Không còn nhớ rõ trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ được thành lập từ năm nào, mà riêng tôi, tôi được nhận vào dạy từ niên khóa 1966- 1967, môn ngữ văn cấp hai. Lúc đó, thầy Trần văn Phong làm giám học; Hiệu trưởng là một vị linh mục, cho nên thầy Phong trực tiếp điều hành trường sở và giảng dạy môn Pháp văn cho học sinh cấp ba. Hội đồng sư phạm hầu hết là thành phần cơ hữu của trường, dạy và làm việc tại đó, nhận lương hàng tháng, kể cả lúc nghỉ hè; Chỉ có giào viên thỉnh giảng mới hưởng lương theo tiết dạy.
Sau ba mươi chin năm đứng lớp và qua bốn nơi công tác, được tiếp xúc với nhiều thầy cô khả kính, bản thân tôi vừa học hỏi vừa lưu giữ cho mình rất nhiều điều về lẽ sống. Riêng ở thầy Phong, điều cảm nhận sâu sắc nhất của tôi về thầy, đó là tâm huyết của một con người đối với cộng đồng. Quá thiết tha với sự nghiệp trồng người, thầy xây dựng mô hình trường ra trường, lớp ra lớp, làm cho chúng tôi cảm thấy an tâm pha lẫn chút tự hào, khi đã có một thời là giáo viên dưới mái trường Nguyễn Trường Tộ. Thầy hiểu rõ gia cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng thầy cô để có thể kịp thời giúp đỡ, sẻ chia.Còn với học sinh, thầy thương yêu vô hạn; Thầy tìm mọi cách để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em tật nguyền, bất hạnh….
Rồi thì, những biến động của cuộc sống đưa đẩy chúng tôi mỗi người một ngã. Thầy Phong rời xa trường học. Hội đồng sư phạm kẻ còn người mất! Có người, nay đã ở xa thật là xa, học sinh cũng vậy. Chỉ có một điều bất di bất dịch là mỗi khi có dịp gặp lại nhau, kể cả giáo viên và học sinh, hễ nhắc đến trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ là hình ảnh của thầy Phong hiện lên, một người thầy đáng kính với phong thái điềm đạm ung dung, với tấm lòng bao dung độ lượng...
Có lẽ vì vậy mà cách nay hơn tám năm, theo gợi ý của một nhóm cựu học sinh, chúng tôi đã tổ chức buổi họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh của trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ tại nhà tôi vào sáng ngày 1 tháng 1 năm 2003. Thư mời chỉ có ba mươi, mà số người có mặt lên tới một trăm hai mươi mốt. Giáo viên chỉ có năm người; số còn lại là cựu học sinh. Các em đã trưởng thành, đã có sui gia, đã là ông bà nội-ngoại. Vậy mà, dưới mắt chúng tôi, cac1em vẫn là những học trò bé bỏng ngày nào. Một số em đang giữ những chức vụ trưởng, phó đầu ngành, đang là kỹ sư, bác sĩ…, một số em vẫn đang cơ cực vì cuộc mưu sinh, vì chén cơm manh ào…Sáng hôm ầy, theo thư mời và theo truyền miệng, các em có mặt ở nhà tôi là để được gặp lại thầy Phong, thăm và chúc sức khỏe thầy. Đơn giản vậy thôi !.
Có hay không khi người ta thường nói “ Trong xã hội, nghề nào cũng quý, nhưng dạy học là nghề cao quý nhất “. Cũng trong buổi sáng ấy, đã có nghững đôi mắt đỏ hoe. Thầy Phong cũng khóc khi đứng lên baỳ tỏ cảm nghĩ sau gần ba mươi năm sao dời vật đổi. Tôi không đủ lời để tả lại cảm xúc và ân tình trong buổi sáng hôm đó. Nhưng riêng tôi, kỷ niệm này sẽ theo tôi trong suốt quãng đời còn lại. Đã có lần tôi đọc được trang đầu quyển “ Nghệ thuật dạy học “ của tiến sĩ tâm lý học Mai Tâm, tôi còn nhớ đại khái câu: “ Tượng đồng bia đá rồi sẽ phai mờ với thời gian; thành quách, đền đài rồi sẽ có ngày đổ nát; nhưng khi ta làm việc với những tâm hồn, gieo vào lòng trẻ những tâm hồn, gieo vào lòng trẻ những chân lý thì công trạng của chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn “
Cuối buổi họp, các cựu học sinh đề nghị cứ hàng năm, chọn ngày 1 tháng 1, làm ngày họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ, thư mời và địa điểm do ban liên lạc
( vừa được bầu chọn ) đảm trách.
Ngày 1 tháng 1 năm 2010 là buổi họp lần thứ tám, tại tiệm ăn Chiêu Ký, giáo viên chỉ có bốn người, thầy Khải đang nằm bệnh viện, thầy Phong cũng đã yếu! Các em cho biết, sẽ tổ chức lễ mừng thượng tho5cho thầy ( Chín mươi tuổi ) vào ngày 23 thảng 3 năm 2010 tại nhà thầy. Tôi vô cùng xúc động trước dự định chan chứa nghĩa tình của các em. Trong ngày này, vì phải đi xa, tôi xin phép vắng mặt. Thật đáng tiếc!
Khi trở lại quê nhà, tôi đã nhiều lần đến thăm thầy, thầy ngày càng yếu hơn, đôi mắt đã không còn trông thấy chung quanh. Tôi có bàn với ban liên lạc cựu học sinh, ngày họp mặt 2011, các em tổ chúc tại nhà thầy cho thầy vui, các em rất đồng ý. Còn tôi, tôi lại phải đi xa!
Khoảng đầu tháng 10 năm 2011, chúng tôi lên thăm thầy, tôi có thưa với thầy: “ Thầy cố giữ sức khỏe và ngày 20 tháng 11 năm nay, chúng em sẽ tổ chức Tết nhà giáo tại nhà thầy” Thầy tươi cười mãn nguyện.
Cuối tháng 10 năm 2011, tôi lại đi xa, cũng vì hoàn cảnh, năm ngày sau ( 4-11-2011 ) con tôi gọi điện báo tin thầy Phong mất! Tôi bàng hoàng… Cách chưa đầy một tháng, tôi còn nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của thầy vào một buổi sáng trời trong nắng ấm.
Kính thưa thầy!
Em nghe con thầy kể lại, thầy ra đi lúc 12 giờ 30 phút ngày 4 tháng 11, nhẹ nhàng êm ái. Thầy ơi! Thầy vui lòng tha lỗi cho em, đã không có mặt trong tang lể của thầy, đã không cùng với các em học sinh đưa tiễn thầy đến nơi an nghĩ. Từ một giáo viên còn non trẻ, tay nghề yếu kém, em đã được thầy và quí thầy cô của trường tận tình giúp đỡ, trưởng thành từ ngôi trường Nguyễn Trường Tộ, em mãi nhớ ơn thầy, nhớ ơn cô Nhan, cô Hạnh….Các vị đã không còn nữa!
Xin quý thầy cô cho em được nói lên lời thành kính tri ân, dù đã muộn màng
Bùi Thị Teng
(Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ)
(Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét