Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Phút Lặng Lẽ Đêm Giao Thừa

Cha!
Vậy là năm nay là năm đầu tiên con không còn được ở bên cạnh cha phút giao thừa và cùng nhau chào năm mới nữa.
Con nhớ thương cha.

Con nhớ cha mỗi khi nghe con gọi điện thoại thăm hỏi, rồi con quyết định gác bỏ mọi sự sau lưng, để con kịp thời đến bên cha những ngày giáp Tết, trong Tết, cha nghẹn ngào như muốn khóc: "con... ơi... con..."

Để rồi con hiện diện thật, là chính con thật, bên cha, cha siết tay con thật chặt. Cha tất tả chạy ra bến xe đón con chứ nhất định không để con tự đi về, trừ 2 năm vừa rồi cha đã quá yếu vì bịnh tật hành hạ. (Cha bịnh gì, bịnh gì, cha nói rõ cho con nghe hết và dặn con im lặng vì cha biết tính con là lửa. Con im lặng lâu ngày, mấy năm sau con cũng quên béng, chỉ có biết alô nhắc cha canh uống thuốc đúng giờ để duy trì sự sống thôi).

Cha là một bác sĩ rất giỏi chuyên môn, nhưng cha không thể tự điều trị hoàn hảo cho chính mình, chỉ vì lòng yêu thương quảng đại vô bờ. Giờ của cha uống thuốc, nghỉ ngơi, cả trăm người gọi! Không thăm hỏi thì cũng réo hỏi cách điều trị cho bịnh nhân này, loại bịnh kia, hết HIV/AIDS thì qua lao, phổi, hạch, phong, ung thư, đủ thứ đủ trò đủ người đủ việc.


Có ở bên cạnh cha trọn từng ngày một mới trân quý, con mới thấu hiểu tình yêu thương dâng hiến của cha đã bào mòn cha đến từng tế bào gan cuối cùng như thế nào. Con chứng kiến hết, rồi con đau đớn. Có lưỡi gươm hay mũi kim nhọn hoắc nào đó đâm thấu tim con nhưng ngoài miệng con vẫn tỏ ra bình thản mỉm cười. Cha chỉ là một bác sĩ giỏi, giỏi rất giỏi, cha không phải một hoạ sĩ tài ba nhưng thực sự cha đã tái hiện lại, vẽ được đầy đủ dung nhan chân thật, sống động nhất người thầy của chúng ta: yêu thương là dâng hiến trọn tình, yêu thương là chấp nhận hy sinh. Cha chỉ hầu hạ điều Người muốn, chứ không phải ý cha muốn. Mà người đời thì mấy ai hiểu tới?

Để chuẩn bị cho phút giao thừa hàng năm, con chỉ mua 2 bó hoa lay ơn Đà Lạt, màu đỏ, chỉ 20 ngàn đồng, rẻ tiền mà gần gũi. Cha nói cha rất thích, rẻ tiền mà có tâm tình là được, đâu cần thứ cao sang tốn kém làm gì cho phí uổng. Con luôn mua đồ đạc đúng ý cha, vì chúng ta có cùng một suy nghĩ về lối sống nghèo, một ơn cực trọng Người đã ưu ái dành riêng ban cho chúng ta, để dành mọi phương tiện cho người cần thì tốt hơn biết bao nhiêu!

Khi con loay hoay tỉ mẩn chăm chút từng chiếc lá, từng nụ hoa sắp nở thì cha chuẩn bị kinh kệ, giờ lễ, bài đọc. Chúng ta chỉ có 2 người thôi, không nói nhiều nhưng luôn tỏ ra hiểu nhau như đã gặp nhau từ đời thuở nào trước vậy.


Giờ lễ đêm giao thừa, trên bàn thánh cha nhìn thấy có Người vô hình và có con bằng xương bằng thịt đang cung kính đứng bên dưới. Con ngước nhìn lên bàn thánh, con thấy có cha bằng thịt bằng xương rồi con mới nhìn thấy Người. Đầu lễ cha dặn con tập trung ý chỉ để cha con mình cùng cầu nguyện cho các ân nhân của người nghèo còn sống hay họ đã qua đời, cầu cho bịnh nhân và người nghèo bên lề xã hội, cầu xin ơn bình an cho gia đình, những người thân yêu của cha con mình. Cha giảng lễ chỉ để cho con nghe nên con nghe thấm hết. Cha chỉ trò chuyện thân mật nhưng con luôn nghe được tới thâm căn tận cùng của từng từ, từng ngữ hết sức khiêm tốn và bình dị. Con làm sao quên được những phút cha dâng của lễ trang nghiêm, kính cẩn như một vị thánh của tình yêu đang ẩn thân trong một ông già gầy ốm khiến cho con cũng được tình yêu thương bao phủ cả người. Tới khi rước lễ, tự tay cha luôn chấm chén cho con rước lễ rồi chúng ta chung lời tạ ơn Người.

Chúng ta rất hạnh phúc, thứ hạnh phúc thoạt nhìn có vẻ khắc khổ nhưng không phải ai cũng có được diễm phúc cao vời đó. Chỉ những người được Người là Đấng yêu thương ưu ái tuyển chọn, thì mới được cảm nghiệm và cảm nghiệm được trong nội tâm.

Con nhớ năm nào, cách đây 8 năm thì phải.
Con từ Sài Gòn lên ở cùng cha. Có chút rau cải, cha đem cho hết sạch. Người ta thương tình, cho thêm nửa con gà luộc, cho chả, cho này cho kia để ăn Tết. Con mới định bụng để dành 1 chút để có cái mà chuẩn bị bữa ăn thì cha đã phát sạch sẽ cho người đồng bào nghèo đang thiếu đói. Còn chúng ta? Chúng ta đang hiện diện bên nhau. Cha nhìn con cười cười. Con gật đầu với cha. Chúng ta không cần phải tốn với nhau 1 lời gì nữa cho phí phạm tiếng nói. Rồi con trổ hết bình sinh, lượm lặt mấy cọng cải khô queo trong thùng rác để chế biến thành một tô canh đủ để chúng ta ăn cơm. Cha trìu mến nhìn con, cả 2 chúng ta mỉm cười hạnh phúc. Chính khi đó cha cũng đã hiểu rõ con như con đã hiểu về cha, 2 chúng ta chỉ là một.

Lại một năm nữa qua đi.
Năm cha còn khỏe, cha háo hức chuẩn bị, thu xếp công việc rồi chúng ta cùng đi thăm làng này làng nọ của đồng bào các DT thiểu số. Con nhìn thấy được điều này, cha nhìn thấy được điều kia, chúng ta trao đổi bổ khuyết cho nhau theo đúng thánh ý của Người muốn. Cha nói chỉ có tâm tình yêu thương trọn vẹn và tinh tuyền thì mới được việc. Con thì nghĩ rằng người đang ngồi sau xe máy con chở là chính Người!

Chiều về, biết cha đã thấm mệt vì chúng ta đã cố gắng hết sức, hết tâm hồn, hết cả trí khôn, con thì cần giặt đồ. Làm gì có máy giặt này kia. Con sợ cha hao tốn thời gian quý báu, tội. Con nài nỉ cha cởi áo cho con giặt luôn một lượt. Cuối cùng thì cha cũng bị con thuyết phục. Trời ơi! Chiếc áo trong của cha, nó rách bươm còn thua cả cái khăn lau bàn! Con trân trọng đón lấy. Con ngồi trong toalet vò chiếc áo này với đôi vớ rách mà nước mắt con cứ tuôn ngon lành... Mình thật là hèn!

Trở về Sài Gòn, con kể lại trên trang mạng xã hội Multiply, nhiều người bày tỏ lòng yêu mến cha dù chưa có dịp được tiếp xúc với cha bao giờ: chỉ là một ông già gầy yếu luôn khiêm cung, luôn hạ mình xuống thấp nhất, gọi mọi người là "ông/bà/cô/chú/dì/chị/anh/chị/em" và xưng mình là "em", "con", đặc biệt lễ phép với các Sơ, các thầy ("dì ơi em nói dì nghe", "dạ vâng, dạ vâng, thưa thầy"...) Người đi đôi dép cũ mèm đã đứt quai, chưa và không bao giờ biết "tạo dáng", ra vẻ ta đây là một ông cha, một linh mục gì hết.

Gần đây thì thầy Tiếng còn kể cho con nghe, đại ý là cha chỉ có 1 đôi giày cũ nát, nó nát bấy như tương rồi, cha vẫn mang. Khi không còn mang được nữa, cha xin thầy về Sài Gòn nhờ thợ giày khâu sửa, đến nỗi thợ sửa giày bật cười với thầy: khâu hết nổi luôn rồi, mua đôi mới mà mang. Chiều ý cha, thầy lại năn nỉ người ta khâu giúp...

Mà quý cha, trân quý cha, thì đâu phải chỉ có thầy Tiếng, anh T., nhóm thợ làm nhà tình thương cho bà con nghèo, mà tít tắp chân trời xa người ta cũng yêu mến cha, đặc biệt là những vị Phật tử tốt lành.

Lại năm nữa, người này người kia nhờ con đem ít thứ bánh trái, dưa món củ kiệu, nước chanh dây tự làm, hùm bà lằng thứ gởi con đem lên biếu cha, bày tỏ chút lòng thành và thương mến cha. Con nhận lời đem hết. Mới gặp con đem từng món ra thuyết minh, bánh này, kẹo này là của cô A, dưa món củ kiệu này là của chị B, nước này do chị C tự tay nấu để cha giải khát... Cha gật đầu cảm ơn rồi dặn con đem phát hết sạch cho các em học trò DT, cho người này người kia rồi mới trở về nhà. Cha chỉ đón nhận tấm lòng, hệt như Người. Đồng bào DT nghèo khổ nhận được gì là lập tức cha vui rồi...


Năm khác, trước khi con động tay đến máy tính để phụ cha tổng kết báo cáo cho các ân nhân ở xa. Con dặn cha yên chí thong thả lấy giấy tờ, cuốn này cuốn kia ra xem qua rồi con sẽ có cách làm nhanh nhất. Cha nghe lời con, cha làm như con dặn.

Chỉ chờ có thế, con vờ đi dạo mát rồi lẻn ra sau, qua nhà nguyện, phòng con ở kế bên. Con lấy hết áo lễ ra giặt hết từng cái một, cái cổ áo nào cũng đen sì vì lâu ngày chưa được giặt. Con không muốn cha bị tốn thời gian cho những việc vặt kiểu này. Chính Người đã muốn cho tự tay con hầu hạ Người, nên Người sai con đến bên cha. Đến khi cha xong việc, cha quay ra tìm con thì con đã phơi đâu đó từng chiếc áo mới rồi. Chuyện đã xong, cha chỉ còn cảm động mỉm cười, "ôi, cảm ơn con. Tạ ơn Chúa, tạ ơn Chúa !"

Cha không thông thạo tin học ứng dụng thì Người đem con đến trợ giúp. Chỉ cần 2 ngày Tết, cha đã có thể báo cáo chi tiết và đầy đủ cho ân nhân ở xa, số bò cấp phát cho người DT nghèo làm vốn liếng ban đầu bao nhiêu con, đã chết mấy con, còn bao nhiêu con, nhà ai, tại sao bò chết. Giúp học trò, giúp đào tạo nghề cho thanh niên DT, giúp học bổng cho các em sinh viên nhà nghèo hiếu học. Giúp gỡ nợ cho những người DT tội nghiệp nào, còn ai mắc nợ vì vay mượn tiền của người Kinh. Giúp đem bịnh nhân nghèo ra thành phố, giúp đưa họ về Sài Gòn chữa bịnh. Giúp làm nhà cho nhà nào, còn bao nhiêu nhà phải đợi tới lượt trong những cuốn sổ dày cui... Một núi công việc đổ lên vai cha, chỉ 1 mình cha, không khác gì hình ảnh Tôn Ngộ Không gánh cả quả núi lớn nhất trĩu nặng vai. Con phụ cha thống kê mà toát cả mồ hôi! Con khuyên cha xin ân nhân đi, làm ơn đừng đòi báo cáo này kia nữa, không có giờ !

Vậy mà...

Dù sao, con cũng còn nhớ rõ lời cha dặn. 
Những năm đầu tiên, xuất hiện ông thầy bình dân, con thắc mắc và cha trả lời :
"Nơi đây, thầy Tiếng và nhóm thợ, A.K. là bạn đồng hành đáng tin cậy của người nghèo và bịnh nhân. Không có thầy Tiếng hết lòng trợ giúp, nâng đỡ họ và giúp cha, cha không thể làm gì tốt đẹp hơn cho người bà con anh em các dân tộc thiểu số được đâu. Thầy Tiếng là anh của cha, thầy là cánh tay phải đắc lực của cha đấy con. Tiếc là luật dòng của thầy Tiếng không cho phép thầy có số tài khoản để nhận tiền của ân nhân gởi cho giúp người nghèo nên cha cứ phải chạy ra gặp thầy, chạy về, rồi lại chạy xem tình hình công việc... mất giờ thế nào thì con biết rồi đấy".

Ba người chúng ta, một linh mục, một thầy, một giáo dân quèn lèng xèng đều có cùng một thầy dạy duy nhất là Đấng yêu thương viên mãn.

Cha đi rồi, thầy quá thương nhớ cha mà bịnh của thầy cũng trở nặng khó kiểm soát. Thầy vẫn alô cho con. Thầy đã nhờ người về Đà Lạt gởi lại cho con một phần cuốn sách thầy đã đưa cha đọc khi cha đang là một bác sĩ Phật giáo, một nhà khoa học chân thành tìm hiểu "Công giáo" là đạo gì, tôn thờ ai, tại sao và như thế nào. Con biết cha quý trọng thầy Tiếng. Chẳng có gì là lạ lùng khi con luôn nghe cha gọi điện thoại, nói chuyện trực tiếp đều một mực "Dạ vâng, dạ vâng", "À anh Tiếng ơi anh Tiếng, em...", "Dạ, em cám ơn thầy"... rất lễ phép với thầy, không bao giờ dám có ý tứ thiếu tôn trọng thầy. Cũng như cha đã tỏ ra luôn tôn trọng, quý mến con thế nào, thì con và thầy Tiếng mới biết nhau, qua cha.

Con còn nhớ...
Đêm đêm, cha sợ phòng con không đủ ấm, cha thường dặn "con ơi con nhớ mặc áo ấm nhé, nhớ đắp chăn dày và giăng mùng kẻo muỗi đốt nghe con". Con nằm bên này thì lại lo bên đó không biết cha có còn bị ai gọi điện thoại thăm hỏi, quấy rầy gì không, khi nào cha đi ngủ, cha ngủ đủ giấc không, cha có bị lạnh không...

Năm thì phòng con nằm ngủ cũng mục nát sát vách nát phòng ngủ tạm bợ tồi tàn của cha. Chỉ nằm cách nhau tấm ván ép mối mọt đã ăn nhiều, con nghe rõ mồn một tiếng cha thở mà cứ đoán già đoán non, "cha ta lại đổ bịnh rồi !" rồi trằn trọc thao thức và cầu xin Đấng yêu thương ban cho cha những gì tốt đẹp nhất.

Sáng mùng 1 Tết, như thường lệ, cha luôn chúc lành cho con trước.
Có năm nửa đêm gần sáng con bị đau bụng dữ dội, sợ đánh thức cha đang ngủ coi nhà ở dãy bên kia, con không có chìa khoá đi toalet đành ra vườn phía này. Chó sủa ầm ĩ, cha thức dậy. Con bối rối "cha ơi con bị đau bụng". Cha lật đật ào ra đỡ con dậy, dặn con mau tắm nước ấm nóng rồi cha lao vô phòng con soạn lấy đồ giùm cho con mặc. Tình cha con ta thiệt chẳng khác gì tình cha con máu mủ ruột thịt.

Người đồng bào các dân tộc thiểu số xa gần liên tục đến thăm, chúc tết cha. Con muốn tiếp đỡ cha cũng không được vì họ rất ức lòng muốn gặp cha để bày tỏ sự cảm kích, mến thương của họ dành cho cha. Chứng kiến tất cả, con hân hoan trong lòng nhưng lại lo cha sắp ngã quỵ vì phải tiếp khách liên tục liên tục. Ôi, Đấng sai cha đến đây cũng sai con đến đây, lẽ nào con khoanh tay nhìn vị thừa sai của Tình yêu và lòng thương xót chịu trận ? Con dùng lý trí và con tim của mình để hầu việc, tất cả việc vặt con giành lấy, pha trà rót nước, mời khách, rửa ly, dọn bàn, quét dọn, nấu ăn, con giành hết mà cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với tình người bao la nơi người bà con các dân tộc đang dành cho người cha họ trân quý... Vào cuối ngày, con biết cha đã mệt mỏi bơ phờ vì tiếp khách hầu hết là người đồng bào các dân tộc Jơ Lâng, Rơ Ngao, Xê Đăng, Jrai, Bana nhưng cha lại luôn bình thản và hạnh phúc chào đón họ từng người một đến với cha. Đôi khi, con thấy mình thật tệ, tệ hơn họ rất nhiều!


Con đang nhớ đến cha, nhắc nhớ đến thầy Tiếng, nhớ đến người đồng bào các dân tộc thiểu số vùng xa, con cũng đã nhắc đến ngôi mộ cha Combes mà một gia đình người DT đang ở bên cạnh chăm sóc chu đáo ngôi mộ đó với lòng thành kính tri ân cha Combes đã tận hiến cuộc đời tươi trẻ của ngài cho họ. Dân làng đã bỏ đi hết nhưng gia đình này vẫn ở lại bên cạnh mộ cha Combes. Lòng trung tín và sự thành tâm của họ đã truyền lại cho nhau tới 4 - 5 đời!

Năm rồi cha bịnh, mệt không đi nổi.
Con thay mặt cha đem bó hoa, đem quà cha gởi để theo anh T. chạy vô làng xa thăm bà già dân tộc mới biết ông cụ đau bịnh (chồng bà cụ) đã chết. Xác ông cũng được chôn nằm gần ông bà tổ tiên ông, bên cạnh mộ cha Combes. Con chỉ cần nói "con thay mặt bok Chung" thì bà già đã vồn vã hỏi con "bok Chung đâu, bok Chung khoẻ không, cảm ơn bok Chung nhiều lắm" với ánh mắt mang vẻ trìu mến thiết tha vô cùng. Con nghĩ rằng sẽ không khác gì ông bà của bà đã quý mến cha Combes và các vị thừa sai năm xưa theo cùng cách thức như thế.

Con đang muốn nói đến những cuốn sách cha và thầy đã tặng cho con đọc để hiểu hơn về ơn gọi hầu hạ người dân tộc thiểu số của các ngài. Con không thể không nhắc đến thiên hồi ký tuyệt vời và cao cả, tự tay cha trao tặng cho con như một báu vật: "Dân Làng Hồ".

Cha và thầy đã tiếp tục công trình phục vụ "dân Làng Hồ" đó. Với tư cách là một chứng nhân, là bạn của 2 ngài, con cũng được Người dạy riêng cho hiểu hạnh phúc thực sự viên mãn nằm ở đâu, cần phải làm gì một khi đã thông hiểu. Và con cũng được tinh tiến viên mãn từ lâu.

Tết vừa rồi, con hồi hộp, con quá sốt ruột khi cha nói cha cần tĩnh tâm để chuẩn bị soạn bài giảng tĩnh tâm cho các Sơ. Con đùng đùng nổi giận, con gắt lên : "Các Sơ không biết là cha đã vất vả đến thế nào sao còn gây thêm phiền hà? Thiếu gì cha khác có thể giúp tĩnh tâm?! Tại sao cha lại không từ chối bớt đi chứ ?" Biết là con có Lửa trong người luôn chực đốt, cha ậm ừ để con nguôi ngoai, "ừ thôi con. Bây giờ cha lỡ nhận lời rồi con à. Cha hứa với con, từ nay cha sẽ không nhận giảng nữa. Con yên tâm nhé. Giảng cho các Sơ, ai cũng học cao, hiểu biết rộng nên cha cần tập trung lắm !" Con giận quá, nói thì nói vậy, chứ con cũng biết các Sơ quý cha lắm mới mời cha đến giảng.

Sau Tết, chính là lần cuối cùng cha đi giảng tĩnh tâm cho các Sơ. Cũng có được yên đâu. Có chuyện cha nhờ con xử lý. Nay, con lại có chuyện của bịnh nhân nghèo, con tự giải quyết không xong, bất quá con đành xin cha xử lý thay. Thật khốn khó, bận bịu hết sức, cha vẫn chiều ý con: Cha không nhờ được ai nên cha tự thân đến bịnh viện an ủi, lo cho người ta. Chúng con lại hành hạ cha nữa, mà cứ ngây ngô không biết! Con thật là khốn nạn!

Rồi năm nay, sao cha?
Con không dám bước chân ra chợ Đà Lạt tự tay mình chọn mua các hạt đậu ngon nhất để chuẩn bị một bữa chè dịu nhẹ, hay là vài cọng rau trồng từ đất Đà Lạt, con tự tay nấu mời cha và các em nhỏ ăn như mọi khi. Nhìn thấy chúng dịp này là con sẽ nhớ cha quay quắt!


Cha nói với (chúng) con ước nguyện một ngày nào cha nằm xuống, cha được nằm lại vùng đất của người đồng bào các dân tộc tội nghiệp đáng thương, như các vị thừa sai tiền nhân người Pháp đã nằm xuống đây cho tình Người được lớn lên vậy.

Chúng ta đã cùng nhau đi thăm các làng xa heo hút, đã mấy lần cùng nhau đến thăm mộ cha Combes cách chúng ta chỉ khoảng 55 km nhưng đường xa gập ghềnh.

Tết 2016 - 2017, một lần nữa chúng ta đã thấy bàn tay thần lực uy linh của Người đã xòe ra che chở, bảo vệ cha khi chúng ta đến thăm bà cụ DT lủi thủi ở một mình đói khát, khi quay xuống cha đã bị trượt chân lảo đảo mấy bước liền và khi đó chỉ còn khoảng 5 centimet nữa thôi thì cái cổ của cha đã nằm gọn trong mái tole sắc lẹm! Quá bất ngờ hoảng hốt, con không kịp giữ bình tĩnh chìa tay ra kéo giật ngược cha lên nhưng một Nguồn Lực vô hình đã cản lại trọng lực và quán tính cha đang đổ xuống vào giây cuối cùng. Hoàn hồn, chúng ta chỉ nhìn nhau và cảm ơn Người. Con là chứng nhân, con sẽ quay lại đó để thay mặt cha thăm hỏi bà cụ.

Con sẽ thăm lại xem những cội rễ già nua trên ngọn đồi đó có còn trơn trượt khó dễ bước chân con?

Cha nói "con luôn biết sống có tình, có nghĩa, có chung có thủy" khi con năn nỉ cha sắp xếp cùng con đi thăm một bà mẹ làng SOS Đà Lạt, người đã thương xem con như con, hồi năm 2008 ở Thanh Đa, khi đó dì đã lâm bịnh rất nặng. Thương nghe lời con xin, cha đã cố gắng thu xếp công việc để con chở cha đến thăm người mẹ này lần cuối ở Sài Gòn, khi đó con cũng hết sức tranh thủ khi đại diện công ty để đi họp bảo hành hàng hoá. Là một bác sĩ giỏi, rất giỏi, cha đã đưa ra những lời khuyên cần thiết cho dì. Cha biết con thương người chị ruột, cha cũng hết lòng giúp đỡ cho chị con khi bịnh đã trở nên quá nặng khó cứu. Lễ giỗ của chị con, cha không đợi con xin lễ mà hàng năm cha đã chủ động dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn chị con rồi mới alô thông báo cho con được nhẹ lòng...

Mùng 2 Tết, thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho ông bà tổ tiên, cha mẹ, các ngài còn sống hay đã qua đời. Cha luôn luôn cầu nguyện cho gia đình người thân của cha và những người thân của con với lòng thành kính nghiêm trang. Tết năm rồi, ngồi bên cạnh cha, con nghe cha hết sức tranh thủ để gọi điện thoại ôn tồn thăm hỏi mẹ già của cha, bà cố của con. Rồi cha lần lượt thăm hỏi các em, các cháu của cha, hệt như cha đang ở ngay bên cạnh họ ở Sài Gòn vậy! Con bồi hồi, con linh cảm... nhưng con không được quyền dự báo. Chúng ta cần phải trung thành trong thánh ý của Người trong mọi sự.

Con luôn tìm cách làm dịu vơi gánh nặng cha mang, thì cha lại đối xử với con như máu mủ của mình. Cha hỏi linh hồn cha mẹ của con là gì, rồi, chiều đến, cha con mình đọc kinh chung với nhau. Tối, cha dâng riêng một thánh lễ để cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ của con trong nhà nguyện không gian nhỏ xíu mà con ngỡ nó rộng vô bờ, chỉ có 2 cha con. Ai hạnh phúc bằng con? Con còn mơ ước gì hơn?


Mùng 3 Tết, thánh lễ xin Chúa thánh hoá công việc, làm ăn buôn bán hay phục vụ người khác, cha luôn ưu ái chúc lành cho con, đứa con hoang đàng.

Lẽ nào con không về thăm cha một lần nơi vùng đất hiền hòa lẫn đau thương khủng khiếp đó?

Con sẽ thay cha đến những nơi cần đến.
Liệu con có xoa dịu được nỗi đau mất cha nơi người đồng bào dân tộc ở quá xa chẳng hề được biết người cha họ hết mực trân quý đã thực sự nằm xuống ? Người cha ngày ngày tìm cách giúp người đồng bào khốn khổ gỡ từng khoản nợ to nhỏ mà người Kinh gian manh đã siết chặt cổ họ không thể thoát ra, biến người đồng bào nghèo thành nô lệ mới, thành trâu cày thời đại mới, nay còn đâu?


Vâng lịnh Người, con cũng được phép cha cho tùy ý theo chính nhận thức và suy nghĩ của con, chỉ là con kể lại một chút kỷ niệm của chúng ta để mưu ích, để những ai tự xưng phục vụ người phận nhỏ cần biết phải làm gì cho xứng đáng hơn trước khi được trở về nhà Người.
Cá tính của con trước sau không thay đổi. Con vẫn là con, khó chịu, khó tánh, ngang tàng ương bướng, chỉ đến khi gặp cha, gặp thầy Tiếng, con mới phải quỳ xuống hôn giày hôn chân các ngài.

Thầy Tiếng đổ bịnh, cha hãy thương.
Con lại nghe đâu nhóm bác sĩ bạn cha đã lập Quỹ trợ giúp học bổng mang họ tên của cha, như một cách để duy trì công trình và tưởng nhớ cha.
Cha hãy yên nghỉ và chúc lành cho con như mọi khi, cha nhé !

Phúc
https://www.facebook.com/ngphucdl/posts/1899719663671841

Ảnh: Cha Nguyễn Viết Chung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét