Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Dịu Dàng Xa Xưa

Thuở nào tương tư
Như đời xui khiến
Tiếng yêu không lời
Đã có người nghe

Nhẹ nhàng ý thơ
Khi mơ lúc tỏ
Viết khúc tơ lòng
Sầu mộng gửi về

Xa mờ chốn nao
Cơn đau dịu dàng
Trên phiến môi mềm
Cho đêm bơ vơ

Giấu lòng chờ sáng
Rộn ràng nắng hạ
Hoa tàn mấy độ
Buốt lá thu rơi

Điệu buồn ai khơi
Lạc mất đời nhau
Lời trao ngại tỏ
Đã có người nghe!


Kim Phượng



Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Đấng Sinh Thành


Cha tôi người rất hiền lành
Cùng mẹ xinh đẹp hợp thành một đôi
Thời gian thấm thoát dần trôi
Đàng con tám đứa mồ côi trên đời
Dạy con sống thuận ý trời
Xin luôn ghi nhớ những lời mẹ cha
Tu tâm tích đức do ta
Ngày mai con cháu gần xa hưởng nhiều

Thơ & Ảnh:Huỳnh Phương Trạch 
Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Em Cũng Là Hoa: Hoa Móng Tay

Cái dáng nho nhỏ trang đài
Móng Tay đằm thắm ngõ ngoài nhà em











 
 
Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Hoa Móng Tay Nhà Nàng


Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Đêm Chờ Đợi - Thu Đợi Chờ


Đêm Chờ Đợi

Sớm mai thức dậy lòng đã buồn
Vì sao cứ mãi nghĩ đến luôn
Bao nhiêu vương vấn mang vào nhốt
Thầm kín trong tim đọng giọt buồn

Từ dạo biết buồn biết khổ đau
Tơ lòng chôn chặt nỗi khát khao
Nén tiếng yêu một thời áo trắng
Cánh phượng ngày xưa đã nhạt màu

Hạ chuyển sang mùa mang đắng cay
Nhìn từng chiếc lá nhẹ bay bay
Thu bao nhiêu lá là bao nhớ
Ép nhớ vào tim giả hững hờ

Đợi lúc đêm về có ai hay
Gọi khẽ tên người mi nặng cay
Thở dài khép lại tình ngang trái
Trải một đêm dài...đợi đến mai

Kim Phượng
***
Cảm Tác:


Thu Đợi Chờ

Thu bao nhiêu lá là bao nhớ
Ép nhớ vào tim giả hững hờ*

Chẳng dám nhìn ai, giả bộ kiêu
Nhưng lá Thu rơi ép đã nhiều
Giữa trang nhật ký thời đi học
Tình sầu giấu kín tráí tim yêu

Nhạt nhòa giấu lệ nhớ thương ai
Bén gót sau ta dọc phố dài
Những buổi tan trường Đông-Xuân-Hạ
E thẹn mở lời mây trắng bay

Thương nhớ người xưa mộng vỡ tan
Ra đi mang trọn mảnh hồn hoang
Để lại cho ta từ độ ấy
Nuối tiếc tình duyên bị lỡ làng

Từng đêm tưởng tượng bóng ai về
Vòng tay tròn mộng giấc si mê
Tả tơi lá rụng hồn khuê phụ
Chờ đợi bao Thu dạ não nề.

ChinhNguyên/H.N.T. Sept.11.20

* Thơ Kim Phượng
***

Bài Họa:


Đêm Buồn


Đêm khuya trăn trở ...bởi ta buồn!
Khó ngủ canh dài....mãi nghĩ luôn...
Vì nhớ “ người ta” ...người có biết?
Vậy là thức mãi ...suốt đêm buồn!

Biết sầu biết nhớ biết lòng đau
Từ dạo biết yêu,dạ “khát khao”
Nhớ lại cái thời vừa mới biết...
Đến giờ ký ức chẳng phai màu

Xa người lòng thấy lắm chua cay
Khi hạ chuyển mùa lá phượng bay
Bao cánh Phượng là bao nỗi nhớ
Đường yêu sao lắm nẻo ơ hờ...

Nhiều lúc đêm về...người có hay?
Tên em thường gọi lúc mơ say
Bây giờ ta vẫn âm thầm nhớ
Hiểu được thì ra.. .đợi mốt mai

Songquang

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Hạnh Phúc Nào!

    Mười sáu tuổi! Cái tuổi trăng tròn lẻ của thời con gái biết mộng mơ. Vậy mà, tôi vẫn còn chơi trò đánh bún, nhảy tràm với con nít cùng xóm, trong ba tháng nghỉ hè, mỗi khi trở về gia đình ở Giồng Ké. 

    Mười sáu tuổi! Cái tuổi trăng tròn lẻ của thời con gái còn cao tầm với. Vậy mà má tôi...đã rời xa gia đình, về làm dâu, bước vào cuộc sống mới, xa lạ.

                  
                                       Võ Thị Thoại Lúc 15 Tuổi

    Cùng tuổi đời mười sáu, hai thế hệ, niềm vui, nụ cười, hạnh phúc hay hệ lụy đeo mang...làm sao đoán được, ở tuổi mười sáu trăng tròn lẻ này!? Má thành thân, do sự xếp đặt của gia đình. Má có đến mười đứa con, mỗi đứa cách nhau, hai hoặc ba tuổi. Nhưng chưa một lần nào, tôi nghe ba má to tiếng. Một gia đình tràn đầy hạnh phúc, biết khoan dung, chăm sóc và lo lắng cho nhau. Đến lúc sắp lìa đời, ba vẫn còn lo...“Ba mất rồi ai lo cho má con!”

    Còn tôi, được tự do chọn lựa người kết tóc trăm năm, nhưng có gì để nói!? Hoàn toàn ngược hẳn, so với cuộc đời của má. Nỗi đau này người! 

    Trong giây phút hai má con tôi, có dịp gần gũi nhau, nhưng đau đớn thay, gần để rồi vĩnh viễn chia xa. Những đêm trong bệnh viện, giấc ngủ chập chờn không yên, tôi phập phòng lo sợ, mỗi khi má trở mình trên chiếc giường nhỏ. Những đêm nghe má kể chuyện, qua hơi thở mệt nhọc, nhưng không giấu được sự rạng rỡ trên khuôn mặt, khi má nhắc về thời thơ ấu, đi học với thầy giáo Phụng, thời bước chân vào ngưỡng cửa nhà chồng. Má kể, như thể sợ không còn đủ thời gian để nhắc về những năm tháng đã qua. Má lập gia đình ở tuổi mười sáu và ba đã là cậu thanh niên, chững chạc, hai mươi sáu tuổi đời. 

    Ngày xa xưa ấy...
    Cô bé Thoại ở tuổi mười hai mười ba, nhà ngang chợ Rạch Bàng, xã Đức Mỹ. Theo thú vui của người dân quê, chiều chiều cô cùng các chị em cô cậu ra hóng mát trên chiếc cầu cây, trước nhà. Ghe thu lúa của cậu Sang đang bập bềnh trên sông, tình cờ trông thấy cô, cậu bảo với các người làm công… “con nhà ai đẹp quá, đợi lớn lên tìm người làm mai làm mối”. Bẳng đi vài năm, khi cậu Sang trông coi kho lúa tại chợ Rạch Bàng, cũng là lúc cô Thoại đến tuổi mười lăm trăng tròn. Và “ông mai ông mối” của ngày nào, phải lòng cô bé năm xưa, khi trông thấy cô trong phiên chợ.

    Rời chợ Rạch Bàng, về đến nhà, cô Thoại thủ thỉ...“Má ơi, hôm nay con đi chợ, có bà nào cứ theo con hoài”.
    - Con gái lớn rồi, có lẽ họ theo để ý con đó. Nhớ nghe con, con gái lớn rồi phải ăn mặc chỉnh tề, đi đứng nghiêm trang, nói năng lựa lời. Má cô nhẹ nhàng dạy bảo.
    Một lần, cô theo má đến nhà ông Bang biện Lê Như Thiết, ở ấp Phú Hữu, thuộc xã Giồng Ké, mua mía về trồng. Trong thời gian chờ đợi người nhà đốn mía, cô Thoại vào trốn nắng trong một căn chòi cất gần đó, và nhìn thấy một quyển sách tiếng Pháp. Tò mò, cô mở ra xem, đoán rằng... chủ cuốn sách là “người có học!”. Cô nào biết “người có học” đó chính là cậu Sang, con trai út của ông đại điền chủ Lê Như Thiết. Từng là học sinh trường Pháp, cậu quen với sự dạn dĩ, bặt thiệp và lịch sự. Trong những phiên chợ, trông thấy cô, cậu chỉ trộm nhìn, không buông lời chọc ghẹo, nhưng lại cho người bơi xuồng qua nhà cô, nhờ trao thư bày tỏ ý mình. Cô sợ quá, không dám nhận, giả vờ bắt thang hái trầu và đứng hoài trên cây thang. Người nhà của cậu đành chuyển thư đến má cô.

    Cậu Sang đã làm quen với gia đình, ghé qua thăm và gặp gỡ ba cô Thoại. Len lén nhìn đôi bên chuyện trò, cô “ưng bụng” lắm. Bởi, trước mặt ba cô, cậu nói năng lễ phép, đầy tự tin, không khúm núm như những chàng thanh niên khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình cậu đến dạm hỏi và không bao lâu, lễ cưới được long trọng cử hành với thuyền hoa đón cô về tổ ấm. Đôi trai tài gái sắc cùng hòa lòng với tiếng người nô nức hai bên bờ sông, với mùi quê hương, mùi yêu thương từ những cánh đồng bát ngát. 

    Cô dâu mới mười sáu, trong gia đình ông Bang biện, vườn đất bề bề, có kẻ hầu người hạ, nhưng cô luôn giữ cương thường đạo lý, theo lời dặn dò trước khi xuất giá. Ngoài ra, cậu Sang tâm lý lắm, sau lễ hỏi, cậu đã gửi cho cô một tập nhỏ, trong đó gợi ý cho người con gái, biết cách cư xử và gìn giữ hạnh phúc như thế nào, khi về nhà chồng.

    Cô Thoại và cậu Sang đó chính là má ba của tôi.

    Má về làm dâu, mọi việc đều để mắt tới, phụ người này, giúp người kia. Ai ai cũng mến yêu, từ ông bà nội, ngay cả người ăn kẻ ở trong nhà. 

    - Canh hôm nay hơi cứng. Lời của ông nội trong bữa cơm.

    - Dạ thưa tía, con đã hầm lâu lắm. Má trả lời.

    Ông chỉ cười, nói cứng có nghĩa là hơi mặn, rồi quay sang nói nhỏ với bà nội... “Con nó còn nhỏ, để rồi chỉ bảo thêm”. Chỉ câu nói dịu dàng ấy thôi, đã in sâu vào lòng má. Và đáp lại, má luôn kính trọng, thương yêu ông nội. Từng thang thuốc bắc của nội, do một tay má, ngồi canh lửa, sắc đúng liều lượng, không phó mặc cho người giúp việc.

    Với ba, dĩ nhiên, má được yêu thương hết mực. Mặc dù sống trong thôn ấp nhỏ, nhưng khi má sắp sửa sinh nở, ba lên tận tỉnh Vĩnh Bình, thuê nhà cho má ở tạm, đợi chờ ngày đứa con đầu lòng chào đời. Cuộc sống ngỡ mãi êm đềm như lòng người mong muốn. Nhưng khi ông bà nội qua đời và loạn lạc ngày một leo thang, ba má gạt lệ rời Phú Hữu, dọn lên xã Giồng Ké. Và mãi đến năm 1984, ba má sang Úc định cư. Úc là thiên đường so với ấp Phú Hữu, xã Giồng Ké, nhưng má vẫn an phận thủ thường, lo cho con cháu, thân nhân còn bên nhà và giúp cả những tá điền trung thành ngày xưa, bằng những số tiền hay quà cáp nho nhỏ.

     
                                   
    Một ngày đã đến, má thanh thản vĩnh viễn ra đi!

    Má ra đi, để lại cho mỗi cô con gái, một món nữ trang làm kỷ vật. Trong sáu cô con gái, má cho tôi sợi dây chuyền. Đó là vật sính lễ trong ngày cưới của má. Sống trong vùng Việt minh, trải qua bao trận Tây ruồng bố, mất nhà cửa, ruộng vườn, có thể mất cả tính mạng. Nhưng tôi không hiểu, bằng cách nào, má còn giữ được sợi dây chuyền cho đến hôm nay. 

    Nâng niu sính lễ của má trong tay. Nhìn sâu thẳm vào, tôi thấy được bàn tay ba chọn lựa, bàn tay má giữ gìn, và cả trời hạnh phúc của ba má, từ thời ly loạn ở Phú Hữu, chật vật ở Giồng Ké, cho đến thiên đường Úc châu.

    Má cho tôi!? Một món quà hạnh phúc trao cho người có cuộc tình không trọn vẹn!?

    Sợi dây chuyền đang nằm trong lòng tay tôi. Ngấn lệ âm thầm rưng rưng, không cần che giấu. Còn có ai để mà che giấu!?
    Má ơi! Phải chăng má đã trao lại cho con... niềm hạnh phúc trọn vẹn của má và có phải ý má cầu mong con có hạnh phúc, hạnh phúc đó là...

“Đấu tranh với nghịch cảnh, và chinh phục chúng, là hạnh phúc lớn nhất của con người.”*

Kim Phượng
Ngày Giỗ Má Thứ 18 
24.9.2020
* Câu nói của Samuel Johnson
Ảnh: Kim Phượng

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Thu Xa - Hỡi Thu




Ảnh: Thu Bright - Kim Phượng

Bài Xướng:

Thu Xa

Mùa Thu đã đến ở nơi đây!
Em có thấy chăng lá rụng đầy?
Sương tỏa nhạt nhòa gầy ngọn liễu
Gió đùa lay gợn khỏa làn mây
Bờ tre xào xạc ngoài hiên vắng
Cánh nhạn chơi vơi tận chốn nầy
Gác nhỏ quê người sầu lữ thứ
Một mình hiu quạnh nổi niềm tây

Songquang 
20200919
***
Bài Họa:

 Hỡi Thu

Thu đã về chưa quạnh quẽ đây
Cho thôi nức nở lệ thu đầy
Câu thương thu trước bay cùng gió
Lời nhớ thu nào lẩn khuất mây
Vướng víu hồ thu đôi mắt ấy
Tình thu lay động trái tim nầy
Có nghe thu hỡi hoài mong đợi
Thu vắng xa rồi lạnh mái tây

Kim Phượng

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Tất Niên Năm Xưa

Học trò năm cũ tôi ơi
Rưng rưng ngấn lệ tiếng lời vô ngôn*
Bây giờ các bạn lớn khôn
Mỗi người mỗi ngã hoàng hôn tuổi già
Ngày xưa tất niên la cà 
Cơ may đươc gặp mượn trà mời nhau
Nhân đây xin gởi lời chào 
Ước mơ trở lại thuở nào năm xưa
 

Buổi Họp Mặt Tất Niên Của Lớp 10 A Tại Trường Kỹ Thuật Nông Thôn Vĩnh Long - Năm 1974

Từ trái: ( - ), ( - ), Huỳnh Phương Trạch ( áo trắng), Nguyễn Quang Trung, Lý Chí Thiện, Nguyễn Hồng Nhân, Võ Văn Mỹ, ( - ), ( - )

Thơ & Ảnh: Huỳnh Phương Trạch
*Lời thơ của cô Kim Phượng

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Dòng Sông Quê Cũ


                            (Sông Rạch Bàng - Ảnh LT Kim Phượng)

Có khoảng cách đo bằng trí nhớ
Mỗi phân ly thấm mặn lòng người
Có tình yêu chỉ là khung mắt
Một đời qua thăm thẳm gương soi...

Hoa vẫn nở cây mùa lá trổ
Đã bao giờ em ghé vườn xưa
Nơi ta dấu bàn tay bé nhỏ
Để chiều về che những cơn mưa

Dòng sông cũ chảy về xóm cũ
Giữa quê xa con nước bên bồi
Em còn nhớ phía bờ sông lỡ
Tiếng ru buồn đêm vọng à ơi...

Thôi có lẽ ta đành số phận
Con sáo bay cánh mỏi bao lần
Thương bến đậu một đời lỡ vận
Những ngậm ngùi hết cuộc trăm năm...

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Xuôi Về Miền Tây


    Tôi chuẩn bị khăn gói quả mướp, ra xe đò Kim Mã xuôi về miền Tây. Nhưng trước khi rời Sài Gòn, tôi cần thăm một Người, rất thân, rất đặt biệt…nhưng chưa gặp mặt bao giờ. Người tôi muốn nói đến, là con của một quân nhân.

    Cơ duyên đưa đẩy, tôi biết được Người trẻ này, qua làn sóng phát thanh SBS Úc châu. Cháu đã chia sẻ cảm nghĩ của mình, khi đi tìm hài cốt cha nơi vùng Việt Bắc. Ông không là người Vĩnh Long, nhưng đã từng đóng quân tại đây, đã hy sinh một phần tuổi trẻ cho Vĩnh Long, quê tôi. Tôi điện thoại thăm cháu trước khi về Vĩnh Long. Nhưng cháu nằng nặc, nhất định xin gặp mặt ngay. Sau lần đầu gặp gỡ, như biết nhau từ thuở nào. Mỗi cử chỉ, hành động và lời nói của cháu thật tự nhiên trong thâm tình, thân quen trong yêu thương…và lưu luyến lúc tạm chia tay.

    Người xa mà ngỡ như gần
    Người thương lại chẳng nợ nần gì nhau


    Thật là như vậy!

    Sau đó, tôi ra bến xe đò, xuôi về Vĩnh Long, một nơi tưởng như nghìn trùng, nay bước chân xa lại tìm về. Ngôi trên chuyến xe buýt, ghế số 3, rất dễ quan sát cảnh trước mắt. Tôi trân trọng từng phút giây đang hiển hiện, nên không muốn chợp mắt, nhưng eo ơi…Một con mắt của tôi nhắm lại để tránh cảnh lách qua lạng lại của bác tài. Một con mắt kia mở thao láo, như muốn thu nhỏ quê hương lại, “…để người viễn xứ mang cho vừa.” *. Phương tiện giao thông thật tiện lợi, khác xa mấy mươi năm về trước. Những chuyến xe đò bây giờ, đã đến tận nơi đón khách đi và đưa người về đúng chỗ. Xe tiến dần đến Cầu Lầu, trong một chiều đẹp nắng. Chiếc cầu quen thuộc thân yêu của thuở nào. Không biết nắng nơi đây thật đẹp hay lòng người rộn rã khiến chiều say say...
 
                     Nền Đất Xưa Với Căn Nhà Mới( Hiệp và các Bạn)
  
 Vẫn con đường Văn Thánh ngày xưa, bây giờ đổi tên là Trần Phú. Con lộ tấp nập, xa lạ, gần như không nhận ra. Nhà hai bên đường san sát, trông hẹp hơn, có nhiều người đi bộ, lắm xe đạp và xe gắn máy. Đường được cho là đổi mới, nhưng không sao che giấu hết nét cũ kỹ, thiếu sửa sang, khiến lòng người phương xa chùng xuống. Buồn riêng mình hay cho người hiện cư ngụ nơi này!?

    Xe dừng ngay trước sân nhà. Cũng mảnh đất này, nhưng đổi thay qua nhiều thời đaị. Khoảng 1949, nơi đây rất vắng vẻ, lèo tèo mấy nóc gia. Căn nhà lá đầu tiên được ba dựng nên, một thời che mưa nắng cho các con đi học, mặc dù các chị tôi mới ở trình độ lớp ba, bậc Tiểu Học. Ba đốn những cây Sao trong vườn ông nội, chặt từng bẹ dừa nước dọc ven sông rạch, tuốt lá, chầm thành tấm, dùng lợp mái nhà. Vật liệu xây cất, toàn là cây nhà lá vườn, được ba tom góp, mướn ghe chở từ ấp Phú Hữu thuộc quận Vũng Liêm, đến tận Vĩnh Long và thuê bác Hai cùng với nhóm thợ mộc từ Giồng Ké, dựng lên.

   Dì ba Nguyệt, là người thay thế ba má chăm sóc chị hai, chị ba của tôi. Trong căn nhà này, còn có thêm người dì bà con đang theo học nghề may, cậu tư học đóng giày, cậu Ẩn, em chồng của dì ba. và cho ba người ở trọ, từ Vĩnh Bình lên để đi học. Trước sân nhà, ba trồng toàn là cây so đũa. Cây cao, thấp, lớn, nhỏ, đủ cỡ. Loại cây này chóng lớn lại hữu dụng. Thân dùng làm củi, hoa và trái làm thức ăn. Người trong xóm quen gọi là “Nhà So Đũa”. Cả nhà toàn là miệng ăn, nên dì ba tìm thêm lợi tức qua việc làm kẹo dừa, kẹo chuối để bán. Vài năm sau, dì ba rời xa “Nhà So Đũa”, còn lại hai chị và các cậu phải nương nhau sống. Kèo, cột của căn “Nhà So Đũa”, không bền chặt theo năm tháng. Có những hôm, giông to gió lớn, hai chị tôi sợ sập nhà, phải chạy núp dưới tàng cây mít hoặc cây vú sửa. Vì thế, nhà được sửa sang lại, vách được thay bằng ván và lợp tôn.

    Trong thời chiến, không an ninh, loạn lạc lan tràn, ba má gạt lệ rời ấp Phú Hữu, lên sinh sống ở xã Giồng Ké. còn gọi là Trung Ngãi. Anh tư, chị năm cũng lần lượt lên Vĩnh Long, rồi đến Hiệp và tôi. Từ đó, nguồn cung cấp thực phẩm hàng tuần cho chúng tôi là những giỏ đồ ăn, những bó củi được cột chặt chẽ bằng chính bàn tay yêu thương của ba và gửi đi qua chuyến xe đò liên tỉnh Vĩnh Long – Vĩnh Bình.

    - “Nhà Học Trò” ra lấy đồ! 
Từ đó, căn " Nhà So Đũa" được đổi tên mới, do các bác tài xe đò..

    Sau này, khi ông anh “quyền huynh thế phụ” vào Đại Học. Anh đi xa, còn lại mấy chị em, để bớt công quét dọn sân trước, nên chúng tôi trồng toàn hoa Mười Giờ, khắp cả sân, ngoại trừ lối đi. Khoảng 10 giờ sáng, sân trước rực đỏ một màu, bấy giờ người trong xóm gọi là “Nhà Mười Giờ”. Đến đầu mùa xuân Mậu Thân, năm 1968, căn nhà Giồng Ké chìm trong biển lửa và ba má tôi dọn hẳn lên Vĩnh Long ở chung với các con.

    Giờ đây, đứng trên nền đất cũ, căn nhà xưa không còn, đã hoàn toàn đổi khác, không còn dấu tích. Bây giờ là một tiệm buôn. Những người đã từng sống trong ngôi nhà xưa ấy, như chim đã xa tổ..., đa số các anh chị em tôi đang bên trời viễn xứ… Chỉ còn lại vài người của năm cũ và dăm kẻ xa lạ được thuê làm việc, đang chung sống.

    Sân trước nhà, hôm nao rực đỏ đúng giờ, toàn sắc Hoa Mười giờ, nay chỉ là thềm xi măng, xám xì, hực nóng. Nhưng cái nóng sân nhà là cái nóng quê hương, không làm tôi khó chịu, tự an ủi mình như thế. Cái thềm nhà cao cao, lót gạch, nơi mươi mấy năm trước, chiều chiều, các chị em tôi thường tụ tập, đảo mắt xem “ông đi qua bà đi lại”, thèm thuồng nhìn những người trẻ cùng lứa, được tự do phóng xe, rong chơi. Còn mấy chị em tôi chỉ ngồi ngắm thôi, thế mà vẫn bị má mắng hoài về tội… “ngồi chưng táp lô”. Cây xoài to trái ngày xưa, đêm đêm ngồi học bài, nghe một tiếng “bịch", vừa vui say vừa vội vàng mang đèn dầu lửa ra soi để lượm xoài rụng. Học trò con nhà nghèo, đêm về bụng đói meo mà! Cây mận năm nào, trưa trưa trèo hái trái. Bây giờ, đứng tần ngần suy tới nghĩ lui, chẳng tìm ra cái gốc trước đây, đã nằm ở đâu. Căn nhà vách cây, màu xám, có mắt cáo thoáng mát bốn mùa, có khung cửa sổ nho nhỏ. Cũng tại khung cửa sổ đó, một đêm nọ đang ngồi học bài…chúng tôi vội tắt đèn cái rụp, thập thò đứng rình rập, lén lúc nhìn và trộm nghe các thầy của mình vừa trò chuyện lúc đang ăn hủ tíu, từ chiếc xe đẩy bán, gỏ lốc cốc mời hàng trên đường Văn Thánh năm xưa. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm!

    Kỳ thiệt! Về lại đây, mỗi lần mở lời ra là… “mấy mươi năm trước” và lúc nói không biết bao nhiêu là chữ “xưa…xưa…xưa”. Hình như “đệm” thêm chữ “xưa” cho đã nhớ hay sao vậy đó! Mọi sự đều thay đổi, người xưa nay trở lại, cảnh cũ không còn, quanh đây xa lạ, người quen không nhận ra mình và tôi lạ với cả chính tôi…khiến tôi bồi hồi như thấy chính mình là nhân vật được lồng trong Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương.

    Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi * *
    Hương âm vô cải mấn mao tồi
    Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai

    Dịch nghĩa

    Về Quê Tình Cờ Ngồi Viết
    Xa quê từ lúc còn bé, già mới trở về
    Giọng nói không thay đổi, chỉ tóc tai xơ xác
    Trẻ con thấy không biết là người làng
    Cười hỏi khách từ đâu đến.

  
    Tôi rời nơi đây khi tuổi đời còn khá trẻ. Nay trở lại chốn cũ, tóc đổi màu sương tuyết. Gặp những đứa trẻ đang sống trong căn nhà này, nhìn tôi như một người khách lạ, còn hỏi tôi từ đâu tới. Nhưng làm sao chúng biết được, tôi, người đã một thời lớn lên từ nơi này.

                  Bàn Cẩm Thạch Bị Vết Đạn Xuyên Ngang - Năm 1968

    Tôi về lại Vĩnh Long vào một buổi chiều, nên chưa gặp một ai quen trong xóm. Đúng ra tôi chưa muốn gặp một ai. Vì là ngày đầu tiên trở về chốn cũ, nơi cất giùm tôi thời con gái. Tôi đã đi loanh quanh nhà, tìm hoài, tìm lại thời con gái của mình, nhưng không còn gì…Có chăng, một vài quyển sách thời đi học và chiếc bàn bằng đá cẩm thạch. Mặt bàn đã bị nứt, mang vết tích chiến tranh, của năm Mậu Thân 1968. Dù mặt bàn có vết đạn bắn thủng xuyên một lỗ nhỏ, đã được bàn tay ba vá lại bằng loại xi măng trắng, nhưng nhìn vào nơi ấy, tôi vẫn còn thấy hình bóng ba, má, các anh chị em tôi và làn sóng người chạy loạn trong đêm kinh hoàng.

                                           Sánh Cũ - Năm 1972

    Trải qua cuộc bể dâu... Ừ! Thôi thì sống trong phút giây hiện tại trước đã. Nhưng Vĩnh Long ơi…

    Vĩnh Long cất giùm thời con gái!
    Mùa xuân nào trộm hái hoa đào
    Đưa tay với với lấy cành cao
    Hương chạm ngọt ngào đôi vai nhỏ


Kim Phượng
Ảnh: Kim Phượng

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Giăng Mắc - Hoa Tình Giăng Mắc


Bài Xướng:

Giăng Mắc


Buồn hiu dõi mắt tận chân mây
Canh cánh niềm riêng chất ngất đầy
Tội đóa hoa lòng hương sắc thắm
Hết rồi dáng ngọc tuổi thơ ngây

Nào có vui gì trọn tiếng yêu
Nắng chiều nhạt nắng những chiều chiều
Cuồng si trông mãi theo màu nắng
Bóng nhạn mịt mờ vẫn chắt chiu

Mây ngàn phiêu bạt tận nơi nao
Đã mấy mùa mai trổ ngõ vào
Người ấy ừ thôi...lau ngấn lệ
Muôn đời ngăn cách để thấm đau

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Hoa Tình Giăng Mắc


Người ở xa vời cuối nẻo mây
Để ta canh cánh nhớ thương đầy
Hoa tình đượm sắc thời yêu dấu
Dáng ngọc muôn đời mãi ngất ngây

Ru lòng cho trọn chữ tin yêu
Màu nắng nhạt phai những buổi chiều
Ngóng mãi người về trong giấc mộng
Vậy mà...mắt nhạn vẫn đăm chiêu !

Mây cứ phiêu bồng mãi tận nao ?
Hoa mai,đào trổ mấy mùa vào ?
Thì thôi...người đã quên lời hẹn
Lau lệ cho lòng nhẹ nỗi đau!

songquang
***
Dạ Ngấm Đau


Dõi mắt trông về tận cuối mây
Lòng ta mong mỏi ước mơ đầy
Thương yêu mấy độ bao đằm thắm
Ước nguyện xuân thời mãi nhớ ngây

Mộng ước sum vầy một thuở yêu
Chừ xa dõi bóng quạnh bao chiều
Quay lòng dạ mãi sầu mưa nắng
Cánh nhạn phương trời mãi chắt chiu

Hạ đã qua mùa bậu chốn nao
Mai khai cúc nở mấy thu vào
Ừ thôi chịu vậy lau dòng lệ
Chiếc bóng riêng lòng dạ ngấm đau.

Hương Thềm Mây


Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Hương Thu


Gom hết mùa Thu trong nắm tay
Rải dài theo lối nhẹ bay bay
Hương thu chẳng đủ làm ngây ngất

Lạnh trọn đêm này thu có hay


Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Cây Machurian Pear Trên Lối Đi Trước Nhà


Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Sông Ơi Khóc Giùm Tôi


                                              Ảnh Kim Phượng

Sông ơi hãy khóc dùm tôi
Dâng nước êm chảy xuồng trôi nhẹ nhàng
Cho tôi về lại Rạch Bàng*
Để nghe Má kể dịu dàng chuyện xưa
Cùng Ba xoay quanh bếp lửa
Ôn bài làm toán đến nửa canh đêm
Gia đình hạnh phúc êm đềm
Giờ đây chỉ biết đi tìm trong mơ

Kim Oanh
(*) Quê Ngoại tôi, Xã Đức Mỹ, Quận Càng Long, Tỉnh Vĩnh Bình


Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Giăng Mắc


Buồn hiu dõi mắt tận chân mây
Canh cánh niềm riêng chất ngất đầy
Tội đóa hoa lòng hương sắc thắm
Hết rồi dáng ngọc tuổi thơ ngây

Nào có vui gì trọn tiếng yêu
Nắng chiều nhạt nắng những chiều chiều
Cuồng si trông mãi theo màu nắng
Bóng nhạn mịt mờ vẫn chắt chiu


Mây ngàn phiêu bạt tận nơi nao
Đã mấy mùa mai trổ ngõ vào
Người ấy ừ thôi...lau ngấn lệ
Muôn đời ngăn cách để thấm đau


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Mối Tơ Duyên


Trai miền Tây gái miền Trung
Tâm đồng ý hợp vui chung mái nhà
Nơi anh đồng ruộng bao la
Ở em có núi Bà Nà cũng cao
Tương lai xây đắp cùng nhau
Gia đình đầm ấm ước ao đến già
Cám ơn thượng đế món quà
Trao ban hạnh phúc ngọc ngà cho con


Thơ & Ảnh: Huỳnh Phương Trạch
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Giao Mùa



Tháng mấy mà sao ngày chợt ngắn
Đêm mênh mông trong gió rủ nhau về
Nhốt chút nắng vào lòng tay xứ lạ
Tiếng ve ngừng theo cánh rụng buồn ghê

Vài con đường rất quen trong ký ức
Vài môi cười nheo đuôi mắt ngày xưa
Nay chắc cũng nhăn theo chiều năm tháng
Nhớ thương tàn bong bóng vỡ chiều mưa

Tháng mấy mà heo may chớm lạnh
Một dòng sông trong trí nhớ hao gầy
Con nước còn bịn rịn khóc bàn tay
Qua bến vắng bóng người nghiêng tóc xõa

Em yêu dấu nụ giao mùa hương lá
Vẫn về thơm từng vết cắn môi lành
Nếu biết sẽ đời này không gặp lại
Xin nợ người mây trắng khoảng trời xanh...


Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Em Cũng Là Hoa: Hoa Lan

Thương dáng lan gầy thuở em xưa
Của những bâng khuâng trở giấc vừa












Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Xuân Tình


Bầy sẻ nhỏ cất tiếng chim buổi sáng
Khẽ gọi đàn sớm họp bạn mùa xuân
Giây phút ấy tim một lần rất lạ
Vườn tâm tư ai đó đã vừa qua


Thơ & Ảnh: Kim Phượng


Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Đêm Chờ Đợi


Sớm mai thức dậy lòng đã buồn
Vì sao cứ mãi nghĩ đến luôn
Bao nhiêu vương vấn mang vào nhốt
Thầm kín trong tim đọng giọt buồn

Từ dạo biết buồn biết khổ đau
Tơ lòng chôn chặt nỗi khát khao
Nén tiếng yêu một thời áo trắng
Cánh phượng ngày xưa đã nhạt màu

Hạ chuyển sang mùa mang đắng cay
Nhìn từng chiếc lá nhẹ bay bay
Thu bao nhiêu lá là bao nhớ
Ép nhớ vào tim giả hững hờ

Đợi lúc đêm về có ai hay
Gọi khẽ tên người mi nặng cay
Thở dài khép lại tình ngang trái
Trải một đêm dài...đợi đến mai 


Kim Phượng



Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Quê Hương Thu Nhỏ: Chiếc Ghe Chài



Từ khi ta bước đi mới hay mình đã mất
Trông ra nơi nào cũng thấy quê hương lượn quanh*
                           Lời bài hát Quê Hương Thu Nhỏ của Nguyễn Đình Toàn

Im bến ghe chài đợi cậu tôi
Thoáng trông lòng chợt những bồi hồi
Trường giang sóng nước chờ khua mái
Thu nhỏ quê mình kỷ niệm ôi...



Thơ& Ảnh: Kim Phượng
Chiếc Ghe Chài Của Cậu Bảy, Ở Xã Đức Mỹ, Quận Càng Long, Tỉnh Vĩnh Bình
 (2011)

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Em Cũng Là Hoa: Hoa Mai


          Ảnh: Kim Phượng

Bài Xướng:

Hoa Mai


Những nụ mai vàng dưới nắng mai
Đong đưa trước gió buốt đông ngày
Nụ hoa hàm tiếu còn e ấp
Lộc biếc rộn ràng đợi nhụy khai

Những nụ mai chờ cuối tiết đông
Vườn tâm nụ trổ đóa hoa lòng
Vàng sân phơn phớt màu vương vấn
Xuân đã vần chờ mắt mỏi mong 


Kim Phượng
***
Các Bài Họa:

Mùa Xuân Còn Đợi


Hoa vừa hé nụ nắng ban mai
Rực rỡ chào xuân ấm cả ngày
Bên nụ tầm xuân vừa ủ ấp
Rộn ràng chờ đợi lúc hoa khai


Mai vàng trước ngõ lúc tàn đông
Thắt thẻo chờ ai tím cõi lòng
Thao thức canh dài lòng tự vấn
Xuân nầy mai nở thỏa chờ mong


Kim Dung
***
Mai Nở Trái Mùa


Giao mùa mai nở sắc vàng mai
Tuy vẫn còn Đông chửa đến ngày
Hàm tiếu hoa Xuân vừa ướm nụ
Chờ vào đúng tiết sẽ hoa khai

Nụ mai hé nở trái mùa đông
Tín hiệu hoa tâm kết nhuỵ lòng
Nghĩ đến quê nhà bao nỗi nhớ
Cho người xa xứ đỡ hoài mong


songquang 
***
Cảm Tác:
Y Đề

Mai còn khép cánh dưới ban mai
Gió thả sương loang mát mẻ ngày
Ngũ cánh vàng tươi ôm nghĩa ủ
Đôi cành nụ biếc góp tình khai


Chờ xuân đón bạn thêm vui tuổi
Đợi tết chúc người được thỏa lòng
Chuyển tiết đông tàn hoa tỏa sắc
Cho tình ấm lại hết chi mong.


Hương Thềm Mây
8.9.2020


Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Giờ Này Ba Ở Đâu!?


(Bông Giấy của Ba - Nhà  Kim Oanh)

    Mỗi lần đến nhà em gái, nhìn giàn Bông Giấy, trên cành đầy hoa, tôi chạnh lòng, ngậm ngùi, se thắt nhớ. Nhớ ai không nhớ, lại nhớ Ba của mình!

    Ba là con trai út của ông Bang Biện, một đại điền chủ ở ấp Phú Hữu, Xã Trung Ngãi, tỉnh Vĩnh Long. Sống trong một gia đình giàu có, của ăn của để, kẻ hầu người hạ, học trường Tây. Nhưng, ba vẫn giữ được tính chân quê của người miệt vườn, không học đua đòi ăn chơi của cậu ấm. Bấy giờ, nền kinh tế trên đà suy thoái, khi đang chuẩn bị sang Pháp du học, ba phải sớm rời trường trở về giúp đỡ ông nội cai quản sự nghiệp. Từ trong nhà đến ngoài đồng áng, việc nào ba cũng làm và bắt tay vào, thì đều xong.

    Sau khi lập gia đình, có con đến tuổi đi học, ba chuẩn bị dọn đường trước đưa các con lên tỉnh theo đuổi việc học hành. Từ năm 1949-1950 ba cất căn nhà gần Kho Dầu Cũ ở Vinh Long, việc đốn cây Sao làm cột, chầm lá dừa để lợp mái do chính ba tự tay làm. Theo thời gian, con càng đông, ngày một lớn. Căn nhà gỗ được thay thế căn nhà lá. Rồi Ba kéo dây kẽm gai làm rào, đúc xi măng làm đan lót đường đi, hết lòng chăm lo cho các con, sống xa gia đình được an toàn, sạch sẽ và tiện lợi.

     Sau 1975, vật đổi sao dời! Ba Má bỏ xứ ra đi. Đến Úc định cư năm 1984, Căn nhà của Ba Má  tuy nhỏ, đất không rộng. Nhưng đôi tay ba nào có yên, trồng cây bông này, chăm chậu kiểng nọ, giâm thùng rau kia. Ngày ngày, tưới nước, bắt sâu, tỉa cành. Cành cắt bỏ khỏi cây, nhưng ba nào bỏ, lấy lại, giâm thêm cây con. Mỗi cây con, ba xem như một đứa trẻ, cần chăm sóc để lớn lên. Ba còn để mắt đến ngõ trước, vườn sau, nhà các con. 

(Khu vườn của Ba Má - Nhà Kim Diệp. Tháng 3/1989)

Ba chiết cây Bông Giấy, cho đứa con này, đến cho đứa khác. Đặc biệt hơn, chính tay ba trồng một cây Bông Giấy, trước hiên nhà tôi. Tôi chúa ghét loài hoa này, cứ viện cớ... Bông thiệt mà bảo là Bông Giấy! Ghét hoa, nhưng chuộng màu, màu nào tôi cũng thích, nhưng cây Bông Giấy Ba trồng có màu tim tím mà tôi không ưa.

                                  Vội tìm thanh sắt cao cao
                                   Thay làm cọc đỡ tựa vào gốc kia 

(Ảnh:Bông Giấy của Ba- Nhà Kim Phượng)

    Cây Bông Giấy của các chị, em tôi, hoa trổ đẹp, xum xuê bao nhiêu thì cây hoa nhà tôi đèo đẹt bấy nhiêu. Không đèo sao được, cây Ba trồng đã không được tưới nước, chăm bón mà còn bị lắc gốc. Chưa chết cũng là điều lạ!

                                    Xong rồi Ba phải đi dìa
                                    Con ơi đừng để "ra rìa" cây ba


    Có lần Ba bảo, “tức mình” vì không hiểu sao… “cây bông nhà con không lớn nổi”. Rồi Ba ra nhà sau, chọn ngay cây sắt làm cọc và cột vào thân cây Bông Giấy, cho vững chắc, đồng thời không quên dặn dò… “nhớ tưới nước nghe con”!
    Dạ!
    Tiếng “dạ” của tôi theo...nước chảy qua cầu…

           Ba đã vào cõi thiên thu. Dù cây Bông Giấy không được chăm sóc, nhưng bỗng lớn hẳn, lộc biếc thi nhau vươn, hoa đua nhau trổ, đỏ rực một góc nhà. Đặc biệt có một nhánh dài hơn cả mét, mọc đâm ngang, chắn cả lối đi trước sân nhà. Đùa với Oanh, cô em tôi, rằng..."có lẽ Ba muốn khiêu chiến với chị". Đó là chuyện vui, thường hay nhắc khi nhớ về Ba. Ba giờ này ở đâu? Căn nhà có cây Bông giấy do Ba trồng đó, đã đổi chủ.

(Ảnh:Bông Giấy của Ba- Nhà Kim Phượng)

     Đã nhiều lần, tôi đến nhà chị, sang nhà em, cắt nhánh Bông Giấy về giâm, nhưng đã mấy năm qua, căn nhà tôi đang ở, chưa có đuợc cấy Bông Giấy nào. Phải chăng, còn thiếu bàn tay Ba và cây cọc sắt!?


      Ba đã xa, Ngày Nhớ Ơn Cha hàng năm lại trở về, những tấm ảnh với cây cọc sắt, là bài học đích thực, ba đã dạy cho tôi,“của cho không bằng tấm lòng người cho”. Tôi ngồi ngơ ngẩn, nhìn ra vườn sau, mênh mông, mà khóc như trẻ con.

Kim Phượng 

Ngày Nhớ Ơn Cha 6.9.2020


Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Đóa Hoa Báo Hiếu - Vu Lan Mùa Báo Hiếu

                  Ảnh: Kim Phượng

Bài Xướng:

Đóa Hoa Báo Hiếu

Ơn sâu nghĩa nặng đấng cao vời
Phụ mẫu ôi tình tợ biển khơi
Dìu dắt vượt qua bao sóng gió
Cưu mang dưỡng dục bước vào đời

Vườn sau sớm trổ cánh đào hồng
Phơn phớt sắc màu nọ ý mong
Thảo kính Vu Lan mùa báo hiếu
Vĩnh hằng dâng trọn đóa hoa lòng.


Kim Phượng
***
Bài họa:

Vu Lan Mùa Bắo Hiếu


Tình thương của mẹ vọng trong vời
Rào rạt không ngừng sóng bể khơi
Vất vả tháng ngày trong nắng gió
Dầm mưa gánh gạo khổ quên đời

Mưa thu tháng bảy nở bông hồng
Dâng tặng mẹ hiền thỏa ước mong
Kính mẹ Vu Lan tròn chữ hiếu
Bình yên cõi Phật đẹp trong lòng.


Kim Dung 
Sept. 2, 2020


Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Mai Vàng Tưởng Nhớ


Mai vàng rộ nở ngoài sân
Nhìn hoa tưởng nhớ song thân của mình
Một đời vất vả hy sinh
Bao năm dưỡng dục nặng tình khắc ghi
Vu lan lệ đẫm bờ mi
Công ơn trời biển lấy chi đáp đền

Thơ: Huỳnh Phương Trạch
Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long
Ảnh: Kim Phượng

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Đóa Hoa Báo Hiếu


Ơn sâu nghĩa nặng đấng cao vời
Phụ mẫu ôi tình tợ biển khơi
Dìu dắt vượt qua bao sóng gió
Cưu mang dưỡng dục bước vào đời

Vườn sau sớm trổ cánh đào hồng
Phơn phớt sắc màu nọ ý mong
Thảo kính Vu Lan mùa báo hiếu
Vĩnh hằng dâng trọn đóa hoa lòng


Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Vu Lan 2020

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Em Cũng Là Hoa: Hoa Mai



Những nụ mai vàng dưới nắng mai
Đong đưa trước gió buốt đông ngày
Nụ hoa hàm tiếu còn e ấp
Lộc biếc rộn ràng đợi nhụy khai

Những nụ mai chờ cuối tiết đông
Vườn tâm nụ trổ đóa hoa lòng
Vàng sân phơn phớt màu vương vấn
Xuân đã vẫn chờ mắt mỏi mong 
 



 
Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Hoa Mai Vườn Sau Trong Ngày Đầu Xuân Úc Châu 1.9.2010