Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Hoa Tháng Mười


Mê mải bên hoa rộ Tháng Mười 
Ngợp trời hoa thắm nét xuân tươi 
Tìm trong tịch lặng hương hoa ngát 
Chợt nhớ hoa xưa rộn tiếng cười 









Thơ Và Ảnh: Kim Phượng


Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Ba



Gió hắt hiu vài ba cánh sẽ
Trên bờ đê vắng bóng người qua
Ai đâu trở lại làng quê cũ
Lặng ngắm đòng đòng thẳng tắp xa

Ngày tiễn đưa ba rộn cỏ non
Về nơi chốn cũ lối quen còn
Trong lòng đất nội nằm yên nghỉ
Rũ sạch bụi trần biệt các con

Nghi ngút tâm hương tỏa khắp trời
Sương buồn man mác cũng buông rơi
Sáng thăm tối viếng ba đâu nữa
Gian khổ thương ba nhọc gánh đời

Kim Phượng
30.10.2018
Hai mươi mốt năm vắng bóng Ba

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Thuyền Độc



Lênh đênh thuyền độc trong chiều lắng
Êm ả mảnh đời đấy cảnh tiên
Phô sắc đơm cành hoa muộn trổ
Trời riêng một cõi chẳng ưu phiền

Kim Phượng


Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Thu Buồn







Thu Buồn

Còn đâu dáng mỏng nét u buồn
Dưới nắng thu vàng suối tóc buông
Nhan sắc đắm say chừng trí loạn
Tâm tư chao đảo đến tâm cuồng
Bận lòng chi nữa câu đoan thệ
Đã quyết quên rồi tiếng hứa suông
Bến cũ đò xưa ai lỗi hẹn
Tình em con nước mãi xa nguồn

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Thu nhẹ tới
Cho tóc ai buông lơi
Hồn chơi vơi…
Hòa tâm vào chiếc lá
Mới xanh rồi vàng, rơi

dovaden2010

Ảnh: Kim Phượng 
Lá Thu trên biển vắng Noosa


Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Nắng Lụa Vàng - Tan Giấc Mơ Hoa



Bài Xướng:


Nắng Lụa Vàng

Hoàng hôn xuống nắng dần sắp tắt
Ánh lụa vàng tưới hắt lên hoa
Tuổi xuân vừa chớm hồn già
Thời gian lần lựa xót xa tháng ngày
Còn ai nữa nhẹ lay làn tóc
Ai dỗ dành tiếng khóc đêm thâu
Bao giờ trút nặng gánh sầu
Phút giây chờ đợi bền lâu tình dài
Ngày xưa ấy nhạt phai năm tháng
Bóng người còn lai vãng trong tim
Ngàn năm ảo mộng đi tìm
Hồn xưa sống lại gợi niềm trái ngang
Dây tình ái buộc ràng mọi ngõ
Ngỡ chiêm bao vọng rõ bước chân
Giật mình sực tỉnh tần ngần
Bên đời hiu quạnh bâng khuâng tơ trời

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Tan Giấc Mơ Hoa


Mới vừa chớm nở đành lụn tắt
Bướm u hoài héo hắt mơ hoa
Heo may ủ lá thêm già
Mong chờ càng thấm tình xa từng ngày
Gió thu đến động lay mái tóc
Lá xạc xào như khóc canh thâu
Đêm như khơi động mối sầu
Tơ tình vương lấy càng lâu càng dài
Làm sao xóa buồn phai theo tháng
Nặng nề thay dĩ vãng nơi tim
Còn đâu hy vọng mà tìm
Cho hồn mơ mộng nỗi niềm dọc ngang
Pháo vu qui rộn ràng trước ngõ
Không thể nào tỏ rõ tình chân
Để rồi ánh mắt ngại ngần
Lại thêm bức rức chữ khuâng do trời.

Quên Đi

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Nửa Mảnh Trăng Khuya


Bài Xướng:

Nửa Mảnh Trăng Khuya


Tri kỷ hồng nhan chẳng dễ tìm
Lồng thưa khó giữ một loài chim
Hương rừng hoa trắng đang ngào ngạt
Tiếng hót oanh vàng bỗng lặng im
Khó hiểu vì ai cầu gãy nhịp
Khôn nguôi chỉ tội kẻ mò kim
Chiều buông thấm thía buồn chim vịt
Nửa mảnh trăng khuya đáy nước chìm!

Cao Linh Tử

20/10/2018
***
Bài Họa:

Nửa Mảnh Trăng Khuya

Hồng nhan phận bạc mấy ai tìm
Nhạn bắc xuôi nam mỏi cánh chim
Những tưởng dòng đời trôi lặng lẽ
Ngờ đâu giông tố mãi chưa im
Mênh mông bể khổ đâu là bến
Cay nghiệt miệng đời sắc tợ kim
Leo mãi vách sầu qua chẳng thể
Trăng khuya nửa mảnh ủ ê chìm

Kim Phượng



Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Đọc Tiểu Thanh Ký - Bài Thơ Thất Niệm?


Độc Tiểu Thanh ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư, 
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu, 
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. 
Cổ kim hận sự thiên nan vấn, 
Phong vận kỳ oan ngã tự cư. 
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp tố như?

Nguyễn Du

Dịch Nghĩa:

Đọc Truyện Nàng Tiểu Thanh

Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang, 
Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi. 
Son phấn có linh hồn chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết, 
Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên luỵ, đốt đi còn sót lại một vài bài. 
Mối hận cổ kim, thật khó mà hỏi ông trời. 
Ta tự coi như người cùng một hội một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng. 
Chẳng biết ba trăm năm sau, 
Người đời có ai khóc cho người con gái đẹp này chăng? Câu này còn có ý: Người đời có ai khóc cho tác giả (Tố Như) hay chăng?

Trong tài sản thi ca của Nguyễn Du, đây là bài thơ được hậu thế biết nhiều nhất sau Truyện Kiều. Một bài thơ có nhiều điểm giống với Truyện Kiều. Tác giả thương cảm cho nàng Tiểu Thanh, khiến tôi nhớ đến sự trùng hợp khi Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên.

Trong một tình cờ vào ngày 21/12/2015, thấy trên Facebook của Ngọc Thạc Lê những dòng chữ:

"BÀI THƠ NỔI TIẾNG CỦA NGUYỄN DU CÒN NHIỀU Ý KIẾN TRANH LUẬN: SỰ PHÁ CÁCH CỦA MỘT THIÊN TÀI ? (Bài thơ bị thất niêm ở 2 câu cuối. Chữ thứ 2 câu thứ 7 phải thanh trắc, chữ thứ 2 câu thứ 8 phải thanh bằng mới đúng NIÊM).
Nguyễn Du là Đông Các Đại học sĩ, Cụ từng làm giám khảo các kỳ thi...
"Một người cầm cân nảy mực, đã đánh trượt bao nhiêu sĩ tử vì sai luật thơ Đường. Thế mà chính Cụ lại làm thơ thất niêm phá luật thì ăn nói làm sao với thí sinh và cả bạn văn đồng nghiệp. Phải chăng số phận bài thơ còn chứa nhiều uẩn khúc?" (Văn học và tuổi trẻ số tháng 1/2008). Ai biết uẩn khúc gì, xin chỉ giáo giùm!" 

Tôi chợt nhớ đến bài viết mình được đọc cách nay khá lâu, khoảng trên 6 năm của Linh Đàn. Sau đó, tôi có viết một bài về vấn đề này, năm sau (năm 2011), mới gởi đăng trên trang Web tongphuochiệp.com mà trước đây tôi từng cộng tác. Bài viết thể hiện quan điểm của tôi về nghi vấn của "Độc Tiểu Thanh Ký". 

Có khá nhiều nghi vấn về bài thơ nổi tiếng này của Thi hào Nguyễn Du. Chẳng hạn như nên sửa chữ Độc thành Đọc mới đúng; được Ông sáng tác trước hay sau khi đi sứ sang Tàu?; có người còn cho rằng không hề có bài thơ này vì hai câu cuối :

Bất tri tam bách dư niên hậu, 
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

chính là hai câu nói cuối cùng của ông trước khi từ giã cỡi đời...

Nhưng nghi vấn quan trọng nhất chính là thắc mắc của nhiều người, như nhà thơ Ngọc Thạc Lê của Hội thơ Đường Đồng Tháp trên: bài thơ Thất Niêm hay Phá Cách ở 2 câu cuối.
Chúng ta cùng đến với hai ý kiến của nhà thơ Linh Đàn và GS Nguyễn Khắc Phi:

1/ Ý kiến của nhà thơ Linh Đàn: (trích Newvietart.com)

"Ngày xưa các môn thi của các khoa thi Hương đều có "Thi, Lễ, Nhạc, Độc". Vậy Thơ Luật là bộ môn chính của trường thi.
Khoa Đinh Mão - Gia Long thứ 6 (1807)tại trường thi Hải Dương.
- Đề Diệu là Tham tri bộ Công Nguyễn Ngọc Ngoạn.
- Giám Thí Đốc học Quốc Tử Giám Nguyễn Viết Ưng.
- Giám Khảo là Đông các đại học sĩ Nguyễn Du.
Cả trường thi có biết bao sĩ tử dự thí, nhưng chỉ lấy đậu 5 người.

(Theo sách Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục trang 95)

Như thế Nguyễn Du đã đánh hỏng biết bao thí sinh về bộ môn "Thi Luật" này? Thế mà Nguyễn Du lại làm thơ thất niêm thì biết ăn nói làm sao với thí sinh của Cụ, biết trả lời sao với khách văn chương và hậu thế? Hơn nữa, thời bấy giờ có các nhà uyên bác như Phạm Đăng Hưng là bạn quan trường, Phạm Quý Thích (viết tổng luận Truyện Kiều) và rất nhiều người bạn thơ nữa, nên cụ không thể vô tình làm thơ để cho thất niêm được.
Nói về một DỊ BẢN của bài thơ nầy, mà tôi xin giới thiệu dưới đây, tôi đã thuộc lòng vào đầu thập niên 1950 thì không hề bị thất niêm qua thiên hồi ức sau:

...Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), ở vùng Lan Đình, Gio Linh chúng tôi, việc học hành vô cùng khó khăn, trở ngại trăm bề, không thể đến trường học chữ Quốc ngữ được, nên phải ở nhà học chữ Hán. Thầy dạy chúng tôi là cụ cử nhân Trần Doãn Trai tham tri bộ Hộ hồi hưu...

... Thầy viết thư bảo tôi vào làng Hà Trung (phía nam huyện Gio Linh) đến nhà cụ Khôi (thuộc dòng thượng thư họ Trần Đình) mượn bộ sách “Thượng Thi Tập Ngâm” đem về sao chép. ...

... Tôi còn nhớ rất kỹ, chính tay tôi sao chép cả năm trường mới được hai quyển, vì hồi đó chiến tranh, phần thì phải trốn giặc Tây, phần thì ca non, moóc chê nổ bất thình lình, nên khi viết được khi không, chưa chép đến quyển Hạ thì cụ Khôi đến đòi lại, vừa trả sách được mấy hôm, Tây về đốt nhà Thầy lần thứ hai, cháy luôn hai quyển vừa mới chép, may mà trả lại được bộ cũ....

...Trong thời gian chép tay tôi thuộc được nhiều bài thơ, trong đó có bài ĐỘC TIỂU THANH KÍ, Thầy tôi say sưa với bài thơ này, rồi chúng tôi cũng ngâm theo Thầy, thành ra thuộc lòng như thế này: 

ĐỘC TIỂU THANH KÍ

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ...

Bài này không bị thất Niêm, Nhưng chưa từng thấy có trong văn chương nước nhà, nên tôi tạm gọi là dị bản..." 

(So dị bản của Linh Đàn chép tay và nguyên tác, chúng ta thấy ngoài hai Từ khác nhau là "mai uyển" và "hoa uyển"; vị trí của câu 1 và 2, còn một khác biệt rất lớn, làm thay đổi cấu trúc của bài thơ, đó là sự hoán đổi vị trí của cặp Thực và Luận. HHĐ)

2 / Ý kiến của GS Nguyễn Khắc Phi 

Gần đây, trong bài Tiểu Luận của Nguyễn Cẩm Xuyên đăng trên Kiến Thức Ngày nay số 896 ngày 20/72015, GS Nguyễn Khắc Phi có viết: 

“...Việc đặt Độc Tiểu Thanh ký bên cạnh Truyện Kiều trong chương trình Trung học phổ thông là một sự bố trí đẹp”. Vậy nhưng đến nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” còn nhiều khập khiễng làm cho người ta hoài nghi về lai lịch của nó:

Bài thơ bị thất niêm do chữ thứ nhì của câu đầu là chữ “hồ” (vần bằng) không niêm với chữ thứ nhì câu 8 là chữ “hạ”(vần trắc); chữ thứ nhì câu 6 là chữ “vận” (vần trắc) không niêm với chữ thứ nhì của câu 7 là “tri” (vần bằng). Ngoài thất niêm, bài thơ lại thất luật: 6 câu đầu thuộc luật bằng, 2 câu cuối thuộc luật trắc(1). Việc thất niêmthất luật này xảy ra với bài thơ chỉ do 2 câu cuối. Xem kĩ thì đây cũng không thuộc trường hợp do tác giả cố ý phá cách để tạo nét độc đáo trong nội dung. 

Về việc này, Học giả Nguyễn Quảng Tuân viết: “...Có phải Nguyễn Du muốn “phá cách” chăng? Chúng tôi không cho là như vậy, vì các bài thơ “phá cách” đều được phá ngay từ câu mở đầu, chứ không có trường hợp nào sáu câu đầu làm theo luật bằng và hai câu cuối lại làm theo luật trắc.

Ngoài ra còn có ý kiến được nhiều người ủng hộ là do chính Tác giả phá cách.


Qua các ý kiến trên,tôi thấy bài dị bản của nhà thơ Linh Đàn không ổn, vì ý thơ không có sự gắn kết liên tục. Một tài hoa như Thi hào Nguyễn Du sao lại sáng tác một bài thơ ngớ ngẩn đến thế?

Còn GS Nguyễn Khắc Phi thì cho rằng bài thơ Thất Niêm Luật.

Riêng cá nhân tôi, không cùng quan điểm với bất cứ ý kiến nào bên trên, kể cả ý kiến bài thơ do chính Tác giả phá cách.

Chúng ta cùng điểm lại các bài Đường Luật Thi của Ta cũng như Tàu có trước Nguyễn Du.
Ở Việt Nam, có Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong bài thơ Nhân Tình Thế Thái thứ 21 có tên Dĩ Hoà Vi Quý.

Dĩ Hoà Vi Quý 

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua 
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng nhân dĩ hoà vi quý
Vô sự thì hơn kẻo phải lo 

Nguyễn Bỉnh Khiêm 

Không như Nguyễn Du ở hai câu cuối, Trạng Trình nhà Ta không theo Niêm ở hai câu Thực.
Bây giờ chúng ta nhìn sang Tàu, ngược dòng thời gian, tìm đến những nhà thơ nổi tiếng thời Đường:

- "Thành Tây Pha Phiếm Chu" của Đỗ Phủ:
Ở bài thơ này giống như bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thanh nga hạo xỉ tại lâu thuyền
Hoành địch đoản tiêu bi viễn phương
Xuân phong tự tín nha tường động
Trì nhật từ khan cẩm lãm khiên
Ngư xuy tế lãng dao ca phiến
Yến xúc phi hoa lạc vũ diên
Bất hữu tiểu chu năng đãng tương
Bách hồ na tống tửu như tuyền

- "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài" của Lý Bạch:
Bài thơ này cũng như bài trên

Phượng hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường an bất kiến sử nhân sầu

- "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy:
Riêng bài thơ này thì xem như toàn bài.

Chước tửu dữ quân quân tự khoan
Nhân tình phiên túc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia san. 

Qua 5 bài thơ của các thi nhân: Thi Hào Nguyễn Du, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Tiên Lý Bạch và Thi Phật Vương Duy, 5 nhà thơ có thể nói nổi tiếng vào bậc nhất trong nền thi ca của Việt và Tàu, gợi cho chúng ta điều gì?
Chẳng lẽ cả 5 người đều thất niêm hay phá cách giống như nhau?
Hay còn một nguyên nhân nào khác khiến các câu thơ Đối Bằng Trắc từng cặp một? Điều này thể hiện rõ nhất ở bài "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy.

Các câu 1; 3; 5; 7 có cùng Bằng Trắc hay nói chính xác hơn là Niêm với nhau.
Tương tự, các câu 2; 4; 6; 8 Niêm với nhau.
Qua nhận xét trên, chúng ta thấy các câu lẻ Niêm với lẻ. Các câu chẵn Niêm với chẵn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với luật Niêm mà mọi người đều biết và sử dụng: 
- 1; 4; 5; 8 Niêm với nhau. 2; 3; 6 ;7 Niêm với nhau.

Kết Luận

Từ phân tích những bài Thơ Đường Luật ở trên, đã dẫn chúng ta đến một kết luận:
"Trong thơ Đường Luật trước đây đã tồn tại một luật Niêm thứ hai, nhưng ít được giới làm thơ ngày nay sử dụng (tương tự như thơ Đường Luật gieo vần Trắc), cũng như ít thấy tài liệu nào nói đến.
- Luật Niêm thứ nhất : 1 - 4 ; 2 - 3 ; 5 - 8 ; 6 - 7 . Luật Niêm thông dụng
- Luật Niêm thứ hai : 1 - 3 ; 2 - 4 ; 5 - 7 ; 6 - 8 . Luật Niêm ngày nay ít thấy sử dụng
- Hoặc sự pha trộn giữa hai luật niêm trên.

Vì thế, tôi cho rằng bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký không hề sai luật cũng như không hề phá cách. Tác Giả đã sử dụng cả hai luật Niêm khi sáng tác bài thơ này. 

Huỳnh Hữu Đức
Ngày Cuối Năm 2015


Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Bài Thơ Sao Lục Bát


Giá mà chỉ có sao Mai
Ai người sẽ mãi tìm ai suốt đời
Đêm đen lấp lánh sao trời
Sao Hôm lạc lõng buông lời thở than
Xa xôi cách trở đôi đàng
Hữu duyên vượt dặm mây ngàn tìm nhau
Tháng Bảy đổ trận mưa Ngâu
Nợ kia quạ nối bắc cầu yêu thương
Người ban mai kẻ đêm trường
Không gian thinh lặng sao dường đổi ngôi

Kim Phượng



Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Những Khi Khất Lại


Chừng như nhiều chuyện chưa làm
Một đời lắm cớ trong tầm tay con
Bao giờ mới đủ, mới tròn
Bây giờ mất mẹ nghe lòng quặn đau
Trời trăng hai ngã hỏi nhau
Lòng này hối tiếc từng khâu chẳng toàn
Lúc người còn đó lo toan
Khất mai khất mốt cũng còn mẹ đây
Có hay ngày tháng không dài
Hôm nay mới hiểu. Tiếc hoài thời gian

Hoài Tử

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Đôi Mắt Ấy - Mắt Em Đẹp Trong Tranh


Xướng: 

Đôi Mắt Ấy

Trong đôi mắt nỗi buồn hoang dại
Thăm thẳm sâu kia giấc mộng huyền
Tuồng thục nữ đông phương yểu điệu
Giọt u tình diễm lệ thêm duyên

Kim Phượng
***
Họa:

Mắt Em Đẹp Trong Tranh
(Xướng Họa Thuận Nghịch Độc)

Kiều diễm mắt mi buồn bạn nhớ
Nước mây trời tóc dợn đen huyền
Yêu em nhãn mục nhìn trăn trở
Sắc đẹp hồng hoa đặng sánh duyên

Duyên sánh đặng hoa hồng đẹp sắc
Trở trăn nhìn mục nhãn em yêu
Huyền đen dợn tóc trời mây nước
Nhớ bạn buồn mi mắt diễm kiều

Mai Xuân Thanh
Ngày 19/10/2018


Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Quán Chiều - Có Còn


Quán Chiều

Chiều nay quán vắng lạ lùng
Tiếng ve bớt rộn bậc cung bẽ bàng
Gió thu sớm nhẹ mơn man
Lá vàng chưa rụng mưa đan kín trời

Bao lần thu đến rồi qua
Bao lần mình lại nhớ ra đã buồn
Mặc cho vận rủi không buông
Mặc cho chớp biển mưa nguồn sá chi!

Nguyễn Cao Khải

2018
***
Cảm Tác:

Có Còn


Lời than ai oán não nùng
Cành cao nức nở ve chung nỗi buồn
Thu chưa vàng lá vội tuông
Tình kia con nước xuôi nguồn mãi xa
Quán chiều vắng ngắt người qua
Ngóng trông tin nhạn vào ra mỏi mòn
Tiếc thời...nhòa nhạt màu son
Hồn xưa hương cũ có còn thiết tha

Kim Phượng 

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

The Look Of Love - Diana Krall

The look of love
Is in your eyes
A look your smile can't
disguise
The look of love
Is saying so much more than



Diana Krall
Published on Oct 8, 2009


Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Buổi Nắng Tà - Mỗi Chiều Tà


Bài Xướng:

Buổi Nắng Tà 


Nhạn trắng bay về cuối nẻo xa
Hình như em đã bỏ rơi ta
Vàng thu cánh lá bay đầy phố
Trắng khói làn mây lượn trước nhà
Một chút sầu vương mi mắt khép
Nhiều lần khổ luỵ lệ buồn sa
Không yêu thì chớ vui hò hẹn
Mà khổ tâm thêm lúc nắng tà ...

Cao Mỵ Nhân ( HNPD ) 
***
Bài Họa:

Mỗi Chiều Tà

Mỏi mòn tin nhạn cuối trời xa
Đơn độc nơi này chiếc bóng ta
Mong ngóng người về từ vạn nẻo
Chỉ nghe lá rụng trước hiên nhà
Trái tim lầm lỡ thiên thu hận
Khóe mắt vương sầu giọt lệ sa
Từ đấy hoa lòng thôi rộn rã
Niềm riêng canh cánh mỗi chiều tà.

Kim Phượng

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Tảo Thu - 早秋 - Hứa Hồn - 許渾


Một chiếc lá ngô đồng rụng là cả thiên hạ đều biết trời đã vào Thu! "Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cộng tri thu" (Thơ Cổ) ̣

Tảo Thu

Dao dạ phiếm thanh sắt
Tây phong sinh thúy la
Tàn huỳnh thê ngọc lộ
Tảo nhạn phất kim hà
Cao thụ hiểu hoàn mật
Viễn sơn tình cánh đa
Hoài Nam nhất diệp lạc
Tự giác Động Đình ba

Hứa Hồn (Thời Vãn Đường)
***
Dịch Thơ:


Đêm khuya bồng bềnh se sắt
Gió tây thổi nở rêu xanh
Đóm tàn ngủ trên sương ngọc
Nhạn sớm ruổi cánh ngang trời
Rừng cây về sáng u mặc
Núi xa mây tạnh rỡ ràng
Hoài Nam một chiếc lá rụng
Động Đình nổi sóng cảm thông!


Thu Sớm

Đêm lắng buồn hiu hắt
Gió vàng lộng rặng la
Đóm tàn ôm móc ngọc
Nhạn sớm ruổi ngân hà
Rừng sáng màu u mặc
Núi xa rạng thái hòa
Quê người chiếc lá rụng
Lòng động nỗi thu xa ...


Phạm Khắc Trí
***
Chớm Thu


Khuya khoắt băn khoăn tiếng sắt cầm
Gió tây rêu nở vẻ như tân
Đóm tàn sao ngủ trên sương ngọc
Nhạn sớm lại bay dưới dải ngân
Trầm mặc cây rừng yên buổi sáng
U nhàn sơn thủy lặng thiên vân
Lá thu lẻ chiếc Hoài Nam rụng
Hồ Động Đình cơn sóng chuyển âm


Mai Xuân Thanh
Ngày 08/09/2018

早秋                 Tảo Thu

遙夜泛清瑟, Dao dạ phiếm thanh sắt,
西風生翠蘿。 Tây phong sanh thúy la.
殘螢棲玉露, Tàn huỳnh thê ngọc lộ,
早雁拂金河。 Tảo nhạn phất kim hà.
高樹曉還密, Cao thọ hiểu hoàn mật,
遠山晴更多。 Viễn sơn tình cánh đa.
淮南一葉下, Hoài Nam nhất diệp hạ,
自覺洞庭波。 Tự giác Động Đình ba.

許渾                 Hứa Hồn

Chú Thích:

- Tảo thu 早秋 : là Buổi sáng mùa Thu.
- Phiếm : là Lan man, ở đây có nghĩa là Đàn. Phiếm thanh sắt là : Đang gãy đàn.
- Thuý La là những dây leo màu xanh lá cây.
- Tàn Huỳnh: Ánh sáng sắp tàn của con đom đóm.
- Ngọc Lộ: Những hạt sương sớm lắp lánh như những hạt ngọc.
- Kim Hà: là Giải Ngân Hà trên bầu trời.
- Mật: là Dầy, chỉ Rậm rạp, chưa tàn úa.
- Hoài Nam: 用《淮南子説山訓》“見一葉落而知歲暮”和《楚辭九歌湘夫人》“洞庭波兮木葉下”意。Hai câu cuối dùng điển tích trong Hoài Nam Tử thuyết sơn huấn là "Kiến nhất diệp lạc nhi tri tuế mộ" Có nghĩa : Thấy một chiếc lá rơi thì biết là năm đã sắp tàn. Và ý trong Sở Từ cửu ca Tương Phu Nhân là "Động Đình ba hề mộc diệp hạ" Có nghĩa : Một chiếc lá rụng trên làn sóng nhấp nhô của hồ Động Đình.

Nghĩa bài thơ:

Sáng Thu

Trong đêm dài dằng dặc có tiếng đàn ai đó cứ réo rắc thâu canh, gió tây hiu hắt làm lay động những dây đằng la xanh biếc, và trong đám cỏ xanh còn lắp lánh những hạt sương mai làm cho ánh lửa của những con đom đóm như sắp lụi tàn. Đàn nhạn sớm bay lướt ngang qua dãy Ngân Hà hướng về Nam, hàng cây cao buổi sáng vẫn còn rậm rạp chưa úa tàn và xa xa nắng đã lên tràn ngập trên các núi đồi. Một chiếc lá Hoài Nam rơi rụng trên sóng nước hồ Động Đình thì biết rằng mùa thu đã đến và năm đã sắp tàn rồi.
Suốt bài thơ đều xoay quanh ý sáng thu: Tiếng đàn thâu canh suốt sáng, gió sớm làm lay động các dây leo chùm gởi; sương sớm lắp lánh làm mờ nhạt đi những ánh lửa đom đóm, đàn nhạn sớm lướt qua dãy Ngân Hà, hàng cây buổi sáng còn rậm rạp, đồi núi xa xa tràn ngập ánh nắng ban mai ... Qủa là một buổi sáng đầy hình ảnh và tiếng động của mùa thu làm ray rức lòng người viễn xứ, đàn nhạn xuôi nam tránh lạnh, còn người lữ thứ thì bao giờ mới được về lại quê xưa ?!...

Diễn Nôm:

Sáng Thu


Đàn suốt đêm ray rức,
Gió tây lay dây lan.
Đóm tàn bên sương lạnh,
Nhạn lướt cạnh sông Ngân.
Cây sớm tàn rậm rạp,
Nắng lên núi xa gần.
Hoài Nam một chiếc lá,
Động Đình sóng mênh mông!


Lục bát:

Đàn ai thánh thót canh tàn,
Gió vàng hiu hắt lay giàn dây mơ.
Đóm tàn lắp lánh sương mờ,
Nhạn tung cánh sớm lướt bờ sông Ngân.
Cây cao sáng hãy xanh ngần,
Núi đồi nắng sớm như gần như xa.
Hoài Nam chiếc lá la đà,
Động Đình sóng gợn thu qua đông tàn!


Đỗ Chiêu Đức
***
Dịch Nghĩa:


Trong đêm dài tiếng đàn sắt trong trẻo vang vọng
Gió tây thổi qua khiến những nấm xanh mọc lên
Những con đom đóm tàn hơi bám vào hạt sương khiến hạt sương giống như ngọc
Chim nhạn bay sớm lướt qua dãyNgân Hà
Trời sáng mới thấy những cây cao thật rậm rạp Trời tỏ mới thấy nhiều dãy núi ngoài xa
Một lá cây rơi xuống sông Hoài
Cảm thấy như hồ Động Đình nổi sóng

Dịch Thơ:

Thu Sớm

Đêm vắng đàn ai khẩy vọng sang
Gió tây lất phất nấm xanh tràn
Sương mai kề đóm trông như ngọc
Bóng nhạn bên trời vỗ cánh sang
Sáng hẳn thấy rừng cây rậm rạp
Trời trong nọ dãy núi hàng hàng
Sông Hoài chiếc lá rơi xao động
Cứ ngỡ Động Đình ngọn sóng lan.


Quên Đi
***
Sớm Thu


Réo rắt đàn đêm vắng
Gió Tây kích nấm ra
Đóm tàn cạnh móc ngọc
Nhạn sớm lướt Ngân Hà
Trời sáng lộ cây rợp
Cảnh quang tỏ núi xa
Sông Hoài rơi chiếc lá
Sóng Động Đình dường qua


Kim Phượng
***
Thu Sớm


Đàn đêm réo rắt canh thâu
Gió tây lay đọng xanh màu đằng la
Đom Đóm ánh ngọc sương sa
Sớm mai nhạn lướt Ngân Hà về nam
Rừng cây vầng dương ló dạng
Đỉnh đồi tỏa nắng lan tràn trời trong
Hoài Nam lá rụng trên sông
Dường như dậy sóng mênh mông Động Đình

Kim Oanh
***
Thu Sớm


Đàn ai réo rắt suốt năm canh
Gió hắt hiu lay động lá cành
Sương sớm long lanh che lửa đóm
Nhạn đàn tung cánh lướt trời thanh
Sáng ra lộ bóng cây cao vút
Trời tỏ in hình núi thẳm xanh
Một chiếc lá rơi trên mặt nước
Động Đình đồng cảm sóng lan quanh.


Phương Hà 

***
Thu Sớm


Suốt năm canh đàn ai réo rắt
Gió Tây làm lay lắt lá cành
Đóm tàn,sương sớm long lanh
Bên trời cánh nhạn lướt nhanh ngân hà
Ánh thái dương cũng vừa ló dạng
Nắng đầu ngày núi rạng xanh trong
Sông Hoài lá rụng xuôi dòng
Động Đình lan sóng chạnh lòng Thu xa

songquang
9/12/2018


Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Nắng Lụa Vàng - Nếu


Hoàng hôn xuống nắng dần sắp tắt 
Ánh lụa vàng tưới hắt lên hoa
Tuổi xuân vừa chớm hồn già
Thời gian lần lựa xót xa tháng ngày


Còn ai nữa nhẹ lay làn tóc
Ai dỗ dành tiếng khóc đêm thâu
Bao giờ trút nặng gánh sầu
Phút giây chờ đợi bền lâu tình dài

Ngày xưa ấy nhạt phai năm tháng
Bóng người còn lai vãng trong tim
Ngàn năm ảo mộng đi tìm
Hồn xưa sống lại gợi niềm trái ngang

Dây tình ái buộc ràng mọi ngõ
Ngỡ chiêm bao vọng rõ bước chân
Giật mình sực tỉnh tần ngần
Bên đời hiu quạnh bâng khuâng tơ trời

Kim Phượng
***
Cảm Tác

Nếu


Nếu mơ ước chỉ là cơn mộng
Ta cứ vùi vào mộng dệt mơ
Vùi vào trong đáy hồn thơ
Vùi vào trăng khuyết ngẩn ngơ lưng trời

Nếu cơn gió chẳng mời lá tới
Ta trải thân nằm đợi miệt mài
Chìm sâu trong cõi u hoài
Biết đâu tiếng lá sớm mai chợt về

dovaden2010 (DVD)

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Tìm Đâu


Bài Xướng:

Tìm Đâu


Đông sắp tàn người tận mãi đâu
Thơ khuya ngâm lạnh những dòng sầu
Mượn trăng dẫn lối trăng chìm khuất
Gọi mộng đưa đường mộng lắng sâu
Ai đã vội vàng dời gót ngọc
Để người quyến luyến động rèm châu
Thân tầm thoát kiếp tơ còn vướng
Khép kín cửa lòng có dễ đâu

Kim Phượng
***
Các Bài Họa:


Xuân Ở Đâu?


Thu ở nơi này, xuân tận đâu?
Bao nhiêu nhung nhớ bấy nhiêu sầu
Đêm chờ đằng đẵng từng canh vắng
Ngày đợi mỏi mòn mỗi khắc sâu
Mắt hết long lanh ngàn mộng ước
Mi đà ngân ngấn những dòng châu
Hạ tàn, thu úa rồi đông đến
Xuân vẫn xa vời, mãi tận đâu?

Phương Hà 
***
Chớm Thu


Hè qua người vẫn biệt đâu đâu,
Cô lẻ riêng ai vẫn nặng sầu.
Cuối hạ heo may ve bặt tiếng,
Chớm thu se lạnh mộng chìm sâu.
Tang bồng bốn bể lòng như nhạn,
Vò võ khuê phòng lệ tựa châu.
Thỏa chí bình sinh chi có biết,
Thẩn thờ trâm lệch nhớ về đâu.

Đỗ Chiêu Đức
***
Bạn Ở Đâu


Hạ tàn Thu chớm bạn nơi đâu
Thấy nhớ bâng khuâng nhỏ lệ sầu
Những tưởng Vu Lan ta hẹn ước
Nào hay mây gió giấc nồng sâu
Chiêm bao thấp thoáng em dời gót
Tỉnh mộng mơ hồ mắt đẫm châu
Xa khuất người yêu nghe bối rố
Một mình thui thủi có ai đâu...

Mai Xuân Thanh
Ngày 23/08/2018
***
Mưa Gió Tây Nguyên

Thu tới buồn tênh ngóng tận đâu
Trăng đi biệt mãi khuất mây sầu
Hời trăng trở lại cho thêm lạnh
Trăng khuất đầu non núp biển sâu
Ta vẫy mây mờ tìm tri kỷ
Rèm mây che khuất mây giòng châu
Gió ơi lượn mãi phương trời bão
BÃO giật phương này chứ ở đâu

Chân Diện Mục
Bảo Lộc 24-8-2018
***
Quán Vắng Đêm Thu

Lầu không hoàng hạc bỏ đi đâu?
Để sáo bên sông trổi khúc sầu.
Thuyền khách lững lờ sông nước lạnh,
Sao trời lấp lánh mắt đêm sâu.
Âm thầm tơ liễu muôn dòng lệ,
Nặng trĩu sương cành những giọt châu.
Quán vắng đèn khuya thao thức mãi
Tiếng thu xào xạc, cố nhân đâu?

Mailoc
8-24-18
***
Biết Tìm Đâu???

Vần thơ viết vội gởi về đâu ?
Để cạn vương mang vạn nỗi sầu
Duyên dẫu chưa tròn câu ước thệ
Tình đà giữ ý mối ân sâu
Niềm mong khôn giãi bày tâm sự
Nổi nhớ càng khơi gợi giọt châu
Khắc khoải thâu đêm ngày tái ngộ
Bao nhiêu nhung nhớ...thấm gì đâu!

songquang
***
Tìm Đâu?

Một thuở an bình nay hỏi đâu,
Cho thu chừng đến giảm đi sầu?
Cảnh đời lữ khách càng tô đậm
Kiếp sống tha hương mãi lún sâu.
Những muốn cao bay cùng bốn biển
Rất mong hướng tới với năm châu
Hầu vui tuổi hạc quên sân hận
Một thuở an bình nay hỏi đâu?

Thái Huy
31/8/18

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

Phượng


Hoa nắng thả hồn rơi mấy lượt
Lay cành gió lướt phượng lim dim


Kim Phượng


Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Thu Buồn


Bài Xướng:


Thu Buồn

(Cảm hứng qua câu nhạc của cố n/s LMB)

Thu đến làm chi gợi nỗi buồn
Khi nhìn xác lá cứ dần buông
Dòng đời nghiệt ngã vì giông bão
Lẽ sống lao đao bởi gió cuồng
Người mãi say sưa bờ bến rộng
Ta đành ôm ấp mối tình suông
Lòng sầu nặng trĩu phương trời khách
Khắc khoải tâm tư dạ nhớ nguồn

songquang
(mùa Thu 2018)
***
Bài Họa:

Thoáng Buồn


Bỗng thấy bâng khuâng một thoáng buồn
Khi mùa thu đến nắng chiều buông.
Quê hương tan tác khơi sầu hận,
Nỗi nhớ miên man dậy sóng cuồng.
Bàng bạc sân ngoài sương móc trắng,
Mơ hồ vườn vắng ánh trăng suông.
Ngổn ngang trăm mối tơ lòng héo
Đất khách bao năm khắc khoải nguồn.

Mailoc
9-21-18
( Cali vào thu 2018 )
***
Thu Cảm

Mùa thu ảm đạm cũng vui buồn
Tuổi trẻ nhìn trăng tỏa sáng buông
Trai tráng nề chi cơn bão táp
Cao niên trải nghiệm trận phong cuồng
Ngủ ngon một giấc ai nhiều chuyện
Say khướt vài chung bạn nói suông
Một gánh túi thơ nơi đất khách
Hai vai bầu rượu trở về nguồn

Mai Xuân Thanh

***
Nỗi Lòng Người Xa Xứ


Lòng mãi bâng khuâng thổn thức buồn
Khi trời nhạt nắng, ánh chiều buông
Chim về tổ ấm bay thanh thản
Ta lạc quê hương, gọi cuống cuồng
Thuyền cứ lênh đênh bờ bến lạ
Tim hoài nung nấu ước mơ suông
Bao giờ trở lại thời xưa ấy
Được sống an vui giữa cội nguồn.

Phương Hà

***
Hành Trang Cuộc Sống


Hành trang cuộc sống dẫu vui buồn
Đi hết với đời chớ vội buông
Quá khứ nào đâu toàn lối mộng
Tương lai không chắc khỏi mưa cuồng
Chi bằng hiện tại niềm vui trọn
Chớ để tháng ngày giấc ước suông
Đã được làm người trong cõi thế
Tình yêu muôn thuở trở về nguồn

SMLL
9/22/18
***
Thu Buồn

Còn đâu dáng mỏng nét u buồn
Dưới nắng thu vàng suối tóc buông
Nhan sắc đắm say chừng trí loạn
Tâm tư chao đảo đến tâm cuồng
Bận lòng chi nữa câu đoan thệ
Đã quyết quên rồi tiếng hứa suông
Bến cũ đò xưa ai lỗi hẹn
Tình em con nước mãi xa nguồn

Kim Phượng
***
Mùa Thu Xa

Mùa thu đang thấp thoáng u buồn
Nghe mãi từ đâu tiếng sáo buông
Từng chiếc lá bay, như mất mát
Mỗi lần trà cạn , lại si cuồng
Hoàng hoa vương vấn màn sương biếc
Tình mộng mơ màng giọt lệ suông
Có phải trăm năm vào huyễn ảo
Nên thơ hoang vắng bỏ trên nguồn ...

Hawthorne Sept - 24 - 2018
Cao Mỵ Nhân



Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Nhà Sư, Con Của Tỷ Phú Đi Khất Thực



      Nhà sư đang khất thực trong hình là con trai duy nhất của tỷ phú giàu thứ 2 Asean, ông Ananda Krishnan cũng là chủ tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur.

      Khoảng hơn 10 năm trước, tỷ phú bỗng dưng mất liên lạc nên khởi sự đi tìm con. Tại một ngôi chùa ở miền Bắc Thái Lan, ông sững sờ khi nhìn thấy con mình bận áo vàng với bình bát trong tay. 
Khi ông đến để mời con mình cùng đi ăn thì anh ấy đáp: Xin lỗi, con không thể nhận lời mời của cha được. Giống như các bạn đồng tu, con phải đi khất thực mà ăn.”
Sững sờ, người cha có tài sản 10 tỷ USD này nói:“Với tất cả tài sản của tôi, tôi vẫn không thể nuôi con tôi.”
      Nhà sư trẻ Ajahn nói trên vốn có quê mẹ tại Thái Lan. Trong một chuyến trở về thăm quê, theo phong tục Thái Lan thì các thanh niên, tuy không bị bắt buộc vẫn gia nhập Tăng đoàn trong một thời gian ngắn trước khi trở lại đời sống trần tục. 
Ajahn khi đó mới 18 tuổi. Vốn trưởng thành và thụ hưởng nền giáo dục Anh, nói được 8 ngoại ngữ nên đầu óc rất cởi mở. Anh quyết định gia nhập tăng đoàn tạm thời và cảm thất rất vui. Đây là lần đầu tiên mà anh tiếp xúc với Phật giáo, một khái niệm mới mẻ. 
      Nhưng không ngờ thời gian ngắn ngủi đó đã hoàn toàn làm anh thay đổi suy nghĩ về Đạo phật và cuộc sống của các vị tu sĩ. Chương trình dự trù chỉ sống đời tu sĩ trong hai tuần lễ nào ngờ đã trở nên vĩnh viễn. Anh đang tu ở trong một Thiền viện ở Thái Lan với 60 tu sĩ khác. Nhà sư đã từ chối cơ hội làm việc để khuyếch trương gia tài của cha mình.
      Theo truyền thống Theravada thì người tu chỉ ăn có một lần trong một ngày vào trước 12 giờ trưa. Sau giờ này thời không được phép ăn thêm một thứ thức ăn nặng nào khác nữa. Nhưng Ajahn vui vẻ chấp nhận và nay đã ẩn tu trong một tu viện giữa rừng sâu . Điều đáng nói là tỷ phú rất tôn trọng sở nguyện của con và thường xuyên đi thăm con khi có thể.
      Câu chuyện cho thấy với con trai của tỷ phú Ananda Krishnan, tiền bạc và của cải không khiến cho anh đạt được hạnh phúc và thỏa mãn thực sự mà quyết tâm buông bỏ để tìm tới sự an bình bên trong mới là mục tiêu tối thượng của nhà sư trẻ này.

      Chợt nhớ một câu của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Dù cho dân số năm tỷ người hiện đang sống trên trái đất này trở thành triệu phú hết, nhưng thiếu vắng sự an lạc nội tâm thì con người vẫn không thể có sự bình an và hạnh phúc lâu dài”.

Kim Phượng Sưu Tầm


Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

tanka 14


đêm thu
màn mây che phủ
âm u
vầng trăng ủ rũ
buông hồn lãng du…

dovaden2010
Trung Thu 2018
***
Cảm Tác:

thu về
mơ hồ trong đêm
xa vắng
trả hết cho người
tơi bời lá rơi

Kim Phượng

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Thôn Nam Sơn Tiểu Khế - 村南山小憩 - Chu Văn An - 朱文安


村南山小憩                    Thôn Nam Sơn Tiểu Khế

閑身南北片雲輕,        Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,
半枕清風世外情。        Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.
佛界清幽塵界遠,        Phật giới thanh u, trần giới viễn, 
庭前噴血一鶯鳴。        Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.

朱文安                           Chu Văn An

Dịch Nghĩa:

Thân nhàn như đám mây nhẹ bay khắp nam bắc,
Gió mát thổi bên gối, tâm tình để ngoài cuộc đời.
Cõi phật thanh u, cõi trần xa vời,
Trước sân, hoa đỏ như máu, một chiếc oanh kêu.

Dịch Thơ:

Núi Thôn Nam Tạm Nghỉ

Thân như mây bềnh bồng nam bắc 
Nửa gối trăng gió mát tâm an. 
Thanh u cõi Phật, lánh trần, 
Oanh kêu, hoa rỏ máu loan sân ngoài 

Mailoc
*** 
Các Bài Dịch Khác:

Núi Thôn Nam Nghĩ Chân 

Thân tựa mây bồng bềnh bay Nam Bắc 
Bên gối trăng tâm xao nhãng sự đời 
Tìm cõi Phật, đường trần nên xa lánh 
Nghe tiếng chim,nhìn hoa nở thảnh thơi 

songquang 
*** 
Tạm Nghỉ Ở Thôn Nam

Nhàn nhã như mây nhẹ nhõm trôi 
Hiu hiu gió mát dạ an thơi 
Thanh u cõi Phật xa trần thế 
Hoa đỏ nhuộm sân, nhạn cất lời. 

Phương Hà 
*** 
Tạm Nghỉ Ở Một Thôn Của Sơn Nam 

Nhàn nhã tợ mây trôi khắp nơi
Gió lùa gối mộng tạm xa đời 
Thanh u cõi phật so trần thế 
Oanh hót sân ngoài chẳng lúc ngơi 

Kim Phượng 
*** 
Thôn Nam Sơn Tiểu Khế 

村南山小憩            Thôn Nam Sơn Tiểu Khế 

閑身南北片雲輕, Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,
半枕清風世外情。 Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.
佛界清幽塵界遠, Phật giới thanh u trần giới viễn,
庭前噴血一鶯鳴。 Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.

朱文安                     Chu Văn An

* Chú Thích:

- Khế 憩: là nghỉ ngơi, Nghỉ mệt. Tiểu Khế 小憩 : là nghỉ xả hơi một chút.
- Nhàn Thân: Tấm thân nhàn hạ.
- Bán Chẩm: là Nửa gối.
- Phún huyết: là Phun máu, mửa máu.

* Nghĩa Bài Thơ:

Nghỉ Tạm Ở Một Thôn Của Nam Sơn

Vì bản thân nhàn rổi nên như đám mây nhẹ trôi từ nam đến bắc. Làn gió mát thổi nhè nhẹ bên gối, tâm tình lâng lâng như vượt khỏi cuộc đời nầy. Cỏi Phật rất thanh tịnh u nhã như xa hẵn cỏi trần. Trước sân một con chim oanh hót đến mửa máu ra (vì phải mang cái nghiệp ca hót của cõi trần thế!).

* Diễn Nôm:

Thân nhàn nam bắc dõi mây xa,
Nửa gối ngoài đời gió thoảng qua. 
Cỏi Phật thanh u xa cõi tục, 
Ngoài sân mửa máu một oanh ca! 

Lục bát:

Thân nhàn nhẹ tựa mây bay,
Thoát tình nhân thế gió lay gối đầu. 
Lánh trần cỏi Phật thanh u, 
Trước sân nặng nghiệp máu trào oanh ca!

Đỗ Chiêu Đức 


Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Ngập Ngừng - Bao Giờ


Bài Xướng:

Ngập Ngừng ...


Một mình … bến lở bờ hoang
Hoàng hôn lặng lẽ tím loang một màu
Nhói đau ! Bất chợt nhói đau !
Con cá đã lặn, cỏ lau cũng dừng
Ở? Về? Sao mãi ngập ngừng ...
Vầng trăng khuyết lạnh, lưng chừng sông tương …
Phải chăng cũng một vấn vương?
Phải chăng cũng một nhớ thương não nề?
Sương thu nhòa nhạt câu thề
Bao giờ cho hết ê chề , đắng cay?
Vòng tay ! Hụt hẫng vòng tay…

dovaden2010 – 18/9/2018
***
Bài Họa:

Bao Giờ


Lòng đây một nấm mộ hoang
Như hoa phấn nhụy lỡ loang úa màu
Còn đây ray rức nỗi đau
Vườn tâm cỏ đã rẽ lau lách dừng
Nhạc lòng réo rắc không ngừng
Thuyền hồn bến đợi ấy chừng bến Tương
Kiếp tầm kéo sợi tơ vương
Dâu xanh trải lá trót thương chớ nề
Còn duyên giữ lại nguyện thề
Cho ân tình hết ê chề chua cay
Bao giờ tay lại trong tay

Kim Phượng


Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Bóng Người Chung Trăng



Bài Xướng:

Bóng Người Chung Trăng


Mảnh trăng vằng vặc tợ như gương
Soi thấu tình chăng những đoạn trường
Sóng mắt hồ thu chưa ráo lệ
Dòng tơ định mệnh khép yêu đương
Luyến lưu chi thế mà lờ lững
Tơ tưởng xua hoài mãi vấn vương
Thuở ấy xa rồi mùa trăng cũ
Có còn lưu bóng kẻ chung đường

Kim Phượng
***
Các Bài Họa:

 Lỡ Hết Đường


Vành vạnh trăng soi tợ mặt gương
Sao hôm tinh tú suốt canh trường
Thương ai ngóng đợi mau đoàn tụ
Nhớ thiếp chờ mong chóng đảm đương
Hờ hững làm chi xa mới lững
Tương tư bận bịu lại tơ vương
Buổi xưa lưu luyến còn chung lối
Nay lỡ xa nhau cũng hết đường!

Mai Xuân Thanh
Ngày 02/10/2018
***
Lạc Mất Nhau

Gương vỡ lại lành,lại vỡ gương
Tình chia khổ lệ đọng miên trường
Tàn phai cổ độ người xưa thấm
Khó nhọc phương trời khách lữ đương
Giang hải muôn bề xô sóng vỗ
Dâu tằm một kiếp cuộn tơ vương
Trời quê vẫn đó trăng hò hẹn
Hai nửa tìm nhau lạc mất đường!

Lý Đức Quỳnh
***
Họa Vận:

Bóng Người Chung Gương


Có còn lưu luyến kẻ chung gương,
Thuở ấy xa xôi đoạn cả trường.
Tơ tưởng xua hoài mà vẫn nhớ,
Luyến lưu chi lắm mãi còn vương.
Dòng tơ định mệnh không người đãm,
Sóng mắt hồ thu chẳng kẻ đương.
Soi thấu tình xưa ngày tháng cũ,
Mảnh trăng vằng vặc bước bên đường.

Đỗ Chiêu Đức
***
Nhìn Trăng Nhớ Người


Vằng vặc vầng trăng sáng tựa gương
Cùng người từng ngắm cả đêm trường
Thầm thì hẹn ước luôn chung thủy
Thủ thỉ thề nguyền mãi luyến vương
Thuở đó kề vai bên ánh nguyệt
Bây giờ cách mặt rẽ đôi đường
Duyên tơ định mệnh trời cay nghiệt
Lạc phím chùng dây yêu với đương

Songquang
10/3/18
***
Lẻ Bóng


Thờ thẫn đêm ngày biếng lược gương
Nhìn trăng trằn trọc suốt canh trường
Gượng vui, con cái lo chăm sóc
Nuốt lệ, việc nhà gắng đảm đương
Mưa gió ngoài trời, thân buốt giá
Bão bùng trong dạ, mắt sầu vương
Tâm tư khôn tỏ cùng ai được
Chẳng thấy niềm vui ở cuối đường.

Phương Hà
***
BóngNhỏ Đường Xưa


Dõi ánh trăng rằm tựa mảnh gương
Vàng tia sáng rực toả canh trường
Chờ âm điệu loãng cung trầm lắng
Đợi khúc ca chìm quãng nhớ vương
Cuộc sống thời qua trôi ổn định
Hoa màu tóc điểm cảm sầu đương
Người xưa áo đỏ chiều say nắng
Vóc nhỏ tìm ai đẫm bụi đường.

+

Vóc nhỏ tìm ai đẫm bụi đường
Bên hào rực sắc đỏ chiều vương
Vờn bay tóc lọn vùng hoang dã
Quấy nhiễu đồn sâu ảnh lạ thường
Ánh hoả châu vàng soi dãn mộng
Nhân tình thế loạn dẫm nhòa sương
Ngày em lạc bước dòng di tản
Thệ giữ màu hoa cảnh chiến trường.

Mai Thắng – 181004
***
Đêm Nay Dưới Nguyệt


Trăng rằm trong vắt họ soi gương
Hoan hỉ, ngây thơ tạm biệt trường.
Kẻ nẻo rừng sâu gìn chữ tín
Người nơi biển cả giữ tơ vương.
Từng cùng tinh tiến nghề ham muốn
Đâu thể lơ là nhiệm đảm đương.
Đành lỡ đôi ba lần hẹn gặp
Đêm nay dưới Nguyệt ngọt hơn đường .

Trần Như Tùng

***
Ẩn Ức


Trăng xanh vời vợi nguyệt lồng gương
Gợi bóng hình ai thức mộng trường
Hẹn ước đá vàng thời giậy sắc
Nguyện thề cầm sắt thuở thì đương
Môi say đắm đuối nao lòng nhớ
Lửa bén nồng nàn níu dạ vương!
Ẩn ức in sâu bao kỷ niệm
Trăng côi lạnh lẽo rụng bên đường!?

Nguyễn Huy Khôi
4-10-2018
***
Ngùi Nhớ Trăng Xưa

Đêm xưa cùng ngắm mảnh trăng gương
Nào biết nào hay cuộc hí trường
Đôi mái đầu xanh say ánh nguyệt
Một hồn mộng thắm dệt tơ vương
Hẹn thề duyên nợ bền giai ngẫu
Nguyện ước ba sinh trọn bước đường
Hình bóng uyên ương chừ biệt tích
Tình xuân nỡ dứt lòng sao đương?

Yên Nhiên
***
Nhỡ Vỡ Gương Trăng


Đêm nay khoát nước vỡ trăng gương
Đánh mất tình tôi, lạc hướng đường
Kẻ ở bên nầy ôm gối chiếc
Người nơi phương ấy ấp tơ vương
Gượng vui, nhặt lại từng manh vụn
Nuốt lệ,gom chung mộng hí trường
Bóng nguyệt tan tành sao gắn được ?
Thôi đành....sóng vỗ mất sầu đương...

Song MAI Lý Lệ

***
Bóng Người Chung Trăng


Ai đó vẫn còn nửa mảnh gương
Mà soi thổn thức những đêm trường
Đôi bờ viễn xứ lo bươn chải
Một gánh oằn vai phải đảm đương
Tủi phận ba sinh đà sớm gãy
Nhớ người hơi hướm hãy còn vương
Chung vầng trăng tím treo từ đó
Bóng cũ tìm đâu vạn nẻo đường?

Cao Linh Tử
5/10/2018
Chúc chị Phượng mãi an vui!


Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Nắng Lụa Vàng


Hoàng hôn xuống nắng dần sắp tắt
Ánh lụa vàng tưới hắt lên hoa
Tuổi xuân vừa chớm hồn già
Thời gian lần lựa xót xa tháng ngày

Còn ai nữa nhẹ lay làn tóc
Ai dỗ dành tiếng khóc đêm thâu
Bao giờ trút nặng gánh sầu
Phút giây chờ đợi bền lâu tình dài

Ngày xưa ấy nhạt phai năm tháng
Bóng người còn lai vãng trong tim
Ngàn năm ảo mộng đi tìm
Hồn xưa sống lại gợi niềm trái ngang

Dây tình ái buộc ràng mọi ngõ
Ngỡ chiêm bao vọng rõ bước chân
Giật mình sực tỉnh tần ngần
Bên đời hiu quạnh bâng khuâng tơ trời

Kim Phượng

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Đôi Mắt Ấy - Người Trong Tranh


Đôi Mắt Ấy

Trong đôi mắt nỗi buồn hoang dại
Thăm thẳm sâu kia giấc mộng huyền
Tuồng thục nữ đông phương yểu điệu
Giọt u tình diễm lệ thêm duyên

Kim Phượng
***
Cảm Tác:


Người Trong Tranh

(Tranh minh họa hút hồn tôi đặt bút
Mượn văn-từ K...P....viết thành thơ)

Đôi mắt ấy
                 thu nhỏ một tuổi hồng thơ dại
Từ đáy sâu
                 toả chiếu những tia sáng ảo-huyền
Người thiếu nữ
                        dáng thanh tân bước chân yểu điệu
Nhìn thời gian trôi
                              qua màn lệ lỡ tơ duyên. 

ChinhNguyên/H.N.T. Sep.28.2018

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Trường Tín Oán - 長信怨 - Vương Xương Linh - 王昌齡


Trường Tín Thu Từ của Vương Xương Linh gồm ba bài, nhưng bài giữa là bài hay nhất và có nhiều người biết nhất, bài nầy còn có tên là Trường Tín Oán, được trích trong số 300 bài của tập Đường Thi Tam Bá Thủ. Bây giờ thì ta cùng đọc bài thơ nầy nhé!

長信怨                      Trường Tín Oán

王昌齡                      Vương Xương Linh

奉帚平明金殿開, Phụng trữu bình minh kim điện khai,
暫將團扇共徘徊。 Tạm tương đoàn phiến cộng bồi hồi.
玉顏不及寒鴉色, Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc,
猶帶昭陽日影來。 Do đái chiêu dương nhật ảnh lai

Chú Thích:

1. Trường Tín, Chiêu Dương: Tên của 2 cung trong hoàng cung của nhà vua.
Trường Tín Oán: là nỗi oán hờn trong cung Trường Tín.
2. Phụng Trữu: Phụng : là bưng, là cầm. Trữu: là cây chổi.
3. Tạm Tương: Tạm : là đở, là tạm thời. Tương: là đem, là lấy. Tạm Tương ở đây có nghĩa là Cầm đở, không có cái gì để cầm thì cầm tạm cái gì đó.
4. Đoàn Phiến: Đoàn : là tròn trịa, Phiến là cây quạt. Đoàn Phiến là Cây quạt hình tròn.
5. Ngọc Nhan: là chỉ Dung nhan đẹp như ngọc, thường dùng để ví với nhan sắc của các giai nhân người đẹp.
6. Hàn Nha: Hàn là Lạnh, Nha là Con Quạ. Hàn Nha là Con quạ lạnh lẽo trong đêm thu.
7. Do là Liên từ, có nghĩa là Còn. Đái: là mang, là xách, là dẫn dắt.
8. Nhựt Ảnh: là Bóng mặt trời, ở đây có nghĩa là Ánh Nắng, ánh sáng mặt trời.

Dịch Nghĩa:

Cầm cây chổi để quét lá thu vàng rụng trong buổi bình minh khi điện vàng vừa mở cửa,( sau đó ) nàng mân mê cánh quạt lụa tròn theo thói quen cầm tay, nhưng đã hết công dụng trong mùa thu mát mẻ nầy. Oán hận vì thương cho nhan sắc đẹp như ngọc của mình lại không bằng được con quạ lạnh lẽo trong đêm vừa bay đến, vì con quạ tuy lạnh lẽo, nhưng còn mang được ánh nắng ấm áp của điện Chiêu Dương, nơi mà nhà vua đang ngự, còn mình thì....

Diễn Nôm:

Điện vàng, tay chổi, sáng mờ sương,
Quạt lụa bâng khuâng nỗi đoạn trường,
Vẻ ngọc không bằng con quạ lạnh,
Còn mang ánh nắng điện Chiêu Dương!

Lục Bát:

Điện vàng mở, chổi cầm tay,
Bâng khuâng quạt lụa ai hoài xót thương.
Không bằng quạ lạnh kêu sương,
Còn mang ánh nắng Chiêu Dương đến gần


Đỗ Chiêu Đức.

Trường Tín Oán

Trường Tín ban mai quét lá vàng
Tay nâng quạt lụa nghĩ miên man
Hận thay quạ lạnh hơn nhan sắc
Hưởng nắng Chiêu Dương cạnh thượng hoàng


Kim Phượng


Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Cô Liên, Thơ Ký Trường Nguyễn Trường Tộ


Mỗi khi nhớ đến trường Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long, tôi luôn luôn nghĩ tới cô Liên, thơ ký của trường; vì vào một buổi sáng thứ Hai, giữa niên học (1955-1956), hôm đó không biết vì một lý do nào đó, tôi đã đến trường sớm hơn mọi ngày. Vừa bước vào cổng trường tôi đã thấy cô Liên, từ bên nhà Cha Hiệu Trưởng băng qua cuối nhà thờ, một tay cầm cuốn sổ , một tay cầm khăn lau nước mắt!

Tôi đoán cô đã làm gì sai sót về kế toán hay điểm tháng của học sinh mà bị Cha Hiệu Trưởng khiển trách nặng lời nên cô mới khóc như thế! Thấy vậy tôi cũng dơm dớm nước mắt, vội ngoảnh mặt nhìn ra dòng sông Cổ Chiên, nước chảy cuồn cuồn, để che giấu cảm xúc của mình. Tôi thầm nghĩ phải chăng các bậc tu hành hay bẳn tính, nóng nảy, cáu kỉnh?
Tôi nhớ lại hồi đầu năm, Linh Mục Hiệu Trưởng, các giáo sư và toàn thể nhân viên của trường tổ chức đi ăn tôm nướng tại nhà một giáo sư bạn bên cồn (cù lao Long Hồ); Vĩnh Long rất nổi tiếng về món ăn này! 
Điều làm tôi không bao giờ quên cô Liên, vì trước khi tới nhà người bạn nói trên, chúng tôi phải qua một chiếc cầu khỉ bắc ngang một con kênh nhỏ; cầu làm bằng một cây dừa khá lớn nên không có tay vịn; ai đi qua đều phải giang hai tay, đưa lên đưa xuống để giữ thăng bằng. Mấy người đàn ông như tôi đều đã qua cầu một cách dễ dàng; nhìn lạ
i sau, thấy cô thơ ký đang loay hoay, tay cầm dép, tay giơ khỏi đầu, lưỡng lự không dám bước sang; tôi vôi trở lại, nắm chặt tay, từ từ dẫn cô bước qua cầu. Đây là lần đầu tiên tôi cầm tay một người khác phái; một cảm giác âm ấm, âm ẩm truyền sang tay tôi; lúc đó tôi bị xúc đông đặc biệt, như chưa từng bao giờ thấy! 

Từ đó mỗi khi tới trường, gặp lại cô Liên tôi tự thấy không được tự nhiên như trước. Tôi bắt đầu để ý, và nhận ra rằng sự siêng năng cần cù trong công việc trường của cô làm tôi rất thán phục. Nhưng rồi vì một lý do riêng, tôi phải rời khỏi trường Nguyễn Trường Tộ sang trường Nguyễn Thông dạy, ít có dịp gặp lại cô Liên, và tình cảm mới chớm nở của tôi với cô đã dần dần biến mất. “Cách mặt xa lòng” là thế!

Thạch Trong (HĐN)
Ảnh : Do Thầy Thạch Trong (HĐN) cung cấp.