Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Em Tháng Tư


Gió sớm sương chiều em tuổi thơ
Xuôi dòng biển cả nước xanh lơ
Đánh rơi vóc ngọc thời son sắc
Xóa dấu môi ngoan của dại khờ

Gió sớm sương chiều em tuổi hoa
Dáng xuân chưa chớm kịp hồn già
Tháng ngày quanh quẩn sầu cô lẻ
Đất khách u hoài nỗi xót xa

Gió sớm sương chiều em gái quê
Ngây thơ tìm lại chỉ cơn mê
Hương đồng gió nội đường xưa đã
Giậu đổ bìm leo mất lối về

Kim Phượng

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Anh Tô Văn Đon

Kim Phượng vô cùng xúc động và thương tiếc khi nhận được tin buồn:

Anh Tô Văn Đon 
Pháp danh Đức Ngộ

Cựu Giáo Sư Kỹ Thuật Vĩnh Long vừa mệnh chung lúc 18 giờ 30 phút, ngày 28 tháng 4 năm 2017
Nhằm ngày mùng 3 tháng 4 năm Đinh Dậu 
tại Thành Phố Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp
Hưởng thọ 74 tuổi
Kim Phượng chân thành phân ưu, đồng hành cùng nỗi mất mát lớn lao của chị Tô Văn Đon và Tang quyến
Nguyện cầu Hương Linh anh Tô Văn Đon sớm tiêu diêu cõi Vĩnh Hằng.

Thành Kính Phân Ưu
Lê Thị Kim Phượng
( Cựu Giáo Sư Kỹ Thuật Vĩnh Long)

Định Mệnh Buồn


Sắc máu đầm đầm hoa tháng Tư
Màu thương sắc nhớ đã hình như
Tan theo cánh mỏng vừa rơi rụng
Du thủ bướm ong giẫm nát nhừ

Từ đấy mùa sang hạ chết rồi
Não nùng hoa nắng tiếng than ôi
Còn đâu xanh biếc khung trời mộng
Định mệnh khéo bày đến thế thôi

Kim Phượng

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Phận Người Tháng Tư


Mưa chừng suốt cả canh thâu
Xứ người trở lạnh hay sầu xa quê
Lần đi mất lối quay về
Ruột tằm đứt đoạn não nề tơ vương
Từ duyên đôi đứa rẽ đường
Sống trong oan khổ đoạn trường cách xa
Thời gian sớm tóc sương pha
Mảnh đời bão táp ngọc ngà dáng xưa
Tháng Tư trời lại sa mưa
Ngây thơ chút phận xót chưa kiếp người

Kim Phượng
***
( Từ Phận Người Tháng Tư Của Kim Phượng)

Từng làn gió lạnh kéo lê thê
Một thuở ra đi lạc lối về
Mang mãi trong lòng nơi đất khách
Bao giờ ấm lại mối tình quê ?
Đã mấy mùa đông xa cánh đồng
Bây giờ lại thêm một mùa đông
Đếm bao lá rụng ngoài song vắng
Là bấy nhiêu tình nhớ cố hương
Tiếng lòng thổn thức những âm vang
Muốn bước chân đi thật vội vàng
Nhưng gió và mây hoài ngăn cách
Chùng bước chân mềm... buông tiếng than!

Hoàng Hạc

Thu Vàng Vận Nước


Hình Ảnh &Thơ: Nguyễn Cao Khải
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Tìm Lại Hè Xưa


Nắng tháng Tư cây đời rất lạ
Cội nguồn quên vội vã chân đi
Biết về đâu bến bờ vô định
Triền sóng xô còn mất những gì

Nắng tháng Tư quê nhà phượng vỹ
Dỗi hờn ai nín nụ đơm hoa
Hay thương tiếc vạt tà nhầu úa
Gậm nhấm buồn thân phận xót xa

Nắng tháng Tư ve bầy gãy cánh
Vẫn khao khát một thoáng hè xưa
Ngân ra rả ước mơ thần thoại
Gói mộng tròn bao chuyện nắng mưa

Kim Phượng


Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Phận Người Tháng Tư


Mưa chừng suốt cả canh thâu
Xứ người trở lạnh hay sầu xa quê
Lần đi mất lối quay về
Ruột tằm đứt đoạn não nề tơ vương
Từ duyên đôi đứa rẽ đường
Sống trong oan khổ đoạn trường cách xa
Thời gian sớm tóc sương pha
Mảnh đời bão táp ngọc ngà dáng xưa
Tháng Tư trời lại sa mưa
Ngây thơ chút phận xót chưa kiếp người

Kim Phượng


Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Mùa Hè Của Tôi Đâu


Rồi một sớm trường im tiếng trống
Dãy Huỳnh Đàn ngả bóng trên sân
Ngày xanh ơi khuất xa dần
Vàng son cái thuở tình nhân ngọt ngào

Vội khoảnh khắc buốt đau cay đắng
Mái trường xưa hoa nắng hẹn hò
Đâu giờ trốn học âu lo
Xếp vào ký ức học trò chưa vơi

Câu tình cũ cõi đời vô vọng
Lối thiên đàng lắm mộng tàn phai
Như sương như khói hình hài
Giữ trong mắt lệ bóng ai nghìn trùng

Kim Phượng

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Lưu Luyến Một Bông Hoa

Hoa phượng năm nay, trái phượng năm rồi
Hoa phượng năm nay không phải hoa phượng năm rồi
Trái phượng năm rồi không là trái phượng năm nay
Trong cùng cội cây duyên đất nước
Hoa nào quả nấy.
Nhánh lan trổ từ cuối chạp năm nay, tôi cắt nhánh, ghim vào đất của cội mai từ nửa tháng trước,
Hôm nay 17 tháng 3 tiết Thanh Minh hạ, vẫn còn lưu luyến một bông hoa.




Trương Văn Phú

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Vắng 2 - Mộng Sầu


Vắng 2

Về bến cũ năm nào... thầm ước...
Hồn theo mây lạc bước vào chiều
Cỏ cây thủ thỉ bao điều
Góc trời mây xám cánh diều băng băng...

Con đò vẫn cắm sào bến lặng
Người đưa đò đã vắng nơi nao
Chiều buồn... lặng lặng... nao nao...
Vẳng nghe tiếng lá lao xao... gọi Người...

dovaden2010-17/4/2017
***
Mộng Sầu

( Từ Vắng 2 của dovaden2010)

Dòng xưa bến lặng ngưng sào đợi
Khách sang đò giờ hỡi phương nao
Sóng dồn đẩy mạn lao xao
Lắng lòng hồi tưởng dạt dào ước mơ

Vẫn chốn cũ hững hờ con nước
Đám lục bình xuôi ngược về đâu
Cho đây gửi trả mộng đầu
Lời thề vàng đá bẻ câu ân tình

Kim Phượng


Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Còn Gặp Nhau Hôm Nay


"Còn gặp nhau hôm nay mới hay thêm được một ngày..."*

Tiếng nhạc, lời ca ấy, làm xao xuyến, đưa hồn đi xa, lòng thầm mong gặp gỡ, người xích lại gần người hơn và có thêm được một ngày.

" Còn gặp nhau hôm nay..."!
Ngày 22 tháng 4, sẽ có buổi gặp gỡ đầu tiên của Cựu Giáo Chức và Học Sinh Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, lần thứ nhất tại Cao Lãnh.
Cao Lãnh, một phần đất của quê hương, từ nay sẽ không còn xa lạ nữa. Cao Lãnh sẽ làm say lòng khách phương xa. Người Cao Lãnh sẽ để lại chút tình mặn mà, gợi nhớ trong lòng Người đến. Bởi, rồi đây những kỷ niệm của Ngày Gặp Gỡ, sẽ gói trọn những khuôn mặt quá thân quen của "ngày xưa thân ái".

" Còn gặp nhau hôm nay..."!
Ngày 22 tháng 4, ngày những con chim đã lìa đàn, sẽ vỗ mạnh đôi cánh, tìm về tổ ấm. Người sẽ gặp nhau, sẽ thoáng chút ngỡ ngàng khi đối mặt. Người sẽ gặp nhau, để kể cho nhau nghe những mất còn của hơn mấy mươi năm xa cách. Người sẽ gặp nhau, để còn bao lâu nữa khi tóc đà điểm sương và dù đời mong manh quá, vẫn thấy được bình minh của cuộc sống. 

" Còn gặp nhau hôm nay..."!
Ngày 22 tháng 4, ngày sẽ đợi Người đến và những con tim tha hương thiết tha mong chờ Buổi Gặp Gỡ, tìm lại những bóng hình xưa cũ năm nào.

Kim Phượng

* Lời nhạc của Nhạc Sĩ Lam Phương

Giã Từ Tuổi Nhỏ - Xuân Diệu


Không biết anh em tôi bỏ đi lúc nào, nhưng bây giờ thì em đã đi rồi.

Tội nghiệp cho em tôi! Thỉnh thoảng em còn về thăm, nhưng chúng tôi không dám ở lâu cùng nhau; và dường như tôi có đôi ý xua đuổi. Bây giờ thì em còn thương tình mà trở lại thăm viếng, chứ mười năm, hai mươi năm nữa! Tôi có gọi có van rát cổ, vỡ tiếng, em tôi cũng chẳng trở về.

Ồ! Em Tuổi nhỏ của tôi, ta nhớ mường tượng như một lần nào đây, ta đẩy em lên đường; mắt em hôm ấy xanh quá, miệng em cười gượng, môi thắm hơi buồn; em ráng đẹp một lần cuối cùng, để ta nhìn em mà sau này mãi mãi nhớ thương. Ta thì nghẹn ngào, lệ phồng cả mắt, khẽ lắc đầu; trán ta ưu tư, lòng ta bị cuộc đời dày xéo, ta còn gan ruột nào để giữ em lại! Ta yêu em nhưng muốn cho em đi, vì đã tới giờ rồi!

Trái sắp đậu thì hoa phải tàn, nếu hạt thóc không chết đi, thì cây lúa cũng không sống, em cũng biết rằng ta muốn ôm em lại mãi, nhưng có thể như thế được đâu. Thế là em đi, còn ta thui thủi về một mình, con đường thơ mộng đã trở thành con đường đời, ta bước đau thương, vì lòng ta trống cả em! Ta không muốn quay đầu lại nhìn; em đi rồi, ta phải thành một người lớn, phải siêng năng chứ, nào là công việc, nào là cuộc sống, nào là cái đời.....

Còn em, Tuổi Nhỏ ơi, ta không cần thì em cũng không ở; em đi chầm chậm, lưng quay lại cho ta. Em mang theo mặt đẹp của em, hai má trai tơ, đậm như mặt trời sắp mọc; trán em tinh khiết, chưa hề oán hận; lòng em ngây thơ, chỉ thích đùa cười. Từ bấy đến nay, em vào trong Thời Gian, con đường mờ mịt không em?

Thôi, đường của em về chỉ là khói sương thôi, chẳng bao lâu em sẽ lẫn với chân trời, anh chỉ nhìn đằng xa, tưởng em là mộng. Anh không dám dơ tay đón bắt; bắt sao được mà dám bắt em sao? Em sẽ không đến với một khuôn mặt tạc trong thịt đời khắc khổ, gập ghềnh, chín khô như một trái mùa hạ.

Có phải đêm nay em tôi về đó không? Ngày nghỉ, đêm thanh, chiếc hoa sao tạt bay qua cửa, trăng lành, gió dịu, ta soi trộm vào gương, thoáng thấy hình ta, thoáng thấy hình em. Tuổi Nhỏ đấy ư? Hai ta còn một đêm dài, ngồi đây em, nằm đây em, dựa đây em; ở lại đây, em đừng đi nữa nhé!

Tội nghiệp cho em tôi, một tiếng động cũng làm em sợ; em mỏng manh, em đẹp đẽ quá, nên xe chạy ồn, đời làm dữ, là em muốn biến đi ngay.

Ngựa xe chạy làm chi mà ồn ào! Cuộc trùng phùng nào chắc gì đâu, sao đường phố còn rộn tiếng đời, không cho tôi tha hồ tâm sự? Cửa trước đã đóng, còn cửa sổ sau, mặt trăng từ mẫu cho mượn bóng xanh, hiện tại đã xa xa, quá khứ đã gần gần; gió thổi mà về, gió đưa thơ lại....

Thôi, chính em là tôi, chính là tôi xưa, nét măng thụy, vẻ huy hoàng, chiều duyên dáng, cách thơ ngây, tâm này và hồn này là của tuổi nhỏ.

Hồn Xuân phất phới ở đầu lá, cây cỏ đơm ra một làn hơi biếc, trời đát triền miên.....

- Em đó ư? Anh nhìn rõ quá.

- Anh đây ư? Em nhận không ra......

Em của tôi đã bỡ ngỡ với tôi rồi. Tuổi Nhỏ ơi, ngày trước đây chúng ta là một đó. Em đi, giữ lấy tinh túy, ta ở, cuộc thế khinh mạn, thời gian lần lựa; xa em rồi, thì còn gì cuộc vui, còn gì thực đẹp nữa đâu! Chỉ có mắt em, đặt màu sắc lên cuộc đời; chỉ có mặt em, lông tơ bao bọc, chỉ ở tuổi em, cuộc đời bông hoa.

Nói làm chi, phải không em? Nằm trên ngực anh đây, con chim êm ái; đưa tôi bồng ru chút nào, cậu măng trai tơ; em của tôi đây, tôi đây, thực là yêu quá. Mới đi độ chừng một năm, mà bây giờ đã bỡ ngỡ nhau. Em có biết nhiều khi em thổi về như một làn gió, nỗi bận bịu của anh bỗng mát thơm như rừng núi xuống gần; ta vội vàng tươi nở mau mau, nhưng Tuổi Nhỏ ơi, em đến không nhằm giờ, lắm khi lại hóa phiền nhiễu. Ta than thầm: " Xứ ấy đẹp sao!", rồi ta phải đuổi em và chim bướm của em ngay. Mắt lại nhìn cái cuộc đời cho thật kỹ, tay lại nắm những sự đời cho thực chặt, để mà sống chứ, nực cười thay! Và trong lúc làm người lớn, ta thừa biết rằng chiều nay, ta sẽ khóc em, hỏi em ở đâu, đòi em cho được; nhưng than ôi, trẻ con làm nũng với mẹ, chứ ai đâu làm nũng với đời!

Kể chi những cái bụi đó, em nhỉ! Đêm đã khuya, trăng thêm ngà, Tuổi Nhỏ mỉm cười đi, cho ta được vui. Ôm em trong lòng; trái tim quá khứ của em nhịp nhàng với lòng ta chạy chậm, ta rửa linh hồn cho sạch, để em đừng chê...

Tôi từ em nhỏ của tôi, tưởng tôi còn nhỏ. Bóng trăng phập phồng trên ngực. Năm canh lờ mờ quanh mình. Tôi nằm giữa tuổi xưa, thấy mình mười sáu, mười tám, đôi mươi, tay chân bằng mầm, mắt bằng hồ, lòng bằng lửa, miệng như hoa....

Đêm thanh suốt đêm, ai có ngờ đâu trời cũng sáng!

Mặt trời sắp mọc, đất thành thị sắp chuyển tiếng chân, xe tầu sắp rúng cả cửa nhà, cái máy đời sắp mở toàn tốc độ. Dậy, dậy, tôi ơi! Kỷ niệm chực biến! Hình bóng em nhỏ sắp tan! Thôi, em đi, ta ở, ta dậy, em về; thà xa nhau trong chút bóng trăng tàn, để phút ly biệt còn đượm phấn xanh, chứ không chịu chia phôi giữa bụi bặm ồn ào, làm mất cả thiêng liêng của nỗi luyến tiếc. Hỡi em Tuổi Nhỏ, giã từ, từ giã! Ly biệt, biệt ly! Níu em nói chưa dứt lời, em đã đi mất!

Mặt trời đỏ rực, đời chiếm cả mọi nơi rồi. Tôi sắp vào cho cái máy cuốn lôi, chân bước đi, lòng còn ngoảnh lại. Em Tuổi Nhỏ! Xa nhau rồi, giờ lại gặp nhau; gặp nhau thêm lần này, lần sau có gặp nhau chăng nữa? Bao giờ mới đến lần sau? Em chịu về thăm anh chăng? Ngày mai soi gương, có tình cờ thấy hai ta chung một bóng?

Ta ở lại một mình. Thời gian đẩy sau lưng, cuộc đời kéo trước mặt, chân trái rời xa thời nhỏ, chân trước bước vào thời nào đây? Ta nuốt đắng cay, cười gượng mà để cho hoa tàn, mà mong có trái đậu; hôm nay ta xua tuổi nhỏ để khỏi chậm chân trong cuộc thế; một mai sự dời dẫu dãi, lúa gặt, việc xong, chạy đi tìm em, em tan mất rồi!

Thời gian lạnh lắm, cái gì vào đó mà còn được đâu! Hôm nay còn gặp tuổi nhỏ năm ngoái, năm sau tuổi nhỏ chắc đã mờ bóng; vài năm sau nữa, ôi thôi, em chết thực rồ! Nhớ mà thỉnh thoảng về thăm anh , em nghe; chớ vội tan trong thời giờ, mà để anh già cỗi. Giã từ!

Ly biệt! Quá nữa lòng ta đã mất với em! Bệnh tê liệt sẽ chiếm dần trái tim; ta đứng đây, nặng nề, vững chãi, chen chúc, tị ganh, để sống với đời....

Giã từ! Từ giã! Ly biệt! Biệt ly! Các bạn ơi, có gặp tuổi nhỏ của tôi ở trên đường cái???

Xuân Diệu

Kim Phượng Sưu Tầm

Thanh Minh - Đỗ Mục


Thanh Minh                                                            清明
      

 Đỗ Mục                                                                   杜牧   
                                               
Thanh minh thời tiết vũ phân phân               清明時節雨纷纷
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn             路上行人欲断魂
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?                           借問酒家何處有?
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa Thôn!            牧童遥指杏花村!

Dịch Nghĩa:

Tiết Thanh Minh mà lại mưa lất phất
Khiến khách đi trên đường lòng buồn vô hạn
Nên tìm dọ hỏi nơi nào có quán rượu.
Những đưa trẻ chăn thú trên đồng chỉ về hướng thôn Hạnh Hoa ở đằng xa.

Dịch Thơ:

Thanh Minh


Thời tiết Thanh Minh lất phất mưa,
Trên đường lữ khách muốn say sưa.
Rượu ngon ướm hỏi nơi đâu bán?
Xóm Hạnh mục đồng chỉ trỏ thưa!


Đỗ Chiêu Đức
***
Thanh Minh


Tảo mộ mưa bay lất phất đầy,
Thanh Minh lữ khách tửu đâu đây.
Rượu ngon tìm quán nơi nào nhỉ?
Quán Hạnh Hoa Thôn mục tử này!


Mai Xuân Thanh
***
Thanh Minh


Thanh Minh lất phất bụi mưa bay
Lòng khách trên đường não nuột thay
Hỏi trẻ có nơi nào bán rượu
Xa xa Thôn Hạnh trả lời ngay. 


Quên Đi
***
Thanh Minh


Mưa bay lất phất tiết thanh minh
Lữ khách đường xa rượu cạn bình
Ướm hỏi mục đồng đâu tửu quán
Hạnh Hoa Thôn ấy nhớ đinh ninh.


Phương Hà
***
Thanh Minh


Thanh minh lất phất bụi mưa rơi
Lữ khách sầu dâng dạ rối bời
Dọ hỏi nơi đâu là quán rượu
Xa xa Thôn Hạnh trẻ đáp lời


Kim Oanh
***
Thanh Minh


Tiết thanh minh trong làn mưa bụi,
Khách trên đường lủi thủi buồn đau.
Gần đây có quán rượu nào?
Mục đồng tay trỏ đường vào Hạnh thôn.


 Mailoc phỏng dịch
***
Thanh Minh


Tiết Thanh Minh lạnh làn mưa bụi
Khách lội đường xa chạnh buốt hồn
Rượu sưởi lòng cầu tìm đến quán
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn


Kim Phượng


Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Kính Dâng


Thân con bèo dạt bấp bênh
Thuyền đời trôi ngược lênh đênh xứ người
Đâu rồi xuân sắc nét tươi
Lạc loài thân phận mấy mươi năm dài
Tấm thân hèn mọn hình hài
Phục Sinh mầu nhiệm tình Ngài đỡ nâng
Mân côi tràng hạt tay lần
Lâm râm câu nguyện kính dâng hương lòng

Kim Phượng

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Chúa Ơi!



Thèm một cuộc nghỉ ngơi
Trút gánh nặng cuộc đời
Trút gánh nặng phận người
Ơi Chúa của con ơi!

dovaden2010

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Hằng Mơ


Một điều mơ ước hằng mong
Quỳ bên thập giá bền lòng vững tin
Mân côi tràng hạt lần xin
Nhiệm mầu cảm tạ Phục Sinh ngôi Trời
Dọn mình thánh ý Chúa ơi
Tuôn tràn ân huệ cao vời tình Cha
Vòng tay âu yếm thiết tha
Vỗ về phận mỏng hải hà ơn sâu

Kim Phượng

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Thơ Tranh: Niềm Ước Mơ Phục Sinh


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Ngu Ngơ


Trời chớm thu vàng sắc lá thay
Trầm mình bể ái thả hồn say
Biết đâu thuyền mộng dời xa bến
Tội trái tim yêu chịu đọa đày

Người đã vội quên sao mãi chờ
Gom tình trải hết những trang thơ
Lời nhung lời nhớ sầu khôn hạn
Con chữ vô tình gợi ước mơ


Năm tháng dại khờ cứ mỏi mong
Thu rơi bao lá những chiều trông
Trọn đời làm kẻ ngu ngơ ấy
Con nước trôi xuôi lội ngược dòng

Kim Phượng

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Họp Mặt Cựu Giáo Chức & Học Sinh Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long Lần Thứ I Tại TP. Cao Lãnh


Được tin Quý Thầy Cô và các Bằng Hữu Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long tại khu vực Thành Phố Cao Lãnh sẽ tổ chức 
“HỌP MẶT CỰU GIÁO CHỨC VÀ HỌC SINH TRƯỜNG KỸ THUẬT VĨNH LONG 
KHU VỰC CAO LÃNH LẦN THỨ I, NGÀY 22/4/2017” 

Thời gian: 9 giờ ngày thứ Bảy 22/4/2017 (26/3 âl)
Địa điểm; Nhà hàng Phong Lan 
Số 47A , QL30, Phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp 

Ban Liên Lạc Cựu Giáo Chức và Học Sinh 
Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long 
Chúc Mừng: 
Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long Khu Vực Cao Lãnh lần thứ I 
Cao Lãnh, ngày 22/4/2017 
“Vui vẻ và thành công tốt đẹp” 

Kính mời: 
Quý Thầy Cô và các Bằng Hữu Kỹ Thuật Vĩnh Long ở các tỉnh và khu vực ngoài TP Cao Lãnh nếu có quan tâm “cuộc Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long tại Khu Vực Cao Lãnh”: xin kính mời quý vị cùng đến dự họp mặt (mở rộng) để tăng thêm phần vui vẻ, long trọng và đoàn kết trong gia đình Kỹ Thuật Vĩnh Long. 

Xin vui lòng ghi tên tham dự với Ban Tổ Chức (trước ngày 20/4/2017): 
Điện thoại BanTổ Chức:
- Nguyễn Hồng Tư 0908034477 
- Văn Ý 01226509630
-o0o-o0o- 

Thư Mời Họp Mặt



Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Các Phép Đối Trong Thơ Đường Luật


1 - Phép Chỉnh Đối: Đây là phép đối thông dụng nhất, các chữ của câu trên và câu dưới theo thứ tự đối nhau từng chữ một hay từng cặp chữ kép một.

Lom khom dưới núi tiều vài chú 
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
(Bà Huyện Thanh Quan)

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
(Hồ Xuân Hương) 

2 - Phép Tá Tự Đối: Đây là phép đối tiếng đối bóng

Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông điểm phải nằm co
(Trần Tế Xương)
Chúng ta thấy ý của từ Trống và Chuông trong câu không hề đối nhau. Nhưng nếu tách ra xét tự loại lại đối.

3 - Bất Đối chi Đối: Không đối tự loại mà đối ý. Cách đối này, Tiền Nhân rất thích dùng theo quan điểm Ý trọng hơn Từ. 

Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
(Vũ Hoàng Chương)

Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ.
Xưa nay chinh chiến mấy ai về
(Tổng trấn Nguyễn Văn Thành)

U uất nơi lòng mòn mỏi đợi
Xuống lên con nước cứ vơi đầy
(Quên Đi) 

- Các cặp câu này nếu so tự loại, chúng ta thấy chẳng hề đối theo phép Chỉnh Đối. Nhưng ý lại đối rất chặt chẽ.

4- Phép Đối Lưu Thủy: ý câu dưới tiếp ý câu trên

Còn chăng lời hẹn bên trang sách,
Hay đã tàn theo ánh lửa đèn.

Tiệc tùng chủ yếu cầu vui khoẻ
Nào phải kinh doanh để nhận quà
Quên Đi

- Chúng ta thấy hai câu này xét tự loại không thể đối nhau. Nhưng ý được nối tiếp với nhau như dòng nước chảy liên tục.

5 - Cú Trung Đối: Còn gọi là Tiểu Đối. Tự đối nhau trong từng câu. Câu trên tự đối, câu dưới cũng tự đối. Hai câu đều tự đối. Tự Đối dùng để đối với Tự Đối.

Cướp của đánh người quân tệ nhỉ
Xương gà da cóc có đau khôn
(Nguyễn Khuyến)
- Cướp của đối với đánh người. Xương gà đối với da cóc.

Nếu quả trời xanh ghen má phấn
Đừng mong cưới vợ để sinh con
(không biết Tác Giả) 

- Trời xanh đối với Má phấn. Cưới vợ đối với Sinh con. 
- Trong câu này có thêm phép Đối Lưu Thuỷ.

6- Giao Cổ Đối: Từng nhóm hay từng chữ của câu trên đối chéo với từng nhóm hay từng chữ của câu dưới

Chân bước vững đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp trúc vươn cao. 
(Trần Tuấn Ngọc) - 
Chân bước vững của câu trên đối chéo với trúc vươn cao của câu dưới
- đường chiều khấp khểnh của câu trên đối chéo với Rừng cây rậm rạp của câu dưới.

Bèo mây xuôi ngược nhiều sương nắng
Thương nhớ ngày đêm lẫn tủi hờn 

- Bèo mây của câu trên đối chéo với Ngày đêm của câu dưới
- Xuôi ngược của câu trên đối chéo với Thương nhớ của câu dưới
Trong 2 câu này còn có Tiểu Đối:
- Bèo mây đối với Sương nắng.
- Thương nhớ đối với Tủi hờn

Kết Luận

Do ngày nay, những người làm thơ Đường Luật hầu hết đều làm thơ theo phép Chỉnh Đối, dần dà quên đi các phép đối khác. Từ nguyên nhân này, một số người đã ngộ nhận trong Thơ Đường Luật chỉ có một phép đối duy nhất. Vì thế, khi gặp một bài thơ áp dụng những phép đối khác, đã vội cho rằng sai luật đối, hoặc giả cho rằng Phá Cách, kể cả thơ của Tiền Nhân.

Huỳnh Hữu Đức 

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Hình Bóng Cũ


Người giữ hộ tôi cánh Phượng hồng
Giữ lòng xao động giữ hoài mong
Biển đời xuôi ngược như con nước
Hãy giữ cho nhau một tấm lòng
Ve sầu ra rả buổi ban trưa
Nhớ ai quay quắt mấy cho vừa
Bâng khuâng thầm bảo …
Mai hò hẹn!
Nhưng…
Trên cành cánh Phượng đã dần thưa
Phượng tàn niên học mới lại sang
Cặp sách trên tay bỗng ngỡ ngàng
Áo trắng ngày xưa không trở lại
Lụa hồng đã khoác bước sang ngang
Thời gian phủ lấp điểm tuyết sương
Sân trường vắng bóng…
bóng người thương
Những cánh Phượng hồng lay trong gió
Trơ gốc già hoa vẫn ngậm hương


Kim Phượng

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Mùa Của Phượng Đến Rồi


( Cảm xúc từ câu nói "Mùa của Phượng đến rồi" của DVD)

Mùa của phượng trở về
Hạ còn nắng ấm buốt tê tái lòng
Mùa trổ muộn nụ hồng
Trái tim băng giá thắt vòng bâng khuâng
Mùa xa cách tình gần
Đã thương lại chẳng nợ nần chi nhau
Mùa ly biệt khát khao
Trót yêu chuốc khổ nôn nao đợi chờ
Mùa lay động hồn thơ
Chẳng chung nhịp bước bơ vơ đường trần

Kim Phượng

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Ánh Tà Dương


Bài Xướng: 

Ánh Tà Dương

Hoàng hôn lặng ngắm ánh tà dương
Nỗi nhớ mênh mang nhớ lạ thường
Chớp bể mưa nguồn trời viễn xứ
Hoa trôi bèo giạt kiếp tha phương
Sông Tiền nước bạc còn rờn rợn
Đất Vĩnh tình nồng mãi vấn vương
Ngày ấy mai ngày khi trở lại
Hoàng hôn lặng ngắm ánh tà dương

Kim Phượng
***
Các Bài Họa:

Tà Dương Tịch Chiếu


Lặng ngắm hoàng hôn khuất ánh dương,
Mênh mông nỗi nhớ, nhớ phi thường.
Những ngày tháng cũ mơ thiên lý,
Bao cảnh tình xưa luyến nhất phương.
Sông Hậu tiếng hò luôn mãi vọng,
Bến đò con nước vẫn còn vương.
Đâu rồi người cũ chiều chiều xuống,
Lặng ngắm hoàng hôn khuất ánh dương?!

Đỗ Chiêu Đức
03-28-2017

***
Mơ Về Chốn Cũ
(Nha Trang)

Quanh quẩn riêng ngồi bên gốc dương
Hướng theo tầm mắt dõi vô thường
Lăn tăn sóng bạc hôn chân cát
Bảng lảng mây xanh tản bốn phương
Ai đứng chờ ai, ai có nhớ,
Trăng lên rẽ nước, nước còn vương?
Cảnh xưa nổi cộm trong tâm tưởng
Quanh quẩn riêng ngồi bên gốc dương.

Thái Huy
***
Hoàng Hôn Yên Ả


Gió chiều trổi khúc nhạc du dương
Đàn nhạn chao nghiêng điệu vũ thường
Ráng đỏ chân trời loang một góc
Mây vàng đỉnh núi tỏa muôn phương
Mơ màng liễu rũ trong sương xuống
Xào xạc lá đùa trên cỏ vương
Trầm bổng tiếng tiêu xa vọng đến
Gió chiều trổi khúc nhạc du dương.

Phương Hà
***
Bóng Tịch Dương


Mỏi mệt thôi nhìn cảnh tịch dương!
Quê hương ấp ủ ước bình thường.
Bâng khuâng lạc lõng người xa xứ,
Canh cánh chơi vơi khách viễn phương
Sóng bạc Tiền Giang tình quyến luyến,
Hương nồng Đất Vĩnh mộng tơ vương.
Ngày mai hy vọng lòng thanh thản,
Mỏi mệt thôi nhìn cảnh tịch dương!

Mai Xuân Thanh
Ngày 28 tháng 03 năm 2017
***
Ánh Vàng Lên Ngõ Giấy

Ửng vàng ngõ giấy ánh triêu dương
Một chút đơn sơ đẹp lạ thường
Là lúc nghe an bần lạc đạo
Mặc ai đắm mộng bá đồ vương
Đảo điên lợi lộc sầu trăm mối
An lạc tâm hồn nhập chín phương
Hoa lá chim muông cùng hợp tấu
Ửng vàng ngõ giấy ánh triêu dương.

Cao Linh Tử
29/3/2017
***
Níu Ánh Dương

Chạng vạng sầu lòng níu ánh dương
Niềm đau khắc khoải những vô thường
Trùng khơi vạn lý thân lưu lạc
Biệt xứ bạc ngàn khách viễn phương
Đất Mẹ ngạt ngào tình lúa mới
Quê Cha đậm thấm mối tình vương
Một trời hy vọng còn đâu nữa
Chạng vạng sầu lòng niú ánh dương

Kim Oanh​

***
Nắng Mới

Rực rỡ bình minh sáng ánh dương
Gió lay mời gọi khúc nghê thường
Bướm ong hớn hở vui ngày mới
Hoa lá rộn ràng toả sắc hương
Hy vọng bao loài đang trổi dậy
Ưu tư một thuở hãy còn vương
Đành nhìn phía trước quên đêm tối
Rực rỡ bình minh sáng ánh dương.

Quên Đi​
***
​Họa Tá Vận:​

Đưa Tiễn


Gợn buồn, lã lã mấy thùy dương,
Đưa tiễn chiều nay gió khác thường.
Rào rạc lá vàng tung vạn nẽo,
Lờ mờ mây xám phủ muôn phương
Áo người ươn ướt sương lam thắm,
Mái tóc bềnh bồng vạt nắng vương.
Thuyền khách đi rồi , ai lặng đứng,
Bạn cùng trăng nước bóng thùy dương .

Mailoc
3-28-17
***
​Một Ánh Tà Dương - Hai Nỗi Nhớ

Úc - Hoa kỳ cách mấy trùng dương
Thời tiết khác nhau cũng sự thường
Nơi đó,Thu về muôn lá đổ
Phương nầy, Hạ đến nóng trăm phương
Tà dương chiều xuống trời còn sáng
Buổi sớm nắng lên phượng tím vương
Hai cảnh khác nhau cùng nổi nhớ
Quê hương chung hướng lại chung đường*

​Song Quang

*Chung con đường cùng tị nạn

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Chúc Mừng Sinh Nhật Anh Đắc Thắng


Sinh nhật Vườn Thơ đượm sắc màu
Ngoài kia hoa nắng cũng xôn xao
Bầy ve tấu khúc trên cành phượng
Thi hữu chung vui rộn tiếng chào

Kim Phượng

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Vắng


(Từ Kêu Đò - Đợi Đò của Mai Xuân Thanh và Kim Phượng)

Con đò vẫn cắm sào bến lặng
Người đưa đò đã vắng nơi nao
Chiều buồn... lặng lặng... nao nao...
Vẳng nghe tiếng lá lao xao... gọi Người...

dovaden2010

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Chơi Thuyền Trên Sông Trăng - Bến Nguyệt


Bài Xướng:

Chơi Thuyền Trên Sông Trăng


Nghiêng trăng trút mộng xuống trần gian
Một chiếc thuyền thơ chở lụa vàng
Sóng bạc sông vàng gương lấp lánh
Sương mờ bụi ngọc tỏa mênh mang
Trời dâng đêm quẩy ngàn sao sáng
Gió gọi ngàn cây lộng tiếng đàn
Hồn lạc vườn mơ tình lãng mạn
Đường thi ca vọng ý lần sang.

Bằng Bùi Nguyên
***
Bài Họa:


Bến Nguyệt


Trăng ngập đầy khoang ngập thế gian
Dư âm trầm bỗng chạm tơ vàng
Nho phong hàn sĩ hồn sâu lắng
Thục nữ kinh thi dạ nặng mang
Muôn điệu tơ lòng chùng phím nhạc
Một luồng sáo trúc tiếp cung đàn
Bóng trăng lấp lánh rung giao cảm
Bến nguyệt trăng tà nhẹ bước sang

Kim Phượng



Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Hoa Sắc Máu


Định mệnh tên mang loài hoa
Ve sầu cất tiếng lìa xa cuộc đời

Kim Phượng

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Hoa Học Trò - Xuân Diệu


Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang.
Phượng không phải là một đóa, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực. Mỗi hoa chỉ là một phần tử của cái xã hội thắm tươi; người ta quên đóa hoa, chỉ ngó đến cây, đến hàng, đến những tàn lớn xòe ra, trên dậu khít nhau bằng muôn ngàn con bướm thắm. Mầu hoa phượng chói lói, sinh sống như sắc máu người.

Ấy là lời kêu kỳ bí của mùa hè; trong nắng chói chang, mùa hè thét lên những tiếng lửa.

Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui, mới thực là nỗi niềm bông phượng. Một làn gió hẩy tới; từng đợt sóng rào rào trên biển hoa....
Người ta hay trồng phượng ngoài thành và trong thành; và người ta hay trồng phượng trong các sân trường. Vì sao? Nhưng dù trồng ở đâu, cũng chỉ có bọn học sinh yêu và hiểu hoa phượng nhất. Hoa phượng là hoa học trò. Còn ai quen với phượng cho bằng bọn cắp sách đến trường một ngày hai buổi! Còn ai có linh hồn tươi thăm để quan hòai cùng với phượng thắm tươi?

Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e; dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên màu lá phượng.

Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây báo ra một tin thắm : mùa hoa phượng bắt đầu! Đến giờ chơi, học trò ngạc nhiên nhìn trông : hoa nở lúc nào mà bất ngờ dữ vậy!

Bình minh cùa hoa phượng là một màu đỏ còn non, nếu có mưa, lại càng tươi dịu. ngày xuân dần đến, số hoa tăng, màu cũng đạm dần. Rồi hòa nhịp với mặt trời chói lói, maù phượng mạnh mẽ kêu vang; hè đến rồi !

Khắp thành phố bỗng rực lên, như đến tết nhà nhà đều dán câu đối đỏ.

Sớm mai thức dậy, cậu học trò vào hẳn trong mùa phượng; thôi, nghĩ hè sắp đến đây!

Mùa thi cử sắp đến !

Thi cử cho các anh sắp ra trường, lười biếng cho các em còn ở nhiều năm.

Sự học một bên căng, một bên chùng, đều ghi dấu hoa phượng. Các em ngồi trong lớp làm bài, tay không muốn chạy nhanh. Vì gần nghỉ, nên các em nghỉ ngay từ lúc còn chưa nghỉ. Phượng đỏ thế kia mà! Khắp các cành đều có hoa; hoa nở, hoa rơi, hoa bay, đến cả ngoài vườn xa không có cây mà cũng có hoa phượng.

Các chàng trẻ vui tay nhặt cánh phượng trên cỏ xanh, lẩn thẩn như bùi ngùi. Có người bỏ vào sách ép, có người bỏ cả vào thư gửi đi. Hoa phượng tươi, tươi nhưng mà tươi quá quắt; hoa phượng đẹp, nhưng mà đẹp não nùng. Ai xui hoa phượngt nhiều như vậy? Ai dạy cho hoa phượng cái màu xa xăm? Phượng vui; cái vui tươi như là làm cho thái quá để che cái sầu uất.

Cái sầu nghỉ hè, vâng, nhất là đối với những chàng sắp ra trường, mà trước khi ra, phải trải một cuộc thi. Những chàng ấy chăm ngay từ đầu năm; đến lúc hoa phượng đậm màu, lại càng gấp gáp. Vài chàng bấy lâu nhác biếng, nay cũng bị màu hoa phượng đẩy cho ở sau lưng.

Phượng hồng, phượng đỏ, phượng xác pháo, phượng máu người, phượng cứ nở, các anh cứ cố học; sắc phượng mệt mỏi lắm sao! Thật đúng với lòng các anh, gắng sức nhưng mà buồn bã. Các anh đã nghĩ đến hè, đến lúc ra trường , đến ngã ba đường phải chọn hướng đi , đến cuộc đời đang rình các anh mà chụp bắt.

Rồi một hôm, trống đánh: các anh ngồi thi. Ôi, bài văn bí quá, bài tính nghĩ mãi không ra, các anh toát mồ hôi, ngó quanh quẩn như cầu cứu; nhìn ra cửa sổ, thấy bóng phượng ở ngoài sân! Rồi kẻ đậu thì bỏ mặc bông phượng mà vui vầy ; kẻ hỏng buồn riêng một mình, bạn bè cũng không, chỉ biết thở than cùng bông phượng.


Họ đi giữa đường, dẫm xác bông phượng; họ ngồi thơ thẩn, bông phượng cũng rụng bên mình. Bàn tay mân mê bông phượng, cái sắc đỏ ám ảnh, đỏ một cách tức tối, đỏ một cách tuyệt vọng.

Phượng cứ nở. Phượng cứ tơi. Bao giờ cũng có hoa phượng nở. Nghỉ hè đã đến. Học sinh sửa soạn về nhà. Nhà chưa về, cái vui gia đình đâu chửa thấy, chỉ thấy xa trường, rời bạn; buồn xiết bao! Những cuộc tình duyên giữa bạn bè, đến lúc rẽ chia, cũng rẽ chia dưới màu phượng; dù hữu tâm, dù vô tình, người nào cũng có sắc hoa phượng nằm ở trong hồn. Phượng xui ta nhớ cái gì đâu. Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt....Nhớ một bãi biển sóng chấp chóa...

Nhớ một trưa hè gà gáy khan...Nhớ một thành xưa son uể oải.......Thôi học trò đã về Huế, hoa phượng ở lại một mình. Phượng đứng canh gác nhà trường, sân trường. Hè đang thịnh, mọi nơi đều buồn bã, trường ngủ, cây cối cũng ngủ. Chỉ có hoa phượng thức để làm vui cho cảnh trường. Hoa phượng thức, nhưng thỉnh thoảng cũng mệt nhọc, muốn lim dim. Gió qua, hoa giật mình, một cơn hoa rụng.

Cứ như thế, hoa học trò thả những cánh son xuống cỏ, đếm từng giây phút xa bọn học sinh! Hoa phượng rơi, rơi......Hoa phượng mưa. Hoa phượng khóc. Trường tẻ ngắt, không tiếng trống, không tiếng người. Hoa phượng mơ, hoa phượng nhớ. Ba tháng trời đằng đẵng. Hoa phượng đẹp với ai, khi học sinh đã đi cả rồi.

Thế là ba tháng qua. Hoa phượng gần xong cái bổn phận của mình. Từng trận, từng cơn, hay từng đóa, từng cánh, phượng đã trải hết mùa hè, thu sang như trút cả gánh hoa, học sinh về đây! Hoa phượng chỉ, còn lưa thưa, lẻ tẻ; ôi các anh em, chúng tôi đã nở đẹp lắm, các anh không đến sớm mà xem, chúng tôi nhớ các anh mà rụng hết rồi, bây giờ còn mấy bông hoa là để dành chờ các anh, chứ đáng lẽ đã rụng tiệt cả.

Anh em học trò nhìn lên cành phượng: lúc đi phượng nở, lúc về, phượng rơi lại, cánh sẫm mục nát. Trên cành, cái vui bông phượng tuy cuối mùa mà đằm thắm biết bao! Hết cái gắt gỏng bề bộn mùa hè, bây giờ hoa phượng lưa thưa, cuộc tình duyên đã dời sang thu, có lẽ vì vậy mà hoa phượng ấm lên gấp bội.

Vài hôm nữa, hoa phượng sẽ nghỉ, sẽ yên lặng để cho anh em học, anh em cố học đi, tìm hái bông lài, bông lý, kiếm ngửi hoa ngâu, hoa hồng; anh em học cho hay, hoa phượng sẽ gặp các anh lúc cuối năm, trong lời chia ly, rẽ rời, và lại nói cùng các anh cái tâm sự thiết tha của mùa hè.

Xuân Diệu

Kim Phượng Sưu Tầm