Nhạc sĩ Cao Văn Lầu
"Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng
"Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông
"Gành Hào ơi
"Nửa đêm ai hát lên câu hoài lang
"Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm
"Xề u xế u liu phạn
"Dây tơ đàn kìm buông thiết tha
"Xề u xề u liu phạn
"Đưa cung đàn về trên bến xa...
https://www.youtube.com/watch?v=7eYe28XcaWE
"Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang" là ca khúc nổi tiếng của cố nhac sĩ Vũ Đức Sao Biển (1947 - 2020) mang đậm nét âm hưởng của dân ca Nam bộ. Bài hát như ghi lại những cảm xúc dạt dào của tác giả khi tình cờ nghe được khúc Dạ Cổ Hoài Lang trong đêm trên dòng sông Gành Hào, Bạc Liêu.
“Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như Dạ Cổ Hoài Lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thể kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể” (Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê).
Quả thật vậy, Dạ Cổ Hoài Lang là tiền đề cho bao đoạn vọng cổ đã đi vào lòng người trong các tuyệt tác cải lương, tuồng cổ. Hầu hết những cuộc tham gia biểu diễn nghệ thuật của Việt Nam trên toàn thế giới, Dạ Cổ Hoài Lang là tác phẩm tiêu biểu luôn có mặt và chiếm trọn tình cảm khán thính giả khắp nơi. Tác giả của tác phẩm bất hủ "Dạ Cổ Hoài Lang” đó chính là nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Cao Văn Lầu sinh ngày 22 tháng 12, năm 1890 tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ tỉnh Long An trong một gia đình nghèo. Cha ông là Cao Văn Giỏi, có 6 người con. Cao Văn Lầu là người con thứ năm trong gia đình nên thường gọi là Sáu Lầu. Năm lên 6 tuổi, cha ông đã đưa ông và gia đình xuống ghe thuyền để đi tìm nơi sinh sống. Ban đầu gia đình ông đến Gia Hội (Bạc Liêu) làm ăn sinh sống nhưng không trụ được ở đây, 9 tháng sau gia đình ông dời sang Xà Phiên (nay thuộc Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), khẩn hoang làm ruộng.
Sau hơn 1 năm, gia đình ông đã khai hoang được 40 công đất, nhưng bị địa chủ chiếm lấy. Sau đó, gia đình ông chuyển về Họng Chàng Bè (Giá Rai, Bạc Liêu) khẩn hoang, nhưng cuối cùng đất cũng bị chiếm mất. Gia đình ông may mắn được nhà sư dạy chữ Nho thương tình cho cất một căn chòi lá ở trên đất công điền gần chùa Vĩnh Phước An (nay thuộc phường 2, thị xã Bạc Liêu). Năm 8 tuổi, Cao Văn Lầu được Hòa thượng Minh Bảo (trụ trì chùa Vĩnh Phước An) đón lên chùa. Từ đó, Cao văn Lầu vừa được học kinh phật, vừa được nhà sư dạy chữ Nho.
Năm 1903, ông Cao Văn Giỏi đến xin trụ trì cho Cao Văn Lầu về học chữ Quốc Ngữ. Nhưng ông chỉ học đến lớp nhì năm thứ hai thì phải nghỉ học vì gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Năm 1907, người cha già yếu nên Cao Văn Lầu phải gánh trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Năm 1908, nghe làng bên có một ông thầy đàn giỏi nhưng bị mù và có tật ở chân, đó chính là ông Nhạc Khị. Cao Văn Lầu liền nhờ cha đưa sang xin học đàn. Vì yêu thích âm nhạc và có năng khiếu nên Cao Văn Lầu tiếp thu rất nhanh, ông nhanh chóng thông thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ; và trở thành một nhạc sĩ nồng cốt trong ban cổ nhạc của ông Nhạc Khị. Năm 1912, ông bắt đầu đi hát, làm nhạc công trong gánh hát cải lương của Ba Xú (Bạc Liêu).
Năm 23 tuổi, ông kết hôn với Trần Thị Tấn, một cô gái nết na ở điền Tư Ô (Chung Bá Khánh). Nhưng chung sống với nhau 3 năm mà vợ ông chưa có dấu hiệu thai nghén. Theo tục lệ ngày xưa “tam niên vô tử bất thành thê”, ông phải trả vợ về bên nhà cha mẹ vợ. Từ khi vợ chồng chia cắt, ông lúc nào cũng nhớ thương vợ, có khi ông còn trốn cha mẹ để ghé thăm vợ. Trong thời gian vợ chồng chia cách, chàng nhạc sĩ Sáu Lầu tâm tư nặng trĩu u sầu, đêm đêm nhớ vợ mượn tiếng đàn câu hát cho bớt muộn phiền. Bản “Dạ Cổ Hoài Lang” ra đời trong bối cảnh như vậy. Rất nhiều nghi vấn, tại sao lại là “Dạ Cổ Hoài Lang” (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) mà không là “Dạ Cổ Hoài Nương” (đêm nghe tiếng trống nhớ vợ) mới thật sự đúng với hoàn cảnh? Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tâm sự, nếu như ông nhớ vợ một thì người vợ sẽ nhớ chồng đến 10 lần hơn. Chính vì lẽ đó, ông dùng hình ảnh và tâm trạng của người vợ nhớ thương chồng cho tác phẩm của mình. Nỗi bi ai trong tác phẩm ngay cả đất trời cũng cảm thương, nên sau này vợ ông có thai và lần lượt sinh cho ông 7 người con (5 trai, 2 gái). Vợ chồng ông lại được đoàn tụ bên nhau.
Hình chụp thẻ căn cước của ông Cao Văn Lầu thời Việt Nam Cộng Hòa
Dạ Cổ Hoài Lang khởi điểm từ nhịp 2. Nhưng khi hòa nhập vào sân khấu cải lương, bản được chuyển dần thành nhiều nhịp. Năm 1924, tăng lên nhịp bốn. Từ khoảng 1934 đến 1944, tăng lên nhịp tám. Từ khoảng 1944 đến 1954, vọng cổ tăng lên nhịp 16. Từ 1955 đến 1964, tăng lên nhịp 32 rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay. Dạ Cổ Hoài Lang của nhac sĩ Cao Văn Lầu đóng góp rất lớn cho phong trào đờn ca tài tử phát triển rộng khắp miền tây nam bộ. Năm 2013 tổ chức UNESCO chính thức vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Sinh hoạt đờn ca tài tử Nam Bộ
Lời ca gốc của Dạ Cổ Hoài Lang:
1. Từ từ phu tướng.
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng.
3. Vào ra luống trông thơ nhạn.
4. Năm canh mơ màng.
5. Trông tin chàng.
6. Gan vàng càng lại thêm đau.
7. Lòng dầu say ong bướm.
8. Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang.
9. Đêm luống trông tin bạn.
10. Ngày mõi mòn như đá vọng phu.
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
12. Xin đó chớ phụ phàng.
13. Chàng chàng có hay.
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
15. Bao thuở đó đây sum vầy.
16. Duyên sắc cầm tình thương với nhau.
17. Nguyện cho chàng.
18. Đặng chữ bình an.
19. Trở lại gia đàng.
20. Cho én nhạn hiệp đôi với đó đây.
Ký âm cổ nhạc:
(theo loại đàn dây Bắc)
1. Hò lìu xang xê cống
2. Líu cống líu cống xê xang
3. Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò
4. Liu xế xang xự xề xang lìu hò
5. Xừ liu xáng ũ liu cống xề
6. Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
7. Hò lìu xang xang xế cống
8. Xê xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
9. Xừ xang xế, líu xê xang xư’'
10. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
11. Xừ, xê líu xừ, líu cống xê, líu hò
12. Liu xề xang xự cống xê xang lìu hò
13. Xừ xang xừ cống xế
14. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
15. Xừ xang xề hò líu cống xế xang hò
16. Lưu xáng xàng, xề liu xề xáng ú liu
17. Hò xự cống xê xang hò
18. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
19. Xừ xang xế, hò líu cống xê xang hò
20. Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
Do tính quần chúng rộng lớn, Dạ Cổ Hoài Lang có nhiều dị bản nhưng luôn giữ được nội dung và âm điệu chính. Dưới đây là một dị bản tiêu biểu được mọi người biết đến nhiều nhất hiện tại:
1. Từ từ phu tướng.
2. Bảo kiếm sắc phong lên đàng.
3. Vào ra luống trông tin nhạn.
4. Năm canh mơ màng.
5. Em luống trông tin chàng.
6. Cho gan vàng quặng đau í i.
7. Đường dù xa ong bướm.
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
9. Đêm luống trông tin bạn.
10. Ngày mõi mòn như đá vọng phu.
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
12. Sao nở phụ phàng.
13. Chàng chàng có hay.
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
15. Biết bao thuở đó đây sum vầy.
16. Duyên sắc cầm nhạt phai í i.
17. Thiếp nguyện cho chàng.
18. Nguyện cho chàng đặng chữ bình an.
19. Mau trở lại gia đàng.
20. Cho én nhạn hiệp đôi í i.
Trong sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ông sáng tác rất ít. "Dạ Cổ Hoài Lang" chính là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và được lan truyền cùng khắp mọi miền đất nước. Vì vậy “Dạ Cổ Hoài Lang” đã không dừng lại ở nguyên dạng như các bản nhạc cổ khác mà dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ, làm thay đổi một phần lớn bộ mặt cải lương Nam Bộ. Ngoài tác phẩm "Dạ Cổ Hoài Lang", nhạc sĩ Cao Văn Lầu còn sáng tác thêm 10 tác phẩm khác nhưng chủ yếu chỉ lưu truyền ở Bạc Liêu.
Khu lưu niệm của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu mất lúc 13 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1976 tại thành phố Sài Gòn, thọ 86 tuổi.
Nguyễn Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét