Thơ Lục Bát xuất hiện vào thời nào. Có từ bao giờ?
Một câu hỏi không riêng gì cá nhân tôi, mà còn rất nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu văn học. Nhưng đến nay không có lời giải mà chỉ có những giả thiết.
Có một vài nhà nghiên cứu cho rằng thơ Lục Bát xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Vì theo tìm hiểu của các vị ấy, đến thế kỷ 16, các tác phẩm viết bằng thể thơ Lục Bát vẫn chưa hoàn chỉnh về âm điệu và gieo vần.
Về văn bản Nôm cũng theo nghiên cứu của các học giả, thì bản Nôm viết theo thể Lục Bát đầu tiên có "Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh", truyện "Trinh Thử", và về sau, có rất nhiều tác phẩm Lục Bát được viết bằng chữ Nôm như: Trê Cóc, Mục Liên Bản Hạnh, Bích Câu Kỳ Ngộ...và nổi bật nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Tuy nhiên nhìn chung, các nhà nghiên cứu này chỉ truy nguyên nguồn gốc thơ Lục Bát qua những tác phẩm, rõ ràng đây lại là cách tiếp cận phần ngọn, trong khi Ca Dao là loại Văn chương truyền khẩu, xuất xứ từ những người bình dân lam lũ, chớ không phải là những nhà trí thức nho học.
Thực tế, thơ Lục Bát có nguồn gốc từ ca dao Việt Nam, và ca dao đã có từ rất lâu, nhưng có thể do người sáng tác không biết chữ, cũng như chưa có ký tự, nên chỉ truyền khẩu. Vì vậy không thể xác định ca dao đã xuất hiện vào lúc nào, nhưng có một điều chắc chắn là thơ Lục Bát xuất hiện sau khi ngôn ngữ Việt đã có thể dùng để giao tiếp dễ dàng, và người Việt đã hình thành cuộc sống định cư.
Theo huyền sử, Đế Viêm được gọi là Thần Nông, người được cho là thủy tổ của nền Văn Minh Lúa Nước, trong khi tổ của họ Hồng Bàng là Đế Minh chính là cháu 3 đời của Thần Nông. Nên dân Việt đã học được nghề trồng lúa nước, một nghề chính trong lịch sử nước nhà từ thời dựng nước đến nay.
Trên những cánh đồng ngập nước sau những trận mưa đầu mùa, những thôn dân trai có gái có, nam thì kéo bừa, kéo cày...gái thì thi nhau cấy lúa...giữa khung cảnh an bình và trữ tình như thế, những câu trêu ghẹo của đôi bên xuất hiện. Lúc đầu chỉ là những câu nói bình thường, nhưng từ từ chúng được sắp xếp nghe êm tai và du dương hơn, để rồi theo thời gian khuôn phép thơ Lục Bát hình thành và đi đến hoàn chỉnh như ngày nay:
Em như ngọn cỏ phất phơ
Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng
Lưng dài có võng đòn cong
Áo dài đã có lụa hồng vua ban.
(Ca Dao)
và từ đó những câu nói êm có vần có điệu được phát triển thành những đoạn dài hơn:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
(Ca Dao)
Có lẽ thơ Lục Bát khởi đầu như thế. Khởi đầu và hình thành vào thời kỳ dân ta phát triển mạnh nghề làm lúa nước.
Thơ Lục Bát bắt nguồn từ Ca Dao. Muốn tìm hiểu về thơ Lục Bát, các Học giả đã đi sâu vào nghiên cứu Ca Dao để từ đó rút ra quy tắc về luật thơ Lục Bát.
Mỗi loại thơ đều có những nét riêng, để phân biệt, Ta thường dựa vào Hình thức và Cách gieo vần để phân biệt các dạng thơ.
A- Hình Thức Thơ Lục Bát
1- Thơ Lục Bát
Các nhà nghiên cứu đã dựa vào số chữ trong câu mà đạt tên cho dạng thơ Việt chúng ta, đó là câu 6 chữ và câu 8 chữ:
Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.
Của chua ai nấy cũng thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày
Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm
Anh đi không lẽ em cầm
Chấp tay đưa bạn ruột bầm như dưa
Anh về không lẽ em đưa
Hai hàng nước mắt như mưa tháng mười.
(Ca Dao)
2- Thơ Lục Bát Biến Thể
Thơ Lục bát không chỉ đơn thuần là câu 6 và câu 8, mà còn có những câu nhiều hoặc ít hơn 6 hay 8 chữ, các Học giả gọi đó là Lục Bát Biến Thể:
Rượu Phù Li chuốc để hai hàng
Phụ mẫu anh uống trước, phụ mẫu nàng uống sau.
Anh thương em không muốn vào nhà
Đi qua ngoài ngõ hỏi có gà bán không
- Nhà em buôn vải bán bông
Buôn tơ bán lụa em không có gà.
(Ca Dao)
3- Thơ Song Thất Lục Bát
Đây cũng là dạng thơ Lục Bát Biến Thể, nhưng có quy định rõ ràng là 2 câu 7 rồi đến câu 6 và 8
Câu Thất 1: b b T t B b T
Câu Thất 2: t t B b T t B
Câu Lục: b B t T b B
Câu Bát: b B t T b B t B
Đoạn hai: b b T t B b T (giống 4 câu trên )
t t B b T t B
b B t T b B
b B t T b B t B
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đâỵ
Sứ trời sớm giục đường mây
Phép công là trọng, niềm tây sá nào...(Chinh Phụ Ngâm)
B - Cách Gieo Vần Trong Thơ Lục Bát
Khác với các loại thơ Tây, thơ Tàu chỉ gieo vần cuối câu (Cước Vận), thơ Việt chúng ta ngoài gieo vần cuối câu mà còn gieo vần ở giữa câu gọi là vần lưng (Yêu Vận).
Khởi đầu là chữ cuối câu 6 sẽ gieo vần với chữ thứ 6 của câu 8. Chữ thứ 8 của câu 8 gieo vần với chữ cuối của câu 6 kế tiếp. Cứ tuần tự như thế cho đến hết bài thơ.
Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra chỗ gió còn chăng hỡi đèn
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn
Gặp mây trăng phải nhiều phen phải luồn
(Ca Dao)
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
(Kiều)
Không biết có phải do bản chất đơn thuần dân dã không, mà cách gieo vần của Lục Bát cũng dễ dãi:
- Chữ cuối câu 6 gieo vần với chữ thứ 4 câu 8:
Thuyền dời nào bến có dời
Khăng khăng một lời quân tử nhất ngôn
Trời mưa trời gió đùng đùng
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu...
Đời vua Thái Tổ Thái Tông
Lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn
(Ca Dao)
- Gieo Vần Trắc: đây cũng là một điều thú vị chứng minh sự dễ dãi và phóng túng của dân quê mùa chúng ta:
Con kiến bò ngang ổ mối
Anh báo với nàng để tối anh qua
Tóc ngôi dài, tóc mai cụt
Cầu trời khấn Bụt cho tóc mai dài
Bao giờ tóc chấm ngang vai
Thì ta kết nghĩa làm hai vợ chồng
Anh ham giàu là anh dại
Của hoạnh tài người lại mau hư
(Ca Dao)
C- Luật Thanh (Luật Bằng Trắc)
Thông thường cấu trúc âm điệu Bằng Trắc của thơ Lục Bát như sau:
B B T T B B
B B T T B B T B
Ai bì anh có tiền bồ
Anh đi anh lấy sáu cô một lần
Cô Hai buôn tảo bán tần
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
Cô Tư dọn dẹp trong nhà
Cô Năm sắc thuốc mẹ già cô trông
Cô Sáu trải chiếu giăng mùng
Một mình cô Bảy nằm chung với chồng
(Ca Dao)
Tuy thế, thơ lục bát không quá câu nệ trong luật bằng trắc. Như chữ thứ 2 không nhất thiết phải Bằng và chữ thứ 4 có thể là Bằng, chữ thứ 5-6 vẫn có thể Trắc:
Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngay ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông...
Biển cạn, lời nguyền không cạn
Núi lở non mòn nghĩa bạn không quên
Đường mòn sáng xuống chiều lên
Dặn ai hãy nhớ đừng quên nghĩa tình.
(Ca Dao)
Thời gian gần đây, có những người làm thơ Lục Bát, nhưng các câu thơ được chia ra thành nhiều câu nhỏ gọi là Lục Bát Cách Tân gì đó, ví dụ như:
Trên trời,
Có đám mây xanh
Ở giữa
Mây trắng,
Chung quanh mây vàng
Ước gì
Anh lấy được nàng
Thì anh
Mua gạch Bát Tràng
Về xây...
...vân vân và vân vân...(xin mượn ca dao làm thí dụ)
Theo cá nhân tôi, mỗi loại thơ có cấu trúc câu, vần riêng biệt, khi nhìn vào Ta sẽ biết ngay đó là Thể Thơ gì. Tuy thí dụ trên là thơ Lục Bát, nhưng khi xé ra như thế, thì không còn chút gì mang đặc điểm của thơ Lục Bát cả. Phải chăng người có sáng kiến này ngầm ý chê Lục Bát thơ kệch, quê mùa, cần phá bỏ nét cũ hằng ngàn năm qua, thay vào phong thái mới cho hiện đại hơn?
Tôi có người Bạn Thơ ở Đồng Tháp, khi nhìn thấy những bài thơ kiểu này anh đã thốt lên:
Nỡ nào chặt khúc câu thơ
Ôi thôi lục bát bây giờ ra sao?
Nguyễn Du trông thấy lệ trào
Thấy thơ tàn phế mà ngao ngán lòng! huuuuuuuuu
(Cao Linh Tử)
Đọc mấy câu thơ Lục Bát trên của người bạn, tôi thấy vui vui vì có người cùng cảm nghĩ như mình. Tôi cũng viết ngay mấy câu:
Cũng vì tạo dáng bài thơ
Nên hình bóng cũ đến giờ thảm thay
Câu thơ người nỡ bẻ hai
Khiến tình Lục Bát đêm ngày trở trăn!
(Huỳnh Hữu Đức)
Thiết nghĩ thơ Lục Bát có thể xem như là Quốc Hồn Quốc Túy, hy vọng các nhà thơ đừng vì thích kiểu cách mới lạ, mà làm mất đi cái dáng dấp thuần Việt, một nét văn hóa đọc đáo của đất nước chúng ta.
Xin thứ lỗi cho sự ví von:
Ta về ta tắm ao ta
Ao nhà có đục cũng là cái ao
Huỳnh Hữu Đức