Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Tiếng Lòng Cuối Đông



Chiều đông đem tới mối u sầu
Mưa kín trời chìm khoảnh khắc sâu
Đôi mắt ướt trào tuôn máu lệ
Mịt mù nhạn khuất biết tìm đâu

Niềm đau lịm chết giữ cô phòng
Nỗi nhớ dâng đầy phút cuối đông
Lặng ngắt tiếng tơ đàn lỡ dở
Mà sao dậy sóng ở trong lòng

Kim Phượng
Ngày cuối Đông Úc Châu

***
Cảm Tác:

Tứ tuyệt tái tê...
Hay ghê!
Xuân sẽ về...

dovaden2010

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Đông Ơi!



Thời gian lặng lẽ nhịp nhàng
Hồn đây lá chết trút vàng hiên thu
Cô đơn trở giấc thâm u
Não nùng ai oán điệu ru cuối mùa




Thơ Và Ảnh: Kim Phượng
Úc Châu Những Ngày Cuối Đông

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

tanka 13


tanka 13

heo may
lắt lay lá vàng
thu sang...
lỡ dở cung đàn
ký ức riêng mang...

dovaden2010
***
Cảm Tác:

chiều tàn
theo gió heo may
lá vàng
thu điệu ru đơn
chuyện tình dở dang

Kim Phượng
Ảnh: Kim Phượng


Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Bông Hồng Cài Áo



Trầm tỏa hương hoa nhuận sắc còn
Kính dâng phụ mẫu tấm lòng son
Trọn dành chữ hiếu ơn trời biển
Dưỡng dục cưu mang vóc mỏi mòn

Biên giới yêu thương biết lấy gì
Hy sinh xứng nghĩa đáp đền chi
Mảnh đời cơ cực bao cay đắng
Đội nắng dằm sưong dẫu thác đi

Đại lễ Vu Lan cánh thắm màu
Bông Hồng Cài Áo những ban trao
Mẹ cha đâu nữa thân côi cút
Vốn liếng cuộc đời mãi khát khao

Kim Phượng

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Câu Ngâm Của Người Con Đi Xa


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Đi Tìm Cội Nguồn Tục Lệ "Bông Hồng Cài Áo"


Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con. 
Ca Dao
Trong ngày lễ Vu Lan, đến chùa thắp nhang cúng Phật, nghe kể câu chuyện "Mục Liên Tìm Mẹ".
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một (đậu), như đường mía lau. 
Ca Dao
Chúng ta không khỏi bùi ngùi cảm động
Mẹ già như trái chín cây
Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi 
Ca Dao

Vu Lan mùa Báo Hiếu, tục lệ có từ ngàn xưa, ai cũng đều biết rõ, chỉ riêng chuyện đoá hoa Hồng và Trắng cài trên áo, biểu tượng cho người còn hay mất mẹ có nguồn gốc từ đâu, tự bao giờ thì ít được đề cập đến. Chúng ta cùng tìm hiểu về cội nguồn của Tục lệ này.

Vào những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ 20, Thiền Sư Nhất Hạnh có viết một bài hồi ký mang tựa đề "Bông Hồng Cài Áo". Quyển hồi ký được in với kích thước khiêm tốn, có thể bỏ vào bao thư để gởi tặng nhau, phát hành khắp Miền Nam Việt Nam, rất được mọi người yêu thích, đón nhận nồng nhiệt, tái bản nhiều lần. 
Theo lời kể lại của Thiền Sư Nhất Hạnh trong quyển hồi ký "Bông Hồng Cài Áo" như sau:

"Vào năm 1962, trong chuyến đi Nhật nghiên cứu Phật Hoc, vào đúng dịp Ngày Của Mẹ mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan."... 

Sau đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý từ quyển hồi ký này viết nên ca khúc "Bông Hồng Cài Áo" nổi tiếng, và sống mãi với thời gian như chúng ta đã thấy.

Thiền Sư sau khi nghe bài hát của Phạm Thế Mỹ, Người có nhận xét:
- Phạm Thế Mỹ làm Bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra , tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.

Sau này, khi được hởi về tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?
Thiền Sư trả lời:

- Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose). Và khi Mẹ không còn, Cha không còn thì được cài hoa trắng . Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi Lễ Cài Hoa tưởng nhớ Mẹ Cha. Mẹ Cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ Cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được kể cả hoa lan.

Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông Hồng Cài Áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu Lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.
Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của Cha, của Mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của Cha, của Mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.

Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được phát động là vào mùa Vu Lan năm nào, tại đâu? Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?
- Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ.

Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên.

Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu Lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?
- Khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người Mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người Cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi Cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi Mẹ còn sống...

Kết Luận

Theo như quan điểm của Thiền Sư Nhất Hạnh, trong ngày BÁO HIẾU, chúng ta sẽ có hai bông hồng một cho cha và một cho mẹ. Vị trí cao thấp để phân biệt. Nếu có một người mất thì sẽ được thay là một đoá hoa trắng.
Thế nhưng trên thực tế, trong ngày lễ Vu lan, chúng ta chỉ có một đoá hoa dành cho Mẹ. Có phải ảnh hưởng từ bài hát của Phạm Thế Mỹ:
Một bông Hồng cho em 
Một bông Hồng cho anh 
Và một bông Hồng cho những ai 
Cho những ai đang còn Mẹ 
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn ...

Cho dù ai đi chăng nữa, Bông hồng cài trên áo trong ngày Lễ Vu Lan, đã trở thành một mỹ tục. Chúng ta không thể quên công ơn của Thiền Sư Nhất Hạnh và Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, những người đã khởi xướng, đã tạo nền móng, để từ đó có được một ngày hội hiếu thảo của người Việt. 

Việt Nam không có Ngày Của Mẹ, Ngày Của Cha như Tây Phương, việc cài bông hồng trên áo trải qua 50 năm vào dịp lễ Vu Lan, đến nay đã thành một tục lệ tốt đẹp mang nét đẹp riêng, một nét văn hoá mới hoàn toàn Việt Nam. Là người Việt, chúng ta cần phải duy trì tuyền thống tốt đẹp này mãi mãi.

Huỳnh Hữu Đức Mùa Vu Lan 2014
(Có thêm tư liệu từ http://langmai.org)


Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Mỏi Trông



Mẹ già mái tóc trắng phau
Sớm hôm khuya tối ra vào quạnh hiu
Ngoài sân còn đọng nắng chiều
Tro tàn bếp lạnh buồn thiu mẹ ngồi
Trầu xanh cau bổ têm vôi
Vị cay gậm nhấm xa xôi chạnh lòng
Con đi từ lúc trổ bông
Cành xuân mươi mấy năm ròng trơ xương
Âm thầm lau giọt lệ thương
Lần mò ra cổng lạnh sương đêm về

Kim Phượng

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Vườn Trăng


Bài Xướng:

Vườn Trăng 


Cảnh thực hay là trong mộng đây
Không gian bàng bạc ánh trăng đầy
Quỳnh hoa thanh khiết, sương loang loáng
Dạ lý nồng nàn, hương ngất ngây
Làn gió xạc xào lay nhánh liễu
Mặt hồ gờn gợn khỏa vầng mây
Tâm hồn dào dạt niềm mơ ước
Tri kỷ tương phùng cạn chén say.

Phương Hà
(10/08/2018) 
***
Các Bài Họa: 

Trăng Tha Hương


Mênh mông xanh thẳm gió về đây,
Bàng bạc không gian ánh tỏa đầy .
Dìu dịu ánh trăng trời viễn xứ,
Mơ màng bóng nguyệt thủơ thơ ngây .
Người xưa đâu tá nhòa sương khói,
Cảnh cũ về đâu khuất áng mây.
Tất dạ ngậm ngùi trăng cố quốc,
Ngày nao đối ẩm dưới trăng say?!

Đỗ Chiêu Đức 
***
Vườn Thu


Vườn thu năm ngoái vẫn còn đây,
Đâu tá người xưa nhớ ngập đầy?
Tóc liễu mơ màng buông rũ rượi,
Hương lài dìu dịu thoảng ngây ngây.
Thê lương dế lạnh buồn thân phận,
Bàng bạc trăng thề ẩn khói mây.
Xao xuyến hồn đêm sầu lữ khách ,
Rượu tàn sương xuống dật dờ say.

Mailoc 
***
Đêm Trăng


Đêm trăng huyền hoặc thỏa lòng đây
Giữa chốn trần gian giấc mộng đầy
Thoang thoảng mai thơm hương phảng phất
Nồng nàn hồng thắm vị ngây ngây
Dịu dàng cơn gió, tre nghiêng ngọn 
Sóng sánh mặt hồ nguyệt vén mây
Rộn rã trong tim lời nguyện ước 
Được cùng ai bước giữa men say

songquang
8/10/18
***
Rượu Đào Chưa Uống Đã Say!

Tha hương gối mộng ở đâu đây
Tới bến Hoa Kỳ ấp ủ đầy
Bỏ xứ ra đi già khắc khoải
Thương nhà ở lại trẻ thơ ngây
Bao nhiêu ngày tháng ôi lòng mẹ
Bốn mấy năm ba hỡi gió mây
Chợt bóng hình ai sao thấy nhớ
Tương tư chưa nhấp rượu đào say...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 10/08/2018
***
Tìm Đâu

Như xưa cảnh đó vẫn còn đây
Trăng vẫn đẹp xinh vẫn sáng đầy
Thoang thoảng hương nồng hoa quyến rũ
Mơn man gió nhẹ dạ càng ngây
Cớ sao tối sẩm ôi vầng nguyệt
Càng khiến căm hờn những đám mây
Làm kẻ lạc thời thêm áo não
Muốn tìm trăng cũ phải đành say.

Quên Đi 

***
Hương Trăng


Trăng ở nơi nào rụng xuống đây
Vườn hoang, lá úa ngậm trăng đầy
Tóc xõa thu phai về mộng mị
Môi nhòa nắng nhạt đượm thơ ngây
Có phải hồn xưa loang lối nhớ
Hay là dáng cũ ẩn chân mây?
Dù núi có mòn, sông có khúc
Hương ngày xưa ấy vẫn hương say

Trần Bang Thạch 

***
Thoáng Mộng


Chập chờn giấc ngủ mộng về đây
Tiếp nối trong mơ hạnh phúc đầy
Thoang thoảng hương đêm mùi dạ lý
Thẹn thùng dáng ngọc tuổi thơ ngây
Môi ngoan e ấp hoa hàm tiếu
Vai mỏng ôm tròn suối tóc mây
Mộng thực hồn ta chìm đáy cốc
Nghe quanh tiếng gọi của men say

Kim Phượng



Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Mưa Chiều - Đêm Mưa Kỷ Niệm



Mưa Chiều

Mưa chiều kỷ niệm nào quên
Người em phận bạc lênh đênh phương nào
Con tim ứa máu tuôn trào
Giọt tình tí tách thấm vào đời anh
Trôi đi mộng ước tan tành
Một đời tìm kiếm cũng đành buông xuôi

Kim Phượng
***
Đêm Mưa Kỷ Niệm


Cảm tác bài thơ "Mưa Chiều" của Kim Phượng

Đêm mưa kỷ niệm khó quên
Ép vào ký ức "không tên" thuở nào:
Đang đi giữa phố mưa rào
Áo em thấm ướt nép vàp lòng anh
Con tim chực vỡ "tan tành"
Làm anh bối rối nên đành tay xuôi

Từ đây tình đã lên ngôi
Thế mà...giờ đã tình trôi phương nào?
Khiến lòng cứ mãi dâng trào
Đêm mưa kỷ niệm...ngọt ngào đời anh
Để rồi...tình mãi loay quanh
Tìm em nào thấy...tuổi xanh đã tàn

songquang



Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Cánh Hoa Phù Vân



Bài Xướng:

Cánh Hoa Phù Vân


Bên song phượng rũ đã bao lần
Trổi khúc ve sầu mấy lượt ngân
Sắc máu ngăn chia dòng định mệnh
Giọng rền lưu luyến khách dương trần
Đời hoa trôi giạt đâu phương hướng
Vạn nẻo ngại ngần giữ bước chân
Cách biệt một lần là mãi mãi
Họp tan tan họp đấy phù vân

Kim Phượng
***
Các Bài Họa:

1) Họa: Huyết Phượng Hè Xưa


Huyết phượng hè xưa trổ mấy lần
Bên nhà trường cũ tiếng ve ngân
Thuở còn đi học vui bè bạn
Nay đã trưởng thành nhuốm bụi trần
Màu đỏ sắc hoa đầy kỷ niệm
Thầy trò mất dấu bước theo chân
Di cư xuất cảnh qua nhiều nước
Cuộc sống đổi đời cân đẩu vân

Mai Xuân Thanh
Ngày28 tháng 07 năm 2018

2) Họa: Điệp Khúc Ve Sầu

Về thăm trường cũ viếng đôi lần
Đà Nẵng chuông chùa vẳng tiếng ngân
Điệp khúc ve sầu, hoa phượng vỹ
Điệu ru trẻ khóc, cõi châu trần
Bạn xưa quá cảnh bay qua Mỹ
Người cũ mất nhà đứng giậm chân
Kẻ ở làm thuê nay bạc tóc
Tu hành xuất thế bước thanh vân

Mai Xuân Thanh
Ngày 28/07/2018
***
Phù Sinh

Mỗi năm thiền viện viếng đôi lần,
Chuông khánh trong hồn cứ mãi ngân.
Xả xả sân si mùi tục lụy,
Buông buông tham ái cõi hồng trần.
Đường mây gió cuốn chao chao cánh,
Sương khói nẻo về lủi thủi chân.
Quán trọ ngày nao rồi cất bước,
Phù sinh một thoáng kiếp phong vân!

Mailoc

***
Mơ Chút Hương Xưa


Tuy đã từng nghe cũng lắm lần
Vẫn buồn mỗi đợt lũ ve ngân
Sân trường im vắng trong cơn hạ
Lớp học u hoài thiếu tiếng chân
Hàng phượng trơ mình theo nắng gió
Học sinh ngày ấy cũng phong trần
Về đây để nhớ thời hoa mộng
Nhưng đã thay rồi tựa áng vân

Quên Đi
***
Lẻ Bóng

Phượng rũ, hè qua biết mấy lần
Nhạc lòng sao chẳng thể vang ngân
Xưa không ngần ngại từng giây phút
Nay lại rụt rè mỗi bước chân
Có lúc ngỡ say lời ước hẹn
Nhưng rồi chợt tỉnh nỗi phân vân
Thời gian thấm thoát, đầu pha bạc
Vẫn mãi cô đơn giữa cõi trần

Phương Hà
***
Duyên Treo Nổi*

Họa Vận:

Lên xuống ngược xuôi tháng mấy lần,
Trên trời dưới nước tựa dòng Ngân.*
Cầu treo dây cáp nương mây khói,
Chợ nổi xuồng ghe lánh bụi trần.
Buôn bán sớm khuya đà biết mặt,
Lại qua ngày tháng chẳng mòn chân.
Cầu treo chợ nổi duyên Ngưu Chức,
Tài xế bạn hàng kết vũ vân !!!

Đỗ Chiêu Đức

* Duyên Treo Nổi : là Duyên giữa Cầu Treo và Chợ Nổi.
* Dòng Ngân : Sông Ngân Hà cách đôi Ngưu Lang và Chức Nữ
***
Thu Về Nhớ Hạ

Hè đến rồi đi đổi mấy lần
Ve sầu hết trổi giọng rền ngân
Tơ lòng nôn nóng từng hơi thở
Nhạc gió lay vờn áng nguyệt vân
Bối rối trăng mờ sai lối mộng
Bâng khuâng phượng rũ lạc hồng trần
Mang mang một nỗi buồn hiu hắt
Hạ đã xa lìa nhớ tiếng chân.

songquang
***
Mộng Phù Vân

Cánh phượng trường xưa nở mỗi lần
Ve sầu bật trổi tiếng rền ngân
Trời nung lửa bạo thiêu lòng khát
Đất giũ màu xanh phủ bụi trần
Đã chọn con đường xuôi sóng biển
Cam tìm cảnh sống hợp phù vân
Lê dài bất hạnh thà quăng bỏ
Đuổi mộng thu thì vững bước chân

Mai Thắng - 18.07.30
***
Phù Vân Sao?

Họa nương vận

Đã hẹn mà sao cứ khất lần?
Đúng là thời buổi của kim ngân
Người giàu của cải dùng không hết
Kẻ khó tư trang lột bán trần
Chẳng biết ngày mô dân xuống mộ,
Nào hay tháng tới nước theo chân?
Còn chi nữa nhỉ hồn Hồng Lạc,
Tự trị ba khu:Phong,Quốc,Vân(*)?

(*) Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn

Thái Huy
30/7/18
***
Cánh Hoa Phù Vân

Có lẽ ba sinh đã mấy lần
Tìm nhau bao kiếp cạn sông Ngân
Trớ trêu thu đến già mai trúc
May mắn hương đưa muộn cõi trần
Oan trái còn vương trăm nỗi khổ
Trăng già lại ghẹo một tình chân
Rừng thu xơ xác quà yêu dấu
Chỉ bấy nhiêu mà gởi áng vân.

Cao Linh Tử
31/7/2018


Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Giữ



Bút lay thi hứng vời bay
Thả rong nét mực xẻ hai vui buồn
Thơ Văn đưa chữ về nguồn
Niềm vui giữ lấy cơn buồn thả bay

Kim Phượng


Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Tối Thứ Bảy - Lắng Tiếng Thời Gian



Bài Xướng:

Tối Thứ Bảy


Ta vẫn ngồi đây vẫn đợi ai
Như từng đêm thức những năm dài
Đèn khuya phảng phất màu thương nhớ
Cốc rượu đong tràn nỗi rứt ray
Bất chợt mỉm cười ta kẻ trộm
Lơ mơ khuấy động ánh sao cày
Chờ trông mỏi mắt chừng vô nghĩa
Thứ Bảy ai là khách vãng lai!

Cao Linh Tử
***
Bài Họa: 


Lắng Tiếng Thời Gian


Ai chờ ai đợi đợi chờ ai
Lắng tiếng thời gian lắng thở dài
Trót luyến lưu càng nhung với nhớ
Hoài tương tư lại rứt cùng ray
Bỗng nghe kẻ trộm bày tâm sự
Khuấy động vì sao tợ dáng cày
Đồng bệnh tương lân từ vạn dặm
Ngồi đây nghe kể chuyện tương lai

Kim Phượng

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Điệp Tự Trong Đường Luật Thi


Suốt 40 năm từ sau 1975, phải đầu tắt mặt tối, bao tâm trí dồn vào sinh nhai, lo chén cơm manh áo cho gia đình, nên không còn nghĩ đến thi ca thơ thẩn. Kiến thức bị lụn dần, những hiểu biết về thơ văn cũng đi vào quên lãng.
Mãi đến những năm đầu của thế kỷ 21, điều kiện vật chất gia đình tương đối tạm ổn, tôi mới làm quen với máy vi tính qua sự hướng dẫn của con và dâu. Đến khi mạng internet phát triển khá mạnh, thế là tôi không bỏ lỡ cơ hội tìm lại cái vốn hiểu biết của ngày xưa.
Điều quan trọng nhất đối với tôi chính là thi ca. Ngoài những nguyên tắc căn bản về luật các thể thơ không hề quên, nhưng có những chi tiết phụ thì chỉ nhớ mập mờ, thiếu sót, ví dụ như về Điệp Tự trong thơ Đường Luật.
Khi xem các trang mạng nói về thơ Đường Luật cũng như các Thi Đàn…tất cả đều cho rằng không được lập lại những từ đã dùng, như thế bị lỗi Điệp Tự. Đây chính là điều tôi rất ngạc nhiên, vì trước đây, thời còn đi học, tôi từng xem các sách về thi ca của các Học giả Tiền Bối xuất bản vào những thập niên từ 30 đến 60 của thế kỷ 20, trong số đó có quyển đề cập đến vấn đề nầy, tôi còn nhớ mang máng là vẫn có thể dùng lại từ đã sử dụng một hai lần, ngoại trừ trường hợp Điệp Vận. Chính vì thế tôi đã mạnh dạn trả lời khi các em đang tìm hiểu về thơ Đường Luật hỏi, cũng như tôi viết quan điểm này của mình trong một số bài về Đường Luật Thi nơi Blog cá nhân.
Nguyên nhân khiến tôi bảo thủ quan điểm này , vì tôi rất tự tin về vốn hiểu biết thơ Đường Luật của mình. Nhất là không có một tài liệu hoặc văn bản nào cho rằng thơ Đường Luật không được phép dùng Điệp Tự, hai là thơ của Tiền Nhân đều có Điệp Tự.

Thí dụ:

(những chữ Đậm là Điệp Tự)

Bạn Đến Chơi Nhà

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta

Nguyễn Khuyến

Đêm Thu

Vườn thu óng ả nét thùy dương,
Đưa nhẹ đêm thu cánh hải đường.
Lóng lánh rẻo vàng gieo bến nguyệt,
Phất phơ tơ nhện tủa ngàn sương.
Chim hồi hộp mộng cơn mưa lá,
Cúc vẩn vơ hồn ngọn gió hương.
Say khướt hơi men thời Lý Bạch,
Non xa mây phới nếp nghê thường

Quách Tấn

Tuy nhiên tôi không thể phản đối mạnh quan điểm về Điệp Tự của các trang mạng cũng như người làm thơ thời nay, lý do là chưa tìm lại được những sách trước đây mình đọc và tìm học, bởi sách tôi từng có đã không còn. Vì nói phải có sách, mách phải có chứng.
Thế là tôi thường xuyên đi tìm những sách của các học giả nổi tiếng ngày xưa mà tôi từng xem.
Thời gian cứ trôi đi, tôi vẫn chưa tìm ra điều mình muốn.
Cách nay gần một năm, tôi tìm được quyển “Việt Thi” của Trần Trọng Kim phát hành năm 1949. Thật vui, nhất là chương ” Thơ và Qui Tắc Làm Thơ” xem đi xem lại rất kỹ, nhưng không thấy đề cập đến Điệp Tự.
Thất vọng vì điều mình muốn tìm vẫn không thấy. Thế là tôi lại tiếp tục.
Gần đây, thật bất ngờ, Tôi tìm thấy trên Internet quyển “Việt Hán Văn Khảo” của Phan Kế Bính xuất bản năm 1938. Mừng quá, tôi vội copy về máy mình.
Không gì sung sướng hơn, tôi đã bắt gặp điều mình muốn tìm ở trang 104 , đó là điều thứ 8 nói về “ Kỵ trùng chữ, trùng ý và trùng điệu”, ở mục “ Luận Riêng về Phép Làm Thơ “.
Trong điều thứ 8 này, khi đề cập đến kỵ trùng chữ (Điệp Tự), Cụ Phan Kế Bính nói rất rõ:
“ Trong 8 câu thơ, trên dưới trùng một hai chữ thì được, còn 4 câu giữa thì không nên trùng chữ nào…”
Như thế, Người làm thơ được phép điệp tự giống như những bài thơ thí dụ ở trên, nhưng không được phép điệp tự ở các câu 3,4,5 và 6 (cặp Thực và cặp Luận).
Đã quá rõ ràng. Quan Điểm về Điệp tự của tôi không sai. Chỉ có điều trí nhớ về vấn đề này không trọn vẹn. Cám ơn Internet đã giúp tôi tìm lại những gì mình đã quên sau mấy mươi năm không có thời gian nghĩ đến thơ ca. 
Như thế chứng tỏ một điều là một số các trang mạng hay người làm thơ đã truyền cho nhau điều không hề dựa vào một tài liệu nào, và không hề được kiểm chứng. 

Tóm lại, giờ đây tôi có thể mạnh dạn phản bác những trang mạng, những ai cho rằng: Người làm thơ không được sử dụng Điệp Tự khi làm thơ Đường Luật. Nói rõ hơn, theo đúng nguyên tắc, thơ Đường Luật được phép sử dụng Điệp Tự như điều cụ Phan Kế Bính truyền dạy trong quyển Việt Hán Văn Khảo. 

Huỳnh Hữu Đức.

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Huyệt Sầu


Thả hồn lặng lẽ bước vào thơ
Trang giấy vô tư đón hững hờ
Con chữ thấu tình lay bút mực
Huyệt sầu trải hết nỗi bơ vơ

Kim Phượng

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Thu Chia Phôi - Đêm Thu Đất Khách - Thu Ước Vọng



Bài Xướng:

Thu Chia Phôi


Một làn hương nhẹ thoảng trong đêm
Thu của vấn vương gọi trước thềm
Sau lớp song thưa hồn mở ngỏ
Chỉ làm ray rứt trái tim thêm

Thu mùa vàng lá cảnh chia phôi
Kỷ niệm trong nhau vụn vỡ rồi
Thả mảnh ân tình bay tứ xứ
Mong gì vá víu trái tim côi

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Đêm Thu Đất Khách


Đất khách Thu về có những đêm
Nhìn trăng chênh chếch rọi bên thềm
Sầu dâng lên mắt ...sầu dâng mắt
Tủi dạ càng thêm ...tủi dạ thêm!

Thu vàng mùa lá rụng phai phôi
Ký ức ùa theo vỡ vụn rồi!
Một chút hương tình còn sót lại
Có hàn gắn nổi mảnh hồn côi

Song Quang
7/29/18
***
Thu Ước Vọng

Đã thấy thu vàng trải mộng đêm
Và nghe chiếc lá rụng bên thềm
Khung trời kỷ niệm bao mùa nhớ
Phượng vỹ ve sầu lắm cảnh thêm…

Ngắm cảnh quê nhà mộng nở phôi
Nhìn trăng nàng Nguyệt đã sang rồi
Đường về đất Mẹ ngàn hoa nở!
Ước vọng tình mình chẳng cút côi…

Đức Hạnh
03 08 2018


Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Hoa Bưởi - Tóc Thề



Hoa Bưởi

Hương thơm Hoa Bưởi gội đầu
Năm châu bốn bể đi đâu cũng về

Kim Phượng
***
Cảm Tác:


Ngất ngây hồn lịm đê mê
Ngàn năm thương mái tóc thề em hong...

Gió lùa tóc lụa ngang lưng
Hương thầm níu lại, ngập ngừng bước chân

dovaden2010

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Sợi Nhớ Chiều Thu - Màu Thuốc Ngày Nay


(Kha Sinh Lê Kim Hiệp- Pleiku)

Sợi Nhớ Chiều Thu


(Hoạ thơ: Màu Nắng Chiều Nay của Kim Phượng)

Nỗi nhớ chiều thu trải dặm đường
Mây trời thổn thức nỗi niềm thương
Quan san cách trở màu ly biệt
Chiếc lá chơi vơi cảnh đoạn trường

Cứ ngỡ trăng thu mãi thượng tuần
Nào hay bão tố cảnh trần luân
Đôi dòng thi tứ xin cầu nguyện
Đặng vạn Thiên ân thỏa số phần…

Đức Hạnh – 11 08 2018
***
Màu Thuốc Ngày Nay



Để tưởng nhớ đến người em đồng đội ngày xưa từng sống chung và phục vụ cho đất nước trong thành phố núi Pleiku, anh Song Quang có mượn vài vận bài thơ của Kim Phượng chia sẻ cùng Kim Phượng và Kim Oanh.

Màu thuốc ngày xưa khói tỏa đường
Người em đồng đội dáng thân thương
Cùng chung lý tưởng yêu quê Mẹ
Hiến cả đời trai chốn chiến trường

Mùa trăng tháng tám của trung tuần
Cát bụi em về bởi số phần
Màu trắng khăn tang trùm đất nước
Thoát vòng tục lụy cõi trầm luân

Khói thuốc chiều nay nhớ đến người
Cuộn tròn nhung nhớ dạ chơi vơi
Nguyện cầu em sẻ vui yên nghĩ
Nơi cõi Thiên Đường Kim Hiệp ơi!

Song Quang

 Anh Đức Hạnh và anh Song Quang kính mến.

Em và anh trai của Song Kim  là Lê Kim Hiệp, đã qua đời vừa tròn 2 năm.
Cảm ơn anh Đức Hạnh và anh Song Quang đã đồng hành cùng với Kim Phượng và Kim Oanh trong nỗi buồn này.

Kính mến

Kim Phượng&Kim Oanh

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Màu Nắng Chiều Nay


Màu nắng chiều nay khắp nẻo đường
Ấy màu nhung nhớ của yêu thương
Ai đem nghiệt ngã xoa lòng mắt
Bật khóc sao vơi nỗi đoạn trường 


Tháng Tám mùa trăng đến thượng tuần
Ngọn đèn tang trắng thoát trầm luân
Trở về cát bụi lòng quê mẹ
Khói thuốc lãng du ấm mộ phần

Kim Phượng
Khóc em Lê Kim Hiệp
11. 8. 2018

Pleiku Vào Hè - Thơ Lê Kim Hiệp - Diễn Ngâm Ân Nguyễn


Pleiku Vào Hè 
Thơ: Lê Kim Hiệp (Không Quân Pleiku) 
Diễn Ngâm: Ân Nguyễn(Chân thành cảm ơn anh Nguyễn Đức Tri Ân - Cựu học sinh Pleiku ) 
Thực Hiện: Em gái Kim Oanh

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

Chiều Quê Xưa



Bài Xướng:

Chiều Quê Xưa


Chim ngàn về tổ gậm hoàng hôn,
Lau lách đìu hiu, bãi cát cồn.
Thuyền cá, ngư ông về viễn bến,
Lam chiều, mái lá quyện cô thôn.
Mơ màng sương khói chuông chùa vọng,
Duyên dáng cầu tre sóng nước vờn.
Thoi thóp nắng còn vương ngọn trúc,
Quê xưa đẹp qúa! ngẩn ngơ hồn.

Mailoc
7-12-18
***
Các Bài Họa:

Tương Tư


Người ở đầu thôn, kẻ cuối thôn
Luyến thương day dứt cả tâm hồn
Muốn theo đò dọc xuôi dòng đến
Còn ngại triều cao ngược gió vờn
Cậy cánh lục bình trao nỗi nhớ
Nhờ làn sáo trúc chuyển môi hôn
Buồng cau mới trổ, trầu non lá
Cha mẹ chưa sang, dạ héo cồn.

Phương Hà
(15/07/2018)
***
Hoàng Hôn Quê Ngoại

Chạng vạng vừa buông khắp xóm thôn
Chiều tà loang nhuộm áng mây hôn (mây hoàng hôn)
Thuyền câu lờ lững sông đầu bãi
Đèn đóm nhá nhem mỏm cuối cồn
Nhịp mõ đều đều chuông thánh thót
Tiếng người ơi ới...going chon vờn
Vầng trăng bán nguyệt nghiêng le lói
Quê ngoại tình xưa đắm đuối hồn

Song Quang
7/15/18
***
Mối Tình Quê

Lâu quá xa em nhỏ́ nụ hôn
Ngày đi chài lủỏ́i, tối vô cồn
Thuyền ra ngoài biển mỏ̀ sủỏng khói
Kẻ trỏ̉ lại bỏ̀ miệt xóm thôn
Muôn tiếng âm vang ghềnh sóng vỗ
Ngàn thông réo gọi gió thu vỏ̀n
Đôi ta tủỏ̉ng nhỏ́ thỏ̀i đi học
Một lỏ́p chung trủỏ̀ng xao xuyến hồn

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 07 năm 2018
***
Miền Tây Quê Tôi

Len lỏi cây cành gió thoảng hôn
Mơn man dòng nước lượn quanh cồn
Thuyền chài chậm rãi xuôi về bến
Ghe trái chất đầy tách khỏi thôn
Ánh ráng mờ đi vàng lịm tắt
Khói chiều nhẹ tỏa lẩn sương vờn
Miền Tây tôi đấy như tranh vẽ
Nèt đẹp vùng quê ngẩn cả hồn

Quên Đi
***
Cuống Rún Chưa Lìa


Cuống rún lìa chưa lần cuối hôn
Đây này bãi cát nọ kia cồn
Cánh diều sáo trúc vang đầu xóm
Mái lá lam chiều tỏa cuối thôn
Lờ lững mây trôi cơn gió tới
Lăn tăn sóng nước mái chèo vờn
Chập chờn kỷ niệm thời thơ dại
Đất mẹ quê cha khắc khoải hồn

Kim Phượng

***
Chiều Quê Xưa


Với tháng năm xưa em nhớ hôn?
Nơi mình đang ở quẩn quanh cồn
Chợ thời lụp xụp ngay đầu ngõ
Trương lại khang trang chính giữa thôn
Tảng sáng vọng vang muôn tiếng hát
Chiều về lồng lộng cánh diều vờn
Bây chừ sao nhỉ cùng chung hỏi?
Nhìn cảnh ôi đau đến điếng hồn !

Thái Huy
***
Tình Non Nước


Anh ở sườn non em biết hôn ?
Nhà em lại ở bãi sông cồn.
Nước non non nước chung dòng chảy,
Chim cá cá chim cũng một thôn.
Nước biếc non xanh luôn khắng khít,
Chim trời cá nước mãi chờn vờn.
Sao không kết nối thông gia lại,
Tình nước duyên non quyện một hồn ?!

Đỗ Chiêu Đức 
***
Chiều Quê Tôi


Tổ ấm nằm quen cạnh bãi cồn
Bên dòng nước chảy cuộn hoàng hôn
Mờ in cảnh lặng buồm dong cánh
Cảm nhận chiều lâng sóng vỗ hồn
Mõ cốc khua đều quanh cổ tự
Tiêu trầm thổi lộng góc đầu thôn
Lần đi khắc khoải nguồn thơ vọng
Viễn xứ tình quê lệ ảnh vờn.

Mai Thắng
180719


Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

Thu Vàng - Chớm Bóng Thu Sang



Bài Xướng:

Thu Vàng


Tôi đi tìm lại nắng thu vàng
Thu của năm nào trở tiết sang
Ngơ ngẩn thả hồn theo sắc thắm
Miên man mộng tưởng đến trăng tàn
Tình thư nắn nót o con chữ
Xương lá âm thầm ép những trang
Hơi lạnh thu mang lùa tóc rối
Ai lau nhan sắc nhuộm thu vàng

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Chớm Bóng Thu Sang


Tôi tìm lại chút nắng hanh vàng
Chuyên chở tình Thu sắp bước sang
Thầm nhủ :mai nầy vui gió đến
Ước ao:rồi sẽ thấy mây tan
Thơ xanh giấy bút ghi trăm chữ
Mực tím đôi dòng gởi mấy trang
Sương tỏa hơi Thu gờn gợn tóc
Hẹn nhau sánh bước ngắm trăng vàng

songquang

Ảnh: Kim Phượng



Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Nỗi Đau Này Người



Đừng trách chi thu trút lá vàng
Trách người tình phụ vội sang ngang
Đò xa bến đợi mong chi nữa
Để lại dòng sông một lỡ làng

Con nước trôi xuôi mãi mãi là
Ngàn năm ly biệt với riêng ta
Heo may hiu hắt đời hoang vắng
Ngọn gió giao mùa hỡi chóng qua

Kim Phượng


Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Sầu Đông - Hỏi Người


Bài Xướng:

Sầu Đông

Hàng cây trơ lá giữa mùa đông
Lành lạnh đôi tay chuyển tận lòng
Ngan ngát hương nồng xa lạ tới
Xôn xao tình đợi thắp chờ mong

Kim Phượng
Ảnh: Kim Phượng
***
Bài Họa:

Hỏi người?

Hỏi ngườii có lạnh lúc sang Đông?
Hãy hẹn mùa Xuân đến ấm lòng
Khi ấy, hương nồng đang đổ tới
Thì tình sẽ đẹp, hết trông mong!

songquang


Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Hình Như



Đêm qua tiếng lá trở mình
Con tim xao xuyến bảo hình như yêu
Vầng trăng xẻ bóng cô liêu
Bốn bề vắng lặng thêm nhiều xót xa
Cớ gì hình bóng người ta
Âm thầm lặng lẽ vào ra tự tình
Đêm qua tiếng lá trở mình
Con tim xao xuyến bảo hình như yêu

Kim Phượng


Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

Giang Lâm Mộ Tuyết 江林暮雪 - Phạm Đình Hổ 範廷琥



江林暮雪                          Giang Lâm Mộ Tuyết
漁舟反棹正黃昏              Ngư chu phản trạo chính hoàng hôn,
撒絮堆鹽塑景繁             Tán nhứ đôi diêm tố ảnh phồn.
倒蘸晚霞金世界             Đảo trám vãn hà kim thế giới,
尋梅有客自前村。         Tầm mai hữu khách tự tiền thôn.

範廷琥                             Phạm Đình Hổ
Dịch nghĩa:

Thuyền chài trở mái chèo đúng lúc chiều buông
Tuyết rơi như bông gieo muối chất ánh trắng lấp loáng
Ráng chiều hắt ngược lại, thế giới như bằng vàng
Có người khách tìm mai, từ thôn trước đến

(Nguồn: Tuyển tập thơ văn Phạm Đình Hổ,

NXB Khoa học xã hội, 1998)

Dịch Thơ:

Tuyết Chiều Trên Sông


Chiều đã buông, thuyền chèo trở mái,
Trên mặt sông tuyết giải trắng ngần.
Ráng chiều phản chiếu vàng sông,
Trước thôn có khách một lòng tìm Mai

Mailoc
***
Tuyết Chiều Trên Sông


Thuyền chài trở mái lúc chiều buông
Tuyết xuống mênh mông trắng ngập sông
Vàng óng ráng chiều soi phản chiếu
Khách tìm mai đến tự bên thôn.

Phương Hà

***
Tuyết Chìm Trên Sông


Thuyền chài gác mái chèo buông
Nhìn bông tuyết đỗ trên sông trắng ngần
Ráng vàng phản chiếu mặt sông
Trước thôn khách đến dốc lòng tìm Mai

Song Quang
***
Tuyết Chiều Phủ Cây Rừng Bên Sông


Ngư ông trở mái lúc chiều rơi
Bông tuyết phủ giăng lánh sáng ngời
Sắc ráng tỏa ra vàng khắp nẻo
Yêu mai có khách ghé tìm chơi.

Quên Đi
***
Tuyết Phủ Ngập Đầy Rừng, Sông


Hoàng hôn trở mái chiếc ghe chài
Lấp loáng tuyết rơi phủ trắng dài
Lộng lẫy dát vàng sông sắc ráng
Có người thôn trước tới tìm mai

Mai Xuân Thanh
Ngày 05 tháng 07 năm 2018
***
Rừng Bên Sông Trong Chiều Tuyết Phủ

Chầm chậm chiều buông trở mái chèo
Trắng ngần bông tuyết nhẹ rơi theo
Tỏa vàng khắp lối kia màu ráng
Tìm mai khách viếng chốn cheo leo

Kim Phượng
***
* Dịch Nghĩa:


Chiều Tuyết Xuống Ở Cánh Rừng Ven Sông.

Thuyền câu vừa trở mái chèo thì trời cũng vừa lúc hoàng hôn, Tuyết rơi trắng xóa như muối rắc hoa bay tạo nên một cảnh trí hổn độn. Ráng chiều chiếu xuống nước sông hắt nguợc trở lên làm cho thế giới như nhuốm một màu vàng rực rỡ. Có người khách nào đó tìm mai đang đến ở đầu thôn.

* Diễn Nôm:

Thuyền câu trở mái lúc hoàng hôn,
Muối rắc hoa bay tuyết đổ dồn.
Phản chiếu nắng chiều vàng rực rỡ,
Tìm mai có khách đến đầu thôn.

Lục bát:

Hoàng hôn trở mái thuyền câu,
Tuyết như hoa muối rắc đâu lưng trời.
Ráng chiều vàng rực khắp nơi,
Đầu thôn có khách ngõ lời tìm mai!

Đỗ Chiêu Đức

* CHÚ THÍCH:

- Giang Lâm Mộ Tuyết: là Chiều Tuyết Xuống Cánh Rừng Ở Ven Sông.
- Ngư Chu: là Thuyền cá, có nghĩa là Thuyền câu, Thuyền Chài của dân đánh cá.
- Phản Trạo: là Trở mái chèo ngược lại, có nghĩa là Đi trở về.
- Tát Nhứ Đôi Diêm: Tát Nhứ 撒絮 là Rải những sợi bông nhẹ mà trắng như bông gòn, bông liễu. Đôi Diêm 堆鹽 là Rắc muối cho thành đống. Đây là thành ngữ chỉ cảnh tuyết rơi trắng xóa phất phơ như rắc muối, như hoa liễu bay. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau :
Thái Phó Tạ An đời nhà Tấn, có cháu gái là Tạ Đạo Uẩn, văn tài mẫn tiệp. Một hôm tuyết rơi. An hỏi: Tuyết rơi trông giống gì? Đứa cháu trai là Hồ Nhi đáp : 撒盐空中差可拟 Tát diêm không trung ta khả nghĩ, có nghĩa: Giống như là rắc muối trong không trung vậy. Đạo Uẩn thì đáp là : 未若柳絮因风起 Vị nhựơc liễu nhứ nhân phong khởi, có nghĩa : Chi bằng nói là Hoa liễu gặp gió bay đầy trời. Tạ An rất vui vì văn tài của hai cháu. Nên thành ngữ Tát Nhứ Đôi Diêm 撒絮堆鹽 hay Tát Diêm Phiêu Nhứ 撒盐飄絮 đều dùng để tả cảnh đẹp lúc tuyết rơi.
- Đảo Trám: Chấm ngược trở xuống, chỉ cảnh phản chiếu của trời chiều.
- Vãn Hà: là Ráng chiều, là mây ngũ sắc phía trời Tây khi mặt trời chen lặn.


Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

It's Now Or Never - Elvis Presley

It's now or never, come hold me tight 
Kiss me my darling, be mine tonight 
Tomorrow will be too late, it's now or never 
My love won't wait.


tianaKayton2405

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

Mưa Chiều - Biển Nhớ



Bài Xướng:

Mưa Chiều


Mưa chiều kỷ niệm nào quên
Người em phận bạc lênh đênh phương nào
Con tim ứa máu tuôn trào
Giọt tình tí tách thấm vào đời anh
Trôi đi mộng ước tan tành
Một đời tìm kiếm cũng đành buông xuôi

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Biển Nhớ!

Khung trời biển nhớ chẳng quên
Dù cho bão tố lênh đênh phương nào
Thuyền tình sóng trổi dâng trào
Tình em thắm mãi biến vào tim anh
Cũng vì trăng nước tan tành
Thuyền yêu ngược gió thuyền đành qua xuôi..

Đức Hạnh 
25 06 2018