Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Chúc Mừng Năm Mới - Quên Đi

Chúc Mừng Năm Mới - Nguyễn Hiền

Những Ngày Thân Ái Khôn Nguôi

      Năm nay, gia đình Lê Kim chúng tôi mừng Giáng Sinh và Tết Tây có phần nhộn nhịp khác thường hơn mọi năm, vì sự có mặt của ông anh trưởng nam. Anh Tư, người từ Mỹ quốc, xứ lạnh tình nồng, sang thăm các em.

      Ngoài sự tưng bừng, nhộn nhịp, thiêng liêng trong những ngày Lễ Trọng Yêu Thương này, còn có sự náo nức khác thường nữa, là những những món quà được mang đến Úc từ bên kia nửa vòng trái đất. Đó là đồ trang sức làm từ người bản xứ Peru và rất nhiều chiếc áo thung Polo có hình “con ngựa” của nhà sản xuất Ralph Lauren.


      Sau tuần quà đêm Giáng Sinh, để làm vui lòng người cho, các đứa em biểu hiện cho anh Tư biết, bằng cách khoác lên mình những chiếc áo vừa được trao tặng, trong những cuộc đi chơi chung... "Melbourne mấy hôm nay ngựa đầy đường”! Cậu em đã nói thế và lời ấy gây tiếng cười giòn, trong vắt cho cả bọn.
      Hôm nay, theo lịch trình, “bầy ngựa” thẳng tiến về Daylesford, nhìn những "con ngựa" mang đủ màu sắc xanh, tím, hồng, vàng… trên ngực áo mà các em đang mặc, một cảm giác vui vui chợt đến với tôi. Nhưng rồi, thoáng bùi ngùi khi nhớ đến ngày anh sẽ bước lên phi cơ, trở về phương Bắc xa xôi. Tính tôi vẫn thế, chưa trọn vui sum họp lại liên tưởng đến sầu chia phôi…
      Vì ham vui nên chẳng định liệu, không chọn lựa ngày giờ, cả bọn đồng ý đến nơi nào có trồng Lavender, hầu thỏa mãn sở thích của ông anh. Trên đường đi, nhìn từ xa, một nhà hàng trông chẳng khác căn nhà đang ở, được bao quanh bởi những dãy Lavender thắng tấp, mang màu tím nhạt xa xăm, thu hồn người. Chúng tôi vội ngừng xe, đổ xô xuống, nhanh chân bước, bởi sức thu hút từ màu sắc cùng mùi thơm dìu dịu. Hương hoa nhẹ nhàng, thật khẽ “đi” vào khứu giác đến đê mê. 


Những bước chân ngập ngừng của chúng tôi dừng lại ngay cổng ra vào. Một tấm biển “NOW OPEN” bằng vải, đã hạ xuống nằm trải dài trên mặt đất từ lúc nào. Một dấu hiệu thay cho lời... "ngày này cửa hàng tạm nghỉ". Trong luyến tiếc, các anh chị em chúng tôi chỉ còn biết lựa phong cảnh, chụp vài tấm ảnh để sau này, có xa... “Thương nhau mới tặng ảnh này để làm kỷ niệm những ngày xa nhau. Dù cho ảnh có phai màu xin đừng xé bỏ mà lòng này đau”
      Đang lúc thất vọng, bỗng đâu một bóng người xuất hiện. Không tả hết nỗi vui mừng, nhưng lúc biết ra, anh chỉ là người giúp việc, vừa xong việc thu dọn quét tước và chuẩn bị ra về. Chàng thanh niên thật trẻ người, nhưng sự bặt thiệp, lịch lãm, lòng hiếu khách được biểu hiện trên đôi môi, nụ cười và nhã nhặn trong lời nói. Anh mời chúng tôi cử “nhảy rào” vào, tự tiện đi dạo quanh và anh còn cho biết đừng ngại ngùng vì chẳng có ai nơi đây. Giá mà, trở lại thời cách nay mấy mươi năm, lúc chân ướt chân ráo khi mới định cư, lúc “điếc chẳng sợ súng”, có lẽ chúng tôi ngại gì mà chẳng bước vào trong, theo lời mời đầy thâm tình này.
      Đứng bên ngoài vòng rào, thỏa thích với những tấm ảnh ăn ý, chúng tôi rời nơi này trong luyến tiếc. Hành trình tiếp tục, thẳng tiến... Daylesford, nơi còn chìm ngủ trong những ngày lễ lạc. Thật vậy, người nơi đây đang được nghỉ bù một ngày, vì lễ Boxing Day đã rơi vào ngày cuối tuần. Đa số các cửa hàng đều đóng, ngoại trừ những nơi bán quà lưu niệm cho khách phương xa và những quán cà phê với những chiếc bàn con con nằm lộ thiên, đặt dài theo con phố.
      Ngồi bên ly cà phê đặc quánh bọt, tha hồ ngắm người qua lại,. Họ thuộc đủ các sắc dân, nghe được nhiều ngôn ngữ, ngắm lắm loại áo quần lạ mắt của những du khách, khác sắc tộc,đang khoác trên người. Nhìn quanh một vòng, rất ít người Á châu và có lẽ chỉ chúng tôi là người Việt. Bước dọc theo con phố, tôi mang cảm giác như đi để mà đi, thật thoải mái, lòng vô tư chẳng chút lo âu. Nhưng lúc cậu em Út cho biết gần đến tiệm đồ cổ, ánh mắt chúng tôi sáng lên, nhanh chân bước như chen nhau. Vào đến tiệm, cặp mắt đảo liên và tôi nghe câu nói quen tai: “ Nhìn rồi mới thấy những đồ mình bỏ ra còn tốt hơn ở đây nữa” hoặc “Món đồ này cho em, em cũng không lấy”, có tiếng đứa khác đáp lại: “Hứ! Ai cho mà lấy với không”.
Chúng tôi tiếp tục lên đường và có cùng một ý nghĩ, cậu em Út là thổ địa cho người từ phương xa. Em lái xe dẫn đầu, chạy vòng quanh cho anh em tôi ngắm hết cảnh này đến di tích lịch sử khác.


Rất tình cờ, nơi đây là Lavandula Swiss Italian Farm. Con đường dẫn vào khá chật hẹp cho xe di chuyển, thế mà dòng xe tấp nập. Chúng tôi vừa bước ra khỏi xe, mang cảm giác lạc vào nơi ngan ngát một hương riêng, thật dễ chịu. Cảm giác ấy, thôi thúc mãnh liệt, đôi chân bước nhanh hơn. Làm thế nào mô tả nỗi giây phút đứng lặng người, ngất ngây trước màu tim tím của sắc, hương nồng nàn, kỳ ảo của lá và hoa. Quanh đấy, đàn ong màu vàng thẩm đang vờn hoa, những con khác chen đua hút nhụy. Đàn ong tuy khá nhiều, nhưng đủ hiền hòa khiến người thưởng lãm có thể an tâm đi dọc, dài theo luống hoa để có những bức hình kỷ niệm.
      Hơn mấy mươi năm sống trên đất Úc, lần đầu đặt chân đến nơi này. Ba đồng rưởi lệ phí vào cửa, quả chẳng uổng phí cho một nơi đến, lúc ra về hương hoa vẫn quyện theo xao động lòng người và anh em chúng tôi sẽ còn những kỷ niệm bên nhau khó quên. Chúng tôi rời đi khi chiều dần xuống, mỗi người mang theo hương quen còn vương, vui say với đôi ba cây nến vừa mua, có cùng màu tím và mùi được pha chế từ hoa.


Về đến nhà, lần theo trang www.lavendula.com.au tôi có dịp hiểu biết thêm sự kỳ dịu của thiên nhiên về loại hoa này qua các đoạn văn hay những khúc phim ngắn. Nhìn người đi dọc theo những luống dài, tay cầm liềm cắt hoa. Chạnh lòng, tôi bỗng nhớ về mùa lúa mới nơi quê nhà, nhớ những người nông dân tay lấm chân bùn, trên cánh đồng lúa trổ chín vàng. Việc cắt hoa dù không nhọc nhằn như người nông phu Việt Nam, nhưng họ cũng khá vất vả. Kế đến những công việc chế biến thành dầu hay những sản phẩm đủ loại cho con người cần đến hoặc những hương trị liệu, gây cảm giác đê mê, thư giãn. Thế mới biết đàng sau lưng sự hưởng thụ của bản thân mình, có biết bao giọt mồ hôi của kẻ khác đổ ra.

      Rồi đây, khi anh tôi rời Úc Châu biết đến bao giờ mới trở lại. Hành trang anh mang đi từ phương Nam này sẽ có rất nhiều sản phẩm được làm ra từ loài hoa tim tím mang tên Oải Hương. Những món quà trao tặng ghi lại chút tình, khi anh rời nơi đây.


Tôi có môt cặp tách dùng uống trà hay cà phê, nay tặng riêng cho anh một chiếc. Sau này mỗi lần dùng đến, nhìn hình cụm hoa Lavender màu tim tím in trên nền tách, chưa rõ anh sẽ nghĩ gì. Nhưng với tôi có lẽ từ giây phút này, chiếc tách thứ hai tôi giữ lại, nó sẽ là một hiện vật được tôi trân quý, nhắc tôi nhớ về một người anh xa xôi bên kia nửa vòng trái đất, người anh đã ảnh hưởng đến tâm tính và học lực của tôi rất nhiều…từ lúc tôi còn bé dại.
    Oải Hương, màu hoa tím mang ý nghĩa sống lại theo niềm tin tôn giáo sẽ ghi lại những chuỗi ngày thân ái khôn nguôi.

Kim Phượng


Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Trải Lòng



Tay gom con chữ trải lòng
Tiếng lời tha thiết đôi dòng biệt ly
Gửi theo xác pháo vu qui
Giao bôi chén rượu xuân thì vùi sâu
Ngậm ngùi chôn chặt tình đầu
Ven sông hoa rụng một màu tóc tang
Sầu dâng cạn đáy Tương giang
Nghìn thu khóc hận trắng hàng bài thơ

Kim Phượng

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Cảnh Tượng, Chiều Mưa Giông


1-
Vợ chồng trẻ

Anh đạp xe hừng hực
Lay lắt cô vợ gầy
Đứa bé con sũng ướt
Cầu Bình Lợi mưa rây.

2-
Người già

Tinh mơ người ra đi
Khuya khoắt đêm trở
Nặng nhọc xe đạp đẩy
Chòm râu thưa mưa bay.

3-
Lão bà

Lão bà khó gánh nước
Chậm bước đường dốc trơn
Cảnh khổ còn gì hơn
Tuổi già vai khẫm nặng

4-
Bản thân

Xế chiều chợt thức muộn
Ngỡ trời hẳn mưa giông
Phải chăng gió thổi dồn
Lại nằm ra ngủ nướng

Phan Nhật Nam
Chiều đêm mùa mưa 92,
Từ Bình Lợi,
Về vườn Lái Thiêu.

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Cuối Năm Tự Họa


Bài Xướng: Cuối Năm Tự Họa

Bốn chục năm xưa, ta bốn mươi;
Quay về quê mẹ, rực trời tươi.
Mà sao lúc ấy, ta vui thế !
Lòng rộn ràng, mong góp sức người.

« Mười năm gió bụi », chốn quê ta.
Nghĩ lại, mỗi lần, dạ xót xa !
Tuổi trẻ, áo cơm, đời phí phạm ?
Thời gian, thoáng chốc, đã niên hoa.

Ta vốn vô tư tự thuở nào,
Buồn vui, đâu để dạ tâm hao.
Cứ coi, cơ hội rèn tâm chí;
Đèn lửa mười năm, góp chí hào.

Xứ người, ta được học, khôn ra;
Thu thập ngày ngày, đầu nở hoa.
Mai mốt, nếu thuận buồm trở lại,
Chung lưng, đời sẽ có thêm ta.

Danh Hữu
(20/12/2015)
***
Bài Họa: Tự Họa Cuối Năm

Ngược về dĩ vãng quá đôi mươi
Chân bước vào đời rạng nét tươi
Phấn trắng bảng đen cô giáo nhỏ
Thì thầm mẹ bảo đã nên người

Bỗng chốc một mình ta với ta
Trời Âu mờ mịt quê mình xa
Cố hương ơi hỡi sao mà nhớ
Bám rễ cây đời nguyện trổ hoa

Thời gian lưu lạc sá chi nào
Luyện trí rèn tâm chẳng để hao
Văn hiến bốn ngàn còn tỏ rõ
Bọt bèo nhi nữ chí anh hào

Canh cánh bao điều muốn nói ra
Mê Linh hồi trống giục hồn hoa
Sơn hà xã tắc khi cần đến
Sẵn lòng Lạc Việt trong máu ta

Kim Phượng
***

Cảm Tác: Trải Qua Một Cuộc Bể Dâu


Một chín bảy lăm được mấy mươi?
Hai mươi tám lẻ vẫn còn tươi.
Hòa bình lập lại mừng hơn thế!
Tiếng súng im re...chắc khỏe người.

Mắt thấy tai nghe bao nỗi khổ,
Hai mươi cái Tết tủi thua xa!
Ai ngờ lảng phí thời trai trẻ,
Thoáng chốc quãng đồi mất tuổi hoa!

Trai trẻ thanh xuân trải thế nào,
Quê nhà đoàn tụ sống hư hao!
Xe thồ bốc vác qua ngày tháng,
Lao động phu phen dám tự hào!

Xuất cảnh Hoa Kỳ năm chín bốn,
Quê người học hỏi chốn phồn hoa.
Ước mơ đất nước như Hàn, Nhật?
Sáng lạn huy hoàng Tổ Quốc ta.

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 12 năm 2015

*Xuất cảnh Hoa Kỳ năm chín bốn, (cuối năm 1994)
*Ước mơ đất nước như Hàn, Nhật? (Nam Hàn, Nhật Bản)

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Tấm Thiệp Giáng Sinh


      Hàng năm, cận lễ Giáng sinh là thời gian tôi khá bận rộn. Nhưng là, bận rộn trong an bình nhận lãnh và thân yêu trao ban. Nào là...tôi cần chọn tấm thiệp nào, để gửi cho ai. Nào là... lựa con tem nào thích hợp, để tôi dán lên bao thư đó. Một điều cũng không kém quan trọng, tôi phải định liệu thời gian để gửi thiệp đi và ước đoán sẽ đến tay người nhận đúng lúc, không sớm cũng chẳng quá muộn.

      Dịp lễ trọng này, rơi đúng vào thời gian cuối của năm, sau những ngày làm việc mệt nhọc. Đây là lúc mọi người có được nghỉ ngơi. Chung trong niềm vui, tôi đã gửi đi khoảng trên 200 tấm thiệp để chúc mừng. Chúng như đàn chim muôn màu, tung bay muôn phương, một số thiệp về lại Việt Nam, một số khác đến đất Mỹ, Gia Nã Đại, Bỉ, Đức hoặc lòng vòng trong lục địa Úc châu, nơi tôi đang sinh sống. Những tấm thiệp này, được chọn lựa kỹ lưỡng, từ hình ảnh đẹp bên ngoài cùng với lời chúc lành được in sẵn bên trong. Bởi đây, vừa là thú tiêu khiển cuối năm vừa là món quà mọn, rất nhỏ, nhưng đầy ắp tình mà tôi muốn trao gửi đến người nhận. Người nhận là những ai? Đó là thân nhân, bạn bè vong niên, những người cùng nơi làm việc, một số cựu học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long và là tất cả học sinh trường Việt Ngữ Trương Vĩnh Ký, lớp do tôi phụ trách.


      Có một điều tôi cần nói ra, nếu không, e rằng có người sẽ bật mí. Đó là sự ngoại lệ dành cho người thân trong gia đình. Những anh chị em nơi phương xa, sẽ nhận thiệp thay "quà". Còn tất cả anh chị em cư ngụ tại Úc, trong ngày lễ này, cùng họp mặt, có chung "đêm Giáng sinh vô cùng", nên nhận quà thay "thiệp".
      Như đã nói, gửi thiệp Giáng sinh là một cái thú, vì niềm vui đến tức thì với tôi. Không thú sao được, mỗi lần gửi, tôi có dịp ngắm nghía, săm soi, từ ngoài lẫn bên trong từng tấm thiệp. Hình bên ngoài đã đẹp, đọc qua lời viết sẵn có, tôi có dịp suy ngẫm tình ý từng lời. Nếu chỉ dùng những lời viết sẵn có ấy, đỡ mất thời giờ biết bao, nhưng tôi thích do chính tay mình viết hơn. Bởi đó là tình cảm tôi dành riêng cho mỗi người và được viết theo mỗi ý. Ngay khi đặt bút viết, tôi cảm tưởng như đối diện với người nhận và bật cười khi nghĩ tới, nhớ về những cử chỉ, hành động mà người này đã dành cho tôi trước đây. Tôi tự hỏi, tự thích thú và cứ thế mà thiệp rời khỏi tôi và chuyển đến tay người nhận... Đó chẳng là niềm vui hay sao?


      Viết, gửi, thiệp Giáng Sinh nhiều như thế, phải chăng là một thông điệp cho biết tôi rất cần tình thương? Có lẽ cũng đúng! Vì trong số những tấm thiệp Giáng sinh đẹp, giống nhau ấy, đã được gửi đi, nhưng tôi luôn luôn giữ lại một tấm, tự gửi cho riêng mình. Nhìn tấm thiệp Giáng Sinh, tôi tha hồ ngắm để thưởng thức cái đẹp, tha hồ đọc lời viết sẵn, hầu tìm sự hay và nương theo đó mà sống.
Trong số thiệp gửi đi... với muôn ngàn ý tốt đẹp trao ban, đôi khi được hồi đáp bằng điện thoại..."mắc công mình phải gửi thiệp đáp lễ lại cho bồ...".
Có những tấm thiệp, đều đặn gửi đi mỗi năm với cả tấm lòng tri ân, tri ân Người đã âm thầm, tế nhị giúp đỡ tôi. Đó chính là Người đã đưa tôi trở lại cuộc đời này.


      Số thiệp tôi nhận được, không thua gì số đã gửi đi. Trong số này, có một tấm thiệp, được tôi gìn giữ rất lâu, được trân quý và hàng năm đều mang ra trưng bày lại. Đó là thiệp Giáng sinh của một em học sinh lớp 5, trường Việt Ngữ. Em tự tay làm lấy, hình một cây thông được cắt ráp cẩn thận, tô màu bắt mắt, bằng đôi bàn tay nhỏ bé của em. Cây thông tô xanh xanh, cao cao vẽ nhiều tầng, nếu được mở bung ra, bên trong nắn nót viết lời chúc lành. Hàng năm, khi mang cây thông bé xíu này để chưng bày, một tình cảm tràn trề len lén cùng nước mắt rưng rưng. Ngày đó, em đến trường với mái tóc rối, chưa được chải gỡ cẩn thận, mà bàn tay đó khéo léo cùng óc sáng tạo để làm nên Tấm Thiệp. Giờ đây, người học sinh ấy đã tốt nghiệp Đại học.


      Có một tấm thiệp khác, quá đặc sắc. Cũng là thiệp Giáng Sinh tự làm, từ sáng kiến của một vị trong Ban Điều Hành Trường Việt Ngữ. Với kỹ thuật hiện đại, một cây Noel, thay những bóng đèn lấp lánh trên cành bằng khuôn mặt của quí vị nhân viên trong Ban Điều Hành và Thầy Cô Giáo. Tôi mang"kỷ vật" này trưng bày hàng năm, vì đây là món quà tình cảm vô giá.


Để có được thiệp với số lượng lớn, vừa đẹp, vừa đủ gửi đi hàng năm như thế. Để có được giấy gói quà tốt, dây cột quà "đồng điệu", phù hợp với màu sắc của giấy gói đó, tôi phải chuẩn bị trước cả năm. Mỗi năm, sau ngày Boxing day, 26 tháng 12, hầu hết vật dụng cần cho ngày Giáng sinh được bày bán hạ giá. Nếu ai chịu chờ, chịu đợi, sau Tết Dương lịch, chỉ còn nửa giá hay rẻ hơn nữa. Tuy nhiên, nếu càng đợi chờ, thì tiền nào của đó, chất lượng, mỹ thuật của vật dụng e kém đi và không vừa ý cho lắm. Những ngày này, tôi vui như hội. Đôi chân như bay, lướt từ của hàng này sang cửa hàng khác. Hết đi ngày nay, rồi sang đến ngày mai và những ngày kế tiếp nữa.


      Thời "hoàng kim" của tôi mỗi năm lùi dần...lùi dần và sẽ đi vào dĩ vãng bởi kỹ thuật hiện đại. Ngày nay, với phương tiện điện toán, email đã dần dần giết chết những tấm thiệp Giáng Sinh "của tôi" không chút tiếc thương. Rồi đây cái háo hức mỗi lần chạm vào thùng thư. Những ngày nhanh chân, lẹ tay đi tìm mua thiệp "sale" sẽ không còn nữa?!. Chiếc thùng dự trữ vật dụng Giáng sinh của tôi, trống rỗng dần đến đau lòng. Bây giờ, trong phút giây này, số thiệp gửi đi, chỉ vỏn vẹn có 5 tấm và lượng nhận về hơn một mà thôi.
Buồn!

Kim Phượng

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Chúa Ơi ... Làm Sao - Dọn Mình




Trong Mùa Lễ Trọng, Đỗ Hữu Tài đã từng dọn mình đón Chúa bằng những lời thơ. Và đây là bài thơ cuối cùng, Tài đã tìm đến Chúa. Bài thơ sáng tác chỉ vài hôm trước khi Tài vĩnh viễn ra đi.
Tài ơi, chị sẽ cùng Tài Dọn Mình đón Chúa, nhân Mùa Lễ Trọng sắp đến.


Bài Xướng:
Chúa ơi ... Làm sao ?!
Làm sao bỏ được gánh sầu
Đôi vai nhẹ nhõm đứng hầu bên Cha
Làm sao biết sống vị tha
Đôi chân thanh thản đi qua dòng đời
Làm sao tìm tới Chúa Trời
Khi còn tham vọng gọi mời bước lên
Làm sao lãnh nhận ơn trên
Khi còn mê đắm đặt tên đồng tiền

Làm sao thoát lụy ưu phiền
Như chim tung cánh khắp miền lãng du
Làm sao gần gũi Giê Su
Như rừng thay lá gió thu nhẹ nhàng
Làm sao khỏi thấy ngỡ ngàng
Mỗi khi cầu nguyện lần tràng hạt xin
Làm sao giữ vững đức tin
Mỗi khi sa ngã tâm linh chất chồng

Làm sao rước Chúa Hài Đồng
Mùa đông rét buốt nhưng lòng ấm êm
Làm sao vượt khỏi nhá nhem
Mùa xuân gió mát nắng đem hoa về
Làm sao cuộc sống tràn trề
Mùa hè phượng đỏ hẹn thề ước ao
Chúa ơi , con biết làm sao
Vác cây Thánh Giá không nao núng lòng

Đỗ Hữu Tài
17 - 9 - 2015

***
Bài Họa:
Dọn Mình

Lòng con mang nặng trái sầu
Xác thân hèn mọn ngỏ hầu cùng Cha
Đoái thương mong được thứ tha
Vực con tỉnh thức vượt qua bể đời
Lunh linh ánh nến sao trời
Thánh ca réo rắc đón mời trỗi lên
Cho dù Người ngự tầng trên
Giúp xa mũi ái lằn tên kim tiền

Tránh vòng đau khổ lụy phiền

Nhởn nhơ khắp chốn mọi miền phiêu du
Nương vòng tay đấng Giê Su
Chân trần theo bước thiên thu nhịp nhàng
Buổi đầu lúng túng ngỡ ngàng
Vụng về câu nguyện hạt tràng lần xin
Cậy trông giữ vững niềm tin
Ngôi trời soi sáng hiển linh chồng chồng

Dẫu mà tiết lạnh như đồng
Tình Cha thảm cỏ ấm lòng tựa êm
Đời con lấp lối lem nhem
Từ bờ vực thẳm Cha đem con về
Khi xưa mày nhún môi trề
Say sưa ngắm bóng trăng thề động ao
Giờ đây con biết liệu sao
Quỳ bên thập giá nôn nao dọn lòng

Kim Phượng

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Giáng Sinh Nào Cho Riêng Tôi



      Các con đường, những dãy phố và cả khuôn viên đang mang bộ mặt mới, Giáng Sinh sắp về!

      Không như những năm trước, mấy hôm nay trời vừa nắng gắt, như muốn thiêu đốt người bộ hành đi lại trên đường phố, bỗng chuyển mình trở lạnh, đúng như lời người… “Melbourne một ngày có bốn mùa.” Thật không ngoa! Có hôm đài khí tượng cho biết thời tiết tiểu bang này lên đến ba mươi độ C. Vậy mà, có mưa nặng hạt. Cơn mưa như trút, như chìu lòng người mong đợi. Mưa mang nước cho người dân ở đây, đang khan hiếm cần đến. Nhưng lại gây khó cho tôi, nhất là sau giờ làm việc. Phải ra về trong mưa, tôi thật không ưa chút nào. Khác lúc xa xưa nơi quê nhà, tôi thích đội mưa mà đi. Mưa, nơi này lạnh, “mưa cho đời thêm khổ đau”. Bởi, trạm xe buýt nơi tôi đợi chờ, chẳng có gì gọi là trạm, ngoài cái trụ cột chổng chơ, đủ cho biết là nơi xe sẽ ngừng lại rước khách bộ hành.
      Ngoài trời ba mươi độ mà hết mưa lại đến gió rét, gió thổi mạnh từng cơn đến buốt lạnh. Mưa đổ trút, rồi tạnh hẳn. Gió mạnh đó rồi bắt đầu hiu hiu, nhè nhẹ đưa nắng lên cao, mang theo sắc thái óng ả của nắng vàng, trong sáng, rực rỡ đủ tỏa ấm cho lòng người đơn côi, đang lang thang nơi xứ người. Tâm tư này với quang cảnh ấy, dễ gây rung động và mau đưa tôi trở về dĩ vãng lúc nào không hay. Giáng Sinh đến, là cho tôi biết, nỗi buồn vẫn chưa nguôi. Tôi cố tìm quên trong niềm đam mê tự tạo. Cố quên! Hình như lòng lại nhớ thêm với đớn đau ê chề.
      Mùa này, vào những ngày cuối tuần, người bắt đầu túa ra phố đi mua sắm. Tôi cũng chung dòng, nhưng chỉ để mua quà cáp, thiệp chúc mừng gửi cho những người phương xa. Năm nào cũng thế, đến những ngày lễ trọng, là dịp cho người thích gửi thiệp và đam mê trong việc gói quà, như tôi. Không gì vui hơn khi đi chọn lựa thiệp để mua, chuộng những lời viết sẵn trong thiệp, nhưng tôi lại thích tự mình viết ra, lời thật chính lòng, trao gửi những người mình thương yêu. Đó là thú vui giản dị, nhưng đã kéo tôi đi hết giờ này sang giờ khác, từ cửa hàng này đến cửa hàng kia, không biết chán. Để rồi, đôi lúc chỉ ưng ý chọn một mà thôi. Một thú vui khác nữa cũng không kém là tìm mua những sợi dây băng, dùng cột để trang trí cho gói quà. Những sợi dây đủ màu sắc, nhiều cỡ, lớn nhỏ, gói trọn hết tâm tình này, để thắt nên những chiếc nơ be bé, xinh xinh, đính trên gói quà gửi đi, là gửi cả tình kẻ cho đến với người.


      Quà, thiệp đã trao đi, tôi cũng nhận được thâm tình đáp lại với quà to to, thiệp be bé, đang hiện diện bên cạnh gốc cây Giáng Sinh, được trang trí từ mấy hôm trước. Quà Giáng Sinh, ngoài ý nghĩa sâu sắc về tín ngưỡng, còn mang ý nghĩa thực hiện ước nguyện của mình trao đi và tấm lòng đón lấy của người nhận lãnh. Có những món quà được trao đi đến năm, sáu năm trước, nhưng người nhận vẫn còn giữ nguyên, được trưng bày ở một góc. Quà chưa hề mở ra xem, như gìn giữ cách trang trí món quà hơn là những gì chứa đựng bên trong. Còn có những món quà khác, người nhận đã mở ra xem và sợi dây cột, thắt hình chiếc nơ đính trên hộp, đã được giữ lại. Phải chăng, đó là những lưu niệm, thầm bảo với tôi rằng “của cho không bằng cách cho”.
      Giáng Sinh năm nay đặc biệt hơn, trao tận tay tôi là một tấm thiệp thật đặc sắc, với hình cây Giáng Sinh được trang hoàng bằng hình ảnh những khuôn mặt tất cả các bạn cùng chung nơi làm việc. Đây là những người bạn cùng dạy chung, trường Việt Ngữ. Đó là những người có cùng tâm nguyện, giúp thế hệ mai sau biết giữ gìn truyền thống dân tộc qua làu thông ngôn ngữ mẹ đẻ. Công khó nhọc của “tác giả” này, phải chăng chị tìm được niềm vui cho chính mình và thầm bảo rằng “cho và nhận đều là niềm vui”.


      Nhìn chiếc thiệp đặc biệt này, các tấm thiệp khác từ người thân, của bạn bè và từ các em học sinh bé bỏng của tôi, lòng nao nao chạnh nhớ. Có những tấm thiệp, rất ...rất đặc biệt, tôi nhận được từ những năm trước, vẫn được trân quý mang ra chưng bày lại vào mỗi dịp Giáng Sinh. Tôi lại miên man…Tôi nghĩ đến tấm thiệp đầu tiên, do đôi tay của nhà họa sĩ tài hoa người Anh, J. Horsley làm ra năm 1843. Ngỡ rằng, qua đó việc trao thiệp cho nhau sẽ vĩnh hằng như tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa, nhưng với sự tân tiến văn minh hiện đại, rồi đây sẽ mai một thế nào, nếu từ từ phải nhường chỗ cho những tấm thiệp điện tử.
      Đến một ngày nào đó liệu cây Giáng sinh có cằn cỗi vì sẽ thiếu đi những tấm thiệp giấy mang lời chúc an bình đến mỗi gia đình và liệu những món quà đầy tình, được trau chuốt trong cách gói có còn rực rỡ dưới gốc cây Giáng Sinh hay chăng.

( Tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên của họa sĩ J. Horsley)

Chừng ấy, Giáng sinh lại về!
Chừng ấy, Giáng Sinh có gì vui?
Hay chỉ làm dáng cho đời!?
      Suy nghĩ lẩn thẩn, thể như mâu thuẫn với chính mình, như khi lúc đang gói từng món quà một, như đang cùng dòng người tấp nập, đang chung trong không khí tưng bừng, cạnh những hoa đua nhau nở, sắc sặc sở chen màu…Ấm bờ môi, biết rằng... tôi đang khóc. Dòng lệ âm thầm chảy xuôi mỗi độ Giáng Sinh đến. Dĩ vãng cũng đang lần về...
Cái gì mà khóc!?
Có gì để chẳng vui!?
Không ai làm tôi đau. Chẳng ai khiến tôi sầu, nhưng tôi cứ làm sao ấy vào mỗi mùa Giáng Sinh.
Giáng Sinh chỉ làm dáng cho đời!? Tôi vẫn mong Giáng Sinh đến để được nghỉ ngơi sau một năm vất vả với công việc, nhưng lại mong ngày lễ trọng ấy chóng qua… Tội cho thân tôi! Sao không đơn giản một chút mà cứ thương vay, cuộn mình vào Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi. Có người bảo “Sao có nụ cười tươi thế”, nhưng có ai hiểu được, để nói rằng... “ Sao cười tươi mà buồn quá vậy?” Trong tôi hình như có đến hai con người, một vui tươi hớn hở và một mong manh dễ vỡ và cười… Cười cũng là tiếng khóc khô không lệ!


      Đêm Giáng Sinh, tôi sẽ hợp dòng đến giáo đường hay thích lẻ loi. một mình trong phòng vắng? Tôi cũng chưa rõ. Chưa tìm được trong tôi sự háo hức đón mừng, chưa dốc lòng nguyện cầu một điều gì. Đến để gặp Chúa? Bởi vì quanh tôi, tôi đã tìm thấy Chúa trong những con người có tâm lành. Không đến giáo đường nhưng tâm sẽ hướng đến, lòng dặn lòng gắng thắp cao và giữ sáng ngọn nến:
Ngọn này của Hy Vọng.
Ngọn kia nến của Hòa Bình
Đây ngọn nến của Tình Yêu
Đó, ngọn nến sau cùng, của Niềm Vui…
      Niềm hạnh phúc giống nhau, nhưng nỗi đau một khác ở mỗi người. Hãy đến với nhau trong lời nguyện cầu! Không đặt chân đến giáo đường trong đêm Giáng sinh, nhưng các tấm thiệp, những gói quà là thông điệp “cho và nhận là một niềm vui”…“ của cho không bằng cách cho”…, đã cho tôi có được một Giáng sinh An Bình riêng mình mà từ lâu tôi đã không nhận ra và…
Lạy Chúa!
Con xin phó thác hồn xác trong tay Ngài!

Kim Phượng

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Giáng Sinh Nào



Giáng Sinh nào em cùng anh đi lễ
Dâng lên ngôi cao chuyện của chúng mình
Hai mái đầu cuối thấp nguyện lặng thinh
Nghe máu chuyển tim mình hòa chung nhịp

Lạy Chúa con thiết tha lời khấn nguyện
Phép nhiệm mầu duyên trọn mãi bên nhau
Tròn tin yêu bền lâu dài suốt kiếp
Hết đời này tiếp nối đến mai sau

Chúa ngự trên cao vầng hào rực rỡ
Che chở đời vượt qua nỗi truân chuyên
Là dòng suối hiền trầm mình tắm mát
Là cỏ xanh bát ngát tựa lưng nằm

Nhưng Chúa ơi!
Đêm nay đêm con âm thầm gọi Chúa
Người xa rồi không là của riêng con
Đêm bơ vơ đêm thao thức mỏi mòn
Hồng Ân phước xin cho con tròn giấc

Quên sự đời tất bật những thương đau

Kim Phượng

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Lắng Tiếng Chuông - Giáo Đường Im Bóng


Bài Xướng:

Thưa thầy và anh chị, mỗi sáng mãn giấc dậy tập thể dục tôi thường nghe tiếng chuông nhà thờ gióng giả lúc 4h15 sáng, cảm xúc có bài thơ gởi thầy và anh chị đọc qua.
Riêng tặng song Kim và anh chị nào là con chiên của Chúa.

Lắng Tiếng Chuông

Thức giấc nằm im lắng tiếng chuông
Pong pon thánh thót vượt màn sương
Khách trần chợt tỉnh lìa canh mộng
Cung Thánh hằng mong đến giáo đường
Sâu thẳm tâm hồn nghe trỗi dậy
Cao vời Thiên Chúa gọi yêu thương
Tôi người ngoại giáo chung cầu nguyện
Thương xót nhân gian bớt đoạn trường.

Cao Linh Tử
***
Bài Hoạ:

Xin gởi bài họa cùng Cao Linh Tử, và riêng tặng Song Kim

Thân mến

Giáo Đường Im Bóng

Chiều đông lạnh lẽo một hồi chuông
Cây cối mơ màng nhiễu giọt sương
Từng chập lá rơi sầu lữ thứ
Triền miên tuyết đổ ngập sân đường
Thánh ca dìu dặt hồn thanh thót
Tượng Mẹ âu sầu mắt ngấn thương
Quỳ dưới chân người môi mấp máy
Lòng ai xao xuyến giữa đêm trường

Mailoc
Cali 12-2-15
***
Lắng Tiếng Chuông

Trời chưa rạng sáng đã nghe chuông,
Thong thả ngân nga lẫn giọt sương.
Giục khách trần ai mau tỉnh mộng,
Xui người thế tục sớm lên đường.
Chúng sinh giác ngộ thôi thù hận,
Thế giới đại đồng ngập mến thương.
Bể khổ bến mê tua tốc xả,*
Bong...bong...chuông đổ dứt canh trường!

Đỗ Chiêu Đức

* Tốc Xả 速捨 : Nhanh chóng mà buông bỏ!
***
Chuông Giáo Đường

Lắng nghe thanh vắng vẳng ngân chuông
,Bên tháp nhà thờ trải gió sương...
Tỉnh giấc mơ màng trong cõi tục,
Tâm hồn thơ thới lại lên đường...
Hân hoan mùa vọng tình yêu Chúa,
Hớn hở câu kinh dấu Thánh thương.
Bài hát ca đoàn theo nốt nhạc,
Đêm dài cầu nguyện Mẹ canh trường.

Mai xuân Thanh
Ngày 03 tháng 12 năm 2015
***
Đêm Nguyện

Nửa đêm vang vọng những hồi chuông
Chờ đón giờ thiêng phố phủ sương
Tinh tú rạng ngời trong Thánh lễ
Con chiên thành kính giữa cung đường
Tôi người không đạo hằng tâm niệm
Nhân loại muôn đời mãi luyến thương
Thiên chúa hồng ân ban phúc thế
Lòng lòng tin nguyện giữa đêm trường.

Quên Đi

***
Tiếng Chuông Đêm Noel


Đâu đây văng vẳng một hồi chuông
Trên nóc nhà thờ phủ lớp sương
Khiến nhớ cùng em quì khấn nguyện
Cầu mong đôi trẻ vẹn tình thương
Thánh ca thánh thót ngân nga vọng
Thập giá vương cao góc giáo đường
Ngọai đạo con một lòng tin Chúa
Niềm tin Ngôi Cả suốt miên trường

Song Quang
***
Xin Vâng


Vang vang tiếng vọng góc lầu chuông
Thập giá âm thầm đội tuyết sương
Hoán cải ăn năn khi tuyệt lối
Xin vâng sám hối lúc cùng đường
Thân con sa mạc hằng khao khát
Tình Chúa suối ngàn tuôn mến thương
Cần máu nuôi hồn mong tỉnh thức
Ngài ơi lòng đợi suốt đêm trường

Kim Phượng


Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Lời Tình Thơ-Thơ - Đỗ Hữu Tài - Diễn Ngâm-Thy Cúc


Thơ: Đỗ Hữu Tài
Diễn Ngâm: Thy Cúc
Thực hiện: Khúc Giang

Nhánh Lá Tình Em - Thơ Yên Dạ Thảo - Thy Cúc Diễn Ngâm

( Từ Bài Lời Tình Thơ của Đỗ Hữu Tài )



Thơ Yên Dạ Thảo 
Thy Cúc Diễn Ngâm

Tình Ơi - Thơ & Diễn Ngâm: Hương Chiều

(Từ bài Lời Tình Thơ cuả Đỗ Hữu Tài)




Thơ & Diễn ngâm: Hương Chiều

Nhánh Cỏ Hương


 Món Quà Sinh Nhật 

      Đỗ Hữu Tài, bút hiệu Thế Thôi. Tài đã làm lay động trái tim độc giả bằng những bài thơ quê hương, thơ tình... Riêng tôi, thơ Đỗ Hữu Tài sáng tác trong những ngày lễ trọng, Giáng sinh, Phục Sinh, đã đưa tôi tìm về một tình yêu cao vời, thánh thiện.

      Từ sự ngưỡng mộ, dần dần tình cảm giữa Hữu Tài và tôi, gần nhau, thân hơn. Và mỗi lần " nghe" tiếng gọi... “chị Phượng ơi” trong email, lòng tôi không khỏi bồi hồi rung cảm...
Bây giờ, Tài không còn nữa, mãi mãi xa. Tài ra đi, nhưng tình vẫn còn đó. Một số bạn hữu, tổ chức mừng sinh nhật cho Tài, cho Người đã qua đời.
Tài ơi, món quà kỷ niệm chị dành cho em, là một bài thơ dài sọc mà Tài thường hay làm như thế và ý thơ ... là nối tiếp ý của em.

      Nếu bên kia cửa tử còn có một đời sống, thì ...Tài, Người đã làm đẹp cho đời, em hãy tiếp tục như những gì Tài đã từng làm cho tha nhân.
Nguyện cầu Chúa luôn ôm ấp em trong vòng tay của Ngài.

Thương mến
Chị Phượng
***
Nhánh Cỏ Hương

Em là nhánh cỏ đưa hương
Tình anh trong suốt như sương mai đầy
Em là nhánh cỏ hương gầy
Anh dìu dịu gió quanh đây vỗ về

Gió mơn ve vuốt tóc thề
Má hồng tươi thắm mãi mê một đời
Mắt huyền lay láy sao trời
Long lanh sông lệ hồn bơi giữa dòng

Em là nhánh cỏ hương nồng
Gió đưa hương quyện chung lòng thoảng xa
Phiêu du cùng tận đôi ta
Trăm con chim mộng hoan ca đón chào

Em là nhánh cỏ hương trao
Thiết tha trìu mến đưa vào trang thơ
Tình yêu mãi mãi tôn thờ
Âu là số mệnh đôi bờ biệt ly

Bóng tà dương khuất ra đi
Âm dương cách trở thôi thì Thế Thôi
Tay buông xuôi phút bồi hồi
Cỏ hương gió dịu trôi trôi bồng bềnh


Kim Phượng

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Khóc Thu Tàn


Chim chiều lướt cánh lẫn vào sương
Man mác buồn ôi thương nhớ thương
Từng chiếc lá rơi lòng héo úa
Mỗi mùa thu chết mắt sầu vương
Hương thu ngây ngất hồn cô phụ
Sắc thắm xót xa nỗi đoạn trường
Tiếng khóc thu tàn rưng rức lạ
Lá thu tơi tả xác bên đường

Kim Phượng

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Ngày Chung Thất



       Cuối cùng rồi cũng đến ngày Chung thất, ngày thứ 49, kể từ em vĩnh viễn đi vào cõi thiên thu. Trong nhãn quan của người Phật tử trọn đặt niềm tin vào tôn giáo, đây là ngày trọng đại và cuối cùng của một đời người sau lần khép mắt. 

       Chắc chắn em sẽ không cô đơn trong giây phút thiêng liêng hôm nay, bởi trầm hương nghi ngút và lời nguyện cầu của người thân. Hôm nay, từ bờ đại dương xa xôi, cô sẽ kể cho em nghe…thay nén hương đưa tiễn. 

      Ngày xưa, trên con đường đi dạy, dẫn đến Nguyễn Trường Tộ, cô thường hay dùng ngõ “nhà xác” để đến trường. Bạn cô không vui khi cô chọn con đường này để đi, nhưng cô lại thích. Đi, về hai lượt trên con đường, băng ngang qua một nơi chốn làm người ta sợ sệt, ngược lại mỗi lần qua đó cô tìm được cảm giác an bình. Cô luôn nghĩ và nhủ lòng, người đã khuất dù thân xác đang nằm bất động, nhưng linh hồn đang chơi vơi tìm về cõi an bình. Họ mới chính thực là người hiền lành, bởi thế cô chẳng biết sợ là gì.
Hôm nay cũng vậy, để thăm em cô lại bước vào trang nhà, cô đi tìm nơi “TIN BUỒN”, một nơi buồn trang trọng, mà người phụ trách đã dành cho em bằng một tình cảm đặc biệt dù họ chưa một lần quen biết hay gặp gỡ em. Nhìn vào nơi đây, chỉ là những con chữ, là những hình ảnh không là em, nhưng ai cũng cảm nhận được. Riêng cô, cô lại khóc vì hình ảnh và những con chữ đó nói về một người, không ai khác hơn là cậu học trò của cô năm nào. Tuổi đời của em thật không chênh lệch mấy với cô, nhưng đang lúc này cô mang cái cảm giác “tre khóc măng”, dù rằng bây giờ em đã là bố vợ của người ta.




       Em ra đi vội vã quá, vội đến đỗi mỗi người thân yêu của em không kịp hiện diện từ biệt em, lúc áo quan khép lại. Dù không đầy đủ thân nhân, nhưng ấm lòng chứ em? Bạn em đó, Quang Võ không cùng chung lớp học, nhưng đã hết sức mình, trọn tình câu “Nghĩa cùng nghĩa tận”, Võ thay cô tiễn em về chốn bình an và cũng đã hết lòng với người thân còn lại của em. Ngủ đi em! Một giấc ngủ bình yên.

Chánh! Cô rất nhớ em!


Kim Phượng


Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Mưa, Vẫn Chờ




Mưa vẫn rơi rơi đều trên phiến lá
Mưa vẫn buồn buồn đá cứ mãi trơ
Mưa vẫn rơi rơi sâu vào nỗi nhớ
Mưa vẫn buồn buồn xót cuộc tình xa

Mưa thương ai ai xuôi về dĩ vãng

Mưa thương đời đời lắm kẻ cô đơn
Mưa thương ai ai tìm vào quên lãng
Mưa thương đời đời bao cảnh trái ngang

Mưa chờ ta ta nhòa trong mộng tưởng
Mưa chờ người người thiếu vắng tình thương
Mưa chờ ta ta chìm trong đêm lạnh
Mưa chờ người người lại đợi tàn canh.

Quên Đi

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Luật Thơ : Lục Bát Và Song Thất Lục Bát

Lời mở đầu:
Trong chúng ta, đôi lúc có máu thơ thẩn, thích làm thơ để trải lòng, nhưng lại không dám thực hiện. Vì sao?
Chúng tôi xin phép được suy bụng ta ra bụng người, để trả lời. Chúng ta ngần ngại vì bởi không biết rõ luật thơ, luôn e sợ lỡ sai luật.
Chính vì lý do đó, ngoài sự hiểu biết, đến việc cố công sưu tầm và tổng hợp một số bài viết từ Internet
Với chủ ý cùng nhau trao đổi, chúng tôi đã chọn lọc một số bài của Thân Hữu. Những Cây Viết Nghiệp Dư này đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thi phẩm để mang ra thí dụ, hầu dẫn chứng về Luật của các Thể Thơ.
Với khả năng hạn chế, kính mong quý độc giả góp ý và bổ sung để chúng ta có được một bài viết đầy đủ hơn.

A - Thơ Lục Bát
Thơ Lục Bát là một thể thơ thuần túy của Việt Nam, rất êm dịu, nhẹ nhàng, giống như bản chất hiền hòa của dân tộc ta. Xuất xứ từ Ca Dao.
Phạm Quỳnh cho rằng: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn .”
Câu này mang hàm ý: "Thơ Lục Bát còn dân tộc Việt còn, thơ Lục Bát mất dân tộc Việt mất". Bởi vì, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được viết bằng Chữ Nôm theo thể thơ Lục Bát (nguyên tác là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân).
Chính vì thế, là con cháu, chúng ta cần nên gìn giữ tinh hoa văn hóa của ông cha lưu truyền, nhất là hạn chế việc làm biến dạng hình thức của thể Thơ Lục Bát. Đó một thể thơ đại diện cho tinh hoa dân Việt chúng ta.

1 - Luật Bằng Trắc
- câu 6 chữ : b B t T b B
- câu 8 chữ : b B t T b B t B
Những chữ có dấu huyền hay không dấu là vần Bằng.
Thí dụ: đi, về
Những chữ có dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng là vần Trắc
Thí dụ: bát, trả, chữ, nợ .
Những chữ in lớn (B, T) là bắt buộc phải theo luật được qui định

2 - Cách giao vần
a - Cách gieo vần 1:
Trong thơ Luc Bát thông thường chỉ sử dụng vần Bằng.
- Bắt đầu từ chữ cuối của câu 6 chữ, gieo vần với chữ thứ 6 của câu 8 chữ. Cách gieo vần này gọi là Vần Lưng (yêu vận), nghĩa là gieo vần ở giữa câu.
- Tiếp đến, chữ cuối của câu 8 chữ, gieo vần với chữ cuối câu 6 chữ tiếp theo. Gọi là Vần Chân(Cước vận).
Cứ thế tiếp tục mãi và số câu trong bài thơ không giới hạn.
Thí dụ: Bài thơ sau đây
Mộng Đêm Thu
Men hương ấp ủ thu về
b B t T b B
Muôn cành lá rụng đê nỗi buồn
b B t T b B t B
Không gian một chút loạn cuồng
Gặp nàng thơ diện cành buông trăng thề...
                                                    Lục Lạc
***
Tình Hoa
Hoa hồng gợi chút ý thơ
Đọng sương lóng lánh như mơ chuyện tình
Gọi nhau hẹn ước cưới xin
Hồng thơm hương tỏa lung linh nguyệt cầm...
                                                     Lãng Tử
b - Cách gieo vần 2:

Ngoài ra, chúng ta có thể gieo vần như thế này : từ chữ cuối câu 6 chữ, ta gieo vần với chữ thứ 4 của câu 8 chữ
Thí dụ:
Anh đi ghe rổi chín chèo
Bởi anh thua bạc nên nghèo nợ treo
Nợ treo kệ mặc nợ treo
Em bán bánh bèo trả nợ nuôi anh
                                       (Ca Dao)
Hoặc:

Ăn no rồi lại nằm quèo
Thấy giục trống chèo vội vã đi xem
                                           (Ca Dao)
3 - Trường hợp ngoại lệ

Tuy nhiên, trong thơ Lục Bát vẫn có những trường hợp phá cách, không theo qui luật trên.
a - Thí dụ:
Trách
                                           Nghìn dậm nhớ dáng trong mơ (chữ thứ hai vần trắc)
Bên ngoài Mai rụng ta chờ người sang
Giờ thấm thoát xuân đã tàn
Bóng người biền biệt hạ vàng đến nơi
Đâu tăm cá đâu chim trời
Nên ta còn đứng đợi người về đây
                                      Quên Đi
b - Hoặc là sử dụng vần TRẮC
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhện hỡi mầy đi đằng nào
                                         (Ca Dao)
hay là:
Đêm năm canh ngày sáu khắc
Thương nhớ chàng không một giấc nào nguôi
                                                       (Ca Dao)
Qua cầu một trăm cái nhịp
Em không theo kịp kêu bớ hỡi chàng
                                          (Ca Dao)
Tình thương gươm trường không sợ
Sét đánh bên mình duyên nợ không buông
                                                  (Ca Dao)
B - Thơ Song Thất Lục Bát
Thơ Song Thất Lục Bát cũng là thể thơ của Việt Nam, gồm hai câu Bẩy chữ, kế đến một câu Sáu và một câu Tám chữ. Cứ như thế tiếp tục, không giới hạn số câu.
Luật Bằng Trắc và cách gieo vần:
" b , t ": không bắt buộc
" T ": Vần Trắc bắt buộc
" B ": Vần Bằng bắt buộc
Trong thơ Song thất Lục Bát, chữ cuối của câu Thất trên gieo vần với chữ thứ 5 của câu Thất thứ hai.Chữ thứ 7 câu thất thứ hai gieo vần với chữ cuối của câu Lục. Chữ cuối của câu Lục gieo vần với chữ thứ Sáu của Câu Bát. Chữ cuối của Câu Bát sẽ gieo vần với chữ thứ Năm của câu Thất đoạn hai.
Cứ tiếp tuc như thế và không giới hạn số câu trong một bài thơ.
Câu Thất 1 : b bT t B b T
Câu Thất 2 : t t B b T t B
Câu Lục : b B t T b B
Câu Bát : b B t T b B t B
Đoạn hai : b b T t B b T (giống 4 câu trên )
t t B b T t B
b B t T b B
b B t T b B t B
Thí dụ:
Vầng Trăng Khuyết

Khép nép giữa dòng vầng trăng khuyết
Ai tình nhân biền biệt phương nao
Để người thơ thẩn ra vào
Trăng không tròn vẹn bến nào trăng neo
Trên sông vắng trăng theo sóng nước
Thuyền có về chở được hay không
Chớ gieo hy vọng chờ mong
Để trăng lại nhớ đau lòng cho trăng
                                           (Quên Đi)
Tuy nhiên, trong thơ Song Thất Lục Bát luật Bằng Trắc cũng có ngoại lệ:

Khúc Hát Sai Mùa

                                      Thả tâm hồn vô thinh lá đổ (Chữ thứ ba vần Bằng)
Ngơ ngác đời bể khổ mù bơi...
Chuông ngân thánh thoát nhẹ rơi...
Cửa thiền mở rộng luân hồi... nhân sinh
                                       ( Kim Oanh)

Huỳnh Hữu Đức


Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Từ Bâng Khuâng Vào Hạ




( Từ Bâng Khuâng Vào Hạ của Kim Phượng)

...Vào đông trời lạnh lắm bạn ơi
Phương bắc mùa này có tuyết rơi
Bạn ơi vào hạ là sao nhỉ...
Có lẽ niềm riêng nhớ nhớ ai ??

Manhtuong Hà

Bị Đánh Bom Nguyên Tử, Vì Sao Người Nhật Lại Cúi Đầu Kính Trọng Tướng Mỹ?


Chân dung Thống tướng Douglas MacArthur. Ảnh: Internet

Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật lại cúi đầu kính trọng tướng Mỹ?
MacArthur, vị danh tướng của Mỹ, là người chỉ huy quân đội tiến đánh Nhật Bản trong thế chiến thứ II. Tuy nhiên, khi ông rời khỏi đất nước này, người dân không hề căm ghét mà ngược lại đều tỏ lòng biết ơn bởi những việc làm của ông.
Năm 1942 tướng MacArthur dẫn đại quân tấn công Nhật Bản, từ Melbourne xa xôi đánh thẳng đến Tokyo, hai tay nhuộm máu người Nhật Bản. Vì thế vô số người Nhật đều hận ông thấu xương.

Chiều ngày 30/8/1945, tướng quân MacArthur ra khỏi máy bay và đặt chân lên đất Nhật, cho dù ông không mặc quân phục và không mang theo vũ khí gì, cũng không có người tổ chức duyệt binh, nhưng thời khắc đó với 70 triệu người Nhật Bản là thời khắc kinh hoàng mà họ không thể quên, trong tâm trí mọi người chỉ còn nghĩ được hai chữ “mất nước”.
Nhưng tướng MacArthur mang quân đến hòa bình, chính nghĩa, khoan dung và dân chủ
Nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh rơi vào suy sụp, đến bữa trưa của Nghị viên Quốc hội cũng phải ăn cơm trộn khoai lang, cái đói bao phủ khắp nơi. Lúc này tướng MacArthur gây áp lực khiến chính phủ Mỹ phải hỗ trợ Nhật Bản, thế là 3,5 triệu tấn lương thực và 2 tỷ Mỹ kim tức tốc được gửi đến Nhật. Ông không chỉ giữ lại chính quyền Nhật Bản mà còn đặc xá cho Thiên hoàng, thậm chí còn quan tâm đến số phận của từng người lính bình thường của Nhật Bản, giúp họ tìm con đường sống.
Theo sau ông, 400 nghìn lính Mỹ đã dùng thiện ý và tinh thần hy sinh để chinh phục người Nhật Bản. Khi đó các con hẻm trong thành phố của Nhật rất chật hẹp, một người Nhật bình thường và một người lính Mỹ to lớn nếu gặp nhau cũng khó để đi qua, vì thế thường thì người lính Mỹ sẽ nép vào một bên cho người Nhật đi trước. Người Nhật không thể không băn khoăn tự hỏi, nếu mình là kẻ chiến thắng thì có làm được như thế không?
Tướng MacArthur tiếp nhận quân Nhật đầu hàng (Ảnh: Internet)

Sau khi tướng MacArthur đến Nhật Bản, ông lập tức ra lệnh thả tội phạm chính trị, trong đó có rất nhiều Đảng viên Cộng sản, bị chính phủ Nhật bắt giam trong thời gian dài.
Ngày 25/8/1945, quân chiếm đóng của Mỹ cho phép phụ nữ Nhật thiết lập tổ chức của mình; tháng 9 cho công bố Dự luật về vai trò trong bầu cử của phụ nữ Nhật Bản; đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, phụ nữ được quyền bầu cử và ứng cử.
Lúc này tại Tokyo có cô kỹ nữ được chọn làm Nghị viên thành phố, nhiều thị dân cảm thấy khó chấp nhận. Nhưng tướng MacArthur nói, mọi người chọn cô ấy để cô ấy phục vụ mọi người, đừng vì cô ấy là kỹ nữ mà kỳ thị bỏ qua. Khi đó mọi người chợt hiểu người được chọn trong bầu cử dân chủ phải là người thay mặt để vì mình làm việc, thế là sau khi hiểu ý nghĩa vấn đề họ đã quyết định chọn bầu cô kỹ nữ kia. Kết quả sau khi trở thành Nghị viên, cô đã không phụ lòng mọi người, làm được rất nhiều việc có ý nghĩa.
Vào ngày 11/10/1945, tướng MacArthur tuyên bố bỏ lệnh cấm báo chí, Nhật Bản được tự do thông tin và tự do ngôn luận. Ngày 22/12/1945, ban hành “Luật Công hội”, giai cấp công nhân thực sự có tổ chức của mình. Ngày 1/9/1947, ban hành “Luật lao động”, quy định tiêu chuẩn tiền lương thấp nhất và thời gian làm việc nhiều nhất.
Cột khói hình nấm khổng lồ bốc lên khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Ngày 3/2/1946, tướng MacArthur chỉ thị cho Tổng bộ Liên minh khởi thảo Hiến pháp Nhật Bản. Chính phủ Mỹ truyền đạt nguyên tắc chế định Hiến pháp cho tướng MacArthur là: Chính phủ Nhật Bản phải do toàn thể cử tri trao quyền và phải chịu trách nhiệm trước toàn thể cử tri. Ngày 3/5, quân liên minh giao ra Bản dự thảo Hiến pháp. Ngày 7/10, Quốc hội Nhật Bản thông qua Hiến pháp. Ngày 3/11, Thiên hoàng cho ban hành Tân Hiến pháp.
Đây là Hiến pháp do kẻ chiếm lĩnh chiếu theo giá trị quan phương Tây áp đặt cho kẻ bị chiếm lĩnh, nhưng lại là bản Hiến pháp đem lại phúc lợi cho nhân dân quốc gia bị chiếm lĩnh. Bản Hiến pháp nhấn mạnh quyền lợi công dân cơ bản của người Nhật Bản, xem những quyền lợi này là “quyền lợi trời cho mà không ai có quyền tước đoạt”. Những quyền này bao gồm: quyền bầu cử, lập hội và tự do xuất bản; không có sự tham gia của luật sư thì không được định tội; bảo đảm quyền cư trú an toàn cho dân, cấm kiểm tra và tước đoạt vô cớ.
Ngày 21/10/1946, Quốc hội đã thông qua “Luật Cải cách ruộng đất”. Chính phủ Nhật Bản mua lại đất đai dư thừa của giới địa chủ, sau đó bán đất lại cho nông dân không có ruộng. Với những nông dân không có tiền mua đất, chính phủ cho vay thế chấp. Tất cả diễn ra không đổ một giọt máu, một mạng người, những người nông dân ai nấy đều có được một phần đất cho mình.
Ngày 31/3/1947, ban hành “Luật Giáo dục”. Theo đó mục tiêu hàng đầu của giáo dục là “tôn trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, bồi dưỡng cho mọi người có lòng nhiệt huyết vì chân lý và hòa bình”. Trường học của Nhật Bản không còn nằm trong kiểm soát của chính phủ mà là do Ủy ban Giáo dục do dân chúng bầu ra quản lý. Việc chọn lựa nhà giáo, sách học và bố trí chương trình hoàn toàn do người dân tự chủ quyết định.
Năm 1952, quân chiếm đóng Mỹ trả chính quyền về cho chính phủ Nhật Bản. Sau 7 năm chiếm đóng, người Mỹ cải cách triệt để con đường phát triển của Nhật Bản, chủ quyền quốc gia từ trong tay kẻ chuyên chế trao lại cho người dân Nhật Bản, những tiền đề tiến bộ đầu tiên này giúp người Nhật bước vào con đường thênh thang.
Hơn 10 năm sau, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, quốc gia phồn vinh, nhân dân giàu có, xã hội ổn định. Có thể nói thêm một câu, quân chiếm đóng của Mỹ không chi một đồng tiền thuế nào của người dân Nhật Bản, chi phí của họ là lấy từ tiền thuế của người Mỹ.
Người Nhật tổ chức buổi lễ long trọng đưa tiễn tướng quân MacArthur
Trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản, rất nhiều người Nhật đã viết thư gửi cho tướng MacArthur yêu cầu biếu tặng đất đai của họ. Nhiều phụ nữ can đảm viết thư đề nghị được hiến thân cho tướng MacArthur, nhiều người còn viết “xin hãy cho tôi được sinh con cho ngài.”
Sáng ngày 16/4/1951, Tổng thống Harry Truman phế bỏ chức Tư lệnh quân chiếm đóng và buộc tướng MacArthur phải về nước, sự kiện này chỉ thông báo cho một số quan chức cấp cao người Nhật biết. Nhưng khi ông ngồi lên ô tô thì mới phát hiện, từ nơi dinh phủ ông ở đến Sân bay Atsugi có hàng triệu người Nhật Bản đứng hai bên đường đưa tiễn. Đoàn xe hộ tống đi qua những hàng nước mắt cùng tiếng hô vang dậy của người dân Nhật Bản: Đại nguyên soái!
Người dân Tokyo đứng chật kín hai bên đường, ai nấy rơi nước mắt, họ như hoàn toàn quên chuyện tướng MacArthur là kẻ chiếm đóng đã đánh bại quân đội quốc gia mình. Thiên hoàng đích thân đến sứ quán đưa tiễn MacArthur, tướng MacArthur cũng xúc động rơi nước mắt, nắm chặt hai tay của Thiên hoàng Hirohito.
Quang cảnh sau khi xảy ra vụ ném bom nguyên tử, hầu như mọi thứ đều bị thổi bay. Ước tính 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại. (Ảnh: Internet)

Khi đưa tiễn, Thủ tướng Yoshida của Nhật nói: “Tướng quân MacArthur đã cứu chúng tôi ra khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng và hỗn loạn của thất bại để đưa chúng tôi vào con đường mới do ông xây dựng, chính Ngài đã gieo trồng hạt giống dân chủ trên đất nước chúng tôi để chúng tôi bước trên con đường hòa bình, tình cảm ly biệt mà nhân dân chúng tôi dành cho Ngài không lời nào có thể diễn tả được.”
Uy lực quả bom nguyên tử của Mỹ tàn phá thành phố và nền kinh tế của Nhật Bản, nhưng về phương diện tinh thần, nước Mỹ đã hoàn toàn chinh phục được người Nhật Bản.

Hương Lan chuyển
Mai Thanh Xuân Sưu Tầm

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Một Lời Chưa Ngỏ



Màu áo lẫn xanh đám dừa nước
Bước quân hành xuôi ngược đó đây
Đời gió sương lấy ai tri kỷ
Chiều xuống dần tìm chỗ dừng chân

Mái nhà tranh ngại ngần gỏ cửa
Ông từ đâu đến lính nhà binh
Dạ từ nơi rất xa mới tới
Có thể nào tạm chỗ qua đêm

Lạ quá tôi giọng êm rót mật
Trên môi hồng vừa gọi tiếng ông
Má hây hây thẹn thùng cuối mặt
Khẽ gật đầu nàng vội bước nhanh

Đêm hôm ấy trong màng sương lạnh
Lệnh chuyển quân đưa xuống bất ngờ
Vội vàng đi chẳng lời từ giã
Qua hàng tre mái lá mờ dần

Và từ đó chưa lần gặp lại
Kiếp phù sinh không tội cảnh tù
Trái tim yêu sóng sầu nghiêng ngả
Lao lý vòng hồn thả về ai

Ngày trở về vẫn con đường đất
Trên cánh đồng nắng quái xiêu xiêu
Được tin một chiều em đã thác
Nát lòng đau chưa kịp ngỏ lời

Kim Phượng


Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Giọt Mưa Thu


Ảnh Chụp & Thơ: NCKhải, 
Thơ Cảm Tác: Khánh Hà, Kim Phượng, Kim Oanh
Thơ Tranh: Kim Oanh
***
Giọt Mưa Thu

Mưa ngoài trời giọt nhỏ trong tim
Biền biệt bao thu dõi mắt tìm
Cánh trắng trinh nguyên đành lỗi hẹn
Mưa ngoài trời giọt nhỏ trong tim

Kim Phượng
***
Cám ơn giọt mưa trời
Cho em nhan sắc mới
Trắng muốt và tinh khôi
Em hớp hồn tôi rồi!

Khánh Hà
***
Ngậm ngùi tiếng khóc nỉ non
Kiếp hoa ngậm đắng vẫn còn hương trinh
Mưa thu rỉ rả gọi tình
Trăng ngà soi bóng hồn linh ẩn chờ

Kim Oanh