Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Hồng Phúc Phục Sinh



Trong làn sương lạnh buổi ban mai
Thấp thoáng xa trông rõ dáng Ngài
Người sống lại như lời đã phán
Sau ba hôm thống khổ u hoài

Dang tay gánh trọn Chúa hy sinh
Cứu rỗi đàn chiên nhận thập hình
Quyền phép thượng thiên hồn nhập thể
Hào quang rạng sáng Đấng tôn vinh

Chan hòa trao thánh hiến hồng ân
Bát ngát hương yêu tỏa mộ phần
Nương bóng đời đời ơn tạc dạ
Tình con nhỏ bé nguyện xin vâng

Kim Phượng
Phục sinh 2024


Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Nhớ


Tôi đứng đây mà nhớ Vĩnh Long
Nhớ con nước lớn chảy xuôi dòng
Nhớ diều no gió khi chiều xuống
Nhớ lục bình trôi lờ lững sông

Kim Phượng
***
Họa:

Tôi cũng nhớ Giồng Ké Vĩnh Long.
Nhớ phà Mỹ Thuận chạy ngang dòng
Nhớ mùa lúa chín hương thơm ngát
Nhớ cánh lục bình trôi cuối sông.

Thanh Tai Nguyen
***
Nhớ

Thân ngoài viễn xứ nhớ Kim Long
Nhớ nước Hương Giang đậm biếc dòng
Nhớ bến Văn Lâu vàng nguyệt lộng
Nhớ chiều áo lụa dạo ven sông

Hương Thềm Mây
***
Cảm Tác:

Bây giờ em đã xa rồi

Nên tôi tự trách tình tôi dại khờ
Ngồi buồn xếp những thuyền thơ
Thành con thuyền nhỏ hững hờ trôi sông..

Thanh Chau

***

Giờ đã xa rồi.
Nuối tiếc lòng thêm nặng nề
Buông bỏ đi lòng thanh thản
Nhẹ nhàng như cánh lá rơi

Sieng Nguyen


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Vắng Em



Vắng em trời đất lặng im
Gió như chẳng gió, cây chìm bóng cây
Lưng trời mây cũng ngừng bay
Gió như đi vắng còn ai để chờ
Vắng em còn lại vầng thơ
Nhớ em da diết bao giờ mới thôi
Em làm giông bão không nguôi
Để tim anh mãi rồi bời nhói đau
Anh yêu em đến ngàn sau
Khác khao được sống bên nhau trọn đời...!

Thanh Chau


Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Sầu Có Cạn



Biết đến bao giờ thôi khóc nhau!
Chừng nào vải trắng hết ngùi đau!
Ta về thăm lại vườn quê cũ,
nước một dòng sâu có cạn sầu?

Cao Vị Khanh


Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Nhớ

 

Tôi đứng đây mà nhớ Vĩnh Long
Nhớ con nước lớn chảy xuôi dòng
Nhớ diều no gió khi chiều xuống
Nhớ lục bình trôi lờ lững sông

Kim Phượng


Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Cổ Loa Hữu Cảm 古螺有感 - Chu Mạnh Trinh

 

Dẫn: Nhân đi tìm tài liệu về thành Cổ Loa, chợt thấy bài thơ Cổ loa hữu cảm của Chu Mạnh Trinh, bỗng càm thấy có chút hứng thú nên dịch và gửi đến quý bạn đọc thưởng thức.

Thành Cổ Loa là ngôi thành xưa nhất của nước ta, mà đến nay, sau bao vật đổi sao dời, vẫn còn dấu tích. Thành Cổ Loa do An Dương Vương, người kế tục 18 đời vua Hùng, xây dựng. Tương truyền thành cứ xây lên thì sáng hôm sau thành lại đổ vì bị một bọn quỷ trên núi Thất Diệu pháp. Sau đó nhờ có thần Kim Quy đến giúp, dẹp tan bọn quỷ, thành mới xây nên. Rùa thần còn tặng vua một cái móng rùa dùng làm máy nõ để giữ nước. Câu chuyện kế tiếp thì có một nước láng giềng đem quân đánh, nhưng bị nỏ thần làm họ phải thua chạy. Họ liền cầu hòa và xin cầu hôn để kết mối giao hảo, họ đề nghị gửi rể lại đứa con trai tên Trọng Thủy (hàm ý trọng sự thủy chung) để kết duyên với công chúa Mỵ Châu, con của An Dương Vương. Một thời gian, Trọng Thủy nói với vợ là chàng rất ngưỡng mộ sự kỳ diệu của nỏ thần và muốn được xem. Nàng Vô tình nên chiều lòng dẫn chồng đi xem và câu chuyện tiếp theo chắc ai cũng biết cả : Trọng Thủy xin về thăm cha và tiếp theo thì có giặc đến đánh; Nõ hết thiêng vì đã bị ai đó phá hỏng. Vua đrm con nhảy lên ngựa tháo chạy, đến bờ sông thì gặp Rùa thần nổi lên mặt nước, Rùa bảo với vua là giặc đang ở bên ông. Ông ngoái lại thấy con đang bứt lông trên áo liệng xuống đất, ông chợt hiểu ra, liền chém chết con và nhảy xuống nước theo thần Rùa. Dân gian sau đó đã lập miếu thờ nàng, trong miếu có đặt bức tượng nàng Mỵ Châu cụt đầu để răn hậu thế. Trọng Thủy kéo quân đuổi theo dấu lông ngỗng đến đấy, thấy vợ đã chết liền ôm vợ nhảy xuống chiếc giềng gần đấy tự vận. Tương truyền đem ngọc trai đến rửa ở giếng ấy thì ngọc trai sáng ra. Ông Chu Mạnh Trinh nhân qua đây, ông đã xúc cảm đề thơ.

古螺有感                 Cổ Loa Hữu Cảm

郎君情重父恩深, Lang quân tình trọng, phụ ân thâm
不白奇冤直到今。 Bất bạch kỳ oan, trực đáo câm.
機爪無靈龜亦去, Cơ trảo vô linh, Quy diệc khứ
明珠有淚蚌猶沉。 Minh châu hữu lệ, bạng do trầm
黃碑古樹千年國, Hoàng bi cổ thụ, thiên niên quốc,
碧海遙天一片心。 Bích hải dao thiên nhất phiến tâm.
寂寞前朝宮外廟, Tịch mịch tiền triều, cung ngoại miếu
杜鵑啼斷月陰陰。 Đỗ quyên đề đoạn, nguyệt âm âm

朱孟楨                      Chu Mạnh Trinh
***
Dịch nghía:

Qua Cổ Loa Xúc Cảm

Nghĩa chàng thì trọng, ân cha lại sâu
Cái oan lạ ấy chưa được giải, cho tới tận nay.
Máy vuốt hết linh, Rùa đã đi khỏi
Ngọc trai sáng còn có nước để rửa,
Đất nước ngàn năm, bia thì tàn, cây thì cỗi
Biển xanh, trời xa, một tấm lòng
Triều xưa vắng lặng, cung bên miếu
Tiếng cuốc kêu đứt ruột, trăng mờ mờ.

Dịch thơ:

Qua Cổ Loa Xúc Cảm

Với chồng nghĩa nặng, ơn cha sâu
Oan ấy đến nay, ai giải đâu?
Rùa đã tếch, hết linh móng vuốt,
Trai còn đây, vẫn sáng minh châu.
Bia tàn cây cỗi, ngàn năm hận
Nước biếc trời xanh, một mối sầu.
Triều cũ âm u, cung miếu dựng;
Trăng mờ mờ, cuốc gọi đêm thâu.

​Danh Hữu
***
Các Bài Dịch Khác:

Cổ Loa Thành

Nghĩa trọng ân tình phu, phụ sâu
Làm sao giải được, lạ chi đâu…(?)
Móng Rùa hết ứng linh thần nỏ
Trai ngọc nguyên nhân hóa hạt châu
Bia đá ngàn năm cây cối hận
Biển trời muôn thuở gió sương sầu
Triều xưa miếu cổ âm u dựng
Cuốc gọi đêm mờ bóng nguyệt thâu…

Mai Xuân Thanh
***
古螺有感                 Cổ Loa Hữu Cảm

郎君情重父恩深, Lang quân tình trọng, phụ ân thâm
不白奇冤直到今。 Bất bạch kỳ oan, trực đáo câm.
機爪無靈龜亦去, Cơ trảo vô linh, Quy diệc khứ
明珠有淚蚌猶沉。 Minh châu hữu lệ, bạng do trầm
黃碑古樹千年國, Hoàng bi cổ thụ, thiên niên quốc,
碧海遙天一片心。 Bích hải dao thiên nhất phiến tâm.
寂寞前朝宮外廟, Tịch mịch tiền triều, cung ngoại miếu
杜鵑啼斷月陰陰。 Đỗ quyên đề đoạn, nguyệt âm âm
朱孟楨                     Chu Mạnh Trinh

* Nghĩa bài thơ:

- Tình nghĩa của chồng thì nặng, mà ơn nghĩa của cha thì lại rất sâu.
- Mãi cho đến hiện nay, mối oan khiên ly kỳ nầy còn chưa được ai giải oan cho.
- Móng nỏ đã hết linh, thần Kim quy cũng đã bỏ đi rồi.
- Lệ của hạt minh châu vẫn còn đó, nhưng sò trai vẫn chìm sâu dưới đáy biển.
- Bia đã vàng, cây đã cổ, nước cũng đã trải qua cả ngàn năm rồi.
- Biển vẫn biếc, trời vẫn xa, nhưng một tấm lòng vẫn còn đây.
- Ngôi miếu được dựng ngoài cung của triều đại trước vẫn đứng yên vắng lặng.
- Chỉ nghe tiếng chim cuốc kêu đến đứt hơi trong ánh trăng mờ ảo âm u...

* Diễn Nôm:

Nghĩa chồng thì nặng, nghĩa cha sâu,
Oan ấy đến nay ai giải đâu?
Móng nỏ hết linh rùa đi mất,
Minh châu còn lệ, hến chìm sâu.
Ngàn năm nước bia vàng cây cổ,
Môt tấm lòng trời biếc biển sâu.
Vắng vẻ ngoài cung tòa miểu cũ,
Cuốc kêu tắt tiếng nguyệt rầu rầu!...

Đỗ Chiêu Đức
12-27-2023
***
Qua Thành Cổ Loa

Giữa nghĩa với chồng, ơn của cha
Làm sao chọn lựa...khó chi mà!
Nỏ thần chàng phá, tình tan vỡ
Giếng nước nàng ngâm, ngọc sáng lòa
Giếng cạn, bia mòn cùng tuế nguyệt
Thành xiêu, cột nát với sơn hà
Hoàng triều ngày trước nay trơ miếu
Cuốc gọi trăng sầu vọng thiết tha.

Phương Hà
(27/12/2023)
***
Oan Tình Mỵ Châu

Cha, chồng đều nghĩa nặng tình sâu
Nỗi khổ bên mình biết gởi đâu?
Kẻ hủy nỏ thần, thần cạn phép
Người trầm giếng nước, nước ngời châu
Uẩn tình chất ngất ngàn năm lụy
Tâm trạng oan khiên vạn kiếp sầu
Chốn cũ chỉ còn bia đá dựng
Trăng mờ, khắc khoải cuốc kêu thâu.

Phương Hà
(27/12/2023)
***
Nợ Nước Tình Nhà Tính Sao Đang?

Nghĩa vợ tình chồng rất đậm sâu
Vậy còn nợ nước để nơi đâu?
Kẻ gian lấy trộm linh thần nỏ
Người hận tuôn nhoà giọt lệ châu!
Bởi nỗi oan khiên đành chết thảm
Vì niềm u uất chịu vương sầu
Đọc trang sách cũ lòng thương cảm
Tâm sự u Hoài gởi Nguyệt thâu

songquang 
20231227
***
Cổ Loa Hữu Cảm

Nặng nợ tình chàng trọn nghĩa cha
Oan khiên ngần ấy biết đâu là
Tráo linh thần nỏ rùa đà khuất
Nghêu đắm chìm châu hạt lệ sa
Cây cỗi bia vàng non nước đấy
Nỗi sầu kia bể biếc trời xa
Triều xưa miếu cũ giờ hiu quạnh
Khắc khoải chim quyên dưới ánh ngà


Kim Phượng

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

Phép Đối Trong Thơ Đường Luật


Nếu so sánh với các thể thơ khác, thơ Đường Luật có điểm đặc sắc nhất, độc đáo nhất chính là phép Đối ở hai câu 3-4 (Thực) và 5-6 (Luận).
Một bài thơ Đường Luật mà không có đối thì không còn là thơ Đường Luật.
Chính phép đối này đã từng khiến tôi rất khó khăn khi học và làm thơ Đường Luật.
Thế nào mới gọi là đối, đối thế nào cho đúng trong thơ Đường Luật?
Câu hỏi ấy luôn theo tôi trong thời gian trước. Xin được nêu ra đây với mục đích trao đổi, học hỏi với Quý Cô Bác Anh Chị và những ai yêu thích thơ Đường Luật.

***
"Thi luật xuất phát từ đời nhà Ðường bên Tàu cho nên gọi là Đường Luật Thi.
Tiền Mộc Yêm, tác giả sách Ðường âm thẩm thể nói rằng: "Luật đây là sáu luật, là luật hoà hợp âm thanh. Luật thơ cũng giống như kỷ luật dụng binh, pháp luật hình án, nghiêm ngặt chặt chẽ, không được vi phạm". Có thể giải thích thêm về thể cách của thi như sau:

a) Trong một câu, bằng trắc cần phải điều tiết;

b) Trong khoảng hai câu liền nhau, sự đối ngẫu cần phải khéo;

c) Trong một bài, âm thanh cần phải chọn sao cho có sự cao thấp, bổng trầm.

Tóm lại, ba điều kiện cần thiết của luật thi là Niêm, Luật và Đối.

Ðường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng thơ . ...
Thật như vậy: từ đời Xuân Thu đến đời nhà Ðường, trên 1.000 năm, thơ Trung Quốc lần lần biến chuyển từ giản dị đến phức tạp, từ tự do đến câu thúc. Thơ trong bộ Kinh Thi do Khổng Phu Tử san định thời Xuân Thu (722- 479) trước Kỷ nguyên Thiên Chúa, số câu trong mỗi thiên, số chữ trong mỗi câu, đều không nhất định, cách hạ vần cũng tùy nghi. Ðến đời Tấn (265-420), thơ mới bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng số câu thì dài ngắn tùy hứng tùy thích của thi nhân. Sang đời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một khuôn nữa là mỗi câu 7 chữ. Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu . Thẩm Ước lại xướng thuyết tứ thanh, bát thể (bát bệnh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ ấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh về đối ngẫu; nhưng quy tắc không mấy chặt chẽ, ngòi bút vẫn tung hoành được tự do. Thi sĩ đời Ðường (618-907) phát huy phép đối ngẫu và thuyết thanh bệnh của Thẩm Ước. Âm vận và cách luật được giảng cầu tinh tường : Thi Luật được sáng chế và được phần đông thi nhân hoan nghênh. Người có công lớn trong việc chỉnh đốn Thi Luật là Tống Chi vấn và Thẩm Thuyên Kỳ thời Sơ Ðường . Rồi từ đời Ðường đến đời Thanh (1616- 1911), trên 1.000 năm, thể thơ Ðường luật rất được phần đông thi nhân ưa chuộng".

"Thơ Nôm Ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng Ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng Bằng tiếng Trắc). Nên Thi pháp của Ta là thi pháp của Tàu, và Niêm luật thơ Ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả..."

Thanh, Vận, Đối ngẫu, Niêm, Bố Cục. Đó là 5 qui tắc bắt buộc người làm thơ Đường Luật phải giữ. Mỗi qui tắc có những qui định riêng.

1/ Thanh: có thanh Bằng thanh Trắc. Trong một câu, cần phải biết điều tiết Bằng Trắc, sao cho câu thơ có sự trầm bổng. Bằng Trắc cũng có nhiều Bằng Trắc.
Theo Dương Quảng Hàm:
- Bằng có Trầm Bình Thanh (chữ có dấu huyền)và Phù Bình Thanh (Chữ không có dấu).
- Trắc Phù thượng dấu Ngã. Trầm thượng dấu Hỏi. Phù khứ dấu Nặng. Phù nhập dấu Sắc. Trầm nhập dấu Nặng.

2/ Vận: gọi nôm là vần. Rất quan trọng trong các thể loại thơ. Vần là những chữ khi đọc lên có âm giống nhau. Tuỳ theo thể loại thơ Vần có thể Bằng hoặc Trắc. Nhằm mục đích kết nối các câu lại và tạo âm điệu trong bài thơ. Trong thơ Đường Luật chỉ có gieo vần ở cuối câu gọi là Cước Vận.
Vận là gì? Theo quyển Bội Văn Vận Phủ thi vận xếp theo ngũ thanh (thượng bình, hạ bình, thượng trắc, khứ trắc, nhập trắc) và có tất cả 106 vận. Thượng bình có 15 vận là Ðông (phương Ðông). Đông (mùa Ðông), giang, chi, vi, ngư, ngu , tề, giai, khôi, chân, văn, nguyên, hàn, san. Hạ bình có 15 vận là tiên, tiêu, hào (hỗn hào), hào (hào kiệt), ca, ma, dương, canh, thanh, chưng, vưu, xâm, đàm, điêm, hàm. Hai thanh Bình hợp lại gọi là Bằng, vần Bằng. Còn vần Trắc thì gồm tất cả các vận trong các thanh Thượng, Khứ, Nhập, tất cả có 76 vận. Ðể khỏi bị lạc vận, cổ nhân thường học thuộc lòng những chữ xếp vào bình thanh và khi cần, mở sách ra tra cứu.

Đúng là lạc vào mê hồn trận. Để đơn giản hoá, chúng ta chỉ tìm hiểu Vận qua cách gieo vần mà thôi. Vần có Chính Vận (vần chính) là những chữ có cùng một âm : anh - thanh, minh - tình, thi - gì...
Thông Vận (vần thông) là những chữ có âm đọc giống hoặc hơi giống, nhưng viết khác nhau: ăn - trăng, mong - ông, tăm - thầm, bên - triền...

Vận theo nghĩa Việt gồm 2 nghĩa:
- Có nghĩa như trên.
- Ghép các nguyên âm, phụ âm của mẫu tự gọi là Vần. Thí dụ như: au, oi, eo ương, en, it, anh...Chúng ta gọi là ráp vần.

3/ Đối Ngẫu: thường nói cho gọn là Đối. Đối Ngẫu là đối nhau từng cặp một. Trong Đối ngẫu, có nhiều cách đối. Cũng như Thanh và Vận, Đối cũng có năm bảy cách đối (không phải chỉ có một cách Đối Tự Loại như nhiều người thường nghĩ).

Lưu Hiệp đời Lục Triều, tác giả sách Văn tâm điêu long, đã phân biệt bốn cách là: Ngôn đối, Sự đối, Chính đối và Phản đối.Ngôn đối là đối bằng lời suông. Sự đối là đối bằng điển cố. Hai câu mỗi câu trình bày một sự việc nhưng nói lên cùng một ý, là chính đối. Nếu hai sự việc đó trái ngược nhau, thì gọi là phản đối. Sự đối và phản đối khó làm hơn và có giá trị hơn là ngôn đối và chính đối.

Ðến thời Sơ Ðường, Thượng Quan Nghi phân biệt sáu cách đối là:
1) Chính danh đối, như thiên địa đối với nhật nguyệt
2) Ðồng loại đối, như hoa diệp đối với thảo mao
3) Liên châu đối, như tiêu tiêu đối với hách hách
4) Song thanh đối, như hoàng hoè đối với lục liễu
5) Ðiệp vận đối, như bàng hoàng đối với phóng khoáng
6) Song nghĩ đối, như xuân thụ đối với thu trì (Theo sách Thi uyển loại cách).

Về sau các học giả Trung Hoa đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận, là Vận thư. Ðời Tùy có sách Thiết Vận; đời Ðường có sách Ðường vận, Quảng Vận; đời Tống theo những bộ sách đời trước, soạn ra bộ Lễ Bộ Vận Lược, được triều đình dùng làm chữ an tắc cho thi vận trong việc khảo thí. Các đời sau cũng theo gương đời Tống, soạn ra những sách Quan vận mới. Nhà Nguyên có sách Trung Nguyên Âm Vận; nhà Thanh có sách Bội Văn Vận Phủ; Trung Hoa dân quốc có Trung Hoa Tân Vận ...Sách Trung Hoa Tân Vận chưa được đem ra áp dụng . Ðược thông dụng nhất là Bội Văn Vận Phủ. Nước Việt Nam chưa có sách Quan vận. Các cụ ngày xưa đều dùng sách Tàu khi làm thơ chữ Nôm cũng như khi làm thơ chữ Hán.
Qua các sách Quan Vận của Tàu, vào thế kỷ 20, các Học giả Việt Nam đã đúc kết về Đối như sau:

- Giáo Sư Dương Quảng Hàm: Đối gồm có Đối ý (Khoan Đối)và Đối Từ (Chỉnh Đối). Nhưng Ông không phân tích rõ ràng.
Như Đối Từ, Ông chỉ nói khái quát về Đối Từ và Đối Thanh. Từ loại nào đối theo loại đó Danh từ đối Danh từ, Động từ đối Động từ...được gọi là Đối Tự Loại. Đối Thanh là đối Bằng Trắc.
Còn về Đối ý, Ông chỉ vắn tắc "đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau".

- Nhà Thơ Nhà Giáo Quách Tấn: Ông đã liệt kê và phân tích hàng loạt các phép đối, trong sáu, tám nội dung đối. Sáu, tám hình thức đối... Nhưng cuối cùng, Quách Tấn quy tụ lại năm phép đối cơ bản gồm: Chỉnh đối, Tá Tự đối, Cú Trung đối, Bất Đối Chi Đối, và Lưu Thủy đối..
Nhưng Quách Tấn cũng nhắc nhở chúng ta, nếu chưa nắm vững về các phép Đối trong Đường Luật Thi, chỉ nên dùng 3 phép đối : Chỉnh Đối, Cú Trung Đối và Lưu Thuỷ Đối.

Các Phép Trong Thơ Đường Luật

1 - Phép Chỉnh Đối: Đây là phép đối thông dụng nhất, các chữ của câu trên và câu dưới theo thứ tự đối nhau từng chữ một hay từng cặp chữ kép một.

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
           (Bà Huyện Thanh Quan)

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
                                (Hồ Xuân Hương)

2 - Phép Tá Tự Đối: Đây là phép đối tiếng đối bóng

Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông điểm phải nằm co
                           (Trần Tế Xương)
Chúng ta thấy ý của từ Trống và Chuông trong câu không hề đối nhau. Nhưng nếu tách ra xét về tự (chữ) lại đối.

Chẳng long lay đến lòng son sắt
Há hổ ngươi vì miếng bạc đen
                       (Phan Sào Nam)
Khéo làm sao khi ông mượn chữ long đối với hổ.

3 - Bất Đối chi Đối: Không đối tự loại mà đối ý. Cách đối này, Tiền Nhân rất thích dùng theo quan điểm Ý trọng hơn Từ.

Ba Vì tây lĩnh nom thêm trẻ
Một dải thu giang nước vẫn đầy
                                     (Tản Đà)

Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
                 (Vũ Hoàng Chương)

Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ.
Xưa nay chinh chiến mấy ai về
(Tổng trấn Nguyễn Văn Thành)

U uất nơi lòng mòn mỏi đợi
Xuống lên con nước cứ vơi đầy
                                  (Quên Đi)

- Các cặp câu này nếu so tự loại, chúng ta thấy chẳng hề đối theo phép Chỉnh Đối. Nhưng ý lại đối rất chặt chẽ. Riêng ở hai câu thơ trích từ "Về Quê Nhà Cảm Tác " của Tản Đà, ta thấy còn dụng cách Tá Tự Đối :Đó là "Ba Vì" và "Một dải". Ba Vì là tên ngọn núi ở Hà Tây.

4- Phép Đối Lưu Thủy: ý câu dưới tiếp ý câu trên

Thôi về bãi biển cho êm ái
Để mặc bên sông nó gật gù
               (Nguyễn Khuyến)

Bước chân mong ngóng vòng tay mở
Dạo ấy người ơi xa lắm đâu
                       (Vũ Hoàng Chương)

Tiệc tùng chủ yếu cầu vui khoẻ
Nào phải kinh doanh để nhận quà
                                     (Quên Đi)

- Chúng ta thấy hai câu này xét tự loại không thể đối nhau. Nhưng ý được nối tiếp với nhau như dòng nước chảy liên tục.

5 - Cú Trung Đối: Còn gọi là Tiểu Đối. Tự đối nhau trong từng câu. Câu trên tự đối, câu dưới cũng tự đối. Hai câu đều tự đối. Tự Đối dùng để đối với Tự Đối.

Lấy của đánh người quân tệ nhỉ
Xương gà da cóc có đau không
                   (Nguyễn Khuyến)

- Lấy của đối với đánh người. Xương gà đối với da cóc.

Chim trời cá nước duyên ai đó
Vía dại hồn khôn chết dễ chơi
                                   (Tản Đà)

- Chim trời đối với cá nước. Vía dại đối với hồn khôn.

Nếu quả trời xanh ghen má phấn
Đừng mong cưới vợ để sinh con
                  (Không biết Tác Giả)

- Trời xanh đối với Má phấn. Cưới vợ đối với Sinh con.
- Trong câu này có thêm phép Đối Lưu Thuỷ.

Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
                          (Hồ Xuân Hương)
Càng nóng đối với càng mát. Yêu đêm đối với yêu ngày.

6- Giao Cổ Đối: Từng nhóm hay từng chữ của câu trên đối chéo với từng nhóm hay từng chữ của câu dưới

Chân bước vững đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp trúc vươn cao.
                          (Trần Tuấn Ngọc) 

Chân bước vững của câu trên đối chéo với trúc vươn cao của câu dưới
- đường chiều khấp khểnh của câu trên đối chéo với Rừng cây rậm rạp của câu dưới.

Bèo mây xuôi ngược nhiều sương nắng
Thương nhớ ngày đêm lẫn tủi hờn

- Bèo mây của câu trên đối chéo với Ngày đêm của câu dưới
- Xuôi ngược của câu trên đối chéo với Thương nhớ của câu dưới
Trong 2 câu này còn có Tiểu Đối:
- Bèo mây đối với Sương nắng.
- Thương nhớ đối với Tủi hờn.

Kết Luận:

Do ngày nay, những người làm thơ Đường Luật hầu hết đều làm thơ theo phép Chỉnh Đối, dần dà quên đi các phép đối khác. Từ nguyên nhân này, một số người đã ngộ nhận trong Thơ Đường Luật chỉ có một phép đối duy nhất. Vì thế, khi gặp một bài thơ áp dụng những phép đối khác, đã vội cho rằng sai luật đối, hoặc giả cho rằng Phá Cách, kể cả thơ của Tiền Nhân. 
                                                                                                                                          Huỳnh Hữu Đức

Theo :

- "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" Dương Quảng Hàm
- "Thi Luật Trong Thi Pháp Thơ Đường" Quách Tấn
- "Những Vấn Đề Ngữ Văn" Trần Trọng San
- "thoduongdatviet.com"
- "tho.com.vn"

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Lắng - Động


Lắng

Này lắng mà nghe nhịp trái tim
Không gian tĩnh lặng rất im lìm
Hương người có phải len trong gió
Đừng loạn này tim hãy ngủ yên

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Động


Xa lắm Anh nghe nhịp trái tim
Hồn thơ ray rức chẳng im lìm
Hương tình lãng đãng vương theo gió
Thao thức từng đêm! sao ngủ yên?

Hàn Thiên Lương
***
Mất Ngủ

Mất ngủ từng đêm mất ngủ hoài
Hết ngày thương nhớ nhớ thương đêm
Nhớ thương thương nhớ dằng dai mãi
Không biết bao giờ giấc ngủ yên...

Thanh Chau


Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

Em Gửi Cô Một Cành Mai

                                           (Ảnh: Kim Phượng)

    Như một tình cờ nhưng mang nhiều ý nghĩa!

    Một Anh bạn đồng hương đã giới thiệu đến tôi, Cô giáo thời Trung học của anh, là người cùng quê Vĩnh Long. Cô và tôi chỉ "tiếp xúc" nhau qua những lá thư với lời lẽ khiêm nhường, nhưng có lẽ cái tình "mô phạm", cho tôi chút gì gần gũi với Cô. 
Năm Mới Giáp Thìn 2024, với lời chúc đầy may mắn Cô dành cho tôi, và đáp lại tấm lòng Cô, tôi gửi đến Cô một tấm ảnh, hình hoa mai do tôi trồng vườn sau nhà với lời chúc lành đầu năm.

    Một cảm xúc khó tả, tôi nhận được hồi âm với lời lẽ...và kèm theo bài thơ

Kim Phượng ơi, để cám ơn nụ hoa mai đầu xuần em gửi tặng, Cô thay em viết những lời em muốn nói qua cành hoa mai trong vườn nhà em trồng.

Em Gửi Cô Một Cành Mai

Hoa mai gửi đến đầu xuân,
Tặng Cô chưa gặp bao lần, không sao!
Tình em giọt nắng ngọt ngào,
Ép vào trang sách cho sao sáng ngời.
Thương Cô không nói nên lời,
Mà tình như núi không dời không lay! 

Cô LTY

Xuân Muộn - Hoài Linh - Hoàng Oanh


Sáng Tác: Hoài Linh
Ca Sĩ: Hoàng Oanh
Thực Hiện: Hoàng Oanh Official

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Vĩnh Long Còn Đó Nỗi Niềm


Có bữa mơ về ngang Mỹ thuận
Ngay mùa gió chướng nước tuôn tuôn
Bên kia sông Cái, con đường lớn
Ngó mút hàng cây ... chợt thấy buồn

Vĩnh long còn đó, ở cuối đường
Cách mấy cầu ngang, mấy dặm sương
Như thể dang tay là giáp mặt
Sao lòng thiên lý vẫn tha hương

Vĩnh long sao thiếu một nụ cười
Dường như thưa thớt một làn môi
Nghe như xa vắng, như hờn tủi
Như đã chờ nhau lỡ một thời

Sao nghe như vẫn tiếng thở dài
Ngờ trong sương khói có mây bay
Có người trắng tóc mù đôi mắt
Khóc suốt mười năm cuộc đổi thay

Em có còn qua những lối trăng
Ðường về Tân ngải miệt Trường an
Nhà ai bông bưởi rơi đầy ngõ
Vương vướng chân quen mấy nụ vàng

Em có về qua lối hẹn xưa
Ðường Trương-Vĩnh-Ký nắng hay mưa
Thềm rêu mấy dấu giày thương nhớ
Chắc cũng mòn theo ngọn gió lùa

Em có về theo chuyến xe chiều
Ngang cầu Thiềng đức lạnh mùi rêu
Xe đi có nhớ lòng gỗ mục
Khi nắng mùa mưa đổ quạnh hiu

Vĩnh long, này chút nghĩa cũ càng
Không về đâu tại thiếu đò ngang
Ba sinh cũng muốn dài hương lửa
Nhưng giữa lòng ta ...những mộ hoang!

Cao Vị Khanh