Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

This country isn't just carbon neutral Vietsub THY

Vị vua thứ tư của Bhutan đã tuyên bố là:
"Tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc gia"


Thực Hiện: Tran Hoang Yen
Sưu Tầm Từ Nhóm Bạn Houston

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Yêu Thầm


Dần khuất chim chiều vỗ cánh bay
Đêm đơn thăm thẳm tiếp đêm dài
Mộng lòng vừa chớm trong mơ ước
Định mệnh chôn vùi những đắm say
Giọt lệ âm thầm còn luyến nhớ
Thời gian vun vút chẳng ngừng quay
Gửi về ai đó tình vô vọng
Buồn chất trong tim mối cảm hoài

Kim Phượng
***
Họa y đề:

Yêu thầm đâu dễ gió mây bay
Gởi sóng trùng dương vạn dậm dài
Điểm nhẹ môi hồng trong giấc ngủ
Gọi thường tên bạn mỗi lần say
Bóng chiều chập choạng tình chưa hết
Con én sau cùng cánh bỗng quay
Tiếc hỏng bài thơ không vận cuối
Ngàn năm chốn cũ nhớ thương hoài…

Cao Linh Tử
28/8/2016

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Nhất Tự Vi Sư Bán Tự Vi Sư


Trường Tiểu học Giồng ké nằm trên trục giao thông đường liên tỉnh Vĩnh Long - Vĩnh Bình. Trường chỉ có một lớp Nhất, nam và nữ đều học chung.

Số tuổi của học sinh trong lớp rất chênh lệch. Đây là điều dễ hiểu, con nít sống trong thị xã hay còn gọi là “học sinh ở chợ”, đến trường theo đúng số tuổi qui định. Các học sinh ở thôn ấp, vì phương tiện khó khăn, xa xôi, cầu tre lắc lẻo, hoặc gia đình đơn chiếc, thiếu người phụ giúp việc đồng áng, nên đa số đến trường khá muộn, khi hoàn cảnh cho phép. Số tuổi của các “học sinh dưới vườn” này, tương ứng với vóc dáng, nên dân trên chợ chúng tôi thường bị xem “ nhí ” nhất là trong các trò chơi, cần đến thể lực và chúng tôi cũng thua luôn về mặt tâm lý tình cảm, ngoại trừ trình độ học vấn. Đây là vấn đề các anh chị lớn trong lớp thường hay thắc mắc đặt ra, là tại sao chúng tôi nhỏ con mà lại học giỏi.

Nhắc đến tâm lý tình cảm, là nhắc đến chuyện “con nít quỉ”, cắp đôi, xảy ra vào giờ học Địa lý. Thầy đang vẽ các dòng sông của miền Nam nước Việt trên bảng để chúng tôi xem đó, vẽ theo. Tội nghiệp cho học sinh, chỉ nhìn thấy bờ lưng của thầy mà thầm nghĩ : “Thầy dễ gì nghe”! Các chị lớn bắt đầu bày trò, bất luận tuổi tác, cũng chẳng biết yêu thương hay ghét bỏ thế nào, chọn lựa tên của bất cứ hai người nam nữ, ghép lại với nhau mà đầy ý nghĩa, ngồ ngộ là được.

Trong cuộc gán ghép này, xem ra ai cũng “ xứng đôi vừa lứa” cả, chỉ có tôi, được ghép chung với anh chàng tên Hoa (con trai mà tên Hoa!). Hoa- Phượng, đẹp quá chứ còn gì nữa. Nhưng hỡi ơi! Tôi nhỏ con đã đành, còn “nó”, “thằng Hoa”, đèo đẹt hơn tôi nữa. Nó quay qua, nhìn tôi mỉm cười…Lớp học cứ thế, tha hồ ồn ào. Một lúc sau thầy quay lại:
- Các em xong chưa ?
- Dạ chưa thầy.
- Các em vẽ nhanh lên.
- Dạ thầy.

Cuối cùng cả lớp hoàn thành tác phẩm của mình. Sang giờ Đức dục, trước khi vào bài mới, thầy gọi học sinh lên kiểm bài như thông lệ. Nhưng thật ra, lần này thầy phá lệ, gọi từng người, theo cặp một, “y chang” như những tên mà chúng tôi đã cắp đôi
-Trời ơi! Cứ ngỡ hôm nay thầy hiền, dễ dãi, ai dè… 
Sau này, tôi cũng phá lệ như thầy. Ngồi bàn đầu, lúc nào tôi cũng tìm mọi cách để nhắc bài cho các bạn, mỗi khi bị kiểm tra. Nhưng, ngoại trừ “thằng Hoa”, tuyệt nhiên tôi không nhắc bài cho “ nó” nữa.

Từ sau buổi học ấy, sinh hoạt của lớp không còn như trước. Các anh chị lớn, dường như phải lòng nhau, nên đã phạm nội qui, “đi học quá sớm”. Dù rằng, chúng tôi là học sinh lớp nhất, đàn anh, đàn chị của trường, lại chẳng làm gương. Còn tôi, các anh chị trong gia đình đều đi học xa, tôi phải phụ giúp việc nhà, nên lúc nào cũng đi học đúng giờ. Bởi thế, hai bạn cùng lớp là Hồng và Cúc, thường đến giúp tôi rửa chén bát, giặt giũ đồ hay nhóm bếp, lấy cớ ngoan, để được phép đi học sớm. Những hôm như thế, học sinh “trên chợ” và “dưới vườn”, tề tựu, bày đủ trò vui. Một trong những trò vui, tự hậu, tôi “ tởn đến già” là ăn cắp ấu.


 Đập ấu nằm dọc con lộ ấp Phú Tiên, liên tỉnh Vĩnh Long - Vĩnh Bình. Đập mênh mông nước, lá ấu xanh, trải đầy, che kín cả mặt đập. Các chị lớn xắn quần đến gối, lội xuống, lật ngược các tay ấu lên, mọc đầy những trái to, căng tròn, trông thật hấp dẫn. Nhìn các chị nhanh tay hái ấu, bỏ đầy cả cặp đi học, dân trên chợ bị cám dỗ mạnh, quên đi sự nhút nhát bắt đầu ùa xuống. Tôi đang đưa tay định hái trái non, thì trời ơi, một con đỉa đen ngòm đang phăng tới. Tôi, hồn phi phách tán, la ré lên và tôi chẳng hiểu nhờ đâu, cái bờ lộ cao thế kia, tôi có thể “phi thân” lên dễ dàng. Một chị bạn khác vẫn thản nhiên tiếp tục hái, vừa cười, đưa tay nhón con đỉa đang bám trên chân chị và vừa mắng yêu :
- Tưởng gì, con đỉa mà mầy cũng sợ. Đúng là dân chợ nhát hít! Tao chỉ cho cách này nè. . . tụi nó xuống trước, quần nước đục ngầu hết, thấy nước đục thì đừng xuống, vì đục là có đỉa hà.
Kể từ lúc ấy, bọn trên chợ, có thèm ăn ấu non quá, thì “nhón” một ít ấu đựng trong cặp của các chị mà thôi.


Hết đi ăn cắp ấu lại bày trò chơi, “trốn kiếm”. Con trai, đóng dinh ở vườn trâm bầu, con gái ngự trị bên vườn chuối, kẻ trốn, người tìm. Nói vườn cho oai, chứ thực ra, trường Giồng Ké nằm sát nhà dân cư địa phương. Khu đất nhà bác Hai khá rộng, nên một bên bác trồng trâm bầu để lấy củi, bên kia trồng chuối, thu quê lợi. Có lẽ học sinh chúng tôi mãi mê chơi mà quên mất câu: “ Đi đêm có ngày gặp ma”. Hôm ấy không biết, bằng cách nào mà tập vở của chúng tôi đặt bên hông trường, đợi giờ vào lớp, đã bị thầy Hiệu trưởng gom tất cả cất vào một nơi. Giờ học đến, chúng tôi nhớn nháo…Than ôi! Tập vở không cánh mà bay, cả lớp đành đứng sắp hàng, chịu lỗi, nhận hình phạt ăn đòn, trước khi thu lại cặp sách.



Giận thầy thì học sinh có giận…, nhưng khoảng sau một tháng, thầy Hiệu trưởng và Thầy dạy lớp tôi cùng với chiếc xe Lamretta, là phương tiện di chuyển hàng ngày của hai thầy từ Vĩnh Bình đến Giồng Ké, bị bên kia chận lại, dẫn đi mất biệt. Bọn học sinh lớp Nhất buồn thiu, vẫn đi học sớm, tụ năm, tụm ba, thường khóc và tìm cách “cứu thầy”. Cuối cùng, một chị cho biết nơi hai Thầy bị giam giữ. Lúc ấy, dù chẳng rủng rỉnh tiền, nhưng cả bọn tự đóng góp để mua thức ăn cho Thầy và cả thuốc lá, thứ mà thầy Hiệu trưởng ưa thích. Từ hôm đó, các Thầy Cô còn lại trong trường luân phiên giảng dạy. Hồng và tôi đảm trách điểm danh, ghi sổ, cộng điểm sắp hạng học sinh trong lớp. Đây chính là lúc tôi thật sự cảm nhận được câu: “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” và vì thế tôi thật đắc lực, rất cẩn thận trong vai trò này, mặc dù tôi vẫn là học sinh thích phá phách thầy cô.
Đời học sinh, càng lên lớp cao, mỗi năm, thêm thầy cô mới, càng có nhiều vị sư đảm trách cho từng môn học. Tuy nhiên, vị thầy đã từng cho tôi ăn đòn, là người tôi vẫn kính mến cho mãi đến hôm nay.

Mười tám năm sau, trong làn sóng tỵ nạn ồ ạt, Úc là quê hương thứ hai, nơi tôi đang định cư. Một dấu ấn sâu đậm pha lẫn hài về câu nói “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” này. Chuyện tôi sắp kể là… Ngày đầu đến Úc, người tỵ nạn chúng tôi được đưa về Migrant Hostel, để hoàn tất thủ tục nhập cư và dự khoá học Anh văn căn bản trong 6 tuần. Sau đó, mọi người đều lo tìm công ăn việc làm, đồng thời chúng tôi ghi tên học khóa Anh văn hàm thụ English for Newcomers. Chúng tôi đọc sách, nghe băng cassette, làm bài tập gửi đi và nhận trở lại sau khi cô giáo đã sửa lỗi. Tôi còn nhớ mãi bài văn, viết về sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Với vốn liếng Anh văn khiêm nhường, tôi kể về gia cảnh, công việc làm và đi đến kết luận là: “Tôi rất vui được sống trong một xứ tự do, nên không quản ngại mệt nhọc, dù là sau giờ làm việc tôi còn phải tự nấu ăn…(I cook myself )”. Một tuần sau, tôi nhận lại bài tập của mình. Bằng bút mực màu đỏ, cô giáo khoanh tròn “ I cook myself”, thêm vào đó chữ “by” đỏ chói, to tướng. Đồng thời bên dưới có hàng chữ “You’re jumping in the oven”.
Vâng, mỗi lần nhìn nhất từ “BY” là tôi nhớ đến từ “ vi sư ”. Sau đó tôi đến tận trung tâm hàm thụ Anh văn để tìm vị sư ấy, đồng thời cho bà biết lý do nào tôi tìm đến đây và tôi kể cho bà nghe về câu nói “ Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” của dân tộc mình.

Tôi rời Việt Nam khá sớm năm 1978, khi mùa phượng nở, ve râm ran. Bao năm xa xứ, chưa một lần trở lại quê nhà. Những được mất trong cuộc đời tưởng chừng đã lắng. Bỗng dưng, sự xuất hiện cuốn Đặc San, cùng đĩa DVD, do cựu giáo sư, cựu học sinh Tống Phước Hiệp, cùng một nhóm thân hữu thực hiện. Tất cả những sinh hoạt của một số “người xưa” tôi đã biết qua, cùng một số "người mới" tôi chưa quen bao giờ. Tất cả hiện ra trên màn ảnh. Những dòng chữ nhắc nhớ về Vĩnh Long trong Đặc san khơi lại trong tôi, trở ngược về thời áo trắng. Một thời để nhớ để thương.Thời lo âu, buồn vui, hờn dỗi. Thời hồn vía lên mây khi chẳng học kịp bài…và nhất là thời…mùa thu tóc ngắn không còn nữa. Tiếc thời con gái bận đón đưa...đang ào ạt trở về. Nhìn số người tham dự tôi tìm thấy lại một số thầy cô. Giờ đây ít nhiều thay đổi, nhưng hình ảnh trên bục giảng năm nào trong trí tôi vẫn như in. Rất tiếc, tôi không tìm được bóng dáng bạn bè cùng lớp.


Tuy nhiên, một sự may mắn tình cờ, tôi hân hạnh “biết” thầy Nguyễn Thanh Liêm, hiện diện trong DVD ấy. Tôi thích gọi tiếng Thầy hơn là ông Thứ trưởng. Tiếng Thứ trưởng nghe xa cách làm sao!
Qua đó Thầy cho biết cơ duyên nào, đã đưa thầy đến tỉnh Vĩnh Long và cảm phục người Vĩnh Long. Theo lời thầy: “Tuy nhiên, cái người mà tôi phục nhứt, tôi kể như là ông thầy của tôi đó, mặc dù là tôi không có đến học với ổng, là cái người sinh ra ở Vĩnh Long, đó là ông Trương Vĩnh Ký”.
Thầy cho biết, và phân tích 2 câu viết đặt trước cửa trường Pétrus Ký:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm

Thầy giải thích: “Một mặt phải thu nhận những kiến thức khoa học, mặt khác phải ghi trong xương tủy của mình nền đạo đức luân lý của Á Đông”.
Ngày xưa, trong chế độ quân chủ, vị thế người thầy vô cùng quan trọng, là người nhận chịu mọi trách nhiệm về kiến thức và lẫn hành vi đạo đức của học sinh mình. Ngày nay với lối sống dân chủ và nhất là ở xã hội này, vai trò người thầy không còn quá nặng nề. Riêng tôi, tiếng Thầy, không chỉ đóng khung trong phạm vi học đường, những điều tôi có thể học hỏi từ một người, người ấy tôi xem là Thầy rồi.
(Tân niên hội ngộ của CHS Tống Phước Hiệp, Cali)

Những vị đã rèn luyện cho tôi được kiến thức hôm nay. Đó là, một số thầy cô, hiện diện trong DVD đây, một vài vị khác, đã miên viễn. Tuy nhiên, trong thăng trầm trên những con đường đã đi qua, tôi có được những vị Thầy từ trường đời mà tôi đã học hỏi. Và một vị Thầy , Thầy và tôi có cùng sự đồng cảm. Người tôi muốn nhắc đến là thầy Liêm. Thầy Liêm, xem ông Trương Vĩnh Ký, người Vĩnh Long, là một bậc thầy, dù chưa một lần thọ giáo.Tôi, người đồng quê với cụ Trương Vĩnh Ký, lại xem thầy Liêm là thầy, dù chỉ biết Thầy qua DVD. Thầy Liêm, người đã giúp cho tôi học được điều mà tôi chưa hề biết. Khi thầy khuyến khích nhóm hậu sinh, về sự sống còn của quyển Đặc San, dù phát hành trễ. Đó là:

Mi sanh tiền, tu sanh hậu
Tiền sanh bất nhược, hậu sanh trường

Thật ra, nếu Thầy không giải thích, chắc tôi cũng chẳng hiểu được. Chính hình ảnh và lời phát biểu của Thầy đã “kéo” tôi về thời ăn cắp ấu. Thời tôi vừa biết cảm nhận được câu “ Nhất tự vi sư,  Bán tự vi sư”, và nhớ về người Thầy Hiệu trưởng năm xưa, là người cho cả lớp ăn đòn.

Lời nói của thầy Liêm, là động lực thôi thúc tôi hoàn thành ước nguyện và tự trả lời cho chính câu hỏi mà tôi đặt ra, từ bấy lâu nay: “ Ai là người xứng đáng được gọi là thầy?”.
Thật ra, trong bước đường đời, mỗi lần tôi tiếp xúc với người nào, y như rằng tôi được học hỏi ít nhiều từ người ấy.
Như một lời tri ân, kính gửi đến Thầy Nguyễn Thanh Liêm, xin mượn lời thơ trao tặng Thầy, thay đoạn kết qua 2 câu thơ trên, Thầy đã khuyến khích nhóm hậu sinh chúng tôi:

Mày đây vênh váo tự hào
Tao sinh ra trước ai cao hơn bằng
Râu cười khiêm tốn thưa rằng
Cao thì cao thiệt! Dài bằng tôi không?
Nghêng ngang mày lại cãi ngông
Dẫu dài cho lắm cũng không tài bằng
Thế thì trổ hết tài năng
Cho thiên hạ khiếp hầu răn dạy đời
Ậm ừ mày chẳng thức thời
Nói nhăng nói cuội lỡ lời như chơi
Ủi an râu nói “ Mày ơi!”
Làm đẹp thiên hạ là trời ban cho
Ganh đua chỉ tổ làm trò
Nó giận…
tỉa hết
cạo sạch
còn gì mày râu !!!

Bài thơ thay lời tri ân này, vẫn còn đây. Nhưng Thầy đã miên viễn. Thầy đã mãn phần hôm 17 tháng 8 năm 2016 này.
Thành kính chia buồn cùng Cô và Thân quyến. Em Nguyện cầu Hương linh Thầy sớm an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Kim Phượng

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Ngẫu Thành 2 - 偶 成 - Nguyễn Trãi - 阮廌


   
  偶 成                                         Ngẫu Thành 2

世上黃梁一夢餘                   Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư,
覺來萬事總成虛                   Giác lai vạn sự tổng thành hư.
如今只愛山中住                   Như kim chỉ ái sơn trung trú,
結屋花邊讀舊書                   Kết ốc hoa biên độc cựu thư.

               阮廌                                                   Nguyễn Trãi
Dịch nghĩa:

Đời này cũng như một giấc mộng kê vàng mà thôi
Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực
Thế nên ngày hôm nay mới thích ở trong núi
Làm nhà cạnh vườn hoa và đọc những sách cũ xưa.

Dịch Thơ:

Chợt Viết Ra

Cuộc đời như giấc mộng trôi qua
Muôn việc gẫm suy ảo chính là
Nay núi tìm về theo ý thích
Dựng lều sách cũ đọc cùng hoa


Quên Đi
***
Chỉ Một Giấc Kê Vàng


Giấc mộng kê vàng mới thoáng qua,
Thành công, thất bại, ảo thôi mà.
Nay ta ở núi tùy duyên phận,
Sách cũ lều thơ đọc ngắm hoa!


Mai Xuân Thanh
***
Bất Chợt
Ngẫu Nhiên Ra Cớ Sự


Kê vàng một giấc mộng mông lung,
Mọi sự chung qui cũng số không.
Lên núi an nhiên mà tự tại,
Lều tranh đọc sách thưởng hoa hồng.


Mai Xuân Thanh
***
Ngẫu Nhiên Làm


Cuộc đời như giấc kê vàng thôi
Muôn sự hư không tỉnh mộng rồi.
Nay thích ở cùng rừng núi thẳm,
Bên hoa đọc sách dựng lều chơi.


Mailoc phỏng dịch
***
Chuyện Ngẫu Nhiên Mà Ra


Cuộc đời, rốt lại, giấc kê vàng;
Thức giấc, muôn điều thảy huyễn mang.
Vào núi, giờ đây, ta chỉ thích:
Dựng nhà, đọc sách cạnh hoa trang.


Danh Hữu dịch
***
Chuyện Ngẫu Nhiên


Cuộc đời như giấc mộng vừa trôi
Tỉnh giấc thực - hư chuyện đã rồi
Ẩn núi bây chừ ta chỉ thích
Dựng lều đọc sách ngắm hoa thôi!


Nguyễn Đắc Thắng
***
Ngẫu Nhiên


Cuộc đời chẳng khác giấc chiêm bao
Muôn sự xem ra có thực nào
Thích núi tìm về cho thỏa ý
Bên hoa đọc sách cạnh lều cao


Kim Phượng
***
Ngẫu Thành


Đời người như giấc kê vàng ấy,
Chợt tỉnh tay không muôn việc chưa.
Chỉ thích kết lều nơi núi thẵm,
Bên hoa ta đọc sách người xưa!


Đỗ Chiêu Đức

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Tặng Người Trong Tranh Nhị Kỳ


1
Tứ tuyệt lời thơ tặng bạn xưa
Cô nàng be bé chiếc răng thừa
Xuân thì hương thắm bao chàng luỵ
Ao ước được làm kẻ đón đưa
2
Yêu người hay mến áo bà ba
Hé nụ tầm xuân sắc mặn mà
Hàm tiếu mơ màng ai trộm ngắm
Bao người mến nhớ há riêng ta

Quên Đi

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Nda | Playing For Change

"Nda" is an original song written by Jason Tamba who left his home in the Congo in search of a better life. It was Jason's mother who convinced him to go and this song is about her words on the last day that he saw her. 


Thực Hiện: Playing For Change

Go, have a good trip, I will never forget the words of my mother.
"Đi đi con, lên đường bình an". Tôi không bao giờ quên lời mẹ nói.
Go, every country has his own reality, don’t be scared just go.
"Đi đi con, hãy đối diện với hiện thực ở vùng đất lạ. Đừng lo sợ, đi đi con ..."

Go, have a good trip, I will never forget the words of my mother.
"Đi đi con, lên đường bình an". Tôi không bao giờ quên lời mẹ nói.
Go, every country has his own reality, don’t be scared just go.
"Đi đi con, hãy đối diện với hiện thực ở vùng đất lạ. Đừng lo sợ, đi đi con ..."

Go, have a good trip, I will never forget the advices of my mother.
"Đi đi con, lên đường bình an". Tôi không bao giờ quên lời mẹ khuyên.
Go, watch out, take care of yourself and God will take care of you
"Đi đi con, cẩn thận. Hãy lo thân rồi Trời sẽ phù hộ cho con"

May God help, Go…
Mong Trời giúp, con đi đi.
May God help, Go…
Mong Trời giúp, con đi đi.

Go, have a good trip, I will never forget the advices of my mother.
"Đi đi con, lên đường bình an". Tôi không bao giờ quên lời mẹ khuyên.
Go, watch out, take care of yourself and God will take care of you
"Đi đi con, cẩn thận. Hãy lo thân rồi Trời sẽ phù hộ cho con"

Lời tiếng Anh và lời phỏng dịch của Tri Nhân


Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Một Dạng Thơ Đường Luật Độc Đáo

Không Đề

Nối nghiệp nhà xưa học một kinh, 
Chẳng ngờ lạc đến áng công danh. 
Thân xưa đã có duyên hương lửa, 
Lộc nặng ơn nhờ đức thánh minh. 
Lỗi bước, già nên chịu dại, 
Hay cơ, trẻ khá làm thinh? 
Phúc nho hoạ trong đời trị, (*)
No ấm cũng nhờ phúc thái bình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khi đọc bài thơ này, có lẽ sẽ không ít người ngạc nhiên cùng những thắc mắc tuần tự hiện ra. Đây là thơ thuộc thể loại nào, sao lại có đến 3 câu 6 chữ? Có phải do viết thiếu chăng? Hay là thơ Đường Luật phá cách? 
(*) Những câu có chữ viết đứng trong các bài thơ của bài viết này là những câu 6 chữ.
                                                                        ***
Năm 1407 vua nhà Minh bên Tàu sai tướng Trương Phụ sang thôn tính nước ta. Lúc bấy giờ, nước ta đang vào triều đại Hồ Quý Ly quốc hiệu Đại Ngu. Cuộc chống giặc ngoại xâm thất bại, vua tôi nhà Hồ bị bắt gần hết. Trong số các quan lại thoát được có Nguyễn Trãi. Nơi ông trốn lánh lâu nhất là Côn Sơn. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc lên kế sách để đuổi giặc xâm lăng, ông còn thay đổi dạng thơ Đường luật thành một dạng riêng cho mình. Không những thế, các vua, quan từ đó về sau cũng sáng tác Thơ Đường Luật dạng này. Đó là dạng thơ mà ngày nay gọi tên là " Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn".

Ức Trai Lão Tiên Sinh đã đan xen bao nhiêu câu 6 vào? ở vị trí nào? như thế luật Bằng Trắc và Niêm, Đối có thay đổi không? 

Để giải đáp những câu hỏi trên, chúng ta cùng tìm hiểu qua thơ của Nguyễn Trãi trong quyển "Quốc Âm Thi Tập". 

Quốc Âm Thi Tập gồm hơn 250 bài thơ Nôm, không có tựa đề, chỉ đánh số thứ tự. Để tiện cho việc tìm kiếm, có nơi đã tuỳ theo nội dụng đặt cho tựa đề. Những bài thí dụ bên dưới hầu hết tôi lấy từ Thivien.net. 
- Chỉ có 1 câu 6 chữ, như "Ngôn Chí 2". Đó là câu thứ 8:

Vừa sáu mươi dư tám chín thu, 
Lưng gầy da xí tướng lù khù. 
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào Hứa, 
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng Chu. 
Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc, 
Gian lều cỏ đội đức Ðường Ngu.
Tơ hào chẳng có đền ơn chúa 
Dạy láng giềng mấy sĩ nhu

Bài thơ trên làm theo luật Trắc. Tác giả đã bốt đi chữ dầu của câu 8
- Bài "Tự Thán 15", có 2 câu 6 chữ nhưng không đi liền nhau.1 câu nằm trên cặp Đề, 1 câu nằm ở cặp Kết:

Lòng người man xúc nhọc đua hơi, 
Chẳng cóc nhân sinh gửi chơi. 
Thoi nhật nguyệt đưa qua mấy phút, 
Áng phồn hoa họp mấy trăm đời. 
Hoa càng khoe tốt, tốt thì rữa, 
Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi. 
Mới biết doanh hư đà có số, 
Ai từng cải được lòng trời.

Đây là bài thơ Luật Bằng, Tác giả có thể đã bỏ chữ thứ nhất hoặc chữ thứ 5 ( nếu không áp dụng Nhất Tam Ngũ Bất Luận, thì tác giả bỏ bớt chữ thứ 5) trong các câu 6 chữ
- Bài Thơ có 2 câu Đề là 6 chữ như bài "Mạn Thuật 4" dưới đây:

Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm, 
Giơ tay áo đến tùng lâm. 
Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động, 
Đường ít người đi cỏ kíp xâm. 
Thơ đới tục hiềm câu đới tục, 
Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm. 
Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, 
Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm.

Chúng ta thấy bài thơ này đều đúng theo Đường Luật Thi luật Trắc, Tác giả chỉ bỏ bớt chữ thứ nhất ở hai câu Đề
- Bài "Thuật Hứng 24" dưới đây có cặp Thực 6 chữ 

Công danh đã được hợp về nhàn 
Lành dữ âu chi thế nghị khen 
Ao cạn vớt bèo cấy muống 
Đìa thanh phát cỏ ương sen 
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc 
Thuyền chở yên hà nặng vạy then 
Bui có một lòng trung lẫn hiếu 
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen. 

Đây là bài thơ Luật Bằng, như thế ở hai câu Thưc, Tác giả đã bỏ bớt chữ thứ 5 
- Một của câu Đề và Cặp Thực là 3 câu 6 chữ như bài" Tự Thán 10"

Tơ tóc chưa hề báo sở sinh, 
Già hoà lủ, tủi nhiều hành. 
Chông gai nhẹ đường danh lợi, 
Mặn lạt no mùi phế tình
Sách một hai phiên làm bậu bạn, 
Rượu năm ba chén đổi công danh. 
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa, 
Cầu một ngồi coi đời thái bình.

Đây là bài thơ có Luật Trắc, Như vậy Tác giả đã bỏ chữ thứ nhất ở 3 câu 6 chữ.
- Ở bài "Ngôn Chí 2" có 4 câu 6 chữ ở các cặp Luận và Kết

Lểu thểu chưa nên tiết trượng phu, 
Miễn là phỏng dáng đạo tiên nho. 
Chà mai đêm nguyệt dậy xem bóng, 
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. 
Dưới công danh đeo khổ nhục, 
Trong dại dột có phong lưu. 
Mấy người ngày nọ thi đỗ, 
Lá ngô đồng thuở mạt thu.

Bài Thơ Luật Trắc, Như vậy các chữ thứ nhất của 4 câu cuối đã được Tác giả bỏ
- Đặc biệt bài "Mạn Thuật Kỳ 4" có đến 6 câu 6 chữ, chỉ còn 2 câu kết là 7 chữ 

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay, 
Trong thế giới phút chim bay. 
Non cao non thấp mây thuộc, 
Cây cứng cây mềm gió hay. 
Nước mấy trăm thu còn vậy, 
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay. 
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, 
Bui một lòng người cực hiểm thay.

Với bài thơ này, cũng là bài thơ Luật Trắc, thế nhưng tác giả không chỉ loại bỏ chữ đầu câu 1, mà còn có chữ thứ 5 các câu 1, 3, 4. Riêng hai câu 5 và 6, có thể Tác giả đã bỏ các chữ thứ 6 trong câu cho đúng với Luật Thơ Đường.

Tóm lại, Qua các thí dụ và nhận xét trên, ta có thể rút ra những nguyên tắc trong thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn như sau:
- Vẫn giữ đúng Luật của Đường Luật Thi.
- Số câu 6 chữ có thể nằm trong giới hạn từ 1 đến 6 câu (sở dĩ tôi dùng chữ có thể vì tôi đã được đọc một bài thơ Lục Ngôn lại viết theo Đường Luật Thi, nhưng quên ghi chép lại, giờ tìm chưa ra).
- Các câu 6 chữ nằm bất cứ vị trí nào trong bài thơ.
- Để theo đúng Luật Đường Thi và khi ngâm nga nghe cho êm, nên Tác giả đã tuỳ nghi mà bỏ các chữ ở các vị trí khác nhau. Nhưng thông thường, các chữ thứ nhất và thứ 5 được bò nhiều nhất.

Trải dài suốt triều Hậu Lê cho đến thế kỷ 19, dạng thơ này được khá nhiều nhà thơ sử dụng:

1/Lê Thánh Tôn 
Người Ăn Mày

Góp giang sơn xách một quai, 
Lượng bằng sông biển chẳng từ ai! 
Vườn đào ngõ mận từng len lỏi, 
Gác tía lầu son mặc nghỉ ngơi. 
No biết thế tình mùi mặn nhạt, 
Quản bao nhật nguyệt (ngày tháng) bữa đầy vơi! 
Vương tôn thuở trước làm sao tá? 
Bái tướng phong hầu, ấy những ai?

2/ Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú

Đêm Trung Thu Không Trăng
Lượt là vằng vặc rạng tơ hào, 
Phải mịt mù nay vì cớ nao? 
Nhân bởi hắc vân ngất phủ, 
Há rằng ngọc thỏ hay lao. 
Hằng Nga lấy đấy làm rông vát, 
Thục Đế tuồng ni kẻo ước ao. 
Mựa đắng đêm nay chăng thấy nguyệt, 
Thu qua đông đến quế càng cao.

3/ Tác giả Khuyết Danh Thời Hậu Lê

Mẫu Đơn

Dưỡng cẩn vườn tiên của hạ thường 
Trăm hoa tươi tốt đã khiêm nhường 
Thức tươi chiếm được xuân thiên hạ 
Giá trọng kham khoe đất Lạc Dương 
Khắp trong đời khen quốc sắc 
Hơn chúng bạn khải hoa vương 
Dầu thêm hay thốt hay cười nữa 
Thấy mặt trong lòng những đoạn trường

4/ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cương Thường

Trời phú tính ở mình ta, 
Đạo cả cương thường năm mấy ba. 
Tôi hết ngay, chầu chức chúa, 
Con hằng thảo, kính thờ cha. 
Anh em mựa nỡ điều hơn thiệt, 
Bầu bạn cho hay nết thực nhà. 
Nghĩa vợ chồng xem rất trọng. 
Ở đầu phong hoá phép chưng nhà.

5/ Nguyễn Hữu Chỉnh

Ngôn Ẩn Thi Tập Bài 1

Trên đầu đã rối tóc hoa râm 
Lẩn thẩn còn chơi đám cát lầm 
Nẻo lợi danh tuy dở bước 
Lòng trung hiếu hãy bền cầm 
Khôn chửa đủ mùi kim cổ 
Dại nào lường máy thiển thâm 
Miễn trọn cho cùng nhân sự chửa 
Thôi thôi rất lẽ thuận thiên tâm

Ngoài ra Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có bài thơ thuộc dạng này:

Cùng Quan Tế Tửu Họ Phạm

Kìa ai tỉnh, kìa ai say (*)
Kìa ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày 
Khoan khoan xin hãy dừng tay lại 
Chớ mó hang hùm nữa mất tay

(*) có bản viết:

Ông đồ tỉnh ông đồ say
Sao ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày...

hay là: 

Say hay tỉnh tỉnh hay say
Trêu hoa ghẹo nguyệt giữa ban ngày...

Tính đến nay, đã tìm được gần 1000 bài thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn cho hậu thế. Nhìn chung, có 4 nhà thơ làm dạng này nhiều nhất. Đó là Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi Tập, vua Lê Thánh Tôn và Hội Tao Đàn với Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập và Nguyễn Hữu Chỉnh với Ngọc Ẩn Thi Tập.

Là một người yêu nước, có tinh thần tự chủ mạnh mẽ, Nguyễn Trãi muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Thơ của Tàu, Ông đã tự mở cho mình một lối đi riêng bằng cách sửa đổi số chữ trong bài Đường Luật Thi. Con đường được vạch ra, ông đi trước, các thế hệ sau nhất là những thi nhân Triều Hậu Lê đã hưởng ứng mạnh mẽ, tỏ rỏ sự độc lập của đất nước .

Trong ý nghĩ cá nhân, tôi thường hỏi: tại sao thế hệ chúng ta không hưởng ứng và phổ biến sự bất khuất của Nguyễn Trãi nói riêng và dân tộc Việt nói chung, qua dạng Thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn này.

Huỳnh Hữu Đức biên soạn




Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Diện Mạo


Mỗi người khi lớn lên đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình.

Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng khi lớn lên khuôn mặt sẽ thay đổi dần theo tâm tính của mình. Vậy nên văn hóa phương Đông vẫn cho rằng “tướng tùy tâm sinh” là vậy.

Một lần, Tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln phỏng vấn một ứng viên nam đến làm nhân viên cho chính phủ. Mặc dù người đàn ông này rất có tài năng nhưng vị Tổng thống vẫn không tuyển dụng.

Người phụ tá thấy vậy liền hỏi Tổng thống nguyên nhân vì sao. Tổng thống nói: “Tôi không thích tướng mạo của người này”.

Người phụ tá không hiểu nên hỏi lại: “Chẳng lẽ một người khi sinh ra đã không được ưa nhìn thì cũng là lỗi của họ sao?”

Tổng thống Lincoln trả lời: “Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình!”

Thực sự trong cuộc sống, con người đến tuổi trung niên, thì tướng mạo sẽ lộ rõ ra tính cách và phẩm chất của người đó. *Người có tấm lòng khoan dung thì phần lớn sẽ có khuôn mặt phúc hậu. Người có tính tình hiền dịu thì tướng mạo sẽ đẹp một cách nhu hòa thánh thiện. Người có tính cách thô bạo lỗ mãng thì tướng mạo sẽ luôn là hung dữ. Người có lòng dạ nhỏ mọn thì phần lớn sẽ có tướng mạo xấu xí, hai hàng lông mày nhíu chặt. Có người tướng mạo lộ ra vẻ đặc biệt trẻ trung và xinh đẹp thì người này nhất định là đơn thuần lương thiện. Đây là do kết quả của quá trình tu dưỡng tâm tính và hành vi phản chiếu lên khuôn mặt. Cho nên tướng mạo cũng chỉ ra vận mệnh tương lai của người đó.

Nhưng tướng mạo của một người là có thể từng bước cải biến được. Đặc biệt, tướng mạo đẹp là do sự quyến rũ từ trong nội tâm. Bất kể phúc báo nào đều là có nguyên nhân, cho nên dung mạo xinh đẹp cũng là có nguyên nhân từ tâm.

Để có tướng mạo đẹp ở tuổi trung niên, hãy thường xuyên tu dưỡng những điều sau:

1. Thường xuyên mỉm cười

Có người nói, mỉm cười là cách để làm nở một bông hoa xinh đẹp nhất ở trên khuôn mặt. Người xưa có câu: “Tay hung không đánh mặt cười”. Nụ cười luôn làm rung động lòng người, khiến mọi người vui vẻ, thân thiết và gần gũi nhau hơn. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất chính là, mỉm cười luôn mang đến cho người khác niềm vui và hạnh phúc, mang đến sự sự chia sẻ về tinh thần.

Nếu như trên khuôn mặt thường xuyên nở nụ cười là có thể đem thiện ý truyền đạt cho tất cả mọi người. Đây chính là cách hoàn toàn không phải mất phí tổn mà lại tạo ra được giá trị lớn. Đây chính là phương pháp làm đẹp thuận tiện rất, kỳ diệu nhất.

2. Khen ngợi người khác nhiều hơn

Ai cũng đều muốn nghe những lời khen ngợi, khích lệ đặc biệt là lời khen ngợi đúng lúc. Các nhà khoa học đã làm một cuộc thí nghiệm đối với nước. Sự kết tinh hình dạng của nước có chịu ảnh hưởng của thanh âm bên ngoài. Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm sự biến hóa của nước dưới sự ảnh hưởng của âm thanh tác động bên ngoài và phát hiện: Khi ông phát những ca khúc nổi tiếng của Mozart và Beethoven rồi dùng kính hiển vi quan sát, ông nhận thấy các tinh thể nước sẽ thuận theo những giai điệu đẹp đó mà không ngừng có những biến hóa đẹp mắt.

Nói những lời dễ nghe thì các tinh thể nước cũng tạo thành những hoa văn hết sức đẹp mắt. Khi nói những lời khó nghe thì các tinh thể nước lại chuyển động hỗn loạn, không có trật tự.

Vậy nên, nói những lời khen ngợi, khích lệ người khác cũng sẽ làm rung động tinh thần của họ. Và đồng thời, chính những lời thiện, lời tốt đẹp này cũng sẽ khiến bản thân mình càng thêm xinh đẹp hơn.

3. Nhẫn nhịn nhiều hơn, tức giận ít đi

Người mà có khả năng nhẫn nhịn, ít khi tức giận thì sắc mặt sẽ đẹp hơn. Trong cuốn “Phật thuyết tội phúc báo ứng kinh ” nói rằng: Người xấu xí là do thường xuyên tức giận, oán trách mà thành. Người đoan trang trắng trẻo, vẻ mặt rạng ngời, thân thể mềm mại, gặp người, người thích là kết quả của tu nhẫn mà nên.

4. Luôn biết cảm ơn

Người biết quý trọng và có lòng biết ơn với hết thảy, từ bông hoa cọng cỏ, từ con người, đồ vật… thì tự nhiên trong lòng cũng phát sinh một loại cảm tình tốt. Nội tâm người đó lúc nào cũng tựa như nở ra một bông hoa thơm ngát hấp dẫn người khác. Người mà bên trong tràn đầy hương thơm như vậy thì bên ngoài cũng sẽ trở nên xinh đẹp rạng rỡ.

5. Sức mạnh của tâm niệm

Vẻ bề ngoài của một người là liên quan mật thiết với nội tâm bên trong của người đó. Tướng do tâm sinh, cho nên bên trong thiện lành thì bên ngoài sẽ xinh đẹp. Một nhà tâm lý học từng nói: “Tâm tình của một người là như thế nào thì cuộc sống của người đó sẽ là như thế, vận mệnh của người đó cũng sẽ lại giống như thế”.

Vì vậy, nếu bạn mong muốn trở thành người xinh đẹp, thì trước hết hãy dùng tâm niệm tốt đẹp để đối đãi với thế gian. Khi đó bạn không những phát hiện ra mọi thứ đều trở nên xinh đẹp mà ngay cả tướng mạo của bản thân mình cũng ngày càng trở nên xinh đẹp.

6. Tiếp xúc nhiều hơn với người có tâm linh tốt đẹp

Người xưa nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là có ý nói rằng, nếu như bạn tiếp xúc nhiều hơn với người tốt, người có tâm linh tốt đẹp thì bạn sẽ chịu ảnh hưởng từ họ, dần dần bạn cũng trở nên giống như họ. Người đẹp không phải chỉ nói đến là vẻ đẹp bề ngoài mà quan trọng hơn là vẻ đẹp của tâm linh. Người có tâm linh đẹp thì dung mạo cũng sẽ đẹp.

Kính chúc quý lão ông, lão bà giữ được 6 điều trên đây để càng ngày càng ĐẸP LÃO.

Kim Phượng Sưu Tầm


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Cô Long Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Chị Kim Xuyến & Kim Phượng

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Chị Xuyến và chị Phượng mến,

Vừa nhận tin buồn trong gia đình chị, tôi xin gởi lời phân ưu cùng hai chị và cầu nguyện cho linh hồn người quá cố sớm về miền Vĩnh Hằng.  
Cầu xin Ơn Trên ban cho người còn lại có cuộc sống an lành.
 Cầu chúc hai chị bình an.

Thân chào,
Long

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Chiều Sa Pa - Buồn Trông Sa Pa




Chiều Sa Pa
Chiều tà trên đỉnh Sa Pa
Vi vu gió rít mưa sa mịt mờ
Núi rừng trùng điệp nên thơ
Mấy tầng mây trắng lững lờ dưới chân
Chuông chùa rời rạt vang ngân
Mù sương giá buốt thương gần nhớ xa
Đêm nay trăng sáng quê nhà
Còn ta ở lại Sa Pa một mình…


Phú Thạnh
Bài thơ cuối cùng của anh Phú Thạnh
***
Bài Họa:

Buồn Trông Sa Pa

Tơ sầu giăng kín Sa Pa
Bóng ai khuất nẻo lệ sa mờ mờ
Cõi trần vương víu đề thơ
Luyến lưu sỏi đá lặng lờ bước chân
Kinh cầu chầm chậm chuông ngân
Phù du thoáng chốc nay gần mai xa
Hư vô cõi tạm mái nhà
Hồn thiêng quấn quýt Sa Pa riêng mình


Kim Phượng

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Tiếng "Má" Thiêng Liêng



Nào đâu phải
mỗi năm chỉ một lần nhớ má
Mưa nắng hai mùa
dù tất tả vẫn nhớ lắm má ơi
Má của con
ôi tình má mãi rạng ngời
Trong tâm khảm
trong con dẫu người khuất bóng


Bao khổ đau má âm thầm nhận lấy
Nuốt vào trong tất cả những đắng cay
Nhìn đàn con được vui giỡn mỗi ngày
Như tan hết những muộn phiền nơi má


Ai từng đã nhiều lần làm má giận
Càng đậm sâu bóng dáng của huyên đường
Ánh mắt nhìn đầy trìu mến yêu thương
Luôn tha thứ cảm thông : "con sao dại?".


Bao năm trường nhung nhớ chẳng đổi thay
Vắng tiếng "Má" vắng ngọt ngào đằm thắm
Để những đêm thao thức vẫn gọi thầm
Một tiếng "Má" con nghe lòng ấm lại.


Quên Đi


Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Mùa Hiếu Hạnh



Nếu có một người bạn phương Tây nào hỏi tôi:
- Quốc gia của Bạn có Ngày Của Mẹ không?
Tôi sẽ hãnh diện trả lời:
- Có, nhưng chúng tôi tổ chức theo lịch của nước chúng tôi, đó là Rằm tháng 7, đúng ngày trăng tròn. Dân tộc tôi gọi đó là ngày Đại Lễ Vu Lan.
- Thế Các Bạn có Ngày Của Cha không?
Vẫn thế, tôi trả lời:
- Có, cũng là ngày Đại Lễ Vu Lan.
...

Có thể một số ít Bạn thắc mắc tại sao tôi cho rằng Ngày Của Cha cũng là ngày Rằm tháng 7 Âm Lịch?

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 266 - 316 sau Công Nguyên và được người Trung Hoa truyền vào Việt Nam.
Trong kinh Vu Lan Bồn có câu chuyện Mục Liên theo lời Phật dạy, lập đàn siêu độ cho vong linh mẹ được siêu thoát, vào ngày Rằm tháng .
...
Thiện-nam-tử, tỳ-kheo nam nữ
Cùng quốc-vương, thái-tử, đại-thần
Tam-công, tể-tướng, bá-quan
Cùng hàng lê-thứ vạn dân cõi trần
Như chí muốn đền ơn cha mẹ
Hiện-tại cùng thất-thế tình thâm
Ðến rằm tháng bảy mỗi năm
Sau khi kiết-hạ chư Tăng tựu về
Chính ngày ấy Phật đà hoan-hỉ
Phải sắm sanh bá vị cơm canh
Ðựng trong bình-bát tinh-anh
Chờ giờ Tự-tứ chúng Tăng cúng-dường
Ðặng cầu-nguyện song-đường trường-thọ
Chẳng ốm đau, cũng chẳng khổ chi
Cùng cầu thất-thế đồng thì
Lìa nơi ngạ-quỷ sanh về nhơn, thiên
...
(trích đoạn Kinh Vu Lan Bồn được dịch ra tiếng Việt theo dạng thơ)

Đức Phật cũng từng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu Cha Mẹ, nên làm theo Mục Kiều Liên (Kinh Vu Lan Bồn). Từ đó về sau, ngày Rằm tháng 7 hằng năm được gọi là Lễ Vu Lan Ngày Báo Hiếu. Ngoài ra, Vu Lan còn có nhiều tên gọi khác như lễ Xá Tội Vong Nhân, Tết Quỷ.

Như thế chúng ta đã rõ Ngày lễ Vu Lan, lễ báo hiếu không chỉ riêng Mẹ thôi mà có cả Cha nữa.

Thế tại sao trong ngày Lễ Vu Lan, lại chỉ có những hoạt động liên quan đến Mẹ mà không thấy nói đến Cha?

Trước năm 1962, nghi lễ báo hiếu hay nhớ ơn cha mẹ đều diễn ra chung. Đến tháng 8 năm 1962, Thiền Sư Nhất Hạnh viết đoản văn "Bông Hồng Cài Áo" sau khi ở Nhật về.

"...Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương....
...Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."
(Trích Bông Hồng Cài Áo của Thiền Sư Nhất Hạnh).

Tôi còn nhớ đoản văn đó còn được in trên những cánh thiệp, để dễ dàng gởi đến cho mọi người; các hiệu sách cũng bày bán rất nhiều trong mùa Vu Lan. Thời gian sau, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa vào ý của bài viết này, sáng tác nhạc phẩm "Bông Hồng Cài Áo". Chính nhờ thế Bông Hồng Cài Áo được phổ biến rộng rãi ở Miền Nam. Từ đó, lệ cài bông màu hồng trên áo cho những ai còn Mẹ, những bông màu trắng cho những ai mất Mẹ xuất hiện.
50 năm qua, cài bông trên áo trong mùa Vu Lan, được người dân Việt hoan hỉ, thành tâm đón nhận và duy trì, Tạo nên một nét đẹp mới trong mùa Vu Lan ở Việt Nam. Nhưng việc này cũng làm lu mờ đi hình bóng của người Cha . Tuy vậy, với bản chất hiếu kính đã tồn tại trong huyết quản người Việt bao đời, chúng ta không bao giờ quên đi công đức của Cha trong Mùa Báo Hiếu.

Nặng Gánh Đời Ba

Cả đời ba dông ruổi
Tất tả kiếp ngược xuôi
Giọt mồ hôi tuôn rơi
Chắc thêm lớp da Người
Để đàn con thơ dại
Được ấm áo no cơm...
Nước mắt ba từng chảy
Trong ê chề nhẫn nhục
Cho cả nhà hạnh phúc...
Máu ba bao lần đổ
Đổi lấy sự an lành
Trong loạn lạc chiến tranh...
...và các con đã lớn.
Những gánh nặng Ba ơi
Công ơn tựa biển trời
Chúng con khó thể quên
Nay mùa vu lan đến
Ngậm ngùi ngồi nhớ ba
Nén nhang với lòng thành
Từ cõi trên vô định
Ba mãi mãi an bình...

Quên Đi

Huỳnh Hữu Đức biên soạn

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Mỏi Trông


Mẹ già mái tóc trắng phau
Sớm hôm khuya tối ra vào quạnh hiu
Ngoài sân còn đọng nắng chiều
Tro tàn bếp lạnh buồn thiu mẹ ngồi
Trầu xanh cau bổ têm vôi
Vị cay gậm nhấm xa xôi chạnh lòng
Con đi từ phượng trổ bông
Cành xưa mươi mấy năm ròng trơ xương
Âm thầm lau giọt lệ thương
Lần mò ra cổng lạnh sương đêm về

Kim Phượng


Cảm Tạ Từ Gia Đình Lê Kim Hiệp

Chúng tôi xin chân thành cảm tạ:
- Quý Linh Mục, quý Sơ, Cộng Đoàn Công Giáo 
- Quý Sui Gia, Thân Bằng quyến thuộc
- Quý Hội Đoàn, Đoàn Thể trong và ngoài nước
- Quý Thi Hữu, Bạn Bè từ nhiều quốc gia
Gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích quý Cha, quý Sơ đã thực hiện Thánh Lễ tiễn đưa, quý thân hữu đã thăm viếng,gởi điện thư, điện thoại, vòng hoa chia buồn, hiệp lời cầu nguyện cho Linh Hồn người quá cố:
Anphongso Lê Kim Hiệp.

Đã được Chúa gọi về ngày 11 tháng 8 năm 2016, sớm được Thiên Chúa là Cha nhân lành và rất giàu lòng xót thương đón rước vào Cõi Thánh hưởng phúc vinh muôn đời.
Sự hiện diện đông đảo của Quý Cha, Quý Tu sĩ và tất cả Quý Vị là niềm an ủi rất lớn đối với chúng tôi.
Tạ ơn Chúa đã ban cho Chồng, Ba, Ông chúng tôi những tình bằng hữu đặc biệt để Anphongso được yêu quý và quan tâm. Trong hành trình dương thế của kiếp người mỏng giòn không thể tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi kính mong Quý Vị niệm tình tha thứ.
Tang gia chúng tôi xin chân thành tri ân và cúi đầu bái tạ.

Quả phụ: Nguyễn Thị Bích Thủy và các con cháu

Những Tâm Tình Sẻ Chia Cùng Tang Gia Lê Kim Hiệp

Cầu cho Linh Hồn
Anphongso Lê Kim Hiệp
Chúa gọi về:11/08/2016
Lạy Chúa chúng con xin phó thác Linh Hồn Anphongso Lê Kim Hiệp
mà Chúa thương gọi ra khỏi thế gian này về bên Chúa.
Xin cho Linh Hồn Anphongso mà chúng con cầu nguyện hôm nay, được bước qua sự chết bình an và được vào cõi trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho những người trông cậy nơi Chúa. Amen

Đức Bà phù hộ các Tín Hữu cầu cho chúng con


















































Thiên Lê

Anh Phú Viếng Thăm Lê Kim Hiệp























Hình Ảnh: Trương Văn Phú