Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Bốn Mươi Năm Gặp Lại Bạn Xưa - Vũng Tàu 2012






 Phượng Hồng

Kim Phượng

Điên


Điên cho thế sự xoay vòng
Điên cho có được tấm lòng thảnh thơi
Điên cho sống lại ngày thơ
Điên cho nhân loại vẫn mơ làm người

Kim Phượng

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Xướng Họa: Tóc Xưa - Hương Nguyền Tóc Xưa



Bài Xướng: Tóc Xưa

Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê

Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng

Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa

Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Lòa xòa bên trán làm ai phải lòng


Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau

Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa


DVT 2013
***
Bài Họa: Hương Nguyền Tóc Xưa


( Họa từ Tóc Xưa của DVT)

Duyên tan tóc kết còn đây
Thoảng gây mùi nhớ xa bay cuối vườn
Mượt dài ôm trọn bờ thương
Tóc mai san sẻ vui buồn lìa quê

Tha phương tròn giữ nguyện thề
Trong bàn tay vuốt mãi mê tóc mềm
Mấy thu vàng đổ trước thềm
Đêm sâu gối mộng từng đêm say nồng

Em ngồi buông xõa tóc hong
Ủ hương anh bảo quanh song chắn mành
Nâng niu chăm chút tình anh
Sợi rơi rụng nhặt chẳng đành cách xa

Trang nào giữ kỷ niệm qua
Sách ơi vướng víu tình ta ngày ngày
Tuyền đen từ thuở ô mai
Dẫu pha trắng tuyết cùng ai chung lòng

Người đi kẻ ở bặt trông
Kiếp sau xin chấp nụ hôn tình người
Đá vàng vàng đá mấy mươi
Biệt ly êm ái gượng cười nuốt đau

Thời gian thấm thoát trôi mau
Dạ son chẳng nhạt sắc màu xưa nay
Ngậm ngùi tóc gió thôi bay
Thiên thu ngần ấy tình dài cõi xa

Kim Phượng

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Em Tôi


      Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.
     Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẩm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngôì ăn cơm bên ngọn đèn dầu, tôi và em hỏi han, an ủi mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.
      Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.

      Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi. Tôi là học trò lớn nhất và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ lên xin thầy Hiệu trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm cúi học luyện thi và kết quả là tôi đã đỗ được bằng Tiểu Học năm đó.

      Vào lớp đệ thất trường Trần quốc Tuấn, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm Đệ Ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng Trung Học. Đến niên học Đệ Tam thì tôi đã bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Đây là giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và trung học Đệ Nhất Cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên Đệ Nhị Cấp rồi, đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết theo bạn tập uống cà phê, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất đệ lục, nghĩa là cũng chỉ bé thua tôi vài tuổi.
      Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi.

      Hết năm Đệ Tam, tôi nộp đơn thi Tú Tài phần nhất. Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi biết sức học của mình. Tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên vai, những tối ngồi trầm ngâm bên ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng ho. Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng Tú Tài cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu vào sách vở ...

      Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào “tuổi ngọc”. Nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của bố, nên tôi “quyền huynh thế phụ”.. Nhiều lúc nhìn mẹ, nhìn em, tôi vẫn không hiểu tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.

      Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Đại học Văn khoa. Mẹ ở một mình với em ở Đà Nẵng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền nhỏ nhoi kiếm đuợc, tôi phụ mẹ một ít nuôi em.
Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành. Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho tôi ở Huế.

      Lật đật trở vào Đà Nẵng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống, từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Đứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em, trong giấc ngủ hai khoé mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn thắt .
      Đánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới ôm chầm và oà lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tĩnh mạch ở đầu. Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em, đôi mắt xót xa ..
      Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với mình đừng khóc, đừng khóc .. nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho hai giòng nước mắt chảy nhạt nhoà trên má.

      Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần. Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giã từ. Em vuốt mắt mẹ. Mắt mẹ nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ ơi .. Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẫm cả vạt áo mẹ bạc màu . Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng vào tim. Tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi ..

      Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nữa. Nhưng em thì phải trở lại trường.
Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại, tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh (một người bạn thân tôi). Minh có Hân, cô em gái cùng tuổi , cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều . Số tiền tôi gởi cho mẹ Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng, hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời . Tôi vào trường Võ Bị Đà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao giờ dấu tôi một điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần, hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ. Chúng tôi lặng yên cầm tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng.

      Em lớn lên và ngày càng giống mẹ. Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khoá của tôi, em và Hân cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đỗ vào trường Sư phạm Qui Nhơn, hai năm nửa em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình. Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người .

      Ra trường, tôi chọn binh chủng Nhảy Dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ. Em vào học và ở nội trú trong trường Sư Phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son phấn .. Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhỡ có ngày bố con gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ ..

      Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ. Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về cả ba cùng quây quần nấu nướng . Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một Sĩ Quan Hải Quân đồn trú ở Phan Rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nói. Em kể thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già.

      Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần. Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm. Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lễ nằm bệnh viện và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí. Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại những “kỳ tích” của bạn tôi, của Mễ, của Lô ..

      Sau một lần bị thương nhẹ ở tay, tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị thương này tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến thăm . Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất hiền lành. Trong suốt tuần lễ ở Phan Rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng, trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cà phê, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim cũ quay chầm chậm.. Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối, tôi thấy mắt Tuấn long lanh ..

      Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Sài Gòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể trong các lá thư). Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Đọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng cho em gặp được một người chồng hiền hậu. Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo . Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn thêm một số bạn bè Hải Quân cùng đơn vị. Nhìn em súng sính trong bộ đồ cưới , tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của em. Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nữa ở vùng giới tuyến, thì “tai nạn” xảy ra. Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết quả là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật và tống ra khỏi binh chủng Nhảy Dù.

      Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm lý Chiến, thời gian này tôi đã khá nổi tiếng , những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long, An Lộc .. đã làm vinh danh binh chủng cũ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với bút ký “Mùa hè đỏ lửa”. Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan Rang, gần trường em dạy.
      Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con. Mỗi dịp rảnh rỗi tôi lại ra Phan Rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lảnh dòn tan của cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao uớc mẹ tôi nhìn thấy được cảnh này.

      Biến cố tháng 4/75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ. Trong trại, tôi cứ đứt ruột nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã quá già, làm sao lo phụ với em đây. Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như ngồi trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé, con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho em ..
      Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75. Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi.. Không biết em có biết Tuấn ở đâu không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng Lớn, qua Suối Máu, đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông quá ..

      Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng sau tôi nhận được thư em. Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhòa. Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau ngày bố cháu và bác cháu vào tù.

      Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em, làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi năm sau gặp lại làm sao em nhận được, bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt nhìn người đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì. Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai gái. Đứa trai lớn nhất thua em bốn tuổi.
      Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và một chục cam. Bố ở chơi một ngày rồi bố trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc đến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy. Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi hình dáng mặt mũi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết.

      Tháng 12 năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi .
Đứng trong văn phòng viên sĩ quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy trưởng trại tiết lộ về địa vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn ông xa lạ ..
      Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là đã gặp em ở Phan Rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có lẽ ông đã biết về cái chết của mẹ. Bố nói là có đọc văn tôi.. Tôi ngồi yên nghe bố nói, sau cùng , bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dửng dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình. Đó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây gi tôi hiểu vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối thư.
      Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.

      Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em, trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà Nội vì cụ bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngõ, ngồi bán bắp nướng đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạọ.  Em than là dạo này mất ngủ, sức khoẻ yếu lắm, em sợ nhỡ có mệnh hệ nào ..

      Tôi thẫn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi , khuyên em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với cách mạng nhiều. Rồi tôi viết thêm cho em hai ba lá thư nữa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào, nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại đang có gì ăn ?
      Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi. Tội nghiệp, họ hàng nội ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Nguời chồng, trung úy hải quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, Hải Quân Trung Úy Trần nguyên Tuấn . Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi tiếng nguời nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh buốt. Tôi tê dại, tôi hoá đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng em nhập nhoà, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi .. Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du ..



Năm em tôi lên ba 
Ðã chịu đời xa bố 
Mẹ tất tả thân mòn 
Nuôi con bao vất vả 
Ðời thiếu nữ lớn lên 
Ðắng cay thêm tủi hổ 
Áo vá bạc vai gầy 
Tuổi thơ sôi cuồng nộ. 
Mẹ mất năm mười-ba 
Thảm thiết sao kể xiết 
Cố nuôi em từng ngày 
Khốn khó dài biền biệt. 
Bạn học những tỵ hiềm 
Thầy, cô nặng trì siết 
Em vây chặt buồn phiền 
Tuổi học trò thua thiệt 
...... 
Tôi đi làm lính chiến 
Trôi nổi chốn trận tiền 
Em một mình côi cút 
Ðâu được ngày đoàn viên. 
Mong em sau lớn lên 
Tình duyên nên mãn nguyện 
Cầu em đời bình yên 
Quên xóa ngày uất nghẹn. 
Nào đâu buổi sụp vỡ 
Cảnh nước mất tan nhà 
Lâm thân sơ, thất sở 
Vây quanh khốn mù sa. 
Long Thành, chồng tập trung 
Anh ngục tù lấm nhục 
Trên quê hương lưu đầy 
Rừng rực lửa địa ngục. 
Bốn con thơ khốn cùng 
Sức người căng vượt sống 
Tư trang bán sạch dần 
Cây rừng khô lá rụng. 
...... 
Tôi đi lên miền Bắc 
Thân kiệt cùng thậm ngặt 
Nhớ thương em dãi dầu 
Nơi quê nhà bằn bặt 
Rừng núi trời vào thu 
Tù leo đồi đốn nứa 
Bên đường đèo nghỉ đỡ 
Nghe chuyện buồn thương tâm 
"..Người chồng đi tập trung 
Vợ ở nhà chết thảm 
Bốn con nhỏ khốn cùng 
Quay quắt bên thây cứng!!" 
Những tưởng nghe nhầm tai 
Giật mình gào hỏi lại 
Ôi xiết bao kinh hãi 
Ðúng tên chồng em gái?! 
Chuyện những Ðồi Hoa Sim 
Nay một lần lập lại 
Không chết người ngục tù 
Một mình em oan trái! 
Tôi bật khóc trên đồi 
Nhìn khoảng không vần vũ 
Có còn không.. Ðất, trời!! 
Mây mang mang kéo lũ 
Rừng chập chùng lá đổ 
Sương dầy vây khói xanh 
Thật hay không đấy hở?! 
Tạo Hóa nghiệt cùng đành! 
Cháu tôi ai nuôi đây? 
Bé nhất chưa biết nói 
Chịu sao nổi đọa đày 
Giữa trùng vây khổ đói 
...... 
Năm năm ngày giỗ em 
Cấm phòng ngồi gục mặt 
Nhói đau trũng ngực nặng 
Em chết thật sao Khanh? 

Phan Nhật Nam



Kiêu History 06 - Kiếp Nhân Duyên - La destinée résultant de Karma



Thơ: Nguyễn Du
Nhạc: Quách Vĩnh Thiện
Tiếng hát: Quỳnh Lan

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Áo Tím Cài Hoa


 Tình Xuân, Đã Lỡ

Nhìn xem cánh bướm vờn hoa
Nhìn quanh nghĩ quẩn hồn ta phương nào
Nhìn đàn én lượn xôn xao
Nhìn về chốn cũ dạt dào hương say
Trời bày oan nghiệt hỡi ai
Trời ghen má phấn sự thay đã rồi
Trời đày thân gái nổi trôi
Trời gieo duyên phận từng hồi đau thương
Trăng soi hai ngả đôi đường
Trăng thề chẳng hẹn tơ vương bao giờ
Trăng tàn nguyệt khuyết ầu ơ
Trăng xưa biền biệt mong chờ đợi chi
Làm sao thôi khóc biệt ly
Làm sao níu tuổi dậy thì ngày xưa


Kim Phượng
***

Áo Tím Cài Hoa


(từ Tình Xuân, Đã Lỡ của Kim Phượng)

Nhìn em áo tím cài hoa
Ngỡ con bướm trắng vào ra đón chào
Nhìn đàn chim sẻ lao xao
Tưởng em đi lạc ngọt ngào men say.
Trời cao mây trắng. Hồn ai
Nhạt nhòa má phấn tàn phai rã rời
Trời thương thân phận bèo trôi
Theo cơn gió thoảng một đời phong sương.
Trăng về lẩn quẩn bên đường
Em đi lỡ hẹn tơ vương bao giờ ?
Trăng lu khuất nẻo lầu thơ
Trăng treo bờ đá còn chờ đợi chi.
Em ơi đừng khóc biệt ly
Làm tan vẻ đẹp nhu mì ngày xưa.


Dương hồng Thủy
(20/03/2015)


Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Bụi Mờ


Bước Mờ

Cô đơn nào hơn buổi chiều nay
Nhìn hoài chiếc lá cuộn trong tay
Ai gây nhung nhớ? Lòng vương vấn!
Vò nát trong tay phiến lá dài

Rảo bước thả hồn theo lá bay
Mùa thu ngập lối . . . lá ngủ say
Bâng khuâng lòng dặn “ Thôi đừng nhớ ”
Trăm nhớ cũng hoài ...nào ai hay ?

Đã biết yêu người chỉ là mơ
Nghìn thương so ngắn một câu thơ
“ Bảo rằng hoa giống như tim vỡ ”
Tim vỡ...tình mình chỉ là mơ.

Tình đã trao đi chẳng đợi chờ
Đêm về quay quắt nỗi bơ vơ
Gió khuya lay động cho lòng ngỡ
Hiên ngoài ai đấy! Hay đang mơ?

Hãy cứ ngủ vùi trong ước mơ
Cuộn tình ngang trái kết vần thơ
Cho tình cao vợi luôn thổn thức
Cạnh bước bơ vơ một bước mờ.

Kim Phượng

02/12/2014
***

Bụi Mờ

( Từ Bước Mờ của Kim Phượng)

Từ độ em đi đến… sáng nay
Bao mùa Thu chết lạnh…bàn tay
Nở nào bỏ lại bao vương vấn
Lạc lối tìm quên ...tiếng thở dài.

Thu muộn lưng trời mây trắng bay
Thổi tan giấc mộng...nhấp men say
Em đi có nhớ - thôi đừng nhớ
Ray rức người xưa em có hay ?

Em tự nhủ lòng là giấc mơ ?
Rồi tuôn máu lệ xuống vần thơ
“Bảo rằng hoa giống như tim vỡ”
Rồi trách ơ hờ một giấc mơ !

Em có hứa đâu để đợi chờ ?
Nên anh thơ thẩn bước bơ vơ
Bên kia trời Úc em nào nở
Bỏ lại ân tình héo mộng mơ.

Thôi chịu ! từ đây chung giấc mơ
Hai người góp mực viết bài thơ
Gởi theo mây gió về muôn ngả
Lạnh khối tình chung phủ bụi mờ.

Dương hồng Thủy
01/03/2015


Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Cây Đỗ Quyên


(Cám ơn anh Tư, từ cây Đỗ Quyên Bonsia của ann gợi cho chúng em cảm xúc nha)


Xướng:Cây Đỗ Quyên

Giữ em riêng một góc vườn
Cành hoa áo trắng trên đường năm xưa
Năm mươi năm,vẫn dây dưa
Hình như em đã mới vừa qua đây

Lê Kim Thành

***
Bài Họa:Cây Đỗ Quyên

Thầm riêng dáng ẩn cuối vườn
Trong làn nắng lụa trắng đường hôm xưa
Bao năm chờ...mộng dây dưa
Mãn khai hoa Đỗ thoáng vừa mới đây

Lê Thị Kim Phượng
***
Cảm tác: Cây Đỗ Quyên


Giữ riêng em một góc vườn hoa mộng
Có cành hoa áo trắng ấp hoa lòng
Năm mươi năm chờ đợi hoài mong nhớ
Lỡ duyên biền biệt dày công tôn thờ!

Lê Kim Hiệp
***
Cảm tác: Cây Đỗ Quyên



Riêng một góc vườn tuyệt mỹ
Hoa áo trắng học trò thi vị tình thơ
Lượt là trong gió ươm mơ
Giữ chân khách đến kết tơ duyên tình

Lê Thị Kim Oanh
* Cây Đỗ Quyên trong khu vườn Bonsia do Lê Kim Thành chăm sóc.

Thơ Tranh: Tình Xuân Đành Thôi - Tình Xuân Đã Lỡ





Thơ: Kim Phượng & Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Cây Tử Đằng

(Cám ơn anh Tư, Từ Cây Tử Đằng - Bonsai của anh
cho chúng em cảm xúc nha)

Xướng: Cây Tử Đằng

Tử Đằng chẳng chịu ra bông
Hay là em lại phải lòng người dưng?
Hỏi em, em cứ ngập ngừng
Chín thương, mười đợi, dửng dưng sao đành?
Lê Kim Thành
***
Họa: Cây Tử Đằng

Tử Đằng nào chẳng đơm bông
Tình lang ôi bạc vôi lòng dửng dưng
Dần xoay trái đất dẫu ngừng
Làm sao quên được người dưng cho đành

Lê Thị Kim Phượng
***
Cảm Tác : Cây Tử Đằng

Cây Tử Đằng dùng dằng chẳng chịu
Hay em còn nũng nịu chi đây
Nói anh nghe đôi má hây hây
Trổ vài cánh mỏng ngất ngây người chờ!

Lê Kim Hiệp
***
Cảm Tác: Cây Tử Đằng

Cây Tử Đằng muốn thử lòng chờ
Nên giã vờ chẳng chịu trỗ bông
Để chín thương mười đợi nóng lòng
Mong ấp nồng trong tay quân tử

Lê Thị Kim Oanh
*Cây Tử Đằng từ khu vườn Bonsai do Lê Kim Thành chăm sóc.

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Lời Nhắn Gửi Đặc Biệt Cho Ngày 03/14/15 - Phạm Khắc Trí


Lời Chúc: Thầy Phạm Khắc Trí
Trình Bày: Kim Oanh

Tiệc Gây Quỹ Cho Đại Hội Đức Mẹ La Vang Kỳ II

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long & Ca viên Kitô Vua - Melbourne








Phương, Ánh Nguyệt, Kim Phượng, Kim Oanh, Thủy Tiên, Uyển Nhi
(Ái Da, 6 chị em mình cũng ...nhậu dzữ nha...hi..hi.)








Nguyệt ơi, nghiêng chút nữa, Minh quàng tay coi ...hi..hi...

Sẳn sàng nè.....hi..hi....

Tống Uyển Nhi

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Kỷ Niệm Chẳng Vơi

Ra sông
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viễn vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới...*


      Tiếng nhạc lời ca đang dìu dặt, tiếng sóng biển xào xạc vỗ bờ, con tàu nhẹ lướt. Bài hát được lặp đi lặp lại, hình ảnh quê hương gợi lên càng rõ nét và đậm sâu trong lòng người ra khơi.
      Vâng! Nhóm sinh viên Khoa Học chúng tôi đang ra khơi, hướng đến hòn Lại Sơn. Một đảo nhỏ nằm ngoài khơi, thuộc tỉnh Kiên Giang và cách xa khoảng 60 km.
      Đứng trên chiếc Duyên Tốc Đĩnh PCF trong một ngày đẹp trời, chẳng sóng to gió lớn. Lòng tôi không khỏi rung cảm trước cảnh hùng vĩ. Đất trời bao la, biển cả mênh mông và tình quân dân sâu đậm. Tình cá nước của các chàng lính biển hào hoa, hết lòng đưa đón và tận tình giúp đỡ chúng tôi hoàn thành chuyến du khảo trên hòn đảo Lại Sơn. Các sinh viên tuổi "lưng lửng cắp sách" này, thích làm chuyện ngược đời để được xem là người lớn, dù chưa đủ chín chắn bước ra trường đời. Sắp đến ngày thi, biết không đủ thời gian ôn bài, nên câu giờ bằng cách "đi du khảo".
      Sân trường Đại học Cần Thơ là địa điểm tập trung. Hành lý gồm một ít vật dụng cá nhân, lương thực đủ dùng và cây đàn guitar là nhu cầu thiết yếu. Phương tiện di chuyển từ Cần Thơ đến Rạch Sỏi bằng xe đò. Từ Rạch Sỏi đến hòn Lại Sơn..."khỏi có lo", đã có các chàng hào hoa sẵn sàng rẽ sóng. "Thủy thủ đoàn" đưa chúng tôi ra khơi chỉ có 3 người. Nhìn cấp bậc trên cầu vai, một chàng Trung úy đứng sau tay lái, anh Hạ sĩ quan và vị Cố vấn Mỹ.
      Chàng Trung úy tên...thôi không nói ra đâu. Anh kể cho chúng tôi nghe kiếp sống hải hồ, đời trải dài theo sóng nước. Những chiều vàng sắp tắt, những ban mai mờ sương, lúc cỡi sóng to gió lớn và mộng mơ thả hồn khi biển êm ả hiền hòa. Vừa lúc ấy, tiếng đàn guitar réo rắc. Người bắt nhịp trổi giọng và cả đoàn cất tiếng hát.

(Ánh Mai - Kim Phượng)

“Trăng lên cao muôn hoa sóng giăng đầy
Tàu lắc lư làm sao viết thư tàu,

Trăng đại dương không đủ viết thư đêm
Nên thư muộn đừng trách lính mà em ...”**


      Chúng tôi hóm hỉnh đố anh chàng Trung úy về tên bản nhạc vừa hát. Anh lém lắm qua ánh mắt:
       - Làm gì có, nếu có thì...tàu lắc lư làm sao viết thư tình...
       - Không, thư tàu. Chúng tôi cãi bướng.
      Có lẽ anh giả vờ thua và chấp nhận bằng cái lắc đầu. Bọn con gái hả hê ra mặt và giải thích...
       - Vì anh chàng có người yêu là người Hoa, không biết đọc tiếng Viêt, nên anh ta viết thư bằng chữ Tàu đó mà.
      Vị cố vấn Mỹ mỉm cười theo, để lộ hàm răng trắng ngần, khi thấy chúng tôi cười ngoặt ngoẹo.
      Cô bạn tôi thích đùa dai, nhờ anh Cố vấn đứng giữ chỗ, một chút cô sẽ trở lại. Anh nhướng mày thoáng ngạc nhiên.
       - Anh đứng im đây, tôi sẽ trở lại.
      Nhìn dáng người kềnh càng, đứng im như pho tượng, bọn con gái nháy mắt thích thú... Tôi im lặng thu mình, nhìn chân trời xa tắp.
       - Ôi quê tôi đẹp quá!


      Khoảng trời xanh xanh lơ, mây trắng lững lờ trôi, biển rộng mênh mông nước. Từng đợt sóng nhỏ nhấp nhô, tàu lướt tới, cảnh vật lùi dần...lùi dần. Con tàu rẽ nước để lại đường tàu đi, cuồn cuộn trắng xóa. Một thoáng suy tư, con tàu đang đi sao bình yên thế, nhưng liệu sóng to gió lớn, biết sẽ ra sao. Những chàng lính thủy, những người con yêu của đất nước tôi, đã, đang hy sinh thời tuổi trẻ và vị Cố vấn kia, người không cùng màu da, khác tiếng nói, cớ gì “trôi giạt” đến chốn này. Quên bẵng sự lịch sự và giữ kẽ của người con gái, tôi nhìn anh đăm đăm. Anh bắt gặp cái nhìn ấy, có lẽ sợ tôi ngượng, nên chỉ mím môi nhưng ánh mắt của anh "cười" rạng rỡ.
      Tàu đã đến nơi, bữa ăn trưa dã chiến với mớ cá tươi, do anh chàng Trung úy chịu bù thua từ cuộc đố tên bài hát. Nồi canh chua thơm lừng mùi ngò om. Nước mắm nhỉ sản xuất tại hòn, màu vàng ánh, sóng sánh trong lòng đĩa, điểm thêm những lát ớt xắt mỏng, đỏ tuơi. Và có lẽ nồi canh chua hôm ấy đậm đà hơn bởi Người cùng ăn. Sau bữa cơm, chúng tôi tiễn các chàng lính thủy trở lại Rạch Sỏi. Vừa quen biết lại vội chia tay, lòng không khỏi bâng khuâng. Bóng dáng những chàng trai hùng trong thời loạn, xa lạ nhưng dường thân quen...mờ dần cho đến khi chiếc PCF khuất dạng.

Hoàng Anh, Kim Phượng

      Đưa người đi, chúng tôi ở lại, bày trò cho cuộc vui buổi tối. Hoàng hôn dần xuống, những tia nắng cuối ngày sắp tắt sau những tàng cây. Lửa trại bập bùng trong bóng đêm. Trò chơi bịt mắt bắt dê và chơi bỏ khăn, bắt đầu. Trời tối hẳn, màn đêm trùm phủ, nhưng trên mặt biển bao la kia, gợn ánh bạc, màu ngân nhũ lấp lánh, trải rộng khắp cùng. Cái tĩnh mịch về đêm, tiếng sóng vỗ nhẹ trên ghềnh đá, tạo nên bản nhạc đồng điệu của thiên nhiên. Cả nhóm quây quần, bóng đêm đồng lõa, mọi người được tự do theo đuổi ý riêng giữa sự ồn ào, rộn ràng tiếng cười nói. Kẻ mơ mộng thả hồn, người ôm đàn dạo khúc. Giọng đơn với tình ca buồn man mác, ướt át, lâm ly, lẫn khúc hùng ca bi tráng của cả nhóm. Đêm chìm dần kéo theo giấc ngủ của các kẻ xa nhà. Bình minh lên, đánh thức người thèm ngủ nướng.

(Khoa Học Cần Thơ)

      Sau bữa điểm tâm, cả đoàn kéo nhau “đi du khảo”. Trong phòng thí nghiệm, các mẫu vật nằm chết cứng trong lọ thủy tinh, dùng cho các sinh viên nhận diện khi thực tập. Nhưng qua làn nước mằn mặn, âm ấm, đám rong đủ màu sắc, đang lơ lững. Những nhánh san hô mùi tanh tanh, khó ngửi. Một chú cá ngựa lạ mắt đang lắc lư bơi đến. Cả bọn nhao nhao lên. Thình lình, ai đó ném tới một con đĩa biển đen ngòm, có tiếng la hoảng. Trong thực đơn cao lương mỹ vị, đĩa biển mang mỹ từ hải sâm. Mọi người cho rằng đó là món ăn rất bổ dưỡng, nhưng tôi chưa một lần nếm thử, vì sự ám ảnh của mấy mươi năm trước.
      Ngày vui qua mau, chiếc PCF đến đón chúng tôi trở lại Rạch Sỏi.
      Năm 1975, dấu mốc thời gian kinh hoàng. Lệnh bức tử ban ra, bao nhiêu chiếc tàu may mắn rời xa hải phận quốc tế, bao nhiêu chàng lính hào hoa một thời còn kẹt lại quê nhà. Chạnh lòng, tôi nhớ thời vàng son mấy mươi năm trước, lúc chờ tàu đưa ra hòn Lại Sơn. Nhìn những con hào xếp đứng, chồng chất nhau bên bờ nước, cả bọn cười đùa và ví những con hào là "Từ Hải chết đứng", một nhân vật trong Kim Vân Kiều. Tất cả, người may mắn ra đi, kẻ bất hạnh còn ở lại, đều mang thân phận chết đứng như những con hào bên bờ Rạch Sỏi năm nào.

Bến Ninh Kiều - Cần Thơ

      Bến Ninh Kiều, nơi ngày nào các chàng trai áo xanh từ Bình Thủy đỗ xuống, dập dìu qua lại làm đẹp thành phố trong những ngày cuối tuần. Và chính nơi này, năm 1978, tôi cùng 52 phận người, ra đi vào nơi vô định. Tàu chúng tôi ra khơi, 9 ngày đêm lênh đênh trên biển cả. Bầu trời trong xanh, không một cánh chim, là dấu hiệu cho biết quá xa bờ. Nhìn chàng Đại Úy đang cầm cự tay lái, giữa trời nước mênh mông, giữa cái nắng chang chang, sóng gió nổi lên, từng phút giây thêm lớn mạnh. Anh chàng Trung Úy, lem luốc dầu mỡ, bên chiếc máy mã lực thấp, nhưng phải mang một sức nặng của số người đang hiện diện trên tàu, cao hơn dự định. Lần ra khơi này, không như lúc đến Hòn Lại Sơn trong chuyến du khảo, bởi đây là lần chấp nhận sự rủi ro, chọn cái chết để tìm sự sống. Trong cơn nguy, lúc tàu đang chòng chành, hồn tôi đắm chìm theo màu áo xanh lính biển ngày nào. Như trong mơ, nhớ đến anh, người thủy thủ trong đêm...

Nên đêm vượt trùng
Anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em

Cho anh thì thầm
Em ơi tình mình trắng như hoa đại dương ***



      Gần đây, đọc tác phẩm tự truyện Gió Mùa Đông Bắc của Bác Sĩ Y Khoa Hải Quân Trần Nguơn Phiêu, tôi có dịp hiểu biết thêm, đồng cảm với Người mang màu áo xanh, điêu đứng trưóc sư cuồng nộ của thiên nhiên khi gặp gió mùa Đông Bắc, trong mỗi lần ra khơi lúc biển động. Quyển sách còn đây, chữ ký thân tặng còn đó, nhưng Thầy Nguơn Phiêu đã miên viễn.
      Bao nhiêu năm qua rồi, chàng Trung Úy, anh Hạ Sĩ và viên Cố vấn Mỹ, trên chiếc Duyên Tốc Đĩnh đến hòn Lại Sơn, lưu lạc phương nào.
      Và một Ngụy Văn Thà, Thiếu tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, hạm trưởng hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10, đã nằm xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa, chắc chắn rằng hàng hàng Ngụy Văn Thà sẽ đứng lên.
      Mấy mươi năm thăng trầm của đất nước là mấy mươi năm dân Việt lưu lạc xứ người. Tôi hiểu thêm ít nhiều về Người Lính Biển hào hoa và tại Victoria, Gia đình Hải Quân Hàng Hải tiếp tục vững mạnh Ra Khơi. Tin tưởng rằng sẽ một ngày, chắc chắn sẽ có một ngày, một Hạm trưởng Việt Nam nào đó, thuộc thế hệ cháu con sẽ kiên cường, oai dũng và vinh quang trở lại quê nhà. Đó là nơi Cha Ông đã Can Trường Trong Chiến Bại như lời của cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.

Kim Phượng

* Lời nhạc phẩm Viễn Du của Nhạc sĩ Phạm Duy
** Lời nhạc phẩm Lính Mà Em của Nhạc sĩ Anh Thy
*** Lời nhạc phẩm Hoa Biển của Nhạc sĩ Anh Thy


Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Xa Xứ


Xa lộ trăm ngàn xe xuôi ngược
Đêm dày đèn sáng như kim cương
Một chiếc xe về mang lặng lẽ
Ngàn ngàn chiếc khác chở cô đơn


Trần Hoài Thư

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Xướng - Hoạ: Tình Xuân, Đành Thôi - Tình Xuân, Đã Lỡ


Bài Xướng: Tình Xuân, Đành Thôi

Trong xuân tràn ngập hương hoa
Trong em còn chút tình ta không nào
Trong tim cứ mãi xuyến xao
Trong lòng sao vẫn dạt dào đắm say
Hỏi hoa khoe sắc vì ai
Hỏi em tình cũ đã thay lâu rồi
Hỏi mây mây hững hờ trôi
Hỏi lòng lòng mãi bồi hồi nhớ thương
Tình ta em bỏ bên đường
Tình em ta lại vấn vương đến giờ
Tình ơi người đã thờ ơ
Tình còn lưu luyến đợi chờ nữa chi
Thôi đành chấp nhận từ ly
Thôi đừng tiếc nhớ xuân thì hương xưa


Quên Đi

***
Bài Họa:
 Tình Xuân, Đã Lỡ

Nhìn xem cánh bướm vờn hoa
Nhìn quanh nghĩ quẩn hồn ta phương nào
Nhìn đàn én lượn xôn xao
Nhìn về chốn cũ dạt dào hương say
Trời bày oan nghiệt hỡi ai
Trời ghen má phấn sự thay đã rồi
Trời đày thân gái nổi trôi
Trời gieo duyên phận từng hồi đau thương
Trăng soi hai ngả đôi đường
Trăng thề chẳng hẹn tơ vương bao giờ
Trăng tàn nguyệt khuyết ầu ơ
Trăng xưa biền biệt mong chờ đợi chi
Làm sao thôi khóc biệt ly
Làm sao níu tuổi dậy thì ngày xưa


Kim Phượng

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Xẻ Chữ


Xẻ đôi hai chữ ngậm ngùi
Nửa bên câm nín nửa vùi cơn đau
Hỏi người muốn lấy phần nào
Hay người quăng trả, vó câu xa rồi
Ta cầm hai nửa tình đời
Lấy kim chi vá một lời trách than
Vụng tay đường chỉ bẽ bàng
Thẹo hoang mang giữa hồn hoang rã rời
Ngôn từ hành khất một đôi
Ta nghe khập khiễng qua đồi nhân gian

Hoài Tử

Kiêu History 05 - Gặp Gở Làm Chi



Thơ: Nguyễn Du
Nhạc: Quách Vĩnh Thiện
Tiếng hát: Mai Thảo

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Thì Thầm Mùa Xuân


Anh hứa đưa em trở lại nhà

Vườn sau sân trước nở đầy hoa
Chiều Ba Mươi Tết lòng thanh tịnh
Đón rước ông bà đủ mẹ cha

Hương ngát hoa cau anh bảo thầm

Đợi trầu bám rễ mới vừa giâm
Năm sau lên tỉnh mua vôi trắng
Ta sẽ răng long đến bạc đầu

Về lại Sóc Trăng má ửng màu

Thẹn thùng nghe kể chuyện trầu cau
Rào thưa giậu chắn ngày hoan hỷ
Sợi chỉ ông tơ khéo bện dày

Kim Phượng