Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Đời Đã Vào Thu


 

Ẩn trong khóe mắt hồ thu ấy
Cả một trời xưa dáng hao gầy
Giá mà… con tạo không dần chuyển
Nghìn năm sóng mắt giữ màu mây

Nhìn lá chao nghiêng nhẹ trên đường
Là phiến lá đời biết vấn vương
Xanh xanh sắc biếc thời hoa mộng
Ươm vàng đổi biến bởi nhớ thương

Thu lại về trên những cánh nâu
Thời gian vùn vụt lướt bóng câu
Tang thương mỏi gánh hồn trĩu nặng
Tha hương vận lỡ mấy nhịp sầu

Trời giăng sầu… Đời đã vào thu!
Chiều nay lá trút quyện mây mù
Dang tay nín gió thôi ngừng động
Một lần xin sống tuổi ôn nhu

Kim Phượng


Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tình Thu




( Từ Úc Châu Vào Thu của Kim Phượng) 

Trời Thu ảm đạm giọt mưa rơi
Tình Thu bi thiết lắm Thu ơi!
Nhớ nguyệt, mong hoài không thấy nguyệt
Thương người, kiếm mãi chẳng thấy người

Năm canh nức nở khơi hồn mộng
Một khắc tương tư khổ kiếp đời
Lơ lững từng không, chim vọng tiếng
Giật mình lành lạnh bóng đêm trôi

Bác Thân

Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba - Nguyễn Tử Quang

 

      Thanh Minh là tên một thời tiết, tức là một khoảng thời gian phân định sẵn trong lịch Tàu. Lịch cổ nước Tàu chia một năm ra làm 8 tiết, gọi là "Bát tiết": lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.

      Lịch Kim (tức là lịch đời Hán trở lại) của Tàu thì chia năm ra làm 24 Khí hoặc Tiết. Cứ ba ngày là một Hậu; 5 Hậu là một Khí hoặc Tiết. Một năm có 24 Khí hoặc Tiết. Mỗi tháng chia làm 2 Khí. Khí nhằm vào những ngày đầu tháng thì gọi là Tiết Khí. Khí nhằm vào giữa tháng thì gọi là Trung Khí. Tiết Khí và Trung Khí thường gọi tắt là Tiết và Trung. Đầu thời Hán lấy tiết Kinh trập làm "Chính nguyệt trung" (tức là khí vào giữa tháng giêng), lấy Vũ thủy làm "nhị nguyệt tiết" (tức là khí vào đầu tháng hai). Cuối đời Hán, Lưu Hầm làm Tam thống đổi Kinh trập làm "Nhị nguyệt tiết" (khí vào đầu tháng hai), Vũ thủy làm "Chính nguyệt trung" (khí vào giữa tháng giêng), Cốc vũ là "Tam nguyệt tiết" (khí đầu tháng ba); Thanh minh làm "Tam nguyệt trung" (khí giữa tháng ba). 

      Lịch Tàu ngày nay tức là sau đời nhà Hán thì chia Thanh minh làm Tam nguyệt tiết (khí vào đầu tháng ba). Hai mươi bốn tiết khí trong một năm là: Mùa xuân: Lập Xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ.Mùa hạ: Lập Hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử.Mùa thu: Lập Thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng. Mùa đông: Lập Đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả cảnh Thanh minh có câu: 

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
 
      "Thanh minh trong tiết tháng ba" là do câu "Thanh minh tam nguyệt tiết" nghĩa là: Tiết thanh minh đầu tháng ba. Theo cách dùng thuật ngữ của Tàu thì chỉ nói "Tiết tháng ba" hay "Tam nguyệt tiết" tức "Tam nguyệt khí tiết" là người ta hiểu ngay là nói đầu tháng ba. Vì tiết đây là tiết khí nói tắt, mà tiết khí nghĩa là thời tiết nhằm đầu tháng. Vậy thì "trong tiết tháng ba" có nghĩa là "vào đầu tháng ba". Tục Tàu, nhân tiết Thanh minh, người ta tổ chức lễ thăm mộ gọi là "Lễ tảo mộ", tức là lễ quét tước sửa sang mồ mả. Và, nhân lễ tảo mộ ngoài đồng, mà tự nhiên có hội gọi là "hội đạp thanh" tức là hội giẵm trên đám cỏ xanh ở ngoài đồng. Cổ thi của Tàu có bài:

Xuân du thanh thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm huỳnh hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.


Trích Điển Hay Tích Lạ của Nguyễn Tử Quang
 (Kim Phượng Sưu tầm)

Giữ

 

Bút bay thi hứng vời bay 
Thả rong nét mực xẻ hai vui buồn 
Thơ Văn đưa chữ về nguồn
 Niềm vui giữ lấy cơn buồn thả bay  

Kim Phượng

Bay Bay Bay



    (Từ Giữ của Kim Phượng)

 mây bay tình tự thả bay
đường đời ai biết chia hai nhánh buồn 
thơ văn bén chữ lên nguồn
cái tôi quên bẵng nỗi buồn gió bay

 Phạm Tương Như

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Nợ Nhau


 

Mình đã nợ nhau một mối tình
Biết nói gì đây
Hãy lặng thinh
Để nghe tiếng máu hồng toang vỡ
Để biết con tim chợt trở mình
Mình nợ nhau cả một đời này
Có còn sang kiếp để đổi thay
Ô không! Xin hãy là sông rộng
Êm ả trôi theo mộng đời dài
Mình đã nợ nhau một tiếng Mình
Dưới giàn hoa tím khẽ lặng thinh
Thầm nghe tim nhịp thôi đơn điệu
Dìu dắt trong tim một bóng hình
Nợ trả đời này tiếng
Anh ơi!
Trùng dương dù dậy sóng tơi bời
Lòng như sông rộng đang êm ả
Một nửa đời này đã
Anh ơi!


Kim Phượng


Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Chiều Xưa

 

Một chiều nào anh qua làng xưa
Ánh trăng non chênh chếch đỉnh dừa
Lũ trẻ quay quần bên bàn gỗ
Giật mình em nghe tiếng “Dạ thưa”
 Thì ra các anh vừa đỗ quân
Đêm nay xin phép tạm dừng chân
Ba lô trĩu nặng – Màu áo trận
Môi cười chan chứa tình quân dân
 Mắt mẹ long lanh ngấn lệ tràn
Như thâm tình chăm sóc con ngoan:
“Mời cậu tự nhiên hãy bước sang
Tạm dùng nhà trước lẫn nhà ngang
Cần khi nấu nướng đây đầy củi
Nước mát đầy lu đấy sẵn sàng.”
Mẹ nói mắt anh nhìn đâu đâu
Đã rõ chưa? Anh vội gật đầu!
Thẹn thùng cuối mặt em bước vội
Cớ gì xao xuyến nhịp tim tôi?
Rồi em tiếp tục trở lại trường
Anh người lính chiến khắp muôn phương
Xông pha chiến đấu vì lý tưởng
Trai thời chinh chiến nét phong sương
Anh! Lính Sư Đoàn Chín Bộ Binh
Xếp bút nghiêng theo việc đăng trình
Vì nước quên mình nguyền sinh tử
Hè năm ấy em trở lại nhà
Khẽ khàng mẹ kể chuyện ngày qua...
Từ đó anh ghé qua đôi lần
Bảo rằng :“Thăm bác vì tình thân”
Nhưng trong đôi mắt đầy u uẩn
Lời tạ từ chưa giấu hết bâng khuâng
Có những chiều ra nhìn dòng sông
Tầm mắt trôi theo nước lớn ròng
Em người con gái chưa sầu mộng
Vời vợi buồn dâng nỗi nhớ mong

Kim Phượng 
1/1/2009

Những chiều trên sông Giồng Ké, thân tặng những Người đã dừng chân nơi đây.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Người Tình Lỡ


 

( Từ bài thơ Yêu của Kim Phượng)

Nhưng lỡ yêu rồi biết nói sao
Con tim chấp cánh muốn bay cao
Tình trong ảo giác hư mà thực
Uổng phí xuân xanh phận má đào

Phả ngọc vào thơ trót lạnh lùng
Mong sao người ấy được tương phùng
Ngày qua tình sẽ thêm nồng thắm
Họa bức thư tình để đóng khung

Thương nhớ người ơi thêm xót xa
Nhìn quanh đơn lạnh ánh trăng ngà
Kiêu sa một thoáng hồn vương vấn
Tết đến ru tình ta với ta


Dương Hồng Thủy

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Hồn Xuân Ảo



Thơ: Quên Đi
Trình bày: Hữu Đức

Yêu



Đã biết yêu mang nhiều trái ngang
Ngăn sao được rộn ràng con tim 
Tìm trong ảo giác hư lồng thực 
Mặc sức thả hồn nuôi khát khao

Đã trót yêu cay đắng ngọt ngào 

Mặn mà đem nhốt hết vào thơ 
Một ngày tình sẽ theo chân gió 
Cửa ngõ tâm tư chuốt lạnh lùng

Nhung nhớ làm quên bao xót xa 

Ngây thơ thêu dệt tuổi trăng ngà 
Tình yêu tiếng gọi chi chi lạ 
Muốn thoát ra tim buộc chặt vào 

Kim Phượng

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Dáng Thu Xưa




(Từ Em Dáng Xưa của Kim Phượng)

Bất chợt em về trong giấc mơ
Mưa Thu chết lặng ánh sao mờ
Giang tay chào đón người quen cũ
Hớn hở tâm hồn ngập ý thơ

Buổi sáng rừng Thu lá chuyển mình
Đêm qua mưa lạnh vành môi xinh
Hóa ra giấc mộng từng đêm đó
Ảo ảnh anh ôm một đóa quỳnh

Từ thuở em đi ta mất nhau
Dãi dầu mưa nắng úa hoa đào
Dáng em thon thả trong chiều vắng
Có còn ẻo lả bước đi mau ?

Cảnh Thu bên đó chắc em buồn
Nơi chốn quê nhà đang cuối Xuân
Mong lắm gió về mang em đến
Hình hài mềm mại dáng Thu xưa

Dương Hồng Thủy

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Người Em Gái Sông Tiền




Theo đơn vị một chiều về phố Vĩnh
Để đêm về di chuyển đến Rạch Bàng
Xóm nhỏ ven sông em gom lá ngoài sân
Ung đống lửa đốt vào đêm trừ tịch

Khu vườn em ngập tràn ngàn cỏ biếc

Chunh quanh nhà xoài riêng trắng mùa bông
Anh đào công sự cạnh vườn chuối bờ sông
Đêm gối ba lô nhìn ngàn sao lấp lánh.
 

Em thức sớm khi trời chưa kịp sáng
Ra sau vườn bỡ ngỡ mắt nhìn nhau
Thoáng giật mình run rẩy má xanh xao
Anh bối rối cạnh cây mận hồng đào chín đỏ.

Lính mà em - quen em từ dạo đó
Cô gái quê bình dị cạnh sông Tiền
Anh cứ ngỡ chúng mình chắc có duyên
Nên gặp gỡ trong một sáng mai bình lặng.

Ngày cuối năm em về quê trốn nắng
Của sân trường đại học miệt Cần Thơ
Quê anh đó em cũng đâu có ngờ
Ta gặp nhau nối hai bờ sông Tiền sông Hậu.

Em thường bảo cô gái trời bắt xấu
Quen vô tình anh lính chiến xa quê
Vài ngày sau giảng đường em phải tìm về
Riêng đơn vị anh - hành quân qua làng khác.

Xa em nghe tâm hồn buồn man mác
Có lần anh, về phép lúc chiều lên

Đại học Cần Thơ khu III thật mông mênh
Anh lê bước mang nỗi niềm nhung nhớ.

Sau trận chiến anh về sân xưa đầy cỏ
Cây lặng im bóng nắng chảy âm thầm
Hàng xóm nói em biệt xứ xa xăm
Bỏ lại khu vườn điêu tàn cỏ rối


Chắc em giận và hỏng chừng hờn dỗi

Anh lãng quên cô gái nhỏ bình thường
Em đâu biết anh thằng con trai khờ khạo
Quên hỏi thăm ngành học ở nhà trường.

Bốn mươi năm qua nghĩ lại giận mà thương

Anh ngốc quá hạnh phúc riêng mình không biết giữ
Trời vào Thu gió gom mây biệt xứ
Cũng không làm sao anh rũ hết ưu phiền !

Dương Hồng Thủy

(05/09/2013)

Trúc Chi Từ


Đã có chùm lan, cành đào, nhánh hạnh, hôm nay xin gửi thêm một bài ca xưa để mọi người thân quí ăn Tết cho vui. Cảnh hò hát trên sông nước quê nhà thuở nào, dù đã qua, đã xa, vẫn mãi là một hồi ức đẹp. Nắng ấm lên rồi, ai đó ơi !
PKT 01/25/2014

Trúc Chi Từ 

Lưu Vũ Tích (772 - 842)
Dương liễu thanh thanh giang thủy bình
Văn lang giang thượng xướng ca thanh
Đông biên nhật xuất tây biên vũ
Đạo thị vô tình khước hữu tình

Dịch Xuôi;

Trúc Chi Từ
PKT 01/25/2014
Dương liễu xanh xanh , dòng sông phẳng lặng
Nghe tiếng chàng hát hò trên sông
Bên đông mặt trời đang lên, bên tây trời đang mưa
Nói là trời mưa mà lại là trời nắng đấy người ơi

Chú Thích:
(1) Trúc Chi Từ là một thể loại dân ca xưa , thường được làm ra để nói về cảnh tình của người dân sinh sống hiền lành ở nơi thôn dã. Đây là 1 trong số các bài Trúc Chi Từ của tác giả.
(2) Trong chữ hán , có 2 chữ đồng âm , cùng đọc là "tình" nhưng khác nghĩa , một nghĩa là "trời tạnh/không mưa" và một nghĩa là "có tình ý đối với nhau ". Câu 4 trong nguyên tác , với dụng ý chơi chữ thú vị của tác giả , còn có thể hiểu : "nói là vô tình mà lại là hữu tình đấy".

Trúc Chi Từ

Liễu biếc xanh dòng nước chảy xuôi,
Trên sông vang tiếng chàng hò vui.
Bên tê mưa gió, bên ni tạnh ,
Nắng ấm lên rồi, ai đó ơi!
Tri Khac Pham

Khúc Ca Trúc Chi

Liễu xanh xanh , mặt sông phẳng lặng ,
Giọng hát chàng văng vẳng trên sông .
Mưa tây , đông nắng rực hồng ,
Tưởng không lại hóa mênh mông rất tình
Mailoc phỏng dịch
Cali 1-25-14

------
Đỗ Chiêu Đức xin tham gia với các phần sau :
1. Nguyên tác chữ Hán của bài thơ :
竹枝詞 Trúc Chi Từ

 劉禹錫 Lưu Vũ Tích
楊柳青青江水平, Dương liễu thanh thanh giang thủy bình,
聞郎江上唱歌聲。 Văn lang giang thượng xướng ca thinh.
東邊日出西邊雨, Đông biên nhật xuất tây biên vũ,
道是無晴卻有晴。 Đạo thị vô tình khước hữu tình !

Chú Thích:

* Đạo Thị : Bảo là, Nói là, Gọi là.
* Tình 晴 : Tình nầy là Nắng Ráo, vì có bộ Nhật là Mặt Trời một bên. Chữ nầy Đông Âm với chữ Tình 情 là Tình Cảm, Tình Ý, có bộ Tâm là Lòng Dạ một bên. Nên, Hữu Tình là Có Nắng, đồng âm với Hữ Tình là Có Tình Ý.

Nghĩa Bài Thơ:

Dương liễu xanh xanh soi mình trên dòng nước phẳng lặng, ta nghe tiếng của chàng cất giọng hát trên sông. Mặt trời đang ló dạng ở phía đông với những tia nắng đầu ngày , nhưng phía bên trời tây lại đổ mưa rào, cho nên, bảo là không có nắng, nhưng lại có nắng, nói là không có tình, nhưng lại có tình Ý thật thiết tha !

Diễn Nôm:
Xanh xanh dương liễu soi dòng nước,
Vẳng tiếng chàng ca sóng lặng thinh.
Tây đổ mưa rào đông lại nắng,
Hữu tình người lại ngỡ vô tình!
Đỗ Chiêu Đức.

Trúc Chi Từ

Mặt nước êm đềm, bóng liễu in
Giọng chàng xao động khúc sông yên
Tây mưa, đông vẫn đang hừng nắng
Người ngỡ vô tâm lại hữu tình.
Lộc Mai

Đôi Bờ

Bên dòng nước lặng liễu khoe thân
Sông vắng tiếng chàng trầm bổng ngân
Đông nắng tây mưa nào muốn thế
Sao đành than trách hỡi tình nhân
Quên Đi

Ý Tình
Dòng nước lặng soi mình dáng liễu
Điệu ca buồn não nuột trên sông
Đông còn nắng ấm tây mưa lạnh
Đầy ý tình căm lặng ngỡ không
Kim Phượng

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Trường Tương Tư - Lương Ý Nương

      Trường Tương Tư của Lương Ý Nương là một bài thơ viết theo thể Cổ Phong, nói lên nỗi đớn đau vì phải xa người yêu của một tiểu thơ đang say đắm trong tình trường, lại bị gia đình cấm đoán. Với Thi phẩm Trường Tương Tư, Lương Ý Nương đã mạnh dạn vượt qua những ràng buộc của lễ giáo thời phong kiến, của những qui định khắc khe dành cho các tiểu thơ phải khuê môn bất xuất đương thời. Lương Ý Nương đã dám nói lên những gì mình chất chứa trong tận trái tim, bộc lộ tất cả những mong muốn, những mơ ước của một thiếu nữ đang yêu, phải chịu đau khổ khi bị chia cách với người mình yêu, chỉ vì quan niệm nghiêm khắc của Nho Giáo. Đây là một điều hiếm thấy thời bấy giờ.

       Ngoài ra trong Trường Tương Tư còn một vấn đề chúng ta cần tìm hiểu thêm. Đó là hai câu:
我 在 湘 江 頭
Ngã tại Tương giang đầu
(Thiếp ở đầu sông Tương)
君 在 湘 江 尾
Quân tại Tương giang vỹ.
(Chàng ở cuối sông Tương)

Hay là:

君 在 湘 江 頭
Quân tại Tương giang đầu
(Chàng ở đầu sông Tương)
我 在 湘 江 尾
Thiếp tại Tương giang vỹ
(Thiếp ở cuối sông Tương)
Câu nào đích thực của bài thơ, Câu nào đã bị đời sau sửa lại?

x X x



      
Sau triều Đường (618-907), đến thời Ngũ Quý còn gọi là Ngũ Đại (907-960). Các triều Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Hán, Hậu Chu, lần lượt thay nhau nắm quyền. Cuối cùng, Triệu Khuông Dẫn diệt Hậu Chu lập nên nhà Tống (960-1279).

      Trong "Tình sử" có chép như sau: Vào cuối triều nhà Chu đời Ngũ Quý (Ngũ Đại), có người con gái của Lương Tiêu Hồ 梁瀟湖 tên Ý Nương 意娘, cùng với Lý Sinh 李生 là họ hàng con cô con cậu. Lý Sinh thường qua lại rất nhiều. Nhân ngày Trung Thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp tiết đang thu, Ý Nương viết bài thơ này :

長相思 Trường Tương Tư

落花落葉落紛紛 Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân
盡日思君不見君 Tận nhật tư quân bất kiến quân.
腸欲斷兮腸欲斷 Trường dục đoạn hề trường dục đoạn,
淚珠痕上更添痕。 Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.
我有一寸心, Ngã hữu nhất thốn tâm,
無人共我說。 Vô nhân cộng ngã thuyết.
願風吹散雲, Nguyện phong xuy tán vân,
訴與天邊月。 Tố dữ thiên biên nguyệt.
攜琴上高樓, Huề cầm thượng cao lâu
樓高月花滿。 Lâu cao nguyệt hoa mãn.
相思未必終, Tương tư vị tất chung
淚滴琴玄斷。 Lệ trích cầm huyền đoạn.
人道湘江深, Nhân đạo Tương giang thâm
未抵相思畔。 Vị để tương tư bạn.
江深終有底, Giang thâm chung hữu để
相思無邊岸。 Tương tư vô biên ngạn.
我在湘江頭(*) Ngã tại Tương giang đầu (*)
君在湘江尾(*) Quân tại Tương giang vỹ. (*)
相思不相見, Tương tư bất tương kiến
同飲湘江水。 Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
夢魂飛不到, Mộng hồn phi bất đáo
所欠唯一死。 Sở khiếm duy nhất tử.
入我相思門, Nhập ngã tương tư môn
知我相思苦。 Tri ngã tương tư khổ.
長相思兮長相思, Trường tương tư hề, trường tương tư,
長相思兮無盡極。 Trường tương tư hề, vô tận cực.
早知如此罫人心, Tảo tri như thử quải nhân tâm
迴不當初莫相識 Hồi bất đương sơ mạc tương thức. 


梁 意 娘 Lương Ý Nương

Dịch Nghĩa: Mãi Nhớ Nhau

Hoa rơi, lá rơi rơi thật nhiều
Suốt ngày nhớ Chàng nhưng không gặp được Chàng
Ruột muốn đứt như muốn đứt từng đoạn
Giọt lệ tuôn mãi mãi tuôn rơi
Thiếp đây chỉ có một tấc lòng
Không có ai nghe thiếp giải bày
Những mong gió xua tan mây
Để nói với trăng trên trời
Cầm đàn lên lầu cao
Lầu cao đầy trăng hoa
Nhớ nhau không hề dứt
Dây đàn đứt lệ tuôn
Người nói sông tương sâu
Nhưng sao bằng thương nhớ
Sông sâu còn có đáy
Tương tư thì không ranh không bờ
Thiếp ở đầu sông Tương
Chàng thì cuối sông Tương
Nhớ nhau nhưng chẳng được gặp nhau
Cùng uống chung nước sông Tương
Trong mộng hồn vẫn không bay đến được
Chỉ có chết mà thôi
Bước vào cửa nhớ thương nhau
Thiếp mới biết là đau khổ
Nhớ nhau kéo dài, kéo dài nỗi nhớ nhau
Nhớ nhau mãi không bao giờ hết
Nếu biết rằng lòng đau khổ thế này
Thì buổi ban đầu đừng quen biết nhau

Dịch Thơ:

Trường Tương Tư

Hoa lá lìa cành rụng tả tơi
Nhớ ơi là nhớ thấy đâu người
Phút bồi hồi dạ đau như thắt
U uẩn buồn mắt đẫm lệ tuôn

Luống ngậm ngùi thân đơn bóng chiếc
Biết lấy ai cạn nỗi niềm riêng
Những mong nhờ gió xua mây chuyển
Cùng với trăng sao tỏ tấc lòng

Tĩnh mịch không gian cất tiếng đàn
Lầu cao vằng vặc nhuốm màu trăng
Trùng trùng nỗi nhớ ôi day dứt
Đàn đứt dây tơ khúc đoạn trường

Ví thử Tương giang thẳm thẳm sâu
Sánh sao thương nhớ buổi ban đầu
Sông sâu còn biết đâu lòng đáy
Tơ tưởng rồi trăn trở chẳng nguôi

Kẻ bến giang đầu mộng thả trôi
Ai kia tận cuối mấy xa xôi
Gặp nhau chẳng đặng trao vào nhớ
Uống nước chung dòng một ước mơ

Dệt mộng đan mơ mộng trống không
Lỡ làng duyên kiếp cõi tơ lòng
Trái ngang ngăn cách chia đôi ngã
Phận bạc má hồng ngậm đắng cay

Năm tháng thiên thu vạn vạn sầu
Trói vào hồ dễ có quên đâu
Biết yêu chẳng trọn yêu là khổ
Gặp gỡ làm gì để biệt ly


Kim Phượng
***
Vẫn Mãi Nhớ Nhau

Hoa lá ngập nơi nơi
Dạ luống những tơi bời
Nhớ chàng nào đâu thấy
Lệ sầu mãi tuôn rơi
Giữa đêm khuya lạnh vắng
Tâm sự ngỏ cùng ai
Mênh mông mỗi chị Hằng
Hiểu nỗi lòng thiếp chăng
Nhung nhớ mãi dâng trào
Thổn thức tận lầu cao
Cung tơ giờ đứt đoạn
Như dạ này nặng đau
Sông sâu còn có đáy
Thương nhớ thật mang mang
Sông kia có thể cạn
Tình yêu khó thể lường
Cùng uống chung dòng nước
Thiếp ở Tương Giang đầu
Chàng nơi Tương Giang vỹ
Bao giờ được gặp nhau
Vào mộng chàng đâu hỡi
Tơ tình trót đậm mang
Lòng đau như ruột thắt
Tiếc gì chốn thế gian
Nếu biết tình đau khổ
Dằn dật suốt tháng ngày
Buổi đầu thôi gặp gỡ
Không phải lụy vì ai 


Quên Đi



(*)
Có một số bản ghi :

君 在 湘 江 頭
Quân tại Tương giang đầu
(Chàng ở đầu sông Tương)
我 在 湘 江 尾
Ngã tại Tương giang vỹ
(Thiếp ở cuối sông Tương)

       Chúng ta thử tìm hiểu tại sao có một số bản ghi như trên. Bản nào hợp lý hơn?

       Ông Bà Ta có câu " Nói có sách, mách có chứng ". Nên chúng tôi cố gắng đi tìm trong những Điển Xưa, Tích Cũ có trước thời Lương Ý Nương để có mọi cái nhìn tương đối chính xác và khách quan :

- Thiên Thai
       Thiên thai là tên một hòn núi thuộc huyện Thiên thai, tỉnh Chiết Giang ở Trung Hoa . Sách "Thần tiên truyện" chép: Đời Hán Minh đế, niên hiệu Vĩnh bình (58 sau DL) có hai chàng nho sĩ tên Lưu Thần và Nguyễn Triệu quê đất Diêm Khê. Gặp tiết Đoan Ngọ cũng gọi Đoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), theo tục lệ, người ta thường vào núi Thiên thai hái thuốc chữa bệnh. Hai chàng Lưu, Nguyễn cùng đi, nhưng chẳng may bị lạc, không tìm được lối về.
Vơ vẩn trong núi gần tháng trời mà không tìm được lối ra. Lương thực mang theo đã hết đành phải hái những quả đào chín mọng hai bên bờ suối hay ven chân núi để ăn đỡ đói, rồi vốc nước khe mà uống.
       Nhìn dòng nước trong núi chảy ra, hai chàng Lưu, Nguyễn thấy có những hột cơm vừng và lá rau tươi lững lờ trôi, nên đoán chắc cách chỗ người ở không xa nữa. Cả hai bèn lần mò theo đường nước chảy, vượt qua mấy ngọn núi liền mới đến đầu ngọn khe thì thấy cây cỏ xinh tươi, phong cảnh cực kỳ đẹp đẽ. Thế là hai chàng gặp hai nàng tiên Ngọc Kiều và Giáng Tiên kết nghĩa phu thê.
- Tương Phi Trúc
       Theo Huyền Thoại Cổ Trung Hoa, sau khi truyền ngôi cho vua Đại Vũ, Vua Ngu Thuấn cùng hai vợ của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh đi chu du khắp thiên hạ, chỉ dạy cho dân cách trị thủy và cách canh tác trồng trọt. Thấy hai Vợ phải chịu khổ cực trên đường thiên lý, Vua Thuấn đã để hai bà ở lại nơi bến Tiêu Tương (chỗ giao nhau của hai sông Tiêu và sông Tương) Còn Người thì tiếp tục hành trình về phương Nam. Khi đến Thương Ngô thọ bệnh và mất. Mòn mỏi chờ chồng nơi bến Tiêu Tương, đến khi được tin chồng mất. Hai Bà khóc đến nước mắt biến thành đỏ như máu rơi thấm vào trúc nơi đây, khiến trúc có vân tuyệt đẹp gọi là "Tương Phi Trúc".

       Thi Hào Nguyễn Du có bài thơ "Thương Ngô Tức Sự" nói về Điển Tích này:

Ngu đế nam tuần cánh bất hoàn
Nhị phi sái lệ trúc thành ban
...
(
Vua Ngu đi tuần phương nam chẳng trở lại.
Hai bà phi khóc, nước mắt vương vào cây trúc thành những vệt lốm đốm)
... Trên đây là hai Điển tích có trước bài thơ Trường Tương Tư của Lương Ý Nương.

- Trong "Chinh Phụ Ngâm "có câu :
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

- Trong bài thơ "Thề Non Nước" của Tản Đà :
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi, không về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
...
- Trong văn học truyền khẩu của dân gian cũng có câu: "Trâu tìm cột, cột không tìm trâu"

       Như vừa trình bày, chúng ta thấy Người Nữ luôn ở trên nguồn (tích Thiên Thai). Người Nữ chờ nơi bến Tiêu Tương (Tương Phi Trúc).

       Từ những dẫn chứng và phân tích bên trên cho chúng ta thấy: Ngã tại Tương Giang đầu ; Quân tại Tương Giang vỹ là hợp lý hơn.

- Nhưng tại sao lại xuất hiện câu "Quân tại Tương Giang đầu; Ngã tại Tương Giang vỹ" trong một số bản của ngày nay?

       Thông thường, Người Xưa làm thơ hay đưa những điển cố hay thơ cổ thời trước đó vào trong bài thơ của mình. Cũng từ suy nghĩ này, chúng tôi cố gắng tìm các tích xưa chuyện cũ để chứng minh. Nhưng cuối cùng, chỉ tìm thấy những chứng minh cho Ngã tại Tương Giang đầu ; Quân tại Tương Giang vỹ chớ không hề thấy điều nào chứng minh cho Quân tại Tương Giang đầu; Ngã tại Tương Giang vỹ. ( Có thể do hiểu biết chúng tôi có giới hạn)
Từ việc này, chúng tôi suy luận. Có thể bắt nguồn từ những nhà Nho Học (Tống Nho trở về sau), với quan niệm trọng nam khinh nữ, phụ nữ phải "Tam Tùng Tứ Đức"...Các nhà nho sau này đã sửa lại cho phù hợp với quan niệm Nho Giáo. Từ đó, thi văn ngày nay cũng dựa vào quan điểm này nên thường nói theo như "Anh ở đầu sông, em cuối sông"...


Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

LK Phượng Buồn-Thanh Sơn, Phượng Vũ, Hoài An -Trần Tuyến (Kim Phượng)


Thương tặng chị của em, những hình ảnh dễ thương, hiền dịu, ngây thơ của một thời cắp sách. 


Sáng Tác: Liên Khúc Phượng Buồn & Kỷ Niệm Nào Buồn
Nhạc Sĩ : Thanh Sơn, Phượng Vũ, Hoài An
Tiếng Hát: Trần Tuyến (Cựu Học Sinh Trường Trung Học Bán Công Nguyễn Thông - Vĩnh Long)
Hình Ảnh: Kim Phượng
Thực Hiện: Kim Oanh


Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Đêm Mới Vào Thu

 

Đêm mới vào thu, phải không em ?
Gió căm căm lạnh bước lên thềm
Trăng rất sáng mà lòng ta không sáng
Hồn ta bỗng chợt, tựa giới nghiêm

Đêm vẫn ngàn sao, đêm bao la
Ta vẫn mình ta, bên hiên nhà
Quẩn quanh, quanh quẩn, vòng nghiêm cấm
Buông thả gì đâu trong lao sa

Nếu mỗi vì sao một ngục tù
Em chuyễn giùm ta mỗi đêm thu
Để ta thăm hết từng lao thất
Của bóng hình nào đã hoang vu

Đêm đã tàn chưa ? Em . hởi em!
Thu đã già chưa ? Hay vẫn mềm ?
Ta vẫn tù đày trong mộng tưởng
Đêm thắp mùa thu, trăng đứng nghiêm 


Hoài Tử

Thu Quyến Rũ - Thơ Kim Phượng - Hương Nam Diễn Ngâm



Thơ: Kim Phượng
Diễn Ngâm: Hương Nam

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Hình Phụ Bản: Quà Đầu Thu

Cám ơn Hình phụ bản quà đầu thu của Yên Dạ Thảo, cảm tác từ thơ Úc Châu Vào Thu của Kim Phượng  



(Cám ơn Hình phụ bản quà đầu thu của Yên Dạ Thảo, cảm tác từ thơ Úc Châu Vào Thu của Kim Phượng)  

Mùa Thu đến! 
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã 
Len vào hồn băng giá kết mù sương 
Mưa nhớ ai từng giọt lệ trời tuôn 
Tâm tư khép gió luồn cơn mưa lạnh

Mới hôm nào vòng tay quanh dĩ vãng 
Đi dưới mưa tràn ngập những vấn vương 
Vị tình yêu say khướt những con đường 
Quên đau xót buồn thương hoa phượng rũ 

Trời vào Thu! 
Dáng cô phụ vùi sâu trong mưa lạnh 
Gói buồn riêng từng mảnh kiếp tha hương 
Mưa nơi đây ray rứt suốt canh trường 
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã 

Từng thu qua mỗi mùa phai sắc lá 
Đếm trên tay vàng đá mối tình gầy 
Biết bao lần kỷ niệm hãy còn đây 
Thương cảm sầu rưng rưng mưa xứ lạ

 Mùa Thu hỡi! 
Úc Châu mùa này cơn mưa kỳ lạ 
Nắng chợt lên mưa đến những bất ngờ 
Như lòng người so quá đổi thờ ơ 
Thu ỡm ờ chưa định kỳ thay sắc

Nếu có rơi xin thôi đừng vội vã 
Cứ trên cành mơ ước một nhỏ nhoi 
Và gọi người bằng tiếng nói cỏ cây 
Bằng lời cuối… 

Thơ: Kim Phượng
Trình bày: Yên Dạ Thảo


Em Dáng Xưa




 Ai vẫn âm thầm mơ dáng xưa!?
Chiều thu lối cũ gió giao mùa
Phương trời cách biệt hồn thu chết
Từ độ thu về một nỗi riêng


Lỗi hẹn đôi tim chuyện chúng mình
Chôn vùi hồi ức bụi thời gian
Ngổn ngang nhung nhớ dần phai nhạt
Tiếng khóc bạc lòng vơi đớn đau


Bước vội tìm nhau để mất nhau
Bài thơ dĩ vãng của hôm nào
Hương thu áo não tình thu chết
Mộng dệt khung sầu những tái tê


Mỗi độ thu về một nỗi riêng
Làm sao chôn chặt lấp ưu phiền
Chiều thu lối cũ còn mong mỏi!?
Thầm hỏi ai chờ em dáng xưa 


Kim Phượng

Vương Miện Lá

  

Trời đã vào thu rồi đó em
Hàng cây kiều diễm đứng im lìm
Ngỡ tà áo cũ em chợt đến
Mùa thu ngập cả đôi mắt em

Tôi nhặt mùa thu, nhặt lối xưa
Kết làm vương miện lá một mùa
Kết cả hồn tôi vừa chớm hiểu
Nét đẹp mùa thu, nét tóc lùa

Tôi đã ngượng ngùng xin em mang
Vành vương miện lá đỏ loang vàng
Tựa áo em bay màu thu ướt
Tựa hồn tôi chao đảo lâng lâng

Trên tóc em xanh thu mỹ miều
Sững sờ tôi lạc chẳng tiếng kêu
Em nhoẻn môi tươi, nàng công chúa
Tôi tựa quân hầu thuở rong rêu

Em bảo rằng sao giống trẻ con
Tôi nín câm thôi kẻ lạc hồn
Chiêm ngưỡng cao sang bằng lá úa
Bằng cả mùa thu chẳng kim cương

Trời vẫn vào thu mỗi bước đời
Tôi nhặt vu vơ kết bao lời
Kết màu thu cũ vào thu mới
Vương miện hồn tôi, chẳng lên ngôi

Trời đã vào thu nữa đó em
Tôi kết bâng quơ những nỗi niềm
Đặt vòng vương miện nằm lên cỏ
Để thấy mùa thu chết trong tim

Hoài Tử

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Chiều Hậu Giang (Xướng)

Bên sông ráng đỏ đẹp phù sa
Sóng lặng trời êm thôn xóm xa
Trôi mãi lục bình không quay lại
Bến phà đứng lặng đợi người qua
Lấp vò qua mộ thương ông Nguyễn (1)
Lưu luyến hồn ai bóng xế tà
Đế lại văn chương khuyên lũ nhỏ
Học hành cố gắng tránh phù hoa

Chân Diện Mục
(1) - Mộ cụ Nguyễn Hiến Lê ở Lấp Vò


Về Vĩnh Long

 

(Họa bài Chiều Hậu Giang của Chân Diện Mục)

Ban sớm sông Tiền bóng nguyệt sa
Sương mờ Mỹ Thuận bến đò xa
Bộ hành hối hả dồn chân bước
Xe khách vội vàng chuyển bánh qua
Đất Vĩnh quê nhà ơn cụ Giản (*)
Ngôi đền Văn Thánh (**) cảm lòng tà
Thi đàn hiếu học còn lưu dấu
Văn Các (***) đời đời dệt gấm hoa.

 
Quên Đi

(*) - Cụ Phan Thanh Giản
(**) - Văn Thánh Miếu do Kinh lược sứ Phan Thanh Giản cùng Đốc học Nguyễn Thông đề xướng và xây dựng.
(***) Văn Xương Các còn gọi là Tuỵ Văn Lâu nằm bên trong Văn Thánh Miếu.


Nhớ Về Cần Thơ



( Họa bài Chiều Hậu Giang của Chân Diện Mục) 

Bên trời sông Hậu phủ mưa sa
Nhìn lại ngày đi đã cách xa!
Thuở trước phà ngang đưa bến đợi
Bây giờ cầu dọc lắm xe qua
Đường lên Bình Thủy thương Đồ Chiểu
Xuôi xuống Cái Răng nhớ nắng tà
Vườn tược Phong Điền cây trái ngọt
Trường Phan dạy học thật tài hoa 


Song Quang 
* Ảnh phụ bản của Trương Văn Phú

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Trời Hải Ngoại



  (Họa từ bài Chiều Hậu Giang của Chân Diện Mục)

Dõi cánh chim trời giọt lệ sa
Quê hương ngàn dặm bóng mờ xa
Người xưa đã khuất còn đâu nữa
Cảnh cũ tiêu điều mấy lượt qua
Hậu thế lưu danh người nước Việt
Tiền nhân đánh đuổi kẻ gian tà
Dốc lòng nối gót người đi trước
Bén rể cây đời đã trổ hoa

Kim Phượng

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Hãy Giữ Cho Nhau



Hãy giữ cho nhau chút nắng tà
Thời gian tựa cánh khuất ngàn xa
Phải duyên tri kỷ mươi năm trước
Xoay ngược thời gian được gặp nhau

Người ở nơi nao tôi chốn nầy
Trăng đầy dần khuyết lại tròn xoay
Đường về đất mẹ ôi xa quá
Hãy giữ cho nhau chút nắng tà

Con nước Cửu Long xuôi một dòng
Ai người hờ hững bỏ dòng sông
Bao năm xứ lạ dường như đã
Quên cả tuổi đời tóc trắng bông

Thấm mát cuộc đời nước vẫn trôi
Gửi về quê cũ dạ bồi hồi
Son môi lệ thắm nhòa cay đắng
Hãy giữ cho nhau chút nắng tà


Kim Phượng

Hãy Nhớ Cho Nhau



(Từ bài thơ Hãy Giữ Cho Nhau của Kim Phượng, Australia)

Mười năm về trước ta ly biệt 
Anh ở phương nầy em cách xa 
Tri kỷ dần phai hai lối mộng 
Làm sao giữ được nắng chiều tà

Lối em đi bao mùa trăng khuyết 
Chập choạng mù khơi nắng đỉnh đầu 
Em bảo đường về xa xôi quá 
Đâu ngờ anh đợi biết bao lâu !

Trách ai hờ hững tình như đã 
Mà bỏ dòng sông của tuổi thơ 
Có lúc bạn bè về gặp gỡ 
Nhắn tin em – anh vẫn mong chờ

 Anh nghĩ tim em lạnh mất rồi 
Dù thương quê cũ dạ bồi hồi 
Son môi nhòe nhoẹt thêm cay đắng 
Trăng khuyết lại tròn nước vẫn trôi

 Ngàn năm quê cũ thôi trông ngóng 
Lạc lõng tin nhau biết mất còn 
Sương khói phủ mờ chiều nhạt nắng 
Em còn má phấn với môi son ?! 
   
Dương Hồng Thủy
(10/07/2012)

Ngây Thơ - Thơ Kim Phượng - Hương Nam Diễn Ngâm



Gió vô tình
thả cánh Phượng tươi
Nhặt hoa rơi vang tiếng em cười
Lung linh nắng ấm đầm đầm sắc
Thêm nhiều cánh nữa rơi tả tơi


Ngây thơ
đem ép vào cuối vở
Hoa khơi mào thảo bút
mực dần vơi
Phượng sắc máu loài hoa chia ly
Sân trường vắng bóng
Người đã đi!?
 
Gió lại đến gió từ phương xa
Lay lay nhè nhẹ những chòm hoa
Dư âm não nuột ve oằn tiếng
Lòng rối…
Hoa ơi!
Nói chẳng đủ lời
Mượn thơ trao tình nào ai hiểu?
Ghi vào lưu bút một tiếng 
Yêu!

22/2/09

Thơ: Kim Phượng
Diễn Ngâm: Hương Nam

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Thương Hoài Ngàn Năm

 

Để hoá giải câu " Tình đầu là tình cuối người ơi "
Bác tặng Cháu bài thơ nầy
 

Tình đầu là tình cuối người ơi
Xưa nay thành bại cũng do Trời
Người không cầu sao mà lại được
Kẻ mong chờ chỉ hoài công thôi
Tình thủy chung là tình bất diệt
Nghĩa keo sơn vàng đá khôn rời
Mái ấm duyên ưa tình thắm lại
Ngàn năm thương hoài trọn kiếp không vơi


Bác Thân

Úc Châu Vào Thu


Mùa Thu đến! 
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã 
Len vào hồn băng giá kết mù sương 
Mưa nhớ ai từng giọt lệ trời tuôn 
Tâm tư khép gió luồn cơn mưa lạnh

Mới hôm nào vòng tay quanh dĩ vãng 
Đi dưới mưa tràn ngập những vấn vương 
Vị tình yêu say khướt những con đường 
Quên đau xót buồn thương hoa phượng rũ 

Trời vào Thu! 
Dáng cô phụ vùi sâu trong mưa lạnh 
Gói buồn riêng từng mảnh kiếp tha hương 
Mưa nơi đây ray rứt suốt canh trường 
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã 

Từng thu qua mỗi mùa phai sắc lá 
Đếm trên tay vàng đá mối tình gầy 
Biết bao lần kỷ niệm hãy còn đây 
Thương cảm sầu rưng rưng mưa xứ lạ

 Mùa Thu hỡi! 
Úc Châu mùa này cơn mưa kỳ lạ 
Nắng chợt lên mưa đến những bất ngờ 
Như lòng người so quá đổi thờ ơ 
Thu ỡm ờ chưa định kỳ thay sắc

Nếu có rơi xin thôi đừng vội vã 
Cứ trên cành mơ ước một nhỏ nhoi 
Và gọi người bằng tiếng nói cỏ cây 
Bằng lời cuối… 

Kim Phượng