Những chàng trai con các lão phú hộ, đại điền chủ, gia đình thừa tiền lắm bạc thời phong kiến hoặc con các đại gia bây giờ, người đời, hay gọi là “Cậu ấm”.
Thế thì, Ba tôi cũng là “Cậu ấm” đấy, con trai thứ mười và là con út của ông Bang ở ấp Phú Hữu, tỉnh Vĩnh Long.
Vậy “Cậu ấm”, ba tôi, ấm lạnh như thế nào!?
Nội, một đại điền chủ, ruộng cò bay thẳng cánh, có của ăn của để, nhưng hiền đức, thương người ăn kẻ ở trong nhà. Đối với tá điền, nội luôn rộng rãi, hay giúp đỡ và không hà khắc. Sống với ruộng đồng, nhưng nội có vốn chữ nghĩa, có chí cầu tiến. Thời bấy giờ, dưới sông, nội sắm ghe hầu, trên bờ sở hữu xe Traction Citroen. Xe là phương tiện di chuyển trên con lộ do nội xây đắp, gọi là lộ Ông Bang. Lộ chạy dài từ ấp Phú Hữu đến xã Giồng ké hay còn gọi là Trung Ngãi. Xã này nằm trên trục lộ giao thông Vĩnh Long - Vĩnh Bình.
Cậu ấm út của nội, tuy sống và lớn lên trong hoàn cảnh thuận lợi, nhưng chẳng ăn không ngồi rồi, nội đưa vào Collège Chasseloup - Laubat theo đuổi bút nghiên, đèn sách với dự định cho sang Pháp du học. Đang tuổi vô tư, tung tăng trong sân trường cùng các bạn đồng lứa, tuổi còn mộng ngoài cửa lớp, nhưng không may…
Theo lời kể lại, nội là người đứng ra bảo đảm cho thông gia vay tiền, khi hoàn cảnh họ khó khăn. Rồi thị trường chứng khoán trên đà xuống dốc thê thảm. Nội lại ngã bệnh. Nghe lời khuyên của các chú, “Cậu ấm” đành rời thiên đường tuổi mộng, về sống cạnh nội, nâng đỡ tinh thần, vừa giúp nội vượt qua trọng bệnh. “Cậu ấm” quen dần với ruộng đồng, có nội hướng dẫn, tập tành và sau đó giao hẳn một phần công việc. Cậu trở thành một ông chủ nhỏ của một chành lúa to to, ngay tại chợ Rạch Bàng. Âu là cơ duyên, khi ghe nhà đang cùng đám lục bình xuôi dòng, tình cờ cậu trông thấy trên chiếc cầu cây, bên kia sông, đối diện với chành lúa, một cô gái xinh xinh đang ngắm trời mây. Được cậu ghé mắt xanh và không lâu cô trở thành má của chúng tôi sau này.
Có lẽ ba được trao truyền lối sống, tính tình và nhất là tính cầu tiến, từ nội. Ba đã thực hành ý định đưa con lên tỉnh học. Bằng những vật liệu từ cây nhà lá vườn, ba dùng ghe chuyên chở và thuê người cất một căn nhà lá, trên một vùng khá hoang vu thuộc tỉnh Vĩnh Long, gần đền thờ cụ Phan Thanh Giản bây giờ.
Giàu óc kinh doanh, ba đã là chủ chiếc xe đò trên đường liên tỉnh, thuê người làm tài xế và cậu tôi theo xe thu tiền hành khách. Vừa thêm lợi tức, vừa giúp cậu có công ăn việc làm.
Thời cuộc nhiều biến đổi, ba rời quê cha lên Giồng Ké lập nghiệp. Bặt thiệp, biết tính toán, “Cậu ấm” Sang của ngày nào là một địa chủ lớn, đã trở thành ông chủ nhỏ tiệm tạp hóa “Hiệp Thành”, được ghép từ tên cậu em bảy Hiệp và anh tư Thành của chúng tôi. Căn nhà ba gian ở Giồng Ké, được vén khéo, tiện cho nơi ăn chốn, thuận việc buôn bán. Tiệm buôn tuy nhỏ nhưng bày bán đủ những mặt hàng có phẩm chất cao. Từ lu mái đầm to chứa nước, đến khạp nho nhỏ, nồi niêu, chén đĩa trọn bộ có thể dùng trong đám tiệc, cối xay bột, giày dép, đến vải vóc may trang phục cho cô dâu, toàn những mặt hàng có giá trị, thu hút thị hiếu và giá cả thuận mua vừa bán. Ba còn mang kiến thức hiểu biết về thuốc men trong việc làm ngày trước, nên có thể giúp đỡ những gia đình nghèo trong xóm, khi họ đau bệnh. Từ đấy, người ta gọi ba là “thầy thuốc mát tay”. Một góc nhỏ nữa, là nơi làm tiệm chụp và rửa hình, nhộn nhịp nhất, vất vả nhất cho cậu tôi trong thời gian chụp hình làm thẻ căn cước cho người dân nơi đây. Một gian khác làm vựa lúa, trữ lúa thu hàng năm từ các tá điền.
(Kim Phượng trong vòng tay ôm của má)
Ngoài kinh doanh, việc giáo dục con, ba đều xem quan trọng như nhau.
Ngày còn sống dưới quê, những khi lính Tây ruồng bố, dù phải chạy lẫn trốn, nhưng khi trở về, ba vẫn chú tâm dạy kèm tiếng Pháp cho hai chị gái của tôi. Đến lúc hai chị lên Vĩnh Long nhập học, khả năng tiếng Pháp có phần vượt trội hơn các bạn cùng lớp, tại tỉnh.
Lúc ở Giồng Ké, ngày ngày ba vất vả với công ăn việc làm, tối đến không quên kèm dạy chúng tôi học thêm. Riêng tôi, khá về môn Toán cũng nhờ công ba. Đêm nào ba cũng “dợt” làm Toán Đố, nào là tìm chu vi, diện tích, cắt bớt đất làm lối đi, đào ao cá, tính số cây trồng trên những mảnh đất hình chữ nhật, hình vuông...rồi đến hình thang, hình thoi, hình tam giác...Dạo ấy, tôi là tay cừ về môn Toán, các anh bạn cùng lớp phải hối lộ những trái me keo để được tôi giúp đỡ khi làm bài.
Lo như thế, vẫn chưa đủ, con càng lớn ba càng lo. Cạnh căn nhà chúng tôi ở, là hồ nuôi cá dùng làm thực phẩm, quanh đó là sông. Nơi nào cũng nước ơi là nước. Để giữ an toàn, tránh những tai nạn không ngờ, ba vớt bập dừa trôi sông cho chúng tôi tập lội, nhưng rồi các con ba, đứa bơi được, đứa không.
Ngoài ra ba mua xe đạp đủ cỡ lớn nhỏ, tập cho tay lái chúng tôi thuần thục. Nhất cử lưỡng tiện, để sinh thêm lợi, chiều đến ba cho trẻ em trong xóm thuê xe, tập chạy. Ba giao cho các chị em tôi phụ trách và nghiễm nhiên, chúng tôi trở thành cô, cậu chủ nhỏ, của các khách hàng tí hon, đôi khi lớn hơn cả chúng tôi nữa.
Cuộc sống trong gia đình ba luôn chu toàn...
Ngoài đèn dầu lửa, ba đã sắm đèn măng - sông (gas mantle or Welsbach mantle), mua máy sạc điện, tiện dùng về đêm hoặc cần khi nghe radio.
Nước dùng, lấy từ sông. Sợ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng chiều cao của các con khi gánh gồng, ba mua máy bơm nước từ sông lên tận nhà, nhưng rồi tôi cũng “lùn như người ta”.
Ba mua ghe, có gắn “máy đuôi tôm”, làm phương tiện về thăm vườn tược ở Phú Hữu, vừa di chuyển tận Rạch Bàng, mỗi dịp Tết hay khi đưa con về quê thăm ngoại.
Cuộc sống tưởng chừng êm ả như dòng nước xuôi chiều. Nhưng với thỏa thuận ngừng bắn của đôi bên cho mọi người dân đón Tết Mậu Thân 1968, lời hứa như nước chảy qua cầu. Cuộc tấn công bất ngờ của bên kia, hai dãy phố của xã Giồng Ké chìm trong biển lửa. Họ chẳng những vô tâm đốt nhà, khói lửa cao ngút trời, còn chặn đường di chuyển lên tỉnh và “lùa” dân về ruộng vườn… Đoàn người hỗn độn trong đêm xuân, bầu trời rền tiếng phi cơ trong đêm tối, nhưng lính không bắn xuống một viên đạn nào, có lẽ họ biết đây là người dân chạy loạn bất khả kháng. Mọi người tản mác trong vô vọng và vô định. Gia đình chúng tôi đành trở về quê cũ, sống tạm trong gia đình một Người tá điền của nội ngày xưa. Người tá điền trung thành, hiền lành này, một tiếng gọi ba tôi bằng “cậu mười”, hai tiếng cũng “cậu mười” như cái ngày xưa ba còn là “Cậu ấm”. Tạm dung một thời gian ngắn, ba quyết định đưa cả đại gia đình chúng tôi, lần mò cuốc bộ lên tỉnh. Ngày Người tá điền này chèo xuồng tiễn đưa gia đình chúng tôi đi một đổi, nhìn hai dòng lệ chảy dài và đôi môi méo xệch thầm thì không biết bao giờ mới được gặp lại được ba tôi. Trên đường đi, ba chỉ về hướng xa xa, nơi khuôn viên mộ của dòng họ Lê, nơi an nghỉ đời đời của ông bà nội và giòng họ. Tôi len lén nhìn, đôi mắt ba xa xăm, câm lặng hằn nét khổ đau.
Ròng rã đi rồi cũng đến, đến được căn nhà “học trò” của các chị em tôi ở Vĩnh Long, dù đây không là thiên đường, nhưng đã cho tôi cảm giác. Vĩnh Long vẫn chưa yên, đêm đêm tiếng đạn vẫn vèo bay, cả gia đình chúng tôi phải chia nhau, đi ngủ tạm trong những căn nhà kiên cố trong xóm. Và cuối cùng cả gia đình rời Vĩnh Long, sang Rạch Giá lánh nạn.
Thời gian sau, tình hình tạm ổn định, ba đưa các con lớn về Vĩnh Long, đứa trở lại trường, còn tôi chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài.
Một lần nữa ba rời Giồng Ké về ở hẳn Vĩnh Long. Công ăn việc làm thay đổi luôn, từ việc cùng các cậu, lập máy đèn cung cấp điện cho quận Càng Long (thuộc tỉnh Vĩnh Bình), lập nhà máy xay lúa cho dân địa phương.
Những gian nan vất vả không dừng lại với “Cậu ấm”. Một mùa hè 75 bi thương, đất trời nổi cơn gió bụi, không chỉ ảnh hưởng đến gia đình chúng tôi mà cả dân miền Nam. Tiền bạc, tài sản, bỗng chốc không cánh mà bay vào tay kẻ lạ. Mái tóc ba tôi ngày càng bạc trắng hơn. “Cậu ấm” bôn ba ngày nào, nay tự dưng “vô công rồi nghề”. Ngày nào đất cò bay, nay thu hẹp, chỉ một căn nhà nhỏ, sân trước, vườn sau...làm gì đủ rộng hầu trồng trọt thêm thứ gì để thu huê lợi. Thôi thì...ba chuyển qua nghề nấu rượu, ba nào biết uống rượu, chỉ là người thích cà phê. Nay nhìn từng giọt rượu đang cất rơi xuống lòng chai mà đau lòng. Mặc dù được bày vẽ, cách này, cách nọ để có lợi hơn, nhưng ba vẫn một mực đặt phẩm chất lên hàng đầu. Nhờ lẽ ấy, rượu của ba rất được ưa chuộng, rồi từ rượu trắng, lại thêm rượu nếp than, đến cung cấp những chai rượu trong đám sính lễ. Làm rượu lại dư hèm, ba tậu thêm heo để nuôi. Trong thời gian này, các con trai, rể của ba không tội mà tù, con gái, con dâu trở về quây quần tạm sống chung, lo cho các con nhỏ tiếp tục việc học, ba quần quật không ngơi tay. Có lần nhìn ba tắm mấy chị heo, ba đưa tay xoa nhè nhẹ lên lưng chúng, rồi dùng vòi nước phun nhẹ, chúng ví quanh ba tôi. Nhìn đến xót xa…
- Ba ơi, con sẽ phụ tắm heo thay cho ba!
- Cực lắm nghe con, đôi khi bị chúng ủi nữa.
Và theo lời chỉ dẫn, tôi mặc chiếc quần ngắn, bước vào chuồng, xoa lưng các chị heo, xịt nước và dĩ nhiên cũng bị chúng ủi vào chân, nhưng...không sao. Chỉ là chuyện nhỏ!
Đến giờ đi dạy, trở vào trường, làm cô giáo người ta. Thời điểm bấy giờ là “sau 75”, nhưng tôi vẫn lượt là trong chiếc áo dài, ngắn đến gối, chiếc quần trắng may vải xéo, ống loe, nhưng dĩ nhiên là ống quần xén nhỏ lại một tí...Vẫn lượt là chán! Tôi đứng trên hành lang trường Kỹ Thuật, nhìn xuống tàng cây phượng vĩ, một em nam sinh, tiến đến đứng cạnh tôi. Cô, trò, vài câu vu vơ trao đổi. Với khuôn mặt rất thơ ngây, em hỏi tôi một câu cũng vô cùng thơ ngây…
- Chắc ở nhà cô ở không, hỏng có làm chi phải không cô?
Tôi nhìn em, im lặng mỉm cười, nhưng lòng thầm nói… “Cô cũng tắm heo muốn chết chứ!”.
Ca dao rằng...”Giàu út ăn, khó út chịu”. Lúc sinh thời, nội là đại điền chủ, ba là con thứ mười, con út trong gia đình, nhưng ba lại là “út chịu”. Ba luôn là người chịu thương, chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận, nhường nhịn các anh chị. Có lẽ vì thế, nên lúc giàu hay khi cơ cực, ba luôn hòa nhã với mọi người, cả gia đình bên vợ. Ba không là cỏ nương theo chiều gió để quỳ lụy, trục lợi, nên suốt đời vẫn cơ cực, ngẩn cao đầu. Và ba má sang Úc định cư năm 1984.
Cuộc đời ba...một “Cậu ấm” nhiều ấm lạnh.
Thời gian nằm bệnh, khi hơi sắp tàn, sức sắp kiệt, dường như không giao trách nhiệm cho đứa con nào, ba chỉ nói bâng quơ, “Ba chết rồi ai lo cho má con”. Chừng câu ngắn ngủi này, đủ biết tình sâu nghĩa nặng của ba dành cho má như thế nào.
Ngoài ghiền cà phê, ba thích nghe giọng ca cô Thanh Thúy. Những ngày chờ đợi..., ròng rã, khe khẽ gịong ca cô Thanh Thúy, quanh quẩn linh cữu. Giờ động quan đến, mượn giọng ca não nuột của cô, tiễn đưa ba vào cõi thiên thu qua ca khúc...Một Ngày Sẽ Đến.
Một ngày sẽ đến em sẽ xa anh.
Một ngày sẽ đến em sẽ xa anh, xa anh suốt đời*
( Một Ngày Sẽ Đến - Tiếng Hát Thanh Thúy)
Ba... “Cậu ấm”, chịu nhiều giá lạnh trong tình đời, nhưng ấm áp và rất đẹp trong hạnh phúc lứa đôi. Và ba, cho tôi cảm nhận được hai chữ “bất diệt” trong tình yêu là có thật.
Kim Phượng
30.10.2022
Lần Giỗ thứ 25 của Ba
* Lời bản nhạc Một Ngày Sẽ Đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét