Tiêu đề Nhãn
- Biên Khảo
- Câu Đối
- Cổ Thi
- Hình Ảnh Nay
- Hình Ảnh Xưa
- Luận Án Ra Trường
- Lưu Niệm
- Nhạc Ngoại Quốc
- Nhạc Việt
- Sưu Tầm
- Thơ Mùa Đông
- Thơ Ba Má
- Thơ Cảm Tác
- Thơ Diễn Ngâm
- Thơ Mùa Hạ
- Thơ Mùa Lễ
- Thơ Mùa Thu
- Thơ Mùa Xuân
- Thơ Phổ Nhạc
- Thơ Tình
- Thơ Tranh
- Thơ Tranh Nghệ Sĩ
- Thơ Xướng Họa
- Tích Hay
- Trang Bán Công Nguyễn Thông
- Trang Bạn Hữu
- Trang Kỹ Thuật
- Trang Nguyễn Trường Tộ
- Trang Vĩnh Bình
- Văn
- Vũ Hối Thư Họa
- Yoga
Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020
Đêm Đợi Chờ
Đêm đêm đợi bóng sao mai
Trời hiu hiu gió tim rày tương tư
Hình như đâu đấy hình như
Tiếng chân xao động hay từ phong linh
Tượng thanh đáy mắt gợi hình
Vì đâu lại nhớ chuyện tình ngây thơ
Sương khuya rơi giọt hững hờ
Trời ơi dòng lệ đợi chờ rưng rưng
Kim Phượng
Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020
Xa Xứ
Người một nơi, và tôi một nơi
Bao năm xa cách người xa xôi
Tôi qua Nữu ước trời mưa bụi
Uống cốc cà phê để nhớ người...
Trần Hoài Thư
Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020
Em Vĩnh Long
Em Vĩnh Long xa xưa mắt biếc
Môi mềm tóc mượt óng tơ nhung
Đường Gia Long bước vui chân sáo
Tuổi học trò nào lắm mộng mơ
Của một thời ngây thơ áo trắng
Dưới tàng phượng vỹ nắng lung linh
Bóng ai tâm tưởng luôn hoài nhớ
Ngơ ngẩn nhìn em dáng Vĩnh Long
Kim Phượng
Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020
Người Muôn Năm Cũ - Văn Thánh Miếu - Vĩnh Long
Tìm đâu năm tháng đã qua
Người muôn năm cũ cách xa nghìn trùng
Người muôn năm cũ cách xa nghìn trùng
Mỹ Hạnh và Kim Phượng
Phước - Kim Phượng - cháu Vân Trường - cậu Đèo
Mỹ Hạnh (đã qua đời) - Lý - Kim Phượng - Phước - Cháu Vân Trường
Kim Phượng
Ảnh Chụp Ở Văn Thánh Miếu - Vĩnh Long, ngày 22 tháng 2 năm 1968
Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020
Giọt Ngâu
Bài Xướng:
Giọt Ngâu
Tháng Bảy sụt sùi đẫm giọt ngâu
Tiếng ai nức nở mối duyên đầu
Sông Ngân ngăn cách tình phu phụ
Mắt lệ tuôn tràn cảnh bể dâu
Mong đợi tháng ngày luôn khắc khoải
Chìm trông hôm sớm lắm u sầu
Bao giờ Ngưu Chức thôi Nam Bắc
Ô Thước cần chi bắc nhịp cầu.
Kim Phượng
***
Các Bài Họa:
Bao Giờ Lấp Dòng Ngân?
Ô Thước cần chi bắc nhịp cầu! *
Nếu mà tháng Bảy chẳng mưa Ngâu
Thì đâu chia rẽ tình chồng vợ
Cũng chả phân ranh cảnh não sầu
Thăm thẳm sông dài gom nước suối
Xa vời biển rộng hóa cồn dâu
Bao giờ lấp được dòng Ngân nhỉ?
Hai kẻ Chức - Ngưu hết bạc đầu!
songquang20200817
* Thơ Kim Phượng
***
Đẫm Lệ Tình Ngâu
Đầu nguồn, cuối biển một giòng ngâu
Chung thuỷ như thơ viết buổi đầu
Ca tụng tình Ngưu Lang, Chức Nữ
Buồn phiền đời đại hải, nương dâu
Ngân Hà vạn thủa trôi niềm nhớ
Ô Thước nghìn thu đọng nỗi sầu
Mưa gió bạt ngàn bao hận tủi
Người đi gọi nắng tới hong cầu...
Hawthorne 17 - 8 - 2020
Cao Mỵ Nhân
***
Nhịp Cầu Ô Thước
Ngập tràn suối lệ mối tình Ngâu
Ai nỡ gây nên cảnh thảm sầu
Xa ngát thời gian và khoảng cách
Biệt mù bãi bể với nương dâu
Thời gian thương nhớ sâu quầng mắt
Năm tháng tương tư bạc mái đầu
Xót phận Chức Ngưu khôn gặp gỡ
Quạ đen chắp cánh bắc nên cầu.
Phương Hà
***
Một Thiên Tình Sử
Một thiên tình sử tích mưa ngâu
Tiên nữ tương tư cái buổi đầu
Ả Chức lơ là khung cửi dệt
Chàng Ngưu chểnh mảng bãi nương dâu
Ngân Hà muôn thuở đây thương nhớ
Vân vũ ngàn thu đó thảm sầu
Nước mắt tương phùng rơi thấm đất
Tình chung Ô Thước nối nên cầu
Mai Xuân Thanh
Ngày 17/08/2020
***
Tình Ngâu
Mây trời u ám chuyện tình Ngâu
Hai kẻ yêu nhau khóc mộng đầu
Đắm sắc chàng Ngưu quên ruộng rẫy
Động lòng ả Chức lỡ tầm dâu
Thiên đình thịnh nộ đày đôi ngã
Vân hán xót thương một gánh sầu
Cám cảnh Ngọc Hoàng cho lũ quạ
Hàng năm Thất tịch đến xây cầu.
Quên Đi
Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020
Xa Rồi Thuở Ấy
Dòng Sông Rạch Bàng, thuộc Xã Đức Mỹ, Quận Càng Long, Tỉnh Vĩnh Bình
Ôm kỷ niệm cũ ngút ngàn đáy sông
Một thời êm ái lớn ròng
Xa rồi dĩ vãng sầu đong càng đầy
Vườn ngoại cau trắng trầu cay
Vẫn mong ai đó mang khay trầu người
Mơ đời hoa mộng xuân tươi
Thời gian chẳng đợi buồn ơi...là buồn
Nước đi lại trở về nguồn
Người đi cách trở xa muôn dặm ngàn
Đêm đêm vò võ canh tàn
Đơn côi chiếc bóng thở than riêng mình
Rạch Bàng một thuở ôi tình
Dòng sông còn đó chuyển mình luân lưu
Lời xưa nhẹ thoáng như ru
Như hờn như trách như u uất lòng
Cố hương vời vợi xa trông
Bè mơ thả lại dòng sông hôm nào
Để nghe sóng nước rì rào
Để vơi một ít nỗi đau cuối đời
Sông Rạch Bàng Trước Nhà Ngoại Nhìn Về Hướng Phía Tay Trái
Phía Bên Kia Sông Rạch Bàng, Đối Diện Nhà Ngoại
Chiếc Cầu Bằng Xi Măng Thay Cầu Ván Trước Nhà Ngoại
Xuồng Lưới Cá Trên Sông Rạch Bàng Trước Nhà Ngoại
Cảm tác từ Lạc Bước Hồng Hoang của Dương Hồng Thủy
Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020
Hoài...
Bài Xướng:
Hoài ...
Phượng thắm vào mùa để úa phai
Cho người ốc đảo mãi u hoài
Ve ru một thuở xa xôi cũ
Chập choạng tàn đêm mỏi gót hài
Dáng lụa tươi hồng một sớm mai
Thu về quạnh vắng lặng chờ ai
Nao nao kỷ niệm bên thềm cũ
Nhặt lá vàng khô để thở dài ...
dovaden2010
***
Bài Họa:
Vọng...
Rực trời phượng đỏ chửa tàn phai
Nức nở mùa ve hạ nhớ hoài
Hoa mộng chao ơi hình bóng cũ
Nhớ nhung mòn mỏi tấm hình hài
Hè nào tan tác buổi ban mai
Lối hẹn lối hò đã vắng ai
Lưu bút đong đầy trang kỷ niệm
Tiếng thầm vọng mãi những đêm dài...
Kim Phượng
Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020
Xa Xứ
Tranh Đình Cường
Thì đây, còn lại đôi giày cỏ
Còn lại đàng sau những mất còn
Thì đây, trong trái tim tan vỡ
vẫn ngọt ngào như những nụ hôn
Trần Hoài Thư
Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020
Huỳnh Đàn
Nắng hạ sang sắc vàng hoa rực rỡ
Dãy huỳnh đàn tàng mộng lối đi chung
Khung trời quen ai lưu luyến ngượng ngùng
Vào lớp học lòng mộng ngoài mơ tưởng
Nắng vươn cao dạt dào cung giao hưởng
Âm ba ve lẫn lượn khúc bổng trầm
Tiếng guốc vong vang thầm len nhịp bước
Còn biết gì!? Em tóc mượt bờ vai
Phượng vàng bay nẻo dài hoa khắp lối
Lần chạm tay bối rối cả chiều nay
Đã theo nhau ngay những lúc ôn bài
Thầm mộng gửi trong mơ hoài giấc ngủ
Huỳnh đàn tàng nghiêng soi bóng đổ
Lần chạm tay vương khổ có nào hay!
Kim Phượng
Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020
Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020
Giá Mà Quay Ngược Thời Gian lại
Ảnh: Kim Phượng (Bến Đò Vĩnh Long)
Bài Xướng:
Nếu Quay Ngược Thời Gian Trở Lại
(Viết tặng người Cầu Lầu - Vĩnh Long)
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Em có là em của những ngày
Qua cầu hai buổi theo dòng chảy
Chuyện tình nào đường chỉ se tay...
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Chắc em còn tóc xõa ngang vai
Chiều vội vã nghiêng màu nắng trải
Một dòng đời đâu những đúng sai?
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Tôi có còn tôi thuở đợi chờ
Dáng của ngày xưa mờ dấu bụi
Bàn tay người gió cũng phôi phai
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Mắt lệ nào nối những chia xa
Như biển mặn ngàn năm vẫn đợi
Nhánh sông dài cuối bãi chim qua
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Quán cũ đường quen em có tìm
Dưới góc chân cầu nơi nước chậm
Ngập ngừng như để lại trái tim..!
Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng
***
Bài Họa:
Giá Mà Quay Ngược Thời Gian Lại
Giá mà quay ngược thời gian lại
Để chẳng là em của tháng ngày
Bao nhiêu triều phận theo con nước
Xua sóng sầu tay nối vòng tay
Giá mà quay ngược thời gian lại
Trả tuổi đời tóc xõa bờ vai
Lơi vành nón nghiêng che bỡ ngỡ
Giấu ngượng ngùng chân nhịp bước sai
Giá mà quay ngược thời gian lại
Dòng Tiền Giang con nước có chờ
Gót phiêu bồng thêm lần đưa lối
Chung đò chiều dẫu nắng tàn phai
Giá mà quay ngược thời gian lại
Rèm mi buồn thôi lệ xót xa
Thả hồn trôi về miền tiếc nhớ
Con sông nào lưu bóng người qua
Giá mà quay ngược thời gian lại
Chút phấn hương bay dõi mắt tìm
Trên bến vắng gập ghềnh trơn trợt
Đã một lần vấp ngả con tim..?
Kim Phượng
Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020
Người Em Bé Dại... Vĩnh Bình
Lớp Đệ Lục 4 Trường Trung Học Công Lập Vĩnh Bình - Niên Khóa 1963 - 1964
Hàng Đầu Từ Trái:Thầy Trung, ( - ), Ngọc Vân, Tốt, Yến Nga, Lễ, Bích Lan, Phạm Thị Nga.
Hàng Thứ Hai Từ Trái: ( - ), Hạnh, ( - ), ( - ), Mỹ Thanh, Farita, Kim Anh, Thúy Nga, (-), Hảo, Tuyến, Chi.
Hàng Thứ Ba Từ Trái: Ngộ,( - ), Kim Phượng, Mạch Thị Năm( đã qua đời), Mén, Hà, Hương, Châu Thị Mỹ Hạnh (đã qua đời), (- ).
Hàng Thứ Hai Từ Trái: ( - ), Hạnh, ( - ), ( - ), Mỹ Thanh, Farita, Kim Anh, Thúy Nga, (-), Hảo, Tuyến, Chi.
Hàng Thứ Ba Từ Trái: Ngộ,( - ), Kim Phượng, Mạch Thị Năm( đã qua đời), Mén, Hà, Hương, Châu Thị Mỹ Hạnh (đã qua đời), (- ).
Con đường Số 1 Số 2...!?
Hoa Sao xoay tít bay bay trong chiều
Người em như thể bùa yêu
Bởi tà vạt trắng còn nhiều thơ ngây
Ước mơ vun xới đong đầy
Tung tăng chân sáo khiến đây bồi hồi
Lắm khi thầm nghĩ xa xôi
Em vô tư quá ngại thôi tỏ lòng
Cũng vì mái tóc garçon
Dấu chân mòn lối trường công Vĩnh Bình
Em chơi u hấp – tù binh
Tim tôi thình thịch vờ nhìn trò chơi
Bờ môi lí lắc mở lời…
Hoa Sao xoay tít lại rơi rơi đầy
Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020
Lời Hứa 50 Năm
Những ngày cuối tháng 8 năm 2019, ông Ken Ressing, ở quận Medina, tiểu bang Ohio, Mỹ, vừa bận rộn với việc nhà cửa vừa lo chuẩn bị mọi thứ cho chuyến thăm Việt Nam trong tâm trạng khó tả.
-"Tôi không ngủ được, cũng không muốn ăn", người đàn ông 71 tuổi chia sẻ về nỗi háo hức, "Thật tuyệt vời! Chỉ ít ngày nữa tôi sẽ có mặt ở Việt Nam để hoàn thành lời hứa của mình?".
Chuyến đi này sẽ là lần trở lại Việt Nam đầu tiên của ông Ken sau 50 năm kể từ ngày về Mỹ. Nhưng nó còn có một ý nghĩa đặc biệt hơn nữa, bởi đó là chuyến đi để ông thực hiện lời hứa với mối tình đầu của mình với Thúy Lan, rằng sẽ quay lại Việt Nam để gặp bà.
Tháng 12, 1968 hai năm sau khi nhập ngũ, ông Ken được điều tới Việt Nam làm việc ở trung tâm dịch vụ dữ liệu của quân đội Mỹ đóng tại căn cứ Long Bình, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tối đến, ông thường đi bộ tới quán bar EM Club (Enlisted Men’s Club) trong khuôn viên doanh trại, nơi có phòng trò chơi, quầy nước và một sân khấu nhỏ để thư giãn. Đó là nơi chàng lính Mỹ 22 tuổi đã gặp cô Thúy Lan vào một ngày cận Tết năm 1969 và say mê cô ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hình Thúy Lan khi còn là nhân viên tại EM Club ở Đồng Nai năm 1969.
Nhắm mắt lại, ông Ken vẫn nhớ rõ ngày ấy như mới hôm qua. "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ gì giống như cô ấy. Mái tóc đen dài óng ả, nét mặt với nước da ngăm tuyệt đẹp và một nụ cười quyến rũ nhất mà bạn có thể tưởng tượng được", ông kể.
Thúy Lan phục vụ đồ uống ở một quầy nhỏ trong góc quán bar và sau khi phát hiện ra cô, ông không thể rời mắt khỏi người con gái này, nhưng luôn cố gắng để không bị cô bắt gặp đang nhìn trộm. Sau đêm ấy, Ken ngồi sát hơn chỗ Lan, dù đây là vị trí cách xa sân khấu và chẳng ai thích ngồi. Từ đó, ông chỉ cần đánh mắt sang trái một chút là thấy cô, với nụ cười luôn nở trên môi. Thỉnh thoảng, Ken ngắm Lan khá lâu và cô cũng nhìn lại rồi cười. Hai người dần dần bắt chuyện và trở thành một đôi bạn.
Giữa những chàng trai luôn cố gắng thu hút sự chú ý của cô gái người Việt, Ken cảm thấy may mắn khi ông được cô để mắt tới. Tình yêu của họ là những cuộc hẹn hò vào cuối tuần ở gần doanh trại của Ken, sau khi Lan đi nhà thờ hay nấu bữa trưa cùng bạn bè. Ken không thể ra khỏi doanh trại buổi tối và Lan cũng không được phép vào bên trong khu vực quân đội, vì thế họ chỉ tìm cách làm thế nào để ở bên nhau thật nhiều.
Ken và Lan thậm chí không biết sinh nhật của người kia là ngày nào, gia cảnh ra sao. Đôi khi họ chỉ gặp nhau và chẳng nói gì nhưng vẫn cảm nhận được một thứ cảm xúc ngọt ngào đang tan chảy bên trong mình. Ken cứ nghĩ rằng hai người còn nhiều thời gian để trò chuyện, cho đến khi ông nhận được lệnh rời quân ngũ sớm để quay lại trường đại học.
"Theo kế hoạch, tôi sẽ rời Việt Nam về Mỹ vào tháng 9 năm 1969, sớm trước thời hạn 3 tháng", ông nói. "Vì Lan mà khi tháng 9 càng cận kề, tôi càng ước mình không phải làm điều đó", ông tiếc nuối.
Những ngày chủ nhật trôi qua căng thẳng hơn, hai người trở nên kiệm lời và dành thời gian cho những cái ôm. Ken cố gắng quan tâm Lan nhiều hơn và họ đều hy vọng sẽ sớm gặp lại nhau. Có một ngày, Ken đã hỏi bạn gái rằng cô có muốn rời Việt Nam hay không. Cô lắc đầu, đó là lần duy nhất ông hỏi câu này.
"Tôi nghĩ những cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng tôi sẽ khác nếu cô ấy trả lời là 'muốn' ", Ken nói. "Tôi đã nghĩ đến việc sẽ tuyệt vời như thế nào nếu mình cưới cô ấy, nhưng tôi đã không hỏi. Tôi cứ nghĩ rằng sẽ không phải chờ quá lâu để gặp lại nhau".
Một ngày trước cuộc gặp cuối cùng của đôi tình nhân, Ken đến bưu điện mua một hộp bì thư có dán tem sẵn và đánh số từ 1-50 ở góc trái bên dưới, sau đó cất chúng lại vào hộp. Ông trao nó cho Lan và bảo rằng khi nào cô gửi cho ông lá thư cuối cùng trong số này, đó là lúc ông trên đường trở lại gặp cô.
"Tôi đã hứa", Ken nói. "Ngày hôm ấy thật đau khổ đối với tôi. Tôi nhớ mình đã ôm cô ấy chặt nhất có thể. Tôi hôn cô ấy, sau đó lại cố ôm cô ấy chặt hơn nữa. Tôi nghe thấy tiếng cô ấy thì thầm vào tai mình bằng tiếng Việt. Đến bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể nghe thấy những lời thì thầm ấy".
Khoảnh khắc đó in sâu vào tâm trí của Ken suốt 50 năm qua, dù ông chưa bao giờ hiểu Lan nói gì. Cho tới cách đây vài tháng, Ken mới biết đến công cụ dịch lời nói của Google và kinh ngạc khi biết ngày ấy, cô gái Việt Nam đã thì thầm gì với mình. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ điều này, vì muốn giữ riêng cho mình mãi mãi.
Những lá thư trở thành cầu nối duy nhất giữa hai người yêu nhau cách nửa vòng trái đất suốt một năm sau đó. Khi mua 50 bì thư, Ken đã nghĩ rằng Lan sẽ viết thư khoảng một tuần một lần nhưng hóa ra, ngày nào cô cũng viết. Trước khi năm 1969 kết thúc, số bì thư đã không còn cái nào, nhưng Lan vẫn tiếp tục viết.
Mỗi cuối tuần, từ trường trở về nhà, Ken lại nhận những lá thư được gửi từ phương xa thông qua một người bạn đóng quân ở Việt Nam. "Khoảng thời gian ấy đối với tôi vừa hạnh phúc lại vừa lo lắng", ông nói.
Ken Reesing sau khi trở về Mỹ năm 1969
Ken đã cân nhắc đến việc tái nhập ngũ nhưng không có gì đảm bảo rằng ông sẽ được quay lại Việt Nam trong bối cảnh quân đội Mỹ đang rục rịch rút quân. Ông muốn kể cho mọi người nghe về Lan nhưng không ai muốn biết gì thêm về Việt Nam nữa. Báo chí Mỹ liên tục đưa tin về cuộc chiến và đều là những thông tin đáng buồn. "Không ai muốn tôi trở lại, nhất là cha tôi. Mọi người ở Mỹ phản đối gay gắt cuộc chiến này và họ thù ghét những người lính trở về từ Việt Nam", Ken kể. "Lời hứa với Lan đè nặng lên tâm trí tôi nhưng việc quay trở lại vô cùng khó khăn".
Khi cuộc chiến tranh dần đi đến hồi kết, quân đội Mỹ vội vã rút khỏi miền nam Việt Nam, căn cứ Long Bình cũng biến mất và hai người không còn liên lạc với nhau nữa. Ken đã gửi vài bức thư trực tiếp tới EM Club nhưng không nhận được phản hồi.
"Tôi đã thất hứa và việc này gần như khiến trái tim tôi tan nát. Tôi thật ngu ngốc. Không còn cách nào khác cả", Ken nói trong niềm hối hận.
Từ năm 1973 đến nay, Ken vẫn không ngừng lo lắng về Lan. Ông thực sự không dám nghĩ cô sống sót qua cuộc chiến tranh nhưng luôn giữ chút hy vọng nhỏ nhoi bởi "cô ấy còn trẻ, xinh đẹp, chăm chỉ và đầy sức sống". Ken vẫn cố gắng tìm hỏi thông tin về Lan cho đến sau năm 2000, khi mạng Internet phát triển mạnh, ông mới thực sự đẩy mạnh cuộc tìm kiếm. Ken từng thuê các công ty, trong đó có một công ty quốc tế với chi nhánh tại Sài Gòn, tìm kiếm Lan. Trong quá trình này, Ken cũng vô tình quen một người sống ở Biên Hoà qua mạng và được người này giúp đỡ tìm kiếm Lan suốt hai năm bằng các cuộc điện thoại, thậm chí những chuyến đi tới Long Bình, nhưng không có kết quả.
Việc tìm kiếm diễn ra trong bí mật bởi Ken không muốn gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của Lan. "Tôi chỉ muốn an tâm rằng người bạn gái năm nào vẫn mạnh khỏe và an toàn", ông nói.
Ken luôn hối hận khi ngày đó đã không hỏi bất cứ thông tin gì để sau này có thể tìm ra Lan dễ dàng hơn, như địa chỉ cụ thể của cô ở Biên Hòa. Ông cũng không rõ họ của cô chính xác là Võ Thị hay Vũ Thị. Một ngày đầu tháng 6, Robert, một người con lai đang sống ở TP HCM, bất ngờ liên lạc với ông Ken qua một nhóm cựu binh Mỹ trên mạng, sau khi biết ông đang tìm kiếm một phụ nữ Việt Nam thất lạc trong chiến tranh. Sau một lúc trò chuyện và tìm hiểu thông tin giữa hai bên, ông Ken đồng ý gửi những bức ảnh của Lan cho Robert. Chỉ hai ngày sau, ông và Lan lần đầu trò chuyện với nhau qua điện thoại.
"Khi nghe Robert nói rằng cậu ấy đã tìm thấy Lan, tôi không thể tin nổi", ông Ken kể. "Robert đã làm việc ấy quá nhanh và hiệu quả". Robert cho hay để tìm kiếm người phụ nữ tên là Thúy Lan, anh đã đăng thông tin mà ông Ken cung cấp kèm ảnh lên một nhóm người Đồng Nai trên Facebook và nhờ sức lan truyền của mạng xã hội, chỉ trong chưa đầy một ngày, họ đã giúp tìm ra người con gái năm xưa.
Bà Vũ Thị Vinh (Thúy Lan) hiện nay.
Bà Thúy Lan, tên khai sinh là Vũ Thị Vinh, hiện sống tại căn nhà cấp bốn thuộc con hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, phường Thanh Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Hằng ngày, bà cùng con gái mưu sinh bằng nghề bán cháo trắng.
Bố mẹ bà sinh 7 người con nên kinh tế khó khăn. Bà chỉ học đến lớp 5 là nghỉ. 15 tuổi, bà vào căn cứ quân sự Long Bình làm tạp vụ. Hai năm sau, bà làm tiếp viên cho EM Club của căn cứ. Ông Ken khi đó 22 tuổi, mới sang Việt Nam nhập ngũ được một thời gian. Những lần đến EM Club chơi, ông để ý cô gái người Việt có mái tóc đen, đôi mắt to, làm việc chăm chỉ và lém lỉnh. ‘Lúc đó, tôi được nhiều người để ý, nhưng tôi chỉ thích ông ấy. Thích, nhưng chúng tôi chỉ ‘liếc nhìn nhau’ khi gặp chứ chưa có gì cả’, người phụ nữ sinh năm 1952 hồi tưởng về quá khứ và cho biết, ông Ken là mối tình đầu của bà.
Khi Mỹ rút quân khỏi căn cứ Long Bình, ông bà không thể viết thư cho nhau nữa. Mẹ bà Lan mang những lá thư và hình ảnh của ông Ken gửi cho con gái đốt hết. Từ đó, bà không còn nhớ gì về mối tình đầu của mình nữa.
Năm 1984, bà lấy chồng. Hai năm sau, bà sinh con gái. Vì hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng bà chia tay. ‘Tôi với ông ấy quen rồi về sống chung chứ không làm đám cưới, đăng ký kết hôn’, người mẹ một con nói. Sau đó, bà ở vậy nuôi con bằng nghề bán cháo trắng từ năm 1993 đến nay".
"Lúc chia sẻ câu chuyện về Lan, tôi đã từ bỏ ý nghĩ rằng cô ấy còn sống và dự định sẽ quay lại Long Bình một mình để hoàn thành lời hứa. Tôi nghĩ mình sẽ về thăm một ngôi mộ", cựu binh Mỹ Ken Reesing nói, "Thế nhưng cô ấy vẫn còn sống và đến bây giờ vẫn giữ nụ cười tuyệt vời ấy".
Sau tất cả những cung bậc cảm xúc đã trải qua trong đời, Ken muốn mượn lời một bài hát "Loving her was easier than anything I'll ever do again" ...của ca sĩ người Mỹ Kris Kristofferson, bài hát luôn gợi nhắc ông về mối tình 50 năm trước. "Yêu Lan dễ dàng hơn bất cứ điều gì tôi từng làm", ông Ken nói.
Ông Ken và bà Lan tại sân bay Tân Sơn Nhất, Việt Nam ngày 12/9 sau 50 năm xa cách.
Năm mươi năm dẫu muộn màng, nhưng ông vẫn giữ lời hứa cho cuộc hội ngộ với người xưa tại sân bay Tân Sơn Nhất, Việt Nam ngày 12 tháng 9, 2019: như thể họ chưa hề có cuộc chia ly!
Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam
Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020
Thầm
Dẫu mỏng manh dưới nắng
Hồng vẫn trắng tinh nguyên
Đợi chờ người hữu duyên
Dâng tình yêu thầm lặng
dovaden2010
***
Cảm Tác
Bước chân nào đưa lối
Đón chờ tình kỳ duyên
Cùng cập bến thuyền quyên
Hay đã trong tiền kiếp
Kim Phượng
Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020
Tình Bạn Đẹp Của Ngày Xưa
Biết là bạn coi thường mình nhưng Vương An Thạch chỉ im lặng không nói gì cả. Có một lần Vương An Thạch chủ động mời Tô Đông Pha đến tư dinh Tể tướng của mình chơi để đàm đạo chuyện văn chương. Khi Tô Đông Pha đến, Vương An Thạch cố ý vắng mặt một cách tế nhị khi Tô Đông Pha bước vào thư phòng của ông . Vì không thấy chủ, lại thấy trên bàn có một bài thơ đã làm xong và một bài đang viết dở. Vì giỏi thơ, khi nhìn thấy có thơ là ông liếc mắt đọc ngay. Một bài có đôi câu như sau:
“ Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm”.
Tô Đông Pha nhíu mày, nhăn trán suy nghĩ : Minh nguyệt là ánh trăng sáng, mà khiếu là hót. Vậy thì ánh trăng sáng, sao mà lại hót được ở đầu núi nhỉ? Câu tiếp là Hoàng khuyển là con chó vàng thì làm sao lại ngọa ( nằm) được ở trong tâm (giữa) bông hoa? Ông lắc đầu và tỏ rõ ý coi thường tác giả của bài thơ. Ông nghĩ “Vậy mà người ta cứ đồn là Vương An Thạch giỏi”? Nhân lúc vắng chủ nhà, và sẵn tiện có bút mực tại chỗ, ông sửa lại ngay hai câu thơ là :
“ Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm”.
Có nghĩa là ánh trăng chiếu nơi đầu núi và con chó vàng nằm dưới bóng của bông hoa. Sửa xong hai câu thơ trên, Tô Đông Pha tỏ vẻ rất hài lòng và cho rằng khi đọc lại hai câu thơ này thì Vương An Thạch phải phục tài của mình lắm. Thơ phải sửa như thế mới đúng ngữ và nghĩa chứ !
Đọc tiếp bài văn thứ hai, thấy Vương An Thạch tả cảnh mùa đông lạnh lẽo, tuyết rơi, hoa cúc rụng tơi tả. Tự liên hệ, ông thấy rất bực mình vì trên thực tế không bao giờ có chuyện hoa cúc lại rụng. Với hoa cúc, khi tàn héo nó vẫn cứ bám vào đài và thân hoa cho đến khi cây cúc chết.(Hoa cúc như vậy nên các đôi trai gái khi yêu thường lấy hoa làm biểu tượng để tặng cho nhau thể hiện sự chung thủy của mình) Ông cầm bút viết ngay vào bên cạnh bài văn để nói thẳng với tác giả rằng “ Hoa cúc không bao giờ rụng cả”.
Biết mình chức, tước và phẩm hàm còn dưới Vương An Thạch nên lúc ra về suy nghĩ lại, ông biết mình phạm thượng, vì Vương An Thạch là quan đầu triều, chỉ dưới có một mình vua (dưới một người, trên muôn vạn người). Thế nào mình cũng sẽ bị trị tội, bị trả thù là cái chắc.
Quả đúng như dự đoán, sau một thời gian ngắn Tô Đông Pha nhận được “ trát” điều đi nhậm chức tận vùng phương Bắc xa xôi như đi “đầy”. Tô Đông Pha hối hận và nhận ra hậu quả việc làm bồng bột của mình ! Còn với tể tướng Vương An Thạch, sau khi ban “trát” điều Tô Đông Pha đi, ông hạ lệnh” các quan lại địa phương mà Tô Đông Pha đến làm việc là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông tìm hiểu đất đai, thổ nhưỡng cũng như thiên nhiên vùng đó và phải đối xử với tiên sinh Tô Đông Pha như bậc đại khách”.
Là một người yêu thiên nhiên và biết cảm thông với nỗi thống khổ của người dân ở vùng đất khô cằn, khắc nghiệt, Tô Đông Pha thường xuyên tiếp xúc với dân, ông thỏa sức du ngoạn để tìm hiểu về con người và đất đai khắp vùng. Vì sống hòa đồng và hết sức thân thiện với mọi người nên ông đi đến đâu cũng được từ quan đến dân đón tiếp chân thành và nồng thắm.ó một lần đến thăm một làng quê nọ Tô Đông Pha bỗng nghe thấy tiếng chim lạ hót véo von, tiếng hót rất trong lại vang vọng vào núi đá. Nhà thơ hỏi đấy là loại chim gì mà hót hay như vậy ? Những người dân địa phương trả lời : Đấy là tiếng hót của chim Minh Nguyệt.
Có một lần khác khi đi thăm một vườn trồng hoa, thấy mọi người đang bắt sâu, đó là một loại sâu lạ nằm giữa bông hoa để ăn nhụy. Ông hỏi đó là sâu gì thế ? Những người nông dân trả lời : Đó là sâu Hoàng Khuyển. Thì ra trên thực tế có cả loại chim Minh Nguyệt và loài sâu Hoàng Khuyển thật. Vì tự cao không hiểu hết ý và tự sửa bài thơ của Vương An Thạch, làm sai nội dung và tứ thơ hay của bài thơ !
Thời gian trôi đi, khi mùa đông phương Bắc lạnh lẽo tràn về, Tô Đông Pha ngồi trong nhà nhìn ra ngoài thấy tuyết trắng xóa bay đầy trời và ở dưới vườn nhà những cánh hoa cúc bị tuyết bám vào rụng rơi lả tả. Nhà thơ lại giật mình lần nữa và không tránh được tiếng thở dài, thì ra có hoa cúc rụng thật. Chỉ có điều là nó rụng trong hoàn cảnh và môi trường như thế nào mà thôi.
Ông ngồi suy nghĩ và hồi tưởng lại những sự việc đã diễn ra trong thời gian vừa qua, thấy rõ sự hiểu biết quá cạn cợt của mình, nghĩ việc mình được bổ nhiệm làm quan nơi xa xôi, được tiếp xúc, du ngoạn và được đón tiếp thịnh tình lại có thêm nhiều hiểu biết và những vốn sống phong phú ở một vùng thiên nhiên kỳ thú nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt này. Tô Đông Pha bỗng nhận ra bạn mình Vương An Thạch, quan Tể tướng – Nhà văn không phải là người tầm thường, không phải trả thù hay “ đầy” mình lên biên cương mà chính là quan tâm tạo điều kiện cho mình đi “ thực tế” để có thêm vốn sống và kiến thức từ trong dân gian.
Vừa thấm thía, vừa biết ơn cộng với sự cảm phục, nhà thơ Tô Đông Pha liền ngồi viết thư tạ lỗi với tể tướng Vương An Thạch.
Sưu Tầm
Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020
Còn Nặng Yêu Thương - Tứ Kỳ
Xướng:
Còn Nặng Yêu Thương - Tứ Kỳ
Ta vẫn còn yêu rất đậm sâu
Ngỡ như hoa bướm thuở xuân đầu
Tình ơi có phải đây là nợ
Sao lắm bi thương lắm nỗi sầu
Ta vẫn còn yêu rất mặn nồng
Mỗi lần trăng chiếu sáng bên song
Lắng nghe nhung nhớ dầy nhung nhớ
Chua xót người ơi xót cả lòng.
Ta vẫn còn yêu rất đậm đà
Nên lòng nào muốn cảnh chia xa
Cảm như cay đắng nhiều cay đắng
Đau đớn giờ thay phút mặn mà
Ta đã tìm yêu lúc muộn màng
Khi đời dần đến buổi đông sang
Nên đành chôn kín giờ chôn kín
Yêu chỉ thêm nhiều cảnh trái ngang.
Quên Đi
***
Họa:
Khơi Chi Vết Thương Lòng
Làm sao quên được mối tình sâu
Nhung nhớ người xa giấc mộng đầu
Một thuở bên nhau đà cách biệt
Đêm đêm ôm ấp bóng mơ sầu
Thôi đừng lưu luyến chuyện hương nồng
Đối bóng trăng tàn nhòa nhạt song
Duyên phận bẽ bàng duyên phận số
Tiếc chi khơi lại vết thương lòng
Đời như cánh nhạn xoải la đà
Bay mãi bay hoài vạn dặm xa
Mong ước một lần quay trở lại
Đỡ thương đỡ nhớ chút thôi mà…
Thế nên trong giấc ngủ mơ màng
Rộn rã thuyền tình chợt ghé sang
Bừng tỉnh ảo mờ ...mờ ảo ảnh
Là lần vĩnh viễn chuyến đò ngang.
Kim Oanh
***
Trắc Trở
Trái tim còn đó vết hằn sâu
Mưa lệ chưa nguôi kỷ niệm đầu
Xin chớ trời già trêu ghẹo nguyệt
Mối duyên kỳ ngộ vướng thêm sầu
Lời yêu thương thấm đẫm hương nồng
Chiều thoáng phai rồi ẩn khuất song
Luyến nhớ chao ôi càng luyến nhớ
Niềm riêng rối lắm rối tơ lòng
Còn đâu xanh biếc liễu la đà
Mây bạc trăng vàng cũng xót xa
Mật ngọt trót nghe lời mật ngọt
Chìm trong giấc ngủ mới quên mà
Chợt mê chợt tỉnh phút mơ màng
Mơ phút tương phùng chuyển bến sang
Trắc trở cớ sao hoài trắc trở
Đò tình xuôi dọc lại trôi ngang
Kim Phượng
Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020
Em
(Kim Hiệp & Kim Phượng
nơi Văn Thánh Miếu)
Nghiệt ngã âm dương cách biệt rồi
Đường trần ôi đã vắng Em tôi
Phương trời dịệu vợi tìm trong cõi
Trong cõi muôn trùng chiếc bóng thôi
Thắp nén hương lòng đưa tiễn đưa
Nỗi đau đọng mãi nói sao vừa
Làm người ở lại buồn muôn thuở
Em đã xa rồi... ngỡ vẫn chưa
Kim Phượng
Đúng 4 Năm Cách Biệt 7 Hiệp
Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020
Mưa To Sài Gòn
Mưa to gió lớn ngập đường
Quận Hai Quận Chín các phường nước dâng
Sài Gòn khốn khó người dân
Sống trong mưa gió buồn thân phận người
Chỉ còn ngồi khóc ngậm cười
Tạo lại sự nghiệp gấp mười mới thôi
Bây giờ của cải mất trôi
Ai ngờ giông bão kéo lôi cửa nhà
Thương cho kẻ yếu lẫn già
Không nơi nương tựa thật là khổ đau
Huỳnh Phương Trạch
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long( KT72)
Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020
Trái Tim Mùa Đông
Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020
Nếu Quay Ngược Thời Gian Trở Lại
(Viết tặng người Cầu Lầu - Vĩnh Long)
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Em có là em của những ngày
Qua cầu hai buổi theo dòng chảy
Chuyện tình nào đường chỉ se tay...
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Chắc em còn tóc xõa ngang vai
Chiều vội vã nghiêng màu nắng trải
Một dòng đời đâu những đúng sai?
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Tôi có còn tôi thuở đợi chờ
Dáng của ngày xưa mờ dấu bụi
Bàn tay người gió cũng phôi phai
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Mắt lệ nào nối những chia xa
Như biển mặn ngàn năm vẫn đợi
Nhánh sông dài cuối bãi chim qua
Nếu quay ngược thời gian trở lại
Quán cũ đường quen em có tìm
Dưới góc chân cầu nơi nước chậm
Ngập ngừng như để lại trái tim..!
Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng
Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020
Đôi Mắt Ấy - Lạc
Đôi mắt ấy nước hồ thu gợn sóng
Dõi soi lòng tìm bóng cũ xa xăm
Dễ hồ quên mang theo tận chỗ nằm
Trải mộng mị làm hành trang xuôi ngược
Ánh mắt ấy ôi dòng sông ngược nước
Đưa nhau về tuổi gương lược cài trăm
Tuổi mộng mơ đêm nằm thao thức nhớ
Dòng sông nào một thuở biết si mê
Mắt đợi chờ ngõ lối đón đưa về
Giấu bẽn lẽn hương thề trên mi khép
Giọt long lanh lệ nép nét mi cong
Đôi mắt ấy ôm lòng trăng mười sáu
Thời gian trôi mắt xa đời ảo ảnh
Tội con tim nào biết tuổi biết mùa
Xao xuyến lạ đón gió đùa tuổi mộng
Bờ mi kia rèm động ánh tinh cầu
Buồn ơi! Đôi mắt ấy biết hờn đau
Kim Phượng
***
Cảm Tác:
Lạc
Từng dấu ái...
Từng giọt mưa...
Trải đầy trên lối đường xưa
Ta - Người!
Mắt trong mắt...
Cũng nụ cười
Mà nay héo úa
Khi đời lạc nhau...
dovaden2010 (DVD)
Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020
Vô Đề
Bài Xướng:
Vô Đề
Thoáng thoáng hè xưa đọng mắt ai
Nghe như phảng phất nét u hoài
Tình ơi có phải như còn vẫn
Âm ỉ nơi lòng chẳng nhạt phai.
Quên Đi
***
Các Bài Họa:
Bồi Hồi
Vấn vương vương vấn bóng hình ai
Đôi mắt huyền mơ gợi nhớ hoài
Học Bạ ngày xưa lưu dấu tích
Bồi hồi trong dạ dẫu mờ phai
Kim Oanh
***
Hồ Dễ
Phượng hồng sắc thắm đã trao ai
Cõi vắng tâm tư xáo động hoài
Có biết mùa sau còn gặp lại
Hoa lòng hồ dễ nhạt hương phai.
Kim Phượng
***
Xao Xuyến
Thấp thoáng đường xưa bóng dáng ai
Vai nghiêng nón lá gợi mơ hoài
Người qua ngõ trúc lòng xao xuyến
Buổi ấy hương nồng dạ chẳng phai.
Hương Thềm Mây
5.8.2020
***
Khoảnh Khắc
Phượng ấy hoa kia lọt mắt ai
Để người thương nhớ ước mơ hoài
Thời gian thấm thoắt chừng quay lại
Kỷ niệm một thời đâu có phai.
Kinhoang Vuivui
08:22 5 tháng 8, 2020
Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020
Tri Kỷ Được Mấy Người
Quà Từ Cao Linh Tử
Sáng ngày 3 tháng 8 năm 2020, nơi trang nhà Kim Phượng, có 1 bài thơ vượt lên, xếp hàng thứ 2 trong những “Bài Đươc Xem Nhiều Nhất”.
Đến khi xem lại, rõ là bài thơ của anh Cao Linh Tử. Thì ra ...hôm nay anh đã ra đi tròn 1 năm. Như lời nhắc nhớ, nếu bên kia cửa tử còn có một đời sống, xin thả rong con chữ đến anh Cao Linh Tử.
Nguyên cầu cho anh được đời đời an nghỉ .
Có phải hồn thiêng đã gọi mời
Thả rong con chữ thú vui chơi
Cánh sen Đồng Tháp còn tươi sắc
Muôn thuở chân tình há lại vơi
Lặng giở trang thơ của một thời
Luân hồi con chữ mãi còn nơi
Hay chăng vướng víu lòng tri kỷ
Một chút tình thơ thấm vị đời
Kim Phượng
Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020
Khuôn Mặt Hôm Nay
Khoảng cuối tháng 6, chương trình mở cửa của tiểu bang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2. Công ty tôi làm cho phép 25% nhân viên được vào văn phòng làm việc. Riêng nhóm của tôi, mỗi người được vào văn phòng một ngày trong tuần. Đeo khẩu trang là điều kiện bắt buột và một số điều kiện khác như: giữ khoảng cách ít nhất 2 mét, mang bao tay và phải rửa tay bằng loại xà bông khử trùng thường xuyên. Mọi người làm việc lặng lẽ, giảm thiểu giao tiếp và nếu không cần thiết, có thể về làm việc tại nhà càng sớm càng tốt. Không khí làm việc căng thẳng, nghi hoặc, buồn chán. Tất cả đã mất, sự thân thiện, cởi mở, nhất là thói quen chào hỏi, tay bắt mặt mừng gặp gỡ của người Mỹ không còn nữa. Tất cả đã thay đổi, tạm thời hay mãi mãi vẫn chưa có câu trả lời thích đáng. Covid-19 đang khoắc lên không phải chỉ nước Mỹ, Âu châu mà toàn thể nhân loại một thói quen mới, một tập quán đang dần dà hình thành? Làm việc tại nhà (work from home) bận rộn và phức tạp hơn tôi tưởng. Mọi quy trình thiết lập, nối kết và kiểm chứng vừa mất nhiều thời gian vừa kém hiệu quả. Sự hòa nhập xã hội, giao tiếp với người chung quanh hay nói khác giữ tinh thần và nguồn năng lượng tích cực với bản thân, với cộng đồng đã không còn nữa. Thay vào đó là những phương tiện truyền thông hiện đại, bạn làm việc tại nhà "nối kết" qua màn hình nhỏ trên bàn viết, ở một góc phòng!
Thế nhưng ngay sau tuần Lễ Độc Lập của Mỹ (4 tháng 7), tình hình tái lây nhiễm dịch bệnh lại tăng đột ngột, nhất là các tiểu bang như Georgia, Florida, Texas, Arizona, California... Kể cả tiểu bang North Carolina, nơi tôi đang sinh sống, dịch bệnh cũng vùn vụt tăng nhanh. Cả nước Mỹ có hôm, số ca nhiễm mới tăng hơn 70 ngàn người trong vòng 24 giờ. Chương trình mở cửa lại giai đoạn 2 đã không được suông sẻ như dự định. Thậm chí nhiều thành phố của một số tiểu bang Mỹ đã bàn đến việc "đóng cửa" trở lại. Việc mang khẩu trang nơi công cộng được ban hành như "lệnh bắt buột" tại nhiều thành phố của nước Mỹ. Vấn đề này gây nhiều tranh cải, chống đối và thậm chí "thưa kiện" ra tòa án từ các chính quyền tiểu bang và thị trưởng thành phố.
Trên kênh Youtube hằng loạt chương trình hướng dẫn tự may khẩu trang tại nhà. Khán giả Youtube không còn xem các mục nấu ăn nữa, mà chuyển sang cách may khẩu trang để sử dụng khi ra ngoài. Các loại dây thung cở nhỏ, vải cotton và nhiên liệu ngăn chận virus trở nên khan hiếm cho việc may khẩu trang ở nhà. Khẩu trang đủ kiểu, đủ loại với nhiều màu sắc quốc gia từ Á đến Âu rồi sang cả châu Mỹ. Nói không quá đáng, khẩu trang đang dần dà trở thành chiếc khăn "thời trang", trang điểm cho khuôn mặt hôm nay? Nụ cười sẽ tạm dấu và chỉ còn đôi mắt, bây giờ đã thật sự trở thành cửa sổ tâm hồn biết cười và biết nói. Hầu hết các tiệm tạp hóa, thực phẩm, tiệm ăn... đều niêm yết trước cửa tiệm hàng quán: "Không khẩu trang - Không được vào" hay "Xin đeo khẩu trang - Tôi bảo vệ bạn, bạn bảo vệ tôi".
Thời trang "khẩu trang" bán trên mạng Amazon
Trong bối cảnh cơn đại dịch coronavirus, thì vào ngày 25 tháng 5, 2020 cái chết của người da màu, George Floyd ở thành phố Minneapolis của tiểu bang Minnesota đã châm thêm ngòi thuốc nổ của "sự kỳ thị màu da". Bắt đầu bằng cuộc biểu tình từ thành phố Minneapolis đòi "công bằng và pháp lý" cho George Floyd, phong trào "Black Lives Matter" (BLM) lan rộng như vết dầu loang trên cùng khắp các thành phố của Mỹ: New York, Chicago, Los Angeles, Washington DC, Seattle,...
George Floyd
Toàn cảnh nước Mỹ như đang đi vào cuộc "nội chiến" của sự kỳ thị màu da giữa cơn đại dịch coronavirus hoành hành cùng khắp. Nhiều tượng đài lâu đời tượng trưng cho lịch sử nước Mỹ đã bị kéo xuống và hủy hoại. Nền dân chủ, tự do biểu tượng của đất nước này đang được "lật lại" và phán xét từ phong trào BLM và nhiều tổ chức, đảng phái của "cánh tả". Hình ảnh của lịch sử, giá trị của xã hội chừng như đảo lộn qua đêm. Kẻ tội đồ hôm qua là người hùng hôm nay và ngược lại, tượng người anh hùng lịch sử hôm qua bị đập phá, lên án như kẻ sát nhân của quá khứ. Lịch sử sang trang hay quan niệm tự do, dân chủ toàn cầu đang được định nghĩa lại?
Hình ảnh cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter
Nước Mỹ chừng như đang đi vào cơn lốc "bạo động" và "bạo dịch", kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở. Nạn thất nghiệp gia tăng, nhiều tập đoàn kinh doanh phá sản và các cơ sở làm ăn tư nhân nhỏ lâm vào nhiều hoàn cảnh "cầm cự" qua ngày, tiến thoái lưỡng nan. Những cơ sở thương mại phổ biến trong cộng đồng người Việt như tiệm nail, nhà hàng ăn uống... bị ảnh hưởng chung của cơn đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình đòi "quyền bình đẳng" và chấm dứt "sự kỳ thị màu da" trên toàn nước Mỹ. Muốn hay không, tốt hay xấu, lo lắng hay "buông thả" mặc tình... cả thế giới nói chung, nước Mỹ nói riêng đang trực diện và trải qua cơn khủng hoảng toàn diện, có thể nói "lớn nhất của thế kỷ" này chăng? Tương lai chắc chắn sẽ cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng. Cho đến hôm nay ngày 01 tháng 8, 2020 cả thế giới đã có đến hơn 17 triệu ca nhiễm, 680 ngàn người chết; riêng nước Mỹ hơn 4.5 triệu người nhiễm và 153 ngàn người chết vì coronavirus Vũ Hán.
COVID-19 ghi nhận ngày 01 tháng 8, 2020 của đài CNN
Riêng ở Việt Nam, sau hơn 3 tháng chận đứng thành công không có ca nhiễm Covid-19 mới thì ngày 25 tháng 7 vừa qua Đà Nẵng đã phát hiện ra 2 ca nhiễm mới. Hai ngày sau đó, 27 tháng 7 đã tăng lên con số 11 ca lây nhiễm. Đến sáng ngày 28 tháng 7 chính quyền Việt nam đã chính thức đóng cửa thành phố Đà Nẵng đối với du khách và lệnh cách ly ban hành nhiều huyện, phường trong thành phố. Bên cạnh đó, là nhiều bản tin về người Trung Quốc xâm nhập "bất hợp pháp" (lậu) vào Việt Nam đã bị bắt. Đường dây tổ chức có liên quan đến cả người Trung Quốc và người Việt Nam. Con số người Trung Quốc xâm nhập "bất hợp pháp" chưa được xác nhận rõ nhưng có thể lên đến hàng trăm người? Đây phải chăng là nguy cơ và nguyên nhân của những ca lây nhiễm Covid-19 chủng loại mới của Việt Nam? Đến hôm nay, ngày 1 tháng 8, đã có hơn 40 ca nhiễm mới tại Đà Nẵng, Quãng Nam, Hà Nội, thành phố Sài-gòn,... và hai người chết đầu tiên vì Covid-19 tại Việt Nam. Cho dù kết quả thế nào, Trung Quốc vẫn là mối đe dọa và kẻ thù ngay phía sau lưng của đất nước! Câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu và chiếc nỏ thần của lịch sử đang tái diễn trong thời đại mới của Việt Nam?
Khuôn mặt của con người được định hình bởi phong tục, tập quán hay hoàn cảnh xã hội của một đất nước. Khuôn mặt của nhân loại là sự kết hợp của nhiều miền đất khác nhau trên toàn mặt địa cầu. Covid-19 đang thay đổi bộ mặt thế giới không phải chỉ bằng chiếc khẩu trang, mà bởi sự quan hệ tình người trong xã hội hôm nay. Tất cả sẽ được lịch sử ghi lại với những phương tiện kỷ thuật truyền thông hiện đại của mạng toàn cầu. Sự tổn thương của cơn đại dịch coronavirus sẽ mãi hằn sâu trong lịch sử con người không phải chỉ là những con số mà cả mối quan hệ tình người cùng chia sẻ cuộc sống hòa bình trên mặt địa cầu. Hãy nguyện cầu cho hôm nay và nhiều thế hệ mai sau có được cuộc sống an bình và niềm tin yêu chân thật giữa những chúng ta!
Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam
Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020
Tiễn Biệt Nhà Văn Anh Vân (Tưởng Nhớ Ngày Giỗ 31/7/2020)
Điếu Văn: Tiễn Biệt Nhà Văn Anh Vân - Kim Phượng
Giọng Đọc & Diễn Ngâm: Dương Thượng Trúc
Thực Hiện: Kim Oanh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)