Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Lại Sang Năm

Image result for HAPPY NEW YEAR 2017

Ngày cùng tháng tận lại sang năm
Lòng kén vương tơ trọn kiếp tằm
Bông pháo vang rền nghe rộn nhớ
Của thời xưa ấy cõi xa xăm

Kim Phượng

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Vẫn Xanh Màu Áo




Cùng trở về đây dưới mái trường
Cũng mùi hoa sứ ngạt ngào hương
Con đường dẫn lối dài nhung nhớ
Tàng phượng năm nào của dễ thương

Vương vấn hoài sau buổi học tan
Bầy chim vỡ tổ vội xa đàn
Trên tay cặp sách buồn im ngủ
Lưu bút âm thầm khép dở trang

Ly biệt mong gì trông thấy nhau
Bỗng đâu ngọn gió tự phương nào
Đưa người tứ xứ vui sum họp
Xao xuyến hồn xưa mắt lệ trào

Tay siết bàn tay ôi thiết tha
Thầy Cô Bạn Hữu chợt nhìn ra
Áo xanh gom cả mây trời lại
Ôm bóng hình ai chữa nhạt nhòa

Man mác tình quê ấp ủ lòng
Tìm thời tuổi dại bước chân rong
Dòng đời con nước dù xuôi ngược
Còn mãi trong tim kỷ niệm hồng

Giọt nắng ban mai sớm đọng cành
Thời gian chờ đợi hãy trôi nhanh
Tháng Giêng ngày 7 vườn tao ngộ
Kỹ Thuật Vĩnh Long thỏa mộng lành

Kim Phượng


Chúc Quý Thầy Cô, Bạn Hữu và các Em Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long sẽ có được một kỷ niệm khó quên trong Ngày Họp Mặt 7. 1. 2016 tại nhà hàng Hương Sen ( Vĩnh Long)
Ảnh: Kim Phượng chụp một góc xưa của trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, năm 2011

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Ánh Sao Đêm - Thắp Sáng Tình Thương


Bài Xướng: Ánh Sao Đêm

Giáo đường góc khuất một vì sao
Ánh mắt long lanh tỏa sắc màu
Khép nép thu mình bên thập giá
Nguyện cầu Thiên Chúa ngự trên cao

Đêm nay trần thế biết bao người
Đơn độc vô hồn kém nét tươi
Cô bé ngây thơ thời tuổi dại
Vì sao em hỡi vắng môi cười

Kim Phượng
***
Bài Họa: Thắp Sáng Tình Thương


Lấp lánh trên trời vạn ánh sao
Trần gian mắt biếc đẹp muôn màu
Chấp tay trước ngực nghe chuông đổ
Nguyện ước phước lành đấng tối cao.

Lạnh lẽo cô đơn một kiếp người
Âm thầm lẽ sống chẳng màu tươi
Tha nhân hãy giúp đời cô bé
Thắp sáng tình thương – một tiếng cười !

Dương hồng Thủy
( 24/12/2016 )


Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Người Bền Lòng Theo Chân Chúa

Trời trở lạnh thêm và gió nhiều
Giáo đường im bóng nỗi đìu hiu
Núi rừng trầm mặc hồn quê nhớ
Thời khắc Kontum hỡi thoáng chiều

Tôi "đến" Kontum không vì nét đẹp đặc biệt, nằm trong lòng chảo thung lũng sông Đăkbla, nhưng "đến" bởi Người bền lòng theo chân Chúa và trung thành trong ơn gọi thánh hiến. Đó là Linh mục Bác Sĩ Augustinô Nguyễn Viết Chung. Mỗi lần nhắc đến tên Cha, một câu duy nhất " Từ nhà thương đến nhà Chúa", đã lay động con tim của biết bao người.
Đã rất nhiều người vinh danh Cha. Tôi chỉ "theo" chân Cha, đến những nơi Cha đã đồng hành, gần gũi với những người nghèo khổ khốn cùng.


Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ nghèo nàn


Cha Nguyễn Viết Chung đi thăm các gia đình sống ở miền xa xôi. Sự tận tâm của Cha là tia nắng ấm mang đến, xua tan cái lạnh lẽo khi đông về.





Giáng Sinh, mùa của niềm vui, của yêu thương. Hầu hết trẻ em, đầy ấp quà trong tay. Nhưng những em bé nơi này, đôi tay không ngừng nghỉ, giúp phần nào hoàn tất nhanh chóng việc xây cất, hầu có nơi nương tựa.




Giáng Sinh về, người dân nơi đây chỉ lo cho những con vật được no lòng trước. Có như thế họ mới có cơ may được ấm lòng.

Hình Ảnh: Cha Nguyễn Viết Chung

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Chúc Mừng Sinh Nhật Dạ Thảo - Khúc Giang


Song Mai quán nhỏ đường dài
Tàng me bóng mát gót hài khua vang
Tình si một thuở bao chàng
Tương tư mộng mị hai nàng tiểu thư
Khúc Giang Dạ Thảo bây chừ
Môi hồng má thắm giã từ thơ ngây
Song sinh cạn chén rượu đầy
Dòng thơ sinh nhật trao đây thâm tình

Kim Phượng
26.12. 2016
Chúc Mừng Sinh Nhật Hai Cô Em Song Sinh, Dạ Thảo - Khúc Giang

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Thời Gian Ơi


Giáng Sinh lại đến.

Chúa còn oằn mình trên thập giá.
Tôi cứ gục đầu trên nỗi đau.
Nếu thời gian là liều thuốc, sao Chúa mãi oằn mình và tôi vẫn đau!?

Thời gian ơi đừng vội.

Kim Phượng

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Lời Nguyện Cầu Trong Đêm


Đêm sâu lắng tiếng dương cầm
Quỳ bên thập giá lời thầm thì van
Tình Ngài tuôn đổ suối ngàn
Niềm tin phó thác dở dang mộng đầu
Bao giờ vượt khỏi bể sầu
Bao giờ thôi giữ nỗi đau riêng mình
Buồn ơi thôi hãy an bình
Tạ ơn Chúa xót thương tình đỡ nâng.
Hạt tràng tâm nguyện con lần
Cầu mong cứu rỗi nguyện dâng hồn này.

Kim Phượng


Anh Dương Hồng Thủy Chúc Mừng Giáng Sinh


Kính chúc quý Thầy Cô và các bạn quý mến của tôi, hưởng một mùa Giáng sinh An Lành và Ấm Áp.
Nay kính

Dương Hồng Thủy

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Anh Chị Tiến Nhi Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2017

Chúc các Em

Mùa Giáng Sinh An-Bình
Năm mới 2017 : Sức khỏe- Thịnh Vượng- Hạnh Phúc.
Tiến - Nhi 


Jackie Evancho
Silent Night

Anh Việt Chúc Mừng Giáng Sinh


Thân chúc Cô và gia đình hưởng mùa Giáng Sinh tràn đầy vui tươi hạnh phúc.
Chúc các cháu luôn thành công mọi lãnh vực.

Thân
Việt

Vũ Thị Bạch Hằng Chúc Mừng


Cô ơi ! Em đã nhận được thiệp của cô rồi. 
Cô làm em cả động quá, Cám ơn cô còn nhớ đến học trò một thời để nhớ này .!!! Hi hi!!!
Em cũng nhớ cô nữa đấy chứ, Chúc cô thật vui và hạnh phúc trong mùa Giáng Sinh. Năm Mới được luôn mãi An Lạc - Vui khỏe cô nhé. 
Em cám ơn cô thật nhiều, 
Học Trò của cô. 

Bạch Hằng


Kim Dung Chúc Mừng Giáng Sinh 2016


Năm sắp hết, Giáng Sinh tới rồi, Hohoho!
Nào các bạn cùng ra đây mở quà nào!
Thân chúc quý Cô một Mùa Giáng Sinh vui tươi và chuẩn bị đón Năm Mới an lành! 

Kim Dung 
(Trường Việt Ngữ Trương Vĩnh Ký Lalor)

Yên Dạ Thảo Chúc Mừng Giáng Sinh & Năm Mới 2017


Yên Dạ Thảo

Anh Tú Chúc Mừng Giáng Sinh 2016


Anh Tú

Ánh Sao Đêm



Giáo đường góc khuất một vì sao
Ánh mắt long lanh tỏa sắc màu
Khép nép thu mình bên thập giá
Nguyện cầu Thiên Chúa ngự trên cao

Đêm nay trần thế biết bao người
Đơn độc vô hồn kém nét tươi
Cô bé ngây thơ thời tuổi dại
Vì sao em hỡi vắng môi cười

Kim Phượng


Anh Chị Tuấn - Yến chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2017


Anh Tuấn Chị Yến

Thầy Chinh Nguyên Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2017


Chúc  Chị Kim-Phượng Hưởng Lễ Giáng Sinh 2016 Và Năm Mới 2017 Vui Vẻ.


ChinhNguyen
Dec.14.16
USA

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Tấm Thiệp Giáng Sinh



      Hàng năm, sắp đến ngày Gáng Sinh, tôi nôn nao trao thiệp đi, hồi họp đợi chờ thiệp đến, hàng 100 cái nhận, cả 100 cái gửi, trong một mùa.

      Theo đà tiến hóa của Khoa Học Kỹ Thuật, càng nhanh, số lượng thiệp Giáng Sinh càng giảm...giảm dần...Ngay giờ phút này, thời điểm này, tôi chỉ nhận vỏn vẹn được 2 tấm.
Ừ, may mắn lắm!
Ừ, thì thôi, có còn hơn không!
Ừ, thì cứ chờ!
Ừ, thì sẽ đợi!

      Không phải hạnh phúc cho nhau lúc đợi chờ hay sao!?

Kim Phượng

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Họa Hạn Vận : Đề 1 Đông Cô Đơn


1/ Đầu Đề:

Một chạp là tiết mùa đông
Mưa phùn đêm vắng trong lòng lạnh thay

(Ca Dao)
2/ Các Vần được qui định theo thứ tự:

Ngân, Trần, Nhân, Xuân, Lân.

Các Bài Hoạ Hạn Vận:

Đông Cô Đơn


Khắc khoải đêm dài lặng bến Ngân
Tình ơi mòn mỏi chốn dương trần
Mưa phùn lất phất ngoài song cửa
Đông tiết lạnh lùng vắng cố nhân
Chờ đợi vòng tay mùa gió bấc
Giấc hồng tìm lại hạt mưa xuân
Trách đời năm tháng sầu ly biệt
Mờ mịt phủ dày sương khói lân

Quên Đi
***
Chiều Đông


Chuông chiều xóm nhỏ vẳng xa ngân
Từng bước tâm tư lắng bụi trần .
Đất khách lạnh lùng đời lử thứ
Mùa đông thấm thía kiếp chinh nhân .
Mưa phùn trong gió chao cánh nhạn
Đêm vắng bên trời tiếc tuổi xuân .
Sao cứ ôm sầu vương vấn mãi ?
Ai người đồng bệnh để tương lân !

Mailoc
Cali 12-2-16
***
Đêm Đông

Đêm đông quạnh quẽ ngắm sông Ngân,
Thổn thức thương ai chán cõi trần...
Bệnh tật, cao niên, hồn chín suối.
Ai người tri kỷ kẻ tha nhân...
Mưa phùn lạnh lẽo đây thương bạn,
Gió bấc khô môi đấy nhớ xuân...
Đêm vắng chong đèn buồn lữ thứ,
Cố nhân ! Đành tạm biệt thôn lân !

Mai Xuân Thanh

***
Đất Mỹ Chiều Đông


Chiều đông đất Mỹ chẳng chuông ngân,
Rét mướt mưa tuôn sạch bụi trần.
Vắng ngắt buồn vương lòng viễn xứ,
Quạnh hiu sầu sát hữu tình nhân.
Cô đơn đất lạ nào mong Tết,
Vò vỏ quê người chẳng đợi Xuân.
Rả rít mưa chiều đông thắm lạnh,
Nào người tri ngộ đãi tương lân !?

Đỗ Chiêu Đức

***
Đêm Đông Đời Viễn Xứ

 
Giáo đường đêm vắng tiếng chuông ngân
Tục lụy còn vương gót cõi trần
Đông đến đã cạn dòng "thơ thẩn"
Thu tàn mất hứng kiếp thi nhân
Cô phòng bấc lạnh người xa xứ
Đất khách mong chờ giấc mộng xuân
Ước vọng mỏi mòn ngày tháng lụn
Biết tìm đâu được kẻ đồng lân !

Song Quang
***
Hoài Đông

Đêm đông thăm thẳm dãy sông Ngân
Neo chiếc thuyền con buộc khách trần
Xao động lâng lâng hồn viễn xứ
Dịu dàng thỏ thẻ lời tình nhân
Mịt mù gió bấc buông rèm mộng
Lất phất mưa phùn mơ giấc xuân
Dù cách hai phương lòng buốt giá
Chung trao nồng ấm bệnh tương lân

Kim Phượng
***

Các Bài Hoạ Tá Vận:

Kiến Kỳ Lân


Ví dầu dùi gỗ gõ chuông ngân
Đánh thức nhân gian tỉnh mộng trần
Tục khách dữ lành luôn hái quả
Tâm hồn sáng tối bởi gieo nhân
Nếu không gắng sức vào đông chí
Thì chẳng được mùa lúc lập xuân
Đen đỏ do mình chiêu cảm tất
Thái bình rồi sẽ kiến kỳ lân !

Cao Linh Tử
3/12/2016
***
Nỗi Buồn Năm Tháng

Đã đi gần hết quãng đường trần
Rệu rã tâm hồn, mỏi xác thân
Nhà vắng xót xa đời thiếu phụ
Dặm dài nhòa nhạt bóng chinh nhân
Thu vàng, luyến tiếc khung trời hạ
Đông xám, mong chờ tia nắng xuân
Ngày vẫn dần trôi trong quạnh quẽ
Không người chia sẻ mối tương lân

Phương Hà
*
Chiều Viễn Xứ


Chiều xa khắc khoải vọng chuông ngân
Xót kiếp người trôi nổi bước trần
Viễn xứ lạc loài chân lãng tử
Ly hương mòn mỏi gót tha nhân
Ngày buồn mộng tưởng thương tình Phượng
Đêm vắng mơ hồ tiếc dáng Xuân
Biết đến bao giờ qua lối cũ
Bàng hoàng tương ngộ giữa thôn lân.

Trần Thị Kim Dung


Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Viên Đá Trong Tay ( Nhìn Xuống Cuộc Đời) - Quyên Di

   
   
       Sau một tuần đi nghỉ, bạn tôi trở về, quà tặng bạn dành cho tôi là một viên đá. Tặng nhau một viên đá, nghe như có cái gì kì cục. Nhưng vì đọc được tâm hồn bạn, nên tôi hiểu bạn muốn trao tặng tôi một tình cảm vững bền. Nếu tình cảm và niềm tin người ta dành cho nhau được vững bền mãi như đá, thì cuộc đời người ta quả là hạnh phúc.

       Tôi cầm viên đá nhẵn nhụi trong tay, ngắm nghía. Tôi không biết viên đá này đã là một mảnh của tảng đá lớn nào, biết đâu nó lại không là một mảnh của một ngọn núi to và cao. Viên đá đã tách ra từ một cội nguồn lớn và vững chãi, để rồi trôi nổi, lưu lạc, có lẽ đã lặn lóc qua rất nhiều đoạn đường, có thể đã rơi từ trên sườn núi xuống, nằm bên vệ đường, bị những bàn chân của khách lữ hành hất lên hất xuống, đá văng ra xa; cũng có thể đã clăn tòm xuống biển, nằm im rất lâu trong lòng biển cả, rồi một ngày có cơn cuồng nộ của bãi tố, đại dương sôi động, đảo lộn, những ngọn sóng tràn dâng, cuốn lấy viên đá và đẩy nó vào bờ. Lại một giai đoạn mới, có thể nó đã nằm tụ lại với nhiều bạn bè đồng loại khác; cũng có thể đã nằm trơ vơ một mình trên dải cát vàng, phơi mình dưới mặt trời ban ngày và ánh trăng ban đêm, đã dãi nắng dầm mưa, qua bao nhiêu chu kì của thời tiết. Cho đến ngày bạn tôi cầm nó lên và đem nó về đây. Cuộc đời của một viên đá, chao ơi là gian truân, trôi nổi.

      Tôi nghĩ đến kiếp người! Viên đá gian truân trôi nổi, tuy nhiên viên đá không ý thức về thân phận của nó. Nhưng con người, không ai lại không ít nhiều ý thức về thân phận của mình. Tôi không đặt vấn đề luân hồi, con người trôi nổi từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ riêng một kiếp mà tôi và những người tôi quen biết đang sống thôi, cũng đã bao nhiêu là gian truân, trôi nổi. Mỗi người một cuộc sống, nhưng thường thường ai cũng bắt đầu kiếp người bằng chuỗi ngày ấu thơ, thuộc về một gia đình với tất cả những yêu thương, đùm bọc. Càng lớn, người ta càng tách xa dần cái cội nguồn đầy yêu thương và an toàn đó, để rồi trải qua nhiều giai đoạn của cuộc sống, chịu nhiều đắng cay và vùi dập; từng được ve vuốt nâng niu nhưng cũng từng bị hất hủi, bị đá lăn đá lóc; từng sống cuộc sống bon chen bên người đồng loại, đồng chủng và cũng đã từng sống chuỗi ngày cô độc một thân một bóng. Ý thức về kiếp người trôi nổi, tôi nghĩ không phải là để bi quan hay lo sợ, nhưng là để biết rõ về đời sống của loài thụ sinh, tất cả đều không tránh khỏi những tang thương dâu bể. Biết như vậy để không hoảng hốt, không tuyệt vọng khi bàn chân ta bước trên một quãng đường đời đầy gian truân khổ ải, trái lại, lòng cảm thấy bình an, thư thái trước mọi biến cố của cuộc đời.

       Viên đá tôi cầm trong tay tương đối nhẵn nhụi, cho dù cũng còn vài chỗ lồi lõm. Tôi có thể bóp nó trong tay mà không sợ bị những mũi nhọn đâm thủng da thịt cháy máu. Từ một mảnh đá đầy những cạnh sắc; trở thành một viên đá nhẵn nhụi thế này, mảnh đá ấy đã phải lăn lóc, phải đụng chạm nhiều lắm. Càng lăn lóc, càng đụng chạm, những mũi nhọn và cạnh sắc càng được mài giũa cho nhẵn nhụi, tròn trịa.

      Tôi nhớ đến tuổi trẻ của tôi, thuở chớm bước vào đời, lòng đầy cao ngạo, mặc dù mình chưa là gì cả. Tôi, lúc ấy đầy những mũi nhọn và cạnh sắc, sẵn sàng đâm thủng và cắn đứt tay chân người khác, nhất định không để cho ai đụng chạm tới và làm tổn thương. Thế nhưng tuổi vừa lớn qua đi, tôi trưởng thành dần, đụng chạm nhiều, lăn lộn cũng nhiều, được đời dạy cho bao nhiêu là bài học, đời gọt giũa tôi, mài nhẵn tôi. Nhiều phen tội đớn đau chua xót, nhưng những mũi nhọn và cạnh sắc dần dần mất đi. Không phải là tôi mất đi ý chí, sức mạnh và lòng can đảm, nhưng tôi hiểu được rằng ý chí, sức mạnh và lòng can đảm ấy không cần và không nên được thể hiện bằng thái độ sẵn sàng chống đối và làm cho người khác đau khổ. Tôi trở nên một viên đá tròn trịa, có thể nằm trong tay người khác, nhưng bàn tay của họ không thể bóp nát tôi, cũng không thể làm tôi biến dạng hay làm mất đi bản chất, lập trường của tôi.

      Tôi nhớ đến ''đá'' được nói tới trong Thánh Kinh. 'Có nhiều đoạn trong bộ sách ấy đề cập đến đá. Có nước chảy ra từ một tảng đá, khi Môi-sen đập chiếc gậy mang quyền năng của Thiên Chúa Gia-vê. Có viên đá được quỉ đem ra để cám dỗ Chúa Giê su dùng lòng kiêu ngạo, biến thành bánh mà ăn, nhưng Ngài đã không làm. Có nền tảng của Giáo hội Thiên Chúa là Phêrô, có nghĩa là đá. Có lời chúc dữ cho thành thánh Giêrusalem "không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào'', có hình ảnh của một ''hòn đá góc tường''. Nhưng những viên đá tôi nhớ nhất là những viên đá người Do Thái cầm chặt trong tay, lăm le định ném cho chết người phụ nữ bị kết tội ngoại tình. Trong khi những người đó chắc gì đã không có tội, và nhất là cái tội mà người phụ nữ kia bị kết án.

      Trong đời sống, không thiếu gì những người thích ném đá người khác, vì cái tội mà chính họ phạm hay ước ao phạm nhiều nhất. Ngược lại, cũng có những viên đá được dùng để kiến tạo cả một công trình kiến trúc vĩ đại và mĩ thuật. Những viên đá ấy chấp nhận bị xếp chồng chất lên nhau, nằm khít khao cạnh nhau, trong một hệ thống xếp đặt chung. Tôi tự hỏi, nếu tôi là một viên đá, thì viên đá ấy sẽ được dùng để ném chết người khác hay được đùng để kiến tạo một thánh đường? Tất cả tùy thuộc vào ý chí, tự do và ước vọng của tôi.

      Một viên đá! Chẳng là gì và có lẽ chẳng có mấy ai để ý đến nó (trừ ra có vài người lẩn thẩn như tôi.) Nhưng những viên đá ấy vẫn có chỗ đứng và giá trị của nó. Dù đó là những viên đá cuội trải trong vườn một tư gia, hay là một viên đá trang trí trong một cảnh non bộ, hoặc những viên đá vệ đường cho khách bộ hành ngồi nghỉ chân, cũng có thể là những viên đá dọc bờ biển, tạo thành một bờ đê cản nước thủy triều. Tất cả những viên đá ấy và các viên đá lớn nhỏ khác đều có một giá trị riêng và đều hữu ích trên một phương diên nào đó.

      Tôi lại nghĩ đến thân phận con người. Tuổi ấu thơ tôi vốn mang nhiều mặc cảm, tự cảm thấy mình không là gì, không bằng ai, về mọi phương diện. Nhưng rồi tôi lớn lên dần dần, được những người tốt bụng khuyến khích, tôi tự khám phá trong tôi có một chút khả năng, dù là chút khả năng nhỏ nhoi. Tôi đã vươn lên, cố gắng vượt qua khu rừng mặc cảm mà hành trang là chút khả năng nhỏ nhoi đó. Tôi muốn nói với những người bạn mang nhiều mặc cảm như tôi rằng: viên đá cũng còn có giá trị và sự hữu ích, huống hồ con người. Ít nhiều ta vẫn là người hữu ích và có một giá trị riêng không ai thay thế được. Viên đá tôi đang cầm trong tay đây, nó nhỏ nhoi đến tội nghiệp, tưởng không làm được trò trống gì, nhưng nó đang dạy cho tôi biết bao nhiêu bài học về cuộc đời. Trong chúng ta, dù có ai nhỏ nhoi đến đâu đi nữa thì cũng vẫn lớn hơn viên đá của tôi, và biết đâu ta đang là một bài học lớn cho những người đang sống chung quanh.

      Tôi kết thúc bài viết này bằng một câu hát. Có người nhạc sĩ viết: ''Sỏi đá cũng cần có nhau.'' Vâng, sỏi đá cũng cần có nhau, huống hồ là con người, có trái tim biết đập những nhịp yêu thương. Chúng ta cần có nhau và yêu thương nhau, khi nào trái tim ta còn đập và cõi lòng ta còn khát khao hạnh phúc. Ta sẽ không bằng sỏi đá nếu ta không yêu thương nhau và cảm thấy không cần đến nhau nữa.

Nhà Văn Quyên Di

Kim Phượng Sưu Tầm

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Buồn


Bài Xướng:


Buồn

Vĩnh biệt bạn già mới tháng qua
Giờ nghe thầy Thuận lại đi xa .
Lắng lòng tưởng niệm tôi đưa tiễn
Ký ức lơ mơ mắt nhạt nhòa .

( Thầy Lê Minh Thuận ra đi ngày 2-th 9 -2016)

Mailoc

***
Bài Họa:

Buồn


Tuổi già không đợi vẫn đi qua,
Bách tuế qui tiên đến cõi xa.
Tứ cố vô thân ai sẽ tiễn,
Châu sa lệ đỗ mắt khô nhòa...

Mai Xuân Thanh, 
***
Các Bài Cảm Tác:

Buồn

Nước mắt xa người tiễn biệt em
Bờ mi nhẹ khép mi buông rèm
Lá vàng cám cảnh xanh rơi rụng
Tìm bóng hình xưa lặng ngắm xem

( Em Lê Kim Hiệp ra đi ngày 11 - 8 - 2016)

Kim Phượng
***
Buồn Thu


Buồn thu lãng đãng tấm thân già
Thương lá vàng rơi ! nghĩ đến ta
Viễn xứ bao năm còn lận đận
Quê hương thì mãi mịt mờ xa

Song Quang 


Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Sáng Thu


Bài Xướng:

Sáng Thu


Những sáng thu, sương giăng ngoài ngõ
Nơi phía đông lấp ló ánh hồng.
Một ngày còn được ngắm trông
Lòng ta cảm khái mênh mông Đất Trời!

Mailoc
(Cảm xúc mùa thu Cali 2016)
***
Sáng Thu

Một sớm mùa thu sương khói trắng,
Con, em lũ lượt nắng tươi hồng.
Đón đưa trước cửa trường trông,
Ngước nhìn cảnh sắc rừng phong chim trời

Mai Xuân Thanh
Ngày 08 tháng 10 năm 2016
***
Sáng Thu
Pha màu nắng dáng thu lồng lộng
Thục nữ Kinh thi động gót hài
Nho sinh hàn sĩ cảm hoài
Đánh nghiêng bút mực tỏ bày ý thơ

Kim Phượng
***
Một Sáng Vào Thu


Sáng vào Thu sương mù giăng phủ
Che vầng hồng ấp ủ phương đông
Trời cao đất rộng mênh mông
Thấy mình lạc lỏng hư không cõi đời

Song Quang 

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Mây Thu


Bài Xướng:
Mây Thu

Mây xám thu xưa đã trở về
Cũng buồn man mác cũng lê thê
Sương đêm nặng trĩu trên cành lá
Đất khách mặt già cũng tái tê!

Mailoc
***
Bài Họa:

Mây Thu


Mây bay lơ lửng gió thu về,
Chợt thấy bâng khuâng phối ngẫu thê.
Ước đẫm sương đêm trên nhánh lá,
Đêm nằm quạnh quẽ lạnh se tê.

Mai Xuân Thanh
***
Các Bài Cảm Tác:

Mây Thu

Lá rơi nhè nhẹ cuộn theo dòng
Lướt thướt mây trời mắt mỏi trông
Năm tháng đánh rơi màu tóc biếc
Muôn chiều lá đổ nỗi sầu đong

Kim Phượng
***
Mây Thu

Vào Thu mây xám lững lờ trôi
Theo gió đưa đi đến cuối trời
Man mác lòng buồn dâng ánh mắt
Thân già cũng tựa áng mây thôi!


Song Quang

Không Có Ai Sửa Cho Con!


1-Không Có Ai Sửa Cho Con!

Ngày xưa, có một ông họa sĩ và ông muốn truyền nghề cho học trò của mình. 
Người học trò rất sung sướng nhận lời thầy.
Ông nói:
- Con hãy vẽ một bức tranh đẹp nhất mang đến đây.
Người học trò mang tác phẩm của mình đến và nói:
- Đây là bức tranh tâm huyết nhất của con
- Con hãy mang bức tranh này đến treo ở trung tâm thành phố và ghi rõ: 
Nếu ai tìm được điểm sai thì hãy đánh dấu chì giúp tôi .

Một tuần sau ...

- Thầy ơi bức tranh của con có cả nghìn người đánh dấu
- Hãy vẽ lại một bức tranh giống hệt như vậy, đặt lại chổ củ và ghi dòng chữ : 
Nếu bức tranh bị sai thì hãy sửa lại giúp tôi

Một tuần sau ...

- Thầy ơi lạ thật , sao không có ai sửa cho con cả!
Bây giờ người thầy mới nói:
- Dù con làm việc có giá trị đến đâu , nhưng vẫn có hàng triệu người sẵn sàng vạch lá để tìm sâu , để chê bai việc của con làm ....
Nhưng để tìm một người dám dấn thân để hành động thì khó lắm con à,vì họ sợ người khác cũng sẽ chê bai giống vậy.

"Dễ thay thấy lỗi người .Lỗi mình biết mới khó
Lỗi người ta phanh tìm .Như tìm thóc trong gạo.
Còn lỗi mình che đậy .Như kẻ gian giấu bài."
(Dhammapada)

2-Do vì thương, ghét

Khi bạn im lặng, những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn biết lắng nghe, những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn khinh người.
- Khi bạn nói,những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn biết chia sẻ..những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn nói nhiều.
- Khi bạn nói về những điều to lớn,những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn đang truyền cho họ cảm hứng,những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn đang “nổ”.
- Khi bạn nói về những điều rất đời thường,những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn giản dị,những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn tầm thường.
- Khi bạn hy sinh,những người yêu thương bạn sẽ nói “cảm ơn”,những kẻ ghét bạn sẽ nói “đạo đức giả”.
- Khi bạn sống thật, những người yêu thương bạn sẽ tha thứ và yêu thương bạn nhiều hơn những kẻ ghét bạn sẽ lại càng căm ghét bạn hơn.

- Hãy đơn giản sống theo cách của chính mình.
Hãy sống với Chân tâm, sống tử tế và biết người, biết ta là được.
Đừng cố uốn mình theo ..''những con mắt trần gian'' đeo cặp kính màu, điều đó sẽ làm cho bạn không còn là bạn nữa.  

'' Khi thương nước đục cũng trong
Khi ghét nước sạch giữa dòng cũng dơ..''

3- Lặng Ngắm Phù Hư

Cái Tôi thường thấy tổn thương
Khi đời chê bai, xúc phạm
Mặc kệ, cứ để nó buồn!
Đừng trốn chạy, đừng đeo bám..
Những khi được người tán thán
Cái tôi sung sướng ngẩng đầu.
Biết- vui nào rồi cũng cạn
Bao làn sóng cả chìm sâu..

- Tổn thương.. hay niềm hạnh phúc..

Từng đợt sóng vùng biển dâu
Đến đi giữa miền tâm thức
Cùng mây theo nước qua cầu..
Hãy trả sóng về cho biển
Trả buồn lại bởi niềm vui.
Lặng ngắm dòng sông tĩnh tại
Mặc tình hoa rác nỗi trôi..
Đâu có cái '' Tôi giải thoát ''
Giải thoát chính: '' Lìa cái Tôi ''
Nhìn sâu vào lòng sinh, diệt...
Gặp lại bình yên muôn đời..

Như Nhiên- T Tánh Tuệ
Vũ Thị Bạch Hằng sưu tầm


Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Cảm Tác: Giọt Sầu Rơi



Giọt nào ai oán đêm mưa
Giọt lăn trên má giọt vừa bảo giông
Giọt nào tống biệt tình hồng
Giọt nào đưa tiễn bạn lòng thiên thu

Phúc Liên
***
Họa Bài Của Phúc Liên:

Trời thương sao lại đổ mưa
Trời hờn sự thể như vừa sa giông
Trời ghen đùa cợt má hồng
Trời buồn xua gió buốt lòng đêm thu

Kim Phượng
***
Bài cảm tác:

Giọt đêm lạnh buốt sương mù
Giọt gieo nức nở âm u dương trần
Giọt thương tiếc lấp mộ phần
Giọt thiên thu gửi tràn dâng sông dài....

Kim Oanh
***
Giọt thương giọt nhớ đong đầy
Giọt buồn giọt tủi canh dài ai hay...?

Tuyết Nga

***
Bài Họa của Tuyết Nga

Lệ buồn lệ tủi vơi đầy
Lệ sùi lệ sụt đêm dài có hay

Kim Phượng
***
Giọt rên rỉ vọng phương đoài
Giọt trăn trở giấc thương vay khóc thầm

Kim Oanh
***
Giọt nào cho mối tình câm
Giọt nào đêm vắng mãi đầm đìa rơi
Giọt nào lưu luyến chẳng rời
Giọt nào cho kẻ một đời cô đơn

Quên Đi
***
 Giọt Nào?

Giọt nào lệ chảy dỗi hờn?
Giọt tràn khoé mắt lại còn trên môi
Giọt nào thương xót đời tôi?
Giọt tình lưu luyến khi rời chia xa!

Song Quang

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Đáp Nhân - 答人 - Thái Thương Ẩn Giả - 太上隐者

Trích Ðoạn Nhật Ký Rời, từ khởi đầu một đêm đầu tháng 7 /2016 ở Hoàng Liên Sơn nghe mưa núi rơi rồi cũng đến lúc kết thúc vào một sáng đầu tháng 11/2016, ở quán thu phong bên cầu thệ thủy tạ từ ngắm hoa nắng vàng nổi trôi trên đầu sóng. Những gì muốn nói nhưng không thể thành lời và những gì có thể nói thành lời mà đã nói không được, quả tình, không muốn biết đến nữa. Chỉ dám mong thông cảm, định mệnh an bài,mỗi thân tình có được trong suốt một đời người thương khó, cười vui khi nghĩ về nhau và đã là một kỷ niệm đẹp. Thế thôi 

PKT 11/15/2016


 答人                                  Đáp Nhân
 太上隐者                    Thái Thương Ẩn Giả 
  
偶 來 松 樹 下             Ngẫu lai tùng thụ hạ
高 枕 石 頭 眠             Cao chẩm thạch đầu miên
山 中 無 歷 日             Sơn trung vô lịch nhật 
寒 盡 不 知 年             Hàn tận bất tri niên

Ngẫu nhiên đến gốc cây tùng / thảnh thơi gối đầu lên một tảng đá cao nằm ngủ / trong núi không có lịch ghi ngày tháng / mùa lạnh qua rồi,không biết bây giờ là năm nào đây (PKT - Mây Tần)

Somehow I ended up beneath pines / sleeping in comfort on boulder / there aren't any calendar in the mountains / winter ends but who counts the years ( In Reply - Red Pine - Poems Of The Masters )

Trả Lời Người

Thảnh thơi nằm dưới bóng tùng 
Gối đầu lên đá ngủ cùng mây bay 
Núi hoang đâu có tháng ngày 
Tàn đông đánh giấc xuân dài an nhiên

Phạm Khắc Trí
***
Các Bài Dịch Khác:

Trả Lời Người 

Tình cờ dừng lại cội tùng
Thảnh thơi gối đá ung dung ngủ vùi
Hoang dã không có lịch rơi
Đông tàn chẳng biết khắc thời năm nao 

Kim Oanh
***
Trả Lời Người

Ngẫu nhiên đến dưới tàng thông
Cao đầu gối đá giấc nồng ngủ say
Trong non quên bẵng tháng ngày
Lạnh qua chẳng biết xuân nay năm nào.

Quên Đi
***
Đáp Lời Người Ta

Nhàn du núp mát bóng tùng,
Tựa đầu phiến đá yên lòng ngủ ngon.
Núi cao ngày tháng chon von,
Đông - xuân chẳng rõ lịch còn ở đâu!

Mai Xuân Thanh
***
Trả Lời Người

Cội tùng đã đến ngẫu nhiên thôi
Phiến đá đầu kê tạm giấc rồi
Ngày tháng hẳn quên nơi núi ẩn
Xuân nào sẽ tới bước lên ngôi

Kim Phượng
*** 
Đáp Nhân

Ngẫu nhiên đến dưới cội thông,
Gối đầu lên đá thong dong ngủ vùi.
Núi sâu không lịch biết ngày,
Đông tàn hết lạnh không hay Tết về!

Đỗ Chiêu Đức
Góp Ý:

Câu cuối " Hàn tận bất tri niên " có nghĩa:
(mặc dù) Cái lạnh (của mùa đông) đã hết rồi, (Nhưng vẫn) ... không biết là TẾT đã đến! 
* Người Hoa gọi " Ăn Tết " là " Quá Niên " !
" Ăn Tết " và " Quá Niên " đều là " TẬP QUÁN NGÔN NGỮ ". Nên câu cuối có nghĩa:
Đông hết mà không hay Tết đã về!
Toàn bài thơ ý nói:
Sống thảnh thơi nhàn hạ thoải mái trong núi rừng, không cần biết đến ngày tháng, không màng đến Tết nhứt phiền toái cua người đời!
***
Trả Lời Người

Vui chân lạc đến cội thông
Gối đầu phiến đá giấc nồng say sưa
Núi sâu chẳng có lịch mùa
Không hay Tết đến khi vừa dứt đông.


Phương Hà


Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Tranh Vân Cẩu




Bài Thơ Xướng:

Tranh Vân Cẩu

Họ quá thật tình lại dở hơi
Yêu mà đồng hóa món đồ chơi
Khi cần tha thiết câu thề hẹn
Lúc chán dư thừa cách bỏ rơi
Tiếc nhịp cầu tre đi lắc lẻo
Thương nhành lan huệ đứng chơi vơi
Nên thường lặng ngắm tranh vân cầu
Những áng mây kia một chữ đời!

Cao Linh Tử
30/11/2016
***
Bức Tranh Vân Cẩu

Đời mong manh nhẹ tựa làn hơi
Biến đổi khôn lường tô vẽ chơi
Khỏa lấp cô đơn vòng tạm bợ
Phỉnh phờ sầu thảm lệ sa rơi
Đầu môi hẹn biển tình thôi lụn
Chót lưỡi thề non nghĩa đã vơi
Lặng ngắm mây trời bao ý vị
Tang thương vân cẩu bức tranh đời

Kim Phượng

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Ngồ Ngộ


Bài Thơ Xướng:

Ngồ Ngộ


Vốn dĩ nhà quê dốt học thiền
Cơm rau dưa muối cũng kỳ duyên
Áo quần tơi tả thường vui vẻ
Nhà cửa trống trơn chả phức phiền
Dụng sức nuôi thân làm hạc trắng
Theo đường lượm lá dựng chùa riêng
Thầy Trời quán thế âm đơn giản
“Tròi trọi mình không” lẽ tất nhiên.

Cao Linh Tử 
 25/11/2016
*** 
Các Bài Thơ Họa:
Hành Thiền


Mừng bạn giờ đây đạt đạo thiền
Thực hành đúng với nghiệp và duyên
Vẻ ngoài giản dị không câu nệ
Tính cách ung dung chẳng muộn phiền
Tích đức : chăm lo làm việc thiện
Tu thân: theo đuổi bước đường riêng
Lương tâm thoải mái, lòng thanh thản
Thấu hiểu vô thường lẽ dĩ nhiên

Phương Hà
***
Tự Tại


Chẳng lo chẳng nghĩ chẳng cần thiền
Mọi việc theo dòng chảy tự nhiên
Sai đúng nhân gian đâu đã lạ
Mất còn cõi thế có gì riêng
Hơn thua cứ mãi càng thêm rối
Tranh đoạt dài lâu khó tránh phiền
Buông bỏ thong dong đời tự tại
Gặp đâu vui đó hãy tuỳ duyên.

Quên Đi
***
Ngộ


Ý thơ " Ngồ Ngộ" nói lên thiền
Từng chữ mỗi dòng rất hữu duyên
Vật chất đua đòi thêm khốn đốn
Công danh quỳ lụy vướng ưu phiền
Vô minh sân hận nuôi tham vọng
Hỉ xả từ bi chẳng của riêng
Nếu quả chúng sinh gìn đạo đức
Tâm bình thế giới được an nhiên

Kim Phượng
***
An Nhiên Tự Tại


Chân quê mộc mạc cũng là thiền,
Dưa muối cơm rau đã hữu duyên.
Giản dị áo quần luôn sạch sẽ,
Đơn sơ nhà cửa chẳng ưu phiền.
Cầu Tiên cầu Phật tùy tâm thiện,
Mộ Đạo mộ Thầy ấy việc riêng.
Vạn niệm một chữ TÂM thị lạc,
Chẳng phiền không muộn sống an nhiên!

Đỗ Chiêu Đức
***
Thiền


Đi tu học hỏi biết tham thiền,
Ở cõi ta bà nếu hữu duyên.
Từng trải, thời gian trong quá khứ,
Kinh qua dĩ vãng lắm ưu phiền.
Sân si dứt bỏ rời danh lợi,
Thú tánh buông xa bản chất riêng.
Ham muốn người ta hay tối mắt,
" Vô công bất thụ lộc " an nhiên.

Mai Xuân Thanh
***
Hành Thiền


"Ngồ ngộ" chi đâu một chữ 
ThiềnThực hành nếu được ấy là duyên
Thu thân thanh thản thu niềm lạc
Cử tọa tâm tư dứt lụy phiền
Danh vọng ngoài vòng cương tỏa khoẻ
Tiền tài đừng tính của làm riêng
Chết đi tay trắng mang gì được!
Tiếng tốt muôn đời ắt tự nhiên

Song Quang


Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Cung Thương





Ngồi lặng ngắm mưa chiều lướt thướt
Chạnh niềm đau mấy lượt chia ly
Tình yêu rũ áo ra đi
Kẻ quay hướng khác người thì trông theo
Bởi vị ngộ tình nghèo khó giữ
Bước chân chùng như thử lòng ai
Có khi mọi thứ an bày
Họ may áo mới mình cay đắng lòng

Mượn giấy mực mà hong nỗi nhớ
Biết tìm ai khi chợ đã tan
Sao khuya trăng khuyết trăng tàn
Lửa lòng tắt ngấm bạn vàng còn đâu

Vườn Thơ Thẩn nhịp cầu giao cảm
Có khi màu ảm đạm nao nao
Nương vần như gởi cho nhau
Sẻ chia một ít niềm đau vô tình
Hai thứ tóc nhục vinh đã hiểu
Đoạn trường kiều đồng điệu cung thương
Nam Kha cuối nẻo vô thường
So dây rung cảm nghe dường tri âm

Thế rồi đã âm thầm quý mến
Những vần thơ đồng bệnh tương lân
Tuy xa nhưng cũng như gần
Trải niềm tâm sự ân cần mời xem

Đáp lời họa vén rèm hạnh phúc
Chớ nên bàn Tiểu Khúc Ly Tao
Hoa mai xin chúc má đào
Tất lòng cảm kích mến chào Song Kim.*

Cao Linh Tử

2/12/2016
*Song Kim=KimPhượng & Kim Oanh

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Thơ Tặng



Thoạt đầu chỉ xướng họa vui quen,
Cứ nghĩ người dưng ít nói năng.
Đọc kỹ bài thơ thêm cảm kích,
Xem qua bút pháp ý thi văn.
Thương nhau tỷ muội là thân thiết,
Yêu mến chị em giỡn dưới trăng.
Nền nếp gia phong quê đất Vĩnh
Các chàng ngấp nghé... nghĩa kim bằng.

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 11 năm 2016

Mừng Sinh Nhật Anh Thái Huy 4/12/2016


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Yêu Thương Đời ( Nhìn Xuống Cuộc Đời) - Quyên Di


      Ngày xưa, có lần một cậu học trò nói với tôi: ''Thầy ạ, em thích nhạc Lê Hựu Hà, nhưng có một câu hát em không đồng ý.'' Tôi hỏi, ''Em không đồng ý câu gì?'' Cậu học trò đáp: ''Đó là câu: Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương đời... Em nghĩ, yêu là một tình cảm rất tự nhiên, yêu là tự lòng mình yêu, tự trái tim mình rung động. Yêu mà lòng phải ép uổng, yêu mà bảo trái tim phải cố gắng rung động, em nghĩ không phải là yêu nữa!"

      Tôi đã nhìn thật sâu vào đôi mắt cậu học trò để cố tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra cho cậu, khiến cậu không muốn ''cố gắng yêu thương đời'' như thế. Cậu học trò người miền Trung, hiếu học và đa tài, cha mất sớm chỉ còn mẹ. Bà mẹ quê muốn con có tương lai mà không biết phải làm gì với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, bà để mặc cho con tự định liệu. Cậu bé rời bỏ miền Trung khô cằn tìm đến Sài Gòn hoa lệ. xin vào sống trong cô nhi viện Lâm Tì Ni do các ni cơ Phật giáo coi sóc, rồi chạy vạy kiếm tiền đi học trường tư. Cuộc sống đặc biệt hơn những bạn bè cùng lớp khiến cậu trưởng thành sớm, hay suy tư và thường có những câu hỏi về ý nghĩa đời người. Tôi biết chắc rằng cậu đã gặp nhiều đắng cay, chua chát trong cuộc sống.

      Ngày hôm ấy, tôi không trả lời cậu học trò. Tôi cảm thấy phần nào đó cậu có lí. Mới hai mươi mấy tuổi, tôi không đủ kinh nghiệm trường đời để trả lời cho cậu học trò chỉ kém mình bảy, tám tuổi yề một vấn đề sâu xa của kiếp người. Tôi rủ cậu đi uống cà phê, và để cho câu nhận xét về chuyện ''cố gắng yêu thương đời '' của cậu bé theo những giọt cà phê đắng thấm vào tâm can tôi.

      Chuyện xảy ra đã hai mươi năm. Bây giờ tôi đã lớn, đã sống cuộc sống của tôi, qua bao nhiêu đoạn đường, bao nhiêu thăng trầm trôi nổi, bao nhiêu ngọt ngào cay đắng, bao nhiêu thương ghét, vui buồn... và tôi khám phá ra rằng có thứ tình yêu tự nhiên, nhưng bên cạnh đó, cũng có thứ tình yêu phải cố gắng. Cả hai thứ tình yêu này đều có giá trị riêng và đều đáng quí. Người biết yêu là người không từ chối, hay nói đúng hơn, không để lòng mình hạn hẹp ở trong, một thứ tình yêu nào cả.

      Yêu cha, yêu mẹ, với tôi là một tình yêu tự nhiên, không có vấn đề cố gắng hay không cố gắng. Yêu cha mẹ, điều ấy đương nhiên quá. Nhưng nếu phân tích ra, thì tình yêu ấy đương nhiên, trước hết vì Thiên Chúa đã đặt một mối dây thân tình ruột thịt giữa cha mẹ và con cái. Sợi dây ấy vô hình nhưng ràng buộc cha mẹ, con cái một cách bền chặt, sâu đậm. Thứ nữa, vì cha mẹ tôi yêu tôi quá, tốt với tôi quá hi sinh cho tôi nhiều quá ... làm sao tôi không yêu cha mẹ tôi cho được.

      Rồi khi có người tình, tôi yêu người tình say đắm, yêu khi người ấy dễ thương với tôi, và cả khi người ấy dễ ghét. Tôi như khám phá ra tôi, tìm được chính bản thể tôi trong người ấy. Lắm khi tôi lạ lùng tự hỏi, tại sao mình yêu người ấy đến như thế, dù người ấy không gần gũi tôi như cha mẹ tôi, không có một thời gian sống cạnh nhau lâu dài để mà biểu lộ lòng hi sinh cao độ như cha mẹ tôi đã biểu lộ, cũng chưa từng chia sẻ với tôi một cách tận cùng những khó khăn, cực nhọc trong cuộc sống. Thế mà tôi vẫn cứ yêu, yêu đắm say, cuồng nhiệt. Sau này, tôi biết được trong tình yêu nam nữ, có ba loại tình. Thứ nhất là tình ''nếu''. Tôi yêu người ấy, nếu người ấy thế này hay thế khác. Tình "nếu'' chỉ là thứ bánh vẽ, thực ra thì tôi không yêu, bởi vì người ấy có như thế đâu ? Thứ hai là tình ''vì''. Tôi yêu người ấy, vì người ấy thế nọ, thế kia. Tình ''vì'' là thứ tình có điều kiện, và thường là vụ lợi. Nếu người ấy không còn những cái mà ''vì '' nó, tôi yêu người ấy, thì có nghĩa là khi người ấy mất những cái đó, tôi không còn yêu nữa! Thứ ba là tình ''mặc dầu'', tôi yêu người ấy, ''mặc dầu'' người ấy sẽ như thế nào đi nữa. Tình ''mặc dầu'' là tình vô điều kiện, tình quảng đại và vững bền. Tôi nghĩ tình của tôi dành cho người tình là thứ tình "mặc dầu" ấy.

      Tôi yêu vợ con, với thứ tình vừa nồng nàn của ảnh yêu, vừa êm đềm gắn bó của tình nghĩa. Một thứ bổn phận, trách nhiệm ràng buộc tôi với vợ con. Tôi mang bổn phận, trách nhiệm ấy như mang một thứ ''ách êm ái, nhẹ nhàng'' khiến cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa. Tôi là một người cần thiết, là chỗ tựa nương cho người khác, mà những ''người khác'' ấy lại chính là những người tôi rất mực yêu thương, trân trọng. Điều ấy làm cho tôi vui và hãnh diện. Tình tôi dành cho vợ con đúng là thứ tình ''mặc dầu '' trọn vẹn nhất.

      Và tôi yêu thương bạn bè. Tình bạn là một tặng phẩm quí giá Thiên Chúa dành cho tôi. Tôi có nhiều bạn và rất quí bạn. Tôi cũng thích chiều bạn và vui khi thấy bạn vui. Chiều bạn và không đòi hỏi điều gì quá đáng nơi bạn, đó là nguyên tắc giúp tôi giữ được tình bạn lâu dài. Tôi có bạn đồng tâm và bạn đồng chí. Bạn đồng tâm là người bạn mà tôi có thể kể hết những khúc mắc trong lòng, những bí mật của cuộc sống một cách tự nhiên, tín cẩn, không hề e ngại, không sợ bị hiểu lầm, phản bội. Tôi cũng sẵn lòng nghe bạn tâm sự và sẵn lòng cảm thông với bạn. Bạn đồng chí là những người bạn gần tôi trong lí tưởng. Chúng tôi nương vào nhau để cùng hướng về đích điểm, cùng đạt mục tiêu. Chúng tôi chia sẻ với nhau những gian lao vất vả, cùng nắm tay nhau tiến bước, nâng đỡ, khuyến khích nhau trong hành động. Cũng có khi bạn đồng chí sau này trở thành bạn đồng tâm và ngược lại. Là bạn đồng chí, chúng tôi có thể cười với nhau, nhưng khi là bạn đồng tâm, chúng tơi còn có thể khóc với nhau. Tôi thấy yêu bạn thật là dễ, không mấy khi phải cố gắng.

      Và chung quanh tôi còn biết bao nhiêu người đáng yêu đáng mến, những người tôi cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi được gần họ. Những người mà nếu được gặp họ, tôi thấy ngày hôm ấy vui hơn, dễ thương hơn, tươi đẹp hơn.

      Nếu thực sự tình yêu là cái gì tự nhiên, không cần rán sức cố gắng gì cả, thì ngần đó người đã đủ cho tôi yêu thương, quí mến. Nhưng bên cạnh những người ấy, còn có những điều và những người, mà theo sự tự nhiên, không những tôi không yêu, mà còn phải ghét.

      Cái đầu tiên, theo lẽ tự nhiên là đáng ghét, chính là cuộc đời. Đời sống đúng là nỗi ưu phiền cay đắng của tôi. Tôi hi vọng, cuộc đời làm cho tôi thất vọng. Tôi ước mơ hạnh phúc, cuộc đời đem lại cho tôi nỗi đớn đau. Tôi muốn sống bình an, cuộc đời đẩy đưa tôi đi vào sóng gió. Tôi mong được nếm hương vị ngọt ngào, cuộc đời dâng tặng tôi toàn những đắng cay chua chát. Tôi muốn được cư xử bình đẳng, cuộc đời đối xử với tôi một cách bất công. Tôi cần được thông cảm, cuộc đời khắt khe lên án tôi. Tôi cần được ủi an nâng đỡ, cuộc đời cho tôi sự lạnh lùng và vùi dập. Tôi thích sống chân thật, cuộc đời đây những giả trá điêu ngoa. Tôi muốn sống yêu thương, cuộc đời cho tôi hận thù. Dĩ nhiên, phải công bình mà nói, nhiều khi cuộc đời cũng cho tôi niềm vui và hạnh phúc, nhưng nếu đem ra mà cân thì đĩa cân đựng những buồn phiền bất như ý bao giờ cũng nặng hơn. Chẳng thế, mà bao giờ người ta cũng nói về cuộc đời, thế gian, trần gian... kèm theo một tiếng thở dài.

      Cuộc đời nói cho cùng là những hoàn cảnh sống do chính con người tạo nên. Và bởi vì có nhiều người không tốt nên có nhiều cảnh đời đáng buồn. Khi nói rằng ''cố gắng yêu thương đời'' thì cũng có nghĩa là "cố gắng yêu thương người'. Người đáng ghét, người không dễ thương, cho nên muốn yêu thương người, tôi cần phải cố gắng.

      Vấn đề là ở chỗ: tôi có nên, có cần phải cố gắng để yêu thương người hay không. Và yêu một cách cố gắng như vậy tình yêu có giá trị không? .

      Người ta được sinh ra đời, chia sẻ với nhau kiếp người. Nghe đến chữ ''kiếp người" hay ''kiếp nhân sinh'', không cần phải hiểu sâu xa cho lắm, ai cũng thấy cái ''kiếp'' ấy đầy những đau buồn, đó là một cái ''thấy'' vừa do kinh nghiệm vừa do trực giác nên nó đúng lắm. Muốn cho cái kiếp ấy đỡ đau buồn, chỉ có một cách là có nhiều người sống đẹp, cư xử tốt với những người khác. Mà ta đừng chờ mong người khác sống đẹp trước, cư xử tốt trước. Chính ta là người phải thực hiện điều ấy trước người khác. Ở một xã hội có nhiều người đám đi bước trước trong cách sống đẹp, dám có can đảm chấp nhận thiệt thòi mà không đôi co hơn thiệt, xã hội ấy sẽ đẹp hơn, dễ thương hơn, hay ít nhất là cũng dễ thở hơn.

      Sống đẹp, cư xử tốt là cách nói khác của chữ ''yêu thương''. Trong khi ta yêu thương người, mà người chưa theo kịp ta để cũng sống yêu thương, thì một là ta bỏ cuộc, hai là ta phải cố gắng. Chuyện rất đơn giản.

      Thường người ta cảm thấy người khác khó thương, không tha thứ được, khi cái khó thương của họ ảnh hưởng trực tiếp trên ta. Một người làm điều xấu cho một người khác, ta có thể thông cảm được, hay ít nhất là chê trách rồi cũng bỏ qua được. Nhưng khi người ấy làm hại chính ta, ta không thể bỏ qua, không thể chấp nhận được hành động ấy. Đó là phản ứng chung của con người, và điều ấy biểu lộ lòng thiếu quảng đại. Người ''cố gắng yêu thương đời'' là người tập sống quảng đại, tập sống vượt lên trên cái bản chất bình thường của một con người. ''Cố gắng yêu thương đời'' tức là đang tập sống với thứ tình yêu ''mặc dầu'': mặc dầu đời không yêu ta, mặc dầu đời bao gian dối, mặc dầu đời cay đắng như vôi... thì ta vẫn cứ yêu thương đời như thường! Sống như thế, yêu như thế tức là chọn thái độ can đảm, không bỏ cuộc.

      Yêu thương người đời cũng chính là yêu thương mình. Bởi vì mình cũng là một sinh vật đầy những khuyết điểm như những con người khác. Khi ta biết thông cảm với người và yêu thương người, ta cũng dễ thông cảm với chính ta và yêu thương ta. Thông cảm và yêu thương một cách ý thức, chứ không phải là dễ dàng bỏ qua tất cả những cái xấu xa của mình và tìm tư lơi cho mình chỉ vì tính vị kỉ.

      Như thế thì cố gắng yêu thương đời, yêu thương người là điều nên làm lắm và tình yêu ấy cũng có giá trị lắm. Tôi cảm thấy tình yêu tự nhiên giống như một bông hoa, tỏa hương thơm nhẹ nhàng quyến rũ, còn tình yêu do sự cố gắng giống như một trái cây, trải qua nhiều phen mưa nắng, qua bao đợt trưởng thành từ chát qua chua, từ chua sang ngọt. Qua bao nhiêu ngày phơi mình dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, trái cây ấy chín, thơm tho ngon ngọt, đem lại khoái cảm cho khứu giác và vị giác con người.

      Tôi mong ước một ngày nào đó, được gặp lại cậu học trò cũ, và chia sẻ với cậu về kinh nghiệm "cố gắng yêu thương đời'' của mình. Tôi muốn nói với cậu học trò ấy rằng sự cố gắng trong tình yêu có một giá trị đặc biệt và có vẻ đẹp riêng của nó. Nhưng, cũng có thể tôi không cần nói gì cả. Cậu học trò nhỏ ngày nào bây giờ nếu gặp lại, cũng là một người trưởng thành với số tuổi băm lăm, băm sáu. Cậu đã sống cuộc đời của cậu, và tôi nghĩ cậu đã không bỏ cuộc trong đời sống tình cảm con người. Nếu không bỏ cuộc, thì tất nhiên cậu cũng trải qua kinh nghiệm ''cố gắng yêu thương đời '' như tôi vậy. Có lẽ thầy trò tôi sẽ ngồi bên nhau, và chúng tôi sẽ cùng lẩm nhẩm với nhau lên hát: ''Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương đời, dù đời không yêu ta...

      Chỉ có một điều, tôi muốn chia sẻ với cậu, và nhất định sẽ chia sẻ nếu gặp lại cậu, mặc dầu cậu là một Phật tử và đã có một giai đoạn được các ni cô tại cô nhi viện Lâm Tì Ni dẫn dắt về mặt tâm linh. Điều tôi muốn chia sẻ là lời nói của Chúa Giê su, khi Ngài giảng cho con người về ý nghĩa và giá trị của lòng yêu thương:

      ''Anh em hãy yêu thù địch, hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu cáo anh em. Như thế, anh em được nên con cái Cha ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ lành và kẻ dữ, cùng làm ma xuống cho kẻ công chính và kẻ gian ác. Nếu anh em yêu kẻ yêu mình thì anh em có công phúc gì... Và nếu anh em chào hỏi bà con mình thôi, thì nào có hơn gì người khác? (Mạt 5, 44-47)

      Tôi sẽ nói với cậu học trò rằng: rõ ràng Chúa Giê su muốn người ta ''cố gắng yêu thương đời'' và yêu thương với thứ tình ''mặc dầu''

Nhà Văn Quyên Di

Kim Phượng Sưu Tầm

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Tình Hồng



Thả hồn nhẹ bước thong dong
Thắt chiếc bím nhỏ guốc vong quê mùa
Tình như ngọn cỏ gió đùa
Người em mộc mạc đành thua sắc tài

Kim Phượng
***
( Cảm tác từ Tình Hồng của Kim Phượng)

Dừng chân trước cửa nhà ai
Không dám bước tiếp sợ sai độ đường
Tình hồng xin gởi người thương
Cho dù mộc mạc lỡ vương vấn rồi

Nguyễn Cao Khải

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Một Luật Niêm Thú Vị


Độc Tiểu Thanh Ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư, 
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu, 
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. 
Cổ kim hận sự thiên nan vấn, 
Phong vận kỳ oan ngã tự cư. 
Bất tri tam bách dư niên hậu, 
Thiên hạ hà nhân khấp tố như?

Nguyễn Du

Đây là bài thơ Đường Luật của Nguyễn Du được hậu thế biết nhiều nhất sau Truyện Kiều. Nhưng cũng là bài thơ gây tranh cải nhiều nhất.

Trước đây khá lâu, một trưởng bối là Linh Đàn còn đề nghị Bộ Giáo Dục đổi vị trí câu 1 và 2; cũng như cặp Thực và cặp Luận trong sách giáo khoa:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ...

Như thế mới đúng niêm luật của thơ Đường Luật (theo Newvietart.com)
Nguyễn Cảm Xuyên trong bài Tiểu Luận đăng trên Kiến Thức Ngày nay số 896 ngày 20/72015 có trích đoạn bài viết của GS Nguyễn Khắc: 
“...Bài thơ bị thất niêm do chữ thứ nhì của câu đầu là chữ “hồ” (vần bằng) không niêm với chữ thứ nhì câu 8 là chữ “hạ”(vần trắc); chữ thứ nhì câu 6 là chữ “vận” (vần trắc) không niêm với chữ thứ nhì của câu 7 là “tri” (vần bằng) . Ngoài thất niêm, bài thơ lại thất luật: 6 câu đầu thuộc luật bằng, 2 câu cuối thuộc luật trắc(1). Việc thất niêm và thất luật này xảy ra với bài thơ chỉ do 2 câu cuối. Xem kĩ thì đây cũng không thuộc trường hợp do tác giả cố ý phá cách để tạo nét độc đáo trong nội dung..." 

Về việc này, Học giả Nguyễn Quảng Tuân viết: “...Có phải Nguyễn Du muốn “phá cách” chăng? Chúng tôi không cho là như vậy, vì các bài thơ “phá cách” đều được phá ngay từ câu mở đầu, chứ không có trường hợp nào sáu câu đầu làm theo luật bằng và hai câu cuối lại làm theo luật trắc.

Ý kiến được nhiều người ủng hộ nhất, là do chính Tác giả phá cách.
Riêng cá nhân tôi, không cùng quan điểm với bất cứ ý kiến nào bên trên, kể cả ý kiến cho rằng bài thơ do chính Tác giả phá cách.

Chúng ta cùng điểm lại các bài thơ Đường Luật của Ta cũng như Tàu có trước Nguyễn Du.
Ở Việt Nam, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhân Tình Thế Thái thứ 21 có tên Dĩ Hòa Vi Quý :

Dĩ Hòa Vi Quý

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua 
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò 
Chữ rằng nhân dĩ hoà vi quý 
Vô sự thì hơn kẻo phải lo

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Không như Nguyễn Du ở hai câu cuối, Trạng Trình nhà Ta không theo Niêm ở hai câu Thực.
Bây giờ chúng ta nhìn sang Tàu, ngược dòng thời gian, tìm đến những nhà thơ nổi tiếng thời Đường:

- "Thành Tây Pha Phiếm Chu" của Đỗ Phủ:
Ở bài thơ này giống như bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thanh nga hạo xỉ tại lâu thuyền
Hoành địch đoản tiêu bi viễn phương
Xuân phong tự tín nha tường động
Trì nhật từ khan cẩm lãm khiên
Ngư xuy tế lãng dao ca phiến
Yến xúc phi hoa lạc vũ diên
Bất hữu tiểu chu năng đãng tương
Bách hồ na tống tửu như tuyền

- "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài" của Lý Bạch :
Bài thơ này cũng như bài trên

Phượng hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường an bất kiến sử nhân sầu


- "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy:
Riêng bài thơ này thì xem như toàn bài.

Chước tửu dữ quân quân tự khoan
Nhân tình phiên túc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia san. 

Qua 5 bài thơ của các thi nhân: Thi Hào Nguyễn Du, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Tiên Lý Bạch và Thi Phật Vương Duy, 5 nhà thơ có thể nói nổi tiếng vào bậc nhất trong nền thi ca của Việt và Tàu, gợi cho chúng ta điều gì?
Chẳng lẽ cả 5 người đều thất niêm hay phá cách giống như nhau?
Hay còn một nguyên nhân nào khác, khiến các câu thơ không như Luật Niêm mọi người thường dùng ? 
Điều này thể hiện rõ nhất ở bài "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy.
Các câu 1; 3; 5; 7 có cùng Bằng Trắc hay nói chính xác hơn là Niêm với nhau.
Tương tự, các câu 2; 4; 6; 8 Niêm với nhau.
Qua nhận xét trên, chúng ta thấy các câu lẻ Niêm với lẻ. Các câu chẵn Niêm với chẵn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với luật Niêm mà mọi người đều biết và sử dụng: 
- 1; 4; 5; 8 Niêm với nhau. 2; 3; 6 ;7 Niêm với nhau.

Riêng cá nhân tôi, thỉnh thoảng cũng có làm những bài thơ Đường Luật theo dạng này. Thí dụ như bài "Quê Xưa":

Quê Xưa

Đây con đường đất mảnh vườn xưa
Thấp thoáng xa xa mấy rặng dừa
Quê nghèo mái lá đìu hiu vắng
Xóm nhỏ lều tranh rải rác thưa
Cây rơm chỗ đó đêm trăng giỡn
Bến nước nơi này nghịch nắng trưa
Cảnh cũ còn vương trong ký ức
Tình quê thắm thiết nói sao vừa

Quên Đi

Kết Luận

Từ phân tích những bài Thơ Đường Luật ở trên, đã dẫn chúng ta đến một kết luận:
"Trong thơ Đường Luật trước đây đã tồn tại một luật Niêm thứ hai, nhưng ít được giới làm thơ ngày nay sử dụng (tương tự như thơ Đường Luật gieo vần Trắc), cũng như ít thấy tài liệu nào nói đến.
- Luật Niêm thứ nhất : 1 - 4 ; 2 - 3 ; 5 - 8 ; 6 - 7. Luật Niêm thông dụng.
- Luật Niêm thứ hai : 1 - 3 ; 2 - 4 ; 5 - 7 ; 6 - 8. Luật Niêm ngày nay ít thấy sử dụng
- Hoặc sự pha trộn giữa hai luật niêm trên.

Vì thế, tôi cho rằng bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký không hề sai luật cũng như không hề phá cách. Tác Giả đã sử dụng cả hai luật Niêm khi sáng tác bài thơ này. 

Bi đát hơn các bài thơ Đường Luật gieo vần Trắc, dạng luật Niêm này không được người làm thơ dùng, nên đã biến mất. Có lẽ thi hào Nguyễn Du là người cuối cùng sử dụng dạng này khi "Độc Tiểu Thanh Ký" được ghi chép và lưu lại cho hậu thế.

Huỳnh Hữu Đức