Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Nụ Hôn Vĩnh Biệt

     

    Nỗi mất mát lớn nhất của má là ba qua đời. Nhưng, trong những ngày tang lễ, má không gào thét, kể lể hay khóc lớn tiếng, mắt ngấn lệ.

    Má rất bình tĩnh, đôi mắt đượm buồn, khuôn mặt không che giấu được nỗi đau, từ tốn đứng lên cảm tạ thân nhân, bạn bè và mọi người giúp đỡ trong tang lễ.
 
    Hai mươi hai năm qua, những hình ảnh ấy chưa xóa mờ và sâu đậm nhất là giây phút má cúi xuống, hôn lên khuôn mặt giá lạnh của ba…Nếu bên kia cửa tử còn có một đời sống...hẳn ba...

Ngàn năm mây trắng bay bay
Lần trang hồi ức từ rày chiêm bao
Ba giờ ở tận phương nao
Có nghe tiếng nấc nghẹn ngào trong tim
Vườn sau não nuột tiếng chim
Giọng kêu lẻ bạn gọi tìm người thương
Áo quan đời cõi vô thường
Má còn lưu luyến vấn vương nghĩa tình
Không gian trời đất lặng thinh
Mênh mông thế giới ngỡ hình như riêng
Cúi mình giây phút thiêng liêng
Nụ hôn đưa tiễn về miền xa xăm
Hương lòng quyện khói trăm năm
Ẩn trong khóe mắt âm thầm lệ ngăn
Bên nhau lúc tuổi tròn trăng
Nay đà sương tuyết chít khăn tang buồn
Nước đi rồi lại về nguồn
Nụ hôn vĩnh biệt mãi luôn nồng nàn
 

Thơ & Ảnh: Kim Phượng,

Tưởng Niệm Ngày Giỗ lần thứ 23.

30.10.2020,


Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Liễu Chương Đài


Liễu Chương Đài trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn ta nỗi lòng nhớ thương quê hương và tình nhân của nàng Kiều lúc ở lầu xanh, có câu:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có biết tình chăng ai?
Khi về hỏi Liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!


"Chương Đài" là tên một con đường ở thành Trường An bên Tàu. "Hỏi Liễu Chương Đài" là hỏi thăm cây liễu ở đường Chương Đài. Đây có nghĩa là hỏi thăm người tình nhân cũ (tức là nàng Kiều).
Sở dĩ có nghĩa ấy do điển tích ở tình sử:
Đời nhà Đường, Hàn Hoành tuổi trẻ nổi tiếng là một người tài danh. Nhà nghèo kiết, lấy một nàng kỹ nữ họ Liễu ở Chương Đài.
Mấy năm sau, quan Tiết độ sứ ở châu Thanh là Hầu Hy Dật mến tài, tâu vua xin Hàn Hoành làm người giúp việc. Bấy giờ, đương lúc nhiễu loạn, Hàn không dám đem Liễu đi theo, để nàng ở lại kinh đô, định chờ dịp tiện sẽ về đón. Nhưng trải qua ba năm trời, Hàn vẫn không về đón được. Nhân lấy vàng đựng vào một cái túi gởi về cho Liễu, kèm theo một bài thơ:

Liễu ơi, hỡi Liễu Chương Đài,
Ngày xưa xanh biếc, hỏi nay có còn?
Ví tơ buông vẫn xanh rờn,
Hay vào tay khác, khó còn nguyên xưa!


Nguyên văn:

Chương Đài Liễu! Chương Đài Liễu!
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
Túng sử trường điều tự cựu thùy,
Dã ưng phan chiết tha nhân thủ.

Liễu được thơ cũng đáp lại:

Xanh non cành liễu đương tươi,
Năm năm luống để tặng người biệt ly.
Thu sang quyện lá vàng đi,
Chàng về biết có còn gì bẻ vin! 

(Bản dịch của Trúc Khê)

Nguyên văn:

Dương liễu chi, phương chi tiết,
Khả hận niên niên tặng ly biệt.
Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
Túng sử quân lai khởi kham chiết! 

Lời thơ trao đổi thành một điềm gở báo trước.
Một thời gian, Hàn được trở về triều, tìm Liễu không thấy đâu cả. Dò hỏi tin tức, thì ra Liễu đã bị viên tướng Phiên rất có công trạng với triều đình tên Sa Tra Lợi thấy nàng có sắc đẹp nên cướp mất. Nàng bấy giờ được luyến ái hơn hết cả mọi phòng. Hàn buồn bã vô cùng, nỗi nhớ thương không sao khuây được.
May có một tráng sĩ trẻ tuổi tên Hứa Tuấn thương xót tình cảnh của Hàn, tìm mẹo cứu được Liễu. Bấy giờ vợ chồng được xum họp đầm ấm như xưa.

Trích Điển Hay Tích Lạ

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Hồn Thu



Có những mùa thu rất lạ lùng
Nhuộm vàng xa thẳm cõi mông lung
Rơi rơi…mang cả hồn thu lạnh
Lạnh cả bàn tay…
Lạnh vô cùng!






Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Một Thời Áo Trắng Áo Xanh


    Trong thời gian nghỉ việc, do dịch bệnh Covid. Tôi có dịp lục lại những tấm ảnh cũ, xem đi coi lại hình của gia đình và thời đi học. Vô tình, tôi tìm thấy được hình của mình khi mới thi vào trường Kỹ Thuật, hình vẫn còn dấu mộc màu đỏ. Kia là hình các thầy cô, các anh chị và bạn bè cũ cùng học chung, dưới mái trường Kỹ Thuật Vĩnh Long.
    Tôi không khỏi bồi hồi lẫn nhớ thương. Những hình ảnh dưới mái trường xưa, và kỷ niệm của các bạn cùng lớp chưa phai mờ trong ký ức của tôi...
    Ôi nhớ quá, nhớ quá!

    Những ngày còn đi học, mỗi sáng thứ Hai, trường đều có lễ chào cờ. Hai anh học sinh được chọn, để kéo lá quốc kỳ, cùng với tiếng hát quốc ca của tất cả học sinh mang màu áo xanh. Sau đó thầy hiệu trưởng thông báo vài điều lệ và tất cả mọi người đều trở về lớp.
    Tôi vẫn nhớ như in, ba ngày đầu tuần, lớp 8 chúng tôi học nghề. Vì là lớp đặc biệt, nên được các thầy cô quan tâm nhiều hơn. Trong thời gian học, một số học sinh được lãnh học bổng toàn phần hoặc bán phần, và trong số ấy có tôi.

    Thích lắm cơ!

    Những ngày học môn Nữ Công Gia Chánh, chúng tôi như những con nai vàng ngơ ngác khoác lên người màu xanh, để mọi người biết... “Tôi là học sinh Kỹ Thuật đó nhe!” Nhưng ai đó nói rằng, lớp chúng tôi có nhiều tiên nữ đang bị đày xuống trần gian để chuộc tội. Vì lớp được quan tâm đặc biệt nên dễ rơi vào tầm ngắm của thầy phó giám thị Phạm Văn Dệt. 

    Sợ lắm cơ!
 
    Môn Nữ Công Gia Chánh, bao gồm, thêu thùa, may vá và nấu ăn. Môn học nấu ăn, là môn tôi thích nhất. Lớp chúng tôi cùng nhau đi chợ, thực tập cách nấu và sau đó chúng tôi cùng ăn chung với cô giáo. Có bạn mang về, cho gia đình nếm thử. Còn giờ học thêu thùa, đan móc, bạn nào cũng thích. Nhờ học được môn này, khi đã rời trường trong hoàn cảnh khó khăn, tôi có thể đan áo, mũ, tất, cho các bé sơ sinh, từ vài tháng cho đến 1 tuổi, và bỏ mối ngoài chợ hoặc nhận đặt hàng, đan riêng cho những ai cần. Công việc này, đã giúp thêm phần tài chánh cho tôi trong một thời gian cũng khá lâu.

     Sau khi lập gia đình, các con tôi cũng được mặc và mang những cái áo, đôi vớ do chính tôi làm. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Mỗi lần nghĩ lại, tôi vô cùng tri ân, cám ơn và mãi ghi khắc công dạy dỗ của các cô. Đó là cô Kim Lý dạy nấu ăn, cô Nho dạy may và thêu, cô Nghiêm dạy đan.

    Tìm về kỷ niệm ngày xưa, tôi nhớ lại, sau những giờ học nấu ăn xong, đa số ở lại trường để buổi chiều học tiếp. Trong giờ nghỉ trưa, bọn tôi kéo nhau lên lầu 1 rồi trèo ra ban công ngồi, ngắm con sông. Đúng hơn đó là con lạch nho nhỏ, có đám lục bình nhẹ nhàng trôi theo con nước, cùng tiếng ve kêu và chim sẻ đang ríu rít giữa trưa hè, như hòa theo lời tíu tít cùng chúng tôi. Và trên khoảng xa kia, vài cánh phượng rơi rơi, lay nhẹ trong gió.

   Sau ba ngày học nghề, những ngày khác trong tuần, chúng tôi học văn hoá. Có thể nói đây là những buổi học đáng ghi nhớ nhất trong đời học sinh. Cúp cua trốn học đi chơi cũng có, phá thầy cô trẻ cũng có, bị phạt cũng có. Thầy giám thị, là người phạt chúng tôi nhiều nhất. Tôi là người bày trò chơi, khiến cho một bạn bị phạt hoài. Nghe đâu vì tai nạn, bạn ấy đã về bên kia thế giới lâu rồi. Thôi thì cầu chúc cho bạn sớm về một nơi không còn khổ đau.

    Lớp tôi được chọn một trong hai sinh ngữ. Môn Anh Văn học với cô Tuyết Mai, vợ của thầy Hy phụ trách và Pháp Văn do thầy Nghiệm dạy. Tôi nhớ, có lần đến giờ Anh văn, lớp tôi phải chia 2, để tìm phòng học. Hôm đó, lớp học Anh văn ở đầu cầu, phía bên kia là Xưởng cơ khí của các anh trai. Chúng tôi ngại đi về hướng đó, vì có nhiều anh áo xanh trong xưởng và một số khác ở ngoài hành lang, đang tán gẫu. Khi thấy bọn con gái đi ngang, các anh réo như gọi đò, khiến chúng tôi, 3 chân 4 cẳng phải chạy nhanh vào lớp. Hoặc những khi đi ngang qua cây cầu nối giữa hai dãy lớp, các anh bạn áo xanh “gọi đò” rối rít, còn đếm nhịp bước chân của bọn này nữa. Chúng tôi vội ôm chặt cái cặp trước ngực, cúi mặt bước thẳng về lớp, dường như sợ có ai kéo lại. Đến khi vào lớp rồi, chúng tôi mới tươi tỉnh lại, và được yên thân như thế cho đến cuối giờ. Vì là môn chính nên chúng tôi phải học đầu giờ, rồi 2 giờ sau, chúng tôi cũng ngồi lì trong lớp không dám ra. Bởi vì giờ chơi, các anh lớp lớn chiếm ưu thế ở đầu cầu và giữa cầu. Ngoại trừ, khi cần lắm, chúng tôi mới đi ra rồi về lại đúng lớp mình mà thôi.

    Thời gian gần cuối năm học, tàng phượng to, đầy hoa trái, phủ lấy một phần giữa cầu và chân cầu làm mát cả khu này. Cây phượng mọc từ phía trước căn tin của cô Kim Lý. Thân to và cao nên nhánh xà vào thành cầu, như để làm duyên làm dáng cho những anh chị lớp lớn. Có những cơn mưa giông trong chiều mùa hạ, ngồi trong lớp nhìn ra thấy những cánh phượng và lá rơi lả tả trên cầu, chúng tôi thích lắm, vì lát nữa đây, sau giờ học chúng tôi sẽ nhặt những cánh phượng còn tươi sắc ấy, làm thành những con bướm xinh ép vào trang vở, hay để trên tay bày trò chơi bằng cách, đập mạnh, tưởng như tiếng pháo và cùng đua nhau, xem tiếng nổ của ai kêu to hơn. Vui lắm cơ! Đôi khi tôi và các bạn hái vài nhánh phượng, bày trò chơi cô dâu chú rể, để tặng hoa cho nhau, cười đau cả bụng. Huỳnh Nga lớp trưởng, giả giọng bố mẹ làm chủ hôn cho bọn tôi. Lúc đó hình như ai cũng thích làm cô dâu để được cầm cả nhánh hoa, chú rể thì có một thôi. Sau trò chơi ấy, chúng tôi làm bể bình bông, khăn bàn bị rách. Chuyện gì đến sẽ đến, vui quá nên chữ nghĩa trả lại cho thầy cô hết. Thế là thứ Hai đầu tuần, chúng tôi bị phạt, xướng tên tại sân cờ.

    Buồn thiu! Buồn thiu!

                                          Bạch Hằng và bạn Đặng

    Đó là kỷ niệm đẹp một thời, chiếc cầu nối giữa hai dãy lớp, mang tên “Cầu Giao Duyên” hay còn gọi là “Cầu Phượng Hồng”. Bởi vì, vào mùa hạ, chỉ cần một cơn gió, cầu sẽ đầy hoa và lá phượng. Năm lớp 9, tôi và một bạn nữa cùng đi ngang qua cầu ấy để vào lớp học. Một anh lớp lớn, bẻ nhánh phượng tặng cho hai đứa, phượng đã cầm trên tay, chỉ lí nhí nói được hai tiếng cám ơn, rồi đi thẳng vào lớp và khoe với các bạn. Chúng tôi chia nhau những cánh phượng mà không hề để tâm đến tên của người tặng. Bọn con gái chúng tôi lúc đó hậu đậu lắm, không để ý chi cả, chỉ thích chơi và chọc phá người khác thôi. Mãi đến cuối năm lớp 9, lớp 10, tuổi của ngồi đó mà hồn thì rong chơi nơi mô. Khó nói lắm! Đến khi thầy cô gọi tên trả bài, chừng ấy như vừa tỉnh giấc mộng. Mộng thì có mộng, nhưng không lưu luyến lâu, vì còn nhiều trò của “nhất quỷ nhì ma” đang đợi chờ chúng tôi. Tuy nhiên, phá phách có tiếng mà học cũng giỏi luôn, nên được các thầy cô thương lắm, chiều lắm. Hôm nào không muốn học, cứ mè nheo với thầy cô một hồi là xong ngay. Thế là thầy trò rủ nhau đi ăn chuối nướng ở ngã ba gần nhà thờ Chánh Tòa, sau đó về học tiếp. Nếu thầy cô nào không cho, hôm sau có tiết học, cả lớp trốn hết, chỉ còn lại vài chị gương mẫu không dám đi vì sợ bị phạt. 

 

    Thời gian thấm thoát, mới đó mà mấy mươi năm trôi qua. Các Thầy Cô hiện nay thế nào!? Không biết bây giờ các bạn học ngày ấy ra sao, có lẽ đã có cháu nội cháu ngoại. Cầu mong cho các Thầy Cô, các bạn học Kỹ Thuật Vĩnh Long, được bằng an, mạnh khoẻ và hạnh phúc trong cuộc sống. Hy vọng, trái đất tròn, thế nào cũng gặp lại.

Vũ Thị Bạch Hằng

25.5.2020  

Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long



Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Cảm Hứng - Tình Thơ



Bài Xướng:

Cảm Hứng

Thi đàn rực rỡ với ngàn hoa
Đắm sắc tao nhân thả nét ngà
Kết chữ gieo vần sao khéo chọn
Đề thơ khởi bút ngát hương xa
Mơ màng bao cảnh xuân tươi thắm
Nắn nót đôi câu ý đậm đà
Hà cớ đường thi hay lục bát
Cùng nhau cảm xúc mở lòng ra.

Quên Đi
***
Bài Họa:

Tình Thơ

Thuở ấy vườn tâm trộm nở hoa
Hương đêm thoang thoảng chạm tay ngà
Đề thơ động bút gieo duyên mới
Thả chữ trao lời kết bạn xa
Lục bát nhắp môi tình lắng đọng
Đường thi cạn cốc ý la đà
Hồn nhiên một cõi đâu tri kỷ
Xướng họa tâm đầu thoát tục ra

Kim Phượng

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Thu Về


Thu về tơ tưởng người mơ
Tàng cây đứng lặng chơ vơ một mình
Nhớ em ánh mắt chung tình
Anh về trăn trở nhớ hình bóng xưa
Nỗi buồn lây lất ban trưa
Gió đâu thổi mạnh đẩy đưa lá vàng
Đêm về ấp ủ bóng nàng
Nhớ từng kỷ niệm bên hàng cây thu

Huỳnh Phương Trạch
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long


Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Uống Rượu Bên Bờ Cổ Chiên



Quán nhậu bên bờ sông Cổ Chiên
Người đông rất lạ khách qua đường
Bốn mươi năm trải nhiều dâu bể
Tiếng vọng đong từng thương nhớ thương

Gọi vội vài ly rượu nếp quen
Men xưa vị thấm mấy hương kèm
Bến cũ còn đây con nước chảy
Đâu rồi môi mắt gửi mười phương

Ngày cũng xế tàn như rượu cạn
Ráng chi thêm nữa chút ly cùng
Uống khan để nhớ thời tao loạn
Ta tiễn người mang dạ thủy chung...

Ngồi nhớ nụ hôn ngất ngưởng đời
Chừng như còn đó vết son môi
Hôm qua mắt nhắm bàn tay vội
Chưa kịp trao người thương nhớ thôi

Quán đã thưa rồi cố nhân ơi!
Hẹn nhau ngày ấy chắc xa vời
Gió quen hơi nước đêm còn lại
Ly cũng thay người xin tiễn tôi...

(Kỷ niệm lần ghé Vĩnh Long - 2011)
Durham, North Carolina 

Người Chợ Vãng

 

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Em Cũng Là Hoa: Hoa Đào

Lần bước đường hoa chạm cánh đào 
Hương thầm dìu dịu phút bên nhau 
Nụ cười trong vắt thời con gái 
Say đắm nhìn ai của thuở nào 






Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Mazzard Cherry Sân Trước Nhà Nàng 

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Ngu Ngơ - Ngớ Ngẩn



Bài Xướng:

Ngu Ngơ

Trời chớm thu vàng sắc lá thay
Trầm mình bể ái thả hồn say
Biết đâu thuyền mộng dời xa bến
Tội trái tim yêu chịu đọa đày

Người đã vội quên sao mãi chờ
Gom tình trải hết những trang thơ
Lời nhung lời nhớ sầu khôn hạn
Con chữ vô tình gợi ước mơ

Người đã đi rồi cứ mỏi mong
Thu rơi bao lá những chiều trông
Trọn đời làm kẻ ngu ngơ ấy
Con nước trôi xuôi lội ngược dòng

Kim Phượng
***
Ngớ Ngẩn


Chớm Thu mà lá đã màu thay
Khiến dạ bâng khuâng ...cứ ngỡ say
Nhớ lại Thu nào tình yêu vỡ
Con tim tan nát tựa lưu đày

Đã mấy trăng Thu cứ đợi chờ
Đêm về vẫy bút viết vần thơ
Muốn tìm quên lãng cho sầu cạn
Nỗi nhớ vương đầy ...lại mộng mơ

“Ai” kia đâu biết có người mong ?
Cứ mỗi lần Thu dõi mắt trông
Trót lỡ làm thân ngơ ngẩn ấy
Thôi đành thơ viết thả đôi dòng!

songquang
20201016

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Hương Thu - Hơi Thu

                          Ảnh: Kim Phượng

Bài Xướng:

Hương Thu


Gom hết mùa Thu trong nắm tay
Rải dài theo lối nhẹ bay bay
Hương thu chẳng đủ làm ngây ngất
Lạnh trọn đêm này thu có hay

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Hơi Thu


Níu gió thu vàng trên ngón tay,
gởi em cho tà áo nhẹ bay,
hơi thu lành lạnh làm ngây ngất,
nỗi nhớ thương này em có hay?

Sông-Hương

 

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Gió Những Mùa Sau


1.

    Buổi sáng vừa ra cửa đi làm, chợt nghe thoáng lạnh, tôi vội quay vào khoắc chiếc áo choàng loại nhẹ. Trời lại bắt đầu vào thu. Thoáng chốc, trôi nhanh “trăm năm là mấy, một ngày dài ghê”. Những chiếc lá khô vàng đã bắt đầu rụng rải rác phía sau nhà.Thời gian chợt như trêu ghẹo, đùa cợt với chúng ta. Nhiều lúc soi gương, tôi cứ tưởng mình đang nhìn một người khác. Một tôi phía bên ngoài đang nhìn chăm chăm một tôi bên trong mặt gương soi thật xa lạ với thời gian. Con người của hôm qua chưa kịp nhận diện con người của hôm nay..? Trên con đường đến chỗ làm, chạy thẳng, quẹo trái quẹo phải, tất cả đều là những phản ứng tự nhiên của thói quen (đôi lúc không cần đến cả ý thức). Chừng như tuổi càng cao chúng ta càng có nhiều thói quen và chi phối bởi thói quen, từ thể chất đến tinh thần. Mọi sai lệch trong sinh hoạt hằng ngày đều khiến chúng ta dễ bực dọc, khó chịu và ngay cả tức giận, nhiều khi rất vô lý. Khả năng thích nghi với hoàn cảnh chung quanh đã không còn nhiều… Tôi cho đèn hiệu quẹo vào tiệm thức ăn nhanh phổ biến của cả nước Mỹ “McDonald’s”, như một thói quen! Và cũng như mọi khi, tôi gọi một biscuit với trứng, thịt bằm và phô-mát qua cửa sổ mà không phải ra khỏi xe. Đây là món ăn sáng “gần gũi” nhất của tôi nhiều năm nay. Cà phê và nước uống thì chỗ làm tôi lúc nào cũng có sẵn, “miễn phí” cho nhân viên ngày lẫn đêm. Bà xã thường gọi tôi là “hai lúa” vì thói quen ăn uống của mình: ngày ba cữ, sáng trưa chiều, không hề biết ăn vặt và không thể sống thiếu cơm! Những lần đi công tác xa, nếu may tìm thấy được quán phở của người Việt mình, mỗi chiều ăn phở tôi đều gọi thêm một chén cơm trắng. Bà chủ tiệm thấy vậy hỏi tôi, phở không đủ ăn hay sao ông phải kêu thêm cơm? Tôi cười lắc đầu, không phải phở ít mà tôi thèm cơm! Mà thật vậy, ăn phở bao giờ tôi cũng kết thúc bằng một chén cơm trộn phở, ngon đến muỗng cuối cùng. 

2. 

    Nghĩ ngợi lan man tôi chợt nhìn thấy bên lề đường, dọc theo một góc phố ba mẹ con người da trắng đang ngồi cầm hai tấm bảng viết tay nguệch ngoặc. Hình như đứa nhỏ nhất vẫn còn ẵm trên tay. Trời đang vào thu, gió trở mùa và se sắt lạnh. Tôi cho xe chạy chậm lại, sát hơn vào lề đường. Đó là hình ảnh một người phụ nữ da trắng trẻ ngồi bệt dưới vỉa hè với đứa con trai chừng 4, 5 tuổi và một cháu bé trong lòng. “Vô Gia Cư – Xin vui lòng giúp đỡ”, bằng mực màu viết trên hai miếng bìa cứng xé ra từ chiếc thùng giấy. Đây cũng không phải lần đầu hay 


hình ảnh xa lạ gì nơi thành phố tôi đang ở. Nhưng thường thấy là người lớn và không có con nít mang theo. Nhìn kỷ cả ba mẹ con đều xinh đẹp, dễ thương. Chưa kịp phản ứng gì, thì tôi bắt gặp nụ cười thật vô tư, hồn nhiên của cháu trai nhỏ. Chừng như cậu bé chưa nhận thức được hết những gì đang xảy ra cho ba mẹ con. Hoặc cậu bé đã quá quen thuộc với hoàn cảnh lang thang “không nhà cửa” này. Buổi sáng trong giờ cao điểm, xe cộ tấp nập từ mọi phía của đường phố. Không thể gây phiền phức, cản trở giao thông tôi móc vội phần tiền còn lại trong túi và phần bánh biscuit vừa mua vẫn còn nóng. Tôi bấm đèn hiệu dừng xe “khẩn cấp” và ra dấu cho ba mẹ con ra nhận. Đứa bé trai buông tấm bảng giấy, cười tươi chạy về phía tôi. Đôi mắt mệt mỏi, mất ngủ của người phụ nữ da trắng thoáng lên chút hân hoan rồi chìm vào ánh nhìn xa xăm, tĩnh lặng. “Thank you…”, tiếng cảm ơn trong trẻo của cậu bé chạm đáy lòng một buổi sáng đầu thu. Chiếc xe tôi trờ vội đi, để lại phía sau góc phố hình ảnh của ba mẹ con người da trắng không nhà, đang chờ những tấm lòng thương cảm. Cho dù số phận con người thế nào, ra sao đi nữa, cuộc sống vẫn mãi trôi qua giữa lòng đời và lòng người không dứt… Giấc mơ bao giờ cũng ngắt khoảng, lẫn lộn. Có khi nằm trong tiềm thức hay trong ký ức của chúng ta một lần thoáng hiện. Hoặc đôi khi hoàn toàn xa lạ mà người mơ thấy, tưởng như không hề có thật. Đất nước Mỹ, phải chăng là giấc mơ của biết nhiêu con người trên mặt địa cầu? Nhưng đôi khi các bạn biết không, giấc mơ chỉ hiện hữu trong giấc ngủ lúc nhắm nghiền đôi mắt và bước ra khỏi cuộc sống đời thường. 

   Tôi tin rằng sẽ không có bất cứ đất nước nào trên cõi đời này sẽ đem lại giấc mơ cho chúng ta, nếu chúng ta không mang nó theo sẵn trong lòng. Hình ảnh ba mẹ con người da trắng chừng như nhắc nhở tôi, thiên đường nào cũng có sự may mắn và nỗi bất hạnh gần bên. Ánh mắt hồn nhiên của cậu bé “vô gia cư” da trắng chỉ khiến tôi thoáng chút thương cảm tình người. Thế thôi. Nhưng ánh mắt thơ ngây ấy lại xô đẩy tôi về với một xót xa khác, một hình ảnh trong tận cùng ký ức của trái tim. 

3. 

    Buổi chiều trên bờ biển Phú Quốc thật yên bình và thật đẹp. Xa xa là Dinh Cậu nằm trên một doi đá cơi ra phía ngoài khơi. Mặt trời như trái banh lửa khổng lồ đang lăn và chìm dần vào lòng biển xa. Đây là lần đầu tiên tôi viếng thăm hòn đảo ngọc Phú Quốc. Nhiều nơi trên đảo vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, chưa bị bàn tay con người xâm lấn, cưỡng chiếm. Nhưng xa gần đã bắt đầu có dấu hiệu của sự phát triển thương mại, những khu nghỉ dưỡng và các khách sạn 5 sao đang đẩy thiên nhiên vào bờ vực nguy cơ của ô nhiễm môi trường… Tôi đi dọc theo khu 


“Chợ Đêm Phú Quốc” mà mọi người đang chuẩn bị bày biện, chất hàng cho buổi tối. Những tiếng bàn ghế và mùi bếp lửa cũng bắt đầu vang vọng, tỏa lan. Chỉ vài giờ nữa khu phố chợ thưa thớt này sẽ tấp nập những người và tràn ngập quán ăn đêm. Gió hanh hanh thổi theo hơi biển mặn và mùi cá phơi khô như một đặc sản không gian của quê hương Rạch Giá, từ đất liền đến đảo xa. Mùi vị quê nhà thấm sâu vào mọi giác quan của mỗi người con đất biển. Buổi chiều đang rơi nhè nhẹ theo từng giọt nắng vàng treo lơ lững hai bên mặt đường. Chợt thoang thoảng đâu đây mùi thơm quen thuộc của tuổi thơ tôi. Mùi thơm của sữa. Mùi thơm của sữa đậu nành đây mà! Tôi thấy khát và thèm vô cùng một ly sữa đâu nành nóng! “Trà sữa – Sữa đậu nành – Chè các loại”, trước mặt tôi là chiếc xe che kiếng với vài chiếc bàn nhỏ và tấm bảng ghi bắt mắt. Ngồi xuống ghế, tôi gọi một ly sữa đậu nành nóng. “Bác có bỏ thêm đường hông?”, cô gái bán hàng hỏi. Tôi cười, gật đầu. Ly sữa đậu nành bốc khói, thơm phức. Khuấy vài muỗng thì tôi thấy mấy con kiến đen nổi lên, có lẽ ở trong đường. Thường thì chẳng hề hấn gì, nhưng tôi đang ho mấy hôm nay vì chưa thích nghi lắm với thời tiết chung quanh. Còn đang phân vân thì có tiếng: “Mua dùm con vài tấm vé số đi bác”! Đó là cô bé gái khoảng 11, 12 tuổi cầm trên tay xấp vé số quen thuộc mời mọc. Định cười lắc đầu, “Mua giúp con đi bác. Độc đắc mấy chục tỷ lận, con thấy bác có số may mắn đó”. Dưới chiếc nón rộng vành,khuôn mặt xinh xắn là đôi mắt thơ ngây trong sáng của cô bé (lẽ ra phải đang cùng gia đình ngồi ăn buổi cơm chiều). Ánh mắt cô bé không hiểu sao, có cái gì đó khiến tôi khó xử, khó chối từ. “Bao nhiêu một tấm con”? “Dạ 10 ngàn”. Nhớ ra trong túi tôi chỉ còn chừng ba trăm ngàn, mà lúc nãy tôi quên nhắc bà xã đưa thêm tiền dằn túi. “Bác mua cho con 10 tấm thôi nghen”. “Dạ 100 ngàn, bác lựa đi”. Tôi lấy vội và đưa cô bé tờ giấy 100 ngàn màu xanh. Cất tiền xong, cô bé vẫn còn nhìn tôi ngập ngừng: 

    -“Bác có uống ly đậu nành có mấy con kiến đó hông bác”? Bây giờ tôi mới nhớ ly sữa đậu nành mà tôi đẩy sang một bên, phân vân vì mấy con kiến đen. 

    -“Con muốn uống sữa đậu nành, bác kêu cho con một ly khác”. 

   -“Hổng phải con uống đâu bác… Bỏ mấy con kiến ra, con xin đem dzề cho đứa em nhỏ con uống…”, cô bé vừa nói vừa lấy trong cái túi vải khoắc vai, một chiếc bình bằng nhựa màu xanh. Cử chỉ và lời nói tự nhiên của cô bé làm tôi xúc động vô cùng. Tuổi thơ tôi trong chiến tranh đã “lớn trước tuổi”, đất nước hòa bình phát triển giàu mạnh cũng mang theo những lớp tuổi thơ “già trước tuổi” biết chừng nào! Tôi giúp cô bé vớt bỏ mấy con kiến đen “vô tội vạ” ra khỏi ly sữa đậu nành và gọi thêm một ly nữa mang đi. Tôi đưa cô bé thêm ly mang đi kèm theo tờ giấy 100 ngàn còn lại. 

    -“Má con dặn hổng được lấy tiền người lạ. Con lấy sữa đậu nành thôi”, cô bé trả tôi lại tờ giấy bạc. Hơi bất ngờ, nhưng tôi cũng vội kiềm chế cảm xúc: “Hay con lựa cho bác thêm 10 tờ vé số nữa đi…”. Cô bé đếm vé số cho tôi và cất giữ lại tờ giấy bạc 100 ngàn. 

    -“Con ngoan lắm. Ba má con đâu, mà con phải đi bán vé số”? 

    -“Má con bệnh… Con hổng có ba…”, cô bé trả lời nhỏ giọng, đượm buồn. 

Tôi nghèn nghẹn ở cổ, không dám hỏi hay nói lời gì thêm, lặng nhìn cô bé bán vé số với chiếc túi đựng hai ly sữa đậu nành bước đi vào giữa những sợi nắng vàng vọt, mong manh của buổi chiều… Nhiều người “than phiền” người Việt không có thói quen nói tiếng “cám ơn”! Nhưng trong giây phút nầy, mọi tiếng cám ơn chừng như đều “thừa thải”, đải bôi và vô nghĩa như nhau. Ánh mắt, tấm lòng của cô bé bán vé số ở khu chợ Phú Quốc là cả môt tấm gương soi cho những kiếp đời này. Chợt đâu đó có tiếng hát phát ra từ chiếc loa của một hàng quán bên đường: “Cuộc đời vẫn đẹp sao / Tình yêu vẫn đẹp sao…”, nghe thật bùi ngùi, mai mỉa. Khu chợ bắt đầu nhộn nhịp tiếng người như xô dạt bóng dáng cô bé trong từng cơn gió mùa biển mặn. 

4. 

    Trên đường về buổi chiều hôm đó, tôi không còn nhìn thấy ba mẹ con người phụ nữ da trắng nữa. Rồi những ngày sau cũng không. Góc lề đường nhỏ trở lại bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Chắc họ đã về một nơi nào đó, một khu tạm trú dành cho những người vô gia cư? Gió đầu thu cũng bắt đầu trở lạnh, kéo theo ngày “tháng Mười chưa cười đã tối”. Hình ảnh ba mẹ con vô gia cư người da trắng khiến tôi nhớ vô cùng cô bé bán vé số và ly sữa đậu nành ở khu chợ đêm Phú Quốc năm nào. Cũng 8 năm rồi, cô bé ngày nay chắc đã trở thành một thiếu nữ 19, 20 xinh đẹp? Cô thiếu nữ ấy bây giờ ra sao, hay vẫn còn giúp mẹ nuôi em bằng những tờ vé số cầm tay? Mong rằng không phải vậy. Mong rằng những may mắn sẽ đáp xuống cuộc đời cô bé để ánh mắt thơ ngây thoát khỏi bao nét nhọc nhằn, bất hạnh. Mong rằng cô bé sẽ quên tôi và ly sữa đậu nành, như quên đi những ký ức buồn trong mênh mông dòng đời nghiệt ngã trôi xa? 

    Bên ngoài trời đang mùa gió trở. Gió vào thu heo hắt lạnh mặt người. Gió mùa này sẽ thổi về đâu, cho mùa sau nối tiếp? Cô bé ơi, xin hãy đi trọn kiếp người với một tấm lòng trong sáng cưu mang, như những cơn gió mùa thơm ngát của hôm qua… 

        “… Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em? 
        “Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm 
        “Mai lỡ không về, chắc anh buồn biết mấy 
        “Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày… (*) 

Durham, North Carolina 
Nguyễn Hoài Nam 

(*) Nhớ Nhau Hoài – Anh Việt Thu & Thiên Hà



Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Ngu Ngơ


Trời chớm thu vàng sắc lá thay
Trầm mình bể ái thả hồn say
Biết đâu thuyền mộng dời xa bến
Tội trái tim yêu chịu đọa đày

Người đã vội quên sao mãi chờ
Gom tình trải hết những trang thơ
Lời nhung lời nhớ sầu khôn hạn
Con chữ vô tình gợi ước mơ

Người đã đi rồi cứ mỏi mong
Thu rơi bao lá những chiều trông
Trọn đời làm kẻ ngu ngơ ấy
Con nước trôi xuôi lội ngược dòng

Kim Phượng

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Quê Hương Thu Nhỏ: Cây Cầu Dừa



Từ khi ta bước đi mới hay mình đã mất
Trông ra nơi nào cũng thấy quê hương lượn quanh*
Lời bài hát Quê Hương Thu Nhỏ của Nguyễn Đình Toàn

Đường về quê nội vẫn xa xăm
Vì cớ mang theo tận chỗ nằm
Có phải cầu dừa hình bóng cũ
Đôi bờ thương nhớ chuyến về thăm

Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Cây Cầu Dừa Ở Ấp Phú Hữu, Xã Giồng Ké, Tỉnh Vĩnh Long


Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Thu Ngóng - Thu Chờ


Bài Xướng:

Thu Ngóng


Khóm cúc đơm hoa dưới nắng vàng
Heo may thoảng lạnh gió thu sang
Thuyền mơ ủ mộng nơi bờ cũ
Bóng nhạn non mây đã lạc đàng!.

Hương Thềm Mây
23.9.2020
***
Bài Họa:

Thu Chờ


Tôi đi tìm nhặt lá thu vàng
Ép nốt tâm tình mỗi tiết sang
Chờ cánh thiên di từ dặm ruỗi
Thu ơi thu hỡi vẫn đôi đàng

Kim Phượng

 

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Em Cũng Là Hoa: Hoa Đào

Từng cánh mỏng hồng chao trong gió
Chuyện chúng mình kể nhỏ đủ nghe
Mắt tròn xoe môi cười rất khẽ
Lời thề yêu nhe nhẹ ngượng ngùng






Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Prunus Persica Vườn Sau Nhà

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Mộng Đi Hoang


Xa rồi người ấy mộng đi hoang
Vương vấn mà chi chuốt bẽ bàng
Nước lững lờ xuôi về biển cả
Gió hiu hiu thổi bạt mây ngàn
Tơ tơ tưởng tưởng bao ngày nhớ
Đợi đợi mong mong mấy canh tàn
Lối hẹn lối hò thôi đã vắng
Xa rồi người ấy mộng đi hoang

Kim Phượng 

 

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Haiku 95


Thu
thao thức
thẩn

dovaden2010
***

Cảm Tác:


Thương
nhung nhớ
thu

Thơ & Ảnh: Kim Phượng 

 

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Tập Tành Nấu Nướng

Đam mê bằng cả trái tim
Tập tành nấu nướng đấy niềm vui lây
 

Khô Kangaroo


Khô Kangaroo


Nước Mắm Ớt


 
Phở Bò
Ảnh: Nam Phong
Con Trai Út Của Kim Phượng Tập Làm Bếp 

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Đâu Rồi Khoảng Mùa Trăng


Bài Xướng:

Đâu Rồi Khoảng Mùa Trăng

Không gian dìu dịu lễ hoa đăng
Háo hức đành thôi ngắm bóng Hằng
Vọng nguyệt đài đêm rằm tháng Tám
Hơi thu lành lạnh cả mùa trăng

Ta nghe rời rạc khúc nghê thường
Thoạt gặp mà chi để vấn vương
Chuyện chúng mình còn chăng kỷ niệm
Âm thầm mong đợi bóng người thương

Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Trung Thu 2020
***
Bài Họa:

Trái Ngang


Kết quả bảng vàng nay đã đăng
Tương lai rộng mở đó nha Hằng
Tình yêu mình nở trong hoa gấm
Anh sẽ cưới em soi bóng trăng

Đôi ta hai đứa mộng bình thường
Nhưng số không thành phải lệ vương
Giã biệt tình nhà thân lãng tử
Ngàn năm lưu luyến dáng em thương

Nguyên Trần

 

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Lễ Hội Lồng Đèn


Đi xem lễ hội lồng đèn
Người đâu đông đúc lấn chèn ép nhau
Trẻ con ham muốn khát khao
Đợi người từ thiện đến trao tặng quà
Trở về sum họp hát ca
Chung vui ăn Tết cả nhà thức khuya
Tiệc tàn nhiệm vụ phân chia
Ngày nay tập tốt mai kia đẹp đời

Huỳnh Phương Trạch
Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long 

 

Khúc Ca Vào Đời


Tuổi thư sinh tỏa ngát hoa hương
Học tập mai sau tiến mọi đường
Xây dựng con người trong xã hội
Giúp đời thêm đẹp ở quê hương


ChinhNguyên/H.N.T.