Dạ Tọa
Ðiệp mộng, gia thiên lý,
Quyên đề, dạ ngũ canh.
Bi phong hào dã quán,
Cổ mộc ám hoang thành.
Phiêu đãng bồng bình khách,
Yêm lưu khuyển mã tình.
Hữu hoài thành độc toạ,
Mao điếm hựu kê thanh.
Nguyễn Trung Ngạn
***
Dịch Thơ:
Ngồi Trong Đêm
Ngàn dặm xa quê hương bướm mộng
Khắc khoải lòng, quyên vọng năm canh.
Gió sầu len lén quán tranh
Âm u cổ thụ hoang thành mờ che.
Đời bềnh bồng não nề thân khách
Khuyển mã tình canh cánh nặng mang.
U hoài bóng lẻ canh tàn
Tiếng gà eo óc mơ màng điếm tranh.
MaiLoc phỏng dịch
***
夜坐 Dạ Tọa
蝶夢家千里 Điệp mộng gia thiên lý
鵑啼夜五更 Quyên đề dạ ngũ canh
悲風號野館 Bi phong hào dã quán
古木暗荒城 Cổ mộc ám hoang thành
飄蕩蓬萍客 Phiêu đãng bồng bình khách
淹留犬馬情 Yêm lưu khuyển mã tình
有懷成獨坐 Hữu hoài thành độc tọa
茅店又雞聲。 Mao điếm hựu kê thành.
阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn
***
Dịch nghĩa: Ngồi Trong Đêm
Nhà ở xa ngàn dặm, chỉ có thể về thăm trong giấc mơ
Lòng buồn theo tiếng chim quấc suốt năm canh
Tiếng gió kêu gào nơi quán quê mùa
Tàng cây lâu năm che khuất tòa thành hoang vắng
Thân khách như cỏ bồng, cánh bèo đu đưa
Là bầy tôi, vì tình nghĩa nên còn ở lại
Ngồi đây một mình thêm nhớ
Giờ nơi quán tranh gà cất tiếng gáy vang.
Dịch Thơ: Dạ Tọa
1-
Quê dặm ngàn mơ mộng
Năm canh quấc khóc than
Gió kêu gào quán nhỏ
Cổ thụ kín thành hoang
Thân khách bèo trôi dạt
Chúa tôi tình nặng mang
Một mình ngồi lặng nhớ
Quán lá tiếng gà vang.
2-
Nhớ nhà ngàn dặm mơ về
Năm canh giọng quấc não nề lòng ta
Gió còn than thở quán xa
Thành hoang mờ ẩn cội già cảnh xưa
Thân như bèo cỏ đong đưa
Ơn vua đền đáp vẫn chưa trọn tình
Đêm khuya ngồi nghĩ một mình
Quán tranh gà gáy bình minh sắp rồi.
Quên Đi
***
Bài thơ Dạ Tọa của Nguyễn Trung Ngạn:
Nguyễn Trung Ngạn 阮忠彥 (1289-1370) tự Bang Trực 邦直, hiệu Giới Hiên 介軒, sinh tại làng Thọ Hoàng, huyện Thiên Thi, tỉnh Hưng Yên. Nguyễn Trung Ngạn từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, nổi tiếng thần đồng. Năm 15 tuổi (1304) ông đã đỗ hoàng giáp đời vua Trần Anh Tông, có trong tay bằng tiến sĩ (cùng khoa với Mạc Ðĩnh Chi), năm 24 tuổi được làm Giám quân, năm 28 tuổi đi sứ nhà Nguyên. Bài thơ DẠ TỌA ông làm trong lúc đi sứ lần nầy.
夜坐 Dạ Tọa
蝶夢家千里, Điệp mộng gia thiên lý,
鵑啼夜五更。 Quyên đề dạ ngũ canh.
悲風號野館, Bi phong hào dã quán,
古木暗荒城。 Cỗ mộc ám hoang thành.
飄蕩蓬萍客, Phiêu đãng bồng bình khách,
淹留犬馬情。 Yêm lưu khuyển mã tình.
有懷成獨坐, Hữu hoài thành độc tọa,
茅店又雞聲。 Mao điếm hựu kê thanh.
阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn
Chú Thích:
- Hào 號: Tiếng gầm của con hổ, nên HÀO có nghĩa là Gào, thét, gầm gừ; ở đây chỉ tiếng gió hú, tiếng gió gào. Chữ nầy còn một âm nữa đọc là HIỆU 號: là Lời kêu gọi, như Hiệu Triệu 號召. Khi là Danh Từ thì có nghĩa là Tên Hiệu.
- Ám 暗 : là Mờ, là Tối. Ở đây Ám là Động từ, có nghĩa là Làm Cho Mờ Tối.
- Phiêu Đãng 飄蕩: là Trôi nổi dật dờ.
- Bồng Bình Khách 蓬萍客: BỒNG là cỏ bồng, BÌNH là bèo; một bay theo gió, một trôi theo nước; nên Bồng Bình Khách là Người khách lạc loài trôi nổi vô định.
- Yêm Lưu 淹留 : Từ có xuất xứ từ Thiên Ly Tao của Sở Từ, có nghĩa: Lưu lạc nơi xứ lạ quê người.
- Khuyển Mã Tình 犬馬情: Là Cái tình của chó và ngựa, hai con vật rất trung thành với chủ; Ở đây mượn chỉ "Cái lòng trung thành đối với nhà vua".
- Mao Điếm Hựu Kê Thanh 茅店又雞聲: Câu thơ nầy làm cho ta nhớ đến 2 câu thơ trong bài Thương Sơn Tảo Hành 商山早行 của Ôn Đình Quân 溫庭筠 là:
雞聲茅店月, Kê thanh mao điếm nguyệt,
人跡板橋霜。 Nhân tích bản kiều sương.
... mà cụ Nguyễn Du đã mượn để gom lại thành một câu thơ rất hay để tả cảnh khi Thúy Kiều trốn khỏi Quan Âm Các là:
(mịt mờ dặm cát đồi cây),
Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương!
Nghĩa bài Thơ:
Ngồi Trong Đêm
Ngồi một mình trong đêm chỉ mơ về quê hương ngàn dặm trong mộng điệp mà thôi; Tiếng cuốc kêu suốt cả năm canh đêm hè. Gió buồn rít mạnh nơi quán trọ hoang vắng, và các cây cổ thụ che kín mờ cả thành hoang. Thân ta nơi đất khách trôi nổi như cỏ bồng như bèo nước, nhưng luôn luôn giữ lòng trung như khuyển mã đối với quân vương. Vì trong lòng hoài cảm nên mới ngồi suốt trong đêm khi tiếng gà đã eo óc gáy nơi quán cỏ nầy.
* Diễn Nôm:
Ngồi Trong Đêm
Nhớ nhà ngàn dặm qua mơ,
Cuốc kêu ra rả tờ mờ năm canh.
Gió sầu rít mạnh quán tranh,
Thành hoang u ám bóng xanh cây già.
Nổi trôi bèo giạt gió qua,
Gửi thân đất khách tình nhà không khuây.
Một mình đêm vắng ngồi đây,
"Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương"!
Đỗ Chiêu Đức
***
Ngồi Trong Đêm
Đêm hạ một mình mơ cố hương
Cuốc kêu ra rả suốt canh trường
Quán nghèo gió lốc gây sầu não
Thành cổ cây lùm gợi vấn vương
Trôi nổi thân cô buồn viễn xứ
Trung thành lòng sáng nhớ quân vương
Nghĩ suy hoài cảm quên thời khắc
Eo óc tiếng gà gọi sớm sương
Phương Hà
***
Đêm Đất Khách
Nhớ quê hương dặm ngàn qua mộng
Tiếng quốc kêu vang vọng năm canh
Gió sầu rít mạnh quán tranh
Cây già che kín phủ xanh hoang thành
Nơi đất khách quẩn quanh thân cỏ
Mà tình nhà khó ngỏ cho khuây
Cảm hoài thao thức ngồi đây
Tiếng gà gáy điểm canh chầy sắp tan
songquang
***
Lặng Ngồi Trong Đêm
Ngàn dặm xa nhà trong giấc điệp
Nghe quyên ra rả suốt năm canh
Quán tranh gió rít buồn hiu quạnh
Cổ thụ thành hoang lạnh vắng tanh
Gác trọ cô đơn sầu lữ thứ
Vua, tôi canh cánh nặng mang tình
Xót thân lẻ bóng ngồi chờ sáng
Eo óc tiếng gà gáy điếm canh...
Mai Xuân Thanh
Ngày 20/10/2020
***
Dạ Tọa
1-
Mơ quê ngàn dặm nhớ
Tiếng quấc sầu năm canh
Cơn gió lùa quanh quán
Cội cây phủ kín thành
Ví thân dường tợ cỏ
Thờ chúa chẳng nề danh
Thầm nghĩ trong đêm vắng
Tiếng gà giục quán tranh
2 -
Xa ngàn dặm chỉ mơ thôi
Buồn theo tiếng quấc bồi hồi năm canh
Quán quê gió thét gào quanh
Cội già che khuất hoang thành thấy đâu
Ví thân bèo cỏ dãi dầu
Phận tôi chưa trọn ơn sâu nghĩa đền
Riêng mình ngồi nhớ sao quên
Hừng đông gà báo vang rền quán tranh
Kim Phượng
***
Ngồi Trong Đêm
Quê nhà ngàn dặm mơ về
Lòng sầu chim quấc tỉ tê canh tàn
Quán nghèo nghe gió khóc than
Cội xưa cảnh cũ thành hoang ẩn mờ
Thân khách bèo cỏ lững lờ
Tôi trung chưa vẹn nghĩa ơn chưa đền
Riêng lòng khắc khoải buồn tênh
Quán tranh gà gáy ngày lên góc trời.
Kim Oanh
***
Ngồi Lặng Trong Đêm
Giấc mộng quê ngàn dặm
Năm canh giọng cuốc hòa
Gió buồn xuyên quán vắng
Cây lặng suốt đồng xa
Trôi nổi là thân khách
Trung thành chính dạ ca
Vào đêm ngồi độc thoại
Điểm tiếng óc eo gà
Mai Thắng
201031
Các bài thơ dịch hay quá!
Trả lờiXóaKhách đến nhà không trà cũng cà phê...Mời Đỗ Văn.
Xóa