Năm ấy 1972, năm với “Mùa Hè Đỏ Lửa” khóc liệt. Với bao người lính từ chiến trường trở về, bằng “đôi nạng gỗ” hoặc im lìm “nằm xuống” trong poncho thay áo quan. Những chiếc poncho sắp dài trên sàn xe GMC.
Vẫn như in, còn như mới nguyên, cô nhớ mãi mùa hè ấy. Cô sinh viên, còn ngồi ghế giảng đường Đại Học Cần Thơ, còn yêu đời, đang thả mộng mơ. Đời thong dong như thế, bình lặng như thế, đi đi về về, trên những chuyến phà từ Cần Thơ. Rời Cần Thơ vào sáng sớm, khi nắng trên đỉnh đầu hoặc lúc chiều tà bóng xế, và trả cô về lại Vĩnh Long thăm nhà, trong những ngày cuối tuần. Trên phương tiện di chuyển này, cô thường tựa lên lan can ở tầng trên của phà. Cô vô tư lắm, ung dung, thanh thản, thoải mái thả hồn. Cô nhìn cảnh trời nước bao la, lục bình trôi nổi, mái chèo đưa đẩy, những cảnh đời trên sông mà cảm thương thân phận người bé nhỏ trước vũ trụ bao la.
Như lệ thường, sóng mắt cô đang cợt đùa theo sóng nước gợn lăn tăn. Bỗng vang lên…
- Thúi quá…! Thúi quá…!
Thoáng ngạc nhiên, mọi người ở tầng dưới và cả tầng trên, đang nhốn nháo, đổ dồn về phía cô. Khi biết được, thì ra mọi người đang lánh xa hai chiếc GMC, đang đâu nơi cuối phà. Cô tò mò, chầm chậm đi ngược trở lại, nơi mà mọi người đã xa lánh. Từ trên cao nhìn xuống, thật phủ phàng, nhói đau, khi nhìn hai chiếc GMC với những poncho bao xác người bất động. Người lính trở về từ cuộc chiến!
Cô bước lại gần hơn, tựa lan can nhìn xuống. Cô miên man nhớ về, nhớ tiếng nhạc, lời ca. Nhớ giọng hát Thái Thanh còn văng vẳng đâu đây… “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về...”*. Không còn đợi đến mai mốt, mà hôm nay, lúc này đây, “Anh trở về chiều hoang trốn nắng...Poncho buồn liệm kín hồn anh”*.
Đã từng thưởng thức, từng lắng nghe bằng con tim nho nhỏ của cô. Mới hôm nào, cô thả hồn, trôi trôi theo tiếng nhạc, tận hưởng lời ca trầm buồn, hay làm sao thơ mộng làm sao và lo sợ làm sao, nếu người yêu cô là lính. Nhưng khi đối diện, dù chỉ một lần, trước cảnh tượng những người nằm đây. Còn đó bao cuộc tình đã bỏ lại sau lưng, vòng tay ấm buông xuôi, ánh mắt bờ môi đã khép kín. không vì chinh chiến ngược xuôi nữa, các anh đã về cùng đất lạnh. Để muôn đời kiếp kiếp chia phôi,
Có ai kể cho cô nghe về đời lính phong sương, những ngày dài gian lao chiến đấu, từng hiên ngang trong lửa đạn, dũng cảm trên tuyến đầu, lao mình vào cuộc chiến không đắn đo, xả thân giữ yên bờ cõi cho người hậu phương. Nhưng ngày anh trở về...trong ghẻ lạnh thế này. Có ai kể cho cô nghe!?
Nhiều ánh mắt đổ dồn về cô, ánh mắt kỳ lạ, như thầm bảo, cô không giống ai. Cô cảm thấy tủi thân, bơ vơ chốn đông người và cô đã khóc. Những giọt nước mắt, âm thầm, nhưng mãnh liệt, cảm phục thân phận những người đang nằm xuống trước mắt cô. Anh là ai, anh ở đâu, cô không rõ, nhưng có lẽ hồn thiêng của các anh và niềm tin yêu trọn vẹn nơi cô, khiến cô không ngửi được mùi hôi thối từ những chiếc poncho. Lúc ấy, cô chỉ cảm nhận, đấy những Hồn Thiêng Dân Tộc đang quẩn quanh. Và nước mắt cô vẫn nhỏ xuống, tiễn đưa, đưa Người về lòng đất mẹ.
Hơn 40 năm trôi qua, bây giờ đang là mùa hè trên quê hương cô. Chiếc phà năm xưa, đã không còn nữa. Hai chiếc xe GMC kia, những phận người trong poncho đó, giờ ở đâu? Cô làm sao biết được. Nhưng hình ảnh ấy đã mảnh liệt trở về mỗi tháng Tư. Những mùa Hè oan nghiệt!
Rồi đây, chuyến phà nào sẽ đưa cô trở về quê mẹ. Phương đó, hoa lòng nào tưng bừng nở, đón các anh hiên ngang, hào hùng trở về trên những chiếc GMC, từ sa trường hiểm nguy về lại Vĩnh Long, bằng chuyến phà Cần Thơ.
Vẫn còn nghìn trùng ... Nhưng niềm tin mãnh liệt…thật gần, thật gần, chuyến phà sẽ đưa cô về lại cố hương. Nơi đó, cô sẽ tìm những bia mộ buồn, cô sẽ cám ơn anh, những Người đã nằm xuống.
Rồi sẽ có một ngày! Cô trở lại!
Kim Phượng
Hè 2018
* Bài hát Kỷ Vật Cho Em của nhạc sĩ Phạm Duy