Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

Say Thu


Lá đã say rồi thu có hay
Nhuốm màu đỏ thắm cả hàng cây
Má hồng âm ấm hương thu gợn
Ta cũng say rồi ai có hay


Thơ &Ảnh: Kim Phượng


Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

Mới Hay - Hụt Hẫng


Mới Hay


Đưa tay bắt chiếc lá thu
Chiếc vừa rơi rụng chiếc mù mù bay
Đưa tay bắt lá mới hay
Tuổi xuân đánh mất trên tay lá vàng.

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Hụt Hẫng 


Vòng tay ôm bóng trăng tròn
Rạng đông trăng lặn mộng lòn khỏi tay
Tiên nga cưỡi gió vờn bay
Thi nhân lảo đảo cơn say ảo huyền

ChinhNguyên/H.N.T.
May.25.23
 

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Mới Hay - Vừa Hay...



Bài Xướng:

Mới Hay

Đưa tay bắt chiếc lá thu
Chiếc vừa rơi rụng chiếc mù mù bay
Đưa tay bắt lá mới hay
Tuổi xuân đánh mất trên tay lá vàng.

Kim Phượng
***
Bài Họa: 

Vừa Hay

Đưa tay nhặt lá vàng thu
Mới vừa rơi xuống gió mù tung bay
Trong tay nhìn, cũng mới hay…
Thời Xuân của lá trôi bay mất rồi !

songquang
2023.05.21



Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

Ngỡ!


Nở trên mặt nước rụt rè
Hoa như sao mở cánh xòe trên tay
Nhìn hoa ngờ ngợ nhớ ai
Bao giờ mới hết nguôi ngoai trong lòng..!

Thanh Chau


Thứ Hai, 22 tháng 5, 2023

Chiều Nhớ - Tìm Về


Bài Xướng:

Chiều Nhớ


Hè về phượng tím đong đưa
Nhìn hoa ta nhớ người xưa phương trời
Mùa này bên ấy tuyết rơi
Áo em phủ trắng một đời phong ba
Tìm đâu tà áo thướt tha
Lối về xóm nhỏ có ta bên người
Vô tình tay nắm miệng cười
Để hồn ta lạc suốt đời theo em
Chiều nay nắng nhạt bên thềm
Bơ vơ cánh phượng lòng thêm nhớ người...

Daniel Bien
31/12/2020

***
Bài Họa:

Tìm Về


Lần tìm kỷ niệm đón đưa
Cũng là lối cũ phượng xưa một trời
Hiên ngoài lất phất mưa rơi
Bao năm đất khách cả đời bôn ba
Rèm mi ướt đẫm thiết tha
Nay trên phố vắng mình ta hỡi người
Xôn xao tìm lại nụ cười
Bơ vơ đâu chỉ một đời riêng em
Hình như chân nhẹ bên thềm
Hay chăng phượng tím có thêm bóng người

Kim Phượng


Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài

Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài

Ông sanh tại Long Châu, tỉnh Vĩnh Long, ngày 7 tháng 6 năm 1898.
Ông được bổ nhậm ngạch y sĩ ngày 16 tháng 4 năm 1919 và được bổ nhậm ở Tây Ninh, Trảng Bàng, Tam Bình (Vĩnh Long) và Long Xuyên.
Ông nhận việc ngày 16 tháng 1 năm 1930.
Ông nghiên cứu tất cả các tôn giáo, nhứt là Phật giáo và quan tâm đến những gì dính líu đến siêu hình.

Nói về Dưỡng Trí Viện phải nói tới Người con trai đất Vĩnh Long - Bác Sỹ Nguyễn Văn Hoài, cống hiến cả đời mình cho những mảnh đời bất hạnh trong nhà thương điên, Người thầy thuốc hiến trọn đời mình cho một hạng người bạc phước.

Nhà thương điên Biên Hòa được Pháp khởi công xây dựng vào ngày 17 tháng 03 năm 1915 , nằm trên địa bàn ấp Bàu Hang , xã Bình Trước, Quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa (theo đơn vị hành chánh trước năm 1975 ).

Nhiều lần thay tên đổi họ: Dưỡng Trí Viện Nam Kỳ, Dưỡng Trí Đường Biên Hòa, Dưỡng Trí Viện BS Nguyễn Văn Hoài, BV Tâm Trí Biên Hòa, BV Tâm Thân Biên Hòa,...

Người y tá có tuổi ấy ngậm ngùi kể lợi năm 1963:

“Ông Hoài lúc nào cũng binh vực nhân viên, và nhất là người bịnh. Chính phủ hơn mười năm trước định bớt khẩu phần bịnh nhân, ông mạnh dạn chống lại: “Họ là hạng người xấu số nhất, tâm đã rối, trí đã loạn rồi nay lại làm cho bao tử họ thiếu ăn, để cho cơ thể họ suy mòn, ảnh hưởng không hay đến tâm trí họ thì có khác gì giết phức họ đâu.
"Xin cấp trên tìm cách “tiết kiệm” ở những nơi khác.”

Và nhắc đến ông, người thủ môn già ấy mơ màng:

“Tôi còn nhớ nhiều lần, có những ông già bà cả nghèo khó ở miệt dưới lên thăm con phải ở lại đêm. Ông biết được, bảo người nhà nấu cơm thêm, mời họ ăn, tặng tiền về xe, và ông nhờ y tá cho họ uống thuốc ngừa cảm vì tuổi lớn, đường xa…!”

Ông mất sáng ngày 28-5-1955, lúc 5 giờ, vì đứt gân máu ở tim. Ông để lại các tác phẩm: Lược khảo về các vấn đề Hòa bình, 1950 (Pháp và Việt văn). Điên? Dưỡng trí viện?, 1952 (quyển sách đầu tiên của người Việt nói về bịnh điên và Dưỡng trí viện), Adolf Hitler, 1952 (xét như một bịnh nhân tâm trí, bằng Pháp văn), Về sự tổ chức Dưỡng trí viện miền Nam nước Việt, 1954 (luận về bác sĩ Y khoa, bằng Pháp văn) và nhiều bản thảo trong đó có tập : “…Từ bịnh tâm trí đến sự giết người“.

Một người Pháp đưa đám nói lại với phóng viên báo Journal d’ Extrême-Orient (số 1989, ngày thứ năm 2-6-1955: “Chưa bao giờ tôi thấy người đưa đám mà trầm ngâm và đau xót thật tình như vậy!” Và một nhà mô phạm ở Đô thành, bạn và cựu bịnh nhân, đã cạo trọc đầu từ ấy đến nay để khóc người tri kỷ.

Đất và Người Nam - kỳ
(Người gửi Nguyễn Huệ là cháu Nội của Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài)


Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

Ước Mơ


    Lần đầu ghé thăm anh Khải, người của nhóm bạn vừa quen biết, trong cuộc họp mặt cựu học sinh Tống Phước Hiệp. Đãi khách, anh mang ra một dĩa đầy ắp bánh quai vạc, do chị nhà làm.
Ô! Một tình cờ nhưng mang nhiều cảm xúc đến lặng người. “Hình ảnh năm xưa” tưởng mất đi lại được tìm về. Chiếc dĩa đựng bánh có hình lá tre, giống hệt những cái dĩa được bày bán ở tiệm buôn Hiệp Thành của má tôi trong thập niên 60.

    Kể cho anh Khải nghe, lý do nào khiến tôi xúc động đến chừng ấy. Anh bước vội vào nhà sau và mang những dĩa tô, bày ra trước mắt tôi. Nhìn chúng, tôi không khỏi liên tưởng đến ước mơ được chấp cánh của má là lập một tiệm buôn. Nhưng tiếc thay, tiệm buôn này cũng là nơi làm nhà ở, đã chìm trong biển lửa trong mùa xuân năm Mậu Thân 1968.


Cùng tuổi 16, tôi còn chơi trò con nít với lũ trẻ trong xóm, trước sân nhà thì má tôi đã là cô dâu út thứ mười của nội. Cô dâu tuổi đời còn quá trẻ, sống và lớn lên cạnh dòng sông Rạch Bàng, khung cảnh nên thơ với lờ lững lục bình trôi, của vùng quê, xã Đức Mỹ. Được sự giáo dục của những năm tháng dưới mái trường, sự dạy dỗ của ngoại và quyển “cẩm nang” của ba viết cho má trước khi bước vào ngưỡng cửa nhà chồng, cùng lời thương yêu, trìu mến, ông nội nói với bà nội dành cho má... “con còn nhỏ để mình chỉ dạy thêm...”. Chừng ấy là hành trang má mang theo bước vào vai trò làm vợ, làm dâu. Từ một phụ nữ, quanh đi quẩn lại trên đất nội ở ấp Phú Hữu, những ngày phập phòng lo trốn chạy khi giặc Tây ruồng bố, đến lúc Việt Minh nổi dậy, má nuôi ước mơ về thành, có một tiệm buôn nho nhỏ và nhất là con cái được dịp đến trường. Ước mơ không chỉ là mơ, má vun bồi lớn dần. Chuyển đổi đời sống, từ Ấp, má lần hồi dọn lên Xã. Được người quen nơi đây cho cất tạm một căn nhà sàn, trong góc khuất thuộc Xã Giồng Ké hay còn gọi là Trung Ngãi. Má chẳng an phận ở góc khuất này, dần dà căn nhà như được chấp cánh tiến ra mặt tiền, dối diện ngay với chợ và trở thành tiệm buôn với bảng hiệu Hiệp Thành được dựng lên.

Hàng trong tiệm được ba mua từ Vĩnh Long mang về, còn gọi là đi "bổ đồ". Với sự chân thành, thật thà, hiếu khách, luôn trọng chữ tín của má, người tìm đến mua ngày càng đông hơn hơn. Và từ đó các mặt hàng khác được bày bán thêm. Đặc biệt nguồn hàng vải vóc, từ loại rẻ tiền chí đến vải may trang phục dành cho lễ cưới được đặt cẩn thận trong tủ kính. Ngoài ra, để tiện dụng trong các yến tiệc, trên một bàn vuông khá lớn, trưng bày chén, tô, dĩa, bán lẻ hoặc trọn bộ, có in hình bắt mắt, hài hòa màu sắc với bông hoa và hình lá tre trông thanh nhã mà má rất ưng bụng.

( Ảnh chụp tất cả các dĩa, tô, nơi nhà anh Hoàng Xuân Khải - Vĩnh Long)

    Những chiếc dĩa, tô, nơi nhà anh Khải, có những loại hình khác nhau, nhưng má tôi thích nhất là tô, chén, dĩa có hình lá tre. Má bảo trông đơn giản nhưng không kém sang trọng. Những chiếc dĩa lá tre nhà anh Khải, có cái đã mờ nhạt...theo thời gian, nhưng lại quá mảnh liệt với tôi, nhắc nhớ về "Ước Mơ" của má. Và một tình cờ khá thú vị khác nữa... Anh Khải cho biết, dĩa tô này… “mua lâu lắm rồi, mua ở tiệm Bạch Phụng”. Thì ra...ba tôi là người đi “bổ đồ”, mua các chén dĩa về bán. Ba mua cùng một tiệm với anh Khải, tiệm của bác ba Bạch Phụng.

Giá mà má tôi còn, chắc chắn tôi sẽ “nợ” anh Hoàng Xuân Khải, “nợ” vì xin anh cái dĩa lá tre cho má, chỉ một cái thôi...cho má có dịp sống lại với Ước Mơ.

Trễ rồi má ơi!

Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Mẹ 2023


Rồi 20 Năm Sau - Trầm Tử Thiêng & Tấn An - Mai Thiên Vân


Sáng Tác: Trầm Tử Thiêng & Tấn An
Ca Sĩ: Mai Thiân Vân
Thực Hiện: Mai Thiên Vân Official

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Nhớ Về Cha ...


(Cha Nguyễn Viết Chung Và Bệnh Nhân)

Trong dòng người xa lạ, với trăm phương ngàn hướng, cơ duyên nào khiến xuôi... tôi  được “gặp” Cha, không bằng hình hài mà chỉ trao đổi tiếng lời qua điện thoại. Cha, Người đã sống chết với lý tưởng mà tôi vô cùng hâm mộ lẫn kính trọng. Đó là Linh mục Bác sĩ Augustinô Nguyễn Viết Chung, thuộc dòng Vinh Sơn, trên cánh đồng truyền giáo Kontum, tại Giáo Xứ Đăk Tân, huyện Kon Rẫy.

Thuở nhỏ, cậu học sinh lớp 12 trong một gia đình nghèo, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Ðức Cha Jean Cassaigne, vị sáng lập giáo xứ và trại phong tại Di-Linh. Cuộc đời nhân đức, quên mình để phục vụ của Đức Cha đã tác động ít nhiều đến cậu học trò còn trên ghế nhà trường Trung học. Từ đó, cậu có ý nguyện muốn trở thành bác sĩ để phục vụ các bệnh nhân cùi như Đức Cha Cassaigne.

                                   
                          (Ðức Cha Jean Cassaigne Và Bệnh Nhân)

Ước nguyện đạt thành, cậu Nguyễn Viết Chung trúng tuyển vào trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Qua lời tự thuật... vào năm thứ nhất Y khoa, trong Thánh lễ cầu nguyện cho những người hiến xác của Linh mục Giáo sư Bác sĩ Lischenberg. Sự thánh thiện của Giáo sư, vừa là một nhà Khoa học uyên bác, cũng là một Linh Mục khả kính đã cảm hóa và từ đó, có sự chớm nở về Ơn gọi làm linh mục của cậu sinh viên Nguyễn Viết Chung.

Cậu sinh viên năm nào, bây giờ đã trở thành Bác sĩ, chuyên ngành Ký sinh trùng sốt rét, sau đó chuyển qua làm việc tại bịnh viện Da Liễu. Đây chính là cơ hội và môi trường cho Bác sĩ Nguyễn Viết Chung có dịp học hỏi, trau dồi kiến thức về bịnh phong. 

Sau những năm làm việc hầu công đền ơn đáp cho gia đình, Bác sĩ Nguyễn Viết Chung đã được Ơn gọi và trở thành Linh mục. Và Cha cho biết, đã được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống chứ không phải bằng lời nói. Trái tim người Linh mục đã trăn trở với nỗi đau của những người sống biệt lập vì chứng phong cùi, Cha đã chọn đời sống tận hiến, Cha đang phục vụ tại Giáo Xứ Đăk Tân và được Chúa gọi về vào lúc 18 giờ 18 phút, ngày 10.05. 2017.

Đúng ngày tháng này 10 tháng 5 của 6 năm trước Cha đã đi xa, nhưng vẫn có người luôn  nhớ về...không ai khác, đó là Thien Nguyen.
Thời gian nhanh quá, 6 năm xa cách, người ta thường bảo...xa mặt cách lòng, nhưng Thien Nguyen luôn bền lòng bên cạnh Cha và đã thực hiện Youtube này, để tưởng nhớ Cha, người đã khấn trọn đời làm Linh Mục và với đời sống Thánh hiến Cha Nguyễn Viết Chung đã chọn cuộc sống cam khổ, lo lắng, phục vụ cho những đồng bào thiểu số không may mắn trong vùng Kontum hẻo lánh xa xôi.

Dù đã 6 năm thăng trầm hay bao nhiêu năm...năm...nữa, với Cha Nguyễn Viết Chung, “Thác là thể phách, còn là tinh anh”*

Thực Hiện Youtube: Thien Nguyen


Kim Phượng
10.5.2023
*Câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du


Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Hạ Buồn



Bài Xướng:

Hạ Buồn


Hạ về sao nắng không vàng
Cơn mưa mùa hạ chợt tàn chiêm bao
Em đi xa đến nơi nào
Để thương để nhớ in vào lối xưa
Vẫn con đường cũ ngày mưa
Ngu ngơ nào biết đời trưa hay chiều
Từ khi em đã biết yêu
Thì anh đã hiểu quạnh hiu là gì
Mỗi lần hạ nhớ người đi
Vắng nhau như thiếu những gì quanh đây
Em đi để lại nơi nầy
Một mình anh với sao mai nghiêng trời
Yêu nhau sao lại xa rời
Anh còn có mỗi quyền thôi.. được buồn

Hạ nầy em đã xa trường
Trong anh có một hạ buồn không tên..!

Thanh Chau
***
Bài Họa:

Hạ Hồng


Bơ vơ dưới nắng hanh vàng
Nhớ ơi những buổi chiều tàn siết bao
Lời ai mật ngọt hôm nào
Theo cơn gió thoảng rơi vào xa xưa
Âm thầm lệ đổ thay mưa
Não nùng thay tiếng gà trưa chim chiều
Còn đâu cái tuổi mới yêu
Thảm thương cám cảnh đìu hiu cớ gì
Hạ hồng năm tháng phai đi
Mang theo kỷ niệm còn gì nơi đây
Hoàng hôn chầm chậm chốn này
Lá lay thời khắc ban mai cuối trời
Nào khi giây phút chẳng rời
Trớ trêu định mệnh đành thôi chớ buồn

Tiếc thời lí lắc sân trường
Giả hờn trút giận chả buồn... gọi tên

Kim Phượng


Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Ngộ Tình


Rồi ngày kia vô thường vẫy gọi
Xóa can qua khổ ải luỵ phiền
Soi gương nhặt mồ côi tóc bạc
Sao lửa lòng còn âm ỉ tàn tro

Ngày hôm qua lần tay bấm quẻ
Bói căn duyên nhân quả khó lường
Tình vay nóng kiệm lời trả chậm
Gian mấy phân trả lãi bằng trăm

Sáng sớm nay...cõi trầm luân tỉnh
Gom yêu thương mê muội cả đời
Ban phát hết trả tình...xóa nợ
Trắng tay đời...buồn thỉu buồn thiu ...

Phủ Hiền