Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Mùa Ve Sầu


Gió vô tình
thả cánh Phượng tươi
Nhặt hoa rơi vang tiếng em cười
Lung linh nắng ấm đầm đầm sắc
Thêm nhiều cánh nữa rơi tả tơi
Ngây thơ
đem ép vào cuối vở
Hoa khơi mào thảo bút
mực dần vơi
Phượng sắc máu loài hoa chia ly
Sân trường vắng bóng
Người đã đi!?
Gió lại đến gió từ phương xa
Lay lay nhè nhẹ những chòm hoa
Dư âm não nuột ve oằn tiếng
Lòng rối…
Hoa ơi!
Nói chẳng đủ lời
Mượn thơ trao tình nào ai hiểu
Ghi vào lưu bút một tiếng
Yêu!


Kim Phượng
Ngày Đầu Hạ Úc Châu
1.12.2020


Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Đoạn Kết - Sao Quên

Bài Xướng:


Đoạn Kết


Ta chẳng thể còn đến với nhau
Hương xưa mộng cũ đã phai màu
Vu Sơn bao giấc đà đong đủ
Những cánh tình thơ cũng nát nhàu
Luyến tiếc mà chi thêm nặng gánh
Vấn vương càng khiến dạ oằn đau
Thôi thì chấp nhận đời hai ngã
Duyên phận lỡ rồi hẹn kiếp sau.


Quên Đi
***
Bài Họa:

Sao Quên


Làm sao quên được để xa nhau
Để bóng hình kia chóng nhạt màu
Kẻ ngỡ ngàng trào tuôn ngấn lệ
Người thờ thẫn tựa lấy cành nhàu
Hẹn xưa vẫn nặng niềm nhung nhớ
Thề cũ không nguôi nỗi đớn đau
Đã nhủ quên nghe lòng chợt ấm
Hương trầm thắp nốt hẹn đời sau

Kim Phượng


Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Tia Nắng Ấm



Cứ ngỡ nắng tàn theo cuối ngày
Ai xuôi gửi nắng nhẹ lùa mây
Hong tình đơn lạnh thôi giá buốt
Huyễn mộng xa dần thả cao bay

Cám ơn người vạt ấm choàng vai
Lung linh bóng nắng trải lối đầy
Dấu hài gót thắm vang âm vọng
Một chút ý tình…

Kim Phượng

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Thu! Hỡi Thu

          Ảnh Kim Phượng

Bài Xướng:

Thu!

Trên cành chiêm chiếp cánh chim nâu
Man mác hồn thu vạn cổ sầu!
Ngõ tối bên hè xào xạc trúc
Mưa chiều trên mái não nề ngâu.
Gió hiu hắt gió rừng vàng lá
Mây chập chùng mây núi bạc đầu.
Rét mướt đã nghe về vạn nẻo
Quê nhà lũ lụt nỗi thương đau!


MaiLoc
11-15-2020
***
Bài Họa:

Hỡi Thu


Thu chuyển mùa sang những cánh nâu
Trên môi thu úa dạ thu sầu
Tràn mi ngấn lệ đong niềm nhớ
Động bút trang tình trải giọt ngâu
Buồn hắt hiu buồn giây phút cuối
Nhớ da diết nhớ buổi ban đầu
Trăm năm chữ hẹn chờ duyên kiếp
Chôn chặt tim này một nỗi đau

Kim Phượng

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Trời Hành Cơn Lụt Mỗi Năm

1.

                     "Quê hương em nghèo lắm ai ơi,
                     "mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn
                     "Trời rằng,
                     "trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi,
                     "khiến đau thương thấm tràn,
                     "lấp Thuận An để lan biển khơi,
                     "ơi hò ơi hò. (Tiếng Sông Hương - Phạm Đình Chương)

    Năm 1963, đơn vị cha tôi chuyển ra Quảng Ngãi yễm trợ cho sư đoàn 25 bộ binh. Thế là bốn mẹ con cũng thu tóm khăn gói lên đường theo ông. Khu gia binh thuộc tiểu khu đã chật kín, mấy mẹ con đành phải mướn tạm căn nhà gần cuối đường Quang Trung, hướng phía sông Trà Khúc. Hơn nữa sống bên ngoài mẹ tôi còn có cơ may buôn bán nhỏ, đồng ra đồng vào nuôi con. Dựa vào đồng lương cha tôi, chưa hết tháng là bốn mẹ con đã cạn tiền, hết gạo. Hơn nữa cuộc chiến tranh càng ngày càng leo thang khốc liệt, tiếng đạn pháo vọng về, ánh lửa hỏa châu đêm nào cũng "đì đùng" nổ và soi sáng cả khoảng trước sân nhà... Những năm tháng đó, mẹ tôi mới ngoài ba mươi, vẫn còn mặn mòi nhan sắc, buôn bán đắc hàng. Mỗi lần vào tiểu đoàn nhận lương chồng hay đồ quân tiếp vụ hằng tháng, mẹ đều được người chở về tận nhà bằng xe "dzíp" của quân đội! Dãy nhà bốn căn, liền vách có sân trước rộng rãi đủ cho bà xuống ghế kê kệ bán đồ tạp và chè cháo. Năm đó tôi vào học lớp nhì trường nam tiểu học Quảng Ngãi. Lúc đầu tôi không nghe được nhiều lời dạy của cô giáo cũng như mấy đứa trẻ cùng khu nhà ở. Dần dà "nghe miệt" rồi cũng quen. Hơn hai năm ở miền trung là cả hai năm tôi đều chứng kiến bao cảnh lũ lụt hằng năm. Nước ngập rất cao, cả khu nhà mướn phải thu dọn, tản cư vào các liều do sư đoàn dựng tạm, cứu trợ ở sân vận động thị xã. Cuối năm 1965, cha tôi được chuyển về sân bay Biên Hòa, thuộc căn cứ Long Thành. Gia đình lại cuốn gói giả từ miền trung, giả từ xứ Quảng để trở về miền sông nước. Sau lần đó, mẹ tôi quyết định không tiếp tục dắt con theo chồng nữa, mà về định cư hẳn quê nội, làng Bình Hòa Phước, huyện Chợ Lách, Vĩnh Long.

2.

     Vào khoảng cuối tháng 9, 2020 vừa qua, bắt đầu bằng cơn bão số 5 rồi số 6, 7... đến số 13 (bão Vamco) liên tục đổ bộ, càn quét gây lũ lụt nặng nề các tỉnh miền trung Việt Nam từ Phú Yên đến tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Những hình ảnh ghi nhận được trên các mạng xã hội, kênh YouTube và cơ quan truyền thông trong và ngoài nước: những cảnh tượng thương tâm của đồng bào, những thiệt hại nặng nề về con người và tài vật vùng tâm lũ (theo tin của CNN đến sáng ngày 18 tháng 11 đã có 160 chết và con số sẽ gia tăng trong những ngày tới). Tôi gửi điện thư và chuyển một số tiền nhỏ cho Hòa, cậu em rễ bác sĩ khoa máu tại bệnh viện Từ Dũ. Tùy Hòa sẽ đóng góp vào tổ chức từ thiện cứu trợ đồng bào miền trung. Hòa cho hay hội y sĩ thành phố đang quyên góp và vận động các y bác sĩ tình nguyện ra giúp đở, cứu trợ về mặt y tế. Sau các cơn bão lũ ngoài thực phẩm thì bệnh tật, truyền nhiễm sẽ là vấn đề nghiêm trọng rất lớn cho người dân ở các tỉnh vùng đó. Số tiền quyên góp được sẽ chi một phần nhỏ cho thực phẩm nhu yếu và phần lớn còn lại sẽ là thuốc men, dụng cụ y tế để khám bệnh, chăm sóc nhằm ngăn chận các nguồn dịch bệnh phát sinh sau lũ. Tôi tán thành và hứa sẽ ủng hộ hết lòng.


     

    Công cuộc quyên góp cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung được phát động mạnh mẽ trong đoàn thể quần chúng, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ cả trong và ngoài nước... Và liên tục trong vài tuần lễ đầu của việc thiện nguyện trực tiếp giúp đở đến người dân vùng lũ, gây nhiều sự quan tâm, chú ý là nữ ca sĩ Thủy Tiên. Qua các trang mạng xã hội, báo chí truyền thông, kênh YouTube,... ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp được số tiền lớn (lên đến 150 tỷ tiền VN - khoảng 6.5 triệu US) và trực tiếp trao đến tận tay người dân trong vùng lũ lụt. 

    Được biết ca sĩ Thủy Tiên là người Rạch Giá và có chồng là cầu thủ bóng đá nổi tiếng Công Vinh của đội tuyển Việt Nam. Đây cũng chính là điều gây cho tôi sự quan tâm, chú ý đặc biệt. Trước đó tôi chỉ nghe loáng thoáng tên và hầu như không biết nhiều đến cô. Tôi tìm và xem hầu hết những đoạn video đoàn thiện nguyện của Thủy Tiên qua kênh YouTube. Hình ảnh người ca sĩ cao ráo, xinh đẹp xăn quần lội nước vào tận những thôn làng xa xôi ngập lụt và tận tay trao từng thùng mì, từng bọc nhu yếu phẩm, từng tờ giấy bạc đến đồng bào vùng lũ thật đẹp, thật cảm động... Thôi thì cũng "chút thơm" lây, rằng tôi cũng từng dạy học và sinh sống ở tỉnh Rạch Giá dù chỉ qua thời gian ngắn. Lại là ca sĩ, tôi vào nghe Thủy Tiên hát một số ca khúc như Phố Đêm (Tâm Anh), Trộm Nhìn Nhau (Trầm Tử Thiêng), Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang (Vũ Đức Sao Biển),... Giọng hát cô cũng không tệ, xúc cảm chừng mực vừa đủ và làm tròn trịa bài hát. Nhưng để gây ấn tượng, nghe để nhớ thì tôi chưa tìm thấy được trong giọng hát này. Bây giờ ca sĩ trẻ trong nước mọc lên như nấm, không biết hết mặt hết tên, hát được như Thủy Tiên cũng đáng trân trọng. Hai điều kiện không thể thiếu để trở thành ca sĩ "sao" là thanh và sắc. Hầu như phần đông ca sĩ hiện nay dựa vào thế mạnh thế 2 nhiều hơn: "sắc". Mà sắc thì với khoa học thẩm mỹ hiện đại, mua cũng không khó gì. Còn thanh thì phải có, phải khổ công học hỏi và dày công luyện tập chứ không thể mua được. 
    Niềm vui đang dâng trào thì "lùm xùm" trên các báo chí truyền thông trong nước về ý kiến của Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ - bà Trương thị Ngọc Ánh), Hội Chữ Thập Đỏ và nghị quyết 64 của nhà nước Việt Nam về nguồn tiền cứu trợ của cá nhân quyên góp. Tôi không biết nghị quyết 64 nói gì, nhưng khi các cơn bão lụt gây bao cảnh tan thương, đói khổ cho người dân thì không thấy MTTQ, Hôi Chữ Thập Đỏ mặt mũi ra sao? Nhưng khi ca sĩ Thủy Tiên dầm mình vào vùng bão lũ cứu trợ đồng bào với số tiền quyên góp đến 150 tỷ, thì các tổ chức chính quyền lên tiếng "góp ý". Cho dù thế nào, mong rằng mọi nguồn lực từ thiện dù phát xuất từ đâu miễn đến tận tay đồng bào nạn nhân vùng bão lũ là đủ, là thể hiện tâm nguyện của người đóng góp. 
    Có điều làm cho tôi có chút "bất mãn" khi nhìn thấy bức ảnh của ông Lê Tấn Bản, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa, đi thị sát tình hình chống bão số 12 mà như đi du lịch, có cả người che dù (báo Lao Động). Nếu đem bức ảnh này để bên cạnh ca sĩ Thủy Tiên đi cứu trợ đồng bào lũ lụt miền trung thì thật là "phản cảm", khó lòng tin tưởng vào thái độ quan liêu của các lãnh đạo và các tổ chức chính quyền nhà nước.

3.

    Không phải chỉ riêng mấy tỉnh miền trung bị lũ lụt, mà nhiều tỉnh thành miền nam và tây nam bộ cũng ngập lụt cùng khắp. Từ thành phố Sài Gòn đến Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ,... các đường phố trong tỉnh cũng biến thành những khúc sông nhỏ. Tình hình ngập mặn của các tỉnh dọc theo ven biển cũng lên đến mức báo động. Các nhà vườn ở Gò Công, Bến Tre,... phải mua nước ngọt để tưới cây mong bão vệ được nguồn thu nhập, sinh sống hằng năm của gia đình. Nguồn tin trên các báo chí truyền thông trong và ngoài nước đề cập đến hai nguyên nhân chính cho vấn đề: việc xây đập thủy điện và nạn đốn rừng bừa bãi trong nhiều năm vừa qua. 

    Nhiều ý kiến trái chiều tranh cãi về việc xây các đập thủy điện ảnh hưởng đến nạn gây ngập lụt. Có luồng ý kiến cho rằng các công trình đập thủy điện giúp ngăn chận ngập lụt vì có thể điều khiển được nguồn nước xả từ thượng nguồn. Trái lại có ý kiến cho rằng vì lượng chứa của hồ thủy điện không đủ sức chứa nên thường xả nguồn nước tránh vỡ đập đã gây nạn lũ lụt trầm trọng dưới hạ nguồn. Cuộc tranh cãi vẫn chưa đưa đến kết luận cụ thể cho những ảnh hưởng việc ngập lụt hiện nay trên diện rộng của cả nước. Nhưng có điều được mọi người quan tâm và đồng ý là vấn nạn tàn phá, đốn rừng bừa bãi đã gây nên gập lụt nghiêm trọng trên toàn quốc.
Để xây các công trình đập thủy cũng phải đốn cây, phá rừng. Để xây các biệt thự, biệt phủ với nội thất toàn gỗ quý cũng phải đốn cây, phá rừng. Để thiết kế nội thất toàn bằng gỗ quý cũng phải đốn cây, phá rừng... Những căn nhà rộng bao la của các đại gia, quan chức và cả cơ quan nhà nước, chùa chiền cũng xài toàn đồ gỗ quý. Chừng như xài gỗ quý để xây nhà, trang trí nội thất, ngày nay trong nước mới thể hiện được đẳng cấp giàu sang, quyền thế và giới quý tộc của mình.

    Rừng là lá chắn, là sức hút và giữ lượng nước giúp chống lại những thiên tai bão lũ gây ra cho con người. Chuẫn bị kế hoạch phòng chống hằng năm là điều cần phải thực hiện của các cấp chính quyền địa phương và trung ương. Không phải đợi "nước đến chân" mới la hoảng, tìm cách đổ lỗi cho nhau và cho "ông trời"! 
    Trong suốt hai cuộc chiến tranh vừa qua, rừng Việt Nam vẫn ngút ngàn và tươi xanh dù hứng chịu biết bao nhiêu tấn bom đạn. Thế nhưng sau hòa bình, rừng càng lúc càng trơ trụi, cạn kiệt vì sự tàn phá và khai thác bừa bãi của con người. Hết đốn rừng làm chất đốt đến phá rừng mở nông trại, rồi hàng loạt đập thuỷ điện ra đời và thêm những căn biệt thư, biệt phủ được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ quý hiếm... Các cơn bão lũ là thiên tai, nhưng sự tàn phá thảm khốc cùng khắp đất nước là nhân tai, là do chính bàn tay con người tiêu hủy môi trường sống thiên nhiên không thương tiếc. Đồng lõa với những hành động tiêu hủy môi sinh là tội ác. Hình ảnh nói lên tất cả sự thật thay cho những lời biện minh, hãy nhìn vào hai bức không ảnh của rừng Việt Nam trên diện tích cả nước:

     Trước 1975                                                                Hiện nay

Mùa lũ năm 2020,
Nguyễn Hoài Nam


Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Anh Hàn Vân Phong

Kim Phượng vô xúc động khi nhận được tin anh

Hàn Vân Phong
Giáo Sư Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 1973
Đã vĩnh viễn ra đi lúc 12 giờ 40 ngày 20 tháng 11 năm 2020
Tang lễ sẽ  cử hành tại 550/2 đường Nguyễn Kiệm, Phường 4, Quận Phú Nhuận, Thành Phố Hồ Chí Minh.
Kim Phượng xin đồng hành, chia sẻ nỗi đau mất mát này cùng tang quyến và nguyện cầu Hương Linh anh Hàn Vân Phong  được đời đời an lành nơi miền vĩnh phúc
 
Thành Kính Phân Ưu
Lê Thị Kim Phượng
Giáo Sư Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 1973

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Một Đời Để Nhớ

Cô Phượng đứng trên "Cầu giao duyên" của trường Kỹ Thuật Vĩnh Long

Bụi thời gian chưa xóa mờ khung cửa
Soi thấu tình bao kỷ niệm xa xưa
Thương còn thương ôi nhớ mấy cho vừa
Áo xanh ôm trọn tuổi đời thơ dại

Trong giờ giảng em chìm say giấc ngủ
Vô tư theo từng nhịp thở thân quen
Phương trình công thức bụi phấn bảng đen
Quên tất cả chuyện sách đèn bỏ ngỏ

Kỹ Thuật Vĩnh Long trong tôi còn đó
Màu áo xanh kia gom cả mây trời

Chợt tình cờ nghe tiếng gọi cô ơi
“Cầu giao duyên”cánh phượng xưa bừng sống

Kim Phượng
Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2020

Vòng Tay Của Chữ

 Có những điều đơn giản như hơi thở
Như nhịp nào đưa máu chảy về tim
Như nụ hôn trong đôi mắt nhắm nghiền
Để hạnh phúc là những gì dâng hiến

Có những nỗi buồn như da thịt nghiến
Từng tế bào trong ký ức chìm sâu
Giọt lệ khô rơi, giọt lệ không màu
Sao thắm mặn tận bao lòng biển cả

Bàn tay nâng niu đêm thầm hương lá
Con chữ nào theo từng phím vuông sa
Có khuôn mặt người có cuộc tình ta
Anh dấu kín trong vòng tay của chữ

Em yêu dấu, một nơi nào cuộc lữ
Bước chân về qua con phố ngày xưa
Nơi có lẽ không còn nguyên vẹn nữa
Vết môi hằn vội vã buổi chiều mưa

Xin hẹn lại kiếp nào mây trắng ngụ
Một góc đời con chữ khắc thời gian
Trong đôi mắt vẫn màu hương phấn cũ
Một tình yêu còn đó chẳng muộn màng...

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

 

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Vườn Thơ Thẩn - Tửu Phùng Tri Kỷ

Bài Xướng:


Vườn Thơ Thẩn


Lòng đầy cảm xúc mối tương giao
Thơ Thẩn bao năm lắm ngọt ngào
Sóng gió đã qua dù trở ngại
Tơ duyên vẫn đó chẳng hề nao
Thi đàn tái họp cùng hoan hỉ
Xướng họa câu vần thỏa khát khao
Bền vững vung bồi hoa đậm sắc
Vườn nhà hương vị sẽ bay cao.


Quên Đi
***
Bài Họa:

Tửu Phùng Tri Kỷ


Hương vị Đinh lăng lắm ngạt ngào
Kết tình thi hữu buổi tâm giao
Thời gian xa cách tình không đổi
Giây phút cận kề dạ chẳng nao
Rượu chuốc rượu mời cùng họp lại
Chén thù chén tạc chúc mừng khao
Tửu phùng tri kỷ bao nhiêu đủ
Cảm hứng hồn thơ nhẹ vút cao

Kim Phượng

 

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Dạ Lý Hương - Dạ Lý Mùi Vị Của Quê


              Ảnh Kim Phượng
 

Dạ Lý Hương


Trở giấc...
Xào xạc lá rơi êm
Hay chân nhẹ bước bên thềm
Dạ lý hương đêm
Hồn cô phụ
Xua gió
Lùa hương xa bay
Quyện ngát bên người tròn giấc say…


Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Dạ Lý Mùi Vị Của Quê


Một góc quê nhà hoa Dạ lý
Ngọt ngào đượm sắc nét quê hương
Xa quê lòng mãi thương mùi ấy
Đêm tỏa tình quê mọi nẻo đường


songquang 

 

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

Mưa Đêm


Còn mãi mưa hoài vỗ giấc êm
Ngỡ như ai đó gọi bên thềm
Mờ mờ giăng kín màng mưa bụi
Người hỡi có về dệt mộng thêm

Lắng tiếng mưa đêm rợn nhớ người
Lệ thầm rơi xé nát tim côi
Nơi đây một mảnh đời u uất
Mòn mỏi chờ nhau tận cuối đời

Khóc...


Kim Phượng



Dạ Cổ Hoài Lang


                                            Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

               "Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng
               "Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông
               "Gành Hào ơi
               "Nửa đêm ai hát lên câu hoài lang
               "Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm
               "Xề u xế u liu phạn
               "Dây tơ đàn kìm buông thiết tha
               "Xề u xề u liu phạn
               "Đưa cung đàn về trên bến xa...

               https://www.youtube.com/watch?v=7eYe28XcaWE
  
    "Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang" là ca khúc nổi tiếng của cố nhac sĩ Vũ Đức Sao Biển (1947 - 2020) mang đậm nét âm hưởng của dân ca Nam bộ. Bài hát như ghi lại những cảm xúc dạt dào của tác giả khi tình cờ nghe được khúc Dạ Cổ Hoài Lang trong đêm trên dòng sông Gành Hào, Bạc Liêu. 

    “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như Dạ Cổ Hoài Lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thể kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể” (Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê).

    Quả thật vậy, Dạ Cổ Hoài Lang là tiền đề cho bao đoạn vọng cổ đã đi vào lòng người trong các tuyệt tác cải lương, tuồng cổ. Hầu hết những cuộc tham gia biểu diễn nghệ thuật của Việt Nam trên toàn thế giới, Dạ Cổ Hoài Lang là tác phẩm tiêu biểu luôn có mặt và chiếm trọn tình cảm khán thính giả khắp nơi. Tác giả của tác phẩm bất hủ "Dạ Cổ Hoài Lang” đó chính là nhạc sĩ Cao Văn Lầu.


    Cao Văn Lầu sinh ngày 22 tháng 12, năm 1890 tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ tỉnh Long An trong một gia đình nghèo. Cha ông là Cao Văn Giỏi, có 6 người con. Cao Văn Lầu là người con thứ năm trong gia đình nên thường gọi là Sáu Lầu. Năm lên 6 tuổi, cha ông đã đưa ông và gia đình xuống ghe thuyền để đi tìm nơi sinh sống. Ban đầu gia đình ông đến Gia Hội (Bạc Liêu) làm ăn sinh sống nhưng không trụ được ở đây, 9 tháng sau gia đình ông dời sang Xà Phiên (nay thuộc Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), khẩn hoang làm ruộng. 
    Sau hơn 1 năm, gia đình ông đã khai hoang được 40 công đất, nhưng bị địa chủ chiếm lấy. Sau đó, gia đình ông chuyển về Họng Chàng Bè (Giá Rai, Bạc Liêu) khẩn hoang, nhưng cuối cùng đất cũng bị chiếm mất. Gia đình ông may mắn được nhà sư dạy chữ Nho thương tình cho cất một căn chòi lá ở trên đất công điền gần chùa Vĩnh Phước An (nay thuộc phường 2, thị xã Bạc Liêu). Năm 8 tuổi, Cao Văn Lầu được Hòa thượng Minh Bảo (trụ trì chùa Vĩnh Phước An) đón lên chùa. Từ đó, Cao văn Lầu vừa được học kinh phật, vừa được nhà sư dạy chữ Nho.
Năm 1903, ông Cao Văn Giỏi đến xin trụ trì cho Cao Văn Lầu về học chữ Quốc Ngữ. Nhưng ông chỉ học đến lớp nhì năm thứ hai thì phải nghỉ học vì gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Năm 1907, người cha già yếu nên Cao Văn Lầu phải gánh trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Năm 1908, nghe làng bên có một ông thầy đàn giỏi nhưng bị mù và có tật ở chân, đó chính là ông Nhạc Khị. Cao Văn Lầu liền nhờ cha đưa sang xin học đàn. Vì yêu thích âm nhạc và có năng khiếu nên Cao Văn Lầu tiếp thu rất nhanh, ông nhanh chóng thông thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ; và trở thành một nhạc sĩ nồng cốt trong ban cổ nhạc của ông Nhạc Khị. Năm 1912, ông bắt đầu đi hát, làm nhạc công trong gánh hát cải lương của Ba Xú (Bạc Liêu). 

    Năm 23 tuổi, ông kết hôn với Trần Thị Tấn, một cô gái nết na ở điền Tư Ô (Chung Bá Khánh). Nhưng chung sống với nhau 3 năm mà vợ ông chưa có dấu hiệu thai nghén. Theo tục lệ ngày xưa “tam niên vô tử bất thành thê”, ông phải trả vợ về bên nhà cha mẹ vợ. Từ khi vợ chồng chia cắt, ông lúc nào cũng nhớ thương vợ, có khi ông còn trốn cha mẹ để ghé thăm vợ. Trong thời gian vợ chồng chia cách, chàng nhạc sĩ Sáu Lầu tâm tư nặng trĩu u sầu, đêm đêm nhớ vợ mượn tiếng đàn câu hát cho bớt muộn phiền. Bản “Dạ Cổ Hoài Lang” ra đời trong bối cảnh như vậy. Rất nhiều nghi vấn, tại sao lại là “Dạ Cổ Hoài Lang” (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) mà không là “Dạ Cổ Hoài Nương” (đêm nghe tiếng trống nhớ vợ) mới thật sự đúng với hoàn cảnh? Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tâm sự, nếu như ông nhớ vợ một thì người vợ sẽ nhớ chồng đến 10 lần hơn. Chính vì lẽ đó, ông dùng hình ảnh và tâm trạng của người vợ nhớ thương chồng cho tác phẩm của mình. Nỗi bi ai trong tác phẩm ngay cả đất trời cũng cảm thương, nên sau này vợ ông có thai và lần lượt sinh cho ông 7 người con (5 trai, 2 gái). Vợ chồng ông lại được đoàn tụ bên nhau.


   Hình chụp thẻ căn cước của ông Cao Văn Lầu thời Việt Nam Cộng Hòa

    Dạ Cổ Hoài Lang khởi điểm từ nhịp 2. Nhưng khi hòa nhập vào sân khấu cải lương, bản được chuyển dần thành nhiều nhịp. Năm 1924, tăng lên nhịp bốn. Từ khoảng 1934 đến 1944, tăng lên nhịp tám. Từ khoảng 1944 đến 1954, vọng cổ tăng lên nhịp 16. Từ 1955 đến 1964, tăng lên nhịp 32 rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay. Dạ Cổ Hoài Lang của nhac sĩ Cao Văn Lầu đóng góp rất lớn cho phong trào đờn ca tài tử phát triển rộng khắp miền tây nam bộ. Năm 2013 tổ chức UNESCO chính thức vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


                                   Sinh hoạt đờn ca tài tử Nam Bộ


 Lời ca gốc của Dạ Cổ Hoài Lang:

    1. Từ từ phu tướng.
    2. Báu kiếm sắc phán lên đàng.
    3. Vào ra luống trông thơ nhạn.
    4. Năm canh mơ màng.
    5. Trông tin chàng.
    6. Gan vàng càng lại thêm đau.
    7. Lòng dầu say ong bướm.
    8. Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang.
    9. Đêm luống trông tin bạn.
    10. Ngày mõi mòn như đá vọng phu.
    11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
    12. Xin đó chớ phụ phàng.
    13. Chàng chàng có hay.
    14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
    15. Bao thuở đó đây sum vầy.
    16. Duyên sắc cầm tình thương với nhau.
    17. Nguyện cho chàng.
    18. Đặng chữ bình an.
    19. Trở lại gia đàng.
    20. Cho én nhạn hiệp đôi với đó đây.

Ký âm cổ nhạc:
(theo loại đàn dây Bắc)

    1. Hò lìu xang xê cống
    2. Líu cống líu cống xê xang
    3. Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò
    4. Liu xế xang xự xề xang lìu hò
    5. Xừ liu xáng ũ liu cống xề
    6. Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
    7. Hò lìu xang xang xế cống
    8. Xê xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
    9. Xừ xang xế, líu xê xang xư’'
    10. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
    11. Xừ, xê líu xừ, líu cống xê, líu hò
    12. Liu xề xang xự cống xê xang lìu hò
    13. Xừ xang xừ cống xế
    14. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
    15. Xừ xang xề hò líu cống xế xang hò
    16. Lưu xáng xàng, xề liu xề xáng ú liu
    17. Hò xự cống xê xang hò
    18. Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
    19. Xừ xang xế, hò líu cống xê xang hò
    20. Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu

Do tính quần chúng rộng lớn, Dạ Cổ Hoài Lang có nhiều dị bản nhưng luôn giữ được nội dung và âm điệu chính. Dưới đây là một dị bản tiêu biểu được mọi người biết đến nhiều nhất hiện tại:

    1. Từ từ phu tướng.
    2. Bảo kiếm sắc phong lên đàng.
    3. Vào ra luống trông tin nhạn.
    4. Năm canh mơ màng.
    5. Em luống trông tin chàng.
    6. Cho gan vàng quặng đau í i.
    7. Đường dù xa ong bướm.
    8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
    9. Đêm luống trông tin bạn.
    10. Ngày mõi mòn như đá vọng phu.
    11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
    12. Sao nở phụ phàng.
    13. Chàng chàng có hay.
    14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
    15. Biết bao thuở đó đây sum vầy.
    16. Duyên sắc cầm nhạt phai í i.
    17. Thiếp nguyện cho chàng.
    18. Nguyện cho chàng đặng chữ bình an.
    19. Mau trở lại gia đàng.
    20. Cho én nhạn hiệp đôi í i.


    Trong sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ông sáng tác rất ít. "Dạ Cổ Hoài Lang" chính là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và được lan truyền cùng khắp mọi miền đất nước. Vì vậy “Dạ Cổ Hoài Lang” đã không dừng lại ở nguyên dạng như các bản nhạc cổ khác mà dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ, làm thay đổi một phần lớn bộ mặt cải lương Nam Bộ. Ngoài tác phẩm "Dạ Cổ Hoài Lang", nhạc sĩ Cao Văn Lầu còn sáng tác thêm 10 tác phẩm khác nhưng chủ yếu chỉ lưu truyền ở Bạc  Liêu. 


                 Khu lưu niệm của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu


    Nhạc sĩ Cao Văn Lầu mất lúc 13 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1976 tại thành phố Sài Gòn, thọ 86 tuổi.


Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam


Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Sương Thu



Trăng ngập đầy khoang hồn ngập sầu
Sóng gờn gợn sóng thuyền về đâu
Sương thu lành lạnh đêm sâu lắng
Neo bến thuyền neo hỡi mộng đầu


Kim Phượng


Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Đông Cô Đơn


Bài Xướng:


Đông Cô Đơn


Khắc khoải đêm dài lặng bến Ngân
Tình ơi mòn mỏi chốn dương trần
Mưa phùn lất phất ngoài song cửa
Đông tiết lạnh lùng vắng cố nhân
Chờ đợi vòng tay mùa gió bấc
Giấc hồng tìm lại hạt mưa xuân
Trách đời năm tháng sầu ly biệt
Mờ mịt phủ dày sương khói dâng

Quên Đi

***
Bài Họa:

Sầu Đông


Sóng lòng âm ỉ dậy sông Ngân
Lưu luyến mà chi động gót trần
Suốt kiếp xuôi theo dòng định mệnh
U hoài muôn thuở mắt giai nhân
Sái mùa phượng trổ còn yêu nắng
Đông đã hoa tàn chẳng thấy xuân
Thao thức canh tàn riêng bóng chiếc
Lạnh lùng gió bấc lệ trào dâng

Kim Phượng



Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Em Cũng Là Hoa: Hoa Dạ Lý Hương

Trở giấc...
Xào xạc lá rơi êm
Hay chân nhẹ bước bên thềm
Dạ lý hương đêm
Hồn cô phụ
Xua gió
Lùa hương xa bay
Quyện ngát bên người tròn giấc say…











Thơ & Ảnh: Kim Phượng

 Một Góc Hương Nhà


Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Hồn Thu - Thu Buồn


Bài Xướng:

Hồn Thu


Có những mùa thu rất lạ lùng
Nhuộm vàng xa thẳm cõi mông lung
Rơi rơi…mang cả hồn thu lạnh
Lạnh cả bàn tay…
Lạnh vô cùng!

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Thu Buồn

Đôi lúc chiều Thu rất lạnh lùng
Lá vàng theo gió rớt xa lung
Mang đi....bao nỗi buồn man mác
Tìm lại vòng tay
Ấm tận cùng.....

songquang
20201103

 

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Sợi Tóc Màu Trăm Năm

Thoáng đó mà mặt đời đã phẳng
Dung nhan soi lại chiếc gương buồn
Ánh mắt bâng khuâng chừng trĩu nặng
Còn gì sau khung cửa thời gian?

Em đếm bàn tay hoài năm ngón
Ngón gần theo đường chỉ chia ngang
May mắn ta hẹn nhau lần nữa
Kiếp này thôi nợ những gian nan!

Như sợi tóc mai ngày mới gặp
Nói rằng sẽ buột chặc đời nhau
Rồi em buông sợi lơi trong gió
Mấy ngả đời tóc hởi, về đâu?
*** ***
Hôm qua nhận được thư người gửi
Sợi tóc ngày xưa dáng lụa trầm
Hương của một thời em vẫn giữ
Một thời tóc sợi màu trăm năm...

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Thu Phong Từ 秋風詞 - Lý Bạch

Nhớ đến bạn bè, những lúc cùng nhau bên túi thơ bầu rượu, tinh cảm thật tràn đầy vui vẻ. Nay giữa đêm thu trăng sáng, cơn gió thu lành lạnh, một mình trong đêm trăng vắng, Lý Bạch càng thấy lòng cơ đơn, nhung nhớ.



秋風詞                     Thu Phong Từ

秋風清,                 Thu phong thanh,
秋月明。                 Thu nguyệt minh.
落葉聚還散,         Lạc diệp tụ hoàn tán,
寒鴉棲復驚。         Hàn nha thê phục kinh.
相思相見知何日, Tương tư, tương kiến tri hà nhật?
此時此夜難為情     Thử thì thử dạ nan vi tình..
李白     Lý Bạch
***
Dịch Nghĩa:

Gió Thu


Gió thu trong
Trăng thu sáng
Lá rụng lúc tụ lại lúc phân tán
(Ý nói các Bạn già dầu gặp nhau rồi cũng chia tay)
Quạ đậu trên cành thấy lạnh phải rùng mình
(Lui về ẩn dật cũng cảm thấy đơn độc quạnh vắng)
Nhớ nhau không biết đến ngày nào mới gặp
Giờ này đêm ấy tình cảm thật khó tả.

Dịch Thơ:

Gió thu trong,
Đêm thu sáng,
Lá rụng, đùa xào xạc,
Quạ ngủ, lạnh giựt mình
Nhớ nhau không biết ngày nào gặp,
Đêm dài trăn trở xiết bao tình.

Phạm Khắc Trí
***
Gió Thu


Gió thu lành
Trăng thu thanh
Người đến rồi cũng đi
Cô đơn càng thêm lạnh
Nhớ nhau gặp lại chẳng biết ngày
Giờ nầy đêm ấy thiết tha thay

Quên Đi
***
Gió Thu


Gió thu trong
Trăng thu sáng
Người đến rồi người xa
Cô đơn thêm lạnh giá
Nhớ nhau biết khi nào gặp lại
Giờ này đêm ấy lòng khó tả.

Kim Oanh
***
Lời Từ Gió Thu


Gió thu hiu hắt lạnh lùng,
Trăng thu vằng vặc khắp cùng không gian.
Lá rơi như tụ lại tan,
Qụa kêu đêm lạnh xua tan giấc hồ.
Nhớ nhau, gặp lại bao giờ?
Đêm nầy lúc ấy ngẩn ngơ bao tình!

Đỗ Chiêu Đức
***
Gió Thu Cảm


Gió Thu trong,thổi nghe mát lạnh
Trăng Thu lành,khiến chạnh lòng ta
Bạn già lúc đến lúc xa
Nỗi cô đơn ấy xót xa lạnh lùng
Biết khi nao trùng phùng gặp lại?
Giữa đêm nầy khoắc khoải khôn nguôi
Canh Thu luống những ngậm ngùi
Lòng đây khó tả buồn vui bây giờ

songquang
***
Gió Thu


Gió thu mát
Trăng thu thanh
Đã gặp sao đành xa
Một mình thêm quạnh vắng
Biết bao giờ được trông thấy nhau
Nhớ đêm ấy càng xao xuyến lòng

Kim Phượng
***
Gió Mùa Thu...

Thu gió hồ trong nghe mát mẻ
Thu trăng vằng vặc khỏe bình an
Cây vàng lá rụng hợp tan
Thân cao niên tủi chứa chan lệ nhòa
Quạ đậu cành cao nghe giá lạnh
Thương thân mình lòng chạnh chia tay
Nhớ nhau giáp mặt đợi ngày
Đêm nào giờ ấy mới hay nặng tình...

Mai Xuân Thanh
Ngày 19/06/2020
***
Gió Thu


1/
Gió thu nhẹ
Trăng thu sáng
Lá thu rơi tụ tán
Quạ đậu lạnh cồn cào
Mơ nhiều nhớ lắm ngày nao gặp?
Giờ này đêm ấy hỏi tình sao?

2/
Đêm thu gió nhẹ lùa qua
Thu không rọi ánh trăng tà thanh tao
Lá thu tụ tán lao xao
Đàn chim quạ đậu lạnh dao cắt lòng
Nhớ thương có sẽ tương phùng?
Giờ này đêm ấy có mong vẹn tình?

Mai Thắng

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Thoát Kiếp


Đón lấy hồn tôi! Rước đi xa
Sương đêm gợn nhớ những ngày qua
Nghìn sao thắp sáng trong đôi mắt
Soi thấu tình - Người với riêng ta

Đón lấy lời tôi! Nói tiếng yêu
Đường về đơn độc bóng cô liêu
Gặp trong khoảnh khắc là trăm kiếp
Người ghé sang đây một buổi chiều

Đón lấy đời tôi! Kiếp rong rêu
Gom buồn trên ngọn sóng hắt hiu
Mai này thân cuộn vào cơn xoáy
Cho đời vay mượn hạt chắt chiu

Đón lấy tay tôi! Nhánh khẳng khiu
Mưa tình rơi đọng giọt cợt trêu
Ôm mơ dệt mộng trong hư ảo
Tội quá tim ơi tại mi yêu!

Đón lấy tình tôi! Yêu một thời
Xin thoát kiếp cho hồn rong chơi
Thân thấm mệt và chân đã mỏi
Van người tay chớ vội buông lơi

Kim Phượng

Dương Liễu Chi 楊柳枝 - Liễu Thị 柳 氏


楊柳枝                     Dương Liễu Chi 

楊柳枝,芳菲節    Dương liễu chi, phương phi tiết,
所恨年年贈離別    Sở hận niên niên tặng ly biệt.
一葉隨風忽報秋    Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
縱使君來豈堪折?  Tùng sử quân lai khởi kham chiết?

柳 氏                       Liễu Thị
***
Dịch nghĩa: 

Cành Dương Liễu

Mùi thơm từ sự trong sạch của cành dương liễu vẫn lan rộng
Hận thay bao năm qua chỉ là cách xa
Bỗng nhiên một chiếc lá rơi theo gió như báo mùa thu đến
Chàng còn chưa về há để cho người bẻ hay sao?

Dịch Thơ:

Cành Dương Liễu


Hương thơm cành liễu lan dầy
Hận nhiều năm chẳng vui vầy cùng nhau
Gió thu làm lá thêm đau
Chàng chưa trở lại ai vào bẻ đây?

Quên Đi
***
Cành Dương Liễu


Cành dương liễu, đương thì non biếc
Hận hằng năm ly biệt tặng người .
Thu về một chiếc lá rơi
Còn gì để bẻ chàng ơi lúc về!


Mailoc
***
Cành Dương Liễu


Cành dương liễu thuở xanh tươi
Hận bao năm chỉ tặng người biệt ly
Gió thu lá rụng qua thì
Chàng còn tha thiết bẻ khi trở về?


Kim Oanh
***
Cành Dương Liễu


Dương liễu hương lành vẫn tỏa lan
Hận vì ta mãi cách non ngàn
Lá rơi báo hiệu mùa thu đến
Chàng chẳng về ngăn kẻ bẻ ngang?


Phương Hà
***
Cành Dương Liễu

Dương liễu cành ngát thơm hương
Hận sầu cách biệt những năm trường
Chiếc lá bay chợt mùa thu tới
Chàng chửa về còn đó cành dương


Kim Phượng