夕漫漫。 Bình hải tịch man man.

孟浩然 Mạnh Hạo Nhiên
- 端 Đoan = 2 trượng.
Vân đoan: mấy đường mây, ý nói đường xa xăm

Dịch Nghĩa: Rét Sớm Trên Sông Lại Nhớ

Cây rụng lá nhạn bay về nam
Gió từ hướng bắc trên sông thêm lạnh
Nhà của ta ở trên khúc sông Tương
Cách xa đất Sở mấy khoảng đường mây

Nơi đất khách nhớ quê nước mắt đã cạn
Nhìn cánh buồm lẻ loi nơi bầu trời
Mịt mờ bờ bến muốn hỏi thăm đường
Biển yên lặng lúc chiều tối thật mênh mông

Dịch Thơ:
1
Lá rụng nhạn về nam
Trên sông gió lạnh căm
Sông Tương nhà chốn đấy
Đất Sở đường xa xăm
Lệ cạn quê hương nhớ
Cuối trời thuyền lặng tăm
Mịt mờ sao hỏi lối
Biển tối sóng âm thầm
2
Chim nhạn về nam cây trụi lá
Trên sông gió bấc lạnh khôn lường
Nhà ta mãi tận sông Tương đó
Đất Sở vời xa mấy khoảng đường
Xứ khách nhớ quê dòng lệ cạn
Cánh buồm lặng lẽ giữa trời sương
Hỏi ai khi bến bờ mù mịt
Biển tối mênh mông dạ thảm thương

                                           Quên Đi
* * *
Dịch Thơ: Cảm Hoài Mùa Lạnh Sớm Trên Sông

(1)

Lá rơi , hồng nhạn hướng trời nam,
Gió bắc trên sông lạnh thấm tràn.
Tương thủy nhà ta trên khúc ấy,
Cách xa mây Sở lúc bay ngang.

Tình quê lệ thắm đau lòng khách,
Một cánh buồm đơn chốn biệt ngàn.
Lạc hướng đường về muốn hỏi lối,
Chiều tà, nước lặng biển mênh mang.

(2)

Lá rơi, hồng nhạn về nam,
Trên sông gió bắc lạnh tràn mênh mông.
Nhà ta Tương thủy khúc sông,
Cách xa mây Sở xa trông diệu vời.


Nhớ nhà khiến khách lệ rơi,
Buồm đơn lặng lẽ bên trời hướng quê.
Lầm đường muốn hỏi nẻo về,
Chiều tà biển lặng não-nề mênh mông.

( 3)

Lá rơi,trời Nam chim lướt cánh,
Sông dài, gió bắc lạnh cắt da.
Tương thủy khúc đó nhà ta,
Muôn trùng mây Sở trông xa diệu vời.

Nhớ nhà, khách lệ rơi ướt đẫm,
Cánh buồm đơn, thăm thẳm chân trời.
Mịt mờ lối cũ đâu rồi,
Chiều tà biển lặng, bồi hồi lòng ai.

                                 Mailoc phỏng dịch
***
Lạnh Sớm Trên Sông Cảm Tác

Lá rụng, phương Nam nhạn lại về
Trên sông gió Bắc lạnh lê thê!
Tương giang chốn ấy nhà ta đó
Đất Sở đường xa dạ nhớ quê
Viển xứ thương nhà dòng lệ đỗ
Cánh buồm đơn lẻ giữa trời mê
Lối đi lạc nẻo lòng muốn hỏi
Biển lặng chiều trôi quá não nề.

                             Song Quang
* * *
Dòng Sông Gợn Nhớ

Lá đổ trời nam nhạn xoải cánh
Gió từ phương bắc lạnh dòng sông
Nhà ta cạnh khúc Tương giang ấy
Cách khoảng đường mây đất Sở xa
Kẻ lữ khách sa dòng lệ cạn
Cánh buồm thấp thoáng giữa mênh mông
Nơi nao bờ bến hồi quê cố
Biển vắng chiều hôm sóng vỗ bờ

                     Kim Phượng phỏng dịch
***
Chú Thích :
                                        Cảm Xúc Trên Sông Khi Trời Lạnh Sớm
1. Mộc Lạc : là CÂY RỤNG, ta biết là Cây không thể rụng được, vì trong tiếng Hoa và tiếng Việt ta không có Thể Thụ Động ( Passive voice ) , nên ở đây phải hiểu là : Cây bị rụng hết lá vì trời đã cuối thu. Ở đây chỉ những loại cây thuộc " Lạc diệp kiều mộc " 落葉喬木, là loại cây có thân cao to và lá sẽ vàng rụng vào mùa thu.
2. Nhạn Nam Độ : Sao không nói là Nhạn Nam PHI mà nói là Nhạn Nam ĐỘ.渡, Thì ra ĐỘ ở đây có ba chấm thủy chỉ đi ngang qua sông hồ ao biển. Vì tác giả đang ở trên sông, nên nhìn thấy chim Nhạn bay ngang qua sông đi về hướng Nam.
3. Giang Thượng : là Trên sông, xác định lại một lần nữa là Tác giả đang đi thuyền trên sông.
4. Tương Thủy : 襄水 Tương Thủy nầy khác với Tương Giang 湘江 mà ta thường hay nhắc tới là : Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương giang vĩ... Tương Thủy nầy chảy ngang qua phía Nam thành Tương Dương nên nay được đổi tên thành Nam Cừ. Nhà của Mạnh Hạo Nhiên ở Lộc Hành Sơn, mao lư của ông nằm ở chỗ uốn khúc ( voi hay vịnh ) của dòng Tương thủy. Nhập giang tùy KHÚC là chữ KHÚC nầy đây.
5. Vân Đoan : Đoan là ngay ngắn( Đoan chính ), là đầu, là đầu mối ( chấp kỳ lưỡng đoan : Giữ lấy 2 đầu ), là Bưng, là Lý do... Ở đây VÂN ĐOAN là Trong đám mây, ngay cái đám mây đó đó...
6. Hương Lệ : Không phải là giọt lệ của quê hương , mà là giọt lệ rơi vì thương nhớ quê hương.
7. Thiên Tế : là đường chân trời ( Horizon ). Ta có thể hiểu là Góc trời, Bên trời gì cũng được.
8. Mê Tân : Tân là Bờ, là Bến. Mê Tân ta quen gọi là Bến Mê ( Bọt trong bể khổ bèo đầu Bến Mê ). Nhưng ở đây chỉ Bến bờ mờ mịt không biết nới đâu.
9. Bình Hải : là Mặt biển bằng phẳng ?. À, thì ra ngày xưa phương tiên giao thông thô sơ, trên chiếc thuyền nhỏ nhìn ra sông lớn, cũng chỉ thấy trời nước mênh mông, nên gọi là Bình Hải, chớ không có biển gì ở đây cả !
10. Tịch : là Đêm ( Thất tịch, Trừ tịch ). là Buổi chiều, là Hoàng hôn : Tịch Dương là Nắng Chiều. TỊCH MANG MANG là Chiều xuống mênh mông, là Hoàng hôn phủ đầy bầu trời.

Ta thấy Mạnh Hạo Nhiên toàn dùng những từ rất lắc léo, rất đặc biệt và sử dụng cả những biện pháp Tu Từ, Mỹ từ Pháp rất mới đối với lúc bấy giờ.

Dịch Nghĩa :
Ngồi trên thuyền nhìn lên hai bên bờ, thấy cây đều đã rụng hết lá, nhìn lên bầu trời lại thấy đàn chim nhạn bay ngang sông để về Nam. Gió bấc về làm lạnh cả dòng sông, nhà ta ở mãi tận khúc quanh của dòng Tương Thủy, cách trở xa xôi như đám mây Sở xa xa kia. Giọt lệ nhớ quê nơi đất khách đã hầu cạn rồi, nhưng chỉ thấy được có cánh buồm đơn lẻ ở phía chân trời. Nếu có muốn hỏi nơi đâu là bờ bến thì cũng không biết nơi đâu trước cảnh mịt mù của buổi hoàng hôn trong sóng nước mênh mông nầy.

Diễn nôm :
            Lục bát :

Lá rơi nhạn hướng về nam,
Ù ù gió bấc lạnh tràn trên sông.
Sông Tương quê cũ vời trông,
Ngẩn ngơ mây Sở cách ngăn mấy lần.
Nhớ quê dòng lệ cạn dần,
Buồm côi đơn lẻ chiếc thân u hoài.
Bến mê như muốn hỏi ai,
Mênh mông sông nước cho dài hoàng hôn!

                                           Đỗ Chiêu Đức.

Huỳnh Hữu Đức Biên soạn

Tưởng


(Từ Hương Xưa của Kim Phượng)

Gió lạnh thềm hoang lùa qua cửa
Lưng trời trăng khép khóc đêm đông
Hiu hắt đèn khuya soi góc phố
Tưởng người đang đến thỏa chờ mong!

dovaden2010


Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Giang Thành Tử 江城子 - Tô Thức


Đây là bài hát theo điệu Giang Thành Tử của Tô Đông Pha có lời tựa "Ất Mão Chính Nguyệt Thập Nhị Nhật Dạ Ký Mộng". Lời ca thống thiết, đan xen giữa mộng và thực, thật đau thương, cho dù người vợ đã mất từ 10 năm trước.

江城子
十年生死兩茫茫,
不思量,
自難忘。
千里孤墳,
無處話淒涼。
縱使相逢應不識,
塵滿面、
鬢如霜。
夜來幽夢忽還鄉,
小軒窗,
正梳妝。
相顧無言,
惟有淚千行。
料得年年腸斷處,
明月夜、
短松崗。
苏 轼
Giang Thành Tử

Thập niên sinh tử lưỡng mang mang
Bất tư lượng
Tự nan vong
Thiên lý cô phần
Vô xứ thoại thê lương
Túng sử tương phùng ưng bất thức
Trần mãn diện
Mấn như sương
Dạ lai u mộng hốt hoàn hương
Tiểu hiên song
Chính sơ trang
Tương cố vô ngôn
Duy hữu lệ thiên hàng
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ
Mịnh nguyệt dạ
Đoản tùng cương.

                           Tô Thức

Dịch Nghĩa: Điệu Hát Giang Thành Tử
Ghi Lại Giấc Mộng Đêm 20 Tháng Giêng Năm Ất Mão

Đã mười năm qua, hai ngã âm dương mênh mông mờ mịt
Dù không muốn nghĩ
Nhưng lòng này chẳng thể quên được.
Nấm mồ lẻ loi từ nơi xa ngàn dặm
Thì còn nơi nào để ta nói hết nỗi thê lương
Cho dù mình có gặp lại cũng không nhận được nhau
Bụi đã phủ đầy khuôn mặt
Tóc đã nhuốm màu sương
Khi đêm về, chìm vào giấc mộng thấy mình về quê cũ
Nhìn nàng bên hiên cửa nhỏ
Đang chải tóc và trang điểm
Cả hai nhìn nhau không nói
Chỉ có hàng ngàn giọt lệ tuôn rơi
Ở nơi này, năm lại qua năm càng thêm đứt ruột
Đêm nay trăng sáng
Trên lưng chừng đồi thông

Dịch Thơ:
Mộng Nhớ Cố Thê


Mười năm qua âm dương đôi ngã
Nào muốn nhớ
Lại khó quên
Mộ xa ngàn dậm
Đau thương kể chốn nào
Nếu gặp gỡ làm sao nhận được.
Mặt đầy bụi
Tóc màu sương
Đêm về mơ cố hương quay lại
Hiên cửa này
Nàng điểm trang
Nhìn nhau không nói
Ngàn giọt lệ tuôn tràn
Năm trôi chốn này lòng như cắt
Trăng nay sáng
Lưng đồi thông.


Quên Đi
***

Thập Niên Sinh Tử Lưỡng Mang Mang

Mười năm cách, sinh tử mịt mù
Nhớ khôn lường
Đâu nào quên
Ngàn dặm mộ phần
Sao nói hết thê lương
Túng sử gặp nhau cũng khó nhận
Mặt gió cát
Tóc pha sương
Mộng đêm mơ thấy chợt về nhà
Ai bên song
Tóc xuôi vai
Lặng lẽ nhìn ta
Nước mắt đổ tuôn dòng
Đâu nữa bên nhau ngày cõi thế
Dưới trăng sáng
Trên đồi thông

Tri Khac Pham
***
Âm Dương Cách Biệt Còn Vương Tơ Lòng


Tử mất sanh tồn trải mấy thu,
Âm dương cách trở vẫn lu bu.
Mười năm đôi ngã ai không nhớ,
Một kiếp chưa quên vĩnh biệt ru.
Mộ chí lẻ loi xa vạn dặm,
Phòng không gối chiếc thấy thê lương !
Làm sao nhận diện khi mình gặp,
Bụi bám đầy trên mặt bạn đường
Thời gian tóc đã nhuốm màu sương,
Giấc mộng tưởng mình lạc cố hương.
Cửa nhỏ hiên nhà nàng nháy mắt,
Điểm trang gở tóc thấy mà thương !
Nhìn nhau chẳng nói rơi châu lệ,
Đứt ruột, trần gian vẫn vấn vương.
Trăng sáng đêm nay buồn biết mấy,
Đồi thông thấp thoáng dưới sườn dương...


Mai Xuân Thanh
***
Giang Thành Tử


Mười năm cách biệt cõi âm dương
Những tưởng quên
Lòng mãi nhớ
Mộ ngàn dặm xa
Ôi nhớ thương khôn siết
Nếu gặp gỡ sao biết nhận ra
Bụi đầy mặt
Tóc nhuốm sương
Đêm tơ tưởng mộng về quê cũ
Song cửa trông
Nàng trang điểm
Căm lặng nhìn nhau
Lệ ngàn giọt trào tuôn
Năm đến lại qua buồn đứt ruột
Này trăng sáng
Lưng đồi thông


Kim Phượng


Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Hương Xưa


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Mối Hờ


Không duyên chẳng nợ vì đâu
Vô tình hay đã thắt sâu mối hờ
Mắt xanh chi lắm đục lờ
Tình trong chẳng thấy dật dờ mù sương

Tim ngoan trăn trở còn vương
Hoa đời thôi đã nhạt hương sắc màu
Bóng ai dần khuất Cầu Lầu
Trời ơi kẻ ở nhặt sầu đánh rơi

Giấc mơ vàng đá chưa vơi
Phòng không lạnh ngắt rõ nơi điêu tàn
Thời gian lặng lẽ nhịp nhàng
Hồn đây lá chết trút vàng hiên thu


Cô đơn trở giấc thâm u
Não nùng ai oán điệu ru chẳng rời
Niềm đau chôn giấu một đời
Chiêm bao thảng thốt vang trời tiếng la

Xa nhau mình đã mấy xa
Mong tin cánh én lượn qua chốn này
Tương tư chất ngất tình đầy
Trời cao ông hỡi chỉ đày thân tôi

Bao giờ sao sớm đổi ngôi
Nụ hôn kỳ tích trên môi lạ lùng
Cho xin một chút ngại ngùng
Nói lên thầm kín trĩu chùng con tim


Kim Phượng

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Sáng Trưa Chiều Tối


Lung linh sợi nắng chảy qua mành,
Lá rũ sân ngoài , ngõ vắng tanh.
Nắng ráng chim về loang loáng cánh,
Một làn sương mỏng nửa vành trăng.


Mailoc
***
Sáng Trưa Chiều Tối


Sáng mai sương điểm trắng đầu cành
Nắng vàng héo hắt bạc đầu xanh
Chạng vạng ngóng mong lòng canh cánh
Bóng vẫn mịt mờ ánh trăng thanh

Kim Oanh
***
Sáng Trưa Chiều Tối


Ban mai nắng sớm chạm đầu cành
Gà gáy cảnh buồn trưa vắng tanh
Mỏi cánh chim chiều chim lẻ bạn
Trời đêm vằng vặt ánh trăng thanh

Kim Phượng


Nhớ


Nhớ ôi là nhớ
Người yêu!
Đêm đông se sắt
Bao nhiêu lạnh lùng...
Đôi bờ cách trở muôn trùng
Niềm thương dậy sóng
Bập bùng đèn khuya...

dovaden 2010
(Từ Đôi Bờ của Kim Phượng)

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Mộng Sầu

Bài hát Mộng Sầu là một bài hát về một mối tình tan vỡ, theo tôi là bài hát buồn nhất của nhac sĩ Trầm Tử Thiêng. Nghe Khánh Hà hát nắn nót, nỉ non trong giai điệu chầm chậm làm cho người nghe thấm thía từng câu chữ của bài hát, như than như thở : "tình mình bây giờ đau như ngọn roi quất vào tim vết bầm..." 



Sáng Tác: Trầm Tử Thiêng
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Tứ Tuyệt...Sầu




Hoa lá chen nhau những nụ đầu
Vui trong khoảnh khắc mộng chìm sâu*
Cho người tiếc mãi niềm yêu dấu
Vội vã chia lìa đẫm lệ ngâu...

dovaden2010
* Thơ Kim Phượng

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Bốn Mùa 3 - Bốn Mùa


Bài Xướng: Bốn Mùa 3


Nhìn lá úa vàng để cảm Thu
Đắp chăn cho ấm buổi Đông mù
Ngày Xuân say ngắm hoa Xuân nở
Để nắng Hạ về cất tiếng ru.

Nguyễn Đắc Thắng
***
Bài Họa: 
Bốn Mùa

Thi nhân hoài cảm nặng hồn thu
Trắng đục sương đông khắp lối mù
Xuân hỡi mau về khoe sắc thắm
Phượng hồng nắng hạ tiếng ve ru

Kim Phượng
***
Cảm Tác: 
Bốn Mùa

Cha đi trời thảm giọt lệ thu
Đông cảm thương vay tuyết trắng mù
Xuân tịch cô phòng Me than thở
Tức cảnh ve sầu nức nở ru

Kim Oanh

Từ Thơ Haiku 1- Nỗi Nhớ


(Từ Nỗi Nhớ của Kim Phượng)

Đêm về
Nỗi nhớ lại đong đầy
Người ấy đi rồi

Kim Phượng
***

ánh nến
lay động canh tàn
tương tư

dovaden2010



Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Cảm Tác từ Mưa Ơi Tiếng Lòng Ta


(Cảm Tác từ Mưa Ơi Tiếng Lòng Ta của Quên Đi)

Góc phố buồn chiều mưa nhòa ướt đẫm
Lối đi về cần lắm một bàn tay
Phương trời xa người hỡi có hay
Hàng liễu già buông rèm sầu năm tháng.

Cua Nhỏ
***

Thăm thẳm bóng ai phía cuối đường
Mà trời lại nỡ đổ mưa tuôn
Mi cong ướt đẫm đôi hàng lệ
Lòng xót xa đau mọi nẻo đường
Mưa rơi có xóa miền nhung nhớ
Có dập tắt không ngọn lửa lòng!......

mưa rừng chiều

Đăng Cao - Đỗ Phủ


" Đây là bài thơ bày tỏ cảm xúc lúc trèo lên cao vào ngày tết Trùng Cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch, còn gọi là tết Trùng Dương).Tào Phi trong bài “Cửu nhật dữ Chung Do thư” có viết: “Năm qua tháng lại, bỗng tới mồng 9 tháng 9. Chín là số dương (số nhiều), mà tháng và ngày cùng ứng thì tục lệ đón mừng là để hợp với sự trường cửu, cho nên bày tiệc hội”. Ở Trung Hoa tục lệ có từ cổ xưa là đến ngày lễ tết này thì trèo trên đồi cao và cắm cánh thù du lên đầu hoặc mình nhằm tránh nạn dịch ".
Cả bài thơ mang đến một nỗi buồn diệu vợi, sự chán nản ê chề toát lên trong từng lời thơ, gieo vào lòng người đọc cảm giác yếm thế khi tuổi già bóng xế.
Chúng Ta cùng thưởng thức "Đăng Cao" của Đỗ Phủ

登高
風急天高猿嘯哀
渚清沙白鳥飛回
無邊落葉蕭蕭下
不盡長江滾滾來
萬里悲秋常作客
百年多病獨登臺
艱難苦恨繁霜鬢
潦倒新停濁酒杯
Đăng Cao

Phong cấp thiên cao viên khiếu ai
Chử thanh sa bạch điểu phi hồi
Vô biên lạc diệp tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Vạn lý bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi

Dịch nghĩa: Lên Cao

Gió thổi gấp trời cao,tiếng vượn kêu nghe thật buồn thảm
Bãi nước trong, làn cát trắng,chim bay trở về
Không biết bao nhiêu lá rụng nghe xào xạc
Sông dài ngút ngàn nước cuồn cuộn chảy đi
Muôn dậm thu buồn khi thân cứ mãi nơi đất khách
Trăm năm tuổi hạc nhiều bệnh lại một mình lên đài cao
Hận vì khổ sở khó khăn nên mái tóc bạc màu sương gió
Ốm yếu chán nản đến rượu thường rượu đục cũng đành ngưng không uống

Dịch Thơ:

Gió lộng trời cao vượn khóc than
Vũng trong cát trắng chim về đàn
Vô vàn lá úa lao xao rụng
Cuồn cuộn sông đi tận ngút ngàn
Muôn dặm thu buồn thân đất khách
Trèo cao trăm tuổi bệnh đa mang
Hận sầu tóc nhuốm màu sương bạc
Rượu đục đành ngưng sức lực tàn

Quên Đi
***
Lên Cao


Vượn não nuột trời cao gió lộng,
Bãi trong cát trắng bóng chim về.
Rạt rào lá rụng sơn khê,
Trường giang cuồn cuộn mãi mê bên trời.
Khách vạn dặm tơi bời thu đến,
Lên đài cao già bệnh rề rề.
Tóc sương tân khổ não nề,
Ngả nghiêng rượu đục ê chề buông chung!

Mailoc
***
Lên Cao


Trời cao vượn hú gió ào ào
Cát trắng vũng trong chim lượn chao
Thu úa lá vàng rơi lả tả
Sông dài sóng cuộn vỗ rào rào
Ngậm ngùi thân lão đời lưu lạc
Hổn hển đài xa bước thấp cao
Vất vả gió sương hằn mái tóc
Sức tàn, rượu đục nuốt không vào.

Phương Hà phỏng dịch
***
Mỏi Gối Chùn Chân Cũng Ráng Lên!

Vòm trời lộng gió vượn kêu gào,
Cát trắng nước trong chim liệng cao.
Xào xạc lá vàng bay lả tả,
Rì rào sông lũ cuốn phăng ào.
Dặm ngàn đất khách buồn thu mãi,
Già bệnh ngất ngư cũng ráng ... nào!
Cay đắng hận sầu đầu đã bạc
Tàn hơi bỏ rượu ngắm trăng sao!

Mai Xuân Thanh
*** 

 Lên Cao

Gió rít chiều buông vượn hú ...ôi!
Chim bay về tổ trú đêm rồi
Lá rơi tan tác tha hồ lượn
Nước đổ cuộn cuồn thả sức trôi
Đối cảnh ngày thu buồn lạc lối
Lên đồi tuổi lão mệt từng hồi
Thương đầu bạc tóc se căm hận
Rượu đục thay màu chịu bỏ thôi!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Đăng Cao


Trời cao gió lộng vượn kêu than
Cát trắng vũng trong chim gọi đàn
Xào xạc rơi rơi mùa lá đổ
Ngút ngàn siết siết nước trường giang
Buồn sao đất khách khi thu tới
Mệt lả đài cao lúc tuổi sang
Vướng khổ sầu vương đầu điểm tuyết
Rượu đành thôi rượu tấm thân tàn

Kim Phượng
***
Lên Cao


Gió lộng trời cao vượn hú buồn, 
 Nước trong cát trắng nhạn kêu thương. 
 Lá vàng rào rạt vàng rơi rụng, 
 Nước cuộn trường giang cuộn chảy tuôn. 
 Ngàn dặm sầu thu thân đất khách, 
 Trăm năm thân thế tóc pha sương. 
 Gian nan bệnh tật đăng cao ngắm, 
 Rượu bỏ ly không gục ngã buồn!

Lục bát :

Trời cao gió lộng vượn buồn, 
 Bãi trong cát trắng chim muôn lượn lờ. 
 Muôn chiều lá đổ ơ thờ, 
 Trường giang cuồn cuộn lờ mờ chân mây. 
 Bi thu đất khách thân gầy, 
 Trăm năm thân thế ngập đầy gian nan. 
 Pha sương tóc trắng hơi tàn, 
 Đăng cao bỏ rượu ly càng quạnh hiu!

Đỗ Chiêu Đức

Chú Thích :


CHỮ : Cồn cát hoặc Cồn đất nổi lên ở giữa sông.
HỒI : là Về, nhưng ở đây Điểu Phi Hồi có nghĩa là Chim bay lượn lòng vòng trên các bãi, cù lao.
PHỒN : là Nhiều, là Phức tạp, Rối Rắm.
SƯƠNG MẤN : Tóc mai bạc như sương.
LẠO ĐÃO : là Qụy ngã, ý chỉ gìa nua bệnh tật nên qụy ngã trước cuộc sống, trước cuộc đời.
TÂN ĐÌNH : là Vừa mới dừng lại.Ý chỉ Vừa mới cai rượu.
TRỌC TỮU BÔI : Trọc là Đục, là Dơ. Trọc Tữu Bôi là Ly rượu bị dơ vì đã không được sử dụng để uống rượu nữa !***
Quên Đi xin có vài ý kiến.
Trong dịch thơ người xưa, chúng ta ngày nay mỗi người hiểu một cách theo hiểu biết của riêng mình. Tuy nhiên, qua phần giải thích của anh Chiêu Đức ở ba chữ cuối của câu cuối, Quên Đi có nhận xét như sau:

濁酒杯 trọc tửu bô
Trọc 濁 ở đây có bộ thuỷ nên có nghĩa là đục.
濁酒杯 trọc tửu bôi: có nghĩa là "rượu đục trong chén"
Nếu là chén dơ thì phải dùng chữ Tạng 髒 có nghĩa là dơ bẩn. Tạng tửu bôi 髒酒杯 chén dùng uống rượu bị dơ bẩn.

Kính
Quên Đi
***
Trèo Lên Cao


Gió dật, trời cao, tiếng vượn ôi,
Bãi quang, cát trắng, chim quay hồi.
Cơ man lá rụng, rơi rơi xuống,
Suốt dọc Trường giang, cuộn cuộn trôi.
Muôn dặm thu buồn, nao dạ khách,
Trăm năm bệnh mãi, bước thân côi.
Gian nan, hờn khổ, đầu phơ bạc;
Vất vả, đành ngưng bợm rượu thôi.

Danh Hữu

Chú :
Trong bài này, ở câu cuối, có mấy chữ khó hiểu nên các dịch giả xưa nay thường dịch chưa chuẩn. kể cả người Hoa khi họ dịch sang ngoại ngữ (Anh, Pháp).
Lao đảo : vất vả, cực khổ.
Tân đình : mới chịu ngừng.
Trọc rửu bôi : Chén của kẻ bợm rượu : cụm từ này đến từ câu thành ngữ : Trọc Hiền thanh Thánh 濁賢清聖, nghĩa là người hiền (hiền ở đây là giỏi, là hay rượu) thì uống rượu đục, tức là rót ra chưa kịp để nó lắng xuống là ực ngay, còn Thánh thần thì cứ để li đó trên bàn thờ mà chưa uống. Ngày xưa rượu tự cất nấu, nó không được trong như rượu bây giờ, có máy móc chưng cất.
Do đó, mà có câu khuyên giữa khách uống rượu : Lạc Thánh tị hiền, nghĩa là : Hãy vui với chén rượu Thánh mà tránh uống chén rượu hiền. Tức là nên uống vừa phải, từ từ. Ý nghĩa của từ chén rượu đục là như vậy.
câu thơ này có nghĩa là : Ta vất vả quá, thôi hãy ngưng làm tay bợm rượu đi. Hàm ý, bớt uống rượu thì sẽ không đến phải quá vất vả để kiếm tiền.
***
Lên Cao

Gió nổi, non xa, tiếng vượn gào,
Bến trong, cát trắng, én lao xao.
Mênh mang lá rụng về đâu nhỉ?
Cuồn cuộn sông trôi đến chốn nào.
Ngàn dặm thu buồn, nương đất khách,
Một thân già yếu, gượng lên cao.
Gian nan khổ hận đầu sương bạc,
Ngất ngưởng, say rồi, thôi, nữa sao

Phạm Khắc Trí
(Cuối năm Kỷ Sửu - 2010)



Đêm Cô Đơn


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Huỳnh Hữu Đức

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Mưa Ơi Tiếng Lòng Ta


Tí tách mưa rơi mọi ngả đường
Mưa từ kẻ nhớ đến người thương
Từng giọt thấm hòa tim đơn lẻ
Tê tái cơn sầu mãi vấn vương

Thăm thẳm ai đi biệt cuối đường
Để lại cho người nặng nhớ thương
Mưa thêm lạnh buốt hồn cô quạnh
Mãi chờ mãi đợi khối tình vương

Mưa vẫn đều rơi khắp nẻo đường
Mưa nhòa dấu tích của buồn thương
Mưa ơi hãy xóa niềm nhung nhớ
Mưa dập lửa lòng ta đã vương.

Quên Đi


Trong Khoảnh khắc


Hoa lá chen nhau những nụ đầu
Vui trong khoảnh khắc mộng chìm sâu

Kim Phượng
* Ảnh từ CKNguyễn

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Haiku 1- Nỗi Nhớ


Đêm về
Nỗi nhớ lại đong đầy
Người ấy đi rồi

Kim Phượng

Thu Hát Cho Người

Mùa thu lại về nơi bến cũ, nơi mà dòng sông đã đưa người tình đi biền biệt, và thu cũng về trên đồi sim rực tím chốn hò hẹn mang nhiều kỷ niệm, chàng tự hứa với lòng rằng sẽ chờ nàng mãi trên đồi, bên gốc sim già này, để hát khúc tình ca mùa thu để nhớ người đi xa, cho dù không biết khi nào người tình trở lại, nhưng anh chàng si tình vẫn đợi, để mà hy vong người yêu sẽ về lại với mình nối lại tinh xưa. . .Ta vẫn chờ em. . .


Sáng Tác: Vũ Đức Sao Biển
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Vỡ



Lệ rơi từng giọt
Vỡ tan
Ngày xanh xưa ấy
Đi hoang mất rồi
Tóc thề buông xõa
Bồi hồi
Phấn hương phai
Lược đồi mồi chỏng trơ
Bơ vơ…
Chợt tỉnh cơn mơ
Bóng khuya lay lắt
Ngẩn ngơ cuối mùa…
Gió ơi!
Sao gió mãi lùa?


dovaden2010

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Tìm




Hồn như phiến lá phiêu du
Bay vào giếng mắt cai tù rơi êm
Ngỡ chân bước nhẹ bên thềm
Chỉ nghe tiếng gió trong đêm lẫy hờn
Lạnh lùng gió thổi từng cơn
Làm sao thấu nỗi cô đơn xứ người
Tìm trong ánh mắt nụ cười
Còn bao ngày tháng biếng lười dung nhan

Kim Phượng

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Lúc Đi Trắng, Lúc Về Đen( Cổ Học Tinh Hoa)


Một hôm trời nắng Dương Bố đi chơi. Khi ở nhà ra, thì mặc áo trắng, đi được nửa đường, gặp trời mưa, quần áo ướt hết, mới vào ẩn mưa ở nhà bà con. Người ấy thấy Dương Bố ướt cả cho mượn cái áo thâm.
Một lúc trời tạnh, Dương Bố mặc áo thâm về nhà. Con chó trông thấy, vừa cắn vừa xua đuổi. Dương Bố giận toan cầm gậy đánh.
Anh là Dương Chu chạy ra bảo:
"Đừng đánh nó làm gì! Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con chó trắng nhà ta, lúc đi, thì trắng, lúc về thì đen, phỏng em có không lấy làm lạ mà không ngờ được không?"

Giải Nghĩa:
Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh.

Lời Bàn:
Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra lầm lắm ru! Lỗi tại mình thay đổi không tại con chó cắn xằng. Vậy nên ở đời khi mình làm điều gì khác thường, mà người ta không rõ, thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia, thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này.

Kim Phượng Sưu Tầm
Trích Theo Cổ Học Tinh Hoa

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Thương - Nhỡ- Yên


Bài Xướng: Thương

Có biết vì sao thu vắng không?
Trăng ơi! Trăng cứ mãi ngóng trông...
Cung thương mất hút vào vô vọng
Bỏ lại điệu sầu quá mênh mông...

dovaden2010
***
Bài Họa: Nhỡ


Định kỳ thu vắng có buồn không
Hãy gắng chờ xin khắc khoải trông
Mùa vàng lên nhỡ trăng khuất bóng
Sầu dâng hiu hắt thu quạnh mông

Kim Phượng

***


Bài Cảm Tác:

Chiều nay mây tím vắng đi đâu...
Một áng mây đen gợi thu sầu.
Nhớ người em gái đôi mắt biếc.
Biền biệt phương trời đã mấy thu?!...

mưa rừng chiều

***
Yên


Thu đến rồi tàn... cả khoảng không...
Cho bao ước hẹn cứ xa trông!
Nhưng Thu luôn gửi niềm hy vọng
Để lá trên cành... vẫn đợi mong!

dovaden2010




Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Mong Manh





Dấu chân trên cát trắng,
Lớp lớp bụi trần ai.
Sương mong manh ngoài nắng,
Đời như áng mây bay.

Mailoc
***
Mong Manh


Hồn mong manh mây trắng
Trôi vạt đến tuyền đài
Xin nương theo vạt nắng
Êm lắng cõi Thiên Thai

Kim Oanh
***
Mong Manh


Ái tình là thế tợ phù vân
Tan tụ mong chi nhẩm tính lần
Phú quý cơ hàn như bọt nước
Mong manh không có lụy cõi trần

Kim Phượng

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Hỏi Elm*





Bonsai: Lê Kim Thành
Thơ Cảm Tác Từ Ảnh

Hỏi Elm*(Em)

Hỏi Elm*,em có thuận tình
Anh về nổi trận trống đình báo tin
Trống rền ,tre trúc rung-rinh
Bà con lối xóm nói mình xứng đôi!

Lê Kim Thành
*Cây Elm này giống của Mỹ và Nhật
***
Elm Thưa!


Hỏi Elm em chửa đồng tình
Mà anh chiên trồng linh đình loan tin
Nhưng lòng ước võng đến rinh
Quay quần hai họ ta mình sánh đôi!

Kim Oanh
***


Một thân đứng giữa cõi đời
Cội già lá vẫn như thời xuân xanh
Bao năm tỉa ngọn uốn cành
Vẽ Elm thành một bức tranh tuyệt vời

Khánh Hà
***
Duyên Elm


Niềm đau chẳng nói nên lời
Chim lồng cây chậu một đời dỡ dang
Đành thôi ý thiếp tình chàng
Đành thôi phận bạc lỡ làng duyên Elm

Kim Phượng
***
Duyên Phận Không Thành


Không trổ hoa lấy gì khoe sắc
Dẫu xuân thời nhặt gió lá lay
Uốn mình! Elm chăm chút men say
Mới hay lạt lẽo...suốt đêm dài....!!!

Lê Kim Hiệp