Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Thu - Xuân Diệu


Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh; ấy là mùa thu đã về,mùa thu mới về, yểu điệu thục nữ. Trời bớt nóng và thêm mát. Có ai thổi cơm mà khói nhẹ mơ hồ đâu đây...

Chưa có sương mù, chưa có hẳn sương mờ, chỉ là đôi thoáng sương mơ, mỏng như chiêm bao. Mặt trời nhạt vừa khuất mây, thì khối lá biếc hơi nhòa; mặt trời vừa ló lại ánh vàng, thì khối lá lại hiện nguyên sắc biếc; không biết có phải sương thu mới nhóm, hay đó chỉ là sự huyền ảo của chính hồn tôi?

Mùa thu đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng; nàng thu bước rất khoan thai, tà áo thướt tha, chân không có tiếng. Thân hình nàng uốn éo rất thân quý, mặt ngọc của nàng che sau cánh quạt mở, thỉnh thoảng cánh quạt khẽ chệch, để lộ đôi mắt êm như trời xanh buổi chiều.

Mặc dù bên Tây cũng có mùa thu, thiên hạ vẫn cứ thấy mùa thu là ở bên Tàu. Mùa thu cũng đồng một quê quán với Tây Thi, với nàng Tây Thi quá xưa cho nên quá đẹp, và cũng vì quá xưa cho nên không ai nhớ hình ảnh. Không ai nở tưởng tượng nàng Tây Thi với má hồng môi son, mà chỉ cảm nàng Tây Thi chứa ánh mơ không màu sắc, chỉ có êm đềm tuyệt diệu mơ màng, cũng như mùa thu.
Mùa thu là cái gì xa xôi, cái gì kín đáo, và thanh tao bình dị, và xa xôi mênh mang. Nên thu bao giờ cũng xưa, ta thấy như thuở thời xưa mà về; và ta cũng thấy như rất thong thả, bình yên, thu ở trên trời mà xuống.

Và cả nước tàu cổ là một mùa thu bát ngát, bằng và rộng như một cảnh hồ không có bờ bến, " thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc, lạc hà dữ cô lộ tề phi "

Trái lại, mùa cũng là một nước Tàu cổ mênh mông, làm ta nghĩ những cảnh xa vắng ngàn đời, ở sông Tiêu Tương cũng như ở bến Hà Nội.


Nhưng tôi còn thấy thu là mùa yêu. Với lòng tôi, trời đất chỉ có hai mùa: Xuân với Thu, hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh. Từ xuân sang hè, là từ ấm sang nóng, từ thu sang đông, là từ mát sang lạnh, sự thay đổi làm ta bực tức mà lại không có gì thực mới cả; đông với hè chỉ là sự thái quá của thu với xuân. Chứ còn từ đông sang xuân, sao mà sung sướng thế! Linh chuyển ngược sang ấm, từ một điều rất khó chịu chuyển ngược sang một điều rất dễ chịu. Theo lẽ ấy, hè sang thu là bao nhiêu khoái trá cho giác quan; được rời bỏ lửa chói chang, mà vào trong nước hiền hòa, mát mẻ. Xuân với thu là hai bình minh trong một năm, sự đổi thay hệ trọng nhất cho tâm hồn. Và bởi vậy, thu cũng là một mùa xuân...
Thu cũng là một mùa xuân! Tôi tìm thấy cái khoái lạc đó. Tôi nghe rất đúng.

Đầu xuân là bình minh ấm của lòng tôi; đầu thu là bình minh mát của lòng tôi. Và ấm hay mát, thu hay xuân, lòng tôi cũng rạo rực những tiếng thu, ái tình ghé môi gọi lời trong gió...

Mỗi lần thu sang, mắt tôi chưa thấy mờ chân trời, chưa trông cây lá thêm xanh, mà da tôi đã nghe trước những mũi kim dịu dàng của không khí. Hơi mát kích thích, thoảng nghe lành lạnh, máu tôi vội vàng cưỡng lại, chạy hăng và khỏa lên.

Sự sống trong mùa xuân tưng bừng ra ngoài, thì giữa mùa thu, sự sống lại tìm tàng lặn vào bên trong, ,sắp sẵn lò sưỡi ở giữa ngực. Tôi hơi buồn mơ hồ, nhưng tôi cũng sống rất phơi phới. Ôi, xuân ý của mùa thu, sao mà đầy một vị mặn nồng kỳ dị, có hơi quợng gạo trong niềm sung sướng, và trong nỗi tràn đầy, phải chăng có lẫn một màu đắng cay...


Thu không phải là mùa sầu. Ấy chính là mùa yêu, mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau. Tiếng nói thành ra nhỏ hơn, cổ họng hơi chùng giây, âm nhạc của lời tình đàn theo một bậc thấp. Sự ngông cuồng bớt rất nhiều, người ta ngoan hơn, để mười hay hai mươi ngón tay đan với nhau, và lắng nghe sắc trời xanh xuống ôm lấy đứa đôi như một tấm áo che sương. Ấy là những giờ thân mật dạo qua hai hàng cây; ấy là chiếc thuyền trễ trên hồ tàn sen, bị cảm buổi chiều tím.

Trời muốn lạnh, nên người ta cần nhau hơn. Và người nào chỉ có một thân, thì cần một người khác. Xuân , người ta vì ấm mà cần tình.

Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà cũng rất cần đôi.
Cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung, những linh hồn cô đơn thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau, và lòng tôi nghe tất cả du dương của thứ vô tuyến điện ấy.

Xuân Diệu

Kim Phượng Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét