Như chim đàn vỡ tổ, một số thầy cô và các em học sinh lần lượt rời mái ấm gia đình Kỹ Thuật Vĩnh Long, trong một ngày buồn. Buồn như tiếng ve đầu hạ râm ran. Buồn như sắc máu cánh phượng, gieo biệt ly trên những mái đầu xanh, thơ dại.
Lần chia tay đó, trong lá thư, một em học sinh đã viết lên dòng cảm xúc...“Biết đến bao giờ face to face...”
Vâng! Biết đến bao giờ gặp lại. Khi, như chim trời không định hướng. Khi, như nhạn lạc giữa bão giông. Nhưng trong chia ly có mầm hội ngộ. Những cánh chim xa bầy, đã và đang lần lượt quay lại... họp đàn.
Ngày 20 tháng 1 năm 2018, sẽ có buổi họp mặt. Ngày ấy, chắc chắn rằng, nước mắt bùi ngùi ly biệt năm nào, sẽ là những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi trong lần hạnh ngộ này.
Lui về quá khứ, tôi là người đã bỏ ý định thi tuyển vào trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Bởi, lúc bấy giờ, ai đó gọi học sinh Kỹ Thuật là “dân dao búa”. Ba chữ không hoa mỹ ấy, đã sử dụng rất tự nhiên mà không hề nghĩ đến cảm xúc của học trò. Và như định mệnh an bài, tôi, người không thích là học sinh trường Kỹ Thuật, lại trở thành giáo sư của trường này. Tôi, làm thầy, là “sư phụ” của người ta.
Tuy nhiên, từ ngày đầu đặt chân vào lớp, đến tận sau này. Học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long, đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này bước sang ngạc nhiên khác, bởi chữ “tình”. Các em học sinh, dù không là, hoặc do tôi phụ trách, đã để lại trong tôi, dấu ấn sâu đậm. Sau giờ dạy, tôi không bao giờ “được yên thân” rời khỏi cổng trường. Các em đã chận xe đạp của tôi lại, và ôi thôi...có trăm điều “để hỏi cô”, toàn là những chuyện bâng quơ, không liên quan vào đâu với sách vở.
Em này kêu... “cô...cô...”
Em kia réo... “cô..cô...”
Để rổi sau khi chia tay nhau, cô trò, đều mang nụ cười mãn nguyện.
Ai đó bảo rằng, chỉ áo trắng của học sinh mới đáng yêu, trinh nguyên, thơ ngây...
“Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”*
Nhưng màu áo xanh của Kỹ Thuật, kém nào...
“Áo xanh gom cả mây trời lại
Ôm bóng hình ai chữa nhạt nhòa...”
Cái màu xanh xa xăm ấy, khiến các học sinh Kỹ Thuật trông “ngầu” hơn, “chững chạc” hơn, “già giặn” hơn. Trong sự “già giặn” đó, tôi vẫn bắt gặp nét hồn nhiên, ngây thơ và thật đáng thương ở tuổi mới lớn, của các em. Điều này, lộ rõ khi các em cúi đầu chào, khi các em nói dối và cả ngay khi các em “ ngủ gật” trong lớp. Bởi, vì thời cuộc, ngoài giờ học, các em còn vất vả, bươn chải hầu kiếm miếng sống, phụ với gia đình.
Thôi thì... tôi để yên cho các em ngủ thiếp đi trong chốc lát, để đủ năng lượng học tiếp, vờ như chả biết các em dối, để đôi chân thư sinh “trói gà không chặt” ấy, tiếp tục bước vào cổng trường, hầu tiếp tục xây dựng tương lai.
Còn biết bao điều để nói...có nói cũng khôn cùng!
Nhắc về Kỹ Thuật Vĩnh Long, chỉ nói đến một thời xa xưa dưới mái trường, nhắc nhớ đến những lần họp mặt, gặp gỡ, gom nhặt kỷ niệm, ắt hẳn là chưa đủ.
Như tôi đã nói, đủ cảm nhận, những người mang màu áo xanh xa xăm kia, dễ đến gần hơn, bởi chữ “tình”. Tình người. Tình cao quý đó, thể hiện qua tấm lòng chân thật, khi người đến với người, nhất là trong cuộc sống khó khăn, đầy phức tạp và rối rắm này. Chữ tình, là sợi dây thiêng liêng, cột chặt… bằng những hành động cụ thể, bằng những trao nhau, bằng trái tim chân thành, bằng những cư xử rất đẹp, trong mọi tình huống...
Tình thầy trò, trước sau vẫn thế ấy. Thầy Đào Hữu Nghĩa đã trao trọn những đứa con tinh thần, là những quyển sách dịch của tác giả Krishnamurti. Thầy tặng lại cho Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long.
Thầy Phạm Thanh Bạch, hôm nao, bỏ công dìu dắt cho các em nên người. Bây giờ vẫn thế, Thầy luôn nhắc nhở bạn bè, học trò ngày xưa, bằng những bài học cụ thể như chăm sóc về sức khỏe mà thầy đã áp dụng, bằng những bài học luân lý, đạo đức mà Thầy đã sưu tầm.
Những buổi họp mặt đều đặn hơn, người về càng đông thêm, phải chăng do sự tận tụy của Ban Liên lạc Kỹ Thuật Vĩnh Long. Những hoạt động thường kỳ, như, thăm viếng, mừng thọ quý Thầy Cô. Sự tương trợ bằng tình lẫn hiện vật với các bạn hữu và cả thân nhân qua những chia sẻ lúc họ đau yếu hoặc giúp đỡ khi hậu sự.
Ngoài ra, để tạo mối liên kết thêm chặt chẻ, các Anh Chị Ban Liên Lạc, tham dự các buổi họp mặt cùng bạn hữu, ở những khu vực khác, ngoài Vĩnh Long hoặc những đơn vị bạn.
Ban Liên Lạc đẩy mạnh việc chăm lo sức khỏe, ngừa bệnh hơn trị bệnh bằng những buổi đi khám định kỳ.
Chúng ta đã qua rồi thời tuổi trẻ, các em đang hướng về tương lai. Việc vận động và cấp học bỗng, một nghĩa cử cao quý mà chúng ta không thể không nhắc đến. Giờ đây Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long, đã và đang là một nấc thang cho các em bước lên, đi vào đời bằng những tài trợ về tài chánh cho con cháu của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.Với số tiền trợ cấp từ các mạnh thường quân, dù nhỏ nhoi, nhưng là động lực lớn mạnh, cho các em tiếp tục noi gương cha chú.
Người về, ngày một đông thêm. Tính đến nay, có tất cả 361 lá điện thư liên lạc thường xuyên. Số lượng này, không lớn cũng chẳng nhỏ. Chừng ấy điện thư có được là do cách phát huy, sự họp tác và quan trọng nhất là công khai phần tài chánh, cập nhật chi, thu rất rõ ràng, minh bạch.
Với những tấm lòng và nổ lực làm việc của Ban Liên Lạc, đã được đáp lại từ những người cộng tác âm thầm, đắc lực, để có được những Video sống động, những hình ảnh chụp, đã ghi lại những khuôn mặt một thời.
Theo thời gian, qua những thăng trầm của cuộc sống, cái giá trị của "dân dao búa” dù là nơi quê nhà hay tại hải ngoại. Dĩ nhiên học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long đã hội nhập vào đời sống dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, là thể hiện kỹ năng của mình qua những những năm miệt mài học hỏi dưới mái trường, để giờ đây có được cơ ngơi khá đồ sộ.
Với tôi, dù chưa một lần ngồi chung họp mặt, chưa gặp gỡ các thầy cô, các anh chị đồng nghiệp, các em học sinh của năm nào. Nhưng chắc chắn rằng, đã có sự gặp gỡ trong tâm hồn. Qua Video, hình ảnh, lắng nghe tiếng cười vang vọng, nhìn thấy ánh mắt lung linh, khuôn mặt rạng rỡ, cảnh quay quần... Mọi người cười, tôi lại khóc. Tiếng khóc dù lẻ loi, nhưng tiềm ẩn nụ cười, vì như đang “cùng chung” họp mặt.
Những buổi họp mặt đem đến cho tôi một mái trường xưa thu nhỏ, vừa đủ cho người viễn xứ, lồng vào lưu bút hồi ức. Những khuôn mặt, đối với tôi, dù thân quen hay xa lạ, dù xa cách cả đại dương, nhưng vẫn luyến tình người.
Một thời tuổi trẻ đã qua...
Lần họp mặt ngày 20 tháng 1 năm 2018 này, có chút gì để nhớ, có chút gì khó quên, về Vĩnh Long, con phố nhỏ tình đầy.
Kim Phượng
Úc Châu 18.1.2018
* Thơ Hàn Mạc Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét