Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Mùa Thu Chết


Nhặt mãi làm chi lá thu vàng

Mùa thu đã chết lửa nhân gian
Trong ngăn tim nhỏ trơ xương lá
Mộng tưởng tàn phai biết trái ngang

Đời đã vào thu lạnh tiếng cười
Có còn không thoáng nét xuân tươi
Buông xuôi năm tháng theo ngày tháng
Ngôi rẽ đường ngôi lược biếng lười

Đã mấy đêm trường đã mấy thu
Vầng trăng thiếu phụ mảnh trăng lu
Đẫm đôi mi lệ sương thu lạnh
Chiếc bóng lưng đơn lối mịt mù

Kim Phượng


Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Chuyển Mùa


Ngọn gió đông ơi đã chuyển mùa
Dài đêm lắm mộng hãy qua mau
Không gian xao xuyến chừng thôi thúc
He hé thầm mơ lúc chuyển mùa

Vin những cành cao đượm sắc hồng
Lòng riêng vô ý bỗng nao nao
Tóc mai rươm rướm màu sương tuyết
Lối cũ còn đây bóng nguyệt chờ

Ngơ ngẩn trời xanh biếc ngập ngừng
Thoảng hương gió sớm sớm vào xuân
Cỏ hoa khắp nẻo vươn mình chớm
Hỏi nhỏ hoa lòng chớm đổi thay

Kim Phượng


Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Dòng Xuôi Ngược

 

Tôi đứng trông theo những chuyến tàu
Hồi còi vang chạm trái tim đau
Cuộc tình con nước dòng xuôi ngược
Nghĩa cũ tình xưa đã nhạt màu


Ảnh & Thơ: Kim Phượng


Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Tình Thu



Tình Thu

Khi chiếc lá dường ngại nắng soi
Là nàng thu đến với muôn loài
Từng cơn gió động buồn đơn chiếc
Những trận mưa về lạnh lẻ đôi
Có lẻ úa vàng luôn thế đấy
Nên đành cam phận chỉ riêng thôi
Bao mùa thu đến tình thu nhắc
Chuyện cũ dần xa mãi mãi rồi

Quên Đi
***
Bài Họa:

Hồ Thu

Hồ thu bàng bạc ánh trăng soi
Gợn sóng lung linh ảnh mọi loài
Nặng gánh tương tư hoài bóng chiếc
Tim đau khao khát chẳng duyên đôi
Mặt hồ yên ả dường xao động
Giấc mộng vô thường chỉ thế thôi
Đêm tận trăng tàn ôi nguyệt lão
Tơ hồng se mối đã quên rồi

Kim Phượng


Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Một Ngày Sẽ Đến


Một ngày một ngày sẽ đến em sẽ xa anh xa anh suốt đời*
Một ngày một ngày sẽ đến anh sẽ xa em suốt đời xa em

Thật sự “anh” đã xa “em”! Khi chiếc cỗ quan từ từ nâng lên, đoàn người chầm chậm bước đi, cùng lúc với giọng ca nức nở, nghẹn ngào của cô ca sĩ Thanh Thúy từ chiếc máy phát thanh. Tiếng hát cất lên như thay lời tiễn đưa, Ba lìa cõi trần, đi vào nơi... mà không ai muốn đến.

Ba ra đi vào ngày cuối, tháng thứ nhì của mùa Xuân, mùa đẹp nhất nơi đây, Úc Châu. Vậy là Ba không gắng hưởng trọn mùa Xuân của đất trời. Trong suốt thời gian còn “nấn ná” nơi cõi tạm, đợi chờ hoàn tất thủ tục tang lễ. Thanh Thúy, “tiếng hát khói sương” trầm trầm, mang nỗi buồn man mác, u sầu, não nùng. Qua cung đàn và tiếng hát Thanh Thúy Ba đã từng yêu thích, phải chăng giờ đây đã… “lắng nghe da thịt tan thành hư vô”**

Ba đã dành hết tuổi đời cho Má và các con. Cử chỉ dịu dàng, ánh mắt yêu thương từ Ba, một tiếng cũng “mình” hai tiếng cũng “mình”, âm hưởng như người tình với người tình hơn là câu đầu môi của đời… “vợ chồng không tình vẫn còn nghĩa”. Nào ai nghe được tiếng lời nặng nhẹ của Ba. Còn khoảng thời gian đi làm xa nhà, Ba không quên viết thư cám ơn Má, đã thay Ba chăm sóc các con. Quý là chỗ đó, tình là chỗ đó.

Thời gian bên Ba, qua những đêm gần cuối đời trong bệnh viện. Ba lặng yên không nói, chỉ có tiếng thở dài. Ba ôm tôi trong vòng tay. Cảm tưởng tôi như một đứa trẻ, như sống lại giây phút thiêng liêng, trở về thời thơ dại. Để vơi đi những tiếng thở dài u uất đó, tôi viện cớ “để con đọc báo cho Ba nghe”. Lúc đó ba lại… “thôi con đừng nhiều chuyện”. Đến giờ phút này tôi chẳng hiểu được ngụ ý qua câu nói ấy. Phải chăng Ba đã tiếc nuối, muốn bám víu sự sống qua cái ôm, dù rằng căn bệnh đang hoành hành, đang chịu đựng sự đớn đau.

Ba đã hy sinh hết tuổi đời cho Má và các con. Bây giờ...
Một thân xác giá lạnh, cuộn tròn trong áo quan. Má bơ vơ bên cỗ quan. Rất tình cờ cúi xuống, gục đầu hôn lên khuôn mặt đã ướp lạnh. Má không khóc, sao bờ mi đọng, phải chăng...Một ngày một ngày nước mắt khóc cho cuộc tình cuộc tình qua mau.
Ba Má đã trọn cuộc tình đầy.

Một đời Ba, chịu khó chịu nhọc chỉ lo cho gia đình. Giờ đây Ba như cánh chim bay khuất mờ chân mây, và Má bơ vơ với chuỗi ngày còn lại.
Còn lại chăng dư âm bước chân xa.
Còn lại chăng rêu phong dấu chân mờ
Còn lại chăng cơn đau xót không nhòa và lời thề ngày vui đó.

Hình xưa bóng cũ đã trùng lấp dưới mấy lớp bụi thời gian, nhưng trong con, Ba mãi mãi là Người Bạn Đời tuyệt vời của Má và chúng con luôn núp dưới bóng ấm áp như vầng thái dương, ấy là tình Ba.

Kim Phượng

Lần Giỗ Thứ 27 của Ba 30.10.24
* Lời nhạc Một Ngày Sẽ Đến
** Thơ Hoàng Trúc Ly
Cảm ơn chị Thanh Thúy, “tiếng hát khói sương” đã thay gia đình Kim Phượng đưa Ba về nơi non bồng nước nhược.


Mùa Nước Nổi

Trên đường ra cánh đồng
Trong gió mưa tầm tã
Những dấu chân vội vả
Như nói về gian lao

Trong những ngày mưa nổi
Lúc đồng hạn ước ao
Dòng nước nào chảy vội
Qua con kênh ta đào


Những ngày mưa nước nổi
Nước đâu như lại thừa
Trời suốt ngày như tối
Mưa dứt rồi lại mưa

Đêm mưa nhiều dễ ngủ
Dễ ngủ mà không ngủ
Còn bao việc lo toan
Trong những ngày mưa lũ...!

Thanh Chau

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

Nhớ Thương


1/ Nhớ

Cô đơn cung quế thêm buồn tủi
Một bóng Hằng Nga nhớ thế gian
Nào khác mình đang mơ cố quận
Than.

2/ Thương

Đất khách trời cao lạnh khói sương
Niềm riêng tâm sự biết ai tường
Đôi câu thố lộ tình quê cũ
Thương.

Quên Đi
***
1/ Nhớ

Xưa đó bến đưa năm tới về
Bảy năm xa cách chẳng thăm quê
Tai trời, ách nước chia đôi ngả
Thề.

2/ Thương

Hăm ba năm vắng kiếm tìm nhau
Mái tóc mây bay đã nhạt màu
Bôi xóa thời gian, nhìn chẳng rõ
Trao.

Lộc Bắc
***
1/ Nhớ

Đã mấy xuân đi chạnh nhớ người
Cô phòng sương lạnh nỗi đầy vơi
Tâm tư giấu kín nào ai biết
Khơi.

2/ Thương

Một lần cách biệt biết tìm đâu
Chẳng hẹn chờ nhau đến bạc đầu
Mãi đợi suốt đời thương trọn kiếp...
Sau.

Kim Oanh
***
1/ Nhớ


Nỗi nhớ muộn màng cứ dậy lên
Râm ran gọi hạ mãi vang rền
Hồn ta năm cũ hay thôi đã
Quên.

2/ Thương

Hai mái đầu xanh điểm tuyết sương
Tương tư một đóa đẫm vô thường
Muộn phiền sao mãi ôi sao mãi
Vương.

Kim Phượng


Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Hoa Tường - Lầu Vàng


Bài Xướng:

Hoa Tường

Trót thân liễu ngõ hoa tường
Lòng bền tâm niệm kỷ cương vững vàng
Hỡi người quân tử dọc ngang
Có thương phận mỏng thẳng đàng mà đi

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Lầu Vàng

Dẫu thương... chẳng dám tỏ tường
Vì nàng đài các kim cương lầu vàng
Lâm vào khóc cảnh trái ngang
Cho nên cúi mặt một đàng tôi đi!

Hàn Thiên Lương


Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Theo Hoàng Thi Thơ, Đi Tìm Lại Đường Xưa Lối Cũ


Thử thêm một lần, nghe lại bài hát ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ của HOÀNG THI THƠ với cảm nghĩ của một kẻ chẳng biết nhạc lý là gì...

Là Rê Fa Lá Sí Sí La La Sí Fa Rê Là
Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.
Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.

Trong suốt những dặm hành của đoạn trường lưu lạc, người nghệ sĩ sáng tạo rong ruổi trời trăng mây nước đâu không biết nhưng rồi sẽ có lúc quay về một góc nhìn quen thuộc, quen thuộc tới nỗi đã có lúc không thấy ra được một nét gì đặc sắc, gợi tình... để phát hứng mà vẽ vời, viết lách hay bắt nhịp tình tang... Một góc phố người ta tới lui đến chán chê... Một xóm quê người ta đi về tới mê mệt. Một bến nước đã qua lại đến phát rầu... Một quê hương mà người đi xa gọi là cố quận.

Vậy đó... Sẽ có một lúc nào đó, bỗng dưng người ta không nhìn trần gian qua cặp mắt trần tục. Sẽ có lúc người ta nhìn lại bằng một tấm lòng. Khoảng thời khắc đó, thường ở giữa chừng một đoạn đường lữ thứ, khi bất ngờ bỗng thấy hụt hẩng, bỗng thấy trơ trọi ngay khi đang ở giữa chốn phồn hoa. Thời khắc đó, người ta làm thơ hoài tình, người ta viết nhạc hoài cảm...
Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.
Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.

Bài hát đó bắt đầu với hình ảnh bóng tre. Ối mấy cái bụi tre nhìn đâu cũng có. Và sau đó là ánh trăng. Ối ánh trăng như một thứ đèn đêm khi lấp ló khi lồ lộ, đông tây nam bắc gì cũng có, lạ gì đâu mà kể lể. Ngặt nỗi, lần này ông Hoàng gộp hai thứ đó lại cùng nơi cùng lúc nên mới sanh chuyện. Khi tre trăng hợp nhau cùng một chỗ, cùng một lúc bỗng dưng rồi làm xốn xang lòng mấy kẻ xa quê, nhất là thứ quê xa sao mà xa mù xa mịt. Hai hình ảnh quen thuộc với bất cứ một người Việt Nam nào sinh đẻ và lớn lên trên mảnh đất nghèo nàn và giàu tai ương đó. Nó gần gũi và quen thuộc đến độ gần như làm người ta quên bẵng sự hiện diện ngay cả khi lẫn quẫn kề bên. Người Việt Nam ai mà không có lần thấy qua những thân tre gầy guộc, cao vút với những chiếc lá xanh sẩm, thon thả... run lẩy bẩy mỗi lượt có cơn gió thổi qua, tạo ra thứ âm thanh mà người ta gọi là “xào xạc”. Hình ảnh những bụi tre già quắt queo, vặn vẹo uốn mình theo từng cơn gió lớn vẫn thường được biểu hiện cho sức sống tiềm tàng của một dân tộc vốn đã chịu quá nhiều tai ương khi nổi trôi theo suốt dòng bạc mệnh. Vậy mà vì quen mắt quá độ tới nỗi làm như người ta nhìn mà không thấy. Còn ánh trăng. Cái màu trăng huyển hoặc của những đêm rằm rải xuống làng mạc im ngủ hay ngay cả những nẻo đường phố thị hẵn đã không ít lần dục hồn người bỏ quên thực tại mà xuôi về một cõi mộng mơ nào đó. Vậy đó mà vì là của không vốn nên lắm khi người ta xài thẳng tay mà chẳng chút dạ quan tâm. Nhất là cái đám đông lúc nhúc sống ở thành phố, với những ngọn đèn điện...

Vậy đó, rồi có lúc y như thầy tu đốn ngộ. Ờ bụi tre ! Ờ ánh trăng ! Những thực thể gần gũi biết bao nhiêu, quen thuộc biết bao nhiêu ở một nơi mình yêu dấu biết bao nhiêu vậy mà sao có lúc mình quên bẵng. Phải đợi tới lúc giựt mình thấy sao trống trải, nhìn ngó lại cái chỗ bỏ trống trong lòng rồi thấy lại... thấy lại như thấy lại một quê hương. Ông Hoàng Thi Thơ ổng nhắc đó. Cái bóng tre đó, cái bóng trăng đó là hình ảnh của một cố hương đã xa ngoài tầm với. Nhất là từ khi chia cách nhau vì hai thứ ý thức hệ nghịch chiều.

Theo Wikipedia, Hoàng Thi Thơ sinh quán ở Quảng Trị, trải qua một tuổi thiếu niên ở miền Trung rồi vừa tuổi thanh niên, vì thời cuộc, đã phải bỏ quê vô sống ở Sài Gòn cho tới khi sang Mỹ rồi mất ở xứ người. Kể ra không khác gì phần số của hằng triệu người Việt đã bỏ xứ ra đi, từ một ngày sau tháng tư đại nạn... Có khác chăng là ngay từ tuổi thanh niên, với một tâm hồn mẫn cảm, ông đã sống tâm trạng tha hương ngay trên một vùng đô thị trù phú miền Nam khi không còn thấy nơi chôn nhau cắt rún, vốn dĩ là một làng quê heo hút với khoảng cách hơn ngàn cây số.
Từ đó, ông sáng tác bản nhạc ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ để đến giờ này vẫn còn làm rung động đến xót xa những hồn lưu lạc...

Là nhạc sĩ, y như thi sĩ vốn thuộc hạng mơ mộng bậc nhất, vậy mà ông nắm bắt hồn người không thua gì mấy ông tâm lý gia. Vừa mới xúi người ta tìm về nơi chốn có đường xưa và lối cũ, ông đã dắt ngay tới chỗ mà hầu như ai cũng đã qua đó một lần. Quê ta thuở đó, ngoại trừ một ít chỗ nằm ngay trung tâm thành phố, còn lại dạt ra phía ngoại ô chút xíu là đã thấp thoáng mấy bụi tre già dẫu lắm khi xơ xác bụi đường. Còn nói gì tới những thôn ấp xa xôi, thôi thì rặt một màu tre xanh mướt. Mà hơn nữa, chẳng những thân thẳng đứng mà lả lả ngọn, tre còn là vật liệu chánh trong đời sống hằng ngày của người Việt ta, ngay từ hồi xưa hồi xửa... Từ đôi đủa ăn cơm đến tấm phên tre ngăn vách, từ cột kèo đến chiếc chỏng đầu hiên, từ nhịp cầu lắt lẻo nối hai bờ con kinh xáng thổi đến biểu hiện cho niềm tin về một cuộc trùng phùng cho những đời đã quá đổi bể dâu, như trong câu ca dao -chẻ tre bện sáo cho dầy ngăn sông Mỹ Thuận có ngày gặp nhau. Kể hoài chắc cũng không hết. Thôi vậy.

Có điều, là người Việt, chắc không ai là không thấy mình liên hệ ít nhiều với những bụ̣i tre già đến thắc thỏm đó. Cũng như thứ ánh trăng thân thuộc đến nỗi có lần ai đó đã lên tiếng trách cô gái tát-nước-bên-đàng-sao lại múc-ánh-trăng-vàng-mà-đổ-đi. Thứ hình ảnh đẹp rất lặng lẽ đó được ông Hoàng Thi Thơ tế nhị nhắc lại đủ để kéo níu hồn người về nơi cố quận, ngay từ mấy nốt sol fa mở đầu. Tre với trăng. Chắc mẻm như hai với hai là bốn, tre với trăng hợp lại như gỏ vào trái tim người nghe một tiếng chuông gọi dậy, làm bốc lên mớ hình xưa bóng cũ đã trùng lấp dưới mấy lớp bụ̣i thời gian. Ở đó, có cha mẹ già, có gia đình quyến thuộc, có cây da bến nước, có bụi tre lão, có góc phố Tàu với chiếc xe nước mía ngọt ngây, có con đường rợp bóng me mỗi bữa anh-theo-Ngọ-về, có ngôi trường làng xơ xác vẫn đủ sức in vào đầu óc trẻ thơ những vần i tờ cùng những lời giáo huấn rách ròi đến khắc sâu vào tâm khảm...
Từ đó, cũng vẫn cùng những nốt nhạc nhưng có thăng giáng lên xuống chút đỉnh, bài hát chuyển sang phần cốt lõi. Nếu hình ảnh bụi tre, ánh trăng, con sông, tiếng tiêu được dùng để điểm xuyết cho cảnh quê thì những vật thể đó cũng chỉ là mối trung gian để đưa hồn người tới những nối kết vô hình... Vô hình mà chính là hồn tính của vật thể. Con đường xưa đó, ngõ lối cũ đó chỉ là con đường lối ngõ (dấu mốc) để nhắc nhở, để dắt đưa người đi trở về-bằng đôi chân hay bằng nỗi nhớ- tìm gặp lại những thân yêu. Cha mẹ, anh em, bà con chòm xóm...
Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng.
Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng.
Đường xưa lối cũ có mẹ tôi run run trong hôn hoàng.
Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi lom khom đi tìm con.

Nhạc êm như thủ thỉ mà hình ảnh đẹp và thật đến xao xuyến lòng người. Những lọn tóc bay mơ màng trên đường chiều dịu nắng cũng như màu áo nâu in đường trăng chẳng có gì là sắc sảo. Nhưng chính nét đẹp bình dị đó biểu hiện rõ ràng mối liên hệ ruột rà, giản dị mà keo sơn biết mấy giữa anh trai và em gái. Rồi tới hình ảnh cái dáng đi lom khom của bà mẹ già đi-tìm-con nữa là phải nói xoi thủng cả tâm can. Làm sao không rung động dẫu con tim người đi xa có lỡ làng chai đá. Có thứ tình nào mật ngọt hơn tình thương của người em gái dành cho anh trai của mình. Rồi còn tình thương nào biển rộng hơn tình thương của mẹ dành cho con. Thứ tình thương không đổi được bằng châu báu. Bốn câu nhạc và lời đơn giản mà thấm thía làm người nghe cũng mở lòng ra phơi phới để cùng chờ đón nỗi vui đoàn tụ. Bốn câu nhạc và lời phối ngẫu rất khít khao làm kẻ bàng quang cũng cảm theo được nỗi háo hức trước giờ sum hợp. Người nghe, nghe ra cả nhịp tim rộn ràng, nhịp thở rạo rực của nỗi hân hoan, cùng với nhịp chân thêm phần vội vã khi nghĩ rằng mỗi bước trở về là một bước đưa mình tới gần thêm một bước, thứ hạnh phúc thật nhất so với mọi thứ hạnh phúc giả tưởng mà cuộc đời này hay hứa hẹn.
Nhưng...
Nhưng không!
Về tới nơi mà trước đây đã bỏ ra đi rồi mới biết. Mỗi bước trở về là một bước đi thụt lùi. Bởi vì khoảng cách giữa người đi xa và người ở lại đã từng lúc mỗi xa thêm. Vì người em gái mình thương yêu biết mấy đã rẽ ngoặt ra một hướng đời đổi khác. Và người mẹ, người đàn bà mình thương yêu nhất đời, người đã mang nặng đẻ đau, đã cho mình bú móm tới teo tóp bầu vú sữa, đã ầu ơ đến khuya lơ để dổ cho mình giấc ngủ yên lành... Người mẹ đó đã ra đi bên kia cuộc đời. Mà nhất là không lời cuối cùng trước khi phân kỳ !!!
Thử tưởng đến...
Người mẹ mất mà chưa lần thấy lại mặt con!
Thử tưởng đến...
Đứa con mất mẹ mà chưa lần thấy lại mặt mẹ!
Y như một vở tuồng cải lương với đầy đủ kịch tính mà ai nấy đều biết trước hồi kết cuộc. Vậy mà vẫn ngồi xem cho tới hạ màn để rồi bật khóc theo sáu câu mùi mẫn.
Vâng, bài bản ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ có ý nghĩa cũ mèm như vậy. Nhưng chính thứ nghĩa tình không trọn đó vẫn mới sau mỗi cuộc biến thiên. Cũ người mới ta nên lắm khi nước mắt ngắn nước mắt dài. Mà nước mắt thì có bao giờ ráo cạn.

Thử tưởng lại những cảnh tình y như vậy đã xảy ra cho bao nhiêu kẻ lưu vong từ sau cơn trường hận, tháng 4/75.
Bỗng dưng rồi nghĩ đến phận mình. Trích HƯỜNG NHAN.
“Ngày má đau con không được lo thuốc thang. Ngày má mất con không lạy biệt. Mấn mũ con không đội, áo tang con xếp lại để qua bên, gậy tang con không về chống kịp để vừa đi thụt lùi vừa dang tay cản cho chậm lại phút giây má rời nhà lần chót. Nhưng mà thôi... dẫu níu chậm cách nào thì cũng không cầm lại được. Má đến với đời như một đóa phù dung mà mỗi cánh hoa chỉ là một hơi sương váng vất. Những hơi sương phả ra trên mặt đất buồn hiu này cho đau khổ có một chút long lanh, cho phiền muộn có một chút ngọt ngào và cho giọt lệ sau cùng... rồi ra cũng có chút niềm hạnh phúc.”

Thử tưởng lại. Những não nùng đã có thật trong suốt cuộc tang thương. Người con trai trong bản nhạc không biết đi xa vì lý do gì, chớ còn rất nhiều người trong chúng ta đã bỏ ra đi vì một lý do rất rõ ràng, lý tưởng tự do. Trong nỗi tủi nhục chung bỏ xứ, còn riêng nỗi tủi nhục của kẻ phải bỏ cha bỏ mẹ già đi tìm đường sống cho riêng mình. Thử nghĩ lại ngày đi rồi không có ngày về mà tuổi già thì không biết đợi bao giờ.
Khi tôi về, bồi hồi trong nắng.
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về.
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn.
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng.

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng.
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về.
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời.
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.
                          ...
Tại vậy mà, ai sao không biết, chớ còn với tôi bài hát ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ không có thời gian tính. Giờ này cũng khó mà biết được chính xác đã sáng tác vào giờ phút nào. Nghe nói đâu khoảng năm 1958-59 gì đó. Lúc đất nước mới bị chia hai. Lúc có hàng triệu người miền Bắc phải bỏ xứ chạy lấy thân.
Rồi sau đó, hàng triệu người từ miền Nam lại bỏ xứ chạy bán mạng như một bầy chim vở tổ. Đã có bao nhiêu cuộc sinh ly rồi thành ra tử biệt. Đã có bao nhiêu vành tang trắng quấn hờ trên đầu của những kẻ khóc cha khóc mẹ mà chẳng được lạy biệt lấy một lần. Đã có bao nhiêu nấm mộ không bao giờ lạn trong lòng những kẻ ly hương ngoài ý muốn.
Và sau hết để chấm dứt, ông Hoàng nói lên một sự thật muôn đời. Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi. Vâng, cảnh vật còn đó, ngày nắng đêm trăng vẫn y nguyên, núi non sông nước vẫn lặng lờ như đã tự bao giờ. Nhưng một khi tình đã mất thì nắng sớm hay trăng khuya rồi chỉ còn là những hiện tượng tự nhiên, vô tình như trời đất vốn dĩ vô tình. Quê hương dẫu có được gọi bằng những mỹ từ trang trọng như tổ quốc, như giang sơn... nhưng rồi ra chính những hình ảnh bình thường, riêng tư nhất sẽ là vết tích còn lại trong lòng kẻ đi xa. Quê hương chẳng những là niềm tin vào huyền thoại tiên rồng, không những chỉ là lòng tự hào về tinh thần bất khuất của một dân tộc đã trải qua suốt hai ngàn năm đô hộ của người phương Bắc, của chiến công hiển hách khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đuổi giặc Thanh trong mấy ngày đầu xuân Kỷ Dậu... Mà hơn hết, quê hương chắc chắn không phải là cuộc cải cách ruộng đất vào những năm 1953-56 ở miền Bắc, không phải là chuyện ép uổng sáng tạo đến tù đày thân xác trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm những năm 1955-58 cũng chỉ riêng ở miền Bắc, càng không phải là những trại tù khổ sai ngụy danh cải tạo, lần này trải rộng ở khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam, sau năm 1975… Quê hương có đẹp trường tồn trong lòng người trót mất quê hương chính là quê hương của sắt son truyền thống, của đá vàng nhân nghĩa, của thủy chung gốc ngọn, của trầm tích ruột rà... Quê hương còn đẹp mãi trong lòng người đi còn là quê hương của nồi bánh tét mẹ thức canh đêm ba mươi tết, của tô canh chua với ơ cá kho tộ, của chén cơm đôi đủa kính trên nhường dưới, của tiếng võng đưa kẽo kẹt đệm hờ cho câu dổ ầu ơ, của bữa cúng giỗ có bầy con cháu sum vầy, của con đường có hai hàng cây sao cao vút ngày hai buổi cặp sách đến trường, của ánh trăng lấp ló trong con mắt thẹn thùng của lần đầu hò hẹn...
Một khi những thứ giá trị vô hình đó mất đi, quê hương dường như cũng biệt mù dẫu chân rồi có dẩm ngay trên... đường xưa lối cũ.

Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi.
Câu hát buồn như một tiếng thở dài. Tiếng thở dài... dài không muốn dứt. Chữ rơi cuối bài y như rơi hoài mà không chạm đáy. Ờ mà nỗi buồn mất mẹ, mất em... nỗi buồn mất quê hương có bến bờ đâu mà chạm đáy. Ba cái nốt nhạc cuối rồi như thả lỏng, buông lơi. Ai ngân nga tới đâu thì ngân nga cho thỏa lòng tiếc nuối. Mà có thỏa hay không là chuyện riêng của mỗi người. Người hát cũng như người nghe. Khỏi cần luật lệ.

Như đã nói, dường như ông Hoàng Thi Thơ soạn bài hát từ năm 1958-59 gì đó. Tới giờ này đã tròm trèm sáu mươi lăm năm. Trời, sáu mươi lăm năm dài biết mấy. Ngày ông viết nhạc, ông đâu biết đã phổ nhạc giùm cho triệu triệu nỗi buồn. Và chúng ta, chúng ta cũng đâu biết được rồi có ngày không tìm lại được... quê hương. Mà thôi, biết để làm gì. Biết thêm chỉ để buồn thêm. Nhất là khi sáng tác, ông còn đâu đó trên quê hương, với chút niềm hy vọng. Biết đâu rồi có lúc im tiếng súng, đất nước yên bình, về xây lại mộ người đã khuất, tìm lại người thân dẫu có thất lạc vẫn là thất lạc trên cùng một quê hương. Còn chúng ta, đám lưu lạc tứ phương đã gần nửa thế kỷ vì trốn chạy một chế độ, có còn đâu những đường xưa lối cũ để tìm về. Người mất đã mất, kẻ tự đày biệt xứ đã là một lựa chọn tự thân thì ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ, ới ông HOÀNG THI THƠ ơi, coi như đã bít lối.
Đoạn đành !!!

Bài hát, giờ đây, đối với tôi đã không còn tuổi tác. Một thứ giá trị sống đời dù từ vài mươi năm trước, khi còn đang tuổi mới lớn đã có lần nghe rồi bỏ qua như đã bỏ qua không biết bao nhiêu thứ quanh quanh mình suốt những năm tháng còn ở tại quê nhà. Để tới bây giờ rồi mới hiểu ra thâm thúy mấy chữ đường-xưa-lối- cũ. Hiểu thêm ra rồi cũng chỉ để biết... ngậm ngùi.
Rồi lại sực nhớ thêm, mới nứt mắt đã chảnh chẹ nghe Connie Francis hát Come back to Sorrento dẫu có hiểu ất giáp gì ba cái tiếng Ý nghe lạo xạo như bắp rang. Mà cũng làm bộ ra điều cảm xúc.

Còn bây giờ, đường về quê đã bít tới mấy lượt rào ngăn, có cách nào đâu mà theo HOÀNG THI THƠ tìm về ĐƯỜNG XƯA dẫu ông đã chỉ ra giùm nhiều hơn một lần... LỐI CŨ! Bởi vậy làm sao mà không buồn đến đứt ruột cho đành...

Thôi vậy, còn chút chữ xin kính gởi theo ông -người nhạc sĩ tài hoa. Một thuở.

Cao Vị Khanh


Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Hoa Tường


Trót thân liễu ngõ hoa tường
Lòng bền tâm niệm kỷ cương vững vàng
Hỡi người quân tử dọc ngang
Có thương phận mỏng thẳng đàng mà đi


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Tiếng Nguyệt Cầm


Bài Xướng:

Tiếng Nguyệt Cầm


Kỹ nữ thời xuân đã chẳng còn
Tỳ bà hận tủi khóc trăng non
Gió đùa cành lá cây xao xuyến
Sóng vỗ bờ đê đất mỏi mòn
Khoan nhặt đàn ai mơ chốn cũ
Đợi chờ năm tháng héo tình son
Lời ca ai oán gieo thương xót
Ước nguyện hồi kinh biết có tròn

Quên Đi
***
Bài Họa:

Vọng Tiếng Nguyệt Cầm

Hương sắc hồng nhan cũ có còn
Xuân già tủi phận với vùng non
Trời mưa lác đác người khao khát
Gió thổi vi vu đất xói mòn
Nhớ bạn tình xưa mơ cố thổ
Thương em đồng điệu mộng lòng son
Đàn ca hoài niệm quê hương xót
Hy vọng lai kinh ước vẹn tròn…!

Mai Xuân Thanh
Silicone Valley, Sept. 24/2024
***
Bi Khúc

Tỳ bà bi khúc bặt âm còn
Che khuất mặt người tiếng nỉ non
Mang mối ưu sầu hồn khắc khoải
Nặng lòng trắc ẩn dạ hao mòn
Tình duyên dang dở hoen môi mắt
Kỹ nữ sụt sùi nhạt phấn son
Vang vọng âm ba hồ lụa xé
Đèn khêu rượu chuốc mộng không tròn

Kim Phượng


Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Tiếng Mưa Đêm - Mỏi Mòn


  Ảnh: Pexels/ Kelly Ritta

Tiếng Đêm Mưa

Lặng ngồi trong bóng đêm
Nghe tiếng mưa bên thềm
Gió rít như hờn dỗi
Khiến lòng khó dịu êm
Im lìm căn gác nhỏ
Luyến tiếc vành môi mềm
Vương vấn lòng như muốn
Thêm

Quên Đi
***
Thơ Cảm Tác:

Mỏi Mòn


Mơ hồ cơn gió đưa
Mang lén chút hương thừa
Gối mộng xuôi dòng nước
Giọt buồn thay tiếng mưa
Khôn nguôi cơn mộng ảo
Vương vấn mảnh tình xưa
Mòn mỏi mong tin nhạn
Chưa

Kim Phượng

Bến Chờ


Tìm lại dòng xưa uốn khúc sông
Trái sầu chở nặng có xuôi dòng
Đò tình trôi nổi đâu là bến
Cô quạnh bến chờ ới Vĩnh Long

Đã muốn tìm quên để lãng quên
Linh hồn tan nát nặng tình bền
Cho dòng nước mắt thêm cay đắng
Thu nhỏ góc đời khẽ gọi tên

Hơn nửa đời riêng đối bóng ta
Dặm trường thân liễu hạt mưa sa
Cuộc tình gắng vẫn hoài hiu hắt
Con nước dòng xưa có mặn mà

Kim Phượng



Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

"Gút Mắt" Trong Phép Đối Tĩnh Và Động Từ


Trong 5 quy định của thơ Đường luật: 
1) Vần 
2) Đối 
3) Luật 
4) Niêm
5) Cách bố cục

Duy chỉ có Đối là khiến nhiều người yêu mến Thơ Đường Luật quan tâm nhất. Đúng vậy, dù trên trang mạng cộng đồng, có rất nhiều hướng dẫn, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nghi vấn. 

Theo Thầy Dương Quảng Hàm:"Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
1/ Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
2/ Đối chữ thì vừa phải đối thanh tức là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; vừa phải đối loại của chữ, nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối với nhau (như danh từ đối với danh từ, hoặc động từ đối với động từ v.v...)"
Có một vấn đề rất nhiều người làm thơ thắc mắc là: Chúng ta có thể dùng Động Từ đối với Tĩnh Từ hoặc ngược lại được chăng? Đúng hay sai? Tại Sao.
Để giải đáp vấn đề này, trước hết, chúng ta cần xác định rõ một điều là trước đây, tiếng Việt ta chỉ theo lối học chữ Nho không có lối phân tự loại Tĩnh từ, Động từ như ngày nay.
Khi chữ Quốc ngữ xuất hiện, vấn đề phân chia Tự Loại cũng xuất hiện. Chữ Quốc Ngữ được hình thành và hoàn chỉnh do các Giáo sĩ Tây Phương. Nên việc phân Tự Loại cũng xuất xứ từ cú pháp của Phương Tây.

Thơ của các bậc Tiền Bối tuy có phân biệt Thực Hư, Chân Giả, nhưng không cứng nhắc như: trên phải đối với dưới, trời đối với đất, xanh đối với đỏ... các Vị vẫn dùng chữ hiện thực đối với chữ trừu tượng, hữu hình đối với vô hình. 

Chúng ta cùng xem lại vài Bài Thơ của của các bậc Khoa Bảng Nho Gia

Hiện thực đối với Trừu tượng:

Niềm xưa trung ái thề chẳng phụ,
Cảnh cũ điền viên thú đã quen.
        (trích Điền Viên Thú 3 - Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Trung Ái: từ trừu tượng. Điền Viên: từ hiện thực.

Sáo dìu dặt nổi rừng dương liễu
Hương chập chờn bay khóm trúc đào.
        (trích Gió Khuya - Quách Tấn)

Sáo: từ hiện thực, Hương: từ trừu tượng.

Động từ đối với Tĩnh Từ:

Tĩnh Từ là tiếng chỉ cái Thể của chủ Từ (Danh Từ) Bông Hoa Đẹp.
Động từ là tiếng chỉ cái dụng của Chủ Từ (Danh Từ) Bông Hoa Nở

Vun thông tưới cúc ba thằng nhỏ,
Ðỏ lửa trà hâm một mụ hầu.
      (trích An Phận của Nguyễn Bỉnh Khiêm)  

Vun: Động từ, Đỏ : Tĩnh từ

Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.
       (trích Cảnh Già - Nguyễn Khuyến)

Xanh: Tĩnh Từ, Rụng: Động Từ

Kết Luận  

Qua các Thí dụ trên, chúng ta thấy trong phép đối, không phải chỉ là Cân Đối hay Sóng Đối mà còn Phản Đối. Chúng ta có thể dùng các từ chỉ sự vật hiện hữu  đối với vô hình, di động đối với bất động, ồn ào đối với yên lặng. nói chung là Tĩnh đối vối Động. Như vậy, có thể khẳng định Tĩnh từ vẫn có thể sử dụng đối với Động Từ, trong hai cặp Thực và Luận trong Phép Đối ở thơ Đường Luật.

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Gởi Một Nỗi Đau


Đêm trăn trở thân lạc loài xứ lạ
Hận cô đơn da diết cứ sầu dâng
Trời hai phương thoang thoảng luyến hương gần
Cố vỗ giấc hồn chập chờn hư thực

Chốn cô phòng cõi lòng thêm tê tái
Biếng lược gương tóc rẽ lệch đường ngôi
Lắng bước chân nào xúc động bồi hồi
Dài năm tháng son môi màu cũng nhạt

Kim Phượng

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Em Cũng Là Hoa: Hoa Hồng


Đi đi tìm lại thời thơ mộng
Sánh bước bên nhau khúc khích cười
Tha thiết tiếng yêu lòng rộn rã
Môi ai nở nụ cánh hồng tươi


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Trời Vào Thu


Dáng cô phụ vùi sâu trong mưa lạnh
Gói buồn riêng từng mảnh kiếp tha hương
Mưa nơi đây ray rứt suốt canh trường
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã
Từng thu qua mỗi mùa phai sắc lá
Đếm trên tay vàng đá mối tình gầy
Biết bao lần kỷ niệm hãy còn đây
Thương cảm sầu rưng rưng mưa xứ lạ

Kim Phượng
***
Thơ Cảm Tác:

Trời Sang Thu


Tay trong tay ấm lòng mưa không lạnh
Nước xuôi giòng tóc ướt toả thơm hương
Mưa liên miên từ lúc trống tan trường
Vẫn đón em về dưới mưa tầm tã
Ta đã trải bao mùa Thu rụng lá
Lá rơi rơi phủ vai áo em gầy
Kỷ niệm còn in dấu mãi quanh đây
Cho niềm vui bừng lên nơi xứ lạ

Chinh Nguyên/H.N.T


Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

Má Ơi,


Hoa đào đua nở hiên ngoài, Úc châu đã vào xuân. Từng đợt cánh mỏng chao mình trong gió, gợi con nhớ khoảnh khắc cận kề ngày xa Má. Má ra đi...đến cuối đường tàu nhân gian, vào một chiều tắt nắng, về tận cõi xa xăm, trùng trùng cách biệt.

Đã hai mươi hai năm trôi, vẫn thế, gió lạnh từng cơn thổi về, mưa chiều vẫn rơi, giọt dài giọt ngắn nào ngơi. Không đi dưới mưa sao lòng con rét mướt. Giữa đất trời quê nội, giữa đồng không mông quạnh, Má có lạnh không.
Khơi lại hương tàn, đếm những năm xa, thầm gọi Má ơi. Thả hồn về nền xưa chờ đợi, đón hương đồng thoang thoảng. Dẫu sái mùa còn mơ màng thương đòng đòng đua trĩu, đẹp như dung nhan thời con gái của Má lúc về làm dâu nhà Nội.

(Người mẫu Kim Phượng)

Má biết không Má, xa xôi mấy, con vẫn tìm thấy Má qua tấm ảnh ngày thơ, con làm “người mẫu” cho “nhiếp ảnh gia” cậu Năm thử tay nghề, chuẩn bị khai trương tiệm chụp hình Hiệp Thành tại chợ Giồng Ké, của gia đình mình. “Người mẫu” với chiếc áo má may, cổ dún? Không...không...nào ai ngờ áo đã sút nút cổ, Má chưa kịp sửa, con đã dùng kim tây thay nút cài lại. Điều kỳ diệu thay, đàng sau bức ảnh là thủ bút Má đã viết cho con gái.
Quả ngày đó con cực thiệt. Chừng ấy tuổi đầu con trông em...bảy Hiệp, tám Hội. Lớn hơn một chút...trông chừng chín Oanh, mười Diệp và út Hữu.

(Thủ Bút Của Má Viết Cho Con Gái)

Viết thư cho Má khi đầu đã điểm sương. Tội con lớn lắm, những ngày Má còn nơi quê nhà, những năm con rời xa Vĩnh Long. Má mong thư con từng ngày...từng ngày...nhưng con không đã...Bây giờ nói ra có ích chi đâu, chỉ là nuối tiếc...Giá Má còn, cho bút con tuôn mực. Má biết không, vừa bước chân đến ngưỡng cửa tự do, trăm mối lo, ngàn nỗi riêng. Bây giờ nói ra, chỉ chuốc hai tiếng biện minh. Con khóc. Hạt lệ sương thầm, khóc có vơi. Có muộn không Má. Một đời được bao nhiêu điều mong ước, nhưng lắm khi chỉ mong một điều, mà nào có được.
Thư cho Má. Má còn đâu nữa mà mong. Bên kia thế giới, Má có đọc được thư con. Bên bờ huyệt lạnh, Má ơi nương gió về, ngõ chờ là đây, bao mong mỏi, chút ngỡ ngàng, hân hoan lẫn háo hức chờ. Chờ Má về, nhưng quanh đây chỉ giăng giăng một màu trắng đục. Lắm khi chỉ mong một điều, mà nào có được.
Con như hạt sương trên cỏ, mang nỗi buồn chuyển dời của nhân thế. Nước non ơi, bèo mây hỡi, kiếp người có sinh, có diệt. Sẽ có một ngày, một ngày nào đó, người rõ mặt người. Hiện tại, có chăng chỉ là chiêm bao, tỉnh ra lại tiếc Má trong mộng của con.
Cảm ơn hoa đã đến nhắc nhớ ngày Má ra đi và con không cảm thấy lẻ loi khi nhìn những cánh rơi rơi. Hoa đào ơi, còn có nhớ Người xa. Bây giờ Má đời đời yên ngủ, để con thao thức nghe buồn tận cõi xa.

Má ơi, dầu gì dẫu gì, con vẫn viết, thả con chữ rong theo... quấn quýt bên lời cầu nguyện của một người, đến với Má nghe Má.

Kim Phượng
24.9.2024 Lần Giỗ Má thứ 22

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Đàn Tôi


So dây buông lơi

Đàn khóc thay lời
Thương lần dang dở
Não nùng tim côi

Đàn reo cung oán
Lỡ làng trái ngang
Bờ mi vội khép
Đời...đời...ly tan

Đàn gieo ray rứt
Buông tiếng lòng tôi
Môi mặn bờ môi
Tôi!

Kim Phượng
***
Cảm Tác: 

Tình Tôi

Sao đành buông lơi
Mắt lệ nghẹn lời
Tình mình dang dở
Đau xót tim côi!

Không lời than oán
Chuyện đời trái ngang
Mắt sầu lệ ướt
Vì cuộc ly tan.

Đàn tình đã dứt
Đau xót lòng tôi
Máu đỏ bờ môi
... Đời !!!

Hàn Thiên Lương


Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Trăng Một Thuở


Vằng vặc trăng treo tỏa rạng ngời

Reo vui nhịp trống rộn nơi nơi
Ngẩn trông trộm nhớ trăng đầu ngõ
Lễ hội xôn xao của một thời

Cùng gió cùng mây lướt lướt trăng
Mộng riêng trở giấc viếng cung hằng
Yêu thương gửi gắm mùa trăng cũ
Cung quế mong chi buộc xích thằng

Kim Phượng
***
Bài Cảm Tác:

Trung Thu Thuở Đó…

Lung linh bóng Nguyệt tỏa ngời ngời
Tiếng trống Trung Thu vọng khắp nơi
Trẻ nhỏ lồng đèn vui lễ hội
Mọi người rộn rã tuổi Xuân thời

Riêng tôi ngày ấy đắm say trăng
Mơ ước khi nao viếng chị Hằng
Để hỏi thăm xem đà mấy tuổi
Tình còn cột được số tôi chăng ?

songquang
20240916


Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Góa Phụ


Đường chiều. Bóng lẻ. Trăng tà
bỏ hường nhan héo, bỏ hoa bướm tàn.
Chẻ hai. Biền biệt đôi đàng
để đêm gối chiếc lỡ làng. Chiếu chăn.

-Những khuya, khuya tới bẽ bàng.
Những mai sớm tới ngỡ ngàng sớm mai-

Con tim thương phế. Đọa đày
buồn từ hiện thế buồn dài thiên thu.
Quơ tay vói chút sương mù
ngỡ đâu nước mắt khóc bù. Tình tôi

Tưởng người, mắt lệ một đời
tụng bài tình hận. Chữ vùi dập đau.
Tình yêu y thể bóng câu.

Cvk

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

Vườn Ai


Vườn nhà vắng mặt người chăm sóc
Lý trắng đào hồng tự nở hoa *
Một đóa đầu mùa khoe sắc thắm
Ngạt ngào hương đấy ai vừa qua


Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Anh Đào sân trước nhà
* Thơ của Trúc Lâm Đại Sĩ tức vua Trần Nhân Tông


Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Hoài Niệm - Tâm Tư Khó Nói


Bài Xướng:

Hoài Niệm


Giây phút chạnh lòng quặn thắt đau
Con tim rưng rức lệ tuôn trào
Noi gương soi sáng như vầng thái
Công đức cha hiền tợ núi cao

Dâng nén tâm hương luống nghẹn lời
Ân tình ấp áp tỏa muôn nơi
Những mong sưởi ấm đàn con dại
Dãi gió dầm sương thuở thiếu thời

Xô đẩy dòng đời mãi mãi trôi
Cha ơi cách biệt luống bồi hồi
Sớm hôm tạc dạ hằng ghi nhớ
Vọng mãi lời răn vững bước thôi

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Tâm Tư Khó Nói


Tâm tư trĩu nặng nỗi niềm đau
Từ lúc cha đi lệ ứa trào
Bỏ lại con thơ còn sữa mẹ
Cũng vì chí hướng tự hào cao

Nhìn con ,Mẹ nói chẳng nên lời
Vò võ một mình sống khắp nơi
Buôn bán tảo tần không quản ngại
Nuôi con khôn lớn..trải bao thời

Tháng ngày cứ thế mãi dần trôi
Cuộc chiến chia ly đã vãn hồi
Sum họp gia đình đâu chẳng thấy
Điêu tàn mộ chí…nghĩa trang thôi!

songquang

9/2024