Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

WNT vs. Brazil: Highlights - Oct. 25, 2015

Mời các anh chị xem trận tùc cầu giải trí chiều Chủ Nhựt, giữa các Nữ Cầu Thủ United States và Brazil.
Xem trận đấu này, tôi bỗng nhớ đến các Nữ Cầu Thủ ở Vĩnh Long của năm nào.



NCK Sưu Tầm

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Ô Y Hạng 烏衣巷 - Lưu Tích Vũ


Một thời danh vọng, nhưng rồi cũng chẳng mãi cùng năm tháng.
Ô Y Hạng là con đường nhỏ ở phía nam sông Tần Hoài thuộc thành phố Nam Kinh. Con đường này vốn chẳng tên tuổi gì, nhưng kể từ khi có bài thơ của Lưu Tích Vũ, con đường nhỏ trở nên nổi tiếng. Từ đó, người đời sau có các cách giải thích khác nhau về ý nghĩa, xuất xứ tên gọi Ô Y Hạng:

- Theo sách "Trung Quốc Lịch Đại Danh Thi Phân Loại Đại Điển" do Hồ Quang Chu và Chu Mãn Giang chủ biên đã viết như sau: Con đường nhỏ phía Nam sông Tần Hoài, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Thời Tam Quốc, là nơi Đông Ngô từng lập doanh trại quân đội tại đấy, binh sĩ đều mặc áo đen nên gọi ngõ hẻm đó mới có tên là Ô Y Hạng. 

- Cũng theo cách giải thích của người Tàu, có truyền thuyết rằng: vào thời Tấn, đây là nơi ở của hai danh gia vọng tộc Vượng Đạo, Tạ An. Con cháu những nhà này thường mặc áo đen, từ đó có tên gọi ngõ Ô Y.

- Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh (trang 88), Ô Y là tên gọi riêng của Chim Én . Nếu ta đối chiếu với ý nghĩa trong bài thơ của Lưu Tích Vũ thì quả thật vẫn không sai.

(tham khảo: Bài viết của An Chi và "Hán Việt Tự Điển" Đào Duy Anh)

Người Tàu có hai cách giải thích, trong khi đó theo giải nghĩa của Đào Duy Anh cũng hợp lý.

Như vậy Ô Y Hạng ( 烏衣巷 ) có hai nghĩa: Hẻm Áo ĐenHẻm Chim Én.
Và Ô Y (烏衣) cũng sẽ có hai nghĩa là Áo Đen; Chim Én 

Bản Hán Tự Phiên Âm Hán Việt

烏衣巷                         Ô Y Hạng

朱雀橋邊野草花        Chu Tước kiều biên dã thảo hoa 

烏衣巷口夕陽斜       Ô Y hạng khẩu tịch dương tà. 

舊時王謝堂前燕       Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến 

飛入尋常百姓家      Phi nhập tầm thường bách tính gia.
               劉禹錫                                          Lưu Tích Vũ

Dịch Nghĩa Nôm: Ngõ Hẻm Ô Y

Bên cầu Chu Tước đầy những hoa cỏ hoang dại 
Nơi hẻm Ô Y trời đã về chiều
Thuở trước, chim én thường xuất hiện trước nhà Vương Đạo, Tạ An
Nay bay vào những nhà bình thường của trăm họ.

Dịch Thơ:

Hẻm Ô Y

1/
Chu Tước cầu cỏ hoa bít lối 
Hẻm Ô Y bóng tối dần lan 
Lầu Vương Tạ én từng đàn 
Giờ tìm đến chốn dân gian tầm thường

2/
Chu Tước bên cầu hoa cỏ hoang
Ô Y ngõ hẻm ánh chiều vàng
Một thời én lượn lầu Vương Tạ
Nay dẫu nhà thường cũng phải sang.

Quên Đi

***
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :
Ô Y HẠNG của Lưu Vũ Tích

1.Nguyên bản chữ Hán của bài thơ:

烏衣巷                      Ô Y Hạng 

朱雀橋邊野草花, Chu tước kiều biên dã thảo hoa,
烏衣巷口夕陽斜。 Ô y hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕, Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家。 Phi nhập tầm thường bách tính gia.

                 劉禹錫                                      Lưu Vũ Tích
2.Chú Thích:

Ô Y HẠNG 烏衣巷 : Ô là Màu đen, Y là Áo, Hạng là Con Hẻm. Ô Y Hạng là Con hẻm áo đen. Có tích như sau :
Ô Y Hạng là một con hẽm của TP Nam Kinh nằm ở phía nam của sông Tần Hoài, con hẽm nầy có từ đời Tam Quốc, thuộc nước Đông Ngô, nơi độì Cấm quân Áo Đen trú đóng mà thành tên. ( Một điều thú vị mà văn nhân thi sĩ không biết tới, đội Cấm quân Áo Đen chính là đội Thuỷ quân Người Nhái được huấn luyện bên bờ sông Tần Hoài và Trường Giang chuyên đục lủng thuyền của quân địch. Chiếu theo ngũ hành, Thuỷ thuộc màu Đen, nên đội Người Nhái nầy toàn mặc quân phục màu đen là vì thế !).
Sau, vào đời Đông Tấn, là nơi ở của 2 danh gia vọng tộc Vương Đạo và Tạ An. Gia nhân, ngưòi ăn kẻ ở của 2 nhà nầy đều mặc đồ đen, ra vào nườm nượp trong con hẻm nầy, nên Ô Y Hạng càng nổi tiếng " Ô Y " hơn. Con em của 2 nhà nầy được gọi là " Ô Y Lang ", có nghĩa là : Các Chàng của hẽm Áo Đen ( Ý chỉ là con em của hẽm nhà giàu, chớ chưa chắc là họ thích mặc màu đen đâu !). Nhưng đến đời Đường thì Ô Y Hạng bị bỏ phế, và cho đến hiện nay, thì ....Ô Y Hạng là khu tập trung sản xuất công nghệ phẩm của dân gian.
CHU TƯỚC KIỀU 朱雀橋 : CHU là Màu đỏ, TƯỚC là Chim sẻ, KIỀU là Cầu. CHU TƯỚC KIỀU là Cây cầu bắt ngang sông Tần Hoài qua Thành phố Nam Kinh đưa đến Ô Y Hạng, giữa cầu có lầu canh được trang trí bằng 2 con chim sẻ bằng đồng là kiến trúc của Tạ An xây nên.
DÃ THẢO HOA : DÃ 野 là Hoang dã. DÃ THẢO HOA là Hoa cỏ mọc một cách hoang dã, không được trồng trot, chăm sóc.
3. Nghĩa Bài Thơ:

Bên cầu Chu Tước ( lẽ ra rất phồn vinh tấp nập người qua kẻ lại, thì nay...) cỏ hoang hoa dại phủ đầy, và ở đầu con hẽm Ô Y ( không còn nườm nượp gia nhân ra vào như xưa, mà nay ...) chỉ thấy nắng chiều nghiêng nghiêng buồn bã. Những con én ngày xưa chít chiu ríu rít trên rường nhà cuả Vương Đạo và Tạ An, nay đã bay hết ra nhà của bá tánh thường dân rồi !
Chim én là biểu tượng của mùa xuân, của ấm êm hạnh phúc. Theo tập tính thì chim én chỉ làm tổ trên những rường nhà có người ở, còn nhà bỏ hoang thì chim én cũng... bay luôn !
Lưu Vũ Tích đã khéo dùng hình ảnh hoang dại cuả cỏ hoa, cái nghiêng nghiêng sắp tắt của nắng chiều, và sự vắng lặng trơ vơ không một bóng chim lai vãng để gợi nên sự tiêu điều hoang phế của các danh gia vọng tộc đã từng vang bóng một thời, nay thì ..." thời oanh liệt nay còn đău !!!"
Qủa là một bài thơ hoài cổ não lòng, làm ta chợt nhớ đến 4 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương! 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương!!!

4. Dịch Thơ:
Hẻm Ô 
1
Bên cầu Chu Tước cỏ hoa hoang,
Trước hẻm Ô Y ánh nắng tàn.
Chim én trên rường Vương Tạ trước,
Nay đà bay đến với dân gian!

2
Cỏ hoang hoa dại bên cầu,
Chiều nghiêng nắng xế thêm sầu Ô Y.
Én xưa cũng hết rù rì,
Bỏ nhà Vương Tạ bay đi dân thường!

Đỗ Chiêu Đức
***
Dịch Thơ:

Hẻm Ô Y

Cỏ hoa ngập lối cầu Chu Tước
Trước ngỏ Ô Y nắng sắp tàn
Vương Tạ lầu cao thời én lượn
Chim đàn sang ở chốn dân gian

Kim Phượng
***
Dịch Thơ:

Hẻm Ô Y

Cầu Chu Tước cỏ dại hoa hoang
Hẻm vắng Ô Y bóng xế tàn.
Soái phủ Tạ, Vương chim én tựu,
Nay bay hòa nhập cửa dân làng.

Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 11 năm 2015
***
Hẻm Ô Y

Chu Tước - cạnh cầu ngập cỏ hoang
Ô Y - trước hẻm nắng phai tàn
Nhạn xưa ríu rít nhà VươngTạ
Rã đám bay vào chốn thế gian

Phương Hà


Mặt Trời Và Mặt Trăng

Chuyện kể rằng: Một ngày nọ, có người hỏi một bô lão: mặt trời hay mặt trăng, cái nào quan trọng hơn?

Lão kia suy nghĩ nửa ngày, mới trả lời: “Là mặt trăng, mặt trăng quan trọng hơn”. “Tại sao?”
“Bởi vì mặt trăng chiếu sáng vào ban đêm, đó là thời điểm chúng ta cần ánh sáng nhất. Còn mặt trời chiếu sáng vào ban ngày mà ban ngày thì chúng ta đã có đủ ánh sáng rồi.”
Có lẽ bạn sẽ cười, chê lão tiên sinh này là hồ đồ, nhưng có rất nhiều người cũng nghĩ như thế!
Người hàng ngày chăm sóc bạn, bạn không cảm nhận được điều gì cả?! Nhưng nếu một người xa lạ ngẫu nhiên giúp đỡ bạn, bạn sẽ cho rằng đó là một người tốt.
Cha mẹ và người thân của bạn luôn luôn vì bạn mà hy sinh, nhưng bạn cảm thấy đó là đương nhiên, thậm chí có khi còn thấy phiền toái. Khi người ngoài làm cho bạn một việc na ná như thế thì bạn lại hết sức cảm kích.
Đây chẳng phải là “cảm kích ánh trăng mà phủ nhận ơn mặt trời” hay sao?
Khi đã quen với sự hiện diện của mặt trời, người ta quên là nó đem lại cho ta ánh sáng. Khi đã quen với sự chăm sóc của người thân, mọi người thường quên mất họ đã cho mình sự ấm cúng, yêu thương.
Một người quen được chăm sóc từng li từng tí thì sẽ không thấy biết ơn vì họ cho rằng, ban ngày đã đủ ánh sáng rồi, cho nên mặt trời là dư thừa, không cần thiết. Họ lại mơ màng tưởng nhớ ánh trăng đêm...

Trong cuộc sống thực tại, ta thường không để mắt đến người thân hay những điều mình đã và đang có trong tay vì cho rằng đó là lẽ đương nhiên, không quan trọng với mình.Ta hay phàn nàn số phận bất công, như thể là thế giới này thiếu nợ chúng ta rất nhiều thứ vậy.

Vũ Thị Bạch Hằng Sưu tầm


Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Từ Mộng Đầu Phượng Tím

( Từ Mộng Đầu Phượng Tím của Kim Phượng)

Tím chung thủy, u hoài man mác
Thế mà tím cũng cứ mãi nặng lòng...
Trước kia,
Chỉ thấy toàn phượng đỏ
Cứ ngỡ phượng luôn thắm sắc hồng
Nghe phượng tím
Thật nhiều bỡ ngỡ
Vì chưa từng được thấy bao giờ
Thế mà có đấy
Phượng tím có đấy,
Đã gặp rồi đấy...
Còn phượng vàng?
Có lẽ chỉ trong mơ...

dovaden2010

Còn Chút Gì Ðể Nhớ

Bài hát ra đời trong thời chiến, có một anh lính trẻ dừng chân Pleiku trong một buổi chiều sương xuống mờ ảo, phủ thành phố. Dạo một bloc phố dốc lên dốc xuống thì về lại chốn cũ, rồi tình cờ gặp người con gái má đỏ môi hồng của phố núi đã cho anh tình yêu, trong buổi chiều sương giăng khắp nẻo đã làm cho lần ghé lại Pleiku lần này trở nên ấm áp vì cô gái đã cho anh tình yêu. Chỉ vậy thôi, tình yêu mong manh ấy không biết mai này khi anh lính trẻ đi về miền biên giới có còn trở lại với em gái má đỏ môi hồng với mái tóc đẩm sương của phố núi nữa hay không?


Thơ:Vũ Hữu Định
Nhạc: Phạm Duy
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Mộng Đầu Phượng Tím


Úc châu gợi mộng đầu phượng tím
Trên nẻo đường hanh nắng trời xuân
Đôi chân nhỏ ngập ngừng bước lạ
Lòng giao hòa giữa phố không quen

Hạ chưa sang nụ chen cành lá
Sắc âm thầm rộn rã hồn xưa
Áo tuổi hoa trắng đôi tà vạt
Uốn lượn vòng chưa hẳn nét cong

Chiếc răng khểnh ngầm duyên con gái
Tóc bềnh bồng lượn sóng bờ vai
Từ đâu đến người mang bối rối
Tim tím màu một đóa trao tay

Ngày hai buổi trên con đường cũ
Vẫn hoa trao suốt cả mùa say
Đóa hương quen mãi ôm lòng nhớ
Tình không tròn phượng tím ngẩn ngơ

Mươi mấy năm cố nhân biền biệt
Người trao hoa chẳng biết phương nào
Giấu trong tim mộng đầu phượng tím
Buổi giao mùa đất khách bâng khuâng

Kim Phượng

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Giang Thành Tử - 江城子 - Tô Đông Pha



Đây là bài hát theo điệu Giang Thành Tử của Tô Đông Pha có lời tựa "Ất Mão Chính Nguyệt Thập Nhị Nhật Dạ Ký Mộng". Lời ca thống thiết, đan xen giữa mộng và thực, thật đau thương, cho dù người vợ đã mất từ 10 năm trước.
江城子                    Giang Thành Tử

十年生死兩茫茫, Thập niên sinh tử lưỡng mang mang
不思量,                 Bất tư lượng
自難忘。                 Tự nan vong
千里孤墳,             Thiên lý cô phần
無處話淒涼。         Vô xứ thoại thê lương
縱使相逢應不識, Túng sử tương phùng ưng bất thức
塵滿面、                 Trần mãn diện
鬢如霜。                 Mấn như sương
夜來幽夢忽還鄉, Dạ lai u mộng hốt hoàn hương
小軒窗,                 Tiểu hiên song
正梳妝。                 Chính sơ trang
相顧無言,             Tương cố vô ngôn
惟有淚千行。         Duy hữu lệ thiên hàng
料得年年腸斷處, Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ
明月夜、                 Minh nguyệt dạ
短松崗。                 Đoản tùng cương.
苏 轼                       Tô Thức

Dịch Nghĩa: Điệu Hát Giang Thành Tử

Ghi Lại Giấc Mộng Đêm 20 Tháng Giêng Năm Ất Mão
Đã mười năm qua, hai ngã âm dương mênh mông mờ mịt
Dù không muốn nghĩ
Nhưng lòng này chẳng thể quên được.
Nấm mồ lẻ loi từ nơi xa ngàn dặm
Thì còn nơi nào để ta nói hết nỗi thê lương
Cho dù mình có gặp lại cũng không nhận được nhau
Bụi đã phủ đầy khuôn mặt
Tóc đã nhuốm màu sương
Khi đêm về, chìm vào giấc mộng thấy mình về quê cũ
Nhìn nàng bên hiên cửa nhỏ
Đang chải tóc và trang điểm
Cả hai nhìn nhau không nói
Chỉ có hàng ngàn giọt lệ tuôn rơi
Ở nơi này, năm lại qua năm càng thêm đứt ruột
Đêm nay trăng sáng
Trên lưng chừng đồi thông
***
Dịch Thơ:
Mộng Nhớ Cố Thê

Mười năm qua âm dương đôi ngã
Nào muốn nhớ
Lại khó quên
Mộ xa ngàn dậm
Đau thương kể chốn nào
Nếu gặp gỡ làm sao nhận được.
Mặt đầy bụi
Tóc màu sương
Đêm về mơ cố hương quay lại
Hiên cửa này
Nàng điểm trang
Nhìn nhau không nói
Ngàn giọt lệ tuôn tràn
Năm trôi chốn này lòng như cắt
Trăng nay sáng
Lưng đồi thông.

Quên Đi
***
Thập Niên Sinh Tử Lưỡng Mang Mang

Mười năm cách, sinh tử mịt mù
Nhớ khôn lường
Đâu nào quên
Ngàn dặm mộ phần
Sao nói hết thê lương
Túng sử gặp nhau cũng khó nhận
Mặt gió cát
Tóc pha sương
Mộng đêm mơ thấy chợt về nhà
Ai bên song
Tóc xuôi vai
Lặng lẽ nhìn ta
Nước mắt đổ tuôn dòng
Đâu nữa bên nhau ngày cõi thế
Dưới trăng sáng
Trên đồi thông

Phạm Khắc Trí
***
Âm Dương Cách Biệt Còn Vương Tơ Lòng

Tử mất sanh tồn trải mấy thu,

Âm dương cách trở vẫn lu bu.
Mười năm đôi ngã ai không nhớ,
Một kiếp chưa quên vĩnh biệt ru.
Mộ chí lẻ loi xa vạn dặm,
Phòng không gối chiếc thấy thê lương !
Làm sao nhận diện khi mình gặp,
Bụi bám đầy trên mặt bạn đường
Thời gian tóc đã nhuốm màu sương,
Giấc mộng tưởng mình lạc cố hương.
Cửa nhỏ hiên nhà nàng nháy mắt,
Điểm trang gở tóc thấy mà thương !
Nhìn nhau chẳng nói rơi châu lệ,
Đứt ruột, trần gian vẫn vấn vương.
Trăng sáng đêm nay buồn biết mấy,
Đồi thông thấp thoáng dưới sườn dương...

Mai Xuân Thanh
***
Giang Thành Tử

Mười năm cách biệt cõi âm dương
Những tưởng quên
Lòng mãi nhớ
Mộ ngàn dặm xa
Ôi nhớ thương khôn siết
Nếu gặp gỡ sao biết nhận ra
Bụi đầy mặt
Tóc nhuốm sương
Đêm tơ tưởng mộng về quê cũ
Song cửa trông
Nàng trang điểm
Căm lặng nhìn nhau
Lệ ngàn giọt trào tuôn
Năm đến lại qua buồn đứt ruột
Này trăng sáng
Lưng đồi thông

Kim Phượng

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Ngây - Dại


Bài Xướng:
Ngây


Kìa kìa có phải giấc mơ xa
Tỏ tỏ, mờ mờ đến với ta?
Bởi nắng trong trong ngời sắc lá
Vì mây mảnh mảnh thắm màu hoa.
Cho thơm nóng bỏng, môi thôi giá
Để sáng lung linh, mắt hết nhòa!
Thấy trái tim này rưng rức lạ
Và lòng rạo rực khúc tình ca

dovanden2010
***
Bài Họa: 

Dại

Mãi mãi phương này viễn xứ xa
Mừng mừng tủi tủi chỉ riêng ta
Thèm hơi âm ấm lùa hương tóc
Khát tiếng trầm trầm gợi ý hoa
Mơ ước trăm năm hồn đắm mộng
Tròn duyên se kết lệ thôi nhòa
Tơ lòng khoắc khoải hoài vương vấn
Nước mắt lưu đày ly biệt ca

Kim Phượng


Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Thu Vàng


Bài Xướng:
Thu Vàng


Tôi đi tìm lại nắng thu vàng
Thu của năm nào trở tiết sang
Ngơ ngẩn thả hồn theo sắc thắm
Miên mang mộng tưởng đến trăng tàn
Tình thư nắn nót o con chữ
Xương lá âm thầm ép những trang
Hơi lạnh thu mang lùa tóc rối
Ai lau nhan sắc nhuộm thu vàng

Kim Phượng
***
Bài Họa:


Sắc Vàng Mùa Thu


Xin gió đừng lay rụng lá vàng
Cho mùa đông xám khỏi theo sang
Trời mây bãng lãng màn sương nhẹ
Sông nước chơi vơi ánh nguyệt tàn
Áo lụa dịu dàng trong bóng nắng
Trang thư nhàu nhĩ dưới hành trang
Bên thềm, bụi cúc xôn xao nở
Nhuộm cả không gian với sắc vàng.

Phương Hà
***
Vườn Thu


Đường cũ còn đây ngập lá vàng,
Gió chiều lành lạnh chở mùa sang.
Từ khi bướm bỏ vườn hoang vắng
,Là lúc hoa rơi cánh úa tàn.
Nhớ quá bờ vai ai mảnh khảnh,
Thương hoài áo lụa nét đoan trang.
Lấy gì đổi được trời thu ấy,
Man mác hồn ta tuổi võ vàng.

Mailoc
Cali 11-13-15
***
Tình Theo Mùa Thu

Một buổi trời thu có nắng vàng 
Quen em,nên cũng muốn tìm sang 
Vờ xin xem lá rơi vừa rung 
Mượn cớ nhìn hoa úa sắp tàn 
Sẵn dịp,trao thơ tình mới viết 
Tìm vào nhật ký thảo vài trang 
Ngập ngừng,hàng dậu ngăn đầu ngõ 
Lại ngại ngoài hiên....cột chó vàng

Song Quang
***
Sắc Vàng Thu


Tà áo ai khoe lộng sắc vàng
Xui mình yêu trộm mỗi thu sang
Vô tư em hát trong nắng mới
Luyến tiếc anh lo nếu mộng tàn
Dẫu biết nhưng rồi đông vẫn đến
Niềm mơ đến lúc phải qua trang
Bao năm cách biệt anh còn nhớ
Tà áo ai khoe lộng sắc vàng

Quên Đi
***
Tình Thu Quê Mùa


Ví dầu than nướng cá trê vàng
Chấm nước mắm gừng chả gọi sang
Xuồng đục lênh đênh con nước bạc
Cà rèm mát mẻ nắng thu tàn
Xuân tình bậu muốn nghe vài lớp
Vọng cổ qua vừa thuộc mấy trang
Gặp gỡ chung luồng câu dấu ó
Đồng không đâu có lá rơi vàng.

Cao Linh Tử
14.11.2015
***
Nhặt Lá Thu Vàng
(Mượn vận bài thơ Thu Vàng của KP)

Cúi nhặt cầm tay chiếc lá vàng
Ôi thương thân úa mỗi Thu sang
Phải rời nhánh mẹ buồn hiu quạnh
Vào chốn hư không cảnh lụn tàn
Mượn bút đề thơ o nét chữ
Tình thơ chan chứa ghép vài trang
Âm thầm nghĩ đến đời trôi nổi
Cũng giống như ta lúc tuổi vàng

Song Quang
***
Nét Thu Vàng

Rừng phong lả tả lá rơi vàng,
Gió lạnh thu buồn lướt thướt sang.
Sáng sớm mây mù sương khói tỏa,
Xế trưa nắng nhẹ cánh hoa tàn.
Yêu cô áo lụa ngời đôi mắt,
Mến bạn tóc huyền mới điểm trang.
Khỏe khoắn gót hài đang gõ nhịp,
Bâng khuâng hoài niệm nét thu vàng.

Mai Xuân Thanh
Ngày 06 tháng 10 năm 2016
***
Sắc Thu Vàng

Bóng nắng ngày thu nhuốm sắc vàng
Phơi đầy lá úa trở mình sang
Vầng mây lãng đãng chen màu nhớ
Sợi nắng buâng khuâng lịm ráng tàn
Gợi dáng ngiêng ngiêng trời viễn xứ
Say chiều bẽn lẽn nét đài trang
Còn thương áo tím vườn năm cũ
Cứ đến ngày thu sắc chuyển vàng!

Nguyễn Đắc Thắng
***
 Tình Thu Vừa Chớm

Ôi nắng thu phai mặc áo vàng
Dáng em mềm mại bước đi sang
Bông hồng ngực áo môi tươi thắm
Hoa cúc hàng hiên cánh héo tàn
Nghỉ phép về quê trai thủy thủ
Hẹn ngày gặp mặt gái đài trang
Heo may se lạnh tơ lòng rối
Hy vọng duyên may dệt mộng vàng

Mai Xuân Thanh

Ngày 18/08/2018

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long - Niên Khóa 1974-1975

Lớp 12e Kỹ Thuật Vĩnh Long niên khóa 74/75 .
Từ trái sang phải, Hàng ngồi: Hải, Hòa ,Hiếu, Thuận ,Khiêm, Hai.
Hàng đứng: Định,( khôngnhớ tên), Quốc, Huyện, Xứng, Trực, Xuân, Chảy, Thu, (ba người đứng phía sau), Kha, Hoàng, Phát.
Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long - Lớp 12E - Niên Khóa 1974-1975


Lớp Đệ Ngũ - Ban Cơ Khí Ô Tô - 1970
Hàng đứng: Lê Tấn Lộc 56, (Quên tên)
Hàng ngồi: Phạm Văn Xứng, Lê Văn Tô Bia, (Quên tên)...,Lê Tấn Lộc 54, (Quên tên),Tống Hữu Tự,Trương Kỳ Quốc, Nguyễn Văn Hiếu
Hàng Trước: Định , Khiêm( Quên TÊN)....,Trương Kỳ Quốc, Trung, (Quên tên)..., Xứng, (Quên TÊN)...., Thuận, 
Thầy Phan Phi Hùng
Hàng sau: Xuân, Hoàng, (Quên tên ...., Quên tên)....., Hiếu, Đinh Trung Trực
Hàng trước:Hải, Xuân, Trung, Huyện, Minh Hòa, Thuận, Thầy Dương Xuân Phát (dạy môn Hóa), Phụng, Kỳ Quốc, Khiêm, Thu
(Quên tên), Phụng, Cao Quang Kha.
Hàng sau: Dương Văn Phát, (Quên tên, Quên tên), Hiếu, (Quên tên, Xứng, Trực, (Quên tên), Kha, Hoàng.
Trương Kỳ Quốc
(Cựu học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long tặng cô Kim Phượng)


Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Kỷ Niệm Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô 20 Tháng 11

Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của những Người Học Trò Kỹ Thuật Vĩnh Long năm xưa, vẫn được gìn giữ...


Vĩnh Long Kỹ Thuật trường xưa
Bao năm xa cách vẫn chưa nhạt nhòa
( Kim Phượng)




Trình bày:Nguyễn Phước Hiền
Cựu Học Sinh Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long - Niên khóa 1966 - 1971

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Uống Rượu Giải Buồn


Bài Xướng: Uống Rượu Giải Buồn

Đối diện cơn buồn rót nửa ly
Lặng lờ trông khói thuốc nhâm nhi
Mở thư lười lĩnh thôi không đọc
Nhớ bậu lâu lơ chả muốn lì
tục ngữ có đi thì có lại
Thói đời cố tưởng vướng rồi phi
Cạn dòng lá thắm chưa từ biệt
Hết rượu cuối bài mắt sụp mi.


Cao Linh Tử
12.11.2015
***
Các Bài Họa:
Xin Can Bợm Nhậu
(Họa hoán vận)

Thách thức luân phiên uống cạn ly
Rượu ngon rót mãi, trổ gan lì
Khởi đầu thủ thỉ câu tâm sự
Kế đến khề khà chuyện thị phi
Đế sẵn, mồi thêm - tê buốt lưỡi
Mắt cay, đầu váng - nhạt nhòa mi
Xin can chớ có say sưa mãi
Gương xấu dành cho bọn thiếu nhi!

Phương Hà
***
Đừng Ai Cản


Thất tình rượu cứ rót đầy ly
Nốc chỉ một hơi mới thiệt lì
Bậu đã coi thường không đáng mặt
Qua đây mới thật đúng nam nhi
Chai đầy chai nữa thôi đừng cản
Chén cạn chén thêm dẹp thị phi
Uống đến khi nào quên hết thảy
Té bờ té bụi cũng vì mi.

Quên Đi
***
Tiến Tửu Tiêu Sầu


Chùn chân mỏi gối uống vài ly,
Cấm rượu con em tuổi thiếu nhi.
Chớ nhậu lai rai còn quá trẻ,
Lỡ say đổ bể chẳng nên lì.
Người đâu góc biển chân trời lạ,
Kẻ lại biệt tăm quất ngựa phi.
Tệ bạc như vôi tình lận đận,
Buồn ơi vĩnh biệt hãy chào mi!

Mai Xuân Thanh
Ngày 13 tháng 11 năm 2015
***
Uống Rượu Vì Ai???

Không là...bợm nhậu cũng cầm ly !
Gặp lại tri âm cố ráng lỳ
Mấy thuở chung bàn cùng bạn quý
Đôi khi bận bịu cảnh thê nhi
Trông mong dịp gặp người tri kỷ
Chẳng muồn cầu mơ kẻ thị phi
"Có quắc cần câu" men lúy tuý
Say tình say nghĩa bởi vì m !

Song Quang
11/15/15
***
Giải Sầu

Sầu nghiêng bình cạn rót tràn ly
Men rượu say hồng má nữ nhi
Giấc mộng tàn phai thôi vướng víu
Trái tim tan nát đã chai lì
Tình yêu chén mật bao cay đắng
Nhân thế miệng đời chuốt thị phi
Những tưởng sầu vơi sầu chất ngất
Bao giờ mắt lệ hết hoen mi

Kim Phượng

Xuân Chờ….




Bài Xướng:Xuân Chờ….

Xuân về đầu ngõ có ai hay
Má phấn môi hồng hoa thắm bay…
Biết chăng một đóa riêng góc nhỏ
Đợi cánh si tình bươm bướm lay?!

Kim Oanh
Xuân Melbourne 2015
***
Các Bài Họa:
Chờ Xuân...


Ta mộng xuân về em có hay
Hương nồng lan toả nhẹ nhàng bay
Cánh bướm mộng mơ chờ nắng mới
Hoa vẫn vô tình trong gió lay

Quên Đi
***
Ta Và Em


Ta hóa mùa xuân, em có hay
Gió đưa làn tóc nhẹ bay bay
Nắng tô đôi má hồng phơn phớt
Cho mắt ai ngời, mi khẽ lay...

Phương Hà
***
Yêu Xuân

Yêu xuân tha thiết ngỡ em hay,
Lá biếc hoa thơm phấn tỏa bay.
Suối tóc đen huyền cài một đóa,
Sợi buồn trong nắng gió vờn lay...

Mai Xuân Thanh
Ngày 21 tháng 10 năm 2015
***
Xuân Về Trên Đại Dương Châu


Xuân về Châu Úc có ai hay?
Nữ tú nam thanh áo lụa bay!
Mặc Mỹ vào đông than rét mướt,
Đại Dương Châu Lục gió xuân lay!

Đỗ Chiêu Đức
***
Ngày Xuân Bất Chợt


Bên ấy xuân về lại quá hay!
Cho tia nắng ấm toả … bay bay
Cho em không rét ngày đông đến
Mộng ước xanh ngời ánh mắt lay!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Xuân Lòng

Người đến bên người sao chẳng hay
Thả hồn chìm đắm thả hồn bay
Xuân lòng rộn rã người con gái
Lữ khách đa tình tim lắt lay

Kim Phượng
***

Thu chết lâu rồi ta mới hay
Cành trơ chiếc lá cuối cùng bay
Xạc xào chim sáo còn say ngủ
Se lạnh trong lòng cơn gió lay.

Cao Linh Tử
***
Cánh Bướm Xuân Tình


Xứ Úc Xuân về anh chả hay!!
Nên đâu có biết để hồn bay (đi chơi)
Tặng em một đóa hồng tươi thắm
Cánh bướm Xuân tình cứ lắt lay

Song Quang
***
Hương Xuân


Thấp thoáng xuân về người có hay
Hoa chờ khoe sắc, bướm chờ bay
Hương bình minh đọng vương cành lá
Cánh gió ru tình êm ả lay!

Yên Dạ Thảo
24/10/2015
***
Chờ Xuân

Ơ hỡi nàng Xuân em có hay
Mây khoe sắc thắm én tung bay
Riêng ta một góc trời nho nhỏ
Lặng lẽ chờ Xuân theo gió lay

Biện Công Danh

Mùa Xuân Trở Lại



Bài Xướng: Mùa Xuân Trở Lại

Ta muốn nhuộm xanh chiếc lá vàng
Cho mùa trở lại tiết xuân sang
Chồi non mơn mởn trong sương sớm
Hạt phấn bay bay giữa gió ngàn
Ríu rít tiếng chim như điệu hát
Bổng trầm lời gió tựa cung đàn
Tâm hồn tươi trẻ, lòng xao xuyến
Bắt gặp từ em... tia liếc ngang

Phương Hà
( Mùa thu 2015 )
***
Bài Họa: Mơ Xuân Dịu Dàng

Thu - Đông cúc trổ cánh bông vàng,
Mơ ước trời Xuân thấp thoáng sang.
Lá biếc hồng dơm hoa búp nụ,
Cành xanh đào mận gió mây ngàn.
Chim muông oanh én vờn quanh hót,
Gà vịt trâu bò tiếng gọi đàn.
Mục tử sáo diều nghe sảng khoái,
Liếc nhìn thục nữ chuyến đò ngang.

Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 11 năm 2015
***
Mùa Xuân Không Trở Lại

Còn đâu màu nắng tóc hong vàng
Mỗi sáng rộn lòng ta liếc sang
Bỡ ngỡ chiều kia nơi Phật tự
Nao nao dáng cũ bóng mây ngàn
Từ khi phượng thắm thôi hoa rụng
Cũng lúc cung thương bặt tiếng đàn
Xuân lỡ nâu sòng thay áo cưới
Hững hờ đuôi mắt niệm xen ngang

Cao Linh Tử
8.11.2015
***
Bởi Thu

Hôm qua cúc nở sắc phơi vàng
Ngơ ngác thì ra thu đã sang
Cảnh mới văn nhân thêm ý lạ
Chủ đề thi phú với cây ngàn
Rồi đây có kẻ thêm mơ mộng
Thả lỏng hồn theo mấy phím đàn
Cô gái tôi yêu giờ chẳng biết
Mừng vui hay tiếc lỡ sang ngang.

Quên Đi
***
Mùa Thu Boston - Montreal


Rừng phong hiu hắt lá thu vàng ,
Ai khoác đủ màu áo đẹp sang .
Ven núi chập chùng đèo dốc thẳm ,
Trong mây rã rượi cánh chim ngàn .
Từng không lơ lững như sương khói ,
Tiếng suối trong veo ngỡ tiếng đàn .
Chiều xuống tuyết rơi đường trắng xoá ,
Trước đèn nai đứng bỗng băng ngang .

Mailoc
Cali 11- 7 - 15
***
Tiếc Xuân


Tìm đâu trở lại ánh xuân vàng
Ngắm bóng hoàng hôn lặng lẽ sang
Dõi cánh chim chiều bay khuất dáng
Nhìn vầng mây bạc tản xa ngàn
Khúc tiêu ai oán sầu ly khách
Điệu nhạc mênh mang xoáy tiếng đàn
Nhớ mảnh tình côi phiêu vất vưởng
Thương đời lẻ phận chuyến đò ngang!

Nguyễn Đắc Thắng
2015.11.09
***
Mơ Xuân


Dạo phố khoe xuân áo lụa vàng
Nhìn em tha thướt dáng kiêu sang
Đưa tay anh vẫy-xiêu chân hạc
Liếc mắt bậu nghinh-đổ lá ngàn
Năm tháng khuất sâu người lạc lối
Hằng đêm thao thức kẻ xa đàn
Mơ xuân ngày ấy đâu như mộng…
Thu sắc nhuộm thêm cảnh trái ngang

Thái Huy
11-09-15
***
Mơ Xuân Xưa

Không thể nhuộm xanh lá đã vàng,
Vào đông sao lại muốn xuân sang ?!
Tiêu điều cây cỏ cành trơ trụi,
Vắng vẻ chim muông tuyết ngút ngàn.
Cám cảnh đông nay sầu cách biệt,
Nhớ xuân năm ấy khóc lìa đàn .
Còn đâu cảnh sắc xuân xưa cũ ?
Con mắt đuôi dài, ai... liếc ngang !!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Mơ Một Trời Xuân


Hơi Thu lạnh lẽo lá phong vàng
Mơ ước ngày Xuân sớm bước sang
Để thấy trời xanh chim én liệng
Rồi nhìn mây trắng giữ non ngàn
Mai Đào khoe sắc bên rừng vắng
Nước suối reo vui tợ tiếng đàn
Thôi ráng chờ Xuân vài tháng nữa
Hết Thu rồi lại đến Đông tàn

Song Quang
***
Cánh Hoa Vàng


Dòng xưa bến cũ cánh hoa vàng
Tiếc nuối một đời lỡ bước sang
Phận mỏng dập vùi theo sóng nước
Duyên hờ chôn chặt gửi mây ngàn
Quê nhà đất khách không chung lối
Én bắc nhạn nam chẳng họp đàn
Một chút tình riêng trời cố xứ
Má hồng tủi phận chuyến đò ngang

Kim Phượng
***
Xuân Tha Hương


Nhác thấy cây xanh trổ lá vàng
Thế là Thu đến đón Xuân sang
Quên sao đất nước còn xa tít
Chợt nhớ quê hương mãi ngút ngàn
Lửa hận vui gì còn hát xướng
Lòng buồn oán hận cả cung đàn
Mùa Xuân đến với em yêu dấu
Thoáng thấy thương rồi sao bỏ ngang

Lý Tòng Tôn
Lancaster mùa đông 2015
***
Bài Cảm Tác: Cung Thương Nhịp Lệch Xuân Tàn

Chiều phai gom nắng hoen vàng
Nghe buồn lặng lẽ mùa sang cuối trời
Con thuyền lạc bến chơi vơi
Hồn chênh vênh giữa trùng khơi bạc ngàn
Hải âu cất tiếng gọi vang
Sóng hờn âm oán khảy đàn thở than
Cung thương nhịp lệch xuân tàn
Thuyền neo bến lạ rẽ ngang dòng đời

Kim Oanh

Ca Dao Mãi Là Ca Dao


Ca Dao, những câu thơ chan chứa tình người, được lưu truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, là kho tàng quý báu trong văn hoá dân tộc. Nếu có được những câu thơ; được mọi người chấp nhận; trở thành ca dao, thì đó là một vinh dự to lớn của nhà thơ. Chính vì thế, có nhiều tác giả mượn ca dao đưa vào thơ. Một thời gian, sau khi tác giả qua đời, những người thân quen tung tin là câu ca dao đó là của tác giả nầy, câu ca dao kia là của tác giả nọ, ...thế là mọi chuyện dường như loạn cả lên, làm dậy sóng một thời. Với những ai đồng tình, chuyện coi như xong. Riêng những người nghi ngờ thì thấy có gì canh cánh bên lòng.
Điển hình là trường hợp nhà thơ đồng quê nổi tiếng Bàng Bá Lân với câu ca dao:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Một số người cho rằng đây là câu thơ của Bàng Bá Lân trong bài thơ Trăng Quê. Hai câu của Bàng Bá Lân có khác chút ít :
...Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi...
Khởi đầu là bài viết của Hoàng Chí Giang (người cùng quê với Bàng Bá Lân), đăng trên báo Tiền Phong ngày 07/10/2007.
Xin được Trích ý bài viết vào tháng 6/ 2007.
Ông Chí Giang trong lần đến nhà Bàng Bá Lân, được chính tác giả cho biết hai câu thơ trên là của Ông, là câu thứ 6&7 trong bài thơ Lục Bát 12 câu có tựa là "Trăng Quê":
Bàng Bá Lân giải thích rằng:" Người ta không thể múc ánh trăng vàng" mà là " Múc trăng vàng dưới nước". Khi cái gàu của cô gái dìm xuống nước thì Mặt trăng tan vỡ trong nước, hoà với nước, và khi cô gái lấy gàu lên thì múc luôn cả vầng Trăng, tương tự như bài Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ có câu:
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Ở đây con hổ không hề ngửa mặt lên trời uống ánh trăng mà uống ánh trăng tan trong nước.
Tóm lại nếu đây là hai câu thơ của Bàng Bá Lân thì chúng ta phải sửa lại cho đúng là :
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi.
---
Thời gian gần đây, giáo sư Hoàng Viêm cũng lên tiếng xác nhận hai câu ca dao trên thuộc 6 câu đầu trong bài thơ "Tiếng Hát Trong Trăng" của Bàng Bá Lân.
Trời cao mây bạc trăng tròn
Dế than hiu quạnh tre tàn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng 
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
.........................................
Giáo sư Hoàng Viêm chứng minh cho ý kiến của mình qua tâm sự của nhà thơ Bàng Bà Lân, và bài viết “Bút pháp và cá tính của nhà văn” đăng trên giai phẩm “Giữ thơm quê mẹ” số Xuân Bính Ngọ (Lá Bối xuất bản) của Nguyễn Hiến Lê :
“........Cũng dùng kỹ thuật tạo hình ảnh cả mà bút pháp của Hàn Mặc Tử làm cho ta rờn rợn, hồi hộp :
Trăng nằm sóng xoải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. 
của Bàng Bá Lân thì cho ta một cảm giác mát mẻ, vui vui :
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ?
của Quách Tấn thì có cái giọng trang nhã, cổ điển :
Bồn chồn thương kẻ nương sông bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
(Để rõ hơn, mời Quý Vị vào hai link bên dưới, một của giáo sư Hoàng Viêm và một kia là của Hoàng Chí Giang,
Tuy hai vị trên đã khẳng định câu ca dao là của nhà thơ Bàng Bá Lân, nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn chưa có lời giải:
1- Tựa bài thơ không thống nhất.
Theo giáo sư Hoàng Viêm, Bàng Bá Lân nói với ông tựa là "Tiếng Hát Trong Trăng". Còn Hoàng Chí Giang lại là " Trăng Quê"
2- Vị trí hai câu ca dao trong bài thơ cũng sai biệt
Theo như bài viết của Hoàng Chí Giang, bài "Trăng Quê" có 12 câu như sau:
.........thiếu 2 câu đầu...................
Trời cao mây bạc trăng tròn

Dế than hiu quạnh tre tàn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tác nước bên đàng 
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
.............thiếu 4 câu cuối...................
Theo giáo sư Hoàng Viêm, 6 câu trên là 6 câu đầu của "Tiếng Hát Trong Trăng"
3- Không có bài thơ đầy đủ
Giáo sư Hoàng Viêm và Hoàng chí Giang đều xác nhận bài thơ nhiều hơn 6 câu. Chúng ta cũng biết nhà thơ Bàng Bá Lân chỉ mới mất năm 1988, thơ ca là tài sản quý báu của một nhà thơ, như thế tại sao không thể tìm được bài thơ Trăng Quê (Tiếng Hát Trong Trăng) đầy đủ, một bài thơ đang gây nhiều nghi vấn, có thể chăng là không hề có bài thơ này?
Có nhiều trang đăng bài "Tiếng Hát Trong Trăng" chỉ 6 câu, đây là một điều lạ, vì thơ lục bát Bàng Bá Lân hầu như không có bài nào 6 câu, thường chỉ có 4 câu, 12 câu...
4- Có nhiều câu ca dao cùng nội dung
Trong Ca Dao, có ít nhất là cặp tương tự chỉ khác ít chữ:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Hỡi cô tát nước bên đàng
Cớ sao hớt ánh trăng vàng đổ đi
Cô kia tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
5- Trong thơ của Bàng Bá Lân cũng sử dụng nhiều câu trong ca dao.
Không chỉ bài thơ Trăng Quê (Tiếng Hát Trong Trăng) có hai câu ca dao, trong một số bài thơ khác, Bàng Bá Lân cũng sử dụng trọn vẹn câu ca dao hoặc sửa đổi đi vài chữ:
- Bài Thơ "Cô Gái Đồng Nai" :
Cô em má đỏ môi hồng
Buôn xuôi bán ngược có chồng hay chưa...
Xe đò ai đón ai đưa
Mà em đi sớm về trưa một mình
Ca dao:
Cô kia má đỏ hồng hồng
Dừng tay tôi hỏi có chồng hay chưa.

Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình

Cô em má đỏ hồng hồng
Sao không lấy chồng còn đợi chờ ai.
- Như bài: "Dịu Dàng":
Bao giờ cho đến tháng năm
Cho tằm ăn rỗi cho tằm nhả tơ...
Ca Dao:
Bao giờ cho đến tháng năm
Thổi nồi cơm nếp vừa nằm vừa ăn.

Trong thơ ca, nhất là những nhà thơ được gọi là nhà thơ đồng quê như Bàng Bá Lân, một nhà thơ nổi tiếng với dòng thơ dân dã, rất gần gũi với ca dao, từ đó không thể tránh khỏi sự vay mượn; sửa đổi đôi chút từ thể loại nầy.
Qua những gì trình bày ở trên, chúng ta không thể khẳng định hai câu ca dao là của nhà thơ Bàng Bá Lân.
Cho dù thực sự là của Ông đi nữa, khi đã trở thành ca dao rồi, ông cũng không thể bắt mọi người phải sửa lại theo đúng ý ông (theo bài viết của giáo sư Hoàng Viêm). Mà ông phải thuận theo qui luật tự nhiên của Ca dao là có thể tam sao thất bổn, thay đổi tuỳ theo tâm tư, tình cảm của người dân từng địa phương.

Huỳnh Hữu Đức
----------------
Tiểu Sử nhà thơ Bàng Bá Lân (Wikiperia.org)

Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1912 ở phố Tân Minh, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, chính quán của ông lại là làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Năm 1916 - 1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang.
Năm 1920 - 1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu.
Năm 1929 - 1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Vì thi tú tài mấy lần không đỗ, năm 1934 ông về Kép vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh và xuất bản tập thơ đầu tiên Tiếng thông reo.
Trước Cách mạng tháng Tám ông đã có những tác phẩm: Tiếng thông reo (1934), Xưa (hợp tác với nữ sĩ Anh Thơ, 1941), Tiếng sáo diều (1939 - 1945).
Vào Sài Gòn, ông dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san và xuất bản thêm: Để hiểu thơ (1956, Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957).
Năm 1969, xuất bản các tập truyện: Người vợ câm, Vực xoáy, Gàn bát sách (phiếm luận) và tập thơ Vào thu. Ông cũng cho in hai quyển sách Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại cùng một số sách Giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp. Ông còn đứng làm chủ bút tập san Bông Lúa vào thập niên 1950Sài Gòn.
Từ 1977 đến 1984, Bàng Bá Lân viết thêm Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại quyển 3, hồi ký Trọn đời cho thơ (bản thảo đã thất lạc). Ngoài ra, ông còn viết truyện ký danh nhân Anh em Lumière, ông tổ nhiếp ảnh, viết sách bình khảo, dịch truyện, dịch thơ v.v.
Trong lãnh vực nhiếp ảnh, Bàng Bá Lân cũng tỏ ra là một người có tài năng. Ông từng đoạt những giải thưởng, như: Giải Agfa-Việt báo (Hà Nội, 1937), giải nhì cuộc thi ảnh tạo phủThống sứ Bắc Kỳ (1938), huy chương của La Revue Francaise de Photographie et de Cinématographie (tạp chí nhiếp ảnh và điện ảnh Pháp) ở Paris (1939), giải thưởng Ferrania (1953); giải thưởng Triển lãm Tuần lễ Văn nghệ Sài Gòn (1955)...
Các tác phẩm nhiếp ảnh của ông từng được triển lãm ở Hội quán Hội Trí Tri, (Hà Nội, 1939), Bologna (Ý, 1952), Antwerpen (Bỉ,1953), Paris (Pháp, 1953), Singapore (1953), Cuba (1954), Rochester (Mỹ, 1956)...
Ngày 20 tháng 10 năm 1988, Bàng Bá Lân qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 76 tuổi.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Vườn Thơ Thơ Thẩn



1.
Thơ thẩn nên mình lai láng Thơ
Làm Thơ, thơ thẩn thật không ngờ
Miệt mài sớm tối nên thơ thẩn
Thơ thẩn vì Thơ, thế mới Thơ.
2.
Cùng khách tài hoa kết bạn Thơ
Tình Thơ đẹp quá ta đâu ngờ
Bốn phương họp mặt "Vườn Thơ Thẩn"
Xướng họa chung niềm vui thẩn thơ.

Quang Tuấn
Los Gatos 29/8/15
***
Hương Thơ Thẩn

Quang Tuấn khơi mào với vận "Thơ"
Hương đưa ngan ngát quả không ngờ
Hoa thơ khai bút khai từng cánh
Thơ Thẩn Vườn Thơ xứng với Thơ 

Quên Đi

Ngơ Ngẩn Vần "Ơ"


Ngơ Ngẩn Vườn Thơ kết vận "Ơ"
Duyên "Ơ" ngơ ngẩn mấy ai ngờ
Say thơ luyến nhớ tình ngơ ngẩn
Mơ đến chập chờn ngơ ngẩn "Ơ"

Quên Đi
***
Rong Chơi Vườn Thơ Thẩn 
Tặng Vườn Thơ Thẩn

Thơ thẩn cùng nhau xướng hoạ Thơ
Tình Thơ, thơ thẩn chẳng sao ngờ
Sánh vai dạo bước Vườn Thơ Thẩn
Thơ thẩn làm Thơ với bạn Thơ.

Phương Hà
***
Thơ Thẩn Thật Nên Thơ


Bạn thơ ... thơ thẩn xướng vần thơ,
Thơ thẩn họa thơ ... thật chẳng ngờ .
Tất cả bạn thơ đều ... thơ thẩn,
Làm thơ ... thơ thẩn ... thật nên thơ!

Đỗ Chiêu Đức
***
Vườn Thơ Thẩn


Tập tểnh làm thơ nên thẩn thơ
Vào Vườn Thơ Thẩn thật không ngờ
Tiếng là thơ thẩn thơ không thẩn
Trí tuệ căng đầy chút thẩn thơ!

Nguyễn Đắc Thắng
20150828
***
Tháp Tùng Vườn Thơ Thẩn


Dạo vuờn thơ thẩn...lắm nhiều thơ!
Thơ thẩn ra thơ....thật bất ngờ
Con chữ miệt mài...nên lẩn thẩn
Ai ngờ ! thơ thẩn ..lại ra thơ? hi hi!!

Song Quang
***
Ôi Vườn Thơ Thẩn Ôi!

Ôi Vườn Thơ Thẩn lắm hoa thơ!
Đăng hoài hổng hết thiệt chẳng ngờ
Làm người biên tập hồn thờ thẩn
Đờ đẩn suốt ngày … cũng ra thơ…hi..hi…

Kim Oanh
***
Tơ Lòng


Tơ lòng đan mãi những vần thơ
Mặc khách tao nhân há chẳng ngờ
Kẻ trước người sau chung mỹ ý
Chung vui xướng họa trao tình thơ

Kim Phượng

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Hoa Cũng Là Em - Hoa Quỳnh



Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Cánh Hoa Vàng - Thắm



Bài Xướng: Cánh Hoa Vàng

Dòng xưa bến cũ cánh hoa vàng
Tiếc nuối một đời lỡ bước sang
Phận mỏng dập vùi theo sóng nước
Duyên hờ chôn chặt gửi mây ngàn
Quê nhà đất khách không chung lối
Én bắc nhạn nam chẳng họp đàn
Một chút tình riêng trời cố xứ
Má hồng tủi phận chuyến đò ngang

Kim Phượng
( Họa từ Mùa Xuân Trở Lại của Phương Hà)
***
Bài Họa: Thắm

Cánh mỏng hoa xưa vẫn sắc vàng
Muôn đời thắm mãi dẫu mùa sang
Thuyền mơ chậm chậm theo dòng nước
Bến ước mông mông cách dặm ngàn
Quạnh quẽ nơi xa đành lạc lối 
Tương tư chốn cũ vẫn ôm đàn
Bùi ngùi gửi đến người xa xứ
Họa một đôi dòng... nỗi trái ngang

dovaden2010

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Cánh Hoa Vàng




Dòng xưa bến cũ cánh hoa vàng
Tiếc nuối một đời lỡ bước sang
Phận mỏng dập vùi theo sóng nước
Duyên hờ chôn chặt gửi mây ngàn
Quê nhà đất khách không chung lối
Én bắc nhạn nam chẳng họp đàn
Một chút tình riêng trời cố xứ
Má hồng tủi phận chuyến đò ngang

Kim Phượng
(Họa từ bài xướng Mùa Xuân Trở Lại của Phương Hà)

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Vĩnh Long Một Trời Thương Nhớ


Thơ: Lê Kim Thành-Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long(Niên Khoá1964)
Phổ Nhạc: Nguyễn Bá Nguyên- Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long
Tiếng Hát:Hoài Thanh
Thực Hiện: Kim Oanh


Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Phù Du



Mờ mờ chiếc bóng lẫn trong sương
Mộng thực phù du ấy lẽ thường
Ai đã yên nằm nơi huyệt lạnh
Hồn còn vương víu mối tơ vương
Trăm năm một kiếp chưa tròn kiếp
Hương lửa ba sinh đã trọn đường
Kẻ ở người đi âu mệnh số
Có còn hiện thực nắm tro xương

Kim Phượng



Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Hoa Cũng Là Em - Hoa Học Trò


Em trở về mây ngang tầm với
Hoa Học Trò ngậm nắng muộn rơi

Kim Phượng

Bến Mơ


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Huỳnh Hữu Đức

Đưa Người




Đưa người về tìm quên trong men say
Rủ sạch yêu thương chẳng nợ tháng ngày
Mai kia xa cách nơi phương trời ấy
Có bao giờ mi nhớ đọng giọt cay


Đêm cuối cùng tay trong tay nhau
Biết nói chi đây vơi hết nỗi sầu
Tròn ước mơ đầu tìm đâu giấc mộng
Sống cạnh bên chồng em có vui không

Trời đã sang đông cõi lòng tê tái
Vai thêm gầy tay bồng bế con thơ
Đôi mắt bơ vơ giữa dòng xuôi ngược
Em tôi ơi còn được mất những gì!?

Tuổi xuân thì dường như em đánh mất!

Kim Phượng

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Haiku 39 - Vơi


buổi sáng
mây che ánh nắng
nỗi buồn

dovaden2010
***
Vơi


Nỗi buồn
Đìu hiu gió cuốn
Tình vơi

Kim Phượng


Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Mối Hờ - Đành Vậy - Hương Xưa Tình Thơ


Mối Hờ

Không duyên chẳng nợ vì đâu
Vô tình hay đã thắt sâu mối hờ
Mắt xanh chi lắm đục lờ
Tình trong chẳng thấy dật dờ mù sương

Tim ngoan trăn trở còn vương
Hoa đời thôi đã nhạt hương sắc màu
Bóng ai dần khuất Cầu Lầu
Trời ơi kẻ ở nhặt sầu đánh rơi

Giấc mơ vàng đá chưa vơi
Phòng không lạnh ngắt rõ nơi điêu tàn
Thời gian lặng lẽ nhịp nhàng
Hồn đây lá chết trút vàng hiên thu


Cô đơn trở giấc thâm u
Não nùng ai oán điệu ru chẳng rời
Niềm đau chôn giấu một đời
Chiêm bao thảng thốt vang trời tiếng la

Xa nhau mình đã mấy xa
Mong tin cánh én lượn qua chốn này
Tương tư chất ngất tình đầy
Trời cao ông hỡi chỉ đày thân tôi

Bao giờ sao sớm đổi ngôi
Nụ hôn kỳ tích trên môi lạ lùng
Cho xin một chút ngại ngùng
Nói lên thầm kín trĩu chùng con tim


Kim Phượng
 (20/10/2015)
***
Đành Vậy
( Từ Mối Hờ của Kim Phượng)

Hai ta xa cách vì đâu
Như bèo sóng dạt sông sâu hững hờ
Mây trôi về núi lững lờ
Có con nhạn lẻ thẫn thờ đêm sương.

Người đi trăm mối tơ vương
Mang theo hơi thở mùi hương đậm màu
Đèn khuya in bóng vách lầu
Thấm vào ký ức ngất sầu chiều rơi.

Bình ton bầu rượu chưa vơi
Mà chân gối mỏi về nơi điêu tàn
Xa nhau tim vẫn nhịp nhàng
Mà sao ngoại cảnh úa vàng mùa thu.

Ngậm ngùi trời chuyển âm u
Đàn ai lỗi nhịp lời ru rã rời
Long đong phận gái một đời
Như con chim nhỏ giữa trời bao la.

Em ơi dù ngàn dăm xa
Anh không quên được lời ca phương nầy
Tình ta càng lắc càng đầy
Chắc trời không phụ đọa đày tình tôi.

Sao mai hừng sáng đổi ngôi
Anh ngồi chợt nhớ làn môi lạ lùng
Chấp tay xin lỗi ngại ngùng
Bỗng nhiên rỉ máu chập chùng buồng tim.

Dương hồng Thủy
 (06/11/2015)
***
Hương Xưa Tình Thơ

Tình Thơ người viết tuyệt hay
Hương xưa nồng mặn ngất ngây cõi lòng
Rằng đời càng lắm long đong
Tình càng sâu đậm càng nồng nàn lâu!

Anh Tú


Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Vĩnh Long Gió Mùa Thao Thức





Chiều xuống tan dần trong nắng muộn
Mái chèo khua gợn sóng hồn xưa
Lỡ nguyện ước phương xa trời nhớ
Thèm trở về lặng ngắm hoàng hôn

Đêm nay lần giở khung trời cũ
Những vết thương sâu chữa ngủ vùi
Từng thước phim buồn vui khóc hận
Oằn vai trở gánh phận long đong

Vĩnh Long đêm gió mùa thao thức


Kim Phượng



Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Đối Tửu Kỳ 2 - Lý Bạch



Thi Tiên Lý Bạch , một đời say tỉnh , một đêm rượu say, nằm ôm trăng đáy sông ngủ , thoát tục , hồn bay về trời , theo chuyện kể , đã để lại cho đời một câu hỏi , hỏi người tỉnh , mà cho mãi đến bây giờ, vẫn chưa có câu trả lời nào . Hay là đã có câu trả lời , mà người say có thể, đã không nghe được (hay là đã không muốn nghe)? PKT 10/31/2015

Đối Tửu
Lý Bạch (701 - 762)

Khuyến quân mạc cự bôi
Xuân phong tiếu nhân lai
Đào lý như cựu thức
Khuynh hoa hướng ngã khai
Lưu oanh đề bích thụ
Minh nguyệt khuy kim lôi
Tạc lai chu nhan tử
Kim nhật bạch phát thôi
Cức sinh Thạch Hổ điện
Lộc tẩu Cô Tô đài
Tự cổ đế vương trạch
Thành khuyết bố hoàng ai
Quân nhược bất ẩm tửu
Tích nhân an tại tai

Dịch Xuôi : Đối Tửu
PKT 10/31/2015

Rượu mời khuyên anh đừng từ chối
Gió xuân đang hớn hở tươi cười đón người lại đấy
Đào mận như tình quen biết trước
Hoa nở đầy cành nghiêng vẫy chào ta
Con oanh chuyền hót ríu rít trong bụi cây xanh biếc
Chén rượu vàng óng ánh dưới trăng sáng lung linh
Ngày qua môi đỏ má hồng mới đó
Mà nay râu tóc đã bắt đầu bạc trắng cả rồi
Cỏ gai dại đã mọc đầy trong điện Thạch Hổ
Đài Cô Tô bây giờ chỉ còn là nơi cho hươu nai chạy qua
Vùng đất ở xưa của các vua chúa
Thành quách đều đã bị phủ lấp dưới một lớp bụi vàng
Như vậy , nhược bằng anh không uống rượu
Thì xin tự hỏi mình bây giờ người xưa đang ở đâu

Tích Nhân An Tại Tai
PKT 10/31/2015

Cạn chén chớ từ chối
Gió xuân về để say
Mận đào quen biết cũ
Nở hoa vẫy chào ai
Oanh chuyền cành biếc hót
Rượu đọng trăng vàng lay
Mới đó má còn đỏ
Mà nay tóc bạc đầy
Gai lan Thạch Hổ điện
Hươu chạy Cô Tô đài
Vùng đất nơi cung khuyết
Bụi vàng lấp đã lâu
Hỏi người không uống rượu
Người xưa giờ ở đâu?

Phụ Chú :
1 - Trong câu "Tích nhân an tại tai" ,tích nhân là người xưa , an tại là ở đâu ,còn chữ tai ở đây được hiểu là dùng thay cho dấu hỏi (?) . Cả câu có nghĩa là "ngưòi xưa giờ ở đâu?".
2 - Thạch Hổ điện là cung điện của vua Thạch Hổ , nhà Hậu Triệu , khoảng năm 310.
3 - Cô Tô đài là cung điện của vua Ngô Phù sai , nhà Ngô , thời Xuân Thu, khoảng 722 - 481 (Trước Công Nguyên) ,xây cất ở trên núi Cô Tô cho người đẹp Tây Thi , gái nước Việt ở .

Lời Thêm :

Dường như câu hỏi "tích nhân an tại" ,người xưa giờ ở đâu , không có ai trả lời. Nghe đâu , trong không gian , lẫn trong một cơn gió thoảng bay về , lời còn lời mất, bài Đoản Ca Hành của Tào Tháo ,đời Tam Quốc bên Tàu , non 2000 năm trước. Đối tửu đương ca / Nhân sinh kỷ hà / Thí như triêu lộ / Khứ nhật khổ đa / Khái đương dĩ khảng / Ưu tư nan vong / Hà dĩ giải ưu / Duy hữu Đỗ Khang ...Trước rượu nghêu ngao / Đời người bao lâu / Như giọt sương mai / Ngày qua khổ nhiều / Nghĩ tới mà chi / Buồn lo sao được / Cách nào giải sầu / Chỉ rượu mà thôi ... Ừ nhỉ, chỉ rượu mà thôi , được sao? PKT 10/31/2015

Tri Khac Pham
***
Cố Nhân Giờ Nơi Đây??
(Phỏng dịch theo nghĩa của Thầy PKT)
qua bài thơ "Đối Tửu" của Lý Bạch

Mời người chén rượu chớ từ
Gió Xuân hớn hở như mời cùng say
Tình quen Đào Mận xưa nay
Cành hoa nghiêng nụ vẫy tay đón chào
Oanh chuyền cành biếc xôn xao
Rượu in đáy chén trăng vàng lung linh
Ngày xưa má đỏ môi hồng
Mà nay râu tóc nhác trông bạc rồi
Thạch Hổ cỏ mọc đầy thôi
Cô Tô giờ chỉ hươu nai giỡn đùa
Nơi nầy ngày trước Cung Vua
Thời gian khỏa lấp bụi vùi phủ giăng
Hỏi người không uống được chăng ??
Thì xin tự nhủ : Cố nhân đâu chừ?

Song Quang
***
Bản Hán Tự Dịch Thơ

對酒其二 Trước Rượu kỳ 2

勸君莫拒杯, Chung rượu người đừng chê
春風笑人來。 Gió xuân đón bạn về
桃李如舊識, Mận đào như chợt nhớ
傾花向我開。 Hướng về tôi hoa nở
流鶯啼碧樹, Chim vui hót cành xanh
明月窺金罍。 Chén vàng giữa trăng thanh
昨來朱顏子, Hôm trước còn hồng thắm
今日白發催。 Mà nay đã hoa râm
棘生石虎殿, Điện Thạch đầy gai dại
鹿走姑蘇臺。 Hươu dạo Cô Tô đài
自古帝王宅, Nơi một thời vua ở
城闕閉黃埃。 Giờ chỉ bụi vàng trơ
君若不飲酒, Uống đi đừng nghĩ nữa
昔人安在哉。 Còn đâu bóng người xưa.

             李白                            Quên Đi
***

Đối Tửu

Chén rượu nầy xin anh chớ khước,
Gió xuân chào khách bước tới đây.
Mận đào thân thiết xưa nay,
Hoa đơm cành lá lay lay nhìn mình.

Oanh líu lo rung rinh cành biếc,
Trong chén vàng một chiếc thuyền trăng.
Ngày nao má đỏ dung nhan,
Giờ đây tóc bạc võ vàng thời gian.

Điện Thạch Hổ gai giăng đầy đất,
Đài Cô Tô rầm rập bước nai.
Vua đâu cung điện u hoài,
Ngậm ngùi dưới lớp bụi dày thành hoang.

Ví anh không uống ngỡ ngàng,
Cổ nhân người hỡi ẩn tàn nơi nao?

Mailoc phỏng dịch
Cali 10-31-15
***
Dịch Thơ:
Đối Tửu
Rượu mời sao nở chối nhường
Mừng người ngọn gió xuân dường lả lơi
Mận đào thể đã quen hơi
Trên cành hoa nở thay lời đón ta
Nhành cây ríu rít chim ca
Óng vàng chén rượu trăng ngà lung linh
Hôm nao môi má hữu tình
Thời gian điểm trắng tóc mình rồi đây
Cỏ gai Thạch Hổ mọc đầy
Đài Cô tô đã nai bầy nhởn nhơ
Đất vùng chúa ngự tôn thờ
Xót xa thành quách bụi mờ lấp cao
Nhược bằng không cạn rượu đào
Người xưa đâu hỡi đớn đau hỏi lòng

Kim Phượng
***
Cảnh Cũ Còn Đây, Người Xưa Đâu Tá?


Rượu mời ai nỡ chối từ,
Khuyên anh nhấp chén tình như mỉm cười.
Gió xuân đào mận xanh tươi,
Chùm hoa nghiêng nhánh lả lơi ân cần.
Trên cành oanh hót thanh tân,
Rượu thơm óng ánh trăng gần cũng ngon.
Xưa em má đỏ môi son,
Giờ sao tóc bạc mỏi mòn anh đây.
Kìa xem Thạch Hổ điện này,
Cỏ gai bao phủ mới hay đổi đời.
Cô Tô thành cũ hỡi ơi!
Hưu nai ngơ ngác dạo chơi lạ thường.
Đất này tranh bá đồ vương,
Mà sao thành quách tang thương bụi mờ.
Anh ơi, rượu đợi em chờ,
Người xưa đâu tá, bây giờ hồn ma !

Mai Xuân Thanh phỏng dịch
Ngày 05 tháng 11 năm 2015

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Điệp Khúc Buồn



Người đi rồi nỗi nhớ còn đây
Giọng hát sầu lây Điệp Khúc Buồn
Lệ suối tuôn vùi chôn tất cả
Nụ hôn đầu sớm vội quên đi

Buồn chi lạ tiếng mưa đêm gọi
Cô quạnh lòng hồn dậy khói sương
Hương cố nhân tàn y xếp lại
Yếu mềm lòng rạn vỡ con tim

Đi tìm trong cõi xa xăm ấy
Chiếc bóng vai gầy ta với ta

Kim Phượng
Cảm xúc từ nhạc phẩm Điệp Khúc Buồn của Nhạc Sĩ Trúc Hồ qua tiếng hát Ý Lan



Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Đêm




Đêm...
Nghe tiếng muôn trùng
Khiến lòng ray rức nghĩ mông lung... 
                Thời xuân hết
                Có còn gì để nhớ
                Một thuở yêu người tựa giấc mơ... 
Đêm
Chiếc áo đen
Che phủ kín bóng ngày
Trong tăm tối dĩ vãng dường như sống lại... 
                Những hôm
                Tay trong tay
                Ôi ngọt ngào hò hẹn
                Sóng vai nhau nhịp bước gió xôn xao
                Lá rung động hay chính lòng rung động... 
Đêm
Đã dần tàn
Giấc mộng cũng vừa tan
Tiếc chi
Dĩ vãng đã là dĩ vãng
Sáng mai đây vẫn còn vô vàng bổn phận...

                                                   Quên Đi

Hoa Cũng Là Em - Phù Dung



Người còn gió lướt mây ngàn
Phù Dung sớm nở tối tàn phận hoa

                                  Kim Phượng