Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Lẩm Cẩm Trong Thơ


Những câu hát ru của Má từ tấm bé, những bài học thuộc lòng thời Tiểu Học. Thơ đã bén duyên với mọi người từ rất sớm, không phải chỉ riêng tôi. Nhưng tôi có được một ông Nội từng theo Nho Học, nên từ thuở lên 6-7, tôi đã nghe qua không biết bao nhiêu là bài thơ Đường Luật qua ngâm nga của Nội. Thú thật, lúc đó nghe để mà nghe, chỉ là vịt nghe sấm hay đàn khảy tai trâu mà thôi. 

Tuy nhiên, lời ru của Má; thơ Đường Nội ngâm; những bài học thuộc lòng, cũng đã ảnh hưởng; tác động đến tôi khi bước chân vào ngôi trường Trung Học.
Vào các năm Đệ Lục, Đệ Ngũ, tôi đã làm đủ các thể loại thơ theo hiểu biết non nớt của mình. Chính sự non nớt về ý và nghĩa của các điển tích; cách dùng từ không đúng chỗ, từng khiến anh tôi cười đến chảy nước mắt, đau cả bụng không biết bao lần.
Có lần tôi làm bài trong đó có câu: 

Mơ đến Đào Nguyên kết duyên cầm sắt

Anh tôi xem xong đã cười nghiêng ngửa:
- Sao Đào Nguyên kết duyên cầm sắt? Đúng ra là phải Thiên Thai mới kết duyên cầm sắt.
- Thì Đào Nguyên như cõi Tiên mà! Đâu phải chỉ có Thiên Thai. Dùng chữ nào không được.
- Đồng ý cả hai đều nói về cõi tiên hoặc giống chốn thần tiên, nhưng mỗi cái tên là một câu chuyện khác, mang một ý nghĩa khác.
Như Đào Nguyên xuất phát từ truyện thơ Đào Nguyên Ký của Đào Tiềm, là chuyện kể về người đánh cá ở Vũ Lăng, có lần thấy những cánh hoa đào trôi theo dòng nước. Bơi thuyền ngược lên, ông ta đến được một vùng đất mà người dân sống thật thanh bình, an nhàn không phải lo sợ điều chi. Thật là chốn thần tiên.

Còn Thiên Thai, là tên của câu chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu đi hái thuốc trên non gặp tiên nữ rồi kết chồng vợ.
Như vậy, nếu làm thơ về tình trai gái thì phải dùng Thiên Thai, còn mơ vùng đất xinh đẹp, có cuộc sống thảnh thơi an bình..thì tìm đến Đào Nguyên, thế mới thích hợp. Đằng này, bài thơ tình cảm trai gái, mà em dùng chữ Đào Nguyên thì quá xá sai rồi. Hiểu chưa?

Lần khác, tôi làm một bài thơ Lục Bát có câu:

Vườn trầu đang độ nhà anh
Bỏ vòi ngắm nghé cau xanh bên nàng
Ước gì ta kết đá vàng...

Anh tôi lại cười ngất. Tôi thì chưng hửng. Thấy thế anh mới giải thích.
- Theo truyện cổ Sự Tích Trầu Cau: Trầu tượng trưng cho người vợ, con gái họ Lưu. Cau tượng trưng người chồng, người anh trong anh em song sinh nhà họ Tân.
Trầu tượng trưng cho người nữ, cau tượng trưng cho người nam. 
Em thì giáng trầu cho người trai, cau thì chỉ bên gái, làm thơ như thế này thật là tréo cẳng ngỗng. Anh không cười sao được.

Do thích thơ, nên hể thấy thơ là đọc, thấy bài nào hay là viết ngay vào sổ, lúc rảnh rổi lấy ra đọc chơi. Có lần đang thích thú đọc lại những bài thơ đã chộp được, khi đọc đến câu:

... Ngân hà một dãy lưng trời
Trăng thu vằng vặc ánh rơi xuống trần...

Tình cờ đi ngang, nghe tôi đọc hai câu thơ trên, Anh tôi lại hỏi:
- Thơ mới làm hả?
- Không phải, thơ của người ta, em đọc trên báo thấy hay hay nên chép lại.
- Hay thế nào chưa biết, nhưng hai câu em vừa đọc nghe chẳng được chút nào.
- Hay vậy mà anh chê.
- Sai bét mà hay nỗi gì.
- Sai chỗ nào đâu?
- Đây nè, trăng thu sáng vằng vặc thì làm sao thấy được sông Ngân? Làm thơ cũng phải theo sát thực tế thiên nhiên, đâu phải thích thế nào làm thế đó...muốn nhìn thấy sông Ngân, trời phải không mây, không trăng, bầu trời tối sẩm. Đằng này trăng sáng như thế cả các vì sao còn mờ nhạt khó thấy, thì làm gì thấy được ngân hà. Sông Ngân rõ nhất là vào mùng 7 tháng 7 Âm lịch, đêm Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, lúc đó trời tối đen. Giờ Em thấy cái sai của câu thơ chưa. 

Đồng ý trong thơ phải có mộng, có mơ, có hư, có thực, có so, có ví, có tỉ, có đối.., nhưng dù mộng; hư; so hay ví ... cũng phải cho đúng. 
Ngoài ra em cũng nên chú ý ở nước ta: mưa phùn gió bấc liền với mùa đông, heo may thì vào tiết thu. Hoa phượng đỏ, màu mực tím... được dành cho tuổi hoa học trò ... và còn nhiều nữa. Chúng ta không thể gán heo may vào mùa xuân hay gió bấc vào mùa Thu, hay mưa phùn vào mùa hè...

Trải qua những lần như thế, đã cho tôi một nhận thức không thể nào quên. Thơ tuy tuỳ vào cảm xúc, nhưng cách sử dụng chữ, hay điển tích sao cho đúng lúc, đúng chỗ. Từ đó về sau, khi làm một bài thơ, viết một bài văn, tôi thường ngó tới ngó lui, coi cách dùng từ mình có gì không hợp với luật tự nhiên; những dẫn chứng có tréo cẳng ngỗng, lấy râu ông này cắm càm bà nọ như anh mình từng chỉ bảo hay không.

Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét