Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Cho Người Vừa Nằm Xuống



Sáng nay trên cành con chim thôi cất tiếng hót mà đưa một điệu ru…ru Người vừa nằm xuống.
Sáng nay trên cành một chiếc lá vừa lìa xa, rơi…rơi cùng Người vào cõi thiên thu.
Sáng nay tôi ngồi lặng thinh, cảm nhận hơi ấm lăn dài trên đôi má, khóc… nước mắt thay lời từ biệt tiễn Người đi.

Mới hơn một năm, chỉ hơn một năm quen biết thôi, dù chưa một lần gặp mặt, nhưng là sự gặp gỡ trong tâm hồn, bởi thân tình thật thà, đầm thấm. Lúc đầu biết nhau, bằng những từ thật khách sáo “hân hạnh quen biết…”, hoặc giữ kẻ “sợ lỡ lời…” hay lời phê bình văn thơ chẳng dám nói thật lòng “…cũng được”. Thế rồi chẳng bao lâu, Người tôi quen biết không là một nhà văn Anh Vân nữa mà đã trở thành một Người bậc đàn anh.
Anh là một nhà giáo, tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Vĩnh Long. Mang dòng họ Quách, nhưng lúc nào anh cũng nói với tôi “Anh là người Việt Nam!”. Chiến tranh tràn lan, rời bảng đen phấn trắng, khoác chinh y, chàng thanh niên họ Quách đi vào cuộc chiến. Thân trai thời loạn bằng những năm dài làm bạn với núi rừng, đầm lầy. Bỗng cuộc chiến tàn vội và anh đớn đau chọn kiếp lưu vong, đến hơi thở cuối chưa một lần đặt chân trở lại quê hương.
Dưới con mắt nhân gian, anh là một Nhà Văn, một Chủ Bút Anh Vân, Quách Tố Vương, nhưng với tôi Anh là một Nhà Mô Phạm phi thường, phi thường trong nghĩa cử của Anh, một thiên chức nhà giáo mà ít ai có được. Anh đã lặn lội, kiếm tìm, rồi từ xa xôi tôi nhận được một số sách dạy Việt ngữ với nhiều trình độ khác nhau. Theo lời Anh “ Anh là mẫu người thích làm việc xã hội tức là anh yêu tha nhân vì vậy thấy em làm việc xã hội, anh quý em vô cùng. Anh không còn khả năng dạy học nữa thì em hãy thay anh đem văn chương tiếng Việt dạy cho đám trẻ, đó là điều mình nên làm cho thế hệ mai sau.”
Mấy mươi năm trước, sau những ngày quân hành vất vả, có dịp trở lại Vĩnh Long, ngồi trên chiếc xe jeep thả tầm mắt lãng tử vế cổng trường Tống Phước Hiệp mà ngẫn ngơ với những tà áo trắng…
Cổng trường Tống bâng khuâng đời dậy sóng!
Giờ đây, sau mấy mươi năm, bằng trái tim nhà giáo tiềm ẩn trong con người cựu quân nhân, Anh bước vào Trang nhà Tống, như một tay làm vườn thiện nghệ, Anh tưới nước khích lệ, cắt tỉa cành nhánh thơ văn thừa, bắt sâu chính tả đang đụt khoét hoa lá. Đã vậy, Anh còn mang vào vườn hoa nhà Tống những loài cây quý hiếm, đó là những tác phẩm văn, thơ của các cây bút vang danh tại hải ngoại cũng như ngòi bút cổ thụ nơi quê nhà trước đây. Nhìn vào trang Diễn Đàn Tống Phước Hiệp, ai cũng nhận ra một sắc thái kỳ bí…khi thấy những cây bút kỳ cựu nằm cạnh bên những nhà văn, nhà thơ “tí hon” chúng tôi. Những cây bút non nớt này như cây con từ trong vườn ươm mới được mang ra dưới ánh sáng mặt trời. Lẽ thường tình, nhà văn thơ nổi tiếng phải đặt tác phẩm mình ở những nơi tương xứng, nhưng các anh đã làm một điều khác thường đáng hâm mộ. Anh Vân và các bạn văn thơ của anh đã tỏ rõ được sự khiêm nhường đáng cho chúng tôi kính trọng và tôn vinh.

Mai này…
Làm sao một hình ảnh thầy giáo Quách Ngọc Vân không thấp thoáng, mỗi khi tôi đứng trước lớp, cầm quyển sách trên tay, trao lại cho các em học sinh Việt Nam những hạnh nguyện của Anh!?
Làm sao một mảnh hổ Quách Ngọc Vân gặm hờn trong củi sắt, trăn trở nhìn về quê hương mà không ảnh hưởng gì đến tôi bởi nỗi đau lưu vong!?
Làm sao bước vào Trang nhà, tôi tìm lại được người giữ vườn cho trường Tống Phước Hiệp, cho người Vĩnh Long, nhưng Người ấy không là dân Vĩnh Long!?
Mai này… tro xác thân Anh sẽ hòa vào đất đá, trên ngọn núi cao nào đó ở Mỹ Châu, nhưng ánh mắt viễn phương của anh sẽ mãi mãi xa xăm hướng về quê mẹ.

Anh Vân! Có những điều chỉ riêng anh biết, nhưng tôi, các bạn nơi trang nhà Tống Phước Hiệp, không thể không biết Anh, người Đàn Anh đã giữ an bình cho người Vĩnh Long, trước sau vẫn như một, từ quê nhà cũng như nơi hải ngoại.
Chúng tôi có thể mất một anh Quách Ngọc Vân, nhưng kỷ niệm anh đem đến, để lại sẽ còn và mãi mãi vẫn còn.
Nhớ về Anh …

Nước mắt rơi! Thôi đành xa rời
Nước mắt tuôn xin tạ ơn Người
Giọt ngắn dài là tiếng lòng tôi
Người xa Người …thôi cũng đành thôi!

Kim Phượng
Úc Châu 31/7/2010

Nỗi Buồn Khôn Vơi



Người đã quay về với cội nguồn
Rưng rưng lệ tiễn giọt trào tuôn
Ve sầu rỉ rả bao thương tiếc
Cánh phượng ngậm ngùi cám cảnh buông
Khúc hát chia ly lần tiễn biệt
Vòm trời lưu luyến mãi u buồn
Ngàn thu yên nghỉ cùng cây cỏ
Tháng Bảy âm thầm vẫn nhớ luôn

Kim Phượng
Tưởng niệm ngày Anh Vân ra đi, 31 tháng 7 năm 2010

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Mưa Tháng Bảy - Qua Rồi Mưa Tháng Bảy


Bài Xướng: Mưa Tháng Bảy

Tháng bảy chưa về mưa vẫn rơi
Mưa rơi là bởi tại ông trời
Chiều lòng thiếu nữ ưa tinh nghịch
Cho nước ngọt lành thắm mắt môi!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Bài Họa:


Mưa Tháng Bảy

Mùa này tháng Bảy vẫn mưa rơi
Cám cảnh phân ly nước mắt trời
Rơi xuống trần thương vay phận bạc
Lệ tràn son đã nhạt màu môi

Kim Phượng
***
Qua Rồi Mưa Tháng Bảy


Tháng bảy qua rồi mưa mãi rơi
Trách bởi vì ai chớ trách trời
Đâu phải Chức Ngưu mà xa vội
Mưa rót vào lòng sao mặn môi

Kim Oanh

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Cảm Đề Cây Thông


" Cảm Đề: Trước những cái Mơ của Thi Gia cổ"

Bài Xướng: Cảm Đề Cây Thông

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Nguyễn Công Trứ

Chán người ! Mơ sống giữa thinh không;
Dù kiếp đời, reo một giọng "thông".
Chịu trận, đưa lưng in dấu búa;
Oằn mình, cụp lá hứng mưa dông.
Ù lì xác xúc, tay thầy kiểm, (1)
Thây kệ trời trăng, chuyện núi sông.
Nếu ước, ta mong ngày tháp cánh!
Mong chi cái thế, đứng chân trồng.

Danh Hữu
(1) Thầy kiểm lâm đóng búa vào cây ghi số kiểm. Xúc = gỗ to xác.
***
Các Bài Thơ Hoạ:

Thoái Hóa!

Vinh nhục rồi thì cũng hóa không
Sao ngài lại muốn giống như thông?
Thép kia hữu dụng nhờ đe búa
Danh nọ trường tồn mặc bão dông
Vạn kiếp luân hồi nơi địa giới
Bát hồn vận chuyển tựa dòng sông
Dễ gì đoạt vị hàng nhơn phẩm
Hà cớ làm cây chỗ chẳng trồng?

Cao Linh Tử
19/7/2016
***
Hoàn Cảnh

Hoàn cảnh xưa nay chết uổng không!
Làm người khó lắm, sánh cây thông.
Đổi đời cải tạo tù lao lý,
Hóa kiếp Tây du rẽ gió dông.
Di tản gia đình ra ngoại quốc,
Về thăm xứ sở quý non sông.
Hòa bình lập lại mong vui sống,
Cây trái, tang thương, cố gắng trồng!

Mai Xuân Thanh
***
Cây Thông Đà Lạt


Sự đời sắc sắc với không không,
Tùng, bách, cẩm lai,... vi vút thông.
Gỗ quý non xanh yên một cõi,
Cành ngo vách đá lạnh trời dông.
Ngô đồng thi phú người nhân cách
Ruộng lúa, nương dâu, kẻ nước sông.
Chớ ước mơ chi, tuồng dối trá,
Hoàng triều cương thổ khéo vun trồng...

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 07 năm 2016
***
Quyển Sử Cũ

Góc xó nằm đây thấy bực không
Ngàn năm vận nước thảy đều thông
Một thời lắm kẻ say mê học
Giờ biết bao người bỏ chạy dông
Chả lẽ hậu sinh dần lạc nẻo
Cho nên cổ sự thả trôi sông
Mau mau góp sức chung tay sửa
Còn nước thì cây có thề trồng.

Quên Đi
***
Thà Là


Ngao ngán tình đời chữ có không
Thà cây hóa kiếp giữa rừng thông
Bể dâu hứng chịu cùng mưa nắng
Tuế nguyệt trần mình giữa bão dông
Ngất ngưỡng ngẩn trông ra trời đất
Ngang nhiên chẳng thẹn với non sông
Trụ chân tự tại không phiền não
Gẫm lại vui thay dẫu bị trồng

Kim Phượng

***
Cảm Đề Cây Thông
Họa y đề

Đã chán rồi sao lẽ sắc không
Mơ về dáng đứng một loài thông
Vô tâm ẩn dấu trong rừng thẳm
Dũng mãnh đương đầu với bão dông
Vẫn khó bình yên rời vận nước
Cũng đành đốn hạ thả vào sông
Đừng mong tạo tác đời đơn độc
Một nhát cưa ngang hẫng thế trồng!

Nguyễn Đắc Thắng

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Gió Thu



Thu sang ngập lối lá vàng rơi
Ngàn hoa héo úa hỡi thu ơi
!
Cố nhân tìm lại, ngày thân ái
Mỗi bước chân đi, lạnh đất trời

Thu nầy đã mấy độ thu qua
Thầm gọi tên nhau lúc chiều tà
Gió thu phây phẩy vườn hoa cũ
Cánh bướm vô tình, vội bay xa...

Thu nầy chạnh nhớ đến thu xưa
Hoàng hôn tắt nắng con đò đưa
Tiếng hát ân tình, dòng sông vắng
Nửa mảnh tim hồng, lúc tiễn đưa

Thu nầy viễn xứ thu có hay?
Đã xa, sao vẫn nhớ nhau hoài
Khơi chi ký ức, tìm vô vọng
Cuộc tình buồn tựa áng mây bay.

Bùi văn Thân

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Đức Phật Ngồi Yên


Trong thời đại ngày nay, dường như một giờ của chúng ta mỗi lúc lại đầy kín thêm hơn. Chúng ta rất bận rộn. Bận rộn sống, bận rộn đi làm, bận rộn vui chơi, bận rộn cho đủ mọi chuyện, ngay cả trong sự nghỉ ngơi của mình… Tốc độ của đời sống mỗi lúc một tăng nhanh, mà chừng như thời gian không còn bắt kịp theo nữa. Nhưng ngày nay mấy ai dám buông bỏ sự bận rộn của mình được, phải không bạn? Vì nếu buông bỏ chúng rồi chúng ta còn lại gì đây, hay chỉ là một sự trống vắng mà thôi! Và vì vậy, chúng ta tiếp tục cứ đi tìm cầu một cái gì đó trong sự bận rộn của mình.
Xia chia sẻ với bạn một nhận xét của ông Carl Honoré về tốc độ của cuộc sống, sự nhanh lẹ có thật sự cần thiết và mang lại hiệu quả tốt như ta nghĩ chăng?

Tốc độ của hạnh phúc là chậm rãi

"Sự nhanh lẹ không phải lúc nào cũng là một đường lối tốt. Sự tiến bộ mà chúng ta có được ngày nay là nhờ ở những người biết thích ứng với hoàn cảnh, chứ không phải từ những người nhanh lẹ nhất. Chắc bạn còn nhớ câu chuyện về con thỏ và con rùa? Trong khi chúng ta vội vã lao mình theo những bận rộn của cuộc sống, mỗi giờ của ta càng lúc mỗi càng đầy kín, bạn nhìn lại đi chúng ta có thật sự cảm thấy hạnh phúc hơn không?
 Nhưng bạn đừng hiểu lầm là tôi chống đối sự nhanh lẹ. Tốc độ (speed) đã giúp chúng ta có được một cuộc sống và thế giới như ngày nay, rất kỳ diệu và nhiều tự do. Ai lại không muốn những tiện nghi mà internet hay phi cơ phản lực đã mang lại cho chúng ta? Những phương tiện ấy có thể giúp mang chúng ta gần lại nhau hơn. Nhưng vấn đề ở đây là cái dính mắc và sự đam mê của chúng ta vào tốc độ đã đi quá xa. Chúng ta muốn càng ngày mình càng có thể làm nhiều việc hơn, hiệu quả hơn, trong một khoảng thời gian chỉ có giới hạn của ta. Và điều ấy đã trở thành một vấn đề rất nguy hại.
Ngay cả những lúc mà tốc độ mang lại những tác dụng xấu, chúng ta vẫn cứ tiếp tục vội vã nhanh hơn. Công việc làm bị chậm trễ? Ta gắn một đường dây internet nhanh lẹ hơn. Không có thì giờ đọc một quyển sách ta mua vài tháng trước? Ta học cách đọc cho nhanh hơn. Muốn xuống cân? Đi viện thẩm mỹ. Không có thì giờ nấu nướng? Mua microwave.
Nhưng trong cuộc sống này có những cái mà ta không nên và cũng không thể làm cho chúng nhanh lên được. Chúng cần thời gian, chúng cần sự chậm rãi. Và khi ta thúc hối những gì không thể thúc hối, khi ta không còn biết cách sống chậm lại, ta phải trả một giá rất đắt là hạnh phúc của mình và người chung quanh.
Một cuộc sống bận rộn, vội vã là một cuộc sống hời hợt bên ngoài. Bạn nghĩ đi, làm sao ta có thể tiếp xúc được với cuộc sống, với người chung quanh, cho sâu sắc nếu ta lúc nào cũng vội vã? 
 Bạn biết không, tất cả những gì nối liền chúng ta lại với nhau, và mang đến cho cuộc sống này ý nghĩa, đều cần một yếu tố mà ta không bao giờ có đủ là: thời gian. Hạnh phúc mà chúng ta muốn phải là tức thì và ngay bây giờ. Mà trong thời đại ngày nay thì điều ấy cũng vẫn chưa đủ, như Carrie Fisher có lần nói như vầy, "Sự thoả mãn tức thì cũng còn là quá chậm!" Instant gratification takes too long.
Và các bạn hãy nhìn lại những đứa trẻ bây giờ, rất là tội nghiệp! Gần đây tôi có xem một tranh biếm họa. Có hai em bé gái nhỏ đứng với nhau chờ xe bus đi học. Mỗi em cầm trong tay một cái điện thoại di động. Một bé gái quay sang nói với bạn mình, ‘Thôi bây giờ để mình dời giờ tập vũ lại một tiếng, chuyển giờ học bơi sang giờ khác, và bỏ giờ piano… còn bạn thì ráng dời giờ học violin sang thứ Năm, bỏ giờ đá banh, và rút ngắn giờ tập hát lại… thì tụi mình có từ 3:15 đến 3:45 hôm thứ tư này để hai đứa mình chơi chung với nhau nhé!’
Lần cuối bạn được nhìn một người ngồi trên xe, lặng yên ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường là lần nào bạn hả? Ngày nay, mọi người ai lúc nào cũng bận rộn làm một điều gì đó: đọc báo, chơi video games, nghe tin tức, nghe nhạc trên iPhones, làm việc trên laptop, hay nói chuyện qua điện thoại…
Tôi nghĩ, sự bận rộn bắt đầu không phải vì hoàn cảnh chung quanh, mà ngay chính bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục vội vã cho đến khi nào ta quyết định thay đổi thái độ của mình mà thôi. Nhưng thay đổi thái độ của mình cũng chỉ mới là sự bắt đầu mà thôi. Thật ra muốn thật sự thay đổi, ta cần phảithay đổi cách suy nghĩ của mình."

Đức Phật ngồi yên


Tôi nhớ một câu chuyện trong Nam Hoa Kinh. Một người sợ cái bóng của mình, ghét những vết chân của mình bèn chạy trốn. Nhưng anh càng bước nhiều thì vết chân càng nhiều, càng chạy mau thì cái bóng càng theo bén gót. Thấy như vậy vẫn còn chậm, anh lại càng ráng chạy mau hơn nữa, không ngừng, tới nỗi kiệt lực mà chết. Người đó thật dại khờ, không biết rằng chỉ cần dừng lại đứng vào chỗ bóng mát sẽ không còn thấy bóng mình nữa. Và nếu chỉ cần ngồi yên xuống sẽ không còn thêm vết chân của mình nữa.
 Thật ra, chúng ta đâu cần phải đi tìm một nơi xa xôi nào đó để được an vui, hay để tránh xa những bận rộn, phiền toái của cuộc sống. Vì nơi nào chúng ta tìm đến thì nơi ấy cũng chỉ có thể là bây giờ và ở đây. Nếu nơi này ta đang vội vã và lo âu, thì nơi xa xôi kia cũng sẽ là vậy thôi. Thật ra sự an tĩnh chỉ có thể có mặt bên trong mỗi chúng ta.
Trên bàn viết tôi có tượng một đức Phật nhỏ ngồi tĩnh lặng, mỗi khi nhìn nụ cười trên gương mặt của ngài, tôi chợt cảm thấy rằng vạn pháp vẫn là yên.

Nguyễn Duy Nhiên

Vũ Thị Bạch Hằng Sưu Tầm

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Vịnh Cầu Mỹ Thuận



Bài Xướng: 

Vịnh Cầu Mỹ Thuận
(Tá vận Vịnh Đèo Ngang)

Mỹ Thuận dừng chân nắng sắp tà
Một vùng cây trái chẳng còn hoa
Thuyền ai lạc lỏng đi tìm bến
Lữ khách bơ vơ thấy nhớ nhà
Nào bởi hẹn thề non với nước
Không vì vướng bận quốc cùng gia
Chỉ sợ đồng khô và biển chết
Màu xanh rồi sẽ tách rời ta.

Quên Đi
***
Bài Họa:


Vịnh Cầu Lầu

Bơ vơ lạc lõng giữa chiều tà
Thơ thẩn một mình ngắm cội hoa
Viễn xứ đọng buồn thương đất Vĩnh
Mảnh đời lưu lạc nhớ quê nhà
Cầu Lầu tìm lại bao dư ảnh
Lữ khách lặng nhìn mấy nóc gia
Lưu vong tất cả đành thôi mất
Tha thiết một điều giữ chính ta

Kim Phượng

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Hoàng Hạc Lâu - Những Cảm Nhận


Một viên ngọc quý thơ Đường là Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
Thôi Hiệu, một nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường, đầu thế kỷ thứ tám.
Theo sách "Thương Lang Thi Thoại", Nghiêm Vũ đời Nam Tống đã nói rằng: "Đường nhân thất ngôn luận thi, đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng Hạc Lâu đệ nhất" (Thơ niêm luật đời Đường bảy chữ, phải xếp Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vào hạng nhất).

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去
此地空餘黃鶴樓
黃鶴一去不復返
白雲千載空悠悠
晴川歷歷漢陽樹
芳草萋萋鸚鵡洲
日暮鄉關何處是
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tinh xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Đây là bài thơ được dịch sang Việt Ngữ nhiều nhất, từ Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Đức Hiển v.v…

Hoàng Hạc Lâu

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Tản Đà

Bài thơ này cũng được Vũ Hoàng Chương, là thầy dạy Việt văn, đồng thời là một nhà thơ. Sau năm Một Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Lăm, trong nỗi bi phẩn trước cảnh ly tán của bạn bè, kẻ ở người đi, ông đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng Hạc Lâu

Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi
Trắng một màu mây, vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiếu xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

Vũ Hoàng Chương



Bài này được một người học trò của Ông Vũ Hoàng Chương, nhưng được ông xem là người bạn vong niên, nhạc sĩ Cung Tiến đã xuất thần phổ nhạc. Tuy nhiên, mối thương tâm cho người nhạc sĩ là quá trễ, vì Thầy mình không bao giờ có dịp nghe được ca khúc này.
Qua nhạc phẩm của Cung Tiến đã đem đến cho Kim Phượng một cựu học sinh Tống phước Hiệp Vĩnh Long có những suy tư...

Chào Bà Con,

Hôm nay lang thang lạc vào thế giới Thơ, Kim Phượng tìm thấy một bài thơ gây cho mình, một kẻ sống lưu vong, nhiều xúc cảm, bồi hồi, hồn như lạc cõi đâu đâu... Tuy nhiên, Kim Phượng chưa rõ hết ẩn tình bên trong bài thơ, vì bởi phần Điển tích. Đó là bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu với hai bản dịch, một của Tản Đà và một của Vũ Hoàng Chương. Kim Phượng rất mong bà con nào có thể giúp Kim Phượng hiểu rõ hơn bằng những lời giải thích đơn giản, dễ hiểu và cùng đóng góp ý kiến hầu giúp cho Kim Phượng được tường tận hơn. Thành thật cám ơn.

Kim Phượng
* * *
Sau đó một cựu học sinh Tống Phước Hiệp là Huỳnh Hữu Đức với bút hiệu Quên Đi vẫn còn giữ lại chút thơm rơi về Hoàng Hạc Lâu, đã giải đáp…

Chào Kim Phượng,

Khi đọc bài Hoàng Hạc Lâu cùng các bản dịch, đúng như Kim Phượng nói:"hồn như lạc vào cõi đâu đâu".
Vì sao? Theo Quên Đi: chỉ tên gọi Hoàng Hạc Lâu thôi cũng có vẻ thoát tục rồi. Trên thực tế, Quên Đi được biết chỉ có Bạch Hạc và Hồng Hạc thôi. Hoàng Hạc có thể là biểu tượng cho cõi Tiên, chỉ xuất hiện ở lầu Hoàng Hạc và khi đã ra đi là vĩnh viễn. Như vậy từ đầu, có phải chủ nhân Hoàng Hạc Lâu muốn ví đây là bồng lai nơi trần thế? Hay chỉ là tình cờ? Hoặc vì một lý do nào khác mà có tên Hoàng Hạc Lâu? Hoàng Hạc Lâu có từ bao giờ?
Xin giới thiệu bài Tổng hợp về lầu Hoàng Hạc do Huỳnh Hữu Đức sưu tầm và bổ sung thêm ý kiến cá nhân.

1 - Nguồn gốc về Lầu Hoàng Hạc
2 - Nguồn gốc tên gọi Hoàng Hạc Lâu.

Trong phần nầy, Quên Đi sẽ giới thiệu câu chuyện về Huyền Thoại và câu chuyện Truyền khẩu.

1 - Nguồn Gốc Lầu Hoàng Hạc:

Theo truyền thuyết, lầu Hoàng Hạc vốn là một cái tháp quân sự. Tháp này do Đông Ngô thời Tam Quốc (Hậu Hán), xây dựng trên núi nhỏ Xà Sơn để quan sát một vùng rộng lớn thuộc Hồ Bắc, nằm cạnh bờ Trường Giang. Với phong cảnh thơ mộng như cõi tiên nên được các Tao nhân mặc khách thường xuyên lui tới ngắm cảnh đề thơ.
Lầu Hoàng Hạc được xây dựng sửa chửa tổng cộng mười hai lần. Khởi đầu, Lầu có ba tầng bằng gỗ. Đến nay, Lầu được xây dựng bằng vật liệu hiện đại với năm tầng nhưng vẫn giữ phong cách của Văn Hóa Trung Hoa. Có người cho rằng vị trí hiện giờ cách nền cũ khoảng vài trăm mét.

2 - Nguồn Gốc Tên Gọi Hoàng Hạc Lâu:

- Tìm hiểu tên gọi Hoàng Hạc Lâu phần 1:

Cho đến ngày nay, không ít người vẫn chưa hiểu tại sao một cái tháp quân sự lại có tên Hoàng Hạc Lâu, cái tên có vẻ trong truyện thần tiên hơn là dùng cho giới quân sự.
Dân tộc Trung Hoa thường có quan niệm "Thiên nhân hợp nhất" nên họ thường thiên về những câu chuyện thần tiên trong bất cứ câu chuyện lịch sử, đền đài hay bảo tháp. Vì vậy câu chuyện về ngọn tháp quan sát của Đông Ngô thời Tam Quốc, cũng đã được ít nhiều khoác vào những câu chuyện thần tiên liên quan tới ngọn tháp.
Người ta có thể dựa vào một câu chuyện mây bay quanh ngọn tháp, thấy chim bay lượn trên ngọn cây cao hay bay vút vào bầu trời xanh biếc, chỉ cần các yếu tố thế thôi cũng đủ để người ta nghĩ ra câu chuyện thần tiên về ngọn tháp Quan sát của Đông Ngô này.
Theo Vương Thượng Chi đời Bắc Tống viết trong "Dư địa kỳ thắng" ghi nhận rằng sở dĩ tháp Quan sát được gọi là Hoàng Hạc Lâu, vì tháp này nằm trên Hoàng Hộc Sơn, phía Tây Nam của Từ Thành ngày Xưa. Vào thời cổ đại, chữ Hộc (con ngỗng trời: Thiên Nga) trong ngôn ngữ Cổ Đại Trung Hoa cũng có nghĩa là Hạc, nên về sau người ta dùng chữ Hạc cho rõ nghĩa hơn. Từ đó Hoàng Hộc Sơn được gọi là Hoàng Hạc Sơn, nhưng ngọn núi nhỏ Hoàng Hạc này lại có hình thù ngoằn ngoèo, tựa hình con rắn, nên về sau lấy một tên khác là Xà Sơn thay vì Hoàng Hạc Sơn.
Thời gian trôi qua, người ta có thể quên đi cái tên Hoàng Hạc Sơn, nhưng tên tháp Hoàng Hạc Lâu đi vào lòng người, bất tử và trở thành một thắng cảnh, một di tích, một huyền thoại cho người đời sau. Có lẽ chỉ vì bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu mà thôi.

(theo trang Cỏ Thơm Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật)

- Tìm hiểu về tên gọi Hoàng Hạc Lâu phần 2:

Tương truyền ngày xưa có một người họ Tân bán rượu ở chân núi Hoàng Cốc (Xà Sơn ngày nay) kiếm sống qua ngày. Một hôm, có Đạo sĩ rách rưới đến xin rượu uống. Người bán rượu nghèo tốt bụng thấy ông lão đáng thương, bèn cho rượu uống. Từ đấy, ngày nào Đạo sĩ cũng đến xin rượu. Một hôm, Đạo sĩ đến từ biệt anh bán rượu và nói:" Một năm qua ngày nào anh cũng cho rượu uống, chẳng có gì đền đáp, lão có con hạc quý, tặng anh để tỏ lòng biết ơn ". Nói rồi Đạo sĩ lấy vỏ cam vẽ lên vách một con Hạc và căn dặn: "Chỉ cần anh vỗ tay, Hạc sẽ bay ra nhảy múa, cho khách mua vui". Dứt lời Đạo sĩ biến mất. Anh bán rượu làm theo lời dặn, quả nhiên có Hạc Vàng bay ra cất tiếng hót vang và nhảy múa rất đẹp mắt, thu hút người xem.
Từ đó khách hiếu kỳ kéo đến uống rượu rất đông. Chẳng bao lâu Anh trở nên giàu có. Một hôm vị Đạo sĩ quay trở lại và nói: "Mười năm qua, tiền anh kiếm được chắc đã đủ trả phần rượu anh cho lão uống", nói xong, Ông rút cây sáo ngọc thổi lên khúc nhạc, chẳng bao lâu xuất hiện một vầng mây trắng, sà xuống cạnh bên Ông và Hạc Vàng bay ra. Ông cỡi Hạc Vàng bay theo cụm mây trắng vào khoảng không mênh mông.
Ông chủ họ Tân thấy thế nên đóng cửa Quán rượu, gom tất cả tiền mình có được xây dựng một căn lầu để tưởng nhớ đến sự việc này. Vì thế về sau căn lầu mới này được gọi là Lầu Hoàng Hạc. Còn câu: "Bạch Vân Hoàng Hạc" dùng để chỉ sự tích này, như hai câu trong bài Hoàng Hạc Lâu:

Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch Vân thiên tải không du du.

- Tìm hiểu về tên gọi Hoàng Hạc Lâu Phần 3: (sưu tầm)

Câu chuyện Thần Tiên sớm nhất được ghi nhận là câu chuyện trong bộ " Thuật Đăng Ký " nói về nhân vật tên Tấn Thuật ở Giang Lăng. Tấn Thuật đã có dịp gặp và hầu chuyện với một vị Tiên Ông cỡi Hạc, nhưng Tiên Ông này là ai lại không thấy sách nói tới.
Về sau Tiêu Tử Hiền của nước Nam Tề thì cho rằng vị Tiên ấy là Vương Tử An, Ông cỡi Hạc Vàng bay trên ghềnh đá Hoàng Hạc của Hạ Khẩu.
Đến đời Đường thì vị Tiên Vương Tử An được biến đổi thành Phí Vĩ. Đời Đường Vĩnh Thái nguyên niên, trong "Hoàng Hạc Lâu Ký" của Diệm Bá Lý có trích dẫn Sự tích trong ĐỒ KINH: Phí Vĩ sau khi tu luyện thành Tiên, cỡi Hạc Vàng và đã dừng chân nghỉ trên Ngọn Tháp Quan Sát của Đông Ngô. Vì sự tích này Tháp được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.


 Tại Sao Bài Hoàng Hạc Lâu Được Gọi Là Tuyệt Tác?

Về bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, khi mới đọc, Quên Đi nhận thấy hay thì có hay nhưng đâu đến đổi coi như Tuyệt Tác.
Chúng ta đều biết thơ Đường luật Thất Ngôn Bác Cú rất nghiêm khắc về Luật Bằng Trắc, Niêm, Đối và Vần. Người làm thơ phải tuyệt đối tôn trọng những luật này. Tuy nhiên, về sau này, để cho các nhà thơ rộng đường múa bút, nên có sự cởi mở đó là "Nhất Tam Ngũ Bất Luận". Vào thời Thôi Hiệu, nhất nhất phải tuân theo qui luật. Thế nhưng, khi xem bài thơ Hoàng Hạc Lâu, bài thơ luật Bằng thanh Trắc, nếu theo đúng luật câu thứ 3 phải:
T T B B B T T
Đằng này Câu thứ 3 trong bài thơ:
- Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
B T T T T T T
Như thế là thất luật.
Ngoài ra, nhìn tổng thể chúng ta không thấy gì là Tuyệt, nhưng trên thực tế bài thơ trên xếp vào hàng tuyệt tác.
Lý Bạch thấy bài Hoàng Hạc Lâu là không dám múa bút đề thơ.
Không biết bao thi nhân Việt Nam chúng ta cũng ca ngợi và diễn Nôm bài thơ trên.
Từ những điều trên gợi cho ta một ý nghĩ để trở thành bất hủ với 8 câu thơ, cái hay thực sự được ẩn chứa trong 56 chữ ấy. Tác giả muốn chuyển tải đến mọi người một ý tưởng hay một điều gì thật thâm thúy. Muốn thấy được cái hay của bài thơ, chúng ta phải tìm ra những ý này.
Theo Quên Đi, muốn tìm được cái ý chính của bài thơ này, chúng ta phải tìm hiểu đâu là nguyên do tạo nên sự xúc động cho tác giả. Trước hết, Quên Đi tự hỏi :
- Cái gì đã hấp dẫn Thôi Hiệu đến với lầu Hoàng Hạc?

Quên Đi đưa ra hai lý do:

1 - Sự hấp dẫn của lầu Hoàng Hạc.
2 - Sự hấp dẫn về Huyền Thoại của Hoàng Hạc.

Trong lý do thứ nhất, Quên Đi nhận thấy
không thuyết phục. Cả bài thơ, từ đầu đến cuối Ông chỉ đề cập đến Hoàng Hạc Lâu duy nhất có một lần thôi, đó là câu thứ hai.

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
(Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc)

Nhưng qua giọng thơ ta thấy rõ không phải tác giả tả hay ca ngợi lầu Hoàng Hạc mà là một tiếng than, một nỗi buồn, một sự tiếc nuối, khi ông chỉ thấy trơ trơ một lầu Hoàng Hạc vô tri vô giác.
Như thế đã chứng minh tác giả đến đây không phải bởi tòa lầu Hoàng Hạc mà chủ đích của Ông chính vì Huyền thoại của Hoàng Hạc Lâu.
Có thể từ nguyên nhân này mà Lý Bạch phải thốt lên:

Ngã thả vị quân chùy toái Hoàng Hạc Lâu
(Tôi vì Người mà đập nát lầu Hoàng Hạc)

Sau nhận xét trên, Quên Đi cho rằng ý nghĩa cao xa của bài thơ nằm trong Tích Nhân, Hoàng Hạc, Bạch Vân và ở câu thứ bảy:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
(Hoàng hôn về tự hỏi quê nhà ở nơi đâu)

Giải thích những ẩn ý trong các từ trên, chúng ta sẽ suy ra được mấu chốt của tuyệt tác Hoàng Hạc Lâu.
Như quan điểm của Quên đi ở phần trên, Thôi Hiệu tìm đến Hoàng Hạc Lâu vì Huyền thoại. Thế nhưng, thực chất Ông đến vì muốn tìm lại bóng dáng của Người Xưa.
Theo huyền thoại về quán rượu Hoàng Hạc Lâu, lão ăn mày tượng trưng cho Thánh Nhân. Hạc Vàng và Mây Trắng tượng trưng cho những phẩm chất cao quý, những tư tưởng cao siêu.

1 -Nhận xét về hai câu ĐỀ:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ (Người xưa cỡi hạc vàng bay đi mất)
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu (Nơi đây chỉ còn trơ lầu Hoàng hạc)

Tích nhân là bậc thánh hiền khi xưa,ý muốn nói đến Lão Tử, Trang Tử (*), những vị được xem là đại diện cho Đạo Giáo. Hạc Vàng là tinh túy, phẩm chất cao quý đã theo cùng Thánh Nhân.
Người xưa không còn, giờ chỉ còn lại những cái tầm thường, trơ trọi cái lầu Hoàng hạc vô tri vô giác không có giá trị gì đối với Tác giả.

2 - Nhận xét về hai câu THỰC:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Hạc vàng một khi bay đi thì không quay lại)
Bạch vân thiên tải không du du (Mây trắng ngàn năm vẫn lênh đênh trên không)

Những phong thái thoát tục cùng Thánh Nhân đã vào cõi hư vô, nhưng một phần tinh hoa và nhũng triết lý cao xa vẫn còn để lại đó là triết lý về ĐẠO (**), Mây trắng tượng trưng cho điều này.
Bốn câu đầu cho ta biết tác giả đang tiếc nuối và mơ tưởng đến Người Xưa. Ý tác giả nói đến học thuyết cao thâm của Đạo Giáo.

(*) Sở dĩ Quên Đi chỉ đề cập đến Lão Tử Và Trang Tử, những người đại diện cho Đạo Giáo vì chỉ những người tu theo Đạo Gia mới nói đến chuyện tu Tiên. Bên Nho Giáo không có đề cập đến chuyện tu này(chỉ đến thời Tống Nho Chủ yếu có Chu Tử (Chu Hy) Trình Hạo, Trình Di...mới bổ sung thêm Triết lý của Đạo Giáo và Phật Giáo)
(**) ĐẠO: có trước tất cả, là nguồn gốc của Vũ Trụ, là cái bắt đầu của Vạn Vật. Đạo không phải là Vũ trụ cũng không phải là vạn vật nên coi như là VÔ ( không). Đạo không tách rời khỏi vũ trụ và vạn vật nên được xem là HỮU ( có). Đạo không thể định nghĩa được mà chỉ có thể hiểu là CÓ mà cũng là KHÔNG, HƯ mà lại THỰC.

Quên Đi xin tiếp tục ý kiến của mình về bốn câu cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu.

3 - Nhận xét về hai câu LUẬN:

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ (Mặt sông lúc trời trong, phản chiếu cây cối ở Hán Dương thật rõ ràng)
Phương thảo thê thê Anh Vũ Châu (cỏ thơm thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi)
Sau giây phút mơ tưởng về cõi xa, Tác giả đã trở về với thực tế, đứng trên lầu Hoàng Hạc phóng tầm mắt nhìn, cảnh đẹp dường như thu hút thi nhân?

4 - Nhận xét về hai câu KẾT:

Nhật Mộ hương quan hà xứ thị (Trời về chiều tự hỏi quê nhà ở nơi đâu)
Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Trên sông khói toả, sóng gợn khiến người thêm buồn)

Những tưởng cảnh đẹp Hán Dương và Anh Vũ sẽ làm cho tác giả quên tất cả và vui trở lại.
Nhưng không, những cảnh trước mắt càng khiến Người buồn hơn, gợi đến nỗi nhớ quê hương trong lòng tác giả. Tác giả có thực sự nhớ về quê hương hay muốn hướng chúng ta đến cội nguồn của sự sống? Cũng có thể Người muốn dẫn chúng ta đến với cái Đức (*) trong học thuyết của Lão Tử.
Điều này, cũng cho chúng ta thấy rỏ thâm ý của Tác Giả, những cảnh thực đang hiện hữu không là gì, chỉ những gì thuộc về hư vô mới là chân giá trị.

(*) Đức : theo triết lý Đạo Giáo, ĐỨC không phải là Đức hạnh mà là mầm sống, ẩn chứa bên trong của Vạn vật. Nếu ĐẠO sinh ra Vạn Vật thì ĐỨC nuôi dưỡng vạn vật. ĐẠO ĐỨC chính là nền tảng căn bản trong học thuyết của Lão Tử.


Sau khi đưa ra một số ý kiến về Hoàng Hạc Lâu, giờ đây Quên Đi xin kết luận.
Chúng ta đều biết những tư tưởng của Đạo, Nho giáo có từ rất lâu, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc. Lão Tử và Khổng Tử sắp xếp phân tích, giải thích trở nên những học thuyết uyên thâm và phổ biến rộng rãi. Đến đời Tần Thuỷ Hoàng gần như bị đốt hoàn toàn, còn những học trò thì bị chôn sống. Sang đời Nhà Hán, những tư tưởng Thánh Nhân mới được sưu tầm và biên soạn lại. Trong lúc biên soạn, có thêm có bớt, có chỉnh sửa nên không còn chính xác, đồng thời có nhiều quyển mạo danh Tiền Nhân.
Vì những lý do trên nên những tư tưởng xưa cũ của Tiền Nhân mất đi rất nhiều. Những gì còn lại chỉ có thể là Ánh Trăng so với Vầng Dương mà thôi.
Qua những nhận xét trên Quên Đi nghĩ, trong lòng Thôi Hiệu có sự tiếc nuối cái tinh túy của Thánh Nhân, nên Ông mượn Lầu Hoàng Hạc để nói lên tâm trạng của Mình. Chính cái sâu sắc đó nên Lý Bạch không thể đề thơ vịnh cảnh Hoàng Hạc Lâu:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu...

Dịch nghĩa:

Trước mắt thấy có cảnh không thể tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu rồi

Khi đi sâu vào tìm hiểu Thi Phẩm HOÀNG HẠC LÂU, Quên Đi cảm thấy một nỗi buồn như ngấm sâu vào tâm hồn, mang lại nhiều cảm xúc:

Người Xưa đà vắng bóng
Hạc Vàng chẳng còn đâu
Giờ chỉ có Tiên Lầu
Cô đơn cùng năm tháng
Ngậm ngùi mây trắng bay

và đồng cảm với Người Xưa:

Mây Trắng lang thang bao ngày tháng
Hạc Vàng mãi mãi tận nơi đâu
Tiền nhân mộng tưởng vì ý Đạo
Hậu bối ngày nay chỉ Tiên Lầu
Sông núi sau này còn biến đổi
Đạo Người muôn thuở vẫn thâm sâu

Quên Đi cũng xin theo bước Tiền Bối, Đàn Anh, dịch bài Thơ Hoàng Hạc Lâu:

Dịch thơ 1:

Hạc vàng Người cỡi về đâu
Còn trơ lầu đứng dãi dầu nắng mưa
Hạc vàng theo bóng người xưa
Ngàn năm mây trắng vẫn chưa bến về
Trời trong cây Hán sông mê
Cỏ tươi Anh Vũ chẳng hề đổi thay
Chiều buông dần khuất quê ai
Trên sông khói toả lòng đầy nhớ nhung.

Quên Đi

Bài Họa:

Một Chút Thơm Rơi

Người xa cánh hạc tìm đâu
Thơm rơi để lại cho dầu gió mưa
Bồi hồi nhớ thuở xa xưa
Lang thang mây vẫn sao chưa lối về
Dòng xưa bến cũ đam mê
Cỏ tươi Anh Vũ xanh hề chẳng thay
Cuộc tình thôi lỡ hỡi ai
Mà hình bóng mãi đong đầy mắt nhung

Kim Phượng

Dịch thơ 2:

Hạc vàng người cỡi mất từ lâu
Trơ trọi giờ đây một bóng lầu
Hạc đã một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng biết về đâu
Trời trong sông Hán cây soi bóng
Anh Vũ bãi xanh cỏ đậm màu
Ngày hết quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng dạ thêm sầu

Quên Đi

Dịch Thơ 3:

Người xưa cỡi hạc về non
Lầu Hoàng đứng đợi mỏi mòn tháng năm
Chim vàng cũng đã biệt tăm
Ngàn thu mây trắng âm thầm vẫn trôi
Sông Dương trời tạnh cây soi
Cỏ tươi Anh Vũ bãi bồi toả hương
Chiều về quê cũ hà phương
Khói sông sóng gợn người vương thêm sầu.

Quên Đi

Lê Thị Kim Phượng và Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn


Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Hai ku 56 - Haiku 2: Đơn Độc



Haiku 56

ráng chiều
níu ánh tà dương
đôi đường

dovaden2010
***
Haiku 2: Đơn Độc


Hoàng hôn
dõi cánh chim trời
đơn độc

Kim Phượng

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Tiếng Lòng


Vườn sau sót lại nụ hồng
Cành hoa vương vấn mênh mông nỗi buồn
Sầu lên khóe mắt thầm tuôn
Hồn như hoang đảo chiều buông lặng nhìn
Đèn khêu soi tỏ bóng mình
Trời đông viễn xứ tự tình với ai
Còn nghe não tiếng thở dài
Nghiêng dòng bút mực chia hai tiếng lòng

Kim Phượng

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Uống Nước

Nước uống tốt cho sức khỏe vì nó giúp bài tiết các chất độc trong cơ thể, giúp cho các tế bào hoạt động đúng chức năng, giúp cho làn da sáng mịn, không bị nứt nẻ, ngăn ngừa mụn, sẹo,…

Uống thiếu nước sẽ dẫn đến các hiện tượng như : Mệt mỏi, buồn ngủ, khô môi, khô mắt, táo bón, ngứa da, tóc tróc rụng, nổi mụn trứng cá, nhiễm trùng tiết niệu, nhức đầu, chóng mặt,… Nhưng nếu uống nước quá nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng ngộ độc nước, nguy hiểm đến tính mạng.

Muốn biết có uống đủ nước hay không thì phải nhìn màu của nước tiểu. Nếu có màu vàng tức là tế bào đã bị giảm do uống thiếu nước. Nếu màu sắc tươi sáng tức là uống đủ nước. Khi màu sắc tươi sáng hoặc màu sắc rõ ràng, nghĩa là lượng nước cần thiết cho các tế bào trong cơ thể đã được tích trữ đủ.

Khi thấy khô cổ họng, khô miệng, nhức đầu, chóng mặt thì nên uống nước ngay. Điều tốt nhất là nên uống thường xuyên, đừng đợi đến khi khát mới uống. Nước uống tinh khiết không có mùi vị, do đó có thể bỏ vào ly nước vài lát cam, quít, dưa leo, gừng, bạc hà cho dễ uống, không nên uống nước quá nóng hay quá lạnh mà phải để ở nhiệt độ hợp với cơ thể của mình. Đặc biệt nhất là không uống nước có đường, có gas. Ngoài ra, người ta còn khuyên bạn nên uống 1 ly nước trước khi ngủ và khi vừa thức dậy, không nên vừa uống vừa ăn.


Theo kết quả điều tra của năm 2013 của CDC (Trung tâm Phòng và Quản lý bệnh của Hoa Kỳ) thì nhiều người uống không đủ nước, chỉ có 43% uống 4 ly nước (250 ml) mỗi ngày và 7% hoàn toàn không uống ly nào hết. Các chuyên gia khuyến khích nên uống 8 ly (1,9 lít) nước mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng tùy theo lượng hoạt động của từng cá nhân, khí hậu nơi bạn đang sống, thức ăn, trái cây hay rau quả mà bạn hay dùng hàng ngày. Số lượng nước cung cấp cho cơ thể bao gồm số lượng nước có trong thức ăn (20%) và nước uống (80%).

Nước đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, chiếm 60%-70% sức nặng của cơ thể. 85% của não , 92% của máu, 95% dịch dạ dày, 75% của cơ bắp,… là nước. Do đó, con người có thể chịu đựng đói ăn trong vài tháng, nhưng thiếu nước trong vài ngày thì có thể tử vong. Khi thiếu nước, tim, phổi, gan và thận sẽ thiếu nước cung cấp, phát sinh ra nhiều căn bệnh. Vì thế việc uống nước đầy đủ và đúng cách rất quan trọng cho sức khỏe.

Montreal , ngày 11/3/2016
Tổng hợp

Ngô Khôn Trí

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Dạ Vũ Ký Bắc - 夜雨寄北 - Lý Thương Ẩn - 李商隱




Dạ Vũ Ký Bắc

Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ,
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đương cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì

Lý Thương Ẩn (812 - 858)
***
Dịch Xuôi:

 Gửi Tiếng Mưa Đêm Về Phương Bắc

Bạn hỏi ngày nào về, tôi chưa định được
Ở vùng núi Ba, lúc này vào thu, đêm mưa dai dẳng, ao nước ngập tràn
Không biết bao giờ chúng ta cùng chong một ngọn nến bên song cửa tây
Để kể lại với nhau nghe về tiếng mưa rơi trong những đêm thu, như đêm nay, ở vùng núi Ba này

Chú Thích:


Ba Sơn, vùng núi Ba xưa thuộc Tứ Xuyên, phố núi Trùng Khánh (Bắc Kính) bây giờ ,nổi tiếng mưa nhiều trong đêm, nhất là vào mùa thu. Có Thính Vũ Đường, giữa rừng trúc, cho khách thập phương thiền giả, về đêm, ngồi uống trà, chỉ để, nghe tiếng mưa rơi.

PKT 06/21/2016
***
Mưa Núi Đêm Thu Đất Khách


Bạn hỏi hẹn về chưa định được,
Đêm thu, mưa núi tràn ao đầy.
Bao giờ chong nến riêng tây nhỉ,
Để nói về mưa đêm ở đây.

Phạm Khắc Trí
06/21/2016
***
Lời Thêm;

Mưa núi, đêm thu, đất khách! Chao ôi, chữ với nghĩa của người xưa. Các cụ nói gì với nhau, riêng tây, về mưa đêm ở đây, nếu còn được găp nhau lại, vào những ngày tháng cuối đời này?
***
Mưa Đêm Gởi Phương Bắc

Ngày về biết trả lời sao
Ba Sơn mưa tối nước ao thu đầy
Hẹn anh dưới nến song tây
Cùng nhau kể chuyện đêm nầy núi Ba.

Quên Đi
***
夜雨寄北                Dạ Vũ Ký Bắc




君問歸期未有期   Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ
巴山夜雨漲秋池   Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
何當共剪西窗燭   Hà đương cộng tiễn tây song chúc ,
卻說巴山夜雨時   Khước thuyết Ba sơn dạ vũ thì.

李商隱                   Lý Thương Ẩn

Về bài thơ Dạ Vũ Ký Bắc nêu trên, xin được trình bày....

Thêm một kiểu hiểu nữa về bài " Dạ Vũ Ký Bắc " là " Dạ Vũ Ký Nội " ( Nội là Nội nhân, là Bà Xã, là Người Yêu ). Chữ Quân là Ngôi thứ 2 trong Danh xưng Đại từ, nên có thể chỉ Nam hoặc Nữ. Theo tình ý trong bài thì thích hợp với tình yêu trai gái hơn là tình bè bạn. Này nhé !...
.....Em hỏi ngày nào anh về , anh cũng chưa biết là ngày nào anh mới về được.( Vì bận công vụ chẳng hạn... ). Đêm nay mưa ở Ba Sơn làm tràn ngập cả nước ao thu, ( như tình anh nhớ em cũng tràn ngập như thế !). Ôi, biết bao giờ mới được cùng em cùng ngồi tỉ tê tâm sự và cùng khêu ngọn nến sắp tàn lụn bên song cửa phía tây, để anh lại sẽ kể cho em nghe về những đêm mưa rả rít ở Ba Sơn !....

Diễn Nôm:

Em hỏi hôm nao trở lại nhà?
Ba Sơn ao nước ngập mưa sa
Bao giờ lại được cùng soi nến
Nói chuyện Ba Sơn mưa thướt tha!

Quý vị thấy thế nào? Có thể lắm chứ! Vì Lý Thương Ẩn chuyên về tình cảm yếu đuối, lãng mạn mà.... " Tương kiến thời nan, biệt diệc nan " và.... " Lạp cự thành hôi lệ thủy can " mà !....

Đỗ Chiêu Đức
***
Đêm Mưa, Thư Về Bắc

Bạn hỏi ngày về định được sao!
Ba Sơn đêm trước, mưa tràn ao
Bao giờ cắt bấc chung bên sổ?
Sẽ kể Ba Sơn mưa thế nào

Kim Phượng
***
Đêm Mưa Núi Ba


Khi nao định được ngày về?
Ao thu mưa tối não nề núi Ba
Bao giờ thắp nến cùng ta?
Hiên tây kể lại mưa sa đêm này.

Kim Oanh

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Vườn Dâu Ở Gia Nã Đại


Mẹ ơi, con hái được trái dâu rồi nè!


Em ơi, chị Hai cũng hái được nhiều trái dâu nữa nè.

Ảnh: Ngọc Nhi


Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Em Tôi - Xa Người


Bài Xướng:

Em Tôi

Em tôi đã một thời xuân sắc
Chẳng cao xa với ước vọng bình thường
Nụ cười xinh bao gã vấn vương
Thêm say đắm người người qua ánh mắt
Trăng mười sáu hồn em trong sáng
Tuổi ngọc ngà đẹp tựa gấm nhung
Nhưng giờ đây đã xa cách muôn trùng
Còn đâu nữa khoảng thời gian mộng mỵ...
Tháng năm trôi máu yêu như gần cạn
Mỗi đêm về nghe lạnh cả tâm can
Ôn kỷ niệm ôi sao lòng quạnh vắng
Nghe lẻ loi nghe trống trải đơn côi
Trăng vẫn thế nhưng cuộc đời đâu phải thế
Em tôi hỡi hãy quên đi tất cả
Lưu luyến chi giấc mộng đã qua rồi
Lên phía trước em ơi chờ chi nữa!

Quên Đi
***
Bài Họa:


Xa Người

Hoa đời kém tươi môi nhạt sắc
Khóc tình chưa xanh vội lấp mộng thường
Cám ơn người giăng sợi tơ vương
Trao nhắc nhớ êm đềm bao kỷ niệm
Ngày xưa ấy tim non khờ khạo
Quả vô tình không biết nhớ nhung
Bên này đại dương ngăn cách nghìn trùng
Ai thở than ai sầu thiên thu hận
Máu nuôi hồn giọt yêu dần sắp cạn
Buồn một mình ra tựa trước lan can
Trái tim bồi hồi ngỗn ngang nỗi nhớ
Bến chờ loi ngoi chìm đắm hồn côi
Còn có cơn mưa rớt xuống đời đơn lẻ
Có kẻ ly hương xuôi dòng biển cả
Thương tiếc chi âu chuyện đã thế rồi
Thì thôi xin hãy đưa tình vào mộng

Kim Phượng

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Hạ Vẫn Huy Hoàng


Bài Xướng:

Hạ Vẫn Huy Hoàng


Hoa nắng buông cành để lả lơi
Phơi mình uống nắng ve vang trời
Từng bầy én lượn bao xuân đã
Mấy tháng hạ về những lệ rơi
Dĩ vãng một thời đang sống lại
Khung trời kỷ niệm dẫu xa rời
Phượng hồng hẳn chết hè hôm ấy
Không! Vẫn hương thầm sắc chẳng vơi.

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Họa Y Đề Với Kim Phượng

Gạo tiền cơm áo chửa buông lơi 
Thế sự bon chen bực thấu trời! 
Loáng thoáng tình xuân tan biến mất
 Xanh lè chiếc lá chực chờ rơi 
Tháng ngày lây lất đang còn lại 
Cánh áo te tua sắp sửa rời 
Hạ vẫn huy hoàng trên nóc chợ 
Sông Tiền lặng lẽ nước dần vơi! 

Cao Linh Tử 
14/7/2016

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Nàng!


Nàng xuân rạng rỡ nét mê tơi
Những cánh hồng lay hé nụ đời
Vờn lượn bướm đàn hoa nép lá
Khiến ai đờ đẫn bóng chiều tà

Quên Đi

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Haiku 55 - Haiku 1: Sầu Đông


Haiku 55

nắng và mưa
lưa thưa đan hoa lá
ngát hương trà

dovaden2010
***
Sầu Đông


(Từ Haiku 55 của dovaden2010)

Ôi sầu đông
dòng nước ngược chảy siết
nhớ người ta

Kim Phượng

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Mưa Hạ


 Bài Thơ Xướng:
Mưa Hạ

Từng cơn dìu dặt thổi khoan lơi
Lúc sắc xám đang kéo phủ trời
Từng cánh non bay tìm chỗ ẩn
Lúc tia vàng vội trốn mưa rơi
Lại mơ dáng cũ nào đâu thấy
Dẫu luyến hương xưa cũng đã rời
Tí tách vang lên từng giọt hạ
Tiếng buồn như đọng chẳng hề vơi

Quên Đi
***
Các Bài Thơ Họa:


Nghỉ Hè

Nhạc vàng dìu dặt lại buông lơi,
Khúc hát du dương vọng khắp trời.
Bóng mát trưa, chiều cây nóng nực,
Che dù nắng xế phượng hồng rơi
.Học sinh được nghỉ Hè ba tháng,
Tuổi trẻ về quê hết Hạ rời.
Đồng nội tha hồ chơi dế đá,
Sông hồ mặc sức tắm chơi vơi...

Mai Xuân Thanh
Ngày 02 tháng 07 năm 2016
***
Mưa Hạ

Gió giật từng hồi liễu lả lơi
Bỗng đâu mây xám nghịt chân trời
Ầm ầm sấm chớp cơn giông tới
Rào rạt mặt đường xác lá rơi
Chất củi chị kêu, tai giả điếc
Đá banh bạn níu chân không rời
Mưa ơi ! nặng hạt lòng càng thích
Kỷ niệm ngày vàng thật khó vơi!

Mailoc
7-02-2016
***
Mưa Hạ

Ánh ráng buông chiều sợi nắng lơi
Tầng không vội vã cánh chim trời
Vầng mây tản hợp màn u ám
Ngọn gió quay cuồng hạt đổ rơi
Ký ức hằn sâu bao hận oán
Dòng trôi khắc đậm khó xa rời
Còn vang tiếng nhạc hồn xưa cũ
Nhắc nỗi đau buồn chẳng phút vơi!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Mưa Hạ


Nắng hạn chiều qua cũng phải lơi
Mây đen phủ kín khắp phương trời
Ngang đầu sấm nổ cành sao gãy
Trên đất dông lùa tổ sáo rơi
Lảo thợ âu lo nhìn chẳng đục
Làn mưa quất tạt dõi không rời
Căn nhà cũ kỹ nhiều nơi dột
Xối xả hàng giờ sao chửa vơi!


Cao Linh Tử
 ***
Hạ Vẫn Huy Hoàng


Hoa nắng buông cành để lả lơi
Phơi mình uống nắng ve vang trời
Từng bầy én lượn bao xuân đã
Mấy tháng hạ về những lệ rơi
Dĩ vãng một thời đang sống lại
Khung trời kỷ niệm dẫu xa rời
Phượng hồng hẳn chết hè hôm ấy
Không! Vẫn hương thầm sắc chẳng vơi.

Kim Phượng


Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Lặng Lẽ Nơi Này


Bài Xướng:

Lặng Lẽ Nơi Nầy


Bao năm đất khách biệt quê nhà
Nối gót bốn mùa cứ vụt qua.
Cư xá êm đềm đường phố vắng,
Hoàng hôn lặng lẽ ánh dương tà.
Con tim lữ thứ hồn tê dại,
Vận nước cơ trời nỗi xót xa
.Nắng nhạt ráng hồng trời sắp tắt,
Lầu cao lừng lửng bóng trăng ngà.

Trăng ngà mỗi độ gợi trong ta,
Hình ảnh làng xưa chửa xóa nhòa.
Thôn xóm buồn tênh trưa nắng đỗ,
Nhà tranh ủ dột tối sương sa
Tỉ tê dế lạnh đêm trường vắng,
Lanh lảnh vạc khuya bóng nguyệt tà.
Lặng lẽ nơi nầy quay quắc nhớ,
Tình quê đất khách chẳng phôi pha!

Mailoc
Cali 5-5-16
***
Các Bài Họa:

Xót Xa


Quên bẵng bao năm chuyện nước nhà
Mặc cho thế sự cứ dần qua
Lên voi xuống chó đành cam phận
Thanh hải điền tang chí đã tà
Ngựa tốt gươm thiêng còn bỏ phế
Bảng đen phấn trắng buộc lìa xa
Bao đêm trăn trở cùng trăng khuyết
Bên rượu hoà thơ tiếc ánh tà

Ánh tà có lẽ cũng rời ta
Hy vọng giờ đây quá nhạt nhoà
Nhớ lúc vào đời mang mộng ước
Để giờ tan cuộc lệ lòng sa
Dưới trên đâu phải tài hay dở
Đươc mất nào do lẽ chính tà
Thế chẳng thời không thôi chớ trách
Tiếc đầu xanh thoáng đã sương pha

Quên Đi
***
Ngậm Ngùi


Ngậm ngùi thương cảnh nước non nhà
Đau khổ bao ngày đã trải qua
Chinh chiến vừa xong còn dấu tích
Bình minh chớm đến vội chiều tà
Rẽ chia dân tộc khôn hàn gắn
Lý tưởng cuộc đời mãi cách xa
Bốn chục mùa xuân qua lặng lẽ
Vầng trăng không thoát khỏi mây ngà.

Mây ngà vần vũ ở quanh ta
Non nước thân yêu đẫm lệ nhoà
Cá chết phơi thây tràn độc nhiễm
Đất trơ phèn mặn thiếu mưa sa
Quê hương uất hận phường lang sói
Dân tộc hờn căm bọn ác tà
Chờ đợi bao giờ qua cảnh khổ
Mái đầu bạc trắng tựa vôi pha.

Phương Hà
***
Ta Đã Làm Chi?


Ba mươi năm chẵn, biệt quê nhà,
Ta đã làm chi thời gian qua?
Mỗi sáng bên ly, nhìn khói tỏa,
Thường đêm cạnh sổ, ngắm trăng tà.
Quê cha ngày ấy, ra sao nhỉ?
Đất mẹ giờ đây, thật đã xa.
Hơn bát tuần rồi, đâu trẻ nữa,
Rượu đôi ba hớp đã say ngà.

Tháng năm đối diện, ta và ta.
Ký ức, thời gian dễ xóa nhòa!
Những lúc toan, lên cầu Thượng Đế,
Đôi khi định, đến khấn Hằng Sa. *
Lòng thành mong muốn, an thiên hạ,
Thời thế chưa cho, vạch chính tà.
Quyết chí, đương nhiên rồi sẽ đạt,
Đạo trời, tặng kẻ dám xông pha.

Danh Hữu
***
Lặng Lẽ Nơi Này


Khắc khoải niềm đau nỗi nước nhà
Theo dòng lịch sử lắm can qua
Chiến tranh, lệ thuộc đầy đau xót
Dân chủ, tự do định chính tà
Chân bước ngập ngừng bờ vực thẳm
Đường mê tái lập dấu mù xa
Biết bao thân phận chìm ai oán
Huyễn vọng cuồng điên diệt ánh ngà!

Nhìn ánh ngà rơi ta khóc ta
Khóc đời vô cảm vết đau nhòa
Ngu si hiệu báo màu tàn hủy
Giả dối phơi bày thảm trạng sa
Vấn nạn chìm theo dòng độc tố
Nguy cơ bộc lộ thói gian tà
Người dân sẽ chịu bao mầm bệnh
Đẩy tiếng căm hờn đỏ ráng pha!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Quê Cha Đất Tổ


Kẻ sống lưu vong vẫn nhớ nhà,
Thời gian thấm thoát cũng mau qua.
Trông về đất Tổ buồn vô hạn,
Ngắm lại quê Cha bóng xế tà.
Giặc giả hết rồi sao đói kém!
Chiến tranh kết thúc lại chia xa.
Anh em ly tán chưa đoàn tụ!
Chớ tưởng lầu cao với tháp ngà...

Tháp ngà rỗng tuếch khổ dân ta,
Bốn mốt năm dài đổ lệ nhòa.
Cuốc bẫm cày sâu không đủ sống,
Cần cù sông cạn hết phù sa!
Ly hương cám cảnh bà con nhớ,
Lữ thứ bâng khuâng xế nắng tà.
Đất khách nhìn về quê quán cũ,
Đau lòng xót dạ tóc sương pha!

Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 05 năm 2016
***
Bừng Sáng Ráng Chiều Pha

Hoài mong mòn mõi nước non nhà
Xum họp cùng nhau… chỉ thoáng qua
Cũng đủ tinh thần vui mở hội
Bêu danh kẻ sĩ chính hay tà!
Giật mình tỉnh mộng ngàn đau đớn
Tự chủ bồi hồi nghe xót xa
Thắp đuốc tìm người đi mở lối
Cho đêm soi sáng ánh trăng ngà.

Trăng ngà rơi rụng khóc mình ta
Lệ ứa trào mi vết xước nhòa
Máu thịt bao đời xây chất ngất
Hồn thiêng còn đọng mãi Trường sa.
Giận người hổ mặt hùa theo giặc
Thương cảnh dân đen chống kẻ tà
Đất nước còn chờ người mẫn cán
Vung tay bừng sáng ráng chiều pha!

Dương Hồng Thủy
***
Xôn Xao Xứ Lạ


Xứ lạ xôn xao hẳn nước nhà
Lòng nào có thản mấy năm qua!
Ánh trăng mờ nhạt hơn trăng cũ
Bóng nắng sao hanh lúc nắng tà??
Xe cộ ngược xuôi giòng thác đổ
Người đi xuôi ngược lúc chơi xa
Làng thôn mình trước an bình quá!
Mới đó mà nay....nước mặn pha

Tóc muối pha sương nhắc đến ta
Biết bao kỷ niệm vẫn chưa nhòa
Vào đời áo trận vì non nước
Tan cuộc quê người trót lỡ sa
Nhớ nắng sân trường hoa phượng nở
Thương mưa gác nhỏ lúc chiều tà
Xôn xao xứ lạ buồn man mác
Nghĩ đến ngày về cứ trộn pha ...!

Song Quang
***
Lễ Mẹ Quê Người


Lễ Mẹ Mỹ, nên ... nhớ Mẹ Nhà,
Mấy mươi năm cũ thoáng trôi qua.
Xưa còn quán xuyến gia phong vượng,
Giờ đã khẳng khiu bóng xế tà.
Con trẻ xứ người luôn khoắc khoải,
Mẹ già quê cũ những trông xa!
Ngày nao, biết đến ngày nao nhỉ?
Lắng tiếng mẹ ru giữa tháp ngà.

Tháp ngà tiếng mẹ ấm lòng ta,
Bảy chục xuân thu mãi chẳng nhòa.
Bỗng chốc nhớ quê lòng trĩu nặng,
Chạnh niềm thương mẹ lệ tuôn sa.
Đâu rồi tiếng võng... Ầu ơ ... vẳng,
Còn đó nắng nghiêng... Ví dẩu ... tà.
Mẹ hỡi Mẹ ơi ... ơi hỡi Mẹ!
Xứ người con đã tóc sương pha!!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Lặng Lẽ Nơi Nầy


Nơi nầy lặng lẽ kẻ không nhà
Bốn chục năm hơn đã trải qua
Thơ thẩn một mình trong gác trọ
Lang thang riêng bóng dưới trăng tà
Đâu người ruột thịt chừng thưa thớt
Nọ kẻ đồng tâm sao vắng xa
Cốc rượu mền môi chớ đối ẩm
Thêm ly nữa hẳn hết ngà ngà

Ngà ngà chiếu cuốn phủ thân ta
Bôi xóa lien tu cũng chẳng nhòa
Nỗi nước khôn cần dòng lệ chảy
Tình mình khó giữ giọt châu sa
Bên trời lận đận lời ly biệt
Cuối nèo chông chênh cảnh ác tà
Xin được sẻ chia lòng trắc ẩn
Nơi nầy lặng lẽ chút sương pha.

Thái Huy
***
Thao Thức


Ai cùng chia sẻ nỗi xa nhà
Cho tháng năm dài chẳng vội qua
Lặng ngắm trăng vàng trên biển vắng
Thầm thì mộng ước lúc chiều tà
Đưa nhau trở lại con đường cũ
Nhắc nhớ tìm về kỷ niệm xa
Hát khúc dân ca mùa hội lớn
Cỏ xanh thảm mượt gối tay ngà

Tay ngà hợp sức mạnh đôi ta
Nợ nước tình non chửa nhạt nhòa
Đất tổ mỏi mòn hoa rụng trắng
Mẹ quê thương nhớ lệ mưa sa
Ngậm ngùi đất khách thân đơn lẻ
Man mác chiều quê chiếc bóng tà
Thao thức hẹn ngày về cố quốc
Tóc xanh dù đã tuyết sương pha

Kim Phượng

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Từ Chờ Đợi Ai

(Từ Chờ Đợi Ai của Kim Phượng)


Gửi theo gió nỗi mong chờ trong tim
Bao ưu phiền thấm loang biếc tím
Nắng sao im lìm?
Mưa sao ngập chìm?
Người sao chẳng tìm?
Sầu nghiêng góc tối cho rời rã cánh chim

dovaden2010
***
Chờ Đợi Ai

Có hôm trời mưa tuôn như trút
Vàng lá rơi nắng đụt bờ mi
Chờ đợi ai và nghĩ những gì
Giữa nơi chốn lắm người qua lại
Buồn nào hơn! Nỗi đau khoắc khoải
Bóng đổ dài lặng ngắm mình ta
Nắng chiều tà sợi xuyên ngang dọc
Thấu chăng lời đơn độc con tim
Hay thôi! Giữ hộ rất im lìm

Kim Phượng

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Vầng Trăng Khuyết



Bài Xướng:
Vầng Trăng Khuyết


Khép nép giữa dòng vầng trăng khuyết
Ai tình nhân biền biệt phương nao
Để người thơ thẩn ra vào
Trăng không tròn vẹn bến nào trăng neo
Trên sông vắng trăng theo sóng nước
Thuyền có về chở được hay không
Chớ gieo hy vọng chờ mong
Để trăng lại nhớ đau lòng cho trăng

Quên Đi
***
Bài Họa:

Trăng Làm Chứng Nhân

Dần xoay một mảnh trăng tròn khuyết
Con đò xưa đã biệt nơi nao
Bến đây trăng hỡi ghé vào
Lắng nghe tâm sự cớ nào gieo neo
Sao trăng mãi đùa theo con nước
Lờ lượn hoài có được gì không
Bến đành thôi hết đợi mong
Tệ chi trăng cũng bạc lòng hỡi trăng

Kim Phượng

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Chờ Đợi Ai


Có hôm trời mưa tuôn như trút
Vàng lá rơi nắng đụt bờ mi
Chờ đợi ai và nghĩ những gì
Giữa nơi chốn lắm người qua lại

Buồn nào hơn! Nỗi đau khoắc khoải
Bóng đổ dài lặng ngắm mình ta
Nắng chiều tà sợi xuyên ngang dọc
Thấu chăng lời đơn độc con tim

Hay thôi! Giữ hộ rất im lìm

Kim Phượng

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Pháo Bông Lễ Độc Lập



Pháo Bông Lễ Độc Lập

Tưng bừng lễ Độc Lập
Người người xem pháo bông
Nghe tiếng nổ dồn dập
Sợ hãi cháu đòi bồng

Mailoc
***
Pháo Bông Lễ Độc Lập

Rộn rã gần xa ngập tiếng cười
Tưng bừng lễ hội pháo bông rơi
Liên hoan Độc Lập niềm kiêu hãnh
Nhắp chén hòa ca nơi khắp nơi

Kim Phượng

Bản Ngã


Bài Thơ Xướng:

Bản Ngã

Dẫu tuổi có già vẫn mộng mơ
Chữ tình muôn thuở thật vô bờ
Gặp tài mấy kẻ không ham hố
Thấy sắc bao người chẳng ngẩn ngơ
Suy gẫm nhân gian nầy vốn trọc
Xét ra nẻo đạo quá xa mờ
Thôi thì hãy cứ tuỳ duyên vậy
Lo nghĩ chi nhiều vấy cả thơ.

Quên Đi
***
Bài Thơ Họa:


Nhận Diện Bản Ngã

Tuổi đời chồng chất vẫn còn mơ
Nhưng biết nơi đâu là bến bờ
Tham phú phụ bần đừng nghĩ tới
Chiêu hiền đãi sĩ há làm ngơ
Sắc Không thấu hiểu tâm tươi sáng
Vật chất đam mê trí mịt mờ
Vinh hạnh kiếp người luôn trọn giữ
Thì đây xin đó trải hồn thơ

Kim Phượng

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Mùa Đông Ôi Mùa Đông


Người đi vào cõi muôn trùng
Trời se se lạnh não nùng tiễn đưa
Trên cành dăm chiếc lá thưa
Lắc lay trong gió chiếc vừa rụng rơi
Ôi mùa đông dạ bồi hồi
Nhìn nhau gang tấc ngậm lời biệt ly
Lệ chưa ráo lệ hàng mi
Mộng không tròn mộng thầm thì đơn côi

Kim Phượng

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Xa Xứ


Thì mỗi ngày vẫn lối cũ đường quen
Những bánh lăn của cuộc đời chưa mỏi
Thong thả nhé thời gian ơi đừng vội
Ta chưa về thăm hết những thân sơ
Quà đất trời còn dư dật, no nê
Cuộc đời vẫn đầy những bất ngờ lý thú...

Trần Hoài Thư


Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Chứng Nhân Về Ơn Gọi Trở Lại & Làm Linh Mục Của Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung

Người với trái tim độ lượng, biết thao thức trước ấm lạnh, lầm than, nghèo khó, bệnh tật của nhóm Dân tộc người thiểu số ở Kontum, vùng Tây nguyên nước Việt Nam. Người Thiểu số nơi đây, được nâng đỡ, an ủi về mặt tinh thần lẫn vật chất, đồng thời được chăm sóc, trị liệu bởi một Vị chăn chiên, Linh mục bác sĩ Nguyễn Viết Chung.
Với cương vị đó, địa vị đó, cớ gì Cha từ chối cuộc sống giàu sang, sung sướng như các bạn đồng môn. Cha tự chọn con đường cam go, sống khắc khổ, lao mình vào, xả thân vì những người xa lạ, nghèo nàn, bịnh tật, nhiễm HIV và những người bị biệt lập với chứng phong cùi. Điều này, có lẽ chỉ trái tim Cha trả lời thỏa đáng mà thôi.
Và tôi, người may mắn được nghe trọn vẹn tâm tình của Cha Chung. Cha cho biết các bạn bên Mỹ sẽ mua vé máy bay cho Cha sang chơi, thăm viếng, gặp gỡ. Cha hỏi chi phí tốn kém bao nhiêu. Sau khi biết được giá vé, Cha trả lời không đi và xin số tiền đó, để có thể giúp đỡ và trị liệu cho những người đang mắc bệnh nan y. Các bạn Cha trả lời “ không cho”, có lẽ họ nói để Cha không còn con đường lựa chọn. Nhưng Cha cười trả lời:
- Không cho thì thôi!
Và làm sao Cha có thể đi chơi được, vì nơi quê nhà, quanh bản làng hẻo lánh, nghèo nàn của những người anh em Dân tộc thiểu số, Cha đã trăn trở trước nồi không bếp tạnh trong bữa cơm chiều của những kẻ đói ăn.


Thực Hiện: Cuong Mai Tu