Đã lâu lắm tôi không về lại Việt Nam. Nói vậy không có nghĩa là tôi không nhớ quê hay nhớ ít hơn những người đi đi về về từ mấy năm nay. Không, tôi nhớ quê tôi lắm chớ. Tôi nhớ đâu ngay từ khi mới vừa đặt chân xuống ghe trong đêm vượt biên. Nỗi nhớ như những lọn máu nhỏ từ đời kiếp nào vẫn chảy rì rầm trong trái tim héo mỏi. Tôi có quên đâu. Thấp thoáng giữa đám lau lách của trí nhớ bội bạc, quê hương vẫn còn đó, lẻ loi như một bông cúc vàng nở muộn, đẹp đến xót xa. Tôi nhớ quê như một người tình bị phụ rẫy nhớ lời đay nghiến. Dù là một lời đay nghiến. Vậy mà tôi không về. Hay chưa về lại đó một lần. Nghe thì rắc rối như bày đặt. Nhưng mà cuộc đời cũng có suôn sẻ gì đâu.
Những năm mười tám, đôi mươi từ tỉnh nhỏ lên Sài Gòn trọ học, cách quê đâu chừng trên trăm cây số là tôi đã bắt đầu thấy nhớ. Lạ vậy đó. Vẫn có những chiều đang lang thang giữa phố, lòng bỗng nhiên chùng xuống khi chợt thấy chân mình lỡ đạp trùng lên mấy lọn nắng cũ vàng hoe. Hay những sớm thức dậy bỗng thấy buồn ngang vì một tiếng xe thổ mộ lăn lóc cóc đều đều như gõ nhịp vào thiên cổ. Có một cái gì trùng lẫn ở đâu đây. Như đã gặp rồi đâu đó, quen quen. Như đã nghe rồi đâu đó, mài mại. Ly hương, người đi xa tưởng là bỏ hình lại ở chốn cũ mà quên rằng bóng cứ lúc thúc theo sau. Nó cặp kè, léo lách, lẩn lút loanh quanh. Cứ như vậy mà dằng co níu kéo. Hết nhớ rồi quên. Hết quên rồi lại nhớ. Riết rồi tôi cứ thả mặc cho dòng đời xốc nổi, bởi gốc vốn từ đất ruộng bốc bụi bay đi thì làm sao chẳng có lúc tấp lại bên đường mà không nhớ xó đất quê!
Vậy đó, suốt mấy năm lang bạt ở Sài Gòn, dẫu người ở phố thị mà lòng vẫn đặc sệt nhà quê. Hở ra là nhớ. Nhớ từ cọng cỏ ướt sương nhớ đi. Nhớ từ bụi lúa trổ đòng đòng nhớ lại. Người tình đầu đời sao tôi quên cái một. Mà khoảnh đất quê nhà sao tôi nhớ hoài. Có lúc tôi thấy thèm về ngồi lại trên bực đá lở bên bờ sông Cái, một buổi trưa hè, lượm đá thảy lia thia trên mặt sóng mà đầu thì thả lông bông như một người vô tích sự. Có lúc tôi muốn được quay lại bãi cỏ xanh cạnh ngôi đền văn miếu cũ, chắp hai tay sau gáy nằm dài ra đó ngó lơ mơ ngủ dật dờ mặc cho cuộc đời xoay trở chung quanh. Cả cái tỉnh nhỏ mà gần như ai nấy đều biết mặt nhau, ở thì rầu muốn chết mà đi xa thì nhớ đến đứt ruột. Nhớ đủ thứ. Kể cả những thứ không đáng nhớ. Nói gì đến thứ không thể nào quên.
Như cái bến phà Mỹ Thuận vậy đó, tôi đã đi qua lần đầu đâu thuở chín mười tuổi rồi cứ nhớ hoài mặc dầu sau này, lớn lên đã qua không biết bao nhiêu là bến đợi khác. Có một cái gì lạ lắm như nối kết tôi, thằng con trai sinh ra và lớn lên ở bên này sông cứ nhìn ngó bên kia sông như chót đỉnh của một giấc mơ phiêu lãng. Có phải con sông lớn mênh mông đó như một ranh giới vô tình đã chằng giữ những cơn mơ tuổi nhỏ. Hay chính những lượn sóng cuồn cuộn đó đã một thời đẩy đưa hồn tôi phiêu lưu đến những chân trời xa tít. Bằng lý do nào, thì đó vẫn là nơi ưa thích nhất và cũng là nơi tôi nhớ nhiều nhất. Nhất là từ lúc biết mình khó có dịp qua lại nữa.
Những năm mới bỏ xứ ra đi, năm ba hôm là lại chiêm bao thấy về quê cũ. Mà lần nào cũng vậy, cũng thấy mình trễ nãi, về tới bến rồi mà cứ hụt hoài chuyến phà chót qua sông… Thẫn thờ đứng lại đó, nhìn ngó bâng quơ rồi thấy lại y nguyên cái cõi thân quen, y nguyên như khi đời còn thơm thảo. Từng mặt người, lối tắt, đường quanh…
Nghĩ lại cũng lạ. Lội sông lội suối đã đời rồi mà rốt lại chỉ nhớ có khúc sông trắc trở đó thôi. Dĩ nhiên điều đó chắc không ăn nhằm gì với cái vị trí quan trọng của nó trong việc thông thương ở miền tây. Quốc lộ số 4 từ Sài Gòn xuôi nam đến đó là phải khựng lại. Sông rộng mênh mông, tách nguồn từ Tiền Giang ở phía bắc chảy nghiêng nghiêng theo hướng tây nam đến đó phát đổ ròng ròng đến sạt bờ lở bãi. Thuở ấy, tiền bạc và kỹ thuật chắc còn non yếu quá, người ta chưa đủ sức bắc cầu. Xe đò, xe hàng tới đó là phải đậu lại, sắp hàng dài thậm thượt đợi lượt xuống phà qua sông. Gặp lúc có công-voa nhà binh chiếm ưu tiên là thôi chờ đợi dài người ra. Xe cộ phì phò hục hặc, khách khứa nhốn nháo, mấy chú lơ xe hấp ta hấp tấp xách thùng xuống sông múc nước đổ cho nguội máy, mấy bà mấy cô cũng vội vội vàng vàng chạy tìm mấy chỗ giải thủy cho nhẹ mình, khi thì bờ ruộng lúc lại mấy lùm cây khuất khuất hở hở. Cái hoạt cảnh ồn ào náo nhiệt không có chỗ nào giống được. Lạ lắm. Làm như đó là một nơi người ta rất mong cho mau tới, mà tới rồi lại cứ mong cho mau đi.
Nói vậy mà lỡ có kẹt lại lâu lâu thì cũng chẳng lấy gì làm phiền hà cho lắm. Xe tắt máy, khách bước xuống bãi đậu, vung vai vặn mình vài cái cho giãn gân cốt rồi là miệng chắt lưỡi, hoặc lầm thầm rủa xả vài tiếng trong khi chân thì xắn xả nhắm hướng mấy cái quán nước hai bên đường. Mấy chốc, đời vui trở lại. Giữa đồng không rồi bỗng thành ra một buổi chợ đông. Hai bên lộ, người ta che bạt, dựng chòi lợp lá, khá hơn chút gá vài ba tấm tôn, khá hơn chút nữa tụ lại thành một dãy tiệm có cửa nẻo hẳn hòi. Mà điều lều trại hay phố xá cũng đều xập xệ như chỉ để che mưa đụt nắng qua ngày. Ờ mà đúng vậy, có ai mà nghĩ được ghé qua đây rồi ở lại luôn đây. Cái chỗ giữa đường giữa xá!
Hàng hóa thì chưng dọn luông tuồng đến luộm thuộm, đồ khô trộn lộn với đồ tươi, bánh mứt xen kẽ với túi xách giỏ đệm, đồ ăn thức uống tràn ra tới lề đường vậy mà len qua lách lại sao thấy ngồ ngộ y như những cái ngoắc tay khều vai bá cổ. Bởi vậy người qua lại rồi thấy vui tai lạ mắt. Rồi ai nấy cũng thành ra dễ tánh. Vậy đó đời vui biết mấy. Cái chỗ không phân biệt giàu nghèo sang hèn, ai đến rồi cũng phải lội bộ ngang qua. Đã không tránh được thì sao không hả lòng ra mà hưởng. Mà hơn nữa, thực phẩm trần gian thì bày ra ê hề mời đón. Người đi xa lỡ độ đường chưa đói vẫn nghe ruột dạ cồn cào. Cơm nước trái cây bốn mùa, mùa nào thức nấy. Cứ nhìn mấy giỏ mận hồng đào chín mọng là bắt khát nước, mấy giỏ ổi xá-lỵ căng da xanh mướt mà phát thèm. Những xâu mía ghim tươm nước ngọt như đọng sương mai, những trái khóm Bến Lức xẻ năm xẻ bảy rịn mật vàng lườm, những chùm nem Nha Mân treo xum xoe ngả ngớn… Điệu đời hơn nữa, những xâu chim trao trảo quay vàng ngậy, chảy mỡ bóng lưỡng chấp chới trong lồng kiếng, quyến rũ còn hơn cao lâu Chợ Lớn. Kế bên, mấy miếng thịt sườn nướng than tại chỗ bốc mùi thơm thấu tới thiên đình. Kề đó, mấy chai bia con cọp sắp hàng dọc ngang như nghinh nghinh thách đố ai mà chịu nổi. Bởi vậy mà khách giang hồ qua đó thế nào rồi cũng phải có lần ngả bàn nhậu dọc đường. Mà bởi vậy khách đa tình qua đó cũng không thiếu người vướng lại những cuộc tình tứ chiếng. Bà lớn bà nhỏ em gái em nuôi gì không biết chớ chuyện ghen bóng ghen gió vẫn xảy ra hà rằm làm cho cái bến đỗ vốn đã ồn ào lại được thêm phần…ầm ĩ.
Nhưng mà tại sao là Mỹ Thuận mà không là một cái bến khác. Dọc theo miền tây còn bao nhiêu là bến phà. Vàm Cống, Cần Thơ, Rạch Miễu, Chợ Gạo, Cổ Chiên … sao không nhớ. Mà chỉ nhớ rặt có Mỹ Thuận? Hay tại tôi cũng nòi tình như ông cò quận chín trong tuồng cải lương Tuyệt tình ca có bà vợ nhỏ ở Vĩnh Long đã chèo xuồng đưa chồng qua sông Mỹ Thuận, về Mỹ Tho thăm vợ lớn rồi biệt tăm biệt tích luôn mấy chục năm trời. Không, tôi biết cái bến phà đó từ lúc còn rất nhỏ, chưa tới tuổi có một vợ chớ đừng nói tới vợ hai. Kỷ niệm của tôi với cái bến phà đó không dính líu gì hết tới mấy cái chuyện tình duyên tấm mẳn. Nó chỉ dính líu tới cái tuổi nhỏ mà mộng lớn của tôi thôi.
Vốn là quê tôi cách bến phà Mỹ Thuận đâu chừng chín mười cây số gì đó. Con đường nối liền bến nước với tỉnh lỵ chạy qua những thửa ruộng nho nhỏ cắt chia bằng mấy bờ đê lúp xúp, ngang qua vài xóm nhà lá lụp xụp và một hai chiếc cầu xi-măng làm điệu bắt cong cong. Con đường hiền lành thơ mộng một cách quê mùa, cũng chẳng có gì là đặc sắc. Chỉ có điều con đường đó là cái ngõ thoát êm đềm nhất để chạy trốn nhịp sống trì trì nhàm chán của tỉnh nhỏ buồn hiu. Con đường là cái gạch nối ngắn nhất đưa đứa con trai mới lớn từ thực tế vây khốn đến mộng mị phiêu lãng qua trung gian là cái bến phà rộn rịp đầy khách lữ hành xuôi ngược. Lần đầu tiên qua đó một lần năm chín tuổi là bắt mê ngay cái không khí chộn rộn, tất tả, lăng xăng của kẻ đến người đi, của người qua kẻ lại làm như ai nấy đều vội vã lắm. Người ta sốt ruột trông cho mau đến, đến rồi sốt ruột trông cho mau đi, đi hấp ta hấp tấp như chỉ sợ trễ một chuyến qua sông là sẽ trễ luôn cả một cuộc đời. Làm như cuộc sống không chịu ngừng lại một chút, cứ phải là những chuyến lên đường.
Ờ, những chuyến lên đường! Hình ảnh những khách bộ hành lật đật xuống xe, tay xách nách mang kéo nhau đi như chạy qua phà là cái biểu lộ tuyệt diệu nhất cho sức hút của dặm trường thiên lý, của kiểu đời gạo chợ nước sông đã làm tôi mê mẩn suốt một thời mới lớn.
Hình dung trở lại đứa trẻ sinh ra ở một tỉnh nhỏ lần đầu tiên được cha mẹ dẫn cho đi Sài Gòn. Chuyến xe tài nhứt khởi hành đâu khoảng bốn giờ sáng. Trời gần tết đẫm sương. Lòng xe tối mò. Hơi khói xăng xông lên mũi kích thích. Đứa bé cố nhướng mắt thật to để nhìn cho hết con đường mơ trước mặt. Mà có được đâu. Cái ngủ đậu chực hờ trên mí mắt. Tiếng xe chạy ù ù càng ru thêm đến chín muồi. Nó chịu thua. Nhưng mà mới ngủ gà ngủ gật đâu được một chút đã giựt mình nghe tiếng anh lơ la oang oang. Bà con cô bác xuống xe qua đò. Có ăn gì thì xả rác trong xe bà con ơi…Đứa bé giựt mình mở choàng mắt dậy. Ôi thôi đâu mà đèn đuốc sáng trưng. Người qua lại rộn rịp, kêu réo thúc hối kèn cựa tự nhiên như giữa chỗ không người. Đứa bé ngơ ngác tưởng trong chiêm bao. Bỡ ngỡ, chớp chớp con mắt mấy cái là tỉnh như sáo sậu. Nó khoái chí dòm cái hoạt cảnh mới thấy lần đầu. À thì ra người ta có ngủ như nó đâu. Người ta đi đi lại lại, chạy tới chạy lui, cười giỡn nạnh hẹ nhau suốt đêm suốt ngày. Cái cõi người lớn này lạ thiệt. Đêm hào hứng như vậy cách chỗ nó ở có bao xa, bằng đâu một chớp mắt thôi. Vậy mà ở nhà mới chạng vạng ba má đã bắt nó phải lên giường ngủ một mạch cho tới sáng trưng. Như vậy ở ngoài căn nhà nó ở, ngoài con đường tráng nhựa nó đi tới trường hàng ngày, ngoài ngôi chợ lớn cạnh bờ sông thỉnh thoảng có mấy gánh sơn đông về múa võ bán cao-đơn-hườn-tán, ngoài cái rạp xi-nê chiếu phim cao bồi bắn lộn với mọi da đỏ… còn có cả một thế giới lạ lùng, vui tươi, rộn rịp, chờn vờn một sức sống mãnh liệt, bừng bừng ngay kề bên cái phố nhỏ buồn hiu của nó. Đúng là cả một khám phá kỳ diệu. Xe chạy chậm lại rồi rà rà tìm chỗ đậu. Mọi người lục tục xuống xe. Thằng bé nắm chặt tay mẹ đi những bước như nhảy. Nó cố làm ra vẻ người lớn như để được hòa hết mình vào cái thế giới sôi sùng sục quanh nó. Nó nở mũi hít thật dài một hơi không khí mát lạnh từ ngoài sông thổi tới, thấy như hít luôn cả cái chộn rộn của đoàn người đang vội vã đi bên cạnh, luôn cả cái mùi kỳ lạ pha trộn đủ thứ thập vật trần gian: hơi người, hơi gà vịt treo buộc tòn teng dưới cặp đòn gánh của mấy bà bạn hàng, hơi trái cây vừa mới hái đổ đống trên sạp, hơi nước lèo của mấy xe hủ tiếu thơm phức, hơi xăng nhớt nồng nồng, cả hơi tinh sương của một ngày đang trỗi dậy. Trong khi đó đoàn xe chạy chậm chậm cẩn thận từng chiếc một xuống phà theo sự chỉ dẫn của ông “xếp bắc”, miệng ngậm tu-huýt mặt câng câng như tự thấy mình quá sức quan trọng. Mỗi chiếc xe bò lên cầu từ tốn, vừa chạy vừa run run chắc vì lòng cầu nhỏ quá chỉ vừa lọt chí mí. Kề bên một anh lơ chạy lúp xúp tay cầm cục gỗ chặn như để sẵn sàng can thiệp khi xe lỡ trớn. Chiếc cầu sắt lót ván kêu rần rần dưới vòng bánh xe nặng trịch. Xe chạy tới đầu “bông-tông” thì ngừng lại, khục khà khục khặc như vừa thấy nguy hiểm chờn vờn trước mặt. Mà nguy hiểm thật. Ở giữa “bông-tông” là một cái cầu quay hình chữ thập, bề ngang đâu cũng chỉ vừa lọt hai bánh xe, cái nhánh thẳng nối với đường cầu đâu chỉ dài hơn chiều dài chiếc xe đò một chút mà lại đâm thẳng ra dòng sông đang chảy cuồn cuộn. Ngó mà thấy rùng mình. Hèn chi ngay đầu cầu lúc nãy thấy có một tấm bảng đỏ ghi mấy hàng chữ trắng: ”Coi chừng thử thắng xe qua phà”. Điệu này không khéo xe chạy tuốt xuống sông như chơi. À thì ra tại vậy người ta bắt bộ hành xuống xe đi bộ, bỏ mặc chiếc xe với ông tài xế thử thời vận. Mà chắc cũng quen rồi vì ông tài xế coi bộ bình tĩnh lắm, miệng ngậm trệch điếu thuốc lá, từ từ rà thắng cho xe rề rề chạy xuống tới mút bửng cầu thì ngừng lại đúng lúc ông kiểm soát khoác hai tay ra dấu ngừng. Tất cả ăn khớp đúng phốc như dứt hết sáu câu mà rơi ngay đúng nhịp song lang. Tức tốc, anh lơ xe chêm ngay hai khúc cây chặn cứng hai bánh xe hết đường nhúc nhích. Rồi đợi đâu sẵn, bốn người phu đứng ngay bốn đầu cầu quay, người kéo người đẩy vận sức xoay bàn cầu quay một phần tư vòng tròn cho đầu mũi xe hướng ngay mũi phà đã hạ bửng đợi sẵn. Chiếc xe rú một hơi dài rồi chồm lên chạy xuống phà. Vậy là xong một chiếc xe. Phà nhỏ chở được có bốn năm xe là đầy một chuyến. Ông tài công ngồi tuốt trên phòng lái ra lệnh dở bửng. Ai đó đánh một tiếng kẻng. Vậy là coi như nội ngoại bất xuất, trên dưới không được lên xuống nữa, hành khách và xe cộ không được chộn rộn chàng ràng nữa. Phà dỡ đõi rồi từ từ lùi ra bến. Trời hưng hửng sáng. Gió bốc theo khói sóng thổi phần phật mấy tấm bạt che hàng trên mui xe. Nước bắn tung toé hai bên thành phà làm ướt nhem mấy dãy băng dành cho hành khách. Mặt trời hà tiện chút ánh sáng vàng cam không soi nổi con sông lớn quẫy sóng đen ngòm. Phà chạy chậm như thong thả lắm hay là tại không có sức nhanh hơn. Máy nổ rì rì đến sốt ruột. Ngồi trên mấy cái băng gỗ có lúc người ta tưởng chừng như đang đứng yên một chỗ nếu không có mấy dề lục bình trôi phăng phăng ngược chiều. Gặp mùa lũ chướng xem chừng phà còn nhàn nhã hơn nữa. Phà qua ngang không nổi, phải thả trôi theo con nước xuống tuốt đuôi cồn rồi mới ì ạch vòng lên phía bờ bên kia. Như vậy mà chắc ăn nếu không phà tròng trành có thể lật ngang như chơi. Vậy mà thằng bé vẫn khoái như thường. Dễ chừng nó còn mong cho lâu tới nữa. Đâu phải lúc nào cũng được đi trên sông một cách nghênh ngang như vậy, ngó mấy chiếc tam bản chèo chống lê thê bị sóng tàu nhồi đờ đẫn mà tội nghiệp. Nó ngửa mặt hứng mấy giọt nước bay trong gió, tóc dựng đứng như bờm ngựa, lòng mơn man một nỗi vui kỳ lạ. Cùng lúc trời lộ hết bình minh. Con sông hiện rõ dần, lớn lao, chói lọi, bất trắc và mê hoặc như một huyền nhiệm. Đứa bé thấy con sông và bến nước lần đầu tiên mà sao có cảm tưởng như sẽ thấy đến hết đời. Tấm lòng nhỏ xíu của nó như đã dành một chỗ rất lớn cho khoảnh sông nước đó. Nó chăm bẵm cái hình ảnh của thiên nhiên cựa mình sống dậy như một khám phá bất ngờ. Và lớn lên một cách đột ngột, từ đó.
Như vậy mà tôi qua phà Mỹ Thuận lần thứ nhất. Tôi trở ngược lại qua phà lần thứ hai ít ngày sau gì đó. Cũng y như lần đầu. Chỉ khác là vào buổi chiều, trời sắp tắt nắng. Bóng đêm chực chờ càng làm con sông, chiếc phà và người ta thêm gấp gáp. Cũng cái vội vã thêm một chút lo lắng. Cũng cái ồn ào nhưng bớt đi một chút náo nhiệt. Nhưng không có vẻ gì là sắp ngừng nghỉ. Sông nước có thôi chảy đâu. Và người ta cũng đâu có hết lên đường. Ở đó là hình ảnh một dòng sống không có khởi đầu và cũng không có kết thúc.
Có phải tại vậy mà tôi mê cái bến Mỹ Thuận hay không? Tôi đã giữ trong tôi cái hình ảnh qua lại bất tận trên dòng sông bất tuyệt này rất lâu. Mãi đến khi lên trung học, tôi vẫn thường trốn nhà những ngày nghỉ học đạp cái xe đạp cà tàng chín cây số lên đó, đứng ngó ngu ngơ một đỗi rồi đạp xe trở về. Mệt đừ mà lòng lại thấy vui sướng như vừa làm một chuyến đi xa, hồn mê mải với cuộc mộng du giữa ban ngày ban mặt. Không biết có phải tại tôi chịu ảnh hưởng của đứa bé mê nhà ga và xe lửa trong thơ Tế Hanh hay không mà tôi cứ hay làm như nó. “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt. Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”. Cái hình ảnh đẹp và buồn đến dại người nên tôi mê cái bến phà Mỹ Thuận đến dại dột. Bạn bè trai gái, thân sơ bất kể, ai tôi cũng mời cũng rủ rê cho được. Ở đó tôi huyên thuyên dẫn giải hoặc trầm ngâm tâm sự làm như chỗ đó là giang sơn riêng của tôi vậy. Có người cũng kiên nhẫn ngồi nghe nhưng đa số thì dẫy nẫy đòi về. Nhưng mặc. Rốt lại chỉ còn tôi với cái bến nước của riêng tôi. Nơi vừa có gió sông lồng lộng, có phà trôi rập rình, có đủ thứ quà cáp trần gian và nhất là có những vóc dáng giang hồ qua qua lại lại.
Bến nước là nơi tao ngộ của những tay tứ chiếng, là ngã tư gặp gỡ của trăm họ miền Tây. Cà mau, Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh… Họ băng ngang thì thôi chớ còn xổ dọc là gặp nhau ở đó. Không hẹn mà gặp. Gặp không chào không hỏi. Gặp một lần trong một đời. Rồi thôi. Rồi mất biệt như chưa từng đã gặp. Dĩ nhiên chắc họ cũng có trở đi trở lại nhưng rồi có ai gặp lại ai đâu. Tôi đã thấy ở đó bao nhiêu là mặt người, bao nhiêu là nhân dáng mà rồi có gặp lại ai bao giờ. Phải vậy không, ở đó giống y như cái cõi đời này mà một ông Tàu xưa đã cảm thán đến rơi nước mắt: “tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giã, niệm thiên địa chi du du, độc thương nhiên nhi lệ hạ”. Đó là một quán trạm bên đường mà mọi người phải ghé qua trong cuộc hành thiên lý dù có muốn hay không. Ghé qua một chút, vui vẻ hay buồn rầu, nhẹ nhàng hay gồng gánh thì cũng phải ghé qua, đi tới đi lui, dòm ngó loanh quanh rồi quay lưng đi mất biệt. Đó chẳng giống cái đường trần thăm thẳm này sao mà khách lữ chính là chúng ta đó. Chúng ta đến rồi đi có ai biết, dòng đời vẫn chảy đến biệt mù cũng chẳng làm sao hay. Thuở ấy tôi đã triết lý vụn như vậy với bạn bè mà không ai chịu nghe. Thì thôi ai có phần nấy.
Vậy mà hay, bởi vì ở đó tôi đã học được bao nhiêu điều của trường đời mà trường học thì không thấy đâu có dạy. Bãi trường năm 67, tôi từ Sài-gòn về quê nghỉ hè, cô bạn con nhà giàu được cha mẹ lo cho đi du học ở Pháp, ngày đi quá bất ngờ cô ta đáp xe đò về tìm tôi từ giã. Không biết lúc ấy lòng buồn đến đâu mà sau khi đưa cô ta qua sông trở lại Sài-gòn, một mình đón phà ngược trở lại, bỗng nhiên tôi khải ngộ được một điều thắc mắc từ thuở mới mê thơ. Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng. Trời ơi lần ấy tôi mới thấy hết cái tài hoa của người thi sĩ mệnh bạc. Đưa người, ông không đưa qua sông mà nghe sóng vỗ ở trong lòng. Còn tôi đưa người, tôi lại đưa ngang sông thì sóng vỗ biết cơ man nào mà kể. Con tim dù lớn cách mấy cũng chỉ bằng nắm tay thì chỉ có nước chết đuối thôi. Lần đó tôi tôn ông Thâm Tâm làm sư phụ. Mấy thằng bạn cùng tuổi, tối ngày chúi mũi vào sách vở làm sao hiểu thấu được cái lớn lao u trầm của người thơ. Đời mộng và thực như vậy đó bàng bạc trên từng ngọn sóng, từng khúc quành, từng vết xe lăn, từng chuyến phà ngang trắc trở. Sao không tới đó mà coi, không tới đó mà nghe tiếng đời kêu réo.
Phải rồi còn cái tiếng đời huyễn hoặc này nữa, tiếng độc huyền của ông ăn mày mù ngồi trước hàng ba một tiệm nước. Ông ta ngồi đó tự lúc nào tôi không biết. Chỉ biết khi tôi bắt đầu qua lại thường xuyên thì ông ta đã có ở đó rồi. Ông ta ngồi đó lặng lẽ, nhỏ nhoi, có mà như không có, giống như cây cột đèn bữa cháy bữa không. Sự có mặt của ông có làm bận tâm ai đâu họa chăng là mấy thầy phú-lít. Nhưng mà ông ta mờ nhạt quá nên riết rồi người ta cũng lờ đi coi như một tấm phông cảnh cũ mèm bỏ quên trong một góc hậu trường sau khi gánh hát dọn đi. Ông ta ngồi yên như một khúc gỗ đẽo sần sùi, lưng cong vòng, mặt nghiêng nghiêng, đôi mắt sâu hoắm, hai chân xếp lại, gần như không nhúc nhích. Chỉ có tiếng đàn của ông là bay lượn thảm sầu. Cái giọng ỉ ôi như kêu rêu, như trách cứ mà cam phận, nghe nghèn nghẹn đến tức tưởi. Nó gần như gom hết tất cả cái gì oan nghiệt nhất, cái gì đoạn trường nhất, cái gì tang thương nhất của cuộc đời này lại rồi phát ra một lượt làm chết điếng lòng người. Đàn chỉ có một dây thôi mà đủ hết mùi trường hận. Tôi khám phá ra ông một bữa về ngang trời đổ mưa bất chợt. Mọi người chạy túa vào mấy cái mái hiên tìm chỗ đụt. Vừa tấp vào một quán nước tôi để ý tới người đàn ông mù tức khắc. Có một vẻ gì lạ lắm toát ra trên gương mặt vô tri như trét sáp. Ông ta ngồi đó, lặng lờ như một vệt khói, mặc cơn mưa rào rơi lộp độp, mặc đám phàm nhân lao xao. Ông làm như không hay biết gì hết, ông chỉ biết tiếng đàn của ông thôi. Mấy ngón tay xương xẩu, đen đúa thoăn thoắt bắt nắm sợi dây đàn độc nhất, còn bàn tay trái vặn vẹo cái cần gỗ đã lên nước bóng ngời. Tôi không biết ông đàn bản gì chỉ nghe được cái não nuột của âm thanh như từng mũi kim chích thẳng vào da thịt mình đến nhức buốt. Tiếng đàn thoát đi bay lượn lẹo trong không khí ẩm đục nghe như tiếng khóc từ cõi âm vọng lại, kêu réo, van nài làm tôi rùng mình muốn phát lạnh. Nó bay ra xa, uốn éo rồi vòng lại, oằn oại. Nó vút lên cao, lanh lảnh rồi chùi xuống thấp, rụng rời. Người ăn mày mù vẫn say mê đàn như không biết cái tiếng đàn ma quái đang truyền nhiễm về đời bóng tối của u minh, dẫn đường cho những hồn oan kéo nhau về lướt thướt. Một lúc mưa bỗng tạnh. Mọi người lục tục bỏ đi. Có bà nhón vài đồng bạc cắc bỏ nhẹ vào cái hộp thiếc đặt trên góc chiếu. Còn đa số thì chắc quá vội đi mà không kể gì đến tiếng đàn bỏ lại. Còn tôi sao tôi bỗng nhiên thấy đi không nỡ. Sao tôi có cảm giác như thiên hạ quá vô lễ với nghệ nhân. Người ăn xin mù đó đúng là một nghệ nhân. Con người đó, tiếng đàn đó sao tôi thấy tài hoa đến tột vời. Mù đã là một thiệt thòi. Mù mà tài hoa thì đúng là tội nghiệt. Có phải ông mù đã gởi tâm sự mình trong tiếng đàn tận tuyệt đó không? Tôi quay vào quán, gọi một ly cà-phê bảo người hầu bàn đem ra cho người ăn xin rồi đến ngồi trong một góc nhìn ra. Suốt buổi chiều, tôi ngồi nghe lóm hết khúc này đến khúc khác, lòng cứ thắc thỏm từng hồi theo mấy cung bạc mệnh. Mà thật ra tôi có biết bài bản nào đâu. Thuở đó đối với tôi, những kim tiền bản, khốc hoàng thiên hay gì gì nữa cũng là quê mùa hết. Tôi chỉ khoái rum-ba với lại xì-lô. Đã nói tôi còn dại dột lắm mà. Vậy mà buổi chiều đó tôi ngồi im như chết trong góc quán, hồn mỏi mê như bị ma ám, lần đầu tiên khám phá ra cây độc huyền quái đản. Tại sao có loại đàn kỳ dị như vậy. Và tuyệt diệu như vậy. Còn người mù đó nữa, có phải chính cặp mắt đục lờ đó mới nhìn thấu được tới vô thanh để biến ngũ cung thành trăm bài kinh khổ? Đã có lúc tôi tưởng chừng ông ta biến đi đâu mất tiêu mà chỉ còn tiếng đàn ở đó thay ông kêu khóc. Hay có thể nói ông ta và đàn như nhập làm một. Làm sao có sự hóa thân kỳ diệu đó nếu không là một bậc dị nhân. Có lúc thần trí tôi mê hoang tưởng như Sư Khoáng đội mồ trở về vác đàn đi tìm bạn tri âm… Rồi tiếng đàn dứt. Tôi giựt mình thấy mình ngồi ủ rũ. Trời ngoài kia đã chạng vạng, bến phà cũng thưa bớt người qua.
Bữa đó khi ra về tôi đã dốc hết tiền còn lại trong túi cho ông ta rồi nhảy lên đeo xe hàng quá giang về chợ.
Đấy cái bến Mỹ Thuận nó hỗn mang như vậy đó, nó tập trung tất cả mọi hạng người từ cùng căn mạt kiếp tới những tay đâm thuê chém mướn, coi trời bằng vung, trước ngực thì xâm “hận kẻ bạc tình” sau lưng thì xâm “thù người hại bạn”, đến người cuồng sĩ tối ngày cứ đón phà từ bờ này qua bờ kia như để đón đợi một người nào đó chưa bao giờ gặp mặt mà hễ mở miệng ra là cứ “liên hoành” với “hợp tung”. Tôi đã thấy có ông tự chặt ngón tay thề thôi cờ bạc, có ông cầm dao đòi rạch bụng khi người yêu đòi “tách bến sang ngang”, có ông dẫn cô nhân tình bụng mang dạ chửa đâu từ dưới quê lên tới đó rồi… quất ngựa truy phong bỏ cô ngồi khóc bù lu bù loa bên bờ sông định mạng. Tôi đã thấy những anh lơ xe mở miệng ra là chửi thề thí mạng mà giữ chữ tín còn hơn cả đám anh hùng Lương Sơn Bạc, những em bé bán hàng rong nhỏ như ngón tay út tối ngày chạy theo mấy chuyến xe đò ép nài từng xâu mía ghim để nuôi bà mẹ tật nguyền. Mấy ông già ngồi bán báo mà thông hiểu trời đất không sót một mảy may, bình chuyện đời xưa không thua gì Mao Tôn Cương hay Kim Thánh Thán. Thôi thì đủ thứ cảnh đời mà có học đến già người trong trường lớp cũng không làm sao biết được. Bởi vậy tôi yêu mến Mỹ Thuận như một người tình chung thủy, như một người thầy lão luyện đã dạy tôi bao nhiêu ngón khôn khéo mà cũng không biết bao nhiêu món đoạn trường. Có lúc tôi tự thấy mình giàu có như một tay hào trưởng.
Bởi vậy bỏ đi xa rồi mới thấy mất mát biết bao nhiêu.
Ở đây xa quá lắm lúc nhớ quê, tôi hay làm thơ kể lể. Có khi nhắc tô canh chua tôm nấu với bông sua đũa, nhắc tộ cá lòng tong kho khô rắc chút tiêu thơm, có khi nhớ dĩa cơm sườn ram mặn, nhắc tô hủ tiếu của chú Thoòng có cái bụng to bằng thùng nước lèo, có khi thèm nghe lại một điệu vọng cổ mà hồi trước cứ chê lên chê xuống. Trời ơi bây giờ mà cho tôi chui vào rạp Miếu Quốc Công đeo tòn teng mấy chiếc cột chỗ hạng cá kèo mà coi tuồng cải lương Nửa Đời Hương Phấn chắc là tôi sướng lắm. Nhưng mà sướng hơn nữa nếu được về đứng lại dòm ngó ngu ngơ hai bên bờ sông Mỹ Thuận như ở tuổi mới vào đời.
Vậy đó tôi vẫn nhớ quê như mọi người nhớ quê của họ. Tôi còn nhớ thêm cái bến nước ơn nghĩa của tôi nữa. Nơi mà không ai chịu nhớ tới chỉ bởi cái tội nằm ở giữa một chặng đường. Người ta chỉ nhớ nơi đi và nơi đến. Đâu ai bỏ công đi thương nhớ một trạm dừng. Rồi bây giờ nghe đâu người ta đã bỏ luôn cái bến phà đó nữa. Người ta đã cất cầu treo ở trên dòng sông lớn. Những chuyến phà chắc đã kéo vào ụ hay rã ra đem bán sắt vụn. Hàng quán hai bên bờ chắc cũng phải đóng cửa. Mấy người chủ quán chắc đã đổi nghề khác làm ăn. Con đường đá chạy xuống phà chắc bây giờ bỏ hoang cho cỏ dại mọc lan. Tôi không về nên chỉ tưởng tượng được thôi. Sông kia rày đã nên đồng. Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai. Đêm nghe tiếng ếch bên tai. Giựt mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Đấy ông Tú Xương ngày xưa cảm khái như vậy đó sau khi con sông ở Nam Định quê ông bị Tây tới lấp đi. Nghe mà thấy tội tình. Tôi nghĩ ông chưa nói hết những điều muốn nói. Ông không chỉ nhớ tiếng gọi đò thôi đâu. Chắc chắn ông còn rất nhiều kỷ niệm khác mà ông giữ kín cho riêng mình. Bởi vì nói ra cũng không hết được. Mà lắm khi còn bị bĩu môi là hoài cổ, là không thức thời. Cũng như tôi bây giờ vậy, tôi cứ bị người quen kẻ lạ rầy rà, lắm khi mắng nhiếc khi thấy tôi cứng đầu cứ khư khư giữ riết lấy cho mình những hình ảnh cũ, những thương tiếc này, những ngậm ngùi nọ. Chi mà mệt vậy. Quên phức cái cho được việc. Cuộc đời còn hàng trăm chuyện phải lo, hàng ngàn chuyện phải làm, nhắc làm chi cái chuyện đất nước cũ xì, mốc thếch. Chuyện đời thay ngôi đổi chúa là thường tình, trăm họ có khốn khó thì cũng là vận số thôi. Thì vâng.. Nhưng vận số gì mà quái đản. Kẻ quyền thế dư ăn dư mặc thì cứ ngày một phủ phê. Còn đại đa số dân đen không bè không đảng, vốn dĩ nghèo đói thì cứ tiếp tục trần ai khổ lụy. Ra rả những tiếng kêu than uất nghẹn không thành tiếng. Mà giả sử có thành tiếng cũng chẳng ai nghe. Mà có nghe hổng chừng cũng chỉ có cai ngục trả lời. Nghĩ cũng đáng đời cho mấy chữ viết tắt “xhcn” mà người ta hay đọc trại ra là xuống-hố-cả-nút !
Đã không còn ngụy quân với ngụy quyền để đổ thừa, cũng không ai chen vào phá đám. Vậy thì tại sao? Chắc chắn không phải tại đám con đỏ đang chạy gạo từng bữa toát mồ hôi, càng không phải tại đám con ghẻ lang bạt kỳ hồ tứ tán ngoài cõi tạm. Vậy thì tại ai? Hỏi thì cứ hỏi chớ câu trả lời đã sờ sờ ra đó.
Gần đây bè bạn ân cần gởi cho mấy tấm hình chụp chiếc cầu trên sông Mỹ Thuận. Cầu mới tinh, cất theo kiến trúc và kỹ thuật tân kỳ, thoạt nhìn ngất ngưỡng chẳng thua gì Kim môn kiều ở Cựu Kim Sơn, chỉ thiếu có một chút sương muối lửng tha lửng thửng là lẫn lộn như chơi. Cũng mấy cột tháp cao treo mấy sợi giây cáp cong cong. Nhìn trong hình chắc không đẹp bằng cảnh thực. Ngoài đó có con sông lớn, có gió lồng lộng, có mặt trời dát vàng buổi sáng, có mặt trăng dát bạc đêm rằm chắc còn đẹp hơn nữa. Ở xa tôi hình dung xe cộ qua lại suông sẻ, khách đi đường khỏi phải lên xe xuống phà lôi thôi. Nghĩ tới nghĩ lui thấy cũng mừng. Mặc dầu trong bụng vẫn có chút nao nao khi biết đã mất rồi nơi chốn cũ. Bến phà xưa không còn nữa thì những vóc dáng xưa chắc cũng đã biệt mù. Chén cơm nóng lỡ đường, giỏ ổi làm quà đường xa, ly nước mía mới ép ngọt lịm, người chủ quán hay kể chuyện Tam quốc mấy buổi trưa ế khách, những cuộc tình xốc nổi, những gặp gỡ bất chợt, người hành khất mù và ngón đàn tận tuyệt… tất cả rồi sẽ được xếp vào loại chuyện cổ tích mà người kể nào cũng bắt đầu bằng hai tiếng “hồi xưa…”. Có thể mấy chi tiết mà tôi vừa nhắc đã mất đâu từ nhiều năm trước. Có thể trong thời buổi gạo châu củi quế người ta phải vội vã hơn trước, ăn uống nhín nhút, nói cười dè sẻn chớ không còn bung thùa như thuở tôi còn đi lại. Có thể cái bến nước đó đã mất phong độ từ lúc mới đổi đời. Nếp tinh thần đã khác thì nếp sống cũng khác theo. Người đi lại ơ thờ thì sông nước cũng chỉ là một cõi bơ vơ có lấy gì làm thân thiết. Nếu bây giờ đường đi phải rẽ qua hướng khác để đắp cao dốc cầu, bỏ lại xóm cũ hắt hiu thì cũng chỉ là nối tiếp một cách hợp lý cái cuộc sống đã bị bỏ quên từ lâu lắm. Bởi vậy mà càng nhìn tấm hình chiếc cầu mới, tôi càng thấy buồn hơn vui. Chiếc cầu được xây cất bằng vốn liếng tiền bạc và kiến thức của người nước ngoài để nối hai bờ con sông trắc trở. Mừng thì có mừng cho việc đi lại đỡ phần vất vả nhưng sao vẫn tiếc cho một nếp đời đã ăn sâu trong lòng của một số không ít người.
Và nhất là cứ tự hỏi, sao còn hàng chục triệu chiếc cầu lỗi nhịp trong lòng người mà không chịu lo bắt lại để mọi tấm lòng người Việt không còn những bờ bến phân chia?
Chính vì những chiếc cầu lỗi nhịp đó mà tới giờ này tôi chưa trở lại được quê nhà.
Cao Vị Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét