Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Trên Cánh Đồng Hoa Mỹ Nhân - Coquelicot


Coquelicot đỏ trên đồng
Nemours sản xuất kẹo hồng tên hoa
Tiếng đồn vang khắp gần xa
Hiếu kỳ mua tặng làm quà thân nhân





Thơ & Ảnh: Huỳnh Phương Trạch
Hoa Coquelicot vùng Nemours, thuộc Nước Pháp


Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Quê Hương Tôi


Tôi và em chạy trên cánh đồng vừa gặt
Những gốc rạ khô bối rối dịu dàng
Ta cùng thả cánh diều bay mỏi mắt
Khói bếp chiều quê dìu dịu lan man…

Con nghé bên kia vừa hí tiếng lạc đàn
Như tuổi thơ tôi đi vào ngõ cụt
Rẫy bắp giồng khoai chiều lên ray rức
Em lạc hồn vào ký ức mùa Đông.

Quê tôi bây giờ không còn cánh diều ngoài đồng
Không còn khói bếp mái tranh nghèo lan tỏa
Con đường tráng nhựa không còn hơi đất thở
Cũng như em không còn trên đồng cỏ chiều nay.

Tôi trở về hai bên đường hoa lá thở dài
Nấm mồ Mẹ im lìm bên đường cao tốc
Mất Mẹ mất em tôi rưng rưng bật khóc
Mất quê hương tôi cô độc cả tâm hồn.

Dương Hồng Thủy

 

 


Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Chuyện Đời



Nhìn sao đêm tưởng đang mộng mị
Cuộc sống nầy bình dị mấy khi
Một cõi một thân đời bỏ thí
Ngày qua tháng lại chẳng ai bì

Chữ nghĩa nọ không chi diễn tả
Ai người gởi hạnh phúc đến ta
Trông chờ mong đợi tin lời thật
Trao đổi vài câu chuyện ấy mà

Nguyễn Cao Khải



Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Những Mẫu Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Chiếc Dùi Trống


    Vào tháng giêng năm 1935, thầy giáo Nhân bên nhà xứ sang thăm cha mẹ tôi, thấy tôi trắng trẻo, đẹp trai, có vẻ thông minh, liền nói với cha mẹ tôi cho tôi đi tu. Hồi đó tôi chưa hiểu rõ cuộc đời tu là thế nào; chỉ biết cha mẹ tôi khuyên tôi nên đi vào nhà xứ ở với các cha cho đỡ khổ, thế là tôi nghe theo.

     Vài tuần sau, thầy giáo Nhân đưa tôi xuống xứ Đồng tỉnh, Hải dương, ở với cha Trang. Bấy giờ tôi mới biết cấp bậc trong nhà xứ: Trên có cha xứ, nếu xứ nào có nhiều giáo dân thì có thêm một hay hai cha phó; kế đến các thầy kẻ giảng,chuyên dạy bổn cho các họ đạo tân tòng; rồi tới các chú lớn, chuẩn bị học lên chức thầy; sau cùng là các cậu giúp lễ, lớp tuổi từ chín cho tới mười lăm. Năm đó tôi vừa đúng chín tuổi, được xếp vào hạng cậu giúp lễ, gồm có bốn tên: Nhân, Hạnh, Hậu, Pháp; vì đi tu, cha xứ đổi tên tôi là Thạch sang Hạnh. Tôi mang tên này cho tới bây giờ.

     Công việc hằng ngày của bốn chúng tôi: các sáng chia nhau giúp lễ, quét giọn nhà cửa rồi đi học. Tôi còn nhớ, hồi đó chú Hoàng lo việc dạy học tại trường nhà xứ; lúc dạy học chú thường dùng chiếc dùi trống, thay cho roi, để đập vào đầu trò nào làm bài sai. Dùi trống dài khoảng ba gang, hai đầu tròn như hai quả trứng. Một hôm vào giờ toán, đang lúc tôi để ý viết mấy con số thì chú tới, giáng vào mé đầu tôi một cái (có lẽ vì tôi viết số sai), tôi giật nẩy người, đầu dùi trống lướt sang trán của trò ngồi bên, làm sưng lên một cục, đỏ chót như trái nhót; chú tức giận giáng mạnh thêm giữa đầu tôi một cái nữa. Lúc đó tôi thấy tê hẳn cả đầu! Không hiểu tại sao bấy giờ đầu tôi không bể ra làm hai? Phải chăng đầu tôi thuộc loại cứng? Hay vì “cha mẹ sinh ra tuổi cứng đầu?”. Sáng hôm sau cha xứ trông thấy thằng nhỏ bị sưng trán, đi học ngang qua, hỏi lý do, nó liền kể đầu đuôi câu truyện. Nghe xong cha xứ, gọi ngay chú Hoàng lên, la mắng một hồi, rồi bắt chú phải mang dầu, xoa bóp cho thằng bé, và sang nhà xin lỗi cha mẹ nó.

     Kỳ hè năm ấy cha xứ cho làm một chòi lá ở góc vườn, cạnh nhà bếp, để dựng chuồng lợn (heo); trưa hôm đó, cơm nước xong, bốn nhỏ giúp lễ chúng tôi không được ngủ, phải đi lấy rơm nhào với bùn, đem lại cho mấy chú lớn trát vách. Tối đến, vào nhà thờ đọc kinh, bốn đứa chúng tôi thi nhau ngủ gật; cha xứ đã nhiều lần nắm tay, cốc vào đầu chúng tôi, nhưng bốn đứa vẫn không sao hết ngủ! Tức quá, cha xứ liền túm cổ từng thằng, ném ra ngoài sân; đóng cửa lại, không cho vào nhà thờ nữa. Mất đà, chúng tôi lăn như bốn khúc gỗ trên sân cát! Lổm ngổm bò dậy, bước vào nhà, run sợ, chờ đợi trận đòn lôi đình tới. Rất may, giờ kinh vừa xong, có một ông khách ở xa tới thăm cha xứ; vì bận tiếp khách nên cha đưa roi cho chúng tôi, bảo phải sang bên phòng các thầy, lãnh mỗi đứa ba roi. Trời về khua, các thầy ai nấy đã buông mùng, lên giường nằm cả rồi; tôi còn nhớ lúc đó thầy Long, vén mùng lên, ngồi trên giường, tôi nằm dưới đất, thầy vừa đánh tôi roi thứ ba thì cha xứ tới, thấy vậy, cha la lên, bắt thầy phải xuống giường, đánh lại! Hôm sau, thầy gọi tôi vào phòng, cho tôi tấm ảnh hình Chúa và nói, “Bồi thường cho Hạnh vì trận đòn hôm qua nhé!.”Tôi cám ơn thầy, vội chạy ra ngoài, sợ cha xứ trông thấy, lại bị đòn nữa thì chết.

Thạch Trong(NĐH) 

 

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Thuyền Tử Hòa Thượng Kệ 船子和尚偈


Tải Nguyệt Minh Quy - Thơ Thiền
Bài thơ nầy vốn có tựa là " THUYỀN TỬ HÒA THƯỢNG KỆ " 船子和尚偈, vì Đức Thành Thiền Sư, người gốc Tứ Xuyên, là một cao tăng ở cuối đời Đường, thọ pháp với Dược Sơn Duy Nghiêm Thiền Sư. Ngày thường ẩn cư ở Tú Châu Hoa Đình, làm nghề đưa đò ở bến đò Ngô Giang, thường thả một lá thuyền con trôi theo dòng nước, tùy duyên mà độ nhật, nên người đời mới gọi là THUYỀN TỬ HÒA THƯỢNG 船子和尚 (là Hòa Thượng Chèo thuyền), còn có hiệu là Hoa Đình Hòa Thượng 華亭和尚. Sư soạn 39 bài PHẤT TRẠO CA 撥棹歌 (Bài ca Chèo Thuyền ) ca ngợi đời sống của Ngư dân nhưng lại ngụ Thiền lý trong các lời ca đó.
Dưới đây là bài thứ nhất trong 3 bài Thất Ngôn tuyệt cú, là bài kệ có ý Thiền được nhiều người biết đến nhất:

千尺絲綸直下垂,
一波才動萬波隨;
夜靜水寒魚不食,
滿船空載月明歸。

Thiên xích ty luân trực hạ thùy,
Nhất ba tài động vạn ba tùy
Dạ tĩnh thủy hàn ngư bất thực,
Mãn thuyền không tải nguyệt minh qui!

NGHĨA BÀI THƠ:
Bài Kệ của Hòa Thượng Chèo Đò
Sợi tơ nhợ câu cá ngàn thước buông thẳng xuống dưới nước, nước bèn nổi lên một dợn sóng, và dợn sóng nầy lan tỏa thành muôn vạn dợn sóng khác tỏa rộng ra. Đêm yên ắng, nước lạnh căm, nên không có cá cắn câu, đành chở đầy một thuyền trăng trống không mà về !

CHÚ THÍCH:
TY LUÂN: Dây tơ, dây nhợ, là sợi chỉ. Chữ TY là Tơ. LUÂN là Chỉ dùng để may bìa vải lại cho đừng xút xổ , mà bây giờ ta gọi là chỉ " Vắt Xổ " đó, nên LUÂN THƯỜNG là cái GIỀNG MỐI mà ta phải giữ cho cuộc sống có nề nếp.
3 chữ cuối của câu 1 là TRỰC HẠ THÙY, nghĩa là BUÔNG THẲNG XUỐNG, THÙY 垂 là rũ xuống.
TẢI: là Chở, VẬN TẢI là Chuyên chở.

Ý BÀI KỆ:
2 Câu đầu lấy ĐỘNG để tả TĨNH, động tác buông câu là động tác thật nhẹ nhàng, dây câu chạm mặt nước cũng là động tác thật nhẹ nhàng, gợn sóng phát sinh lại càng nhẹ nhàng hơn, tuy nhẹ nhàng nhưng lại lan tỏa ra thành muôn vạn dợn sóng khác, Nhất ba động, vạn ba tùy. Một Ý niệm nảy sinh, gây mầm cho muôn vạn Ý niệm khác nảy sinh, đây chính là Ý THIỀN của 2 câu thơ đầu.
2 câu thơ cuối đều qui về một chữ KHÔNG. Đêm vắng lặng, nước lạnh lẽo, cá chẳng cắn câu, tất cả là nhân tố của cái kết quả : " Chở đầy một thuyền toàn là ánh trăng mà về ! ". Thuyền đầy ánh trăng là " Sắc tức thị Không ". Ánh trăng huyền ảo mông lung đẹp đẽ nhưng lại " Không có gì cả ! ", là " Không tức thị Sắc " đó!

DIỄN NÔM:
Bài Kệ Của Hòa Thượng Chèo thuyền


Ngàn thước dây câu vừa thả xuống,
Muôn ngàn dợn sóng gợn li ti.
Đêm thanh nước lạnh không tăm cá,
Chở một thuyền trăng chẳng có chi !


LẠI DIỄN:
Ngàn thước nhợ câu thả xuống sông,
Một dợn muôn ngàn sóng lăn tăn,
Đêm yên nước lạnh im hơi cá,
Chở một thuyền về chỉ ánh trăng!

Đỗ Chiêu Đức
***
Các Bài Dịch Khác:


Chở Trăng Về


Tơ nghìn thước dây câu sông thả,
Một sóng đầu lan toả vạn sau.
Đêm yên nước lạnh cá đâu!
Thuyền không đầy ấp trăng thâu người về.


Mailoc phỏng dịch
***
Tải Nguyệt Minh Quy


Ngàn thước dây câu buông thẳng xuống
Sóng lan thành vạn sóng lăn tăn
Đêm thanh, nước lạnh, không tăm cá
Thuyền trống, đường về, đầy ánh trăng ̣


Phạm Khắc Trí
***
1)Sắc Sắc Không Không


Chỉ tơ nghìn thướt thả buông sông
Sóng tỏa một lan nối vạn vòng
Nước lạnh đêm thanh đâu thấy cá
Thuyền đầy, chở ngập ánh trăng không...


2)Chỉ Chở Trăng Không, Thấy Ngập Thuyền

Nghìn thước dây, sông thả xuống ngang
Sóng xao cứ một tỏa lan ngàn
Đêm thâu lạnh lẽo nào đâu cá
Thuyền vớt trăng không, ngập ánh vàng


Mai Xuân Thanh
Ngày 13 tháng 08 năm 2017
***
Chở Ánh Trăng Về

Sợi tơ ngàn thước thẳng buông sông
Sóng một vòng lan tỏa vạn vòng
Nước lạnh trời đêm không gợn cá
Thuyền về chở ngập ánh trăng trong.


Phương Hà
***
Chở Trăng Về


Dây câu ngàn thước thả xuôi dòng
Lan sóng truyền lan động khắp sông
Nước lạnh đêm yên mồi vẫn đấy
Đầy khoang trăng ngập cá thì không

Kim Phượng
***
Hòa Thượng Chèo thuyền


Thả một sợi câu cuộn chỉ dài
Sóng ngàn lan toả một vùng lay
Đêm yên cá nghỉ dòng say lặng
Một chiếc thuyền không ánh nguyệt đầy

Mai Thắng

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Chung Thời Binh Lửa


Bài Xướng:

Chung Thời Binh Lửa

Chân quen xa lạ những tên đường
Tống biệt đau lòng biệt cố hương
Dậy sóng Thái Bình người mỗi ngả
Trường Sơn rũ áo kẻ phong sương
Tan hàng vẫn đấy tình huynh đệ
Mộng đổ còn đây chí quật cường
Cát bụi đìu hiu về cát bụi
Mang theo huấn nhục nắng thao trường

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Một Thời 

Cảnh lạ, người đông, khác cả đường
Giọng đâu nghe khó, tiếng quê hương?
Tự cao ngọng nghịu người phe thắng
Văn hóa chửi thề kẻ gió sương
Cởi giáp vẫn còn đầy chí khí
Tuổi già đâu nhụt ý kiên cường
Một mai cát bụi về thiên cổ
Thanh thản đoàn viên bạn chiến trường!

Lộc Bắc
Jui21

 

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Tự Tình


Thơ Xướng

Tự Tình


Bóng nắng đã buông dài
Tuổi già đến nặng vai
Nhớ nhung về dĩ vãng
Mờ mịt bước tương lai
Thế sự chừng trôi nổi
Vinh quang chẳng đoái hoài
Bao nhiêu niềm ước vọng
Tan biến tựa sương mai

Quên Đi
***
Thơ Họa

Trái Ngang

Đêm buông tiếng thở dài
Lệ ướt đẫm bờ vai
Thơ thẩn đời đơn lẻ
Mỏi mong ánh thái lai
Vào đêm thu quạnh quẽ
Lắng khúc nhạc u hoài
Đau khổ tình ngang trái
Ôm lòng đợi sớm mai

Kim Phượng


Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Thảo Câu Thơ


Cho nhau dòng mực chảy thành thơ
Ngòi bút mềm kia viết "xin chờ"
Không chắc ai người cùng thấu hiểu
Chung nhau cuộc sống chung giấc mơ

Cây viết vô tình chẳng có lòng
Ta dùng diễn tả kiếp long đong
Thế nhân thường nói bẻ cong viết
Chuyện thiệt đời thường đúng hóa không

Mực chảy nên thư tình lãng mạn
Trao ai có kẻ đọc hay không
Tâm tình trút hết lên trang giấy
Thức trắng đêm dài biết sao đây

Nguyễn Cao Khải

 

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Sầu Đong


Người ở đâu đông dài khắc khoải
Những con đường bóng đổ thâm u
Và nơi đó hằn sâu kỷ niệm
Đôi mái đầu ướt đẫm dưới mưa

Người ở đâu đông dài trăn trở
Những con đường vai sát kề vai
Và nơi đó một thời thơ dại
Nay chỉ còn bóng nhỏ đơn côi

Người ở đâu đông dài nức nở
Những con đường gió lạnh sầu đong
Và nơi đó chiều không buông nắng
Tưởng chừng như hơi ấm còn đây 


Kim Phượng

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Quỳnh Hương

 

Hồn lâng lâng dần chìm lắng đọng
Ôi diệu huyền ngan ngát hương riêng
Phút nhiệm mầu sâu hơi thở nhẹ
Nụ tinh khôi vừa hé Quỳnh Hương

Cánh vô thường thủy chung ướm mộng
Chút tự tình bóng nguyệt sương giăng
Trong chìm đắm chập chờn ngây dại
Rạng ngày gục chết mối tương tư

Ngày lãng quên sau đêm diễm lệ
Suốt thương vay nhựa sống bừng lên
Thời gian mảnh lụa mềm bao phủ
Tỏa nồng nàn thanh khiết một đêm
(Kim Phượng)




Thơ & Ảnh:Kim Phượng 


Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Thiên Nga Trong Ao Thu

Thiên nga quấn quýt bên nhau
Như hình với bóng trong ao thật tình
Xem kìa quang cảnh xinh xinh
Đôi chim kề cận bên mình đẹp sao
Cả đôi yên lặng trắng phau
Tiếng chim kêu hót trên cao đón chào
Hạ đi thu đến lúc nào
Lá vàng rơi rụng bước vào mùa thu
 

 Huỳnh Phương Trạch


Ảnh: Huỳnh Phương Trạch

Thu Nemourne Pháp Quốc


Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Hè Về - Trùng Trùng Nỗi Nhớ


Bài Xướng:

Hè Về


Nghìn trùng quê cũ vẫn còn thương
Tỉnh lẻ nghèo xơ quạnh mái trường.
Lả tả ngoài sân rây cánh phượng
La đà trong gió rủ hàng dương.
Ve sầu ra rả ru trưa nắng
Tiếng guốc đìu hiu vẳng góc đường
Hạ đến nao nao hồn lữ thứ
Lặng nhìn mây trắng mắt sầu vương!

Mailoc
05-26-21

( Nhớ Cao Lãnh)
***
Bài Họa:


Trùng Trùng Nỗi Nhớ

Cao Lãnh một trời để nhớ thương
Quẩn quanh kỷ niệm với ngôi trường
Bầy ve uống nắng trên cành phượng
Lũ trẻ bày trò cạnh gốc dương
Định mệnh trớ trêu đành rẽ lối
Cơ may gặp gỡ lại chung đường
Vườn Thơ khuất bóng Cao Linh Tử
Đậm nét thầy trò mãi vấn vương

Kim Phượng
27.5.2021

Nhớ Về Thầy Mailoc và  Người Học Trò  Đã Khuất Của Thầy Là Cao Linh Tử.

 

 

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Sầu Đông - Đông Về

 

Bài Xướng:

Sầu Đông


Ngọn sầu đông một vòng tay đợi
Vành môi chờ ấm lại bờ môi
Cơn giá lạnh bên đời xao động
Hồn đi hoang một thoáng bồi hồi

Đường chiêm bao mộng về xây mộng
Kề bên nhau kể chuyện trăm năm
Đôi mắt ấy có điều chưa tỏ
Cứ nhìn thôi và rất xa xăm

Ô cửa nhỏ sầu đông thăm thẳm
Trời viễn phương đâu bước chân hoang
Người xa xôi quá làm sao biết
Đông mấy đông mà lạnh trăng tàn

Kim Phượng

*** 

Bài họa:

Đông Về


Ngọn đông phong thổi lòn hang núi
Đêm thật dài lạnh buốt vành môi
Gió hắt hiu ngập tràn nỗi nhớ
Nghe cô đơn gõ nhịp từng hồi

Bến quạnh hiu giật mình tê tái
Bỏ quên đời còn lại bao năm
Không hối tiếc khi về cát bụi
Tuy rất gần vẫn thấy xa xăm

Trời đông lạnh hoàng hôn tím ngắt
Ta lang thang những bước chân hoang
Đời phiêu lãng biết đâu bờ bến
Nghe trong tim vụn vỡ điêu tàn!

Kim Dung
(Jun 6, 2021)

 

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

Lãng Đào Sa 浪淘沙 - Lý Hậu Chủ

Nguyên Tác                    

浪淘沙                          

李 後 主                       

簾外雨潺潺
春意闌珊
羅衾不耐五更寒
夢裏不知身是客
一晌貪歡。
獨自莫憑欄
無限江山
別時容易見時難
流水落花春去也
天上人間。

Phiên Âm Hán Việt

Lãng Đào Sa

Lý Hậu Chủ

Liêm ngoại vũ sàn sàn
Xuân ý lan san,
La khâm bất nại ngũ canh hàn.
Mộng lý bất tri thân thị khách,
Nhất hướng tham hoan.
Độc tự mạc bằng lan,
Vô hạn giang san,
Biệt thời dung dị kiến thời nan.
Lưu thuỷ lạc hoa xuân khứ dã,
Thiên thượng nhân gian.

Lãng Đào Sa: tên gọi một điệu hát (Từ). Nguyên là bài hát của Đường giáo phường còn có tên là Lãng Đào Sa Lệnh hay Mại Hoa Thanh, thất ngôn tuyệt cú, được Lý Hậu Chủ đổi thành trường đoản cú, tổng cộng 54 chữ.
Sàn sàn 潺 潺: róc rách, rì rào, tí tách.
Lan san 阑 珊: tàn lụn suy tàn.
La khâm 羅 衾: cái mền dệt bằng tơ lụa.
Bất nại 不 耐: không thể chịu được
Nhất hưởng 一 晌: một khoảng thời gian.
Bằng lan 凭 栏: dựa vào lan can.
Thiên thượng nhân gian: Cõi thế đã từng vui thú, giờ chỉ có thể tìm lại trên trời. Câu này có nguồn gốc từ câu 天 上 人 間 會 相 見 Thiên thượng nhân gian hội tương kiến trong "Trường Hận Ca" của Bạch Cư Dị, nhà Thơ Tản Đà dịch câu này như sau: "Nhân gian rồi với trên trời gặp nhau".

Dịch Nghĩa

Bài Hát Điệu Lãng Đào Sa

Bên ngoài rèm tiếng mưa tí tách
Hơi hám mùa xuân không còn nữa
Chăn tơ không thể chịu được cái lạnh suốt đêm
Trong mộng không biết mình đang bị làm khách (bị giam lỏng)
Cũng vì ngày tháng ham vui .
Chỉ một mình đứng dựa lan can
Sông núi không hạn kỳ (ý nói giang sơn không của riêng ai, nay người này, mai người khác)
Mất đi thì dể nhưng lấy lại thì khó
Nước chảy hoa rơi xuân đã qua rồi
Đã từng có cảnh đàn hát suốt đêm ngày nơi cõi thế, giờ muốn tìm lại chỉ trên trời.

Dịch Thơ 1

Ngoài rèm tiếng mưa rơi
Hơi xuân xa rời
Đêm lạnh rét chỉ chiếc mền tơi
Trong mơ quên thân đang là khách
Bởi vui một thời
Mình ta đứng chơi vơi
Đất nước diệu vợi
Được thì khó mất dễ như chơi
Nước chảy hoa rơi xuân đã khuất
Giờ chỉ trên trời.


Dịch Thơ 2:

Ngoài rèm tiếng mưa rơi
Mùa xuân đã vội rời
Đêm lạnh mền chẳng ấm
Mơ quên bị giam cầm
Năm tháng ham vui vẻ
Giờ một mình lặng lẽ
Nước cũ biết tìm đâu
Được mất tựa bóng câu
Nước hoa xuân nhạt màu
Gặp lại chỉ trời cao.


Quên Đi

***
Bài Dịch: Lãng Đào Sa

Ngoài hiên mưa rơi rơi
Sắc xuân tơi bời
Năm canh nào đủ ấm chăn ơi
Trong mộng thời quên mình là khách
Tháng ngày ham chơi
Lan can tựa không rời
Giang san ngàn đời
Mất dễ tìm kiếm khó khắp nơi
Nước chảy hoa rơi xuân đà hết
Tìm ắt trên trời


Kim Phượng 

 

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Hồn Thu - Trang Tình Sử Mới


Hồn Thu

Tôi đi tìm lại ánh trăng tan
Vá víu đời nhau buổi sắp tàn
Xào xạc lá thu hồn khuấy động
Cõi lòng cô phụ mỗi thu sang

Kim Phượng
***
Cảm Tác

Trang Tình Sử Mới


Người đi xóa hết ánh trăng tan
Vui thấy đêm hoang đã sắp tàn
Đón ánh bình minh lên sáng rực
Mừng trang tình sử mới sang trang

ChinhNguyên/H.N.T.
May.29.21


Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Sầu Ly Biệt

Lòng ta ơi mãi khóc sầu ly biệt
Ray rức niềm riêng trở lúc đông về
Đất trời buồn dáng cỏ thấm ủ ê
Đêm thanh vắng rền tiếng trùng thống thiết

Chừng tiếc nuối bật cung thương nức nở
Mưa rơi đều trên nỗi nhớ thời xa
Từng giọt thương giọt hận tiếp giao hòa
Rơi vào lòng đất chia lìa muôn thuở

Gió đầu đông rít từng cơn trăn trở
Bên kia đời xa lắc một màu sương
Hương trầm hương nghi ngút cõi vô thường
Lòng ta ơi mãi khóc sầu ly biệt

Kim Phượng

6.6.2021

 

Thơ Tranh: Sầu Đông

 

Sáu ơi! Em chia sẻ với nỗi lòng mưa 6/6 nha!

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Sầu Đông



Ngọn sầu đông một vòng tay đợi
Vành môi chờ ấm lại bờ môi
Cơn giá lạnh bên đời xao động
Hồn đi hoang một thoáng bồi hồi

Đường chiêm bao mộng về xây mộng
Kề bên nhau kể chuyện trăm năm
Đôi mắt ấy có điều chưa tỏ
Cứ nhìn thôi và rất xa xăm

Ô cửa nhỏ sầu đông thăm thẳm
Trời viễn phương đâu bước chân hoang
Người xa xôi quá làm sao biết
Đông mấy đông mà lạnh trăng tàn

Kim Phượng


Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Hạ 75 - Tìm Đâu?


Hạ 75

Loanh quanh nhặt cánh phượng rơi
Ép vào cuối vở thay lời con tim
Trưa hè ngỡ nắng ngủ im
Tiếng ve réo gọi môi tìm môi trao
Phượng Hồng rực sắc trên cao
Mùa hè năm ấy xa nhau trọn đời.

Kim Phượng

***
Thơ Cảm Tác:

Tìm Đâu?

Tha thiết tình đầu mới biết yêu
Đôi mắt nhìn nhau nói thật nhiều
Bồi hồi anh khẻ hôn lên tóc
Ngây ngất trong lòng biết nói sao?


Tháng Tư chia cắt đời đôi ngã
Em đã đi rồi hay ở đâu
Tôi về góp nhặt tình thơ lại
Giữ mãi trong tim một mảnh đời!


Gần hết đời người tóc trắng phau
Giờ em biền biệt ở phương nao
Tìm đâu giờ biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy trong mơ tuổi bạc đầu!

Kim Dung

May 31, 2021


Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Hồn Thu - Hồn Thơ

Bài Xướng:

Hồn Thu


Tôi đi tìm lại ánh trăng tan
Vá víu đời nhau buổi sắp tàn
Xào xạc lá thu hồn khuấy động
Cõi lòng cô phụ mỗi thu sang

Kim Phượng

*** 

Bài Họa:

Hồn Thơ

Luyến tiếc đi tìm ánh Nguyệt tan
Hồn thơ lưu luyến buổi thu tàn
Khi nhìn chiếc lá bay trong gió
Mơ ước chỉ là bước rẽ sang

Song Quang