Năm 1963, tôi được một người quen giới thiệu vào dạy tại trường Nguyễn Bá Tòng Saigon; đầu tiên tôi phụ trách môn Anh văn cho hai lớp Đệ tam nữ. Một buổi sáng thứ bảy vào đầu tháng chín năm đó; tôi được Cha Chính làm giám học, mời vào văn phòng, ngài nói:
_Tôi muốn nhờ thầy dạy Anh văn sinh ngữ nhì cho lớp Đệ nhất nam của trường. Về khả năng tôi không giám nói, nhưng thầy trẻ như vậy không biết có thể điều khiển lớp đó được không?
_Xin Cha cứ để con dạy thử xem sao, tôi mỉm cười trả lời.
Về nhà, tôi thắc mắc: tại sao khai giảng được hơn một tháng rồi, mà lớp này chưa có giáo sư dạy Anh văn? Tò mò tôi hỏi thầy Đạo, thơ ký văn phòng, lo việc xếp giờ của trường; thầy cho biết:
_Bí mật, thầy nói, một mình giáo sư biết thôi nhé! Đã mấy thầy phải bỏ lớp này rồi: nó phá quá không dạy nổi!
Buổi dạy đầu tiên cho lớp đó, tôi còn nhớ, là vào sáng thứ hai. Hôm ấy, tôi vừa bước vào lớp,nghe tiếng hô thật lớn: “Nghiêm”; cả lớp đứng theo “nghi lễ chào Quốc kỳ”; tôi thầm nghĩ, mình đã cưỡi lên lưng cọp! Liếc qua mấy bàn đầu, tôi thấy có mấy học sinh để ria (kiểu người lớn). Tôi giơ tay ra hiệu, nói:
_Mời các bạn ngồi xuống! Thấy tôi đổi cách xưng hô, cả lớp có vẻ bỡ ngỡ, mọi người im lặng.
_Hôm nay tôi đến đây để giúp các bạn trau giồi môn Anh văn, trước tiên tôi yêu cầu các bạn một điều: trong kỳ thi Tú tài hai tới, tôi mong các bạn sẽ cố gắng, nếu không đậu vì môn Anh văn thì đừng ai rớt vì môn này! (Trong lúc đó, nhìn ra cửa, tôi thấy Cha Hiệu trưởng và Cha Giám học lảng vảng ngoài hành lang; có lẽ các ngài muốn biết tình hình lớp tôi đang dạy ra sao, có ổn không?).
Tôi còn nhớ lớp Đệ nhất hồi đó, cuối niên khóa, thi Tú tài hai, các thí sinh phải vào vấn đáp về môn ngoại ngữ nhì.
Tôi vừa ngồi vào bàn, quạt trần bắt đầu mở, giẻ lau bảng và bụi phấn bay khắp phòng!
( Hệ thống quạt và đèn tại các lớp học của trường đều do văn phòng của Giám học tắt và bật…Có học sinh nào đó đã lau bảng và đặt giẻ lau trên các cánh quạt.)
Cả lớp cười ồ ! Tôi đứng lên, liếc mắt nhìn từng dẫy bàn, rồi thản nhiên nói:
_Các bạn ai cũng biết rằng, đây là năm cuối cùng ban trung học của các bạn; sang năm các bạn sẽ là các sinh viên đại học: đàng khác, đối với trường, các bạn là lớp đàn anh, chắc các bạn ai cũng muốn mình là gương mẫu cho các lớp đàn em ở dưới phải không? Vậy tôi xin các bạn đừng làm gì để phải mất cảm tình đối với nhà trường nói chung, và nhất là đối với ban Giám hiệu nói riêng. Nói xong tôi về bàn, lấy sách và phấn , đi về phiá bảng đen, bắt đầu giảng bài.
Bài đầu tiên tôi giảng cho lớp là “Lesson one” của cuốn sách nhan đề “Direct Method”. Bộ sách này có hai tập nhỏ:”Part One” và “Part Two”, mỗi tập có mười bài ngắn; mỗi học kỳ phải học hết một tập. Đây là tài liệu do Bộ Giáo Dục chọn cho các thí sinh thi Tú tài hai vào vấn đáp.
Trong lúc giảng bài tôi thấy những học sinh ngồi hàng ghế đầu có vẻ chăm chú nghe và ghi chép cẩn thận; nhưng mấy học sinh ngồi ở cuối lớp, tỏ vẻ lơ là, không chú ý lắm! Một vài em, mắt giả vờ nhìn vào sách, nhưng tay lại chuyển giấy chơi“carreau” với nhau! Tôi cho rằng, mấy em này trước đây đã có học thêm Anh văn rồi; nên vào giờ chơi giữa buổi, tôi ở lại nói chuyện với các em và được biết: có em đã học ba bốn năm tại các trung tâm Anh ngữ ở ngoài.
Về nhà tôi mới nghĩ ra, lý do tại sao mấy thầy dạy trước đã phải chịu thua, không dạy nổi lớp này: các học sinh lớp này kiến thức Anh văn không đồng đều; nếu dạy theo sách giáo khoa thì những học sinh trình độ cao sẽ ngồi chơi; mà dạy ra ngoài bài bản thì những em mới học sẽ ngáp ngủ! Vì thế tôi đổi “chiến thuật”: yêu cầu mỗi học sinh phải có một tập ghi chép ngữ vựng và ngữ pháp; tôi sẽ căn cứ vào đó để kiểm tra, cho điểm vấn đáp hằng tháng; và trong quá trình giảng bài, khi gặp một ngữ pháp nào đặc biệt, tôi liền gọi mấy em ngồi bàn cuối lên bảng, cắt nghĩa cho cả lớp nghe. Từ đó mọi người trong lớp đều phải chăm chú học, vì sợ bị gọi lên bảng bất ngờ, không trả lời được thì “quê” với cả lớp!
Vào cuối giờ học hôm đó, tôi nói với lớp:
_ Chắc các bạn cho rằng tôi còn “ trẻ người non học” phải không? Vậy tôi sẽ cho các bạn một bài tập về ngữ pháp làm tại nhà, trong vòng một tháng; các bạn có thể tra cứu bất cứ tài liệu nào, hỏi bát cứ ai; bạn nào làm được, tôi sẽ cho học bổng một năm: khỏi phải đóng học phí cho trường. Cả lớp giơ tay nói:
_Xin thầy cho đề tài.
_Trước hết, để tuyển lựa, tôi cho các bạn một câu hỏi về nhà làm trong vòng một tuần; bạn nào làm đúng và nộp đầu tiên, tôi mới cho bài tập trên.
Kết quả là: sau một tuần, rồi hai tuần, đến cả ba tuần sau, cũng không ai trả lời được.
Từ đó trở đi không một học sinh nào trong lớp này dám coi thường giờ dậy của tôi nữa.
Đầu tháng khi tới phòng Cha Giám học lãnh lương, ngài nói với tôi:
_ Theo nhà trường thì thù lao môn phụ thấp hơn môn chánh, nhưng đối với thầy, thì nhà trường tính bằng môn chánh là 100$ một giờ.
_ Cám ơn cha, tôi mỉn cười trả lời.
_ Tôi hơi thắc mắc, ngài tiếp, không biết tại sao thầy mới vào dạy đây, mà không thua kém gì mấy thầy đã từng dạy cho trường cả chục năm rồi?
Lúc đó tôi cũng chỉ biết mỉn cười và nói lời cám ơn rồi ra về. (Tôi thầm nghĩ: phải chăng đây là thuật điều khiển theo từng trạng huống!)
Nếu tôi không lầm, thì đây là lớp Đệ nhất nam đầu tiên, cũng là lớp Đệ nhất nam cuối cùng của trường. Vì từ đó ban Giám hiệu chỉ mở lóp Đệ nhất cho nữ sinh mà thôi!
Vào khoảng năm 1970, trường đã đổi thành trường nữ; cũng là vì các nam sinh phá quá! Lấy thí dụ, trường hợp điển hình: vào những ngày trước tết Nguyên đán, các nam sinh thường đem pháo vào trường đốt; mặc dầu nhà trường đã ra thông cáo không được đem pháo vào trường; có lần tôi thấy ban giám thị và nhân viên của trường phải chặn các nam sinh ngay tại cổng trường để xét cặp, thế mà vẫn có học sinh đem được pháo lẻ đến lớp; rồi vào nhà cầu, buộc pháo vào thuốc lá, châm lửa để thuốc cháy dần cho pháo nổ; ban giám thị hành lang chịu thua, không sao tìm ra thủ phạm! Nếu tôi không lầm thì từ niên khóa 70-71, tất cả các nam sinh nào muốn theo học trường NBT Saigon đều phải chuyển sang trường NBT Gia định, và cha Công, nổi tiếng là “dữ đòn” được cử làm Giám thị bên đó.
THẠCH TRONG (HĐN)
Ảnh từ THẠCH TRONG (HĐN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét