Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Trường Trung Học Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long (1952-1975)


Đủ hiểu biết và thẩm quyền để nói về quá trình hoạt động của Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ Vĩnh long (1952-1975), có lẽ chỉ có 3 người:

- Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang (1909-1990), vị sáng lập, Hiệu trưởng tiên khởi từ 1952.
- Thầy Trần văn Phong (1920-2011), Giám học, thừa lệnh Hiệu trưởng trực tiếp điều hành từ niên khóa đầu tiên.
- và Cô Đặng thị Nhan (1925-2004), Tổng Giám thị, đồng thời quản lý điều hành khi Thầy Trần Phong vắng mặt.

Rất tiếc rằng, thầy Trần Phong đã là người cuối cùng ra đi!

Khi Cha Quang nhậm chức Giám mục Cần Thơ giữa năm 1965, chức danh Hiệu trưởng Trường THTT NgTrườngTộ (là một nhà trường Công Giáo*) đương nhiên chuyển giao cho Linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Vĩnh long kế nhiệm. Tuần tự là các vị:

- Cha Benoit Trương Thành Thắng (1912-1987).
- Cha Phaolô Trịnh Công Trọng (1922-2006).
- Cha Phêrô Nguyễn văn Tự (1928-2001)
- Cha Antôn Ngô văn Thuật (1930-1997).

Các vị này (nguyên là Thầy học của tôi trong Tiểu Chủng viện VL) nay cũng không còn nữa.

Tôi chỉ nhớ loáng thoáng rằng năm 1954, khi được Mẹ mang về Vĩnh Long để vào học lớp Năm (lớp 1 ngày nay) ở Trường Bà (trường Tiểu học của các Sơ dòng Thánh Phaolo, góc đường Trưng Nữ Vương - Nguyễn Trường Tộ) thì Mẹ tôi, Cô Bảy Nhan đã đi dạy ở Cầu Cái Cá hơn một năm trước đó rồi.

Cơ sở đầu tiên của trường THTT Nguyễn Trường Tộ ở ngay dưới chân cầu Cái Cá đường Nguyễn Trường Tộ (Tô thị Huỳnh ngày nay), gồm một dãy lớp học hướng ra bờ Rạch Cái Cá, dãy nhà trệt này nghe nói được thuê của gia đình Ông Năm Gioan (?), là khối dinh thự cổ kính kề bên.

Vài năm sau, Trường THTT Nguyễn Trường Tộ được nhận cơ sở chính thức là dãy nhà lợp ngói bên hông cánh phải Nhà thờ Chính toà lúc đó (nhìn ra sông Cổ Chiên, vị trí một phần quảng trường Vĩnh Long ngày nay), giáp lưng với Trường Bà. Tuy vậy, cơ sở cầu Cái Cá vẫn tiếp tục duy trì thêm vài niên khoá, dành cho cấp Đệ Thất.

Khoảng năm 1960, Trường được mở rộng thêm một dảy phía sau Nhà thờ. Lm.Hiệu trưởng, cũng là Cha Chánh sở Giáo xứ cho sử dụng sân bao quanh Nhà thờ làm sân trường, trong sân rợp bóng những gốc me cổ thụ. Nhà của Cha Chánh sở (nhà Xứ) toạ lạc bên cánh trái Nhà thờ, phía sau còn có sân vườn. Các dịp Khai giảng hay Bãi trường hàng năm được cử hành tại tiền diện ngôi Giáo đường kiểu Romain cổ kính này.

Năm 1967, một Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long mới được khánh thành trên địa điểm ngày nay (gần Ngã ba đi Cần Thơ), Nhà thờ cũ bỏ trống. Đức Cha Quang và Linh mục kế nhiệm là Cha B.Thắng cho phép dùng nội thất Nhà thờ cũ để làm phòng học tạm, mỗi khi thiếu chỗ sắp lớp. Không được lâu, chiến trận Tết Mậu Thân khiến Nhà thờ xưa bị hư hại nhiều, tháp chuông bị đổ sụp, trần mái thi thoảng rơi xuống bất chợt. Cuối năm đó, công trình kiến trúc này phải bị phá dở hoàn toàn trong sự luyến tiếc của nhiều người, dành không gian trống cho sân trường đến tận sau năm 2000. Vài dãy lớp học mới được xây tiếp nơi sân phía sau nhà Xứ cũ.

Theo tâm nguyện của Cha Nguyễn Ngọc Quang - một đời dành cho lý tưởng giáo dục thanh thiếu niên, Thầy Trần văn Phong, với sự trợ giúp của Cô Đặng thị Nhan trong nhiệm vụ Giám thị, và Cô Trần thị Hạnh trong vai trò Thủ quỷ, đã qui tụ được nhiều thầy cô ưu tú cùng góp công xây dựng một môi trường giáo dục trong sáng, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh nên người hữu ích cho gia đình và xã hội.

Hàng ngũ giảng dạy tại trường THTT Nguyễn Trường Tộ, có cả sự góp mặt của các tu sĩ từ Đại Chũng Viện Xuân Bích VL (đang học để nhậm chức linh mục) cùng một số giáo sư đương nhiệm của trường công lập Tống Phước Hiệp. Không ít nhân vật nổi tiếng trong lảnh vực văn hoá, giáo dục đã nhiệt tâm đến trường thuyết giảng cho học sinh theo lời thỉnh mời của Thầy Trần văn Phong.


Sau chính biến 1963 ít lâu, Cô Bảy Nhan quyết định về Sài gòn tham gia việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, cuối năm 1964 Cô Nhan phải cấp tốc quay trở lại trường, theo yêu cầu của Lm.Hiệu trưởng, do Thầy Trần văn Phong buộc phải vắng mặt lâu dài vì thời cuộc.

Được sự khuyến khích, hổ trợ của Đức Giám Mục Cần Thơ và Linh mục Hiệu trưởng, Cô Đặng thị Nhan đã sát cánh cùng Hội đồng giáo sư, nối tiếp sự nghiệp của trường THTT Nguyễn Trường Tộ trong những thời gian vắng mặt thầy Phong.

Đến tháng Sáu 1975, Giáo quyền chỉ định Cô Nhan tiến hành bàn giao cơ sở giáo dục này.

***
Tôi vào học Trường Nguyễn Trường Tộ từ năm Đệ Ngũ, niên khoá 1963-64. Cuối niên khoá 66-67 thi Tú tài 1 xong thì phải chuyễn sang trường Tống Phước Hiệp để được học tiếp lớp Đệ Nhất.

Nhớ lại những năm đó, sau giờ học, tôi thường được sư phụ là một ông Cai Nhà đèn (nhà máy điện của tỉnh VL) cho vác thang đi theo học việc. Để khuyến khích, ông giao cho tôi đảm nhiệm những mối khách hàng quen thân với tôi, trong đó có cả việc sửa chữa điện cho trường NgTrường Tộ. Công việc lâu ngày khiến mọi người trong trường mặc nhiên xem tôi như một công nhân kỹ thuật của cái trường mà tôi đang là học sinh và các Thầy Cô hay nhân viên ở đó đang là đồng nghiệp của Mẹ tôi!

Bởi cái vị trí ngộ nghỉnh đó, tôi luôn được kêu gọi tham gia mọi sinh hoạt của học sinh cũng như nhiều công việc trong văn phòng nhà trường. Về sau, khi một số bạn cùng lứa đã được bước lên bục giảng của trường, tôi còn có dịp cùng vài bạn đồng hương quay lại hợp tác hướng dẫn cho các lớp đàn em.

Cũng như những bạn đồng song thời bước chân chập chững đến trường, sân chơi hàng ngày của chúng tôi thủa bé chính là sân Nhà thờ đó, là bến sông đó. Kéo dài sang những năm trung học và sau trung học, vừa học, vừa chơi, vừa giao tiếp, vừa làm việc. Vật đổi sao dời, khung cảnh của một thời đã xoá sạch hoàn toàn, những ngày xưa nay còn vài người bạn già lẩm cẩm, vài tấm hình hoen cũ ...

Cũng hay, nhờ vậy mà những kỷ niệm vấn vương trong ký ức có thể vẫn giữ được nguyên dáng đẹp ngày xanh... Về một không gian không còn tồn tại.

Hồi tưởng về Trường Trung học Tư thục Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long
để kính nhớ Mẹ tôi, Thầy Phong, cùng những người thương mến.

Đặng Anh Tuấn, Nov.2011

PS: Chỉ là hồi ức nên một vài chi tiết có thể chưa chính xác, xin miễn thứ.

* Về sự hình thành và tổ chức của Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long có lẽ nên biết rõ hơn:

Lycéum Nguyễn Trường Tộ được thành lập bởi Lm.Nguyễn Ngọc Quang, cùng Hội Đồng Quản Trị của nhà trường gồm các nhân sĩ Công Giáo lúc đó: Ông Đỗ Đình Duy (ba của Tiến), Ông giáo Lê Văn Thiên (7 Thiên, ba của Trường), Ông Tư Lộc là Giám Đốc nhà in Long Hồ, Ông Phán Thiện và Ông Năm Gioan. Chính ông Năm Gioan đề nghị Cha Quang dùng kho lúa của ông ở cầu Cái Cá để lập lớp đầu tiên của Nguyễn Trường Tộ. Em vợ của Ông Duy, Thầy Trần Phong vừa tốt nghiệp Đại Học Công Giáo Paris, được mời làm phó Giám Đốc kiêm Giám Học.

Lycéum Nguyễn Trường Tộ VL là một “Trường Công Giáo”, được Giáo Quyền công nhận và hoạt động giáo dục theo Giáo luật. Giáo Luật điều 803 định nghĩa: “Trường học được gọi là Công giáo khi được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội hay một công pháp nhân trong Giáo Hội điều khiển, hoặc được Giáo Quyền nhìn nhận như vậy qua một văn kiện.” ... Khoản (2) của điều 803 Giáo Luật còn qui định: “Việc huấn luyện và giáo dục trong một trường công giáo phải được căn cứ trên những nguyên tắc của giáo lý công giáo. Các giáo viên phải trổi vượt về giáo lý chân chính và đời sống thanh liêm.”

Nói gọn, Hiệu trưởng tức là chức danh điều khiển nhà trường được qui định phải là một pháp nhân trong Giáo hội.

Cha Quang, và các vị kế nhiệm là Chánh sở họ đạo Vĩnh long.

Vì nhà thờ họ đạo VL cũng là Nhà thờ Chánh Tòa của địa phận Vĩnh long, thế nên Linh mục Chánh sở họ Vĩnh Long cùng đồng thời là Linh mục Tổng đại diện Giáo phận Vĩnh Long, cũng còn gọi là Cha Chính Địa phận, giữ trách nhiệm pháp nhân của Địa phận. (Lưu ý: thẩm quyền quản lý trông coi địa phận là Giám mục).

Và như vậy, Cha Chính Địa phận VL hội đủ tư cách pháp nhân làm Hiệu trưởng một trường CG theo luật định!

Lm Ngô văn Thuật vẫn phải giữ quyền Hiệu trưởng đến phút cuối. Cô Nhan chỉ thừa lệnh Giáo quyền để thực hiện tiến trinh bàn giao một cơ sở giáo dục của Địa phận Vĩnh Long cho Chính quyền lúc đó. (trích)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét