Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Những Mẫu Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Chiếc Dùi Trống


    Vào tháng giêng năm 1935, thầy giáo Nhân bên nhà xứ sang thăm cha mẹ tôi, thấy tôi trắng trẻo, đẹp trai, có vẻ thông minh, liền nói với cha mẹ tôi cho tôi đi tu. Hồi đó tôi chưa hiểu rõ cuộc đời tu là thế nào; chỉ biết cha mẹ tôi khuyên tôi nên đi vào nhà xứ ở với các cha cho đỡ khổ, thế là tôi nghe theo.

     Vài tuần sau, thầy giáo Nhân đưa tôi xuống xứ Đồng tỉnh, Hải dương, ở với cha Trang. Bấy giờ tôi mới biết cấp bậc trong nhà xứ: Trên có cha xứ, nếu xứ nào có nhiều giáo dân thì có thêm một hay hai cha phó; kế đến các thầy kẻ giảng,chuyên dạy bổn cho các họ đạo tân tòng; rồi tới các chú lớn, chuẩn bị học lên chức thầy; sau cùng là các cậu giúp lễ, lớp tuổi từ chín cho tới mười lăm. Năm đó tôi vừa đúng chín tuổi, được xếp vào hạng cậu giúp lễ, gồm có bốn tên: Nhân, Hạnh, Hậu, Pháp; vì đi tu, cha xứ đổi tên tôi là Thạch sang Hạnh. Tôi mang tên này cho tới bây giờ.

     Công việc hằng ngày của bốn chúng tôi: các sáng chia nhau giúp lễ, quét giọn nhà cửa rồi đi học. Tôi còn nhớ, hồi đó chú Hoàng lo việc dạy học tại trường nhà xứ; lúc dạy học chú thường dùng chiếc dùi trống, thay cho roi, để đập vào đầu trò nào làm bài sai. Dùi trống dài khoảng ba gang, hai đầu tròn như hai quả trứng. Một hôm vào giờ toán, đang lúc tôi để ý viết mấy con số thì chú tới, giáng vào mé đầu tôi một cái (có lẽ vì tôi viết số sai), tôi giật nẩy người, đầu dùi trống lướt sang trán của trò ngồi bên, làm sưng lên một cục, đỏ chót như trái nhót; chú tức giận giáng mạnh thêm giữa đầu tôi một cái nữa. Lúc đó tôi thấy tê hẳn cả đầu! Không hiểu tại sao bấy giờ đầu tôi không bể ra làm hai? Phải chăng đầu tôi thuộc loại cứng? Hay vì “cha mẹ sinh ra tuổi cứng đầu?”. Sáng hôm sau cha xứ trông thấy thằng nhỏ bị sưng trán, đi học ngang qua, hỏi lý do, nó liền kể đầu đuôi câu truyện. Nghe xong cha xứ, gọi ngay chú Hoàng lên, la mắng một hồi, rồi bắt chú phải mang dầu, xoa bóp cho thằng bé, và sang nhà xin lỗi cha mẹ nó.

     Kỳ hè năm ấy cha xứ cho làm một chòi lá ở góc vườn, cạnh nhà bếp, để dựng chuồng lợn (heo); trưa hôm đó, cơm nước xong, bốn nhỏ giúp lễ chúng tôi không được ngủ, phải đi lấy rơm nhào với bùn, đem lại cho mấy chú lớn trát vách. Tối đến, vào nhà thờ đọc kinh, bốn đứa chúng tôi thi nhau ngủ gật; cha xứ đã nhiều lần nắm tay, cốc vào đầu chúng tôi, nhưng bốn đứa vẫn không sao hết ngủ! Tức quá, cha xứ liền túm cổ từng thằng, ném ra ngoài sân; đóng cửa lại, không cho vào nhà thờ nữa. Mất đà, chúng tôi lăn như bốn khúc gỗ trên sân cát! Lổm ngổm bò dậy, bước vào nhà, run sợ, chờ đợi trận đòn lôi đình tới. Rất may, giờ kinh vừa xong, có một ông khách ở xa tới thăm cha xứ; vì bận tiếp khách nên cha đưa roi cho chúng tôi, bảo phải sang bên phòng các thầy, lãnh mỗi đứa ba roi. Trời về khua, các thầy ai nấy đã buông mùng, lên giường nằm cả rồi; tôi còn nhớ lúc đó thầy Long, vén mùng lên, ngồi trên giường, tôi nằm dưới đất, thầy vừa đánh tôi roi thứ ba thì cha xứ tới, thấy vậy, cha la lên, bắt thầy phải xuống giường, đánh lại! Hôm sau, thầy gọi tôi vào phòng, cho tôi tấm ảnh hình Chúa và nói, “Bồi thường cho Hạnh vì trận đòn hôm qua nhé!.”Tôi cám ơn thầy, vội chạy ra ngoài, sợ cha xứ trông thấy, lại bị đòn nữa thì chết.

Thạch Trong(NĐH) 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét