Hè năm 1955, tôi được anh bạn là Trần Thế Lý dậy toán tại trường trung học Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh long cho biết trường đang cần giáo sư Anh văn, nên rủ tôi xuống dạy cho có bạn. Hồi đó tôi mới tu nghiệp ở Thụy sĩ về, chưa có việc làm nên nhận lời ngay.
Lần đầu tiên tôi gặp cha Quang, hiệu trưởng của trường, tôi xin ngài cho tôi dạy toán hay Việt văn; lúc đó trường còn theo chương trình Pháp, mà tôi phải dạy tiếng Anh bằng tiếng Pháp, sợ soạn bài bằng hai ngôn ngữ không biết có kham nổi không; vì biết mấy tháng trước đó tôi có đi làm thông dịch trong Ủy Hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến (ICC) cho phái đoàn Pháp, nên ngài nói, “Thầy làm việc cho phái đoàn Quốc Tế được, thì việc dạy song ngữ Anh Pháp đâu có gì khó!” Thế là đâm lao phải theo lao. Niên khóa 1955-1956 tôi phải dạy Anh văn cho 3 lớp: cinquième, quatrième và troisième. Vào khoảng giữa niên khóa sở giáo dục ra lệnh cho các trường công lập cũng như tư thục phải chuyển từ chương trình Pháp sang chương trình Việt. Các trường trung học đều bắt đầu từ lớp đệ thất tới lớp đệ nhất; học xong đệ tứ các học sinh sẽ thi lấy bằng Trung học; lớp đệ nhị thi Tú tài một, và lớp đệ nhất thi Tú tài hai.
Chương trình trung học lúc đó chỉ phải học một ngoại ngữ: Anh hay Pháp tùy học sinh chọn; trường Nguyễn Trường Tộ lúc đó có lớp troisième, cuối năm phải thi Brevet nên trường vẫn giữ nguyên, còn các lớp khác đều chia làm hai, lớp Pháp văn và lớp Anh văn; thầy Phong dạy các lớp Pháp còn tôi dạy các lớp Anh…Cũng trong niên khóa này tôi được linh mục linh hướng khi tôi còn ở Thụy sĩ xin cho tôi được học bổng du học tại Fribourg về y khoa: bốn năm lý thuyết tại Thụy sĩ và ba năm thực tập tại Tây đức. Vì giấy thông hành cũ của tôi còn giá trị, nên tôi chỉ cần xin chiếu khán xuất cảnh là xong.
Hè năm đó, trước khi lên Saigon lo giấy tờ, tôi gặp cha Quang, trình bày công việc xuất ngoại của tôi và xin ngài tìm người thay thế. Không may cho tôi là khi tới sở công an, người ta cho biết: hiện đang có lệnh không cho thanh niên tuổi quân dịch xuất ngoại! Thế là chương trình du học của tôi trở thành mây khói. Trở lại Vĩnh long, cha hiệu trưởng NTT đã xếp giờ cho ông Ngô, bạn của tôi rồi; tôi trở thành thất nghiệp! Vì còn đang là mùa hè, tôi vội làm đơn xin dạy giờ tại trường công Nguyễn Thông (sau đổi ra Tống Phước Hiệp). Tôi có quen với ông hiệu trưởng của trường, nên được nhân dạy Anh văn cho hai lớp Đệ tam và Đệ nhị. Trong những ngày đi đi về về Vĩnh long, Sài gòn, tôi đã tiêu hết số tiền dành dụm trong năm dạy tại NTT, vì thế tôi phải xin phép mở lớp dạy Anh văn tư để có tiền chi dụng hằng ngày.
Niên khóa 1977-1978 tôi xin cha Quang cho tôi trở lại NTT, ngài cố xếp cho tôi dạy một lớp Đệ lục. Tới niên khóa 1959-1960, ông bạn của tôi làm giám đốc trường Lam Sơn, mới mở, mời tôi và các giáo sư trường công ra dạy. Điều không may cho tôi là ông ta cho người gián quảng cáo tên các giáo sư của trường ngay gốc cay me giữa sân trường NTT, đứng đầu danh sách là tôi! Thấy vậy cha Quang liền mời tôi đến nhà xứ, tỏ ý muốn tôi chỉ dạy trường công và NTT thôi. Về nhà, tôi hỏi ý kiến ông Oánh cùng dạy với tôi tại NTT năm đó, anh nói, “Nếu dạy trường tư thì nên dạy nhiều trường để tránh bị chèn ép sau này.” Đàng khác tại NTT tôi chỉ dạy có một lớp, còn bên Lam Sơn tôi dạy tất cả các lớp Anh văn; hơn nữa tôi còn đứng ra mở một lớp luyện thi Tú tài ban tối tại Lam Sơn, với sự cộng tác của các bạn dạy trường công với tôi nữa.
Tiến thoái lưỡng nan!“Thân này nếu xẻ làm đôi, nửa cho Trường Tộ, nửa về Lam Sơn.” Sau cùng tôi phải từ giã NTT, nơi tôi bắt đầu nghề gõ đầu trẻ, cũng là nơi tôi có được những kỷ niệm tốt đẹp và kinh nghiệm ban đầu trong sự nghiệp dạy học của tôi! Thôi đành” Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” vậy. Tuy nhiên không bao giờ tôi quên được trường Nguyễn, Vĩnh long, vì đã cho tôi những kinh nghiệm rất cần thiết cho sự thành công trong suốt 28 năm tôi dạy tại các trường tư thục nổi tiếng nhất Sài gon như: Nguyễn Bá Tòng, Lê Bảo Tịnh, Thánh Tôma, Chí Thiện ... .
THẠCH TRONG (HĐN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét