Phật Giáo
Theo Thích Ca Mâu Ni thế gian là một biển khổ (khổ hải), sinh, lão, bệnh, tử mà cuộc đời của con người phải chìm đắm trong đó (trầm luân) bởi những dây tham nuốn (muốn sống, muốn sướng, muốn giầu…) cột chặt với những sự vật bên ngoài (màu sắc, hương vị, hình ảnh…) qua thân xác của ta. Cái thân xác của ta, theo Phật giáo, nếu còn nuôi dưỡng lòng tham muốn đối với cuộc đời thì không chỉ một đời kiếp của ta ở trần gian là trải hết sự khổ ải mà phải chịu hết kiếp này đến kiếp khác mãi mãi như cái bánh xe xoay (luân hồi), hết vòng này đến vòng khác. Cái khổ của ta chịu kiếp này (nghiệp) là kết quả (quả) của ta làm từ kiếp trước; việc ta làm ở kiếp này sẽ đưa lại việc khác (nhân) cho kiếp sau. Ta phải chịu cái nghiệp báo ấy mãi mãi, nếu ta chưa diệt được khổ (diệt khổ), nghĩa là dứt hết lòng tham muốn ở đời.
Muốn diệt hết lòng tham muốn ở đời phải giữ tâm cho tĩnh để theo đường đạo. Đạo của Phật sẽ dẫn người ta đến chỗ diệt khổ, đến chỗ giải thoát; có nghĩa là ra khỏi vòng luân hồi: không sinh, không tử nữa và đến cõi Niết Bàn
Thiên Chúa Giáo
Thiên Chúa Giáo gồm có: Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành và Anh Giáo, bắt nguồn từ Do Thái Giáo; tất cả đều tin có một Đấng Tối Cao (Thiên Chúa), đã sáng lập vũ trụ và tạo dựng muôn loài trong đó có con người. Các tín đồ của các tôn giáo trên được khuyên dạy, sống theo Mười Giới Răn đã ghi sẵn trong tâm khảm mọi người, và đã được viết thành văn bản bởi ông Mô-sê, một thủ lãnh của dân tộc Do Thái, dưới sự mạc khải của Thiên Chúa (theo sự tin tưởng của các tín đồ Thiên Chúa Giáo), vào khoảng năm 1250 trước Công Nguyên. Mười Giới Răn tóm gọn trong hai điều căn bản sau đây: Một là ,các tín đồ phải thờ lậy mến yêu Thiên Chúa trên hết và trước hết mọi sự; hai là thương yêu tha nhân như chính bản thân mình.
Con người có thể nhận biết Đấng Tạo Hóa bằng cách suy diễn hay suy luận; chẳng hạn: có quần áo thì phải có thợ may, có nông phẩm thì phải có nông gia, có máy móc thì phải có kỹ sư… Có con thì phải có cha, có cháu trong nhà thì phải có ông; nói tóm lại có tạo vật thì phải có Tạo Hóa. Còn Đấng Tạo Hóa như thế nào, Ngài ở đâu và đang làm gì? Chúng ta phải dựa vào tôn giáo mới có được những câu trả lời thỏa đáng.
Phần lớn tín hữu Thiên Chúa giáo đều cho là: Kinh Thánh diễn tả chính Thiên Chúa (Tạo Hóa) còn khoa học mô tả công trình của Ngài. Họ tin rằng con người có hai phần: hồn và xác; thể xác do vật chất tạo nên, sau khi chết, thân xác sẽ tan rữa thành tro bụi. Linh hồn sẽ trở về với Đấng Tạo Hóa (Thiên Chúa) và được thưởng hay chịu phạt, tùy theo cách sống của mình, có tuân theo giới răn của Ngài, suốt thời kỳ trải qua trên trần gian này hay không. Họ luôn luôn cho rằng đời này chỉ là tạm bợ, sống gửi thác về (sinh ký tử quy); đời sống mai sau mới trường tồn, vĩnh cửu.( Thác là thể phách, còn là tinh anh. Nguyễn Du).
Hấu hết các tôn giáo đều tin con người có linh hồn; ngay cả giới vô thần cũng cho rằng chúng ta có hai phần: Tinh thần và thể xác; nhưng họ cho là thể xác có trước và tinh thần (linh hồn) có sau nên mời theo thuyết duy vật. Về điểm này chúng ta có thể suy luận như sau: Khi thấy một cột cầu bằng si măng cốt sắt dưới cầu xa lộ đề 1964,nay là 2014, ta biết chắc cột đó được xây cách đây 50 năm; muốn so sánh sắt có trước hay si măng có trước, ta chỉ cần phân chất hai vật liệu riêng rẽ, đã tạo thành chiếc cột đó theo phương pháp đo bức xạ định thì (radiometric dating) là biết ngay. Còn thân xác của chúng ta do vật chất tạo nên, con người có thể lấy máy móc đo lường; nhưng tâm hồn chúng ta gồm ba tính năng: Sự thông minh, trí nhớ và cảm giác, có tính cách siêu nhiên, trừu tượng, phát suất từ Tạo Hóa, không thể đánh giá, so sánh với thể xác bằng máy móc hay giác quan được.
Vấn đề đau khổ xảy đến cho con người, theo Phật giáo là do sự tham muốn của con người; còn theo Thiên Chúa giáo là do tội của (nguyên tổ). Về vấn đề này, chúng ta có thể lý giải như sau: Một là chính mình gây ra, như lái xe khi say sỉn đâm vào cột đèn, bị thương tích hay chết. Hai là do tha nhân nói riêng hoặc do xã hội nói chung; như trong trường hợp những kẻ khủng bố, vì bất mãn hay ghen tỵ, ôm bom tự sát hoặc dùng súng bắn bừa bãi vào ta; mặt khác, chung sống trong một tập thể, một quốc gia, chúng ta phải tuân theo một số luật lệ, nếu không chúng ta sẽ bị trừng phạt, tù tội, có khi bị tử hình. Ba là vì mang thân xác vật chất, chúng ta phải chịu ảnh hưởng những định luật của thiên nhiên: Nóng lạnh, bão lụt, động đất, sóng thần, cả đến bệnh tật, chết chóc nữa. Tạo Hóa có thể can thiệp làm cho chúng ta thoát khỏi tai bay vạ gió; như trường hợp xe đò lật, mọi hành khách, không nhiều thì ít, mang thương tích, mà ta không hề hấn gì; sau cơn bão, các nhà xung quanh đều bị hư hại, nhà của ta không sao cả; chúng ta thường nói:"Nhờ trời phù hộ”, hay “gặp may”Còn khi nào Tạo Hóa đã can thiệp làm cho chúng ta thoát khỏi những tai bay vạ gió? Có lẽ sau khi chết, trở về với Ngài, chúng ta sẽ có thể biết được những trường hợp đó? Ở đây chúng ta có nên nhìn về khía cạnh tích cực của đau khổ không? Mỗi khi vấp té, chẳng hạn, chúng ta sẽ có kinh nghiệm đi dứng sao cho khỏi ngã; nhờ vụ khủng bố 911, mà nước Mỹ có bộ nội an hùng mạnh, tinh nhuệ đứng hàng đầu thế giới; và khi có một chứng bệnh nan y nào xuất hiện là giới y khoa khắp nơi trên thế giới đồng tâm hiệp lực kiếm cho bằng được dược phẩm tốt nhất để chữa trị; vì thấy trái đất này càng ngày càng cằn cỗi mà con người đang tính chinh phục không gian, khám phá ra những hành tinh khác để ở? Một điều đáng chú ý khác nữa là : Có thể Tạo Hóa đã để cho tai họa xảy ra, với mục đích nhắn nhủ con người không nên quá ham mê đời sống vật chất , nay còn mai mất , mau tàn dễ úa, mà quên đi đời sống tinh thần ở kiếp sau, muôn đời hạnh phúc.
THẠCH TRONG (NĐH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét