Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Mưa Đêm


Còn mãi mưa hoài vỗ giấc êm
Ngỡ như ai đó gọi bên thềm
Mờ mờ giăng kín màng mưa bụi
Người hỡi có về nối mộng thêm.

Lắng tiếng mưa đêm rợn nhớ người
Lệ thầm rơi xé nát tim côi
Cõi xa một mảnh đời u uất
Mòn mỏi chờ nhau tận cuối đời.

Khóc…

Kim Phượng

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Tiễn Đưa

  


Tôi có cái răng khểnh:
Đành chịu cảnh lênh đênh! 
Trên tàu cá tròng trành, 
Thiếp ngủ, quên hôi tanh.

THẠCH TRONG (HĐN)




Thì Vẫn Thế


Thân đơn lẻ đi trong mù sương lạnh giá
Trên muôn nẽo đường vạn ngã biết về đâu

Kim Phượng
***
(Cảm Tác Từ Thì Vẫn Thế Của Kim Phượng)

Chí bền vững tâm cứng rắn chẳng u sầu
Đường em bước dẫn về đâu? Đời an lạc.

Nguyễn Cao Khải


Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Ô Kìa


Bài Xướng:

Nghe hơi lạnh lạnh trời chưa sáng
Thương mến mùa đông cánh phượng vàng
Chợt thấy ngoài song mai rỡ rạng
Ô kìa tháng chín gió thu sang!

Cao Linh Tử
***
Bài Họa:


Ngọn nến tình lung linh tỏa sáng
Hong mùa lên muộn trổ hoa vàng
Sương đêm lấp lánh hừng đông rạng
Chờ đợi chân người nhẹ bước sang

Kim Phượng
***
Gọi Mùa

Riú rít Oanh ca ngày nắng sáng
Vườn mơ thơ thẩn ánh chiều vàng
Ru đêm tròn mộng chờ mai rạng
Tha thiết gọi mùa xuân thắm sang

Kim Oanh

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Thơm Rơi


Tây Đô, nơi tôi đã đến, khi vừa bước chân vào ngưỡng cửa Đại Học và cũng là nơi tôi giã từ đất mẹ mà đi.

Tôi trở về đây một lần, nhưng chẳng dám đi lại ...đường xưa lối cũ. Nhưng trong ký ức tôi, dấu chân chim êm đềm còn đó, con đường tình ái còn kia và hình ảnh quê hương vương vấn hoài trong tâm trí nhỏ nhoi. 
Và lần này, rất...rất...tha thiết, Buổi Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long của Quý Thầy Cô, Các Anh Chị nguyên là Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long, đang ở, làm việc hay đang có mặt ở Cần Thơ sẽ mang lại cho các Bạn Hữu Một Thời nơi quê nhà cũng như hải ngoại ấm lòng và giữ lại chút thơm rơi sau Buổi Họp Mặt. 

Kính chúc quý Thầy Cô và tất cả các Anh Chị có một ngày 30 tháng 9 năm 2017, để nhớ và chắc chắn không bao giờ quên. 

Thơm Rơi 

Đêm qua say giấc chiêm bao 
Cái mùi hoa bưởi ngạt ngào tình quê 
Bao giờ ríu rít đưa về 
Cạnh đường Sông Hậu tỉ tê nỗi lòng 
Bầy chim vỡ tổ hằng mong 
Tây Đô bừng lại tuổi hồng ngày xưa 
Mây se màu áo xanh vừa 
Ôm tròn kỷ niệm vẫn chưa phai mờ 
Đàn lòng réo rắt cung tơ 
Bậc thương hoài cảm động hờ con tim 
Hồn thu níu bước chân chim 
Tuổi nào vừa thoáng gợi niềm nhớ nhung 
Tìm nhau trong cõi muôn trùng 
Gọi nhau chấp cánh vui chung họp đàn 
Dẫu mà vó ngựa thời gian 
Rượu tương phùng tiếp vơi tràn lại vơi 
Luyến lưu khôn tỏ nên lời 
Tây Đô giữ lại thơm rơi chốn này 

Kim Phượng 
Ảnh: Kim Phượng


Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Đưa Tình Vào Cõi Thiên Thu


Hai năm xa em, Đỗ Hữu Tài ơi, nguyện cầu Hương Linh của em được an bình nơi nhà Chúa

Đường trần oan nghiệt chia đôi
Em mây lơ lững trôi trôi trắng trời
Biệt ly khuất bóng nghẹn lời
Ngậm ngùi thương xót mảnh đời trái ngang
Thân đơn bóng chiếc ngày tàn
Chữ duyên ôm trọn dỡ dang riêng mình
Đưa tình gọi nắng thủy tinh
Mau mau hong ấm khối tình thiên thu

Kim Phượng




Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Lời Cuối Cho Cụ Bà Võ Thị Thoại ( Điếu Văn)


Thời gian quá nhanh!
Mới đó mà đã 15 năm trôi qua. Ngày 24 tháng 9 năm 2002, Má đã vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời. 
Từ lúc còn là một cô bé, đến khi về làm dâu và sau đó trở thành là mẹ của những đứa con, là chủ của một gia đình, việc thờ cúng ông bà, Má lấy đó làm niềm tin.

Nhưng, trong những ngày cuối đời, Má đã nhờ Vị Linh Mục, cho Má một câu kinh để "Má học". Một câu kinh dù ngắn, gọn, chỉ có 11 chữ, so ra rất khó khăn cho một người mà theo lời bác sĩ cho biết, chỉ còn một tuần lễ trên dương thế mà thôi. 
Cuối cùng rồi Má cũng thuộc lời kinh thứ nhất. Má tiếp tục, xin học thêm câu kinh thứ hai. Rất tiếc, chỉ được nửa câu...Má không còn cơ hội nữa rồi.

Lúc sinh thời, Má rất hâm mộ Vị Linh Mục, và phải chăng có sự gặp gỡ trong tâm hồn, chính Ngài là Người đọc điếu văn...đưa Má rời khỏi cuộc đời...

***
( Võ Thị Thoại năm 15 tuổi)

Kính thưa quí ông bà anh chị em,

Trong những ngày tháng cuối đời của cụ bà Võ thị Thoại, tôi được may mắn gặp cụ hai lần. Lần thứ nhất, 45 phút, lần thứ hai khoảng 80 phút. Tổng cộng chỉ được hơn hai tiếng đồng hồ. Vậy mà đối với tôi sau hai lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, tôi biết chắc rằng hình ảnh và phong thái của cụ sẽ vĩnh viễn lưu lại trong tâm hồn tôi. Nghe tin cụ mất, tôi đã bàng hoàng thương tiếc, gần như một người con vừa mất mẹ. Ngay cả đứa cháu của tôi, đã theo tôi hai lần đi gặp cụ, cũng vùi khóc ròng như một người cháu ruột vừa mất bà.

Cụ bà Võ Thi Thoại là một người như thế nào mà chỉ trong vài lần tiếp xúc với cụ, tôi đã bị cụ cuốn hút mãnh liệt nhanh chóng như vậy? Cụ là ai mà chỉ trong hai tiếng đồng hồ chuyện trò, tôi đã nuối tiếc ngẩn ngơ vì không còn cơ hội gặp lại cụ nữa? Quí ông bà anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau lần giở lại trang sử đời cụ để tìm cách trả lời cho câu hỏi này.
Như một sự tình cờ ngẫu nhiên nhưng mang đầy ý nghĩa, cụ là một món quà đầu năm mới cho cuộc đời, vì cô bé Võ Thi Thoại sinh vào đúng ngày Mùng Một tháng Giêng năm 1924. Quê cô ở Vĩnh Long, vùng đất ngọt ngào tình tự quê hương. Cô thôn nữ Thoại chất phác thật thà như bản tính cố hữu của người miền nam. Chắc chắn lúc đó cô rất đẹp, vì lần đầu tôi gặp cụ, khi cụ đã hơn 78 tuổi, cụ vẫn còn nhiều nét thanh xuân mặn mà của thời con gái, mặc dù bây giờ người ta chỉ có thể khen cụ đẹp lão mà thôi.

Không có gì đáng ngạc nhiên, khi cô Thoại vừa đến tuổi trăng tròn, 15, 16, thì cụ ông, Lê Văn Sang, trước kia là một chàng công tử con nhà giàu, đã say mê cô thôn nữ. Lúc đầu, cụ ông còn bày đặt giả đò đi kiếm bạn cho cô, kiếm hoài không được. Dĩ nhiên là không được vì cụ ông đã có chủ ý rõ rệt “Em ơi! Kiếm hoài hổng được, thôi thì, em chịu đại anh cho rồi”. Sau lời cầu hôn ấy, hình như, cô thôn nữ đã gật đầu ưng thuận. Chàng công tử biết tỏng câu ca dao: “Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”. Bị dèm pha chưa chắc đã sợ nhưng chỉ sợ có thằng nào nhanh chân dớt trước thì lại tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng bởi vì cụ vừa đẹp, vừa dịu hiền lại vừa chất phác thật thà. Về nhà chồng năm 16, cô thôn nữ bây giờ đã là vợ, còn nhiều nét ngây ngô dại khờ. Cô nấu canh cho gia đình, bố chồng ăn xong chép miệng nói: “Con ơi! Canh hơi bị cứng”. Cô nhanh nhẹn trả lời: “thưa Tía, con hầm canh lâu lắm mà! Cứng sao nổi mà cứng, hả Tía?” Bố chồng mỉm cười đáp lại: “Tía nói cứng nghĩa là canh bị mặn, nhưng không sao đâu, con còn nhỏ, từ từ rồi tía má sẽ chỉ dạy thêm.” Câu nói dịu dàng ấy của Bố chồng, đã in sâu vào tâm khảm của nàng con dâu. Ở đời, người ta thường mỉa mai sự khắc nghiệt của bố mẹ chồng đối với nàng dâu. Trong gia đình chồng của cô Thoại, không hề có chuyện đó. Chính nhờ sự dịu dàng của Bố chồng, con dâu Thoại đã cảm nhận được những bài học về sự nhân ái trong cuộc đời Nhờ cảm nhận được bài học độ lượng này, nàng con dâu đã đem áp dụng lại để đối xử với mọi người, và đặc biệt nhất, để chỉ dạy giáo dục cho các con về sau.

Nếu hỏi rằng Cụ Bà Võ Thị Thoại là ai mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ hiếu thảo với bố mẹ, biết chấp nhận lầm lỗi, biết cảm kích trước lòng độ lượng của bố mẹ và biết học hỏi để truyền dạy lại cho con cái, cũng như chính cụ biết sống thực hành lòng độ lượng đó khi đối xử với mọi người chung quanh.

Thập niên 1940, chiến tranh tiếp tục leo thang khốc liệt tại quê hương. Dân chúng khốn khổ trăm chiều ngược xuôi lánh nạn, giặc Tây rồi lại Việt Minh. Mỗi lần Tây đi càn, tất cả con trai, đàn ông trong làng đều phải đi trốn, nếu không muốn bị chém đầu xử tử. Một mình cô Thoại ở lại nuôi con. Cô học tới lớp cao nhất bậc tiểu học, đối với thời bấy giờ, phải kể là một người có học thức cao. Nhờ thầy giáo Phụng hết lòng dạy dỗ, cô biết tiếng Pháp. Và chính nhờ số vốn ngoại ngữ này, cô đã cứu giúp được nhiều người bà con hàng xóm vì khả năng đối đáp trôi chảy nhuần nhuyễn của cô với giặc Tây.

Năm 1968, tết Mậu Thân, một lần nữa, gia đình ông bà Sang Thoại, lại bồng bế nhau trốn chạy rời Làng Giống Ké, Quận Vũng Liêm. Những sạp buôn trong chợ lại bị đốt sạch, cuối cùng, cả gia đình đành kéo nhau trở về quê nội. Sự giàu có của gia đình nội, tới thời gian này, vì chiến tranh loạn lạc, đã bị khánh kiệt gần như hoàn toàn. Nếu chúng ta từng đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, một nhà văn nổi tiếng người miền nam, chúng ta không thể quên được cái Lộ ông Bang, ông Bang đắp đường lộ, ông Bang chính là bố chồng của Bà Thoại. Gia đình giàu sang nhưng không tự cao hách dịch, ông bà đối xử rất tử tế với những người làm công và tá điền, sẵn sàng trợ giúp bằng mọi cách cho những người nghèo khổ khốn cùng. Các con cháu bây giờ, vẫn nhớ ơn ông bà, vì phước đức của ông bà để lại.

Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ Thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ rất nhân từ, rất can đảm và rất cương quyết, sẵn sàng đối phó với mọi gian nan thử thách, mọi tình huống nghiệt ngã trong cuộc đời để tận tụy phục vụ cho bố mẹ, cho chồng con và cho mọi người.

Năm 1975, quốc nạn bất ngờ ập đến, cuộc sống càng ngày càng cơ cực. Ông phải lặn lội đi xa coi sóc nhà máy xay lúa, một mình bà ở nhà nuôi dạy con cái. Mười đứa con, cả trai lẫn gái đều được khuyến khích theo học. Học hỏi không chỉ trong kiến thức, nhưng còn học cách làm người, như cha mẹ như ông bà. Bà Thoại khi rỗi rảnh kể lể chuyện ông Sang cho con cháu nghe, bà vẫn còn bùi ngùi lúc nhớ đến kỷ niệm ngày xưa. Ngày xưa, mà ông đã biết viết thơ về cảm ơn bà đã thay ông chăm sóc dạy dỗ các con nên người. Ngày xưa, mà khi bà bị bệnh nằm trên thường 28 ngày, dù đầy người giúp việc trong nhà nhưng ông cũng nhất định nghỉ làm trọn tháng để tự tay cơm bưng nước rót hầu hạ bà. Chúng ta sẽ vô cùng lầm lẫn, nếu cho rằng ngày xưa tình nghĩa vợ chồng không biết cách biểu lộ sự tình tứ lãng mạn và âu yếm mặn nồng. Một người con đã kể lại, chưa bao giờ thấy ba má to tiếng cãi nhau dù chỉ là một lần. Không phải là hai ông bà giấu giếm sự thật hay tránh né xung đột nhưng chỉ bởi vì hai ông bà biết cảm thông, biết chấp nhận, biết tôn trọng lẫn nhau và biết chân thành yêu thương nhau.Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ Thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ hết lòng chung thủy với chồng con, hết lòng hết sức để nuôi dạy các con nên người, vì cụ không chỉ dạy dỗ các con bằng miệng lưỡi ngon ngọt, nhưng bằng chính đời sống như một tấm gương về lòng độ lượng của cụ.

Như rất nhiều các gia đình khác, sau biến cố 1975, ông bà tìm cách cho các con vượt biên, dù có phải vay mượn nợ nần. Đến năm 1984, ông bà được các con cháu bảo lãnh sang Úc. Tuổi đời đã chồng chất, nhưng cụ ông cụ bà không xuôi tay đầu hàng với tuổi đời. Năm 1984, bà đã 60 ngoài, ông đã gần đến thất thập cổ lai hi, nhưng cụ ông cụ bà vẫn chăm chỉ học tiếng Anh. Các thầy cô người Úc đến nhà dạy đều phải cúi đầu khâm phục sự nhẫn nại kiên trì và cương quyết của hai người học trò đáng tuổi cha mẹ họ, nhưng vẫn khiêm tốn tập đọc tập nói từng câu từng chữ. Quí thầy cô vụt trở thành bạn hữu thân thiết, vì khi học xong, ông bà thường mời họ ở lại dùng cơm, đối xử với họ đúng theo tinh thần hiếu khách và kính trọng của văn hóa Việt Nam Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Hai ông bà cụ không chỉ tôn trọng thầy cô, nhưng còn trân trọng tình bằng hữu đối với mọi người. Không biết thì thôi, nhưng ai đã từng gặp cụ ông cụ bà thì không thể nào cưỡng lại sự cuốn hút mãnh liệt của cả hai người. Sự cuốn hút của một tấm lòng nhân từ hiếu khách chân thành. 

Rất tiếc, cụ ông qua đời trước cụ bà bốn năm. Tình nghĩa vợ chồng sau hơn nửa thế kỷ sống chung đành đứt đoạn chia lìa. âu cũng là định mênh, âu cũng là lẽ đương nhiên của thân phận làm người. Bốn năm chờ đợi, cụ bà vẫn cương quyết ở lại ngôi nhà cũ, vì ngôi nhà là kỷ niệm của một thuở yêu thương gắn bó vợ chồng. Trước khi ra đi, cụ bà đã trối trăn lại cho các con Ba ở đâu thì Má ở đó. Nếu có chôn thì để ba với má chung một nấm mồ, nằm bên cạnh bờ tre, nơi ba má gặp gỡ nhau lần đầu. Cô thôn nữ Vĩnh Long về nhà chồng năm 16 tuổi, đến khi nhắm mắt, cũng vẫn một lòng chung thủy theo chồng, khi còn sống cũng như lúc qua đời.

Trong những ngày tháng cuối đời, niềm tin của cụ vẫn gói trọn vào sự biết ơn thờ cúng tổ tiên ông bà. Tuy nhiên, cụ Võ Thị Thoại còn mở rộng tâm hồn để đón nhận thêm niềm tin vào Trời Phật, Thượng Đế và Thiên Chúa Cụ thường xuyên suy niệm đọc kinh, chăm chú nhìn vào di ảnh của ông bà, của chồng và nhìn lên thánh giá. Đã có lần một người con hỏi mẹ: Má có sợ chết hay không? Cụ bảo: Má không sợ, nhưng chỉ sợ không có ai chăm sóc cho cháu Ngân, đứa cháu đi du học đang ở chung với bà. Đến giây phút gần đất xa trời như thế mà cụ vẫn một lòng hiền mẫu lo lắng cho các con các cháu. Sau cùng, cụ đã thanh thản, bình an nhắm mắt ra đi vào lúc 8 giờ 30 tối ngày 24 tháng 9 năm 2002. Vào đời vào đầu mùa Xuân, cụ từ giã cõi đời cũng vào một mùa Xuân. Phải chăng đời cụ mãi mãi là một mùa xuân cho mọi người?

Kính thưa quí ông bà anh chị em,

Xin chân thành cảm ơn quí vị đã kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của gia đình cụ bà Võ Thị Thoại. Có lẽ bây giờ, chúng ta đã đủ dữ kiện và chi tiết để trả lời cho câu hỏi của tôi: Cụ là một người như thế nào, cụ là ai mà chỉ sau hai lần gặp gỡ, tôi đã bị cụ cuốn hút mãnh liệt cho đến nỗi sự ngậm ngùi nuối tiếc của tôi rất gần với sự than khóc của một đứa con mất mẹ.

Nếu có thể tóm gọn lại, thì cụ bà Võ Thị Thoại đã cuốn hút mọi người bởi vì cụ có một tấm lòng độ lượng chân thành: Tấm lòng hiếu thảo của một người con đối với bố mẹ, tấm lòng chung thủy sắt son của một người vợ đối với chồng, tấm lòng mẫu tử dạt dào thiết tha của một người mẹ đối với các con, tấm lòng khoan dung nhân hậu của một người bà đối với các cháu, tấm lòng tử tế thân thiên của một người bạn đối với bằng hữu hàng xóm láng giềng và ngay cả tấm lòng hiếu khách cởi mở chân thành đối với người dưng nước lã. Nếu tính theo số thời gian được gặp cụ, thì tôi chỉ là một người dưng, nhưng người dưng hay người thân không tùy thuộc vào số lần gặp gỡ bên ngoài, mà tùy thuộc vào sự gặp gỡ của hai tâm hồn. Đối với tôi, mặc dù chỉ trong hai lần gặp gỡ nhưng tôi đã là một người thân của cụ, và cụ đã là một người thân của tôi, vì tôi và cụ đã gặp gỡ nhau ở sự sâu thẳm cảm thông của hai tấm lòng.

Cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho chúng ta món quà cụ bà Võ Thị Thoại.

Cảm ơn cụ bà đã ban tặng cho chúng ta món quà của một tấm lòng độ lượng. Cảm ơn cụ bà đã để lại cho cuộc đời những người con, dâu, rể, cháu chắt. Họ sẽ là những chứng nhân đích thực của cách sống độ lượng Võ Thị Thoại, để người khác khi nhìn vào hoa trái đời sau sẽ biết giá tri của cội nguồn đời trước. 

Dưới nhãn quan của một cuộc đời bình thường, với niềm thương tiếc vô hạn và trong niềm cảm thông chia sẻ nỗi buồn với gia đình con cháu, chúng ta xin vĩnh biệt cụ Võ Thị Thoại. Nhưng dưới nhãn quan của một niềm tin tôn giáo, với niềm hy vọng vào một hội ngộ ở cõi vĩnh hằng, chúng ta chỉ xin tạm biệt cụ. Như đã có lần cụ kể lại cho các con: Cụ bà mơ thấy cụ ông đang xây nhà mới để đón cụ về. Như thế, cụ bà phải lên đường ra đi để được trở về đoàn tụ với cụ ông. Như di ngôn sau cùng của cụ để lại cho các con: Các con hãy biết đoàn kết, biết chăm sóc đùm bọc và yêu thương nhau. Hẹn ngày gặp lại các con trong một thế giới khác, thế giới của sự bình an và hạnh phúc đời đời. Riêng cá nhân tôi, tôi rất cần gặp lại cụ, vì cụ còn một câu chuyện leo cây lý thú mà cụ định kể cho tôi nghe nhưng chưa có cơ hội. Xin tạm biệt cụ, hẹn ngày được vinh dự gặp lại cụ trên thiên đường của niềm hạnh phúc và bình an.

Đã có nhiều tiếng khóc tiếc thương vô vàn cụ bà Võ Thị Thoại, nhưng trong những giọt lệ đó, hy vọng sẽ tiềm ẩn một nụ cười biết ơn cuộc đời trần thế của cụ, giống như nụ cười thật tươi của cụ trong di ảnh để lại cho chúng ta ngày tiễn đưa cụ hôm nay.

Melbourne 24 - 9 - 2002 
Linh Mục Đinh Thanh Bình

Thơ Tranh: Đời Mẹ Đẹp Bức Tranh Thêu

Tưởng nhớ về Má lần Giỗ thứ 15 Ngày 24/9
Con nguyện cầu Má Hạnh phúc cùng Ba nơi Thiên Đàng
( Con Kim Phượng)


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thơ Tranh: Đượm Tình Cha Mẹ

Tưởng nhớ Ngày Giỗ lần thứ 15 của Má 24/9 
Nguyện cầu Ba Má cùng anh Bảy Hiệp được hạnh Phúc nơi Nhà Chúa!


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thơ Tranh: Chim Thiên Đường

Ba Má ra đi khi Úc bước vào Xuân. 
24/9 là đúng Giỗ lần thứ 15 của Má.
Thương yêu gửi về Má Ba và nguyện cầu Ba Má hạnh phúc nơi Thiên Đàng!
(Con Kim Oanh)


Thơ &Thơ Tranh: Kim Oanh


Hạ Trắng - Trịnh Công Sơn - Tiếng Đàn Phủ Hiền


Nhạc Trịnh Công Sơn
Tiếng Đàn của Phủ Hiền
Phủ Hiền Thực Hiện

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Thu Ly Biệt - Thương Hận Thu


Hồn chìm đắm giữa rừng thu bát ngát
Lá vàng rơi trên nhung mượt cỏ non
Phút chia xa lòng hoài luyến nhớ
Bao vấn vương xao động mắt thu buồn

Chân nhẹ bước nghe lòng còn vướng lại
Nắng thu buồn soi dõi chiếc bóng đơn
Ngày dần buông chiều vàng dần sắp tắt
Bờ mi hoen với tháng đợi năm chờ

Ngọn gió tới lay cành xào xạc lá

Kim Phượng
***
"Ngọn gió tới lay cành xào xạc lá"
Để một trời "Thu Ly Biệt" tang thương...

Cảm Tác:
Thương Hận Thu


Cách biệt tình xưa tưởng dễ dàng
Quên rồi kỷ niệm… Bỗng mùa sang!
Hoàng Lan trổ rực chừng xao xuyến
Phượng Vĩ tàn phai để nhỡ nhàng

Dậy nắng, còn mơ "vòng sợi đỏ"(*)
Mù sương, chẳng thiết "động hoa vàng"(*)
Không người, có đủ thương ...sầu... hận...
Bủa chặt tim này... phải hét vang!

(*) vòng sợi đỏ: sự tích Nguyệt Lão.
(*) động hoa vàng: sự tích Từ Thức.

dovaden2010


Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Pleiku, Mùa Dã Quỳ


Bài Xướng:

Pleiku, Mùa Dã Quỳ

(Đoạn đầu bài thơ để tưởng nhớ đến nhà thơ Lê Kim Hiệp
và cũng là ngày giỗ đầu 8/11 của người)

Chiều về phố núi mờ sương
Dã quỳ lã ngọn nghĩ thương thân mình!
Cánh hoa vàng rực đượm tình
Nhớ màu em mặc áo in vào hồn

Song Quang
***
Bài Họa:


Buồn tênh Phố Núi mù sương
Dã quỳ vàng đóa nhớ thương riêng mình
Cánh hoa rực rỡ lưu tình
Nhẹ làn hương thoảng đậm in tận hồn

Kim Phượng
Họa thay em Kim Hiệp


Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Thư Mời Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long Lần Thứ 1 Thuộc Khu Vực Cần Thơ


Ban Liên Lạc  Kỹ Thuật Vĩnh Long xin kính chuyển thư mời đến:
Quý Thầy Cô và các Bạn cựu học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long
(đang ở, làm việc, hay đang có mặt ở Cần Thơ)



Về việc: Mời dự họp mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long
 Khu vực Cần Thơ – Lần thứ 1  
Ghi chú: 
-Ban Tổ Chức đang gửi thư mời đến Quý Thầy Cô cà các bạn cựu học sinh KTVL (đang ở, làm việc, hay đang có mặt ở Cần Thơ) về dự họp mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long (Khu vực Cần Thơ – Lần thứ 1) ngày 30/9/2017.
-Trường hợp đến ngày 20/9/2017 mà quý Thầy Cô và các bạn chưa nhận được thư mời, xin vui lòng liên lạc báo với Ban Tổ Chức , để BTC gửi thư mời bổ sung cho được đầy đủ. Cám ơn!
*Liên lạc Ban Tổ Chức:
-Trần Triều Sanh kt62: 01682270152
-Lê Đức Thắng kt69: 0983399171
-Trần Bình kt71: 0913759505
-Nguyễn thị Xuân Hương kt70: 0976173961

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Trống Vắng


Phượng vỹ đầu mùa thấm sắc tươi
Tìm đâu chẳng thấy tiếng ai cười
Lời chưa kịp tỏ người sao vội
Khoảng trống vườn tâm đến lặng người

Kim Phượng


Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Thu Sầu



Lá rơi nhè nhẹ cuốn theo dòng
Vằng vặc trăng thu mỏi mắt mong
Mộng đẹp đầy vui giây phút ấy
Đã xa rồi chết lặng bên song

Đâu tình thơ lúc tựa vai kề
Lòng lắng êm đềm lạc cõi mê
Xao xuyến rộn ràng hồn trĩu nặng
Mấy thương chi lắm nhạt hương thề

Thu ai đem đến nỗi u sầu
Một trái tim nồng một vết khâu
Dấn bước đường trần thân mệt mỏi
Đất trời lồng lộng cố nhân đâu

Kim Phượng



Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Đơn Độc


Ngậm ngùi tri cố sự
Đông giá nở anh đào
Cô phụ nhìn hoa tím
Nghe lòng đợt sóng xao

Mùa hoa giữa tháng đông
Viễn xứ biết hay không
Sang thu mai cũng nở
Đơn độc giữa mùa đông.

Cao Linh Tử

Cảm tác từ Hoa Đào Trước Gió Đông...Hoa Đời Trong Giông Bão của Kim Phượng


Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Thăm Vườn Hoa Keukenhof (Hoà Lan) - 17- 5 -2017 ) - 17- 5 -2017


Keukenhof là vườn hoa tulip lớn nhất thế gìới. Ai cũng biết Hoà Lan nổi tiếng với loại hoa nầy. Mỗi năm họ xuất cảng hàng triệu củ hoa tulip đi khắp thế giới. Hoa tulip chỉ nở vào vào muà Xuân nên Keukenhof chỉ mở cửa cho công chúng vào xem có 2 tháng, năm nay từ 23/3 tới 21/5./2017. 

Do đó muốn thăm Keukenhof thì phải đến Amsterdam vào khoảng thời gian nầy. Keukenhof nằm ở vùng ngoại ô ,thuộc làng Lisse. Muốn thăm Keukenhof thì phải tới Schiphol airport, lây xe bus # 858 Keukenhof Express , chạy chừng 35 phút là tới nơi.  


Chúng tôi mua vé Region Travel Ticket đi trọn ngày, dùng cho tất cả bus, metro, train ra tới ngoại ô, giá 18.5 Euro ( mắc hơn ở Paris nhiều, ở Paris cũng cùng một loại vé bao luôn 1 tuần Navigo decouverte chỉ có 22.5 Euro , trung bình 3.2 Euro/ngày ). 

Vé vào cửa Keukenhof là 16 Euro / người. Phong cảnh Keukenhof rất nên thơ, với hàng trăm loại hoa tulip, đủ màu trắng, đỏ, tím, vàng khoe sắc, với nhiều sông, suối bao quanh. Đi chơi ngoài vườn xong, bạn vô thăm nhà kiếng trưng bày hoa tươi trong chậu. 

Họ có làm một áo cưới khổng lồ kết hoa tươi, để cho mấy bà xếp hàng vô đứng chụp hình. Bên cạnh vườn hoa là một cánh đồng rộng bát ngát, có lẽ trồng lấy củ để bán. Phải mất 3 - 4 giờ mới có thể thăm viếng hết vườn hoa nầy.. Chúng tôi đến đây là cuối muà, hoa đã nở rộ và sắp tàn, và chỉ còn vài ngày nữa là vườn hoa đóng cửa, tuy nhiên vẫn còn kịp để thưởng lãm một vườn hoa đẹp.







Kinh Luân

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

haiku 71


haiku 71

thủ thỉ
từng nỗi u sầu
lá thu

dovaden2010-19/8/2017
***
Cảm Tác:

Hồn Thu


sầu lên
len lén tâm tư
hồn thu

Kim Phượng

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Lấy Lại Căn Bản


Ngày 18 tháng 12, 1946, lúc tám giờ tối, tiếng súng vang giội khắp nơi trong thủ đô Hà nội. Cuộc tiêu thổ kháng chiến bắt đầu! Cha Bề trên và tôi đi chữa bệnh tại nhà thương Saint Paul, đang chuẩn bị trở về Châu sơn thì bị kẹt lại.

Niên học 1948-1949 tôi được nhận vào lớp Đệ tứ trường Dũng lạc, miễn phí vì là Đệ tử Châu sơn. Hồi đó tôi mất căn bản về tất cả các môn, trừ Pháp văn; tôi nhớ mãi: Thầy Nguyễn văn Mùi dạy lớp tôi hai môn, Việt và Pháp, một hôm thầy ra cùng một đề cho cả hai môn; bài làm Việt văn tôi được tám chín điểm gì đó; nhưng bài Pháp văn tôi được tới mười ba hay mười bốn, tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu, chỉ biết là thầy đã phê , “Anh viết tiếng Pháp hay hơn tiếng Việt!” Lúc đó tôi rất buồn, nghĩ mình là người Việt nam mà viết tiếng mẹ đẻ không bằng tiếng ngoại quốc: coi như là mất gốc. 
Về nhà tôi cố gắng tìm đọc những bài xã thuyết của các báo cũ cũng như mới, mượn được của bất cứ người nào tôi quen; tôi cũng tìm đủ mọi cách mua những sách tập làm văn để đọc thêm. Kết quả trong bài thi cuối năm, thầy phê, “Anh viết văn nhà báo!” Anh văn là môn tôi mất căn bản nhất, vì tôi chưa từng bao giờ học nó. Rất may, có một người quen cho tôi tiền đi học thêm. 
Hồi đó thầy Lê Bá Kông, vừa dạy trường Dũng lạc vừa mở lớp dạy thêm tại nhà; sáng nào tôi cũng dậy sớm, tới nhà thầy học, rồi đi thẳng tới trường luôn. Còn các môn khác như toán,lý, hóa tôi phải mua sách tự học lấy. 

Nhờ sự cố gắng vượt mức, mà tôi đã theo kịp chương trình, và cuối năm được lên lớp!

THẠCH TRONG (HĐN)

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Angelina Jordan 7 year old sings Gloomy Sunday by Billie Holiday - Norwa...

Sunday is gloomy
My hours are slumberless
Dearest the shadows
I live with are numberless

Little white flowers
Will never awaken you
Not where the black coach
Of sorrow has taken you

Angels have no thoughts
Of ever returning you
Would they be angry
If I thought of joining you

Gloomy Sunday...

Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Độc Ẩm - Đối Ẩm


Bài Xướng:

Độc Ẩm


Nửa chén trăng bên trời độc ẩm,
Một mình ngồi ngơ ngẩn cùng đêm.
Sao khuya rơi rụng trên thềm,
Kêu sương tiếng quạ cho mềm nhớ nhung.
Sương mờ rơi mông lung đêm vắng,
Tiếng dương cầm càng lắng càng hay.
Đàn lòng thổn thức từng dây
Nỗi niềm tri kỷ như đầy như vơi.
Đêm thanh vắng tiếng rơi hoa lá,
Xao xuyến lòng, khuấy cả hồn đêm.
Bên hè tiếng gió cứ rên,
Ai đem sương trắng nhuộm thêm mái đầu.
Trăng ngả nghiêng ly sầu mãi rót,
Xuân rồi hạ nối gót thu phong.
Thời gian nhanh quá lạnh lùng,
Người vui trên ấy có còn làm thơ?

Mailoc
7-5-17
***
Bài Họa:

Đối Ẩm

Không tri kỷ lấy ai đối ẩm
Ngồi một mình ngớ ngẩn tàn đêm
Ứớc gì chân nhẹ trước thềm
Cho thôi khắc khoải môi mềm mắt nhung
Mượn chén cay nghĩ lung canh vắng
Khúc u trầm sâu lắng có hay
Tim đau oằn xuống sáu dây
Gửi niềm tâm sự khi đầy lúc vơi
Tiếng khoan nhặt rớt rơi trên lá
Lẫn vào hồn buốt cả sương đêm
Thương vay gió rít cứ rên
Thời gian nhuộm thấm tóc thêm trắng đầu
Bầu rượu cạn giọt sầu mãi rót
Mong ngày về phủ gót rêu phong
Liêu trai mộng giấc lạ lùng
Thiên thu chốn ấy người còn yêu thơ

Kim Phượng



Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Mưa Bão - Khắc Khoải Đợi Chờ


Bài Xướng: 

Mưa Bão


Đố ai phân được nước trời
Một màu xám ngắt tơi bời thế gian
Trần ai nầy chỉ gian nan
Nhẹ nhàng cất bước thênh thang lối về

Nguyễn Cao Khải
***
Bài Họa:


Khắc Khoải Đợi Chờ


Thảm thay ách nước tai trời
Lòng hoang giá lạnh rối bời trần gian
Ngày ngày cùng khốn nguy nan
Bao giờ thôi hết lang thang tìm về

Kim Phượng

*Ảnh của Nguyễn Cao Khải, chụp cơn bão Harvey đang hoành hành.

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Vòm Trời Kỷ Niệm - Chút Kỷ Niệm Xưa


Vòm Trời Kỷ Niệm

Ôm bờ vai tóc mây huyền óng ả
Tiếng cười vui rộn cả góc sân trường
Nàng vô tư chân nhẹ thoát hài xinh
Dưới tàng phượng cùng bầy ve ra rả

Vạt nắng chiều mơn man từng kẽ lá
Rơi điểm đầy trên tà vạt trắng tinh
Rạng rỡ soi môi sắc phượng hữu tình
Trong thoáng chốc vấn vương hình bóng ấy

Giờ thấy nhau mai sân trường trống vắng
Có còn ai cho len lén trộm nhìn
Nghe buốt tim hằn dấu gót hài in
Giấc mộng đầu yêu thương đành để lại

Kim Phượng
***

Chút Kỷ Niệm Xưa

Cảm tác qua bài thơ "Vòm Trời Kỷ niệm "của Kim Phượng

Nhớ xưa,tóc em dài buông lơi óng ả
Xỏa bờ vai nhẹ thả hớp hồn anh
Chiều nắng nghiêng em đứng nép bên mành
Nên thầm ước,nhưng nào đâu dám nói

Tình vừa chớm thì thầm lên tiếng gọi
Mộng ban đầu đâu gian dối em ơi!
Sao nở quay lưng để mộng xa rời
Đời đưa đẩy hai phương trời cách biệt

Nay cách trở em thấy lòng nuối tiếc?
Anh thì luôn da diết kỷ niêm xưa
Buốt con tim nghe thương nhớ sao vừa
Tan giấc mộng buổi đầu đời yêu ấy!

Song Quang


Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Thơ Tranh Nhớ Mẹ


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hình Bóng Người Thương - Ba


Hình Bóng Người Thương

Đã lìa cõi tạm trần gian
Trở về cát bụi mây ngàn cách xa
Phù du một kiếp vội qua
Lấy chi đền đáp bao la biển đời
Nhớ ơn công đức cao vời
Tâm con ghi khắc những lời khuyên răn
Mơ tìm trong cõi vĩnh hằng
Đêm nay bóng cũ phải chăng Ba về

Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Cha 2017
***
Ba 
Cảm Tác Tặng Chị Kim Phượng

Người đã từ lâu biệt thế gian
Nhớ thương nhiều lúc ứa hai hàng
Đông con hại cái luôn gầy ốm
Trắng vận thi tài lắm dở dang
Thổn thức câu đàn đêm quạnh vắng
Nhẹ nhàng giấc ngủ cõi bình an
Treo gương dạy dỗ nơi nghèo khó
Của báu dành cho chẳng phải vàng.

Cao Linh Tử
5/9/2017

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Cha Mẹ - Thầy Thích Tâm Nguyên

Vu Lan Tưởng Nhớ Song Thân

Con đi từ phượng trổ bông
Cành xưa mươi mấy năm ròng trơ xương
Âm thầm lau giọt lệ thương
Lần mò ra cổng lạnh sương đêm về


Kim Phượng




Am Cỏ Xưa - Am Cỏ Biếc


Bài Xướng:

Am Cỏ Ngày Xưa

Am cỏ bây giờ đã hết vui
Tàng cao trăng bóng chếch dần lui
Từ hôm chén ngọc vừa say khướt
Có những vần thơ đã ngủ vùi
Khách đến rồi đi ai trở lại?
Người thương vẫn đợi rượu chưa khui
Bỗng nghe tiếng nhạn từ xa lắm
Tha thiết lời xưa dạ rối nùi!

Cao Linh Tử
27/7/2017
***
Bài Họa:

Am Cỏ Biếc

Lều tranh hương cỏ ấy mà vui
Tệ xá dừng chân chớ vội lui
Chén ngọc khướt say cùng kể lễ
Hồn thơ sầu muộn hãy chôn vùi
Thân tình thắm thiết người mong đến
Thiện ý chân thành rượu đợi khui
Tâm sự nhau nghe chuyện chẳng mấy
Về đôi nhẫn cỏ bị vo nùi

Kim Phượng



Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Thơ Tranh: Lời Mẹ Cha

Thắp nén nhang lòng kính dâng Ông Bà, Ba Má, trong Ngày Nhớ Ơn Cha ngày 3 tháng 9 năm 2017 và tưởng nhớ anh trai Lê Kim Hiệp (KimOanh)


Thơ: Lê Kim Hiệp

Hình Ảnh: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hình Bóng Người Thương


Đã lìa cõi tạm trần gian
Trở về cát bụi mây ngàn cách xa
Phù du một kiếp vội qua
Lấy chi đền đáp bao la biển đời
Nhớ ơn công đức cao vời
Tâm con ghi khắc những lời khuyên răn
Mơ tìm trong cõi vĩnh hằng
Đêm nay bóng cũ phải chăng Ba về 


Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Cha 2017

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Gặp


Bài Xướng: 


Gặp

Em chờ đợi đã bao lâu
Khi ta tìm được tóc màu gió sương
Phải chăng vì đã sai đường
Nên mình cách biệt hai phương xa rời
Giờ đây mỗi kẻ mỗi nơi
Câu thơ đối đáp kết lời giao duyên.

Quên Đi
***
Các Bài Họa:

Hoa Và Gió

Hữu duyên ắt gặp từ lâu
Đâu chờ đến lúc phai màu tóc sương
Em như hoa mọc bên đường
Anh, cơn gió thổi muôn phương chẳng rời
Cuối mùa, gió ghé đến nơi
Hoa đâu còn thắm cho lời trao duyên!

Phương Hà
***
Cuối Đời


Cuộc đời phát họa từ lâu
Thay đen đổi trắng phai màu bạc sương
Sa chân lỡ bước cùn đường
Đắc nhân tâm độ muôn phương khổ rời
Cuối đời về lại một nơi
Đừng quên chén tạc trót lời kết duyên

Kim Oanh
***
Gặp


Trăng tàn hè phố đã lâu
Trôi qua ngày tháng trắng màu tuyết sương
Chim lồng lối tắt cùn đường
Hướng dương hoa chỉ một phương chẳng rời
Dù trời chia cách đôi nơi
Trúc mai kết nghĩa thơ lời bén duyên

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Chia Tay


Chia tay biệt xứ cũng lâu
Gặp nhau hai đứa ôm sầu tuyết sương
Tình xưa nghĩa cũ đôi đường
"Châu về Hợp Phố" cung thương rã rời
Cố nhân vương vấn chung nơi
Thỏa lòng mơ ước ở đời nên duyên...

Mai Xuân Thanh
Ngày 22 tháng 07 năm 2017
***
Tự Tình

Đời còn lại được bao lâu
Vẫn trông bóng nhớ đón tàu hồi quê
Vườn xưa hoa thắm vẫn về
Thu xưa ánh thắm trăng thề vẫn say
Người như trái tượng trên cây
Qua mùa chín mãn rụng đầy trước sân
Ngước nhìn trời rộng bâng khuâng
Cánh dìu đã xếp người thân phương nào

Dù đời còn chẳng bao lâu
Giữ hồn xưa cũ, gìn màu thủy chung
Quê hương nỗi tủi khôn cùng
Lòng nhân vô cảm, nét hùng dở ương
Ngậm ngùi con sóng trùng dương
Đưa tình tách bến, chờ thương trở về!

Mai Thắng
170724